Friday, July 28, 2023

Trịnh Y Thư: Một mai tôi nhắm mắt, chỉ xin ngọn đăng đừng tắt lịm, để tôi nhớ mãi tên người

 


  Đôi mắt giếng xanh tuổi thơ

     thảng thốt buổi sáng cao nguyên chợt tỉnh

     chiêng chao ghềnh thác lở

     ngàn gió quay về rừng trảng xanh

     xanh cánh đồng cỏ dại

     nắng hoe ươm vàng

     vàng dã quỳ đầu non.

 

Ngày tôi xa đồng cỏ

     đồng cỏ hoang vu

     thời gian như vạt bụi

     phủ lấp niềm vui thanh xuân

     phải bước đến tận cùng bờ vực

     tôi mới nhận ra trọn kiếp tro phai

     chẳng còn gì ngoài một giấc mơ.

 

Tôi yêu giọt nước lăn tròn trên phiến lá xanh

     một đêm mưa trời đất rưng rưng

     tiếng hát phù trầm lay động màn sương

     khiến tôi như muốn tỏ tình

     vậy mà tôi ngại ngần

     không muốn hỏi tên em.


 Đâu đó những giấc mơ

     rớt rụng trong kiếp người

     bấy nhiêu năm tôi vẫn hoàn câm nín

     tao tác một chốn về.

 

Tôi yêu bờ hoang cảnh vắng

     cho tôi sống với giấc mơ tuổi thơ

     có đôi mắt giếng xanh

     ném từng viên đá cuội

     vào ước vọng tuổi thông vàng.

 

Vết nứt thời gian nghiệt ngã

     tê cứng như niềm đau lúc trở về

     ký ức nao nức tưởng

     mở tung bao khung cửa

     nhưng tôi bàng hoàng vì tất cả

     còn lại chỉ là trận bão lá đêm qua.

 

Tôi sợ những lần chia tay

     đồng cỏ dẫn tôi đi xa mãi

     mỗi ngày mỗi xa

     tôi quên mất lối về

     dốc bản khôn cùng dĩ vãng.


 Một mai tôi nhắm mắt

     chỉ xin ngọn đăng đừng tắt lịm

     để tôi nhớ mãi tên người

     bởi sau lần từ giã

     tôi biết tôi đã đánh mất

     đôi mắt giếng xanh tuổi thơ.

Friday, July 14, 2023

TRẦN TÌNH BIỂU của tổng đốc HOÀNG DIỆU / Nguyễn Duy Chính dịch


Mở đầu

Hơn 60 năm trước, khi vừa bước chân lên bậc Trung Học, chúng tôi được học mỗi tuần năm giờ Việt Văn mà sách giáo khoa có tên là Quốc văn toàn thư [lớp đệ Thất] – tác giả là ba vị thầy nổi tiếng Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế và Tô Đáng (Saigon: Việt Hùng, 1959).

Vào thời của chúng tôi, nếu ai sinh trưởng trong một gia đình có tủ sách là điều hết sức may mắn vì là nhà có truyền thống học hành. Đối với con nhà nghèo như chúng tôi, sách giáo khoa trở thành những món ăn tinh thần. Những nhà giáo cũng không dạy theo mẫu đưa từ trên xuống mà thường tự soạn bài cho mình, miễn sao phù hợp với chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo Dục.

Sách học cũng không thay đổi luôn như bây giờ. Anh truyền cho em, chú truyền cho cháu là việc bình thường nên những bộ sách cơ bản như Việt Nam Văn Học Sử Yếu hay Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển (Dương Quảng Hàm) thì không còn là sách của nhà trường mà dùng như sách gối đầu giường cho những ai yêu thích tiếng Việt. Đời sống eo hẹp theo nhiều nghĩa nên chúng tôi đã coi những sách học như truyện đọc hàng ngày chứ không còn là những kiến thức phải “tụng” để dùng cho thi cử.

Tuy là sách giáo khoa nhưng nội dung gãy gọn, văn chương trong sáng đúng như những gì cần phải dạy cho con em. Chúng tôi đọc đi đọc lại không chán những bộ Nhà Văn Hiện Đại, Việt Nam văn hoá sử cương, Quốc văn toàn thư … không chỉ để thu nhập kiến thức mà còn học luôn cả cách viết. Văn phạm và từ ngữ do thu nhập từ sách vở hơn là từ học đường. Những gì mà tác giả Vũ Ngọc Phan nêu ra về khuyết điểm của tiểu thuyết đương thời thì chúng tôi cũng coi như những bài giảng để bổ sung vào những gì mình chưa biết nơi trường học. Không chỉ kiến thức văn chương, khoa học, các nhà mô phạm cũng giúp cho bọn nhỏ chúng tôi làm quen với cách hành văn trong sáng của Tây phương xuyên qua những truyện dịch của Hà Mai Anh và những tuần báo thiếu nhi như Tuổi Xanh của các nhà giáo Bùi Văn Bảo, Bùi Quang Kim, Măng Non của nhóm hoạ sĩ Văn Hiếu, Văn Đạt.

