Tôi biết anh Phạm Xuân Hy khá trễ qua sự giới thiệu của anh Đỗ
Tiến Đức, báo Thời Luận. Anh Phạm Xuân Hy lớn hơn tôi gần 10 tuổi, lại ở bên
Pháp lâu lâu mới qua Mỹ một lần nên tôi không có dịp làm quen.
Trong cộng đồng người VN tại Nam Cali, số người am tường Hán
văn không nhiều và phần lớn kín đáo nên chỉ sinh hoạt trong thế giới riêng của
mình, ít khi trao đổi với người khác. Thành thử tôi biết anh Đức đã lâu nhưng
phải đến khoảng 20 năm sau mới gặp anh Hy trong một dịp anh chị Hy sang Cali
thăm thân nhân, bạn bè.
Tuy nhiên chỉ sau lần đầu gặp gỡ chúng tôi đã thân mật như
quen biết từ lâu, một phần những người anh chị Hy quen biết thì không ít người
tôi cũng đã giao thiệp, phần khác cái đồng cảm là cả tôi lẫn anh Hy đều thích đọc
chữ Hán, có những điểm chung về kho tàng Hán văn.
Người Việt Nam nếu đã có chút trình độ thì ít nhiều ham thích
cổ văn mà văn chương của mình thì gắn liền với Hán Việt, không cần biết đọc
nhưng cũng biết qua các bài thơ nổi tiếng của Trung Hoa và từ đó lại làm quen với
những bản dịch của Tản Đà, Nhượng Tống, Bùi Kỷ, Ngô Tất Tố, Vũ Hoàng Chương …
và rồi thẩm nhập vào đầu óc lúc nào không biết.
Thế nhưng ít người đi xa hơn trừ những ai đặc biệt mê thích
văn chương cổ. Còn những người đi thẳng vào chữ Hán như một tầng văn hóa để bơi
lội trong đại dương của người xưa thì muôn người không có một. Thành ra người
yêu thích dòng văn hóa Trung Hoa thì luôn luôn cô đơn vì hiếm khi gặp được người
cùng sở thích như mình.
Tôi và anh Phạm Xuân Hy không ngừng lại ở chỗ có cùng sở
thích mà chúng tôi lại có những điểm chung xa hơn. Nguyên tôi không những thích
chữ Hán mà lại còn mày mò vào những khu vực chuyên môn của họ qua các loại sách
vở trên phố Tàu. Trước khi gặp anh Hy, tôi lâu lâu cũng tự mình lái xe lên
Chinatown rồi lang thang trong các tiệm sách, tiệm buôn của người Tàu tìm mua cổ
văn. Sách bán trên Chinatown phần nhiều là loại sách không mấy người mua, ấn bản
đã lỗi thời, có lẽ cũng như mấy hàng sách cũ trên đường Lê Lợi mà trước đây tôi
hay la cà. Dù thích thú nhưng đi một mình cũng ngại vì từ nhà tôi lên Los phải
đến 40 dặm, mà đường trên Los dạo ấy hay kẹt xe, đi đâu phải dùng những tập bản
đồ, muốn tìm một nơi mà mình không quen thuộc thì rất mất thì giờ. Thành thử
tôi chỉ loanh quanh trong khu vực đường Broadway là nơi có nhiều tiệm sách cũ
và mới.
