TRA LƯƠNG DUNG查 良 鏞 (KIM DUNG)
Kim
Dung tên là Tra Lương Dung, xuất thân từ dòng họ Tra, một dòng họ nổi tiếng là
thư hương môn đệ, đã nhiều đời cư ngụ
Viên Hoa Trấn ở huyện Hải Ninh tỉnh Chiết Giang. Ông là hậu duệ của Tra
Thận Hành, một thi nhân nổi tiếng thời Khang Hy, và Tra Y Hòang, một người từng
được Bồ Tùng Linh trong Liêu trai Chí Dị khen ngợi là « ban ơn nhiều cho
người ta mà không cần cho biết tên, thật
là chân hiệp sĩ, cổ trượng phu» ; Cha ông là Tra Xu Khanh , năm 1950 bị
Trung Cộng kết tội là phản động và bị xử tử.
Ông là
nhà văn có nhiều độc giả nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại, và
truyện của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ở Việt nam, trước 1975, hầu hết
các báo hàng ngày đều đua nhau dịch truyện Kim Dung để câu khách. Độc giả của
ông có đủ thành phần, từ trí thức đến bình dân. Có nhiều nhà văn vì hâm mộ Kim
Dung, còn dùng tên những nhân vật trong tiểu thuyết của ông làm bút danh, như
Đòan Dự, Kiều Phong, Vương Trùng Dương…
Kim
Dung chào đời ngày 10-3-1924. Năm lên sáu tuổi ông vào học tiểu học ở trường
làng. Năm
lên tám tuổi, ông lần đầu đọc tiểu thuyết võ hiệp, khi đọc đến bộ truyện Hoang
Giang nữ hiệp荒 江女俠 của Cố Minh Đạo, cảm thấy
rất say mê, từ đó thường sưu tầm tiểu thuyết thể loại này.
-Năm
1936, Kim Dung rời gia đình lên Gia Hưng
để vào sơ trung.
-Năm
1937, khi quân Nhập xâm lăng Trung Quốc, vì chiến tranh Kim Dung phải di chuyển
theo trường học đến Dư Hàng, Lâm An, Lệ Thủy.
-Năm
1941 Kim Dung viết bài chế diễu viên chủ nhiệm huấn đạo là đầu hàng chủ nghĩa
trên một tờ bích báo, nên bị đuổi ra khỏi trường học, nhưng được hiệu trưởng là
Trương Ấn Thông giới thiệu đến học ở Cù Châu.
-Năm
1942, Kim Dung tốt nghiệp Trung Học ở Cù Châu.
-Năm 1944, Kim Dung thi vào học Ngọai Giao tại trường Trùng Khánh Trung Ương
Chính Trị Đại Học, nhân bất mãn với học sinh đảng viên ở trong trường nên tố
giác với ban giám học, nên lại bị đuổi học. Sau theo lớp huấn luyện ở thư viện
trung ương, được đọc một số lớn sách vở.
-Năm
1945, cuộc kháng chiến chống Nhật thắng lợi, Kim Dung từng tạm thời làm ký giả
cho báo « Đông Nam Nhật Báo ».
-Năm
1946 Kim Dung đến Thượng Hải theo học lớp luật Quốc tế ở trường Đông Ngô Đại
Học Pháp Học Viện, năm sau tốt nghiệp.
-Năm
2005, Kim Dung đã 81 tuổi rời Hương Cảng đến trường Đại Học Cambridge ở Luân Đôn
học và đậu bằng Thạc sĩ về lịch sử.
-Cũng vào năm 1946, Kim Dung làm
phiên dịch cho báo « Đại Công Báo » ở Thượng Hải, năm 1948 được điều
đến phân xă ở Hồng Kông. Năm 1950, Kim Dung đến Bộ Ngọai Giao Trung Cộng ở Bắc
Kinh đến xin làm, nhưng bất mãn với chính sách ngọai giao của Trung Cộng, thì
lại quay lại làm cho tờ « Đại Công Báo » phụ bản.
-Năm 1952 Kim Dung được điều đến
làm biên tập phụ bản tờ « Tân Văn Báo » ; ông viết các kịch bản
điện ảnh như « Tuyệt Đại Giai Nhân », « Lan Hoa Hoa ». Trong
thời gian này ông quen và làm bạn với tiểu thuyết gia võ hiệp là Lương Vũ Sinh.
Lúc bấy giờ Tổng Biên Tập là La
Tranh của tờ báo, sắo xếp để Lương Vũ Sinh viết truyện võ hiệp « Long Hổ
Đấu Kinh Hoa », còn Tra Lương Dung dưới bút danh Kim Dung viết truyện « Thư Kiếm Ân Cừu
Lục », tiếng tăm vang dội. Nhất thời Kim Dung được tề danh ngang cùng với
Lương Vũ sinh.
-Năm 1956 đăng suốt năm truyện
"Bích Huyết Kiếm» trên tờ « Hương Cảng Thương Báo ».
-Năm 1959, Kim Dung tự đứng ra
làm tờ Minh Báo, đăng liên tiếp truyện « Thần Điêu Hiệp Lữ ».
Dưới bút danh Lâm Hoan, từ năm
1953 đến năm 1958, Kim Dung từng viết kịch bản cho « Trường Thành Điện Ảnh
Công Ty », trong đó có « Tuyệt Đại Giai Nhân » được giải vàng
của Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc văn Hóa Bộ ». Cũng từng hợp tác làm
đạo diễn hai bộ phim. Hợp tác với Trùng Thiệp Cao làm phim « Hữu Nữ Hòai
Xuân ».
-Năm 1959, Kim Dung sáng lập tờ Minh
Báo ở Hương Cảng, sau ra thêm các tờ « Minh Báo Vãn Bao », « Minh
Báo Nguyệt san », « Minh Báo Chu San », và tờ « Tân Minh
Báo Nhật Báo » ở Mã Lại Tây Á. Kim Dung hòan thành việc thành lập Minh Báo
Xuất Bản Công Ty và Minh Sơn Xuất Bản Xã.
Tập đoàn Minh Báo của Kim Dung
doanh thâu năm 1991 lên đến một ức quan. Sau khi tập đòan Minh Báo ở Hương cảng
ra đời, ông dời bỏ công việc quản lý báo, đi chu du các nước, tĩnh tâm, nghiên
cứu kinh điển. Tên ông được liệt thứ 64, vào danh sách các Hoa nhân tỷ phú,
giầu có hàng trăm triệu ở Hương Cảng, trở thành
nhà văn điển hình giầu có.
Trên Minh Báo ông là người vừa
viết tiểu thuyết vừa viết bình luận. Người ta còn nhớ, năm 1960 khi ngọai giao
giữa Trung Công và Nga Sô bị xấu đi. Việc an toàn của Trung Cộng không có gì
bảo đảm, và toàn diện bị uy hiếp, Trung Cộng khai triển tích cực nghiên
cứu hạch tâm, võ khí nguyên tử.
-Năm 1963, Trần Nghị đề xuất « Hạch
Khố Luận », và nói : « Dù có đóng khố cũng phải tạo nguyên
tử ».
-Thì năm 1964, Kim Dung viết vài
bình luận trên Minh báo là :“Cần có khố mặc chứ không cần nguyên tử »,
phản đối chế tạo nguyên tử trong khi đất nước còn nghèo đói .Thế là Kim Dung bị
các báo Trung Cộng như « Đại Công Báo », « Văn Nhai Báo »,
« Tân Vãn báo » lên tiếng phản đối cho Kim Dung là « Phản Cộng
Phản Hoa », « Sùng bái Anh Mỹ », « Bội phản lập trường dân
tộc ».
Cuối cùng Trần Nghị phải ra mặt
chế chỉ sự công kích của phe tả phái. Mặc dầu, hệ thống Minh Báo không phải là
lọai báo quá khích, nhưng trong thời kỳ cuộc Cách Mạng Văn Hóa bạo phát, Kim
Dung và Minh Báo công khai giữ thái độ chống đối. Những bài viết của Kim Dung
thường chống lại với Văn Cách. Cụ thể là nhắc đến những công tích của Bành Đức
Hoài, cho kịch phẩm « Tạ Dao Hòan » của Ngô Hàm. Kim Dung bị các phần
tử tả phái ở Hương Cảng nhục mạ « Hán Gián », « Tẩu Cảu »,
« Sài Lang Dung », thậm chí còn bị đe dọa giết chết, nên có thời kỳ
Kim Dung phải dời Hương Cảng để ty nạn.
-Năm 1973, Kim Dung được Trung
Hoa Dân Quốc mời sang Đài Loan, đến gặp Tưởng Kinh Quốc.
Sau khi cuộc Văn Hóa Đại cách
Mạng kết thúc, khỏang năm 1981 đến 1984, Kim Dung có đi thăm lục địa, và từng
đàm luận với Đậng Tiểu Bình và Hồ Diệu Bang.
-Đến năm 1985, Hương Cảng Đặc
Biệt hành Chánh Khu Cơ Bản Pháp Khởi
Thảo Uỷ Viên Hội tuyên cáo thành lập, Kim Dung được chọn là một trong những ủy
viên, đứnh về phía Hương Cảng, là thành viên phụ trách « Cơ Bản Pháp Chính
Trị Thể Chế Khởi Thảo Tiểu Tổ »
Kim Dung cùng với Tra Tế Dân đề
xuất một phương án gọi là « Chính
Chế Hiệp Điệu Phương Án » để bàn cãi. Đối với thời bấy giờ thì phương án
này bị coi là bảo thủ, làm cản trở tiến trình dân chủ, nên không được Hương
Cảng ủng hộ.
-Năm 1991, Minh Báo Công Ty ra
đời, Kim Dung làm Giám Đốc Công Ty.
-Năm 2010 Kim Dung cỏn làm luận
án tiến sĩ ở trường đại học Cambridge ở Luân Đôn.
Bút danh Kim Dung của ông là từ
chữ Dung 鏞tách ra thành hai chữ
金 và 庸. Chữ Dung
鏞 nghĩa là cái chuông một loại nhạc khí thời cổ (金+ 庸.)
Kim Dung trứ tác phần lớn là võ hiệp tiểu
thuyết gồm 14 bộ mà ông xếp thành một câu đối:
飛雪連天射白鹿
笑書神俠倚碧鴛
Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc
Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên
(Tuyết bay đầy trời bắn
hươu trắng,
Truyện
cười thần hiệp tựa uyên xanh)
Phi Hồ Ngọai
Truyện 1960
Tuyết Sơn Phi
Hồ 1959
Liên Thành
Quyết 1963
Thiên Long Bát
Bộ 1963
Xạ Điêu Anh
Hùng Truyện 1957
Bạch Mã Khiếu
Tây Phong 1961
Lộc đỉnh
ký 1969-1972
Tiếu Ngạo Giang
Hồ 1967
Thư Kiếm Ân Cừu
Lục 1955
Thần Điêu Hiệp
Lữ 1959
Hiệp Khách
Hành 1961
Ỷ Thiên Đồ Long Ký 1965
Bích Huyết Kiếm 1956
Uyên Ương Đao 1961
Đúng ra, còn bộ chót là Việt Nữ Kiếm. Ngoài ra
Kim Dung còn viết nhiều bài chính luận và tản văn, nhưng tiểu thuyết võ nghệ
vẫn là nghề tay phải của ông.
Ông không viết thêm tác phẩm nào sau truyện Lộc Đỉnh
Ký (hoàn tất năm 1972). Thay vào đó, ông hai lần xem xét lại toàn bộ các tiểu
thuyết võ hiệp của mình, dự án cuối cùng dẫn đến việc tái bản Lộc Đỉnh Ký
vào năm 2006.
"Các tiểu thuyết
của Kim Dung viết không hay", ông viết trong "Nguyệt Vân",
tác phẩm được xem là Kim Dung nói về bản thân mình.
