Trao đổi ý kiến




Nên viết "dòng" hay "giòng" ?



Chúng ta cùng biết các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn viết “giòng sông, giòng nước”:
Nhất Linh: Giòng sông Thanh Thủy
Tú Mỡ: Giòng nước ngược
Thạch Lam: Theo giòng.
Các nhà văn, trí thức lớp sau viết “dòng sông, dòng nước”:
Doãn Quốc Sỹ: Dòng sông định mệnh (1959)
Phùng Khánh & Phùng Thăng: Câu chuyện của dòng sông (dịch cuốn Siddhartha của Hermann Hesse) (1965)
Nhật Tiến: Tặng phẩm của dòng sông (1972)
Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy: “Dòng nước sông Hồng” (viết 1945, in vào thi tập 1985)
Ngô Thế Vinh: Mekong, dòng sông nghẽn mạch (2007).
Vậy chúng ta nên theo các nhà văn lớp trước hay lớp sau?
1)  Trước hết, ba cuốn tự điển Việt ngữ có thẩm quyền nhất của VN cho tới hiện nay:
--Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (trang 155),
--Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức & Lê Ngoc Trụ (quyển Thượng, trang 376),
--Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (quyển I, trang 243)
cùng viết là “dòng.”
Cuốn Việt ngữ chánh tả tự vị do nhà ngữ học Lê Ngọc Trụ biên soạn cũng viết “dòng” (trang 141).
2)  Các tự điển do những học giả có uy tín khác biên soạn như:
--Vietnamese-English Dictionary của Gs. Nguyễn Đình Hòa (trang126),
--Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Lm. Trần Văn Kiệm (trang 388)
cũng viết là “dòng.”
Hầu hết các tự điển Việt ngữ xuất bản ở trong nước hiện nay và tự điển chữ Nôm (ở trong nước cũng như ở hải ngoại) cùng viết “dòng”:
Tự điển chữ Nôm trích dẫn (Westminster, CA, 2009): trang 299.
Tự điển chữ Nôm dẫn giải (Hà Nội, 2012): trang 452.
3)  Các nhà biên soạn tự điển có lý do để viết “dòng” (với D).
Trong chữ Nôm. chữ ấy được viết như sau: 𣳔
Phía trước là bộ Thủy (nước)  để cho biết có liên quan đến nước.
Phía sau là chữ Dụng  (dùng) để chỉ cách phát âm.
Vậy đó là một chữ “có liên quan đến nước,” và phát âm giống chữ “dụng” (trong chữ Nôm đọc là “dùng”)
Vì phát âm giống “dụng” và “dùng,”chúng ta cùng thấy âm “dòng” gần và tự nhiên hơn.
Khi phát âm là “dòng,” thì viết với D là đúng.
Vì lẽ đó, những ai thường tra cứu tự điển hoặc biết qua chữ Nôm (các Gs. Doãn Quốc Sỹ, Trần Trọng San … và những người tốt nghiệp Đại học Văn khoa sau các ông) có khuynh hướng viết “dòng.”
Gs./nhà văn Doãn Quốc Sỹ là con rể nhà thơ Tú Mỡ. Là một giáo sư Quốc văn, từng dạy và viết sách biên khảo về Tự Lực Văn Đoàn (Khảo luận về Tự Lực Văn Đoàn), ông biết rất rõ nhạc phụ đã viếtGiòng nước ngược (cũng như Nhất Linh, Thạch Lam đã viết Giòng sông Thanh Thủy, Theo giòng) nhưng ông không theo. Trong cương vị một nhà giáo, ông viết Dòng sông định mệnh, vì nghĩ rằng như thế đúng hơn. Nhà văn Nhật Tiến có giao tình thân với văn hào Nhất Linh. Ông là người đọc lời vĩnh biệt khi hạ huyệt trong tang lễ Nhất Linh ở Sàigòn ngày 13-7-1963. Tuy biết rất rõ Nhất Linh đặt tên cho tác phẩm cuối đời của mình là Giòng sông Thanh Thủy, năm 1972 Nhật Tiến vẫn đặt tên cho một tập truyện của ông là Tặng phẩm của dòng sông.
4)  Các học giả Việt Nam viết ra sao?
 --Gs. Dương Quảng Hàm:
Trong các tác phẩm văn học được liệt kê trong Việt Nam thi văn hợp tuyển  Quốc văn trích diễm, Gs. Dương Quảng Hàm luôn luôn viết “dòng”:
-     Sông Lục đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng (Ca dao)
-     Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước (bản dịch Tỳ bà hành)
  --Các học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim:
Khi phiên âm Truyện Kiều, hai học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim
cũng viết “dòng”:
-         Nao nao dòng nước uốn quanh (câu 55)
-         Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang (câu 2636)

--Học giả Đào Duy Anh:
Trong Từ điển Truyện Kiều, học giả Đào Duy Anh cũng viết “dòng” như hai học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim.
--Gs. Hoàng Xuân Hãn:
Trong Chinh phụ ngâm bị khảo, Gs. Hoàng Xuân Hãn cũng viết “dòng”:
-         Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt (câu 17)
-         Dòng nước sâu ngựa nản chân bon (câu 70).