Khi biết anh Phạm Xuân Hy cũng thích đi tìm sách, tôi thường cùng
anh lên Los Angeles và Monterey Park vì chỉ có hai nơi đó có một cộng đồng Hoa
kiều đông đảo và có các thư điếm. Dưới Orange cũng có một hai tiệm sách của người
Trung Hoa nhưng nhỏ hơn thường chỉ bán kèm đồ tạp hóa nên hiếm khi tìm được đề
mục mà mình ưa thích. Hai ba mươi năm trước văn hóa đọc còn nhiều chứ đến nay
thì ngay cả sách Việt Nam cũng đã vắng bóng, vùng Orange nay chỉ còn tiệm Tự Lực
trên đường Brookhurst ở Westminster, bán sách xen lẫn với dược phẩm phụ trội và
một số món linh tinh khác. Cách đây hai năm khi một nhà sách nổi tiếng là tiệm
Tú Quỳnh thông báo đóng cửa, tôi cũng biết rằng văn hóa đọc nay đang vào hồi
tàn lụi, cả mấy trăm ngàn người Việt nhưng số người mua sách không còn bao
nhiêu. Qua những buổi ra mắt sách, ngoại trừ hồi ký của những nhân vật nổi tiếng
hay nghệ sĩ, ca sĩ còn một số người quan tâm nhưng thực tình mà nói, sách vở
nay chỉ có bằng hữu, thân nhân ủng hộ, các thế hệ ít tuổi hơn hầu như không biết
đến, một phần họ không có thói quen đọc sách Việt, phần khác họ đã sống trong một
môi trường văn hóa hoàn toàn khác với thế hệ của chúng tôi. Đến ngay như những
người trong lứa tuổi 60, 70 nay cũng có nhiều thú tiêu khiển khác hợp với sở hiếu
hơn việc ngồi đọc sách. Những chiếc lá vàng sau cùng còn sót lại trên cành nay
cũng lả tả rơi rụng dần.
Anh Phạm Xuân Hy có trình độ Hán văn rộng hơn tôi vì anh còn
biết cả chữ Nôm và chữ giản thể. Anh cũng thích nghiên cứu các loại cổ tích đời
xa xưa trong khi tôi chỉ tập trung chủ yếu vào đời Thanh vì đó là thời kỳ liên
quan trực tiếp đến đời Tây Sơn. Cũng nhờ anh Hy và tôi chịu khó loanh quanh
trên các phố Tàu, tôi mới thấy rằng không thể chỉ hạn chế kiến thức của mình
trong vòng sách vở từ Hongkong hay Đài Loan mà sách vở của Trung Hoa lục địa
nay càng lúc càng nhiều, bỏ qua các nguồn tài liệu này là tự đóng cửa một khu vực
bao la trước nay mình thờ ơ với nó. Muốn đi vào cánh cửa lục địa, việc đầu tiên
là tôi phải tìm cách đọc chữ Hán giản thể là loại chữ ít nét hơn nay được dạy cho
hàng tỉ người Trung Hoa.
Chữ Hán giản thể thực ra không khó, nếu mình biết được một số
cách thức rút gọn của họ thì dễ đoán. Vả lại, một số khá lớn chữ tưởng là giản
thể mới của Trung Hoa nhưng cổ nhân đã dùng từ lâu, chỉ cấm dùng trong thi cử,
nhưng trong văn bài, tài liệu thì không thiếu. Chính việc biết thêm chữ giản thể
lại giúp tôi đọc được nhiều chữ dị thể là những chữ Hán viết khác với tiêu chuẩn
chính qui trước đây nay lại được dùng trong cách viết mới.
Chữ Hán chủ yếu có hai dạng thức: văn ngôn và bạch thoại. Bạch
thoại là lối văn mới ngày nay người ta dùng nói và viết hàng ngày. Loại văn này
tôi cũng khá quen thuộc vì đã từng đọc báo, đọc sách và dịch khá nhiều truyện
Kim Dung.
Anh Nguyễn Đắc Điều và anh Phạm Xuân Hy tại Paris (2024)
Văn ngôn là chữ ngày xưa dùng trong văn chương thi cử, khó
hơn bạch thoại vì phải biết cách đặt câu của người trước. Văn ngôn thường là
các văn bản cổ, loại tài liệu gốc mà tôi dùng khi nghiên cứu. Khó nhất cho việc
đọc tài liệu cũ là ngày xưa không chấm câu nên phải tuỳ theo mạch văn mà đặt dấu
ngắt dòng, ngắt sai thì hiểu cũng sai, hoặc không ra ngô ra khoai gì cả.
