Friday, May 17, 2024

Trịnh Y Thư: Cảm nhận nhân đọc “thơ ngắn đỗ nghê”

  


thơ ngắn đỗ nghê, ĐỖ NGHÊ (ĐỖ HỒNG NGỌC), NXB Văn Hóa-Văn Nghệ TP.HCM, 2018.

  1.

 Tôi thích đọc “thơ ngắn” của Đỗ Nghê. Những bài thơ “ý tại ngôn ngoại,” đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc đều nhận ra thêm một cái gì mới, khác, mở ra những chiều kích bát ngát hương thơm. Hãy giở trang đầu tiên của tập thơ, bài Trái đất, cả bài thơ chỉ có vẻn vẹn sáu từ:

 

Giữa đêm

Thức giấc

Giữa ngày…

        Boston, 1993

 Từ chìa khóa để hiểu bài thơ là “Boston,” mặc dù nó chỉ là phụ chú cho bài thơ. Giữa đêm thức giấc, bên kia nửa vòng trái đất là giữa ngày, chợt bàng hoàng tỉnh giấc, thao thức nỗi nhớ nhà, chợt thấy cô đơn, ôm nỗi sầu vạn cổ, thấy cái tôi bé nhỏ không một chút trọng lượng lọt thỏm giữa vũ trụ bao la.

    Tứ thơ cô đúc, được nén chặt đến cực độ trong sáu từ, đột ngột phóng ra như một tia chớp lóe, để người đọc mặc tình buông ra từ trí tưởng của mình những cảm xúc bát ngát diệu kỳ.

    Trên bước đường lữ thứ của cuộc hành trình đời người, chúng ta ắt hẳn phải có lúc cảm thấy cùng một tâm trạng với bài thơ. Bài thơ chỉ có sáu từ sao lại có sức mạnh truyền tải cảm xúc mạnh mẽ đến thế!

    Ý thức rất rõ về sự hữu hạn của vật thể hữu hình và tính vô thường của kiếp nhân sinh, thơ Đỗ Nghê chuyển hóa bi kịch đời sống thành những cung bậc cảm xúc đẹp buồn, trữ tình. Những dấu vết của đau thương, tan rã, chia lìa gần như được xóa nhòa để cái đẹp – dù là cái đẹp bi ai – thăng hoa thành nghệ thuật, và sau cùng đạt đến cõi như nhiên, tĩnh tại.

    Từ nỗi đau xót như nhát dao cứa sâu vào da thịt:

 Mỗi năm

Mỗi người

Thêm một tuổi

Chỉ mình con

Mãi mãi

Tuổi đôi mươi…

(La Ngà 3)

 Nỗi đau xót ấy, như được sưởi ấm bằng những đốm lửa yêu thương, biến thành nỗi buồn man mác nhưng dịu ngọt:

 Con cài bông hoa trắng

Dành cho mẹ đóa hồng

Mẹ nhớ gài lên ngực

Ngoại chờ bên kia sông…

(Bông hồng cho mẹ)

 Những câu thơ đẹp, vì được kết tinh một cách ưu ái và trang trọng từ trái tim, từ trái tim người làm thơ sang thẳng trái tim người đọc, không cần qua một lăng kính hay một bộ phận chắt lọc nào. Nếu những cụm từ như “bông hoa trắng,” “đóa hồng” được dùng như một hoán dụ, thì hoán dụ ấy cũng chẳng thể ngăn cản cảm xúc dạt dào dâng lên như sóng vỗ tràn bờ. Thực chất, thơ Đỗ Nghê ít sử dụng ẩn dụ hoặc hoán dụ, mà phần nhiều là những câu nói (vâng, thơ là tiếng nói, tiếng nói tinh tuyền nhất) rất đơn sơ, rất thật và rất đậm tính người.

    Có gì “người” hơn những câu thơ này?

 Mùa xuân mừng tuổi thơm tho áo

Nắng cũng vàng phai ngày cũng xa

Anh thương nhớ quá làm sao nói

Gọi tên em vang động gốc cây già…

(Quê nhà)

 Nó là tiếng kêu của muôn loài sống trên mặt đất, tiếng chim gọi nhau buổi ngày nắng tắt trên đầu non, tiếng kêu trầm thống của loài cá voi dưới mặt nước đại dương sâu thẳm. Nó là chất keo sơn giữ cho cuộc sống này bền chặt. Không có nó, thế giới vỡ tung mất thôi, và có vẻ như nó đang vỡ thật. Một mai nếu để mất nó, chúng ta sẽ rơi vào hố thẳm tuyệt vọng, vô phương cứu vãn, và linh hồn chúng ta sẽ mãi mãi trầm luân trong cõi huyền tẫn mịt mù, không ai có thể chuộc tội cho chúng ta, ngay cả người đóng đinh trên núi Sọ.

    Vâng, tôi xin bắt chước nhà thơ, ngày xuân “gọi tên em vang động gốc cây già.”

 

 2.

 “Nước”, “sóng”, “sông”, “biển” là những thi ảnh xuất hiện nhiều trong thơ Đỗ Nghê. Trong bài thơ Nước – gồm 20 câu, một trong những bài thơ dài toàn tập thơ – thi sĩ vẽ hành trình của nước len lỏi qua nghìn dặm nẻo đường núi non sông lạch, thậm chí “từ cơn gió thoảng, từ làn mây trôi,” chỉ để bâng khuâng buông ra một suy nghiệm có tính siêu hình:

 Nước vẫn muôn đời

Không đi chẳng đến

Ai người nỡ hỏi

Nước đến từ đâu?

Ai người nỡ hỏi

Nước trôi về đâu?...

 Nước, trong ngữ cảnh bài thơ, là một hoán dụ ám chỉ khái niệm Duyên khởi và tính Không trong Phật giáo. Nước “không đi chẳng đến,” phải chăng ám chỉ khái niệm “vô thỉ vô chung” vốn chủ yếu liên quan đến sự hiểu biết về thời gian, sự tồn tại và quan hệ nhân quả.

    Duyên khởi khẳng định rằng mọi hiện tượng phát sinh đều phụ thuộc vào các hiện tượng khác. Nó mô tả một chuỗi nhân quả, trong đó mỗi mắt xích phụ thuộc vào mắt xích trước đó, dẫn đến sự phát sinh của các hiện tượng tiếp theo. Theo quan điểm này, không có điểm bắt đầu hay điểm kết thúc biệt lập, độc lập đối với bất cứ điều gì trong chu kỳ tồn tại. Mọi thứ đều có mối liên hệ với nhau và phụ thuộc lẫn nhau.