Các học giả của Miền Nam trước 1975 như Gs. Trần Trọng San trong cuốn Văn học Trung Quốc đời Chu Tần, cũng luôn luôn viết: “ngược dòng, xuôi dòng, dòng dõi…”
Trong các nhân vật lỗi lạc của Miền Nam trước 1975 có một vị viết “giòng.” Đó là Lm. Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế. Cuốn hồi ký xuất bản năm 1971 của  Linh mục có nhan đề: Bên giòng lịch sử: Hồi ký 1940-1965. Không rõ có phải vì Linh mục chịu ảnh hưởng các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn?
5)  Tại sao các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn viết “giòng”?
Khi các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn viết Giòng nước ngược và Theo giòng,
tuy Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ cùng Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ chưa ra đời, nhưng hai bộ tự điển của Huỳnh Tịnh Của và Hội Khai Trí Tiến Đức đã xuất hiện (1895 và 1931). Rất có thể các vị không lưu tâm đúng mức đến bộ tự điển của Huỳnh Tịnh Của (xuất bản ở trong Nam), nhưng nhiều phần vì các vị có thành kiến với Hội Khai Trí Tiến Đức. Báo Phong Hóa đã đăng rất nhiều thơ văn giễu cợt, châm biếm Hội này. Trong hoàn cảnh ấy, việc theo những đề nghị về phương diện chính tả do tự điển Khai Trí Tiến Đức nêu lên khó xảy ra.
6)  Tự Lực Văn Đoàn cũng có những sai lầm khác về phương diện chính tả.
Khi xuất bản lần đầu năm 1936, tập truyện ngắn của Khái Hưng mà nay chúng ta gọi là “Dọc đường gió bụi” được in với nhan đề Giọc đường gió bụi:
Thời nay chúng ta cùng biết rằng viết như thế là sai. Câu đầu bài “Chí làm trai” của Nguyễn Công Trứ vẫn được phiên âm là:
Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc.
Tự Lực Văn Đoàn có những đóng góp rất quý giá về phương diện văn học và xã hội. Về văn học, đóng góp của TLVĐ cho nền văn xuôi VN (và cho cả Thơ Mới) rất đáng kể. Nhưng cách viết chữ quốc ngữ ở thời TLVĐ chưa hoàn hảo về phương diện chính tả. Đọc lại báo Phong Hóa, chúng ta thấy lỗi chính tả khá nhiều.
Vì những lẽ ấy, tuy vẫn nên viết tên các tác phẩm của Nhất Linh, Tú Mỡ, Thạch Lam là Giòng sông Thanh Thủy, Giòng nước ngược, Theo giòng (đó là những danh từ riêng, tên các tác phẩm đã có địa vị trong văn học sử), chúng ta vẫn nên viết “dòng” (dòng nước, dòng dõi, dòng tu …) trong những trường hợp khác.

Góp ý của nhà văn Nhật Tiến, California:
Dĩ nhiên ta tôn trọng các tác phẩm đã in thành sách như của Nhất Linh (Giòng Sông Thanh Thủy), Tú Mỡ (Giòng Nước Ngược) ..., và biết ơn công trình làm mới văn chương của Tự Lực Văn Đoàn  từ giữa thế kỷ trước, nhưng phải nói rằng trong hai cơ quan ngôn luận của Văn đoàn này, tờ  Phong Hóa và tờ Ngày Nay hãy còn chứa đầy rẫy lời văn thô sơ hay lỗi chính tả. Như một số mục chính trên tờ Phong Hóa đã dùng những từ mà cho đến nay không còn ai dùng nữa  như Chuyện ngắn thay vì Truyện ngắn, Từ Nhỏ đến Nhớn thay vì Từ Nhỏ đến Lớn, Hạt đậu Dọn thay vì Hạt đậu Nhọn, tòa soạn quảng cáo :“Xem Phong Hóa số Tết, 20 trang. In mùi, có bìa giấy trắng” thay vì “Xem Phong Hóa số Tết, 20 trang. In mầu, có bìa giấy trắng” ..v..v…  
Cho nên tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận định xác đáng của anh Trần Huy Bích về việc viết chữ "dòng sông," thay vì viết "giòng sông."
 Góp ý của Bác sĩ Hà Ngọc Thuần, Brisbane, Úc châu:
Bài viết của Anh Trần Huy Bích có thể gọi là "tường-tận": tường là nói rõ ràng, và tận là đã nói tới cùng. Có hai hệ-luận như sau: một là trong tương-lai chúng ta nên nhất trí viết "dòng", nhưng vì Việt-Nam không có Hàn-lâm-viện để quy-định chính-tả nên việc này tuy dễ mà khó. Vả lại trong văn chương chẳng nên có sự bức-bách, bắt người viết phải theo ý-kiến mình, dù đó là ý-kiến của số đông. 
Cũng không nên có sự chê-trách vội-vã đối với một bài văn vì một vài "lỗi" chính-tả mà quên đi ý-tưởng của toàn thể bài viết. Việc này thường đưa đến những mối bất-hòa không cần thiết. hai là sau này khi tái-bản chúng ta có dám, hay có nên, thay đổi tựa đề của tác-giả mà in là "Dòng Sông Thanh Thủy" (Nhất Linh), "Theo Dòng" (Thạch Lam) và "Dòng Nước Ngược" (Tú Mỡ), hay là chúng ta bắt buộc phải tôn-trọng các tác-giả và giữ nguyên tựa-đề như đã viết trong quá khứ.
Góp ý của Nha sĩ Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Columbus, Ohio:

