Sau khi những người Cộng sản
lấy được miền Nam tháng 4 năm 1975, hầu
hết văn nghệ sĩ của miền Nam đều
bị bắt giam. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương bị
họ bắt ngày 13 tháng 4 năm 1976, đưa vào giam
ở khám Chí hoà. Khi ông bị bệnh gần nguy kịch
họ mới đưa về để chết ở nhà. Ít hôm sau ông qua đời, ngày 7 tháng 9 năm 1976 (tức ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn) tại
Sàigòn.
GS Vũ Hoàng Chương, trường Gia Long, Sài Gòn 1958.
Một số thơ ông làm sau tháng 4-1975 như bài “Tranh gà lợn,” hoặc bài thơ từ nhà giam gửi về thăm vợ con, đã được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, một số thi phẩm khác, như 12 bài thơ gồm 6 bài về một số nhân vật lịch sử và văn học Việt Nam (Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát …) và 6 bài về một số nhân vật lịch sử và văn học Trung Hoa (Hán Vũ đế, Thôi Hộ, Đỗ Mục, Đỗ Thu nương, Trần Đào, Bành Ngọc Lân …) chưa đuợc nhiều người biết tới. Chúng tôi xin giới thiệu một trong những bài thơ ấy ở phía sau. Đây là bài thơ Vũ Hoàng Chương viết về Bành Ngọc Lân, một danh tướng Trung Hoa cuối đời Thanh. Bài này cũng là một trong những bài thơ hay nhưng ý tưởng rất kín đáo của thi hào họ Vũ. Viết sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng sản, ngụ ý thời thế của ông rất rõ, nhưng người đọc cần lưu tâm mới nhận thấy.
Bành
Ngọc Lân
Bành Ngọc Lân (彭玉麟 -- Peng Yulin) là một danh tướng Trung
Hoa cuối đời Thanh, sinh năm 1816, mất năm
1890. Khi cuộc loạn Thái Bình Thiên Quốc (với
những lãnh tụ Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh …) bùng
nổ, chiếm gần nửa nước Trung Hoa, gồm cả Nam kinh
để lập kinh đô,
rạch đôi giang sơn với nhà Thanh trong 11 năm
từ 1853 tới 1864, triều đình nhà Thanh đã rung
rinh, đất nước cực kỳ xáo trộn. Góp
công đáng kể nhất trong việc dẹp yên
được Thái Bình Thiên Quốc là một nhân sĩ
tỉnh Hồ nam là Tăng Quốc Phiên (Zeng Guofan) cùng
một đạo quân tình nguyện, đa số gốc
Hồ nam, lấy tên là “Tương quân” (“quân đội
vùng sông Tương,” một con sông chảy qua tỉnh
Hồ nam). Bành Ngọc Lân là một tướng lãnh của
đạo quân tình nguyện ấy, chỉ huy thủy binh,
có công rất lớn trong việc dẹp Thái Bình Thiên
Quốc. Sau đó ông
được cử làm Thủy sư Đô đốc,
dần dần thăng tới Binh bộ Thượng
thư của nhà Thanh. Sau khi người Pháp lấy
miền Bắc Việt Nam và đem quân tới biên giới
Hoa Việt năm 1883-84, Bành Ngọc Lân đã tới biên
giới trong chức Binh bộ Thượng thư
để quan sát cùng tổ chức việc phòng thủ. Ông
về hưu và mất ít năm sau đó.
Tiểu Cô
sơn:
Có nhiều Tiểu Cô
sơn (小孤山 -- Xiaogushan hay Hsiao ku shan) trong lãnh thổ
Trung hoa. Nếu tra cứu các tài liệu địa dư,
ta sẽ thấy ít nhất 5 ngọn núi có tên như thế
tại Nội Mông cổ, Cam túc (Gansu), Cát lâm (Jilin), Liêu ninh
(Liaoning), và An huy (Anhui). Ngọn Tiểu Cô sơn do Bành Ngọc
Lân chiếm được và nhắc tới trong bài thơ
này nằm trong tỉnh An huy. Núi này ở gần tỉnh lỵ
An khánh (Anqing), sát bên bờ Trường giang (Dương tử
giang). Quân Thái Bình Thiên Quốc đóng trên núi này đã bắn
xuống dữ dội, ngăn chặn
đường
tiến binh của đạo thủy quân do Bành Ngọc Lân
chỉ huy trên đường tới bao vây Nam kinh. Muốn
các chiến thuyền của mình có thể đi qua một
cách an toàn, Bành Ngọc Lân bắt buộc phải đánh chiếm
ngọn núi. Theo các sử liệu Trung hoa, việc này xảy
ra vào tháng 2 năm 1853. Sau khi chiếm được núi,
Bành Ngọc Lân cao hứng làm ra bài thơ sau:
Nghĩa: Thư sinh vừa cười
vừa đốc thúc chiến thuyền tiến lại
Trên sông,
cờ xí, mở ra dưới ánh mặt trời rực rỡ
(hay: cờ xí mở ra, rực rỡ như ánh mặt trời?)
