- Mỹ cảm phương đông
- Hơi thở dân tộc
- Bóng tối khoa học
- Nét đẹp tự thân
- Viễn ảnh tâm cơ
- Tìm một ánh sao
- Hiện thực đầy vơi
- Thay hồi Vĩ Thanh
Tạp chí Văn học, số 97, tháng 11.1969
Tiền thân còn thoáng hương mơ...
Giấc mơ tiền kiếp vẫn đeo đẳng và ám ảnh người như một vết thương kể từ khi người làm quen với trang sách cổ. Người thiếu nữ mà người trông đợi bước ra vẫn để lại lời nhắn với hoa đèn.
Rún rẩy hoa đèn rung ngọn bấc / không gian đàn mãi tiếng giầy ai. (Nửa Truyện Hồ Ly)
Vũ như chìm sâu trong giấc mơ huyền hoặc. Không phải lãng quên thế giới chung quanh mà vì chàng mải nấn ná với mộng vàng chưa kịp hái. Giấc mộng bấy lâu dường như chưa kịp đặt tên nhưng cũng đủ để thi nhân quên cả đường về, mặc cho sông núi chuyển mình như nhắc nhở. Vũ trở thành người hiếm hoi từ chối bữa tiệc đời nồng hậu dành cho, khi tự thâm tâm đã thấy khắc khoải về những ngày có mặt với đời. Nỗi chán nản tỏa ra tự trong vần điệu đã làm lao đao người yêu thơ chàng. Dù người làm thơ chẳng nghĩ tới việc chinh phục lòng người bằng việc phô bày điều chàng cho là không may cho thân thế.
Vũ sớm ý thức được sự tự hủy ngay cả trước khi thế hệ chàng còn hồn nhiên lỡ bước. Lời chàng càng thiết tha khi ngọn lửa canh thức hầu tàn trong đêm vắng. Một ván cờ thua ngả bóng chiều.
Có thể nghĩ, thi nhân đã lấy đi một phần sinh lực để thắp vội ngọn đèn bên mình. Chưa từng thấy lần nào thi nhân không bùi ngùi khi đốt lửa. Ai khóc đời ai trên bấc lụi. Ngọn đèn trở thành ánh lửa làm chứng cho thân phận không chỉ cho chính chàng.
Thơ trở thành điều trần-tình cho cả thế hệ có mặt chàng. Cho ý thức chung về những điều cần ngã giá. Thơ không đồng lõa với bản năng mà ngay thẳng bộc lộ điều cần thố lộ. Phơi bày chân thực một nỗi lòng trống trải và khao khát niềm tin tuyệt đối ở mức độ mà con người thường gửi theo tín lý.
Những người từng giáp mặt Vũ bên hoa đèn hẳn nhận ra nỗi chán chường lẫn hiu quạnh vây quanh Vũ cùng với văn chương được phó thác như nhữrng con tin. Sao chiều xuống chênh song hề còn đau thân thế / còn tủi bình sinh hề khi gió lên đầy trời (Bài Hát Cuồng)
Cái bất bình của lớp tuổi luôn bị nhìn dưới ánh mắt xa lạ, hoài nghi và thiếu cảm thông. Tưởng như lòng người đã tan rã sau mỗi cơn say. Cái say của một người biết rằng cái tỉnh đã khắc nghiệt dày vò mình như thù hận. Sao lòng ta đêm nay buồn không thể nguôi / niềm u uất dâng cao hề tháng ngày trôi xuôi (Túy Hậu Cuồng Ngâm.)
Say không là giải pháp đối với chàng, mà thực sự chỉ là phản ứng của một trái tim không chịu điều kiềm tỏa. Say là hoàn cảnh khó có thể chối từ khi chàng nghĩ chỉ có bên mình con thuyền sắp đắm. Khó ai có thể nắm vững lời giải cho bài toán dành cho thế hệ mình. Và, cái cách mà thi nhân có thể làm được cho chính mình là dành cơ hội cho văn chương mở cõi.
