Friday, September 8, 2017

MỘT BỘ TỰ ĐIỂN HIẾM QUÝ từ cuối thế kỷ 19 được đưa lên HATHI TRUST Digital Library cũng viết “dòng nước, dòng dõi …”


Một thân hữu từ nhiều năm, Gs. Huỳnh Chiếu Đẳng, chủ nhân của nhà kho "Quán Ven Đường," người vẫn sốt sắng gửi ra những hướng dẫn hữu ích và quý báu về an toàn thực phẩm cũng như về kỹ thuật và đời sống (máy ảnh, máy điện toán, tablet, cell phone ..,), đồng thời cũng giới thiệu một kho audio book và và một kho sách xưa, vừa mách người viết những dòng này rằng chữ “dòng” cũng được viết với D trong một bộ tự điển Việt-Pháp in ở Paris năm 1899. Nói rõ hơn, đó là bộ Dictionnaire Annamite-Français của Jean Bonet, in ở Paris trong các năm 1899 và 1900.


Bộ tự điển này gồm hai cuốn. Cuốn 1 từ vần A tới vần M, được in năm 1899. Cuốn 2 từ vần N tới vần X, được in năm sau, 1900. Phía sau là các trang nhan đề của hai cuốn ấy:


 


                
Hàng chữ Hán phía trên nhan đề bằng chữ Pháp là: Đại Nam quốc âm tự vị hợp giải Đại Pháp quốc âm.

Jean Bonet có tên đầy đủ là Jean Pierre Joseph Bonet, sinh năm 1844, mất năm 1907. Ông sang Việt Nam năm 1867 trong nhiệm vụ một thông dịch viên. Sau hơn 20 năm ở Việt Nam, khi về Pháp ông được mời dạy tiếng Việt ở trường Ngôn ngữ Đông phương (École des langues orientales, Paris) từ năm 1888. Trường ấy sau được đổi tên thành École nationale des langues orientales vivantes (Quốc gia học đường về các sinh ngữ Đông phương). Bộ tự điển này được hoàn tất trong thời gian ông dạy học ở đó. Ông mất 7 năm sau khi cuốn 2 được in ra.

Đây là một trong những bộ tự điển Việt-Pháp đầu tiên, do một người Pháp nghiên cứu về tiếng Việt trong hơn 20 năm, thông thạo chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ, và cho tới khi in bộ tự điển, đã dạy tiếng Việt tại trường Ngôn ngữ Đông phương trên 10 năm. Các chữ Việt (viết ra bằng chữ quốc ngữ, xếp theo thứ tự ABC) có chua chữ Hán hoặc chữ Nôm bên cạnh, rồi được giảng sang tiếng Pháp một cách rõ ràng. Đúng như Gs. Huỳnh Chiếu Đẳng cho biết, chữ “dòng” được viết với D, bên cạnh có chữ Nôm 𣳔




























Theo bộ tự điển của Jean Bonet, chữ “dòng” có 4 nghĩa:
--Dòng nước, dòng sông;
--Dòng dõi, dòng họ;
--Buộc dây để kéo theo trên mặt nước, như dòng tàu, dòng thuyền, dây dòng;
--Một ngành tu Thiên Chúa giáo: ông thầy dòng.

Với cả 4 nghĩa ấy, Jean Bonet đều dùng chữ “dòng” viết với D. Trong bộ tự điển này không có chữ “giòng” viết với GI. Ở trang 227 cuốn 1 có những chữ “gióng” (trong  gióng trống), “giọng” (trong giọng nói), nhưng không có chỗ cho chữ “giòng.”

Đây là một bộ tự điển rất đáng được chú ý và tham khảo. Các chữ Hán và chữ Nôm tương đối dễ đọc. Được in năm 1899-1900, bộ tự điển phản ảnh tiếng Việt cuối thế kỷ 19. Có những tiếng nay đã trở nên cổ, chẳng hạn tiếng “dòm.” Tuy ngày nay chúng ta dùng tiếng “nhòm” nhưng trong bộ tự điển này, tác giả liệt kê những chữ “dòm lén,” “ống dòm” … Ngôn ngữ vẫn thay đổi theo thời gian:


Được in bên Pháp trên 100 năm trước, bộ tự điển này đã trở nên một tài liệu hiếm. Tại Hoa Kỳ chỉ có ở Thư viện Quốc hội và một số Đại học lớn: Harvard-Yenching, Yale, Princeton, Cornell, Columbia, Univ. of Indiana, Univ. of Minnesota, Univ. of Wisconsin—Madison… Tại California, chỉ có ở UC Berkeley và UCLA.

Cũng may, hai Đại học Indiana và Wisconsin—Madison đã gia nhập hệ thống thư viện kỹ thuật số HathiTrust, và được Google Books hỗ trợ trong việc đưa cả bộ tự điển vào kho tài liệu dùng kỹ thuật số của hệ thống này. Nhờ thế công chúng có thể truy tìm và đọc miễn phí toàn bộ tự điển tại các trạm nối sau đây:

Trong tổng kê các danh mục của hệ thống thư viện kỹ thuật số HathiTrust:


Cuốn 1:

Bản của thư viện Đại học Indiana (bản này có chữ ký của tác giả, tặng viện Giám đốc trường Thuộc địa của Pháp):


Bản của thư viện Đại học Wisconsin--Madison:


Cuốn 2:

Bản của thư viện Đại học Indiana:


Bản của thư viện Đại học Wisconsin--Madison:


Cho tới nay, hệ thống thư viện kỹ thuật số HathiTrust đã có trên 120 đơn vị cộng tác, gồm các thư viện nghiên cứu ở Mỹ (chủ yếu), Canada, Âu châu, và Úc. Theo bản thống kê được cập nhật tháng 7-2017, hệ thống này đã số hóa được trên 7,770,000 nhan sách, gồm trên 15,822,000 cuốn sách:

Hi vọng trong tương lai, tất cả những sách báo hiếm quý hay tuyệt bản sẽ dần dần được số hóa và đưa vào hệ thống này, để công chúng cùng những nhà nghiên cứu có thể tìm đọc hay tham khảo.

 http://tranhuybich.blogspot.com