Một Thành công
của Nền Văn minh Sinh thái
|
Hình 1: (trái) Bản đồ lưu vực hồ Nhĩ Hải; (phải)
Hình ảnh hải thái hoa, một loài cây sống dưới nước rất đặc thù của vùng cao
nguyên Vân Nam, hoa trắng tinh khôi với cánh trắng nhụy nở trên mặt nước, nhìn
từ xa như những cánh sao rơi. Hải thái hoa rất kén nước, chỉ có thể sống được
trong các hồ nước sạch, không bị ô nhiễm.
Phan Nhạc, sinh năm 1960, là một thứ
trưởng trẻ nhất trong chính phủ Trung Quốc, người đi đầu trong lĩnh
vực bảo vệ môi trường. Trước một nhóm
sinh viên trẻ, ông đã thẳng thắn phê phán: "Mô hình phát triển kinh tế
hiện tại của chúng ta là không bền vững. Ô nhiễm môi trường đã hạn chế nghiêm
trọng tăng trưởng kinh tế, và bất công xã hội dẫn đến bất công môi trường, đến
lượt nó lại làm trầm trọng thêm bất công xã hội, tạo ra một vòng luẩn quẩn gây
ra bất hòa xã hội”. [2007, Pan Yue 潘岳]
*
MỘT THOÁNG 23 NĂM:
CÙNG BẦY CHIM CỐC TRÊN
HỒ NHĨ HẢI
/ ERHAI LAKE / 洱海
Một
ngày của trung tuần tháng Chín năm 2002, sau khi thoát ra được vòng rào con Đập
Mạn Loan, con đập lịch sử, con đập thủy điện đầu tiên trên sông
Langcang-Mekong. Từ
huyện Manwan bằng đường
bộ, chúng tôi lên tới
cổ thành Đại Lý (Dali) trời
cũng đã sẩm chiều. Đại Lý vẫn được so sánh như một tiểu Kathmandu của Nepal,
nơi có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử của hơn 1 triệu sắc dân Bạch (Bai) với gốc rễ văn hóa lâu đời từ hơn 3
ngàn năm. Từ thế kỷ thứ 7, đã có một nước Nam Chiếu (Nanzhao) rất hùng mạnh từng đánh bại quân nhà
Đường vào thế kỷ thứ 8. Sang thế kỷ thứ 10 trở thành vương quốc Đại Lý cho tới thế kỷ 14, thời Nguyên Mông (Mongol Yuan) thì không chỉ Đại Lý mà toàn vùng Vân
Nam đã trực thuộc vào nước Trung Hoa.
Vẫn
còn đó những kiến trúc cổ xưa như Chùa Ba Ngôi được xây cất từ thế kỷ thứ 9, các
ngôi nhà đá cổ với cả những con đường đá quanh co. Nhưng thực sự đã không còn
nguyên vẹn một cổ thành Đại Lý, bức tường thành kiên cố bằng đá không còn nữa,
các cổng thành gốc đã bị phá đi thì nay được mô phỏng xây dựng lại nhưng với
bên trong là những
gian hàng bán nữ trang và đồ lưu niệm cho du khách. Đi bộ từ Cửa Bắc tới Cửa
Nam của Cổ Thành, qua những đường phố nhỏ với đường lát gạch, hai bên đường là
những quán ăn, tiệm Café Internet và luôn luôn tấp nập với các đoàn du khách
được hướng dẫn bởi những cô gái gốc Hán má phấn môi son nhưng lại với y phục
rực rỡ của sắc dân Bạch.
Phía
tây Đại Lý là trùng điệp núi non, phía đông là hồ Nhĩ Hải (Erhai Lake). Nhĩ Hải là hồ nước ngọt lớn thứ hai
của Vân Nam (sau hồ Điền Trì)
đổ vào sông Mekong qua một phụ lưu là con sông Xi’er. Hồ Nhĩ Hải được coi như một “tiên cảnh” của sắc
tộc Bạch, là một hồ rất sâu đã từng có
tới hơn 40 loại cá khác nhau nổi tiếng nhất là loại “cá quậy (bow fish) giống như cá chép có đặc tính ngậm
đuôi vào miệng rồi bung ra nhảy cao trên mặt nước. Vân Nam rất xa biển nên người dân Vân Nam
thích đặt tên biển cho những hồ lớn của họ. Đại Lý mưa tầm tã từ nửa đêm kéo
dài tới sáng hôm sau. Nhưng rồi mặt trời cũng ló dạng. Khí hậu đủ tốt cho một
nửa ngày đánh cá bằng chim cốc (cormorants) trên hồ Nhĩ Hải.
Chiếc
xe phải len lách giữa những thửa ruộng trên một con đường đất đá để tới được
làng đánh cá nhỏ bên bờ tây của hồ Nhĩ Hải, gặp bác ngư dân sắc tộc Bạch da sạm
nắng tuổi cũng gần 60, bác sống với đàn chim cốc cũng phải tới hai chục con đã
được thuần hóa. Có khách tới, bầy
chim được tự do ra khỏi những chiếc lồng, tung tăng duỗi chân duỗi cánh hân
hoan. Thay vì đeo vào cổ chim những chiếc vòng, rất nhanh và thành thạo người
đàn ông dùng mớ lạt, buộc cổ từng con chỉ vừa đủ chặt để ngăn chúng nuốt xuống
những con cá lớn bắt được, rồi ra lệnh cho đàn chim tung mình xuống nước và bơi
theo ghe ra hồ.