Quẩn gót thế nhân hề như đàn quạ kia chăng / hay như mây cao đơn chiếc hề cánh chim bằng (Túy Hậu Cuồng Ngâm.) Tuyệt nhiên không là lời cao ngạo của thi nhân, khi người chỉ muốn tỏ nỗi lòng trước hoàn cảnh và khi người đi sau muốn hiểu được nguồn cơn của nỗi bất bình.
Vũ không giấu điều không dễ dàng an hưởng trong ưu đãi của hoàn cảnh mà định mệnh đã dành cho.
Say trở thành bản ngã nhà thơ. Việc thi nhân tự nhận là Chàng Say khiến không ít người ngỡ rằng chàng cũng ngang tàng như kẻ, bước đã cuồng phong rắc đáy chai (bài Cảm đề tập Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai, 1971.) Thơ đã khiến thi nhân có thái độ minh triết hơn người, nhập vào lớp cao sĩ thường có mặt vào buổi suy vi. Bụi trần hay bụi thị phi vẫn chẳng để người bận lòng. “Ta van cát bụi trên đường / dù nhơ dù sạch đừng vương gót này / Để ta tròn một kiếp say”
Cao khiết không phải là lánh xa đời. Nhưng thi nhân muốn được vững lòng với cơn say trường dạ. Với người, say trở thành phương tiện đến gần hơn với giấc mơ chưa vĩnh cửu như ước mong và dẫu còn đem lại nỗi xót xa gia trọng lúc tàn canh, khi tỉnh rượu. Thi nhân đã có kinh nghiệm của một nhà hiền triết khi chỉ ra lẽ sắc không trước sự diễn ra bao trò dâu bể,
Năm ra đời của Hoa Đăng không hẳn là sự dự báo rõ rệt một sự chuyển mình trong tư tưởng khi nhà thơ chỉ để lộ nét diễm lệ cố hữu của ngôn từ. Người không đi xa hơn sự trầm trồ trước những giá trị được tán thán, những chiến tích được vinh danh, những hoàn cảnh trở thành những bước đi mới. Có thể cũng chỉ vì thực tại chưa lay động tới tầng cảm giác vốn thăm thẳm của nhà thơ , hay thời gian vẫn có thói quen làm khó bước chân vốn dè dặt trong việc làm quen với cảm xúc mới.
Trong thời gian Hoa Đăng chờ đợi ra đời, như những người đồng cảnh, thi nhân không khỏi chịu sự dằng co mãnh liệt giữa lòng nhớ quê xưa và cảm tình gắn chặt với tương lai về một vùng đất mới. Cái yêu mới không thể gạt bỏ hay làm suy giảm cái nhớ xưa hay ngược lại. Nhưng để tồn tại, thi nhân đã phải xử sự ra sao khi quê cũ đã cưu mang những năm tháng người sống trọn vẹn hơn cả với ý nghĩa của nó.
Như thế, Hoa Đăng chưa có đủ hoàn cảnh xoay chuyển rõ rệt một hồn thơ. Cõi thơ vừa chiếm cứ chưa đủ để một thi tài như người bộc lộ hết. Hoa Đăng giữ vai trò tương tự một sứ mệnh chuyển tiếp, giao thời. Cần thiết, và tất yếu do hoàn cảnh. Hoa Đăng là khoảng dừng chân trước một lộ trình mới. Điều mà nhiều người xem Hoa Đăng như một dự phóng, thực ra là do không thể đoán trước được cõi thơ mà thi nhân đạt tới sau tác phẩm giao thời này (*)
-------------------------------------------
LỜI CHÚ (*) “ Trước, ông dám tiền phong nhất trong sự lột trần nỗi đau khổ của một lớp người thời-đại, cho nên lời ông thấm thía đến tâm-can khiến người ta cũng theo ông tìm lối thoát trong “miếu nguyệt, vườn sương” hay chỗ “mươi lăm nhà riêng chiếm một thiên thai.” Còn bây giờ về trữ tình, tình cảm, ông chỉ khéo lặp lại phần nào những tình ý cũ. Còn hùng tráng của ông chỉ là hùng tráng Hình Thức...” (Nguyễn Văn Xuân, Điểm Sách Hoa Đăng, Bách Khoa, số 64, 1.9.1959, tr.50.)
