Monday, February 4, 2019

Sau đúng 60 năm, đọc lại bài thơ trừ tịch của Đặng Đức Siêu và Đông Hồ


DÀNH 40 NĂM ĐỂ BỔ KHUYẾT HAI CÂU THƠ

Đúng 60 năm trước, nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 1959, trong một bài viết mang nhan đề ”Manh áo vá trên vai nàng Thơ,” đăng trên Bách Khoa số 50 đề ngày 1 tháng 2 năm 1959, thi sĩ Đông Hồ giới thiệu một bài thơ trừ tịch của Đặng Đức Siêu. Theo Đông Hồ, ông “chưa được thấy có bài thơ nào đến đúng với tâm hồn đêm giao thừa bằng bài thơ này.” Nhà thơ đất Hà Tiên cho rằng bài thơ của Đặng Đức Siêu “vừa bình tĩnh trang trọng, vừa lịch sự tao nhã.”
Điều đáng chú ý là từ khi thi sĩ Đông Hồ được đọc bài thơ ấy lần đầu giữa đêm giao thừa năm Kỷ Mùi 1919 trên tạp chí Nam Phong số 17, phát hành tháng 11 năm 1918, bài thơ (nguyên là một bài Đường luật bát cú với 8 câu) chỉ còn có 6 câu. Hai câu 5-6 đã bị thất truyền:
       Tháng lụn năm cùng sự chẳng cùng
       Nửa đêm xuân lại nửa đêm đông
       Chi lan tiệc cũ hương man mác
       Đào lý vườn xưa tuyết lạnh lùng
       …………………………………
       ………………………………....
       Gà kêu pháo nổ năm canh trót
       Mừng cội mai già gặp chúa đông.

Thi sĩ Đông Hồ cho biết kể từ năm ấy (Kỷ Mùi 1919), giao thừa nào ông cũng băn khoăn suy nghĩ đến hai câu thơ bị thiếu và tìm cách bổ khuyết. “Đã ngót bốn mươi năm nay, mỗi bận giao thừa là mỗi bận băn khoăn nghĩ vá cho xong tấm áo của nàng Thơ họ Đặng.” Sau gần 40 năm suy ngẫm, mãi đến Xuân Kỷ Hợi 1959 và qua tạp chí Bách Khoa ở Sàigòn, Đông Hồ mới công bố hai câu thơ ông nghĩ ra để tạm điền vào chỗ khuyết:

       Đất có bâng khuâng chờ hội ngộ
       Trời như thao thức đợi tao phùng.

Nhà thơ đất Hà Tiên hỏi độc giả, “Bạn đã thấy chưa? Lòng Đất bâng khuâng, ý Trời thao thức đó”
rồi viết thêm:

“Đất mong hội ngộ, Trời đợi tao phùng, thì tinh tú núi sông đừng ngủ giữa đêm nay, phải thao thức cả, để chứng kiến cho Năm Tháng giao mùa.
“Ánh thiều quang rực rỡ, vầng húc nhật chói chang khai vận mới, đã mở đầu ngày nguyên đán huy hoàng.
“Trên cành già cỗi, bông hoa mai đã điểm nụ hồn nhiên, là nụ cười của lòng xuân vạn vật hòa đồng với lòng xuân vũ trụ:
       Mừng cội mai già gặp chúa đông.”

Xin chép lại toàn thể bài thơ của Đặng Đức Siêu với hai câu 5-6 thất truyền được thi sĩ Đông Hồ tạm bổ khuyết:
       Tháng lụn năm cùng sự chẳng cùng
       Nửa đêm xuân lại nửa đêm đông
       Chi lan tiệc cũ hương man mác
       Đào lý vườn xưa tuyết lạnh lùng
*Đất có bâng khuâng chờ hội ngộ
       *Trời như thao thức đợi tao phùng
       Gà kêu pháo nổ năm canh trót
       Mừng cội mai già gặp chúa đông. ¹

(Mang dấu hoa thị * là hai câu thơ của thi sĩ Đông Hồ).

ĐẶNG ĐỨC SIÊU ĐÃ VIẾT “CỘI MAI” HAY “TƯỢNG MAI”?