Một rắc rối nữa là ngày xưa không có chữ thường hay chữ hoa
nên không biết chữ nào là tên người, chữ nào là tên đất. Vả lại các cụ hay viết
nhanh theo dạng chữ thảo, nếu không quen với cổ văn, cả lối hành văn lẫn lối viết
tháu thì cũng khó đoán. Cũng may là ngày xưa có những phép tắc nên tuỳ theo chữ
đài (viết lên đầu dòng), chữ huý mà mình biết được việc này liên quan đến nhà
vua để dựa vào đó mà suy luận. Chế độ ngày xưa đặt nặng lễ nghi, thứ bậc, tên gọi
nên nếu chịu khó tìm hiểu cách sắp đặt, ban thứ của hệ thống hành chánh cũng
giúp ích rất nhiều. Có điều vì tôi không được ai chỉ dạy nên cái kiểu “vừa
làm vừa rút kinh nghiệm” không khỏi mất thì giờ, tốn nhiều công mà kết quả
lại rất tuỳ hỉ. Thế nhưng mình chỉ là đứa trẻ chăn trâu đứng nghe lóm ngoài lớp trung tập, đại
tập của cụ Nghè thì không thể nào làm khác được.
Theo lời khuyên của anh Trần Văn Chánh tôi đọc thêm về ngữ
pháp Trung Hoa. Cuốn sách đầu tiên tôi đọc đến là cuốn Văn Pháp Chữ Hán của cụ
Phạm Tất Đắc (Hà Nội: KHXH, 1996). Cụ Phạm
Tất Đắc theo tôi biết nguyên là một giáo sư Pháp Văn ở miền nam trước năm 1975, tinh thông và uyên
bác nhiều ngoại ngữ nên trình bày rất đầy đủ vì cụ đối chiếu văn pháp Âu Tây với
Đông phương. Tiếc rằng sở học của tôi có giới hạn nên chẳng học được bao nhiêu.
Về sau anh Chánh cũng có tặng cho tôi thêm mấy cuốn sách khác
do anh viết, nhờ đó tôi cũng thu thập được ít nhiều.
Lịch Triều Tập Kỷ (Ngô Cao Lãng)
(có đóng dấu của anh Phạm Xuân Hy)
Khi biết tôi tập trung nghiên cứu khoảng cuối Lê đầu Nguyễn,
anh Hy có tặng cho tôi một số văn bản mà trước đây anh chụp được từ thư viện Viễn
Đông Bác Cổ. Việc tìm kiếm tài liệu từ đó mở ra một hướng mới có nguyên tắc hơn
vì nhờ một người bạn Đài Loan cùng làm việc trong City of Irvine, tôi liên lạc
và đặt mua được nhiều bộ sách qua Tam Dân Thư Điếm ở Đài Bắc. Những biên khảo đầu tiên của tôi về thời Tây Sơn cũng
là từ cuốn Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (Trang Cát Phát) mà anh
Hy tặng cho tôi.
Về phần trước tác, anh Phạm Xuân Hy viết khá nhiều, phần lớn
là những biên khảo văn chương liên quan đến điển tích Trung Hoa ít người biết.
Anh cũng dịch nhiều bộ sách chữ Hán và phiên âm chữ Nôm. Việc làm, dù lớn dù nhỏ
anh Hy cũng tìm hiểu cho đến nơi đến chốn, đầu sông ngọn nguồn chứ không chỉ
chép nhặt qua loa trên mạng, cách biên khảo lạo thảo như người ra chợ mua vài
món ăn làm sẵn, bày biện cho vừa mắt là xong.
Anh cũng thực hiện được những bộ từ điển lịch sử Trung Hoa rất
đồ sộ mà bình thường phải một nhóm học giả làm chung mới có thể hoàn tất được.
Đáng tiếc là sách của anh phần lớn chỉ in giới hạn dành tặng cho bạn bè và thân
nhân chứ không mấy khi tìm thấy trong các hiệu sách ở hải ngoại.
