BÀI
THƠ QUAN TRỌNG, ĐANG BỊ PHỔ BIẾN VỚI NHIỀU SAI LẦM
Trước
đây ít hôm, người viết những dòng này nhận được một điện thư từ một người bạn ở
Bắc California:
“Nhân Tết sắp đến, tôi tìm trên Net
xem có bài thơ xuân nào hay và có ý nghĩa. Gặp bài thơ sau đây, thấy nói là của
thi sĩ Đông Hồ. Tuy đề bài là “Mùa xuân Mậu Tuất 1958” nhưng lời thơ không có vẻ
là thơ xuân. Có những câu tối nghĩa, không biết
tác giả muốn nói gì. Có một chữ sai chính
tả, tôi thử đoán nhưng không chắc đoán đúng. Nhờ anh giải thích hộ.” Kèm theo điện thư là bài thơ:
Mùa xuân Mậu Tuất 1958
Tóc đen mắt nhánh mực nhung
huyền
Mặt trắng lòng thơm giấy phấm tiên
Phận mỏng chẳng vương theo cánh gió
Nghĩa dòng khảo kết chặt tơ duyên
Soi nhờ ánh tuyết nền thành lạnh
Giấu kín doanh sơn nếp thánh hiền
Điệp tháng bốn phương mùa náo nức
Lần thơ xuân hóa bóng thuyền quyên.
Đông Hồ
Ở cuối điện thư, ông
bạn viết thêm: “Xin anh đặc biệt cắt
nghĩa hộ những chữ: ‘giấy phấm tiên,’ ‘nghĩa dòng khảo kết,’ ‘doanh sơn,’ ‘điệp
tháng bốn phương,’… và cả câu chót.”
Tôi
có cơ duyên được biết đến bài thơ ấy từ cuối năm 1957, khoảng một tháng trước Tết
Mậu Tuất 1958. Người đưa cho tôi đọc là nhà văn, nhà giáo Nguyễn Văn Trung, một
nhân sĩ của tỉnh Bạc Liêu (không phải giáo sư Triết học Nguyễn Văn Trung trước ở
Huế, sau vào Sàigòn). Nhà giáo Nguyễn Văn Trung xuất thân dạy Tiểu học, sau nhờ
tự học trở nên có kiến thức uyên bác, được Trung học công lập Bạc Liêu đề nghị
và Bộ Quốc gia Giáo dục chấp thuận, mời lên dạy ở bậc Trung học. Khi tới Bạc Liêu năm 1957 tôi mới
được 21 nhưng ông đã khoảng 40. Ông giỏi
chữ Hán, nói được cả quan thoại, Quảng Đông, giỏi tiếng Pháp, khá tiếng Anh,
đọc được chữ La tinh. Tại địa phương, ông được coi là một “nhà thông thái.” Ông
cũng có một tủ sách rất phong phú, và thường gửi bài đăng trên nhiều tạp chí có
uy tín ở Sàigòn. Khi làm thơ, viết văn, ông dùng bút hiệu Yã Hạc (thay cho Dã
Hạc, con hạc nơi đồng nội). Từ khoảng 1958, khi dịch truyện Liêu Trai đăng trên tạp chí Bách
Khoa, ông ký bút hiệu là Kiều Yiêu (thay cho Kiều Diêu). Ông cho biết cùng
với nhà thơ Đông Hồ, các nhà văn Bình Nguyên Lộc, Nguiễn Ngu Í, ông chủ trương
viết như thế vì miền Nam không có âm “d” như ngoài Bắc. Tôi cũng được
nghe ông có giao
tình thân với thi sĩ Đông Hồ (lúc ấy đã từ Hà Tiên lên Sàigòn, điều khiển nhà
xuất bản Bốn Phương cùng Yiễm Yiễm thư trang, Yiễm Yiễm thư quán).