Thi sĩ Đông Hồ cho biết ông đọc thấy bài thơ ấy trên tạp chí Nam Phong số 17, phát hành tháng 11 năm 1918. Qua một bộ DVD cho Nam Phong do những người nặng lòng với văn hóa Việt đang sống ở hải ngoại sưu tầm và thực hiện, chúng tôi tìm được bài thơ ấy ở trang 286 của Nam Phong số 17, trong mục “Nam âm thi thoại” do Chương Dân phụ trách. Chương Dân là một trong những bút hiệu của nhà cựu học Phan Khôi (1887-1959).


Cụ Phan Khôi đã viết như sau:

“Ông Đặng Đức Siêu là một vị công thần có danh tiếng ở triều vua Thế tổ. Lúc ngài còn hàn vi, có bài thơ trừ-tịch rằng:

       Tháng lụn năm cùng sự chẳng cùng,
       Nửa đêm xuân, lại nửa đêm đông.
       Chi lan tiệc cũ hương man-mát (sic)
       Đào lý vường xuân (sic) tuyết lạnh-lùng.
       ………………………………………
       ………………………………………(2)
       Gà kêu pháo nổ năm canh trót,
       Mừng tượng mai đà (sic) gặp chúa đông.

“Các bậc tiền bối luận bài thơ ấy cho câu kết là có khí tượng…”

Ở chỗ hai câu thơ bị thiếu có đánh số (2), cho biết sẽ có một lời chú thích. Tác giả viết lời chú ấy ở cuối trang, “Mất một câu ngũ lục, xin ai biết thì bảo cho” ². 

Không kể hai chỗ sai chính tả chắc do lỗi ấn công: man mát // man mác, và vường // vườn, bài thơ trên có hai chỗ khác với bài thơ được Đông Hồ cho in lại trên tạp chí Bách Khoa:
--Câu 4: Đào lý vường xuân // Đào lý vườn xưa
--Câu 8: Mừng tượng mai đà gặp chúa đông // Mừng cội mai già gặp chúa đông.

Trong câu 4, chữ “xuân” có lẽ là sai, vì chữ ấy đã được dùng trong câu 2 (“Nửa đêm xuân lại nửa đêm đông”). Trừ những trường hợp tác giả cố tình nhắc lại với dụng ý nhấn mạnh, thông thường ra trong một bài thơ Đường luật, mỗi chữ không được dùng hai lần. Thêm vào đó, để đối với “tiệc cũ” trong câu 3, chữ “vườn xưa” trong bản do Đông Hồ đưa in trên Bách Khoa thích hợp hơn là “vườn xuân” (chi lan tiệc cũ//đào lý vườn xưa).

Riêng câu 8 trong bản do Phan Khôi đưa ra trên tạp chí Nam Phong có một điểm đáng cho chúng ta suy nghĩ:
       Mừng tượng mai đà gặp chúa đông.

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta: Nhà thơ Đông Hồ cho in trên Bách Khoa là “cội mai,” trong khi thực ra nhà cựu học Phan Khôi đã viết  “tượng mai” khi phổ biến bài thơ lần đầu trên tạp chí Nam Phong số 17. Vậy chữ nào đúng với ý của tác giả Đặng Đức Siêu hơn?

Trong Văn Đàn Bảo Giám, quyển I, trang 19 cũng có bài thơ ấy. Câu 8 được in với chữ “tưởng mai”:


Văn Đàn Bảo Giám là một tuyển tập thơ Việt Nam do Trần Trung Viên sao lục, xuất bản lần đầu ở Hà Nội năm 1926. Tuyển tập này được nhiều thi nhân và nhân sĩ, trí thức có danh tiếng hưởng ứng và hỗ trợ: Á Nam Trần Tuấn Khải duyệt lại, Tuyết Huy Dương Bá Trạc viết lời tựa. Đến năm 1934 có thêm lời tựa của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Tại Miền Nam, bộ sách được Mặc Lâm Thư Xã tái bản năm 1968 với sự hiệu chính của Hư Chu. Số trang được ghi phía trên từ bản in của Mặc Lâm Thư Xã. Trừ chữ “vường” đã được sửa thành “vườn” trong câu 4 và chữ “tưởng” trong câu 8, lời thơ trong bản này giống hệt lời của bản đăng trên Nam Phong số 17. Trong câu 4: “vườn xuân.” Trong câu 8: “Mừng tưởng mai đà gặp chúa Đông” ³.

