Saturday, March 28, 2020

Trịnh Y Thư: Đại dịch COVID-19, đọc lại La Peste của Albert Camus

Nguồn : Diễn Đàn Thế Kỷ

Nằm nhà rảnh rỗi suốt những ngày đại dịch Coronavirus Disease-2019 (COVID-19) hoành hành khắp nơi trên thế giới, tôi lại kệ sách lấy xuống cuốn tiểu thuyết La Peste của Albert Camus đọc lại, và sau khi đọc tôi bỗng giật mình vì những gì đang xảy ra quanh tôi ngày nay đã được Camus miêu tả thật chính xác cách đây trên 70 năm.

Trong cuốn tiểu thuyết này, xuất bản năm 1947, với bối cảnh là thị trấn Oran, xứ Algerie – lúc đó còn là thuộc địa Pháp – Camus thuật câu chuyện xoay quanh một trận dịch hạch khủng khiếp, tàn phá tan hoang cả thị trấn, và khi trận dịch chấm dứt thì không một ai trong thị trấn không bị ảnh hưởng, nặng là cái chết, nhẹ tuy may mắn sống sót nhưng cả thể xác lẫn tâm hồn chẳng còn như cũ nữa. Cuốn sách hiển nhiên hàm chứa nhiều tư tưởng Hiện sinh, nhiều ẩn dụ, thậm chí có những câu văn đa nghĩa, và tất cả hình như quy chiếu vào tính cách, định mệnh và thân phận con người trong một thế giới phi lý, biểu hiện bởi thần thoại Sisyphus – kiên trì lăn tảng đá lên đỉnh núi, để tảng đá lăn xuống chân núi, rồi lại bắt đầu ra sức lăn lên.

Bạn hãy cùng tôi đọc lại cuốn tiểu thuyết quan trọng này của Camus để biết đâu chúng ta tìm ra được những điểm song song giữa cuốn tiểu thuyết hư cấu và những sự kiện thực tại đã và đang xảy ra trong cuộc sống vào những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba này.

Camus thuật, tại thị trấn Oran, thoạt đầu có hàng nghìn con chuột chết ngoài đường phố, nhưng mọi người chẳng ai lưu tâm và chỉ hốt hoảng sau khi báo chí loan tin. Chính quyền địa phương, do áp lực của công luận, phản ứng bằng cách cho nhân viên hốt xác chuột đem đi đốt, mà không biết là làm như thế chỉ khiến dịch bệnh nhiễm truyền nhanh hơn và tác hại khủng khiếp hơn.

Tự phủ nhận hình như là một thuộc tính của con người, nhất là những con người nắm trong tay quyền lực. Không một chính quyền nào, xưa cũng như nay, dân chủ hay độc tài, muốn một xã hội hoảng loạn. Bằng mọi cách, nhiều khi bằng mọi giá, họ phải bưng bít sự thật, phủ nhận sự thật, cùng lúc che giấu càng nhiều càng tốt những khiếm khuyết, sai lầm với hy vọng mọi chuyện sẽ êm thắm trôi qua trong bóng tối và lãng quên. Đó là cái gì xảy ra tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tháng 11, 12 năm 2019, khi COVID-19 mới được phát hiện. Có bao nhiêu mạng người chết oan vì quyết định vô luân này của nhà nước Cộng sản Trung Quốc? Và nếu thế giới biết sớm hơn thì có lẽ tình trạng ngày nay, như bên Italy, bên Iran, không đến nỗi nguy khổn trăm bề. Chỉ là một giả định, nhưng là giả định đầy thuyết phục.

Trong cuốn La Peste, khi bác sĩ Bernard Rieux, nhân vật chính diện trong cuốn sách, đi gặp nhà cầm quyền để trình bày về tình trạng khẩn cấp của cơn dịch thì chẳng ai tin, chẳng ai thèm quan tâm. Bác sĩ Rieux chính là bác sĩ Lý Văn Lượng bằng xương bằng thịt có thật ngoài đời. Sự khác biệt là bác sĩ Rieux sống sót sau trận dịch, còn bác sĩ Lượng thì chết trong oan khiên và đau đớn. Kẻ cầm quyền, mặc dù là thủ phạm gây nên những cái chết như vậy, nhưng để phủ nhận và che lấp tội ác, họ đề cao cái chết như một hành vi hy sinh cho nước nhà, cho chế độ, cần được tuyên dương, và với một mảnh giấy xanh xanh đỏ đỏ ghi tên người chết là anh hùng, liệt sĩ gì đó, lương tâm họ hoàn toàn yên ổn. Họ phủi tay quay lại với công việc dang dở, tiếp tục che mắt người dân.

Họ chỉ kéo màn để hở một nửa sau khi không thể bưng bít sự thật được nữa.

Chính quyền Trump của Hoa Kỳ thoạt tiên cũng không muốn xé to chuyện. Chính Tổng thống Trump, trong một bản tweet, còn bảo người dân là mỗi năm nước Mỹ có cả chục nghìn người chết vì cảm cúm thương hàn thì ba con vi khuẩn Corona này có gì phải đáng lo. Rất may, bên cạnh Tổng thống có những cố vấn hiểu biết và kinh nghiệm đầy mình (như bác sĩ Anthony Fauci với âm giọng New Yorker đặc sệt) khuyến nghị, nên chính quyền Trump đã kịp thời (dù khá muộn) có những biện pháp gắt gao nhằm chế ngự cơn đại dịch.

Hãy nhìn vào xứ Nam Hàn. Tuy bị khá nặng, nhưng chính quyền ở đó đã thẳng thắn nhận lãnh trách nhiệm với toàn dân, sớm dốc toàn lực ra đề kháng, và có thể còn quá sớm để biết kết quả tối hậu sẽ ra sao, nhưng chí ít ở giai đoạn đầu của trận chiến, chỉ sau một thời gian ngắn, người dân Hàn đã thành công chế ngự phần nào con vi khuẩn đáng sợ.

Nhà cầm quyền phải minh bạch, thẳng thắn nhận trách nhiệm, tạo niềm tin nơi dân chúng, đưa ra những biện pháp tuy gắt gao nhưng hợp lý, thì chẳng có lý do nào cơn đại dịch sẽ không trôi qua, trả lại nếp sống bình ổn cho người dân.

Camus nói rõ như thế trong tác phẩm của ông, nhưng hơn 70 năm qua hình như chẳng ai thèm lưu tâm.

Camus thuật tiếp, nhà chức trách của thị trấn Oran đã chần chừ, không nhìn thấy sự khẩn trương của trận dịch đang lan tràn một cách khiếp hãi, lại còn cãi vã nhau ỏm tỏi về những biện pháp thích nghi để đối phó. Một biệt khu được thiết lập trong bệnh viện nhưng chỉ có 80 giường, và trong vòng ba hôm người bệnh chở vào đông nghẹt, không có giường nằm. Số người chết gia tăng khủng khiếp, thế là có lệnh cách ly, ai ở nhà nấy, tuyệt đối không ai được ra khỏi chỗ ở, thậm chí chôn người chết phải có nhân viên hữu trách giám sát.

Khi số người chết lên quá cao thì có lệnh phong tỏa cả thị trấn. Y như Vũ Hán trong trận dịch COVID-19 này. Mọi cửa ngõ ra vào thị trấn đều bị đóng chặt, tàu hỏa không hoạt động, không thư tín, không điện thoại ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp, điện tín là phương tiện liên lạc duy nhất với thế giới bên ngoài.

Trong tình huống ấy, con người cảm thấy như bị tù hãm, trở nên trầm cảm, thậm chí hoảng loạn, và bắt đầu có những ý nghĩ, hành động bất bình thường. Ông Raymond Rambert xin đi Paris gặp vợ không được, bèn mưu toan tính kế với một băng đầu gấu nhờ bọn này tìm đường trốn thoát ra ngoài. Linh mục Paneloux nhân dịp này thuyết giảng cho con chiên nghe rằng vì ta phạm tội lỗi quá nhiều nên bây giờ bị Chúa phạt. Gã Cottard thì gian xảo hơn, bỏ túi khối tiền nhờ buôn lậu.

Tôi không ngạc nhiên với những điều Camus viết trong cuốn tiểu thuyết. Toàn những con người điển hình trong bất cứ thời-không-gian nào giữa hoàn cảnh như thế. Hiện tại, trong cơn đại dịch này, chính bản thân tôi cũng gặp phải những con người bất bình thường, những tình huống mà trước đây tôi không bao giờ ngờ có thể xảy ra.

Hôm qua, tôi lái xe ra chợ mua ít thực phẩm dùng trong những ngày bị nằm nhà do luật tiểu bang, nơi tôi hiện cư ngụ, mới ban hành tuần này: tuyệt đối không được ra khỏi nhà, ngoại trừ đi chợ, ra tiệm thuốc, gặp bác sĩ, vào bệnh viện cấp cứu, và dĩ nhiên nằm bất động trong quan tài cho người khiêng vào nghĩa trang.

Đường sá trống trơn, khác hẳn ngày thường, các khu nhà hàng, mua sắm không bóng người, không xe đậu, quang cảnh lạ lùng đến độ surreal, như trong một cuốn phim khoa học giả tưởng nói về ngày tận thế. Đến một ngã tư, tôi dừng xe chờ đèn xanh. Bỗng có chiếc xe khác trờ tới đậu sát bên cạnh. Có hai gã đàn ông ngồi trên xe, gã ngồi bên ghế hành khách thò hẳn đầu ra ngoài nói gì đó với tôi. Nghe không rõ, tôi bấm nút quay kính xuống. Ngay lúc đó gã nói như quát vào mặt tôi, “Fuck you, Chinaman! Get back to China!” Đoạn chiếc xe gầm rú, vọt lên mặc dù đèn vẫn đỏ.

Sự việc xảy ra, tuy bất ngờ, nhưng nằm trong dự liệu của tôi, và tôi chẳng thấy thương tổn chút nào. Cái xấu nhất, tồi tệ nhất, cũng như cái đẹp nhất, cao quý nhất, nơi con người, hiện ra rõ rệt nhất trong những tình huống không bình thường. Và chúng ta đang lâm vào một tình huống không bình thường.

Camus có lẽ cũng nghĩ như thế nên bên cạnh những con người ích kỷ chỉ biết bo bo thủ lợi, lo nghĩ cho bản thân, còn có những người như bác sĩ Rieux, bác sĩ Castel, ông Jean Tarrou, ông Joseph Grand, những con người tốt lành không quản ngại xả thân cứu giúp những bệnh nhân khốn khổ đang cố nắm lấy tia hy vọng mong manh vào sự sống. Họ là hiện thân những chiến sĩ áo trắng ngày nay trong cơn đại dịch khiếp hãi này, và có không ít người hy sinh mạng sống mình để cứu tha nhân.