    Còn khái niệm tính Không thì nhấn mạnh đến sự thiếu vắng của bản chất nội tại cố hữu của sự vật. Sự vật không có sự tồn tại cố hữu. Sự tồn tại của chúng phụ thuộc vào các yếu tố khác. Do đó, khởi đầu hay kết thúc của tồn tại trở nên vô nghĩa. Thay vào đó, sự tồn tại trải qua vô tận các chu kỳ lặp đi lặp lại gồm có sáng tạo, hủy diệt và tái sinh (mà ta gọi là luân hồi). Trong những chu kỳ này, không có điểm bắt đầu hay điểm kết thúc cuối cùng.

    Nó chính là “nước” của Đỗ Nghê: Không đi chẳng đến.

    Theo Tứ Diệu Đế, khổ đau là cố hữu do tham ái và vô minh. Tái sinh được xem là sự tiếp nối của vòng đau khổ này cho đến khi người ta đạt được giải thoát (niết bàn). Theo nghĩa này, tồn tại được xem là không có khởi đầu, với khả năng giải thoát đánh dấu sự kết thúc của vòng tái sinh.

    Hiểu được bản chất của “nước” là hiểu được chu kỳ của tồn tại, là hiểu được con đường dẫn ta đến giải thoát. Tôi đồ nhà thơ Đỗ Nghê chỉ muốn nói có bấy nhiêu. Một điều vô cùng giản dị mà sao chẳng mấy ai thực hiện nổi!

    Khái niệm “Sắc tức thị không, Không tức thị sắc” còn được thi sĩ nhắc lại trong bài thơ Có không:

 Tràn vào khắp ngả

Đất trời mênh mông

Nhẹ như không có

Có mà như không…

 Thơ Đỗ Nghê thấm đẫm mùi Thiền, rất nhiều bài trong tập thơ mang phong vị Thiền học, nhưng nó là cái Thiền giúp ta thong dong đi vào phố chợ, nhập cuộc trần ai, mà lòng an nhiên như đang thảnh thơi dạo bước trên con đường mòn giữa cánh đồng hoa lá:

 Duyên sinh vô ngã

Ngũ uẩn giai không

Từ đó thong dong

Thõng tay vào chợ…

(Vè thiền tập)

 Bởi thi sĩ hiểu rõ chân lý sinh diệt của vũ trụ tuần hoàn, từ cát bụi, ta là ta hôm nay, ta là “đất động” hay “sóng thần,” nhưng rồi một ngày nào đó không xa, ta lại trở về cát bụi:

 Đất động ta cũng động

Sóng thần ta cũng sóng

Giật mình chợt nhớ ra

Vốn xưa ta là đất…

(Đất)

 

3.

 Một người làm thơ trữ tình như Đỗ Nghê ắt hẳn không thể nào dửng dưng với mảnh đất quê hương mình. Quê hương ông là biển, là sông, là hồ, là cát, là cây, là đá, tất cả hòa quyện trầm mặc trong thơ. Các địa danh xa lạ với nhiều người nhưng thân thương với thi nhân, như hòn Bà, đá Ngãnh, được đem vào thơ, tái hiện hoài hoài trong những giấc mơ, hay một ký ức không thể bào mòn.

    Tôi đặc biệt yêu thích bài Hội An sớm:

 Hội An còn ngái ngủ

Mái chùa ôm vầng trăng

Giật mình nghe tiếng chổi

Gà gáy vàng trong sương…

 Như một khúc Đường thi. Thi ảnh, tuy cổ điển, nhưng đẹp não nùng. Và, chao ơi, tiếng chổi. Sao lại tiếng chổi từ trong sân chùa một cách mơ hồ vọng ra? Sao không là tiếng tụng kinh, tiếng chuông, tiếng mõ vào buổi sớm? Chính sự bất ngờ ấy đánh động tâm hồn khiến thi nhân giật mình, đã làm tăng thú vị khi đọc bài thơ. Bất ngờ hơn chuyện ông Trương Kế lúc từ Phong Kiều bước xuống thuyền nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn vọng lại. Bài thơ của Đỗ Nghê là bức tranh hiện thực được vẽ bằng bốn câu thơ năm chữ.

    Và tiếng gà. À, thì ra ngôi chùa chẳng ở đâu xa mà nằm gần kề một thôn xóm quê nghèo. Nó cho ta cảm giác ám áp, gần gũi, thân thương. Cụm từ “vàng trong sương” là một thủ pháp tu từ mỹ học. Ở đây nó là điểm nhấn như điểm nhấn trong hội họa, để từ đó người đọc thơ có thể vin vào, đoạn phóng chiếu ra tổng thể một cảnh tượng lung linh bóng hình thật đẹp, gồm có cả hình ảnh lẫn ảo ảnh. Hình ảnh là ánh tinh quang nhạt nhòa trong sương sớm. Ảo ảnh là một thôn làng xa xôi rơi rớt trong mớ ký ức ngổn ngang buồn nhớ.

    Ngôi chùa ở Hội An của Đỗ Nghê thân quen, gần gũi trong một tâm trạng cảm hoài nhưng một tâm thế u tĩnh, yên bình. Ngôi chùa Hàn Sơn của Trương Kế thì xa lạ, trống vắng trong một cảm giác bất an, mông lung, thậm chí bồn chồn, hoang mang, lạc lõng.

  4.

 Tình yêu là đề tài muôn thuở trong thơ của gần như mọi thi sĩ đông tây kim cổ. Tình yêu trong thơ Đỗ Nghê là một thứ tình yêu đằm thắm, nhẹ nhàng. Bạn đừng tìm kiếm những tứ thơ nồng cháy nóng bỏng, khốc liệt trong thơ ông. Ngôn ngữ tình yêu là những nét chấm phá thi vị. Và ý nhị, thâm trầm:

 Cảm ơn em sợi bạc

Cảm ơn em sợi hung

Cảm ơn em năm tháng

Đã theo già cùng anh.

