Tuesday, December 5, 2017

MỘT VỊ QUAN BẢO VỆ QUỐC THỂ VÀ CHĂM LO CHO DÂN TRONG THỜI PHÁP THUỘC: TỔNG ĐỐC VŨ QUANG NHẠ


Sau khi người Pháp đặt nền đô hộ trên đất nước ta cuối thế kỷ 19, nhiều nhà ái quốc vẫn tiếp tục chiến đấu. Ta có những nho sĩ cựu học trong phong trào Cần vương như Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Xuân Ôn, Đinh Công Tráng …, những sĩ phu có lòng yêu nước như Hoàng Hoa Thám …, các nhà nho có khuynh hướng tiến bộ như Phan Bội Châu, Tiểu La Nguyễn Thành …, những thanh niên tân học như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính... Có người ra cộng tác với Pháp, giúp Pháp đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân, Lê Hoan... Cũng có những vị quan tuy cộng tác với Pháp và triều đình nhưng chỉ chăm lo cho dân, không chống lại các nhà ái quốc. Điển hình cho các vị quan trong nhóm ấy là cụ Vũ Quang Nhạ, Tổng đốc tại các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định…


Tổng đốc Vũ Quang Nhạ (1847-1932)

Theo một bài viết của một người cháu nội cụ Vũ Quang Nhạ là cụ Vũ Thế Hùng, thì cụ Nhạ người làng Trung Lao, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Cụ là hậu duệ của cụ Vũ Hồn, gốc làng Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương, nhưng một chi nhánh thiên cư về Nam Định. Theo cuốn  Catholic Vietnam : A Church from Empire to Nation của Keith Charles (Berkeley, CA : Univ. of  California Press, 2012) thì cụ Nhạ sinh năm 1847. Cụ là con thứ ba trong một gia đình trung nông, thân phụ là cụ Vũ Quang Thanh, theo đạo Công giáo. Giữa giai đoạn cấm đạo hà khắc trong đời vua Tự Đức, cụ Thanh bị thích vào má hai chữ “Tả đạo.” Được coi là một tội phạm, con cái không được đi thi. Tuy nhiên, cụ Thanh vẫn cho con theo học các nho sĩ trong làng để biết chữ và có kiến thức.

Năm 1867, cụ Nhạ được 20 tuổi. trở thành một thanh niên cao lớn, có học vấn và khôi ngô, tuấn tú. Nhân làng khuyết chức Lý trưởng, cụ xin ra ứng cử vào chức vụ ấy. Phe bảo thủ trong làng không chấp thuận, viện lẽ “con một ‘tội phạm,’ không thể làm hương chức.” Đơn bị xé bỏ, không được phép tranh cử. Cụ uất ức bỏ ra đi, quyết “lập công danh sự nghiệp,” với lời nguyện rằng nếu không thành đạt sẽ không trở về làng. Điều ấy cũng giống Tư Mã Tương Như đời Hán bên Trung Hoa, người đã viết vào cây cầu ở đầu làng mấy chữ trước khi lìa quê hương ra đi, “Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều" (Không ngồi xe cao bốn ngựa, không trở lại đi qua cây cầu này nữa).

Lên tới tỉnh lỵ Nam Định, do ngẫu nhiên, cụ gặp một vị quan là Nguyễn Hữu Độ, đang có việc tới Nam Định lúc đó. Theo một bài viết đăng trên Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, số 145, thì khi ấy Nguyễn Hữu Độ đang làm Kinh lược Bắc Kỳ.  Điều này không được chính xác.  Đại thần Nguyễn Hữu Độ (người tỉnh Thanh Hóa, đậu Cử nhân năm 1837, đậu Phó bảng năm 1838)  sau có được cử làm Khâm sai, Kinh lược Bắc Kỳ, nhưng đó là việc của hơn 10 năm sau, từ 1880 đến 1883. Theo Đại Nam Thực Lục của Quốc sử quán triều Nguyễn thì năm 1857, Nguyễn Hữu Độ còn giữ chức Bố chánh ở tỉnh Bình Định (miền Trung). Năm 1873, nhân đang có mặt ở miền Bắc (không rõ nhiệm vụ), được cử quyền Bố chánh Hải Dương. Năm 1875, được thăng hàm Thị độc, Hồng lô tự khanh, sung chức quản lý Thương chánh tại Hải dương, kiêm việc phòng giữ bờ biển. Vậy khi gặp và cất nhắc cụ Vũ Quang Nhạ ở tỉnh lỵ Nam Định năm 1867, nhiều phần cụ Nguyễn Hữu Độ đang là một viên quan trông coi việc Thương chánh, kiêm việc phòng thủ bờ biển ở mạn Hải Dương, cần người tiếp tay trong nhiệm vụ này.


