Thursday, March 30, 2017

Một bài thơ chứa đầy tâm sự của Chu Văn An



Theo nhà biên khảo Phan Huy Chú trong thiên “Văn tịch chí” của bộ Lịch triều Hiến chương Loại chí, thì bên cạnh bài “Thất trảm sớ” danh tiếng, nhà giáo dục Chu Văn An còn để lại nhiều tác phẩm giá trị  khác:

            --Một bộ sách biên khảo  :  Tứ thư thuyết ước (gồm 10 quyển)
            --Một tập thơ chữ Hán     :  Tiều ẩn thi tập
            --Một tập thơ chữ Nôm    :  Tiều ẩn quốc ngữ thi tập.

Sau 20 năm dân tộc ta bị nhà Minh đô hộ (1407-1427), cùng với “Thất trảm sớ,” tất cả các tác phẩm ấy đều đã bị thất truyền. Nguyên nhân trực tiếp là việc tịch thu sách nhằm xóa hết dấu tích văn hóa Đại Việt theo chỉ thị của Thành tổ nhà Minh. Hiện chỉ còn 12 bài thơ chữ Hán do Phan Phu Tiên và Chu Xa sưu tầm được đưa vào Việt âm thi tập, và về sau Lê Quý Đôn gom góp lại trong Toàn Việt thi lục.

Bài viết này nhằm mục đích giới thiệu bài thơ “Miết trì” (Ao ba-ba), một tác phẩm quan trọng trong số 12 bài thơ ấy. “Miết trì” vẫn được coi là một bài thơ nhà giáo dục họ Chu gửi nhiều tâm sự, và đã được Đình nguyên Đinh Văn Chấp dịch cùng giới thiệu lần đầu trên Nam phong tạp chí số 115 năm 1927. Trở lại với bài thơ này gần một thế kỷ sau, chúng tôi xin chú giải rõ thêm. Đồng thời, tiếp theo bản dịch của vị Đình nguyên triều Nguyễn (Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Sửu 1913), cũng xin giới thiệu một bản dịch nữa của một cựu học sinh trường Trung học Chu Văn An trước năm 1975 ở Sàigòn.         


    
NGHĨA:

Ánh trăng được phản chiếu trên mặt nước bên cầu, đùa giỡn với ánh chiều tà
Hoa sen, lá sen yên lặng tựa vào nhau
Cá bơi nổi trên ao cũ, rồng ở chốn nào ?
Mây đầy núi vắng, hạc không về !
Quế già theo làn gió, mùi hương thơm ngát đường đá
Đám rêu non được ngấm nước, che lấp cánh cửa bằng gỗ thông.
Tấc lòng này chưa hẳn [nguội lạnh] như tro, đất
[Mỗi khi] nghe nhắc tới vua trước, kín đáo gạt nước mắt.

PHÂN TÍCH NỘI DUNG:

Theo Chu Tiên sinh hành trạng thảo, “Miết trì” là tên một chiếc ao trong dãy núi Phượng Hoàng (nơi cụ Chu về ẩn dật), nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. “Miết” có nghĩa là “con ba-ba” và “Miết trì” là “ao ba-ba.”  Tuy nhiên, bài thơ này không phải chỉ tả cảnh. Từ cảnh tượng quanh ao, tác giả đã liên tưởng đến thời thế, và nhân đó, bộc lộ tâm sự. Cũng có thể nói nhà giáo dục họ Chu đã mượn chuyện tả cảnh quanh chiếc ao để đưa ra những nhận xét về tình trạng đất nước lúc đó và gửi gấm tâm sự của mình.

Dựa vào sự kiện Miết trì ở trong núi Phượng Hoàng, nhất là căn cứ vào hai câu cuối, chúng ta có thể phỏng đoán nhà giáo dục họ Chu đã làm bài thơ này sau khi cụ dâng “Thất trảm sớ” nhưng không được nghe theo, và đã cáo quan về hưu. Theo nhiều người đương thời, đối với công danh, tấm lòng cụ lúc ấy đã “lạnh như tro đất.” Trong một bài thơ viết tặng cụ, một tôn thất nhà Trần là Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán (ông ngoại của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi sau này) đã có câu:

 Phủ miện hoàn khuê tâm dĩ hôi

 (Đối với những thứ mũ, áo của triều đình, với ngọc cầm tay [phẩm phục của vua chư hầu và đại thần khi vào chầu thiên tử], lòng đã [nguội lạnh] như tro).