(Theo già)

 Hay:

 Lá chín vàng lá rụng về cội

Em chín vàng chắc rụng về anh…

(Lá)

 Tôi thích những vần thơ tình nhẹ nhàng của Đỗ Nghê, bởi dù trong xa vắng, tình yêu của thi sĩ vẫn đẹp. Tháng năm trôi qua, đôi khi chạnh lòng nhớ lại kèm theo một chút bùi ngùi thương nhớ:

 Hoa vàng đã rụng đầy sân vắng

Tình cũng ngùi phai theo tháng năm…

(Cố nhân)

 Lòng còn vương vấn dù thời gian dâu biển bao mùa đã qua. Chẳng còn gì để nhớ, để thương… Không, hình như vẫn còn… Và chỉ chừng đó thôi đã đủ cho “ta” bồi hồi sung sướng:

 Trái thông khô rớt vèo chiều tím

May mà còn ánh mắt dao cau…

(Tím)

 Hình ảnh “bạo liệt” nhất trong thơ Đỗ Nghê là bài sau:

 Anh đọc bài thơ tình

Em ngồi nghe lặng thinh

Anh đọc thêm bài nữa

Em vẫn ngồi lặng thinh

Anh buồn không đọc nữa

Em chồm lên hôn anh

Như dổ dầu vào lửa…

(Thơ tình)

 Và, không kém quan trọng, tình yêu trong thơ Đỗ Nghê bao giờ cũng hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước, với biển, cát, sóng, trời. Trái tim của thi nhân có đủ chỗ cho cả em lẫn biển:

 Anh… ngoằn ngoèo trên cát

Không ngờ mà hóa tên em

Biển xanh nắng vàng sóng bạc

Không ngờ cùng kéo đến xem…

 Tình yêu trong thơ Đỗ Nghê là thứ tình yêu phổ quát, đẹp muôn đời, đáng ca tụng mãi mãi, thế hệ nào cũng có thể liên kết cá thể mình vào được. Ngôn ngữ ca ngợi tình yêu của thi sĩ giản dị, chân thành, biểu hiệu một tấm lòng thương quý dành cho món quà quý giá nhất Thượng đế ban cho loài người. Một món quà như thế mà hình như chúng ta đang đánh mất nó, đang để nó vuột khỏi tầm tay. Một mai không còn tình yêu nữa, chúng ta sống vô cảm, vô tính như một robot AI hay một con người văn minh, chỉ biết có khoái lạc nhục dục và soma gây mê, như Aldous Huxley miêu tả trong cuốn tiểu thuyết Brave New World của ông, thì liệu lúc đó con người có còn là con người nữa không? Đọc thơ tình Đỗ Nghê để giữ gìn, trân quý món quà Trời cho đó, xin bạn đừng bao giờ đánh mất.

 5.

 Ngôn ngữ thơ của Đỗ Nghê, nói chung, mang phong cách truyền thống, trữ tình. Cấu trúc và thi pháp cổ điển. Bởi thế, nhạc tính và cú điệu trong thơ du dương, trầm lắng.  Đêm trên biển Lagi là một bài thơ với niêm luật chỉn chu theo đúng tinh thần Đường thi. Ông không tìm kiếm sự cách tân trong thơ mình. Kỹ thuật được ưa chuộng bởi các nhà thơ cách tân, như thủ pháp đặt cặp phạm trù/ thi ảnh tréo ngoe liền kề, không hề thấy trong suốt thi tập. Chữ nghĩa ông thâm trầm, dung dị. Ông không nệ chữ, không chuộng sử dụng những từ lạ, hoa mỹ, không vắt dòng vô cớ, không tra tấn người đọc bằng những ký hiệu rối rắm, ngớ ngẩn. Nhưng chữ nghĩa của ông là thứ chữ nghĩa có trọng lượng và buộc người đọc thơ phải suy ngẫm, liên tưởng, để trèo từ tầng chữ nghĩa lên tầng cảm xúc của thơ, để khám phá, để đắm chìm vào những khung trời, trong đó tâm hồn mình được vuốt ve, yên ủi.

    Tuy vậy, đó không phải loại thơ “khẩu khí” vốn đè nặng thi ca Việt Nam suốt mấy trăm năm qua và phần nào tiếp diễn cho đến ngày hôm nay. Thơ ông là tiếng nói, tiếng nói thầm thì nhưng trong veo và có sức mạnh chuyển tải cảm xúc, biểu hiệu cho một tâm hồn thơ giàu suy cảm.

    Có thể có kẻ thấy thiếu vắng một ý thức lịch sử, xã hội hay chính trị trong thơ Đỗ Nghê, thiếu cả những thao thức, khao khát nội tâm, do đó, họ biện biệt, thơ thiếu chất sống, không tiếp cận với đời sống con người, thân phận con người, vốn là cơ bản cho tất cả các thao tác văn học nói chung, thơ nói riêng.

    Tôi phản bác lập luận này. Đồng ý, thơ phải có một “đời sống thơ,” nhưng đời sống ấy không phải sinh ra để gồng gánh những trọng trách như minh họa kỷ nguyên lịch sử, miêu tả xã hội, bảo vệ ý thức hệ – dù là một ý thức hệ tốt đẹp – như Milan Kundera từng phát biểu nhiều lần. Mượn lời Kundera, tôi có thể nói là, thay vào đó, thơ tự cho nó một nhiệm vụ nói lên những điều “chỉ thơ mới nói được.” Ngôi nhà chữ nghĩa của thơ vốn ảo diệu, khó vào, thông thường chỉ mở lối cho người đọc thơ đi vào bằng con đường trực cảm hoặc linh cảm, thậm chí thần cảm. Khoác chiếc áo sứ mệnh nặng khôn kham lên thơ chỉ làm thơ thêm tội nghiệp và giết chết thơ.

    Ý thức rất rõ về điều đó, nhà thơ Đỗ Nghê đã không khoác chiếc áo sứ mệnh lên thơ mình.

    Nhưng “đời sống thơ” trong thơ Đỗ Nghê là gì, và ta phải hiểu như thế nào?

    Nhờ thấm đẫm Thiền vị, như đã nói bên trên, thơ Đỗ Nghê thắt buộc sự hiện hữu của con người vào thế giới xung quanh, và quan trọng hơn, tìm ra được quan hệ hài hòa giữa sự hiện hữu ấy với thế giới. Con người và thế giới không là chủ thể-khách thể như được hiểu theo ý nghĩa triết học cổ điển, mà là một tương tác giao thoa. Triết học Hiện sinh đặt vấn nạn chúng ta bị ném ra ngoài thế gian này mà không biết tại sao. Chúng ta giống nhân vật thần thoại Hy Lạp Sisyphus, bị kết án vĩnh viễn lăn tảng đá lên đỉnh núi chỉ để nhìn nó lăn xuống lần nữa. Thơ Đỗ Nghê không thắc mắc chuyện đó. Thơ ông cho ta thấy khả năng con người nhận thức được thực tế của hiện tồn, để từ đó biết trực diện với khổ đau và cái chết, đối đầu với những thách đố của đời sống dựa trên sự thông hiểu sâu sắc về bản chất của hiện tồn.

