Saturday, December 19, 2020

CÁC NHÀ VĂN NỮ MIỀN NAM VIỆT NAM / WOMEN WRITERS OF SOUTH VIETNAM [1954-1975] / Translation by TRÙNG DƯƠNG

 Văn Học Press

22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978

email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press

 

PR 12/1/2020

SÁCH MỚI

Trân trọng giới thiệu:

 

 CÁC NHÀ VĂN NỮ

MIỀN NAM VIỆT NAM

 

WOMEN WRITERS OF

SOUTH VIETNAM

[1954-1975]

 

Biên khảo của | Research article by

CÔNG HUYỀN TÔN NỮ NHA TRANG

Bản dịch của | Translation by TRÙNG DƯƠNG

VĂN HỌC PRESS, 2020

Sách song ngữ | A Bilingual Book

Thiết kế bìa | Cover design by:

ĐINH TRƯỜNG CHINH

224 trang, ấn phí: US$18.00

 

 Tìm mua trên BARNES & NOBLE

Xin bấm vào đường dẫn sau:

 Women Writers of South Vietnam [1954-1975] by Ton Nu Nha Trang, Paperback | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com)

  Lời nhà xuất bản

 Vào đầu thập niên 1980, cơ quan Social Science Research Council (Brooklyn, New York) cùng phối hợp với cơ quan American Council of Learned Societies (New York, New York) thành lập một Ủy ban Liên hợp về Đông Nam Á (Joint Committee on Southeast Asia) trong khuôn khổ chương trình vừa đề ra, có tên là Indochina Studies Program. Họ rao nhận đơn xin tài trợ để nghiên cứu về các vấn đề Đông Dương, gồm ba nước Việt, Miên và Lào, dựa vào hiểu biết và kinh nghiệm của các người tị nạn vừa rời khỏi ba quốc gia này từ sau 1975 và hiện cư ngụ tại Bắc Mỹ. Học bổng gồm 25.000 Mỹ kim, do ba cơ quan Ford Foundation, National Endowment for the Humanities và Henry Luce Foundation đứng ra tài trợ, với thời hạn nghiên cứu là một năm.

    Mười đề án đã được Ủy ban Liên hợp về Đông Nam Á chấp thuận, trong đó hết bốn đề án là của người Việt. Các đề án này gồm có nghiên cứu về báo chí Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975, do nhà báo Đỗ Ngọc Yến đứng đơn, với sự cộng tác của bốn đồng nghiệp, gồm Khoan La-Phạm, Lê Đình Điểu, Phan Huy Đạt và Trần Văn Ngô. Học giả Huỳnh Sanh Thông đề nghị nghiên cứu về công cuộc giáo dục cải tạo (re-education) của chế độ Xã hội chủ nghĩa từ sau 1975. Nhà văn Võ Phiến Đoàn Thế Nhơn nghiên cứu về văn học Miền Nam, 1954-1975. Và Tiến sĩ Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang nghiên cứu riêng về phụ nữ trong văn học Nam Việt Nam, 1954-1975.

    Vì lý do nào đó, dự án nghiên cứu về báo chí Miền Nam của nhà báo Đỗ Ngọc Yến đã không được hoàn tất. Ba dự án còn lại, gồm nghiên cứu của Giáo sư Huỳnh Sanh Thông, khi xuất bản có tựa là To Be Made Over: Tales of Socialist Re-education in Vietnam, gồm bài viết của 10 cựu tù cải tạo mà ông dịch và hiệu đính được xuất bản dưới hình thức tạp chí, Lạc Việt, số 5, ngày 1 tháng Một, 1988; cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan, 1954-1975 của nhà văn Võ Phiến, có tính cách một hồi ký văn học hơn là biên khảo học thuật song chứa đựng các tài liệu văn học quý giá, ra mắt lần đầu vào năm 1986, và trước sau đã tái bản ba lần, 1988, 2000 và 2014; và công trình biên khảo Women Writers of South Vietnam, 1954-1975 của Tiến sĩ Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, xuất bản lần đầu trên tạp chí Vietnam Forum, số 9, 1987, của Đại học Yale, cho tới nay chỉ mới được biết tới trong giới đại học.

    Nhà xuất bản Văn Học Press chọn dịch ra Việt ngữ bài biên khảo này của Tiến sĩ Tôn Nữ Nha Trang, dưới tựa đề Các Nhà Văn Nữ Miền Nam, 1954-1975 vì thấy đây là một công trình biên khảo công phu, có giá trị vừa văn học vừa lịch sử. Tác phẩm của Tiến sĩ Tôn Nữ Nha Trang có tính cách văn học vì bài biên khảo gần 30.000 chữ này bao gồm gần toàn bộ các khuôn mặt phụ nữ mà các đóng góp của họ còn được lưu truyền từ đầu thế kỷ 18, hoặc sáng tác một cách tài tử hoặc một cách chuyên nghiệp (như về sau này), trong kho tàng văn học Việt, với trọng tâm khai triển chính của công trình nghiên cứu là 21 năm tại Miền Nam. Công trình nghiên cứu còn có tính cách lịch sử vì nó đồng thời phác họa lại những tiến hóa trong vai trò người nữ trong xã hội Việt, từ chỗ chỉ biết tới sinh hoạt trong bốn bức tường gia đình và khi nhàn rỗi viết văn làm thơ như một trò tiêu khiển, tới việc bước ra ngoài xã hội bươn chải sinh sống và nuôi gia đình bằng nghề viết tiểu thuyết như các năm cuối thập niên 1960 tới 1975 – một hiện tượng chưa hề xẩy ra trong đời sống văn học Việt trước đó.