Theo các vị trưởng thượng trong gia đình họ Vũ ở Trung Lao, thì công trạng đầu tiên của cụ Vũ Quang Nhạ là đánh dẹp cướp biển ở mạn Hải Dương, Quảng Yên. Theo bài viết của cụ Vũ Thế Hùng, khi tình cờ trông thấy cụ Vũ Quang Nhạ lần đầu ở Nam Định năm 1867, cụ Nguyễn Hữu Độ cho gọi tới hỏi chuyện. Các tài liệu cho biết thêm rằng bên cạnh vóc dáng cao lớn, vạm vỡ,  cụ Nhạ khôi ngô, tuấn tú, mắt sáng quắc, giọng nói sang sảng, cử chỉ đĩnh đạc. Có lẽ vì thế cụ Nguyễn Hữu Độ rất có thiện cảm, lập tức tin cậy, sau khi trò chuyện đã tuyển dụng ngay. Nhiệm vụ đầu tiên của cụ Nhạ là chỉ huy một đơn vị nhỏ trong việc đánh dẹp cướp biển. Cụ đã chứng tỏ là can đảm, có tài chỉ huy, và lập được quân công.

Chức quan đầu tiên cụ Nhạ được bổ nhiệm là một chức quan nhỏ: làm Bang tá ở phủ Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Yên. Khi ấy cụ Độ đã được đổi về làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội + Ninh Bình) ở gần đó. Theo Từ điển nhà Nguyễn của Võ Hương An (Irvine, CA : Nam Việt, 2012) thì Bang tá là một chức quan đặc trách về an ninh, trật tự tại các địa phương, có thể là tỉnh hay phủ, huyện, tùy theo tình hình. Với khả năng cùng sự tận tâm, can đảm và cương trực, cụ được thăng chức nhanh chóng. Theo Charles Keith trong cuốn Catholic Vietnam kể trên (trang 52), thì trong vòng 6 năm từ 1883 đến 1889, cụ Nhạ được thăng tới 10 cấp, trở thành Tổng đốc Bắc Ninh năm1896.  

Đại Nam Thực Lục Chính biên, Đệ Lục kỷ Phụ biên cung cấp nhiều chi tiết hơn. Năm Kỷ Sửu 1889 (Thành Thái nguyên niên), cụ Nhạ được cử làm Tán lý Quân vụ. Thực Lục cũng cho biết rằng “hạt Bắc Ninh còn giặc cướp tụ họp, cần người vỗ về đánh dẹp.” Năm Nhâm Thìn 1892 (Thành Thái thứ 4), cụ giữ chức Hộ Tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh + Thái Nguyên), “giúp việc quân, nhiều lần lập công,” được phong tước An Tập nam (phẩm hàm chót trong 5 bậc công, hầu, bá, tử, nam). Năm Quý Tỵ 1893 (Thành Thái thứ 5) đang giữ chức Tổng đốc Bắc Ninh, cụ bị triệt, đưa về Nha Kinh lược Bắc Kỳ, người được cử tới thay là Lê Hoan, lúc ấy đang làm Tuần phủ Hưng Hóa. Một vị Tổng đốc bị triệt chức hẳn phải có lỗi rất nặng nhưng sử không hề chép cụ phạm lỗi gì. Chỉ biết đến năm Đinh Dậu 1897 (Thành Thái thứ 9), Đại Nam Thực Lục lại chép cụ giữ chức Tổng đốc Định Ninh (Nam Định + Ninh Bình), và được phong tước An Tập tử.