    Nhưng không thể gọi thơ Đỗ Nghê là thơ triết học. Đó là thơ. Thơ với tất cả những tố chất cố hữu của thơ. Bởi thơ ông không đưa ra một suy niệm tiên nghiệm nào, và bởi thơ đi thẳng từ trái tim thi nhân vào trái tim người đọc.

    Đọc “thơ ngắn đỗ nghê” giữa một thế giới đảo điên như hôm nay, giữa một cuộc sống đầy gian truân, trắc trở, với tôi, là một hạnh phúc.


 – Trịnh Y Thư

 (Nguồn: Tạp chí Ngôn Ngữ, số đặc biệt Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc, 5/2024).

Friday, May 3, 2024

Phạm Xuân Hy: Tế Văn Hầu (Nam Thiên Trân Dị Tập / Vô Danh)

 Tế Văn Hầu

濟文侯

 

 Nguyên tác :           Nam Thiên Trân Dị Tập

                                          

 Tác giả       :          Vô Danh

 Bản dịch    :           Phạm Xuân Hy

 Truyện « Tế Văn Hầu », hay truyện Ông Nguyễn Trãi bị « rắn báo oán », bị tru di  ba đời là câu truyện tôi đã được đọc nhiều lần từ lúc còn nhỏ biết đọc, dưới những tiêu đề khác nhau,nhưng truyện « Tế Văn Hầu », viết bằng chữ Nho.« Tế Văn Hầu » là tước hiệu của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi mà vua nhà Lê đã gia phong cho Ông.

Đây là một  loại  đỏan biên bút ký tiểu thuyết, được phố biến rất rộng rãi, truyền tụng lâu đời, trong dân gian.

Câu truyện nhắc lại cái chết oan khuất của hai người : Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi. Là một điều có thật,và trở thành  nghi án  đã xẩy ra trong lịch sử nước ta.

Nguyễn Thị Lộ đã bị vu cáo hóa ra « rắn » để trả thù báo oán, mang đầy tính chất truyền kỳ và hoang đường.

Nhưng ai là người đầu tiên đã hư cấu nên câu truyện rắn báo oán này ? Với mục đích gì?

Phải chăng  người ta muốn tầm thường hóa vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi :

Ông chết, là do « quái vật », tạo ra, chứ không phải do « người phàm» giết.

Tuy thế, có người đã đưa ra giả thuyêt cho rằng truyện này viết ra nhằm ý đồ che đậy sự tranh chấp ngôi vị đế vương, quyền hành trong nội bộ cung đình lúc đó , hoặc những thù oán, đố kỵ, giữa các công thần đầu nhà Lê ?.

Chúng tôi xin nhường công việc này cho các sử gia,  các học giả,  và các nhà nghiên cứu.

Và xin trở lại với cố sự « Tế Văn Hầu ».

***

Truyện « Tế Văn Hầu »  này, cũng chỉ là một hình thái khác của những truyện « Rắn báo Oán » viêt về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, nhưng viết bằng Hán văn,của người Việt,trích trong tác phẩm « Nam Thiên Trân Dị Tập 南天珍異集 - Những truyện hay lạ của nước Nam », không đề  tên tác giả. Tuy thế, căn cứ theo lời tựa ngắn ngủi ở đầu sách này thì người đọc được biết « Nam Thiên Trân Dị Tập » gồm có 135 đoản biên tiểu thuyêt, đề cập đến những truyện kỳ lạ liên quan  những danh nhân  và các thắng cảnh núi non, chùa chiền, ở nước ta.

Khởi  đầu sách Nam Thiên Trân Dị Tập căn cứ vào một ít truyện có sẵn của sách « Công Dư Tiệp Ký » của tác giả Vũ Phương Đề, sau được các tác giả đời sau viết tiếp  vào và có tên truyện như trên .

Bản gốc viết bằng tay, không phải bản khắc.

Tôi mạo muội dịch truyên  Tế Văn Hầu 濟文, sang quốc ngữ . Với lòng kính trọng nỗi oan khuất của Nguyễn Trãi. Sau nữa, vì lòng xót xa , thương cảm thân phận một người phụ nữ, lại là một người phụ nữ đẹp, có học thức,  sống dưới chế độ phong kiến, trọng nam khinh nữ, như Nguyễn Thị Lộ, bị giết một cách thảm khốc là bị nhốt  vào rọ sắt rồi dìm xuống sông.

Ông Nguyễn Trãi và bà dù đã được vua Lê Thánh Tôn ,năm 1464, bạch hoá minh oan, và  lập đền thờ ,cúng tế. Nhưng  thân phận  của người phụ nữ Việt Nam, vẫn còn phải chịu nhiều nỗi tăm tối,bất hạnh,và oan khuất .

Cái chết của vua Lê Thái Tông  vốn là do « tật » : « cự hổ tật » 遽虎疾 của ông tự vận vào người.Như vậy, thì đâu còn  việc bà Nguyễn Thị Lộ đánh thuốc độc giết vua Lê Thái Tông nữa.

Ta hồ ! Thiên cổ phù vân

Hồng nhan bạc mệnh.

 Bản dịch :

 Nguyễn Trãi 阮廌 (1380-1442) (nhưng viết là Tiến , chắc là nhầm) là người làng Nhị Khê 蕊溪, huyện Thượng Phúc上福,  (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thủ đô Hà Nội) cha ông là Phi Khanh 飛卿(mới đầu có tên là Ứng Long應龍), đậu Tiến Sĩ,  khoa Giáp Dần 甲寅niên hiệu Long Khánh thứ 2, đời Trần (tức đời vua Trần Duệ tông)làm quan đến Tư Nghiệp司業,lấy con gái Trần Nguyên Đán sinh ra ông.                                                                                                                                                                                     Nguyễn Trãi là người thông minh mẫn tiệp, bác học quần thư. Năm Canh thìn, niên hiệu  Thánh Nguyên nhà Hồ, ông hai mươi tuổi đậu Tiến Sĩ 進士.

Bấy giờ quân Minh sang đánh nước ta, bắt dược cha ông, đem về giam ở điếm canh Lan Sơn Điếm 蘭山店 , ông và các em lẽo đẽo đi theo.

