Nếu tính theo thời gian thì tôi uống trà
cũng khá lâu, đến nay cũng đã trên 50 năm. Thế nhưng gọi là sành sỏi thì tôi chỉ
vào cỡ … “tiểu đồng”. Đó là một lời thú nhận rất thành thực vì uống trà
cũng như sưu tầm ấm trà, tuy lâu thì có lâu nhưng biết thì không biết.
Nhiều người bạn trẻ tôi mới quen sau này,
tuy mới vào “nghề” nhưng bình phẩm đâu ra đấy, pha trà rất điệu nghệ, chọn
ấm thì biết đủ cách thử không khác gì những lão tiên sinh trong Vang Bóng Một
Thời. Ấy là so sánh như thế nhưng thực ra ngày hôm nay những người có thú chơi ấm
đất đều hiểu biết rất bài bản, nhiều người đi qua tận bên Tàu để tầm sư học đạo.
Mà nghĩ ra cũng phải. Những cụ nhà nho mà
Nguyễn Tuân miêu tả giỏi lắm độ chừng 5, 60. Tuổi thọ trước đây không cao, ai đến
40 tuổi thì “oai” lắm rồi, trong khi con cháu trong nhà nay ở vào tuổi đó mình
vẫn coi như như trẻ con “chưa ráo máu đầu”. Các cụ kinh lịch cũng không nhiều,
quanh năm lẩn quẩn trong làng xã, họa hoằn mới đi sang làng bên thăm một người
bạn, nói dăm ba câu chuyện chứ không có điều kiện để học hỏi, mang tầm thế giới
như hiện nay. Ông tôi kể khi cụ tôi vì giận cụ bà chuyện gì mà bỏ nhà đi lên Hà
Nội định đi “Tân Thế Giới” thì cái tin lúc đó là một biến động lớn trong làng.
Dọa vậy thôi chứ lên đến Hà Nội, cụ nguôi ngoai và được một người quen khuyên
nhủ, cụ lại cắp ô về, trong túi có thêm một đồng người ta biếu cụ về xe. Đến
làng Phùng, thấy cái quán, cụ vào ngồi gọi lòng lợn tiết canh nhắm rượu. Gặp
lúc cô đơn, thấy một ông đi ngang qua, không quen nhưng cụ cũng mời vào uống
cho có bạn. Thế là mất toi đồng bạc và cụ lại đi bộ về làng.
Phải nói rằng đôi khi những câu chuyện rất
nhỏ mà tôi được nghe hồi còn bé lại in rất sâu và có thể làm một nền tảng tốt
cho những suy nghĩ lúc trưởng thành. Ông nội tôi thường kể rằng đầu thế kỷ XX thì
các quan đi cáng, phải mất bốn người mới khiêng được một người, tốc độ chậm hơn
một người đi bình thường. Lớn lên một chút, khi có loại xe tay thì một người có
thể kéo được một hay hai người ngồi trên đó, tính ra hiệu năng đã tăng lên gấp
mấy lần. Vài mươi năm sau, khi những chiếc xe đạp được lưu hành thì một người
có thể tự di chuyển không cần một người thứ hai giúp sức, trước sau còn chở
thêm được cả vợ con. Rồi mỗi lúc một cải tiến lên xe máy, xe hơi, xe hỏa thì
năng suất lại càng cao mà tốc độ lại tăng gấp bội. Riêng một vấn đề chuyên chở
đã thế, những cải thiện khác trong giao thông, trong truyền tin, trong sản xuất
… chỗ nào cũng thay đổi như đôi hia bảy dặm. Khi mới qua Mỹ, mỗi lần tính toán
chúng tôi phải dùng những punched cards rất lôi thôi mà nếu như sơ sẩy làm sai
một lần thì phải đi lại từ đầu vì máy không save được quá trình làm việc.
Nếu so sánh cái tốc độ thay đổi của xã hội
khi chúng ta chưa có những tiện nghi tối thiểu, nhiều vấn đề ngày nay tưởng như
“lý sở đương nhiên” nhưng thực ra đã chuyển mình cả một xã hội và đời sống
của hàng triệu hàng tỉ người. Bố tôi bảo rằng nếu không có các công trình dẫn
thủy nhập điền của người Pháp thì vùng tôi mãi mãi chỉ ăn ngô, ăn sắn chứ không
thể nào sản xuất đủ gạo ăn. Mà ngay cả những loại giống mới cũng được người nước
ngoài đem vào nước ta chưa lâu. Cây ớt, củ khoai cho chí các loại cây kỹ nghệ
như cao su, thuốc lá cũng chỉ đến nước ta độ một, hai trăm năm. Có ai dám nghĩ
rằng nếu không có những đám thực dân đem một số giống mới từ Nam Mỹ vào vùng Nam
Á thì ngày nay chúng ta không có trái ớt, trái cà chua. Thử hỏi ăn phở, ăn bánh
cuốn, ăn bún bò, ăn Mì Quảng mà không có chút gia vị cay cay thì nhạt nhẽo biết
chừng nào.
Khi nhìn lại cuộc đời mình, cá nhân tôi
cũng đã trải qua nhiều sự thay đổi mà nếu đánh giá cho kỹ thì việc Lưu Thần,
Nguyễn Triệu, Từ Thức từ một thế giới khác quay về sau 20 năm thật chẳng thấm
gì. Khi mới ra trường xuống tỉnh còn chưa biết cầm cái telephone như thế nào, đến
Nha Hàng Không phải chăm chú nhìn cô tiếp viên để bắt chước cho đúng cách. Đi
làm cũng là lần đầu tiên biết đến đánh máy, và biết lái xe sau khi nhờ ông tài
xế đưa ra tập trên đường băng phi trường Rạch Giá.
Thế nhưng cuộc đời đưa đẩy, trường đời dạy
mình nhiều hơn cha mẹ và trong cái giới hạn của cuộc sống tôi được tiếp xúc
thêm với văn minh đô thị, ít ra cũng trong một bộ máy hành chánh mà trường học
chưa hề dạy mình làm quen.
Qua đến nước Mỹ, sống lơ ngơ trong một xã
hội hoàn toàn mới nhưng cũng giúp cho bản thân lột xác từng ngày. Từ những kiến
thức sơ đẳng nhất cho đến kỹ thuật mỗi lúc một nâng cao, quả thực cuộc đời như
đôi hia bảy dặm. Hai mươi năm trước, cái máy ảnh nhỏ đã là một bước tiến nhưng
ngày hôm nay, máy ảnh dùng phim đã hoàn toàn biến mất trên thị trường và một
con chip nhỏ có thể chứa hàng ngàn bộ đại từ điển Britannica.
Sự thay đổi nhanh đến chóng mặt khiến tôi
bị mất phương hướng nhưng phải cố đứng vững để tìm một lối đi riêng cho mình.
Xã hội lúc nào cũng di chuyển mà con người không thể đi ngược giòng nên việc tự
điều chỉnh cũng là một bản năng tự phát. J. Paul Getty có nói rằng:
In times of rapid change, experience could be your worst enemy.
Trong thời đại thay đổi nhanh, kinh nghiệm cũng chính là kẻ thù lớn nhất
của ta.
Chính vì cái tâm thức thích so sánh một
cách cụ thể, xã hội Việt Nam 100
năm trước so với hôm nay thật một trời một vực nên cái kiến thức “thứ nhất
Thế Đức, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần” rút ra từ Vang Bóng Một Thời của
Nguyễn Tuân cũng cần được đặt lại trong khung cảnh của người
nước ta một, hai trăm năm trước. Những tiêu chuẩn
đó có lẽ chỉ mới xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XIX, không phải vì nước ta thịnh
vượng đua đòi theo kinh tế thị trường mà vì tình hình Trung Hoa hỗn loạn, hết bị
liệt cường xâu xé lại giặc cướp như rươi mà nổi tiếng nhất là Thái Bình Thiên
Quốc của Hồng Tú Toàn.
Đây cũng là thời kỳ dân số Trung Hoa giảm
xuống hàng chục triệu người chứ không tăng thêm, nhiều ngành sản xuất bị phá sản
và ấm đất rẻ tiền được chở xuống bán trong vùng Đông Nam Á. Một số thuyền buôn
bị đắm trong đó có rất nhiều ấm Nghi Hưng, hầu hết là loại thủy bình mang nhãn
hiện Mạnh Thần. Như vậy không thể không liên kết chiến tranh, kinh tế và thương
mại để biết tại sao mới có câu truyền ngôn mà Nguyễn Tuân ghi lại. Đây cũng chưa
hẳn là ba loại ấm tốt mà các cụ chỉ muốn nhấn mạnh rằng Thế Đức, Lưu Bội là loại
khá còn Mạnh Thần chỉ là hạng sau cùng, nói khác đi là hạng xoàng bán đầy ngoài
chợ.
Về ấm thì các cụ cùng lắm có hai ba chiếc,
cảnh nhà nho thanh bạch, số trà tàu uống được bao nhiêu để gọi là sành sỏi ?
Đem cái kiến thức nước suối, nước sông, điểm vào vài giai thoại về đầu dòng, cuối
dòng chẳng qua chỉ để cho vui câu chuyện. Cho nên nghiệm lại, những gì các cụ
trao truyền chỉ là tương đối và cũng chỉ có ý nghĩa trong thời đại ngày xưa, có
chút tâm cơ đều phải khảo nghiệm lại, nếu không đem chuông đi đánh xứ người có
khi lại hố to.
Trái lại, ngày nay một người bình thường
nếu thích uống trà thì trong nhà cũng có mươi cái ấm, trà tàu dẫu đắt thì cũng
đủ tiền mua một tháng vài lạng, không đến nỗi phải tính toán khi có khách đến
chơi. Hồi tôi làm việc ở ngoài tỉnh, mỗi lần về Sài Gòn chỉ dám mua khoảng 100
gram trà vì 100 gram mua ở Chợ Lớn giá đã 2000 đồng (tiền trước 1975), bằng
1/20 lương tháng của một công chức hạng trung trong khi còn nhiều vấn đề cụ thể
hơn phải tiêu đến.
Rất có thể việc uống cái ấm trà bé bằng
quả quít, chén nhỏ hạt mít không phải là sở thích của giới phong lưu mà chủ yếu
là vì không đủ tiền nếu dùng một cái ấm to hơn. Cho nên trà Tàu thường uống dặm
– nghĩa là xen kẽ với các loại trà ướp rẻ tiền khác – chứ không mấy ai dám uống
hàng ngày.
Những quốc gia có trồng trà trên thế giới
Nguồn: Pettigrew: The Tea Companion
Việc đối chiếu sinh hoạt với đời sống là
một việc cần thiết khi tìm hiểu một vấn đề. Chẳng phải vì kiêng khem mà thời trước quan
cũng như lính đều mảnh dẻ, các nữ sinh nhỏ nhắn, thanh thoát. Thực tế đó chính
là vì thiếu thốn thực phẩm, ăn uống không dư dả như hiện nay. Cái khó nó bó cái
khôn là thế.
Chính vì cái quan điểm phải dùng chính
mình như một chứng nhân nên chúng ta nay được đọc nhiều hồi ký lịch sử, kinh
nghiệm tù đày, vượt biên hay những phấn đấu để vượt qua nghịch cảnh. Những việc
trình bày tuy không hoàn toàn là kinh nghiệm bản thân của tác giả nhưng cũng có
sự tham dự ít nhiều. Đi theo con đường đó, khi viết bài này, tôi tự nhận là một
người uống trà gần 50 năm qua vì từ khi sang Mỹ tôi chỉ uống trà Đài Loan, mặc
dù thỉnh thoảng cũng có thử qua cho biết các loại trà lục địa hay Việt Nam
nhưng thú thật là tuy cũng mang cùng danh hiệu hay chủng loại nhưng phẩm chất
không được bằng.
Trà Đài Loan lúc mới sang tôi phải lên
Chinatown mua ở đường Broadway vì nơi đây có một tiệm bán trà Thiên Nhân (Ten
Ren). Lúc đầu tôi phải lái xe lên tận nơi mua trà nhưng sau này tôi chỉ cần gọi
điện thoại và gửi check là họ tự động gửi đến nhà tôi. Tuy nhiên tôi vẫn thỉnh
thoảng lên Los Angeles vì ngoài mục tiêu mua trà, tôi còn đi lang thang kiếm
sách Tàu, hồi đó chủ yếu là sách xuất bản ở Hongkong vì người Trung Hoa ở đây
có nhiều liên hệ với khu vực thuộc Anh này hơn các nơi khác trên thế giới.
Khoảng năm 1980, lác đác có một số người
Việt gốc Hoa làm công nên tôi cũng có cơ hội tiếp xúc với họ bằng tiếng Việt. Một
điều tôi ghi nhận là những người Việt gốc Hoa cũng không hội nhập được vào cộng
đồng Hoa kiều ở đây, chẳng bao lâu phải di chuyển sang những nơi khác, chủ yếu
là về Orange County nơi họ có lợi thế là biết nhiều hơn một ngôn ngữ. Một cộng
đồng khác cũng khá phát triển tập trung ở Monterey Park nhưng phần nhiều là những
người có gốc ở Đài Loan chứ không phải ở Hongkong như trên Los Angeles. Lên
Chinatown tôi như sống lại thời kỳ trước 1975 mỗi khi về phép lại lên khu vực
đường Nguyễn Trãi gần sân Tinh Võ, nơi đây có nhiều tiệm sách Tàu.
Khoảng thập niên 1990s, dưới Orange
County đã có bán trà, khi đó chưa có trà từ lục địa nên chủ yếu là trà Đài
Loan. Có điều vì không phải là mặt hàng chính, chỉ phụ thêm vào tạp hóa và thuốc
bắc nên ở Orange County chỉ bán loại trà rời trung bình và dưới trung bình, có
một số trà Thiên Nhân đóng hộp được đánh số 101, 103, 301, 303, 901, 903 …. Trà
Thiên Nhân thường có ướp sâm nên mùi vị cũng không còn nguyên thuỷ. Họ cũng bán
thêm một số ấm đất nhưng không phải loại tốt. Tiệm thuốc bắc mà tôi thường vào
mua trà là tiệm Đạt Tín (Dat Shun) ở ngay bên kia đường Phước Lộc Thọ, nằm gần
siêu thị ABC. Mỗi lần cầm một chiếc ấm cũ, tôi có thể hình dung được thời gian đến
đây mua sắm bằng cách nhớ tới những đứa con tôi dẫn theo như một cái mốc năm
tháng mình có nó.
Ấm ba chân (thủy bình đoạn nê)
MỞ ĐẦU
Trà cụ từ xưa đến nay có rất nhiều loại,
vật liệu lại càng đa dạng. Khi kỹ thuật chưa phát triển, trong dân gian đã sử dụng
nhiều loại ấm kim loại, đồ gốm sứ, pha lê, ngọc thạch, thuỷ tinh, mã não, đồ
sơn mài, gỗ, tre và cả các chất liệu khó kiếm khác.
Theo Tô Dị (蘇廙) đời Đường viết trong Thập Lục Thang Phẩm 十六湯品 (tức 16 loại nước trà tuỳ theo chất liệu ấm) thì nếu
dùng ấm bằng kim loại như bạc, vàng thì trà pha ra gọi là phú quí thang 富貴湯, nếu dùng ấm bằng đá như ngọc, thạch thì gọi là tú bích thang 秀碧湯, còn dùng đồ sứ mà pha thì gọi là áp nhất thang 壓一湯 và cả ba loại đều không thích hợp.[1]
Đời Đường chưa có ấm đất Nghi Hưng nên
không biết Tô Dị xếp ấm đất nung vào loại nào và có trội hơn các loại đã đề cập
hay không. Pha trà bằng ấm không tráng men thì chỉ mới xuất hiện từ cuối đời
Minh mặc dù cũng có sách khẳng định là ấm tử sa có từ đời Bắc Tống và đến đời
Minh thì thịnh hành.[2]
Ấm nặn vùng Nghi Hưng là đá được tán nhuyễn, trộn với nước cho dẻo rồi dùng làm
vật liệu chế tác. Như thế, người ta phải tìm được đúng loại đá có đủ các tiêu
chuẩn, chọn lựa và tinh lọc chứ không phải loại nào cũng như nhau. Điểm đặc biệt
mà người Trung Hoa muốn đề cao chính là chỉ ở Nghi Hưng mới có loại đá đạt yêu
cầu để dùng làm nguyên liệu nặn ấm.
Lục Vũ
(tác phẩm tử sa của Sử Tiểu Minh)
Nguồn: Trung Quốc Nghi Hưng Quốc Tế
Đào Nghệ Triển Hoạch Tưởng Tác Phẩm Tập, 2001
ĐAM MÊ VÀ NGHIÊN CỨU
Từ sách vở …
Đến với ấm trà Nghi Hưng có hai đường, một
đường là đi tìm những chiếc ấm bắt mắt mà mình thích. Cái cách đó ngoài kinh
nghiệm cá nhân, chúng ta có thể tìm đọc những sách vở do các người sưu tầm
(collectors) tàng trữ vì trong những món đồ họ trưng ra cho chúng ta xem có những
chiếc ấm lạ, chẳng hạn như cái ấm bao gạo bị chuột cắn mà chúng tôi sẽ nhắc đến
ở sau. Ở những nơi thiếu vắng một cộng đồng người Hoa, việc chính mắt trông thấy
hay tận tay sờ vào hiện vật không dễ dàng nên nếu muốn thấy những chiếc ấm tử
sa thì người ta chỉ có thể nhìn qua sách vở.
Cũng may, hiện nay có rất nhiều tài liệu
về ấm Nghi Hưng và công nghệ nặn ấm, chủ yếu viết bằng tiếng Trung Hoa và một số
ít viết bằng tiếng Anh, thêm vài cuốn viết bằng tiếng Việt nên nếu bỏ công mua
những bộ sách này chúng ta có dịp thấy những chiếc ấm quí, ít ra cũng qua hình ảnh.
Kỹ thuật in ấn ngày nay đã tiến bộ, những sách về ấm Nghi Hưng tuy in hạn chế
và bán với giá cao nhưng có được một số sách trong tay, lâu lâu mở ra xem cũng
thú vị.
Ngoài sách chuyên đề, không hiếm những
sách của cá nhân viết về bộ sưu tập của mình cho chúng ta biết thêm nhiều góc cạnh
mới. Người thì sưu tầm ấm cổ, người thì sưu tầm ấm lạ, người thì lại chuyên một
loại ấm chất liệu như chu nê, đoạn nê … Chúng ta cũng có thể sưu tầm những
catalogues trong các kỳ đấu giá hay các cuộc triển lãm vì nơi đây thường có những
chiếc ấm độc đáo mà chúng ta không dễ gì biết tới được.
Lại cũng có sách vở trình bày riêng về một
danh thủ như Cố Cảnh Chu, Chu Khả Tâm, Từ Hán Đường, Tưởng Dung, Ah Leon … cho
ta biết rõ về cuộc đời và tác phẩm, những nét đặc biệt trong sự nghiệp của từng
người. Những nhân vật đó thường là nhân vật hiện đại hay cận đại vì họ có nhiều
tác phẩm còn giữ được, mở ra một đường lối để có thể coi như một trường phái.
Phần nhiều những danh thủ này có truyền nhân hay những học trò đi theo đường lối
của thầy và phát huy thêm một tầng cao nữa nên ngày nay không ai còn nghĩ đây
chỉ là một nghề thủ công thấp kém.
Sưu tầm sách tuyển tập của những danh gia
cũng có một cái thú. Đó là biết rằng họ thuộc về giới thượng lưu, không những
có tiền để mua những chiếc ấm đó mà còn có đủ trình độ để cho chúng ta biết lịch
sử của chiếc ấm và đặt chiếc ấm trong một khung cảnh văn hóa. Khi tìm hiểu
nghiên cứu viết về nguồn gốc, tên người nặn, hay những truyền kỳ của những chiếc
ấm cổ, chúng ta có thêm kiến thức ít người biết mặc dù chỉ cưỡi ngựa xem hoa giống
như du khách thăm viếng các viện bảo tàng vì tò mò hay để đánh dấu một cuộc du
ngoạn hơn là khao khát tìm hiểu một tác phẩm cho đến nơi đến chốn. Chúng ta
cũng có thể mua được những tài liệu nghiên cứu từ các gian hàng lưu niệm nếu
quan tâm về những tác phẩm trưng bày.
Trở lại với ấm Nghi Hưng, số người viết
và in cho người khác biết về những gì họ đã sưu tầm được không nhiều, phần lớn
là nghiên cứu chung về các bộ sưu tập của viện bảo tàng, lịch sử hay tiến trình
hình thành một chiếc ấm. Những nghiên cứu đó dùng để làm tài liệu tham khảo thì
đắc dụng nhưng đọc loại sách này chúng ta khó có thể cảm nhận được cái thú của
người sưu tầm vì nó hàn lâm quá, chuyên môn quá. Đó chính là lý do tôi thích đọc
Trà Thất của Minh Đức Hoài Trinh hay Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân vì những
điều trong sách gần gũi hơn mặc dù qua kinh nghiệm thì trong văn chương không
phải không có điều hơi quá lên một chút.
Ấm Trần Minh Viễn[3]
Sách tiếng Việt
Kiểm điểm lại số sách vở về ấm và trà, hiện tủ
sách của tôi đã có trên 100 cuốn. Tuy nhiên, sách viết bằng tiếng Việt lại hiếm
hoi vì tuy có một số truyện ngắn đề cập đến uống trà như một thú phong lưu của
nhà nho nhưng chuyên khảo về trà hay ấm trà thì còn rất ít. Tôi không biết đến
hôm nay số tác giả viết về trà và ấm bằng tiếng Việt là bao nhiêu nhưng chính
tôi chỉ mới có được 4 cuốn trong đó hai cuốn nghiên cứu về uống trà dựa trên
sách của Trung Hoa, còn một cuốn là bản dịch cuốn The Book of Tea của Okakura
Kakuzo đã xuất bản ở miền nam từ trước năm 1975. Bản này do Trương Bảo Sơn, phu
quân của nhà văn Nguyễn Thị Vinh trong Tự Lực Văn Đoàn dịch và do nxb Lá Bối phát
hành năm 1967. Ngoài ra tôi cũng được đọc thêm một số bài viết ngắn về trà hay ấm
nhưng thường chỉ là tiểu luận.
Giở lại sách cũ, viết về trà tương đối kỹ
thì chỉ có mấy trang trong Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ[4]. Dưới đây là bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến đăng nhiều kỳ
trong tạp chí Nam Phong:
…Cách uống chè thì trong sách Kiên Bào
đã nói tường mà họ Lư 盧 họ Lục 陸 đã nổi tiếng về uống chè. Đến đời Tống mới thấy bày ra đồ chè ấm
chén, hoả lò cấp thiêu, đại khái cũng là những đồ để pha nước uống chè, như ông
Giới Phủ 介甫 thưởng chè Dương Tiễn, ông Tử Chiêm 子瞻 pha chè Vân Long. Từ đời Minh, đời Thanh trở xuống cách chế chè càng
tinh, cách dùng chè càng đủ, những các thứ chè bồi sao chế hoá cũng khéo, và những
các thứ hồ ấm đĩa chén, than, lửa, hoả lò cấp thiêu đều sắm sửa lịch sự cả, nào
là chè Võ Di 武夷, lò Thành Hoá 成化, ấm Dương Tiễn 陽羨, đều là những thứ tuyệt phẩm dùng để pha chè, kể thói tục bày vẽ ra
có lắm thứ khác nhau, nhưng cũng chẳng qua mấy thứ ấy mà thôi; còn đến như thứ
chè tuyết nha, thứ nước suối hồng tâm, dẫu đến các hạng phong lưu người Tàu
cũng chửa được nếm đủ hết cả, nên không dám bàn nói đến.
Cái thói thị hiếu của nước ta cũng hơi giống
như người Tàu. Ta sinh trưởng đương lúc thịnh thời đời Cảnh Hưng, trong nước vô
sự, các họ quí tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quí thích đều đua chuộng
xa xỉ, có khi mua một cái ấm cái chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc, thường có
nhiều người qua chơi các hiệu chè, thăm dò các phố buôn, vác tiền đi hết quan ấy
chục khác để mua chuốc lấy chè ngon. Lúc ngồi rồi pha chè uống với nhau thì lại
đánh cuộc xem chè đầu xuân năm nay sớm hay muộn, giá chè năm nay cao hay hạ. Kẻ
thì ưa thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ tên mua cho được chè
ngon, để bày khay chén ra nếm thử. Thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn để mua cho được
hiệu chè chính sơn, gửi tàu buôn để đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu
thượng đến thế là cùng cực. Song cái thú vị uống chè tàu có phải ở thế đâu,
nguyên cái thú vị của chè tàu chỉ trọng về cái tính nó sạch sẽ, cái hương nó
thơm tho, đương lúc buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, thong thả đem ra
mà pha nếm để cùng với tửu trận thi thành cùng làm chủ khách, thì có thể tỉnh
được u mộng, rửa được tục tràng, ấy cổ nhân mà chuộng chè tàu vì cái thú ấy. Từ
các đời gần đây trở xuống thưởng giám chè tàu càng ngày càng tinh, thứ vị chè
nào khác hơn, cách chế chè nào ngon hơn, thì đều phân biệt ra kỹ lắm. Mà lò
siêu ấm chén lại chế ra nhiều kiểu thích dụng. Song chế ra nhiều các thứ chè, kẻ
thức giả cũng cho làm phiền lắm. Còn như nếm chè ngon ở trong đám ruồi nhặng,
bày chén mẫu ở cửa chợ bụi lầm, đương lúc trần hiêu đinh óc, tục lự quẩn lòng,
thì dẫu bày ra ấm cổ đẹp đẽ, pha ấm chè ngon ngát lừng, ta cũng chẳng biết uống
chè như thế thì có biết cái chân thú gì không. Giá có gặp ông tiên chè, thì
cũng cho lời nói ta làm phải.
