Monday, December 31, 2018

Những vần thơ tình cảm vượt không gian và thời gian của thi sĩ VŨ HOÀNG CHƯƠNG


  Tháng 9 năm 1959, thi sĩ Vũ Hoàng Chương được mời tham dự một Hội nghị quốc tế về Thơ tổ chức mỗi hai năm một lần tại Knokke-le-Zoute bên nước Bỉ. Knokke-le-Zoute là một thị trấn nghỉ mát bên bờ Bắc Hải (North Sea). Danh hiệu chính thức của Hội nghị là Biennale Internationale de Poésie (International Biennale of Poetry--Hội nghị Lưỡng niên Quốc tế về Thơ). Việc tổ chức Hội nghị có lẽ chỉ khởi sự từ năm 1953, vì năm 1959, khi thi sĩ Vũ Hoàng Chương được mời góp mặt, là Hội nghị kỳ thứ Tư. Kỳ Hội nghị ấy có 42 quốc gia tham dự. Vũ Hoàng Chương đã chào mừng Hội nghị bằng một bài thơ mở đầu bằng những câu:

Từ bốn phương về, đã bốn phen
Gió thu dìu dặt, hứng thơ lên
Vườn Hoa Bể Bắc mây tung cánh
Thi sử chào Ngươi, Hội Lưỡng Niên!

Thơ kết thành hoa nở bốn màu:
Cúc vàng, lan trắng, hạnh hồng, nâu
Phấn bình nguyên quyện hương sa mạc
Nồng đượm hai bên má Địa Cầu

Hồng Hải dang tay Hắc, Bạch, Hoàng
Tình Thơ bốn bể sóng mênh mang
Pha sương đại lục, mưa quần đảo
Nước mấy trùng khơi góp tiếng vang

Thi đàn Quốc tế hội thi nhân
Này bốn mươi hai nước họa vần
Thế giới không còn biên giới nữa
Chỉ còn muôn dặm nức hương lân …

Với bốn màu hoa (vàng của cúc, trắng của lan, hồng và nâu của hạnh), và bốn biển nhỏ mang danh hiệu bốn màu (Hồng Hải, Hắc Hải, Bạch Hải, Hoàng Hải), Vũ Hoàng Chương muốn nói tới những màu da khác nhau của các sắc dân trên thế giới. Phần đông chúng ta đã quen với những từ Hồng Hải (Red Sea, nằm giữa Á và Phi Châu, ở cực Bắc có kênh Suez thông với Địa Trung Hải), Hắc Hải (Black Sea, biển nội hải giữa Nga, Ukraine, Turkey và một vài quốc gia Đông Âu), Hoàng Hải (Yellow Sea, nằm giữa Trung Hoa và Hàn Quốc), nhưng từ Bạch Hải (White Sea, Biển Trắng) ít nghe nói tới. Đó là một vịnh nhỏ của biển Barents ở Tây Bắc nước Nga, cũng được gọi là Beloye More. Nhiều tháng trong năm, biển ấy bị tuyết phủ trắng xóa. Hải cảng quan trọng Arkhangelsk trên đất Âu Châu của Nga nằm trên bờ biển này.

Từ Việt Nam bay sang dự Hội nghị, Vũ Hoàng Chương được gặp Ysabel Baes, một trong những đại biểu của nước Bỉ. Năm ấy nàng mới 15 và rất xinh đẹp. Vũ Hoàng Chương đã trình bày cảm nghĩ của ông khi mới gặp Ysabel như sau:

Tam ngũ thường nga bất nhiễm trần
Nhu trường uổng đoạn Vu Sơn vân
Thi đàn xưng bá, hoa xưng hậu
Bỉ quốc hà duyên đắc thử nhân?

(Hằng Nga 15 tuổi không nhiễm bụi trần
Khúc ruột mềm của vị thần nữ làm mây làm mưa ở núi Vu đứt ra mà không ích lợi gì
Trên đàn thơ là thi bá, giữa các hoa là hoa hậu
Nước Bỉ có duyên ra sao mà được con người ấy?)