Cha ông mới bảo ông rằng :

-Cha tuổi tác già nua, đến đây, thì để cho các em con theo cha,  còn con, một trăm năm nữa, con đem hài cốt cha về nước cải táng cũng đủ rồi. Nay thì con hãy về nước đi, cha con thiên tượng, nước ta hai chục năm nữa, phía tây nam ắt có bậc chân chúa hưng khởi, con nên hết lòng trung với vua, thì cũng chẳng khác nào trả được cái nhục cho nước, phục thù  được cho vua, hoàn thành được chí nguyện của cha, đấy mới là đại hiếu, chứ lẽ nào cứ khư khư ôm chân cha mà gọi là hiếu sao ?.

Dặn đi dặn lại hai ba lần như thế.

Nguyễn Trãi chỉ biết sụt sùi rơi lệ, không dám ngẩng đầu lên nhìn.

Sau đành vái lậy, từ biệt cha trở về nước.

Một hôm, Nguyễn Trãi đến miếu Dạ Trạch夜澤祠, để cầu khấn thần được gặp chân chúa, thì được thần miếu đáp ứng, bèn đi theo lời chỉ dẫn của thần, đến Lỗi Giang 磊江thì gặp được Lê Tổ 黎祖 (tức Lê Thái Tổ) huý là Lợi .

Nguyễn Trãi đến hiên môn軒門, tức cửa quân,  rồi xin vào yết kiến.

Vua Lê Thái Tổ bảo với Nguyễn Trãi rằng :

-Đêm qua, ta nằm ngủ mơ thấy thần nhân đến cho biết là ngày mai sẽ có bậc hiền thần lương đống đến gặp, nay ông lại đến , y hệt những gì thấy trong mộng.

Rồi phong cho Nguyễn Trãi là Thừa Chỉ Học Sĩ 承旨學士, để cùng vua hoạch định sách lược đánh đuổi quân Minh.

Bấy giờ vua cho xây cất nhà cao tằng lầu ở trên bờ sông Triền Giang廛江, đắp mô đất cao ở doanh Bồ Đề cho cao, ngày ngày, vua lên trên lầu, nhìn vào trong thành địch, xem xét hành vi của địch, cho phép Nguyễn Trãi thị hầu ở lầu thứ hai, lãnh việc viết văn thư, truyền đơn, văn thư, dụ chỉ qua lại, từ Đông Đô đến Tây Đô từ Nghệ An đến Thanh Hoa, viết thư tranh luận, không đánh mà hạ được thành, cũng như các việc quân sự cơ mật, như giảng hoà thông sứ, đều do Nguyễn Trãi liều mình vào trong thành nhiều lần.

Sau hơn mười năm vất vả chiến đấu,Lê Tổ mới đuổi được người Minh trở về nước, bình định được đại loạn, xây dựng được nghiệp lớn, mà công lao giúp đỡ tán trợ của Nguyễn Trãi thì rất nhiều.

Bài « Bình Ngô Đại Cáo », vào năm Mậu Thân 戊申, (sau khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi , mới ra lệnh cho Nguyễn Trãi soạn ), trong bản cáo văn « Bình Ngô Đại Cáo » này  Nguyễn Trãi đã viết câu không dè dặt :

 « Toại sử Tuyên Đức chi giảo đồng độc binh vô yếm

   隧 使 宣 德 之 狡 童 黷 兵 無 厭

 Đến nỗi đứa trẻ ranh như Tuyên Đức宣德 nhàm võ không thôi- ,

 Bởi vì ông vốn oán ghét thâm sâu người Minh đã sát hại đồng bào mình.

Người Minh đã nói về bài « Bình Ngô Đại cáo »  rằng :

-Người viết cáo văn này, con cháu tất cả sẽ không được an toàn.

Sau này, vì liên hệ đến vụ án Thị Lộ 氏路, ông bị  mang hoạ, người ta cho rằng  lời nói  đó linh nghiệm.

Nguyễn Trãi nhờ công huân được vua Lê Thái Tổ phong là Quan Phục Hầu 冠服侯, ban cho quốc tính 國姓 họ Lê (tức họ của vua Lê Thái Tổ).

Phàm, điển chương chế độ, lễ nhạc, hình pháp, đều do ông sắp xếp định liệu.

Ông là bậc khai quốc công thần,nên còn được đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu , bổ nhậm  qua các chức :

-Nhập Nội Hành Khiển內行遣

- Môn Hạ Tỉnh Tả Ty,門下省左司 Tri Tây Bắc nhị lộ quân dân bạ tịch.

- Gián nghị đại phu諫議大夫, kiêm Hàn lâm  thừa chỉ học sĩ.

- Nhập thị kinh diên tri chế cáo行侍經筵知制誥,

-Hành Xu mật viện sự

- Ngũ kinh bác sĩ五經博士, Kiêm Trung Thư Ngự Sử , Tri Quốc Sử Tam  Quán sự

-Và được đề cử Côn Sơn Tư Phúc Tự,

-Tứ Kim Ngư Đại Thượng Hộ Quân , phong Quan Phục Hầu Thượng Trụ Quốc(Sự trạng lai lich đời ông có ghi trong Ức Trai Tập ).

Ông lấy người vợ trước là họ Trâu , sinh ra Phù Lại 扶賚, sau ông lại lấy người vợ họ Trần và Nguyễn Thị Lộ, vì vụ án Nguyễn Thi Lộ, ông cùng với các con, anh em, thân tộc, đều bị tru di tam tộc, (Lúc đó ông sáu mươi tuổi).

Duy có người thiếp họ Trần bấy giờ đang có thai thì trốn thoát, ẩn cư ở nước Bồn Man Quốc 盆蠻國 (tức Luang Prabang) , sinh con trai, đặt tên là Anh Vũ .

Chừng Anh Vũ lớn lên, được người mẹ  họ Trần ấy kể truyện về ông, cho biết khi ông về ở ẩn, dậy học ở trong xã, trước học xá có hai ụ đất cao, có cây đại thụ đã lâu đời.Bên trong, ruột cây bị rỗng không, và mục nát, ông mới bảo học trò của ông sớm đến chặt cây đó đi, để cho học xá rộng rãi khoang quang.

Đêm hôm ấy, ông nằm ngủ, mộng thấy có một thần nữ đến nói với ông rằng :

-Xin tướng công 相公 hãy khoan chặt cây, chờ cho thiếp sinh nở đã, sáu bẩy ngày hãy chặt.

Sáng sớm ngày hôm sau, khi ông còn ngủ chưa dậy, học trò của ông y theo lời ông dậy, đã hạ xong cây đại thụ đó rồi, tìm thấy trong ruột cây có ba quả trứng, bèn dùng đao đập vỡ một quả, còn hai quả đem về trình ông, rồi lại đập vỡ thêm một quả nữa, trông hình dạng giống như là rắn.

