Wednesday, September 12, 2018

Nghĩ về nhà thơ THÀNH TÔN / Trần Huy Bích


Cuối mùa hè năm 1955, sau khi các lực lượng tàn dư của Bình Xuyên đã rút khỏi Sàigòn, thủ đô miền Nam tương đối ổn định. Bộ Thông Tin của Chính phủ Quốc gia (trước ngày 26 tháng 10 năm ấy chưa có từ “Việt Nam Cộng Hòa”) hỗ trợ việc thành lập một Câu Lạc Bộ Văn Hóa trên đường Phan Đình Phùng để trí thức, văn nghệ sĩ (thành phần chính hình như là những vị mới từ miền Bắc tới) có nơi để gặp gỡ, chuyện trò, uống trà, uống café, thưởng thức những món ăn nhẹ... Giáo sư Nguyễn Đăng Thục được mời điều khiển Câu Lạc Bộ này. Cất lời chào mừng cử tọa trước khi bắt đầu những sinh hoạt chung, ông tự giới thiệu là “anh chủ quán.” Lui tới với Câu Lạc Bộ là một số trí thức từ miền Bắc di cư như các giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu, Vũ Khắc Khoan …, các nhà văn Vi Huyền Đắc, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng … và một số văn nghệ sĩ trẻ hơn. Ban hợp ca Thăng Long (lúc ấy còn cả Khánh Ngọc) từng được mời đến giúp vui. Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói lời giới thiệu, “Xin được trình bày bài ‘Hội trùng dương’ của Phạm Đình Chương, do Phạm Duy hòa âm.” Khi một vị trong cử tọa cao giọng hỏi đùa, “Do ai trình bày?” ông đã tươi cười trả lời, “Do gia đình chúng tôi.”

Thỉnh thoảng (hình như mỗi tháng một lần) có một bài thuyết trình về một vấn đề liên quan tớivăn hóa. Lúc ấy đang là một học sinh Đệ Nhị cấp ở Trung học Chu Văn An, kiến thức khá hạn hẹp và phải lo việc học nhiều hơn, người viết những dòng này chỉ tới 3, 4 lần khi theo chân một vị đàn anh, người có danh hiệu “văn nghệ sĩ.” Có một buổi thuyết trình với đ tài “Tiếng Việt là đơn âm hay đa âm?” Nhưng buổi thuyết trình được nhớ đến nhiều hơn là hôm nhà thơ Đông Hồ đến trình bày bài “Thăng Long hành,” do ông sáng tác khi ra thăm Hà Nội ba năm trước đó.

Bài thơ do thi sĩ Đông Hồ đọc tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa Sàigòn ngày 27 tháng 8 năm 1955 được nhiều người chú ý vì lần đầu tiên một nhà thơ danh tiếng của miền Nam đến đích thân trình bàytại một nơi quy tụ nhiều trí thức, văn nghệ sĩ mới từ miền Bắc tới. Bài thơ khá dài (110 câu), kể lại chuyến ra thăm Hà Nội năm 1952 của Đông Hồ và Mộng Tuyết, cũng rất có ý nghĩa với cử tọa, những người vừa phải lìa Hà Nội. Lời thơ đẹp ngay từ đoạn đầu tiên, phác họa hình ảnh một Hà Nội dưới mưa bão, đúng hôm hai nhà thơ miền Nam đến phi trường Gia Lâm:
Bão táp tơi bời trời cố quốc
Gió mưa ủ rũ đất danh đô
Tiêu điều cỏ lấp hoa Long Đỗ
Lạnh lẽo trăng soi nước Kiếm hồ
.
Nhà thơ Đông Hồ kể lại những buổi được bè bạn đưa đi thăm Hà Nội, được ngắm những cảnh:
Tháp đảo chơ vơ rùa nhớ kiếm
Tượng vườn chót vót đá mong vua
hay:
Lãng Bạc sóng xao hờn oán cũ
Hành cung hương tỏa nhớ thương xưa
Bài thơ kết thúc với những tình cảm lưu luyến của một người từ xa tới, rồi phải ra về sau khi chỉ ở trong ít ngày:
Phúc Xá bãi phơi niềm ý biệt
Long Biên cầu nối đoạn tình xưa
Gia Lâm mấy dặm tình trường đoản
Ngọn cỏ dầm sương nặng khứ lưu
Hoa cúc để gầy thu đất Bắc
Tháng ngày vương một mối tương tư