Bản thân tôi nhiều khi cũng lúng túng vì chữ "dòng sông" và "giòng sông."
Cám ơn anh Huy Bích đã tra cứu và giảng giải rất cặn kẽ. Từ nay tôi sẽ dùng chữ "dòng" mà không còn phải lưỡng lự gì nữa. 
Còn chữ "giòng" coi như chữ cổ, vì ngôn ngữ theo thời gian có thể đọc khác đi một chút, như "ông trời" ngày trước ta gọi là "ông giời" vậy.
Góp ý của nhà văn Huy Văn Trương, Bellflower, California:
Tôi thường viết "dòng sông, dòng dõi, dòng họ" vì tôi dựa theo tự điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ do nhà sách Khai Trí xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn.
Trong cuốn tự điển này không có chữ "giòng"nào hết. Tôi dùng cuốn tự điển này vì tôi thấy nó tạm đủ so với nhiều cuốn khác. Tuy vậy trong đó cũng có nhiều chữ, theo tôi nghĩ vẫn còn trong vòng tranh cãi, như người ta thường viết là "chia sẻ" thì trong tự điển Lê Văn Đức viết là "chia xẻ"…
Từ trước tới giờ tôi viết "dòng sông" vì theo tự điển nhưng vẫn thấy lấn cấn thế nào đó. Cho đến khi  đọc  bài viết: Nên viết "dòng  hay "giòng" của anh Trần Huy Bích xong, tôi không còn thấy lấn cấn nữa, mọi thắc mắc đã được giải toả. Đề nghị anh đăng bài viết của anh lên nhiều tờ báo để mọi người cùng được đọc.
Góp ý của cô Nguyễn Thị Ngọc Dung,
cựu giáo sư Trung học Võ Tánh, Nha Trang:
Xin cảm ơn anh đã gửi một câu chuyện thú vị về văn chương, ngôn ngữ VN, cách viết chữ "Giòng" hay "Dòng."
ND cũng xin mạo muội chen vào, bày tỏ một vài ý kiến riêng, nho nhỏ:
1. ND cũng quen với chữ "Dòng" để chỉ "dòng sông" hay "dòng đời," và chữ "Giòng” để chỉ "giòng dõi." 
2. Tuy nhiên, theo thiển ý, dù viết "giòng đời" hay "dòng dõi" cũng vẫn được. Điều quan trọng là KHÔNG SAI về ý nghĩa.
3. Riêng về chữ "dòng" hay"giòng," nếu suy từ chữ Nôm (dùng chữ "Dụng" thêm bộ "Thuỷ") thì “dòng" nghe có lý hơn là "giòng."
Góp ý của nhà biên khảo Phạm Xuân Hy, Paris, Pháp:
Cám ơn anh đã cho đọc một bài viết hay, công phu, cặn kẽ, sáng sủa. Tôi cũng xin được đồng ý với anh, quý anh, quý chị, là muốn tìm "nghĩa và âm" của một chữ quốc ngữ ABC ngày nay, thì người ta có thể (chứ không hoàn toàn tất cả), dựa vào chữ Nôm đã được tổ tiên chúng ta bỏ công lao cấu tạo nên; như trường hợp chữ "dòng"𣳔.

Nhà biên khảo Phạm Xuân Hy có nhã ý gửi cho chúng tôi một trang chữ Nôm với chữ “Dòng.” Đó là trang đầu của bản Nội quy dành cho một dòng nữ tu Công giáo Việt Nam mà ngày nay chúng ta quen gọi là “Dòng Mến Thánh Giá.”
Những chữ Nôm ở trang này là: “Phép Dòng Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Giê Su” (Chữ “Câu Rút” được phiên âm từ chữ La Tinh “Crux,” có nghĩa là Thánh giá).  Chữ “dòng” 𣳔 là chữ thứ hai của hàng chữ Nôm phía sau, với bộ Thủy đứng trước chữ Dụng 

Phép Dòng Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Giê Su
(Tài liệu của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá)

http://tranhuybich.blogspot.com

 
 

Nên viết “sử dụng” hay “xử dụng” ? 

 

Trong cuốn Ngữ vựng tiếng Việt đầu tiên (Westminster, CA, 2017), nơi trang 6, Giáo sư Trần Ngọc Ninh cho biết theo nhận xét của ông, “trong số các nhà văn nhà báo,  có chừng 50 phần trăm viết ‘sử dụng’ và áng 50 phần trăm viết ‘xử dụng’.” Nhân thấy hai phía “tương đương,” Gs. Ninh không tỏ ra thiên về phía nào. Ông dẫn lời một nhà làm tự điển, “thói quen là vua trong ngôn ngữ” (sách đã dẫn, cùng trang). 