Duy quả trứng còn lại, bẩy ngày sau, quả nhiên nở thành một con rắn, càng ngày càng thấy nó lạ lùng.

Bèn thả nó đi .

Một đêm, ông ngồi đọc sách, thấy có một dòng máu từ trên nóc nhà rớt xuống, làm thấm đến ba tờ giấy.

Ông buồn than thở:

-Thế này, thì nó oán đến ba đời nhà mình đây !

Sau này, ông gặp Thị Lộ bán chiếu ở ngoài đường, thấy tư dung đẹp đẽ, sắc sảo, bèn trào phúng nói đùa :

-Cô nương quê quán làng nào đấy ? Đến đây bán chiếu gon, chiếu  còn hay hết ? Xuân xanh đương độ, tuổi được bao nhiêu, có chồng chưa được mấy con ?

Người con gái đáp :

-Nhà thiếp ở bờ Hồ Tây  đến đây bán chiếu « gon », việc gì ông hỏi hết hay còn, nay tuổi chừng độ trăng tròn lẻ, chồng còn chưa có, có chi con ?

Ông đem lòng yêu thích, mà lấy nàng làm vợ.

(Đoạn văn trên đây nguyên là bài thơ  thường gọi là “Bài thơ Bán Chiếu Gon”,chữ nôm, dịch ra hán văn-coi bài thơ chữ Nôm ở dưới)

Hơn mười năm sau, ông mới phát giác ra là ở rốn  có vẩy do rắn cắn.

Kịp đến thời vua Lê Thái Tông lên ngôi, lúc đó  ông đã về hưu ẩn dật , vua  có mấy lần đến thăm nhà, thấy Thị Lộ đẹp thì sinh lòng ưa thích, mới kín đáo xuống mật chiếu vời nàng vào hầu.

 Ông có làm bài thơ trách rằng :

 Thiên cao địa hậu tứ thời thành,

天高地厚四時成

Khả trách hà nhân đạo bất minh,

责何人道不明

Kính diện tuy thanh trần dĩ nhiệm,

镜面雖清塵已染

Đức tâm phương nhuệ dục tuỳ tranh,

德心方銳欲谁争

Nhân thanh tằng  hiệu Chu vương đức,

聲曾效周王德

Thệ chỉ tương đam Hán đế tình,

誓指相耽漢帝情

Hạnh đắc thiên nhân tương bán trợ,

幸得天人相半助

Tất nhiên xã tắc cánh xuân sinh,

必然社稷更春生

 Và Thị Lộ cũng có thơ đáp lại :

 Đan tâm khẩn khẩn sự do thành,

丹心懇懇事由成

Thuỳ vị cương thường đạo bất minh,

谁謂綱常道不明

Nhật hoả hà ưu vân thốn điểm

日火何憂雲寸點                                                                                                                                                                                                                                                      

Mộc cù khởi phụ cát luỵ tranh ,

木樛豈負葛纍争

Anh hùng miễn đại anh hùng chí,

英雄勉大英雄志

Nữ tử phi nhi nữ tử tình,

女子非兒女子情

Phúc quyến thiên duyên cầm sắt hợp

福眷天緣琴瑟合

Nghiệm chư tôn tử thánh hiền sinh,

騐諸孫子聖賢生

 

Sau vua Lê Thái Tông đến vườn Lệ Chi, Thị Lộ được vua yêu thưởng thức, rồi đột ngột băng hà崩遐.Đình thần bí mật xét xử ông, buộc ôngvào tội tru di tam tộc. Rồi sau mới đến Thị Lộ.Thị Lộ xin được ra sông để tắm, lập tức hoá ra một con rắn trắng, lặn xuống nước biến đi không trở lại nữa, mới hay là ông bị « rắn báo oán ».

Đến đời vua Lê Thánh Tông xét công tích ban ơn cho các công thần, nhiều lần xuống chiếu để xem những di tích.

Lúc bấy giờ Anh Vũ tuy nghe thấy, nhưng còn sợ án oan của ông chưa được rửa sạch, mới trở về nước và cải ra họ Trần.

Vào kỳ Thu thí, Anh Vũ đi thi Hương , trúng Giải Nguyên , nghe cách chư sinh bàn bạc đến chuyện cũ, được biết là nhà vua xuống chiếu đi tìm nhiều lần, quả vua có lòng thương, Anh Vũ bèn đi lên kinh, mong tìm được người quen của cha cất nhắc.

Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tôn gia phong là Đặc Tiến Kim Tố Vinh Lộc Đại Phu, tước Tế Văn Hầu Thượng Trụ Quốc (coi chú thích), ban ruộng đất để lo việc thờ cúng.

Anh Vũ sinh ra ba người con là Tổ Tạc, Tổ *, và Tổ Giám.

Tổ Giám làm quan đến Thừa Chính Sứ, phụng mệnh đi sứ sang Tầu, thuyền qua biển Đông Hải, thình lình gió bão sóng to nổi lên, Tổ Giám lấy là sứ giả  khấn vái, cầu xin  thì lập tức sóng yên biển lặng

Lúc trở về, Tổ Giám, biển lại nổi sóng như lúc đi.

Bấy giờ, Tổ Giám mới ngửa cổ lên trời than :

-Ai ngờ con “quái vật” này thù dai  và thâm độc đến thế !

Rồi chỉnh đốn lại mũ mãng, y phục, nhẩy xuống biển, tìm đến thuỷ cung .

CHÚ THÍCH

 1-Tế Văn Hầu

濟文侯

Nguyễn Trãi 阮廌(1380-1442) có các tước hiệu :

- Ngày 18-3-1428, tức năm Mậu thân,vua Lê Thái Tổ phong cho Nguyễn Trãi tước  Quan Phục Hầu.

Ngày 3-5- 1429 , tức năm Kỷ Dậu, Lê Thái Tổ phong cho Nguyễn Trãi là Á Hầu, trong số 93  khai quốc công thần khác..

- Năm 1464, tức năm Giáp Thìn, vua Lê Thánh Tông chiêu tuyết minh oan phong  cho Nguyễn Trãi là Tán Trù Bá, rồi lại gia phong là Đặc Tiến Kim Tố Vinh Lộc Đại Phu, tước Tế Văn Hầu Thượng Trụ Quốc, ban ruộng đất để lo việc thờ cúng.Có thuyết nói là do vua

Lại  có thuyết cho rằng  tước hiệu « Tế Văn Hầu », sau 70 năm Nguyễn Trãi bị hoạ, ngày-8 tháng 8 năm 1512 vua Lê Tương Dực mới phong tước này cho ông.