*
Hình 3: Trước buổi săn cá trên hồ Nhĩ Hải, một ngư ông sắc dân Bạch đang dùng dây lạt thắt vòng trên cổ mỗi con chim Cốc, ngăn không cho chim nuốt những con cá lớn để sau đó thu hoạch; (trái) đàn chim Cốc đã được thuần hóa, trở nên rất dạn dĩ và thân thiện với du khách, (phải) Ngô Thế Vinh chèo thuyền trên hồ Nhĩ Hải; [tường trình từ Vân Nam, Đại Lý 09.2002]
Như
những người bạn thân thiết, bầy chim cốc và ngư ông hoạt
động nhịp nhàng. Cảnh tượng thật kỳ lạ chỉ bằng khẩu lệnh với những âm thanh
sắc ngắn là cả một bầy chim từng đợt từng đợt vỗ cánh rồi cùng ngụp lặn sâu
dưới mặt nước. Phải một lúc sau mới thấy từng con trồi lên, con chim nào với
chiếc cổ phồng to phía trên nút lạt thắt là dấu hiệu bắt được cá lớn, ngư ông
chỉ cần tới gỡ mỏ từng con chim cốc
và thu hoạch. Mẻ cá đầu tiên của một chú chim cốc là hai con cá chép chỉ nhỏ
hơn nửa bàn tay.
Bầy
chim tỏ ra rất thân thiện, nhảy lên ghe, đậu trên mái chèo hay trên tay khách.
Cảnh trí thiên nhiên hữu tình, chủ khách và bầy chim thực sự giao hòa. Tỏ tình
thân, người đàn ông gốc Bạch mời tôi điếu thuốc hút. Cũng đã 30 năm rồi, lần đầu tiên tôi đã lại vui vẻ đón
nhận và cả thưởng thức điếu thuốc thơm Vân Nam trên mặt hồ Nhĩ Hải.
Cách
đây ngót 8 thế kỷ (1278), Marco Polo trên Con Đường Tơ Lụa Phương Nam (Southern Silk Route) đặt chân tới đây và ghi nhận cá ở hồ
Nhĩ Hải là “nhất thế giới” sau đó Marco Polo đã vượt qua sông Mekong phía tây
Vân Nam để ra khỏi Trung Hoa.
Sáu
thế kỷ sau Marco Polo (1868), đoàn thám hiểm Pháp với Doudart de Lagrée & Francis Garnier khởi hành từ Sài Gòn
bằng cuộc hành trình gian truân ngược dòng sông Mekong kéo dài hai năm. Cuối cùng Francis Garnier cũng tới
được hồ Nhĩ Hải phía đông khu cổ thành Đại Lý, nhưng Francis Garnier đã bị vị Sultan,
vua Hồi từ chối tiếp kiến và buộc đoàn phải rời Đại Lý ngay sau đó.
Hơn
130 năm sau Francis Garnier, chúng tôi đang trở lại với sinh cảnh đẹp đẽ
nhưng đã quá mong manh
và có lẽ là những năm tháng cuối cùng của hồ Nhĩ Hải với nước hồ ngày càng ô
nhiễm, đổ thoát ra bằng một phụ lưu lớn là con sông Xi’er để rồi cuối cùng cũng
đổ dồn vào dòng chính con sông Lancang-Mekong.
…
Sau
hai điếu thuốc, chủ và khách đều hân hoan. Lão ngư ông cao hứng bảo sẽ hát cho
chúng tôi nghe một bài tình ca có tự lâu đời của sắc dân Bạch. Tuy không hiểu
được lời ca nhưng những nốt nhạc rất du dương trầm bổng. Theo Wu, là tài
xế cũng là nhà giáo khi đưa chúng tôi tới đây, thì bài hát kể lại mối tình thơ mộng và say đắm của đôi
trai gái sắc tộc Bạch, cùng chèo thuyền trên hồ Nhĩ Hải cảnh sắc hữu tình, dưới
bầu trời xanh, bên dãy núi cao, trên biển nước mênh mông, mỗi nốt nhạc lời ca
là tiếng lòng thổn thức của họ. Ở tuổi gần 60, da sạm nắng và gầy khắc khổ
nhưng người đàn ông đã hát với tất cả vẻ đam mê như đang sống lại với mối tình
đầu của tuổi thanh xuân ngày nào. Bầy chim cốc vẫn bơi sát theo thuyền, mấy con
nhảy đỗ trên ghe thì nghển cổ như để lắng nghe chủ hát.
Tôi
hỏi về mức thu hoạch cá với đàn chim cốc. Ông nói đã sống với nghề săn cá bằng
chim cốc từ 40 năm và cách đây hơn 10 năm thôi, vẫn có được những mẻ cá lớn
nhưng về sau này thì không, lượng cá không hiểu tại sao càng
ngày càng ít hẳn
đi, chỉ còn
lại đàn chim cốc
vẫn nuôi sống được gia
đình ông chủ yếu bằng tiền của du khách.
…
HỒ ĐIỀN TRÌ / DIANCHI 滇池, VÀ CON SÔNG HỒNG. Điền Trì là một biển hồ
lớn nhất phía nam thủ phủ Côn Minh, đã từng được Marco Polo tới thăm vào thế kỷ thứ 13 mô
tả như “một hồ lớn cả trăm dặm và lưới được rất nhiều cá”. Hồ
có chiều dài hơn 40 km, diện tích 300 km2 (gần bằng nửa diện tích
đảo quốc Singapore), phía tây là núi đồi, phía đông hồ, địa hình bằng phẳng,
nguyên là khu chài lưới rất thịnh vượng nhưng rồi do ô nhiễm chất thải từ các khu kỹ nghệ bờ đông nam nên đã không còn cá và thực sự đã không còn một nền ngư
nghiệp.