    Các Nhà Văn Nữ Miền Nam 1954-1975 của Tiến sĩ Tôn Nữ Nha Trang không phải là tác phẩm duy nhất viết về các nhà văn nữ. Trước 1975, nhà văn Uyên Thao đã xuất bản Các Nhà Văn Nữ Việt Nam 1900-1970 (Nhân Bản, Sài Gòn, 1973). Tuy nhiên, đây là một tập sách phê bình hơn là biên khảo. Ngoài ra, tuy ghi là từ 1900, tập sách chỉ gồm có chín nhà văn, với bốn vị viết từ trước 1945, và năm người từ sau 1954. Rải rác đó đây là những bài tiểu luận hay phỏng vấn một số người nữ cầm bút.

    Do đấy, có thể nói, công trình biên khảo của học giả Tôn Nữ Nha Trang là độc nhất và bao gồm sâu rộng rất cần được phổ biến tới giới độc giả Việt như một gợi ý cho các công trình nghiên cứu tương lai.

    Sinh năm 1941 tại Nha Trang, Tiến sĩ Tôn Nữ Nha Trang là con đầu trong số 15 người con của nhà văn B.Đ. Ái Mỹ và nữ thi sĩ Trinh Tiên/Tâm Tấn. Bà theo học Đại học Văn Khoa, Sài Gòn từ 1961 tới 1962 thì đi du học tại International Christian University ở Mitaka, Tokyo. Từ năm 1965 tới 1966, bà phải tạm nghỉ học vì một tai nạn xe hơi làm mất trí nhớ và chấn thương một mắt. Năm sau, 1967, bà đỗ Cử nhân Ngôn ngữ và Văn chương Nhật Bản tại San Francisco State University, California. Sau khi lấy xong Cao học về Văn học sử so sánh, bà tiếp tục theo học tại University of California, Berkeley và đậu Tiến sĩ năm 1973 về Á Đông học. Luận án Tiến sĩ của bà nghiên cứu về vai trò truyền thống của phụ nữ Việt Nam phản ảnh trong văn chương truyền khẩu và văn chương viết. Từ 1975 tới 2007, bà dậy học tại các đại học Hawaii, California, Mã Lai, Nhật Bản, và Thái Lan. Toàn bộ tác phẩm đã xuất bản của bà có thể tìm thấy tại Web-site cá nhân tại http://www.second-sites.com/nhatrang/

    Vào mùa xuân năm 1984, Tiến sĩ Tôn Nữ Nha Trang đã bỏ ra nhiều tuần lễ tham khảo các tài liệu về văn học Miền Nam lưu trữ tại các thư viện đại học Mỹ. Sau đó bà liên lạc với các nhà văn, nhà báo Việt tị nạn tại Mỹ để xin gặp và phỏng vấn. Những cuộc phỏng vấn này đều có thu băng, và chụp hình (thời ấy còn sử dụng máy cassette và phim âm bản). Kết quả là công trình biên khảo mà Văn Học Press xin giới thiệu trong  tập sách này qua phần chuyển ngữ  của nhà văn Trùng Dương và hiệu đính của dịch giả Trịnh Y Thư.

    Đối tượng độc giả Văn Học Press nhắm đến khi xuất bản sách là tập thể người Việt, do đó mặc dù công trình của Tiến sĩ Tôn Nữ Nha Trang viết bằng tiếng Anh, bản dịch được đưa lên phần đầu của sách. Bản nguyên tác tiếng Anh được in kèm theo sau để độc giả tiện quy chiếu, tham khảo thêm.

– Văn Học Press, 2020

 

 

 

 

 

Monday, December 14, 2020

Hoàng Hải Thủy: ‘Trăm Năm Hiu Quạnh’ / TRÙNG DƯƠNG



Khi được tin nhà văn Hoàng Hải Thủy vừa qua đời ngày 6 tháng 12 trong mùa đại dịch 2020 ở tuổi 87, tôi nghĩ thầm lại thêm một chiếc lá của thế hệ mình vừa rụng. Và điều tôi nghĩ tới đầu tiên về anh, vì đây là dịp duy nhất chúng tôi làm việc với nhau, đó là tác phẩm lừng danh do anh dịch (không phải phóng tác như nhiều tác phẩm khác của anh), tựa là “Trăm Năm Hiu Quạnh,” bản Anh ngữ là “One Hundred Years of Solitude,” chuyển ng từ nguyên tác tiếng Tây Ban Nha là “Cien años de soledad,” của văn hào Grabriel Garcia Marquez (1927-2014), giải Nobel Văn Chương năm 1982.

Vào năm 1973, cơ sở nhật báo Sóng Thần thiết lập một chi nhánh xuất bản lấy tên là Nhân Chủ, và tôi được nhóm chủ trương giao cho việc điều hành. Một trong những tác phẩm đầu tiên nhà xuất bản dự tính in là bản dịch cuốn tiểu thuyết độc đáo này. Người chúng tôi nghĩ tới để giao dịch là anh Thủy vì khả năng ngoại ngữ điêu luyện và văn phong bay bướm của anh. Vì đây là một tác phẩm văn chương lớn, tự nó đã có chất thơ dù được chuyển từ bản tiếng Tây Ban Nha, chúng tôi đề nghị anh dịch chứ không phóng tác. Chính anh Thủy, sau khi đọc bản Anh ngữ, xong cũng đồng ý là phải dịch.

Tác phẩm tuyệt vời này không may đã không tới tay độc giả Miền Nam mặc dù việc sắp chữ, dàn trang, trình bầy bìa và đóng thành sách tạm để đưa đi kiểm duyệt đã xong, chỉ chờ được giấy phép in. Tôi hiểu sự tha thiết và nuối tiếc của anh đối với đứa con tinh thần mệnh yểu này, mặc dù không do mình thai nghén mang nặng đẻ đau nhưng là người có công “đỡ đẻ” (chữ của nhà văn Phạm Phú Minh) sang một ngôn ngữ khác, không thể nhuyễn hơn dưới ngòi bút dịch thuật của Hoàng Hải Thủy. Tôi lục tìm lại bài viết cách đây 10 năm của anh Thủy về kinh nghiệm “mất con” này trên blog của anh, với nhiều chi tiết mà chính tôi khi đọc bài này lần đầu cũng không còn nhớ và không khỏi ngậm ngùi. Bài viết này anh viết nhân đọc bài của tôi về cuốn sách dịch “Ngàn Cánh Hạc.” Tôi mạn phép cắt bỏ phần anh viết về cuốn NCH, chỉ đăng lại phần anh viết về kinh nghiệm với “Trăm Năm Hiu Quạnh.”

Xin đăng lại một phần bài blog của anh ở đây như một nén hương tưởng nhớ dành cho một cây bút chuyên nghiệp và tài ba của Miền Nam

Tôi nhớ mãi ngày anh ghé thăm thân hữu ở Bắc Cali sau khi từ Việt Nam qua Mỹ định cư vào giữa thập niên 1990, và tôi đã trao anh một bản sao bài giới thiệu tuyển tập “Tắm Mát Ngọn Sông Đào” do Lá Bối xuất bản ở Paris năm 1981 qui tụ các bài viết, thơ, nhạc của văn nghệ sĩ Miền Nam sau ngày 30 tháng 4, 1975, với một số phóng sự của anh Thủy ký tên Con Trai Bà Cả Đọi. Cuốn này hiện được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Hội Mỹ. Cũng trong bài giới thiệu đó tôi có chép lại bài thơ “Tại Sao?” của anh gửi chui từ một Sài Gòn Mất Tên được nhà thơ Viên Linh phổ biến vào năm 1979 và tôi đã cất giữ được. Xin chép lại bài thơ đó ở phần cuối, như một lời tiễn biệt nhà văn Hoàng Hải Thủy. Kính chúc hương linh anh An Giấc Nghìn Thu.


Posted on June 9, 2010 by hoanghaithuy

 Trong cuộc đời làm báo, viết truyện đăng báo của tôi ở Sài Gòn – từ năm 1954 đến năm 1975 – tôi được biết hai Bà Chủ Báo:

 – Bà Bút Trà Nguyễn Ðức Nhuận, Chủ nhiệm Nhật báo Sàigònmới. Bà Bút Trà là Bà Chủ đích thực của tôi. Cả đời làm báo của tôi, tôi chỉ nhận có Bà Bút Trà là Bà Chủ tôi, tôi chỉ có một Bà Chủ Báo: Bà Bút Trà. Rất tiếc tôi không có tấm hình nào của bà.

 – Bà Trùng Dương Nguyễn Thị Thái, Chủ nhiệm Nhật báo Sóng Thần.

 Nếu “biết” thì tôi biết làng báo Sài Gòn từ năm 1954 đến năm 1975 có chừng 5 bà chủ báo. Nhưng biết và từng lãnh tiền lương, tiền nhuận bút từ các bà chủ báo thì đời tôi chỉ có hai bà Chủ Báo trên đây.

 Báo Sàigonmới bị Nguyễn Khánh-Ðỗ Mậu đóng cửa đầu năm 1964. Bà Bút Trà qua đời trong quên lãng ở Sài Gòn khoảng năm 1985. Bà Trùng Dương chạy được khỏi Sài Gòn trước ngày 30 Tháng Tư 1975. Bà làm việc trong tòa soạn một tờ nhật báo Mỹ ở Cali, Hoa Kỳ. Năm 2005, tác phẩm dịch Ngàn Cánh Hạc của bà được một nhà xuất bản ở Sài Gòn tái bản. Mời quí vị đọc lời Bà Nhà Văn Nữ Trùng Dương nói về chuyện ấy.

 […]

 Tôi – CTHà Ðông – nhân việc Nhà Văn Nữ Trùng Dương kể chuyện Ngàn Cánh Hạc, làm cuộc “ ăn theo” để kể chuyện những năm 1972, hay 1973, ở Sài Gòn, tôi dịch tác phẩm One Hundred Years of Solitude của Nhà Văn Gabriel Garcia Marquez.

 Bà Trùng Dương khi đó là chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần, tôi viết truyện phơi-ơ-tông cho Sóng Thần, đưa tiểu thuyết One Hundred Years of Solitude cho tôi dịch, Nhà Xuất bản Nhân Chủ của Nhật báo Sóng Thần sẽ in và phát hành.

 Ðây là lần đầu tôi đọc One Hundred Years of Solitude. Có hai cái tên truyện Trăm Năm Cô Ðơn và Trăm Năm Hiu Quạnh. Tôi chọn Trăm Năm Hiu Quạnh. Truyện tuyệt hay. Văn Anh nhiều đoạn như Thơ. Có người bảo tôi: “Ðấy là văn Anh. Văn nguyên bản tiếng Espagnole còn mê ly hơn nữa.”

 

Tôi say mê dịch One Hundred Years. Trong căn gác nhỏ, trên cái máy đánh chữ, tôi dịch sách mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa, nghỉ ăn trưa, nằm lơ mơ đến 2 giờ dậy, ngồi vào máy chữ gõ tiếp. Tôi dịch đến 6, 7 giờ tối thì ngừng. Tắm, ra nằm ghế dựa trên hiên nhà nhìn trời mây, hàng cây, dây điện, ăn cơm tối với vợ con. Buổi tối tôi không viết. Tôi thấy viết buổi tối hại người. Làm việc một ngày như thế là đủ rồi. Từ 9 giờ tối tôi nằm đọc sách, hút thuốc lá, tôi ngủ lức 12 giờ đêm.

 Bản thảo được chi tiền tính trên bản đánh máy của tôi. Tôi không nhớ giá tiền một trang truyện tôi dịch năm ấy là mấy ngàn đồng. Dịch được chừng 50, 60 trang đánh máy – khoảng một tuần – tôi đem đến nộp bà Trùng Dương. Bà ký cho tôi cái phiếu trả tiền, tôi đưa phiếu cho ông Quản Lý Nguyễn Ðức Nhuận, lấy tiền, đi mua khoảng 2 tút thuốc lá Lucky Strike hay Pall Mall, về nhà dịch tiếp.

 Tôi dịch One Hundred Years trong khoảng 2 tháng. Truyện được sắp chữ, in tạm thành một quyển sách sạch đẹp, gọn, mang lên xin kiểm duyệt ở Bộ Thông Tin. Hôm sách được kiểm duyệt về, tôi xem, thấy Trăm Năm bị cắt – bị kiểm duyệt cắt bỏ – khoảng 60 trang. Tôi nghĩ sách 600 trang mà bị cắt 60 trang là chuyện đáng mừng, như đưá con tinh thần của mình bị người ta cắt một ngón chân, một ngón tay.

 Có giấy cho phép xuất bản rồi nhưng Quản Lý Nguyễn Ðức Nhuận chưa lo được giấy trắng để in nên không in ngay. Bộ Thông Tin năm ấy do ông Hoàng Ðức Nhã làm Bộ Trưởng, có lệnh mới về việc xuất bản sách: Tác phẩm được giấy phép 6 tháng không xuất bản phải đưa kiểm duyệt lại.

 Khi Nhà Xuất bản lo được giấy trắng để in thì Giấy Phép Trăm Năm đã quá hạn, Trăm Năm được đưa đến Bộ Thông Tin kiểm duyệt lại. Lần này Bộ Thông Tin không cho phép tiểu thuyết dịch của Nhà Văn Gabriel Garcia Marquez được xuất bản. Nghe nói vì Nhà Văn Marquez có cảm tình với Khối Cộng sản, là bạn của Fidel Castro, dường như Nhà Văn vừa lên tiếng đả kích người Mỹ gây chiến tranh ở Việt Nam.

 Và thế là tác phẩm dịch Trăm Năm Hiu Quạnh không được ra đời. Tuy đã được trả tiền công, tác phẩm bị cấm in, tôi vẫn cay cú. Ðó là công lao của tôi, là một phần tim óc tôi khi tôi chuyển câu văn tiếng Anh sang câu văn tiếng Việt. Tôi muốn đồng bào tôi – nhờ công của tôi – được thưởng thức tiểu thuyết One Hundred Years. Nhưng công lao của tôi là vô ích!

 


Trang quảng cáo Trăm Năm Hiu Quạnh đăng trên http://www.sachxua.net  

 

Trong đời viết tiểu thuyết của tôi có một quyển tôi viết xong, nhà xuất bản đã mua, định in mà không được in. Ðó là tác phẩm Trăm Năm Hiu Quạnh tôi dịch từ nguyên bản One Hundred Years of Solitude của Nhà Văn Gabriel Garcia Marquez.

 Tháng Năm 2010, có người bạn đọc trang www.hoanghaithuy.com gửi cho tôi I-Meo, cho biết trên Web có Nhà bán sách www.sachxua.net Sài Gòn, rao bán mấy quyển sách của tôi.

 Tôi mở www.sachxua.net xem, tôi cảm khái khi thấy trang quảng cáo bán quyển Kịch Thơ Vân Muội do Thi bá Vũ Hoàng Chương tặng tôi, một quyển Truyện Kiều đóng bià các-tông trên có chữ tôi viết. Tôi không biết từ đâu, vì sao www.sachxua.net có mấy quyển sách đó của tôi, tôi cũng không nhớ Thi bá Vũ Hoàng Chương cho tôi quyển Kịch Thơ Vân Muội lúc nào, tôi lại càng không biết vì sao www.sachxua.net có mấy quyển ấy.

 Và www.sachxua.net đăng trang quảng cáo tác phẩm Trăm Năm Hiu Quạnh như quí vị thấy tôi đăng cùng với bài viết này. Trang quảng cáo đó là bằng chứng tôi có dịch One Hundred Years of Solitude của Nhà Văn Gabriel Garcia Marquez. Và là nguyên nhân tôi viết những dòng chữ này hôm nay.

 Với tôi One Hundred Years of Solitude là một tuyệt phẩm. Tôi không thể kể cốt truyện; truyện phải đọc thẳng một lèo trong ba, bốn đêm. Tôi hưá sẽ viết về những Nhân Vật Nữ Diệu Kỳ trong One Hundred Years of Solitude trong một bài tới.

 Xin tạm biệt ở đây.

 ***

 Vào năm 1977, trong bầu không khí ảm đạm tang thương của một Miền Nam đổi đời, nhân đọc lại “Độc Tiểu Thanh Ký” của thi hào Nguyễn Du “khóc người thiếu phụ chết tự bao giờ nhưng bút thơ và thiên tài còn để lại,” anh Hoàng Hải Thủy cảm hoài viết bài thơ “Tại Sao?” Và với cái trào lộng cố hữu của một cây bút đa dạng, cộng với bao niềm uất hận từ sau biến cố 30 tháng 4, 1975, anh Thủy viết: “Có điều tôi biết chắc là nếu anh hồn Tố Như còn cảm, còn biết đời có kẻ khóc ông, thì với những gì đang xẩy ra bây giờ, Tố Như có thể bảo, ‘Thôi, khổ lắm, đừng khóc tao nữa, để tao khóc chúng mày!’” Bài thơ được gửi chui ra hải ngoại, nhà thơ Viên Linh đăng trên tạp chí Thời Tập số ra ngày 1 tháng 4, 1979 cùng với một số bài khác của Hoàng Hải Thủy dưới tiêu đề “Phần Dư Tập.” [TD]

 

Tại Sao?
Thơ Hoàng Hải Thủy

 

Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Cười cũng dư mà khóc cũng dư
Tử qui nhân sự tận cùng hư
Hồ Tây vườn cũ ai than thở
Ai đã phần thư, đã khóc thư?

Anh hồn còn cảm còn thương mến
Hãy hiển linh như Đạm Tiên xưa
Cho người sau nói câu tâm sự
Trong xót xa và hỏi Tố Như:
-- Chi phấn hữu thần lân tự hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nam vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư

          Tại sao:
-- Tàn rồi ta mới thương son phấn?

          Tại sao:
-- Văn chương đàn phách cũng là hư
Sao ân đã ái còn ân hận
Sao tài hoa khổ lụy tâm tư?

Tại sao Trời hại tài hoa
Tại sao tình ái lại là dây oan?
Tại sao Trời ghét hồng nhan
Sao càng phong vận lại càng oan khiên?

Tố Như ơi,
Này bút này nghiên
Này thơ này truyện này duyên
Này oan này hận này phiền
Tình nay mang xuống tuyền đài chưa tan
Có nghe chăng tiếng tơ vàng
Đàn tôi đứt hết dây đàn từ lâu
Ở đâu có cảm thông nhau
Về đây xem cuộc bể dâu đoạn trường

Về đây sông núi tang thương
Hồn ơi dòng lệ tiền đường đang rơi
Còn thương còn sót con người
Lệ kia Hồn khóc cho đời, chẳng dư.

Hỡi ôi,
Hà kỳ nhất bách dư niên hậu
Tái đoạn trường bi khốc Tố Như
Ai ngờ trăm lẻ năm sau
TNhư lại khóc lại sầu Tố Như
Tại sao, tại sao lệ ngàn xưa
Ngàn năm chảy mãi bên bờ thời gian
Tố Như ơi biết cùng chăng
Tại sao ngọc nát mà vàng lại phai
Tại sao còn một chút này
Chẳng cầm cho vững mà dầy cho dơ.

Tại sao thơ đoạn trường thơ
Tấm lòng trinh bạch bao giờ mới thôi?

                             (Sàigòn, 26-5-1977)

***

Thông báo của gia đình về việc nhà văn Hoàng Hải Thủy đã ra đi: http://thoibao.com/nha-van-hoang-hai-thuy-qua-doi/

 Thân hữu văn nghệ muốn gửi lời tiễn bạn, thắp cho nhà thơ một cây nến hoặc trồng chục cây để tưởng nhớ anh đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, cùng chia buồn với gia đình Hoàng Hải Thủy, có thể vào Web link này https://www.echovita.com/us/obituaries/va/alexandria/hai-thuy-hoang-11876052

 Nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhận định về văn thơ Hoàng Hải Thuỷ: https://www.dutule.com/a5603/nguyen-dinh-toan-hoang-hai-thuy

 [TD2020/12]

 





Tuesday, December 1, 2020

ĐGH Francis: Hãy mở lòng ta trước cái đau của tha nhân trong cơn đại dịch / TRÙNG DƯƠNG chuyển ngữ

 


Tác giả: Pope Francis
Nguyên tác:
Pope Francis: A Crisis Reveals What Is in Our Hearts

 Trong năm nhiều đổi thay vừa qua, tim óc tôi tràn ngập những người. Những con người tôi nghĩ tới và cầu nguyên cho, và đôi khi cùng khóc với họ, những người với cả tên tuổi và mặt mũi, những người chết mà không nói được lời giã từ với người thân yêu, những gia đình trong cơn khó khăn, cả đói khát, vì không có việc làm.

Đôi khi, nếu nghĩ sâu rộng hơn, ta có thể bị tê liệt: Có quá nhiều nơi hiển nhiên ngập trong cuộc xung đột vô tận; có quá nhiều khổ đau và nhu cầu. Tôi thấy thật hữu ích nếu chỉ chú tâm vào các hoàn cảnh cụ thể: ta thấy những khuôn mặt khao khát sự sống và tình thương trong thực tại của mỗi cá nhân, của mỗi dân tộc. Bạn thấy hy vọng hằn sâu trên từng chuyện của mỗi quốc gia, vinh quang bởi vì đấy là câu chuyện của cuộc tranh đấu thường nhật, của những mảnh đời gẫy đổ vì hy sinh chính mình. Do đấy thay vì để bị tràn lấp, ta hãy suy ngẫm và đáp ứng với niềm hy vọng.

Đây là giai đoạn trong đời sẵn sàng cho sự đổi thay và hoán cải. Mỗi người trong chúng ta thảy đều có lúc phải ngừng lại theo cách riêng, hay nếu ta chưa tới đó, một ngày nào đó ta sẽ tới: qua bệnh hoạn, thất bại trong một cuộc hôn nhân hay thương nghiệp, một nỗi thất vọng lớn lao hay sự phản bội. Như trong tình trạng cấm cửa bởi đại dịch Covid-19, những lúc này thường dẫn tới sự căng thẳng, một cơn khủng hoảng giúp biểu lộ những gì chứa chất trong tim ta.

Trong mỗi “Covid” riêng tư, tạm gọi như thế, ở mỗi lúc ngừng lại để suy ngẫm này, cái mà tim ta bộc lộ là cái ta cần thay đổi: Sự thiếu sót tự do nội tại, những thần tượng ta vẫn thường tôn thờ, những ý thức hệ ta vẫn gắng sống theo, những liên hệ ta đã tỏ ra thờ ơ.

Khi tôi bị ốm nặng ở tuổi 21, tôi đã trải nghiệm cái giới hạn của mình, sự đau đớn và niềm cô đơn. Nó đã thay đổi cách tôi nhìn đời. Trải qua nhiều tháng trời, tôi không còn biết tôi là ai hay tôi sẽ sống sót hay sẽ chết. Các bác sĩ cũng không biết là tôi có thể qua khỏi. Tôi nhớ đã ôm lấy mẹ tôi và nói, “Hãy cho con biết có phải con sắp chết không.” Hồi ấy tôi đang học năm thứ hai để trở thành linh mục tại một chủng viện ở Buenos Aires.

Tôi nhớ đó là ngày 13 tháng 8, 1957. Tôi được một vị quận trưởng đưa tới nhà thương khi ông nhận ra bệnh của tôi không phải là một trường hợp cúm có thể điều trị bằng thuốc aspirin. Ngay lập tức họ rút ra nguyên một lít rưỡi nước từ trong phổi của tôi, và tôi tiếp tục phấn đấu cho sự sống trong tôi. Tháng Mười Một kế đó họ giải phẫu và cắt đi một phần trên của lá phổi bên phải. Tôi hiểu phần nào cảm giác của bệnh nhân Covid-19 phấn đấu qua máy trợ thở.

Tôi đặc biệt nhớ tới hai y tá trong thời kỳ này. Một là bà trưởng khu trị bệnh, một nữ tu Dòng Dominican đã từng dậy học ở Athens trước khi đổi tới Buenos Aires. Sau này tôi được biết là sau khi bác sĩ khám tôi đi khỏi, vị nữ tu này bảo các y tá dưới quyền tăng gấp đôi số thuốc bác sĩ cho – đúng ra chỉ là thuốc penicillin và streptomycin – vì bà biết, theo kinh nghiệm, là tôi đang chết. Và Dì Cornelia Craglio đã cứu mạng tôi. Bởi vì, qua sự tiếp xúc thường nhật của bà với các bệnh nhân, bà hiểu cái họ cần hơn cả viên bác sĩ, và bà đã có cái can đảm hành xử qua sự hiểu biết của bà.

Một y tá khác, Micaela, cũng đã làm tương tự khi thấy tôi bị cơn đau cùng cực hành, đã bí mật cho tôi thêm thuốc trị đau. Các bà Cornelia và Micaela nay đã ở trên trời, song tôi vẫn còn mang nợ họ thất nhiều. Họ phấn đấu cùng với tôi tới phút cuối, cho tới khi tôi phục hồi. Họ đã dậy tôi tin dùng khoa học song đồng thời nếu cần vượt lên khi cần. Chính căn bệnh hiểm nghèo mà tôi đã trải qua dậy tôi tin tưởng vào lòng tốt và sự hiểu biết của tha nhân.

Chủ đề giúp đỡ tha nhân này đã theo tôi những tháng vừa qua. Trong dịp cấm phòng vì đại dịch tôi thường cầu nguyện cho quý vị đang tìm mọi cách để cứu mạng sống của bao người khác. Quá nhiều y tá, bác sĩ, nhân viên y tế đã trả giá bằng tình thương, cùng với các linh mục, các vị giáo sĩ, dân thường mà thiên hướng là phục vụ. Ta đáp lại tình thương ấy của họ bằng tiếc thương và vinh danh họ.

Dù họ ý thức hay không, sự lựa chọn của họ nói lên một niềm tin: đó là thà sống một đời ngắn ngủi phục vụ tha nhân hơn là có một đời sống lâu dài chống lại với lời kêu gọi đó. Vì vậy mà, tại nhiều quốc gia, dân chúng đã đứng bên cửa sổ hay trên thềm nhà hoan hô họ với lòng biết ơn và nể trọng. Họ là những vị thánh bên hàng xóm, những người đã thức dậy trong tim ta một điều quan trọng, khiến thêm một lần nữa những giảng dạy đã gieo rắc trong ta là sự tín cậy.

Họ chính là kháng thể chống lại con vi khuẩn thờ ơ. Họ nhắc nhở ta là đời sống là một tặng phẩm và ta trưởng thành qua việc cho đi chính chúng ta, không phải là bảo tồn chính mình mà là quên mình trong phục vụ.

Với vài ngoại lệ, các chính phủ nói chung đã nỗ lực tối đa để đặt lợi ích của dân họ lên trên hết, đã hành động quyết liệt để bảo vệ sức khỏe và cứu vớt mạng sống. Vài ngoại lệ gồm các chính phủ đã bỏ ngoài tai dữ kiện số người chết ngày một chồng chất, mà hệ quả đau thương không tránh được. Tuy vậy phần lớn các chính quyền đã hành xử với tinh thần trách nhiệm, áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt để giữ không để bệnh dịch lây lan.

Vậy mà vẫn có những nhóm chống đối không chịu mang khẩu trang, họ diễn hành chống lại các hạn chế di chuyển – như thể việc các chính quyền phải đặt ra những hạn chế vì lợi ích của tha nhân là một tấn công chính trị vào sự tự trị hoặc quyền tự do cá nhân! Nhắm cái nhìn vào lợi ích chung quan trọng hơn tất cả những cái tốt cho riêng cá nhân. Có nghĩa là quan tâm tới mọi công dân và tìm cách đối phó hữu hiệu nhu cầu của những kẻ thiếu may mắn.

Thật dễ dàng cho một số người sử dụng một ý tưởng -- ở trường hợp này, chẳng hạn, là sự tự do cá nhân – và biến nó thành một ý thức hệ qua đó họ dùng để phán xét mọi sự.

Cơn khủng hoảng Covid đặc biệt vì nó ảnh hưởng tới phần lớn loài người. Song nó chỉ đặc biệt ở chỗ nó hiển hiện trước mắt ta. Hiện có hàng ngàn các cuộc khủng hoảng khác cũng ghê gớm nhưng ở khá xa nhiều người trong chúng ta nên ta có thể coi như chúng không hiện hữu. Hãy nghĩ, chẳng hạn, đến những cuộc chiến rải rác đó đây khắp thế giới; đến việc sản xuất và buôn bán vũ khí; đến hàng trăm ngàn dân di cư trốn chạy nghèo khó, đói khát và thiếu vắng cơ hội; đến nạn khí hậu thay đổi. Những thảm kịch này có thể xa xôi đối với ta, là một phần của bản tin hàng ngày mà, đáng buồn thay, chúng không xúc động ta được để thay đổi chương trình và các quan tâm hàng đầu của ta. Thế nhưng, cũng như khủng hoảng Covid-19, chúng ảnh hưởng tới toàn thể loài người vậy.