Tuy người thuyết trình vừa đọc vừa giải thích từng câu, những người ngồi nghe chỉ ghi nhận được một phần, không thể nhớ toàn bài. Nhiều năm sau không thấy “Thăng Long hành” được inraTừ khi được nghe năm 1955, nhất là sau biến cố 1975, người viết vẫn ao ước có hoàn cảnh gặp lại bài thơ đặc sắc mang nhiều ý nghĩa ấy, nhưng không biết có thể kiếm ở đâu.

Trong một buổi đàm đạo văn chương ở hải ngoại khoảng giữa thập niên 1980, nhà văn Võ Phiến cho biết ông thích sự súc tích, rất ít lời nhưng nhiều ý trong hai câu thơ sau, do Đông Hồ làm để tặng Nguyễn Hiến Lê:


Ôi! Hà Tiên đó còn Tần lĩnh,
Thì Việt Trì kia vẫn Thái hàng.

Học giả Nguyễn Hiến Lê quê ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây, gần Việt Trì. Vì công việc, ông được cử vào Nam từ năm 1935 ở tuổi 23. Sau chuyến về Bắc lần cuối năm 1944, do chiến tranh và hoàn cảnh đất nước chia đôi, ông sống biền biệt ở trong Nam từ đó. Giữa thập niên 1960, chiến tranh trở nên khốc liệt. Tình trạng đối nghịch của nhà cầm quyền hai phía càng khiến triển vọng về thăm quê của ông xa vời hơn. Để an ủi bạn phần nào, Đông Hồ gửi tặng Nguyễn Hiến Lê bài thơ với hai câu nói trên.

Nhà thơ Đông Hồ quê ở Hà Tiên nhưng từ những năm loạn lạc, về sống ở Sàigòn. Chiến tranh lan rộng giữa thập niên 1960 cũng khiến ông không thể về thăm Hà Tiên tuy khoảng cách chỉ chừng 300 cây số. Ông muốn nói với Nguyễn Hiến Lê, “Ôi, Hà Tiên ngay đó mà tôi còn phải chịu cảnh ‘Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại? (Mây chắn ngang núi Tần, nhà ở đâu?—Thơ Hàn Dũ).’ Huống chi Việt Trì của bác, xa hơn nhiều, phải chịu nông nỗi ‘nhà cha mẹ ta dưới đám mây kia’ thì cũng đành thôi.” Đông Hồ muốn ví Nguyễn Hiến Lê như Địch Nhân Kiệt đời Đường, lên núi Thái hàng, chỉ đám mây ở xa nói với tả hữu, “Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây kia,” tuy vẫn nghĩ đến nhưng không thể tới. Hai câu thơ vừa nói lên được hoàn cảnh cá nhân của Đông Hồ và Nguyễn Hiến Lê, vừa cho thấy khung cảnh chung của đất nước trong giai đoạn đó, cùng mối quan tâm, tình đồng cảm của hai người bạn thân. Chỉ với 14 chữ trong hai câu, nhà thơ Đông Hồ đã diễn được thật nhiều ý. Đó quả là hai câu thơ xuất sắc!