(hay: cờ xí mở ra, rực rỡ như ánh mặt trời?)
Mười
vạn quân dũng mãnh cùng hát khúc ca chiến thắng:
“Bành lang
đã đoạt được Tiểu Cô trở về.”
Thi sĩ Vũ Hoàng
Chương đã đưa hai câu cuối của bài
thơ này lên phía trước bài thơ của ông nhưng
đổi đi mấy chữ trong câu thứ ba. Ông đã đổi
“thập vạn tì hưu” (mười vạn quân dũng
mãnh, do nghĩa gốc của “tì hưu” là con gấu
trắng, một giống thú rất mạnh) ra “thập
vạn đại quân” (đạo quân đông tới
mười vạn). Ông cũng đổi “tề tấu
khải” (cùng hát khúc ca chiến thắng) ra “tề cổ
chưởng” (cùng vỗ tay), có lẽ để gần
với hoàn cảnh của Việt Nam năm 1975 hơn.
Từ
“Tiểu Cô sơn 小孤山” tới “Tiểu Cô 小姑”: Mối
chung tình của Bành Ngọc Lân:
Một điểm đáng lưu ý là
ngọn núi được nhắc tới ở trên có tên小孤山 (núi nhỏ cô
đơn) nhưng trong bài thơ, Bành Ngọc Lân đã cố tình viết sai, dùng một chữ
cũng có âm “cô” nhưng nghĩa khác, là小姑
(người cô bé nhỏ). Thừa tiếp ý ấy, trong câu
thơ thứ 3, Vũ Hoàng Chương viết, “Riêng Cô Bé
vẫn ngồi ngây.” Muốn hiểu rõ điểm tế
nhị này, ta cần biết qua về cuộc đời
của Bành Ngọc Lân.
Khi
còn ít tuổi, Bành Ngọc Lân yêu một thiếu nữ, con
nuôi của bà ngoại ông. Đúng ra ông phải gọi
bằng “dì” vì là em nuôi của mẹ. Nhưng hai
người trạc tuổi, cùng lớn lên và chơi
đùa với nhau, tình yêu đến một cách tự nhiên.
Gia đình không chấp thuận vì trong xã hội cổ,
một hôn nhân như thế có thể bị coi là “loạn
luân.” Bành Ngọc Lân phải đưa đi học xa trong
khi cô gái, có biệt danh Mai cô, được gả cho
người khác. Một năm sau Mai cô qua đời, lý do
chính là sinh nở khó, nhưng Bành Ngọc Lân suốt
đời không quên. Ông tới mộ Mai cô thương khóc,
nguyện sẽ vẽ một vạn bức tranh hoa mai
để trọn đời nhớ tới cô (giữ
lời nguyện, ông vẽ được trên một
vạn bức tranh hoa mai, trở thành một trong những
họa sĩ Trung hoa chuyên về hoa mai). Khi chiếm
được Tiểu Cô sơn năm 1853, Bành Ngọc Lân
đã 37 tuổi và Mai cô đã mất từ lâu. Sau một
cuộc ác chiến rất gần cái chết nhưng
đắc thắng, ông tưởng như từ cõi
chết trở lại. Nhân lấy được Tiểu
Cô sơn và trước kia vẫn gọi Mai cô là “Tiểu
Cô” (người cô bé nhỏ), ông cao hứng, tưởng
như đã đem được nàng từ cõi chết
về theo:
Bành lang đoạt đắc Tiểu Cô
hồi
(Bành lang đoạt
được Tiểu Cô [từ cõi chết] trở về).
Mối
thiện cảm Vũ Hoàng Chương dành cho Bành Ngọc
Lân:
Cùng có một tình đầu tan vỡ và
cùng suốt đời không quên mối tình ấy, thi sĩ
Vũ Hoàng Chương hẳn đã dành rất nhiều
thiện cảm cho Bành Ngọc Lân. Ý tưởng nguyên
thủy trong các câu:
Bành lang đoạt Tiểu Cô về
Hùng binh mười vạn nhất tề vỗ
tay
nhưng:
Riêng Cô Bé vẫn ngồi ngây
biểu lộ một thông cảm “đồng cảnh”
giữa thi nhân họ Vũ với vị tướng quân
kiêm họa sĩ họ Bành: không thể làm sống lại
người yêu cũ, không thể đổi
được định mệnh. Dù có nhân chuyện cùng
một âm “cô” để cố tình hiểu “ngọn núi cô
đơn” ra “người cô bé nhỏ” thì sau khi đoạt
về, “Tiểu Cô” cũng không còn sự sống. Nhưng
mối thông cảm Vũ Hoàng Chương -- Bành Ngọc Lân
đã dừng ở đó. Toàn bài, nhất là 6 câu cuối,
là những phán đoán rất bình tĩnh của tác giả
về cuộc thống nhất đất nước
năm 1975.