Khi cho học sinh viết chính tả, một cô giáo dạy Việt ngữ không được nhiều tự do như thế mà cần có một ý niệm rõ rệt, dứt khoát hơn. Giữa hai cách viết “xử dụng” và “sử dụng,” nên hướng dẫn học sinh chọn cách nào, và tại sao lại nên chọn như thế ? Bài này được viết theo đề nghị của hai người bạn. Một người bạn trẻ, dạy tiếng Việt ở một Trung tâm Việt ngữ. Người bạn thứ hai lớn tuổi hơn, một bác sĩ y khoa quan tâm tới đất nước và những vấn đề mang tính cách ngôn ngữ, văn hóa, nêu câu hỏi sau khi đọc xong cuốn sách vừa kể của bác sĩ Trần Ngọc Ninh.

Trước hết, “xử” (viết với X) là một từ khá thông dụng trong tiếng Việt. Chúng ta nói “phân xử, xét xử, khu xử, xử trí, xử thế…” Xử cũng chỉ lối sống của một kẻ sĩ ở ẩn, không chịu ra làm việc đời (Xử sĩ, Xưa nay xuất xử thường hai lối—Nguyễn Công Trứ). “Xử nữ” cũng đồng nghĩa với “trinh nữ.” Trong khoa chiêm tinh Tây phương, cung Virgo trong Zodiac được dịch sang tiếng Pháp là Vierge và tiếng Việt là Xử nữ. Nhân từ “xử nữ,” có thêm từ Hán Việt “xử nữ mạc” (màng trinh). Vì sự thông dụng của từ “xử,” khi cần diễn ý “xử dụng/sử dụng” với nghĩa “sai khiến, dùng vào một việc gì,” nhiều người đã viết “xử dụng” (với X)  một cách tự nhiên. Đó cũng là lựa chọn của người viết những dòng này trong gần suốt thời gian ở Trung học, nghĩ rằng mình đã viết đúng.

Hai chữ “xử” và “sử” đều là từ Hán Việt, có gốc chữ Hán. Nếu từ “xử” trong “phân xử, xử thế, xuất xử” có gốc chữ Hán là (cũng được đọc là “xứ” như trong “xứ sở, xuất xứ”), thì từ “sử” với nghĩa “sai khiến” có gốc từ chữ 使. Trong Hán văn, để  diễn  ý “sai khiến, dùng vào một việc gì,” người ta viết  使 hay 使用 (“sử” hay “sử dụng”).
Trong các tự điển Khang HiTừ Hải (biển các từ), chữ 使 được cho biết là 从音史“tòng âm sử” (theo âm “sử,” phát âm như chữ "sử" với nghĩa lịch sử). Trong The Pinyin Chinese-English Dictionary do Gs. Wu Jingrong (吳景榮 = Ngô Cảnh Vinh) thuộc Viện Ngoại ngữ Bắc Kinh làm chủ biên, thì chữ 使 có âm là “shĭ” (“shi,” phát âm theo thượng thanh).
Trong các tự điển Hán-Việt, chữ ấy được ghi âm là “sử” (viết với S, giống chữ “sử” trong “lịch sử”):
Hán Việt tự điển của Thiều Chửu: trang 21;
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh: trang 213;
Hán Việt tự điển của Trần Trọng San: trang 20;
Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh: trang 152;
Từ lâm Hán Việt tự điển của Vĩnh Cao và Nguyễn Phố:  trang 62.
Trong các tự điển Việt ngữ được coi là “có thẩm quyền,” hai chữ “sử dụng” cũng được viết với S:
Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ: trang 1321, quyển Hạ;
Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của: trang 312, quyển 2.
Để làm thí dụ, xin được trình bày phóng ảnh những đoạn về cách viết chữ ấy trong các tự điển:

--Của Trần Trọng San:


 --Của Vĩnh Cao & Nguyễn Phố:


--Của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ:


Nhà biên soạn tự điển Trần Văn Chánh còn dùng từ “sử dụng” trong lời văn của chính ông:

“Sử” với nghĩa “sai khiến” là một từ khá thông dụng trong cổ văn. Trong Luận ngữ, Khổng tử từng trả lời một câu hỏi của Lỗ Định công về liên hệ vua tôi như sau: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung” (vua sai khiến bề tôi với lễ, bề tôi phụng sự vua với lòng trung) :


(Luận ngữ, Thiên “Bát dật,” tiết 19).

Ở một đoạn khác trong Luận ngữ, Khổng tử khuyên những người trị nước muốn dùng sức dân (bắt dân làm những việc tạp dịch) phải “sử dân dĩ thời” (sai khiến dân đúng thời, ngụ ý tránh những lúc dân đang bận vì các việc cấy gặt, đồng áng):


(Luận ngữ, thiên “Học nhi,” tiết 5).

Trong một bài Đường thi khá được phổ biến (bài “Thục tướng,” vịnh Thừa tướng nhà Thục Hán), Đỗ Phủ bày tỏ niềm thương tiếc Khổng Minh bằng hai câu:

出師未捷身先死
長使英雄淚滿襟
Xuất sư vị tiệp thân tiên tử
Trường sử anh hùng lệ mãn khâm
(Ra quân chưa thắng thân đã thác
Khiến cho khách anh hùng nước mắt đầy vạt áo)
Tất cả các nhà dịch thơ chúng ta biết đều viết chữ “sử” ấy với S:
Trần Trọng Kim:


Trần Trọng San:

Khi phổ biến bài "Thục tướng" trên Net, tất cả các trang mạng được nhiều người biết tới cũng dùng S để viết chữ “sử”:
Trên thivien.net:
Trên hoasontrang.us:
Trên saimonthidan.com:
Chữ “sử” 使 trong “quân sử thần dĩ lễ,” “sử dân dĩ thời,” “trường sử anh hùng …”  chính là chữ “sử” 使 trong động từ “sử dụng” 使用. Theo các tự điển, chữ ấy cùng âm với chữ “sử” trong lịch sử, sử ký... Khi ta dùng S để viết “lịch sử, sử ký, Quốc sử quán, sử quan, sử gia …,” đương nhiên ta cũng nên dùng S để viết chữ “sử” trong “sử dụng.”

