Wednesday, July 23, 2025

TRỊNH Y THƯ: Franz Kafka trong cuộc sống hiện đại

 

 

1.

 Trong một tiểu luận về văn chương Franz Kafka, Milan Kundera đã bắt đầu bằng một câu chuyện có thật xảy ra trên xứ Tiệp Khắc, quê hương ông, dưới thời đảng Cộng sản còn cai trị đất nước này.  Một anh kỹ sư được mời sang thủ đô London, Anh quốc để tham dự một hội nghị chuyên ngành. Hôm trở về nhà vào văn phòng làm việc, anh lật tờ báo mới phát hành sáng hôm đó và đã giật bắn người vì trên báo loan tin một kỹ sư người Tiệp sang London dự hội nghị đã xin tị nạn chính trị ở lại Tây phương. Nên nhớ đó là cao điểm căng thẳng của cuộc Chiến tranh Lạnh toàn cầu, đối với các quốc gia trong khối Cộng sản, tị nạn chính trị có nghĩa là phản quốc, là trọng tội mang án tử hình. Anh kỹ sư nọ đã vô cùng hoảng hốt khi đọc bản tin trên báo. Anh tức tốc đến tòa soạn tờ báo để hỏi cho ra lẽ. Tại tòa báo gặp người biên tập, anh hỏi ông này tại sao lại có thể loan một cái tin thất thiệt gây tai hại cho kẻ khác đến thế, người biên tập nhún vai bảo anh bản tin là từ trên bộ Nội vụ đưa xuống, ông ta chỉ có nhiệm vụ đăng báo thôi. Anh kỹ sư bèn tìm cách sang hỏi bên bộ Nội vụ, và sau nhiều ngày xin xỏ, chầu chực, cầu cạnh, anh được một quan chức tiếp chuyện, nhưng ông này, cũng như người biên tập bên tòa báo, nhún vai bảo anh chúng tôi chẳng hay biết gì về chuyện đó, bản tin là do ban tình báo của tòa đại sứ Tiệp bên London gửi về. Anh kỹ sư yêu cầu bộ lên tiếng cải chính và được trấn an bằng câu nói vô thưởng vô phạt, đại khái, anh cứ an tâm về nhà, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp anh.

    Dĩ nhiên, sau đó chẳng có lời cải chính nào từ bộ Nội vụ, và từ lúc đó trở đi anh kỹ sư sống trong nỗi sợ hãi vô biên, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ một tai họa nào đó giáng xuống số phận mình. Cuối cùng, chịu đựng hết nổi tâm trạng bất an thường trực, một hôm gặp được cơ hội tốt, anh xin tị nạn chính trị.

    Kẻ bị quy kết tội một cách oan uổng và oan ức, sau cùng tự buộc cái tội ấy lên người mình, tự tìm sợi dây thòng lọng khiếp hãi để chui đầu vào, tự cởi áo phanh ngực trước những họng súng đen ngòm của đội hành quyết. Đó là tính cách chủ yếu của hiện thực văn chương Kafka, Kundera cho ta biết như thế trong tiểu luận đặc sắc của ông.

    Gần đây, chính xác là năm 2025, chính bản thân tôi cũng tiếp cận một chuyện khá tương tự chuyện anh kỹ sư người Tiệp nọ. Số là tôi có một thằng cháu họ sang Mỹ định cư từ năm sáu tuổi với bố mẹ nó. Vì là con một được nuông chiều từ bé nên nó hư hỏng lắm, mới mười lăm mười sáu đã dính líu đến các băng đảng người Việt tác yêu tác quái, đòi tiền “bảo vệ” từ các cơ sở buôn bán người Việt ở khu Bolsa, California, mà tay anh chị khét tiếng với hỗn danh Tài Chém là đại ca của nó. Khi Tài Chém bị cảnh sát bố ráp và bắt bỏ tù trong một vụ tảo thanh quy mô thì thằng cháu tôi cũng bị bắt lây. Vì còn lứa tuổi vị thành niên nên nó chỉ bị giam trong trại cải huấn, mất năm năm. Khi ra tù, nó thay đổi hẳn tâm tính, trở nên hiền lành, ít nói. Trong tù, nó học được nghề sửa điện lạnh và sau khi mãn hạn tù, bố mẹ ly dị mỗi người một nơi, nó về bang Iowa sinh sống với nghề sửa máy lạnh, máy sưởi trong nhà. Gần 40 tuổi nó lập gia đình với một phụ nữ Việt làm nghề móng tay, có hai đứa con gái, và một mái nhà tương đối hạnh phúc êm ả. Thi thoảng nó gọi điện thoại thăm hỏi tôi, và mỗi lần có dịp về lại Cali chơi, nó đều mời tôi ra nhà hàng chú cháu ăn trưa nói chuyện.