So sánh chữ “tưởng” trong bản trên Văn Đàn Bảo Giám và chữ “tượng” trong bản do cụ Phan Khôi đưa ra trên Nam Phong, chúng tôi thiết nghĩ chữ “tượng” có lẽ đúng hơn. Trước hết, nhiều phần khi sưu tập tài liệu để biên soạn Văn Đàn Bảo Giám (được in năm 1926), Trần Trung Viên đã lấy bài thơ ấy từ Nam Phong (in năm 1918). Thứ hai, “tượng” là một từ hơi cổ, được Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cắt nghĩa là “hình trạng hiển hiện ra.” Muốn hiểu đúng ý Đặng Đức Siêu, thiết nghĩ chúng ta cũng nên ôn lại cuộc đời của ông.

Đặng Đức Siêu (1751-1810) là người Bồng Sơn, Bình Định. Sau khi đỗ Hương tiến (Cử nhân) năm 16 tuổi, ông được chúa Nguyễn (Định vương Nguyễn Phúc Thuần) bổ làm việc ở viện Hàn lâm tại Phú Xuân. Sau khi quân Trịnh chiếm Phú Xuân và Định vương phải chạy vào Nam, ông về ở ẩn. Nghe tiếng ông, chúa Trịnh và Tây Sơn lần lượt sai người vời ông ra làm quan nhưng ông đều từ chối. Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1798), nhận lời triệu mời của Nguyễn vương Phúc Ánh (cháu gọi Định vương bằng chú ruột), ông vào Gia Định giúp Nguyễn vương khôi phục cơ nghiệp. Sau khi trình bày một số mưu lược đánh Tây Sơn, ông được Nguyễn vương khen ngợi và phong làm Trung quân Tham mưu. Kể từ đó, ông thường bàn bạc việc quân với chúa Nguyễn (sau thành vua Gia Long) và các tướng. Nhiều phần Đặng Đức Siêu đã làm bài thơ ấy sau khi vào Nam giúp Nguyễn vương năm Mậu Ngọ 1798.

Qua hai câu 3-4, chúng ta thấy ông nhớ quê và ôn lại những kỷ niệm ở quê trước kia:

       Chi lan tiệc cũ hương man mác
       Đào lý vườn xưa tuyết lạnh lùng.

Ông coi việc được Nguyễn vương biết tới, cho người về tận quê triệu vào Nam giúp sức, rồi sau khi tới nơi được tin cậy, phong ngay làm “Trung quân tham mưu,” là một biểu tượng tốt, không khác gì hoa mai, một loại hoa thanh khiết, đã gặp được vị chúa đến từ phương Đông (tiếng Hán Việt là “Đông quân”), vị chúa của mùa xuân:
       Mừng tượng mai đà gặp chúa đông.
(Trong văn hóa Á Đông xưa, phương Đông thuộc hành Mộc, tượng trưng cho mùa xuân, phương Nam thuộc hành Hỏa, tiêu biểu cho mùa hạ, phương Tây thuộc hành Kim, tiêu biểu cho mùa thu, phương Bắc thuộc hành Thủy, tượng trưng cho mùa đông).
Chữ “tượng” ở đây có nghĩa “hình trạng hiển hiện ra” như lời giải thích trong tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức. Có lẽ “mừng cái hiện tượng hoa mai đã gặp Chúa Xuân” là điều Đặng Đức Siêu muốn nói. Khi vào Nam giúp Nguyễn vương năm 1798 ông mới 47 tuổi, đang tích cực trong nhiệm vụ giúp chúa Nguyễn khôi phục cơ nghiệp, chưa ở trạng thái tâm lý để tự ví với “cội mai già.”
Tuy nhiên, ý nghĩa trên có lẽ chỉ thích hợp với Đặng Đức Siêu mà thôi. Ông là một nhân vật lịch sử, một trong những “khai quốc công thần” của vua Gia Long, về sau được nhà vua cử làm Lễ bộ Thượng thư, vua Minh Mạng truy phong làm “Vinh lộc Đại phu, Trụ quốc Thiếu sư Hiệp tá Đại học sĩ,” và được thờ trong “Trung hưng Công thần miếu.”  Cuộc đời ông được chép trong Đại Nam Liệt Truyện .  Không phải ai cũng làm được như ông.
Tuy không nói ra, chỉ nhận là đã bổ khuyết hai câu thơ thất truyền, nhà thơ Đông Hồ đã đổi “mừng tượng mai đà gặp chúa đông” thành một câu tức cảnh “mừng cội mai già gặp chúa đông,” có lẽ để ý thơ gần với những người trung bình như chúng ta hơn. Ông tỏ ra đặc biệt thích câu ấy, và đã vẽ một bức tranh, lấy câu thơ ấy làm lời đề từ.