Nhưng "khi
ông viết và sau đó đọc lại tác phẩm của chính mình, ông thường khóc vì sự bất hạnh
của nhân vật. Khi ông viết rằng Dương Quá mòn mỏi chờ đợi Tiểu Long Nữ cho đến
khi mặt trời khuất bóng, ông khóc. Khi ông viết rằng Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn
bị buộc phải chia tay nhau, ông khóc. Khi ông viết rằng Kiều Phong giết người
yêu A Châu vì hiểu nhầm, ông khóc càng thảm hơn".
Những truyện ông
viết đều xuất phát từ trái tim của ông, và cũng chạm đến vô số trái tim khác.
Kim Dung mất buổi trưa ngày 30-10-2018, hưởng thọ 93 tuổi tại bệnh viện
ở Hương Cảng, để lại nhiều thương tiếc cho hàng chục triệu độc giả đã từng say
mê các tác phẩm võ hiệp nổi tiếng của ông.
Tra
Lương Dung là hậu duệ của Tra Kế Tá và Tra Tự Đình.
Tra Kế Tá
查 繼 佐
Tra Kế Tá (1601-1676) vốn tên là Kế Hựu, nhưng khi đi thi ở huyện viết
nhầm là Tá, bèn dùng luôn làm tên. Sinh ra trong thời buổi lọan lạc, Tra Kế Tá
sửa đổi khá nhiều tự hiệu như: Mới đầu tự
là Tam Tú, sau đổi ra là Y Hoàng (Tra Y Hòang), Kính Tu, hiệu là Dữ Trai, Tả Ẩn,
Phương Đan, Phát Tiêu, Chước Ngọc, Hưng Trai, đến cuối đời thì lại đổi là Đông
Sơn Chước Tẩu, người Viên Hoa, huyện Hải Ninh tỉnh Chiết Giang.
Lúc nhỏ nhà nghèo, nhưng ham học không biết mỏi mệt.Năm Sùng Trinh lục
niên, tức năm 1633, Tra Kế Ta Đậu Cử Nhân.
Dưới triều Nam Minh Lỗ Vương, Tra Kế Tá từng giữ chức Binh Bộ Chức Phương Chủ Sự,
tích cực chống lại nhà Thanh, và tham gia cuộc đấu tranh võ trang để bảo vệ Tiền
Đường Giang. Tra Kế Tá từng cầm quân đánh bại quân Thanh ở Giả Sơn, và đi theo
Ngự Sử Hòang Tông Hy vượt biển, đóng quân ở Đàm Sơn.
Đến khi nhà Minh bị
diệt, Tra Kế Tá đổi tên là Tỉnh, tự là Bất Tỉnh, và đổi chữ 查Tra ra chữ
Tra 楂, trở về tụ tập học
trò để dậy học, đồng thời biên sọan « Minh Sử ».
Năm Khang Hy nhị
niên, tức năm 1663, nhân liên lụy trong vụ án Minh Sử với Trang Đình Long bị bắt
bỏ ngục, nhờ có Đề Đốc Quảng Đông là Ngô Lục Kỳ tấu thỉnh biện giải mới được
tha.
Sau khi ra khỏi ngục,
Tra Kế Tá lại đổi tên là Tả Y, hiệu là Phi Nhân Dân, ẩn cư ở Giáp Sơn tỉnh Sơn
Đông, và tụ hội học trò để dậy học.Người bấy giờ gọi Tra Kế tá là Đông Sơn Tiên
Sinh.
Tra Kế Tá là người đam mê lịch sưu, trứ tác rất phong phú ; Tra Kế
Tá đã để ra 29 năm trời, sửa lại bản cảo đến 10 lần, phỏng vấn hàng ngàn người,
mới hòan thành tác phẩm Minh sử vĩ đại « Tội Duy Lục », ghi lại những
rất nhiều những tài liệu về các cuộc khởi nghĩa của nông dân cuối thời Minh mạt.
Về trứ tác, có « Ban Hán Sử Luận », « Lỗ Xuân Thu »,
« Sơn Đông Quốc Ngữ », « Quốc Thọ Lục », đều là tác phẩm
giá trị. Ngòai ra, Tra Kế Tá còn tinh thâm âm luật, thích gẩy đàn ca xướng, trong
nhà có ban nữ nhạc, do đích Tra Kế Tá dậy dỗ, và viết các tạp kịch như « Tục
Tây Sương Ký », « Minh Phong Độ », các truyện truyền kỳ có
« Tam Báo Ân », « Phi Phi Tưởng », và « Sơn Đông Ngọai
Kỷ », “Ngũ Kinh Thuyết », « Tứ Thư Thuyết », « Thông
GiámNghiêm », « Tri Thị Lục », « Nam Ngữ », « Bắc
Ngữ », « Kính Tu Đường Thi Tập », « Thuyết Nghi »,
« Việt Du Tạp Vịnh ». Tra kế Tá còn giỏi cả thư họa.
Bồ Tùng Linh trong Liêu Trai Chí Dị, từng có lời khen ngợi « ban ơn nhiều cho người
ta mà không cần cho biết tên , thật
là chân hiệp sĩ, cổ trượng phu 厚 施 而 不 问 其 名,夫 哉!Hậu thí nhi bất vấn kỳ danh, chân hiệp liệt cổ trượng phu tai ! ».
Cũng
trong Liêu Trai Chí Dị, truyện « Đại Lực Tướng Quân » có thuật truyện
về Ngô Lục Kỳ.
Ngô Lục Kỳ lúc hàn vi từng đi ăn mày, Tra Kế Tá thấy Ngô Lục Kỳ là người
hữu dũng khỏe mạnh, bèn mời uống rượu thật say, rồi tặng tiền bạc, sau đó bỏ ra
về.
Sau này Ngô Lục Kỳ tòng quân, làm quan đến Đề Đốc, nhưng không quên ân
nghĩa cũ. Khi Tra Kế Tá gặp tai nạn, Ngô Lục Kỳ ra sức cứu giúp, và từng đón
Tra Kế Tá đến Quảng Đông nghỉ ngơi, và từng giúp xây cất chỗ ơ cho Tra Kiến Tá.
Ngày
29 tháng 2 năm 1676 Tra Kế Tá qua đời,
thọ 75 tuổi.
Kim
Dung tác giả của những bộ tiểu thuyết võ hiệp của Trung Quốc, tên thực là Tra
Lương Dung, là hậu duệ của Tra Kế Tá.
Tra Tự Đình
查 嗣 庭
Tra
Tự Đình (1664-1727), tự là Nhuận Mộc, Hiệu là Hòanh
Phố, người huyện Hải Ninh tỉnh Triết Giang, đậu tiến sĩ năm Bính Tuất, Khang Hy
tứ thập ngũ niên, tức năm 1706, được tuyển bổ làm Hàn Lâm Viện Thứ Cát Sĩ. Năm
Khang Hy tứ thập bát niên, tức năm 1709, được thụ chức Biên Tu ở Tán Qúan. Năm
Khang Hy ngũ thập tứ, tức năm 1715, được làm Phó Khảo quan thi Hương ở Hồ Quảng.
Sau đó từ năm 1717 đến 1719, làm Hà Nam
Học Chính. Sau đó được thang làm Thị Giảng, Thị Độc, Thị Độc Đại Học Sĩ.
Năm
Ung Chính nguyên niên, tức năm 1723, do Long Khoa Đa tiến cử thăng làm Nội Các
Học Sĩ.
Đến
tháng 6 năm Ung Chính tứ niên, tức năm 1726,Tra Tự Đình được bổ nhiệm làm chính
khảo quan khoa thi hương ở Giang Tây.
Sau
đó, đến tháng 9 Tra Tự Đình trở về kinh, thì phát sinh ra vụ án ra đề thi.
Nguyên do có người cáo
giác bốn chữ "Duy Dân Sở
Chỉ 維 民 所止", mà Tra Tự Đình đã lấy từ Kinh Dịch dùng để làm đề thi, có hàm ý phỉ báng và cầu chúc cho vua Ung Chính
雍 正 bị chặt đầu.
Sở dĩ như vậy là vì hai chữ "Duy 維" và chữ "止" trong bốn chữ của
đề thi "Duy Sở Chỉ 維 民 所 止", theo cách chiết tự chính
là hai chữ "Ung 雍" và chữ "chính 正" bị cắt mất đầu.
Ung Chính phái người đến sưu tra những văn tự tại ngụ sở của Tra Tự Đình ở kinh, sau đó
cách chức Tra Tự Đình và tống giam vào ngục,
giao cho Tam Pháp Ty (tức Hình Bộ, Đô Sát Viện, Đại Lý Tự) điều tra vụ án.
Tháng tư năm Ung Chính ngũ niên, tức năm 1727,
Tra Tự Đình bị chết trong ngục thất.
Vụ án Tra Tự Đình là một vụ án văn tự ngục lớn
dưới triều vua Ung Chính và do chính Ung Chính tạo ra. Tội danh do hội đồng Cửu
Khanh, Hàn Lâm,Thiêm Sự sau khi thẩm tra, kết luận là "Đại nghịch bất
đạo, oán phỉ chớ chú", còn Ung Chính gán cho là "Tâm hòai óan
vọng", nên dù Tra Tự Đình đã bệnh chết trong ngục thất, cũng bị lôi thây
ra chém đầu thị chúng. Gia sản bị tịch thâu. Các anh và con cháu từ 16 tuổi trở
lên bị chém ngang lưng, vợ và con gái dưới 16 tuổi cho các đại thần làm nô bộc.
Tạị sao Ung Chính lại tạo ra vụ án văn tự ngục
ghê gớm đến thế. Các sử gia giải thích là vì Tra Tự Đình ngày trước vốn xu phụ
viên đại thần Long Khoa Đa, người từng với Niên Canh Nghiêu âm mưu ủng lập Ung
Chính, sau bị Ung Chính ghét và diệt trừ, nay Ung Chính nhân vụ an này muốn diệt
trừ nốt bè đảng của Long Khoa Đa ở trong triều.
PHẠM XUÂN HY
Anh Vũ, Nam Việt điểu
Mỗi người, mỗi giai đoạn cuộc đời,
đều có những cách thức riêng để ghi nhớ những kỷ niệm của mình. Có thể
đó là một danh từ mỹ miều nào đó. Có khi là tên một người con gái. Tên một
con đường. Tên một quán ăn. Riêng tôi, mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm thuở học
trò hàn vi, tôi lại liên tưởng đến tên một quán cơm bán cho học sinh nghèo,
nằm trên con đường Bùi Viện. Quán có tên là "Quán Anh Vũ". Một cái
nên nghe rất thơ, và rất văn nghệ. Tuy là quán bán cơm cho học sinh nghèo,
nhưng thiết chí, bầy biện trong quán lại rất ngăn nắp, lịch sự, có
không khí của một quán văn nghệ hơn là một quán ăn nhậu, vì dù sao, vào
thời điểm lúc bấy giờ, khách hàng của quán, phần đông là những mầm non của
đất nước, những thành phần được mệnh danh là "học sinh là người tổ
quốc mong cho mai sau" cả. Bàn ghế thì tất nhiên, luôn luôn sạch sẽ tươm
tất hơn những quán cơm bán cho dân nghèo lao động khác, nằm trải dài góc
đường Nguyễn Du và Tổng Liên Đoàn Lao Động, mà người viết lúc đó thường là
khách chung tình, sáng chiều lai vãng. Nhờ lối bầy biện có tính "văn
nghệ", và bán rẻ, lại ngon, quán Anh Vũ được nổi tiếng một thời.