Vào hè, tình hình dịch bệnh tại thị trấn Oran càng lúc càng bi đát. Bạo loạn xảy ra, cướp bóc tràn lan khắp nẻo, có vài kẻ bỏ trốn bị lính canh bắn chết ngoài bờ rào, thiết quân luật ban hành, người chết chôn không kịp, dân chúng ai nấy nép mình cắn răng chịu đựng dưới cơn thịnh nộ tai quái của trận dịch. Càng lúc càng tuyệt vọng, con người trở nên điên cuồng, phí phạm sức mạnh cả tinh thần lẫn thể xác cho những chuyện không đâu. Tuy vậy người sống vẫn thu gom sức mạnh chăm sóc người bệnh, chôn cất người chết.

Tình hình chỉ bắt đầu có vẻ khả quan, hy vọng le lói nhúm lên vào cuối tháng Mười khi thuốc chữa của bác sĩ Castel có hiệu nghiệm. Ông Rambert quyết định ở lại thị trấn mặc dù đã thương lượng được với bọn lính canh. Mức độ sát hại của trận dịch giảm dần và cuối tháng Giêng thì gần như dứt hẳn. Kẻ mất người còn gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Bác sĩ Rieux, ông Grand đều sống sót. Gã Cottard thì lên cơn điên, từ trong nhà xách súng bắn loạn xạ và bị bắt bỏ tù. Cha Paneloux suốt thời gian chống dịch đã hăng hái xông xáo giúp người, lại bất ngờ từ trần vào phút chót. Số phận cũng không may mắn đến với ông Tarrou.

Phần kết cuốn tiểu thuyết, những người sống sót nắm tay nhau ăn mừng. Riêng bác sĩ Rieux thì vẫn ưu tư bởi ông biết rõ những con vi trùng dịch bệnh đó chẳng tiêu tan đi đâu mà vẫn nằm ẩn nấp đâu đó trong nhà ngoài ngõ, chỉ chờ cơ hội lại bùng lên hoành hành dữ dội có thể còn hơn trước. Chẳng cần tìm hiểu đâu xa, hình ảnh bác sĩ Rieux lúc này chính là thần thoại Sisyphus – kiên trì lăn tảng đá lên đỉnh núi, để tảng đá lăn xuống chân núi, rồi lại bắt đầu ra sức lăn lên. Cứ thế con người sống mãi trong phi lý vô vọng trong lúc hoàng hôn đỏ như máu của lịch sử từ từ phủ xuống.

Trận dịch COVID-19 không phải là trận dịch đầu tiên của nhân loại, và có lẽ cũng không đến nỗi kinh hoàng như trận dịch năm 1918 với 100 triệu người thiệt mạng, khoa học và y học ngày nay tiến bộ nhiều lắm sau 100 năm, nhưng nó là trận dịch đầu tiên mà gần như toàn thể nhân loại khắp năm châu bốn biển bị ảnh hưởng, bởi thế giới ngày nay thu hẹp lại thành một cái “làng,” một cái làng có lẽ còn “bé” hơn cái thị trấn Oran của Camus. Những gì xảy ra bên trong thị trấn rất có thể sẽ tương tự xảy ra cho cả thế giới hiện tại. Cái khác biệt là, ông Rambert và những kẻ tuyệt vọng khác còn tí hy vọng bỏ trốn ra ngoài đi lánh nạn sau khi bị cách ly, còn tôi với bạn thì làm sao chúng ta bỏ trốn cái hành tinh này đi đâu đây? Và tôi dám đánh cá một ăn mười thua với bạn là, trong tương lai, không gần thì xa, chắc chắn nhân loại sẽ lại bị một trận dịch khác, tương tự hoặc thảm thiết hơn trận này.

Gọi La Peste là một kiệt tác văn chương, có lẽ chưa đủ. Không thèm để ý đến nó, “là hành vi báng bổ cái human spirit,” như tay viết phê bình nào đó phát biểu trên tờ New York Times. Với tôi, human spirit không hẳn chỉ đơn thuần là tinh thần, khí thế hay sự can trường của con người, nó còn là biểu hiệu cho “lòng khao khát muốn sống và được sống như con người.”

Tôi không rõ trận dịch COVID-19 này sẽ đi tới đâu, nhưng tôi tin tưởng vào cái tốt lành và sức mạnh sống còn của con người, vào cái human spirit nói bên trên, và tôi vững tâm.

(3/2020, giữa cơn đại dịch COVID-19) 

Wednesday, March 11, 2020

Đàm Trung Pháp / VŨ HOÀNG CHƯƠNG, FEARLESS POET LAUREATE



According to Mencius, a defining quality of a great man is his fearless adhesion to his principles in the face of threats and the use of force. This crown-jewel element of moral character is expressed in Sino-Vietnamese as “uy vũ bất năng khuất” [威武不能屈]. Vũ Hoàng Chương (1915-1976) – South Vietnam’s poet laureate – proved this quality by penning the poem “Vịnh Tranh Gà Lợn” (Ode to a Painting of Chickens and Pigs) to satirize the so-called “victors” of the Vietnam War, while ushering in the Lunar New Year of the Dragon (Bính Thìn) in early 1976. As anticipated, Vũ Hoàng Chương’s public defiance of the new regime landed him in jail, from which he was released when he was near death. Five days later, on September 6, 1976, the undaunted poet passed away at home. The original poem and my translation of it into English appear below, followed by my comments:

1. Dawn it’s clearly not, yet dusk too soon 
Sáng chưa sáng hẳn tối không đành
2. Boisterous chickens and pigs stir up the painting
lợn om xòm rối bức tranh
3. Walls have ears, poetry runs risks 
Rằng vách có tai thơ có họa
4. How are we to tell whose heart is red and whose eyes blue 
Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh
5. Brotherly chicken eyes have oftentimes been blinded
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
6. Pig guts have stayed true in matter of death and life 
Lòng lợn âm dương một tấc thành
7. It’s about time to stop your crows and your oinks 
Cục tác nữa chi ngừng ủn ỉn
8. And listen to a new song the dragon declaims 
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh

Vũ Hoàng Chương’s poetic genius graces the poem with profound allegories, apt metaphors, delightful collocations, amazing expressions capable of double interpretations, and masterful syntactical and semantic parallelism in the two middle couplets (i.e., verses 3-4 and 5-6). Unfortunately, these poetic felicities have been lost in translation! Wishing to somehow compensate for this huge injustice, I humbly provide the following explications for the original poem.  Needless to say, I will be very grateful for constructive comments from readers.

The poem’s title suggests that it is about the celebration of the arrival of a lunar new year (tết) in Vietnam. On this occasion, paintings that are bright, showy and simple in content and form (tranh dân gian) are on display to entertain, educate, or express New Year’s wishes to visitors. Paintings expressing good wishes often contain chickens and pigs in them, as well as generals (tướng quân) and doctors of literature (tiến sĩ nho học). Those focused on entertaining feature such comical themes as the rat that finished first in an imperial examination to select doctors of literature (chuột đỗ trạng nguyên). And among paintings praising the value of education, a popular one shows a toad going to school (cóc đi học).

Verses 1 and 2 allude to a most daunting time of uncertainty in the nation’s history, with rampant lawlessness and utter political chaos, after South Vietnam had to surrender to the invading North Vietnamese military force in the spring of 1975. Chickens and pigs are introduced as the main characters of the painting. They also serve as metaphors for the new victors of the war, who were indeed boisterous and caused upheavals in the South Vietnamese society.

Verses 3 and 4 make up a splendid syntactical and semantic parallelism graced by a number of popular proverbs depicting the insecure feeling of being surrounded by spies. The phrase “thơ có họa” in verse 3 can be understood as either “poetry with paintings in it” or “(writing) poetry runs risks.”  The implied meaning of verse 4 is that it is impossible to distinguish friends identified by the Sino-Vietnamese collocation “đan tâm” [丹心] meaning “red heart” or “unshakable loyalty” from foes.

Verses 5 and 6 make up another superb syntactical and semantic parallelism adorned by a number of delightful collocations joining such words as “mắt” (eye) and “gà” (chicken) to invoke the vision disorder known as nyctalopia (bệnh quáng gà) and “lòng” (gut) and “lợn” (pig) to refer to a Vietnamese delicacy often served on festive occasions. While verse 5 is an admission that people in the South have often been duped by communist propagandas, verse 6 extols the unfailing truthfulness in the hearts of these same people.

Verses 7 and 8, the powerful final couplet, clinch the poem with a strong message which scolds the gloating “victors” and tells them to stop crowing and oinking in order to listen to a sonorous declamation of a new song by the dragon. I surmise the awe-inspiring animal here is the metaphor for the poet himself in the very beginning of a lunar year honoring the dragon (Tết năm con Rồng, Bính Thìn 1976) and his “new song” (khúc tân thanh) reminds readers of “Đoạn Trường Tân Thanh,” the original title that Nguyễn Du had given to his Truyện Kiều, Vietnam’s poetic magnum opus. And that original title can be translated as “New song of the severed gut”        obviously not a good omen for the South Vietnamese people in the years to come.