Cuộc
thống nhất Việt Nam năm 1975 qua ngòi bút của
Vũ Hoàng Chương:
Sống tại miền Nam cho tới tháng 9
năm 1976, thi sĩ Vũ Hoàng Chương hẳn đã
chứng kiến tận mắt những kinh hoàng của dân
chúng trước cuộc tiến công của Hà nội trong
các tháng 3 và 4-1975, được nghe tới nhàm chán
những lời tự tôn đầy huênh hoang của
kẻ chiến thắng, và nhất là hiểu rõ nỗi chua
xót thấm thía của người dân miền Nam qua
những câu “ca dao mới” như:
Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công lý
Đồng
khởi vùng lên mất Tự do.
Bản thân ông, một người cầm
bút, càng hiểu rõ thực trạng xã hội mới:
Rằng vách có tai, thơ có
họa
và
đã từng bị giam giữ trong cảnh ngộ:
Nửa manh chiếu lỉa
hồn ngây ngất
Hai
chén cơm rau xác mỏi mòn.
Sống tại Sàigòn, chắc chắn ông
cũng từng nghe những câu nói rất được
phổ biến trong dân chúng, “Đến cái cột đèn,
nếu có chân, nó cũng muốn đi…”
Qua mấy câu đầu
của bài “Đọc lại người xưa: Bành
Ngọc Lân,” Vũ Hoàng Chương phác cho ta thấy
một cảnh tượng tương phản: trong khi
những người cầm đầu chế độ và
tay chân của họ hớn hở, ồn ào … tự
ca tụng công ơn “giải phóng miền Nam,” thì những
ngưòi được “giải phóng” không hưởng
ứng, biểu lộ một thái độ dửng
dưng, lãnh đạm:
Bành
lang đoạt Tiểu Cô về
Hùng binh mười vạn nhất tề vỗ
tay
Riêng Cô Bé vẫn ngồi ngây
Xanh xanh ngàn dặm tóc mây hững hờ.
Người dân miền Nam, vốn thực
tế, không bị chi phối bởi những thơ văn
tuyên truyền đầy tính cách phóng đại:
Từ
bao giờ đến bao giờ
Chẳng xiêu lòng núi vì thơ họ Bành.
Vũ Hoàng
Chương cũng ghi nhận thái độ khinh miệt,
bất cần, không coi trọng kẻ chiến thắng, của
đa số dân chúng miền Nam:
Kể chi lúc ấy đời Thanh
Sá chi người ấy là danh tướng nào
Tiểu Cô sơn chỉ nhìn cao
Nghe Bành Lang độ thấm vào lòng chân.
Trong cuộc
tấn công giành Tiểu Cô sơn năm 1853, Bành Lang độ
(bến Bành Lang) là nơi Bành Ngọc Lân cho thủy quân
đổ bộ để đánh lên núi.
Ý tưởng then chốt của
Vũ Hoàng Chương nằm trong hai câu cuối. “Non” và
“nước” vốn có những liên hệ
tình cảm mật thiết và thiêng liêng. Muốn đưa
“non” về với “nước,” muốn non sông thống nhất,
không phải chuyện quá khó, nhưng cần có những thứ
khác hơn là sức mạnh quân sự:
Non xưa bến cũ nhập thần
Đoạt non về bến đâu cần hùng
binh
vì như
đã nói trên, nếu chỉ biết dùng sức mạnh
để chiếm đoạt, sẽ được một
cơ thể không có sự sống:
… Cô Bé vẫn ngồi ngây
Xanh xanh ngàn dặm tóc mây hững hờ.
Tóm
lại, “Đọc lại người xưa: Bành Ngọc
Lân” không phải là một bài thơ phù phiếm, chỉ để bàn về
mối tình đầu của một viên tướng Trung
hoa cuối đời Thanh. Mượn chuyện
đời xưa để nói chuyện đương
thời, Vũ Hoàng Chương đã đưa ra một
nhận xét có tính cách phán đoán về một sự
kiện lịch sử xảy ra trong đời ông:
việc thống nhất đất nước bằng
cách xua quân chiếm miền Nam do những người
cầm quyền ở Hà nội thực hiện năm 1975.
Sống ở trong nước giữa giai đoạn
ấy, ông không thể công khai nói một cách trực
tiếp, nên đã để lại một bài thơ
ngụ ý vô cùng hàm súc. Vũ Hoàng Chương rất
xứng với danh hiệu một nhà thơ có lương
tâm, phát biểu ý kiến một cách thành thật về
những biến cố trong thời đại của mình,
dù lời phát biểu ấy không hợp ý kẻ cầm
quyền. Tuy chỉ dùng những lời thật hiền
hoà, thái độ của ông không khác thái độ của
Phùng Quán khi viết những câu sau đây:
Bút giấy tôi ai cướp
giật đi
Tôi sẽ cầm
dao viết văn lên đá.
Trần Từ Mai