Trong câu thơ thứ hai, Vũ Hoàng Chương đã mượn lời Lý Bạch ca tụng Dương Quý phi trong bài “Thanh bình điệu” nhưng đổi đi một chữ. Nguyên văn câu thơ của Lý Bạch là:

Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường.

Theo giáo sư Trần Trọng San, câu ấy có nghĩa: Vị thần nữ làm mây làm mưa ở núi Vu cũng phải đau lòng mà chẳng ích gì. Vu Sơn là tên núi, ở phía đông huyện Vu Sơn, tỉnh Tứ Xuyên bên Trung Hoa. Tương truyền vua Tương vương nước Sở đi chơi đến đất Cao Đường, nằm mơ thấy một nữ thần rất đẹp đến nói, “Thiếp là thần nữ núi Vu Sơn, sớm làm mây, tối làm mưa ở Dương Đài.” Vũ Hoàng Chương bớt chữ “vũ” trong câu thơ của Lý Bạch để thêm chữ “nhu” (mềm), có lẽ vì đã liên tưởng đến câu thơ cổ:

Nhất phiến nhu hoài chỉ vị khanh
(Một mảnh lòng mềm ra chỉ vì nàng).

Năm 1959 Vũ Hoàng Chương được 44 tuổi (Trên giấy tờ, ông sinh năm 1916 nhưng thật ra ông sinh ngày 1 tháng 4 năm Ất Mão, theo dương lịch là ngày 14 tháng 5 năm 1915).

Theo Vũ Hoàng Chương, Ysabel đẹp đến độ: Sao cũng mê nàng, sao bỏ ngôi.
Là một thiếu nữ Âu châu, Ysabel có da trắng với cặp mắt xanh. Vũ Hoàng Chương đã tả mắt của nàng như sau:

Xanh tuổi trăng tròn, xanh bát ngát
Trời xanh chết đuối mắt Y Sa.

Nàng có mái tóc mềm mại như mây. Sau đây là những lời Vũ Hoàng Chương viết để tả tóc của nàng:

Hồng nhạn truyền tin báo Hội Thơ
Mây bay trắng lụa, ruổi vàng tơ
Bỗng dưng mái tóc nàng mê hoặc
Mây bỏ trời xanh tự bấy giờ.

Lý Bạch thấy mây, ngỡ xiêm áo của Dương Quý phi, thấy hoa, ngỡ dung mạo của nàng (Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung). Với Vũ Hoàng Chương, mây đã bỏ trời cao xuống thế để nhập vào làn tóc của Ysabel.

Trước khi được chọn làm một đại biểu của nước Bỉ trong Hội nghị Quốc tế về thơ ở tuổi 15, Ysabel Baes đã có một thi tập được xuất bản. Đó là tập O ma Jeunesse, ô ma Folie (Ôi tuổi trẻ của tôi, Ôi sự điên rồ của tôi). Tập thơ ấy được Maison du Poète tại thủ đô Bruxelles xuất bản năm 1959.



Trong Hội nghị và bên lề Hội nghị, hai người trao đổi bằng tiếng Pháp. Vũ Hoàng Chương thành thạo tiếng Pháp, ngôn ngữ chính của Ysabel. Khi Hội nghị kết thúc, hai người đã thành bạn thân. Trong tập thơ Cảm Thông của Vũ Hoàng Chương, xuất bản năm 1960 sau khi từ Bỉ về, ông cho in hai bài thơ ông làm để tặng Ysabel, bài “Y Sa”  và bài “Mây sóng tình thơ.” Trong tập này cũng in bốn bức tranh Ysabel tặng ông để làm phụ bản: Thông trên tuyết, Biển san hô, Xương rồng, và Thần Chết. Nàng cũng là một họa sĩ: bốn năm sau (1963) ở tuổi 19, có tranh được triển lãm ở Galérie Portenant, Bruxelles. 