Tại quán Anh Vũ, thỉnh thoảng
cuối tuần lại có một buổi ca vũ, nhạc kịch và ngâm thơ. Mỗi bữa ăn một phần
chỉ mất năm đồng. Có lần, hồi còn sống ở phòng bốn Trại Học Sinh Di Cư Phú
Thọ với một ông bạn, ông thường rủ tôi đến đó học ca hát và nhẩy múa để được
ăn "cơm chùa". Tôi vốn là "nhà quê lên tỉnh", từ bé, chỉ
biết đánh đáo, thả diều, và nhẩy "cò cò", nay nghe người bạn bảo
học "nhẩy", tôi liền hiểu lầm nhẩy là nhẩy "đăng sê bà
đầm", thì lấy làm thẹn thùng đỏ mặt, giật mình, lắc đầu quầy quậy. Không
đi. Thế rồi, nghèo quá, bụng đói đầu gối phải bò, tôi cũng theo người bạn đến
quán Anh Vũ. Nhưng cứ chén cơm xong là tôi lặng lẽ trả tiền rồi múa bài
"tẩu mã", chẳng học hành hát hỏng, nhẩy nhót gì cả. Để mặc người
bạn ở lại một mình. Sau này, vào đầu những năm của thập niên sáu mươi,
tôi không nhớ chính xác, quán Anh Vũ không bán cơm cho học sinh nghèo nữa, mà
trở thành phòng trà Anh Vũ, mở đầu cho phong trào phòng trà ca nhạc Sài Gòn
sau này.
Tôi không biết tuổi thọ của quán này là bao nhiêu, nhưng nay tóc tôi đã phôi
phai ngả mầu sương tuyết, hai chữ Anh Vũ vẫn nằm in sâu trong những kỷ niệm
yêu dấu về tuổi học trò hàn vi của tôi.
Gần đây, trong một bàn tiệc, ngồi ăn chung với mấy người bạn, tôi không rõ
câu chuyện bắt đầu từ đâu, mà thực khách bỗng tranh luận xoay chung quanh hai
chữ "Anh Vũ", làm tôi bùi ngùi,nhớ lại quán xưa.
Có người bảo Anh Vũ thuộc loài chim.
Lại có người bảo Anh Vũ là thuộc loài cá.
Cuộc tranh luận về "Anh Vũ" đã kéo dài đến lúc, tôi chỉ còn nghe
thấy những giọng nói nhựa nhựa của hai chàng lý sự "sờ voi", quyết
bảo vệ "lẽ phải" của mình. Rời rạc. Mơ hồ. Như phát ra từ một cõi
ngủ mê không rõ rệt, thì bên ngoài trời cũng bắt đầu đổ mưa. Một cơn mưa bụi,
sau những ngày nóng oi ả.
Tôi trở về nhà, bị quyến rũ bởi đề tài bỏ dở, bèn mở sách tự tìm lấy
nguồn gốc nghĩa của chữ Anh Vũ một mình.
1-Anh Vũ thuộc loại
gì ?
A-Nghĩa gốc của từ Anh Vũ 鸚 鵡
Anh Vũ nguyên là một từ ngữ Hán,
đọc theo âm Việt.
Tìm trong các từ điển Hán Ngữ như :
-Sách Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận thời Đông Hán, đã giải thích chữ
Anh 鸚 như sau:
"Anh, anh vũ, năng ngôn điểu dã,tòng điểu,anh thanh 鸚 鸚 鵡 能 言 鳥 也 從 鳥 嬰 聲Anh, tức
Anh Vũ,một loài chim có thể nói, thuộc thuộc loại điểu鳥 (chim), đọc là anh ".
Và chữ Vũ 鵡 thì Thuyết Văn Giải Tự giải
thích :
Vũ, tức Anh Vũ, sách Sơn Hải Kinh viết là trên núi Hoàng Sơn có loại chim
này, hình dáng giống như con chim hào 鴞, lông xanh mỏ đỏ, có thể nói được tiếng người.
-Còn Từ Nguyên, một cuốn từ điển chữ Hán nổi tiếng, chuyên giải thích các
từ cổ, của Phương Nghị và Lục Nhĩ Khuê, xuất bản năm 1915, thì giải
thích từ ngữ "Anh Vũ" như sau :
"Anh Vũ là tên gọi một loài chim, sắc lông mỹ lệ, đầu tròn, mỏ lớn mà
ngắn, phần trên của mỏ có hình dạng như một lưỡi câu, lưỡi mềm, qua huấn luyện
có thể nói được tiếng người."
-Theo Từ Điển Hán Ngữ hiện đại thì "Anh Vũ "được giải thích như sau
:
"Anh Vũ cũng là một loại chim đầu tròn, phần mỏ phía trên lớn, và
hình dạng móc câu, phần mỏ phía dưới nhỏ và ngắn, sắc lông mỹ lệ, có loại mầu
trắng, mầu đỏ, mầu vàng, mầu lục, sinh sống ở trong rừng vùng nhiệt đới, ăn
trái cây, có thể bắt chước tiếng người, thường gọi là Anh Ca."
Như vậy sự giải thích nghĩa gốc Hán tự của chữ Anh Vũ , dù từ điển cổ hay mới
, đều thống nhất rằng Anh Vũ là thuộc loài chim chứ không phải thuộc loài cá.
B-Anh Vũ qua các từ
điển Hán Việt cổ
Trước hết, là sách "Chỉ Nam
Ngọc Âm Giải Nghĩa 指 南 玉 音 解 義", một cuốn sách được các nhà nghiên cứu Hán Nôm coi
là một cuốn tự điển Hán Việt sớm nhất của Việt Nam, trong đó các từ chữ Hán
được giải thích ra tiếng Việt và viết bằng chữ Nôm, ra đời năm Tân tỵ, gồm 40
chương. Ở chương "Vũ trùng loại đệ tam thập nhất 羽 蟲 類 第 三 十 一"
tức là chương cắt nghĩa các từ chữ Hán thuộc loại lông vũ, đã giải thích chữ
Anh Vũ là :
Anh
Vũ suất tính người song
Là chim óng mỏ tiếng dùng líu lô
(Theo
bản Minh Gíam Đừơng khắc năm Cảnh Hưng nhị thập nhị niên Tân Tỵ mạnh xuân cốc
nhật tức năm 1761 và bản phiên âm của Trần Xuân Ngọc Lan in năm 1985).
-Sách "Nhật Dụng Thường Đàm 日用常談" của Phạm Đình Hổ 范 廷 琥, cũng là một loại Từ Điển Hán
Việt cổ, giải thích các chữ Hán thường dùng hàng ngày ra tiếng Việt viết
bằng chữ Nôm, ra đời khoảng năm Minh Mạnh thứ tám, tức 1827, sắp theo 32 môn
như Thiên Văn, Địa lý, Qủa thực, Cầm thú, Thuỷ tộc...
Phạm Đình Hổ đã phân biệt riêng rẽ hai cụm từ chữ Hán :
-Anh Vũ (鸚 鵡)
-Anh vũ ngư - ( Cá Anh Vũ 鸚 鵡 魚)
là hai loại khác nhau, và xếp vào loài chim (điểu 鳥) và loài cá (ngư 魚) để cắt nghĩa từng cụm từ một.
Tại môn "Cầm thú môn đệ tam thập 禽 獸 門 第 參 拾 " , Phạm Đình Hổ đã cắt nghĩa một cách ngắn gọn
"Anh vũ là vẹt 鸚 鵡 羅 樾", còn "vẹt đỏ 樾 赭 "
chữ Hán có tên là "tần cát liễu 秦吉了".
Và tại môn "Thuỷ tộc môn đệ tam thập nhất 水 族 門 弟 參 拾 壹 "
thì tác giả cắt nghĩa "Anh vũ ngư 鸚 鵡 魚 cũng gọi là cá Gia ngư 嘉 魚"
Tóm lại, mấy cuốn tự điển cổ liệt kê trên đây, dù Hán hay Việt, cũng đều thống
nhất ở một điểm là Anh vũ thuộc loại vũ trùng 羽 蟲.
Sau này, một số nhà làm từ điển Hán Việt, lại không cắt nghĩa riêng hai cụm
từ chữ Hán "Anh Vũ" và "Anh vũ ngư" như Phạm Đình
Hổ đã làm, song giải thích " Anh vũ 鸚 鵡" với hai nghĩa là :
a-Chim Anh vũ, con vẹt, con két
b-Cá Anh Vũ, là thứ cá rất ngon ở miền Bạch Hạc, Bắc Kỳ (poisson mandarin).
Từ đó, đưa người đọc đến sự ngộ nhận, phân vân, không rõ Anh Vũ thuộc loài
chim hay là cá.
Người viết xin được trở lại mục "Cá Anh Vũ" ở phần sau.
2-Chim Anh vũ, gốc ở
đâu ?
Cổ xưa, dưới chế độ phong
kiến ở Trung Quốc, các nước chư hầu đều có bổn phận phải vào triều và phải
dâng hiến cống phẩm cho thiên tử, người nắm quyền lãnh đạo tối thượng
đất nước. Những cống phẩm có đủ mọi hạng, mọi loại. Dưới mọi hình thức. Như
thực phẩm. Ngọc ngà. Tơ lụa.Trân cầm. Dị thú. Dựợc vật. Nhạc khí. Thậm chí cả
nô tỳ, và người bị hoạn nữa.
Nước Nam Việt của Triệu Đà, từ khi Đà khôn khéo từ bỏ đế hiệu, không đi xe
hoàng ốc, và không cắm cờ tả đạo, nhẫn nhịn xưng thần, tránh được cuộc chiến
tranh với nhà Hán để giữ nước Nam Việt, nhưng không tránh khỏi cái tục lệ
phải đem lễ vật vào triều cống thiên tử nhà Hán như các chư hầu khác.
Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vào năm 179 trước CN, Triệu Đà đã sai sứ
giả sang nạp cống cho Văn Đế nhà Hán là Lưu Hằng : một đôi ngọc bích trắng,
1000 bộ lông chim trả sống, 10 sừng tê, 500 vỏ ốc màu tía, một giỏ cà cuống,
40 đôi chim trả sống, hai đôi chim công.
Đến đời Triệu Minh Vương, cháu nội của Trọng Thủy, theo sách " Hán Thư-
Võ Đế Kỷ" của Ban Cố đời Hán, thì năm Nguyên Thú nhị niên, tức năm
121 trước Công Nguyên, vua nước Nam Việt, lúc đó mới lên ngôi được ba
năm, vẫn giữ lệ triều cống của cha ông mình, cống cho vua Hán Võ Đế,
một loại voi và một loại chim, mà Hán Thư chỉ ghi một cách gọi mộc mạc là
"Voi Dễ Bảo, và Chim Biết Nói -Tuần tượng, năng ngôn điểu 馴 象,能 言 鳥",
lại không ghi rõ là bao nhiêu con mỗi loại.
Sang đến đời Đông Hán, có Hứa Thận giải thích Anh Vũ là "năng ngôn
điểu" và đến đời Đường Thái Tông Lý Thế Dân, viên quan Bí Thư
Thiếu Giám là Nhan Sư Cổ được lệnh khảo đính ngũ kinh văn tự, và chú thích
sách " Hán Thư " của Ban Cố, giải thích Voi Dễ Bảo (tuần
tượng 馴 象) là voi
đã được nuôi thuần, và hiểu được ý người. Còn Chim Biết Nói (năng ngôn điểu 能 言 鳥) thì
Nhan Sư Cổ viết : "Năng ngôn điểu tức anh vũ dã, kim Lũng Tây cập Nam
Hải tịnh hữu chi 能 言 鳥 即 鸚 鵡 也 今 隴 西 及 南 海 并 有 之.
Năng ngôn điểu tức là chim Anh Vũ, nay (2) ở Lũng Tây và Nam Hải đều có.
Trong lời chú của sách Hán Thư còn dẫn sách "Nam châu dị vật
chí 南 州 異 物 志"
của Vạn Chấn, chẳng những kể rõ các loại chim anh vũ mà còn nói thêm là các
nước phía nam đất Giao Châu là xứ sở của loài chim này.
