Với niên trưởng

Giới thiệu cuốn
“Thiên Chức của Nhà Giáo”
của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh


Trong cương vị một khoa học gia lỗi lạc và một nhà văn có tài, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã trước thuật và sáng tác rất nhiều. Theo một bản lược kê lập năm 2012, giáo sư đã viết 5 quyển sách về văn chương (trong đó có một quyển được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc Việt Nam Cộng Hòa năm tác giả 28 tuổi), 3 quyển sách về khoa học không gian được lưu trữ tại hơn 200 thư viện Đại học trên toàn thế giới, và vào khoảng 100 tiểu luận mang tính cách thâm cứu về toán học và quỹ đạo tối ưu. Ở tuổi ngoài 80, giáo sư gửi đến chúng ta thêm một tác phẩm nữa, với tựa đề “Thiên Chức của Nhà Giáo.”

Trong bài viết mang nhan đề “Những trăn trở của nhà giáo dục,” in trong cuốn “Từ Chiến Sĩ đến Khoa Học Gia” (Hoa Kỳ : Văn Đàn Đồng Tâm, 2008), nhà văn Tạ Xuân Thạc đã cho biết trong những chuyến đi tiếp xúc với giới trẻ ở khắp năm châu, khi được hỏi trong quãng đời làm công tác khoa học và sáng tác, công việc nào làm ông thích thú nhất, Giáo sư Vinh đã trả lời như sau:
“Trong dòng họ tôi, nguyên quán ở Nam Định, có rất ít người ra làm quan, dù rằng theo gia phả trong các tổ tiên đã có những người đỗ đại khoa, nhưng có xuất chính rồi ít lâu cũng cáo quan về nhà dạy học. Cũng vì vậy mà từ khi ra trường tôi đã đi theo những bước chân của các bậc tiền nhân mà chọn con đường giáo dục. Trải hương thơm theo gió, tôi muốn hoàn trả lại bốn phương những gì tôi đã thu lượm được trong cuộc đời tầm học, và như thế dạy học và viết những tài liệu khảo cứu là con đường hữu hiệu nhất để thực hiện điều này.”

Được coi là một nhân vật của khoa học ở tầm mức quốc tế, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã thành công rực rỡ trong nhiệm vụ “hoàn trả lại bốn phương những gì thu lượm được trong cuộc đời tầm học.” Giáo sư Daniel J. Scheeres, người có danh hiệu được đặt cho một hành tinh nhỏ năm 1999, được phong hàm “Distinguished Professor” tại University of Colorado năm 2014, khi liệt kê quá trình học vấn trong bản tiểu sử trên trang mạng của Đại học Colorado, đã hãnh diện ghi luận án Ph.D. của ông do Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh làm Chủ tịch (Chairman) Hội đồng duyệt xét luận án:
Tiến sĩ Trình Bang Đạt, sau được thăng cấp Trung tướng Không quân của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan, học Giáo sư Vinh nhiều lớp trong thời gian theo học tại University of Michigan. Khi về thăm trường cũ, đã đến thăm Giáo sư Vinh tại nhà riêng. Tuy giữ địa vị trọng yếu, vẫn một niềm lễ phép theo lề lối Á Đông. Khi được giao phụ trách một chương trình chế tạo tại Đài Loan một loại phi cơ phản lực khu trục tương đương với F-16 của Không quân Hoa Kỳ, Tiến sĩ Trình Bang Đạt đã mời Giáo sư Vinh đóng góp vào chương trình, rồi trân trọng tặng thầy cũ một tấm bảng ghi công.

Giáo sư Robert D. Culp, Professor Emeritus của University of Colorado từ năm 2010, cũng từng được Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh hướng dẫn làm khảo cứu về phương pháp chuyển quỹ đạo khi Giáo sư Vinh dạy ở Đại học Colorado. Trong sưu tập ảnh kỷ niệm tại AAS/AIAA Astrodynamics Specialist Conference ở Girdwood, Alaska năm 1999, có một tấm đáng được ghi là “Bốn thế hệ khoa học gia không gian”: Giáo sư Vinh chụp hình chung với Tiến sĩ Jennie R. Johannesen và Giáo sư James M. Longuski, hai cựu sinh viên Tiến sĩ của ông, đều đã thành những khoa học gia không gian trọng yếu. Trong hình, đứng sau Giáo sư Longuski là Giáo sư Jordi Puig-Suari, cựu sinh viên Tiến sĩ của Giáo sư Longuski, rồi đến anh Brian Biswell, sinh viên Tiến sĩ của Giáo sư Puig-Suari. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh quả đã thành công trong cương vị một nhà giáo lỗi lạc, có sinh viên thành đạt ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo những người có hoàn cảnh tiếp xúc, Giáo sư Vinh luôn luôn thao thiết nghĩ đến đất nước và dân tộc Việt Nam. Trong cuốn “Kỷ niệm về Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh” xuất bản năm 2008, Luật sư/Tiến sĩ Lâm Lễ Trinh cho biết:
“Anh Vinh đã tâm tình với tôi rằng bằng đủ mọi cách phải xây dựng và bảo vệ giới trẻ Việt Nam, vì giới trẻ là nhịp cầu cần thiết giữa Dĩ vãng và Tương lai, là động cơ phát triển chính yếu, và sẽ thật sự đổi mới Đất nước… Từ Hoa Thịnh Đốn cho đến Miami, Montréal, San Diego, và Seattle, anh không ngớt nhắc nhở các người trẻ, ‘Thành công không nằm ở việc đỗ đạt, có bằng cấp cao, có địa vị lớn trong xã hội, mà còn ở chỗ có một tấm lòng, một tâm hồn đẹp, biết làm tròn phận sự cho hướng đi hay mục tiêu của mình,’ và nhắc nhở, cổ võ mọi người đừng bao giờ quên bản sắc của mình là người Việt Nam.”

Trong thời gian dạy ở University of Michigan, Giáo sư Vinh đã tích cực vận động và tận lực hỗ trợ cho việc mở các lớp dạy tiếng Việt cho sinh viên của trường. Năm 1999, Ban Tổ chức Giải Khuyến học tại thành phố St Louis, tiểu bang Missouri, đổi tên giải thưởng hàng năm, thiết lập từ 1992, thành “Giải Khuyến học Truyền thống Nguyễn Xuân Vinh” (Nguyen Xuan Vinh Scholarship Foundation). Trong các giải thưởng được trao tặng, giải cao quý nhất dành cho học sinh nào hội đủ các yếu tố học giỏi, có tinh thần phục vụ cộng đồng, và có tinh thần Việt Nam, được mang tên “Giải Truyền thống Nguyễn Xuân Vinh.”
Trong bài “Thiên chức của nhà giáo,” Giáo sư Vinh kể lại một cách thích thú những năm dạy ở Trung học Võ Tánh, Nha Trang, các Trung học Petrus Ký và Chu Văn An Sài Gòn (tuy chỉ có 4 giờ một tuần). Giáo sư cũng cho biết trong những lần được mời đi thuyết trình ở các nơi, ông “thường dành thì giờ để qua những tổ chức cộng đồng, hầu có dịp tiếp xúc với các học sinh và sinh viên trẻ mà tôi nghĩ sẽ là những người lãnh đạo một đất nước Việt Nam tươi sáng trong tương lai.” Trong bài “Những hùng văn trong sử Việt,” giáo sư giới thiệu và nhận định về những áng văn, những bài thơ đề cao tinh thần quốc gia, dân tộc lưu lại từ ngàn xưa, cốt để phát triển niềm hãnh diện và tinh thần yêu nước của thế hệ người Việt trẻ.

Sau 10 năm phục vụ trong quân ngũ mà nhiệm vụ cuối cùng là chỉ huy một quân chủng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, sau hơn 30 năm trong ngành nghiên cứu khoa học và truyền bá kiến thức với phạm vi và ảnh hưởng ở tầm mức quốc tế, Giáo sư Vinh hướng đến giới trẻ Việt Nam khi viết “Thiên Chức của Nhà Giáo.” Điều ấy khiến chúng ta nhớ đến câu “tiến vi quan, đạt vi sư” (tiến lên làm quan, thành đạt làm thầy)*. Theo nhận xét của người viết những dòng này, câu ấy thích hợp một cách tuyệt hảo với Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh.

                                                                                   Tháng 12-2017                                                                                      Trần Huy Bích

*Câu này cũng có chỗ chép là “tiến vi quan, thoái vi sư” (tiến lên làm quan, lui về làm thầy).



Cảm nhận về

"Tuyển tập NGUYỄN THANH LIÊM"



Tình trạng giáo dục ở Việt Nam hiện nay (với kiến thức của học sinh, sinh viên tốt nghiệp thấp hơn nhiều so với các nước chung quanh, kèm theo một trình độ đạo đức, luân lý ở mức độ đáng lo ngại) đã khiến nhiều bậc phụ huynh cùng nhiều thức giả lên tiếng bày tỏ mối lo âu. Ngay cả ở trong nước, nhiều lời than phiền với hàm ý luyến tiếc đã nhắc tới “giáo dục thời Việt Nam Cộng Hoà.” Nhưng Việt Nam Cộng Hòa thuộc về quá khứ đã 40 năm (1975-2015). Giáo dục thời ấy như thế nào, cách tổ chức ra sao, tôn chỉ cùng tinh thần có điểm gì đáng chú ý, ít ai còn nhớ rõ.

Nhân loại đang sống trong một thế giới với khá nhiều bất trắc. Tương lai cư dân trên địa cầu sẽ đi về đâu? Các ý niệm tự do, dân chủ phải chăng sẽ thắng thế để nhân loại cùng xây dựng những xã hội dân chủ tiến bộ, cùng sống trong hòa bình, như nhà chính trị, kinh tế học Francis Fukuyama đã phác họa trong cuốn The End of History and the Last Man xuất bản năm 1992? Hay những khác biệt về văn hóa và tôn giáo sẽ càng ngày càng trầm trọng, đưa tới những xô xát thật lớn như nhà chính trị học Samuel Huntington đã dự phóng một cách lo ngại trong cuốn The Clash of Civilizations and the Remaking of World Orderxuất bản năm 1996? Trong một thế giới đầy bất trắc như thế, tương lai đất nước và dân tộc Việt sẽ ra sao?

Sau biến cố 1975, hơn ba triệu người Việt lìa quê hương tới định cư tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới (một số lượng đáng kể ở trên 30 quốc gia). Trong tiến trình hội nhập vào những môi trường xã hội và văn hóa khác với quê hương cũ, người Việt, nhất là gia đình Việt, có những vấn đề gì? Trẻ em Việt sẽ có những khó khăn cùng tiềm năng ra sao? Đó là những câu hỏi mọi người Việt đều quan tâm.

Với một lãnh thổ dài và hẹp, ba miền của Việt Nam có nhiều nét khác nhau. Miền Nam là vùng đất tương đối mới. Văn hóa đồng bằng sông Đồng Nai - Cửu Long có những điểm gì khác miền Trung, miền Bắc? Ngay các địa phương của miền Nam cũng có những sắc thái khác nhau. Số người hiểu rõ những chỗ khác nhau ấy để có thể trình bày lại một cách vừa thấu đáo, uyên bác, vừa giản dị, dễ hiểu, không nhiều.

Với hơn 30 năm trong ngành giáo dục của miền Nam (20 năm dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa), qua các giai đoạn là học sinh, sinh viên, giáo sư, Hiệu trưởng Trung học, lãnh đạo ngành giáo dục ở trung cấp, rồi cao cấp, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã chứng nghiệm, quan sát, suy nghĩ, và đã viết rất nhiều. Những bài “Giáo dục ở Nam Việt Nam từ xưa tới hết Đệ Nhất Cộng Hòa,” “Giáo dục Việt Nam từ đầu thập niên 1970 đến tháng 4 năm 1975” cung cấp những thông tin giá trị từ một “người trong cuộc” rất có thẩm quyền. Bài “Vai trò của các trường Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Petrus Ký, Gia Long hồi tiền bán thế kỷ XX” cho ta những kiến thức vừa mang tính cách giáo dục vừa mang tính cách lịch sử. Bài “Một vài ưu tư về giáo dục ở Việt Nam” mang nặng tâm huyết của một người lúc nào cũng thiết tha với giáo dục và luôn luôn nghĩ tới quê hương.   

Những bài “Trật tự thể giới thế kỷ 21,” “Chiến lược của Hoa Kỳ,” “Trung Quốc trước khúc quanh nguy hiểm” … đưa ta tới với một thức giả đọc và suy nghĩ rất rộng. Nhà giáo dục cũng là một trí thức uyên bác, cần hiểu rõ môi trường sống cùng địa bàn sinh hoạt của mình cũng như của dân tộc mình trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Những bài “Trẻ em Việt Nam trong tiến trình xã hội hóa vào xã hội, văn hóa Mỹ” và “Vấn đề văn hóa giáo dục cho con em ở hải ngoại” được viết với kiến thức chuyên môn của một Tiến sĩ ngành Giáo dục am hiểu xã hội Hoa Kỳ, nhưng vẫn mang tâm thức một nhà văn hóa, giáo dục của dân tộc Việt Nam.   
Tác giả càng tỏ ra uyên bác khi viết về văn hóa miền Đồng Nai - Cửu Long. Từ những bài tổng quát như: “Những biến đổi trong văn hóa Việt Nam,” “Tìm hiểu văn hóa Đồng Nai - Cửu Long,” “Lối vào văn hóa Đồng Nai - Cửu Long,” “Vị trí của Đồng Nai - Cửu Long trong lục địa Đông Nam Á” cho tới những bài riêng về mỗi địa phương như lịch sử khai phá vùng Gia Định; Tây Ninh; Bà Rịa – Vũng Tàu; Định Tường - Mỹ Tho; Vĩnh Long; Rạch Giá – Hà Tiên; Cà Mau ..., tất cả đều cung cấp những kiến thức giá trị và hữu ích. Không riêng gì người Việt từ các miền Trung và Bắc, ngay cả nhiều người sinh trưởng ở miền Nam cũng sẽ thấy những công trình biên khảo ấy hấp dẫn và lý thú.   

Tác giả đã viết những bài ấy trong hơn mười năm qua, ở tuổi 70 tới 80, và chọn lọc, đưa đi in khi đã trên 80. “Văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ.” Câu chuyện văn chương, tư tưởng, vẫn là tấc lòng gửi lại muôn đời. Một nhà văn lớp trước có câu,“Hướng ngàn thuở gửi hoàng hôn tùy bút.” Được đọc trước bản thảo do vị niên trưởng khả kính trao cho, nguời viết những dòng này không tránh khỏi bâng khuâng. Sau một cuộc đời sinh động, Nguyễn Công Trứ được “cáo lão hồi hưu” ở tuổi 70, và sau khi về hưu, ông thung dung, nhàn tản với “hàn cốc, thanh sơn” trong tâm trạng:

Được mất dương dương người thái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục...

Cùng mang họ Nguyễn, cùng sinh ra ở nước Việt Nam, xét về phương diện tinh thần, Nguyễn Thanh Liêm ở tuổi trên 80 đã không được hưởng những ung dung, thanh thản của Nguyễn Công Trứ ở tuổi 70. Không ai có thể nói là Nguyễn Công Trứ không nặng lòng với quê hương, đất nước. Nhưng tại sao ông có được những năm thật sự “hưởng nhàn” so với một trí thức họ Nguyễn khác ra đời sau ông 150 năm? Có lẽ đó là cũng là hoàn cảnh và nỗi niềm không của riêng Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm mà còn chung cho thế hệ chúng ta, những người Việt trưởng thành trên đất nước trong nừa sau của thế kỷ 20.
                                                                                            
                                                                                  Tháng 3-2015
                                                                                 Trần Huy Bích


Lưu Trung Khảo:
Một danh hiệu được nghe
và ghi nhớ từ tuổi 12

  
Trong cuộc đời này, có những người chúng ta nghe danh và ao ước được gặp từ rất sớm nhưng vì hoàn cảnh, mấy chục năm sau mới thực hiện được nguyện vọng của mình. Đối với tôi, một trong những người như thế là giáo sư Lưu Trung Khảo. Tôi được nghe nhiều lời ca ngợi anh từ năm 1948 khi tôi mới 12 tuổi. Tuy luôn luôn mong ước được gặp, mãi đến 1982, 34 năm hay hơn 1/3 thế kỷ sau, tôi mới có cơ duyên “diện kiến.”  
Năm 1948 tôi đúng 12 tuổi. Sau khi đậu Tiểu học tốt nghiệp tại tỉnh Hà Nam (miền Bắc Việt Nam), tôi đậu thêm kỳ thi tuyển và được nhận vào năm thứ nhất bậc Trung học tại trường Trung học Nguyễn Biểu cũng của tỉnh ấy. Đang giai đoạn kháng chiến chống Pháp, các thành phố chịu nạn “tiêu thổ” nên trường Nguyễn Biểu được  khai giảng tại Bích Trì, một thị trấn nhỏ thuộc huyện Thanh Liêm, bên bờ một dòng sông có tên là Châu giang. Các giáo sư là một số trí thức miền Bắc đang lánh cuộc chiến tranh ở đó. Hiệu trưởng là cụ Vũ Lai Chương. Trong các giáo sư, tôi còn nhớ được có các thầy Lâm Hữu Bàng, Hoàng Hữu Dũng, Lê Vĩnh Hân, Đỗ Lệ Hiền, Trần Gia Huấn, Hà Như Vinh … Sau khi đất nước chia đôi năm 1954, cụ Vũ Lai Chưong và các thầy Lâm Hữu Bàng, Lê Vĩnh Hân vào Nam. Tôi chỉ được biết thầy Trần Gia Huấn cùng gia quyến ở lại miền Bắc, nhưng không được tin về các thầy khác.
Tôi được học ở một trong hai lớp “Đệ nhất niên” (năm đầu bậc Trung học, tương đương với “Đệ Thất” hay “Lớp 6” ở miền Nam sau này). Trong hoàn cảnh chiến tranh, vừa sợ máy bay tới thả bom vừa vì thiếu phương tiện, các lớp của trường Nguyễn Biểu không tập trung tại một trường sở duy nhất mà phân tán ở nhiều địa điểm khác nhau. Chúng tôi, các học sinh của lớp nhỏ nhất, chỉ nghe mang máng rằng ngoài hai lớp “Đệ nhất niên” chúng tôi, trường còn có một lớp “Đệ nhị niên” và một lớp “Đệ tam niên” (tương đương với “Đệ Lục” và “Đệ Ngũ” của miền Nam sau này). Có một hôm chúng tôi được về sớm, trước giờ tan học của lớp “Đệ tam niên” một chút. Khi đi ngang gặp các anh ấy từ trong lớp bước ra, chúng tôi thấy ngay một cảm giác “vì nể,” vì so với bọn “thò lò mũi xanh” mới từ Tiểu học lên như chúng tôi, các anh trông có vẻ “học thức” và chững chạc hơn nhiều. Chúng tôi tự hỏi không biết đến bao giờ mới có được phong thái “học thức” và “người lớn” như các anh.
Học được ít tháng, qua các bạn và một vài giáo sư, tôi được nghe nói trên lớp “Đệ tam niên” có một anh học rất gỉỏi, tư cách mẫu mực, đứng đắn, rất được các giáo sư vị nể. Nghe nói nhiều bài luận Quốc văn của anh được đem đọc cho cả lớp nghe và được điểm rất cao. Cũng nghe nói các giáo sư nể trọng anh, không những vì học vấn, kiến thức, mà còn vì tư cách nữa. Hồi ấy, tại một thị trấn nhỏ của miền Bắc Việt Nam giữa giai đoạn chiến tranh, tôi chưa có ý niệm về một “thần tượng” như giới trẻ Tây phương, nhưng sau nhiều lần được nghe về vị đàn anh ấy, anh Lưu Trung Khảo, tôi cũng nảy sinh một cảm xúc ngưỡng mộ: “Sao lại có một người hoàn hảo, ‘lý tưởng’ đến như thế?” Danh hiệu anh cũng giúp tôi dễ nhớ. Giữa các tên quen thuộc thường được nghe bên tai lúc đó: “Trần Đình Chiến,” “Nguyễn Văn Vàng,” “Lê Xung Phong,” ba tiếng “Lưu Trung Khảo” nghe vừa tao nhã, vừa ung dung. Vì hai lớp ở hai địa điểm khác nhau và cũng vì nhút nhát, tôi không dám nghĩ đến chuyện lân la mò qua khu lớp Đệ tam niên để … tìm cách “làm quen” với anh.
Tôi chỉ được học ở Bích Trì có một niên khóa. Sang niên học thứ hai, 1949-1950, một số học sinh của trường Nguyễn Biểu, trong đó có tôi, phải di chuyển sang học ở Hòa Mạc, một làng nhỏ thuộc huyện Duy Tiên, cũng của tỉnh Hà Nam nhưng gần sông Hồng hơn. Sau mấy tháng học ở Hoà Mạc, chiến sự lan rộng. Suốt năm 1950 tôi không được đi học. Từ đó, không được nghe tin về anh Lưu Trung Khảo nữa.
Năm 1951, gia đình tôi hồi cư về Nam Định và tôi được đi học lại. Sau khi đậu Trung học Đệ Nhất cấp năm 1954, tôi vào Nam khi đất nước chia đôi. Trong khi theo học lớp Đệ Tam trường Chu Văn An Sàigòn, tôi xem báo, thấy tên anh Lưu Trung Khảo. Anh được nhắc tới như một trong những nhân vật lãnh đạo của “Đoàn sinh viên Đại học Hà Nội di cư,” cùng các anh khác như Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế… Tuy rất vui thấy tên anh Khảo và biết anh cũng “di cư lánh nạn Cộng sản” như mình, trong cuộc sống chật vật khi mới tới miền Nam, tôi không có hoàn cảnh tìm tới vị “đàn anh cùng trường Nguyễn Biểu” hằng ngưỡng mộ từ 6 năm trước. Sau này, qua bè bạn, tôi được biết anh tốt nghiệp Sư phạm, về dạy ở Chu Văn An sau khi tôi ra trường. Tôi cũng nghe có thời gian anh được cử làm Hiệu trưởng trường Trung học Kiến Phong, rồi về làm Thanh tra Bộ Giáo dục. Trong khi ấy, tôi ghi danh Văn khoa và đi dạy để có phương tiện sống cùng giúp đỡ gia đình. Tuy có năm ở Sàigòn hay Tân An, tôi cũng dạy ở nhiều nơi khá xa như Bạc Liêu,  Đà Lạt …, nên không có hoàn cảnh gặp anh Khảo trong thời gian cùng sống ở miền Nam. Sau khi bị động viên năm 1967, tôi được đưa về dạy ở Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt rồi được cử đi học thêm ở ngoại quốc. Chuyện tìm gặp anh lại càng khó khăn hơn.
Đầu năm 1982 ở California, tôi được báo tin về một buổi họp mặt tân niên của một số cựu giáo chức Việt Nam tại hải ngoại. Người đứng tên đầu tiên trên giấy mời là anh Lưu Trung Khảo. Dĩ nhiên tôi hân hoan tới dự, và lần đầu đến đứng trước mặt anh. Rất vui vẻ, tôi nói với anh, “Tuy hôm nay mới có cơ hội gặp anh, tôi nghe danh anh từ hơn 30 năm trước. Tôi học sau anh hai lớp ở trường Nguyễn Biểu, Hà Nam năm 1948.” Anh Khảo tỏ ra vui vì “vạn lý tha hương ngộ cố tri” nhưng hôm ấy chúng tôi cũng không nói được nhiều với nhau. Trong cương vị Trưởng ban Tổ chức, anh có nhiều việc khác phải làm.
Nhận xét của tôi về anh Khảo chắc không khác nhận xét của nhiều người. Anh giản dị, hoà nhã, thân mật với tất cả mọi người. Chịu ảnh hưởng của tinh thần “kẻ sĩ” trong khuôn khổ Nho giáo, anh nghiêm cẩn trong công việc. Với cái ác, cái xấu,  anh cương quyết không chấp nhận, thực hiện đúng câu, “Cầm chính đạo để tịch tà, cự bí” của Nguyễn Công Trứ (giữ lẽ chính để bác bỏ điều gian tà, chống lại điều bất chánh). Rất nhiều người nhận thấy anh có một trí nhớ siêu việt, nhất là với thơ văn Việt Nam. Tôi còn thấy nơi anh một kiến thức uyên bác về văn học Việt Nam và văn học Trung Hoa. Sau nhiều năm phục vụ trong ngành giáo dục, từ trực tiếp đi dạy tới ở vị trí lãnh đạo, anh có một hiểu biết vững chắc và đáng quý về các vấn đề giáo dục của đất nước. Từ buổi gặp nhau đầu tiên ở Nam California năm 1982, tới nay đã trên 30 năm, tôi có cơ hội làm việc chung với anh nhiều lần, phần đông là trong các sinh hoạt văn hóa, giáo dục của cộng đồng, với mục đích chính là chuyển giao lại những kiến thức về văn hóa, văn học Việt Nam cho thế hệ trẻ hơn.
Có ba kỷ niệm riêng tôi thấy cần ghi lại một cách đặc biệt để nêu rõ cái “tâm” cùng tư cách anh Khảo.  Năm 1983, nhân tìm được một tập thơ của một vị thầy cũ, một thi sĩ được nhiều người mến mộ ở miền Nam, mấy người bạn và tôi tìm cách in lại tập thơ ấy, mong thu được một ngân khoản nho nhỏ hầu gửi về giúp thân quyến thầy đang sống ở Sàigòn. Để buổi ra mắt sách được thành công, chúng tôi cần uy tín cùng sự tiếp tay của anh Khảo. Năm 2005, tôi muốn giúp một người bạn trẻ tuổi hơn, một nhà biên khảo có tâm huyết sống bên Pháp, trong việc giới thiệu tập sách anh soạn thảo về biên giới Hoa Việt. Năm 2008, tôi lại thấy nên tiếp tay một người bạn khác đang sống ở Bắc Âu trong việc giới thiệu tập truyện ngắn đầu tiên của anh ấy, gồm những truyện rất cảm động về quê hương, dân tộc, và chan chứa tình người. Cả ba lần anh Khảo đều sốt sắng nhận lời ngay khi tôi ngỏ ý. Anh giúp đỡ tận tình. Bên cạnh việc biên soạn những bài trình bày công phu và nghiêm túc, nêu rõ ưu điểm, giúp người đọc hiểu tác phẩm một cách đầy đủ hơn, anh còn giới thiệu thêm người tới giúp trong buổi ra mắt sách và nhiệt liệt vận động cho buổi lễ ấy được thành công. Với sự tận tình giúp đỡ của anh, cả ba buổi sinh hoạt đều thu được kết quả vô cùng tốt đẹp. Tôi rất vui vì thấy trước những việc phải, việc nên làm, nhận thức của anh và tôi rất gần nhau. Vui thêm vì biết rằng nếu cứ chăm làm những việc phải, việc đúng, sẽ luôn luôn được anh giúp. Cho tới nay, đã trên 60 năm từ khi bắt đầu nghe nói tới anh tại trường Nguyễn Biểu, tỉnh Hà Nam, đối với tôi, anh vẫn giữ trọn vẹn hình ảnh đẹp của một bậc niên trưởng như trong tâm tưởng tôi năm 1948.
Tuy luôn luôn quý trọng anh Khảo, mỗi khi nghĩ đến anh tôi vẫn không tránh khỏi chút cảm giác bùi ngùi. Một người lỗi lạc từ rất sớm, có trí nhớ siêu việt, có kiến thức uyên bác, thấu đáo về văn học, văn hóa Việt Nam, một nhà giáo dục suốt đời tận tụy, sao không thể ở lại quê hương để giúp đất nước mà lại phải lánh ra nước ngoài? Phải chăng đó cũng là một phần trong số những nghịch lý chua xót, tạo nên tấn thảm kịch bi đát của dân tộc chúng ta suốt mấy chục năm qua?
                                                      
  Tháng 12-2013
 Trần Huy Bích