Trong bài “Mây sóng tình thơ,” Vũ Hoàng Chương có những ý và lời rất mới:

Đêm đêm Bắc Hải, Thái Bình Dương
Hai chiếc bao lan dài nhớ thương
Mượn nguyệt cầu kia làm tín trạm
Mây tình lang gửi sóng tình nương.

… Hai cõi chênh nhau một góc ngày
Trăng lên phương đó, lặn phương này
Đôi ta chẳng thể cùng chung bóng
Mà tiếc vầng trăng đẹp tối nay.

Ai gạt dùm ta trục địa cầu
Xiên về bên trái của châu Âu?
Để ta chung một vòng kinh tuyến
Khỏi bị Thời Gian chia rẽ nhau.

Việt Nam và Bỉ cách nhau 7 múi giờ. Khi trăng lên ở Bỉ thì ở Việt Nam trăng đã lặn. Vũ Hoàng Chương đã đưa ra một ý mang hiểu biết của thời đại mới: Hai người không thể cùng một lúc ngắm trăng vì giờ giấc khác nhau. Nhưng với kiến thức về khoa học và địa dư, ông ước mong có thể gạt trục địa cầu qua phía trái của châu Âu để nước Bỉ và Việt Nam chung một đường kinh tuyến. Hai nước sẽ chung một múi giờ, thời gian không ngăn cách hai người được nữa.

Tập thơ Cảm Thông có nhan đề Anh ngữ là Communion. Các bài thơ trong tập đều có bản dịch sang tiếng Anh của giáo sư Nguyễn Khang, một bạn thân của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Ba bài trong tập ấy có bản dịch sang tiếng Pháp do nữ thi sĩ Simone Kuhnen de la Coeuillerie, cũng là một đại biểu của nước Bỉ trong Hội nghị Quốc tế về Thơ. Đó là các bài “Vườn hoa bể Bắc” (để chào mừng Hội nghị), “Bài ca dị hỏa,” và “Công chúa Paris.”

Trong tập Thi Tuyển (Poèmes Choisis) in năm 1963 cũng có một số tranh phụ bản của Ysabel.

Trong tập Cành Mai Trắng Mộng, số đặc biệt phát hành tháng 11 năm 1968 của nguyệt san Văn Uyển, Vũ Hoàng Chương cho in hai bài cùng được ghi là “Xa tặng Y Sa.” Bài thứ nhất là “Mộng chim liền cánh,” ông làm năm 1963.

Với tâm trạng “Đêm đêm nhìn ảnh mơ người,” ông mở những tấm bưu thiếp nhận được từ Ysabel, đọc lại lời nàng viết về những nơi nàng đã đi qua (Paris, London, Rome, vùng bờ biển Côte d’Azure nước Pháp, khu trượt tuyết trên sườn Mont Blanc giữa Pháp và Thụy Sĩ), tưởng tượng ra bóng dáng cùng những hoạt động của nàng:

Nằm đây dõi bước chân ai,
Cánh bưu hoa nở dấu hài lãng du
Ba Lê đẹp áo vàng thu
Mặt trời La Mã, sương mù Luân Đôn
Bờ Thiên Thanh lắng hoàng hôn
Đổ xuôi Bạch Lĩnh tâm hồn tuyết băng.

Bài thơ cũng chứa đựng những lời nhớ mong tha thiết:

Hỡi ôi cô gái tròn trăng
Duyên bèo mây lại kết bằng tóc tơ
Ba năm một mối tình thơ
Núi trông mây, bến còn mơ tưởng bèo
Tình chưa nổi sóng mà xiêu
Biết ai nhớ ít thương nhiều hơn ai?
và:

Cách nhau mười chín giờ bay
Mà không liền cánh chim này được ư?