Sự việc cụ trở lại chức Tổng đốc một cách mau chóng và được thăng từ tước “nam” lên tước “tử” cho thấy việc bị triệt chức năm 1893 không phải là do tội lỗi mà vì một lý do Đại Nam Thực Lục không muốn chép ra. Theo bài viết của Ts. Khổng Đức Thiêm, đăng trên báo điện tử Bắc Giang ngày 23-7-2016, thì sau khi thay cụ Nhạ ở Bắc Ninh, tháng 10 năm 1893, tân Tổng đốc Lê Hoan đã phải “đem 200 lính khố xanh, 600 lính cơ, phối hợp với đạo quân của Thiếu tá Valance” tiến lên vây đánh căn cứ Yên Thế của nhà ái quốc Hoàng Hoa Thám (ở tỉnh Bắc Giang, tiếp giáp với Bắc Ninh):

Theo các tài liệu để lại, Lê Hoan chỉ cho quân càn quét lấy lệ, rồi nhờ người liên lạc với Thân Bá Phức bên phía Đề Thám để tìm cách nghị hòa, nhưng việc ấy ở ngoài phạm vi của bài viết này. Ta chỉ cần biết rằng cụ Nhạ bị triệt chức Tổng đốc Bắc Ninh năm 1893 không phải do có tội hay bất tài, nhưng vì đã không chịu làm một việc mà người tới thay cụ, tân Tổng đốc Lê Hoan, đã phải làm: đem quân của tỉnh Bắc Ninh lên giúp quân Pháp, vây đánh căn cứ Yên Thế của nhà ái quốc Hoàng Hoa Thám .

Trong thời gian ở Bắc Ninh, cụ Nhạ được biết đến là một vị Tổng đốc giỏi, liêm khiết, được lòng dân, và tận tâm lo cho dân. Trong đời vua Tự Đức, đê Văn Giang bị vỡ liên miên (18 lần trong vòng 23 năm, từ 1863 tới 1886). Một năm sau khi cụ Nhạ được cử làm Hộ Tổng đốc Ninh Thái (năm 1892), tỉnh Bắc Ninh chịu thêm một trận lụt lớn năm Quý Tỵ 1893, có chỗ nước ngập tới trên 3 tháng khiến dân cư phiêu bạt, nhiều làng xóm trở thành đồng lầy. Hiện nay ở làng Văn Chung (tên cũ là Văn Đình) thuộc huyện Tiên Du còn một tấm bia ca ngợi công đức cụ đã chiêu tập những dân lưu tán, khai thông nước ứ đọng, lập lại xã ấp. Cụ cũng tận tâm và can đảm đánh dẹp các đám giặc cướp cùng loại bỏ những viên chức tham nhũng. Một viên Tri huyện dựa vào thế người Pháp cùng những che chở ở Nha Kinh lược, làm nhiều việc tham ô, nhiễu hại dân lành. Thu được nhiều chứng cớ về những chuyện hà hiếp dân chúng, bất tuân luật lệ, cụ lên án tử hình. Viên Tri huyện đem vàng bạc lo lót ở Nha Kinh lược, mong được bênh vực. Cụ Nhạ dùng quyền “tiền trảm hậu tấu” được triều đình ban cho, đem ra hành quyết. Từ đó dân chúng dễ thở vì những quan chức, nha lại tham nhũng không dám làm xằng bậy nữa. Trong dân gian còn kể lại chuyện cụ trị tội một người Pháp vô lễ, cho trói vào gốc cây trước khi đánh đòn.