Qua hai câu cuối của bài “Miết trì,” cụ cho biết: đối với công danh, chức tước, lòng cụ có thể lạnh như tro. Nhưng với đất nước, nhất là mỗi khi nghĩ đến “tiên hoàng” (vị vua trước), cụ vẫn thầm gạt nước mắt:

 Văn thuyết tiên hoàng lệ ám huy.
           
Để có thể hiểu rõ hơn tâm sự của Chu Văn An trong bài thơ, chúng ta hãy ôn lại đời cụ cùng tình trạng đất nước trước khi cụ về ẩn dật.

Theo thần tích ở làng, cụ sinh năm Nhâm Thìn 1292, cuối đời vua Trần Nhân tông. Theo sử, vị vua cử cụ làm Quốc tử Tư nghiệp và trao cho nhiệm vụ dạy Thái tử là Trần Minh tông. Vị Thái tử học trò của cụ là Thái tử Vượng, lên nối ngôi là vua Hiến tông. Nhưng Hiến tông mất quá sớm khi mới được 23 tuổi khiến ngôi vua và đất nước về tay người em là Dụ tông. Trong 16 năm đầu triều Dụ tông, chính sự chưa suy kém lắm vì Thượng hoàng Minh tông còn sống, vẫn phần nào giám sát mọi việc. Nhưng từ 1358 trở đi, sau khi Thượng hoàng Minh tông đã mất và một số đại thần đủ uy tín để có thể can vua như các ông Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn ... qua đời, triều chính trở nên suy tệ. Dụ tông ham chơi, mê cờ bạc, không lo việc triều chính, lại gần gũi và nghe lời bọn tiểu nhân xu nịnh, xây cung điện tốn kém khiến dân oán và Chu Văn An phải dâng “Thất trảm sớ.” Lời can không được nghe theo, cụ cáo quan về hưu.  Bài “Miết trì” đã được làm ra trong khung cảnh ấy.

Mở đầu bài thơ, tác giả phác họa cảnh một buổi chiều tối đầu tháng với trăng mọc sớm:

Thủy nguyệt kiều biên lộng tịch huy
Hà hoa hà diệp tĩnh tương y.

Ánh trăng được phản chiếu trên mặt nước cạnh cây cầu, đang lung linh nhảy múa như muốn đùa giỡn với ánh mặt trời yếu nhạt của một ngày sắp tàn. Hoa sen, lá sen yên lặng dựa vào nhau. Mặt trời tượng trưng cho vua. Mặt trăng tượng trưng bày tôi. Ánh mặt trời yếu nhạt lúc tà dương bị ánh trăng đùa giỡn ngụ ý: ngôi vua đã thiếu vẻ tôn nghiêm, đang bị bề tôi (bọn tiểu nhân rủ Dụ tông ham mê bài bạc) coi thường. Những người còn chút tư cách (hoa sen, lá sen) chỉ còn biết lo lắng dựa vào nhau.

Ngư phù cổ chiểu long hà tại
Vân mãn không sơn hạc bất quy.