Sách viết rằng :
" Hữu tam chủng, nhất chủng bạch, nhất chủng thanh , nhất chủng
ngũ sắc, Giao Châu dĩ nam chi quốc , tận hữu chi , bạch cập ngũ sắc giả kỳ tính
vưu tuệ giải, cái vị thử dã...有 三 種 一 種 白, 一 種 青,
一 種 五 色 ,交 州 以 南 諸 國 盡 有 之 白 及 五 色 者 其 性 尤 慧 解 蓋 喟 此 也 Anh Vũ có ba loại, một loại trắng, một loại xanh,
một loại ngũ sắc, các nước phía nam đất Giao Châu đều có hết các loại đó.
Riêng loại trắng và loại ngũ sắc tính rất thông tuệ, nên mới gọi như
vậy.
Giao Châu nguyên khi trước tên là Giao Chỉ, đến năm 203 CN, đời Hán Hiến
Đế,Thứ Sử Trương Tân và Thái Thú Sĩ Nhiếp xin cải là Giao Châu.
Anh Vũ là một loài trân cầm của nước Nam Việt thời đó, chẳng những đã đẹp về
mầu sắc, dùng để quan thưởng, lại còn thông tuệ biết nói tiếng người, nên
được coi là một cống phẩm vừa quý báu vừa lạ kỳ.
Trong văn chương cổ điển của Trung Hoa, người ta gọi chim Anh Vũ là Nam
Việt Điểu 南 越 鳥, sở dĩ gọi như vậy vì Nam Việt là
nơi sinh sản của loài chim này, và vua Nam Việt đã cống hiến cho vua nhà
Hán.
Nhà thơ Trương Hỗ đời Đường, trong bài thơ "Anh Vũ", có câu :
Tê tê Nam Việt điểu
棲 棲 南 越 鳥
Sắc lệ tư trầm dâm
色 麗 思 沉 淫
Đây cũng là bằng chứng hùng hồn
xác nhận nguồn gốc của loài chim anh vũ.
Ngoài cái tên là Nam Việt Điểu, chim Anh Vũ còn được gọi bằng nhiều mỹ từ
khác nhau, tùy hoàn cảnh, nghe rất đẹp.
-Các tên gọi khác của Anh Vũ.
Chữ Hán có nhiều từ ngữ để chỉ chim Anh Vũ.
a-Tuyết Y Nữ 雪 衣 女
Theo sách "Minh Hoàng Tạp Lục 明 皇
雜 錄" thì vào năm Thiên Bảo đời Đường, tức khoảng năm
742-746 CN, đất Lĩnh Nam có cống cho vua Đường Minh Hoàng một con chim anh vũ
lông trắng. Anh Vũ được nuôi ở trong cung, lâu dần thông hiểu ngôn từ, được
Đường Minh Hoàng và Dương Qúy Phi yêu thích thường gọi một cách âu yếm
và lãng mạng là Tuyết Y Nữ, cô gái mặc áo tuyết.
Các cung nữ theo đó cũng gọi là Tuyết Y Nương.
b-Lục y sứ giả 綠 衣 使 者.
Theo truyền thuyết, về đời Đường, ở kinh thành Trường An, có nhà phú
hào tên
là Dương Sùng Nghĩa, bị vợ là Lưu Thị, âm mưu cùng với người hàng xóm
là Lý
Yểm giết. Huyện quan đến nhà Dương Sùng Nghĩa để tra xét, con chim Anh
Vũ nuôi trong nhà họ Dương bỗng nhiên nói là người giết chủ nó là Lý
Yễm, nhờ thế mà vụ án được khám phá.
Đường Minh Hoàng liền phong cho chim anh vũ là Lục Y Sứ Gỉa.
c-Lũng khách 隴 客.
Chim Anh Vũ về sau sản sinh nhiều ở Lũng Tây, nên còn được gọi một cách thật
văn vẻ là Lũng Khách, người khách đất Lũng Tây, hay Lũng Cầm, Lũng Điểu.
d-Anh Ca 鸚 哥
Vì có thân hình nhỏ bé xinh sắn nên Anh Vũ còn được gọi là Anh Ca.
3-Cá Anh Vũ gốc ở
đâu?
"Cá Anh Vũ", là
thứ cá rất ngon ở miền Bạch Hạc, Bắc Kỳ (poisson mandarin). Chẳng những thế
cá Anh Vũ còn được coi là một thổ sản của Việt Nam.
Sách "Đại Nam Nhất Thông Chí 大 南 一 統 志", một cuốn địa dư của Quốc Sử Qúan triều Nguyễn, ở
mục thổ sản tỉnh Sơn Tây cũng xác nhận rằng :
Cá Anh Vũ (Anh Vũ ngư) có tên nữa là Gia ngư 嘉 魚, sản ở ngã ba sông Bạch
Hạc, hàng năm cứ đến mùa rét mới có, vị rất ngon và ôn bổ, từ sông Bạch Hạc
trở xuống thì không có.
Một người bạn cũng nhắc cho tôi biết rằng, trong cuốn "Thương Nhớ Mười
Hai", nhà văn Vũ Bằng viết về những nỗi thương nhớ người vợ chiếu
chăn bị để lại ngoài Bắc khi ông di cư vào Nam. Ông kể lại là cứ vào tháng
hai, người vợ chiếu chăn này lại làm món chả cá cho ông ăn, mà phải là loại
cá Anh vũ vào tháng hai ở Việt Trì, thì mới béo. Cũng theo tác giả, cá Anh Vũ
ngoài món chả ra, còn có thể nấu cháo ám, và làm gỏi cũng tuyệt trần (Việt
Trì ngày xưa thuộc tổng Nghĩa An, huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn
Tây).
Riêng người viết, khi lớn lên, gặp cảnh đất nước loạn ly, có nhiều chỗ chưa
tùng đặt chân đến, nhà lại bần hàn, nhiều thứ chưa được nếm thử, nên không
được biết thứ cá ở sông Bạch Hạc này hình thể, mầu sắc như thế nào, và vì sao
cá lại lấy tên chim Anh Vũ mà gọi ? Và tại sao loại cá thổ sản này của Việt
Nam, lại không có những tên gọi nôm na thông thường như hàng chục tên gọi các
thứ cá khác như : Cá mè, cá rô, cá chép, cá trê, cá riếc, cá chuối, cá bông
lau, cá cháy, cá lòng tong, cá bống v.v.
Hoặc giả, loại cá này cũng từng có một tên gọi nôm na trước khi mang
tên Anh Vũ, nhưng nhờ có đặc trưng nào đó, hiếm quý như Anh Vũ, mà thành
tên chăng ?
Trong văn chương cổ điển Trung Hoa, người ta cũng từng thấy những địa danh,
tên động vật, tên phẩm vật khác có danh xưng là Anh Vũ. Nào là "Anh Vũ châu 鸚 鵡 洲 Bãi Anh Vũ", "Anh Vũ loa 鸚 鵡 騾 Ốc Anh Vũ", "Anh Vũ bôi鸚 鵡 盃 Chén Anh Vũ" v.v ...
-Ốc Anh Vũ, tức Anh Vũ loa 鸚 鵡 螺
Là một loại động vật nhuyễn thể sống ở biển,sinh sản ở nam Thái Bình Dương,
vỏ có hình xoáy trôn ốc, có thể dùng để chế tạo thành chén uống rượu, hay
những sản phẩm trang sức.
-Chén Anh Vũ, tức Anh Vũ bôi 鸚 鵡 盃.
Chén uống rượu được chế tạo bằng vỏ ốc anh vũ.Nhà thơ Lạc Tân Vương đời
Đường, trong bài "Đãng tử tòng quân phú" từng có câu thơ nhắc đến
loại chén này :
Phượng
hoàng lâu thượng bãi xuy tiêu
鳳 凰 樓 上 罷 吹 簫
Anh vũ bôi trung hưu khuyến tửu
鸚 鵡 盃 中 休 勸 酒
-Mầu
anh vũ, tức anh vũ lục鸚 鵡 綠
Ta thường gọi là mầu xanh lông vẹt.
-Bãi Anh Vũ,tức Anh Vũ châu 鸚 鵡 州.
Cá Anh Vũ, cũng như ốc Anh Vũ, chén Anh Vũ, bãi Anh Vũ thực ra chỉ là
những danh xưng vay mượn đặc trưng hay sự tích nào đó của Anh Vũ mà thành tên
gọi thôi, hoàn toàn không thuộc loại vũ trùng được.
Tuy thế, trong những từ điển lớn của Trung Quốc, như Từ Nguyên, Từ Hải người
viết đã không tìm được cụm từ "Anh Vũ ngư 鸚 鵡 魚" mà chỉ thấy giải thích cụm
từ "Gia Ngư 嘉 魚". Đó là một thứ cá đẹp và ngon, sinh sống ở Bính
Huyệt, người đất Thục gọi là Chuyết Ngư 拙 魚, cá này từ những khe đá theo dòng suối mà ra ngoài, con
lớn to chừng năm sáu xích.
Ngoài ra, trong cuốn Pháp Hán Đại Từ Điển, xuất bản năm 2003, có ghi một loại
cá, tiếng Pháp gọi là poisson perroquet và được dịch ra Hán ngữ là Anh chuỷ
ngư 鸚 嘴 魚.
4- Anh Vũ châu và xử
sĩ Nễ Hành.
Nhắc đến bãi "Anh Vũ
", người yêu thơ Đường tất phải liên tưởng đến bài thơ trứ danh
"Hoàng Hạc Lâu 黃 鶴 樓" của Thôi Hiệu, trong đó có hai câu :
Tình
xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
晴 川 歷 歷 漢 陽 樹
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
芳 草 萋 萋 鸚 鵡 州
Được
nhà thơ Tả Đà dịch :
Hán
Dương sông tạnh cây bầy
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Bãi châu này từng là một thắng cảnh thời Tam Quốc, là nơi tụ hội uống
rượu ngâm thơ của lớp người đạt quan hiển quý, tao nhân mặc khách, thời bấy
giờ. Châu nằm trong sông Trường Giang, huyện Hán Dương tỉnh Hồ Bắc, nhờ bài
"Anh Vũ phú 鸚 鵡 賦", một bài phú văn
chương trác tuyệt mà thành tên.
Nhưng nói đến bài phú "Anh Vũ ", cũng không thể không nhắc đến tác
giả của nó là danh sĩ Nễ Hành 祢 衡.
Nễ Hành là người cuối thời Đông Hán, tự là Chính Bình, người quận Bình Nguyên,
Bàn huyện (nay thuộc phía đông huyện Ninh Tân, tỉnh Sơn Đông), là một nhà từ
phú có tài, nổi tiếng là giỏi biện luận, nhưng tính tình phóng túng ngạo mạn,
lại thích dùng lời văn khinh bạc để hối nhục bọn quyền quý, nên mua hoạ vào
người. Nễ Hành chỉ chơi thân với hai người là Khổng Dung và Dương Tu.
Theo sách "Hậu Hán Thư" của Phạm Diệp thì:
Vào năm đầu Kiến An đời Hán Hiến Đế (từ năm 196 đến 220), Nễ Hành đến chơi
Hứa Xương, bấy giờ là kinh đô nhà Đông Hán, nơi tập trung của nhiều bậc danh
sĩ đại phu bốn phương, phần lớn là những người thân của phe của Tào Tháo. Như
Tư Không Duyện Trần Quần, Tư Mã Lương, Thượng Thư Lệnh Tuân Úc, Đãng Khấu
Tướng Quân Triệu Trĩ Trường.
Có người giới thiệu Nễ Hành nên tiếp xúc, giao thiệp với Trần Quần, Tư Mã
Lương, thì Nễ Hành ngạo mạn trả lời :
-Tớ làm sao có thể giao du với bọn mổ lợn, bán rượu ấy được !