So với bài thơ tôi được nhà giáo Yã
Hạc Nguyễn Văn Trung đưa cho đọc năm ấy thì bài thơ đang được phổ biến trên Net
có nhiều chỗ chép sai khiến lời văn trở nên ngô nghê, một số câu biến dạng, hóa
thành vô nghĩa. Chẳng hạn câu “Nghĩa dày
khéo kết chặt tơ duyên” bị chép sai thành “Nghĩa dòng khảo kết …,” “Lầu
thơ xuân khóa” bị chép thành “Lần thơ
xuân hóa.” Quan trọng nhất là những câu có ý nghĩa rất hay của thi sĩ Đông
Hồ, “Soi nhờ ánh tuyết nền thanh bạch”
bị chép sai thành “Soi nhờ ánh tuyết nền
thành lạnh.” Theo trí nhớ của tôi sau 60 năm, bài thơ tôi được
đọc hồi ấy không có tiêu đề và gồm 8 câu sau:
Tóc đen, mắt nhánh mực
nhung huyền
Mặt trắng, lòng thơm giấy
phẩm tiên
Phận mỏng chẳng nương theo cánh gió
Nghĩa dày khéo kết chặt
tơ duyên
Soi nhờ ánh tuyết nền
thanh bạch
Giấu kín danh sơn nếp thánh
hiền
“Thập thúy tầm phương”
mùa náo nức
Lầu thơ xuân khóa bóng
thuyền quyên.
Trước
khi gửi bài thơ còn giữ được trong trí nhớ cùng ít lời giải thích tới ông bạn,
tôi viết hỏi ông ấy xem ông tìm thấy từ đâu bài thơ đã vừa gửi cho tôi. Ông trả
lời: “Trong một số websites dưới đề mục ‘Thơ xuân’,” và cho tôi địa chỉ của những
websites ấy:
Lướt qua các websites do ông bạn chuyển cho, tôi giật
mình nhận thấy chuyện sai lầm ở mức khá nghiêm trọng. Gần một chục websites cùng
chép bài thơ của thi sĩ Đông Hồ với những lầm lẫn rất đáng kể như thế, với một
số chỗ sai giống nhau (điều ấy cho thấy cũng có thể các vị đã chỉ chép lại của
nhau). Riêng với câu cuối, một số websites chép là:
Lần
thơ xuân lhóa bóng thuyền quyên
Đây là một lỗi chính tả, không quan trọng lắm, nhưng
tôi không rõ những vị đưa bài thơ lên Net đã hiểu chữ “lhóa” theo nghĩa như thế
nào.
Tôi cũng nhận thức được rằng khi rất nhiều websites
cùng chép sai như thế, nếu chỉ đưa ra một bản khác và nói, “Đây là bài thơ theo
trí nhớ của tôi,” thì bản ấy không đủ sức thuyết phục. Sau 60 năm, ký ức của tôi
chắc gì còn đáng tin? Tôi nhờ một số bạn thân cùng để ý tìm kiếm trên Net và trong
một số rất ít ỏi những sách báo của miền Nam trước 1975 các vị đã may mắn thu góp
lại được, nhưng cũng biết hi vọng rất mong manh. Chúng tôi cũng đã tìm trong một
số thi tập của nhà thơ Đông Hồ mấy người bạn tôi may mắn có lại được như Trinh trắng (xuất bản năm 1961), Bội lan hành (in năm 1969), nhưng đều không
thấy.
Trong những bộ tuyển tập thơ của miền Nam in trước năm
1975 như Thi ca Việt Nam hiện đại của
Trần Tuấn Kiệt, Thi nhân Việt Nam hiện đại
của Phạm Thanh … cũng không có bài thơ ấy. Trong những sưu tập về thơ miền Nam trước
1975, mới thực hiện ở ngoài nước gần đây như bộ Thơ miền Nam (gồm 5 tập với
gần 4000 trang) của Thư Ấn Quán do nhà văn Trần Hoài Thư thực hiện, và trong bộ
tổng tập Văn học miền Nam của nhà văn
Võ Phiến, cũng không thấy.
Đã
tưởng “hết hi vọng,” tôi nhận được từ một người bạn:
Tôi mừng hơn bắt được vàng. Đây chính là bản thủ bút của thi sĩ Đông Hồ cho bài thơ ấy, bản thủ bút nhà văn, nhà giáo Yã Hạc Nguyễn Văn Trung đã có nhã ý đưa tôi đọc 60 năm trước đây.
Chị bạn tìm ra bản thủ bút cho biết
chị phát hiện được từ một sưu tập tạp chí Bách
Khoa, sau khi đọc rất kỹ mục lục từng số Bách Khoa từ số đầu tiên trở đi. Sưu tập này chúng tôi may mắn có được
do sáng kiến của chị, một Quản thủ thư viện lỗi lạc và tận tâm, cùng những thiện
cảm mà một anh bạn chung của chúng tôi, người chủ biên một tạp chí điện tử có
uy tín ở ngoài nước, đã gây được nơi một số độc giả mến mộ ở trong nước. Chị
cho biết tìm thấy bản thủ bút ấy trong bài “Những cánh thiếp Tết” của nhà thơ Đông
Hồ, in từ trang 41 đến trang 50 của Bách
Khoa số đặc biệt kỷ niệm Đệ Nhị chu niên, cũng là số 49, ra ngày 15-1-1959.