Trong Việt ngữ, khi dùng làm động từ, ch ấy được đọc là “sử,” nhưng khi dùng làm danh từ, sẽ được đọc là “sứ.” Chúng ta có từ “sứ giả” (người được sai đi). Từ đó có thêm những từ “đi sứ, sứ thần, sứ quán, ông Đại sứ …” Vì cùng một gốc chữ Hán 使, cách đọc những chữ ấy phải giống nhau. Không lẽ chúng ta viết “sứ giả, sứ thần” với chữ S nhưng lại đổi dùng X để viết “sử dụng” thành “xử dụng”?

Hiện nay số người viết “sử dụng” có vẻ mỗi ngày một nhiều hơn. Đó là lối viết được ghi trong các tự điển.

 TRẦN HUY BÍCH


 

Từ Hán-Việt nào để chỉ cha mẹ chồng




 Anh M thân,

Trong tiếng Việt, chúng ta không có từ Hán-Việt nào để chỉ cha mẹ chồng (chỉ có từ Việt thuần túy “bố chồng, mẹ chồng”). Một người bạn và tôi đã tra mòn quyển từ điển song ngữ Hán Việt với nhan đề Đại Nam Quốc Ngữ của Hải Châu Tử Nguyễn Văn San nhưng không tìm được từ nào. Danh sĩ Nguyễn Văn San (1808-1883), còn được biết qua bút hiệu Văn Đa cư sĩ (làng Đa Ngưu, huyện Văn Giang), học vấn uyên bác nhưng – cũng giống như Phan Huy Chú, tác giả bộ Lịch triều hiến chương loại chí, và Trần Tế Xương -- chỉ đậu có Tú Tài. Ông giống Phan Huy Chú hơn giống Trần Tế Xương: miệt mài nghiên cứu để soạn những bộ sách công phu và hữu ích.

Trong Đại Nam Quốc Ngữ (được khắc in lần đầu năm 1889 đời vua Thành Thái, mới được Viện Nghiên Cứu Hán Nôm ở Hà Nội in lại năm 2013) có phần “Nhân luân môn,” liệt kê các từ Hán Việt để chỉ các mối liên hệ khác nhau, nhưng tuyệt không có từ nào để chỉ “cha mẹ chồng.”

Tất cả các tự điển Hán Việt thông dụng (Thiều Chửu, Đào Duy Anh, Trần Trọng San, Trần Văn Chánh), tất cả các tự điển Việt ngữ được coi là “có thẩm quyền” (Khai Trí Tiến Đức, Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, Huỳnh Tịnh Của) đều nói: “nhạc phụ” hay “ông nhạc” là bố vợ, “nhạc mẫu” hay “bà nhạc” là mẹ vợ, “nhạc gia” là bên nhà vợ. Những tiếng ấy không có nghĩa là cha mẹ chồng, nhà chồng. Người phụ nữ thời xưa, khi “xuất giá” đi lấy chồng, coi gia đình chồng là gia đình của mình, coi chồng, con (và sau này cả cha mẹ chồng khi đã già yếu) thuộc phạm vi trách nhiệm, trong “thẩm quyền quản trị” của mình.

Người Trung Hoa cũng thế. Một tự điển Anh-Hán rất có thẩm quyền là Oxford Advanced Learner’s English-Chinese Dictionary (Oxford Univ. Press, nhiều ấn bản, tôi có Extended 4th ed, in năm 2002) cho biết:

Father-in-law là 岳父 (nhạc phụ) đối với người đàn ông, nhưng là  公公 (công công) đối với người đàn bà

Mother-in law là 岳母 (nhạc mẫu) đối với người đàn ông, là 婆婆 (bà bà) đối với người đàn bà

“Công công” và “bà bà” là những tiếng để cháu gọi ông bà. Người phụ nữ TH sau khi đi lấy chồng, gọi cha mẹ chồng là “ông, bà,” tức gọi thay cho con. Dân VN và TH vẫn có tục lệ ấy.

Trong ngôn ngữ Trung Hoa có từ (chương) để chỉ cha chồng và từ (cô) để chỉ mẹ chồng. Khi nói chung, có từ 姑嫜 (cô chương) hay 公姑 (công cô), như câu sau đây trong truyện Quan Âm Thị Kính:

Công cô rằng, “Bảo cho hay

Trộm hương cắp phấn cũng đầy chan chan …”



Nhưng tiếng (chương) chỉ được dùng khi nói đến, nhắc đến người cha chồng, không được dùng làm tiếng để gọi (không phải là nhân vật đại danh từ ở ngôi thứ hai).