Đàm Trung Pháp / UY VŨ BẤT NĂNG KHUẤT 威 武 不 能 屈


Theo Mạnh Tử, chỉ dấu quan trọng nhất của một người quân tử là lòng can đảm vẫn duy trì được nguyên tắc sống cao cả của mình bất chấp những đe dọa của vũ lực bạo tàn. Chỉ dấu bất khả tư nghị của khí tiết ấy được từ vựng Hán-Việt mệnh danh là “uy vũ bất năng khuất” (威武不能屈). Thi nhân lỗi lạc Vũ Hoàng Chương (1915-1976) đã lộ rõ khí tiết này khi ông dám làm bài thơ “Vịnh Tranh Gà Lợn” để châm biếm “bên thắng cuộc” nhân dịp ông nghinh xuân Bính Thìn 1976 tại quê nhà. Và như đã tiên đoán, bài thơ miệt thị chế độ mới một cách công khai ấy đã khiến Vũ Hoàng Chương bị chúng bỏ tù cho đến lúc kiệt lực, cận kề cái chết. Năm ngày sau khi được thả, ông qua đời tại nhà vào ngày 6 tháng 9 năm 1976.
Mời quý độc giả thưởng lãm bài thơ đường luật viết về tết cuối đời mang tên “Vịnh Tranh Gà Lợn” của Vũ Hoàng Chương – cùng với sự hiểu biết và suy luận hạn hẹp của tôi – dưới đây:
VỊNH TRANH GÀ LỢN
1. Sáng chưa sáng hẳn tối không đành
2. lợn om xòm rối bức tranh
3. Rằng vách có tai thơ có họa
4. Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh
5. Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
6. Lòng lợn âm dương một tấc thành
7. Cục tác nữa chi ngừng ủn ỉn
8. Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh
Thần bút họ Vũ đã giáng xuống bài thơ thất ngôn bát cú những ẩn dụ (metaphors) tuyệt diệu, những cụm từ có thể hiểu theo nghĩa đôi (double meaning) một cách tài tình, và những cấu trúc ngữ nghĩa và ngữ pháp biền ngẫu (syntactical and semantic parallelism) thật ngoạn mục.
Tựa đề bài thơ hàm ý nó được viết vào dịp sắp tết ở quê nhà. Trong dịp này, những bức tranh dân gian – màu sắc sặc sỡ và nội dung cũng như hình thức sơ sài – được treo lên để trang trí, khuyên bảo, mua vui, hoặc chúc mừng năm mới cho khách đến thăm. Các bức để chúc tết thường vẽ những gà và lợn, tướng quân, ông nghè (tiến sĩ nho học). Các bức để mua vui thường có chủ đề hài hước, như cảnh chuột đỗ trạng nguyên sau khoa thi đình. Còn trong số các bức để đề cao và khuyến khích sự học thì nội dung quen thuộc nhất là hình vẽ một con cóc ngoan ngoãn cắp sách đi đến trường.
Câu 1 và 2 ám chỉ một thời buổi hỗn loạn chưa từng thấy trong lịch sử nước nhà, khi quân đội miền bắc xâm chiếm miền nam vào mùa xuân 1975. “Gà và lợn” là ẩn dụ cho những kẻ thắng trận bất xứng đang thực sự “om xòm” và gây rối loạn trong xã hội miền nam một thời tự do hạnh phúc.
Câu 3 và 4 là một cấu trúc ngữ nghĩa và ngữ pháp biền ngẫu ngoạn mục, sử dụng từ ngữ đắc địa nói lên cái tinh thần bất an của người dân miền nam cũ luôn bị công an mới vây bủa. Nhóm chữ “thơ có họa” có thể hiểu được hai cách: (1) “trong thơ có họa (vẽ)” và (2) “thơ có thể gây (tai) họa.”  Hàm ý của câu 4 là “thật không thể phân biệt ai là bạn – tượng trưng bởi lòng đỏ, dịch từ hai chữ đan tâm (丹心) đồng nghĩa với trung trinh, và ai là thù – tượng trưng bởi mắt xanh).”
Câu 5 và 6 cũng là một cấu trúc ngữ nghĩa và ngữ pháp biền ngẫu ngoạn mục, sử dụng hai nhóm chữ thường xuyên xuất hiện với nhau (collocations) là: (1) “mắt” với “gà” để nhắc đến một tình trạng rối loạn của thị giác gọi là “mắt quáng gà” (nyctalopia), và (2) “lòng” với “lợn” để gợi nhớ một món ăn khoái khẩu dịp hội hè. Và trong khi câu 5 hàm ý là dân chúng miền nam từng nhiều lần bị lường gạt bởi tuyên truyền từ miền bắc cộng sản, thì câu 6 ca ngợi lòng thành tín keo sơn của người miền nam vừa bị xâm chiếm.
Hai câu 7 và 8 kết thúc một tuyệt tác thi ca của Vũ Hoàng Chương với một lời khuyên bảo lũ “gà và lợn” đang đắc chí hãy ngừng “cục tác” và “ủn ỉn” để mà nghe “con rồng” (biểu tượng của tân niên Bính thìn) “ngâm vang” một khúc tân thanh. Thần kỳ thay, khúc ca mới ấy gợi nhớ đến  danh tác “Đoạn Trường Tân Thanh” (“bài ca mới đứt ruột”) của thi hào Nguyễn Du – rõ là một điềm gở đáng sợ hãi cho dân chúng miền nam trong những ngày sắp tới.   




Tuesday, March 10, 2020

Đàm Trung Pháp: Niềm Riêng Nghiệt Ngã Trong Thơ Đinh Hùng (Phiên bản cập nhật 2020)

Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ

Đinh Hùng qua đời vì bạo bệnh vào mùa thu 1967 tại Sài Gòn trong một ngày gió mưa tầm tã, lúc mới 47 tuổi. Vài tuần sau đó, Vũ Hoàng Chương(người anh rể cũng là thi hữu thân nhất của Đinh Hùng) đã nói chuyện rất cảm động về cuộc đời của nhà thơ yểu tử tại Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Qua bài nói chuyện “Nhớ Đinh Hùng” của ông, ta được biết vì đâu mà Đinh Hùng có cái “nguồn thi hứng ảm đạm bi thương đến rùng rợn tê điếng cả tâm hồn.” Năm Đinh Hùng 11 tuổi, chị Tuyết Hồng, một hoa khôi 18 tuổi đời, vì buồn chuyện tình duyên đã tự trầm tại Hồ Trúc Bạch. Vài tháng sau, thân phụ thất lộc khi chưa đầy 50 tuổi. Và 3 năm sau nữa, chị lớn nhất mang tên Loan cũng qua đời trong tuổi thanh xuân! Trại Trung Phụng, sản nghiệp to lớn nhà họ Đinh, vẫn theo lời Vũ Hoàng Chương, “quả là một gia tài đẫm lệ; bộ xương khô và lưỡi hái dài nanh ác lúc nào cũng như lẩn quất trong hàng cây khế, cây cam” (Trung Tâm Văn Bút Việt Nam 1969).

Đang học chương trình tú tài thì Đinh Hùng bỏ học để bắt đầu đi tìm những say mê của đời phóng khoáng:

Sớm như chiều hư thực bóng hoa hương
Ta ra đi tìm lớp học thiên đường
Và khi đó thì mẹ yêu ngồi khóc
(Khi Mới Nhớn)

Cái “bóng hoa hương” quan trọng nhất đời Đinh Hùng là một người bà con có họ xa, mang tên Ý Liên, mà nhà thơ đã yêu từ “độ em còn trèo cây khế, vin hai quả xanh bên tường.” Nàng lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp tươi tắn:

Nắng vàng năm xưa đã tắt
Cô bé ngày xưa lớn rồi
Hoa hồng vừa nở trên môi
Và một trời thu trong mắt

* * * * *

Em là Tiên Nữ Diễm Kiều
Vin hái hoa trong vườn quý
Dò theo những bước hương yêu
Còn tôi đi làm thi sĩ
(Tiếc Bướm)

Tiên Nữ Diễm Kiều đã có với nhà thơ nhiều kỷ niệm khó phai:

Người đẹp ngày xưa tên giống hoa
Mùa xuân cây cỏ biếc quanh nhà
Thùy hương phảng phất sen đầu hạ
Lén bước trang đài tới gặp ta

* * * * *

Yểu điệu phương đông lướt dưới đèn
Ta nằm mộng đẹp đêm thần tiên
Dáng xuân nghiêng mặt cười không tiếng
Lửa hạ lên rồi … Ôi Ý Liên
(Liên Tưởng)

Đinh Hùng và Ý Liên yêu nhau tha thiết trong tuyệt vọng. Nàng qua đời vì lao phổi khi Đinh Hùng tuổi mới 20. Mất Ý Liên, nhà thơ đau khổ đến điên dại. Cái ác nghiệt của Thần Chết lần này thực quá sức! Đã đến lúc nhà thơ chấp nhận cái chết, như thấy trong hai câu bi thảm trong thi tập Mê Hồn Ca:

Đi đi cho hết dương trần
Ngày mai tìm bóng Tử Thần mà yêu

Từ cái định mệnh nghiệt ngã ấy, thi nhân đã viết lên những lời thơ âu yếm – nhưng cũng ma quái vô cùng – để nhắn vọng về thế giới bên kia, nơi có người yêu chàng hiện hữu:

Trời cuối thu rồi … Em ở đâu
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu

* * * * *

Ta gửi bài thơ anh linh
Hỏi người trong mộ có rùng mình
Nắm xương khô lạnh còn ân ái
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình
(Gửi Người Dưới Mộ)

Bài “Gửi Người Dưới Mộ” của Đinh Hùng phảng phất hồn thơ siêu linh của thi sĩ thuộc trường phái tượng trưng (symbolisme) Charles Baudelaire mà Đinh Hùng ngưỡng mộ và chịu ảnh hưởng không ít (Đinh Hùng 1971). Charles Baudelaire (1821-1867) từng bị xã hội Pháp mệnh danh là một “nhà thơ thổ tả” (“poète maudit”) vì chàng đã sống một cuộc đời phản luân thường đạo lý: trác táng, nghiện thuốc phiện, mắc bệnh hoa liễu, bênh vực đồng tình luyến ái, và quịt nợ nhiều người. Quá hổ thẹn, Baudelaire phải trốn xã hội qua thi ca siêu tưởng tự đề cao mình trong một thế giới riêng tư. Còn Đinh Hùng thì quá đớn đau vì nhiều cái chết trong gia đình, nhất là cái chết quá phũ phàng của người tình thiên thu. Làm sao trốn được cái định mệnh nghiệt ngã phong tỏa đời mình, nếu không rút vào một thế giới siêu tưởng như Baudelaire? Chính đó là điều Đinh Hùng đã làm. Chàng từ nay sẽ xuất trần, sẽ vượt ra ngoài vòng vũ trụ, và nhìn xuống dương trần với đôi mắt dửng dưng (Thi Vũ 1993). Con đường ngắn nhất để đi vào thế giới siêu tưởng của Đinh Hùng cũng là con đường Baudelaire đã chọn, đó là kết bạn với nha phiến (Michel Quesnel 1987). Trong bài “La Vie Antérieure” (Tiền Kiếp) trong thi tập Les Fleurs du Mal (Ác Hoa), Baudelaire đã cho hồn phách phi lạc về kiếp trước để thấy mình như vua chúa sống trong cung điện nguy nga, an nhàn lạc thú đầy hương sắc trong đoạn cuối bài thơ: *

Đó là nơi ta chìm trong hoan lạc
Giữa trời xanh, sóng biển, rực muôn màu
Những nô tỳ lõa thể nức hương hoa
Ngồi hầu quạt bằng những tàu lá cọ
Họ phải giúp mau cho ta tận hiểu
Bí mật nào làm phiền muộn lòng ta
(La Vie Antérieure, ĐTP phỏng dịch)

* “C’est là que j’ai vécu dans les voluptés calmes / Au milieu de l’azur, des vagues, des splendeurs / Et des esclaves nus tout imprégnés d’odeurs / Qui me rafraichissaient le front des palmes / Et dont l’unique soin était d’approfondir / Le secret douloureux qui me faisait languir.”