--------------------------------------------
Hoa Đăng được thừa hưởng một phần vẻ diễm lệ trác tuyệt của ngôn từ khiến người ta có thể quên lưu tâm đến đòi hỏi tiến trình của hồn thơ, của một cõi tiêu biểu cho thơ trong một giai đoạn mới. Hoa Đăng hứa hẹn một tiếp nối ngay tự khi ra đời, vì tiềm năng và khả năng tìm kiếm nơi thi nhân. Người làm thơ đã nhìn thấy phương xa dù có khác phương trời lênh đênh mà người từng nguyện theo như nghiệp dữ của người trai thuở cánh buồm say trôi dạt trên bến vong thân.
Vài năm sau, nhân cuộc Âu du với hội thơ quốc tế, nhà thơ đánh dấu cuộc tái khai mở hồn thơ bằng thi hứng mới và với khuôn khổ diễn đạt mang ý nghĩa khác xưa. Với sự gợi ý từ phương Tây trong vai trò đề xướng, Thơ sẽ là nhịp cầu giao cảm giữa hai cõi Đông Tây mà thi nhân là người được giao việc thông suốt chiếc cầu từ thuở khuyết sử cho đến thời đại nguyên tử ngày nay (*)
--------------------------------------------------
LỜI CHÚ (*) Theo Phạm Việt Tuyền (Tôi Đọc Thơ, Phong Trào Văn Hóa xb, 1973, tr.12-13) Tâm Tình Người Đẹp được tác giả làm ra để “giải đáp luận đề của hội nghị Quốc tế Thi ca lần thứ 5 tại Knokke-le-Zoute năm 1961.”
--------------------------------------------------
Thơ cũng mang chiếc áo mới được trao, nhị-thập bát-tú là tên gọi gợi ra hình ảnh hai-mươi-tám vì sao hội tụ trong bữa tiệc trăng rằm mừng hội ngộ. Cõi thơ nối liền hai châu Âu Á chỉ bằng chùm sao định hướng hai-mươi-tám ngôi cho thấy hoài bão của người dụng công đặt vào ngôn ngữ sức chuyển phi thường của hóa công. (*)
-----------------------------------------------------
LỜI CHÚ (*) “ Về nội dung, bài thơ (thơ nhị thập bát tú) cần phải diễn đạt một tư tưởng hay môt xúc động nào liên quan đến những thắc mắc của thời nay hoặc của con người muôn thuở, lại phải nói những tình ý đó ra bằng một hay nhiều hình ảnh trang nhã kín đáo, và thi vị, có tác dụng gợi cảm vừa tức khắc vừa xâu xa.” (Mai Trung Tĩnh – Vương Đức Lệ, Đọc Trời Một Phương, Văn, số 150, 15.3.1970, tr. 62.)
-----------------------------------------------------
Thơ là đàn nhương-sao nơi ngôn ngữ ứng chiếu với hai-mươi-tám vì tinh tú. Cõi thơ mới như mở ra một tinh cầu truyền tín hiệu bằng tinh túy trí tuệ của hồn thơ. Thơ thành một cõi truyền kỳ, mỗi câu truyện mang vóc dáng của trí tuệ được phân gửi trong từng hơi thở của bóng cây, ngọn cỏ.
Thơ kết cấu 28 chữ đầu tiên được ký thác trong tập Tâm Tình Người Đẹp, tên một bài thơ được chọn để hài danh, là hiện thực của một huyền truyện lẫy lừng. Nhan sắc ấy là một thiên tai chờ thời gây họa cho con người, là miệng hỏa sơn dấu dưới vẻ đôi hồ mộng nước xanh rờn.