Từ khi được nhà văn Võ Phiến đọc cho nghe, người viết rất muốn dùng hai câu thơ ấy làm dẫn chứng mỗi lúc muốn trình bày với những người bạn trẻ về công dụng của việc dùng điển tích trong văn chương. Muốn lời nói mang tính cách khả tín, cũng cần biết một cách đích xác hai câu thơ ấy được lấy từ bài nào, in trong tác phẩm nào của Đông Hồ. Sau khi lìa nước năm 1975, những tài liệu còn trong tay nhà văn Võ Phiến không đủ để ông cho biết điều ấy một cách tường tận và chính xác. Từ khá lâu, việc tìm xuất xứ của hai câu thơ trên cũng là một trong những quan tâm của người viết.


 Cuối năm 2016, sau khi đưa ra vài bài viết ngắn về một số thi phẩm của Đông Hồ nhưng đã bị phổ biến với khá nhiều sai lạc trên Net, người viết nhận được một món quà quý từ một người bạn trẻ: tập thơ Bội Lan Hành của Đông Hồ. Đây là bản được scan rồi in lại từ bản chính do Quình Lâm xuất bản tại Sàigòn năm 1969. Scan lại cả tập thơ, đóng thành quyển chặt chẽ và đẹp để tặng một số thân hữu là việc làm chung của Nguyễn Vũ, người bạn trẻ, và anh Thành Tôn. Nhưng có được tập thơ quý hiếm sau cuộc “phần thư” khốc hại năm 1975 là nhờ công phu sưu tầm cần cù với khá nhiều hi sinh của anh Thành Tôn. Điều đáng nói là sau khi có tập thơ, anh không giữ cho riêng mình mà sốt sắng chia sẻ với bè bạn.

Mở tập Bội Lan Hành, nhìn qua phần Mục lục, người viết thấy ngay bài “Thăng Long hành” đã lưu tâm tìm kiếm từ nhiều năm. Đọc thêm ít trang, đến bài thơ Đông Hồ tặng Nguyễn Hiến Lê, trông thấy ngay hai câu:

Ôi! Hà Tiên đó còn Tần lĩnh,
Thì Việt Trì kia vẫn Thái hàng

vẫn muốn tìm từ giữa thập niên 1980. Tập Bội Lan Hành, món quà từ anh Thành Tôn, có giá trị thật lớn đối với người nhận. Trong thi tập ấy của nhà thơ đất Hà Tiên, dĩ nhiên cũng còn nhiều bài xuất sắc khác.

Qua anh Phạm Phú Minh, tôi chỉ mới có cơ hội gặp anh Thành Tôn mấy năm gần đây sau khi đã thôi việc, về sống ở Quận Cam. Từ trước chỉ nghe danh anh là một nhà thơ, từng có những thi phẩm đặc sắc trước 1975, từng có bài trên tạp chí Bách Khoarất được bạn bè quý mến vì lòng tốt và sự hiền hòa. Cũng được nghe rằng anh từng mầy mò tìm mua một số văn thi phẩm giá trị của miền Nam trước kia, nhưng ra tới ngoại quốc, thấy chính tác giả những tập ấy không còn giữ được bản nào, đã sốt sắng tặng lại. “Anh ấy cần cuốn đó hơn mình.” Đã có lần tôi thử đặt mình vào địa vị của một trong những tác giả như thế, và nhận thấy ở anh Thành Tôn một trái tim Bồ Tát.

Trong những việc tôi nhờ anh làm giúp trong thời gian gần đây, có hai việc đáng nhắc đến hơn cả.

Một anh bạn trong Hội Ái hữu Cựu Giáo chức tìm mua được từ một sạp bán sách cũ bên lề đường Paris tập Rừng Phong của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. 



Tập thơ ở tình trạng cũ rách, gáy đã long, một số trang đã rời ra. Nhưng đó là một bản đặc biệt, nhà thơ Vũ Hoàng Chương tặng nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, với lời đề tặng cùng chữ ký của tác giả. Khi trao tập thơ cho tôi, anh bạn nói, “Tôi đem đến đưa anh, vì thấy anh đáng giữ tập thơ này.” Không xã giao thoái thác, tôi cám ơn anh và đưa tay nhận. 