Nếu cái nhựa đắng thoát trần đã giúp cho Baudelaire quên đi nỗi buồn thế sự và trở về với cái quá khứ uy nghi giả tưởng của mình, thì nàng tiên nâu đã giúp Đinh Hùng chuyển cái tê mê nha phiến sang khoái cảm ái tình mà chàng từng thụ hưởng, cũng trong một “tiền kiếp” xa xôi nào đó của mình:

Trong im lặng, tôi rùng mình nín thở
Cầm tay em, nâng từng ngón tay hoa
Tình yêu tràn trong thớ thịt, làn da
Tình yêu rợn tự đầu mày chân tóc
(Giáp Mặt Phù Dung)

Trong thế giới siêu tưởng, Đinh Hùng đóng hai vai trò mâu thuẫn, khi thì hiền lành lúc thì dữ tợn. Chàng đã gặp nhiều người đẹp mang tên nên thơ như Nữ Chúa Sầu, Em Huyền Diệu,vân vân, thường là những nhan sắc liêu trai trong thi tập Đường Vào Tình Sử:

Ta thường có những buổi sầu ghê gớm
Ở bên Em … Ôi, biển sắc rừng hương
Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm
Em đến đây như đến tự thiên đường
(Kỳ Nữ)

Đối với những giai nhân giả tưởng ấy, thi nhân lãng mạn và tình tứ lắm:

Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ
Nắng trong hoa, với gió bên hồ
Dành riêng em đấy khi tình tự
Ta sẽ đi về những cảnh xưa
(Tự Tình Dưới Hoa)

Ngược lại, trong một bài thơ khác, chàng đóng một vai rất dữ tợn. Đó là một con người nguyên thủy vóc dáng cổ quái, từ thiên nhiên huyền bí trở về đô thị tìm người yêu:

Ta về đây, lạ hết các người rồi
Lạ tình cảm, lạ đời chung, cách sống
Trong bỡ ngỡ duy lòng còn chút mộng
Ta đi tìm người thiếu nữ ngày xưa
Nàng không mong, ta đi đến không ngờ
Giây phút ấy thực mắt nhìn tận mắt
Ta mỉm cười bỗng thấy nàng che mặt
Ta giơ tay, nàng khiếp sợ lùi xa
(Bài Ca Man Rợ)

Bị nàng ruồng rẫy, thi nhân điên lên như một con thú dữ, giết nàng tàn bạo, phá tan thành quách, rồi bình tĩnh trở về cõi nguyên thủy:

Ta thản nhiên, trở lại núi rừng
Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng
(Bài Ca Man Rợ)

Nỗi cô đơn bi thương trong cuộc sống trần thế đã xâm nhập cõi thơ siêu thực của Đinh Hùng, nơi mà nhà thơ chạy trốn cuộc đời. Ta thương cảm cho định mệnh thảm thê của Đinh Hùng, nhưng cũng chính nhờ vào cái kiếp sống tuyệt cùng vô vọng đó mà ta được đọc những vần thơ trác tuyệt nhất của ông. Chúng cũng khiến ta liên tưởng đến di ngôn bất hủ của văn hào Alfred de Musset thuộc trào lưu lãng mạn Pháp: “Les plus désespérés sont les chants les plus beaux” (Những bài ca tuyệt vọng nhất là những bài ca đẹp nhất). Và Đinh Hùng đã dùng thi tài xuất chúng để bất tử hóa cuộc đời quá bất hạnh của chính mình.


THƯ TỊCH

Đinh Hùng (1971) Đốt Lò Hương Cũ. Saigon: Lửa Thiêng. Đinh Hùng (1961) Đường Vào Tình Sử. Hoa Kỳ: Đại Nam in lại, không ghi năm nào. Michel Quesnel (1987) Baudelaire, Solaire et Clandestin. Paris: Presses Universitaires de France. Thi Vũ (1993) Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam. Paris: Quê Mẹ. Trung Tâm VBVN (1969) Câu Chuyện Văn Chương. Hoa Kỳ: Xuân Thu in lại, không ghi năm nào.

[ĐTP 2012, 2020]