Theo tôi thấy, những tiếng “chương phụ, chương mẫu, quân phụ, quân mẫu” do anh bạn đề nghị chỉ là ý của anh ấy thôi. Tôi tra lại tất cả các tự điển tiếng Việt có thẩm quyền (KTTĐ, LVĐ & LNT, HTC) đều không thấy mấy từ ấy. Các tự điển Hán Việt của Thiều Chửu, Trần Trọng San, Trần Văn Chánh chỉ ghi (chương) là “cha chồng,” không có từ “chương phụ, chương mẫu.” Từ điển Đào Duy Anh không hề ghi chữ ấy.

Trong tiếng Việt thuần túy, người con dâu VN gọi cha mẹ chồng theo cách gọi của chồng (“thầy mẹ, bố mẹ …”) nhưng cũng không dùng từ Hán Việt “thân phụ, thân mẫu” (những tiếng ấy chỉ để chỉ người sinh ra mình thôi). Dưới đây là cách tôi vẫn dùng để gợi ý cho những vị con dâu khi phải nhắc đến cha mẹ chồng trong các bản Phân Ưu hay Cáo Phó:  

1) Phân ưu cha chồng một vị con dâu VN

Nhận được tin buồn:

Thân phụ của anh Nguyễn Văn Ất là

Cụ Ông NGUYỄN VĂN GIÁP

đã quá vãng

--Chúng tôi xin chân thành phân ưu với Anh Chị Nguyễn Văn Ất và tang quyến (nếu người chồng còn)

--… xin chân thành phân ưu với Chị Nguyễn Văn Ất (có thể ghi thêm khuê danh của chị ấy) và tang quyến (trong trường hợp người chồng đã khuất)

2) Cáo phó (khi người con dâu báo tin mẹ chồng qua đời)

Chúng tôi đau đớn báo tin buồn:

Cụ bà Nguyễn Văn Giáp

Khuê danh ….

Pháp danh …

Là mẹ, mẹ chồng, bà nội, bà ngoại, bà cố của chúng tôi …

Người quá cố ắt phải có một số con. Trong trường hợp cụ không còn người con nào, bà con dâu là người duy nhất đứng tên dưới Cáo Phó, thiết nghĩ có thể viết:

Là mẹ chồng, bà nội, bà ngoại, bà cố của chúng tôi …

Các bạn được tôi giúp ý đã từng viết như thế.
04/25/2018
 





Người dịch bản “Bình Ngô đại cáo” 
được in trong Việt Nam Sử Lược 
là cụ Bùi Kỷ hay cụ Trần Trọng Kim?

Vũ thân,

1) Tôi cũng nghĩ như Vũ rằng người dịch bản “Bình Ngô đại cáo” in trong cuốn Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim là cụ Bùi Kỷ. Cũng có thể cả hai cụ cùng dịch. Như Vũ đã biết, cụ Trần từng có một bản lược dịch “Bình Ngô đại cáo” in trong Sơ Học An Nam Sử Lược (1917). Có thể trong khi viết hai cuốn sử kể trên, cụ Trần là người nghĩ đến việc dịch “Bình Ngô đại cáo” trước. Nhưng khi phải dịch toàn thể bản văn, cụ đề nghị cụ Bùi tiếp tay. Hai cụ là bạn tâm giao, trở thành em rể và anh vợ rất tương đắc (cụ Trần lấy em gái cụ Bùi). Dù cụ Trần có khởi xướng việc dịch, nhưng bản văn ở dạng hoàn hảo như được in trong Việt Nam Sử Lược (1920) và về sau in lại trong Quốc Văn Cụ Thể của cụ Bùi (1932), hẳn đã do cụ Bùi là người chấp bút chính. 

Trong thời gian tôi ở Trung học, tất cả các vị thầy của tôi, dù dạy Sử hay dạy Quốc văn, khi nhắc đến bản dịch ấy, đều nói là, "Bản dịch của Bùi Kỷ, in trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim” (cuốn Quốc Văn Cụ Thể không được phổ biến rộng như Việt Nam Sử Lược). Lên đến Đại học, tôi cũng nghe nói như thế. Trong hơn 20 năm ở Miền Nam, tôi không nghe có ai “đặt vấn đề” về chuyện ấy cả. Danh hiệu cụ Bùi không được ghi sau bản dịch in trong Việt Nam Sử Lược, có thể vì cả hai cụ cùng cho là không quan trọng. Các cụ từng hợp soạn nhiều cuốn sách (Việt Nam Văn Phạm, Truyện Thúy Kiều Chú Giải). Ngay trong những cuốn chỉ ghi tên cụ Trần (như Việt Nam Sử Lược, Nho Giáo) cụ Bùi cũng vẫn tiếp tay một cách đáng kể.

2) Tôi tin cụ Bùi là dịch giả (hay ít nhất dịch giả chính) của “Bình Ngô đại cáo” cũng vì văn phong ở trong bản dịch ấy.

