Đặng Đức Siêu sinh năm 1751, mất năm
1810, là một nhân vật lịch sử của thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Ông góp công rất
đáng kể trong việc thống nhất đất nước của nhà Nguyễn, và cũng để lại một số
tác phẩm có giá trị văn chương rất cao như bài “Văn tế Võ Tánh và Ngô Tòng
Châu.” Đông Hồ Lâm Tấn Phác sinh năm 1906, mất năm 1969, là một nhà thơ của thế
kỷ 20. Ông cũng là giảng sư tại Đại học Văn khoa Sàigòn, chỉ qua đời trước khi
miền Nam sụp đổ có sáu năm. Hai ông sống cách nhau một thế kỷ rưỡi (155 năm).
Ghi danh hiệu cả hai vị dưới một bài thơ là một hành động bất thường. Tuy nhiên,
việc làm thoạt trông có vẻ vô lý này lại là một việc đúng và cần thiết.
Bài “Trừ tịch” của Đặng Đức Siêu là một bài thơ thật hàm súc. Không hiểu sao tới thế kỷ 20, hai câu 5 và 6 bị thất truyền. Trong Văn Đàn Bảo Giám do Trần Trung Viên sưu tập, được Á Nam Trần Tuấn Khải duyệt lại, Tuyết Huy Dương Bá Trạc và Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cùng đề tựa, do nhà Nam Ký xuất bản lần đầu tại Hà nội năm 1926, bài này chỉ gồm bốn câu đầu và hai câu 7-8. Tới khi được Hư Chu hiệu đính và Mặc Lâm Thư Xã tái bản tại Sàigòn năm 1968-69, hai câu thiếu vẫn chưa được tìm ra. Yêu thích bài thơ và không hài lòng với tình trạng bất toàn, trong thập niên 1960, nhà thơ Đông Hồ đề nghị hai câu tạm thay. Hơn nửa thế kỷ nữa trôi qua, hai câu thiếu vẫn chưa được tìm thấy. Mặt khác, hai câu 5-6 do Đông Hồ tạm thay thế thích nghi một cách thật khéo léo, đẹp đẽ trong bài thơ. Nhân dịp cuối năm, qua việc hai câu chính vẫn còn bị thất tung, chúng tôi thuật lại tình trạng bất thường này và phổ biến sáu câu nguyên tác cùng hai câu tạm thay (mang dấu hoa thị *) để chúng ta cùng sống lại với những cảm xúc của người trước.
Phần chữ Nôm do Từ Mai trình bày qua
“Bàn gõ Hán-Nôm” (do Hoài Hương thực hiện với sự tiếp tay của Gs. Lê Văn Đặng.)
Đây là một việc làm chưa ở mức hoàn hảo vì cách viết chữ Nôm thời trước không
thống nhất (một âm Nôm có thể viết ra theo nhiều cách khác nhau). Chưa chắc
những chữ Nôm chúng tôi đưa ra phía trên là những chữ Nôm Đặng Đức Siêu đã
dùng. Trình bày bài thơ dưới dạng chữ Nôm, chúng tôi chỉ muốn giới
thiệu một cách khái quát chữ viết của tiền nhân tới các bạn trẻ. Trong khi chưa
tìm được nguyên tác của Đặng Đức Siêu, chúng tôi tạm dùng bản chữ quốc ngữ trong Văn
Đàn Bảo Giám cùng bài viết của thi sĩ Đông Hồ, rồi vận dụng những chữ Nôm
tìm thấy trong các bản Truyện Kiều
được phổ biến cuối thế kỷ 19, sau Đặng Đức Siêu không xa. Với những chữ Nôm
không xuất hiện trong Truyện Kiều,
chúng tôi tạm dùng chữ trong Đại Nam Quấc
Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản tại Sàigòn năm 1895-96.
Bên cạnh những nhược điểm vẫn thường
được nhắc tới (khó nhớ, cách viết chưa thống nhất...), chữ Nôm không phải không
có ưu điểm. So với chữ quốc ngữ, chữ Nôm hơn hẳn trong việc phân biệt những
tiếng khác nghĩa nhưng cùng âm. Chỉ riêng với sáu câu thơ của Đặng Đức Siêu,
chúng ta đã thấy:
- Chữ thứ 3 câu 1 và chữ thứ 5 câu 7 cùng có âm là “năm.” Trong chữ quốc ngữ, hai chữ “năm” viết hệt nhau . Trong thập niên 1960, ở Sàigòn đã có một tranh luận trên báo về ý nghĩa đích thực của câu Kiều:
Năm
năm hùng cứ một phương hải tần.
Một số vị tham gia cuộc thảo luận
cho rằng “năm năm” ở đây là “năm này qua năm khác” chứ không chỉ một khoảng
thời gian nhất định (5 năm = 60 tháng). Cuộc tranh luận khó có thể kết thúc nếu
chỉ căn cứ vào các bản chữ quốc ngữ. Khi đọc qua bản chữ Nôm, chúng ta sẽ thấy:
— Chữ “năm” trước 𠄼 (tương tự chữ “năm” trong câu 7 của Đặng Đức Siêu) gồm chữ
“nam” 南 (để chỉ âm) và chữ “ngũ”
五(là “số 5,” để chỉ ý). Vậy có ý nghĩa là số 5.
— Chữ
“năm” sau 𢆥 (tương tự chữ “năm” trong câu 1 của Đặng Đức Siêu) gồm chữ “nam” 南(để chỉ âm) và chữ “niên”
年 (là “năm tháng,” để chỉ ý). Vậy có nghĩa là “năm tháng.”
Cuộc tranh luận được kết thúc mau
chóng sau khi một bản Kiều bằng chữ Nôm được trưng ra.
- Chữ cuối câu 2 và chữ cuối câu 8 trong bài thơ của Đặng Đức Siêu cùng có âm là “đông.” Nếu chỉ căn cứ vào bản chữ quốc ngữ, nhiều độc giả có thể sẽ không nhận đúng ý nghĩa của câu 8: Tại sao cây mai gặp “chúa Đông” lại là điều đáng mừng?
Nhìn qua bản chữ Nôm, chúng ta sẽ
thấy chữ “đông” 冬trong
câu 2 có nghĩa là mùa đông, trong khi chữ “Đông” 東trong câu cuối có nghĩa là “phương Đông.”
“Chúa Đông” là một thành ngữ, dịch
từ “Đông quân,” vị chúa tể của phương Đông. Theo triết lý Á Đông cổ, phương
Đông tượng trưng cho mùa xuân (cũng như phương Nam tượng trưng cho mùa hạ,
phương Tây cho mùa thu, và phương Bắc cho muà đông). Mừng cho cây mai (nhất là
mai vàng của miền Nam Việt Nam) được gặp vị chúa của mùa Xuân, là một vui mừng
rất hợp lý. Ý nghĩa này khó được nhận rõ nếu chúng ta chỉ đọc bản chữ quốc ngữ.
Người
giới thiệu bài thơ thành thật cám ơn Gs. Lê Văn Đặng, chị Hoài Hương, cùng các
anh các chị trong các lớp chữ Nôm do Gs. Đặng hướng dẫn, đã hoàn tất một phương
tiện hữu ích để có thể chép lại thơ văn của tiền nhân qua chữ Nôm một cách dễ
dàng.