Nhưng lập tức, tôi cũng thấy ngay trách nhiệm của mình: không thể để tập thơ nằm chết trong tình trạng cũ nát ở đáy tủ sách của mình, mà phải làm cách nào để có một số bản ở tình trạng tốt và đẹp đẽ hơn, có thể mở ra đọc dễ dàng, để tập thơ có một địa vị xứng đáng trong tủ sách của một số người biết đến giá trị thơ Vũ Hoàng Chương. Ít nhất phải có một bản đưa tới gia đình nhà văn Nguyễn Sỹ Tế (đã quá cố). Rồi một bản cho người bạn mua được tập thơ nhưng không giữ riêng, đem đi cho một cách dễ dàng, không đặt một điều kiện nào. Thứ ba là một bản giữ cho mình. Nếu có thể làm thêm ít bản cho một số bạn văn cũng biết trân quý thơ Vũ Hoàng Chương thì thật hay. 

Trong tập Rừng Phong có nhiều bài giá trị và đặc sắc của cố thi sĩ: Nguyện cầu, Bài ca sông Dịch, Chờ đợi hoài công, Tờ hoa, Cảm đề Đoạn Trường Tân Thanh, Thiên đường lại mở, Nhớ cố nhân, Hợp tan ... “Thiên đường lại mở” là bài thơ thi sĩ làm để tặng bà Vũ Hoàng Chương. “Nhớ cố nhân” và “Hợp tan” là hai bài tác giả tặng kịch sĩ Tuyết Khanh. Tập thơ cũng là một giai phẩm văn chương với tranh bìa, in nhiều màu rất đẹp và trang nhã, của thi sĩ Đinh Hùng. Trình bày các trang trong cũng do Đinh Hùng với lời thơ in trên giấy nền màu. Trong tập còn một trang thủ bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Với nét chữ bay bướm và tung hoành, ông viết hai câu chữ Hán:

Lãnh quế hương trầm thương hải nguyệt
Loạn bồng tâm đới bạch vân thu
và hai câu tự dịch:

Quế lạnh hương chìm trăng bể biếc
Cỏ bồng mây trắng rối lòng thu

với chữ ký và ba triện son của ông.

Sau khi hỏi anh Phạm Phú Minh, tôi được biết anh Thành Tôn và Vũ là hai người bạn mà tài nghệ cùng tấm lòng với sách vở đáng được tin cậy hơn cả trong việc phục chế lại tập thơ ở tình trạng cũ rách này. Kết quả thật hoàn hảo: tập thơ được scan, được in, và đóng lại rõ và đẹp như mới được in ra. Khi đem đến bà Nguyễn Sỹ Tế, bà ngạc nhiên và cảm động, long trọng thắp hương trên bàn thờ nhà văn.  Các nhà thơ Trần Dạ Từ, Trịnh Y Thư ... ông bạn mua được tập thơ cũ và một số bạn văn nghệ khác, cùng trầm trồ khen ngợi.

Tập sách thứ hai anh phục chế với kết quả rất tốt đẹp là cuốn Cầm Học Tầm Nguyên của Phó bảng Hoàng Yến.