Nói tóm lại, trung thành với nguyên tác, chúng ta nên coi:
Mừng tượng mai đà gặp chúa đông
là câu thơ nguyên thủy của Đặng Đức Siêu.
Nhưng chúng ta có quyền thích câu thơ sau khi được Đông Hồ đổi lại vì câu ấy dễ hiểu, không dùng những từ khá cũ, và gần với tâm trạng chúng ta hơn:
Mừng cội mai già gặp chúa đông.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tạp chí Bách Khoa, cũng như hầu hết sách báo xuất bản ở Miền Nam trước ngày ấy bị xếp vào loại “văn hóa đồi trụy.” Một người bạn của người viết những dòng này phải cho tất cả sưu tập Bách Khoa của mình vào một thùng phuy  rồi nước mắt ròng ròng, châm lửa đốt. Nhờ sự tận lực của một nhóm thân hữu liên quan đến tạp chí điện tử Diễn Đàn Thế Kỷ, với sự trợ giúp của một số bạn mới ở cả trong lẫn ngoài nước, toàn bộ sưu tập Bách Khoa đã được phục hồi. Chúng ta có thể đọc lại toàn thể bài viết của thi sĩ Đông Hồ cùng bài thơ được ông bổ khuyết và giới thiệu năm 1959, đúng 60 năm trước. 
THỬ TRÌNH BÀY BÀI THƠ DƯỚI DẠNG CHỮ NÔM
Đặng Đức Siêu (1751-1810) là một nho sĩ sống nửa sau thế kỷ 18 và mười năm đầu của thế kỷ 19. Nhiều phần ông không dùng chữ quốc ngữ, nhưng đã dùng chữ Hán và Nôm để ghi lại các tác phẩm của ông. Khi phổ biến bài thơ trên tạp chí Nam Phong số 17, nhà cựu học Phan Khôi cũng chỉ viết ra bằng chữ quốc ngữ chứ không cung cấp một bản chữ Nôm nào. Để kỷ niệm 100 năm ngày bài thơ được thế hệ chúng ta biết đến, cũng là 60 năm ngày nhà thơ Đông Hồ “trình làng” hai câu bổ khuyết, chúng ta thử viết lại bài thơ bằng thứ chữ của thời Đặng Đức Siêu: chữ Nôm.


 Đây là một việc làm chưa ở mức hoàn hảo vì cách viết chữ Nôm thời trước không thống nhất (một âm Nôm có thể viết ra theo nhiều cách khác nhau). Chưa chắc những chữ Nôm chúng tôi đưa ra phía trên là những chữ Nôm Đặng Đức Siêu đã dùng. Thử trình bày bài thơ dưới dạng chữ Nôm, chúng tôi chỉ muốn giới thiệu một cách khái quát chữ viết của tiền nhân tới các bạn trẻ. Trong khi chưa tìm được nguyên tác bài thơ của Đặng Đức Siêu, chúng tôi tạm dùng bản chữ quốc ngữ trong bài viết của nhà cựu học Phan Khôi, cùng hai câu bổ khuyết của thi sĩ Đông Hồ, rồi vận dụng những chữ Nôm tìm thấy trong các bản Truyện Kiều được phổ biến cuối thế kỷ 19, sau Đặng Đức Siêu không xa. Với những chữ Nôm không xuất hiện trong Truyện Kiều, chúng tôi tạm dùng chữ trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản tại Sàigòn năm 1895-96.

                                                              Trần Từ Mai
Ghi chú:
1.  Bách Khoa số 50 (số đặc biệt Xuân Kỷ Hợi, ra ngày 1 tháng 2 năm 1959), trang 40-48.
2.  Nam Phong số 17 (tháng 11 năm 1918), trang 286.
3.  Văn Đàn Bảo Giám, Trần Trung Viên sưu tập, Hư Chu hiệu chính (Sàigòn : Mặc Lâm, 1968), Q. I, trang 19-20.
4.  Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện : sơ tập (Huế : NXB Thuận Hóa, 1993), trang 173-179.