Tuy thích văn chương Việt Nam nhưng tôi không mặn mà với cổ văn trúc trắc. Thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tông khó hiểu và tối nghĩa làm sao có thể sánh được với các nhà thơ mới như Bàng Bá Lân, Trần Trung Phương, tiểu thuyết của Trần Tiêu, Tô Hoài.

Văn các cụ xưa ý nhiều lời ít, một chữ lắm khi năm bảy nghĩa nên đọc một lần không mấy khi hiểu ngay. Ngày xưa lại không có chấm, phảy để ngắt câu nên lắm khi phải đếm chữ tìm văn mạch. Tên người, tên đất không viết hoa, câu cú không xuống hàng, cứ liền một mạch từ trên xuống dưới.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà chê cổ văn vì chính việc đặt câu văn cho cân đối cũng là ưu điểm. Những bài văn hùng tráng như Hịch Tướng Sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi qua bản dịch của các cụ Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ chúng tôi gần như thuộc lòng vì các cụ tuy dịch văn mà “đối chan chát” tỏ rõ được hào khí của người xưa. Văn biền ngẫu của các bậc tiền bối cũng tạo cho hậu sinh sự kính trọng chữ nghĩa vì dù ngay cả trong những tranh luận văn chương giữa Phan Khôi và Trần Trọng Kim, thư qua lại của Phan Đình Phùng và Hoàng Cao Khải, cổ nhân vẫn không để mất cái phong độ nhà nho. Lá thư của Phan Bội Châu gửi các con để kể về tình nghĩa với cụ bà tuy mộc mạc nhưng đằm thắm cảm động.

Trong những áng thiên cổ hùng văn tôi vẫn không quên được bài biểu trần tình của tổng đốc Hoàng Diệu sau khi mất thành Hà Nội. Tờ biểu ấy ít ai để ý nhưng dù chỉ qua bản dịch cũng thấm đẫm tấm lòng của một nhà nho trong cơn quốc biến. Gần đây, trong khi tìm kiếm tài liệu, tôi gặp lại bản gốc bức thư đó bằng chữ Hán, nhớ lại kỷ niệm một thời nên chép lại và dịch ra dưới đây.

 

Tác giả Lê Dư và cuốn Cụ Hoàng Diệu

Bản chữ Hán xuất hiện trong cuốn “Tiểu sử Cụ Hoàng Diệu”, tác giả Lê Dư, do Quốc Dân thư xã ở Hà Nội ấn hành tháng 10 năm 1945. Đây là một cuốn sách mỏng, phần viết về cụ Hoàng Diệu chỉ độ gần 30 trang, thuộc loại Sách Danh Nhân, theo sự giới thiệu của nhà xuất bản thì ngoài quyển này còn có các đề mục Phan Chu Trinh, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Tri Phương, Đinh Công Tráng, Nguyễn Quyền, Lương Văn Can, Chu Văn An tức là hầu hết những nhà nho chống Pháp nói lên phần nào phong khí quốc dân thời đó đang sôi sục việc giành độc lập.

Lê Dư (1884-1967), biệt hiệu Sở Cuồng, thuở trẻ tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và từng du học nhiều nước ở Đông Á. Ông làm việc trong Viện Viễn Đông Bác Cổ, biên soạn nhiều tài liệu và sách vở và cộng tác với nhiều tạp chí danh tiếng của nước ta hồi đầu thế kỷ XX như Nam Phong tạp chí, Hữu Thanh, Đông Thanh, Đông Tây …

Trần Tình Biểu nguyên văn chữ Hán được đăng tải tại trang 11-12 tập sách này và bản dịch của Lê Dư xuất hiện trang 12-14.

Bên cạnh bản dịch của Lê Dư, tôi cũng sưu tầm được một bản dịch khác in trong quyển “Các văn cổ về Hà Thành Thất Thủ và Hoàng Diệu” của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, là tác phẩm khá đầy đủ về tài liệu dân gian nhân việc thất thủ Hà Nội. Tập sách mỏng này do nhà xuất bản Sông Nhị, Hà Nội ấn hành năm 1950 và bản dịch “Di Biểu của Hoàng Diệu” (Trần tình biểu) nằm trong phần Phụ Lục số 1 (tr. 57-58).