(tủ sách NDC)
Một người tuổi cao, thư sinh mảnh dẻ như anh mà làm được những
công trình qui mô như thế thật hiếm hoi, đòi hỏi tác giả vừa có vốn ngoại ngữ,
vừa kiên nhẫn không mệt mỏi. Ở bên ngoài, số người biết chữ Hán không phải là
ít nhưng nếu có trước tác cũng thường chỉ tập trung vào một đề tài chứ ít khi
đa dạng, thâm sâu như anh Hy. Theo nhận xét riêng của tôi, số người am tường cổ
văn đi vào chữ Hán phần nhiều qua văn thơ, không mấy ai đi thẳng vào con đường
văn hóa Trung Hoa, là chốn thiên hình vạn trạng dẫu có cả đời cũng không đến
đâu. Chính vì thế, lắm người có thể thuộc thơ làu làu nhưng lại không thể đọc một
bài trên tạp chí hay một tờ quảng cáo.
Anh Hy quen biết rất rộng, hầu hết những người trong giới văn
chương, chính trị ở hải ngoại đều đã từng giao thiệp, không phải mới đây mà từ
hồi mới di cư vào nam, còn sống chung trong trại học sinh di cư Phú Thọ ở góc
chợ Thiếc, cạnh trường đua. Số nhân sĩ ấy
ở Paris cũng nhiều nay đều luống tuổi, chỉ còn lác đác dăm ba người. Số người ở
bên Mỹ thì đông hơn nhưng những năm gần đây cũng rơi rụng, chẳng còn bao nhiêu.
Trước đây, khi còn khỏe, hàng năm anh chị Hy luôn luôn sang Mỹ
nên chúng tôi mỗi năm đều có dịp gặp nhau, trao đổi văn chương, tìm tòi sách vở.
Chúng tôi thường lên phố Tàu, lần mò trong những tiệm sách cũ, ít người mua
nhưng lại phù hợp với nhu cầu của chúng tôi. Những ngày tháng rong ruổi ấy là kỷ
niệm khó quên và lần nào hai người chúng tôi cũng tìm được một số sách báo hợp
với sở thích, hợp với túi tiền. Tôi mua được nhiều bộ sử Trung Hoa lớn, các loại
sử triều đại còn anh Hy thường quan tâm đến các loại Từ Điển, ngữ pháp, văn tự,
kiến trúc nên anh viết gì cũng có cơ sở vì từ điển thường cung cấp cho chúng ta
những chi tiết căn bản nhất.
Có thể nói hầu hết các tiệm sách Tàu ở Nam Cali chúng tôi đều
đã ghé qua, kể cả ở Irvine có một tiệm bán sách mới khá rẻ. Nơi đây anh Hy mua
được một bộ Khang Hi tự điển, soạn lại theo lối ngày nay mà anh vẫn thường nói
với tôi rằng giúp anh rất nhiều khi tìm chữ. Anh Hy và tôi thỉnh thoảng cũng
lên Orange (City) là nơi tôi làm lúc mới sang, nơi đây có một phố bán đồ cũ,
nói một cách bình dân thì là đồ lạc xoong. Thế nhưng giá cả cũng không rẻ nếu
tìm được món mình thích. Có điều từ khi người Á châu sang ở đông trong vùng Nam
Cali, hàng vừa mắt không còn mấy vì người ta mua cả rồi, có đi lang thang cũng
là để hoài vọng một khung cảnh mình quen thuộc khi còn bé, một cái bàn là than,
một cái đồng hồ báo thức, một cái khoan tay ... Nhìn lại một số món đồ nay ít
ai còn nhớ cũng gợi nhiều kỷ niệm.
Một tác phẩm đồ sộ của anh Phạm Xuân Hy (2 volumes, 1016 tr.)
Năm ngoái, chị Hy qua đời sau một tai nạn nên hiện anh anh Hy
sống cô đơn. Tuy con cháu ở gần qua lại chăm sóc nhưng anh luôn luôn nuối tiếc
thuở còn khoẻ hai anh chị hàng năm sang Mỹ thăm thân nhân để chúng tôi có dịp gặp
nhau. Thế nhưng vào lúc này thì các tiệm sách Tàu cũng đã đóng cửa nên nếu anh
sang được thì cũng chỉ ôn chuyện cũ chứ không còn những niềm vui thuở nào.
Nguyễn Duy Chính
Tháng 4-2025