Thơ 28 ngôi sao được dành cho một đề tài thơ, phản chiếu mức ưu tư thời đại trong đó trí tuệ đã giành quyền chi phối sự khám phá và trầm tư trong tương quan với ngoại giới.
Với thể loại mới này, người làm thơ, phần nào, đã thay đổi diện mạo tâm hồn, khi biết tự kiềm chế xúc cảm để có cái nhìn “quán chiếu” phong phú trước ngoại vật mà tìm thấy mối tương quan, không cần đến cái trực cảm của kẻ nghe được tiếng thở dài than vãn của loài đá dãi dầu nơi cổ tích.
Thơ là cách biểu hiện những nếp nhăn trên vầng trán mất ngủ vì đợi chờ. Là những rung động bỏ đi trước khi có mặt của hàng luận lý.
Thơ 28 chữ trở thành sự khai sinh một thể loại thơ xây dựng trên mối quan tâm về dự cảm mong manh của nền văn minh duy lý. Tưởng như thơ không còn khả năng xâm chiếm, mở rộng cõi hằng ngự trị khi nó trở nên thận trọng hơn trước khi trở thành đối tượng của suy tư.
Người làm thơ sẽ thành người suy tư hơn là người mơ mộng như trước đây. Và thơ, trong trường hợp này, có thể là sự ly khai với thơ, theo cái cách của loại văn chương đã được thành hình.
Cõi thơ có thể bát ngát hơn xưa nhưng dung lượng đặt vào ngôn ngữ sẽ là gánh nặng làm oằn vai người gánh vác. Thơ thành cuộc thử sức giữa cơ hội người làm thơ có được và ngôn ngữ có trong tay. Thơ không còn là chiếc nôi hay gối mộng của tâm hồn duy ngã. Người làm thơ suy nghĩ, xúc cảm thay cho mọi người trong giới hạn không gian của họ.
Cũng thế, ngôn ngữ người có trong tay không còn là kết quả của sự hóa thân hay xuất thần mà tuỳ thuộc vào cơ hội của bạn hữu chúng, của hai mươi-tám chữ, chờ đợi khi giáng thế.
Thơ mang định mệnh của người làm thơ trong một tương quan nhân quả. Cái định mệnh nghiệt ngã như trong mọi trường hợp khám phá, kiếm tìm cái mới.
Thơ hai-mươi-tám chữ khơi dậy sự hoài nghi như trước bất cứ sự ra đời nào khác. Hoài nghi cả cái chưa ra đời, cái sẽ ra đời hay như cái không thể ra đời vì non yểu. Mối hoài nghi rõ rệt là kích thước mới của thể loại thơ và sức chứa được trí tưởng tượng gửi gắm.
Cái mới nhân đôi trong Tâm Tình Người Đẹp không chỉ là thử thách với người muốn trắc nghiệm một niềm tin mà nhìn xa hơn, là viễn ảnh đặt nơi những người hoài bão vào nhịp cầu giao cảm giữa Đông Tây qua thứ ngôn ngữ đáng tin của họ.
Nhìn lại về sau, niềm tin mà người đề xướng thể thơ nhân một thi tứ toàn cầu, tự nó kết tinh thêm vững chắc trong suốt ngần ấy năm kể từ ngày ra đời của Tâm Tình Người Đẹp, năm 1962.
Những Cành Mai Trắng Mộng (1969), Ngồi Quán (1972) đều mang dấu chân qua của Tâm Tình Người Đẹp, như cách xác nhận bản sắc của một làn hương, của những làn sóng biển rời tâm ngày một xa giữa lòng nước mênh mang.
Thể phách của Tâm Tình Người Đẹp không thu gọn trong một tập thơ, lại không riêng chọn nơi này làm kiểu mẫu của khám phá, tuy rằng nó giữ vị trí đầu nguồn. Từ đấy gợi ý rằng, một cuộc hành trình trở ngược lại nguồn cũng là chuyến ngược dòng tìm về con đường nhận thức và cảm thức của thi nhân giữa mùa thơ sai trái.