Bài thơ thủ bút này được in ở trang 49.
So sánh lại, bài thơ thủ bút này y hệt
bài thơ tôi chép ra phía trên. Các websites tôi vừa liệt kê đang góp phần phổ
biến bài thơ của thi sĩ Đông Hồ một cách sai lầm.
Xin được trình bày ý nghĩa bài thơ ấy
theo sự hiểu biết của tôi trong mấy trang sau. Ý nghĩa này tôi có được sau khi
bàn bạc với nhà giáo Yã Hạc Nguyễn Văn Trung ở Bạc Liêu cuối năm 1957. Như trên
đã nói, anh là một trong những người bạn có giao tình thân với thi sĩ Đông Hồ.
Ý
NGHĨA KHÁI QUÁT CỦA BÀI THƠ
Theo
giáo sư Yã Hạc Nguyễn Văn Trung, bài thơ có thể được hiểu là lời của một thiếu
nữ, nhưng cũng có thể được hiểu là lời của một cuốn sách, được nhân cách hóa
theo phái nữ (thi sĩ Đông Hồ thường dùng từ “nàng
Sách”). Cố tình “nói nước đôi” để người đọc có thể hiểu theo hai cách, chính
là dụng ý của nhà thơ Đông Hồ.
Dễ
nhận thấy hơn là lời của một thiếu nữ. Trong hai câu 1-2, cô nói qua về nhan sắc
và phẩm cách (tóc đen, mặt trắng, mắt đen nhánh như mực, như nhung, có tâm hồn
thanh cao):
Tóc đen, mắt nhánh mực nhung huyền
Mặt trắng, lòng thơm giấy phẩm tiên.
(Giấy
phẩm tiên là một loại giấy quý, có hương thơm. Chữ “tiên” ở đây có nghĩa là “giấy,”
như trong câu thơ của Nguyễn Du, “Tiên thề
cùng thảo một chương”)
Trong
hai câu 3-4, cô cho biết vốn khiêm nhượng, không mơ những chuyện trăng gió. Nặng
tình nghĩa, cô mong những kết hợp lâu dài:
Phận mỏng chẳng nương theo cánh gió
Nghĩa dày khéo kết chặt tơ duyên.
Trong
hai câu 5-6, cô cho thấy rất ham học, ham đọc trong hoàn cảnh gia đình thanh bạch.
Cô cũng cho biết thuộc một gia đình có danh giá, trọng kiến thức, đạo nghĩa,
không thích phô trương:
Soi nhờ ánh tuyết nền thanh bạch
Dấu kín danh sơn nếp thánh hiền
(“Soi
nhờ ánh tuyết” là một thành ngữ, lấy sự tích một người học trò nghèo không có
tiền mua dầu để thắp đèn thời xưa, nhờ ánh sáng được phản chiếu trên tuyết để đọc
sách. “Danh sơn” là “ngọn núi có danh tiếng,” không phải “doanh sơn” như đang bị
phổ biến sai).
Trong
hai câu kết, cô muốn nói: Xuân đến, mọi người nô nức đi chơi xuân, riêng cô vẫn
cô đơn, “khóa xuân” trong lầu thơ:
Thập thúy tầm phương mùa náo nức
Lầu thơ xuân khóa bóng thuyền quyên.
(“Tầm
phương” có nghĩa là
“đi tìm hoa cỏ thơm về mùa xuân.” Thơ cổ có câu “Xuân du phương thảo địa” [mùa
xuân đi chơi ở chỗ có cỏ thơm]. Trong từ “thập thúy,” chữ “thập” này không có
nghĩa là số 10 mà là “thu nhặt” [như khi ta nói “thu thập”]. “Thúy” là màu xanh
biếc, là con chim phỉ thúy, ta thường gọi là chim trả, lông có màu xanh biếc
rất đẹp, người xưa có thể cài lên tóc để trang điểm. Trung Hoa có thành ngữ “Thập
thúy tầm phương, mạc đãi xuân tàn,” có nghĩa là đi thu thập lông chim phỉ thúy,
đi tìm hoa cỏ thơm, đừng đợi đến khi xuân hết. “Xuân hết” ở đây vừa để chỉ ngày
mùa xuân, vừa ngụ ý tuổi xuân. “Khóa xuân” nói lên cảnh một thiếu nữ khuê các, sống
“cấm cung” thời xưa. Trong Truyện Kiều, từ trước ngày gặp nhau trong tiết Thanh
minh, Kim Trọng đã nghe tiếng hai chị em Kiều: “Vẫn nghe thơm nức hương lân, Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều.” Nguyễn
Du viết câu này theo ý câu thơ của Đỗ Mục đời Đường, “Đồng Tước xuân thâm tỏa
nhị Kiều”).