Wu đã cho biết chính quyền không sao xử lý được hồ nước thải, không giải
quyết được cả một khối lượng nước đã quá ô nhiễm
trong hồ lớn Điền Trì – nên đã thuật cho chúng tôi nghe về một kế hoạch
táo bạo của chính quyền Vân Nam: dự trù chi phí 2 tỉ yuan để khai thông một
đường dẫn cho thoát nước hồ ra sông Hồng, chảy qua Việt Nam rồi đổ ra Biển Đông, sau đó sẽ thay thế bằng nước con
sông Dương Tử dẫn vào hồ. Tuy chưa thể kiểm chứng được là có bao nhiêu phần
trăm sự thật trong kế hoạch đầy sáng tạo nhưng độc ác của các “công trình sư
Đại Hán”, nhưng có thể chắc chắn một điều người giáo viên trung học này không đủ giàu tưởng
tượng để bịa đặt ra câu chuyện ấy. Đổ tất cả ô nhiễm của hồ Điền Trì vào con
sông Hồng như một đường cống rãnh thì hậu quả sẽ ra sao trên bao nhiêu triệu cư dân Việt Nam nơi đồng
bằng châu thổ đang sống bằng nguồn nước con sông Hồng và đây là điều sẽ được ai
quan tâm tới? Việt Nam được biết gì về một kế hoạch “giải quyết môi sinh”
theo lối ném bùn sang ao của chánh quyền Vân Nam? [hết trích dẫn Mekong Dòng Sông Nghẽn
Mạch – Tường Trình từ Vân Nam 9.2002, Nxb Văn Nghệ]
Trong chuyến đi Vân Nam 2002, người
viết đã được tận mắt thấy một hồ Điền Trì lớn nhất Vân Nam gần như đã chết và
một hồ Nhĩ Hải lớn thứ hai thì đang chết dần. Để rồi 23 năm sau được chứng kiến
những “cái chết đi và sống lại” của các hồ nước ngọt Trung Quốc như một phép lạ
không do Thượng Đế mà do chính con người đã tạo ra…
CHÂU ĐẠI LÝ VÀ
HỒ NHĨ HẢI NGÀY NAY
Hồ Nhĩ Hải trên cao nguyên Vân Nam, độ cao 1972 m trên
mực nước biển, cách thủ phủ Côn Minh 265 km về phía tây bắc, là một trong số 16
hồ nay thuộc khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia của Trung Quốc. Hồ có
chiều dài bắc nam 40 km, chiều rộng đông tây 8 km, diện tích 250 km2 với
chu vi 116 km, có chiều sâu trung bình khoảng 11m. Dung tích hồ biến động theo
mùa khoảng 2,5 tỉ m3 tới 2,8 tỉ m3.
Đây là một hồ nước ngọt
lớn thứ hai của Vân Nam nổi tiếng về cảnh quan
và hệ sinh thái phong phú. Vào những năm
trước 1970, hồ Nhĩ Hải vẫn được coi như một “tiên cảnh hạ giới” với nước hồ trong như ngọc và trên mặt hồ có
điểm xuyết một loài hoa quý: hải thái hoa / 海菜花 / haicaihua, tên khoa học là Ottelia
acuminata. Hoa có ba cánh trắng, nhị vàng. Hải thái hoa không chỉ nổi tiếng
vì đẹp, chỉ có ở Vân Nam, vùng tây nam Trung Hoa. Những thân non và nụ hoa còn
được sắc dân Bạch thu hoạch, chế biến thành các món ăn ngon truyền thống rất
được ưa chuộng. Y học Trung Hoa còn ghi nhận hải thái hoa là một loại
dược thảo trị được một số bệnh.
Vì loài hoa này
rất dễ bị tổn thương, và không sống được trong môi trường ô nhiễm, nên sau này
được các nhà khoa học môi sinh coi hải thái hoa như một “chỉ số sinh
học” về phẩm chất nước (biological indicator of water quality). Bấy
lâu, hồ Nhĩ Hải có vai trò quan trọng trong việc
cung cấp nước, tưới tiêu nông nghiệp, và điều hòa khí hậu cho các khu vực xung
quanh. Dân địa phương vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông, chăn nuôi, đánh bắt cá
theo phương thức cổ truyền, vận chuyển và du lịch trên hồ.
Năm
1981, hồ Nhĩ Hải và núi Thương Sơn / 蒼山 / Cangshan đã được chính quyền tỉnh Vân Nam
quy hoạch là Khu bảo tồn thiên nhiên và sau đó năm 1994 được nâng cấp
thành khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, với mục tiêu bảo quản hồ nước
ngọt cùng những cảnh quan với hệ động thực vật thủy sinh phong phú – được coi
như một vùng chuyển tiếp nam-bắc của Trung Quốc với cả những di tích địa chất
còn sót lại từ thời kỳ băng hà.
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CỦA PHÁT TRIỂN
Vào cuối thập niên 1970s và 1980s, khi một Trung Quốc bắt đầu mở
cửa và đổi mới – tạo được những bước phát triển kinh tế nhảy vọt – khởi đầu
từ các tỉnh miền đông và đông nam. Riêng vùng tây nam – như cao nguyên Vân Nam
trong đó có Châu Tự Trị Đại Lý thì vẫn chìm trong cảnh nghèo khó. Nhưng rồi,
tuy muộn màng, cuối cùng Vân Nam cũng được thụ hưởng ánh sáng tăng trưởng kinh
tế của cả nước. Với chiến dịch “xóa đói giảm nghèo”, được phát động từ
năm 2013 đến năm 2020, tỉnh Vân Nam – trong đó có Châu Đại Lý với ngót nửa
triệu cư dân được coi như đã thoát khỏi mức nghèo khó, họ đạt được mức sống cao
hơn (i) với thu nhập trên mức tối thiểu; (ii) được đảm bảo thức ăn và quần áo;
và (iii) được đảm bảo các dịch vụ y tế cơ bản, nhà ở có điện nước, và giáo dục
miễn phí.