    Cuộc đời nó tưởng như thế là yên ổn trôi qua, bỗng nhiên, khoảng đầu năm 2025 này, nó bắt đầu gọi điện cho tôi hầu như mỗi ngày để chia sẻ mối lo của nó. Nó sợ bị cảnh sát sở Công an Liên bang Immigration and Customs Enforcement (ICE) bắt trục xuất về Việt Nam vì cái tiền án tù cách đây gần 40 năm của nó. Cháu biết có đứa như cháu bị trục xuất về rồi, nó bảo tôi vậy.

    Sự sợ hãi khiến nó như tê dại, không biết phải làm gì trong lúc bỏ bê tất cả các công việc thường ngày kể cả việc đi làm kiếm ăn. Nó liên tục gọi cho sứ quán Việt Nam ở Houston để tham vấn, nhưng điện thoại không ai trả lời. Một hôm nó lái xe từ Des Moines xuống Houston đến thẳng sứ quán xin vào nói chuyện, nhưng dĩ nhiên không ai thèm tiếp chuyện nó, cô ngồi bàn lễ tân với giọng Bắc the thé như còi tàu hỏa đã chửi rủa nó thậm tệ và gọi bảo vệ tống cổ nó ra ngoài đường.

    Có người khuyên nó nhờ luật sư tìm phương án, luật sư lấy của nó năm ngàn đô-la, moi được trên mạng vài văn kiện về trường hợp vụ xử án rồi không làm gì nữa. Cách đây hai hôm nó gọi điện cho tôi: “Chú Minh, chú có thời gian ra Coffee Factory gặp cháu một chút được không? Cháu đang ở Cali.” Tôi ngạc nhiên nhưng vội thay quần áo chạy ra với nó. Mặt mày nó trỏm lơ, thất sắc. Sau vài câu hỏi han, nó bảo tôi nó đang trên đường về Việt Nam. Tôi hỏi về làm gì, nó bảo: “Cháu về Việt Nam xuống Long Xuyên, quê mẹ cháu, mua nhà mua đất về Việt Nam sinh sống chứ cháu không thể sống như thế này ở đây được nữa.”

    Tôi thấy ngao ngán chẳng biết nói gì ngoài vài lời khuyên giải nhạt nhẽo vô vị và vô ích. Hình như ý nó đã quyết.

 2.

 

Cả hai con người có thật – anh kỹ sư ở Praha, Tiệp Khắc, và thằng cháu họ tôi ở Des Moines, Iowa – đều có chung một cảnh huống. Họ đối đầu với một thứ quyền lực vô hình mang tính cách một mê cung mờ mịt. Cả hai không bao giờ tìm thấy điểm cuối của cái hành lang vô tận sâu hun hút hiện ra trước mắt mình, không bao giờ biết bản án của mình là gì và ai là kẻ hạ lệnh cho bản án đó. Họ ở cùng một cảnh huống với Joseph K. trong Vụ xử án và gã nhân viên trắc địa tên K. trong Tòa lâu đài của Franz Kafka. Tất cả bất lực trong một thế giới không có gì ngoài một cơ chế mê cung khổng lồ duy nhất mà họ không thể nào vượt thoát nổi, không thể nào hiểu nổi.

    Trong hiện thực văn chương Kafka, cơ chế này có quy luật của riêng nó, và nó chỉ tuân thủ những quy luật này mà thôi. Không ai rõ kẻ nào là tác giả những quy luật đó, chúng được ban hành bao giờ, như thế nào, cũng chẳng ai hay biết. Nhưng một điều chắc chắn là chúng không hề quan tâm đến con người và bởi thế không ai hiểu chúng là gì và vận hành như thế nào. Con người, vâng, con người vật thể, chỉ là những cái bóng chập chờn phóng chiếu trên màn nền của ảo giác.