Trong truyện  này,  Nguyễn Trãi 阮廌  lại viết lầm là Nguyễn Tiến 阮薦, và sách Hoàng Việt Văn Tuyển của Bùi Huy Bích, cũng chép là Nguyễn Tiến 阮薦, có thể là do sự sao chép nhiều lần mà lầm lẫn giữa chữ Trãi , (có nghĩa là con giải trãi (còn đọc là Trĩ), và chữ Tiến  có nghĩa  tiến bộ tiến thủ.

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nguyên bản chữ Hán , viết là Nguyễn Trãi 阮廌, rất nhiều lần.  Xin so sánh sự khác biệt hai chữ này dưới đây :

        chữ Tiến, và chữ Trãi

 2- « Nam thiên Trân Dị Tập 南天珍異集 :

Thiên Nam Trân Dị Tập là một tác phẩm văn học gồm những đoản bút ký tiểu thuyết viết bằng Hán văn, gồm 135 truyện, đề cập đến các nhân vật Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Quý Đức, Lê Cảnh Tuân, Loa Đại Vương Truyện Ký ...

Bản gốc viêt băng tay, không đề tên tác giả.

Nhưng theo lời tựa đề ngắn ngủi của sách, thì người ta được biết Nam Thiên Trân Dị Tập đã dựa vào sách « Công Dư Tiệp Ký » của Vũ Phương Đề có sẵn trước, người đời sau sửa lại những chỗ lầm lẫn, ngoa ngộ, thiếu khuyết, viết thêm vào.

Năm 1992, « Nam Thiên Trân Dị Tập » được « Pháp Quốc Viễn Đông Học Viện » tức trường « Viễn Đông Bác cổ » cũ, cùng với « Đài Loan Học Sinh Thư Cục » và một số học giả,chuyên gia Hán Nôm, thâu góp những tác phẩm viết bằng hán văn của ta ngày xưa, đính chính , xuất bản, phát hành trong tủ sách « Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San », đây là một công trình  đồ sộ quý gia, in ấn kỹ càng, được chia ra làm 5 loại tiểu thuyết, không có phần lịch sử :

-Thần Thoại tiểu thuyết.

-Truyền Kỳ tiểu thuyêt

-Lịch Sử Diễn Nghĩa tiểu thuyết

-Bút Ký tiểu thuyết

-Hiện Đại tiểu thuyêt, sô lượng rất ít.

 

3-Tư Nghiêp 司業

Tên gọi chức quan, coi về việc giáo dục. Ở Trung Quốc từ sau triều nhà Tùy, tại Quốc Tử Giám, tức là cơ quan tối cao về việc dạy học,  đặt ra chức Tư Nghiệp, làm phó, trợ giúp việc tế lễ, trông coi những chính sách dậy dỗ nho sinh.

Đến cuối đời nhà Thanh chức này bị bãi bỏ.

 4-Năm Canh Thìn 庚辰1400

Tức năm 1400, niên hiệu Thánh Nguyên nguyên niên, Hồ Quý Ly xưng đế, đổi quốc hiệu là Đại Ngu, mở khoa thi Thái Học Sinh 太學生, tức Tiến sĩ, Nuyễn Trãi đậu khoa này, và được bổ làm Chánh Chưởng Ngự Sử Đài  正掌御史台 , là viên quan chính coi việc giám sát các cơ quan,quan lại.

 5-Năm Đinh Hơi 丁亥1407

 Nhà Hồ mất,quân Minh bắt Hồ Qúy Ly ,Hồ Hán Thươg về Kim Lăng, tức Nam Kinh. Nguyễn Trãi theo cha đến Aỉ Nam Quang , nghe lời cha khuyên trở về, tìm găp Lê Lợi ; bị quân Minh bắt tạm giam ở   Đông Quan (Ha Nội).

Vào tháng 8 năm 1407, Minh thành Tổ là Chu Lệ ra lệnh đổi An Nam là Giao Chỉ, và đặt quan cai trị, chia nước ta thành Tam Ty, ba ty, và bổ nhiệm :

-Đô Thiêm Sự Lã Nghị làm Giao Chỉ Đô Chỉ Huy Sứ Ty

- Hoàng Trung làm Phó Đô Ty ;

-Hoàng Phúc làm Bố Chính Ty và Án Sát Ty

 6-Năm  Mậu Thân 戊申 1428

 là năm, vua Lê Thái Tổ  :

-Lên ngôi xưng đế, làm vua (1428-1433)

-Đặt niên hiệu :Thuận Thiên

-Đặt quốc hiệu : Đại Việt

-Kiến đô ở Đông Đô tức Thăng Long

-Ban quốc tính cho Nguyễn Trãi là  Lê Trãi, cùng với 93 người công thần khác.

- Ngày 15 tháng 4 năm  1428 sau khi vua lên ngôi thì ban  lệnh cho Nguyễn Trãi 阮廌 , soạn” Bình Ngô Đại Cáo”  bằng Hán văn, trong đó có câu viết cứng cỏi, không sợ hãi :

« Toại sử Tuyên Đức chi giảo đồng độc binh vô yếm

 隧 使 宣 德 之 狡 童 黷 兵 無 厭

được Trần Trọng Kim dịch :

Đến nỗi đứa trẻ ranh như Tuyên Đức nhàm võ không thôi »

 7-Năm Nhâm Tuất 壬戌 1442

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư  thì ngày 16 tháng 8 năm 1442 giết Hành Khiển 行遣 Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba đời.

Trước đây, Nguyễn Thi Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cớt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền đông, đến chơi nhà Trãi,  rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy.

Ngày 9 tháng 9 năm 1442, giết bọn hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng, vì khi Nguyễn Trãi sắp bị hành hình    nói là hối không nghe lời của Thắng và Phúc.

Chức vụ của Nguyển Trãi là Nhập Nội Hành Khiển.Hành Khiển là chức quan có từ thời nhà Trần, cũng gọi là Thứ Tướng , địa vị sau Thái Úy, điều hành chính quyền, phần lớn do tông thất đảm nhậm, hay hoạn quan.Đến thời Trần Khắc Chung thì sĩ đại phu  được giữ chức Hành Khiển, diên tục đến thời Nguyễn Trãi.