Nói tóm lại, theo nghĩa thứ nhất, bài
thơ là lời một thiếu nữ. Cô cho biết có nhan sắc, có phẩm hạnh, không thích
chuyện trăng gió, trọng tình nghĩa lâu bền. Cô thuộc một gia đình thanh bạch nhưng
có danh tiếng, trọng học vấn, đạo đức. Nhân xuân đến, “gần xa nô nức yến anh,”
cô cảm thấy cô đơn trong lầu thơ (ngụ ý một cách kín đáo: mong tìm một “tri âm”).
Bài thơ còn một
nghĩa thứ hai, lời của “nàng Sách.” Nàng vốn từ mực đen, giấy trắng. Giấy có hương
thơm. Từng trang giấy thì mỏng nhưng khéo kết chặt nên một quyển sách dày. Trong
sách có những gương hiếu học, có điển tích, kiến thức, triết lý, đạo nghĩa… Giữa
lúc thiên hạ nô nức du xuân, nàng cô đơn trong lầu thơ. Ngụ ý kín đáo: nhiều người
ham vui, không năng đọc sách.
Mô
tả “nàng Sách” như một mỹ nhân là điều nhà thơ Đông Hồ và người bạn đời, cũng là
bạn văn gần gũi nhất của ông, nhà thơ Mộng Tuyết, đã thực hiện từ lâu. Trong tấm
thiệp chúc Tết do nhà xuất bản Bốn Phương gửi ra nhân dịp xuân Ất Mùi 1955, “nàng
Sách” đã được mô tả như sau:
Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA BÀI THƠ
Trong cương vị một người có tình thân với nhà thơ Đông Hồ từ khá lâu, giáo sư Yã Hạc Nguyễn Văn Trung cho tôi biết: Thi sĩ Đông Hồ thích thơ. Bắt đầu từ 1950, mỗi cuối năm, ông vẫn giữ lệ in một bài thơ trên một tấm thiệp chúc Tết gởi các văn thi hữu, mong mọi người họa gửi lại để đầu năm có nhiều thơ hay. Mùa xuân năm Ất Mùi 1955, ông công bố bài thơ sau đây:
Đền Thơ tên yết bảng son
Trạng Thơ gọi chút đền ơn lạng vàng
Đem
vào Yiễm Yiễm thư trang
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai.
Theo giáo sư Yã Hạc, nhà thơ Đông Hồ
muốn nói: Tác giả bài thơ hay nhất trong những bài gửi về sẽ được tuyên dương là
“Trạng Thơ.” Vị tác giả đoạt giải nhất ấy sẽ được Yiễm Yiễm thư trang tặng một
lạng vàng, để xin thơ đem vào “treo trong thư trang.” Trong những năm trước, ông
đã nhận được thơ từ nhiều thi hữu danh tiếng, trong đó có nhà thơ Vũ Hoàng Chương.
Những vị ấy đã có tên tuổi, họa thơ vì vui, vì tình bạn, không phải để lấy giải
thưởng. Nhà văn Trương Bảo Sơn, từng nhận được thơ xuân của của thi sĩ Đông Hồ
từ năm 1951 khi còn ở Hong Kong, đã dùng danh hiệu P. S. Chang hay Chang
Pao-San (do sống ở Trung Hoa) gửi thơ hồi đáp một số lần. Khi biết chuyện muốn “đem
vàng đổi thơ” năm 1955, đã gửi một bài đùa bỡn trong đó có những câu:
Lạng vàng mua một lời hoa
Khỏi đưa tôi cũng giúp ba bốn hàng
Chỉn
e xuân trách “Anh Chang”
Vì thơ hay vị lạng vàng? Lại thôi!