Mùa thu năm mậu ngọ ta dạy học ở thôn
Khánh Vân 慶雲 tổng Hà Liễu 河柳, các học trò kinh thành cũng thời thường gửi quà về hỏi thăm, tuy cơm
rau nước lã không được dư dụ cho lắm, mà chè tàu thì không lúc nào thiếu. Thôn
Khánh Vân ở về hạ lưu sông Tô Lịch , phía bắc tiếp Xuân Nê 春泥, phía nam gần Đỗ Hà 杜河, Hoàng Xá 黄舍, các núi về vùng
Ninh Chúc 寧祝, Tử Trầm 紫沈, Nam Công 南公, thì vòng quanh ở
phía tây, còn những làng Nguyệt Áng 月盎, Đại Áng 大盎, Liễu Nội 柳内, Liễu Ngoại 柳外, đều trông thấy ở gần xung quanh cả. Thổ sản có thứ vải quả, rau dưa,
làng xóm rừng khe cũng nhiều cảnh u thắng. Khi dạy học rồi rảnh thì thường cùng
với người đàn anh trong làng là Tô nho sinh 蘇儒生 dạo chơi chùa Vân, pha chè uống nước, hoặc trào lên cái gò ba tầng ở
phía tây xóm ấy rồi múc nước suối để pha chè uống chơi. Trông thấy những cảnh
mây nổi họp tan, chim đồng kêu lượn, cùng lá cỏ cây tươi rụng, hành khách lại
qua, thì ta thường thường ký thác ngâm vịnh. Sau chỗ nhà trường ta thì là một dải
sông Tô, noi theo bờ đê đi ngược lên thì đến cầu Nhị Khê tức là chỗ người làng
qua lại nghỉ mát. Một buổi chiều ta cùng với Tô huynh lên chỗ cầu xem các bè
đánh cá, thì thấy chài lưới phất phơ, đôi bên bờ sông bóng cây so le thấp
thoáng, mảnh trăng đã in trên mặt sóng trong veo, hai anh em ta cùng ngồi nói
chuyện gẫu, bất giác tâm thần thanh sảng, thú vị vô cùng. Thấm thoát mới vài bốn
năm nay, ta đã thôi không dạy học ở đấy nữa, mà Tô huynh thì đã qua đời. Tiền Mục
Am 錢牧庵 có nói rằng: “Cái vui về nước non bè bạn,
tạo vật chưa dễ đã cho mọi người được hưởng, có phần lại khó hơn lợi lộc với
vinh danh”. Lời nói ấy chẳng là phải dư?
Từ đời năm Khang Hi trở về sau, cách uống
chè tàu mới đổi ra cách pha từng chén nhỏ chứ không hãm từng ấm to, vì cách uống
chè thì chén ấm phải cốt cho nhỏ và mỏng, để khi pha chè nó mới nổi nùi hương vị; vòi ấm rót cho thẳng
thì nước nó mới không đọng, mặt đĩa phẳng thì đặt chén nó không nghiêng, rế lò
đầy mà lỗ thưa thì than lửa nó không bốc nóng lên quá, lòng ấm siêu lồi lên mà
mỏng thì hỏa khí dễ thấu lên mà chóng sôi. Ấy cái cách chế bàn chè uống nước
lúc mới còn thô sau tinh dần mãi ra. Gần đây lại có chế ra thứ siêu đồng cũng
khéo, nhưng mà kim khí bị hỏa khí nó hấp hơi thường có mùi tanh đồng, không bằng
siêu đất nung để pha nước uống chè là tốt hơn. Song các nhà quyền môn phú hộ
khi uống chè lại lười không muốn pha lấy, thường thường giao cho tiểu đồng, đầy
tớ pha phách, thì tất phải dùng đến siêu đồng để cho nó tiện mà lâu vỡ, thì
không phải bàn làm chi nữa.
Khoảng năm Cảnh Hưng ở Tô Châu có chế ra
một thứ hỏa lò đem sang bên ta để bán, và một thứ than tàu đều là những đồ dùng
của khách uống chè phải cần đến, người ta đua nhau chuộng dùng. Song gần đây đã
có người biết cách chế ra cũng bắt chước luyện than lại mà hầm lửa, nắm đất lại
mà nặn lò, đọ với kiểu của Tàu cũng chẳng khác gì, người ta cũng ưa chuộng. Ta
nhân thế lại tiếc cho người cầm quyền nước xưa nay không biết lưu ý đến việc
công nghệ dân ta, tiếc thay.[5]
Xem như thế, tuy uống trà nay đã thông dụng
nhưng việc nghiên cứu còn giới hạn. Rất tiếc chúng tôi chưa được đọc qua những
nghiên cứu về các loại trà ở Việt Nam, từ miền bắc xuống miền Nam một cách hàn
lâm để nêu ra những đặc tính riêng của đất nước mình. Hay tại người Việt Nam
chưa có thói quen nghiên cứu những gì ở gần kề nên coi những gì của mình không
quan trọng.
Sách tiếng Anh
Sách tiếng Anh viết về trà thường là chuyên khảo
như một loại thức uống, lịch sử truyền bá và vai trò kinh tế trong thương mại
toàn cầu. Chỉ có một số ít viết về trà Tàu và tập quán uống trà của người Trung
Hoa nhưng vẫn tập trung vào nghiên cứu như một đặc tính văn hoá và tương quan lịch
sử.
Hai thế kỷ trước, các quốc gia Âu châu đã phải
bỏ rất nhiều tài nguyên để mua các loại sản phẩm phương Đông, chủ yếu từ Trung
Hoa như hàng tơ lụa, đồ sứ và trà. Sự khiếm hụt ngân sách và cạn kiệt trữ ngân
đã khiến cho người Anh và một số quốc gia khác phải tìm cách cân bằng chi thu bằng
cách đem thuốc phiện sang bán và là nguyên nhân gây ra cuộc Chiến Tranh Nha Phiến
(Opium War) đưa đến việc nhà Thanh phải mở những khu vực dọc theo bờ biển, chấm
dứt chính sách cố hữu đã theo đuổi hàng nghìn năm đóng cửa không giao thiệp với
bên ngoài qua đường thương mại (bế quan toả cảng) nếu có qua lại thì chỉ là triều
cống và ban thưởng, chính sách rất co dãn và tuỳ nghi.
Chính vì thế, các loại sách viết bằng tiếng
Anh (mà không phải là loại dịch từ nguyên tác chữ Hoa) thì chỉ chú trọng đến những
trao đổi thương mại và ảnh hưởng lịch sử chứ không phải về văn hoá uống trà của
phương Đông.
Chỉ tới gần đây, việc sưu tầm và ảnh hưởng của
ấm đất Nghi Hưng mới được quan tâm, nhiều tác giả sang tận vùng Dương Tiện để
nghiên cứu tại chỗ, đồng thời học cách làm ấm của những người thợ chuyên môn để
có kinh nghiệm bản thân về ngành công nghệ này. Phương pháp nghiên cứu Tây
phương về một ngành nghề thủ công đã khai mở nhiều vấn đề và có câu trả lời thấu
đáo mà người bản xứ không quan tâm. Việc này cũng khiến tôi nhớ lại những nhận
xét của người nước ngoài về phong tục nước mình vào thế kỷ XVIII, XIX ghi nhận
nhiều tục lệ, cách thức cỏn con nhưng vì mình là người bản xứ nên không thấy lạ.
Từ đó tôi mới thấy được cách trau giồi nghề nghiệp, kỹ năng của người Trung Hoa vốn chủ yếu cha truyền con nối, thực hành theo kinh nghiệm tổ tiên để lại và cùng lắm là tinh luyện cho đến mức tuyệt luân nhưng từ bản thân truyền dạy ra bên ngoài thì vẫn là một khoảng cách. Cho đến gần đây, khởi đầu là từ bên ngoài Hoa lục, khi bị cắt đứt với dòng sản xuất chính, đã tự mày mò và nghiên cứu để tìm một lối đi riêng và chúng ta đã có thêm những thành tựu mới ở Hongkong, Đài Loan, Nhật Bản.
Sự hơn kém một chút có chăng là nguyên liệu –
tức đất tử sa là đặc sản của vùng Đinh Thục Trấn – người ta vẫn phải dựa vào việc
nhập cảng từ lục địa nhưng kỹ thuật thì cũng không kém gì. Sự bùng nổ về kinh tế
trong thời mở cửa có mang lại những đổi mới nhưng chỉ một thời gian ngắn cũng
thui chột. Làm ấm thì không nói tới nhưng nếu chỉ dùng đất tử sa để làm vật liệu
điêu khắc hay các dụng cụ khác thì cũng không hơn các kỹ thuật cổ điển. Do đó,
tuy có một số nghệ nhân phô diễn tài năng ở những góc cạnh khác nhưng chỉ là một
phạm vi nhỏ và dần dà, công năng chính là ấm đất cũng chỉ đạt tới một mức độ giới
hạn.
Những góc nhìn đó người Trung Hoa không đề cập
mà do người ngoại quốc đánh giá nên tuy sách vở viết bằng tiếng Trung Hoa nhiều
phần huyền thoại hoá trà cụ và kỹ năng thì cũng không khác gì các ngành khác –
võ thuật chẳng hạn, tuy huê dạng nhưng lại không hiệu quả trong thực chiến.
1.
Blofeld, John. The Chinese Art of Tea. Boston:
Shambhala, 1997.
2.
Clark, Garth. The
Artful Teapot. London: Thames & Hudson, 2001.
3.
Chow, Kit &
Ione Kramer. All The Tea In China.
San Francisco: China Books and Periodicals, Inc., 1990.
4.
E&J Frankel,
Ltd. Zisha: The Purple Sand of China – The Lee Collection of Ming and Qing
Dynasty Yixing Ware. New York: 2005.
5.
Gowlland, Geoffrey.
Reinventing Craft in China. The Contemporary Politics of Yixing Zisha
Ceramics. UK: Sean Kingson Publishing, 2017.
6.
Graham, Patricia J.
Tea of the Sages. Honolulu: University of Hawai’i Press, 1999.
7.
Hongkong Museum of
Art. Selected Works of Contemporary Yixing Potters (紫砂新品: 當代宜興茶具精選). Hongkong: Urban Council, 1994.
8.
Lim, Kean Siew. The
Beauty of Chinese Yixing Teapots & The Finer Art of Tea Drinking (宜興紫砂壺與品茗藝術). Singapore: Times Centre, 2001.
9.
Luo, Jialin. The
China Tea Book. Sa Rafael, Calif.: Earth Aware Editions, 2012.
10.
Nhiều Tác Giả. The Book of Tea. Paris: Flammarion,
không đề năm.
11.
Okakura, Kakuzo. The
Book of Tea (in lần thứ 40). Tokyo: Charles E. Tuttle, 1992.
12.
Okakura, Kakuzo. The Book Of Tea. New York: Dover
Publications, Inc., 1964.
13.
Pan, Chunfang. Yixing
Pottery, The World of Chinese Tea Culture. San Francisco: Long River Press,
2004.
14.
Pettigrew, Jane. The
Tea Companion – A Connoisseur’s Guide. New York: Macmillan, 1997.
15.
Pratt, James
Norwood. The Tea Lovers Treasury. San
Francisco: 101 Productions, 1982.
16. Sweet, Marvin. The Yixing Effect – Echoes
of the Chinese Scholar. Beijing: Foreign Language Press, 2006.
17. Wible, David (editor). Beyond Yixing - The
Ceramic Art of Ah Leon. Taiwan: Purple Sands Publishers, 1998.
18. Wellesley College (Jewett Arts Center April
16-June 6, 1967). Chinese Art: Symbols and Images. Wellesley, Mass.,
1967.
Sách tiếng Trung Hoa
Số lượng sách viết bằng Hoa ngữ về trà và ấm
trong tủ sách của tôi phong phú hơn cả tiếng Việt và tiếng Anh gộp lại. Tuy
chưa ghi chép những loại tạp chí về nghệ thuật và chuyên môn dành riêng cho bộ
môn này nhưng số lượng sách cũng đã đến con số trăm, phần lớn là những loại
sách bìa cứng, in đẹp trình bày về nét đặc thù của ấm Nghi Hưng và những nghệ
nhân nổi danh. Những sách Nghi Hưng phần lớn là loại sách in giới hạn vì công
phu nhiều, giá đắt và chỉ những người thích đào nghệ Trung Hoa mới chịu mua. Có
lẽ các tác giả in ra vì không muốn công lao của mình bị mai một và tặng bạn bè,
người nghiên cứu nên số lượng giới hạn, có trong tay nhờ duyên hơn là vì mua tại
nhà sách. Những cuốn sách này là loại chuyên môn nên thường in trên giấy trắng
tốt, hình ảnh đẹp đẽ rõ ràng và rất nặng, bưng độ ba bốn cuốn đã thấy khó.
Ngoài sách, tôi cũng có sưu tập được nhiều tạp
chí về nghệ thuật và cổ ngoạn nên cũng có những bài viết rải rác trên đó. Riêng
những tạp chí chuyên về trà hay ấm thì hiện nay Đài Loan hay Hoa lục đều có nhiều
nhưng vì không sống trong một cộng đồng người Hoa nên tôi chỉ sưu tầm được những
số rời. Tuy vậy những tạp chí này luôn luôn có những bài viết giá trị, chuyên
sâu để người quan tâm đọc và tham khảo. Họ cũng hay trình bày những ấm mới và
xu hướng thời đại để tạo thêm uy tín. Trong tủ sách của tôi có một cuốn Trà
Kinh rất nhỏ (9x5.5cm) đóng bằng chỉ là một món rất lạ trên đất Mỹ này.
Cái ấm song ẩm Long Vân Khánh Hội và bản Trà
Kinh
Trong khoảng vài chục năm gần đây, khi kỹ thuật
ấn loát và truyền thông đã phát triển vượt bực, sách viết về ấm đất vẫn thu hút
được nhiều người quan tâm nhưng có lẽ đã bão hoà. Trong tương lai không xa,
ngành nghiên cứu và các tác phẩm liên quan đến tử sa rồi sẽ chững lại.
1.
Ân, Vĩ (殷偉). Trung Quốc Trà Sử Diễn Nghĩa
(中國茶史演義). Côn Minh: Vân Nam Nhân Dân xb xã,
2001.
2.
Bá, Nguyên (柏原). Đàm Hoa Thuyết Mộc (谈花说木). Thiên Tân: Bách Hoa Văn Nghệ xuất bản xã, 2004.
3.
Biên Tập Uỷ Viên Hội (編輯委員會). Tảo Kỳ Hồ Sự Điển (早期壺事典) Nghi Hưng Tử Sa Tối Hậu Đích Quan Diêu (宜興紫砂最後的官窯). Đài Bắc: Ngũ Hành Đồ Thư, 2009.
4.
Biển, Ông (扁翁) và Hứa Khiêm (许谦). Trung Quốc
Đương Đại Tử Sa Giám Thưởng (中国当代紫砂鉴赏) Appreciation of Modern Chinese Dark-Red Pottery. Bắc Kinh:
Lam Thiên xbx, 2002.
5. Bình Lâm Trà Diệp Bác Vật Quán (坪林茶葉博物館). Đài Loan Trà Hương Chi Lữ (台灣茶鄉之旅). Đài Bắc: Liên Kinh, 2004.
6.
Cánh, Hồng (竟鴻). Danh Trà Chưởng Cố (名茶掌故). Thiên Tân: Bách Hoa Văn Nghệ xb xã, 2004.
7.
Cạnh, Hồng (競鴻), Ngô Hoa (吴華) chủ biên. Trà Si (茶痴). Thượng Hải: Thượng Hải Trung Y Dược đại học xb xã, 2006.
8.
Cao, Dã Kiện Thứ (高野健次) soạn, Thiềm Long Tương (詹龙骧) dịch. Thân
Thủ Phao Bôi Hảo Hồng Trà (亲手泡杯好红茶). Trung Quốc Kiến Tài công nghiệp xuất bản xã, 2002.
9.
Cố, Cảnh Chu (顧景舟) [chủ biên]. Nghi Hưng Tử Sa
Trân Thưởng (宜興紫砂珍賞). Hongkong: Tam
Liên Thư Điếm, 1992.
10.
Cố, Hán Chương (顧漢章). Tử Sa Thiên Hạ (紫砂天下). Đài Loan: Tử Ngọc Kim Sa Tạp Chí Xã, 1993.
11.
Chiêm, Huân Hoa (詹勳華). Nghi Hưng Đào Khí Đồ Phổ (宜興陶器圖譜) [3rd Ed.]. Đài Bắc: Nam Thiên Thư Cục, 1993.
12.
Chu Khả Tâm Tử Sa
Đào Nghệ Bách Niên Kỷ Niệm Biên Ủy Hội (朱可心紫砂陶艺百年紀念编委会). Chu Khả Tâm Tử Sa Đào Nghệ
Bách Niên Kỷ Niệm (朱可心紫砂陶艺百年紀念). Thượng Hải:
Thượng Hải Nhân Dân Mỹ Thuật xbx, 2003.
13.
Chu, Tiểu Đông (周小东) chủ biên. Nghi Hưng Diêu Hệ (宜興窑系). Trung Quốc Văn Hoá xbx, 2016.
14.
Chu, Trạch Vĩ (朱泽伟). Nghi Hưng Tử Sa Khoáng Liệu (宜興紫砂礦料). Bắc Kinh: Địa Chất xuất bản xã, 2009.
15.
Chu, Trọng Thánh (朱重聖). Bắc Tống Trà Chi Sinh Sản Dữ
Kinh Doanh (北宋茶之生產與經營). Ðài Loan:
Học Sinh thư cục, 1985.
16.
Diệp Vũ, Tình Xuyên
(葉羽晴川). Công
Phu Trà (工夫茶). Bắc Kinh: Trung Quốc Kinh Công Nghiệp
xb xã, 2005.
17.
Diệp Vũ, Tình Xuyên
(葉羽晴川). Trà
Duyên (茶緣). Bắc Kinh: Trung Quốc Kinh Công Nghiệp
xb xã, 2005.
18.
Diêu, Quốc Khôn (姚國坤) , Hồ Tiểu Quân (胡小軍). Trung Quốc Cổ Ðại Trà Cụ (中國古代茶具). Thượng Hải: Thượng Hải Văn Hoá xb xã, 2000.
19.
Dương, Á Quân (杨亚君). Trung Quốc Nghi Hưng Quốc Tế Đào Nghệ Triển Hoạch Tưởng Tác Phẩm Tập (中国宜兴国际陶艺展获奖作品集) 2001 International Clay Art Exhibition
Awards, Yixing, China. Yixing: 2001.
20.
Đảo Vĩ Thân Tam (島尾伸三) [Nhật Bản]. Trung Quốc Trà Độc Bản (中国茶読本). Story of Tea China. Corona Books, 1996.
21.
Hàn Hải (翰海) Cổ Đổng Trân Ngoạn (古董珍玩) Tử Khí Đông Lai (紫器東來) Sa Hồ Chuyên Trường (砂壺專場). Beijing: Hanhai 2012 Seasonal Auctions No. 79,
2012.
22.
Hàn, Kỳ Lâu (韩其楼). Tử Sa Hồ Toàn Thư (紫砂壶全书). Phúc Kiến Mỹ Thuật xbx, 2002.
23.
Hàn, Thiếu Khải (韩少启). Tử Sa Mính Hồ (紫砂茗壶). Thâm Trấn Nhiếp Ảnh xuất bản xã, 2003.
24.
Hoàng, Chính Hùng (黄正雄). Chu Nê Hồ Đích Thế Giới (朱泥壺的世界) (in lần thứ ba). Đài Loan: Hồ Trung Thiên Đệ xbx, 2011.
25.
Hoàng, Chính Mẫn (黃正敏). Trà Nhân Lục Tải Thoại Trà
(茶人六載話茶). Ðài Bắc: Sa Khanh, 1998.
26.
Hoàng, Kiện Lượng (黃健亮), Hoàng Di Gia (黃怡嘉). Kinh Khê Tử Sa Khí (荊溪紫砂器). Ðài Bắc: Doanh Ký Ðường Nhân Công Nghệ xb xã, 1999.
27.
Hoàng, Kiện Lượng (黄健亮), Hoàng Di Gia (黄怡嘉) [chủ biên].
Kinh Khê Chu Nê – Minh Thanh Nghi Hưng Chu Nê Hồ Nghiên Cứu (荆溪朱泥-明清宜興朱泥壺硏究) Jingqi Zhuni – The Study of Yixing
Zhuni Teapots During the Ming and Qing Dynasties. Đài Bắc: Doanh Ký Đường
Nhân Công Nghệ xuất bản xã, 2010.
28.
Hoàng, Kiện Lượng (黄健亮), Hoàng Di Gia (黄怡嘉). Đương Đại
Tử Sa Quần Anh (當代紫砂群英) [Contemporary
Purple Sand Master Potters] Đài Bắc: Doanh Ký Đường Nhân Công Nghệ xuất bản xã,
1997.
29.
Hoàng, Kiện Lượng (黄健亮), Hoàng Di Gia (黄怡嘉). Tưởng
Dung Đào Nghệ (蔣蓉陶藝). Đài Bắc: Doanh
Ký Đường Nhân Công Nghệ xuất bản xã, 2000.
30.
Hoàng, Kiện Lượng (黄健亮). Minh Thanh Tử Sa Nghệ Thuật (明清紫砂藝術). Đài Bắc: Doanh Ký Đường Nhân Công Nghệ, 2007.
31.
Hướng, Thường Hoa (向常華) Trà Nghệ Ðại Quan (茶藝大觀). Bắc Kinh: Kim Thành xb xã, 2005.
32.
Kha, Tú Tuyết (柯綉雪). Danh Hồ Tập Cẩm (名壺集錦). Đài Bắc: Đồng Văn xuất bản xã, 1992.
33.
Lâm, Chính Phương (林正芳). Hồ Nghệ Càn Khôn – Trà Cụ Thiết
Kế Chế Tác Dữ Nghiên Cứu (壺藝乾坤-茶具設計制作與研究). Ðài Bắc: Bách Nghệ, 1993.
34.
Lâm, Thuỵ Huyên (林瑞萱). Lục Vũ Trà Kinh Giảng Toạ (陸羽茶經講座). Ðài Bắc: Võ Lăng xb, 2000.
35.
Lâm, Trị (林治). Trung Quốc Trà Tình (中國茶情). Bắc Kinh: Trung Hoa Công Thương Liên Hợp xb xã, 2001.
36.
Lâm, Vĩ Hạo (林煒浩) chủ biên. Hát Đích Sơ Thái Lục Trà (喝的蔬菜綠茶). Đài Bắc: Sinh Hoạt Y Học Thư Phòng, 1995.
37.
Lê, Thục Nghi (黎淑儀) [chủ biên]. Thư, Hoạ, Ấn, Hồ: Trần Hồng Thọ đích nghệ thuật (書,畫,印,壺: 陳鴻夀的藝術). The Art of Chen Hongshou –
Painting, Calligraphy, Seal-carving and Teapot-design. Shanghai Museum,
Nanjing Museum and Art Museum, The Chinese University of Hongkong, 2005.
38.
Liễu, Chấp Nhất (柳執一). Trung Quốc Truyền Thống Tử Sa
Hồ (中國傳 統紫砂壺). Bắc Kinh: Nhân Dân Mỹ Thuật xb xã,
2006.
39.
Liu, Tong (刘彤). Chinese Tea 中国茶 (Yue Liwen 乐利文dịch). China
International Press, 2005.
40.
Lực, Tân (力新). Ẩm Trà Mạn Đàm (飲茶漫談). Đài Bắc: Quốc Gia xuất bản xã, 1983.
41.
Lương, Bạch Tuyền (梁白泉). Nghi Hưng Tử Sa (宜興紫砂). Yixing Purple Clay Ware. Hongkong: Văn Vật xuất bản xã, Lưỡng Lâm
xuất bản xã, 1990.
42.
Lương, Trị (良治). Tử Sa Thưởng Ngoạn (紫砂賞玩). Ðài Bắc: Nghệ Thuật Ðồ Thư, 1993.
43.
Lý, Anh Hào (李英豪). Tử Sa Trà Hồ (紫砂茶壺). Hương Cảng: Bác Ích, 1995.
44.
Lý, Cảnh Đoan (李景端), Vương Ngao Bàn (王敖盤). Mính Hồ
Cạnh Diễm (茗壺競艶). Charm of
Dark-Red Pottery Teapots. Nam Kinh: Dịch Lâm xuất bản xã, 1992.
45.
Lý, Hựu Nhậm (李祐任) và Lý Dã (李野). Nghi Hưng chi
lữ (宜興之旅). Cao Hùng: Lý Hựu Nhậm đào nghệ công
ty, 1987.
46.
Lý, Nam Hành (李南衡). Hát Trà Thời Gian (喝茶時間). Đài Bắc: Hoàng Quan xuất bản xã, 1989.
47.