Còn khuyên Hành vào bái kiến Tuân Úc, và Triệu Trĩ Trường, thì Hành đáp:
-Úc trông tướng mạo béo trắng, có thể sai đi điếu tang thì được, còn Triệu
Trĩ Trường bụng phệ là đồ giá áo túi cơm, chỉ đáng coi nhà bếp và tiếp khách
thôi.
Còn khi đề cập đến hai người tài tử danh sĩ khác là Thiếu Phủ Khổng Dung và
Chủ Bạ Dương Tu, là những người được Hành quý trọng, coi là bạn, thì Hành
cũng chỉ gọi sách mé thằng "Cu lớn",và thằng "Cu nhỏ" :
-Thằng cu lớn Khổng Văn Cử là bạn tớ, thằng cu nhỏ Dương Đức Tổ cũng là
bạn tớ. Ngoài ra, toàn bọn xoàng xĩnh cả, chẳng đáng nói đến làm gì.
Văn Cử là tên chữ của Khổng Dung, còn Đức Tổ là tên chữ của Dương Tu.
Đại khái, Hành có những ngôn từ xấc xược như thế.
(Thằng "Cu lớn " tức đại nhi 大 兒 và thằng "Cu nhỏ"
tức tiểu nhi 小 兒 . Chữ dịch của
Tử Vi Lang.
Nguyên văn chữ Hán,trong Hậu Hán Thư 後 漢 書 của Phạm
Diệp như sau :"大 兒 孔 文 舉,小 兒 揚 德 祖
.余 子 碌 碌 莫 足 數 也 - Đại
nhi Khổng Văn Cử, Tiểu nhi Dương Đức Tổ, dư tử lục lục mạc túc sổ dã ).
Trước đó, khoảng niên hiệu Sơ Bình đời Hán Hiến Đế (190 CN-193 CN), Hành được
Khổng Dung tiến cử lên nhà vua và xưng tụng Hành với nhiều ngôn từ đẹp đẽ.
Rồi lại nhiều lần đề cử tài năng của Hành với Tào Tháo. Tháo tỏ ý muốn
gặp. Nhưng Hành trong bụng vốn khinh ghét Tháo, thác bệnh, không chịu
đến, còn buông lời càn bậy.
Tháo trong lòng căm giận, nhưng vì Hành có tiếng là bậc tài danh, nên
không muốn giết. Tháo nghe tiếng Hành giỏi đánh trống rất hay. Tháo
muốn làm nhục Hành, bèn sai làm chức "cổ lại 鼓 吏", một chức quan nhỏ coi việc
đánh trống, rồi mở đại tiệc mời tân khách để thử tài trống của Hành và để mua
vui.
Theo lệ, người đánh trống đều phải thay áo cũ, mặc áo mới. Đến lượt Hành,
Hành đánh xong khúc Ngư Dương, từ tốn khoan thai đi tới. Dung mạo thái
độ không thay đổi. Tiếng trống đánh nghe rất bi ai thống thiết. Người ngồi
nghe, chẳng ai là không bồi hồi cảm động. Khi Hành đến gần trước mặt Tháo thì
dừng lại.
Bọn quân hầu của Tháo mắng :
-Cổ lại ! Sao chưa chịu thay áo mới mà dám cả gan đi tới vậy !
Hành đáp :
-Thay ngay đây.
Bèn tụt ngay cái quần trước hết. Sau đến các y phục khác, đứng tồng ngồng một
cục. Rồi mới từ từ đội mũ sầm mưu, mặc áo đơn giảo vào người, cầm dùi lên
đánh trống tiếp, xong đi ra. Sắc mặt không có gì xấu hổ, ngượng ngập.
Tháo chỉ cười, nói :
-Mình tính làm nhục hắn, nào ngờ lại bị hắn làm nhục.
Tuy thế, Tháo vẫn khư khư giữ ý muốn gặp Hành. Hành hứa sẽ đến. Nhân thế,
Khổng Dung mới bảo với Tháo là Hành có cuồng tật, nay đến xin gặp để tạ
lỗi. Tháo mừng lắm, dặn người giữ cửa hễ có khách thì thông báo ngay, rồi bầy
đại yến chờ Hành.
Hành mặc một chiếc áo đơn, đầu quấn sơ sài một cái khăn, tay cầm một cây dùi
dài ba xích, đến ngồi trước cửa đại doanh của Tháo, đập dùi xuống đất mà chửi
om lên.
Người giữ cửa vào bẩm với Tháo :
-Bẩm có một tên cuồng sĩ, ngồi ngoài doanh môn, chửi bới hỗn hào, xin cho bắt
để trị tội.
Tháo lấy làm tức giận, bảo với Khổng Dung :
-Nễ Hành chỉ là một thằng nhãi ranh, ta giết dễ như giết chuột. Nhưng hắn vốn
có chút hư danh, giết hắn, e xa gần cho ta là không có bụng dung nạp hắn. Nay
ta tống hắn cho Lưu Biểu, xem hắn ra sao ?
Rồi sai người cưỡi ngựa, ép Hành phải đi.
Lúc Hành sắp lên đường, những thuộc hạ của Tháo mở tiệc tiễn đưa ở ngoài tổ
đạo, bầy biện sẵn ở ngoài cửa phía nam để chờ, và dặn bảo nhau :
-Hành thường ăn nói hỗn xược vô lễ, nay nhân lúc hắn đến, ta nên
"ghè" cho hắn một trận !
Khi Hành đến, tất cả đều lặng thinh, chẳng ai muốn nói chuyện với Hành. Hành
ngồi xuống, khóc rống lên. Mọi người mới hỏi nguyên do tại sao lại khóc, thì
Hành đáp :
-Thằng ngồi thì như cái mả. Thằng nằm thì như thây ma. Đứng giữa đám mồ mả và
thây ma thế này, hỏi không khóc sao được ?
Sau này, sự tích Nễ Hành cởi truồng chửi Tào Tháo, được La Quán Trung, người
đời Nguyên tiểu thuyết hoá, mô tả trong "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa"
với những lời đối đáp rất linh hoạt, hấp dẫn người đọc hơn trong Hậu Hán Thư
của Phạm Việp viết bằng lối văn chép sử.
Người viết cũng xin được tóm lược ra đây một giai thoại khá lý thú
trong những giai thoại thời Tam Quốc là "Loã Y Mạ Tào 裸 衣 罵 曹" .
"Nễ Hành vì cự tuyệt Tào Tháo chiêu thỉnh, chê văn võ thủ hạ của Tháo là
loại bình dong vô năng, khiến cho Tào Tháo tức giận, phạt bắt phải đánh
trống trước yến tiệc để làm nhục.
Bọn quân hầu của Tháo bảo Hành :
-Đánh trống thì phải mặc áo mới!
Nhưng Hành lại cố ý mặc áo rách cũ. Bọn thủ hạ của Tháo lại hỏi :
-Sao không thay áo mới ?
Hành lập tức trước bàn tiệc, tụt bỏ hết quần áo ra, đứng lõa thể tồng ngồng.
Tháo mắng là vô lễ.
Hành phản đối, nói :
-Lừa vua dối chúa mới là vô lễ. Còn ta để lộ cái hình hài của cha mẹ là để
cho thấy sự trong sạch của thân thể !
Tháo cảm thấy lời lẽ của Hành có vẻ gai ngạnh châm chích, bèn hỏi :
-Vậy ngươi nói ai là kẻ ô trọc, dơ bẩn !
Hành trào lộng, chửi Tháo :
-Mày không biết kẻ tài người ngu, thế là mắt mầy bẩn. Không đọc Thi, Thư, thế
là miệng mày bẩn. Không nghe lời trung, thế là tai bẩn. Không hiểu cổ kim, thế
là thân bẩn. Không dung nạp chư hầu thế là bụng bẩn. Lòng thường mang chí
soán đoạt, thế là tâm bẩn.
Tháo cay lắm, nhưng lại sợ mang tiếng ác là hại người hiền, bèn đầy Hành đến
Kinh Châu để nhờ tay người khác giết.
Bấy giờ Châu Mục Kinh Châu là Lưu Biểu, không muốn dùng Hành, bèn đem Hành
tặng cho Thái Thú Giang Hạ là Hoàng Tổ. Nhưng Tổ là người bình dong vô năng,
từng bị Tôn Kiên, Tôn Quyền đánh bại nhiều trận thất điên bát đảo, trong bụng
thường không có ý dung nạp Nễ Hành, và thường tìm cách tống khứ Hành đi nơi
khác. Nhưng vì Hành là bạn thân của con Tổ là Hoàng Xạ.
Một hôm, Tổ mở yến tiệc đãi tân khách. Khách tất cả đều là lớp người quan
chức hiển quý, Tổ cố ý xếp cho Hành ngồi vào một xó tối, mỗi lần đem rượu mời
khách, Tổ đều đi vòng qua chỗ ngồi của Hành, để cho Hành bị mất mặt, nhưng
Hành vẫn thản nhiên tự như ngồi yên.
Bấy giờ có một vị tân khách, đem tặng cho Tổ một con chim Anh Vũ, và nói :
-Gía như trong tiệc này, ai có thể làm bài phú về con chim này để trợ hứng
rượu cho mọi người nhỉ !
Khách tuy là những kẻ hiển quý, nhưng tài nghệ văn chương đều xoàng, nên
chẳng ai dám lên tiếngtrả lời. Hoàng Tổ bèn nhân cơ hội nói kháy Nễ Hành :
-Ở đây có bậc cao tài, há không thể làm được bài phú ngay tại bàn tiệc hay
sao !
Hành nghe Tổ nói thế một phần trong bụng có vẻ không bằng lòng, một phần muốn
nhân cơ hội hạ Hoàng Tổ, bèn lên tiếng:
-Việc này có gì khó đâu ?
Rồi đứng dậy trải giấy, cầm bút, viết một hơi thành bài "Anh Vũ
phú", mọi người xúm lại đọc, thấy quả nhiên là một áng văn chương trác
tuyệt, chữ chữ là những hàng châu ngọc long lanh. Nhưng nếu đọc đi đọc lại sẽ
nhận ra chỗ ngang ngang, bất thường, bài phú hàm chứa đựng những ý châm chọc
khoét tội Hoàng Tổ.
Hoàng Tổ chưa từng bị người nào dám hối nhục mình trước mặt đông đảo mọi
người như thế, nhất thời không giữ nổi bình tĩnh, cơn giận bộc phát, bèn hạ
lệnh đem Hành ra chém ở bãi đất bồi, huyện Hán Dương.
Hành chết, năm đó mới có hai mươi sáu tuổi. Tác phẩm đại biểu của Nễ Hành
ngoài bài "Anh Vũ phú", là một bài phú ưu tú thời Hán mạt, được
người đời ngâm vịnh lưu truyền, Nễ Hành còn có hai tập là "Tùy Thư Kinh
Tịch Chí" và "Nễ Hành tập", nhưng nay đều thất truyền cả.
Hậu thế thương tiếc Nễ Hành là người tài hoa, nhân vì làm bài "Anh Vũ
phú" mà bị chết, mới đặt tên bãi đất bồi đó là "Anh Vũ châu".
Và danh xưng của bãi đất bồi này cũng nhờ đó được lưu truyền thiên cổ.
Riêng Hoàng Tổ giết xong Nễ Hành, có ý hối hận, dùng hậu lễ chôn cất Nễ Hành,
trên bãi Anh Vũ châu đó. Sau bãi châu này bị nước vùi mất vào cuối thời Minh
mạt, ngôi mộ thật của Nễ Hành cũng bị mất theo. Đến năm Quang Tự nhị thập lục
niên,tức năm 1900, người ta cho lập lại mộ của Nễ Hành, làm bằng đá và có hình
vuông. Trước mộ có tấm bia khắc mấy chữ:
"Hán xử sĩ Nễ Hành mộ 漢 處 士 祢 衡 墓"
Bài viết này không có tính cách
của một bài nghiên cứu, chỉ là truyện cà kê dê ngỗng, viết để mua
vui bạn bè và tự mua vui cho mình, trong cảnh chiều tà bóng lẻ, bằng hữu một
thời từng ước mơ được làm người "học sinh là người tổ quốc mong
cho mai sau", nay đã trở thành những "ông bình vôi" sần sùi,
và đang thưa thớt dần, còn lại mình ai cô đơn trên đất khách bên ngọn đèn
lạnh lẽo, khác nào như hai câu thơ cổ cuả nhà thơ Mã Đái đời Đường :
Lạc
diệp tha hương thụ
落 葉 他 鄉 樹
Hàn đăng độc dạ nhân
寒 燈 獨 夜 人
Do
đó, không thể tránh khỏi những điều bất cập và thiếu sót.