Friday, March 6, 2020

Đêm vang / Nguyễn Tường Thiết

Nguồn: Diễn  Đàn Thế Kỷ 
 một bên bờ nơi vòng cung uốn khúc của dòng Cowlitz bãi cát lài xuống lổn ngổn những hòn đá cuội tròn và trơn rêu. Một người đàn ông ngược từ phía sông đi lên. Ông ta vừa đi vừa xếp lại chiếc cần câu, đặt cần ngay ngắn trên một mô đá rồi cởi đôi găng ướt hơ hai bàn tay lạnh cóng trên ngọn lửa. Ánh hồng của đám củi cháy soi bóng hai người trên bờ sông vắng. Bóng hai cha con. Lát sau người đàn ông ngước lên nhìn trời. Lúc ấy không gian vừa hừng một chút ánh sáng yếu ớt đầu ngày, thứ ánh sáng màu đục nhờ nhờ không đủ sức xuyên qua màn sương đêm dầy đặc giăng tỏa mặt sông. Gần chiếc mô đá nơi đặt chiếc cần câu, đứa bé con đang đùa nghịch với con cá nằm thoi thóp trên bãi sỏi. Một con cá thật to và thật đẹp. Nó chưa bao giờ thấy bố nó câu được một con cá to thế. Con cá mình thon dài, nửa sống lưng trên màu xám rêu, nửa phần bụng dưới màu thép bạc, ở chỗ cái mang lớn hai bên má lại có cái màu hồng hồng. Nó lấy ngón tay chọc chọc vào mang con cá. Rồi nó xòe bàn tay đo bề ngang con cá dài hơn một gang tay. Trong khi đó bố nó lục trong ba-lô lấy ra một cái phích nhỏ rót cà-phê vào nắp phích. Cà-phê nóng bốc khói. Ông ta cúi xuống nhặt một cọng cây có tàn lửa, lục túi lấy bao thuốc lá nhón một điếu dí vào tàn lửa châm hút rồi đi ra mé bờ ngồi trên mô đá. Bên kia sông tối đen mơ hồ như có ánh lửa. Hình như từ xa lại có âm vang của núi rừng vọng về ... O.. O... ON... o... on... on.
Thằng bé đã chán con cá. Nó cúi xuống nghịch cái máy cát-xét. Từ một tiếng đồng hồ qua máy cứ phát đi phát lại mấy bài hát cũ rích của Trịnh Công Sơn. Nó táy máy vặn cái nút volume. Tiếng hát to lên rồi lại nhỏ đi. Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ... Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa... Từng tiếng từng tiếng giỏ xuống ảo não. Thanh âm như những hạt sương rơi đọng lại bên bờ hoang vắng này của dòng sông tưởng như không đủ sức loang xa vào màn đêm mênh mang dầy đặc. Thế nhưng, ở tận bên kia sông, tiếng hát ngừng sững nơi vách đá sau lưng tôi, dội vào tâm thức tôi vang âm của một thời kỷ niệm đã mù xa khuất bóng. 
Người đàn ông búng mẩu thuốc về phía sông. Trời vụt quang đãng. Tấm màn sương ở khúc sông trước mặt như vừa có ai vén lên. Mùa đông con sông Cowlitz tái tê vì lạnh. Mặt nước mờ mờ sương khói. Bên kia sông vách đá dựng đứng. Trên đỉnh cao lơ thơ mấy cây thông. Lưng chừng vách từ những vết rạn ẩm nhớp rêu phong khói lam bay tỏa. Dưới chân vách đá, dọc theo Blue Creek (Suối Biếc), cả trăm người câu cá đứng chen vai sát cạnh nhau.
Người đàn ông đứng lên khoác ba-lô trên vai, một tay cầm cần câu, tay kia xách con cá. Đứa con trai ông ta cúi xuống ôm chiếc máy cát-xét. Nó mò cái nút volume để tắt máy nhưng lại vặn nhầm chiều, hết cỡ. Trước khi máy vụt tắt có tiếng hát Khánh Ly vang qua bên kia bờ sông:
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ... Dài tay em mấy 
Hàng năm khi những trận mưa tả tơi của tháng mười một vừa ngớt và bàu trời sũng nước của tiểu bang được vén cao chào đón con nắng trở về sau những ngày dài khuất bóng mang theo cái lạnh se buốt của mùa đông, giới mê câu của tiểu bang miền Tây Bắc như lên cơn sốt.
Cá steelhead! Cá steelhead mùa đông!
Hàng triệu con cá từ ngàn dặm xa trở về tập trung ngoài cửa biển chờ hiệu lệnh của thiên nhiên nhất loạt tiến vào những con sông của tiểu bang để đẻ trứng. Hiệu lệnh là những trận mưa tầm tã. Mưa tiêu điều trời đất. Mưa ung thối cỏ cây. Mưa mênh mang mặt sông dâng cao. Mưa tuôn nước ngầu đục mang trôi cành khô lá mục. Như được khích động, những con cá ngoài cửa biển ồ ạt tiến vào sông. Nước càng xiết, sông càng dâng, chúng càng hồ hởi ngược dòng lội sâu về nguồn. Giới câu chờ đợi chờ đợi. Sau lễ Tạ Ơn qua mùa Giáng Sinh, mưa dứt, trời quang, mặt sông dịu xuống trả lại con sông màu xanh lục cố hữu, cá đã đầy sông. Hàng ngàn dân câu xếp hàng nghênh đón ở hai bên bờ.
Bên ngoài trời tối thẫm. Hai vệt đèn pha halogen màu trắng xanh vạch thủng màn sương dầy phía trước. Tôi kềm chiếc xe chạy dọc miết theo lằn kẻ lề phải xa lộ liên bang I-5 South với tốc độ trung bình 70 dặm. Đến Lối Ra số 68 tôi chuyển xe qua đường liên tỉnh 12 East. Như vậy là sắp đến Blue Creek (Suối Biếc). Đồng hồ trên xe mặt lân tinh sáng lên con số 3:45. Tôi tính nhẩm. Từ đây đến Suối Biếc 15 phút. Thay đồ câu mất 15 phút. Lội bộ đến chỗ câu 30 phút nữa. Nếu mọi chuyện xẩy ra đúng dự trù thì tôi có mặt ở Suối Biếc lúc 4:45AM. Vào mùa này tại cái địa điểm câu nổi danh ấy của tiểu bang Washington nếu tôi đến trễ sau 5 giờ sáng, tôi sẽ không hy vọng tìm được một chỗ đứng để câu. Trừ khi tôi gặp Ben, Tony hoặc Howard, chúng nó cho tôi xen vào đứng ở giữa, nhưng mò ra chúng trong lúc trời tối trong đám cả trăm người câu là cả một chuyện khó khăn. 
Chiếc Outback chậm chạp theo sau ánh đèn pha lăn trên lớp đá răm kêu lạo xạo trong đêm vắng. Trong chỗ đậu xe của bãi xuống tàu (boat ramp) có khoảng hai chục chiếc xe hơi đậu sẵn. Bấy giờ là 4:05AM. Tôi ngừng xe, tắt đèn pha. Trong bóng đêm tôi ngồi im một lát hoạch định chương trình câu.
Suối Biếc là một cái lạch nhỏ, ngắn, chỉ dài khoảng vài trăm thước. Nó nổi tiếng trong giới câu vì nó là khúc nối giữa con sông lớn Cowlitz và xưởng ươm cá steelhead. Tại xưởng ươm cá này hàng năm hàng trăm ngàn con cá steelhead bé tí teo được ươm từ trứng, được đánh dấu (cắt vẩy lưng) rồi phóng thích. Những con cá ấy sống trong nước ngọt một thời gian rồi chu du ra ngoài biển khơi vượt qua hải phận Gia Nã Đại lên sống vùng cực lạnh Alaska. Hai ba năm sau trưởng thành ngoài biển chúng trở thành những con cá lớn, cân nặng từ 8 đến hơn 20 cân anh. Trước khi đẻ chúng tìm đường trở về nguồn cách xa hàng ngàn dặm. Theo một hướng dẫn nào mà khoa học chưa hiểu nổi, chúng tìm lại được đúng nơi chúng sinh ra, nghĩa là về lại đúng con sông Cowlitz nơi chúng ra đi, bơi vào Suối Biếc, luồn vào xưởng ươm cá, nhờ những bàn tay con người nặn ra những bọc trứng, nuôi hộ đám con, để rồi lại tiếp tục cuộc hành trình thứ hai, thứ ba ra ngoài biển khơi, nếu chúng may mắn thoát qua hai cửa ải tử thần là con lạch mang tên Suối Biếc và suốt cả chiều dài con sông Cowlitz trứ danh.
Người câu cá chỉ đứng câu được ở một bên bờ của Suối Biếc, bờ sát vách đá, có chen vai cũng chỉ chứa được khoảng trăm tay câu, đó là chưa kể nếu nước sông dâng cao bất thường ngập vào vách đá thì diện tích đứng câu còn bị thu hẹp hơn nhiều. Hai chục chiếc xe trên bãi đậu, hai chục tay câu đến trước tôi. Tôi không lo không có chỗ đứng. Nhưng những chỗ câu tốt mà chỉ những người câu rành mới biết rất có thể đã bị đám người đó chiếm mất, nếu họ đều là những tay câu nghề. Tôi hy vọng là có nhiều tay câu tài tử trong số hai mươi người này. 
Mở cửa sau của chiếc station wagon tôi bắt đầu mặc đồ câu. Ngoài xe trời lạnh thấu xương. Bốn lớp áo hai lớp quần bên trong bộ đồ lội bằng cao-su và đôi giầy ủng nặng nề khiến tôi đi đứng lộm cộm khó khăn. Lúc tôi khoác chiếc ba-lô lên vai, một tay cầm cần câu tay kia chiếc đèn pin sửa soạn đi vào đường mòn dẫn đến Suối Biếc thì trên bãi đậu xe có ánh đèn pha sáng lóe khắp nơi. Cả chục chiếc xe rần rần chạy tới. Con đường mòn xuyên rừng dài khoảng nửa dậm. Sau mùa mưa lũ đường đất ngập bùn trơn trượt, có đi nhanh cũng mất nửa tiếng. Dưới ánh đèn pin tôi rảo bước trên con đường đất tôi đã thuộc lòng từng ngã rẽ, từng chỗ có thân cây đổ ngang. Tôi cố đi nhanh sợ những người mới tới vượt qua mặt tôi đến Suối Biếc trước tôi và chiếm hết những chỗ tốt. Mỗi bước chân của họ, những người Mỹ to cao và trẻ trung, dài bằng hai bước của tôi. Họ nện những bước chân chắc nịch và hung bạo bất chấp đường bùn trơn trượt.
Đi được nửa đường thì có tiếng chân nặng nề sau lưng tôi và một ánh đèn pin loáng chiếu từ phía sau. Cùng lúc ấy ở phía trước tôi có ánh đèn măng-xông sáng và hai người Mỹ đi ngược chiều hiện ra trên đường mòn. Một người giơ cao chiếc đèn. Người kia hai tay xách hai con cá to. Từ sau lưng tôi có tiếng hỏi hai người phía trước:
“Day shift or night shift?” (Ca ngày hay ca đêm?)
Người cầm đèn măng-xông trả lời gọn lỏn:
“Night!” (Ca đêm!)
Ca đêm chỉ những người câu từ chiều ngày hôm trước cho đến mờ sáng hôm sau. Những người như tôi, dù là đi sớm cách nào, cũng gọi là câu ca ngày. Sở dĩ có tiếng hỏi ca đêm ca ngày vì cũng có những người câu ca ngày, khởi câu từ hai ba giờ sáng, đến bốn năm giờ đã may mắn bắt được hai con steelhead (theo luật chỉ lấy được hai con là tối đa) nên bỏ đi về rất sớm.