--Văn cụ Trần là loại văn mộc mạc, giản dị của một nhà giáo, một nhà biên khảo. Trừ quyển thơ dịch Đường thi, tất cả tác phẩm khác đều bằng văn xuôi. Cụ viết nhắm mục đích giáo dục (Luân lý giáo khoa thư) hoặc phổ biến kiến thức (Nho giáo, Phật giáo, Vương Dương Minh ...). Kể cả trong cuốn hồi ký rồi đưa ra những suy nghĩ về đất nước (Một cơn gió bụi), cụ luôn luôn dùng lối văn thật thà, “có sao nói vậy,” không chải  chuốt, cầu kỳ. Cụ khộng bận tâm lắm đến việc gọt giũa câu văn cho hay:

“Danh với lợi ở đời là những cái mồi nó dử mình vào cạm bẫy để hành hạ cái thân mình, chung quy chỉ là một cuộc mộng ảo, chẳng có gì là thực. Khi đã mắc vào thì lắm lúc lại phải đi vào những nơi hôi thối, phải bưng mắt bịt mũi, thật là khổ.
Tôi nương náu ở đây chờ cho tình thế yên yên, thì thu xếp về bắc, là nơi có bà con, bạn bè để khi vui buồn có nhau, còn hơn là chỗ xa lạ.”
                                      (Một cơn gió bụi, Chương 12--Lên Nam Vang)

--Trong Việt văn cũng như Hán văn, cân đối là một trong những mỹ từ pháp quan trọng, giúp cho câu thơ, đoạn văn trở nên đẹp hơn, hay hơn:

Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên
(Truyện Kiều)

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn chau mặt với tang thương.
(Bà Huyện Thanh Quan)

Một trong những nét đẹp của một bài Đường luật bát cú là có những cặp câu 3-4 và 5-6 đối với nhau:

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
                   (“Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu)

Bản dịch của Tản Đà năm 1937 là một trong những bản dịch haycho bài thơ này nhưng chưa được coi là hoàn hảo vì ở thể lục bát, không phô diễn được nét đẹp của những cặp câu cân đối. Dịch lại bài này năm 1944 (7 năm sau Tản Đà), cụ Trần vẫn tiếp tục dùng thể lục bát:

Hạc vàng đi mất đã lâu
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông
Hán Dương cây bóng lòng sông
Bãi kia Anh Vũ, cỏ trông xanh rì.

Trong quyển Đường thi  do cụ Trần dịch có 67 bài thất ngôn bát cú. Chỉ có 3 bài được cụ dịch nguyên thể và 8 bài dùng thể song thất lục bát. Tất cả những bài còn lại đều được dịch sang lục bát, bỏ hẳn những cặp câu cân đối. Với những bài dịch nguyên thể hoặc dùng song thất lục bát (với hai câu thất có thể ghép cho đối với nhau), chuyện cân đối cũng không được cụ giữ trọn:

Tay mười ngón khoe khoang tài nghệ
Đôi lông mày không kẻ nét dài
(Dịch hai câu 5-6 bài “Bần nữ” [Người con gái nghèo] của Tần Thao Ngọc. Theo đúng luật thơ, trong nguyên tác chữ Hán, hai câu ấy đối với nhau)

Chúng ta có thể nói: Viết và dịch những cặp câu cân đối không phải là sở trường của cụ Trần.

--Ngược hẳn lại, đó chính là sở trường của cụ Bùi.

Trong bài song thất lục bát “Truy niệm cụ Tiên Điền,” cụ Bùi diễn ý “sau khi vua Lê Chiêu thống chết ở bên Tàu, Nguyễn Du về ẩn dật ở núi Hồng” bằng một cặp câu thất thật cân xứng:

Miền Bắc tái rồng bay mỏi cánh
Đỉnh Hồng sơn hạc lánh xa xa

Trong những bài tứ tuyệt, luật thơ không bắt phải có những câu đối với nhau, cụ Bùi cũng vẫn hạ bút viết những cặp câu như:

Người hết, danh chưa hết
Đời còn, việc vẫn còn
             (Bài “Đời người”)

Trời đất yêu ta, ta ở lại
Non sông nhớ bác, bác đi đâu?
            (Bài “Viếng bạn”)

--Vậy văn trong bản dịch "Bình Ngô đại cáo" giống với văn của ai? Chắc hẳn Vũ cũng đã thấy rất rõ.

"Bình Ngô đại cáo" dùng thể văn biền ngẫu, từng cặp câu đối nhau chan chát:

Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân
Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo
Duy ngã Đại Việt chi quốc
Thực vi văn hiến chi bang
Sơn xuyên chi phong vực ký thù
Nam Bắc chi phong tục diệc dị …

Nếu người dịch chủ yếu là cụ Trần, chúng ta khó có thể thấy trong bản dịch những cặp câu đối nhau rất tề chỉnh và lưu loát như:

Đau lòng nhức óc, chốc là mười mấy nắng mưa
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối   ...

Múa đầu gậy ngọn cờ phấp phới, ngóng vân nghê  bốn cõi đan hồ
Mở tiệc quân chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sĩ một lòng phụ tử   ...

Sĩ tốt ra oai tì hổ
Thần thứ đủ mặt trảo nha
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông phải cạn
Đánh một trận sạch không kình ngạc
Đánh hai trận, tan tác chim muông
Cơn gió to trút sạch lá khô
Tổ kiến hổng sụt toang đê cũ ...