Các bước phát triển của Trung Quốc với
mở mang các khu kỹ nghệ mới, phải kể tới kỹ nghệ hóa chất với phân bón hóa học,
thuốc trừ sâu, ban đầu đã tạo được những cải tiến trong sản xuất nông nghiệp.
Kinh tế phát triển đưa tới sự bùng phát của du lịch nội địa và quốc tế.
Hệ quả đưa tới là tình trạng đô thị hóa,
với chuyển dịch dân cư, làm gia tăng dân số trong vùng – cùng với cái giá phải
trả về môi trường – khiến chất lượng nước trong hồ Nhĩ Hải ngày càng xấu đi và
chủng loại hải thái hoa / haicaihua dần dần biến mất. Người ta đã phải
chứng kiến sau đó một hồ Nhĩ Hải trải qua những đợt bùng phát tảo xanh
(blue-green algae), không những thế nước hồ còn phát ra mùi hôi thối và
chất lượng nước được coi là không phù hợp để tiếp cận với con người.
NGUỒN
Ô NHIỄM HỒ NHĨ HẢI ĐẾN TỪ ĐÂU?
_
Từ các điểm nguồn (point source): các con sông. Từ
năm 2013, các nhà khoa học tỉnh Vân Nam phát hiện ra rằng những con sông bấy
lâu chảy vào hồ Nhĩ Hải có chất lượng nước được đánh giá là rất ô nhiễm; các
chất gây ô nhiễm chính là nitrogen và phốt pho có nguồn gốc từ phân bón nông nghiệp.
Tất cả nước sông ô nhiễm này chảy vào hồ, gây ra hiện tượng phú dưỡng /
eutrofication*.
[*phú
dưỡng / eutrofication là tình trạng nước chứa quá nhiều chất dinh dưỡng từ phân
bón, nước thải đưa tới tình trạng bội phát các loại rong rêu /algae, phiêu sinh
vật/ plankton, làm cạn kiệt nguồn oxy trong nước, tạo ra các vùng chết trong
hồ].
Ba con sông chính gây ô nhiễm hồ Nhĩ Hải là
(1) Vĩnh An Giang / Yong'anjiang, (2) La Thập Giang /
Luoshijiang, và (3) Bạch Hạc Khê / Baihexi. Chỉ riêng con sông Vĩnh An Giang đã đổ vào hồ Nhĩ Hải
20% tổng số chất thải.
GIẢI PHÁP: Nhóm
dự án đặc biệt nghiên cứu các phân đoạn con sông chảy vào hồ Nhĩ Hải, từ thượng
nguồn xuống tới cửa sông, để xây dựng một kế hoạch quản lý hệ sinh thái sông
toàn diện. Chỉ riêng nguồn nước từ con sông La Thập Giang, đã đổ 40 triệu
tấn nước thải vào hồ Nhĩ Hải hàng năm. Nhóm nghiên cứu đã thảo một kế hoạch với
chi phí thấp để làm sạch nguồn nước của sông La Thập Giang. Ở khu vực thượng
nguồn, kế hoạch tập trung vào các biện pháp 'bảo tồn sinh thái'; ở các
vùng trung lưu chủ yếu là đất nông nghiệp và làng mạc, kế hoạch tập trung vào 'phục
hồi sinh thái và tái cấu trúc kinh tế', hướng dẫn nông dân xung quanh trồng
các loại cây trồng thương mại ít ô nhiễm, năng suất cao và xây dựng các mương
lọc dọc theo bờ sông để làm sạch sơ bộ nước ruộng và nước thải của làng; ở các
khu vực hạ lưu đông dân, kế hoạch tập trung vào 'kiểm soát ô nhiễm và quản
lý kỹ thuật sinh thái', xây dựng 1.500 mẫu Anh một vùng đất ngập (wetlands)
nhân tạo trước khi sông chảy vào hồ. Các vùng đất ngập này được phủ dày với vật
liệu lọc phốt pho, với các bức tường thực vật thủy sinh để làm lắng các chất ô
nhiễm và làm sạch nước trước khi chảy vào hồ.
Đến tháng 6 năm 2011,
sau 5 năm thực hiện, chất lượng nước tại cửa sông La Thập Giang chảy vào hồ đã
được cải thiện đáng kể, chất lượng nước phù hợp để con người sử dụng, và cây
hải thái hoa / Ottelia acuminata được trồng nhân tạo đã sống lại sau nhiều năm
vắng bóng. Nhờ bước thành công này, trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm tiếp theo
(2011–2015), mô hình hiệu quả từ sông La Thập Giang đã được mở rộng sang các
con sông khác chảy vào hồ Nhĩ Hải.
_
Từ các diện nguồn (area source): vùng canh tác, chăn nuôi, khu gia cư. Với cải cách kinh tế, cùng với sự phát triển
nhanh chóng của ngành công nghiệp hóa chất đã dẫn đến gia tăng sử
dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp ở Châu Đại Lý. Tuy có hiệu
quả ngắn hạn gia tăng năng suất, nhưng đồng thời với hậu quả lâu dài là gây ô
nhiễm nghiêm trọng chất lượng nước trong lưu vực. Nghiên cứu của Tiến sĩ Chen
Xiaohua và các đồng sự từ Viện Khoa học Môi trường Thượng Hải phát hiện ra rằng
từ năm 1988 đến năm 2013, khi sự phát triển kinh tế xã hội ở lưu vực Nhĩ Hải
được cải thiện, thì chất lượng nước trong khu vực cũng đã xấu đi theo cùng tỷ
lệ.