    Trong Vụ xử án, Joseph K. tự ý và tự nguyện tìm đến phiên tòa nơi có vụ xử án; trong Tòa lâu đài, viên trắc địa tên K. cứ nhất định tìm đủ mọi cách thâm nhập vào tòa lâu đài. Nghe có vẻ thiếu lô-gích, thậm chí phi-lô-gích, phi lý. Thế nhưng, trong hiện thực văn chương Kafka, đó lại là điều rất lô-gích. Kẻ bị quy kết tội không hiểu lý do mình có tội, sự phi lý đó nhức nhối, hành hạ hắn đêm ngày, đến độ hắn phải vật vã tìm kiếm một “biện minh” cho cái tội không có thật của mình, và cuối cùng hắn không cần đợi người hành quyết ra lệnh mà tự tay thắt một sợi dây thòng lọng treo lên xà nhà, tròng cổ mình vào đoạn đá văng chiếc ghế đẩu. Đó là trường hợp của anh kỹ sư ở Praha cũng như đứa cháu họ của tôi.

    Kafka còn đào sâu thêm vào vùng tâm thức đen tối này của con người. Trong Chương Bảy của cuốn Vụ xử án, Joseph K. bới móc toàn bộ cuộc đời mình từ trước tới lúc đó, truy nguyên tất cả những sai trái dù tủn mủn tầm thường nhất, để tìm kiếm nguyên cớ tội phạm của mình. Kundera gọi đó là hành động “tự kết tội”, mà tôi tạm dịch từ cụm từ tiếng Anh “autoculpabilization”. Nó không phải hành động tự đấm ngực kêu oan mà tự đấm ngực nhận tội một cách nhiệt tình, mặc dù mình không có tội hoặc không biết mình bị tội gì.

    Kỳ thực, các cơ chế chuyên chính độc tài toàn trị hiểu rõ điều này từ lâu và hàng thế kỷ họ đã khai thác tới hạn tâm lý đó để đàn áp tiếng nói của người dân.

    Tôi đọc khá nhiều hồi ký tù, mà mới đây nhất là tập bản thảo của một “tù nhân lương tâm” Việt Nam do chính tác giả gửi biếu. Anh bị nhà nước Cộng sản Việt Nam kêu án 5 năm tù và 3 năm quản chế với một tội danh rất mơ hồ là làm gián điệp cho ngoại bang. Bằng chứng họ đưa ra chẳng có gì ngoài một số văn bản anh dịch từ các sách vở lịch sử về khái niệm dân chủ. Sau hai lần xử án bởi một tòa án “Kangaroo”, anh bị tống vào trại giam, và cuộc đời anh hoàn toàn bị đảo lộn từ đó. Cái tòa án “Kangaroo” ở Hà Nội và cả cái hệ thống nhà nước đứng đằng sau nó đều hiểu rõ hơn ai hết, rằng một vụ xử án như thế chỉ làm trò cười cho dư luận quốc tế và những kẻ thức giả; tuy nhiên, bất chấp dư luận, bất chấp tiếng cười nhạo báng của thế giới, họ vẫn làm. Họ vẫn làm bởi họ biết sau cùng kẻ bị quy kết tội sẽ tự đấm ngực nhận tội thôi, như người cha cô Amelia van nài cầu xin “Tòa lâu đài” tuyên án gia đình mình. Có lẽ các nhân vật trong Bộ Chính trị Hà Nội đọc Kafka khá kỹ.

  3.

 

Các cơ chế chính trị độc tài toàn trị thường đề cao giá trị của đời sống tập thể, họ cố gắng xóa mờ lằn ranh giữa tập thể và cá thể. Ưu tiên cho cá nhân luôn bị đặt bên dưới, nằm ở tầng dưới cùng của nấc thang chính trị và xã hội. Tất cả mọi người trong xã hội đều phải sống minh bạch, không ai có quyền giấu giếm bất cứ điều gì từ đảng và nhà nước, giống như một đứa trẻ không được phép gạt gẫm hay qua mặt cha mẹ trong gia đình. Bởi xưng tụng đời sống tập thể nên trong các xã hội độc tài ta thấy họ không ngại tốn kém ngân quỹ quốc gia thường xuyên tổ chức những buổi lễ hội và diễu hành vô cùng hoành tráng. Không tin tôi ư, bạn hãy ghé thăm Bình Nhưỡng vào ngày kỷ niệm sinh nhật Kim Nhật Thành thì thấy ngay.