Nhưng ý nguyện mong nhận được thơ
hay để “trang điểm” cho Yiễm Yiễm thư trang của nhà thơ Đông Hồ là ý nguyện có
thật. Ông nhắc lại lời cam kết ấy trong bài thơ gửi ra nhân dịp đầu năm Bính Thân
1956, dùng những vần đảo ngược lại những vần đã được dùng trong bài thơ năm trước,
1955. Ông gọi chuyện dùng vần họa đảo ngược ấy là “vóc gấm đảo canh tơ.” Lời cam
kết được nhắc lại trong hai câu:
Nhà ngọc mong treo vần yiễm tuyệt
Lạng
vàng dám đổi giá tương đương
Tới đầu năm Mậu Tuất 1958, nhà thơ Đông
Hồ đặc biệt muốn nhận được thơ do một số “tài tử văn nhân” trẻ gửi tới, nên đã đưa
ra lời một thiếu nữ muốn “tìm bạn tri âm,” mong nhiều tao nhân trẻ tuổi yêu văn
chương và biết họa thơ sốt sắng hưởng ứng. Trả lời câu hỏi của một đồng nghiệp tại
Trung học Bạc Liêu trong một buổi đàm đạo văn chương cuối năm 1957, “Tại sao ông
Đông Hồ muốn tìm những người trẻ tuổi biết họa thơ?” giáo sư Yã Hạc Nguyễn Văn
Trung đã thử giải thích như sau:
Vị ái nữ của thi sĩ Đông Hồ đã đến
tuổi trưởng thành. Nhà thơ xứ Hà Tiên mong tìm được một “giai tế” có đức hạnh, có
tư cách, trọng văn chương chữ nghĩa, có văn tài, nhất là biết quan tâm đến việc
bồi đắp văn hóa Việt Nam, giống như ông hồi
còn trẻ. Đọc những bài thơ gửi tới, bên cạnh việc thấy được văn tài, ông cũng có
thể đồng thời nhận ra phần nào cốt cách, chí khí của những tao nhân trẻ. Có lẽ đây
là cơ hội để “phạm vi lựa chọn” của ông mở rộng thêm, giúp ông tiếp xúc với một
số thanh niên ưu tú theo quan niệm của ông, nhưng từ trước ông chưa biết tới.
KẾT QUẢ CUỘC THI HOẠ THƠ XUÂN MẬU TUẤT
1958
Nhà thơ Đông Hồ “tuyên bố kết quả”
cuộc thi họa thơ xuân Mậu Tuất 1958 trong hai trang 48-49 của bài “Những cánh
thiếp Tết,” in trong Bách Khoa số 49,
ra ngày 15-1-1959 như đã nói trên. Không rõ bao nhiêu người đã gửi thơ họa về để
“dự thi,” nhưng trong bài viết trên, ông chỉ đề cập đến năm người đáng lưu ý nhất.
Có lẽ hiểu ý ông, muốn “Trạng nguyên, Bảng nhãn” trong ký họa thơ này về tay những
người trẻ, các thi sĩ danh tiếng của miền Nam không hưởng ứng góp tiếng (không
thấy ông nhắc tới). Trong các nhân vật được nhà thơ Đông Hồ đặc biệt điểm danh,
vị duy nhất được nhiều người biết đến trong kỳ họa thơ này là nhà cựu học Tạ Thúc
Khải. Mấy năm sau, bắt đầu từ 1962, ông Khải cùng một số vị khác dịch bộ Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (chép tên và sơ lược tiểu sử những
vị thi đậu). Bộ sách này được bộ Quốc gia Giáo dục VNCH in làm nhiều đợt từ
1963 đến 1968. Ít năm sau, nhà cựu học Tạ
Thúc Khải lại dịch Cao Chu Thần thi tập,
được Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục ấn hành năm 1971. Nhưng đó là chuyện về
sau. Khi họa thơ của thi sĩ Đông Hồ đầu năm 1958, nhà cựu học còn trẻ, chưa bị
xếp vào thành phần “các vị có danh tiếng.” Thi sĩ Đông Hồ cho biết đã chú ý đến
hai câu thơ của ông Khải, hai câu đầu tiên trong bài thơ họa vần của ông:
Lời hay chữ đẹp ý cao huyền
Dở bức hoa
tiên ngỡ thấy tiên.
Người có hai câu 3-4 được “tuyên dương”
là ông Phạm Đàn:
Hương sắc một mùa tràn đất nước
Niềm
tin đôi nét hẹn giao duyên
Người được vinh danh với hai câu 5-6
là ông Đỗ Long Giang:
Gấm chiếu thanh nan quà viễn khách
Hương lồng
đan táo dấu tiên hiền.