1/ Vùng trồng tỏi một củ: từ những năm 1990, nông dân ở vùng Đại Lý
đã bắt đầu trồng loại tỏi một củ hay còn được gọi là tỏi đơn với hương vị thơm
ngon rất được ưa chuộng. Đến năm 2010, diện tích trồng tỏi đơn ở Đại Lý đã lên
tới 13.300 ha, với thu nhập cao hơn nhiều so với việc trồng ngũ cốc. Tuy nhiên,
việc trồng tỏi đòi hỏi một lượng lớn nước và phân bón, chỉ một nửa trong số
phân bón đó được tỏi hấp thụ và một nửa còn lại vẫn nằm trong đất. Vào mùa
mưa, dòng chảy phân bón và thuốc trừ sâu đổ vào hồ Nhĩ Hải đã dẫn đến tình
trạng dư thừa nghiêm trọng nitrogen và phốt pho trong hồ, dẫn đến tình trạng phú
dưỡng và phát triển tảo xanh.
GIẢI PHÁP: Các chuyên gia từ Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc đã khuyến
nghị cấm trồng tỏi trong phạm vi 200 mét tính từ bờ hồ Nhĩ Hải, hạn chế trồng
loại cây này ở những khu vực cách bờ hồ từ 200 đến 2000 mét và khuyến khích cư
dân trồng các loại cây khác sử dụng ít nước và phân bón hơn trên khắp lưu vực. Để
kêu gọi nông dân ngừng trồng tỏi, không phải là điều dễ dàng nhưng rồi
với quyết tâm và kiên nhẫn thuyết phục của chính quyền, người dân sống gần hồ
Nhĩ Hải cũng đã ngừng trồng tỏi và được giúp đỡ chuyển sang trồng các loại cây trái
như lựu, đào và quất và tham gia vào hoạt động du lịch.
2/ Vùng chăn nuôi gia súc: vốn là hoạt động có
truyền thống lâu đời ở Châu Đại Lý do khí hậu và thổ ngơi thuận lợi của khu
vực. Gia súc được chăn thả gần hồ, khiến phân bò trôi vào hồ và làm trầm trọng
thêm tình trạng phú dưỡng. Chỉ riêng năm 2007, ước tính có 140.000 con bò sữa
được nuôi ở lưu vực Nhĩ Hải, với tải trọng môi trường (environmental load) của mỗi con bò tương
đương với 23 người. Nói cách khác, ngành chăn nuôi bò sữa vào thời điểm
đó đã đóng góp một tải trọng môi trường tương đương với hơn ba triệu người
sống trong lưu vực, trên thực tế đã nhân đôi dấu chân môi trường của dân số
toàn bộ châu Đại Lý.
GIẢI PHÁP: Để giải quyết tình trạng ô nhiễm do chăn nuôi bò sữa, sau nhiều năm điều
tra và nghiên cứu thực địa, các chuyên gia từ Đại học Khoa học và Công nghệ Côn
Minh đã đề xuất hai giải pháp chính: thứ nhất, hạn chế khoảng cách đàn bò sữa
và ngăn không cho chúng gặm cỏ quá gần hồ; và thứ hai, thành lập các nhà máy
phân bón tập trung để chế biến phân bò. Hợp tác với Viện Khoa học Nông nghiệp
Trung Quốc, các chuyên gia đã thiết kế một nhà máy thu gom phân bò để sản xuất
phân bón hữu cơ, giúp doanh nhân địa phương xây dựng bốn nhà máy như vậy và
thiết lập 25 trạm thu gom phân bò tại các ngôi làng xung quanh lưu vực Nhĩ Hải. Các nhà máy này đã
thu gom hơn 1.300 tấn phân bò mỗi ngày và hơn 400.000 tấn phân bò, phân lợn và
phân gia cầm mỗi năm. Châu Đại Lý được trợ cấp hàng năm hơn 10 triệu nhân dân
tệ cho các nhà máy phân bón để mua phân bò từ nông dân. Loại phân hữu cơ này có
hiệu quả là thân thiện với môi trường; chúng không chỉ được sử dụng để kiểm
soát nồng độ phốt pho và nitrogen trong hơn hai triệu mẫu đất nông nghiệp ở Châu
Đại Lý mà còn được bán trên toàn quốc và cả Đông Nam Á.
3/ Di cư kỹ thuật số
và Du lịch: Châu Đại Lý
đã có một thời kỳ thu hút giới trẻ từ các thành phố lớn tìm kiếm nơi thoát khỏi
lối sống đô thị đầy khói bụi và tắc nghẽn giao thông. Nhiều người đã bán nhà ở
thành phố và chuyển đến Đại Lý cùng gia đình để xây dựng nhà trọ sống cùng với
cư dân địa phương dọc theo Hồ Nhĩ Hải. Trong lối sống “như cảnh thiên đường”,
một số người trẻ trong ngành kỹ thuật cao – do họ có thể làm việc từ xa và được
gọi là “người di cư kỹ thuật số / digital migrants”. Từ năm 2014 đến năm
2016, số lượng “người di cư mới” đến Nhĩ Hải từ các vùng khác của Trung Quốc đã tăng từ 30.000 lên gần
100.000, chiếm gần 10% cư dân quanh hồ. Cũng vào năm 2014, Châu Đại Lý đã đón 808.300
khách du lịch nước ngoài và 25,67 triệu khách du lịch trong nước. Sự
phát triển nhanh chóng của ngành du lịch tuy có làm tăng thu nhập của người dân
địa phương nhưng các biện pháp bảo vệ môi trường lại tụt hậu. Các nhà trọ,
chuỗi nhà hàng đã tạo ra một lượng nước thải sinh hoạt rất lớn. Lượng chất thải
dân dụng và liên quan đến du lịch đổ vào hồ đã lên tới hơn 600 tấn mỗi ngày.
GIẢI PHÁP: Chính
quyền Châu Đại Lý đã yêu cầu 2.498 nhà hàng, nhà trọ và nhà dân xả nước thải
sinh hoạt vào hồ Nhĩ Hải dừng hoạt động. Ban đầu, họ đã phản đối kịch
liệt. Nhóm dự án đặc biệt của Nhĩ
Hải, đã phải đích thân tiếp xúc với từng chủ nhà trọ và cùng đi với các
phóng viên báo chí và truyền hình. Các giới chức đã phải đến các nhà hàng và
nhà dân nhiều lần để giải thích cho họ về các mối đe dọa ô nhiễm mà hồ Nhĩ Hải đang phải đối mặt.
Quá trình thuyết phục người dân địa phương và các chủ doanh nghiệp rất khó
khăn, nhưng rồi cuối cùng, cũng đã đạt được sự đồng thuận với quan điểm rằng chỉ
tập trung vào lợi ích kinh tế ngắn hạn cũng giống như 'giết chết con ngỗng đẻ
trứng vàng', phá hủy tương lai của toàn bộ cộng đồng. Cuối cùng, tất cả
các chủ nhà trọ và nhà dân ở quanh hồ Nhĩ Hải đã chấp nhận quyết định của chính phủ, tạm dừng hoạt động
trong 18 tháng để tiến hành các biện pháp di dời và cải tạo. Năm 2018, đã có
1.806 gia đình (thuộc 23 ngôi làng) trong phạm vi 15 mét tính từ hồ bị phá dỡ
với sự đồng ý của chủ sở hữu, các địa điểm đã được khôi phục thành không gian
công cộng và 7.270 người đã chuyển đến các khu dân cư mới xây dựng và được
chính phủ đền bù. Để ghi nhận những hy sinh của 1.806 hộ gia đình vì sự bảo vệ
môi trường của Nhĩ Hải, khu
dân cư mới được đặt tên là 'Thị trấn 1806'. Và cuối cùng, các nhà
hàng, nhà trọ và các ngôi làng nằm ngoài ranh giới 15 mét cũng đã hoàn thành
việc xây dựng hệ thống thoát nước thải.
Ngoài ra các ngành công nghiệp không
cần phát triển ở gần hồ Nhĩ Hải cũng đã được chuyển ra ngoài. Những thay đổi ở thành
phố Đại Lý phù hợp với xu hướng rộng hơn trong cả nước nhằm giảm bớt áp lực cho
các khu vực đô thị trung tâm.
• Tiếp theo là khoản đầu tư trị giá
hàng tỷ nhân dân tệ để xây ba nhà máy xử lý nước thải, 4.660 km đường ống nước
thải và 99.000 hệ thống tự hoại được nâng cấp đã được lắp đặt trên toàn lưu
vực.
• Sinh viên từ các Đại học Nông
nghiệp Trung Quốc đã thành lập “sân khoa học và công nghệ” tại các ngôi
làng để giới thiệu các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường và
giám sát ô nhiễm không phải nguồn điểm — giảm lượng nước chảy tràn khoảng 10%.
• Người dân địa phương và “nhóm bảo
vệ hồ” cùng tham gia vào các hoạt động dọn dẹp, duy trì thảm thực vật ven bờ và
trồng lại loài hải thái hoa (Ottelia acuminata) rất nhạy cảm— như một chỉ số
sinh học quan trọng về chất lượng nước, với kết quả tích cực và lâu dài
Phục hồi toàn hệ sinh thái của hồ Nhĩ Hải ở Đại Lý, Vân
Nam là những câu chuyện truyền cảm hứng trên toàn quốc:
_ Chính quyền giải tỏa và cải tạo cơ
sở hạ tầng thành công
• Đến năm 2019–2020, chất lượng
nước đã liên tục đạt tiêu chuẩn Loại II–III—tươi mát và phù hợp môi trường
cho sinh vật sống dưới nước
• Quần thể chim muông quay trở lại
mạnh mẽ và các loài thực vật nhạy cảm như hải thái hoa (Ottelia acuminata) nở
hoa trở lại, báo hiệu sự phục hồi sinh thái.
• Du lịch phục hồi: Nhĩ Hải lấy lại biệt danh là
"hồ mẹ" của khu vực, làn nước trong vắt của nó một lần nữa thu hút
các cặp đôi, người yêu thiên nhiên và các loài chim di cư.
Kết quả tốt đẹp, hồ Nhĩ Hải đã
chuyển đổi từ tình trạng dày đặc ô nhiễm với rong tảo xanh độc để trở lại một
môi trường sôi động — tràn đầy sức sống, vẻ đẹp nên thơ và cân bằng sinh thái.
Hình 4: Cảnh quan ngày nay của hồ Nhĩ Hải, Vân Nam (2025), cho thấy cả một hệ sinh thái đang hồi sinh: độ trong của nước hồ đã được cải thiện đáng kể, phản ánh trạng thái khỏe mạnh của hồ. Đây chính là kết quả kỳ diệu và mẫu mực của nhiều năm nỗ lực làm sống lại một hồ nước đang chết dần.