Hãy nhìn lại chúng ta lúc này: Chúng ta mang khẩu trang để che chở mình và tha nhân khỏi con vi khuẩn mắt ta không nhìn thấy. Thế còn bao nhiêu những con vi khuẩn khác mà ta không thấy song cần tự che chở khỏi chúng thì sao? Làm thế nào để đối phó với những cơn đại dịch tiềm ẩn đó đây trên thế giới, cơn đại dịch của đói khát và khí hậu thay đổi?

Nếu ta sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện tại như những con người bớt ích kỷ so với lúc ta mới rơi vào nó, ta cần để lòng mình xúc động trước mối đau của tha nhân. Trong cuốn “Hyperion” của [thi sĩ, triết gia Đức] Friedrich Hölderlin có câu này đã khiến tôi nghĩ là trong cuộc khủng hoảng hiện tại sự nguy hiểm không bao giờ là trọn vẹn hết, rằng luôn luôn có một lối thoát: “Ở đâu có nguy hiểm, ở đó có mãnh lực giải thoát.” Đó là thiên bẩm của lịch sử nhân loại: ta luôn có cách thoát ra khỏi sự tàn phá. Nơi nhân loại hành động chính là nơi đây, ngay trong chính sự đe dọa; chính đó là lúc cánh cửa mở ra.

Đây là lúc ta mơ giấc mộng lớn, suy ngẫm lại các ưu tiên của mình – cái chúng ta trân quý, cái chúng ta mong muốn, cái chúng ta tìm tòi – và quyết tâm hành động trong đời sống hàng ngày để thực hiện điều ta mơ ước.

Thượng Đế thách thức ta sáng tạo nên cái mới mẻ. Chúng ta không thể trở về với những an toàn giả tạo của các hệ thống chính trị và kinh tế trước khi xẩy ra cuộc khủng hoảng hiện nay. Chúng ta cần những nền kinh tế cho phép mọi người cùng với tới kết quả của công trình sáng tạo, để ai cũng đạt tới các nhu cầu căn bản về đất đai, nơi trú ẩn và việc làm. Ta cần các thể chế có thể hợp nhất và đối thoại với giới nghèo, những con người bị gạt ra ngoài lề và các kẻ cô yếu, một thể chế cho phép người dân tham dự vào những quyết định ảnh hưởng tới đời sống của họ. Ta cần đi chậm lại, ghi nhận và thiết lập các phương cách để cùng chung sống tốt hơn trên trái đất này.

Cơn đại dịch đã phơi bày điều rất trái ngược này, đó là chúng ta càng trở nên nối kết với nhau bao nhiêu thì đồng thời chúng ta lại càng chia rẽ bấy nhiêu. Chủ nghĩa tiêu thụ chóng mặt đã phá vỡ các ràng buộc thân thiết. Nó làm ta chỉ chú trọng tới việc tự bảo tồn và khiến ta lo âu. Nỗi sợ hãi của ta thêm tăng trưởng và bị khai thác bởi thứ chính trị ngụy dân đang tìm cách nắm quyền thao túng xã hội. Thật khó mà xây dựng một nền văn hóa đối đáp lại, mà trong đó chúng ta gặp gỡ những người cùng chia sẻ đức tính tự trọng, trong một nền văn hóa đang gạt bỏ đi mối quan tâm đối với người già cả, những kẻ thất nghiệp, tàn tật và thai nhi như những thứ ngoại vi của đời sống lành mạnh của ta.

Để ra khỏi cơn đại dịch khấm khá hơn, ta cần phải phục hồi sự hiểu biết rằng cũng là con người với nhau có nghĩa là chúng ta cùng chung một nơi đến. Cơn đại dịch đã nhắc nhở ta rằng không ai là người duy nhất được cứu sống. Cái ràng cột chúng ta lại với nhau là cái mà ta thường gọi là tình liên đới. Liên đới là một hành động hơn cả những hành xử độ lượng dù chúng cũng quan trọng; đó là lời kêu gọi hãy đón nhận lấy thực tại rằng chúng ta được ràng buộc với nhau bởi những sự nhân nhượng có đi có lại. Trên nền tảng vững vàng này ta sẽ xây dựng một tương lai tốt hơn, khác hơn và thắm đượm tình người.

-- Trùng Dương chuyển ngữ
Mùa Tạ Ơn 2020

 

(*) Bài trên rút ra từ cuốn sách mới của Đức Giáo Hoàng Francis, “Let Us Dream: The Path to a Better Future,” cùng viết với  Austen Ivereigh.