Thấp thoáng sau rừng cây gần Suối Biếc có những đốm đèn sáng xanh uốn lượn nhấp nhô dọc theo vách đá. Đoàn người câu mỗi người một đèn măng-xông di chuyển chậm chạp trong đêm trông hư ảo ma quái làm tôi liên tưởng tới những đoạn phim bập bùng ánh đuốc bên dòng Missisippi của đảng Ba K (Ku-Klux-Klan) miền trung Mỹ trong thập niên 50. Lúc tôi đến chỗ câu thì số người ở Suối Biếc nhiều hơn gấp bội con số hai chục mà tôi trù tính. Một số lớn dân câu đã đổ bộ xuống Suối Biếc từ những chiếc thuyền máy thả neo dọc theo bờ con sông chính Cowlitz. Những địa điểm câu tốt đã bị chiếm hết. Tôi đoán là chỉ còn trống ở một vị trí cuối con lạch, chỗ tiếp giáp với con sông chính, nơi đó rất khó câu vì nước chẩy xiết và rất dễ mắc đá ở đáy sông. 
Lội suối dọc theo vách đá tôi luồn sau lưng một hàng dài người câu tiến xa về vị trí ấy. Trên bờ những nhóm lửa cháy soi những con cá vây bạc trắng nằm thoi thóp trên cát. Vừa đi tôi vừa nhìn mực cao của nước, định tầm chẩy xiết của sông và quan sát những người đã bắt được cá xem họ dùng mồi gì, chì nặng bao nhiêu và nhất là định chiều dài của “leader”, tức khúc giây từ hòn chì đến hạt nổi, một yếu tố có tính cách quyết định để câu được cá steelhead ở khúc sông này.
Đến cuối con lạch ở cửa vào sông Cowlitz tôi thấy quả nhiên còn nhiều chỗ trống. Tôi quơ đèn pin tìm một phiến đá rộng, mặt thật phẳng, rồi đặt ba-lô xuống. Mục tiêu thứ nhất của tôi đã đạt. Tôi đã tìm được một chỗ đứng. Và bây giờ tôi có thể nghỉ ngơi. Đâu cần câu vội. Tôi có hẳn một ngày trời trước mặt. Rời Seattle vào lúc hai giờ sáng, tôi đã vượt một đoạn đường dài tương đương với đoạn đường từ Sài Gòn đi Vũng Tàu, trong màn đêm lạnh hai độ dưới độ đông của đá, chỉ để đến đây, lúc 4:50AM, chiếm một chỗ đứng trên phiến đá này. Còn có câu được cá hay không là chuyện khác. Tôi rọi đèn pin lục ba-lô lấy ra phích cà-phê. Nhắp cà-phê nóng tôi đứng yên nhìn ra phía sông tối đen. “Giá có được điếu thuốc lá”. Một ý nghĩ thoáng gợn lên rồi qua ngay. Tôi đã bỏ thuốc lá từ hơn mười năm. Bờ bên kia của dòng sông tối đen tôi không nhìn thấy gì cả. Nếu có thấy chăng chỉ là một tàn lửa ánh lên mơ hồ trong thời quá vãng của mình.
Tôi đạp chiếc xe lọc cọc đổ xuống con đường đá sỏi nằm giữa khu rừng thông. Phía trước tôi mặt hồ Than Thở còn mù hơi sương. Tôi rẽ trái trên con đường đất đỏ dẫn đến ấp Thái Phiên. Đến một căn chòi rơm cất cho khách trú mưa tôi dựng xe đạp bên gốc thông. Cầm cần tre tôi theo một con đường mòn đi về phía cuối hồ. Không một bóng người. Trên măt nước có dựng năm sáu cái bục gỗ làm giàn đứng cho người câu. Tôi vén quần cao lên tận bẹn, một tay giơ cao đôi giầy, một tay ôm cần câu tôi bì bõm lội nước trèo lên sàn gỗ. Nước hồ Đà Lạt lạnh buốt khiến tôi run rẩy. Tôi móc điếu thuốc lá Ruby châm hút thở khói trong sương nhìn qua bên kia hồ trên bục câu có người vừa bắt được cá. Ánh sáng đầu ngày qua làn sương sớm con cá quẫy mạnh trên nước như mặt gương tung tóe ánh bạc trong trí tôi một buổi sáng mù xa bốn mươi năm trước. Trôi đi ảo não trong tâm tưởng tôi có tiếng hát mơ hồ xa diệu vợi. Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới... Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói... Bây giờ anh vui, hai bàn chân mỏi... Thời gian nơi đây... 
 Thời gian nơi đây ở thành phố Đà Lạt có những buổi sáng sương mù tôi thức dậy thật sớm đạp chiếc xe cọc cạch đến hồ Than Thở cũng chỉ để tìm một chỗ câu tốt. Trong ký ức tôi những ngày rất xa xưa ấy thành phố lúc nào cũng như ướp hơi sương và như ướp cả những bản nhạc tình hồi đó còn chưa đọng mùi chiến tranh của người nhạc sĩ họ Trịnh. Trong khung cảnh êm đềm ấy tôi đi câu và mê câu từ đó. Tôi đã bắt được con cá to đầu tiên trong đời ở hồ Than Thở. Thật ra, tôi đã câu được con cá đó hay chính con cá đó đã câu tôi? Bởi vì trong suốt bốn mươi năm tôi không giằng thoát ra khỏi lưỡi câu khắc nghiệt của nó.
Năm ấy con hồ này hấp dẫn nhiều tay câu của thành phố vì được chọn làm thí điểm nuôi cá phi, một loại cá giống cá chép, thịt ăn rất ngon. Suốt một mùa hè năm ấy ngày nào tôi cũng phải có mặt ở hồ vào lúc tờ mờ sáng để giành giựt một cái giàn câu dựng trên mặt nước. Giàn là một tấm ván nhỏ chỉ đủ rộng cho một người đứng câu thoải mái. Cả một cái hồ rộng chỉ có khoảng mười cái giàn như thế mà dân ghiền câu ai cũng muốn chiếm hữu. 
Tôi đứng đó, trên ván gỗ, lạnh run. Điếu thuốc lá đầu ngày không đủ làm tôi ấm. Ruby ba đồng bốn điếu tôi mua ở khu Chi Lăng. Tôi không đủ tiền để mua hơn. Mình phải rất tần tiện, còn lại có ba điếu cho cả một ngày dài. Tôi quẳng giây câu xuống hồ. Chiếc phao tõm xuống nước rồi trồi lên nhấp nhô cái đầu phao tí hon màu đỏ tươi. Cái phao tôi mới mua hôm trước ở tiệm tạp hóa Vĩnh Chấn đầu giốc đường Minh Mạng. Trước đó tôi dùng phao tôi chế lấy bằng cọng chổi, phao chỉ nổi lúc đầu, khi thấm nước nó tự động chìm xuống từ từ rất là vô duyên. 
Lát sau có một ông già mà tôi gọi là “ông già nón lá” bì bõm lội nước trèo lên cái giàn gỗ cách tôi chừng chục thước. Đứng trên bục ván ông ta nhìn tôi tức tối. Chả là hôm nay tôi cố tình đi thật sớm để chiếm cái bục câu của ông ta, một chỗ câu tôi nghĩ là rất tốt, vì từ lúc bắt đầu đi câu đến giờ đã hai tuần lễ tôi chả bắt được một con cá to nào trông ra hồn, trong khi ở cái giàn câu tôi đang đứng hiện giờ ông già kia bắt được rất nhiều cá to.
Tin tưởng lần này tìm được chỗ tốt tôi chăm chú câu. Trong lúc mắt tôi hàng giờ không rời cái đầu phao đỏ lúc ẩn lúc hiện trên làn nước thì tâm trí tôi lại như trôi đi trong làn ánh sáng lăn tăn của buổi sớm mai bên phía bờ kia của hồ Than Thở. Tôi thấy tôi mười năm về trước chạy lăng xăng trên sườn đồi thông bên kia, súng cao-xu cầm tay, ngước nhìn ngọn cây tìm kiếm những con chim kêu tao tác trong rừng, tôi nhìn thấy chị tôi mặc chiếc áo len đỏ đứng trên sườn đồi lộng gió, tôi nghe thấy có tiếng quẫy trên nước của con cá dính lưỡi câu ở đâu đây, tôi nhìn thấy tôi trở về chỗ ba cha con tôi picnic trên đồi mang theo một con chim bị bắn chết khoe trước mặt cha tôi thì ông đang ngả người hút thuốc, lưng dựa vào một gốc thông, những vệt ánh sáng yếu ớt lọt qua lá thông chạy lòa xòa trên mặt cha tôi.
“Cậu còn thuốc lá cho già này xin điếu?”
Ông già nón lá nói vọng sang từ bục câu bên kia. Một nụ cười rất tươi nở trên khuôn mặt nhăn nhó thường ngày rất khó chịu của ông ta. 
“Chả nói giấu gì cậu hôm nay tôi để quên gói thuốc ở nhà. Lúc nẫy thấy cậu hút thuốc mà tôi thèm quá. Trời lạnh này giá có một điếu...”
“Cháu không có nhiều nhưng cũng xin biếu bác một hai điếu.”
Ông già lập cập lội qua chỗ tôi. Trên bục ván ông đứng có một con cá nằm thoi thóp ông ta bắt được lúc nào tôi không hay. Ông già châm điếu thuốc, thở khói, rồi ông ta lục trong túi lấy ra một bịch cơm nắm thật to, gỡ lần vải ông véo hai ba cục cơm to bằng nắm tay vứt ra xung quanh cái bục câu của tôi. Xong xuôi ông dí nắm cơm vào mũi tôi nói:
“Thơm lắm! Cơm giã với thính, cá thích lắm! Cá dưới đáy hồ ngửi thấy mùi thính ủi vào cục cơm. Cơm bể là có bọt khí nổi lên. Cậu phải nhìn mặt nước thật kỹ. Khi nào thấy bọt là cứ thả cần đúng chỗ đó.”
Nói xong ông già bì bõm lội về chỗ cũ, mang theo trong túi điếu thuốc lá Ruby. Tôi chỉ còn đúng một điếu. Trưa hôm đó tôi hút điếu thuốc còn lại, ngon không tả, để tự thưởng cho mình câu được một con cá phi thật to đầu tiên trong đời.
“Any luck?” (Gặp may chưa?)
Một ánh đèn pin chiếu về phía tôi. Không thấy mặt nhưng tôi nhận ra ngay giọng nói của Howard. Tôi đáp:
“I just got here. Not even started yet!” (Mới đến, chưa động đến cầu câu!)
Hắn lẳng lặng đặt ba-lô xuống rồi chiếm một tảng đá bên cạnh tôi. Tôi nhìn hai bên. Lúc này dân câu đã đứng chật khúc sông. Ánh đèn măng-xông sáng lên chung quanh. Tôi gỡ cần câu sửa soạn ra quân rồi quay qua Howard tôi hỏi hắn:
“Have you seen Ben?” (Mày thấy thằng Ben đâu không?)
“Yep. He’s up there!” (Có. Nó câu ở trển!)
“And Tony?” (Còn Tony?)
Howard nhìn tôi, mỉm cười, nói:
“Today Sunday, remember?” (Hôm nay Chủ Nhật. Mày quên rồi à?)
Tôi cũng mỉm cười. Tony là một đứa rất ngoan đạo. Chủ Nhật nào nó cũng ở nhà đưa vợ con đi lễ nhà thờ khiến thằng Ben một bữa nổi nóng vì không được chở đi câu vào một ngày Chủ Nhật câu tốt lý tưởng. Một bữa trong cuộc tranh luận về tôn giáo giữa bốn đứa bạn câu chúng tôi, Ben đã tuyên bố một câu xanh rờn: “I would rather go fishing thinking about God than go to church thinking about fishing” (Tao thà là đi câu để suy nghiệm về Chúa còn hơn là ngồi trong nhà thờ mà đầu óc cứ tơ tưởng chuyện đi câu).