NHỮNG ỨNG DỤNG SAU HỒ NHĨ HẢI
Những thách thức về môi trường mà
Châu Đại Lý phải đối mặt và những nỗ lực phục hồi của chính quyền từ trung ương
tới địa phương đã cung cấp một số bài
học vượt ra ngoài khu vực. Ví dụ, trong quá trình phục hồi hồ Nhĩ Hải, Tập đoàn Môi trường Nước Trung
Quốc đã phát triển 'hệ thống nhà máy công nghệ sinh thái khôi phục nước xây
ngầm dưới mặt đất’ (the distributed subsurface water reclamation ecosystem
technology system), là phương pháp quản lý dành cho các hồ lớn có diện tích
trên 200 km2 chưa từng được sử dụng ở bất kỳ nơi nào khác trên thế
giới. Theo Tiến sĩ Feng Hou, chủ tịch của Tập đoàn Môi trường Nước Trung Quốc, thì
đây là một phương pháp tiếp cận mới mang tính đột phá, làm thay đổi mô hình
quản lý nước đã tồn tại hàng bao thế kỷ trên toàn thế giới.
MỘT HUY CHƯƠNG BẠC TỪ IWA CHO HỒ NHĨ HẢI
Vào tháng 9 năm 2022, “Dự án Đổi mới
Kiểm soát Ô nhiễm Lưu vực hồ Nhĩ
Hải và Phát triển Khu vực” đã giành huy chương bạc ở hạng mục “Thực hiện
và Triển khai Dự án Xuất sắc” tại Đại hội Triển lãm Nước Thế giới của Hiệp hội
Nước Quốc tế (IWA/ International Water Association) tại Copenhagen, Đan Mạch.
Hội đồng chuyên gia của IWA đã đánh giá dự án do Tập đoàn Môi trường Nước Trung
Quốc, Đại học Giao thông Thượng Hải và chính quyền huyện Đại Lý cùng đệ trình:
về các khía cạnh đổi mới, những thành tựu, thiết kế dự án và tiềm năng tác động
rộng rãi hơn. Chủ tịch IWA Tom Mollenkopf tuyên bố rằng: “Việc quản lý
toàn diện Hồ Nhĩ Hải, kết
hợp cải thiện môi trường sinh thái nước với mô hình phát triển kinh tế xã hội
của lưu vực, cung cấp những hiểu biết quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực
môi trường nước toàn cầu”.
NHỮNG KỲ QUAN MÔI SINH CỦA TRUNG QUỐC
Sau thành công với hồ Nhĩ Hải, với chiến lược đa khía
cạnh bao gồm: (1) kiểm soát nguồn nước thải, (2)
xây dựng hệ
thống xử lý nước thải, (3) phục hồi vùng đệm sinh thái và (4)
tái định cư
dân cư. Cho đến nay, ít nhất đã có 8 hồ nước ngọt lớn của Trung Quốc được phục hồi – với chất lượng nước từ xấu - cấp IV và rất xấu - cấp V, nay đạt được cấp I tới III - từ rất tốt tới tốt.
1. Hồ Nhĩ Hải /
Erhai / 洱海, Vân Nam: Là hồ đầu tiên của Trung
Quốc được phục hồi toàn hệ sinh thái với chiến lược đa khía cạnh, và là mẫu mực
cho tất cả cả các hồ nước ngọt khác sau này của Trung Quốc.
2. Hồ Điền Trì / Dianchi – 滇池, Vân Nam: Từng là một hồ được coi là ô nhiễm nhất Trung Quốc, phẩm chất nước dưới cấp V, cá chết hàng loạt do nước thải đô thị và chất thải từ các khu kỹ nghệ quanh hồ. Với xây dựng 29 nhà máy xử lý nước thải, dẫn nước và xây dựng vùng
đất ngập nhân tạo, lấy nước từ sông Dương Tử hoàn nguyên toàn bộ dung
tích hồ, cùng với các
sáng kiến tăng cường đa dạng sinh học. Chất lượng nước của hồ đã được cải
thiện, với phục hồi thảm thực
vật, với sự trở lại của các loài cá và chim, và ngành du lịch sinh thái đang hồi sinh.
3. Bà Dương Hồ &
Động Đình Hồ / Poyang & Dongting Lake – 鄱阳湖
&– 洞庭湖, Giang Tây: Hồ Poyang và hồ Dongting là hai hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, cả hai
đều có liên kết với sông Dương Tử. Hồ Poyang, hồ lớn hơn, nằm ở tỉnh Giang Tây
và hồ Dongting, nằm ở tỉnh Hồ Nam, cùng điều hòa lũ và nối kết với sông Dương
Tử qua nhiều kênh. Cả hai hồ đều đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của
sông Dương Tử và trong việc điều hòa lũ lụt trong khu vực. Thực thi các chiến dịch
cải thiện chất lượng nước, tăng giám sát, kiểm soát nguồn thải.
4. Thái Hồ / Taihu Lake – 太湖,
Giang Tô: Một trong ba hồ lớn nhất ở Trung Quốc, đã
bị ô nhiễm trầm trọng, tảo xanh năm 2007, nước dưới cấp V là mức thấp nhất. Với giải pháp: đóng cửa hàng ngàn nhà
máy gây ô nhiễm, xây hệ thống đường ống
dẫn
nước, gom tảo, kiểm soát nguồn nước thải, khôi phục vùng đệm nước ngập để giảm ô
nhiễm. Đến năm 2024, phẩm chất nước đạt cấp III đủ tốt cho các sinh vật sống và
phát triển.
5. Phủ Tiên Hồ / Fuxian Lake – 抚仙湖, Vân Nam: Hồ bị ô nhiễm nặng từ phân
bón thuốc trừ sâu từ nông nghiệp và lượng rác phế thải từ khu dân cư và sự bùng
phát du lịch. Với giải pháp: qua nạo
vét bùn, lập khu sinh vật lọc và chuyển hướng
dòng nước, hồ đã trả về chất lượng “cấp I” năm 2004.