Hình như Vũ Hoàng Chương chỉ liên lạc được với Ysabel đến trước tháng 4 năm 1967. Bài thơ thứ hai với lời ghi tặng nàng trong Cành Mai Trắng Mộng có thêm lời chú “Sàigòn, tháng Tư 1967” và mang nhan đề “Công Chúa Mười Lăm,” được mở đầu bằng những câu:

Công Chúa Mười Lăm, nàng ở đâu?
Tìm nàng, thôi đã nát Âu-châu.
Ba-lê, Nhã-điển hay La-mã
Đâu cũng rêu in lệnh Miễn Chầu.

Vũ Hoàng Chương cho biết đã hỏi tin về nàng hầu khắp châu Âu (“Nhã-điển” là lối phiên âm Hán Việt được thông dụng thời trước cho Athens, thủ đô của Hi Lạp), nhưng không hề nhận được tin tức. Hình như nàng đã mất tung tích:

Ngơ ngác rừng xưa đá chập chùng,
Nơi nào Cửa Khuyết hỡi Mê-cung?
Nàng đi mang cả hồn Thi, Họa,
Trời biển nằm trơ mấy mảnh khung.

Ta biết nàng đi chẳng một về,
Tìm ai Nhã-điển với Ba-lê?
Mấy phen La-mã ghì vân thạch,
Tượng ngủ không bay gợn tóc thề.

… Hòa-lan, Đan-mạch nắng vàng thu
Đôi bạn tình xưa phút mộng du.
Hài gấm chỉ còn ta nhận dấu,
Chừ xuân ngăn ngắt tím sa mù...

Ngẩng nhìn: Sông Bạc chẳng mưa tuôn,
Châu Á khuya nay đọng khối buồn.
Thăm thẳm mấy phương lòng rạn vỡ,
Sao trời nhân lệ một thành muôn.

Trong câu “Ngẩng nhìn Sông Bạc” chắc Vũ Hoàng Chương muốn nói đến Ngân Hà (Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà). Ông thấy “Thăm thẳm mấy phương lòng rạn vỡ” vì các bạn của ông ở châu Âu không ai cung cấp được tin tức gì về Ysabel nữa:
Hai mươi mốt tuổi nét xuân đằm
Nàng bỏ trời Âu tuyệt bóng tăm …

Khi dự Hội nghị Quốc tế về thơ năm 1959, Ysabel được 15 tuổi. Như thế nhiều phần nàng sinh năm (1959 – 15) 1944. Năm nàng 21 tuổi hẳn là năm (1944 + 21 =) 1965. Hai năm sau (1967), nhà xuất bản J. Grassin ở Paris xuất bản tập thơ thứ hai của nàng. Tập thơ có nhan đề rất lạ: J’avais fermé les yeux (Paris : J. Grassin, 1967).

Động từ “nhắm mắt” (fermer les yeux) được để ở thì quá khứ kép, Plus-que-parfait (nhiều hơn là quá khứ). Trong Pháp văn, thì này được dùng khi nói đến một việc xảy ra trước một việc khác trong quá khứ, tương đương với thì Past perfect trong tiếng Anh. Nhan đề trên có thể hiểu là: “Tôi đã nhắm mắt từ trước đó.” Với nhan đề như thế, phải chăng những người xuất bản muốn nói: Tập thơ được xuất bản (năm 1967) sau khi tác giả qua đời. Trong câu thơ được dẫn phía trên, Vũ Hoàng Chương đã cho biết “Nàng bỏ trời Âu tuyệt bóng tăm” năm 21 tuổi, tức là năm 1965. 



Mười Hướng Sao là một hợp tuyển do Cơ sở xuất bản Nhân Chứng chọn lọc, in năm 1971 ở Sàigòn với tác phẩm của 10 nhà thơ: Vũ Hoàng Chương, Hoàng Trúc Ly, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, Trần Thị Tuệ Mai, Cao Tiêu, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Hoàng Hương Trang, Lê Phổ Đức. Trong tập này Vũ Hoàng Chương chỉ đưa in ba bài: “Ngấn lệ trăng soi,” ông làm để tưởng niệm Nguyễn Du; “Ấm lạnh,” ông viết về mối tình đầu đã tan vỡ; và “Mộng chim liền cánh,” ông làm năm 1963 để tặng Ysabel.