Trời còn tối. Tôi không nhìn được sức nước chẩy của khúc sông trước mặt nhưng tôi bắt đầu thăm dò bằng hòn chì nặng 1 ounce. Tôi dí sát lưỡi câu vào ánh đèn pin trước khi ném hòn chì về phía trước. Lưỡi câu cột một hạt nổi có sơn chất lân tinh. Hạt nổi vạch trong đêm đen một vệt sáng hình vòng cung rồi chìm xuống ở lòng sông. Dưới đáy, dọc theo chiều dài của Suối Biếc, hàng trăm những hạt nổi như thế múa sáng như hàng trăm con đom đóm lập lòe, những đóm sáng chờn vờn trôi đi trước cửa miệng và khiêu khích những chú cá steelhead. Rồi chỉ một phút tức mình không chịu được, chú cá phóng mình đớp lấy hột sáng. Nhưng ngay khi chú nhận ra là hột sáng còn có dính lưỡi câu, con cá tinh khôn ấy cảm thấy ngay có cái gì không ổn và nó nhả mồi ra kịp thời; trừ khi nó gặp một tay câu cừ khôi, cũng cảm thấy ở đầu giây câu có cái gì không ổn, giật mạnh đúng lúc, móc lưỡi câu vào mép cá. Đó là tất cả bí quyết đã nâng cái thú câu cá steelhead lên hàng nghệ thuật. Tôi đã mất cả mười năm trời để chỉ có được một cảm giác mơ hồ khi nào cá steelhead cắn câu, một loài cá có lối chiến đấu dũng mãnh khi bị mắc lưỡi, không hổ danh là “cá đầu thép”, nhưng đồng thời cũng là một loại cá thận trọng và tinh khôn, có một lối đớp mồi rất dịu dàng.
Năm đầu đi câu ở Suối Biếc tôi không bắt được con cá steelhead nào. Mỗi lần đi là mỗi lần về tay không. Cho đến một ngày tôi gặp Ben. Truyền kinh nghiệm cho tôi, hắn nói: “Seldom do you feel the steelhead’s bite, you just sense it!” (Khó mà cảm giác được khi nào cá steelhead cắn. Chỉ linh cảm thôi). Để có được cái “sense” ấy phải cần nhiều thời gian và kinh nghiệm. Steelhead là loại cá thận trọng và kiên nhẫn. Mình phải kiên nhẫn hơn nó. Đó là bài học quan trọng nhất mà hắn dậy tôi. 
Tôi thu giây về thay hòn chì 1 ounce rưỡi vì nước chỗ này chảy xiết hơn thường lệ. Trong đêm đen, truyền qua sợi cước, tôi cảm thấy hòn chì khuơ điệu luân vũ nhẩy nhót trên những hòn đá sỏi dưới đáy sông sâu. Bằng cách này tôi đã “sờ” vào đáy của khúc sông ấy. Như một bác sĩ áp ống nghe vào ngực bệnh nhân, trong mấy chục năm nay tôi mò mẫm tiếp cảm cái thế giới vô hình của đáy sông, của lòng biển; nơi đó, tựa bờ bên kia của đời sống, luôn luôn là một thế giới tối đen, sâu thẳm, bí mật, ám ảnh và quyến rũ. Chính nó mới đích thực làm nên cái đam mê không rời của tôi. 
“FISH  ON!” (Cá mắc câu!)
Tiếng la to trong đêm. Âm vang “... o...o... O . .. ON!” kéo dài theo vách đá dọc theo hơi thở hàng người đứng câu, lan ra sông, dội trên nước, vọng qua bờ Cowlitz.
Đám người nhốn nháo! Lại một tiếng thứ hai “FISH ON!” vang dậy ở đầu kia. Màn đêm như vừa bừng sáng. Suối Biếc thức dậy! Cuộc chiến bắt đầu!
Theo luật chơi, người có cá mắc lưỡi phải hô thật to “Fish on!”  để tất cả những người khác ở gần hai bên tức tốc cuốn ngay giây câu về. Nếu không tất cả những giây câu sẽ bị rối loạn vào nhau và người được cá sẽ mất cá. Tiếng hô phát ra ở phía thượng nguồn của suối, tức là phía xưởng ươm cá, cách chỗ tôi đứng khá xa, nên Howard và tôi vẫn tiếp tục câu.
Lát sau lại có tiếng la vang dội, báo hiệu con cá cắn câu đang lội ngược dòng:
“Fish coming up!”
Lát sau nữa, cá lại đổi chiều lội xuôi dòng:
“Fish coming down!”
Tiếng hô báo cho biết con cá bị mắc lưỡi đang tiến về phía chúng tôi. Tôi và những người chung quanh bắt đầu cuốn giây câu. Con cá này chắc lớn. Nó cứ phăng phăng kéo dây tuôn trên lõi của máy khiến người câu, vì sợ giây đứt, cứ phải lội theo cá. Bên trái tôi hàng chục tay câu lùi phía sau, nhường chỗ cho người có cá lội dần về phía tôi. Trước mặt tôi là cửa con lạch nối ra sông to Cowlitz. Nếu để cá thoát ra sông, nước xiết sẽ trôi phăng con cá đi, giây cước sẽ đứt! Biết được điều ấy người câu đứng dừng lại. Hắn bắt đầu nâng cần cong vòng về phía sau và xiết chặt giây câu lại. Bỗng cần câu bật thẳng lên. Hắn dậm chân, buông một câu chửi thề, cũng to như tiếng hô “fish on!” của hắn:
“Damn it!”
Tôi nhìn cái dáng cao lớn của hắn thất thểu đi về chỗ cũ. Cũng như hắn tôi đã nhiều lần thốt ra câu chửi thề ấy. Mất cá sau khi đánh nhau dữ dội với cá là cả một kinh nghiệm não nề. Tôi nhớ một lần, cách đấy vài năm, vào một buổi trưa mùa hè, tại Salmon Beach (Bãi Cá Hồi), tôi đã chiến đấu bền bỉ và dũng mãnh với một con cá salmon (tức cá hồi, một loại cá sống nước mặn có hình thù giống cá steelhead nhưng to và khỏe hơn) trong một thời gian rất lâu để rồi cuối cùng, mệt nhoài và kinh hoảng, tôi đã đánh mất nó. Nhưng tôi nhớ mãi ngày hôm ấy không phải vì tiếc đã để xổng một con cá thật to mà vì con cá đã kéo tôi lạc vào một vùng đất cấm. Những gì tôi chứng kiến hôm đó đã ám ảnh tôi nhiều đêm trong những giấc ngủ nặng nề. 
Salmon Beach là một bãi cát mảnh và dài, nằm dưới chân cầu Narrow Bridge vắt qua vịnh Puget Sound, một cây cầu treo dài và cao nổi tiếng của thành phố Tacoma. Bãi cát nằm dưới chân một bờ vực sâu thăm thẳm. Song song với bãi cát, nắm ép vào chân vực, là con đường tàu hỏa chạy xuyên suốt chiều dọc của nước Mỹ men theo bờ Thái Bình Dương. Đứng ở trên cầu Narrow nhìn xuống chân cầu, những toa xe lửa nhỏ như những hộp diêm, chạy quanh co nép vào chân vực dọc theo bờ cát hẹp. Ở bãi cát đó, Bãi Cá Hồi, tôi đã nhiều lần đứng câu. Những toa xe lửa đồ sộ thường chạy qua rầm rầm rung chuyển sau lưng tôi. Tôi thường nhìn lên cây cầu Narrow cao tít trên kia, trên đó như lẫn trong mây, những chiếc xe hơi nhỏ như một đàn kiến di chuyển hầu như bất động trên cầu, ánh mặt trời phản chiếu trên kính xe lóe những chấm sáng li ti.
Trưa hôm đó trời trong và nóng. Tôi câu một mình ở Bãi Cá Hồi. Vùng vịnh này nổi tiếng là chỗ câu cá salmon tốt, đăc biệt là loại cá hồi lớn còn gọi là King (Cá Vua). Dân câu thường dùng thuyền máy để câu, ngay chỗ chân cầu Narrow, chứ ít ai mạo hiểm câu ở Bãi Cá Hồi vì ngán con dốc cheo leo từ bãi đậu xe xuống đó. Nhưng chính vì thế mà tôi thích câu ở đây.  Khung cảnh nơi này lúc nào cũng tạo nên cho tôi một cảm giác rờn rợn trước ý thức sâu thẳm về sự bé nhỏ của con người đối diện cái hùng vĩ của thiên nhiên.
Hai giờ đồng hồ đứng câu không xẩy ra một động tĩnh gì khiến tôi nản chí. Đã thế tôi lại mất quá nhiều chì chài vì lưỡi câu rất dễ bị mắc kẹt vào kẽ đá ở đáy vịnh. Đúng vào lúc tôi toan trở về nhà thì có cá dùng dằng ở đầu giây. Thoạt đầu tôi nghĩ lại một lưỡi câu nữa bị vướng đá. Tôi toan giựt mạnh cho đứt giây thì tôi bỗng có cảm giác như ở đầu giây khối đá từ từ chuyển động. Linh tính cho biết khối đá chính là một con cá salmon “King” cực lớn, chuyên ăn mồi ở đáy. Tôi biết ngay là với sợi giây cước chỉ có sức chịu đựng tối đa 12 cân anh, tôi không thể cưỡng nổi một con cá mà trọng lượng có thể lớn gấp ba lần. Cách duy nhất để khỏi bị đứt giây là tôi phải vừa chiến đấu để làm cá mệt vừa phải nhượng bộ nó bằng cách từ từ lội theo cá. Tôi nâng cần lên cao để giữ cho giây câu lúc nào cũng thật căng rồi vừa lội nước vừa  trèo qua những hòn đá lớn nhỏ dọc theo vách đá, dọc theo con đường xe hỏa. Giơ hai tay đưa cần lên cao vừa mò mẫm trèo qua những tảng đá trơn trượt là một công việc cực nhọc và nguy hiểm. Nhưng cơn say đấu với cá làm tôi quên mệt. Tôi lội không biết bao xa và cũng không biết là trong bao lâu, với hy vọng là con cá sẽ mệt và đầu hàng trước khi tôi chịu thua nó. Thời gian trôi qua tưởng như bất tận. Tôi đã lả người mà con cá vẫn cứ kéo đi phăng phăng. Trời lại nóng. Người tôi ướt đẫm mồ hôi. Tôi đã vượt qua bờ bên kia của nhiều vách khuất đến những nơi mà tôi chưa bao giờ từng nhìn thấy.
Qua một khúc quành, sau một vách đá dựng đứng, một bãi cát bỗng mở rộng trước mắt tôi, bãi cát ăn sâu lõm vào đá trông như cửa một cái động. Trên đầu tôi một cây cầu sắt bắc ngang hai vách đá. Ánh sáng từ trên cao rọi xuống soi những phiến đá to nằm trên cát trắng. Trên những phiến đá đó, trên bãi cát, nhễ nhại mấy chục thân người trần truồng như nhộng. Từng cặp từng cặp đứng, nằm, ngồi, ôm ấp, quấn quýt.  Hình như tất cả những con mắt đều hướng cả về tôi. Cùng lúc đó ở đầu giây con cá King xuất hiện. Nó, một con cá cực lớn, như một ngư nhân chồi khỏi mặt nước, phóng mình lên cao. Tu tu... Tu tu... Trên đầu tôi tưởng như có đoàn tầu hỏa rầm rộ qua cầu.
“Fish on!”
Tiếng hô của Howard cùng với bàn tay hắn đập mạnh vào vai tôi làm tôi choàng tỉnh hốt hoảng giựt mạnh cần câu. Ở đầu giây có cá cưỡng lại. Tôi bật hô lớn:
“FISH ON!”