Lý, Phú Mỹ (李富美). Hồ Phổ (壺譜). Đài Bắc:
Thiên Địa Phương Viên Tạp Chí Xã, (?)
48.
Lý, Thiên Lai (李天來). Tử Sa Phong Vân (紫砂風雲): Cư Nhân Đường Tử Sa Bảo Điển (居仁堂紫砂寶典). Purple Clay Legend: The Treasure Purple Clay Ware – Collection of
Chunjen Gallery. Đài Bắc, 1996.
49.
Lý, Thuỵ Long (李瑞隆). Nghi Hưng Cổ Đào Khí Giám Thưởng (宜興古陶器鑑賞). Đài Trung: Tĩnh Quan Đường, 1993.
50.
Nam Kinh Bác Vật Viện
Tử Sa Trân Phẩm Liên Triển (南京博物院紫砂珍品联展). Tử Ngọc Ám Hương (紫玉暗香). Yixing Stoneware Hidden Fragrance of Purple Jade. The
Collection from Nanjing Museum and Mai Foundation. Nanjing Museum Mai
Foundation, 2008.
51.
Nghi Hưng Thị Nhân
Dân Chính Phủ (宜兴巿人民政府). Đào Đô
Phong (陶都風) Tử Sa Nghệ Thuật Triển (紫砂艺術展). Essence in Zisha – Eastern Intangible Cultural Heritage of Yixing
Stoneware. Đinh Thục Trấn: Poly Art Museum, 2018.
52.
Ngô, Đức Lượng (吳德亮). Đài Loan Trà Khí (台灣茶器). Đài Bắc: Liên Kinh, 2012.
53.
Ngô, Minh (吳鳴). Ngô Minh Đào Nghệ (吳鳴陶藝) The Purple Sand Clay Arts of Wu-Ming. Đài Bắc: Doanh Ký Đường
Nhân Công Nghệ xuất bản xã, 1997.
54.
Ngô, Sơn (吳山). Nghi Hưng Tử Sa Từ Điển (宜興紫砂辭典). Đài Bắc: Doanh Ký Đường Nhân Công Nghệ, 2002.
55.
Ngô, Trí Hoà (吳智和). Trà Ðích Văn Hoá (茶的文化). Ðài Bắc: Hành Chính Viện Văn Hoá Kiến Thiết Uỷ Viên Hội, 1984.
56.
Nguỵ, Cầm (魏琴). Phẩm Trà Dữ Bảo Kiện (品茶與保健). Thượng Hải: Thượng Hải Khoa Học Kỹ Thuật xb xã, 2001.
57.
Nguyễn, Hạo Canh (阮浩耕) tổng chủ biên. Vương Kiến Vinh (王建荣), Ngô Thắng
Thiên (吴胜天) biên trứ. Trung Quốc Danh Trà Phẩm
Giám (中国名茶品监). Tế Nam: Sơn Đông Khoa Học Kỹ Thuật xuất
bản xã, 2001.
58.
Hoàng, Kiện Lượng (黄健亮). Minh Thanh Tử Sa Nghệ Thuật (明清紫砂藝術). Đài Bắc: Doanh Ký Đường Nhân Công Nghệ, 2007.
59.
Pettigrew, Jane. Trà
Giám Thưởng Thủ Sách (茶鉴赏手册) (The Tea Companion – A Connoisseur’s Guide ). Thượng Hải: Thượng Hải
Khoa Học Kỹ Thuật xuất bản xã, 1997.
60.
Phan, Gia Lai (潘嘉来) chủ biên. Liễu, Chấp Nhất (柳执一) biên soạn. Tử
Sa Hồ (紫砂壶). Bắc Kinh: Nhân Dân Mỹ Thuật xuất bản
xã, 2006.
61.
Qin Dao Rong De (琴島榮德). Bắc Kinh Cầm Đảo Vinh Đức Quốc Tế (北京琴島榮德國際) 2011. Bắc Kinh: Lượng Mã Hà Đại Triển, 2011.
62.
Quốc Lập Lịch Sử
Bác Vật Quán (國立歷史博物舘). Connoisseur’s
Tea (茶的文化). Đài Bắc: Quốc Lập Lịch Sử Bác Vật
Quán, 1997.
63.
Quốc Lập Lịch Sử
Bác Vật Quán (國立歷史博物館). National Museum of History. Lịch Đại
Tử Sa Khôi Bảo (歷代紫砂瑰寶展). The
Treasurable Violet Sand Teapots in all Dynasties in China. Đài Bắc: Doanh
Ký Đường Nhân Công Nghệ xuất bản xã, 1995.
64.
Sadler, A. L.
Cha-No-Yu: The Japanese Tea Ceremony
(12th ed.). Tokyo: Charles E. Tuttle Company, 1998.
65.
Sái, Vinh Chương (蔡榮章). Trà Ðạo Giáo Thất – Trung Quốc
Trà Học Nhập Môn Cửu Ðường Khoá (茶道教室-中國茶學入門九堂課). Ðài Bắc: Thiên Hạ Văn Hoá, 2002.
66.
Tam Hoà Bảo Ký (三和寶記) – Đường Nhân Công Nghệ (唐人工藝). Chu Nê Bảo Ký (朱泥寶記). Đài Bắc: Doanh Ký Đường Nhân Công Nghệ xuất bản xã, 2010.
67.
Tống, Bá Dận (宋伯胤), Ngô Quang Vinh (吴光荣), Hoàng Kiện
Lượng (黄健亮). Tử Sa Mính Hồ Trân Thưởng (紫砂茗壶珍赏) 4 tập. Bắc Kinh: Ấn Loát Công Nghiệp xuất bản xã, 2011.
68.
Tùng Thư Biên Uỷ Hội
(从书编委会) biên soạn. Trung Quốc Trà Văn Hoá (中国茶文化). Bắc Kinh: Ngoại Văn xbx, 2010.
69.
Từ, Tú Đường (徐秀棠). Từ Tú Đường Tử Sa Đào Nghệ Tập (徐秀棠紫砂陶艺集). Thượng Hải: Thượng Hải Cổ Tịch xuất bản xã, 2000.
70.
Từ, Tú Đường (徐秀棠). Trung Quốc Tử Sa (中國紫砂) [3rd Ed.]. Thượng Hải: Thượng Hải Cổ Tịch xuất bản xã,
2000.
71.
The K. S. Lo
Collection, Flagstaff House Museum of Tea Ware (茶具文 物館羅桂祥珍藏). Yixing
Purple Clay Wares (宜興紫砂陶器). Hongkong:
Hongkong Museum of Art Production Team, 1994.
72.
The Mai Foundation.
Chinese Yixing Teawares (Cổ Hồ Chi Mỹ - 古壺之美). Đài Bắc: Tài Đoàn Pháp Nhân Thành Dương Nghệ Thuật Văn Hoá Cơ Kim Hội,
2000.
73.
Trà Thục Hương Ôn (茶熟香温). Tử Sa Mính Cụ dữ Hoa Khí Thanh Thưởng
(紫砂茗具與花器清賞). Beijing Poly Auction December 5th,
2011.
74.
Trần, Lữu Sinh (陈茆生). Tử Sa Đề Vịnh Thưởng Tích (紫砂題詠賞析). Trung Quốc Văn Liên xbx, 2016.
75.
Trần, Mão Sinh (陈茆生), Mã Đông Dĩnh (马东郢) chủ biên. 2003
Thủ Giới Nghi Hưng Đào Nghệ Tân Nhân Tân Tác Hoạch Tưởng Tác Phẩm Tập (首届宜兴陶艺新人新作获獎作品集). Đài Bắc: Đường Nhân Công Nghệ xuất bản xã, 2003.
76.
Trần, Mộng Nhân (陈梦人) biên soạn, Tưởng Quân (蔣君) chủ biên. Trung
Quốc Tử Sa Hồ Điển (中国紫砂壶典). Nam Kinh: Văn Vật
xbx, 2014.
77.
Trần, Quí Sâm (陳癸森) (phát hành). Nghi Hưng Trà Hồ Tinh Phẩm Lục (宜興茶壺精品錄). Ðài Bắc: Quốc Lập Lịch Sử Bác Vật Quán, 1989.
78.
Trần, Tông Mậu (陳宗懋). Trung Quốc Trà Kinh (中國茶經). Thượng Hải: Thượng Hải Văn Hoá xb xã, 2004.
79.
Trì, Tông Hiến (池宗宪). Phổ Nhĩ Trà (普洱茶). Trung Quốc
Hữu Nghị xb công ty, 2005.
80.
Trì, Tông Hiến (池宗憲). Nhất Bôi Trà Ðích Sinh Hoạt
Triết Học (一杯 茶的生活哲學). Bắc Kinh: Trung Quốc Hữu Nghị xb công ty, 2005.
81.
Trì, Tông Hiến (池宗憲). Vũ Di Trà (武夷茶). Bắc Kinh: Trung Quốc Hữu Nghị xb công ty, 2005.
82.
Triệu, Tiểu Điệp (趙小蝶). Hồ Cẩm – Đương Đại Tử Nghệ Trân Phẩm Tập (壺錦-當代紫藝珍品集) The Contemporary Art of “Hujin” and
its Masters. Hongkong: Jin Feng International Co Ltd., 1992.
83.
Trương, Chí Phong (張志峰). Nhận Thức Hồng Trà Đích Đệ Nhất Bản Thư (認識紅茶的第一本書). Đài Bắc: Vũ Hà Văn Hoá, 2007.
84.
Trương, Hoành Dung
(張宏庸). Ðài
Loan Trà Nghệ Phát Triển Sử (臺灣 茶藝發展史). Ðài Trung: Thần Tinh, 2002.
85.
Trương, Phong Vinh
(張豐榮). Ẩm Trà dữ Thưởng Hồ (飲茶與賞壺). Đài Bắc: Quan Luân Văn Hoá Sự Nghiệp Hữu Hạn Công Ty, 1995.
86.
Vân, Phong (云峰). Phẩm Trà Ðịa Ðồ (品茶地圖). Bắc Kinh: Nông Thôn Ðộc Vật xb xã, 2004.
87.
Vô danh. Dương
Tiện Sa Hồ Đồ Khảo (陽羨砂壺圖攷). Hongkong: Hương
Cảng Trung Văn Đại Học Văn Vật Quán, 1998.
88.
Vương, Độ (王度) Wellington Wang. Tử Nê (紫泥) Purple Clay -Wellington Wang’s Collection of
Yixing Wares. Đài Bắc: Kỳ Viên Quốc Tế Sự Nghiệp Hữu Hạn Công Ty, 1993.
89.
Vương, Tòng Nhân (王從仁). Trung Quốc Trà Văn Hoá (中國茶文化). Thượng Hải: Thượng Hải Cổ Tịch xb xã, 2001.
90.
Wang, Ling (王玲). Chinese Tea Culture (中國茶文化). Bắc Kinh: Ngoại Văn xb xã, 2000. Phoenix Art Museum. Tea and
Immortality (Contemporary Chinese Yixing Teapots from the James T. Bialac
Collection).
91.
Cố Cung Bác Vật Viện
(故宮博物院) [Bắc Kinh]. Cố Cung Kinh Điển (故宮經典). Nghi Hưng Tử Sa Đồ Điển (宜兴紫砂图典). Classic of the Forbidden City: Yixing Zisha. Bắc Kinh: Cố Cung xuất
bản xã, 2012.
Đến sưu tầm …
Nhiều người khi nói đến ấm đất chỉ hình
dung được một dụng cụ để pha trà nhưng không biết rằng ấm trà có nhiều liên
quan đến xã hội hơn chúng ta tưởng. Nếu không nói quá, cái ấm là một tác phẩm
nghệ thuật nên sự trân trọng mỗi người một khác vì không mấy khi người ta có
cùng một quan điểm nghệ thuật. Vả lại ấm trà lại là dụng cụ thường dùng nên
luôn luôn có cái gắn bó riêng giữa người chủ và món đồ, không khác gì người học
trò yêu cái nghiên, cây bút, cuốn sách của mình. Còn uống trà thì lại là một kết
hợp nhuần nhuyễn giữa người và vạn vật phức tạp không thể chia cắt, mỗi người lại
có một sở thích riêng, không người nào giống người nào. Ở Nhật uống trà được
nâng lên thành một đạo, không phải chỉ là một cách thức mà là một tập hợp nghi lễ
nghiêm nhặt không được vi phạm hay sai sót. Ý nghĩa của chữ đạo được áp dụng
vào nhiều ngành như nhu đạo, hiệp khí đạo, kiếm đạo, cung đạo … Nghi thức pha
trà uống trà của người Nhật là một loại tôn giáo.
Ở Trung Hoa, uống trà chia thành nhiều
giai tầng và với giới sĩ phu thì là một phần sinh hoạt của người đọc sách. Nếu
một thư sinh quí trọng những dụng cụ làm văn của họ thế nào thì việc nâng niu
cái ấm trà cũng thế. Chúng ta từng nghe đến những chiếc nghiên quí làm bằng đá
Đoan Khê, đá Hấp sơn (Thiệp nghiễn), đá Tùng Hoa, ngói Đồng Tước …, những thỏi
mực Tùng Yên, những cuộn Tuyên chỉ, bút Hồ châu thì bên cạnh văn phòng tứ bảo,
giới nho sĩ còn nhiều vật dụng khác hàm chứa không chỉ phong độ mà còn mang ý
nghĩa của đời sống. Hầu như mọi ẩn dụ đều có thể gửi gấm qua chiếc ấm nhỏ như một
dấu ấn của chủ nhân. Chính vì thế, ấm đất trở nên đa dạng đến mức mọi lời chúc
tụng, mọi điều may mắn đều có thể hiện diện qua hình dáng, nét chữ hay điêu khắc
trên một vật dụng chỉ nhỏ bằng nắm tay.
Người ta bảo rằng Trung Hoa có cả một nền
văn hoá biểu tượng và nhìn đâu cũng thấy một ý nghĩa bên ngoài cái thực tế vật
thể. Cái quan niệm “thượng nhất thốn vi sơn, hạ nhất thốn vi thuỷ” (một
tấc cao lên cũng có thể coi như núi mà một tấc lõm xuống cũng có thể coi như nước)
của thầy địa lý và vũ trụ được thu lại trên một lá số tử vi, tử bình hay trên
khuôn mặt. Chỉ bằng những dấu hiệu hay tên gọi đơn giản, người ta đã nhìn thấy
đầy đủ âm, dương, thiên, địa, trời tròn đất vuông, công hầu khanh tướng thì
đúng là một triết học biểu tượng không đâu cho hết.
George Rowley trong Principles of Chinese
Painting (Princeton, 1959) nói rằng “Người Trung Hoa nhìn cuộc đời không chủ
yếu qua tôn giáo hay triết học, hay khoa học, mà qua nghệ thuật. Mọi sinh hoạt
của họ hầu như luôn luôn được tô màu bằng rung động nghệ thuật của họ” (tr.
3).[6]
Thành thử, khi ngắm một chiếc ấm đất, công dụng pha trà chỉ là một phần mà những
trang trí như đóa hoa, cành cây, con dế, con châu chấu … lại nói lên nhiều điều
và mang theo một ý nghĩa gửi gấm của người thợ và sự kén chọn của chủ nhân. Chỉ
vài nét chữ viết thảo có thể khiến cho người ta không chán mắt vì chữ viết là một
bức tranh dù chỉ một hay nhiều chữ. Tặng nhau chữ nghĩa luôn luôn bao hàm nhiều
hiểu ngầm, khen tặng, tán dương cũng nhiều mà chê bai, mỉa mai cũng lắm.
Chính từ cái văn hoá giàu tưởng tượng đó,
người sưu tầm ấm không thể không quan tâm đến cái ý nghĩa sâu kín mà người ta gửi
vào món đồ ta có trên tay. Nói đến công dụng, chúng ta cần biết về các loại đất
để nặn ấm, loại ấm nào tốt cho pha trà, cỡ nào thích hợp cho một người hay đông
người nhưng nếu còn coi ấm như một người bạn thì ngoài vật thể, người ta còn
săm soi đến nét khắc, chữ viết, hình vẽ, con dấu và những đặc trưng. Đa số hình
dáng và trang trí trên ấm chỉ lập lại sáng tạo của người đi trước, hiếm khi nào
một kiểu mới, ý mới nên bên cạnh nghệ thuật, kỹ năng của người thợ nếu như
chúng ta lại đọc được trình độ, nhân cách của người nghệ sĩ một cách bất ngờ
thì niềm vui đó vượt ra ngoài cái trị giá của món đồ.
Những ẩn dụ là để phụ vào chủ thể nên
càng kín đáo càng tốt, nhất là không làm trở ngại cho cơ năng chính là để pha
trà. Nhiều chiếc ấm có diễn tả vượt trội, trở thành một tác phẩm điêu khắc rườm
rà thì không còn cái ý nghĩa nguyên thuỷ nữa. Có cái ấm làm hình xe cút kít
(one-wheel barrow nay trong nước gọi là xe rùa), có cái làm theo hình bàn tay
chỉ để trưng không thể nào dùng pha trà được. Cũng vì thế, nhiều cái ấm chỉ cốt
để người thợ phô diễn cái khéo léo của họ nên vô hình trung trở thành một nghệ phẩm
làm bằng đất nung mà tuyệt nhiên không có thể dùng như một gia cụ. Tôi có một
chiếc ấm khá lớn, làm thành hình một cái túi da rất khéo đến tận những đường chỉ
khâu. Chiếc ấm đó dưới đáy có đề làm năm Dân Quốc 30 là năm 1941 đến nay đã 84
năm kể cũng là đồ cổ. Tuy nhiên tôi không có ý định dùng để pha trà vì dị hợm
quá.[7]
Marvin Sweet để một nửa cuốn sách để
trình bày các nghệ nhân mới ở Mỹ lấy cảm hứng từ ấm Nghi Hưng[8] tạo hình rất khác thường nên không còn là trà cụ mà thuộc phạm vi nghệ
thuật nên đã vượt ra ngoài nghiên cứu của người viết. Trong tủ sách của chúng
tôi có hai cuốn của Garth Clark và tác phẩm của Ah Leon tuy không thuộc về nghệ
thuật uống trà nhưng cung cấp nhiều tài liệu và thông tin cho ẩm phẩm thuộc loại
này.
Tôi cũng có một cái ấm hình bàn tay Như
Lai khi để cho Tôn Ngộ Không nhảy qua (cái nắp ấm là một con khỉ), làm cũng
khéo nhưng chẳng để làm gì cả. Tôi cũng có một cái ấm có ba tay cầm và ba vòi,
khi pha cầm quai nào cũng rót được. Cái thời đại mà những người thợ Nghi Hưng đua
nhau làm những chiếc ấm lạ thường nay đã cáo chung. Lâu nay tôi không thấy ai
bán những ấm loại đó nữa.
PHẦN I
LỊCH SỬ ẤM TỬ SA
Dựa trên các chuyên gia Trung Hoa, việc
khởi đầu của ấm tử sa có nhiều sự tích truyền kỳ. Điều đó cũng dễ hiểu vì người
Tàu có những tưởng tượng rất phong phú, ấm cũng như trà được trau chuốt bởi những
đầu óc lãng mạn lúc nào cũng có thể biến một việc tầm thường thành một khung cảnh
rất linh động và nên thơ.
Ngành nặn ấm phát xuất từ một địa phương
bên cạnh một con sông, dân chúng vốn chuyên làm các thạp sành, chum, vại và từ
các bãi đậu được chở đi phân phối khắp nơi bằng thuyền. Cái ngành tiểu công nghệ
ấy là sinh nhai của những người cùng khổ, ít học và đời sống rất vô danh.
Theo truyền thuyết, Cung Xuân (供春) là người đầu tiên dùng đất tử sa Nghi Hưng để nặn ấm và dựa trên những
sản phẩm được coi là do ông nặn ra thì Cung Xuân cũng là người khởi đầu ấm loại
nhỏ tức là khoảng 350 ml để uống trà. Cái tiêu chuẩn này thực ra không phải ngẫu
nhiên hay được tính toán một cách khoa học mà chỉ vì đây là cỡ ấm mà người thợ
có thể nặn bằng tay mà vẫn giữ được những nét tinh xảo. Cỡ ấm đó không giới hạn
bàn tay người thợ, lại cũng là một cái khung vẽ (canvas) để người ta thi triển
tài nghệ điêu khắc hay viết chữ. Nguồn gốc xuất thân của Cung Xuân vốn là một
tiểu đồng theo hầu một nho sinh, học nghệ từ một nhà sư vô danh cũng nói lên phần
nào cái căn nguyên của nghề nặn ấm.
Đây là tiêu chuẩn và lượng giá theo người
ngày xưa khi còn tiểu thủ công nghệ chứ gần đây thì máy móc và kỹ thuật cao đã
tạo ra những tiêu chuẩn mới, tinh xảo và đẹp đẽ hơn nhiều. Nếu một chiếc ấm cũ
được trả giá rất cao, đó là giá trị cổ và lịch sử của nó, không phải là tốt hay
uống trà trội hơn ấm mới làm. Ngược lại, một chiếc ấm mới có giá hàng chục
nghìn dollars thì cũng không phải vì vật liệu đắt hơn – tuy cũng có kén chọn và
thổi phồng – nhưng chính cái tên của người nặn ấm mang lại cái giá trị, cũng
như một họa sĩ nổi danh thì chỉ nguệch ngoạc vài nét trông như tác phẩm của trẻ
con lớp Một cũng được mua với giá khiến chúng ta phải lắc đầu.
Hiện nay trên thế giới còn một vài chiếc ấm
đề tên Cung Xuân để trong viện bảo tàng nhưng có thực là của ông hay không thì
không ai dám khẳng định.[9]
Trước đây người ta chỉ dùng đất không tráng men nặn những dụng cụ hình khối để
chứa nước hay rượu nhưng Cung Xuân thêm vòi và quai để thành ấm uống trà. Bỏ
qua những huyền thoại, những chiếc ấm đất tử sa thoạt đầu chỉ là một hình thức
nâng cao của một đứa trẻ thích chơi đùa với đất sét và cái ấm làm ra cũng chỉ
là một món đồ chơi của con nhà nghèo. Vào thời kỳ đó, ấm đựng rượu, ấm uống trà
đã thông dụng nhưng đều là đồ sứ tráng men do triều đình chỉ đạo làm. Từ những
chiếc ấm đất nung có tính dân dã ấy, sự phát triển của món đồ mới này lại có sự
đóng góp của thành phần nho sĩ.[10]
Từ giới đọc sách, ấm đất lan truyền xuống
quần chúng và trở thành thông dụng trong dân gian. Đến thế kỷ XVII ấm Nghi Hưng
là một trong những sản phẩm quan trọng của Trung Hoa chở ra ngoài bán cho các
nước khác như Nhật Bản, Âu Châu, vùng Đông Nam Á (nhiều nhất là Xiêm La). Những
ấm đất loại lớn thường được dùng làm nồi đun nước luôn cho tiện nên những di chỉ
của nông dân dùng ngoài đồng thường đáy ám khói đen, còn các loại ấm nhỏ hơn,
nhất là ấm nhỏ bằng quả quít thì là vật tùy thân của giới đọc sách. Tuy không
thuộc về văn phòng tứ bảo (bút, nghiên, giấy, mực) ấm đất là một người bạn của
nhà nho và người ta nâng việc uống trà, thưởng trà lên thành một sinh hoạt không
thể thiếu của nho sĩ.
Chúng ta cũng không thể không biết đến những
thăng trầm lịch sử ảnh hưởng đến việc tạo tác ấm tử sa, liên quan trực tiếp đến
các mặt hàng xuất cảng ra nước ngoài tuỳ theo sở thích của từng vùng. Ấm đất
khi chở sang Âu Châu thường có bọc kim loại, thêm dây xích nhỏ nối từ nắp vào
quai hay vòi và sau này khi đã học được cách thức sản xuất, họ cũng tự tạo những
sản phẩm rất gần với ấm đất Trung Hoa.
Hàng bán sang các nước Đông Nam Á cũng
chiều theo thị hiếu của dân bản xứ, chẳng hạn hàng xuất cảng sang Xiêm La thường
là ấm chà nhẵn (phao quang) dưới đáy thường có con dấu chữ Thái và bao kim (bọc
kim loại lên nắp ấm, quai ấm, vòi ấm …). Giới tiêu thụ ấm chủ yếu là người
Trung Hoa di cư ra bên ngoài nên nếu săn tìm chúng ta có thể kiếm thấy nhiều ấm
cũ tại Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan …
Hàng bán sang nước ta không nhiều và theo
nhiều nhà nghiên cứu thì thời kỳ ấm Nghi Hưng bán ra ngoài thịnh đạt nhất là
khoảng giữa thế kỷ XIX, khi ngay tại Trung Hoa việc đi lại khó khăn và loạn lạc
đã làm gián đoạn những mặt hàng cao cấp. Đây cũng là giai đoạn sản phẩm bán ra
ngoài là hàng thương mại, rẻ tiền hiếm có loại tốt nên người mua phải dựa vào
nhãn hiệu sản xuất như Thế Đức, Quân Đức, Mạnh Thần, Lưu Bội để lựa chọn một
chiếc ấm. Trong những hàng hoá trục vớt từ các thuyền buôn bị đắm ở hải phận nước
ta, đồ gốm Nghi Hưng chỉ bao gồm các ấm đơn giản kiểu thuỷ bình, là giai đoạn
mà nước ta tiêu thụ nhiều nhưng không phải là những sản phẩm có giá trị.
Chỉ mới độ mươi năm nay, trong nước đã xuất
hiện nhiều nhóm và tổ hợp chuyên nghiên cứu, trao đổi ấm trà như một loại mặt
hàng cao cấp không khác gì nhiều người đam mê tìm hiểu và sưu tầm xe hơi, đồng
hồ, túi xách … mà thỉnh thoảng người ta cũng đem ra bàn tán trên báo chí.
Đất Tử Sa
Theo những chuyên gia về khoáng liệu thì
đất đá vùng Nghi Hưng có nhiều cát nên sau khi nung trong đất vẫn còn những khí
khổng li ti (pores) và người ta có thể dùng lưỡi nếm những mảnh vỡ để xem sức
dính mà định lượng giá trị của nguyên khoáng. Cũng vì nhiều cát nên độ co dãn
ít hơn đất sét dùng để làm các loại đồ sứ và cũng khó mà nặn bằng bàn xoay.
Theo lịch sử, Thời Đại Bân đời Minh là
người đã tìm ra cách đập và cắt đất sét thành những mảnh dẹp như bánh tráng rồi
cắt thành hình thắt lưng to bản để cuộn thành hình ống, sau đó dùng bản gỗ đập
vào thân ấm để tạo hình. Những chuyên gia có thể phân biệt được trên một chiếc ấm
thì nơi nào dùng kỹ thuật “đả thân đồng” (打身筒) và chỗ nào
dùng một cái lõi để đúc. Do đó, hoàn thành một sản phẩm không thuần túy là một
kỹ thuật mà là pha trộn nhiều cách khác nhau nên tuy vẫn có những chiếc ấm hoàn
toàn thủ công nhưng phần nhiều dùng cốt để đúc một số bộ phận rồi sau đó ráp và
gắn lại bằng tay. Chính vì thế việc gọi thế nào là ấm hand-made và thế nào là
machine-made thật không dễ phân biệt được. Những quai ấm đề lương (quai nổi lên
cao hình xà ngang hay vòng cầu bán nguyệt) thường không nặn bằng tay mà đúc bằng
khuôn để cho cân và chính xác.
Ngày hôm nay, một chiếc ấm có thể do nhiều
kỹ thuật khác nhau, áp dụng cách thức làm các ang, chậu, chum, vại thời trước.
Những bình hoa, chậu hoa tuy cũng là đất tử sa nhưng đều làm bằng khuôn và nhiều
kỹ xảo đang mất dần theo thời gian.
Tử Sa Và Văn Nhân
Đam mê và sưu tầm ấm đất vẫn được coi như
một đặc điểm dành cho giới văn nhân (class of literati) và tượng trưng cho sự
cao phong, u tịch, giản phác. Ấm tử sa thường dựa theo hình dáng của cây cối,
hoa cỏ, điểu thú hay các món đồ đồng, đồ gốm và gần gũi với người đọc sách không
khác gì bút, nghiên, giấy, mực. Vào đầu thế kỷ XIX, Trần Hồng Thọ (陳鴻壽), còn được biết dưới cái tên Mạn Sinh (曼生) là huyện lệnh của Lật Dương (溧陽) đã sáng chế
nhiều kiểu ấm mới và tự tay vẽ kiểu 18 loại khác nhau để cho anh em Dương Bành
Niên theo đó mà làm rồi khi đã nặn xong thì đích thân ông vẽ vời, trang sức. Ấm
Mạn Sinh được các nghệ nhân ngưỡng mộ ông như Giang Thính Hương, Cao Sảng Tuyền,
Quách Tần Gia, Tra Mai Sử thực hiện, lại cũng có một số do chính tay ông nặn.
Những chiếc ấm đó bao giờ cũng được ông đề thơ nên vì thế mà “chữ theo ấm mà
lưu truyền, ấm có chữ càng thêm quí” (字依壺傳,壺隨字貴), người đời gọi là ấm Mạn Sinh.[11] Ấm Mạn Sinh thường có đến 3 con dấu, một của người nặn,
một của người viết chữ và một của người khắc hình.
Ngày hôm nay, những thư pháp gia hay họa
sĩ thường hợp tác với người thợ nặn ấm để trang điểm những chiếc ấm mới làm
nhưng chưa nung. Hình vẽ và chữ viết đem lại một giá trị mới cho món đồ nên nếu
có thêm những con dấu đó sẽ nhiều người sưu tầm hơn. Học trò, con cái các danh
thủ cũng thường mượn tên cha, thầy mình để đóng vào ấm nên chúng ta thường thấy
có những người tên tuổi “giám chế” “học trò” (chi đồ) như một bảo
chứng.
Thưởng trà
Nguồn: Nghi Hưng Tử Sa Đồ Điển
Những ấm có hình vẽ hay thư pháp thường
hơi lớn để có thêm không gian thi triển tài năng. Ấm viết tay một bài Bát Nhã
Tâm Kinh có giá trị hơn một chiếc ấm chỉ in lại bằng cách in ấn thông thường.
Các chiếc ấm cổ cũng được bắt chước lại cho thật giống, nhiều khi đòi hỏi một
thời gian lâu để hoàn mỹ, tuy ai cũng biết là hàng mô phỏng nhưng vẫn được coi
như một tác phẩm nghệ thuật và là đồ sưu tập cho những người yêu thích ấm tử
sa.
Người Trung Hoa cũng không ngại ngùng làm
giả ấm và các con dấu cũ để đóng lên ấm mới, coi như một phép thử người sành sỏi.
Một chiếc ấm mới giả cổ có giá lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn dollars không
còn là điều đáng ngạc nhiên. Ngay cả những ấm quí hiện đang tồn trữ trong các
viện bảo tàng cũng không ai dám chắc đó là đồ cổ nhất là với những kỹ năng tinh
vi, ấm mới nhiều khi tốt và đẹp hơn ấm cũ.
Sản Xuất Tại Nghi Hưng
Sản xuất và nung ấm trước đây không phải
là một kỹ nghệ qui mô mà là một dạng tiểu thủ công nghệ, cha truyền con nối
trong qui mô tiểu ngạch gia đình. Những gia đình chuyên nghề làm ấm có hợp đồng
để nung sản phẩm từng mẻ định kỳ và cũng thường trực tiếp bán lẻ cho quần
chúng. Những lò nung được thiết kế như một cái hang sâu (gọi là diêu - kiln) gọi
là long diêu (龍窰) khởi đầu từ dưới chân lên cao dần theo
sườn đồi (đến 70 mét), có những cửa sổ để châm củi và than. Long diêu dùng để
nung đồ sứ nhưng không thể nung lẫn lộn chung với đồ tử sa vì đốt lò bằng gỗ
thông có thể bay tro làm ám đen mất giá trị. Do đó, những long diêu nung ấm được
làm riêng và mỗi lần nung là nhiều gia đình làm ấm góp chung để cho đỡ tốn.
Dưới thời Mao Trạch Đông, các long diêu
đã bị hủy bỏ để chuyển sang hoạt động tập thể và chỉ gần đây mới tái tạo và may
mắn còn được một vài người đã từng nung ấm thời Dân Quốc có kinh nghiệm nên mới
phục hồi được. Để trông coi một mẻ ấm, người ta cần khoảng 5 đến 10 sư phó (师傅 - shifu) để lo việc đốt và châm thêm hỏa liệu, trong đó có một người
nhiều kinh nghiệm và tinh thông nhất nhìn màu lửa có thể biết được phải điều chỉnh
như thế nào gọi là khán hỏa (看火 - kanhuo).
Nung bằng long diêu mỗi lần mất hai ngày,
đầu tiên là dùng than đá đốt ở đáy lò rồi từ từ châm thêm củi qua cửa sổ tiếp
theo dọc theo thân lò. Khi đã đủ cữ, người ta dùng bùn trét cửa sổ lại rồi lên
cửa trên cao hơn cho đến cửa cuối cùng rồi để cho củi tự đốt và nguội dần rồi mới
mở lò rỡ sản phẩm ra ngoài.[12]
Hình ảnh một lò nung (phục dựng để cho khách tham quan)
Nguồn: Tảo Kỳ Hồ Sự Điển
Một bức ảnh chụp năm 1956[13]
Nguồn: Tử Sa Hồ (2006)
Tới gần đây, người ta không còn dùng củi
và than nung qua long diêu nữa mà chuyển sang dùng lò điện, vừa gọn nhẹ mà lại
kiểm soát nhiệt độ chính xác và dễ dàng, tiện và phù hợp cho việc sản xuất cá
thể hay gia đình. Lò điện có thể nung một số ít, không cần những mẻ lớn và cũng
không phải chung đụng với ai, cũng đáp ứng được nhu cầu chế tác những loại ấm tỉ
mỉ, chau chuốt, đắt tiền của những nghệ nhân có khả năng muốn tạo một thương hiệu
cho riêng mình. Số ấm phải nung nhiều lần sau khi thêm thắt trang sức hay màu
mè nay có thể làm ngay tại nhà mà không cần đến những kỹ thuật gia của các xưởng
lớn.
Sự hồi phục của ấm Nghi Hưng cũng khiến
cho nhiều huyền thoại được dựng lên về những danh thủ kỳ cựu cuối thời Dân Quốc
trước khi chế độ thay đổi. Những người thợ khéo ấy – như chúng tôi đã đề cập đến
trong bài La Quế Tường và sự hồi phục ấm Nghi Hưng - cũng sẽ vô danh nếu không
được lôi ra khỏi bóng tối, và sự bùng nổ về kinh tế tiêu thụ đã đưa họ thành bất
tử.
CÁC LOẠI KHOÁNG LIỆU
Cứ như phân loại thì khoáng liệu dùng để
làm ấm nhỏ chia thành ba loại chính: tử nê, lục nê và hồng nê còn đoạn nê thì
không được tính vào một loại riêng vì số lượng tương đối ít. Đá dùng để nặn ấm
vốn dĩ là những khoáng thạch kết tầng, qua thời gian chia thành từng lớp nên
càng sâu sức ép càng mạnh nên đá ở trên thô hơn ở dưới và vì thế cũng thành những
loại vật liệu khác nhau.
Theo Dương Tiện Mính Hồ Hệ (陽羨茗壺系) thì lão nê là nói về đoàn nê (團泥) đào được ở
khu vực Bảo Sơn. Ngoài ra một số ít giống như lục nê cũng được dùng thay lục
nê, giống như tử nê cũng được dùng thay tử nê còn hầu hết thì là dùng lẫn lộn với
nhau.
Tử sa khoáng liệu tùy theo màu sắc khi
tìm thấy mà được gọi dưới nhiều tên như thiên thanh nê, lục nê, thanh hôi tử
nê, hoặc do trạng thái tự nhiên nên được gọi là đoàn nê, giáng pha nê, cũng có
khi tùy theo địa tầng nông sâu mà gọi như để tào thanh, nam sơn tử nê, cũng có
khi được đặt tên sau khi đã nung thành màu gì thì gọi như hồng nê, chu nê …[14].
Trước đây, khi kỹ nghệ nặn ấm còn giới hạn và người chơi ấm còn hiếm hoi, việc
gọi tên không được coi trọng lắm và cũng ít phân biệt nhưng từ khoảng 40 năm trở
lại đây vì sự phát triển của ngành này mà thêm đa dạng.
Nghi Hưng tử sa khoáng liệu
Tử Nê Loại (紫泥類)
Tử Nê thuộc phấn sa nham sản xuất tại trấn
Đinh Thục, khu khai thác khoáng liệu Hoàng Long sơn thuộc loại giáp nê (甲泥). Sở dĩ người ta đặt tên là giáp nê vì loại đá này khi đào lên để lộ
thiên sẽ cứng như sắt (thiết giáp) là loại đất dính thường gọi là hiệt nham để
gọi chung các loại đất nặn ấm. Khi chưa phong hóa (phơi ngoài trời), đất có màu
tím hồng, sau khi phơi khô phải xay thành bột lúc đó mới nặn ấm được.
Ngày xưa người ta gọi tử nê là thanh nê.
Đây là chất liệu chủ yếu để chế tạo các loại ấm đất, cũng là loại đất thường thấy
nhất. Tử nê dễ nặn lại độ dính cao, không dính tay, khi nung độ co ít nên rất tốt
khi dùng để nặn ấm. Có rất nhiều chủng loại, thường được đặt tên theo khu vực
hay khoáng tầng nên cho ra màu sắc khác nhau.
Lục Nê Loại (綠泥類)[15]
Là loại nham thạch sản xuất tại Hoàng
Long Sơn (mà người ta quen gọi là bản sơn) kết cấu chặt chẽ, không tan trong nước
nhưng dễ bị mủn (tô hóa 酥化) thường lẫn trong
tầng dưới của tầng thạch anh (người ta gọi là long cốt hay hoàng thạch nham),
hay nằm xen giữa hai tầng tử nê (gọi là miên đầu 綿頭) nên số lượng rất ít, thường chỉ làm các ấm loại nhỏ hình quả lê. Hai
loại lục nê này vì từ hai tầng khoáng liệu khác nhau nên tính chất khác biệt,
loại nằm bên dưới khoáng tầng thì hạt và hàm lượng khoáng chất cao hơn nên khi
nung cũng cần nhiệt độ cao hơn, phải từ khoảng 1200 – 1230 C0, có
khi phải lên đến 1250 C0. Loại lục nê sau khi nung thì mặt da ấm nhẵn
nhụi, độ co rút cũng ít nhưng giữ được độ thẩm thấu trà nên dùng lâu sẽ có màu
nâu bóng, có khi thành vết rạn chân chim (隱裂紋) không chừng.
Lục nê có hàm lượng thạch anh cao lại bị
nén chặt một thời gian dài đã trở thành đá cứng (hiệt nham) có vẻ bóng như thoa
dầu. Vì lượng quặng sắt rất ít nên khoáng liệu có màu xanh lục, khi tiếp xúc
lâu với không khí sẽ đổi màu và sẽ đồng nhất ngoại trừ những mảnh vân mẫu li
ti, khi nung xong sẽ có những hạt chấm đen lẩn trong đất màu vàng. Lục nê vì có
ít và ấm nặn bằng lục nê lại khó nung nên thường trộn với tử nê, hồng nê chứ ít
có thuần lục nê. Lục nê xuất hiện mỗi nơi một ít chứ không tập trung nên tuỳ từng
khu vực, tuỳ từng khoáng tầng mà hình thành mỗi thứ một khác theo cách nung của
mỗi loại.
Hồng Nê Loại (紅泥類)
Hồng nê là chỉ màu sắc sau khi nung, tuỳ
theo khoáng chất kết cấu mà chia thành hai loại tử sa hổng nê và chu sa hồng
nê. Cả hai loại đều thuộc hồng nê nhưng tính năng của hình thành, độ khô ráo và
cách nung và độ co rút mà cho ra những sản phẩm khác biệt. Sau khi nung xong,
màu sắc và tính năng cũng khác nhau. Chu nê có mật độ cao, khí khổng nhỏ, độ kết
tinh chặt chẽ, độ truyền nhiệt so với hồng nê cũng tốt hơn nên ấm hồng nê giữ
nhiệt lâu hơn ấm chu nê.
Tử Sa Hồng Nê
(紫砂紅泥)
Tử sa hồng nê thuộc phấn sa nham, hiện
nay quen gọi là hồng nê. Khoáng liệu thường có nhiều loại màu đỏ, có ánh màu
vàng và lẫn các chấm vân mẫu (mica) li ti. Tuỳ theo kết cấu, hồng nê dễ bay màu
nhưng không tan trong nước, trước đây chỉ có tại Hoàng Long sơn. Tính năng
chung của các loại đất thường không khác nhau nhiều.
Chu Nê (朱泥)
Chu nê là loại nê nham nhiều chất dính chủ
yếu tìm thấy tại dãy núi Triệu Trang, Hồng Vệ thuộc Hương Sơn. Hoàng Long sơn
cũng sản xuất chu nê và cũng có những loại chu nê thượng phẩm. Chu nê Hoàng
Long sơn chia ra thành hai loại, một loại nằm ở tầng phụ bên dưới lớp đất vàng
và khu vực có loại đất này khá rộng, đất mịn nhưng đào được rất khó khăn, mỗi
nơi một khác biệt. Ngoài ra còn một bộ phận nhỏ tại tầng xanh lá cây đậm (mặc lục
墨綠) ở phía dưới tầng phụ. Dưới thời Minh
Thanh, chu nê Hoàng Long Sơn không đủ dùng nên phải tìm thêm ở Triệu Trang thuộc
Sa Sơn và Hồng Vệ thuộc Hương Sơn, chủ yếu là các loại thạch hoàng nê, chu nê ở
những nơi khoáng liệu lộ thiên nên đất còn non. Cũng có khi người ta trộn hồng
nê tử sa bù vào những phần khoáng liệu còn thiếu ở Hoàng Long Sơn.
Khoáng liệu chu nê phần nhiều có ánh màu
vàng, chắc chắn, kết thực, đều và mịn mặt và thường có lẫn mạt đá vân mẫu trắng
và có thể nhào với nước thành đất bùn. Chu nê dễ nặn nên người thợ có thể tạo
nhiều hình, nhiều khi rất chi tiết. Vì lượng quặng sắt không giống nhau nên khi
nung xong sẽ ra màu chu sa đỏ, chu sa tía hay sắc đỏ màu hải đường.
Về chu nê các tác giả còn bàn cãi chưa thống
nhất, thành phẩm cũng không nhiều. Một câu nói rất phổ biến là “nếu da không
nhăn (sần sùi) thì không phải là chu nê, đã là chu nê thì da phải nhăn nhúm”
(vô chu bất trứu, vô trứu bất chu 無朱不皺,無皺不朱) vẫn được coi như câu kinh nhật tụng khi người ta chọn ấm. Chu nê vốn
hạt to nên hàm lượng ít, đến khi khô mới nung nên co rút nhiều, thành phẩm luôn
luôn có một số khuyết điểm như da nhăn, biến hình, nứt kẽ. Thế nhưng cũng có rất
nhiều bình chu nê da không nhăn, từ những tác phẩm còn để lại thì số bình có vết
nhăn chỉ là một phần mà thôi. Tác phẩm làm bằng chu nê hiếm hoi do nhiều nguyên
nhân liệt kê như sau:
Khoáng liệu
Khoáng liệu chu nê sản xuất tại Triệu
Trang, Hồng Vệ vì co rút nên biến hình chỉ có thể làm những chiếc ấm loại nhỏ.
Chu nê ở Hoàng Long Sơn nằm giữa hồng nê và chu nê, hạt cũng to hơn, độ khô và
co rút cũng ít hơn, không bị nhăn, có thể dùng trong những tác phẩm lớn nên nay
còn một số ấm đất chu nê đời Minh, Thanh.
Công sức
Vì khoáng liệu chu nê có thể tan trong nước
nên khi chế tác ấm người ta có thể nấu trong lò để nê tương thành bùn và lọc ra
những hạt to để khi hoàn thành độ co rút cũng giảm đi. Ngày nay người ta dùng
máy nghiền đất thành bột nên cũng được giải quyết phần nào những khuyết điểm vừa
kể.
Hình thành
Độ nóng khi nung chu nê rất quan trọng,
khác biệt tuỳ theo độ nước khi pha thành bùn, làm xong tình trạng khô hay ướt,
lớp đất nặn ấm dày hay mỏng và trong quá trình chế tác nếu có chỗ không đúng
thì những vết hằn đều lộ ra sau khi nung xong.
Nung ấm
Vì chu nê phải nung ở nhiệt độ cao, khí
khổng lại nhỏ nên nước trộn bùn không dễ toả ra mọi chỗ, sự kết tinh và nóng chảy
của các thành phần không đều nhất là khi nhiệt độ lên đến mức tối cao. Chính vì
thế khi nung ấm chu nê, việc thay đổi độ nóng và thời gian để nguội so với hồng
nê đều phải lâu hơn, tăng hay giảm đều đòi hỏi thật chậm nêu không sẽ bị nứt
hay bị méo và sản phẩm đều phải bỏ.
Người chơi ấm coi trọng chu nê vì từ
nguyên liệu đến thời gian, cách thức và việc hoàn thành đều đòi hỏi chuyên môn
cao mới có được sản phẩm. Trong thời đại ngày nay, việc giả mạo để bán ấm chu
nê rất thông thường nên khó có tiêu chuẩn để phân biệt. Ấm chu nê có đặc tính
là càng dùng lâu càng trở nên đậm đà. Việc dễ nhận nhất là trước khi pha trà, đổ
nước sôi vào tráng ấm thì khi đặt nắp ấm lên sẽ thấy có hai màu rõ rệt, thân ấm
sậm và bóng hơn nắp ấm, phải mất một hai phút hai bên mới tiệp màu.
Đoàn Nê Loại (團泥類)
Đoàn nê ở đây
không phải là ấm làm bằng đất có màu vàng ngà (段泥) là một
nguyên liệu tương đối hiếm mà là một loại đất cứng mềm khác nhau. Âm đọc đoàn (段) và đoàn (團) ở Nghi Hưng không phân biệt nên khi nung
xong, bất cứ loại đất nào có màu vàng đều được gọi chung là đoạn nê (緞泥).
Đoàn nê là tên
gọi khi vật liệu mới được đào lên, trong thiên nhiên còn lẫn lộn cả lục nê và tử
nê, nhưng ít khi lẫn hồng nê. Thành phẩm nặn bằng đoàn nê sau khi nung xong có
đặc tính “xương nhiều thịt ít” (骨多肉少) sắc trạch cổ
kính, phác thực. Khi chưa nung, đất đoạn nê hút nước mạnh, nhiều khí khổng
(pores), qua các giai đoạn nung bị biến dạng nên có những sắc thái khác nhau,
có cái thì như làm bằng đồng, ánh vàng, màu tro, màu thiếc … nhưng đều là đoàn
nê cả.
Nếu là đất
đoàn nê thiên nhiên thì khi nung xong, màu sắc tự nhiên, nhiều điểm li ti mà
người ta gọi là da cá nhám (sa ngư bì 鯊魚皮), trứng cá
(ngư tử 魚籽) hay da quả lê (lê bì 梨皮). Đoàn nê loại xấu sau khi nung màu như tro bám, nhìn không bắt mắt,
các điểm đen không đều, nhìn qua cũng biết.
CÁCH NẶN ẤM
Người nặn ấm
thường là con cháu của những người thợ và học việc ngay trong nhà. Họ cũng thừa
hưởng di sản, những kỹ thuật riêng mà người ngoài không thể biết. Thế nhưng
quan trọng nhất vẫn là tạo cho mình một bản tính thứ hai để trở thành “tuỳ
tâm sở dục, bất du củ” (隨心所欲不逾矩)[16]
làm gì cũng không ra ngoài nguyên tắc.
Theo Ah Leon,
một chuyên gia về gốm sứ và cũng là một nghệ sĩ nặn đồ Nghi Hưng đã nêu ra 14
nguyên tắc mà người ta phải tuân theo để thực hiện một cái ấm trà vừa đáp ứng tiêu
chuẩn kỹ thuật, vừa bao gồm tiêu chuẩn mỹ thuật:[17]
1.
Đất tốt
2.
Phần chính yếu của chiếc ấm phải mỏng
3.
Nắp ấm phải khít và hoà hài với toàn cục
4.
Viền nắp phải ngang bằng
5.
Nước từ ấm chảy ra phải đều
6.
Phải kiểm soát được nước từ vòi chảy ra
7.
Quai ấm phải phù hợp vì đây là phần người ta đụng vào đầu tiên
8.
Ấm nhắc lên phải cân bằng dễ sử dụng
9.
Trôn ấm phải bằng phẳng và thanh thoát vì là nơi ấm tiếp xúc với mặt
bàn, nếu không bình ổn thì toàn cảnh sẽ chông chênh
10.
Thân ấm phải thanh tao, độc đáo vì nếu thô kệch thì sẽ không tự nhiên
11.
Đất phải được nung đúng cách
12.
Toàn thể chiếc ấm phải ăn khớp với nhau, nếu có một bộ phận nào quá cường
điệu sẽ khiến cho người ta nghi ngờ về phẩm chất của nó
13.
Chiếc ấm phải có hồn để chuyển tải mục đích mà người nặng muốn gửi gấm
14.
Thần khí của ấm phải ngưng đọng
Ah Leon[18]
viết hơi trừu tượng theo cách của người Trung Hoa mà chúng ta thường gặp khi đọc
cổ văn, nhiều khi chỉ cảm nhận mà không thể hình dung hay diễn tả thực tế như
thế nào nên các chuyên gia chỉ quan tâm đến 9 điểm đầu tiên khi đánh giá một
chiếc ấm.
Để nhận ra được cái
hồn của chiếc ấm, khi thẩm định các chuyên gia luôn luôn nhờ những người
thân, con cháu, nhất là người theo đuổi học nghệ lâu năm để xác định một chiếc ấm
có đúng là người in con dấu dưới đáy hay không vì mỗi nghệ nhân có một “phong
cách” riêng người ngoài không thể bắt chước được. Để có được một chiếc ấm
như ý mất rất nhiều công phu và thời gian học hỏi, bao gồm cả kinh nghiệm của
mình và phải có minh sư chỉ bảo. Ngoài việc chọn lựa loại thổ chất cho thích hợp,
biết sẽ phải nung ở nhiệt độ nào, người thợ còn phải am tường nhiều kỹ thuật mà
quan trọng nhất là tạo hình và trang sức cho phù hợp.
Những đường
nét khi trang trí trên ấm được chia thành nhiều loại với tên khác nhau chẳng hạn
đăng thảo (燈草) tuyến [nét mảnh và đều] , tử mẫu (子母) tuyến [nét khi to khi nhỏ], vân kiên (雲肩) tuyến [nét
lượn hình đám mây], ao đột (凹凸) tuyến [nét khi chìm khi nổi], ao kiên (凹肩) tuyến [nét lõm], cân nang (筋囊) tuyến [nét nổi
gân], trừu giác (抽角) tuyến [đường bẻ góc], chiết tuyến (折) [đường gãy], vân thủy văn (雲水紋) [văn lượn hình sóng nước], lăng văn (菱紋) [văn hình củ ấu], hoa biện văn (花瓣紋) [văn hình
cánh hoa], như ý văn (如意紋) [văn hình như ý] …
Thực ra tên những
đường nét này là đường nét thợ chạm, thợ mộc dùng khi thực hiện các đồ gỗ vì
khi chế tạo ấm cũng phải dùng cùng một thứ dụng cụ, tạo một thứ đường nét như
người thợ mộc. Theo Lâm Chính Phương thì vào đời Minh, Tô Châu có liên hệ mật
thiết với Nghi Hưng và hai bên trao đổi hỗ tương việc thực hiện sản phẩm, một
bên là các món dùng trong nhà, một bên là làm đồ gốm sứ. Việc một ngành nghề
này vay mượn kỹ thuật từ ngành khác là chuyện bình thường.
Đồ Nghi Hưng
tráng men phần nhiều chỉ một màu gọi là Nghi quân (宜鈞). Nghi quân
mô phỏng màu sắc của quân diêu, có những màu xanh da trời, xanh lam, vân đậu và
nguyệt bạch, dùng sắt, đồng, cobalt, mangan để tạo màu thành một lớp men dày và
vết nứt mịn. Dưới đời Minh, Âu Tử Minh (歐子明) đã sáng chế
ra Âu diêu rất thành công, tạo được màu tro lam rất quí.
Cách thức trang trí của
tử sa
Trang trí trên ấm tử sa rút tỉa kinh nghiệm và kỹ thuật của nhiều đời,
nhiều ngành, không gì là không áp dụng và dĩ nhiên cũng có đủ các cách thức trước
đây chỉ dùng cho việc chế tạo đồ sứ. Gần đây, những người thợ nặn ấm còn phát
kiến thêm một số kỹ thuật riêng, gắn lên gân những lá bồ đề rất nhỏ hay tráng
thêm một lớp men có độ dãn cao hơn cốt ấm để khi nung thì rạn thành những đường
nét chẳng khác gì vết nứt của các cánh đồng lúa mùa nắng hạ. Men bên ngoài có
thể cùng màu mà cũng có thể khác màu khi tạo dáng thành những vết nứt không
khác gì lớp vỏ cây khô.
Lâm Chính Phương ghi nhận những cách thức trang trí trên ấm bao gồm :[19]
Giảo thai (絞胎)
Là dùng hai loại đất sét có màu sắc khác nhau, rồi nhồi đất cho quyện
vào nhau như cùng một loại và thành những vân giống như dải lụa. Kỹ thuật trộn
hai hay nhiều màu này có từ đời Đường.
Tham sa (摻砂)
Trộn lẫn hai loại nê liệu nhuyễn và thô với nhau. Đây là kỹ thuật người
ta dùng để làm loại ấm da lê, trên mặt thô ráp nhưng lại ẩn chứa những chỗ đất
rất mịn nên được nhiều người ưa thích.
Khảm sa (嵌砂)
Khi nặn ấm người thợ chọn những vị trí có thể đặt những điểm khác màu để
khảm, có khi được làm cho trơn nhưng cũng có khi để nổi lên.
Phô sa (舖砂)
Những hạt cát nổi lên trên mặt nền được miết cho chìm xuống nên những kỹ
thuật tham sa, khảm sa, phô sa đều khiến cho mặt ấm trở thành lấp lánh và cũng
là một cách trang sức. Để thực hiện loại mô hình đặc biệt này người ta phải giữ
một ít đất cùng loại để dành phòng trường hợp những hạt cát bị bong tróc cần tu
bổ lại.
Áp ấn (壓印)
Là cách thức in lên những hoa văn khi ấm đã hoàn thành, có khi lồi, có
khi lõm. Đây là nghệ thuật làm đồ đồng, đồ kim khí áp dụng vào việc nặn ấm. Việc
vẽ hình hay viết chữ là một nghệ thuật cần phải thận trọng nếu không sẽ làm hư
tác phẩm.
Thiếp hoa (貼花)
Là kỹ thuật gắn nổi lên những hình ảnh, hoa cỏ, chim chóc … chẳng hạn những
mắt cây, mắt trúc. Cành và chùm nho với con sóc cũng là một đề tài được nhiều
nghệ nhân thực hiện. Nếu loại nê liệu gắn lên khác màu, khác loại thì càng công
phu vì phải tính toán sao khi nung không bị tróc hay nứt vì độ dãn khác nhau.
Ấm tạo hình chín con
cá và ấm in nổi gân chiếc lá phong
Đôi nê (堆泥)
Dùng nê liệu mềm để viết hay vẽ lên ấm sau khi hoàn thành giống như phù
điêu là một kỹ thuật cao, nhất là viết chữ, thường là chữ triện, chữ lệ sao cho
cân đối, tròn trịa. Tác phẩm loại này khó kiếm được cái nào mười phần ưng ý, phần
lớn do duyên may chứ không phải cứ có tiền là được.
Khắc hoa (刻花)
Tuy gọi là khắc hoa nhưng tất cả mọi hình vẽ được khắc lên ấm trước khi
nung như người, hoa cỏ, chim chóc, kể cả viết chữ (thư pháp) đều gọi chung là
khắc hoa. Thường khi nặn ấm người ta dùng mực vẽ phác những gì muốn khắc sau đó
tô lại, nông sâu, dày mỏng như ý muốn. Cũng có khi người ta dùng dao thay bút để
khắc họa lên ấm nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao và phải là người có tài mới làm được
nếu không thà không vẽ còn hơn. Chính thế người thưởng ngoạn ấm cũng cần có óc
mỹ thuật, hiểu thư pháp hay ý nghĩa những câu thơ, lời lẽ viết trên đó thì mới
thập toàn, thập mỹ.
Ấm khắc lõm
Ấm trang trí đắp nổi
Lâu không (鏤空)
Lâu không là tạo ấm hai lớp có khoảng cách ở giữa, bên ngoài thường minh
họa và đục thành lỗ để hình ảnh có chiều sâu. Những hình ảnh của lớp vỏ ngoài
thường được nghiên cứu kỹ lưỡng để có ý nghĩa và tương phản, không tầm thường,
thô kệch.
Văn nê (紋泥)
Khi nặn ấm người thợ dùng nhiều loại nhiên liệu khác nhau, nhiều màu nhưng
phải tính toán thế nào để khi nung, độ dãn nở không làm cho ấm bị biến dạng hay
méo mó, nứt nẻ. Tôi có hai chiếc ấm nhiều màu mà tôi đặt tên là ấm đầu đà là những
nhà sư mặc nhiều mảnh áo rách vá lại làm tăng bào.
Nhương khảm (鑲嵌)
Đây là cách người ta khảm đồ mộc, đồ kim loại để cho có nhiều màu sắc.
Khi nặn ấm người ta chủ tâm để một số nơi lõm xuống, sau đó mới dùng nê liệu
khác màu khảm lên. Nơi được khảm có thể là một mảnh lớn hay chỉ là một điểm, một
đường tùy theo ý thích của người nặn. Cũng có khi người thợ dùng dây vàng bạc
làm thành hình rồi dùng nó ấn lên ấm thành đường rãnh, sau khi nung xong lại khảm
dây vàng bạc lên những đường rãnh cũ. Đây là cách người ta làm đồ gốm pháp lang
áp dụng vào ấm tử sa.
Ấm khảm theo kiểu pháp
lang
Phao quang (拋光)
Phao quang là kỹ thuật đánh bóng bằng giấy nhám, vải thô để cho ấm sáng
bóng, còn gọi là « thủy ma » nghĩa là bóng như nước, bóng như
gương. Việc đánh bóng tùy theo ấm và cốt sao đừng làm hỏng những đường nét mỏng
manh mà người ta muốn giữ lại. Ấm đánh bóng như gương thường thấy người từ Thái
Lan bày bán trên mạng, không mấy khi thấy ở các nơi khác. Ấm phao quang cũng
thường được bao bọc (bao đồng tích) và đóng dấu « cống cục 貢局» là loại ấm dùng làm
cống phẩm của địa phương để triều đình (Thanh) làm quà ban thưởng.
Ấm phao quang có bọc đồng mua từ Thái Lan
Gia thái (加彩)
Gia thái nghĩa là vẽ vời, bắt đầu có từ trung điệp đời Thanh theo đòi hỏi
của triều đình, các loại đồ gốm nào cũng tô điểm cho thêm màu sắc. Nhiều chiếc ấm
vẽ thành hình ảnh phong cảnh, núi non theo tích cũ hay theo cảm hứng. Hình ảnh
tuy chỉ phụ thêm nhưng đôi khi đóng góp rất nhiều vào giá trị của chiếc ấm.
Lưu ngân miêu kim (鎏銀描金)
Lưu ngân là dùng kim loại quí như vàng bạc trực tiếp (hay mạ lên một phù
điêu có sẵn) vẽ lên thân ấm khi còn đang nóng chảy, sau đó để nguội khiến cho
kim loại dung hợp với chiếc ấm. Tôi có một chiếc ấm hồng nê hình nổi một con kỳ
lân phun ra đĩnh vàng tên là Kỳ Lân Tống Bảo. Ấm này làm bằng tay của Đài Loan
dưới đáy có tên Trần Dịch Chí, một cao thủ của Đài Loan làm năm Kỷ Sửu (2009). Hình
này người thợ dát bằng vàng sau đó nung lại cho thấm sâu vào trong ấm để khỏi
bong tróc.
Bao đồng tích (包銅錫)
Thường tại vòi ấm, miệng ấm, viền nắp ấm, núm ấm, trôn ấm người ta dùng
kim loại bao quanh để cho thêm chắc chắn và mỹ thuật. Cũng có khi người ta bịt
kim loại để sửa sang hay che dấu một vết mẻ, vết nứt và thường chỉ có ấm cũ
ngày xưa mới có, ngày nay nếu viền kim loại thường là để tăng thêm giá trị.
Ấm có bao bằng kim loại để trang trí và bảo vệ
Ấm phao quang có đai bảo
vệ
Hình thức trang trí ấm
tử sa
Người Trung Hoa hầu như sống trong một thế giới của biểu tượng. Bất cứ
món gì, lớn nhỏ, có thật hay chỉ là huyền thoại thì cũng mang đến cho họ một số
điềm tốt hay xấu và những việc bất chợt đều là một điềm báo về một việc sắp xảy
ra. Đoán điềm giải mộng có liên quan đến vé số, cá độ luôn luôn là một trò chơi
hào hứng cho cả người Hoa lẫn người Việt.
Terese Tse Bartholomew trong tác phẩm Trung Quốc Cát Tường Đồ Án
(中國吉祥圖案)[20]
đã nghiên cứu rất kỹ càng về những ý nghĩa ẩn dấu trong các biểu tượng mà người
Trung Hoa đã dùng giúp người đọc hiểu rõ hơn về những dấu vết họ để lại trên
chiếc ấm tử sa mà nếu không quan tâm thì không dễ gì giải mã được.
Những biểu tượng (symbols) được minh hoạ, điêu khắc hay trang trí trên ấm
đều mang một thông điệp chúc tụng tốt lành. Người Trung Hoa tin rằng sử dụng
hay mang trên người một món đồ có ý nghĩa sẽ đem lại may mắn phù hợp với ước
nguyện. Trên ấm người ta ngoài hình vẽ hay hình dáng cũng có những câu thơ hay
tục ngữ nói lên một chí hướng của người dùng. Vì thế, việc chọn một chiếc ấm vừa
thích hợp với dùng để pha trà nếu lại có thêm những « phụ kiện »
đáp ứng đúng nhu cầu thì thật thống khoái.
Trên các ấm thương mại thường để những câu chúc tụng như « tân
niên đại cát », « sắt cầm hảo hiệp », « bách
niên giai lão », « mã đáo thành công » … nhưng trên
những chiếc ấm công phu, quí giá hơn thì có khi là một câu kinh điển, thơ phú,
hay bức họa … tỏ ước nguyện hay chí khí của con người. Chính vì thế, nếu như
người có chiếc ấm quí nhưng không đọc và giải mã được những hình ảnh, chữ viết
thì ý nghĩa không trọn vẹn và niềm vui sẽ kém đi nhiều.
Trên ấm tử sa, những ấm hình khối thường có chữ Thọ, chữ Phúc, chữ Hỉ
(đôi khi viết liền nhau thành Song Hỉ). Những chữ đó được viết theo lối chữ triện,
tạo thành hình nổi nên khó làm cho sắc nét, dễ bị góc cạnh lồi lõm. Trong tiếng
Trung Hoa, chữ Phúc và chữ Bức tương cận nên con dơi (biển bức) là biểu tượng của
chữ Phúc nên cũng thường trang trí hình con dơi. Có khi người ta để năm con
dơi, tượng trưng cho Ngũ Phúc (Phú, Quí, Thọ, Khang, Ninh).
Ấm Song Hỉ
Cây tùng, cây trúc và cây mai cũng thường được tạo hình chung trên một
cái ấm. Vòi ấm thường là một gốc tre uốn cong, quai cầm là một cành mai với hoa
nở gắn trên thân ấm và một gốc tùng sần sùi làm thành nắp ấm. Chiếc ấm Tuế Hàn
Tam Hữu tùng trúc mai của tôi cũng khá cổ vì lúc tôi tìm thấy ở Orange cách đây
40 năm thì nó đã cũ kỹ lắm rồi và thời đó hầu như hiếm khi thấy một chiếc ấm đất
lăn lóc trong một tiệm bán đồ cũ ở Nam California.
Còn chiếc ấm đoạn nê của Đài Loan có khắc nổi hình mấy con cá đùa rỡn
trong đám lá sen là có ý liên (lá sen đồng âm liên trong liên tục) và ngư (đồng
âm dư là dư dả). Sen có hai từ, liên 蓮và hà 荷đều có nghĩa là cây sen mà hà bao 荷包là cái túi đựng tiền
nên cũng là lời chúc tụng năm nào cũng dư dả, túi đầy tiền. Một ẩn nghĩa khác của
hai con cá đùa rỡn cũng là cảnh vợ chồng hạnh phúc, vui vầy phượng loan.
Cho nên tuy chỉ là một chiếc ấm nhỏ bằng nắm tay nhưng người Trung Hoa
đã gói ghém rất nhiều ý nghĩa và nếu như người ta săm soi các chi tiết, từ những
chữ viết trên thành ấm, từ những hình nổi, hình chìm trên thân ấm cho chí con dấu
đóng ở dưới đáy, trong nắp ấm, quai âm … chúng ta có thể đọc được rất nhiều điều
người ta gửi gấm trong đó. Lẽ dĩ nhiên, những ý nghĩa đó chỉ thực sự đáng quan
tâm khi từ những bậc thâm nho, trưởng giả chế tác với một mục tiêu nhất định chứ
cũng những hình ảnh đó từ một người thợ tầm thường thì chỉ theo thói quen hay
hoàn toàn không mang một ẩn số nào cả. Phong thái gửi theo một thông điệp khởi
đầu từ đời Minh rồi kéo dài cho đến tận ngày nay nhưng chỉ thu hẹp trong một
thiểu số tao nhân mặc khách chứ không phải đâu đâu cũng cùng một ý.
Kể từ cuối đời Minh, chiếc ấm còn là một không gian để người ta thi triển
nét vẽ và chữ viết. Có những chiếc ấm nhỏ được viết tay nguyên cả bài Bát Nhã
Tâm Kinh, hoặc theo lối chữ khải, hoặc chữ thảo hay chữ triện. Người Trung Hoa
khi luyện chữ viết, họ tiến dần đến chỗ tinh thục không ai hơn được. Xem những
clips về việc người thợ tạo hình, đầu tiên là vẽ phác rồi sau đó khắc theo những
nét vẽ thấy họ làm rất nhanh và chính xác nên nếu như mua được một chiếc ấm với
những bông hoa, long, phượng thật tinh vi chúng ta không thể không đánh giá cao
công trình của họ từ lúc khởi thuỷ đến khi hoàn thành. Thời nay, việc khắc chữ
hay vẽ hình nhiều khi có sự can thiệp của máy móc và kỹ thuật nhưng vẫn còn những
món đồ thủ công nên việc thủ đắc một tác phẩm làm bằng tay cũng còn nhiều duyên
may chứ không phải chỉ có tiền là mua được.
Tôi mua được một cặp ấm chu nê nhỏ vừa cho một người uống, nặn rất khéo.
Điều đáng nói ở đây là thân ấm có khắc bài thơ Lâm Giang Tiên (臨江仙) của Dương Thận (楊慎) đời Minh. Bài thơ
này khá nổi tiếng và nhiều người biết vì là bài thơ mở đầu truyện Tam Quốc Chí
Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Hai chiếc ấm thì một âm một dương vì bài thơ một
bên được sơn đen, chiếc kia để trắng. Chữ viết theo kiểu chữ Lệ rất đẹp, tôi biết
là viết tay vì so sánh kỹ thì hai lần viết nên không hoàn toàn y hệt nhau.
Tiện thể cũng khoe luôn. Tôi trước đây có quen một học giả người Trung
Hoa từng làm việc lâu năm trong Viện Bảo Tàng Los Angeles. Qua câu chuyện trao
đổi, tôi biết ông gốc người Mông Cổ, bị tù đày trong thời Cách Mạng Văn Hóa,
nay định cư tại Mỹ. Ông tên hiệu là Lỗ An, khi biết tôi thích bài thơ này đã viết
tặng tôi, nay treo trong phòng làm việc.
Bức thiếp của Lỗ An tiên sinh
Bài thơ đó nguyên
văn và bản phóng dịch của tôi dưới đây :
滾滾長江東逝水。
浪花淘盡英雄。
是非成敗轉頭空。
青山依舊在。幾度夕陽紅
白髮漁樵江渚上。慣看秋月春風。
一壺濁酒喜相逢。
古今多少事。
都付笑談中。
Cổn cổn trường
giang đông thệ thủy
Lãng hoa đào tận
anh hùng
Thị phi thành bại:
chuyển đầu không!
Thanh sơn y cựu tại
Kỷ độ tịch dương hồng
Bạch phát ngư tiều
giang chử thượng
Quán khan thu nguyệt
xuân phong
Nhất hồ trọc tửu hỉ
tương phùng
Cổ kim đa thiểu sự
Ðô phó tiếu đàm
trung…
Trên Trường Giang
nước xuôi cuồn cuộn,
Mộng tang bồng lờ
lượn nhấp nhô,
Ngoảnh đầu toàn một
chữ vô,
Thị phi thành bại tựa
hồ chiêm bao.
Hỡi núi biếc, núi
sao chẳng đổi?
Bóng chiều qua gió
thổi mơn man.
Trên sông tóc nhuộm
màu sương,
Ánh trăng dìu dặt
đôi phen bạn bè.
Vui gặp lại một be
rượu nhạt,
Chuyện xưa nay tôi
bác đem ra.
Cuộc đời như giấc
Nam Kha,
Chẳng qua một tiếng
hi ha cười khì.
SƯU TẦM ẤM
Người viết mê sưu tầm ấm tử sa nhưng
không phải là một collector có bài bản. Nhìn một chiếc ấm nặn tay, tôi hình
dung sự dụng công của nghệ nhân khi tạo hình chiếc ấm này, tinh thần và kiến thức
của người viết chữ, vẽ tranh và tưởng tượng ra cái hồn của họ đặt vào đó.
Chắc các bạn cũng như tôi không ít lần
tán thưởng những đoàn vũ công khi họ trình diễn, những thanh thiếu niên khi
tham dự các giải thể thao hay những kiếm sĩ, võ sĩ múa kiếm, đi quyền. Họ trình
bày với tất cả tập trung cao độ, chỉ sẩy tay, sẩy chân một phần ngàn giây là
bao nhiêu công phu luyện tập đổ xuống sông xuống biển. Xem những clips mà một
người thợ nặn ấm tử sa trình bày công việc của họ cũng thế, những động tác tưởng
như đơn giản nhưng phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới đạt tới được, không
đơn giản chút nào.
Sách vở thường ít khi nhắc đến tài nghệ của
những người thợ đó được hình thành vào đào tạo như thế nào nhưng trong số hàng
ngàn người mới có một người thành công cũng đủ cho ta thấy trong bất cứ ngành
nghề nào cũng có những tử công phu đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt. Chúng ta
có cảm tưởng người thợ làm ấm và cục đất đã hoà vào thành một và khi hoàn thành
tác phẩm thì cũng như một người mẹ đã sinh ra đứa con, là một phần máu thịt của
họ.
Một biên khảo viết kỹ về việc học nghề nặn
ấm nhìn từ bên ngoài là cuốn Reinventing Craft in China – The Contemporary
Politics of Yixing Zisha Ceramics của Geoffrey Gowlland (UK: Sean Kingston
Publishing, 2017). Tiến sĩ Gowlland có lẽ là một trong những người ngoại quốc
hiếm hoi đã bỏ nhiều năm tới sống tại Nghi Hưng để nghiên cứu và nhìn kỹ nghệ
làm ấm một cách vừa hàn lâm, vừa nghệ thuật. Những tường thuật về việc huấn luyện
để từ một người tập việc (apprentice) thành một người thợ ấm (artisan) trong
bài này dựa vào những nghiên cứu của Golland.
Những người thợ trộng tuổi khi nhắc đến
thời kỳ mở đầu của việc săn lùng ấm tử sa đều nhắc đến cuối thập niên 1970s là
lúc Trung Hoa bước vào thời kỳ đổi mới. May mắn cho họ, những người thợ giỏi ở
Nghi Hưng đã có ngay một số lượng người truy tầm chủ yếu là những phú gia từ
Đài Loan. Ngay lúc đó, người ta liền tổ chức ngay những lớp huấn luyện cho những
người mới bước chân vào nghề:
Đó là năm 1976, Wan (một người học việc)
đầu tiên phải học cách làm những sản phẩm gốm sứ dùng hàng ngày để xuất cảng
trong một lớp có 20 học trò. Việc đào tạo học viên trong một lớp huấn luyện là
cải cách đầu tiên mà cơ xưởng[21] đem vào sản xuất đồ tử sa trước khi có những cải cách về
kỹ thuật. Việc dạy tập thể như thế này đã thay thế cách thức truyền thống dạy
nghề một thầy một trò, với mục tiêu kép là bảo đảm sự hiệu quả để đào tạo một
thế hệ mới những người thợ lành nghề đồng thời lưu truyền những kiến thức vốn
coi là bí mật của những lão sư cho một số đông. Đây cũng chính là mục tiêu của
việc tập thể hoá (collectivization) là chấm dứt sản xuất cá thể vốn được coi
như tàn dư phong kiến và lạc hậu và chuyển thể kiến thức của các đại sư trở
thành hàng hoá bình thường.[22]
Sau cơn đông giá của thời kỳ Cách Mạng
Văn Hoá, từ cuối thập niên 1970 các kinh doanh cá thể và xưởng ấm tư nhân bắt đầu
xuất hiện trở lại. Nhu cầu những mặt hàng cao cấp từ bên ngoài – Hongkong, Đài
Loan, Singapore đã vực dậy nhiều kỹ thuật tưởng như không còn hiện diện. Cha mẹ
truyền nghề cho con cái, thầy truyền cho trò và những ứng dụng kỹ thuật mới
thay thế cho việc nghiền đá bằng xe trâu và nung ấm bằng long diêu. Việc đào tạo
tập thể như trên đã viết cũng nhanh chóng biến mất khi cá thể trở nên quan trọng
và những người được đào tạo “chính qui”, được truyền nghề từ thầy qua trò nhanh
chóng trở nên nổi tiếng, phần vì họ có tay nghề cao, phần khác thừa hưởng cái
bóng của gia đình và của sư phụ.
Golland cũng cho chúng ta biết những người
học nghệ nếu đã được truyền nghề ở nơi khác trước khi “bái sư” thì dù theo học
một thời gian dài cũng vẫn giữ một số tập quán có sẵn, chẳng khác gì những người
theo học nhiều môn phái thường không mấy khi thủ đắc được tinh truyền thượng thừa.
Ấm lớn và ấm nhỏ
Khi vào những tiệm ăn của người Trung
Hoa, tôi hay để ý đến những chiếc ấm đất rất to bày trang trí và những chiếc ấm cùng thể loại đó cũng thấy trưng trong những tiệm bán
trà. Trong bộ sưu tập của tôi cũng có hai chiếc ấm loại đó để trên nóc tủ và là
hai chiếc to nhất tôi có. Tôi cũng sưu tầm được vài chiếc ấm nhỏ, nhỏ nhưng là
đồ thiệt, tức là hoàn toàn có công năng của một chiếc ấm, chỉ thu nhỏ về kích
thước, không phải loại ấm miniature người ta bán thành bộ 10, 12 chiếc chỉ có
dáng cái ấm mà không dùng được.
Chiếc ấm bé nhất mà tôi có đo từ tay cầm
qua vòi là 4.5 cm, đường kính thân ấm là 2.7 cm còn miệng ấm (bên trong) là 1.3
cm. (hình phía dưới, bên phải). Tôi để hình mở nắp để cho thấy sự tinh xảo của
tác phẩm này. Dưới đáy ấm có khắc hai chữ Mạnh Thần.
Cái ấm Long Phượng (đầu tiên) lớn nhất, từ
tay cầm qua vòi là 32 cm, từ đáy lên đỉnh (cả nắp) là 25 cm, miệng ấm hình
vuông mỗi chiều 8 cm.
Cái ấm trứng rồng đang nở (thứ hai) chiều
dài từ đuôi ra đầu rồng là 29 cm, cao 25 cm và trái trứng chiều dài là 19 cm,
chiều ngang 13 cm.
Ba chiếc ấm nhỏ nhất (màu đỏ) tôi không
dùng pha trà bao giờ vì bé quá, thường chỉ dùng chiếc ấm đoạn nê (để trước cái ấm
trứng rồng) là vừa cỡ cho hai người. Ba cái ấm cùng hàng với hai chiếc ấm to
tôi cũng không dùng mặc dầu đều có “số má” như tôi đã đề cập, một chiếc lâu
không Trúc Báo Bình An, một chiếc “ấm chi bộ” Mao Trạch Đông và cái ấm sau cùng
là hình quả cầu (có quai bằng dây mây) mà tay người nặn phải nói là tuyệt diệu
vì nắp và bình rất khít khao.
So sánh ấm to nhất và nhỏ nhất
Cái ấm màu nâu là ấm to nhất và cái ấm cuối hàng
thứ hai là ấm nhỏ nhất (chụp gần ở bên phải)
Ấm theo bộ
Ấm bán theo bộ có nhiều loại, loại đủ món
của một bộ đồ trà bao gồm ấm, chén, đĩa, các phụ kiện thường để chung trong một
hộp mà không bán rời.
Ấm theo bộ có khi chỉ dùng cho một người,
bỏ gọn trong một cái bao để dùng khi du lịch, cũng có khi làm đủ lớn để dùng
cho hai người hay đông hơn. Những người không chơi ấm chỉ cần mua một bộ vẫn có
thể dùng mãi mãi. Một bộ ấm trà Đài Loan hiệu Lục Vũ, Đào Tác Phường, Tam Hi
hay những tên tuổi ít danh tiếng hơn như Lục Bảo cũng đủ chung cho một gia
đình.
Hiện nay có khi người ta bán nhiều chiếc
cùng kiểu như Tứ Quí (Mai, Lan, Cúc Trúc) hay Tứ Đại Mỹ Nhân (Tây Thi, Dương
Quí Phi, Điêu Thuyền, Chiêu Quân). Bộ Tứ Đại Mỹ Nhân tôi có gồm bốn màu khác
nhau nhưng mỗi chiếc lại khắc hoạ một người.
Cũng có khi một bộ nhiều hơn chẳng hạn 10
chiếc 10 màu, 5 chiếc 5 màu hay Bát Tiên Quá Hải tám chiếc cùng một kiểu. Tôi
sưu tầm được một bộ thuỷ bình Mai Lan Cúc Trúc do xưởng số 1 sản xuất, không đẹp
lắm nhưng đất thật, màu nâu đỏ. Những chiếc ấm này một bên vẽ mai, lan, cúc,
trúc, một bên viết Nghi Hưng Tử Sa Công Nghệ Xưởng (宜兴紫砂工艺厂), hàng dưới Nhất Cửu Thất Nhị Niên Sư Đồ Tác Phẩm Triển Lãm (一九七二年师徒作品展览), dưới đáy ấm đề Nhất Xưởng Đồ Công Ban (一厂徒工班) tới con dấu Trung Quốc Nghi Hưng (中國宜興) và hàng sau là Chu Quế Trân phụ đạo (周桂珍辅导).
Một cách tổng quát đây là đồ sản xuất của
những người học việc bà Chu Quế Trân và là những mặt hàng được đem đi triển lãm
năm 1972. Tuy nhiên những chi tiết này có vẻ như không chính xác vì năm 1972
chưa có xưởng 2 nên không ai gọi xưởng thứ nhất là xưởng 1 và Chu Quế Trân chỉ
mới nổi từ 1982 sau khi chồng bà là Cao Hải Canh qua đời. Trước đó bà chỉ phụ với
chồng mà thôi. Tôi cho rằng những chiếc ấm này làm từ một khuôn mà ra vì hoàn
toàn giống nhau, chỉ khác những hình vẽ và nét chữ viết.
Ấm Tứ Quí (Mai Lan Cúc Trúc)
Tôi cũng mua được một bộ 5 chiếc năm màu, dáng phỏng cổ (loại ấm bụng bầu như cái trống phỏng theo ấm cổ)
to bé không đều, nhưng cùng một người nặn bằng tay chứ không phải
đúc khuôn như bộ Tứ Quý. Bộ ấm Ngũ Sắc này (nếu gọi là thế) đều là những ấm tốt
hẳn là do một cao thủ làm, cái nào ở bên trong lòng ấm cũng đều còn gờ nối khi
cuộn lại nên chắc chắn là làm thủ công. Bộ này tôi ít dùng vì có hai cái hơi lớn
mà tôi thường chỉ uống một mình.
Gờ nối dọc theo bên trong ấm nơi gắn quai
cầm là một đặc trưng để nhận diện ấm nặn tay thời trước, nay người ta đóng dấu
lên dải đất mới cắt trước khi nặn, khi làm xong nhìn vào bên trong thấy có con
dấu thì biết đây là ấm nặn tay, không phải ấm dùng khuôn. Bộ này mua đã lâu khi
hàng bán trên internet còn hiếm hoi, cũng là một phiêu lưu vì thời đó chỉ trả
tiền qua credit card cho một người bán ở Hoa lục. Tuy nhiên tôi cho là rất may
vì những chiếc ấm này tuyệt đẹp, da mịn và bóng, trong lòng ấm còn nhiều dấu tay
của người thợ. Năm màu rất tươi, không pha trộn, chỉ nhìn cũng đủ vui. Bộ này
không có tên nghệ nhân, chỉ có con dấu nhỏ tên họ đóng trong nắp ấm, dưới đáy đề
Nghi Hưng Tử Sa Danh Hồ.
Ấm Ngũ Sắc
Bộ Tứ Đại Mỹ Nhân của tôi là một bộ 4
màu, giống hệt nhau, chỉ khác hình người vẽ trên thân ấm. Đất loại xoàng, có thể dùng lâu cũng đẹp
nhưng tôi không thích mấy. Bộ Bát Tiên Quá Hải
thì rất tốt, tôi xem kỹ trong ngoài đều hoàn chỉnh. Hình vẽ là hình in nổi như
phù điêu mặc dù nền màu nâu đậm nên không rõ lắm, phải nhìn kỹ mới đọc được tên
từng người. Điều đáng tiếc là khi gửi đi, người chủ cũ đã gói không kỹ nên một
chiếc bị vỡ, nay chỉ có 7 chiếc nguyên vẹn, một chiếc gắn lại bằng keo nên cũng
là mỹ trung bất túc.
Tứ Đại Mỹ Nhân
Bát Tiên Quá Hải
(thiếu một chiếc)
Tôi cũng có một bộ ấm Quí Phi 12 màu khác
nhau, đúc khuôn nên cùng một kiểu, một dung tích. Ấm nhỏ nên không dùng pha trà
mà chỉ để chưng trông cũng khá đẹp. Gọi là ấm Quí Phi vì hình ấm tròn trịa khiến
người ta liên tưởng đến Dương Quí Phi vốn là người có da có thịt, sách Mỹ viết
là obese.
Ấm Quí Phi
(12 màu)
Tôi có nhiều bộ ấm trôi nổi theo từng thời
kỳ và đến nay thì không còn uống theo bộ mà uống theo ấm, tuỳ lúc mà đem ra những
bộ chén khác nhau.
Bộ ấm đầu tiên tôi có là bộ ấm Quí Phi, gồm
một cái ấm, một cái trà thuyền và 6 cái chén nhỏ. Bộ ấm chén này tôi dùng cũng
khá lâu hồi mới qua Mỹ, vì dùng lâu nên cũng có khá nhiều cao. Trên thành ấm và
cạnh trà thuyền có những câu thơ chữ Hán của Đỗ Phủ, viết khá đẹp. Bộ này làm bằng
đoạn nê.
Một bộ khác gồm ấm, bình chuyên và 6 chiếc
chén trên có khắc nổi hình khê sơn, có núi và nước cùng nhà cửa tại một vùng
chân núi u tịch. Tất cả cùng một loại, một kiểu là ấm Đài Loan làm bằng hồng
nê. Bộ này khá tốt, nét khắc rất sắc và công phu.
Bộ ấm phiêu hương
Một bộ ấm đất đỏ có tên Phiêu Hương (飄香) gồm một trà thuyền, một ấm, một chén lớn để
chuyên và 6 chiếc ly nhỏ. Trên mỗi món đều có in hai chữ phiêu hương và bài thơ
tứ tuyệt của Ðỗ Tiểu Sơn (杜小山) đời Tống:
寒夜客來茶當酒
竹爐湯沸火初紅
尋常一樣窗前月
纔有梅花便不同
Hàn dạ khách lai trà đương tửu,
Trúc lô thang phí hỏa sơ hồng.
Tầm thường nhất dạng song tiền nguyệt,
Tài hữu mai hoa tiện bất đồng.
Tạm dịch:
Ðêm lạnh trà ngon thay rượu quí,
Lửa đà đỏ rực nước đang sôi.
Ánh trăng trước cửa y ngày cũ,
Hoa thêm mấy đóa khác chăng ai.
Chiếc ấm có tay cầm cong lên giữa chừng mà người
ta đặt tên là “phi thiên” vốn là sản phẩm đặc trưng của ấm Lục Vũ của Đài Loan.
Bộ ấm nhái theo là ấm từ lục địa. Người bán cũng tết cho tôi một sợi dây đỏ rất
đẹp nhưng nay dãi dầu mưa nắng nên đã bạc màu.
Bộ ấm Quí Phi
Bộ ấm Khê Sơn
Trà cụ Đài Loan
Ngay từ cuối đời Thanh, Đài Loan đã đưa ra tiêu chuẩn
uống trà của họ là trà Vũ Di (武夷), chén Nhược Thâm (若深), ấm Mạnh Thần (孟臣), không đủ ba món này thì không nên đãi
khách. Đó là phát biểu của Liên Hoành trong Nhã Đường Văn Tập, chương Mính Đàm
(đàm luận về uống trà).
Nhược Thâm là tên một người thợ nổi danh ở Cảnh
Đức Trấn đời Thanh, đến ngày nay chén nhược thâm được coi như một trong bốn món
để uống trà (phanh trà tứ bảo 烹茶四寳). Đây là tên gọi chén sứ nhỏ màu trắng ở dưới
đáy có đóng dấu “Nhược Thâm Trân Tàng”.[23]
Đài Loan vốn dĩ là một hòn đảo sống xa cách,
dân tình cổ phác, đến cuối thế kỷ XIX thì nhà Thanh nhường cho Nhật nên phong
khí ảnh hưởng của Nhật rất nhiều. Vào thời kỳ đó đối với họ những gì nhập cảng
từ Hoa lục đều là hiếm quí nên cũng giống như nước ta ở giai đoạn thế kỷ XIX rất
chuộng ấm nhỏ kiểu Mạnh Thần là loại ấm nếu đặt úp xuống thì miệng ấm, vòi ấm,
quai ấm nằm ngang nhau và nổi đều nếu để trên thau nước. Ở thời kỳ đó, chỉ giai
cấp thượng lưu mới dám dùng ấm Mạnh Thần, chén Nhược Thâm. Người dân thường khi
đó chỉ dùng ấm sành mà họ gọi là long quán (龍罐) là loại ấm to, thành dày, pha trà rẻ tiền
hay trà tươi không khác những nhà nông ở nước ta thuở trước.
Ấm đất nếu không nung thì cũng là loại thô kệch
gọi là xung tử quán (沖仔罐), lớn nhỏ nhiều cỡ gọi là đại long, tiểu
long.
Ấm đa giác
Tôi có một số ấm đa giác nghĩa là dáng của
một hình thể toán học. Ấm hình bốn cạnh là thông dụng nhất, hình chữ nhật hay
hình vuông và thường có phù điêu viết chữ nổi hay chìm.
Ấm hình vuông có khi trên dưới đều nhau
nhưng cũng có khi dưới to, trên nhỏ theo hình kim tự tháp. Ấm hình đa giác có
thể dùng khuôn cho chính xác nhưng việc ráp nối với nhau phải làm bằng tay nên những
chiếc ấm loại này công lao không phải nhỏ. Cũng có ấm hai buồng (tức thân chia
làm hai, một vòi chảy) hay ấm một buồng mà hai vòi chảy.
Ấm hai buồng và ấm hình trụ
Ngoài ấm tứ giác, tôi cũng có ấm hình ngũ
giác hay lục giác. Những loại ấm đa giác đều đòi hỏi người vẽ kiểu biết kha khá
về hình học vì những chỗ nối không mấy khi vuông góc mà vát xéo. Kinh nghiệm
cưa cắt của thợ mộc được áp dụng cho người nặn ấm mà người Trung Hoa nổi tiếng
khéo léo trong kiến trúc, gia cụ (đồ dùng trong nhà) nên việc họ làm được những
chiếc ấm cầu kỳ cũng là việc tự nhiên.
ẤM TRÀ HOA LỤC
Ấm làm tại Hoa lục, chủ yếu là ấm Nghi
Hưng sau những năm dài “ngủ đông” nay trỗi dậy nên bùng nổ hơn bao giờ hết.
Không cứ gì ở Trung Hoa, hầu như bất cứ khu vực nào bị cấm đoán đến khi được xổng
chuồng đều cố gắng chạy cho nhanh để bù lại những năm tháng bị giam hãm.
Lúc đầu tôi chỉ mua ấm từ các tiệm trà ở
Los Angeles, Monterey Park và trong vùng Orange County nên hoạ hoằn mới mua được
một cái vừa ý. Tôi chỉ quan tâm nhiều đến ấm Nghi Hưng sau khi đọc cuốn Trà
Kinh của Vũ Thế Ngọc và một vài nghiên cứu về ấm trên tờ tạp chí Arts of Asia
khoảng đầu thập niên 1980s. Tuy nhiên vì kiến thức ít ỏi nên tôi chỉ mua ấm bán
theo bộ, đều thuộc loại rẻ tiền mà tôi còn giữ đến ngày nay. Với một người uống
trà tay ngang, có vài bộ ấm chén cũng là quí lắm rồi dù chỉ là loại trung bình
chứ không có ấm tốt như trong sách vở miêu tả.
Khi mạng lưới internet trở nên phổ biến
và thương trường về ấm thông dụng hơn, tôi bắt đầu tìm mua một số ấm sản xuất ở
Hoa lục. Lúc đó là khoảng đầu thập niên 1990s. Vài chục năm trước, mọi sự đều
khó khăn nên việc mua từ xa là một việc làm khá phiêu lưu, nhiều rủi ro, giống
như đánh bạc. Tôi thường hỏi xin những catalogue của các hãng buôn trên San
Francisco rồi đặt mua, bao gồm cả sách Tàu và những món linh tinh, trong đó có
cả một vài chiếc ấm đất. Tuy không phải không có những sai lầm và bị lừa gạt
nhưng đến nay tôi chưa bị mất tiền lần nào.
Vào buổi bình minh của mua bán trên mạng,
bên cạnh những liều lĩnh cũng có những món hàng bất ngờ. Tôi mua được một số ấm
cũ khá đặc biệt trong những đợt đầu tiên mua bằng internet. Để giảm thiểu rủi
ro, lúc ấy phần nhiều tôi chỉ chọn những người bán có địa chỉ ở Mỹ, hoạ hoằn mới
mua ở châu Âu. Ngày ấy, số người Hoa kinh doanh trên mạng cũng chưa nhiều nên
người bán thường rao những món hàng có trong nhà, có khi là đồ không dùng tới,
cũng có khi là hàng của gia đình mà chính họ cũng không biết là gì. Cái tên
zisha, yixing chưa thông dụng nên việc miêu tả thường rất tổng quát, chung
chung lắm khi sai lầm. Do đó khi tìm trên mạng tôi phải dùng những tên gọi vớ vẩn
theo kiểu Mỹ như terra cotta teapot, Asian teapot, mini teapot hay miniature
teapot … mới kiếm ra.
Như đã đề cập trong bài “La Quế Tường và
nỗ lực hồi sinh ấm Nghi Hưng”, việc ấm đất trở thành một phong trào và sau năm
1979, kỹ nghệ nặn ấm tử sa đã có những thay đổi vượt bực. Do đó, cuộc Cách Mạng
Văn Hoá của Mao Trạch Đông là điểm ngắt quãng để nước Trung Hoa chuyển hướng
kinh tế, có thể coi là một điểm mốc để biết rằng những chiếc ấm đẹp nhiều công
phu chỉ xuất hiện sau thời này dù họ ghi những năm chế tạo sớm hơn.
Ấm Phong Thu (Lý Ích Thuận)
Hình trên là chiếc ấm Phong Thu 丰收, có nghĩa là được mùa, hình một bao tải đựng thóc bị chuột cắn, những
hạt lúa rơi cả ra bên ngoài. Chiếc ấm này do nghệ nhân Lý Ích Thuận chế tạo,
cái khéo là có ba con chuột một con ở bên ngoài, hai trên con ở bên trong thò đầu
ra. Chiếc bao rách còn tưa ra vài đường, giới thiệu trong cuốn tác phẩm Theo
Beauty of Chinese Yixing Teapots & The Finer Art of Tea Drinking, là sở
hữu của tác giả Lim Kean Siew, do Times Media Limited Times Centre tại
Singapore xuất bản năm 2001.
Tôi cũng có một chiếc ấm nhái lại kiểu này (hình dưới) tuy cũng đề tên Lý Ích Thuận nhưng nét không sắc bằng mặc dù làm cũng rất tinh tế, những con chuột thật ngộ nghĩnh dễ thương. Tuy nhiên so sánh bản chính và bản sao, chúng ta thấy hai bên khác nhau một trời một vực nhất là việc tạo hình và đường nét của chiếc bao tải.
Ấm hai lớp
Có một độ thấy trên mạng bán nhiều ấm hai
lớp, không hiểu có công dụng thế nào khi pha trà. Bên ngoài là một lớp đất mà
người ta dùng như một nền để trang trí. Loại ấm này thấy trong sách gọi tên là
lâu không (鏤空) hay linh lung điêu (玲瓏雕) và đã xuất hiện từ đời Thanh. Thuở ấy nhân công còn rẻ nên cái ấm
Long Phụng Trình Tường tôi mua được điêu khắc rất tinh xảo cho thấy người ta phải
bỏ rất nhiều công phu để hoàn thành vì phải làm khi ấm chưa nung, để lâu sẽ bị
khô không dùng được. Chiếc ấm này hình cái chuông.
Tôi cũng có một chiếc ấm tạo dáng cây
trúc nhìn theo độ phong hoá thì dường như khá cũ, có lẽ còn cũ hơn cả chiếc
Long Phụng Trình Tường (mua khoảng cuối thập niên 1990) là một kiểu bắt chước
chiếc ấm cổ đầu thế kỷ thứ XVIII có trong sách của La Quế Tường mà ông gọi là
Linh Lung Bát Trúc Hồ (玲瓏八竹壺)[24] đặt tên theo tám múi hình cây tre của chiếc ấm. Người Trung Hoa có rất
nhiều biểu tượng, điển cố nên vật gì, cây gì, hoa gì cũng có một ý nghĩa, nếu
không tìm hiểu sâu xa thì khó mà đoán được vật đó ngụ ý gì. Cây tre ngoài ý
nghĩa ngay thẳng còn là một loại cây nại hàn (chịu rét) nên cũng có ý nghĩa
kiên nhẫn, chịu đựng. Tiếng gió thổi vào bụi tre nghe lao xao như tiếng reo vui
nên cũng có ý nghĩa trúc báo bình an.
Tôi cũng còn một chiếc ấm hai lớp cùng một
loại với Long Phụng Trình Tường, điêu khắc nổi hình một người đàn bà bên cạnh
khóm mẫu đơn, có lẽ là Võ Tắc Thiên, người nữ hoàng truyền chỉ cho trăm hoa phải
nở theo ý mình.
Ấm trứng rồng
Ấm hình quả trứng là một kiểu mẫu thông dụng,
to nhỏ tuỳ loại. Loại ấm này khó nặn cho nắp vừa khít với ấm để như liền lạc
nên khó kiếm một chiếc ấm hoàn hảo. Những chiếc ấm đó tên gọi là long đản (龍蛋).
Tuy nhiên, chiếc ấm làm hình con rồng ấp
trứng nở ra rồng con là loại được nhiều người săn tìm mặc dù phẩm loại khác
nhau tuỳ theo người nặn ấm giỏi hay dở. Tôi có hai chiếc ấm loại này, một chiếc
nhỏ có thể dùng để uống trà nếu thích, một chiếc rất lớn chỉ để chưng trong nhà.
Chiếc ấm nhỏ tôi có khá đặc biệt vì người nặn là Cố Bân Võ (顧斌武) cũng là một người nổi tiếng trong giới nghệ nhân ở Nghi Hưng, là tác
giả của nhiều tác phẩm đặc sắc, trong đó có cả chiếc ấm long đản mà tôi có.[25]
Ấm trứng rồng
Ấm tuyên truyền
Dưới thời Mao Trạch Đông, ngành làm ấm
cũng bị chính trị hoá, những nghệ nhân có trình độ kỹ thuật cao bị kết án “lạc
hậu”, “không chịu đổi mới” … và bị đày đi cải tạo lao động (lao cải)
ở nông thôn hay các khu vực hoang vu, một hình thức lưu đày biệt xứ của thời
phong kiến để lại.
Ấm Cách Mạng Văn Hoá
Tôi sưu tầm được một chiếc ấm khá lớn chế
tác dưới thời Mao Trạch Đông mà tôi đặt tên là “Ấm Chi Bộ” vì lớn như thế chắc
chỉ có mấy ông cán bộ xã họp bàn công tác mới dùng đến. Cái ấm này hai bên thân
ấm có khắc hai hàng chữ:
Cân Cộng Sản Đảng Tẩu (跟共产党走) nghĩa là quyết đi theo đảng Cộng Sản
Thính Mao Chủ Tịch Thoại (听毛主席话) nghĩa là nghe theo lời của Mao chủ tịch
Những câu châm ngôn như chém đinh chặt sắt
nhằm tỏ quyết tâm của người dân Trung Hoa những năm đầu đảng Cộng Sản vừa cướp
được chính quyền. Chiếc ấm này dày dặn, đơn sơ theo kiểu ăn chắc mặc bền, đặc
trưng của thời Mao Trạch Đông, có đóng dấu tên người trong nắp ấm nhưng không
có gì ở trôn ấm nên biết là loại sản xuất hàng loạt theo chỉ tiêu. Hai hàng chữ
viết đá thảo khá sắc nét (xem ở trên).
Gần đây, tôi lại mua được một chiếc ấm
tương đối lớn, đủ pha trà cho bốn người hay nhiều hơn. Ấm này làm thời đại Tập
Cận Bình nhằm cổ xuý cái tiêu chí “một vành đai, một con đường” là chính
sách vươn dài ra các quốc gia đệ tam của Trung Hoa thời đại mới. Cái ấm làm
theo kiểu phỏng cổ (仿鼓) nghĩa là bắt chước
hình cái trống, một kiểu ấm rất thông dụng đời Thanh, nay được làm mẫu theo kiểu
này rất nhiều.[26] Bên
hông chiếc ấm có những hàng chữ sau đây:
Nhất Đái Nhất Lộ Tẩu Hướng Thế Giới (一廗一路走向世界) [một vành đai, một con đường chạy ra thế
giới] và bên dưới hai hàng chữ nhỏ hơn Toàn Cầu Vật Liên Võng Quản Lý Uỷ
Viên Hội Tặng (全球物联网管理委员会赠) [quản lý uỷ
viên hội liên mạng lưới toàn cầu tặng] và Ngô Hải Long Tử Sa Nghệ Thuật Quán
Xuất Phẩm (呉海龙紫砂艺术馆出品) [nghệ thuật
quán tử sa Ngô Hải Long sản xuất]
Ấm Một Vành Đai Một Con Đường
Tôi cũng sưu tầm được vài chiếc ấm thuộc loại
quà tặng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trên viền nắp có đề Điếu Ngư Đài Quốc
Tân Quán Tặng (釣魚台国宾馆赠) nghĩa là Quán Tiếp Tân Điếu Ngư Đài tặng. Đại
sảnh Điếu Ngư Đài là cơ quan thuộc bộ Ngoại Giao Trung Hoa lấy tên một quần đảo
đang có tranh chấp giữa Hoa lục, Đài Loan và Nhật Bản. Điểm đặc biệt của ấm Bộ
Ngoại Giao là dưới đáy ấm và bên trong ấm đều có một con dấu nổi hình quốc huy
của nhà nước Trung Hoa không biết có phải là một đặc điểm nhận dạng không vì những
chiếc ấm trông xấu mã hơn thì không có dấu quốc huy này. Ấm tặng có nhiều kiểu
nhưng tôi chỉ có vài ba chiếc, đều có hình quốc huy đóng bên trong ấm. Ấm đều
là chu nê, cỡ nhỏ uống một hay hai người.