Năm Thành Thái 12 (Canh Tý 1900), nước Pháp tổ chức một cuộc triển lãm quốc tế thật quy mô ở Paris. Danh hiệu chính thức là “Exposition Universelle 1900,” tiếng Việt thời đó gọi là “đấu xảo.” Muốn vua Thành Thái chứng kiến tận mắt sự tiến bộ của Pháp, chính phủ Pháp mời nhà vua sang dự. Vua Thành Thái từ khước, cử cụ Vũ Quang Nhạ đi thay. Cụ nhận chức Chánh sứ, dẫn một phái đoàn từ Việt Nam sang thăm nước Pháp. Cụ được thăng hàm “Hiệp biện Đại học sĩ lãnh Tổng đốc Bắc Ninh” nhân chuyến đi này. Vị Phó sứ là cụ Trần Đình Lượng (vốn là bạn, sau thành thông gia), lúc ấy đang làm Tuần phủ Bắc giang. Bồi sứ là ông Hoàng Trọng Phu (con thứ hai của Kinh lược Hoàng Cao Khải), lúc ấy đang giữ chức Tham tri bộ Lễ kiêm Đốc học trường Quốc học. Ông Phu được chọn vào chức vụ này cũng vì có bằng Tú tài Pháp và thông thạo tiếng Pháp.

Khi tàu cập bến Marseille, cụ cử ông Hoàng Trọng Phu lên bờ trước để xem việc đón tiếp có được tổ chức chu đáo hay không. Ông Phu trở về báo tin rằng nước Pháp chuẩn bị một khách sạn để phái bộ nghỉ trước khi lên Paris, nhưng tại Marseille không có nghi thức tiếp đón nào. Cụ Nhạ bèn gửi một bức thư cho đại diện chính quyền Pháp tại địa phương, cho biết phái đoàn tới “thay mặt hoàng đế nước Nam,” nếu không đón với đúng theo nghi lễ cụ sẽ quay về chứ không đặt chân lên đất Pháp. Nhà cầm quyền Pháp vội cử đại diện xuống tàu trình bày rằng, “Xin đón đại diện của vua nước Nam theo đúng nghi lễ dành cho các vị quốc khách.” Sau khi ông Hoàng Trọng Phu lên bờ một lần nữa, trở về tường trình rằng tại tòa thị chính Marseille đã trang hoàng rực rỡ, có ban quân nhạc, có binh sĩ tuốt gươm đứng hai bên đường dàn chào, cụ mới lên bờ. Từ đó cho tới khi đến Paris, trong suốt thời gian ở Paris cũng như khi ra về, phái đoàn luôn luôn được đón tiếp hoặc đưa tiễn với nghi thức trang trọng. Cụ gìn giữ quốc thể một cách nghiêm cẩn, chu đáo trong suốt thời gian ở Pháp.

  Phái đoàn Việt Nam sang Pháp năm 1900—Hình chụp tại Marseille
Ba vị ngồi trên ghế, từ trái sang:
Phó sứ Trần Đình Lượng, Chánh sứ Vũ Quang Nhạ, Bồi sứ Hoàng Trọng Phu
(hình do một người chắt của cụ Chánh sứ là cô Vũ Triều Nghi cung cấp)

Trong thời gian ở Paris, phái đoàn được đưa tới gặp Tổng thống Pháp, lúc ấy là Émile Loubet (nhiệm kỳ từ tháng 2-1899 đến tháng 2-1906), thăm tháp Eiffel (mới hoàn thành năm trước, 1899), thăm viện bảo tàng, một số trường học, xưởng dệt, hãng làm đồ sứ, một số công trình kiến trúc, các vườn hoa… Phái đoàn cũng được đưa đi thăm vùng nông thôn, quan sát việc cày bừa ở Pháp, và xem các đường hầm phía dưới của Paris. Theo chuyên viên Hán Nôm Mai Thu Quỳnh thì Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội hiện còn giữ được bốn tài liệu về chuyến “sứ trình” ấy:

--Tây hành nhật trình: bằng lục bát, chữ Nôm, của Phó sứ Trần Đình Lượng;
--Như Tây-dương nhật trình ký: cũng bằng chữ Nôm, gồm 552 câu lục bát, không ghi tác giả;
--Phụ tra tiểu thuyết: bằng chữ Hán, văn xuôi, của một tùy viên trong phái đoàn là Lê Văn Ngữ, viết theo thể nhật ký, ký sự;
--Sứ Tây nhật ký: bằng chữ Hán, văn xuôi, viết theo thể nhật ký, ký sự, trang đầu ghi danh hiệu của Chánh sứ, Phó sứ và Bồi sứ:


Theo tài liệu thứ 3 và thứ 4 (văn xuôi, viết theo thể nhật ký), thì phái đoàn rời Sàigòn ngày 13 tháng 4 (âm lịch) năm Canh Tý 1900, tới Marseille ngày 7 tháng 5, tới Paris bằng xe lửa tối 9 tháng 5, dự tiệc tiễn hành trước khi về nước ngày 12 tháng 6. Tóm lại hành trình từ Sàigòn tới Paris mất gần một tháng, lưu trú ở Paris hơn một tháng. Phái đoàn cũng có nhiệm vụ hướng dẫnvà giám sát khu triển lãm của Việt Nam trong cuộc triển lãm quốc tế ở Paris năm 1900.

                                                                        
  


    Khu của Việt Nam trong cuộc triển lãm quốc tế ở Paris năm 1900

  

Bích chương cho cuộc triển lãm quốc tế ở Paris năm 1900

Một số tài liệu chép là cụ Vũ Quang Nhạ bỏ chức quan ra về sau khi Nha Kinh lược Bắc Kỳ bị bãi bỏ, các quan Việt Nam ở miền Bắc bị áp đặt dưới quyền viên Thống sứ người Pháp. Theo Hòa ước Patenôtre 1884, tuy Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp nhưng Trung Kỳ và Bắc Kỳ -- dưới danh nghĩa “Bảo hộ” -- vẫn thuộc triều đình Huế. Nha Kinh lược Bắc Kỳ được lập ra năm 1886 với mục đích làm trung gian giữa triều đình và các quan Việt Nam ở miển Bắc, xa kinh đô trong một hoàn cảnh nhiễu nhương. Nếu bỏ Nha Kinh lược, đúng ra các quan Việt Nam ở Bắc Kỳ lại trực tiếp liên lạc với triều đình như trước. Sự việc đặt các quan Việt Nam ở miền Bắc dưới quyền viên Thống sứ người Pháp là trái với Hòa ước và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Cụ Vũ Quang Nhạ không chấp nhận điều ấy.

Việc phản đối diễn ra theo một trình tự tiệm tiến. Nha Kinh lược Bắc Kỳ bị bỏ năm Đinh Dậu 1897 (Thành Thái thứ 9). Theo Đại Nam Thực Lục, đó là năm cụ giữ chức Tổng đốc Định Ninh (Nam Định + Ninh Bình) và được tước An Tập tử. Ba năm sau, Canh Tý 1900 (Thành Thái thứ 12), cụ còn mang danh hiệu “Hiệp biện Đại học sĩ lãnh Tổng đốc Bắc Ninh” và đi sứ sang Pháp như trên đã thấy. Theo Đại Nam Thực Lục (điều mục 1300 trong Đệ Lục kỷ Phụ biên), hai tiếng “về hưu” được đề cập đến lần đầu năm Giáp Thìn 1904 (Thành Thái thứ 16), khi cụ đang giữ chức Tổng đốc Hải Dương. Thống sứ Bắc Kỳ “gửi thư đinh ninh dặn dò,” yêu cầu triều đình Huế phong cụ làm Võ hiển điện Đại học sĩ. Trong lời phản đối, Binh bộ Thượng thư Hồ Lệ nói, “Chưa đến hạn mà cáo hưu, đã chắc gì không có ngày lại bước ra.” Thực Lục không chép rõ nhưng cho ta ấn tượng rằng cụ muốn về hưu song Thống sứ Pháp – với dụng ý mua chuộc -- đề nghị triều đình thăng cấp để tìm cách giữ cụ lại. Do sự phản đối của Hồ Lệ, việc thăng Võ hiển điện Đại học sĩ không thành, nhưng Khâm sứ Pháp tại Huế -- qua Cơ mật viện – lại xin “chuẩn thăng” Thự Đông các Đại học sĩ (thấp hơn Võ Hiển điện Đại học sĩ và ở ngạch “tạm thời”), với điều kiện “khi về hưu sẽ cho thăng thực thụ.” Ta thấy cả Thống sứ và Khâm sứ Pháp cùng sốt sắng yêu cầu triều đình Huế thăng cấp cho cụ trong khi cụ tỏ ý muốn về hưu. Theo một vị cháu nội của cụ Vũ Quang Nhạ là cụ bà Vũ Thị Quỳnh Vân  (chị ruột cụ Vũ Thế Hùng), thì cụ Nhạ về hưu khi đang giữ chức Tổng đốc Hải Dương. Có lẽ đúng vào thời điểm này, trong năm được Đại Nam Thực Lục đề cập đến phía trên: Giáp Thìn 1904.