Cá đua nhau bơi nổi trên mặt ao, không thấy rồng ở đâu. Núi vắng đầy mây phủ, hạc không trở về. “Rồng” chỉ vua, hoặc tính cách thiêng liêng của ngôi vua. “Cá bơi nổi trên mặt ao” ngụ ý bọn tiểu nhân đang đắc thế. Câu thơ có thể là lời than thở: vì ham chơi, thua cờ bạc, phải vay tiền bọn tiểu nhân, Dụ tông không còn giữ được vẻ tôn nghiêm của ngôi vua, khiến thể thống của triều đình, của quốc gia không còn. “Hạc” thường được dùng trong văn chương để chỉ người quân tử. “Hạc không trở về” cho thấy triều đình đã vắng những người quân tử có tư cách. “Rồng ở chốn nào” có thể cũng hàm ngụ lòng nhớ tiếc của cụ đối với Thượng hoàng Minh tông, vị vua cử cụ làm Quốc tử Tư nghiệp cùng trao cho cụ nhiệm vụ dạy Thái tử trước kia. Cũng có thể chỉ vua Hiến tông, vị Thái tử học trò của cụ, nhưng mất sớm ở tuổi 23, khiến ngôi vua và đất nước rơi vào tay Dụ tông.        

Lão quế tùy phong hương thạch lộ
Nộn đài trước thủy một tùng phi.

Mùi hương của cây quế già bay theo chiều gió khiến con đường bằng đá thơm ngát. Đám rêu được ngấm nước lan rộng, che kín cánh cửa bằng gỗ thông. “Cây quế già có hương thơm” có thể chỉ những người có tư cách thanh cao, vẫn cố nêu gương tốt chốn dân gian. “Đám rêu đẫm nước” để chỉ bọn tiểu nhân, trong khi “cánh cửa bằng gỗ thông” để chỉ người quân tử. (Trong văn chương thời trước, các cây tùng, trúc, mai, thường được ví với người quân tử, biết trọng và giữ tư cách). Được nước làm cho ướt đẫm, đám rêu lan mạnh, che lấp hết cánh cửa bằng gỗ thông. Câu này có thể ngụ ý: sự hoành hành của bọn tiểu nhân đã che lấp hết tiếng nói của những người ngay thẳng.

Thốn tâm thù vị như hôi thổ
Văn thuyết tiên hoàng lệ ám huy.

Trong hoàn cảnh ấy, nhà giáo dục họ Chu không phải chỉ có lòng nguội lạnh: mỗi khi nghe ai nhắc đến hai tiếng “vua trước,” cụ lại thầm gạt lệ. Chúng ta không biết đích xác qua hai tiếng “tiên hoàng,” cụ muốn nhắc tới vị vua nào. Có thể cụ muốn nói tới Hiến tông, vị vua trẻ, mất sớm, từng là học trò của cụ. Nhưng cũng có thể là Minh tông, thân phụ của Hiến tông và Dụ tông, vị vua trao cho cụ nhiệm vụ dạy Hiến tông trước kia. Căn cứ vào sự kiện Hiến tông mất quá sớm (làm vua từ năm lên 10 tới năm 23, suốt 13 năm trên ngôi dưới sự hướng dẫn của Thượng hoàng Minh tông, chưa có hoàn cảnh tự quyết định những chuyện quan trọng), người viết những dòng này đồng ý với đa số các nhà nghiên cứu lớp trước và cho rằng hai tiếng “tiên hoàng” ở đây nhiều phần để chỉ vua Minh tông.

BẢN DỊCH CỦA ĐÌNH NGUYÊN ĐINH VĂN CHẤP:

 Bên cầu trăng nước bóng chiều lồng
Chồng chất sen tươi lá lẫn bông.
Ao cũ cá bơi rồng khó thấy,
Non không mây tỏa hạc khôn trông!
Quế già theo gió thơm đường đá
Rêu biếc đầm mưa lấp cửa thông.
Tấc riêng chưa dễ thành tro bụi
Nghe nói vua xưa lệ ngập tròng.

 (Nam phong tạp chí số 115, năm 1927)

BẢN DỊCH CỦA TRẦN TỪ MAI:

Bên cầu trăng nước giỡn chiều tà
Sen lặng nương nhau lá đỡ hoa.
Ao cũ cá đua, rồng khuất vắng
Non không mây tỏa, hạc mờ xa.
Cửa thông đẫm nước rêu loang kín
Lối đá bay hương quế ngát đưa.
Chưa dễ lòng này tro nguội hẳn
“Tiên hoàng” nghe nhắc lệ thầm sa.



TRẦN TỪ MAI