Thơ trong Tâm Tình Người Đẹp lên đường như Xuân Thu Nhã Tập, Thơ tự-do đã lên đường không chỉ bằng thái độ hay lời rao. Không ít người đã quên sự ra đời của một thể loại thơ như đã quên khả năng tồn tại của một loài hoa đã có mặt trong khói lửa và bụi hồng.
Thơ hai-mươi-tám chữ vẫn vằng vặc như bầy sao trên trời cao. Những ngôi văn tinh vẫn quây quần sau bao dâu bể, tưởng như đã phôi pha cùng bao sự nghiệp lớn nhỏ ngày nào.
Thơ hai-mươi-tám chữ không mang ý thức đổi mới hay phá xiềng, Nó chỉ thúc đẩy một lối đi đem lại sự cảm thông hơn nữa giữa con người khác biệt nguồn gốc, địa lý, nhân văn nhưng cùng chung một giấc mơ xóa đi dị biệt, bất đồng bằng ý thức khai phóng.
Thơ bình-định tà kiến và cái ngã hẹp hòi, mở rộng giang san cho ý thức nâng cao tầm vóc con người dù là dân nhược tiểu. Riêng trong Tâm Tình Người Đẹp, cảm thức của thi nhân mở ra với ngoại giới đồng thời cho ta thấy nét sắc sảo hiếm có của một tâm hồn. Sự ràng buộc của thể loại thơ mới này, nếu có, chẳng thể làm vướng víu trái tim và mỹ cảm của người thơ, như người làm thơ từng chứng tỏ, hoặc trái lại, như có người đã nghĩ.” Phá bỏ khuôn sáo cũ để tự do đi tìm những gì mới lạ, chán rồi lại tự giam mình vào những khuôn khổ bó buộc như xưa. Âu cũng là cái vòng luẩn quẩn muôn đời của con người vậy.” (Bàng Bá Lân, Vài Kỷ Niệm Về Mấy Văn, Thi Sĩ Hiện Đại, quyển I, Xây Dựng, 1962, tr. 131.)
Hơn nữa, thơ nhị-thập bát-tú trong Tâm Tình Người Đẹp là tiếng thơ đáp ứng, là hồi âm tâm huyết cho thế giới văn chương trong cái nhìn, những điều lưu tâm cũng như những cảm xúc cưu mang được thi nhân biểu lộ bằng trái tim và suy tư của một người Việt.
Lời mời gọi từng được cất lên mấy năm trước, như tiếng gọi đàn. Vũ, được xem như một trong những đáp ứng đầu, có thể chứa đựng không thiếu những điều mà con người dồi dào, đằm thắm tâm tư như thi nhân có thể giãi bày như điều từng nặng lòng chất chứa. Ít nhất là từ Tâm Tình Người Đẹp, một phần tâm hồn văn chương bộc lộ một cách nghệ thuật, chân thực và thiết tha, được mở ra giữa bầu khí toàn cầu. Văn chương nếu từng được tự hào là nhịp cầu giao cảm giữa tâm hồn muôn phương thì Tâm Tình Người Đẹp hội đủ thành tố của tấc lòng mời gọi cảm thông và hiểu biết lẫn nhau trong bao dung, hòa hợp (*)
“Văn sĩ là người độc nhất phải cho đồng bào của họ tự hiểu, không những chỉ riêng cho dân tộc họ mà cả cho các dân tộc các nước xa xôi nữa. Đấy là trách nhiệm lớn của nhà văn:khả năng diễn tả những cảnh huống có thể rung cảm tâm hồn những người sống hoàn toàn khác họ.