Theo bài viết của cụ Vũ Thế Hùng dưới nhan đề “Học sĩ ái quốc Vũ Quang Nhạ,” đăng trên Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội số 145, thì khi “từ quan,” cụ giao ấn tín Tổng đốc cho hai quan Bố chánh và Án sát dưới quyền rồi ung dung lên xe về thẳng làng, không thông báo cho các viên Thống sứ, Công sứ người Pháp (tỏ ý không chấp nhận thẩm quyền của họ). Cụ rất được lòng dân nên nhà cầm quyền Pháp không dám biểu lộ thái độ gì. Họ chỉ cho mấy viên Thư ký về tận làng Trung Lao làm giấy tờ, xác nhận việc cụ về hưu cho “đúng thủ tục.”

Trong những năm làm quan, cụ chỉ nhận khen thưởng từ triều đình, không nhận bất cứ một tặng thưởng nào từ Toàn quyền hay Thống sứ người Pháp. Tặng vật duy nhất là chiếc Bắc đẩu bội tinh do Tổng thống Pháp tặng theo thông lệ cho các sứ thần tới nước Pháp trong việc bang giao. Đó đúng là tư cách của một người chẳng thà mất chức Tổng đốc chứ không chịu đem quân của tỉnh Bắc Ninh phụ giúp quân Pháp vây đánh ông Hoàng Hoa Thám.

Sau khi về hưu, cụ vẫn quan tâm đến đất nước. Cuối năm  Nhâm Tý 1912 (Duy Tân thứ 6), viên Khâm sứ người Pháp ở Trung Kỳ là Georges Marie Joseph Mahé chủ trương khai quật lăng mộ vua Tự Đức để tìm châu báu. Điều mục 1815 trong Đại Nam Thực Lục Chính biên, Đệ Lục kỷ Phụ biên chép như sau:

“Khâm sứ đại thần Mahé hội thương nói: ‘Nghe báo ở gian giữa điện Hòa Khiêm (lăng vua Tự Đức được gọi là Khiêm lăng) có chôn nhiều vàng bạc … Nên đào lên lấy số vàng bạc ấy để làm việc có ích’ …” Tuy Công bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài và Lễ bộ Thượng thư Huỳnh Côn cùng phản đối, việc đào mộ vẫn tiến hành. Sau khi đào lên, qua hơn mười ngày không thấy gì, Mahé cho lấp lại. Cùng một số vị quan ở miền Bắc, cụ ký tên trong một bức thư phản đối gửi cho viên Toàn quyền, đại diện chính phủ Pháp ở Đông Dương. Nguyên văn bức thư bằng tiếng Pháp chưa được tìm thấy. Sau đây là bản lược dịch sang tiếng Việt của nhà viết lịch sử ký sự Phan Trần Chúc, được in năm 1939 trong quyển Lê Hoan (Hà Nội :  Tân Việt Nam):

