Trần thổ đê đầu chỉ tự liên
(Cúi đầu trong
đám bụi đất [của cuộc đời], chỉ tự thương mình)
hay:
Hà thời kết ốc vân phong hạ?
(Bao giờ làm
được căn nhà dưới núi có mây che?)
Thật không đáng
ngạc nhiên khi thấy cho tới nay bài thơ ấy được nhiều người dịch và chú giải.
Ta có thể kể: Trúc Khê, Đào Duy Anh, Huy Cận, Lê Cao Phan, Hoàng Khôi, Mai Quốc
Liên, Đông Xuyên, Duy Phi, Dương Anh Sơn, Đặng Thế Kiệt … Nhưng có một mâu thuẫn
rất đáng chú ý giữa nhan đề của bài thơ và một câu trong bài. Cho tới nay, mâu thuẫn ấy chưa được giải đáp.
Trong tất cả các
tổng tập, tuyển tập thơ Nguyễn Trãi, nhan đề bài thơ đều được ghi là “Loạn hậu
đáo Côn sơn cảm tác” (sau loạn tới Côn sơn …). Trong một bản chuyển
ngữ sang tiếng Anh, Lê Cao Phan cũng
dịch, “Back to Côn sơn after the hostilities.” Nhưng với câu thơ thứ 6
trong bài, bản nào cũng chép là, “Can qua vị tức hạnh thân tuyền” (Khiên và mác chưa được nghỉ ngơi, ngụ ý chiến
tranh chưa chấm dứt, may được vẹn tấm thân). Nếu thực sự đã "loạn hậu" (sau loạn), sao lại "can qua vị tức"? Như thế khi Nguyễn Trãi làm ra bài
thơ này, cuộc chiến tranh (đuổi quân Minh ra khỏi lãnh thổ) đã chấm dứt hay chưa?
Tất cả các tài
liệu hiện có đều không cho biết trường hợp hoặc thời điểm Nguyễn Trãi đã làm ra
bài thơ. Trong Nguyễn Trãi toàn tập
do Viện Sử Học xuất bản ở Hà Nội năm 1976, học giả Đào Duy Anh cũng chỉ xếp bài
này vào nhóm những bài “thơ làm khi chưa thành công.” Để có thể hiểu đúng tâm
trạng Nguyễn Trãi trong bài này, thiết nghĩ chúng ta cần tìm tòi và phân tích sâu
hơn.
Trước hết, xin
được trình bày lại bài thơ, với nguyên tác chữ Hán, phiên âm, và dịch nghĩa.
DỊCH NGHĨA
Sau loạn tới Côn sơn, cảm xúc viết
Từ giã vùng núi quê nhà vừa đúng mười
năm
Nay trở về, tùng cúc phân nửa đã tiêu
điều.
Đã hẹn với rừng và suối, sao nỡ phụ
Cúi đầu trong đám bụi đất, chỉ tự
thương mình.
Làng quê vừa đi qua như đến trong giấc
mộng
Chiến tranh chưa hết, may được vẹn tấm
thân.
Bao giờ làm được căn nhà dưới núi có
mây che
Múc nước khe suối nấu trà, gối trên đá
ngủ
Đọc lại một số
chi tiết do Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cung
cấp và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục xác nhận, ta có thể
phỏng đoán một cách dè dặt như sau:
Trong hai năm
Ất Tỵ 1425 và Bính Ngọ 1426, nghĩa quân Lam sơn thu được nhiều thắng lợi đáng kể.
Tháng giêng năm Ất Tỵ, quân ta vây Nghệ An. Tháng 5 năm Ất Tỵ, sau một trận thắng
lớn, quân ta vây Tây Đô. Tháng 7 năm Ất Tỵ, ta khôi phục Tân Bình và Thuận Hóa.
Tháng 8 năm Bính Ngọ 1426, Bình Định vương và bộ chỉ huy quyết định đem quân ra
Bắc, chuẩn bị vây và tấn công Đông Đô (tức Thăng Long, người Minh gọi là Đông Quan).