6. Lô
Cô Hồ / Lugu Lake – 泸沽湖, Tứ
Xuyên: Bị ô nhiễm do du lịch bùng phát, các
công trình xây
dựng xâm lấn hồ, lượng nước thải không được xử lý. Giải pháp: từ 1992, xây hệ thống ống
thu hồi nước thải, hạn chế sử dụng phân bón hóa chất, thuốc
trừ sâu, cấm
thuyền máy; các biện pháp đa khía cạnh này từng được đánh giá là mô hình "tiêu
chuẩn".
7. Ô Luân Cổ Hồ / Ulungur Lake – 乌伦古湖, Tân Cương: Ở
Tân Cương, từng bị ảnh hưởng từ nước sinh hoạt và kỹ
nghệ thủy
sản. Giải pháp: Từ 2005 đến 2018, xây
dựng công viên đất ngập nước, xử lý nước thải, trồng lại khôi phục hệ sinh thái
– hiện là công viên đất ngập quốc gia.
8. Bạch Dương Hà Thuỷ Khố / Urumqi's Baiyangdian (Baiho)
Lake –
白杨河水库, Tân Cương:
Được phục hồi thành đầm sinh thái gần Urumqi giữa 2016–2019.
Cho tới nay Trung Quốc đã giải quyết được ô nhiễm thành công, với quy mô lớn và độ sâu ô nhiễm cao, với áp dụng mô hình Khoa học Môi trường của hồ Nhĩ Hải. Chính sách đồng bộ –
từ ngăn xả thải, xử lý nước thải đến bảo tồn vùng ven hồ – được ứng dụng nhân rộng ở nhiều khu vực khác trên cả nước.
BÍ QUYẾT VÀ
GIẢI PHÁP:
Việc Trung Quốc phục hồi thành công
các hồ nước
ngọt từng bị ô nhiễm nghiêm trọng là một phần trong “quốc
sách” cải
thiện môi trường và phát triển bền vững trong những năm gần đây. Một số bí quyết và giải pháp chính giúp Trung
Quốc thành công trong việc “làm sống lại” các hồ nước ngọt bao gồm:
1. Kiểm
soát nghiêm ngặt nguồn ô nhiễm. Đóng cửa
hoặc di dời các nhà máy gây ô
nhiễm: Chính phủ yêu cầu các khu công nghiệp ven hồ
phải di dời, chuyển đổi công nghệ hoặc đóng cửa nếu không đạt tiêu chuẩn môi
trường. Quản lý nước thải đô thị: Xây dựng hệ thống xử
lý nước thải tập trung, yêu cầu tất cả nước thải phải được xử lý trước khi xả
ra hồ.
2. Khôi phục hệ sinh thái tự nhiên. Tái tạo vùng đệm sinh thái ven hồ: Trồng cây thủy sinh
(sen, súng, lau sậy), tạo vùng đệm lọc nước tự nhiên. Thả các
loài cá lọc nước: Như cá trắm cỏ, cá mè trắng... để kiểm soát tảo và chất hữu
cơ. Hạn chế việc nuôi trồng thủy sản theo hình thức công nghiệp, chuyển sang nuôi sinh
thái thân thiện hơn.
3. Ứng
dụng công nghệ mới: Công nghệ sinh học. Dùng
vi sinh vật phân hủy chất hữu cơ trong nước. Hệ thống
giám sát thông minh: Lắp cảm biến và hệ thống AI giám sát chất lượng nước theo thời
gian thực. Kỹ thuật "nạo vét sinh thái" (ecological dredging) là nạo vét
bùn đáy ô nhiễm mà không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
4. Huy động nguồn lực và quyết tâm chính trị: Đầu tư
mạnh mẽ của chính phủ trung ương và địa phương, với hàng tỷ USD cho các
dự án phục hồi hồ. Áp dụng chính sách nghiêm
minh: Cán
bộ địa phương chịu trách nhiệm nếu chất lượng nước không đạt. Thực hiện
theo kế hoạch dài hạn (thường là từ 5 – 10 năm hoặc lâu hơn), kết hợp giữa môi trường – phát triển đô thị
– du lịch.
KẾT
LUẬN VỚI BÀI HỌC RÚT RA TỪ HỒ NHĨ HẢI:
Phục hồi các hồ nước ngọt -- không chỉ là ứng dụng triệt để những kiến
thức về Khoa Học Môi Trường, và cũng để thấy rằng không
thể làm trong một thời
gian ngắn – theo kiểu
tư duy nhiệm kỳ – mà cần sự kiên trì có thể từ hơn 2,3 kế hoạch ngũ niên, với đầu tư đồng bộ và sự hợp
tác giữa nhà nước – doanh nghiệp – người dân. Với một chiến
lược rõ ràng, một nhà nước có tinh thần trách nhiệm với
lòng yêu nước yêu dân và có quyết
tâm chính trị cao, hoàn toàn có thể cứu sống và phục hồi
các
hồ nước ngọt khỏi tình trạng "chết dần".
NGÔ THẾ VINH
Erhai
& Dianchi Lakes Visited September 2002
GWRS
Visited 2017 & Revisited June 13, 2025
Long
Beach July 4, 2025
Tham
Khảo:
1/
Tường Trình Từ Vân Nam_ Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Ngô Thế Vinh 09.2002
Nxb
Văn Nghệ 2007
https://online.fliphtml5.com/msgrj/wcst/#p=1
2/ Reviving Erhai Lake: A Socialist Approach to Balancing Human and
Ecological Development. Xiong Jie & Tings Chak 2024
https://thetricontinental.org/wenhua-zongheng-2024-2-reviving-erhai-lake/
3/ Yunnan's largest
freshwater lake (Dianchi Lake) comes back to life. Zheng Jinran, Peng Chao & Dang He. China Daily 24.08.2024
https://global.chinadaily.com.cn/a/202408/31/WS66d2f89ea3108f29c1fc96a6.html