“Các hòa ước Pháp – Nam đều cấm việc phá hủy lăng tẩm của các vua chúa Annam … Nhưng mới đây, đọc báo “Courier d’Haiphong,” chúng tôi rất uất ức về việc ông Mahé, Khâm sứ Trung Kỳ, thấy nói trong lăng vua Tự Đức có chôn của … đã sai đào lăng lên để thu lấy của cải.
“… Việc đào bới các lăng tẩm trái với hòa ước. Nó trái cả với luật nước Pháp. Khi đào lăng vua Tự Đức, ông Mahé không những đã đắc tội với pháp luật mà còn gây tiếng xấu cho chính phủ Pháp… Việc này làm dư luận của dân Trung Kỳ rất huyên náo. Không những thế, nếu việc đến tai người ngoại quốc, họ sẽ chê cười chính phủ Pháp.
“Vậy xin chính phủ trừng trị các Hội viên trong Hội đồng Phụ chính để yên lòng dân.”
Ký tên: Khâm sai Lê Hoan
            Đông các Vũ Quang Nhạ
            Tổng đốc Trần Đình Lượng
            Đô thống Đỗ Đình Thuật
Đô thống Đỗ Đình Thuật được phong chức Trung quân Đô thống, ở ngạch trật Chánh Nhất phẩm hàng võ theo quan chế triều Nguyễn. Một người con trai cụ Vũ Quang Nhạ và một người con trai cụ Đỗ Đình Thuật thành hôn với hai chị em ruột, ái nữ của cụ Trần Đình Lượng. Ba gia đình vì thế có liên hệ hôn nhân với nhau. Ba vị cựu đồng nghiệp có tình thân cùng lên tiếng phản đối việc xâm phạm lăng mộ vua Tự Đức. Một phần vì bức thư phản đối do các cụ ký gửi cho Toàn quyền Đông Dương, qua đầu năm sau (1913), Mahé bị chính phủ Pháp bãi chức Khâm sứ, triệu về nước.

Trong việc Khâm sứ Mahé xâm phạm lăng mộ vua Tự Đức, cho tới nay, vị đại thần được nhắc đến nhiều hơn cả là Công bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, người nhất quyết không ký tên vào bản văn cho phép việc khai quật do Mahé thảo ra, đưa đến câu “Đày vua không Khả, đào mả không Bài” được truyền tụng trong dân gian (Năm năm trước đó, 1907, Thượng thư Ngô Đình Khả, thân phụ của cố Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, cũng đã từ khước, không ký tên vào tờ biểu đưa tới việc truất phế và lưu đày vua Thành Thái). Nhưng dù các Thượng thư Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài có phản đối, việc truất ngôi và đào bới lăng mộ vẫn tiến hành. Bức thư của các cụ Vũ Quang Nhạ, Trần Đình Lượng, Đỗ Đình Thuật (cùng ký với Khâm sai Lê Hoan) góp phần đưa đến một sự việc cụ thể là Mahé mất chức Khâm sứ, bị triệu về Pháp. Thiết nghĩ chuyện ấy cũng đáng được đưa ra ánh sáng.

Từ ngày về hưu, cụ đóng góp nhiều vào việc mở chợ, đắp đường, lát đá, mở mang kinh tế, phát triển ngành tằm tơ cho làng Trung Lao. Nghề thêu ren (làm dentelle) còn đến ngày nay ở làng cũng do cụ cho người con thứ hai sang Pháp học rồi về dạy lại cho dân chúng. Theo một người chắt là nhà giáo Vũ Vinh Hương, khu nhà cụ ở được khang trang vì các con, các cháu sống quay quần theo lối “tứ đại đồng đường,” nuôi hàng trăm nong tằm, dùng 7, 8 khung cửi. Khu nhà rộng lớn ấy là do thành quả của nhiều thế hệ con cháu sống tụ tập làm công việc tầm tang. Qua năm Bính Thìn 1916, cụ được vua Duy Tân tặng hàm “Đông các Đại học sĩ trí sự” (ngôi vị thứ tư của bậc Chánh nhất phẩm, dự vào hàng “tứ trụ” của triều đình Huế,  chỉ sau Cần chánh điện Đại học sĩ, Văn minh điện Đại học sĩ, Võ hiển điện Đại học sĩ).