    Kundera dành nguyên Phần Sáu cuốn tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham của ông để nói về điều này, mà ông gọi là Cuộc diễu hành vĩ đại, trong đó, ông viết: “… Khẩu hiệu bất thành văn của cuộc diễu hành là ‘Đời sống muôn năm!’ Nền chính trị ấy uy quyền và nham hiểm nhờ biết khai thác và sử dụng đúng chỗ khẩu hiệu này. Bởi chính sự lặp đi lặp lại đầy ngu xuẩn đó (‘Đời sống muôn năm!’) đã thu hút cả những người bất đồng quan điểm đến diễu hành trong hàng ngũ.”

    Việt Nam là một quốc gia có nhiều lễ hội và diễu hành nhất thế giới.

    Sống tập thể nghĩa là phải từ bỏ tất cả mọi riêng tư, kể cả quyền được cô đơn. Khi gã nhân viên trắc địa tên K. làm tình lần đầu với Frieda dưới sàn quán rượu thì hai tên đàn ông do “Tòa lâu đài” cử đi theo dõi gã ngồi ngay trên ghế chỗ hai người nằm. Từ lúc đó trở đi, hai tên đàn ông luôn hiện diện trên giường ngủ của hai người. Trong mắt nhìn của Kafka, con người là những món đồ phơi bày trần trụi dưới ánh sáng mặt trời rực rỡ để có thể dễ dàng và đúng đắn nhận chân và phân bố vào những công dụng hữu ích, và để thấy món đồ nào hư hỏng thì hãy ném nó ngay vào bãi phế thải thật xa. Con người không được quyền có bất kỳ điều riêng tư nào bởi chỉ có tập thể, tất cả vì tập thể, cho tập thể; tập thể là khối óc vĩ đại, trung tính, thuần khiết nhất để mưu cầu hạnh phúc cho con người. Sự riêng tư của Joseph K. đã bị tước đoạt ngay từ đầu khi anh bị hai người đàn ông lạ mặt xông vào tận giường ngủ tuyên bố anh phạm tội.

    Sự tước đoạt quyền riêng tư không nhất thiết chỉ thu hẹp trong phạm vi các chế độ cực quyền, ngày nay nó là một hiện tượng phổ quát lan tràn khắp các xã hội loài người, độc tài cộng sản hay dân chủ tự do, một phần do sự thâm nhập sâu xa của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence/ AI) vào cuộc sống hiện đại. Đó là những công cụ tìm kiếm, trợ lý giọng nói, quảng cáo được cá nhân hóa, điện thoại thông minh, nhà cửa thông minh, nhận dạng khuôn mặt, chẩn đoán y tế, v.v. Mặc dù các hệ thống này mang lại ích lợi, hiệu quả và nhiều khả năng mới, nhưng chúng cũng đặt ra những quan ngại đáng kể về quyền riêng tư.

    AI phát triển mạnh nhờ dữ liệu. Để hoạt động hiệu quả, các hệ thống AI cần một lượng thông tin khổng lồ, thường là thông tin cá nhân, thậm chí khuôn mặt và giọng nói người dùng. Phần lớn những dữ liệu này được thu thập một cách âm thầm không có sự đồng ý rõ ràng của người dùng. Việc giám sát do AI điều khiển, đặc biệt là bởi chính phủ hoặc tập đoàn thương mại, có thể xâm phạm quyền tự do dân sự và dẫn đến một “xã hội giám sát.” Hầu hết người dùng không nhận thức được dữ liệu nào đang được thu thập và cách thức xử lý các dữ liệu đó, ai là người có quyền truy cập vào dữ liệu cũng không sáng tỏ. Các hệ thống AI thường hoạt động như “hộp đen”, nghĩa là không rõ ràng về cách thức đưa ra quyết định, khiến việc phản bác các định kiến hoặc vạch trần sự lạm dụng trở nên khó khăn. Việc bảo đảm tính minh bạch và sự đồng thuận trong các hệ thống AI phức tạp, tuy rất cần thiết cho việc sử dụng cho có đạo đức, lại là vấn đề chưa thể giải quyết một sớm một chiều mà xong. Và trong lúc chờ đợi một phương án tốt đẹp hơn, người ta đành chấp nhận “vạch áo cho người xem lưng.”