Cũng xin được dãi bầy phân tỏ và mong các bậc cao minh rộng tình lượng thứ.
Phần chú thích riêng của Phạm xuân Hy.
Hứa Thận 許 慎 :
Hứa Thận là văn học gia, kinh học gia đời Đông Hán, người Nhữ Nam Chiêu Lăng,
tự là Thúc Trọng, học trò Gỉả Qùy, từng nhậm Thái Úy Nam Các Tế Tửu. Hứa Thận
là người bác học, thông kinh sử, được vinh dự mệnh danh là "Ngũ Kinh Vô
Song Hứa Thúc Trọng", tác phẩm có "Thuyết Văn Giải Tự "gồm
mười bốn quyển, là mộ tác phẩm trọng yếu mà người đời sau dùng làm căn
bản để nghiên cứu và viết về những vấn đề liên quan đến văn tự.
Hoàng Hạc Lâu 黃 鶴 樓
Lầu Hoàng Hạc được dựng trên một chỏm núi có tên là Hoàng Hạc Ki, thuộc dẫy
núi Đà Sơn, cổ xưa nơi đây là một chỗ quân sự trọng yếu thuộc Vũ Xương,
thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc. Cùng với Nhạc Dương Lâu ở tỉnh Hồ Nam,và
Đằng Vương Các ở tỉnh Giang Tây, Hoàng Hạc Lâu được xưng tụng là Giang Nam
Tam Đại Danh Lâu.
Hoàng Hạc Lâu có một lịch sử lâu đời. Theo truyền thuyết thì vào thời kỳ Tam
Quốc, năm Hoàng Võ nhị niên của nước Ngô, tức năm 223 CN, cách nay cũng hơn
một ngàn bẩy trăm năm, Tôn Quyền cho dựng Hạ Khẩu Thành ở Đà Sơn, thành có
chu vi hơn một cây số. Đồng thời, trên chỏm núi cao ở mé tây nam của Đà
Sơn, nhìn xuống sông, cho cất một cái lầu, để đứng trên đó nhìn ra xa, quan
sát canh phòng. Lầu này chính là tiền thân của Hoàng Hạc Lâu.
Trải qua nhiều biến đổi thăng trầm của thời thế, Hoàng Hạc Lâu nhiều lần bị
phá hủy, rồi trùng tu lại. Riêng chỉ nhà Thanh thôi, cũng đã có bốn lần trùng
tu.Và lần bị đốt phá cuối cùng là vào năm Quang Tự thập niên, tức năm
1884.
Căn cứ vào những văn thơ ở các thời Lục Triều, Đường triều, các họa phẩm của
các triều Tống, Nguyên, Minh, Thanh, các bức hình chụp vào cuối đời Thanh Mạt,
người ta thấy rằng Hoàng Hạc Lâu ngày xưa là một ngôi lầu hiên ngang hùng vĩ,
huy hoàng tráng lệ, chênh vênh chót vót, giữa mây và nước, trông thấp thoáng
mờ mịt, cơ hồ như "tiên cung". Vì thế, Hoàng Hạc Lâu đựơc phụ hội
thêm những giai thoại thần tiên. Như tiên nhân Vương Tử An cưỡi hạc đi qua
chỗ này. Rồi Phí Văn Vĩ cũng từ lầu này cưỡi hạc về trời. Lại truyện họ Tân mở
quán bán rượu có đạo sĩ vẽ lên tường một con hạc, khi vỗ tay, thì hạc từ trên
tường nhẩy xuống múa, nhờ thế quán đông khách, họ Tân trở nên giầu có.
Ngoài ra, Hoàng Hạc Hạc Lâu còn là chỗ của các tao nhân mặc khách các đời,
đến chiêm ngưỡng phong cảnh, và đề thơ ngâm vịnh rất nhiều. Đặc biệt là bài
"Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu đời Đường được lưu truyền thiên
cổ.Việt Nam có nhiều bản dịch bài thơ này.
Năm 1981, Hoàng Hạc Lâu được chính quyền tỉnh Vũ Hán quyết định cho trùng tu
lại, sau bốn năm thì hoàn thành. Hiện nay, Hoàng Hạc Lâu là một ngôi lầu năm
tầng cao, tầng nào cũng có mái cong, trong ngoài đều có tranh vẽ , tô điểm
trang nhã phú lệ, được coi là là nơi khách du lịch thế giới đến thăm nhiều.
Triệu Minh
Vương 趙 明 王
Tên húy là Anh Tề, con của Văn Vương Triệu Hồ, và là cháu nội của Trọng Thủy,
từng bị đưa sang làm con tin nhà Hán, rồi lấy vợ người Hán là Cù Thị. Năm 125
trước Công Nguyên, Triệu Hồ mất, Anh Tề từ Hán về lên nối ngôi, tức Triệu
Minh Vương. Nhà Hán thường sai sứ sang khuyên Minh Vương vào chầu, nhưng Minh
Vương cáo bệnh, không đi, chỉ sai con là Thứ Công vào làm con tin, vì sợ vào
yết kiến phải theo pháp độ của Hán ngang với các chư hầu ở trong. (Vả, Triệu
Đà cũng đã từng dặn con cháu rằng: "Đối với nhà Hán cốt
đừng thất lễ, nhưng rốt lại, chớ có nghe lời ngon ngọt mà vào yết kiến, vì hễ
đã vào thì không về được đâu. Âý là lâm vào cái thế mất nước. Trích từ
"Sử Ký-Nam Việt liệt truyện " của Tư Mã Thiên. Nguyên câu văn chữ
Hán "且 先 王 昔 言, 事 天 子 期 無 失 禮 ,要 之, 不 可 以 說 好 言 入 見. 入 見 則 不 得 歸 , 亡
國 之 勢 也 Thả tiên vương tích ngôn , sự
thiên tử kỳ vô thất lễ, yếu chi bất khả dĩ thuyết hảo ngôn nhập kiến,
nhập kiến tắc bất đắc qui vong quốc chi thế dã)
Năm 113 trước Công Nguyên, Triệu Minh Vương mất. Ở ngôi mười hai năm.
Hán Thư 漢 書
Hán Thư tên gọi của một cuốn chính sử của Trung Quốc viết theo lối kỷ truyện
thể, còn có tên là "Tiền Hán Thư", gồm 120 quyển, khởi đầu từ Hán
Cao Tổ Nguyên Niên tức năm 206 trước Công Nguyên, chấm dứt vào năm Địa Hoàng
tứ niên đời Vương Mãng, tức năm 23 Công Nguyên, ký thuật 230 năm lịch sử của
nhà Tây Hán.
Tác giả của Hán Thư là Ban Cố, sinh năm 32 CN và mất năm 92 CN. Ban Cố tự là
Mạnh Kiên, người An Lăng Phù Phong (nay thuộc đông bắc thành phố Hàm Dương
tỉnh Thiểm Tây).Vào lúc đó, sách Sử Ký của Tư Mã Thiên chỉ viết đến năm Thái
Sơ đời Hán Võ Đế, nhân thế, cũng có một số người như Lưu Hướng, Lưu Hâm,
Phùng Thương, Dương Hùng, viết Sử Ký tục biên.Những tác phẩm tục biên này đều
không được Ban Bưu, cha Ban Cố, đồng tình, Ban Bưu bèn tự mình viết hơn mấy
chục biên truyện nối theo Sử Ký.
Khi Ban Bưu mất, Ban Cố mới có hai mươi ba tuổi, bèn quyết tâm nối chí
cha,chỉnh lý di cảo của Ban Bưu, để hoàn thành những gì Ban Bưu đã trứ tác.
Nhưng không ngờ, bị người tố giác là "Tư cải Quốc Sử", vì thế Ban
Cố bị bắt bỏ ngục. Nhờ có người em là Ban Siêu, hết lời minh oan, Ban Cố được
phóng thich. Khi Hán Minh Đế xem đến thư cảo của Ban Cố, biết Ban Cố là người
có tài, liền mời Ban Cố đến Lạc Dương ,bổ nhậm làm Lan Đài Lệnh Sử, sau thăng
đến Điển Hiệu Bí Thư, để cho Ban Cố viết Hán Thư, hoàn thành nhiệm vụ tu sử
của cha mình.
Ban Cố đã để hết tinh thần, trí lực, chữa đi sửa lại, trong vòng hai mươi
năm, viết gần hết những bộ phận lớn của Hán Thư thì qua đời. Phần định cảo
còn lại là do em gái Ban Cố, là Ban Chiêu viết tiếp.
Hán Thư là bộ sử vĩ đại, gồm một trăm biên, đứng về mặt thể tài, thì so với
Sử Ký đều cùng là loại sử viết theo kỷ truyện thể. Nhưng Sử Ký thì ghi khởi
đầu từ truyền thuyết Hoàng Đế, và chấm dứt ở Hán Võ Đế còn Hán Thư ký thuật
những việc lịch sử từng đời vương triều của nhà Tây Hán.
Từ đó, chính sử của các đời sau của Trung Hoa, đều chọn thể tài nầy để viết,
đó cũng là sự công hiến lớn lao của Ban Cố vậy.
Hán Võ Đế Lưu
Triệt 漢 武 帝 劉 徹
Là con thứ chín của Hán Cảnh Đế, mẹ là Vương Thị, sinh năm 156 t CN. Khi Hán
Cảnh Đế mất năm 141 trứơc CN, Lưu Triệt lên nối ngôi, sang năm sau định niên
hiệu là Kiến Nguyên, các đời vua có niên hiệu từ đó. Năm Thái Sơ Nguyên niên
(tức 104 t CN),Hán Võ Đế cải đổi lịch nhà Tần,lấy tháng giêng ( chính nguyệt)
là tháng đầu của một năm.Trong thời gian trị vì Hán Võ Đế nghe lời kiến nghị
của Đổng Trọng Thư " bãi chuyết bách gia, độc tôn nho thuật", đề
cao nho gia,cấm chỉ học thuyết của các nhà khác,lấy nho học làm cơ sở
thống nhất tư tửơng để củng cố chính quyền. Đồng thời, ban bố "Thôi Ân
lịnh", lệnh cho các chư hầu vương chia đất cho con em thành nhiều hầu
quốc nhỏ, nhằm mục đích làm suy yếu thế lực của họ.Ở địa phương, Hán Võ Đế
thiết lập thêm mười ba bộ Thứ Sử để dễ bề khống chế. Ở mặt bắc, năm138 trước CN,
Hán Võ Đế phái Trương Khiên sang Tây Vực liên lạc với Đại Nguyệt Thị để đánh
Hung Nô. Năm 119 sau khi thắng Hung Nô, Hán Võ Đế lại phái Trương
Khiên sang Tây Vực, mang theo nhiều phẩm vật để thăm các chính quyền Tây Vực,
và đem về Trung Quốc tơ lụa, đồ sắt, và các hạt cây bồ đào, mục túc, hạch
đào.
Năm 111 trước Công Nguyên, nhân nước Nam Việt nội loạn vì không chịu phụ
thuộc, và vua còn nhỏ, Võ Đế sai Phục Ba Tướng Quân Lộ Bác Đức, và Lâu Thuyền
Tướng Quân Dương Bộc đem binh sang đánh Nam Việt, đốt kinh đô Phiên Ngung
thành, bắt Nam Việt Vương Kiến Đức, và Tể Tướng Lữ Gia, nước Nam Việt bị mất.