Ấm Bộ Ngoại Giao
Những chiếc ấm ngoại giao này da không mịn hẳn
nhưng dùng lâu sẽ bóng và nhẵn.
Ấm thương mại
Ấm cũng được dùng nhiều trong việc quảng bá việc
uống trà nên nhiều cơ quan, trà quán, hãng xưởng cũng thường đặt làm một số ấm
để làm tặng phẩm cho khách hàng. Tôi có một số ấm loại thuỷ bình có đề những
hàng chữ “Thỉnh Ẩm Ô Long Trà” hay “Thỉnh Ẩm Phổ Nhĩ Trà”. Nhiều dịp lễ hay kỷ
niệm cũng có những ấm làm để ghi nhớ và làm quà tặng cho những vị khách quan trọng.
Tuy nhiên, chưa chắc người nhận đã đánh giá cao món quà nhận được nên sau đó hoặc
thanh lý hoặc bán ra nhiều khi với giá rẻ không ngờ.
Tôi có được một chiếc ấm do Cố Cảnh Chu nặn
riêng cho Dương Châu Đại Học rất đáng sưu tầm. Hình vẽ và chữ viết được khắc
nông là phong cách riêng của tác giả. Ấm này người ta gọi tên là ấm thạch biều
– biều là cái bầu rượu mặc dù tôi không thấy giống cái bầu chút nào. Trước đây ấm
thạch biều nổi tiếng là ấm do Cù Tử Dã nặn, với nét khắc cành tre và nhiều chữ
viết nên không chỉ là cái ấm mà còn là một bức hoạ, một bức thư pháp nên giá trị
tăng lên nhiều. Chiếc ấm thạch biều của tôi do Cố Cảnh Chu nặn, chữ viết của
ông rất cứng cáp vì là một thư pháp gia nổi tiếng. Trong thời đại mà những người
có chút bút mực đều phải dấu mình vì sợ bị qui vào tác phong tiểu tư sản thì một
cái ấm của danh thủ với những nét khắc tinh tế luôn luôn là một người bạn quí khi
mình cô đơn.
Khắc chữ là một công phu không nhỏ vì khắc lên
ấm – dẫu là ấm chưa nung – cũng khác với viết chữ trên giấy. Thư pháp đòi hỏi
người nho sĩ phải định tâm, tập trung và dĩ nhiên phải là người có chữ nghĩa. Cầm
một chiếc ấm mà mình lại được thưởng ngoạn cả chữ viết lẫn ý nghĩa của những gì
người ta gửi gấm cũng là một khoảng khắc không phải ai cũng có được.
Ấm giả cổ
Hàng Nghi Hưng nổi tiếng về làm giả vì nếu đã
có tài nặn ấm thì làm theo mẫu một chiếc ấm cũ không phải là chuyện khó khăn. Ngay
cả những người nổi danh thời hiện đại cũng đã có người khác mạo danh rồi huống
chi là người xưa không ai giữ bản quyền cả.
Thế nhưng cũng có nhiều cấp bậc khác nhau, có
cái để đánh lừa người không chuyên môn nhưng cũng có cái để người thợ phô diễn
chính mình có thể làm giả một món đồ xưa như thật. Với những tay chơi amateur
như tôi, dù mình kiếm được một chiếc ấm tinh xảo tới đâu thì cũng là đồ mới bắt
chước đồ cũ. Một chiếc ấm khéo tay, mới hay cũ không phải là vấn đề - trừ khi
chúng ta có ý định đi buôn đồ cổ - vì nếu là đồ quí thì đã không đến tay mình.
Tuy nhiên khi cầm một chiếc ấm đẹp trên tay, giở một cuốn sách nghiên cứu về tử
sa, thấy một chiếc trong sách giống như thế có cả tên và thời đại, chúng ta
cũng thấy phần nào gần gũi với cổ nhân nhất là tìm ra những nét ẩn dấu mà nếu
không do chỉ dẫn từ sách vở thì sẽ không thể nào phát giác được.
Trong Viện Bảo Tàng Trà Khí Bắc Kinh có lưu trữ
một chiếc ấm Cung Xuân, bề ngoài nhăn nheo như vỏ cây. Trong bộ sưu tập của tôi
có ba chiếc ấm mô phỏng chiếc ấm này, cả ba đều làm rất khéo, trong đó một chiếc
có ấn Thời Đại Bân. Chiếc này đất cũ hơn nên trông không bắt mắt nhưng nhìn về
độ mỹ thuật thì khéo và có vẻ thật hơn. Ấm làm giả vỏ cây thường hơi nhăn nhúm quá
độ nên so với thực tế thì hai chiếc kia không bằng. Cũng nên biết thêm, hiện
nay có nhiều ấm Cung Xuân theo mẫu hình tôi đang có đang giữ trong các viện bảo
tàng, mỗi cái có một lịch sử khác nhau, tuy cùng một kiểu và cũng không ai dám
chắc có thực là của Cung Xuân làm hay không?
Ấm nhái hình vỏ cây kiểu Cung Xuân
Trong Tử Sa Hồ Toàn Thư của Hàn Kỳ Lâu[27]
ở chương IV, Tử Sa Hồ đích Phát Triển Sử (紫砂壶的发展史) có mục Đào Hồ Tị Tổ Cung Xuân dữ Cung
Xuân hồ (陶壶鼻祖供春与供春壶) đã viết rất tường tận về tiểu sử Cung xuân và các dị bản của chiếc ấm
vỏ cây này.
Đời Thanh, Ngô Mai Đỉnh (吳梅鼎) trong bài Dương Tiện Mính Hồ Phú (陽羨茗壺賦) đã ca tụng Cung Xuân bằng hai câu:
彼新奇兮萬變,師造化兮元功。
信陶壺之鼻祖,亦天下之良工。
Bỉ tân kỳ hề vạn biến, sư tạo hóa hề nguyên
công
Tín đào hồ chi tị tổ, diệc thiên hạ chi lương
công
Ông mới lạ biến hóa vô cùng, là công lao đứng
đầu việc làm ấm
Ông là thủy tổ của đồ gốm sứ, cũng là người thợ
tài ba trong thiên hạ
Theo trong sách thì đây là chiếc ấm duy nhất
do Cung Xuân làm còn tồn tại, mặc dầu cũng còn một số ấm khác cũng được coi là
của Cung Xuân nhưng còn trong vòng tranh cãi. Ngay từ đời Thanh các nhà nghiên cứu cũng đã thú nhận rằng họ chưa từng
được nhìn thấy cái ấm nào do Cung Xuân làm.[28]
Thành thử, việc định lượng các tác phẩm của Cung Xuân phần lớn dựa trên lời tường
thuật của người khác và những lời lẽ đề cao cũng không thể nào kiểm chứng được
cho đến nơi đến chốn.
Cách đây vài mươi năm trước, tôi mua được
một chiếc ấm đoạn nê làm rất khéo. Nếu không phải là dùng khuôn để tạo dáng mà
làm bằng tay thì đây là một tuyệt phẩm hình hoa cúc, quai bằng tre trông rất đẹp.
Tuy ấm lớn khó dùng để pha trà nhưng có thể trưng trong tủ và cảm phục những
nét tỉ mỉ khi người thợ chuốt những cánh hoa. Gần đây tôi lại mua được một chiếc
ấm khác, cả thân lẫn nắp khi đậy lại thì hình một hòn bi lớn, người Trung Hoa gọi
là viên cầu hồ, theo sách vở thì loại ấm này do Huệ Mạnh Thần sáng tác.
Hai chiếc ấm đoạn nê đều tinh xảo làm bằng
đất sét màu nâu nhạt ngả sang đỏ. Dưới đáy ấm của cả hai chiếc ấm đều viết Minh
Viễn (鳴遠) và con dấu Ngũ Phúc Đường Giám Chế (五福堂). So sánh thì tuy nét sắc sảo nhưng không phải dùng một mẫu mà là chữ
khắc tay.
Tôi đoán rằng hai chiếc ấm này được làm khoảng
thời Dân Quốc, giả tên Trần Minh Viễn đời Thanh nhưng người sản xuất cũng không
che dấu nên đóng thêm con dấu Ngũ Phúc Đường như một ẩn số. Ấm giả đề tên người
xưa là thông tục của hàng gốm sứ Trung Hoa nhưng trên một góc độ nào đó nếu vẫn
kín đáo cho chúng ta biết gốc tích thực của nó thì phải hiểu rằng người nặn ấm
đời sau đã tự cho mình khéo tay chẳng kém gì người đi trước. Ngày hôm nay, nhiều
người thợ chế tác tinh xảo hơn ngày xưa tuy họ vẫn làm giả con dấu của người cũ
và điều đó chẳng ai cần dấu giếm.
ẤM ĐÀI LOAN
Khoảng cuối thập niên 1990, người bạn Đài
Loan cùng làm việc với tôi cho hay một tiệm trà Ten Li (Thiên Lập) ở trong khu siêu thị
góc Magnolia – Warner (Wesminster,
Calif.) có nhiều ấm tốt. Tiệm này khi đó mới khai
trương và chỉ bán hàng Đài Loan, trà Đài Loan và sau đó ở nơi đây tôi mua được
nhiều món hàng ưng ý. Tôi cũng có dịp trao đổi nhiều về sinh hoạt trà, ấm ở Đài
Loan nên quen thuộc hơn về cung cách uống trà của đảo quốc này.
Bà Betty, chủ tiệm Ten Li, hoạt động
trong đảng Dân Tiến, mỗi năm bà ta về nước hai lần để mua hàng nên cứ vài tháng
tôi lại lên xem có gì mới. Người Đài Loan chịu ảnh hưởng của người Nhật vì họ
đã sống dưới sự cai trị của Nhật Bản 50 năm và trong 50 năm đó, Đài Loan là một
phần của nước Nhật chứ không phải là thuộc địa. Chính Đồng Minh đã cắt hòn đảo
này giao lại cho Trung Hoa (khi đó do chính quyền Dân Quốc làm chủ) nên khi
thua trận, ông Tưởng Giới Thạch đã đem chính quyền lưu vong sang đây làm bàn đạp
để quang phục đại lục.
Câu chuyện lịch sử này rất dài và phức tạp,
người dân Đài Loan (nói đây là dân sống ở hòn đảo trước khi chính quyền Dân Quốc
sang cai trị) muốn tách riêng thành một tiểu quốc độc lập nhưng nhiều lần bị
đàn áp đẫm máu, vu cho là bị Cộng Sản giựt dây. Tình hình chỉ cải thiện sau nhiều
năm và tuy đã có nhiều lần đảng Dân Tiến thắng nhưng mỗi khi có ý muốn tách rời
khỏi Hoa lục thì đều bị Trung Cộng uy hiếp và hăm doạ dùng võ lực. Chúng ta thấy
tình hình hai bên không khác gì thời Khang Hi và sau cùng Thi Lang, một tướng
cũ của Trịnh Thành Công về hàng nhà Thanh đã chinh phục Đài Loan, sáp nhập vào
Trung Quốc.
Những chiếc ấm Đài Loan tôi mua của bà
Betty ở tiệm Ten Li đều là ấm nặn tay, làm rất khéo, dưới đáy thường có tên người
nặn viết tay, năm Trung Hoa và cả năm Tây Lịch nên không sợ nhầm. Những chiếc ấm
đầu tiên tôi mua ở đây là khoảng cuối thập niên 1990s. Năm 2000, kỷ niệm thiên
niên kỷ, ấm Đài Loan sản xuất nhiều mặt hàng nên tôi cũng mua được một số đồ kỷ
niệm. Nếu nhìn lại theo lịch sử loài người, việc mình bước chân từ 1999 sang
2000, từ thiên niên kỷ 1000 sang thiên niên kỷ 2000, từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI
là một biến cố trọng đại nên có những món đồ đánh dấu một “bước ngắn của vũ
trụ nhưng là một bước dài của con người” thì cũng thú vị.
Cái ấm Đài Loan đầu tiên tôi mua ở tiệm
Ten Li là một chiếc ấm chu nê đề năm Ất Hợi (1995). Chiếc ấm này nặn theo kiểu
Cung Xuân, một bên có 4 chữ Lăng Ba Tiên Tử, một bên có khắc hình hoa sen do
Ngô Minh Chương nặn. Theo như thế, tôi biết tiệm trà này cũng vào năm 1995 vì ấm
trà bán ở đây tuy ít nhưng luôn luôn có năm làm ra và thường là trong cùng năm đó.
Bộ ấm Cửu Long
Năm 2000 mở đầu cho thiên niên kỷ[29], tính theo âm lịch lại là năm Canh Thìn tức năm con Rồng, một linh vật
huyền thoại mà người Trung Hoa rất coi trọng. Cái tâm tính sùng bái con rồng
khiến cho nhiều người cố đẻ con vào năm này, con trai càng tốt nhất là có thai
đầu năm, sinh con cuối năm cùng vào năm Rồng thì lại càng hay hơn nữa.
Ấm Cửu Long 2000
Vào năm con Rồng thiên niên kỷ, tại Đài
Loan người ta làm một bộ ấm chén trang trí đủ chín con rồng bao gồm ba chiếc ấm
và sáu cái chén. Ba cái ấm gồm một cái ấm lớn làm theo kiểu bình thường, hai
chiếc còn lại là ấm phi thiên nghĩa là có cái quai cong lên đến giữa chừng, tuy
không thanh tao bằng ấm phi thiên do Lâm Chính Phương vẽ kiểu cho hãng Lục Vũ nhưng
cũng đẹp.
Sáu cái chén là loại chén hai lớp, trong
tráng men rạn như kiểu thiên mục mỗi chiếc có hình một con rồng. Những con rồng
trang trí trên thân ấm chén như tôi suy đoán là được rập bằng mẫu làm sẵn rồi
sau đó người thợ sẽ chuốt lại đường nét cho sắc sảo thêm linh động. Hai chiếc ấm
phi thiên làm theo hình cá chép đang sắp biến thành rồng.
Theo bà Betty thì ấm kỷ niệm này chỉ làm
đúng 200 bộ và bên Mỹ chỉ có hai người mua được. Tôi may mắn là vì khi đến tiệm
thì bà Betty vừa từ Đài Loan trở về, hàng chưa dỡ ra và cũng chưa ai trông thấy
nên mua ngay chứ đây không phải là loại bán số nhiều.
Tôi cũng còn sưu tầm được một số ấm có
đánh dấu thiên niên kỷ 2000 vào thời điểm đó, tuy không mấy khi dùng đến.
Ấm Lục Vũ
Lục Vũ là thương hiệu của một hãng tạo đồ
ấm đất Đài Loan, là chi nhánh của hãng trà Thiên Nhân. Khi thiên di qua Đài
Loan, người Trung Hoa vừa mở hãng trà Thiên Nhân – vừa mở xưởng sản xuất để khỏi
lệ thuộc vào ấm trà ở Hoa lục. Lục Vũ sản xuất một số bộ đồ trà tiêu chuẩn khá
tốt để dùng cho một nhóm nhỏ từ hai đến bốn người. Theo kỹ sư Lâm Chính Phương,
giám đốc thiết kế của hãng trà thì:
Việc nghiên cứu chế tạo đào từ trà cụ bao
gồm cả hai phần là trà và đào từ (đồ gốm) nên cần phải do người có hiểu biết sâu
rộng về cả hai, kết hợp những tương quan để vận dụng vào việc thiết kế và chế tạo.
Ngoài sáng kiến ra trà cụ còn phải thực dụng để vận dụng tri thức áp dụng vào
các công năng có giá trị, bao gồm mỹ học, lực học, công học.[30]
Có lẽ đây là lần đầu tiên áp dụng các
tiêu chuẩn khoa học vào việc vẽ kiểu và làm ấm, nâng món đồ thường nhật này lên
một tầm vóc mới. Về mỹ thuật thì mỗi người một ý nhưng về công năng, cân đối,
vòi chảy … Lâm Chính Phương đã có nhiều sáng kiến, loại trừ được những khuyết
điểm của các kiểu ấm cũ.
Ấm Lục Vũ
ấm trái đào (Hoán Thần) cỡ trung và cỡ nhỏ
Mấy chiếc ấm Đài Loan đầu tiên tôi mua là
loại hình trái đào. Loại ấm này có hai màu, tử sa và hồng nê (những màu khác
tôi chưa thấy), gồm ba cỡ nhỏ, vừa và lớn để dùng cho một người, hai người và
ba bốn người. Tôi chỉ dùng loại nhỏ và loại vừa, không dùng đến loại lớn. Ấm
trái đào nước chảy tốt nên hồi đó tôi dùng thường xuyên. Phong cách uống trà của
tôi hầu như thay đổi rất ít trong nhiều năm, tuy có mua thêm một số ấm đất
nhưng hồi đó, kiến thức không có nên ít phân biệt và vào thập niên 80s, 90s thì
cũng không có nhiều chọn lựa.
Các loại ấm Đài Loan do nhà Thiên Nhân vẽ
kiểu có đặc điểm là thân ấm không cân đối mặc dầu vẫn đối xứng như các ấm Nghi
Hưng cổ điển và vòi ấm bẻ xuống nên nước trà không chảy xuống làm thành một vệt
trắng khi dùng lâu. Đây cũng là một cải tiến và trở thành một “thương hiệu” của
họ mặc dù sau này cũng có nơi khác làm theo.
Trước đây khi tôi còn dùng nước ngoài vòi
để đun nước pha trà thì việc ấm loang lổ xảy ra thường xuyên, khó tẩy rửa. Về
sau khi dùng nước đã qua bình lọc thì nếu dùng lâu ấm chỉ có những cao trà đóng
ở quanh nắp ấm hay trôn ấm nhưng không bị ố trắng, ố vàng.
Ấm Lục Vũ
Ấm men rạn
Cách đây độ mười năm, ấm Đài Loan có một
số làm bằng đất trắng, bên ngoài tráng men và họ pha chế để sau khi nung hiện
ra những vết rạn, to nhỏ không đều nhưng rất đặc biệt. Những chiếc ấm đó thường
nhỏ là loại uống hàng ngày. Có điều ấm khi mới trắng đẹp, dùng uống trà sẽ bị
ngấm trà ngả màu vàng, tuy những vết nứt rõ ràng hơn nhưng mất đi vẻ đẹp tinh
khôi ban đầu. Hai chiếc ấm phía bên phải đã dùng qua nên sậm hơn hai chiếc bên
trái ít sử dụng. Chiếc ấm tận cùng bên trái tôi chưa dùng lần nào, chỉ rửa bằng
nước sôi cho sạch mùi đất mới.
Ấm sành nung
Ấm sành Đài Loan
Tuy giới uống trà chuộng đồ tử sa Nghi
Hưng mấy trăm năm qua nhưng gần đây tại Đài Loan – có lẽ vì tình hình chia cắt
với đại lục nên thiếu nguồn cung cấp – đã chuyển sang nghiên cứu khoáng chất
ngay tại hòn đảo để dùng làm ấm và hình thành một phong cách riêng. Đó là một
cách kháng cự lại ảnh hưởng từ Hoa lục nên việc tạo hình ấm trà bao gồm cả thực
dụng lẫn nghệ thuật, nhấn mạnh vào việc liên hợp giữa trà và ấm để đề cao và tận
hưởng các loại trà bản địa. Những nghệ nhân Đài Loan cũng tìm mua những loại ấm
cao cấp của lục địa để nghiên cứu, thậm chí đập nát rồi trộn với đất có sẵn ở
đây xem khác biệt thế nào khi pha trà.
Người ta thấy rằng hàm lượng cát trong đất
Nghi Hưng chính là yếu tố khiến cho ấm trà tại lục địa ngon hơn trà pha bằng ấm
thuần túy dùng đất tại Đài Loan. Chính vì thế, người Đài Loan đã trộn lẫn đất của
nhiều vùng trên hòn đảo, theo những cách thức và tỉ lệ riêng để tìm ra loại đất
thích hợp cho việc nặn ấm.
Năm 1999, trận động đất kinh người và một
vụ hỏa tai ở huyện Nam Đầu, đất cát trồi lên nên người ta đã thu thập được
nguyên liệu và tạo ra một cơ hội để tiến hành những khám phá mới. Khi thu thập
những khoáng liệu tìm thấy trong vùng bị tai ương thì có lục nê thạch, cống
nham, yên sơn nham, xà văn thạch, bối hóa thạch, từ thiết khoáng, lê bì thạch,
mạch phạn thạch … đều là những vật liệu rất tốt dùng để nặn đồ gốm sứ.[31]
Hai nhà nghiên cứu Đài Loan là Đặng Đinh
Thọ và Cổ Xuyên Tử thành lập Hồ Điệp Diêu (壺蝶窯) để tiến
hành những tìm tòi ngõ hầu tạo ra một bước nhảy vọt trong ngành làm ấm và một
hướng đi mới đi song song với Hoa lục. Ấm Đài Loan nay dùng khoáng liệu bản địa
đồng thời truyền bá các kiến thức về trồng trà, làm ấm cho các trà nông (người
trồng trà) để khôi phục lại ngành chế biến đang lâm vào cảnh khó khăn vì bị cạnh
tranh bởi nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đây cũng chính là châm ngôn chuyển
nguy thành cơ, biến tai hoạ thành động lực tiến bộ.
Ấm sành Đài Loan chú trọng vào sắc thái tự
nhiên của khoáng liệu và tro than mà thành chứ không dùng thủ thuật bên ngoài,
nhất là không dùng hoá chất khi chế biến. Cũng từ thời kỳ này, đồ sứ Đài Loan
có những bước nhảy vọt, nhiều loại đồ sứ mới được chế tác. Hồng Văn Úc (洪文郁) tạo ra được ấm trà màu tím bóng như làn da của một mỹ nhân đặt tên
là “tử sắc dương chi ngọc” (紫色羊脂玉). Có loại thì trông như đúc bằng gang, có loại trông như gỗ thếp vàng
cổ kính. Lý Vĩnh Sinh (李永生) chế tạo được ấm
màu thiên thanh có những đốm trắng trông như trà trong ấm tràn ra gọi tên là “trà
thang dật mãn” (茶湯溢滿) [hình bên trên].
Ấm nhữ diêu
Ðời Tống, đồ sứ
Trung Hoa nổi tiếng với năm loại Nhữ, Quân, Quan, Ca và Ðịnh Diêu [汝,鈞,官,哥,定窯] trong đó Nhữ Diêu[32]
màu xanh có ẩn màu lam là thượng phẩm mà cổ nhân đã ca tụng bằng hai câu thơ:
雨過天青雲破處
者般顏色作將來
Vũ quá thiên thanh vân phá xứ,
Giả bàn nhan sắc tác tương lai.
Sau trận mưa, ánh nắng xuyên qua đám mây
Mọi màu sắc đều xuất hiện ở món đồ sứ này
Trong nỗ lực cải tiến
để tìm kiếm sự độc đáo, Ðào Tác Phường nay đã tái tạo được nhữ diêu [nung ở nhiệt
độ 12700 C] và sản xuất những bộ đồ trà rất nhã nhưng vì giá thành
cao nên chỉ bán ra với số lượng nhỏ. Những bộ ấm này dùng một thời gian có những
vết rạn trông càng thêm cổ kính như một bằng chứng đánh dấu giao tình giữa đồ vật
với chủ nhân.
Nhữ diêu
Quân diêu
Quân diêu được gọi tên vì tìm thấy tại Quân
Đài, Hà Nam, bắt đầu có từ đời Đường và thịnh hành nhất là cuối đời Bắc Tống,
được phủ men xanh nhạt là chính, đời Tống là một trong ngũ đại danh diêu. Ngoài
men xanh còn có men lam xanh da trời, màu nguyệt bạch, màu đỏ sậm và màu hồng hải
đường.
Hiện nay hãng Đào Tác Phường có chế tác nhiều
bộ ấm sứ quân diêu màu xanh nhạt rất nhã, giá cả không rẻ. Nếu ai không chuộng
tử sa, một bộ ấm chén quân diêu, nhữ diêu để pha trà đãi khách cũng rất tiện.
ẤM NHẬT
Tôi có mua được một số ấm Nhật, không thuộc
loại có cái quai cầm giống như cái siêu sắc thuốc mà là loại nhỏ dùng để uống
trà theo cách Trung Hoa. Người Nhật uống trà – cách mà họ gọi là Trà Đạo – là một
nghi lễ rất phức tạp nên tôi không học được. Môn nào đã đưa lên hàng Đạo thì đều
phải toàn tâm toàn ý như một nghi thức tôn giáo trong khi đối với tôi, uống trà
là một phần làm phong phú thêm cái hương vị cuộc đời nên không muốn biến nó
thành tục luỵ.
Một bộ đồ trà mà tôi rất ưng ý bao gồm ấm,
một trà hà (chén chuyên) và 5 chiếc chén. Tất cả đều làm theo hình một chiếc lá
sen, có một con cua đang bám trên đó. Bộ ấm chén này là loại nung bằng cây
thông, một loại thông đặc biệt chỉ riêng người Nhật mới có nên bộ trà này cũng
là một dấu ấn riêng của họ. Tuy bộ trà cụ trông có vẻ cũ kỹ nhưng rất tinh khiết
thể hiện phong cách đất Phù Tang. Thỉnh thoảng tôi cũng thấy ấm trà hình là
sen, có điều không có con cua.