    Các cơ chế chuyên chính còn đi xa thêm một bước. Ở Trung Quốc ngày nay, khắp nơi, tận hang cùng ngõ hẻm, đều có gắn máy quay phim để nhận dạng người dân. Với AI, từ các máy quay phim đó, nhà nước có thể đoán biết, qua biểu hiện trên nét mặt, người dân suy nghĩ gì, có ý tưởng chống đối nhà nước hoặc ý đồ làm loạn hay không, và bất cứ một nghi ngờ nào cũng có thể dẫn đến số phận không may cho kẻ bị nghi ngờ. Thế giới Utopia của Evgeny Zamyatin, của George Orwell, nơi con người bị lột trần dưới đôi mắt cú vọ của Big Brother, ngày nay đã thành hiện thực, và chính Kafka đã tiên đoán điều này chí ít hai chục năm trước hai ông kia, trước thời đại chúng ta đang sống cả trăm năm.


4.

 

Tuy thế, ta có thể gọi Kafka là nhà văn có khả năng tiên tri được không?

    Hãy khoan tìm đáp án cho câu hỏi mà nói sơ về một khái niệm có cái tên hay hay là Dream-infused Realism.

    Dream-infused Realism – tạm dịch là Chủ nghĩa Hiện thực Truyền Giấc mơ – là một thuật ngữ văn học, nghệ thuật được sử dụng khá nhiều gần đây để đề cập đến một phong cách văn học hoặc nghệ thuật, trong đó các câu chuyện hiện thực được đan xen với các yếu tố giống như giấc mơ. Chủ ý của những văn nghệ sĩ sáng tạo dưới luồng sáng phong cách này không phải để trốn tránh thực tại, mà để đào sâu hoặc bóp méo nó, thường làm mờ ranh giới giữa cuộc sống thực và tiềm thức. Đặc điểm chính của nó là kết hợp thế giới thực và thế giới mộng. Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh chủ yếu là hiện thực nhưng bao gồm các yếu tố siêu thực, tượng trưng, mơ mộng (hoặc ác mộng) liên quan đến giấc mơ. Chiều sâu tâm lý của các nhân vật thường trải qua các chuỗi giấc mơ, ảo giác hoặc trạng thái ý thức thay đổi phản ánh những xung đột, ham muốn hoặc nỗi sợ hãi bên trong của họ. Các cấu trúc nhân quả có thể lỏng lẻo hơn, vay mượn từ tính phi-lô-gích hoặc phi tuyến tính của giấc mơ.

    Phong cách này khác với Chủ nghĩa Hiện thực Huyền ảo, vốn bình thường hóa các sự kiện kỳ diệu, huyễn hoặc trong một thế giới thực; Chủ nghĩa Hiện thực Truyền Giấc Mơ duy trì cách diễn giải tâm lý hoặc biểu tượng về các yếu tố giấc mơ, cho thấy chúng xuất phát từ tâm trí nhân vật chứ không phải bản chất của thế giới.

    Các tác phẩm của Kafka, đặc biệt là Vụ xử án, Tòa lâu đài hoặc Hóa thân, nơi hiện thực được chắt lọc qua một lô-gích mơ nhưng vẫn bắt nguồn từ những xung đột âu lo trong thế giới thực, thường được xem là tiêu biểu cho phong cách Chủ nghĩa Hiện thực Truyền Giấc Mơ. Ngoài Kafka, Virginia Woolf, với các tác phẩm tiểu thuyết như Những đợt sóng hoặc Đến ngọn hải đăng, nơi độc thoại nội tâm “dòng ý thức” và nhận thức thường mang những phẩm cách mơ nhưng vẫn gắn liền với các sự kiện thực tế trong cuộc sống, cũng có thể xem là nhà văn theo xu hướng này. Và không thể không nhắc đến Kurt Vonnegut với tác phẩm tiểu thuyết quan trọng nhất của ông, cuốn Lò sát sinh số năm, một cuốn sách nói về chiến tranh (chính xác hơn, phản chiến tranh) cực hay. Các tác giả đương đại như Haruki Murakami cũng ưa thích đặt ngòi bút mình theo chiều hướng ấy; truyện của Murakami thường xuyên pha trộn cuộc sống đời thường ở Tokyo với những tình tiết phi thực, mơ mộng và những hành trình siêu hình.