Cụ Vũ Quang Nhạ tạ thế năm 1932. Dân Bắc Ninh và Nam Định còn truyền lại một câu nói vui về cụ: “Lý trưởng bất túc” nhưng “Tổng đốc hữu dư,” ngụ ý làm Lý trưởng (trông coi một làng) thì không đủ điều kiện nhưng làm Tổng đốc (trông coi một tỉnh lớn hay một liên tỉnh) thì dư khả năng. Khi ra ứng cử Lý trưởng, cụ bị coi là “bất hợp lệ,” nhưng lại thành một vị Tổng đốc giỏi và có danh tiếng. Theo Đại Nam Thực Lục, cụ giữ các chức Hộ Tổng đốc Ninh Thái, Tổng đốc Bắc Ninh, Tổng đốc Định Ninh, Tổng đốc Nam Định, Tổng đốc Hải Dương. 

Tổng đốc Vũ Quang Nhạ thuộc trường hợp những vị ra làm quan giữa giai đoạn người Pháp sang xâm lăng rồi đặt nền đô hộ trên đất nước ta. Trong buổi giao thời, cụ tiến thân không bằng khoa cử nhưng bằng quân công, lúc đầu là đánh dẹp cướp biển, về sau là tảo trừ giặc cướp, rồi đến khả năng tổ chức trị an và sự tận tâm lo cho dân. Cụ luôn luôn tự coi là một vị quan của triều đình Việt Nam, không hợp tác với người Pháp trong những việc đàn áp các nhà ái quốc. Khi sang Pháp, cụ thay mặt vua Thành Thái. Khi về hưu, cụ nhận sắc phong của vua Duy Tân. Cả hai là những vị vua yêu nước, cùng bị người Pháp truất ngôi, đưa đi đày. Điều ấy khiến cụ khác với một số vị ra làm quan đồng thời, mải chăm lo phục vụ quyền lợi của Pháp nên đã bị dư luận mai mỉa qua những câu như “Pháp Nam hai nước một công thần” hay “Nghĩ cho mi cũng gặp thì, Tổ xưa mi có nhớ gì nữa không?” Cho đến nay và chắc mãi mãi về sau, dân làng Trung Lao vẫn nhắc đến cụ trong niềm hãnh diện và tôn kính.        

                                                 Từ Mai Trần Huy Bích  
                                                                                                          
Tài liệu tham khảo:
Keith, Charles. Catholic Vietnam : a Church from Empire to Nation.
           Berkeley, CA : Univ. of California Press, 2012.
Khổng Đức Thiêm. “Yên Thế xưa và nay : Thân Bá Phức, thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần
            vương Yên Thế.” Tạp chí điện tử Bắc Giang, cập nhật ngày 23/07/2016, truy cập ngày
            4/12/2017:
Mai Thu Quỳnh.  “Cuộc đi Pháp dự đấu xảo năm 1900 của phái bộ Việt Nam.” Thông báo Hán
            Nôm, cập nhật ngày 9/2/2015, truy cập ngày 4/12/2017:
Phan Trần Chúc. Lê Hoan.
            Hà Nội : Tân Việt Nam, 1939.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục Chính biên, Đệ Lục kỷ Phụ biên. Cao Tự Thanh
            dịch và giới thiệu.
            Sàigòn : NXB Văn Hóa Văn Nghệ,  2011.
Vũ Thế Hùng. “Học sĩ ái quốc Vũ Quang Nhạ.” Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, số145. Trang
            38-41.