Thật là khó khăn cho một văn sĩ một nước nhược tiểu đã thấu đáo các tác phẩm của các tài năng rất khác nhau như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Racine, Voltaire. Shakespeare, mỗi khi cầm bút viết. Họ cảm tưởng rằng tất cả những gì có ích lợi cho loài người đều đã được viết rồi, họ sinh trưởng trong một thế giời cũ quá và ở vào một nước nhỏ quá. Tuy nhiên vẫn còn có cái gí có ích lợi lớn lao cho nhân dân mà không Racine, không Shakespeare nào diễn tả nổi, chỉ có ở Việt Nam mà không một ai khác có thể nói cho thế giới nghe, đó chính là bản ngã của các bạn” (Diễn từ của Văn Hào Kelvin Lindemann, trong buổi tiếp tân ngày 26.11.1957 tại trụ sở nhóm Bút Việt, Đặc San Bút Việt, VietNam P.E.N Bulletin, số mùa xuân Mậu Tuất, 1958, tr. 22.)
------------------------------------------------
LỜI CHÚ (*) “Tác phẩm mà chúng ta có thể thưởng thức cái thú văn nghệ và vẻ đẹp ấn loát này đã thành hình do những ngày Vũ Hoàng Chương lưu trú tại Knokke hồi 1959 (khi qua đây dự Hội Nghị Quốc Tế Thi Ca.) Một cách kỳ diệu, ông đã gián tiếp đề cập tới đề tài của Hội Nghị lưỡng niên hiện nay.” Bản dịch bản tin của hội nghị Quốc tế thi ca lần thứ 5 tại Knokke-le-Zoute năm 1961, dẫn theo Phạm Việt Tuyền, Tôi Đọc Thơ, Phong Trào Văn Hóa, Sài gòn, 1973, tr.12.)
-----------------------------------------------
Mỹ cảm phương Đông.
Hồn thơ Vũ đã thuộc về phương đông ngay tự tập thơ đầu. Từ thuở Chàng Say ôm vũ trụ / thu trong bầu rượu một đêm trăng (Chân Hứng, Thơ Say, 1940). Như thế, sự gợi ý của hội thơ bên Hắc-Hải năm nao chỉ là dịp để thi nhân nâng niu thi hứng không chỉ cho riêng mình. Phương Đông của người từng làm nên sự nghiệp Thơ, khi bàng bạc, lúc chan chứa, trước và sau sự ra đời của Tâm Tình Người Đẹp. Dòng suối ngọt huyền diệu này từ thượng nguồn cho đến lúc ra khơi là tượng hình của nguồn cảm thức lẫn tư tưởng mang tên họ Vũ. Vòng luân hồi đã ngược chiều quay / ma thôi vất vưởng, trời thôi lưu đày (Tin Xuân, Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau, 1974.)
Hồn phương Đông là giấc mộng lớn của thi nhân không chỉ vương vấn hình bóng của người thiếu nữ bước ra từ trang sách cổ, của người thương nữ sông Đà, âm ba của tiếng đàn nơi bến Tầm dương hiu hắt. Nó còn là tiếng vọng cổ bồn của Trang khi vùi lấp mối tình. Là giấc mộng công danh lỡ làng của kẻ buông trôi thân thế.
Tâm Tình Người Đẹp, tự nó đã thú nhận không gian chiếm lãnh hồn người bằng men nồng của quá khứ. Trong Tâm Tình Người Đẹp, cảm thức phương Đông, với thi nhân, không là sự trở về bến cũ. Mà là sự phát giác một linh hồn xưa ẩn nấp quanh ta
Mây sớm mưa chiều miệng hỏa sơn
Chứa đôi hồ mộng nước xanh rờn
Đáy sâu cặp mắt xanh Thần Nữ /
Lửa khói đang chờ dịp bốc cơn
(Tâm Tình Người Đẹp, Tâm Tình Người Đẹp.)
Điều được gọi là huyền cảm, chính là dòng hải lưu ẩn mật chảy qua quê hương như một tình cờ. Tình cờ như chính câu chuyện đầu môi mang nguồn gốc của dấu chân giao thoa văn hóa.
Người làm thơ hôm nay còn đưa ra cách giải cứu việc ly cách dẫu ngàn trùng. Thơ từng phá vây, làm tan rã lòng người. Thơ nay sẽ là nhịp cầu gặp gỡ, tương phùng. Xóa đi huyền thoại của chia ly xuất phát tự phương đông từng theo thời gian, kiên cố như lời nguyền của đá.