 8-Tuyên Đức 宣德

  niên hiệu của vua Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ ,thời gian tại vị (1426-1435) ,cháu của Minh Thành Tổ là Chu Lệ,người phái Trương Phụ đem quân đánh nhà Hồ . Tuyên Đức là vua thứ 5 triều nhà Minh, bấy giờ, năm 1428,Tuyên Đức  mới lên ngôi được 3 năm, là năm Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo.

Mặc dầu là lời lẽ cứng cỏi trong « Bình  Ngô Đai Cáo » , nhưng vua ta  để  tránh cảnh loạn ly giặc giã,vua Lê Thái Tổ vẫn khôn khéo đem đúc « người vàng » sang cống Tầu để cầu phong vương, dù đã xưng đế.)

Bình Ngô Đại Cáo được coi là bản Tuyên Ngôn Độc lập, cũng như được  xưng tụng là Thiên cổ hùng văn 天古雄文.

 9-Tướng Công

Có các nghĩa :

1-Nguyên là từ để xưng hô một cách kính trọng Tể Tướng.

2-Gọi người học trò học thức là Tướng Công

-Người vợ cũng xưng hô gọi chồng một cách kính trọng là Tướng công, hoặc gọi là quan nhân, hoặc một cách yêu dấu thì xưng hô là « khanh »

3-Đời Thanh gọi nam kỹ, nam xướng là Tướng Công, nên chỗ tập trung cư trú của các nam kỹ là Tướng Công Đường.

 10-Thừa Chỉ Học Sĩ 承旨學士

Tiếp thụ thánh chỉ, ý kiên, của nhà vua .

-Đời nhà Đường trong Hàn Lâm Viện có chức quan là Học Sĩ Thừa Chỉ, địa vị ở trên các Học Sĩ.Phàm các lệnh phế bỏ , hay bổ nhiệm,  những việc chính sự trọng yếu đều được truyền đến.

-Các triều Tống, Nguyên tiếp tục noi theo .

-Thời Ngũ Đại có chức Xu Mật Viện Thừa , và Phó Thừa Chỉ

-Đến triều Minh thì chức này bị phế.

 11-Tiến Sĩ 進士

Tùy Dạng Đế  vào niên hiệu Đại Nghiêp đặt ra khoa Tiến Sĩ để tuyển lựa nhân tài đầu tiên

-Các triều Đường, Tống duyên tục theo.

Phàm đi thi Cử nhân tại Lễ Bộ người được hợp cách trúng tuyển thì gọi là Tiến Sĩ.

-Đường triều khoa Tiến Sĩ vầ khoa Minh Kinh được coi là trọng yếu hơn cả.

-Các triều Nguyên, Minh, Thanh, Tiến Sĩ sau khi Điện Thi trúng tuyển được ban xuất thân, và cũng gọi là Tiến Sĩ,nhưng chia làm 3 Giáp :

-Đệ Nhất Giáp lấy ba người. ban danh xưng Tiến Sĩ Cập Đệ

- Đệ Nhị Giáp và Đệ Tam Giáp ban  danh xưng Tiến Sĩ Xuất Thân và Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân.

(Trong truyện viết là Nguyễn Trãi đổ Tiến Sĩ vào nãm Canh Thìn niên hiệu Thánh Nguyên  nhà Hồ tức năm 1400)

 12- Hoàng Giáp黄甲

- Năm Giáp Dần, niên hiệu Long Khánh thứ 2, đời vua Trần Duệ Tôn,tức năm 1374, vua  bắt đầu mở khoa Tiến Sĩ, và lấy Đào sư Tích đỗ Trạng Nguyên, lấy Lê Hiến Phủ đỗ Bảng Nhãn.

 Nguyễn Phi Khanh đậu Hoàng Giáp 黄甲, tức tiến sĩ cập đệ, vì tên ghi trên loại giấy hoàng chỉ (giấy vàng) nên gọi là Hoàng Giáp, ông làm chức Đại Lý Tự Khanh大理寺卿, chức quan coi về hình ngục triều nhà Hồ. Tác phẩm có Nhị Khê Tập.

 13- Thu thí 秋試- 鄕試

Thời xưa ở Tàu cử hành hương thí vào thán 8, người đỗ thì gọi là Cử Nhân, hoặc còn gọi là Hiếu Liêm.Theo lệ  nhà Thanh ba năm cử hành Hương Thí một lần vào những năm Tý, Ngọ, Mão, dậu  vào tháng 8,nhân vì là mùa thu ; nhân thế gọi là Thu Thí.

Người đậu đầu khoa hương thí được ban  là Giải Nguyên 解元

 14- « Bài thơ Chiếu Gon » bằng chữ nôm :

  Lời Nguyễn Trãi :

 Người ở đâu ta bán chiếu gon            

𠊛於兜些半𥵕

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn

拯能𥵕𣍊能群

Xuân thu phỏng đã bao nhiêu tuổi

春秋倣㐌包饒些

Đã có chồng chưa được mấy con

㐌固𠽚𣠕𡥵

 Thị Lộ đáp :

 Tôi ở Tây hồ bán chiếu gon

碎於西湖半𥵕

Nỗi chi ông hỏi hết hay còn

餒之翁𠳨歇能群

Xuân thu nay đã trăng tròn lẻ

春秋𠉞𣎞𡃋𥛭

Chồng còn chưa có hỏi chi con

𠽚𣠕𠳨𡥵

 Baì thơ nôm này có nhiều bản, có một vài chữ khác biệt, nhưng tựu chung ý chính không thay đổi,Theo Tự Điển Nôm và Hán Việt của Linh Mục Trần Văn Kiệm thì “gon” nghĩa là mềm.Và trong truyện  dịch ra hán văn như sau :

 姑娘何鄉人

Cô nương hà hương nhân

 來此賣涼蓆

Lai thử mại lương tịch

涼蓆如今何有餘

Lương tịch như kim hà hữu dư

姑娘風華正茂

Cô nương phong hoa chính mậu

芳齡幾許

Phương linh kỷ hứa

有否夫婿

Hữu phủ phu tế

幾多子息

Kỷ đa tử tức

Thị Lộ thưa :

 奴家住西湖畔

Nô gia trú Tây Hồ bạn

來此賣涼蓆

Lai thử mại tịch lương

緣何君 問可有餘

Duyên hà quân vấn khả hữu dư

奴家今朝十五月圓早已過

Nô gia kim triêu thập hữu dư

待字閨中何来子息

Đãi tự khuê trung hà lai tử tức

Paris, ngày 19-11-2019 lúc 17 giờ15 phút

 Phạm Xuân Hy