    Văn học siêu thực, phi thực và ảnh hưởng của Phân tâm học Sigmund Freud lên văn học thế kỷ XX đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Chủ nghĩa Hiện thực Truyền Giấc Mơ. Nó không hoàn toàn tách biệt khỏi thực tại, mà cho phép giấc mơ “infuse/ truyền” vào thực tại, làm phong phú thêm câu chuyện bằng những tầng ý nghĩa và sự bí ẩn.

    Nói như thế để thấy lý do vì sao ảnh hưởng của Kafka bao trùm gần như toàn bộ khí quyển văn học phương Tây thế kỷ XX và sang cả thế kỷ XXI. Milan Kundera là một nhà văn như thế, ông luôn tự nhận mình là kế thừa của Kafka. Kundera định nghĩa “Viết là đập thủng bức tường mà đằng sau đó có cái gì bất biến nằm ẩn núp trong bóng tối” và, bởi xem Kafka là thi sĩ chứ không phải nhà văn nên ông đã sử dụng những câu thơ sau của thi sĩ Tiệp Jan Skacel làm trích ngôn cho bài tiểu luận tôi có nhắc đến ở phần đầu bài viết:

 

Thi sĩ không sáng chế thơ

Bài thơ ở đâu đó đằng sau

Nó ở đó lâu lắm rồi

Thi sĩ chỉ việc khám phá ra nó thôi.

 

Theo Kundera thì thi sĩ chỉ “khám phá” những khả thể, những thân phận người đã nằm rất lâu, rất lâu trong bóng tối mà Lịch sử, khi đến phiên của nó, có ngày phơi bày. Trong mắt nhìn của Kundera, Kafka không hề là nhà tiên tri. Tất cả những gì Kafka làm chỉ là “nhìn” thấy những điều thế gian không “nhìn” thấy từ bóng tối đằng sau.

    Trong bài phỏng vấn do nhà báo Christian Salmon thực hiện cho tập san chuyên đề văn chương The Paris Review năm 1983, Kundera nói về Kafka như sau:

    Với Kafka, tất cả đều sáng tỏ: thế giới của Kafka không giống bất cứ một hiện thực đã biết nào, nó là một khả hữu quá độ và phi nhận thức của thế giới con người. Đúng, khả hữu này hiện ra lu mờ đằng sau thế giới thật của chúng ta và nó dường như tiên kiến tương lai. Đó là lý do vì sao người ta nói đến chiều kích tiên tri của Kafka. Nhưng ngay cả nếu gạt đi khía cạnh tiên tri, giá trị trong tiểu thuyết ông vẫn không hề mất mát, bởi chúng thấu triệt một khả hữu hiện hữu (khả hữu cho con người và thế giới của hắn) và vì thế khiến chúng ta thấy chúng ta là gì, chúng ta có khả năng làm được gì.

    […]

    Với Proust, thế giới nội tâm của con người chứa đựng phép lạ, một vô hạn chúng ta không bao giờ hết thấy thú vị. Nhưng điều đó không làm Kafka thú vị. Ông không đặt câu hỏi động lực nội tại nào xác định hành vi con người. Câu hỏi của ông hoàn toàn khác biệt: những khả hữu nào tồn lưu cho con người sống trong thế giới nơi những yếu tố quyết định ngoại tại trở nên quá khốc liệt đến nỗi những xung lực nội tại chẳng còn mang chút trọng lượng nào?

    Quả vậy, Kafka chỉ lôi ra từ bóng tối đằng sau sự vật những khả thể thân phận con người mà Lịch sử mù lòa đã và đang nhẫn tâm giẫm nát. Đọc Kafka không phải để tìm sự dễ dàng trong chọn lựa. Các tác phẩm của ông không đưa ra câu trả lời nào, mà thay vào đó, nó đặt người đọc trước những sự thật đầy bất an về sự mong manh, hoang mang và phi lý của kiếp người. Khám phá của ông về sự cô lập, nỗi sợ hãi và áp lực xã hội đã nắm bắt được sự phức tạp và nỗi thống khổ của thân phận con người trong thời hiện đại.

 

– Trịnh Y Thư