Sau ba “trích đoạn” để vinh danh ba
vị mặc khách khác nhau, nhà thơ Đông Hồ chép nguyên văn hai bài thơ của hai vị
khác:
--Ông Phan Ngọc Châu:
Phòng thơ xuân đến vẫn u huyền
Thầm lặng
hồn vương bóng dáng tiên
Vẫn mấy lần
xuân đời vẫn nợ
Còn bao
nhiêu tuổi chữ còn duyên
Mai ngời ánh
tuyết niềm trong trắng
Tuyết tựa
lòng mai nét dịu hiền
Thoang
thoảng hương hoa lòng lại nhớ
Lầu thơ kia
với bóng thuyền quyên.
--Ông Bình Hành:
Khép mở đài trang diễm diễm huyền
Tay phàm hồ
dễ bén tờ tiên
Hương nồng
phấn đượm ngây ngây sắc
Yến rã oanh
rời thấm thấm duyên
Há đắm say chi mùi tục lụy
Mà ôm ấp mãi
mộng cao hiền
Rách lành
giữ lấy lề cho vẹn
Khăng khít
muôn đời đẹp phận quyên.
Trước khi chép ra 6 câu thơ trích đoạn
và nguyên vẹn 16 câu của hai bài nói trên, nhà thơ Đông Hồ chỉ viết là, “Mười hai tháng cách đây,
những vần thơ họa văng vẳng tiếng ngâm còn rất mới, điểm có chút vị mùa xuân của
hạnh lâm, quít tỉnh cho nàng Thơ thêm khí sắc” ¹. Ông không tuyên bố tác giả bài thơ nào được
coi là Trạng nguyên, tác giả bài nào là Bảng nhãn, Thám hoa. Ông cũng không cho
biết bài thơ nào sẽ được:
Đền
Thơ tên yết bảng son
Trạng
Thơ sẽ được đền ơn lạng vàng
Đem vào Yiễm Yiễm thư trang
Thì
treo giải nhất chi nhường cho ai.
Tổng kết những chuyện thiếp xuân gửi
đi, thơ họa gửi về từ năm 1950 cho tới lúc ấy, nhà thơ Đông Hồ chỉ viết, “Một
viên gạch trao ra, bao nhiêu viên ngọc trả về, trong chín năm ngọc gieo châu ném
loạn tao đàn.” Ông kết luận, “Chừ đây, tháng tận năm cùng, chỉ còn đủ thời giờ
nhặt vội mấy hạt gần tay trên đó, để cho nàng Thơ cài lên mái tóc đón xuân
sang. Còn thì xin trân trọng xếp cả vào một tráp bảo tàng, đợi có dịp sẽ kết thành
một tràng chuỗi minh châu khuê bích, là món tư trang vô giá của nàng Thơ” ². Chắc vị giám đốc sáng lập nhà xuất bản Bốn Phương
muốn nói: Khi có hoàn cảnh, ông sẽ cho in một tuyển tập gồm những bài thơ xướng
họa hay nhất ông đã nhận được.
Tóm lại, bài thơ mở đầu bằng câu “Tóc đen, mắt nhánh mực nhung huyền …” của
nhà thơ Đông Hồ là một bài thơ hay với nhiều ý nghĩa phong phú như đã nói trên.
Được đưa ra nhân dịp xuân Mậu Tuất 1958, bài thơ ấy được in trên tấm thiệp chúc
Tết nhà thơ Đông Hồ gửi tới các văn thi hữu để mong nhận được thơ họa, một thông
lệ ông đã giữ từ nhiều năm, chứ không có tiêu đề.
Những trang phía trên được viết với ước
nguyện sẽ đính chính được những sai lầm trên một số websites đang phổ biến bài
thơ của thi sĩ Đông Hồ. Chúng tôi muốn được cùng bạn đọc phục hồi lại nguyên bản
một bài thơ mang nhiều ý nghĩa, khá điển hình cho sinh hoạt văn chương miền Nam
trong giai đoạn 1954-1975. Đây là một bài thơ hay, nhưng cuộc hủy diệt văn hóa một
cách tàn khốc sau cuộc đổi đời ngày 30-4-1975 đã làm cho biến dạng, trở thành
ngô nghê, vô ý nghĩa.
Trần Từ Mai
Ghi chú:
1. Đông Hồ, “Những cánh thiếp Tết,”
trong Bách Khoa số 49 (ngày
15-1-1959), trang 49.
2. Đông Hồ, Bài viết đã dẫn, trang
49-50.