Trong lúc tôi mơ màng không chú ý, Howard đã trông thấy ở đầu cần câu của tôi một mấp máy bất thường và với cặp mắt kinh nghiệm hắn biết ngay có cá cắn và hô to để tôi giật cá. Khi cá vừa cưỡng lại ơ đầu kia thì một cảm giác rung lên truyền dọc theo giây cước dội vào lồng ngực khiến trái tim tôi như muốn nổ tung. Thình thịch. Thình thịch. Tim tôi đập hỗn loạn. Con cá vừa bị mắc lưỡi đã tung mình theo dòng chẩy xiết của sông Cowlitz, kéo giây câu tuôn khỏi lõi máy. Chả mấy lúc cá sẽ tuôn hết giây ở lõi và khi hết giây là giây đứt. Điều này hầu như chắc chắn sẽ xẩy ra. Trừ khi tôi có thể làm cho cá quay đầu lội ngược vào trong Suối Biếc. Tôi dí đầu cần chúi sát xuống mặt nước đồng thời tôi xiết bộ phận của máy không cho giây tuôn. Một là giây đứt. Hai là cá quay đầu. Tôi không có lựa chọn nào khác. Phật một cái! Giây đang căng bỗng chùng xuống như thể bị đứt. Tôi tính buông một câu chửi thề thì sực nhớ ra. Nếu cá quay đầu đâm ngược về phía người câu thì cũng tạo nên giây chùng, cũng tạo nên cảm tưởng như giây bị đứt. Phải giữ giây thật căng! Lóe lên trong óc tôi bài học câu căn bản. Giây càng căng thì lưỡi câu càng gắn chặt vào mép cá, dây chùng rất dễ bị tuột lưỡi. Để cho giây căng, tôi phải tức tốc quay thật nhanh để thu giây về lõi. Tốc độ thu hồi phải nhanh hơn tốc độ bơi của cá! Quay tới tấp được khoảng chục vòng thì ở đầu giây kia có cái gì làm cho khựng lại. Tôi cảm thấy con cá vẫn còn nặng trịch ở đầu giây.
Vụt một cái! Ngay trước mặt tôi khoảng ba thước con steelhead phóng từ dưới sông lên cao khỏi mặt nước.
Vụt một cái! Óc tôi lóe hình ảnh con cá “King” thuở nào ở Bãi Cá Hồi, con cá cực to như một ngư nhân chồi khỏi mặt nước. Tu tu... Tu tu... Tiếng còi xe hỏa ngân lên như một tràng cười rũ rượi vang dọc vách đá. Như bị thôi miên tôi nhìn trừng trừng vào đám người trần truồng trên những phiến đá kia. Đám thịt người bị con cá King thức tỉnh! Những con bọ khổng lồ quấn quýt nhau trên đá, trên cát, bỗng cựa mình quay đầu hướng nhìn con cá quẫy mạnh trong không trung. Những con mắt của họ trông ghê ghê dại dại làm sao! Rồi đồng loạt cả trăm con mắt quay lại nhìn tôi chằm chằm. Những con mắt xanh veo! Lạnh lẽo... Vô hồn... Những con mắt của giống đực!
Con cá King đã lôi tôi vào vùng cấm kỵ, vào khu vực bí mật của những người đồng tính luyến ái, vào thế giới tình yêu của “ghê” (gay)!
Kinh hoảng chạy dọc sống lưng, tôi lùi lại. Những con mắt “ghê” gắn vào tôi làm tôi tê dại. Trong ánh phát ra lạnh lẽo từ những hòn bi ve thủy tinh có lẫn những tia giễu cợt, đe dọa.  Cùng lúc tôi nghe tiếng còi tàu hụ lên. Từ một hóc tối đen ngòm khoét sâu trên cao vách đá chiếc đầu tàu xe hỏa đồ sộ phóng ra rầm rộ qua cầu, những bánh xe nặng nề nghiến trên đường sắt, cây cầu rung lên bần bật, dưới chân mặt đất rung chuyển. Tôi lùi lại, lùi lại... Tôi vấp phải hòn đá, ngã khuỵu xuống bãi cát... Tu tu... Tu tu... Ở đầu cần sợi giây câu lỏng le. Con cá tuột mất khỏi lưỡi câu lúc nào tôi không hay. Tôi quay đầu ù té chạy tay vung cần câu, kéo theo sợi giây cước dài lòng thòng trên cát. Đằng sau tôi những con mắt ghê như đeo cứng vào lưng. Tôi trèo lên, nhẩy xuống, vấp ngã, gượng dậy, trên những tảng đá lớn nhỏ lổn ngổn dọc theo bãi bờ hoang vắng... Nửa giờ sau ngồi trên xe ở bãi đậu đầu cầu Narrow quả tim tôi vẫn còn đập mạnh. Trong cơn hốt hoảng tôi đã bỏ quên trên bãi cát hộp đồ câu của tôi nhưng tôi không nghĩ đến chuyện trở lại lấy. Cái cảnh những con đực trịn rịn vần nhau trên bãi Salmon Beach còn in rõ trong óc, mới đó mà như đã bị đẩy lùi vào trong quá vãng, trong hư ảo, trong hoang tưởng. Hình ảnh như từ một giấc viễn mơ chui ra, trong đó những tấm thân nhễ nhại dưới nắng kia biến thành những ngư nhân tắm ánh bạc trong thần thoại, những con đực hóa thân từ loài cá chồi lên cạn làm tình tập thể giữa thiên nhiên hoang dại.
Con cá King mà tôi để xổng đã kéo tôi lạc vào thế giới man dại của tình yêu trong vùng đất cấm khuất nẻo, nằm nấp sau một vách tường đá sừng sững, tuy không có bảng treo “No Trespassing,” nhưng thiên nhiên tự nó đã là một tấm bảng “Cấm Vượt” vĩ đại rồi.
Dưới ánh đèn măng-xông thân con cá steelhead loáng ánh bạc, cái đầu cá lắc lư vùng vẫy trong không trung như cố lắc lưỡi câu khỏi miệng. Rồi nó rơi tõm xuống tung tóe mặt nước. Tôi quyết lần này không để xổng nó như tôi đã để mất con cá King mấy năm trước. Đúng như ý muốn của tôi, con steelhead bắt đầu chui vào Suối Biếc. Tôi la lớn:
“Fish coming up!”
Con cá đâm đầu xuyên vào giữa đám giây câu. Mọi người nhốn nháo thu vội giâu câu về, nhưng không kịp. Howard buông cần câu của hắn, xách một cái vợt to lội xuống suối. Thân hình hộ pháp, vừa đi hắn vừa la lối om sòm để dọn đường cho tôi đi theo.
“Fish coming up!” Vừa lội phía trước Howard vừa la to.
Bỗng tôi có cảm giác như con cá ở đầu giây bị kéo giật ở hai phía. Tôi biết là có giây câu của người khác cuốn vào con cá của tôi. Một tay câu còn trẻ đang hí hoáy gỡ giây vướng vào giây của tôi, nó gỡ mãi không xong. Howard nổi nóng. Hắn ra lệnh cho anh chàng kia cắt đứt sợi giây cước của nó.
“Cut the line! Damn it!”. Hắn la to.
Bứt được sợi giây kia con cá lại phăng phăng chạy ngược lên nguồn. Hai đứa tôi lội ngược dòng. Tôi biết là tôi phải hạ thủ con cá này thật nhanh. Tôi không thể “chơi” với con cá này lâu như kiểu tôi vần con cá salmon ở Bãi Cá Hồi vì ở đây hàng chục tay câu phải cuốn giây đứng chờ cho đến khi tôi bắt được cá. Đứng yên một chỗ tôi đưa ngược cần cong về phía sau, tôi vụt hạ cần xuống thật thấp rồi quay vội vài vòng, kéo dần con cá về. Mỗi lần kéo tôi thấy sức kháng của cá yếu dần. Sau cùng tôi đưa được cá gần bờ. Howard lội xuống  suối, giơ vợt đón đầu con cá. Nhưng vừa nhìn thấy vợt con cá hoảng sợ quẫy mạnh thu tàn lực kéo tuôn giây câu. Đây là lúc dễ bị xổng cá nhất. Khôn ngoan Howard dấu cái vợt sau lưng hắn. Khi cá đến gần hắn đưa vợt ra thật nhanh xúc con cá lên. Trong lòng vợt là một chú cá steelhead lớn nặng khoảng 15 cân anh. Con cá nằm im thở dốc, hai mang phập phồng. Ở bên mép còn dính một chùm len màu đỏ cam. Chùm len tôi gắn vào lưỡi câu để nó phẩy te tua trong làn nước trông y như một con bọ hấp dẫn cá. Tôi vỗ vai cám ơn Howard. Không có nó giúp chưa chắc gì tôi đã mang nổi được con cá này lên bờ. Xách cá lên vai, tôi cùng Howard trở lại chỗ câu.
Trời phía sông hừng lên sáng nhưng lớp sương mù vẫn còn dầy đặc. Suối Biếc sau cơn sốt lại trở về với cái yên tĩnh mênh mang của núi rừng. Kinh nghiệm câu cho tôi biết cá thường cắn dội lên trong khoảng nửa tiếng đồng hồ. Sau đó là yên lặng, cho đến vài giờ sau, có khi cả nửa ngày sau mới lại nghe tiếng “Fish on!”.
Trong tĩnh lặng tôi ngỡ như có tiếng hát bay trong không gian nhưng tôi nghĩ tiếng hát không thể nào có thực. Nó chỉ có thể ở trong trí tưởng tôi. Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa.. Dù không thấy được phía bên kia nhưng cảnh trí bên kia bờ rất quen thuộc. Bên đó là vòng cung uốn khúc của dòng Cowlitz có bãi cát lài xuống. Phía sau là rừng thưa. Tôi đã nhìn thấy rừng cây chuyển lá bốn mùa. Em đứng lên mùa thu tàn tạ... Hàng cây khô cành bơ vơ... Hàng cây đưa em đi về giọt nắng nhấp nhô... Bên kia bao giờ cũng là một bờ vắng lặng. Những dân câu đứng chen chúc bên này đều mơ ước có một chỗ đứng câu ở bên đó nhưng chỉ mơ thôi. Bờ bên kia là đất tư, thuộc sở hữu của chủ nhân những ngôi nhà nằm khuất sau rừng. Người câu cá duy nhất mà chúng tôi thỉnh thoảng nhìn thấy là một ông già sống một mình với một con chó ở trong căn nhà có bánh xe (trailer) đậu phía bên này của khu rừng thưa. Ông câu rất ơ thờ. Thường ông ngồi ngủ gục trên ghế xếp trước cái cần câu cắm bất động ở một chỗ. Mỗi lần đi câu tôi thường thấy ông ta dẫn chó đi dọc tới lui bên kia bờ. Chỉ có một lần duy nhất tôi thấy ông bắt được cá. Khi ông kéo con cá lên bờ, con chó bị khích động mạnh, nó sủa nhắng lên vừa sủa vừa nhẩy chồm chồm vòng tròn quanh con cá. Nhưng đó là nhiều năm về trước. Gần đây tôi ít thấy ông xuất hiện. Có thể là bây giờ ông đã già yếu. Lần cuối tôi thấy ông là đầu mùa hè. Bây giờ đã sáu tháng qua. Không biết ông còn sống thêm được một mùa đông lạnh giá.
Có tiếng chim kêu quác quác trên bàu trời. Tôi ngửng lên nhìn hai con ngỗng trời bay lả trên cao, bốn chiếc cánh rộng đập êm ả lấp lánh ánh nắng mai. Khi tôi nhìn xuống thì sương mù đã tan. Hình ảnh ông già và con chó trong tôi biến mất. Bên kia bờ có bóng hai người thấp bé. Người đàn ông tay xách con cá lấp loáng ánh bạc. Bên cạnh ông ta là một đứa bé tay nhấc lên một cái hộp đen. Hai người đi về phía cửa rừng. Tôi nghe có tiếng hát vọng sang rồi vụt tắt. Tiếng hát như cánh tay vươn của Trịnh Công Sơn dài qua bên này sông.
... mưa bay trên tầng tháp cổ... Dài tay em mấy 
Hai bố con bước trên sỏi đi về phía bờ rừng thưa. Ở cạnh một căn nhà trên bánh xe (trailer) có một lối mòn đi vào rừng. Người đàn ông ngước lên nhìn tấm bảng gỗ đóng trên thân cây ở đầu lối mòn. Rồi hai người biến mất vào đó. Trên tấm bảng gỗ có sơn một hàng chữ đỏ. Có thể người đàn ông không hiểu tiếng Anh. Cũng có thể là ông ta hiểu nhưng cứ làm như không hiểu. Tấm bảng đề: “Private Property. No Trespassing” (Đất tư. Cấm vượt). 

Nguyn Tưng Thiết