 Cụ Hoàng Yến, quán xã Minh Hương, tỉnh Thừa Thiên, đậu Cử nhân năm Mậu Ngọ 1918, Phó bảng năm Kỷ Mùi 1919 (Khải Định năm thứ 4), đồng khoa với cụ Tiến sĩ Dương Thiệu Tường (cháu nội cụ Dương Lâm), các cụ Phó bảng Đặng Văn Oánh, Đặng Văn Hướng (con cụ Hoàng giáp Đặng Văn Thụy). Trong Cầm Học Tầm Nguyên, cụ đưa người đọc trở về những nguyên lý và nguyên tắc đoan chính tự thời xa xưa của âm nhạc: “Thánh nhơn xưa bày đàn ra là để chánh tâm dưỡng tánh ... ‘Cầm giả cấm dã, cấm chỉ ư tà, dĩ chánh nhơn tâm dã.’ Nghĩa là: cầm là cấm, bày cầm ra để cấm điều bậy, mà sửa cho ngay lòng người. Xưa vua Thuấn đờn đờn năm dây, ca Nam Phong mà thiên hạ đại trị ..., đức Khổng tử ở nước Tề ba tháng, nghe nhạc thiều mà quên ăn.” Cụ nhắc tới một số nguyên tắc của người trước: Lục kỵ (kỵ đại hàn, kỵ đại thử, kỵ đại phong, kỵ đại vũ ...), Thất bất đàn (nghe tang không đàn, khi nhạc đánh có chiêng trống ồn ào không đàn, công việc đang bối rối không đàn, trong mình không sạch sẽ, khăn áo không tề chỉnh không đàn ...). Cụ giảng giải kỹ lưỡng và cung cấp hình vẽ các loại đàn thời trước như đàn cầm, đàn sắt, đàn tranh, đàn trúc, đàn tỳ bà, đàn nhật, đàn nguyệt, đàn tam, đàn đáy ..., và cung cấp nhạc bản của một số bài nhạc xưa như Lưu thủy, Vọng giang nam (Nam bình), Ai giang nam (Nam ai), Kim tiền, Xuân phong, Tẩu mã, Chinh phụ, Quan thư, Tứ đại cung oán ... Tập sách được đánh máy phần chữ quốc ngữ và viết tay phần chữ Hán, với lời “Tự” được viết năm Khải Định thứ hai (1917), là một tài liệu tham khảo giá trị và hữu ích về nhạc cổ. Tập sách có lời đề từ của Lễ bộ Thượng thư trí sự Tôn Thất Mộng Phật (tức cụ Tôn Thất Diệm, hiệu Mộng Phật, sinh năm 1853, làm quan từ cuối đời Tự Đức đến đời Duy Tân, mất năm 1922 trong đời vua Khải Định).

Khi thứ nam cụ Hoàng Yến, một người bạn trong thời gian dạy học ở Đà Lạt, đưa cuốn sách đến cho tôi thì cuốn ấy đã ở tình trạng không còn thọ được lâu: giấy bản cũ mòn, bìa mỏng manh. Anh nhờ tôi giúp ý xem có thể làm cách nào để bảo tồn được cuốn sách “gia truyền. Tôi gợi ý nhờ người scan thành một file điện tử, rồi in và đóng lại trên một loại giấy tốt và bền, với một bìa dày và chắc chắn hơn. Anh nhờ tôi giúp, giới thiệu tới một người có thể làm những việc như thế. Tôi đem tới Vũ và anh Thành Tôn. Kết quả là các con cụ Hoàng Yến có một file điện tử của cuốn sách, bản gốc được trả lại nguyên vẹn, kèm thêm một bản in trên giấy trắng tốt và bền, được đóng lại chặt chẽ với bìa dày dặn hơn. Anh bạn tôi vô cùng cảm kích. Scan cuốn sách là thời giờ và công phu của Vũ. Đóng lại thành một cuốn sách mới là thời giờ và công phu của anh Thành Tôn. Gia đình tác giả cuốn Cầm Học Tầm Nguyên không phải trả một phí khoản nào. Đây không phải là lần đầu tiên anh Thành Tôn và Vũ làm những việc như thế.


Tôi không ngạc nhiên thấy anh Thành Tôn được mọi người cảm mến và quý trọng. Theo tôi, đó là lẽ đương nhiên. Tuy chỉ mới quen biết anh từ sau khi về sống ở Orange County cuối năm 2010, tôi có cảm tưởng đã là bạn từ lâu. Nếu chúng ta quả có nhiều kiếp sống khác nhau, rất có thểchúng tôi đã có tình thân, đã tin cậy và quan tâm đến nhau từ một đời sống trước.


                                                                Trần Huy Bích