Đọc lại lần thứ hai sau khi được biết “Công Chúa Mười Lăm” đã “bỏ trời Âu tuyệt bóng tăm,” chúng ta thấy nhiều câu trong bài mang ý nghĩa thê lương, tha thiết:

Đêm đêm nhìn ảnh mơ người,
Đến mòn da phấn, môi cười nhòa hương
Ảnh treo dần khắp bốn tường
Siết vòng vây, một góc giường đảo hoang
Sóng thu giợn ánh hồi quang
Gối chăn bốc lửa, sầu loang canh dài…

Internet hiện nay (tháng 12-2018) cũng không cung cấp thêm nhiều thông tin về Ysabel Baes. Chúng ta chỉ biết nàng có một cuộc triển lãm tranh tại Galérie Portenant ở Bruxelles năm 1963 như trên đã nói, và hai thi tập được xuất bản như đã liệt kê. Với một nhà thơ có thi tập được Maison du Poète của Bỉ xuất bản và được cử đại diện đất nước trong một Hội nghị Quốc tế về Thơ năm 15 tuổi, với một họa sĩ có tranh được triển lãm ở thủ đô Bruxelles năm 19 tuổi, sau tập thơ thứ hai xuất bản năm 1967, trên Net và trong WorldCat (thư mục thế giới) không có thông tin nào mới hơn về nàng. Trên đất Mỹ, tập J’avais fermé les yeux hiện được giữ ở Library of Congress và các thư viện của Cornell, Columbia, UC Berkeley. Trên đất Pháp, tập thơ ấy được giữ ở Thư viện Quốc gia (Bibliothèque nationale de France):

Muốn hiểu thơ Vũ Hoàng Chương một cách đầy đủ, thiết nghĩ những người nghiên cứu nghiêm túc cũng nên tìm kiếm và chịu khó đọc tập thơ ấy. Hi vọng nội dung một số bài trong tập cùng lời Tựa, lời Bạt, hay “Ít dòng của nhà xuất bản” sẽ có thể cho chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra cho Ysabel. Cũng nên tìm đọc lại báo chí Âu Châu, nhất là báo chí Bỉ, giữa thập niên 1960.

Có vẻ Vũ Hoàng Chương cũng không biết một cách đích xác chuyện gì đã xảy ra cho Ysabel. Ông chỉ buồn, thấy lo ngại, và có linh cảm về một điều không lành:
Ai hay một sớm tự non Sầu
Ngập gió bay ra lệnh Miễn Chầu.
Cánh quạ nối hàng, đen khủng khiếp:
Tin nàng Công Chúa bỏ rừng sâu.

… Nàng ôi, Nàng ôi, Ta mơ chăng?
Biển Đông biển Tây đều biển băng!
Thôi rồi...! ta không còn dám nghĩ
Tiếng ấy chim trời hay cá săng…

Có lẽ chỉ sau người yêu đầu đời của ông, Ysabel (mà Vũ Hoàng Chương gọi là Y Sa) là người bạn ở phái nữ được Vũ Hoàng Chương nghĩ đến với những tình cảm tha thiết nhất. “Công Chúa Mười Lăm” là một bài thơ dài với 40 phân đoạn, mỗi đoạn 4 câu thơ thất ngôn. Toàn bài có 160 câu thất ngôn. Ông tự giới thiệu bằng một ý khá đặc sắc:

Ta mỏi đi hoang chín kiếp dài,
Áo thêu rồng phượng rách chông gai.
Nhớ năm xưa đến khu Rừng Cấm,
Lục địa già nua bỗng đẹp trai.

Kiếp thứ mười nên bước đã chồn
Ta gieo mình xuống thảm hoàng hôn,
Ngủ chung giấc ngủ nàng Công Chúa
Mơ tuổi Mười Lăm biếc lại hồn.