Ngoài ra, trong tạp chí Tri Tân, số 182, năm thứ Năm, thứ năm ngày 12 tháng tư 1945 trong bài Hoàng Diệu (1828-1882) tác giả Khuê Trai có dịch bài biểu nhưng chỉ chọn một số câu, đôi khi chỉ tóm ý chứ không hoàn toàn đầy đủ.


So sánh các bản dịch, chúng tôi thấy hai cụ Lê Dư, Khuê Trai không thắc mắc gì về tác giả của bài biểu này nhưng giáo sư Hoàng Xuân Hãn thì không tin hẳn vì có một số điểm chưa rõ ràng. Sau đây là phần ghi chú của giáo sư trong tác phẩm nêu trên:

Bài biểu này nguyên bằng Hán-văn, viết theo lối tứ-lục, gồm từng hai câu đối một, trừ một vài câu ngắn ở đầu tiết hay cuối bài. Tôi gắng dịch theo lối ấy.

Tôi đã theo một bản chép cũ. Hiện nay tôi chưa có bản khác để so sánh. Và sách Đại-Nam Thật lục cũng không hề nói đến di biểu ấy.

Mà sự so sánh ấy rất cần. Vì nó có thể giải quyết một câu hỏi mà tôi nêu ra, là bài di biểu này có thật của Hoàng Diệu viết ra, hay là của người khác viết thay cho ông sau khi ông đã mất.

Có sự nghi ngờ ấy, là bởi trong bản của tôi cũng như trong bản mà ông Khuê-trai đã dùng trong bài Hoàng Diệu đăng báo Tri-tân số 182, đều chép lầm ngày Pháp hạ chiến-thư. Các bản ấy đều chép: “Bản nguyệt sơ thất nhật, tiên hạ chiến-thư, thứ nhật cấp kích”, nghĩa là ngày mồng BẢY tháng này, trước hạ chiến-thư, ngày sau đánh gấp. So với lời thông Phong đã kể rõ-ràng trên, so với sách Đại-nam Thật-lục và so với chính lời của Henri Rivière trình về Pháp (xem bài sau) thì chép thế là sai.

Hoặc giả những bản biểu quả thật chép sai như vậy, thì chắc chắn rằng không phải Hoàng Diệu viết ra, vì không lẽ gì mà ông vẫn tỉnh-táo viết được bài văn tứ-lục, mà quên việc mới xẩy ra lúc buổi sáng ngày.

Hoặc giả những bản biểu có thật, nhưng do một người nào đã sao lầm từ trước. Sự lầm ấy có thể xẩy ra như sau. Nguyên văn hai câu “Tiên hạ chiến thư, thứ … cấp kích” cân đối nhau. Chữ tiên là trước hay đầu, chữ thứ là sau. Chữ hạ là một động tự, thì chữ thứ hai trong vế dưới cũng là một động-tự, ví dụ như chữ tiến chẳng hạn. Những kẻ sao vô-ý, nên chép thành thứ nhật, nghĩa là ngày sau. Nhưng như thế là sai ngày đánh thành Hà-nội. Cho nên sau có kẻ lại phải chữa ngày hạ chiến-thư là ngày mồng bảy, để cho ngày mất thành trở nên đúng.

Đó chỉ là một giả-thuyết mà thôi. Phải có thêm tài-liệu, mới giải quyết được điểm ngờ này.[1]

Về điểm này, có lẽ giáo sư Hoàng Xuân Hãn với suy nghĩ khoa học chặt chẽ của Tây phương nên thấy vậy. Riêng chúng tôi thì lại không cho rằng điểm ngày tháng trong tờ biểu này sai lầm. Theo như diễn tiến sự việc, bức tối hậu thư được viết ngày hôm trước tức ngay hôm Rivière tới nơi (tức 24, Avril, 1882) và được thông ngôn dịch ra chữ Hán. Tuy nhiên bức thư chỉ được gửi tới sớm (5 giờ sáng) ngày 25, Avril, 1882 và người Pháp tấn công thành Hà Nội ngay sáng hôm đó.

Cứ theo lối tính toán không mấy chặt chẽ của người Việt Nam, ban đêm thường tính theo canh Một, canh Hai, canh Ba … thì sáng sớm vẫn còn là canh Tư, canh Năm … chưa là ngày mới. Thành thử trong văn từ nếu có lệch lạc chút đỉnh thì cũng là lẽ bình thường. Vì ba bản dịch trên đây có thể là ba dị bản được chép lại từ ba nguồn khác nhau, việc so sánh giúp chúng tôi có thể đọc và đoán được một số chữ Hán. Tuy tờ biểu này không chấm câu nhưng giáo sư Hoàng Xuân Hãn nói rằng viết theo lối văn tứ lục và bản dịch của ông cũng cố theo lối ấy nên cũng giúp cho chúng tôi ngắt câu khi tìm hiểu.

 TIỂU SỬ