Ấm Nghi Hưng làm theo kiểu ấm Nhật
Ấm nhỏ
Ấm Nhật nhỏ ảnh hưởng của Trung Hoa nên
cũng cỡ 150-200ml. Có loại làm bằng sứ nhưng cũng có loại làm bằng đất, bên
ngoài tráng một lớp men, dùng lâu vì dãn nở không đều nên thành những vết rạn,
càng thêm cũ kỹ.
Ấm trà men rạn Nhật
Ấm Nhật cũng thường nung bằng gỗ thông, trồng có kế hoạch được tính toán rất kỹ lưỡng để năm nào cũng có một số lượng gỗ vừa đủ
để dùng mà không phá hoại vòng tái sinh của nó. Tôi có một cái ấm nhỏ đồ sành,
chỉ bằng nắm tay nhưng trên có viết đủ một bài Bát Nhã Tâm Kinh là chiếc ấm nặn
tay của một nhà sư.
Bộ đồ trà hình lá sen
Ấm uống trà Tàu làm tại Nhật
Chén Thiên Mục
Cứ như sách vở thì đời Tống có phong khí
“đấu trà” rất thịnh hành. Khi rót trà ra thì trên mặt nước có một lớp bọt trà
màu trắng (bạch sắc thang hoa - 白色湯花) nên việc dùng chén sứ màu trắng nông làm trở ngại việc thưởng trà và
so sánh nên người ta chuộng loại chén màu đen (kiến trản - 建盞)[33] để cho hai màu tương phản giữa thang hoa và chén uống.
Kiến trản có nhiều màu sắc bất thường vì
đất dùng làm chén có nhiều chất sắt nên khi nung thường nổi những vệt đen lấp
lánh có ánh đen, tím, xanh, vàng, khi rót trà vào thể hiện nhiều màu sắc, lấm tấm
từng đốm gọi là thiên mục rất hiếm quí.
Thố hào diêu biến (Đài Loan)
Chén đất Kiến màu đen đời Tống, Nguyên truyền
sang Nhật Bản được đặt tên là chén thiên mục (thiên mục oản - 天目碗) và vẫn còn lưu truyền đến ngày nay coi như đồ
hiếm quí. Tới gần đây, các nhà nghiên cứu Trung Hoa đã tìm cách khôi phục loại
chén thiên mục (còn gọi là thiên nhãn) và hai bậc thầy của ngành chế tác đồ sứ
của Đài Loan là Sái Hiểu Phương (蔡曉芳) và Trần Tá Đạo (陳佐導) cùng các đồng sự là Thiệu Lương Dương (邵椋揚), Hồng Văn Úc (敭洪文郁), Giang Can (江玕), Giang Hữu Đình (江有庭), Lưu Khâm Oánh (劉欽瑩), Hoàng Tồn Nhân (黄存仁) đã nghiên cứu và làm hồi sinh được cách chế
tạo loại chén đặc biệt này.[34]
Chén thiên mục hiện nay so với những chén cổ còn tinh mỹ và đa dạng hơn nhiều.
Theo Ngô Đức Lượng thì hiện nay ở Đài Loan có các loại đồ sứ được đặt tên là
thuỷ hoả đồng nguyên, uỷ hồng ấp thuý, phỉ thuý, thạch hồng, kim sa mỹ nhân tuý
… không chỉ ở đảo quốc mà ngay cả tại Hoa lục và các cộng đồng người Hoa khác
trên thế giới cũng đều ưa chuộng.
Theo những chuyên gia về đồ sứ Đài Loan thì họ
đã thành công khi làm được những bộ trà cụ và chén màu xanh nước biển, diêu biến
với những bệt màu đỏ, thố hào thiên mục là diêu biến toé ra những sợi mảnh li
ti như lông thỏ. Cái chén thố hào của tôi ở trên mua khoảng 10 năm trước ở tiệm
Ten Li giá 80 USD, đến nay có thể cao hơn.
Theo lịch sử thì uống trà bằng chén nhỏ (mà
người ta gọi là công phu trà) vẫn là phong cách thông dụng nhất. Chỉ tới gần
đây, khi người ta bắt đầu chuyển sang chuộng lão trà và Phổ Nhĩ thì việc uống bằng
chén lớn mới quay lại. Nhiều người cho rằng chén thiên mục thích hợp cho trà
Long Tỉnh, Bích Loa Xuân (lục trà) hay hồng trà. Việc chuyển từ chén nhỏ sang
chén lớn cũng có thể vì ngày nay uống trà không còn là một đặc quyền của giới
thượng lưu mà phổ biến cho đến mọi tầng lớp nên sự cầu kỳ cũng bớt đi, chén lớn
tiện dụng khi tiếp khách. Tôi cũng có một số chén thiên mục từ Nhật Bản hay Hoa
lục.
Chén uống trà phục chế theo kiểu nhập cảng từ An Nam
LINH TINH
Ngày xưa, khi mọi việc còn giản dị, người ta
khi pha trà chỉ tráng ấm chén, mở hộp trà ra đổ lên lòng bàn tay một nhúm trà đủ
pha rồi bỏ vào ấm, châm nước sôi. Việc thưởng thức trà – dù là trà ngon – dẫu
có đưa lên thành một nghi thức trang trọng thì vẫn không trang nhã như ta tưởng.
Dịch giả Bảo Sơn trong Lời Giới Thiệu của tác phẩm Trà Đạo, tác giả Okakura
Kakuzo, do ông dịch có một đoạn tự sự như sau:
Tôi thường nhớ tới
mấy lẩn đến thăm một gia đình vào bậc phong lưu có bộ phòng khách bẳng trắc kiểu
Tầu bóng lộn, bà chủ trịnh trọng bưng ra một bộ đồ trà cổ từ đời Khang Hi bầy
trên một chiếc khay gụ chạm và khảm xà cừ quý giá. Tôi vui vẻ nhìn theo đôi bàn
tay khéo léo của bà pha trà. Bà mở nắp ấm trà trong đã có sẵn một ít lá màu
xanh lợt nở trương ra trong một ít nước; bà bỏ thêm vào ấm mấy cánh trà mới, lấy
trong một chiếc hộp thiếc xinh xinh; bà chế nước đựng trong một bình thuỷ vào,
rồi đợi một lúc rót ra chén tống, chuyển sang chén con và trịnh trọng hai tay
nâng mời tôi uống.
Tôi đưa chén trà
lên môi nhấp, nước nguội và toàn một vị tanh tanh, nhổ ra cũng dở mà nuốt vào củng
dở. Nước đựng trong bình thuỷ, không còn là nước sôi nữa nên không đủ sức ngấm
vào mấy cánh trà mới, nó chỉ là nước nóng pha vào một thứ nước ngâm bã trà tầu
từ lâu.
Bà chủ tươi cười
nói: “Thưa bác, đây là Vương Trà đấy ạ, người ta mới làm quà cho tôi đấy ạ”.
Tôi nói: “Ồ, quý
hoá thế, thảm nào …”.[35]
Với lối uống trà như thế cũng phản ảnh phần
nào sự đơn giản và tiện tặn của cách uống trà Tàu trong giới thượng lưu nước ta
cách nay chưa lâu lắm. Ngày hôm nay việc uống trà, chơi ấm trở thành một thói
quen của một thế hệ thanh niên mới.
Theo Ngô Đức Lượng, cái ấm chuyên mà họ đặt
tên là trà hải cũng chỉ mới bắt đầu xuất hiện ở Đài Loan vào thập niên 1980s rồi
nhanh chóng truyền sang Nhật Bản, Hàn quốc và vùng Đông Nam Á. Quả thật như vậy,
những chiếc ấm chuyên đầu tiên tôi thấy không phải là một món đồ riêng bán rời
mà chỉ nằm trong những bộ ấm trà đi kèm với ấm, chén, đĩa và khay trà chung
trong một hộp. Phải đến cuối thế kỷ XX, khi đại lục đã mở rộng thị trường, người
Trung Hoa mới bắt đầu sản xuất trà hải để bán ra bên ngoài như một trà cụ riêng
rẽ. Đo đó, ngoài ấm ra, những món phụ tùng khác chỉ gần đây mới được coi là thuộc
bộ đồ trà. Thông thường thì một bộ ấm chỉ bao gồm một
đĩa rỗng dùng làm khay, một ấm pha trà, một ấm chuyên, bốn hay sáu chén mỗi cái
có một đĩa nhỏ. Một bộ ấm chén hiện nay cũng rất huê dạng, kiểu cọ, phức tạp
hơn các cụ ngày xưa nhiều. Ngoài ấm chén, để pha trà người ta cần cái cóng xúc
trà và nhiều dụng cụ linh tinh khác.
Bộ đồ trà Việt Nam (bịt đồng)
Khay trà
Đồ gốm tráng men – Đồ sứ - Đồ tử sa
Để pha trà người ta cũng cần một cái khay để ấm,
bên dưới là chỗ hứng nước thừa. Cái khay ấm này có thể làm bằng sứ hay đồ gốm
tráng men. Đồ gốm tráng men của hiệu Đào Tác Phường khá đắt. Cũng có khay làm bằng
đất tử sa, loại lớn hay loại nhỏ. Những chiếc khay đi theo bộ thường nhỏ, mau đầy
nên phải đổ đi luôn. Cái khay bằng gốm sứ của tôi phía bên trái là sản phẩm của
Đào Tác Phường, cái khay bên phải làm bằng tử sa Nghi Hưng còn cái ở giữa là đồ
sứ.
Ống đựng
Những món linh tinh cần có một ống đựng. Ống đựng
thường làm bằng tre hay gỗ cũng không khác gì ống đựng bút của nhà nho nhưng
thường nhỏ hơn để những món linh tinh như cóng xúc trà, đồ gắp chén, tiêm thông
vòi … Nếu kỹ hơn cũng nên có một cái bàn chải để đánh bóng chiếc ấm khi rảnh rỗi.
Các phụ trợ
Thìa xúc trà
Thìa xúc trà có nhiều
kiểu khác nhau bao gồm một chiếc thìa bằng tre hay gỗ để đong trà trước khi đổ
vào ấm. Nhiều người kỹ hơn còn có một cái cóng hình lá sen cuộn để lường trước
cho khỏi quá tay rồi mới từ cái lá sen đó đổ vào ấm. Cũng có khi người ta có
thêm một chiếc phễu (cái quặng) để trà khỏi rơi ra ngoài.
Kẹp gắp chén
Kẹp gắp chén tuy đơn
giản nhưng lại quan trọng vì nếu không tốt có thể tuột tay rơi vỡ như chơi. Một
bộ chén vỡ mất một chiếc luôn luôn làm chúng ta ấm ức dù rằng ít khi dùng đến.
Kẹp làm bằng nhựa, bằng tre, hay bằng gỗ. Theo nhận xét của riêng tôi thì kẹp bằng
tre dùng bền hơn cả mặc dù có những bộ nhiều món cả cóng xúc trà, kẹp chén và
tiêm thông vòi khắc bằng gỗ rất đẹp nhưng lại không tiện dụng bằng những món
đơn giản hơn. Tôi có một chiếc kẹp tre, buộc bằng lạt dùng có lẽ đã trên 30 năm
vẫn còn tốt.
Đồ móc bã trà và thông vòi
Đồ móc bã trà là một
chiếc que, một đầu tạc thành hình cong cong để móc trà ra khi không dùng nữa.
Có cái một đầu có móc trà, đầu kia là cái kim để thông vòi, hai món cùng một
thanh cho tiện.
Bình đựng nước thừa
Bình đựng nước thừa
Tôi cũng sưu tầm được hai chiếc ang bằng đất tử sa. Loại ang này nhiều
nơi làm, có điều thường chỉ để trơn sản xuất bằng khuôn. Hai cái tôi có, một
cái in bài Lễ Vận Đại Đồng Thư là thủ bút của Tôn Văn (Dật Tiên), một chiếc có
nguyên một bài văn viết chữ thảo rất phóng dật mà tôi chưa tìm ra đây là bài
gì. Loại ang này đúc khéo, dưới hình bầu tròn nhưng trên thì thuôn lại thành
hình lục giác.
Sau thời kỳ băng giá của chế độ toàn trị
mà mỗi con người chỉ là một người máy hoàn toàn chỉ cử động theo lệnh lạc từ
trên ban xuống, Trung Hoa tuy là quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng đói kém
và lạc hậu. Người viết tưởng tượng cái cảnh những nghệ nhân Nghi Hưng khi được
tiếp xúc với một người từ bên ngoài vào thăm và biết được rằng ở một nơi xa xôi
ngoài thế giới của họ vẫn có những người biết tán thưởng những công trình nay
hoàn toàn mai một và chỉ còn là kỷ niệm. Văn chương, âm nhạc, điêu khắc … cũng
đều là những hình thái phi sản xuất huống chi những người thợ nặn ấm, nhiều năm
qua chỉ biết làm những chiếc ấm xấu xí dành cho đại chúng. Hiếm hoi nếu có tài
họ được giao thêm việc trang trí vài hàng chữ khẩu hiệu như chiếc ấm “chi bộ”
chúng tôi đã trình bày ở trên.
Thế nhưng dưới đất lạnh, khi có dấu hiệu
của mùa xuân thì các mầm non bắt đầu trổi lên và người ta hồi tưởng, khôi phục
lại những gì đã bị lãng quên. Hồn ma cũ nay quay trở lại và những người thợ hẳn
đã thao thức nhiều đêm mơ về một ngày được toàn tâm toàn ý hoàn thành một tác
phẩm mình ấp ủ. Cũng may mắn cho họ khi còn những cộng đồng người Trung Hoa còn
quan tâm đến việc lưu giữ ấm cũ và không ít sách vở nhắc đến những người đã từng
nổi danh nên việc sưu tầm và nghề nặn ấm được từ từ khôi phục lại, không chỉ bằng
mà còn vượt khi xưa một quãng dài. Theo sách Yixing Pottery trong bộ
Arts of China thì người Trung Hoa đưa ra sáu tiêu chí khi chọn ấm:
Thứ nhất là hình dáng, nhìn một chiếc ấm
từ xa thì ấm cần phải độc đáo, hài hòa, hình dáng cân đối và nổi trội. Các bộ
phận của chiếc ấm như vòi ấm, nắp ấm, quai cầm, thân ấm cần liên kết thành một
tổng thể mỹ thuật và có công năng.
Thứ hai là giá trị của đất nung. Đất tử
sa giá trị tùy theo loại, mỏ và cách điều chế. Đất tốt có màu nhạt nhưng tươi
và màu sắc từ trong đất đi ra, nếu được nặn đúng cách thì dùng lâu sẽ trở nên
bóng loáng.
Thứ ba là cách nung và điều chế, chỉ những
ấm được nung đều và không ám lửa, không lẫn tro bụi mới được coi là toàn hảo.
Thứ tư là kỹ năng của người nặn ấm, kế thừa
từ cổ nhân khiến cho ấm có vẻ mỹ thuật và lôi cuốn.
Thứ năm là đường nét trang trí trên ấm.
Như trên đã nói, có rất nhiều cách trang trí khác nhau từ vẽ vời, chạm khắc, khảm
kim loại. Nội dung của hình vẽ hay văn tự trên ấm là những tiêu chuẩn quan trọng
nhất là khi viết cả một bài thơ, châm ngôn hay một đoạn kinh thì nét bút, nét
dao lại càng đáng quan tâm hơn nữa.
Thứ sáu là công năng chính của chiếc ấm để
pha trà nên nếu ấm nào không dùng pha trà được thì hình thức chỉ là thứ yếu. Một
chiếc ấm vừa đẹp vừa tiện dụng vẫn là mục đích sau cùng của người sưu tầm ấm.[36]
Trước đây khi người thợ coi như một công
cụ sản xuất, giá trị của họ được định bằng số lượng ấm làm ra hàng ngày, hàng
tuần và một khi không đạt yêu cầu sẽ bị chuyển sang làm công nhân ở nhà máy hay
thành nông dân. Tới khi được phục hồi, việc ái mộ người thợ ấm lắm khi trở
thành sùng bái, nhiều nhân vật cùng với tác phẩm của họ được viết thành một tiểu
sử dày. Những nghệ sĩ mới nổi lên cũng được coi trọng như những thần tượng văn
nghệ, võ sĩ, cầu thủ … trong thời đại mới tạo thành những cơn sốt săn tìm ấm độc
đáo mà giá cả nóng cả tay. Không hiếm người bị lợi dụng tên tuổi để thương mại
hoá và cái chứng thư bảo đảm (certificate of authencity) trở thành vô nghĩa vì
đến bằng cấp còn làm giả huống hồ một mảnh giấy không thể kiểm chứng được.
Nguyễn Duy Chính
Xuân Ất Tị 2025
[1] Lâm Chính Phương, Hồ Nghệ Càn Khôn (1993) tr. 107.
[2] Hàn Kỳ Lâu, Tử Sa Hồ Toàn Thư (2002) tr. 70
[3] Đây là chiếc ấm ký tên Trần Minh Viễn, xuất hiện trong nhiều ấn phẩm
nhưng không thấy ghi chú về trưng bày ở đâu. Chinese Art: Symbols and Images (中國美術象徵與形像) Mass:
Wellesley College, 1967 tr. 55-6 có miêu tả chiếc ấm này như sau:
Nguyên văn
I-Hsing Teapot in the shape of a Plum Tree
Ming Dynasty
Unglazed dark brown, high-fired clay pot, shaped as the leaning stump of
an old plum tree. A truncate limb serves as spout, two twisted and interwined
limbs do duty as a handle. The lid is formed like a knobby, weathered wood of
the core. On the left side of the stump, a limb is torn off, leaving a
skillfully wrought large scar of fibrous texture which contrasts pathetically
with the smooth bark. But the tree is alive, for from its tortured trunk issue
small shoots with buds and blossoms, moulded in a light yellowish clay. An
incised inscription, signed Ming-yuan, would indicate that this small teapot is
the work of the famous potter Ch’en Ming-yuan. Height, 41/4” (10.8
cms), width, 53/4” (14.7 cms). Sixteenth or seventeenth century.
Dịch nghĩa
Ấm Nghi Hưng có hình một gốc mai
Đời Minh
Đây là một chiếc bình đất sét màu nâu sậm không tráng men, được tạo hình
một gốc mai già nghiêng. Một nhánh bị cắt dùng làm vòi ấm, hai nhánh khác xoắn
vào nhau được làm thành quai ấm. Nắp ấm được nặn giống như một lõi gỗ sần sùi
vì mưa nắng.
Phía bên trái của thân cây có một cành cây bị tước ra, để lại một vết sẹo
lớn nặn khéo léo lộ những thớ gỗ trái ngược với vỏ cây nhẵn nhụi. Thế nhưng cây
này vẫn còn sống vì từ cái thân tan tác này vẫn nảy ra những cành nhỏ có nụ và
hoa, được tạo bằng đất sét màu vàng. Một hàng chữ khắc, ký tên Minh Viễn, cho
thấy chiếc ấm nhỏ này là tác phẩm của người nặn ấm trứ danh Trần Minh Viễn.
Ấm cao 4 ¼ inches (10.8 cm), ngang 5 ¾ inches (14.7 cm). Vào khoảng thế
kỷ XVI hay XVII.
Bên dưới có ghi chú chiếc ấm này được Seattle Art Museum cho mượn trong
kỳ Triển Lãm Nghệ Thuật năm 1952 (số hiệu 203) của Viện Nghệ Thuật Detroit và Kỷ
Niệm 25 năm ngày thành lập Mayling Soong Foundation của Wellesley College mùa
xuân năm 1967.
[4] Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San, đệ Nhị tập,
Bút Ký Truyền Kỳ Tiểu Thuyết Loại, Vũ Trung Tùy Bút … Pháp Quốc Viễn Đông Học
Viện xb, 1992 tr. 23-24.
[5] Nam Phong tạp chí, số 122, Octobre, 1927 bản dịch Đông Châu, tr.
359-361. Bản dịch Vũ Trung Tùy Bút của Đông Châu được in thành sách, có hiệu
đính (Hà Nội: Văn Học, 1972, Paris: Đông Nam Á, 1985). Gần đây tác phẩm này đã
được Trần Thị Kim Anh dịch lại và khảo luận tương đối công phu, nxb KH-XH ấn
hành năm 2003 tại Hà Nội.
[6] The Chinese way of looking at life was not primarily through religion,
or philosophy, or science, but through art. All their other activities seem to
have been colored by their artistic sensitivity.
[7] Trong cuốn Trung Quốc Trà Độc Bản (Đảo Vĩ Thân Tam) (1996) tr. 89
có một chiếc ấm như thế này là tác phẩm của Chu Định Phương. Cái ấm của tôi tác
giả là Đổng Minh Châu (董明珠).
[8] Chương 4: Contemporary American Interpretations (tr. 79-107)
[9] Trong
Viện Bảo Tàng Lịch Sử ở Bắc Kinh còn một chiếc ấm mà người ta cho rằng do Cung
Xuân làm. TS La Quế Tường cũng hiến tặng một chiếc ấm sáu
múi cho rằng do Cung Xuân nặn nhưng giới chuyên gia chưa đồng ý. Nhiều viện bảo
tàng khác có trưng bày ấm Cung Xuân nhưng do hậu nhân làm khoảng đời Thanh.
[10] Geoffrey Gowlland, Reinventing Craft in China (2017) tr. 22.
[11] Hàn Kỳ Lâu, Tử Sa Hồ Toàn Thư (Phúc Kiến Mỹ Thuật xbx, 2002) tr.
322.
[12] Geoffrey Gowlland, sđd. tr. 25-26.
[13] Bức ảnh này chụp một góc trong một xưởng thợ ở Nghi Hưng đang làm việc.
Trong hình đều là những tên tuổi mà hôm nay nếu gặp những ấm do họ nặn tiền phải
trả có khi lên đến hàng chục ngàn USD hay hơn. Từ trái sang phải là Trần Phúc
Uyên, Vương Dần Xuân, Ngô Vân Căn, Bùi Thạch Dân, Tưởng Dung.
[14] Chu Trạch Vĩ và Thẩm Á Cầm. “Tử Sa
Khoáng Liệu Đích Chủng Loại”. Hồ Nghệ số 25 tr. 46
[15] ①
Sắc xanh biếc, xanh mà lại lẫn cả sắc vàng gọi là [b]lục[/b]. ||② Một nguyên chất nhà hoá học tìm thấy ở loài phi kim chlorine, thành một
chất hơi xanh vàng, mùi rất hăng rất độc, hít vào có thể hộc máu ra. (Thiều Chửu).
Tuy gọi là lục nên nhưng sau khi nung thì thành màu vàng đậm.
[16] Khổng Tử (Luận Ngữ) nghĩa là làm
theo ý mình muốn mà vẫn không ra ngoài khuôn phép
[17] Garth Clark: The Artful Teapot (2001) tr. 40.
[18] Ah
Leon là Hán dịch tên thực A Lượng (阿亮),một nghệ sĩ gốm sứ Đài Loan hiện định
cư tại Mỹ.
[19] Hồ Nghệ Càn Khôn, sđd. tr.
168-176.
[20] Hidden Meanings in Chinese Art (San Francisco: Asian Art Museum – Choong-Moon Lee Center for Asian Art
and Culture, 2006)
[21] ở đây là xưởng gốm sứ Nghi Hưng,
sau này khi có các xưởng khác thì được gọi dưới cái tên Đệ Nhất Xưởng.
[22] Gowlland, sđd. tr. 79
[23] Ngô Đức
Lượng, Đài Loan Trà Khí, tr. 14.
[24] Yixing Purple Clay Wares (1994) tr. 76. Ấm này tàng trữ trong Flagstaff House Museum of Tea
Ware, số hiệu C81.348.
[25] Đương Đại Tử Sa Quần Anh (Contemporary Purple Sand Master Potters) (1997) tr. 52.
[26] Chữ cổ có khi viết là 皷 có khi lại viết là 古. Phỏng cổ là mô phỏng theo đời xưa.
[27] Hàn Kỳ
Lâu (韩其楼). Tử Sa Hồ Toàn Thư (紫砂壶全书). Phúc Kiến Mỹ Thuật xbx, 2002.
[28] Sđd.
tr. 70-72.
[29] Thực ra nếu tính cho đúng năm 2000
là năm cuối của thế kỷ XIX, khởi đầu cho thiên niên kỷ mới phải là 1-1-2001.
[30] Lâm Chính Phương, Hồ Nghệ Càn
Khôn: Trà Cụ Thiết Kế Chế Tác Dữ Nghiên Cứu (Đài Bắc, 1993) tr. 14
[31] Ngô Đức
Lượng: Đài Loan trà khí (2012), tr. 80-81.
[32] Theo truyền thuyết, nhữ diêu chỉ dành riêng
cho cung vua đời Tống, và về sau hiếm đến nỗi vua Càn Long đã phải nói là “ít
như sao buổi sớm”. Triều Tiên sau này có loại Koryo cũng có màu sắc tương tự.
[33] Kiến
diêu là loại chén làm ở Kiến Châu nay là Kiến Dương tỉnh Phúc Kiến.
[34] Ngô Đức
Lượng, sđd. tr. 172-3. Ngày hôm nay, các nhà sản xuất tại Hoa Lục cũng đã làm
được và tung ra thị trường với giá hạ hơn chén thiên mục Đài Loan.
[35] Trà
Đạo, Bảo Sơn dịch. Nxb tổng hợp An Giang, 1990 tr.
5-6.
[36] Pan Chunfang: Yixing Pottery (2004) tr. 76