Bút thơ guồng lấy sợi tơ vàng
Dệt lấy buồm trăng để quá giang
Thi sĩ đêm nay lòng Ả Chức
Sông Ngân vèo một chuyến sang ngang
(Chẳng Đợi Cầu Ô, Tâm Tình Người Đẹp.)
Phương đông từng xây dựng bao huyền thoại quanh các hiện tượng thiên nhiên như thể đặt con người vào vòng vây huyền nhiệm của đất trời, cái cách khuyên nhủ con người sống an hòa với thiên nhiên, với đất trời luôn mở lòng cho nương tựa. Mưa ngâu dằng dặc là cơ hội để thi nhân làm công việc dỗ lòng người trước thử thách không còn là điều hiếm hoi. Dường như con người sẵn mở lòng để nghe chuyện làm vơi nỗi u uất tháng ngày. Chức Nữ bên guồng tơ, năm năm là người chịu tội thay cho nạn nhân của mối duyên cách trở
Ả Chức guồng mây se chỉ khâu
Cho lành tâm sự vết thương sâu
Ai hay một mũi kim vừa phóng
Là phóng theo ra một huyết cầu
(Bí Mật Cung Thiềm, Tâm Tình Người Đẹp.)
Trước sau Đông phương vẫn để lại nét diễm lệ trong thơ Vũ. Không chỉ như món trang sức lộng lẫy mà còn là một thâm cung tư tưởng không khám phá hết. Bầu khí Đông phương chính là không gian thơ Vũ, tự nhiên như hơi thở.
Vẻ huyền nhiệm đông phương cũng từng là nhan sắc của tâm hồn người thơ hòa điệu với văn chương. Đông phương không chỉ riêng cho thi nhân nhưng đã được người làm thơ cao điệu hóa như mẫu mực vàng son của nghệ thuật. Đông phương đã ở lâu trong Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm. Trong Ta chẳng mò trăng như Lý Bạch. Trong Nửa truyện Hồ Ly trang sách giở. Trong Mặt giếng thêu vàng xác lá ngô. Trong Đây Hàng Châu thường mơ ước đêm Hoa Đăng.
Vũ đã chiêu nạp Đông phương vào hồn như Trang mơ xác bướm. Vũ đã chuyển kiếp cho Đông phương không chỉ bằng Thơ và không chỉ khi đặt phương Đông đối diện với phương Tây trong cuộc giao thoa tư tưởng. Quả là trong trường hợp này, thi nhân đã thắp sáng cho Thơ trí tuệ của một tâm hồn.
Sức Máy hàng trăm triệu tấn băng
Tư Duy chết cứng bẹp thăng bằng
Thơ đâu ...hãy thắp vào cây sậy
Ánh lửa mười phương Nhật Nguyệt Đăng
(Lửa Cháy Băng Tan, Tâm Tình Người Đẹp.)
Hồn phương Đông không là nguyên dạng hình mẫu nơi xuất phát mà là hình tượng hay tư tưởng gần gũi với thi nhân và từng được chọn để sánh vai trong bao rung cảm. Việc thi nhân dốc chén từng được nâng thành bản ngã, so với người xưa, để đo lường mức độ chung thủy với cái say. Say không còn là điều lảo đảo thần trí, ruồng rẫy ý thức, mà để bày tỏ lòng tin tuyệt đối vào giấc mơ siêu thoát Lý Bạch đã làm khi ôm vầng trăng bạch dưới đáy sông. Thơ là bè lau đưa người đến cõi tiêu dao.
Cỏ gọi lên cành lá gọi chim
Cánh chim bay khắp lưỡng gian tìm
Thơ ai thả đó bè mây trắng
Nổi trắng đầy sông vớt nguyệt chìm
(Lý Bạch Còn Chăng, Tâm Tình Người Đẹp.)