Hán chiếm Nam Việt và chia đất này ra làm chín quận là :
1-Nam Hải (nayQuảng Châu,tỉnh Quảng Đông). 2-Thương Ngô (nay Ngô Châu tỉnh
Quảng Tây). 3-Giao Chỉ (nay là Hà Nội Việt Nam).4-Hợp Phố ( nay là Hợp Phố
tỉnh Quảng Đông).5-Uất Lâm (nay là Quế Bình tỉnh Quảng Tây.6-Cửu Chân
(nay là Thanh Hóa Việt Nam).7-Nhật Nam (nay là Quảng Trị Việt Nam ).8-Châu
Nhai (nay là Quỳnh Sơn,tỉnh Nam Hải).9-Đam Nhĩ (nay là Đam Châu tỉnh Hải
Nam).Nhưng theo sử gia Bá Dương thì là 10 quận, tức có thêm Tượng Quận.
Tuy võ nghiệp hiển hách, nhưng gần cuối đời, Hán Võ Đế mê muội bọn Vu thuật
bùa chú, dẫn đến sự kiện ‘’Vu Cổ’’, khiến con là thái tử Lệ
và Vệ Hoàng Hậu chết oan uổng.
Năm 87 t CN,Hán Võ Đế mất, chung niên 70 tuổi miếu hiệu là Thế Tôn, thụy hiệu
là Hiếu Võ Hoàng Đế, táng ở Mậu Lăng ( nay ở phiá bắc huyện Hưng Bình tỉnh
Thiểm Tây)
Châu Mục 州 牧
Tên một chức quan.Đời Hán Thành Đế đổi Thứ Sử ra Châu Mục, sau có khi dùng có
khi bỏ. Đến đời Hán Linh Đế, để trấn áp các cuộc nổi dậy của quần chúng mới
đặt lại chức Châu Mục, và nâng cao địa vị của Châu Mục, trên hàng Quận Thú,
nắm giữ cả quyền quân sự lẫn hành chánh. Như Lưu Biểu thời Hán Mạt là từng là
Châu Mục Kinh Châu.Viên Thiệu là Châu Mục Ký Châu, đều là những chính quyền
cát cứ cả.
Các triều đại về sau đặt ra chức Đô Đốc, Tổng Quản, Tiết Độ Sứ thì chức Châu
Mục bị bãi bỏ. Ở các triều Đường, Tống chỉ có các thân vương đảm nhậm chức vị
tối cao, coi Kinh Sư, hay Bồi Đô, mới tự xưng là Châu Mục. Đến nhà Thanh, đôi
khi Tri Châu thỉnh thoảng cũng gọi là Châu Mục, nhưng so với thời Hán thì
khác xa rất nhiều.
Nhan Sư Cổ 顏 師 古
Nhan Sư Cổ là người đời Đương, tổ quán ở Lang Nha (nay là thuộc thành phố Lâm
Nghi, tỉnh Sơn Đông), tự là Trứu, cháu của Nhan Chi Thôi, là một nhà huấn hỗ
học đời Đường. Khi Đường Cao Tổ Lý Uyên nhập Quan Trung, được nhậm chức Triều
Tán Đại Phu, rồi thăng làm Trung Thư Xá Nhân chuyên lo việc chiếu, sắc cho
vua.Đến khi Đường Thái Tôn Lý Thế Dân, làm Trung Thư Thị Lang, phụng chiếu
khảo đính ngũ kinh văn tự. Tác phẩm có "Ban Cố-Hán Thư
chú", "Cấp Cựu Chương chú". Nhan Sư Cổ là người giỏi về huấn hỗ
học, kiến giải trác tuyệt, thuyết lý tỉ mỉ rõ ràng, ông củ chính những ngộ
nhận của cổ nhân về tự nghĩa, tự hình, tự âm, rất được người đời sau tôn
sùng.
Năm 645 CN, ông theo Đường Thái Tông đi đánh Cao Ly, giữa đường bị bệnh mất,
hưởng thọ sáu nhăm tuổi.
Hai câu thơ nổi tiếng này trích từ
bài "Bá Thượng thu cư" của Mã Đái đời Đường. Nguyên văn bài thơ :
Bá Nguyên phong vũ
định 灞 源 風 雨 定
Vãn kiến nhạn hành
tần 晚 見 雁 行 頻
Lạc diệp tha hương
thụ 落 葉 他 鄉 樹
Hàn đăng độc dạ
nhân 寒 燈 獨 夜 人
Không viên bạch lộ
trích 空 園 白 露 滴
Cô bích dã tăng
lân 孤 壁 野 僧 鄰
Ký ngoạ giao
phỉ cửu 寄 臥 郊 屝 久
Hà môn ký thử
thân 何 門 寄 此 身
Sau khi chiếm Nam Việt năm 111
trước CN , và chia đất này ra làm chín quận, đến năm 106 trước Công Nguyên,
Hán Võ Đế qua phân toàn quốc thành Thập Tam Thứ Sử Bộ hay 13
châu, đó là : Ký,U,Tinh,Duyện,Từ,Thanh,Dương,Kinh,Dự,Ích,Lương,Sóc Phương,và
Giao Chỉ và đặt mỗi châu một chức Thứ Sử để giám sát.Chức Thứ Sử bắt
đầu có từ đấy )
(Paris,
sửa lại tối ngày 12-09-2005 lúc 1g20 đêm )
Truyện "Kinh Kha thích Tần Vương" / Phạm Xuân Hy dịch
Ít lời giới thiệu:
Trong các dũng sĩ, kiếm khách hi sinh mạng sống của mình để tìm cách hạ sát người khác (thường là người vô cùng quyền thế), Kinh Kha, sống cuối thời Chiến Quốc bên Trung Hoa, được nhắc tới khá nhiều trong thơ văn Việt Nam. Khi đi sứ năm 1813, ngang qua làng cũ của Kinh Kha, Nguyễn Du đã có bài “Kinh Kha cố lý” (làng cũ của Kinh Kha). Nhà thơ Thao Thao có hai vở kịch về Kinh Kha, “Quán Biên Thùy” và “Người Mù Dạo Trúc” (nhân vật chính trong vở sau là Cao Tiệm Ly, bạn thân của Kinh Kha, tuy chỉ là một người gảy đàn trúc yếu đuối nhưng cũng cố trả thù cho bạn sau khi Kinh Kha thất bại và bị giết trên đất Tần). Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có một bài thơ dài để ca ngợi Kinh Kha (“Bài ca sông Dịch”) và một vở kịch thơ (“Tâm Sự Kẻ Sang Tần”).
Nguyễn Bính thường được biết là một nhà thơ chân quê với ý tưởng hiền hậu, lời lẽ đơn sơ nhưng cũng từng nhắc đến Kinh Kha. Cô đơn ở miền Nam trong những năm khó khăn của Đệ Nhị thế chiến, trong "Bài hành phương Nam," ông đã so sánh cảnh lưu lạc, bơ vơ của mình với những hậu đãi Kinh Kha nhận được từ Thái tử nước Yên:
Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng nhắc đến Kinh Kha. Trong "Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp" ông đã viết như sau:
Còn đây đêm cuối cùng
Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha
Ngại khơi nước mắt, nhạt nhòa môi em.
Trong vở kịch “Bến Nước Ngũ Bồ,” nhà thơ Hoàng Công Khanh đã cho Lê Liêm, nhân vật chính, trong vai một tráng sĩ theo giúp Bình Định vương Lê Lợi, làm một bài thơ tâm sự, trong đó có câu:
Ta mộng Kinh Kha giết bạo Tần.
Nhà văn Mặc Thu cũng có một vở kịch về Kinh Kha (“Người Chép Sử”), tuy theo ông Kinh Kha không đáng được gọi là anh hùng:
Người anh hùng không được quyền thất bại
Việc không thành, không đáng gọi anh hùng.
Ông đưa ra quan niệm trên để đối lại một quan niệm khá phổ biến từ trước, “không đem thành bại luận anh hùng.” Ông cũng tỏ ý đã nghĩ khác thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong những câu:
Một nét dao bay ngàn thuở đẹp
Dù sai hay trúng cũng là dư.
Theo vị chủ biên một tạp chí văn học có uy tín, khi ông còn ở tuổi đi học, hầu như học sinh Việt Nam ở bậc Trung học nào cũng biết sơ qua về Kinh Kha. Phải chăng dân Việt Nam thường bị áp chế, nên trong tâm thức thanh niên dễ ôm ấp hình ảnh một bậc nghĩa hiệp, mong “trừ loạn để cứu đời”? Có lẽ đó cũng là lý do khiến thi sĩ Vũ Hoàng Chương viết "Tâm Sự Kẻ Sang Tần," rồi kết thúc vở kịch thơ của mình bằng những câu:
Ngàn sau khói lửa tơi bời
Sông nào Dịch thủy, ai người Kinh Kha ?
Trong các tài liệu về Kinh Kha, đầy đủ và có thẩm quyền hơn cả là truyện “Kinh Kha thích Tần vương” (Kinh Kha hành thích vua Tần) trong bộ Sử Ký của Tư-mã Thiên, phần “Thích khách liệt truyện” (truyện về các thích khách). Truyện này đã được hai cố học giả Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch và cho in trong cuốn Sử Ký của Tư-Mã Thiên (Sàigòn : Lá Bối, 1972). Từ đó đến nay cũng gần nửa thế kỷ và cuốn sách trên hiện rất khó tìm.
Nhà biên khảo Phạm Xuân Hy ở Paris, người đã dịch Liêu Trai Chí Dị và Hậu Liêu Trai trong khoảng thời gian từ 1988 đến 1997, đã dịch, chú thích rất công phu, rồi tự xuất bản những truyện Trung Hoa rất ít người biết như “Thúy Thúy truyện,” “Phùng Hiệp,” Yến Vĩ Nhi,” “Vĩnh Châu dã miếu ký” …, đã tìm đọc từ rất nhiều tài liệu khác nhau bằng Hán văn để viết về mối tình kín đáo giữa Tào Thực với chị dâu là Chân hậu, vợ của Ngụy Văn đế Tào Phi, đưa tới bài “Lạc thần phú” nổi tiếng trong văn học Trung Hoa. Ông cũng từng viết về những nghi án liên quan đến Dương Quý phi, đến Giả Hoàng hậu, người chịu trách nhiệm khá lớn về việc làm cho nhà Tây Tấn của Tư-Mã Viêm (cháu nội của Tư-Mã Ý đời Tam Quốc) bị suy yếu rổi phân hóa sau mới có một đời.
Nhận thấy tầm ảnh hưởng của Kinh Kha trong văn chương Việt Nam, nhà biên khảo Phạm Xuân Hy dịch lại truyện “Kinh Kha thích Tần vương” một cách thật cẩn thận và trực tiếp từ bộ Sử Ký. Ông cũng cung cấp nguyên tác chữ Hán với phiên âm rồi gửi cho chúng tôi. Trang mạng Trần Từ Mai rất vinh hạnh được giới thiệu dịch phẩm công phu ấy tới độc giả.
Nguyên tác : Sử Ký –
Thích Khách Liệt truyện
Tác Giả:Tư Mã Thiên
Trích dịch: Phạm Xuân Hy
(THƯ HỒI ÂM MỘT NGƯỜI BẠN TÂN GIAO Ở XA)
Kính thưa anh,
Tôi vừa nhận được thư của anh, với những lời hỏi thăm ân cần, thân ái. Người đang nằm bịnh mà nhận được thơ của bạn bè từ xa gửi đến an ủi, thì thật ấm lòng và cảm động biết bao. Tôi xin cám ơn anh đã hạ cố hỏi thăm tôi.