Giang san từ đây mở mặt
Xã tắc từ đây vững bền
Nhật nguyệt hối mà lại minh
Càn khôn bĩ mà lại thái
Nền vạn thế xây nên chăn chắn
Thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu …

Những câu ấy gần với văn phong của cụ Bùi, khó có thể là văn của cụ Trần.

--Điều ấy cũng dễ hiểu nếu chúng ta ôn lại quá trình học tập của hai cụ.

Cụ Trần học chữ Hán lúc nhỏ ở nhà, nhưng từ 14, 15 tuổi đã theo tân học ở trường Pháp Việt. Cụ học chữ quốc ngữ, rồi chữ Pháp.  Văn chương Pháp, một ngôn ngữ đa âm, không có thể biền ngẫu với những cặp câu cân đối.

Cụ Bùi đậu Cử nhân Hán học, rồi đậu Phó bảng, được đào luyện trong lối học trường ốc. Đi thi thời xưa, phải dùng thể tứ lục (biền ngẫu) để viết những bài chiếu, chế, biểu… Nếu chỉ dịch “Bình Ngô đại cáo” sang văn xuôi, có thể cụ Trần không cảm thấy khó khăn. Nhưng dịch theo nguyên thể của Nguyễn Trãi như trong bản dịch được truyền tụng, với cụ Trần là một việc “thiên nan vạn nan.” Dù có là việc làm chung của hai người bạn thân, hai anh em, lời văn trong bản dịch hai cụ để lại cho chúng ta vẫn là văn của cụ Bùi.

Do đó, tôi hoàn toàn đồng ý với Vũ.   

Thân tặng ND, NV, và LK
                        http://tranhuybich.blogspot.com

     

PHÚC ĐÁP GIÁO SƯ ĐÀM TRUNG PHÁP
sau khi được yêu cầu đọc trước bài
"Khi tiếng Mỹ được chêm vào tiếng Việt"

(Bài này sau được phổ biến trên trang mạng Diễn Đàn Thế Kỷ
ngày 13 tháng 11, 2016)


Tôi cũng nghĩ như anh Pháp, và rất vui thấy anh Pháp -- trong cương vị một người đã nghiên cứu và dạy về ngôn ngữ gần suốt cuộc đời -- nói ra một cách minh bạch như thế.

Các cụ ta xưa cũng từng "code-switching" giữa những câu thuần Việt và câu chữ Hán. Ca dao có những câu như: 

Công anh đắp nấm, trồng chanh
Chẳng được ăn quả, vin cành cho cam
Xin đừng ra dạ bắc nam
Nhất nhật bất kiến như tam thu hề

 Một đoạn khác:

Chẳng may số phận gian nan
Lầm than cũng chịu, phàn nàn cùng ai
Đã yêu nhau giá thú bất luận tài.

Có ai phàn nàn về những câu ấy đâu?

Chúng ta có những từ nôm thuần túy như cha mẹ, non sông, mặt trời, mặt trăng …, những từ Hán Việt như phụ mẫu, giang sơn, nhật nguyệt… Nhiều khi trong một câu thơ nôm dùng hai từ Hán Việt cũng là chuyện thường:

Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt  (Vua Lê Thánh tông)

Nếu bắt sửa thành: “hai vầng mặt trời, mặt trăng” thì … vua Lê cũng phải than: “Sao làm khó nhau thế!”

Nguyễn Du đã viết:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Tuy rất ngưỡng mộ Nguyễn Du, Vũ Hoàng Chương vẫn viết:

Cố đô một buổi lầm chinh chiến
Vầng nguyệt chia hai vạn dặm trường. 

Chỗ ấy cần một tiếng trắc. Nếu bắt đổi từ “nguyệt” sang “trăng” thì cụ Vũ cũng phải vò đầu.

Chúng ta không ngạc nhiên thấy Hàn Mặc Tử viết:

Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm

Câu ấy dùng thuần nôm. Nếu Hàn Mặc Tử viết “bóng trăng” thì thích hợp hơn. Nhưng ông chọn viết “bóng nguyệt.” Nhà thơ Trịnh Y Thư đã nhận xét rất đúng: “bóng nguyệt trần truồng tắm” ... gợi cảm hơn rất nhiều.

Nhiều khi "code-switching" từ tiếng Việt thuần túy sang Hán Việt còn cần thiết: giúp tác giả diễn ý một cách rõ hơn. Lại xin mượn thơ Vũ Hoàng Chương:

Một phen nhật nguyệt tranh ngôi sáng
Hai ngả lòng thu dựng tháp sầu.

 Cụ Vũ phải dùng “nhật nguyệt” để rõ ý: + =

cho cân xứng với câu sau: + =
(nhật + nguyệt = minh)
(thu + tâm = sầu)

Nếu dùng một cách vừa phải, không quá độ, nhiều khi "code-switching" còn đem nét duyên dáng vào cho câu thơ:

Trần Tế Xương đã viết một cách lý thú từ đầu thế kỷ 20:

 --Gặp hội bài đen đã chẳng ù
Nào ngờ lại gặp chú phi lu (filou = tên ăn cắp)

--Thôi thôi lạy mợ “xanh căng” lạy (cinquante = 50)

 Nhưng nếu lạm dụng, nhắc lại nhiều lần quá sẽ hóa “nhàm,” không hay nữa.
 
Thân quý,

thb