Ba đạo quân cùng tiến. Một đạo lấy lại Sơn Tây, Hưng Hóa … để ngăn ngừa quân
Minh sang tiếp viện theo đường Vân Nam. Một đạo khôi phục vùng Hải Dương, Bắc Giang,
Lạng Sơn … để phòng chặn quân Minh sang tiếp viện theo đường Quảng Tây qua Lạng
Sơn. Đạo chủ lực ra thẳng Đông Đô.
Tháng 10 năm Bính
Ngọ, sau một trận thua thật lớn ở Tốt Động
(cũng gọi là Tụy Động), quân Minh rút về cố thủ và bị vây trong thành Đông Quan.
Bình Định vương chia đất Bắc làm 4 đạo, đặt quan trấn giữ, tuần phòng. Tháng
giêng năm sau, Đinh Mùi 1427, quân ta tu bổ đền thờ Hưng Đạo Đại Vương trên núi
Vạn Kiếp. Tuy mãi đến tháng 12 năm Đinh Mùi, sau khi hai đạo viện binh của Liễu
Thăng và Mộc Thạnh đã bị phá tan, bọn Vương Thông mới chịu ra hàng và rút quân
về, nhưng từ tháng 8 năm Bính Ngọ trở đi, tình hình mạn Hải Dương đã tạm ổn định
để Nguyễn Trãi có thể ghé qua Côn sơn (cũng trong huyện Chí Linh, không xa núi
Vạn Kiếp). Tuy sử không chép rõ, cũng có thể ông được cử đi trong một kỳ hạn rất
ngắn để quan sát địa thế và phủ dụ dân chúng vùng Hải Dương, nơi ông lớn lên và
thông thạo hơn các võ tướng gốc Lam sơn. Mấy chữ “hương lý tài qua” (làng quê vừa đi qua) và “đáo Côn sơn” (đến Côn sơn)
cho thấy Nguyễn Trãi cũng
chỉ ghé qua Côn sơn rất nhanh. Bài
“Loạn hậu đáo Côn sơn cảm tác” có thể
đã được sáng tác trong giai đoạn này (từ tháng 8 năm Bính Ngọ 1426 tới đầu năm
Đinh Mùi 1427).
Tuy đang ở thế ưu thắng, quân ta vẫn phải tích cực chuẩn bị để đối
phó với các đạo viện binh sắp từ Trung Hoa kéo sang. Nhiệm vụ của Nguyễn Trãi trong
cuộc vây Đông Đô cũng rất nặng: ở cạnh Bình Định vương để định kế hoạch, thảo rất
nhiều văn thư khuyên dụ Vương Thông ra hàng, vào tận trại giặc ở trong thành cho
giặc thấy sự thành tín mà yên tâm rút quân. Khi ông làm bài này, đối với vùng Hải
Dương, Côn sơn, hai tiếng “loạn hậu” coi như khá chính xác vì đã do nghĩa quân Lam
sơn làm chủ, nhưng can qua vẫn chưa hết (“vị tức”) trong toàn cuộc kháng Minh.
Qua bài thơ, ta thấy được phần nào tâm tư của Nguyễn Trãi. Một bên là
niềm xót xa trước cảnh tiêu điều của Côn sơn, nơi ông lớn lên cùng có bao nhiêu
kỷ niệm thời thơ ấu. Một bên là nỗi buồn thấm thía vì ý thức rõ rằng giữa bụi đất
cuộc đời (“trần thổ đê đầu”), ngày được về hưởng cuộc sống yên bình
bên núi cũ vẫn còn rất xa. Ước mơ của ông thật đơn giản, đồng thời cũng là ước mơ
của bao thế hệ người Việt, hậu bối của ông từ đó tới nay:
Hà thời kết ốc vân phong hạ
Cấp giản phanh trà, chẩm thạch
miên.
Nguyễn Trãi gọi Côn sơn là “gia sơn” (núi nhà) vì đó là nơi ẩn dật của ông ngoại ông, Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán. Nguyễn Trãi đã lớn lên dưới sự chăm sóc của ông ngoại trong khu núi này.
DỊCH THƠ: