Saturday, April 18, 2020

Thắp nén hương xa, tiễn Nữ Sĩ HOÀNG HƯƠNG TRANG / Cao Mỵ Nhân


Tiểu sử nữ sĩ Hoàng Hương Trang

(phỏng theo Văn học Miền Nam của Võ Phiến và Văn học Từ điển của Thanh Tùng)

Nữ sĩ  Hoàng Hương Trang tên thật là Hoàng  Thị Diệm Phương, sinh ngày 3 tháng 4 năm 1938 tại làng Vân Thê, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Bà là cựu nữ sinh trường Nữ Trung học Đồng Khánh (ra trường năm 1957), tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (khóa 1, năm 1960), trường Sư phạm Mỹ thuật Sài Gòn (năm 1961), và từng du học thêm ở Nhật.

Bà từng dạy ở các trường Trung học Ngô Quyền (Biên Hòa), Nguyễn Huệ (Phú Yên), Trung học Kiểu mẫu (Thủ Đức), rồi Đại học Mỹ thuật (Gia Định).

Bà là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, và là hội viên của Trung tâm Văn bút Việt Nam.
Tác phẩm gồm có: Khép đôi mi nhỏ (1956), Linh hồn cỏ biếc (1965), Bến tâm hồn (1966), Thơ – Đông Phương (1967), Hợp tấu(1967), Mười hướng sao (1970), Túy ca (1972).
Bà từng đăng thơ trên nhiều tuần báo và tạp chí như Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Hoa Tình Thương, Tiểu Thuyết Tuần San, Phụ Nữ Mới, Bút Hoa, Gió Nam, Quật Khởi.

Năm 1972, khi bà in tập thơ Túy ca, thi sĩ  Vũ Hoàng Chương, tác giả tập Thơ Say, đã làm bài Cảm đề Túy ca để tặng:

“Bài ca Tận túy” đi hoang
Biết đâu Hoàng lại gặp Hoàng chiều nay
Vẽ nên độc dược mà say
Hóa công chưa dễ khéo bày đặt hơn
Gió trăm cơn bụi ngàn cơn
Một cơn say đủ sạch trơn thế tình
Nguyện trường túy bất nguyện tinh
Say ai? Mình chỉ say mình đó thôi
Túy-ca bè đã thả rồi
Túy-hương xưa hãy cùng trôi ngược về.
Năm 1976, bà được gia đình thi sĩ  Vũ Hoàng Chương tin cậy, gửi để lưu giữ 12 bài “Đọc lại người xưa,” những bài thơ cuối cùng của thi nhân họ Vũ. Năm 2006, nhân ngày giỗ lần thứ 30 của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Hoàng Hương Trang cũng làm bài Chiều say nhớ Hoàng  để bày tỏ niềm nhớ tiếc nhà thơ tài danh này:

“Biết đâu Hoàng lại gặp Hoàng chiều nay”
Mới vừa dăm chén đã say
Trong men chếnh choáng nhớ ngày năm xưa
Bút gươm chém lệch đường thơ
Mực đau giấy ảo, kịch hờ thương Mây
Trả gươm cho gió nghiêng vai
Trả thơ cho mộng, trả ngày cho đêm
Kiều Thu, hề! Đẫm gót sen
Mười hai tháng sáu trả men cho tình
Trời một phương, đất một mình
Cảm thông nhân thế cái tình phù du
Tài hoa hệ lụy sa mù
Chén vui, hề! Chén buồn xưa hiện về
Ơi Hoàng, nửa chén si mê
Ơi Hoàng, nửa chén vụng về trao tay
Rượu đây, hề! Ta cứ say
“Biết đâu Hoàng lại chiều nay gặp Hoàng”.

Bà là con nuôi của kịch tác gia Vi Huyền Đắc (1899-1976).  Cụ là Phó chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam, từng được giải thưởng của Viện Hàn lâm ở Nice (Pháp) năm 1936 với vở Eternel Regrets (Trường hận), và giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn năm 1938 với vở Kim Tiền. Sau năm 1975 cụ trở về Hà Nội nhưng được một thời gian, cụ buồn chán, lặng lẽ tuyệt thực và qua đời tháng 8-1976. Trước khi về Bắc, cụ để lại căn nhà ở Sàigòn cho bà Hoàng Hương Trang. Trong hoàn cảnh khó khăn, bà bán hai phần ba căn nhà, giữ phần còn lại để ở một mình. Những năm cuối đời, bà rời Sài Gòn về Long Xuyên để sống cùng một người em gái và các cháu.

Huế Tình Đu

Hoàng Hương Trang

Ai xa Huế mà không nhớ Huế
Nhớ chuông chùa Diệu Đế, nhớ Văn Lâu
Nhớ Trường Tiền da diết sáu nhịp cầu
Nhớ Kim Long, nhớ bến đò Thừa Phủ
Nhớ dốc Nam Giao, nhớ bờ sông Bến Ngự
Nhớ Hàng Bè, Thượng Tứ, nhớ Bao Vinh
Nhớ sông Hương chan chứa thiết tha tình
Nhớ thông reo đỉnh Ngự Bình gió mát
Nhớ Tịnh Tâm, hồ sen bát ngát
Nhớ đò Cồn, An Cựu, Chợ Dinh
Nhớ con đường Vỹ Dạ bóng cây xanh
Nhớ Gia Hội, Đông Ba, Hàng Me, Đập Đá
Nhớ Ngự Viên, nhớ Nội Thành, Mang Cá...
Huế của ta ơi, biết nhớ mấy cho vừa!

Ai xa Huế mà không thương Huế
Thương mẹ già lặn lội mùa Đông
Thương em thơ đi học mưa dầm
Thương chị, thương anh mùa hè cháy nắng
Thương bữa cơm nghèo, nồi canh mướp đắng
Thương dĩa mắm cà, con cá thệ kho khô...
Huế của ta ơi, thương biết chừng mô!

Ai xa Huế mà không mơ về Huế
Dạo bước trên cầu áo trắng tung bay
Vành nón nghiêng nghiêng che mái tóc mây
Ánh mắt trong veo dòng Hương gợn sóng
Đêm trăng hè trời cao lồng lộng
Chiều thu êm tím ngát cả không gian
Tiếng hò trên sông ngơ ngẩn bàng hoàng
Hò ơ hò...chiều chiều trước bến...
Mơ sớm mai chèo đò qua cồn Hến
Trái bắp tươi non, nấu chén chè thơm
Dĩa bánh bèo tôm chấy hồng ươm
Đợi cơm hến, bánh canh, bánh ướt...
Nhớ biết mấy, những món quà quê hương
Không gì thay thế được
Dải đất quê nghèo mà mặn nồng yêu thương
Ai đã từng uống nước sông Hương
Ai đã từng hưởng ngọn gió chiều đỉnh Ngự
Ai đã từng bước đi trên những con đường tình tứ
Ai đã thả hồn trên những chiếc võng âm thanh
Ai đã đắm say tình Huế quê mình
Dẫu xa xôi mà không mơ về Huế
Huế tình đầu thơm ngát, Huế yêu ơi!






Ung Rượu Trong Mưa

Hoàng Hương Trang

Tay nâng hứng giọt trời cao
Chén đầy thương nhớ, xin trao tới người
Uống say chén lệ đầy vơi
Rượu hay mưa ướt tình người tình ta
Mưa từ năm cũ mưa sa
Rượu từ ngày cũ chưa là cố nhân
Mưa cho ướt chiếu chăn nằm
Say cho quên hết đừng căm hận gì
Trong mưa lầm lũi bước đi
Trong men chếch choáng ta vì nhau say
Mong cho mưa ngập lối này
Cho ta ngã xuống liệm đầy nước mưa
Rượu pha nước mắt tình xưa
Ta say đã mỏi, người chưa thấy về
Uống cho mắt lạnh môi tê
Uống cho thân xác ê chề đớn đau
Cơn mưa dã rượu vơi sầu
Lại đong chén nữa say nhầu trong mưa.

(Túy Ca)
  

Thắp nén hương xa,
tiễn Nữ Sĩ Hoàng Hương Trang , 
tác giả Tuý Ca về cõi vô cùng .

Thôi rồi rượu ngọt trên môi
Đã cay đắng nhắp vãn hồi tử sinh
Còn đâu hồ cạn men tình
Thủa xưa hai chị em mình rong chơi
Tuý ca tận tuyệt hương đời
Bên trong lưu thuỷ có lời từ ly
Một người xa tít mù khi
Một người ở lại nhặt bi sầu đầy
Thôi rồi đông chẳng gặp tây
Chẳng còn giây phút nói ngày là đêm
Đường Tăng Bạt Hổ say mèm
Mai sau khách lữ đi tìm dấu thơ ...

Hawthorne  17 - 4 - 2020


CAO MỴ NHÂN