Cái say Đông phương di lưu rõ rệt hơn cả trong thơ và nơi nhà thơ họ Vũ, cái say mẫu mực nơi thi thần mang ý thức phản kháng mạnh mẽ với thực tại, thể hiện niềm khát khao an lạc của bao người.
Lấy rượu làm binh khởi thế công
Bầu trời tan dưới gót thi ông
Men vàng dốc nguyệt đêm quăng chén
Một nước thanh bình mở giữa sông
( Hồn Thơ Họ Lý, Cành Mai Trắng Mộng)
Hơi thở dân tộc.
Tâm Tình Người Đẹp là cuộc trở về khơi dậy tình tự mang bản sắc quê hương mà đến năm 1965 mới có cơ duyên quy tụ bao quát và rộng rãi trong một cuộc vận động văn hóa được phó thác trong tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ.
Thơ hai-mươi-tám chữ nơi đây như bầy sao trên trời quê, nâng đỡ mảnh trăng non chứa đựng giấc mộng ngủ yên của thôn làng và tiếng vọng câu hát hòa trong gió như bài âu ca thuở trước.
Hơi thơ quê hương tìm thấy trong mối dây thắt buộc tình yêu đôi lứa, trong cái nhìn về ánh trăng thề còn ngời sáng đêm nao tìm nơi chứng giám.
Thơ giãi bày quan niệm của đại chúng về Trời, vừa là nguồn an ủy vừa là đấng phán xét con người trong một niềm tin hồn nhiên và nhiều cảm tính. Ông Trời của chúng ta xa mà gần. Sách ước phải chứa đựng những điều nhân nghĩa
Trời mỗi đêm bày mỗi vẻ sao
Thiên thư một cuốn mở dần trao
Lời vàng lấp lánh khuôn xanh ngắt
Ta ngẩng đầu vâng lĩnh ý cao
(Lĩnh Ý Vâng Lời, Tâm Tình Người Đẹp.)
Thơ 28 chữ vinh danh tấm lòng thiết thạch của gương xưa vốn được văn chương làm tỏ rạng. Trái tim u uất của chàng ngư phủ làm lay động lòng người dường ấy mà vẫn không vượt qua được sự lạnh lùng của thời gian và không gian. Thi nhân đã lau lại gương xưa để chỉ ra cái kiêu bạc của con người duy lý. Sự thật phải vượt qua chặng đường tư duy dài thăm thẳm, nhưng cũng không dài bằng thời gian nỗi thương xót ra đời nơi người thiếu nữ đài trang. Mối tình kia được cải trang thành ngọc khối kết tinh nghĩa là đã định được thời gian hoàn táng. Thi nhân viết lại trang cổ tích bằng vào mối nghi ngờ con người thời đại đa đoan. Bản mới truyện xưa là tiếng thở dài não nuột trong thơ khi chén ngọc còn nằm nguyên trên khay trà mỗi sáng
Sao vỡ từ muôn thế kỷ nay
Hàn quang mới tới Địa Cầu đây
Tình si kết ngọc còn nguyên khối
Cô gái đài gương đâu đã hay
( Đường Dài Thăm Thẳm, Tâm Tình Người Đẹp)
Một lần nữa thi nhân lại lấy kinh nghiệm truyện lòng mình khi cần chứng minh lòng thành cho điều cam kết. Đó cũng là sự can thiệp của trăng làm người chứng ngay thật như lời nguyền, nhưng chẳng thể khi trăng thề chỉ là nửa mảnh. Trăng thề là linh hồn kẻ tình si sau khi làm chứng nhân cho lời nguyền của bao thế hệ. Với Vũ, trăng đã từng chỉ thuộc về một phương. Trăng của nhà ai trăng một phương. Nơi đây rượu đắng mơ đêm trường. Đến nay, trăng chỉ xoay về một hướng duy nhất, hướng của thi nhân. Vũ, có lẽ là người duy nhất gắn thân phận mình với một con trăng không toàn vẹn, con trăng bất động sau khi làm ch