Vũ Hoàng Chương nghĩ đến nàng như đến một nhân vật trong cổ tích thần thoại của Tây phương, vị “công chúa ngủ trong rừng”:

Nàng say sưa ngủ dưới trời sao …

Ông tưởng tượng sau khi hết kiếp sẽ hồi sinh, sẽ đến rừng của Thơ và Họa ngủ một giấc dài, rồi khi tỉnh thức sẽ được gặp lại nàng:

Một gửi xương da vách huyệt mềm,
Thịt hao mòn, có Đất cho thêm.
Cả tâm, thân, lại đầy phong độ,
Ta sẽ hồi sinh đúng nửa đêm.

Kiếp thứ mười hay mười một ư?
Cần chi! Rồng phượng áo chưa hư!
Sông Xanh, núi Trắng, rừng Thi Họa
Ta đến phen này kết thảo lư.

Và ta nằm xuống thảm bình minh
Ngủ giấc sâu hơn biển Thái Bình.
Công Chúa Mười Lăm về cạnh đó,
Thay ngôi Chủ Khách... lại càng xinh…

Công Chúa Mười Lăm chẳng bỏ ngôi,
Ra đi là để tới đây thôi?
Cùng ta xum họp muôn ngàn kiếp;
Chỗ hết Thời-gian, đích phản hồi?

Vũ Hoàng Chương cũng tưởng tượng rằng khi gặp lại Y Sa như thế, nàng đã rất thân thuộc với cảnh sắc Việt Nam:

Nàng uốn mình tơ dưới áo lông:
"Sông Xanh nào có khác sông Hồng!
Núi Đen, núi Trắng nguyên là một;
Kiếp thứ mười sao chưa cảm thông?"

Vũ Hoàng Chương nhớ lại thi tập Cảm Thông (Communion) với hai bài thơ về nàng và những tranh phụ bản của nàng:

Cảm Thông? Hai chữ nhớ thương đầy;
Thi Họa duyên nào gốc ở đây?...
Ta vội mở trang Tình Sử cũ;
Ôi, màu vẽ Tuyết, ý thơ Mây!

Tình Sử ai ghi? chuyện xứ nào?
Mộng vàng đôi lứa sẽ ra sao?
Tay nâng trang sách, ta nhìn xuống:
Nàng chợt như tia nắng rụng vào!

Ông xé đôi những tranh minh họa để Thơ trở về với Mộng, vì khi ở trong Mộng thì sự ngăn cách của Không gian không còn giá trị nữa:

Chẳng chút hồ nghi, ta xé đôi
Trang minh họa ấy để về ngôi...
Vì Thơ đến lúc nguyên hình Mộng
Uy lực Không-gian đã hết rồi.

Trong dư âm của Thi và Họa, Vũ Hoàng Chương sẽ khắc khoải gọi tìm nàng:

Quên hết ngôn từ, chữ với câu:
Vần phai theo bóng, nét theo màu.
Dư âm Thi Họa riêng còn chút:
Công Chúa Mười Lăm, nàng ở đâu?

Có người cho rằng từ Y SA, cách Vũ Hoàng Chương gọi Ysabel, có thể đảo thành SAY, trong khi “Chàng Say” là biệt hiệu Vũ Hoàng Chương đặt ra để tự gọi mình. Nếu đúng như thế, vị “Tam ngũ thường nga bất nhiễm trần” của nước Bỉ năm 1959, nàng “Công Chúa Mười Lăm” quả có một địa vị trọng yếu và đã chiếm được những tình cảm thật sâu đậm trong thơ Vũ Hoàng Chương. Ông đã viết vì nàng và cho nàng những vần thơ vượt không gian và thời gian. Bài “Thanh bình điệu” của Lý Bạch đã sống lâu hơn Dương Quý phi. Những vần thơ Vũ Hoàng Chương viết về Y Sa sẽ làm Ysabel sống mãi.