Thưa anh,
Trong bài phê bình bộ “Đường Thi Trích Dịch” của cụ Đỗ Bằng Đoàn, và Bùi Khánh Đản, học giả Nguyễn Hiến Lê có đưa ra ý kiến cho rằng :
“Dịch là một việc rất bạc bẽo, vì công việc đã khó khăn mà lại ít người thưởng thức. Riêng ở nước ta nó lại càng bạc bẽo vì rất hiếm người chịu đọc sách dịch”.
Tôi cho rằng nhận xét này của cụ Nguyễn đúng, nếu chỉ coi việc dịch sách ngoại quốc ra tiếng Việt là một công việc làm thuần tuý để mưu sinh cầu lợi. Và chính cụ Nguyễn sau đó lại cho người đọc biết thêm rằng “Việc dịch kinh Phật của Cưu Ma La Thập đời Tấn và Huyền Trang đời Đường đã làm giầu thêm dụng ngữ cho người Trung Hoa”.
Nên nếu việc dịch văn học, khoa học, kỹ thuật, triết lý, lịch sử ngoại quốc, (Tây, Tầu, Anh,Ý, Đức, Nhật, Nga…) ra tiếng Việt, cũng là một việc làm hữu ích vậy.
Thưa anh,
Còn việc anh hỏi, tìm giúp anh một bản Hán văn về truyện Kinh Kha, tôi sẽ làm, rồi phiên âm, dịch nghĩa, chú thích và gửi đến anh khi hoàn tất.
Truyện Kinh Kha mới đầu thấy ghi trong « Chiến Quốc Sách-Yên Sách » sau lại được Tư Mã Thiên kể lại ở trong « Sử Ký –Thích Khách Liệt Truyện 史記刺客列傳», kể truyện gồm năm người thích khách thời Xuân Thu Chiến Quốc:
-Tào Mạt曹沫
-Chuyên Chư專諸
-Dự Nhượng豫讓
-Nhiếp Chính 聶政
-Kinh Kha 荆軻
Toàn phần “Thích Khách Liệt truyện” này, đã được các bậc túc nho có uy tín như Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Nhượng Tống, Nhữ Thành… dịch sang tiến Việt rồi. Tìm kiếm những ấn bản dịch này ngày nay cũng không khó khăn.
Như lời đề nghị của anh, tôi mạo muội sao trích nguyên tác Hán văn, chỉ riêng truyện Kinh Kha thôi, trong “Sử ký-Thích Khách Liệt truyện” của Tư mã Thiên, rồi phiên âm, dịch nghĩa, chú thích cho dễ dàng đối chiếu.
Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên gồm có 130 quyển, truyện Kinh Kha ở quyển thứ 86.
Thôi thì, gọi là một chút duyên văn nghệ để tạ cái tình anh đã hạ cố đến nhau, chứ xin được thú thực, tôi e ngại lắm, sở dĩ, vì nhà tôi nghèo quá, tiền đâu mà đến trường, chữ Hán chữ Nôm, đều do tự học, mà biển học thì mênh mông, nên có nhiều chỗ thiếu sót, nhiều chỗ bất cập, khó tránh khỏi những lầm lẫn.
Nay có làm việc dịch thuật thì cũng chỉ là để học thêm, cho khuây khỏa trong lúc già nua đau yếu.
Mong được anh lượng thứ.
Kính
Phạm Xuân Hy
Kinh Kha người nước Vệ, tổ tiên của Kinh Kha lại là người nước Tề, di cư đến nước Vệ, được người nước Vệ gọi là Khánh Khanh.
Sau Kinh Kha lại dời đên nước Yên, người nước Yên lại gọi là Kinh Khanh. Kinh Kha là người ham đọc sách, thích múa kiếm, nên đem thuật múa kiếm thuyết Vệ Nguyên Quân nhưng không được dùng. Sau đó, Tần phạt nước Ngụy, lập ra Đông Quận và đầy những người bà con họ hàng của Vệ Nguyên Quân đến vùng Dã Vương.
Kinh Kha có lần đến vùng Du Thứ, luận kiếm với Cái Nhiếp, bị Cái Nhiếp tức giận, trừng mắt nhìn, nên Kinh Kha bỏ đi.
Có người bảo nên vời Kinh Kha trở lại, nhưng Cái Nhiếp cản lại nói:
-Lúc trước, hắn luận kiếm với ta, có điều nói sai, hắn bị ta trừng mắt nhìn, nên bỏ đi. Cứ đi thử mà xem, trốn rồi, không lưu lại đây đâu.
Rồi phái người đến chỗ chủ nhà Kinh Kha trọ, thì quả nhiên Kinh Kha đã đánh xe ngựa đi Du Thứ rồi.
Người được sai đi, trở về báo cáo như thế.
Cái Nhiếp nói:
-Cố nhiên là hắn bỏ đi rồi ! Vì lúc trước hắn sợ oai cái nhìn của ta.
Khi Kinh Kha đến Hàm Đan, từng đánh cờ với Lỗ Câu Tiễn, tranh nhau nước cờ, Kinh Kha cũng bị Lỗ Câu Tiễn nổi giận mắng mỏ, nhưng Kinh Kha chỉ lẳng lặng bỏ trốn đi, rồi không gặp lại nhau nữa.
Đến khi Kinh Kha đến nước Yên, Kinh Kha thích chơi với một gã mổ chó và Cao Tiệm Ly, một người giỏi gẩy loại đàn « trúc ». Kinh Kha có máu mê rượu, thường ngày cùng gã mổ chó và Cao Tiệm Ly vào trong chợ nước Yên nhậu nhẹt, say bí tỉ mới tan. Khi Cao Tiệm Ly gẩy đàn « Trúc », thì Kinh Kha hát hòa theo, cùng vui đùa với nhau, cùng khóc với nhau, coi bên cạnh như chẳng có ai.
Tuy rằng rong chơi trong đám rượu chè, mổ chó, nhưng Kinh Kha lại là người thâm trầm, chuộng đọc sách vở. Kinh Kha đến chơi các nước chư hầu, Kha đều kết giao với tất cả các bậc hiền hào, trưởng giả ở đấy. Lúc Kinh Kha đến nước Yên, được người xử sĩ (40) nước Yên là Điền Quan Tiên Sinh tiếp đãi thân thiện, vì ông biết Kinh Kha không phải hạng người tầm thường, dung tục.
Được ít lâu, gặp lúc Thái Tử nước Yên là Đan, làm con tin ở nước Tần trốn về Yên. Thái Tử Đan, trước đó từng là con tin ở nước Triệu, còn Tần Vương Chính lại sinh ra ở đấy. Nên lúc còn nhỏ, Tần Vương Chính chơi thân với Thái Tử Đan. Đến khi Chính được lập làm Tần Vương, tức vua nước Tần. Chính cư xử tỏ ra không tốt với Thái Tử Đan, nên Đan đem lòng oán trách mà bỏ trốn về nước. Về được nước rồi, Đan nghĩ cách trả thù vua Tần. Nhưng nước Yên nhỏ, không đủ sức.
Sau đó, nước Tần hàng ngày đem quân đến vùng Sơn Đông để chinh phạt các nước Tề, Sở, Tam Tần, dần dà chiếm cứ các nước chư hầu như tầm ăn dâu, tiến gần đến nước Yên. Vua tôi nước Yên đều lo ngại tai họa sắp đến. Thái Tử Đan cũng lo lắng, mới hỏi viên Thái Phó của mình là Cúc Võ.
Cúc Võ thưa:
-Đất đai nước Tần bao la khắp thiên hạ, uy hiếp các nước Hàn, Ngụy, Triệu. Phía bắc có vùng Cam Tuyền, Cốc Khẩu xây cất nhiều doanh trại kiên cố. Phía nam là lưu vực hai sông Vị Thủy và Kinh Thủy đất đai mầu mỡ hoang dã, cùng với vùng Ba, Hán phì nhiêu.
Phía phải, là đất Lũng, đất Thục có hàng dẫy núi liên tiếp nối liền nhau. Về phía trái, là vùng Sơn Hải Quan, và Hào Sơn hiểm trở thiên phú. Lại thêm dân chúng đông đúc, sĩ tốt dũng mãnh, thân thuộc, võ khí dư dả, nếu Tần có ý muốn động binh đem quân ra ngoài, thì có thể là từ Trường Thành xuống phía nam, hoặc từ sông Vị Thủy tiến lên phía bắc, chưa rõ được ý họ ra sao, há nào Thái Tử lại vì nỗi oán hận bị lăng nhục mà lại vỗ vào “vẩy ngược của rồng” sao !
Thái Tử Đan nói :
-Như vậy, phải làm thế nào ?
Cúc Võ đáp :
-Việc này, xin phải bàn cho kỹ mới được.
Được ít lâu, viên tướng của Tần là Phàn Ư Kỳ mắc tội với Tần Vương, bỏ trốn sang nước Yên, được Thái Tử Đan dung nạp và cho nhà ở.
Cúc Võ can, ngăn lại :
-Không nên, vua Tần là người bạo ngược, lại sẵn bất mãn với nước Yên ta, thần nghĩ đến mà còn sợ lạnh xương sống, bụng đánh lô tô. Huống hồ, nay Tần lại nghe Phàn Tướng Quân được Thái Tử dung nạp ở đây ? Như thế, nào khác gì đem thịt đặt ở đường đi của hổ đói không ! Tai họa này nhất định không thể cứu được. Dù tài ba như Yến Anh, Quản Trọng cũng bó tay thôi, không thể có cách giải cứu được. Xin Thái Tử hãy mau mau trục xuất Phàn Tướng Quân ra ngoài Hung Nô, để tránh không cho Tần mượn cớ mà xâm lược nước Yên ta. Cũng xin Thái Tử liên kết với Tam Tấn ở phía tây, và liên hợp cùng hai nước Tề, Sở ở phía nam, giao hảo với Hung Nô ở phía bắc, sau đó mới tìm cách đối phó được với Tần.
Thái Tử Đan nói:
-Kế của Thái Phó mất nhiều thời gian, thêm chậm trễ, tôi lại đang sốt ruột, sợ không thể chờ đợi được một chốc ! Vả lại, Phàn Tướng Quân lại không kiếm được chỗ trong thiên hạ, chạy đến nương nhờ vào nước Yên này, Đan tôi lẽ nào vì Tần bạo ngược, lại hy sinh một người bạn đáng thương, đồng tình, mà đuổi ông ta sang Hung Nô sao ! Thế thì mệnh số của Đan này đã đến chỗ cùng rồi, xin Thái Phó nghĩ lại kế khác !
Cúc Võ nói :
-Làm điều nguy hiểm mà muốn cầu sự yên lành, gieo sự tai họa mà lại cầu được phúc, kế thô thiển nhưng oán hận thâm, vì muốn kết giao với một người bạn mới, mà không nghĩ đến cái họa lớn cho đất nước, như thế là nuôi oán thù, gieo thêm họa hoạn. Có khác gì như lấy lông chim hồng hộc mà để trên lò than, thì còn gì nữa.
Vả lại, Tần là nước hung bạo, dữ tợn như chim điêu, chim chí, nếu họ đem bạo tàn, đổ xuống nước Yên ta cho thỏa cơn giận, thì hậu quả không nói được. Yên có Điền Quang Tiên Sinh, là người dũng mãnh, trí óc thâm trầm, sâu sắc, có thể bàn tính với ông ta được.
Thái Tử Đan nói:
-Xin Thái Phó giúp tôi làm quen với Điền Tiên Sinh được không!
Cúc Võ đáp :
-Xin vâng !
Cúc Võ từ giã đi ra, đến gặp Điền Tiên Sinh, nói :
-Thái Tử muốn đem quốc sự bàn với Tiên Sinh đấy !
Điền Quang đáp:
-Xin vâng lời chỉ giáo !
Rồi đến gặp Thái Tử.
Thái Tử đi dật lùi lại dẫn đường, nghinh đón Điền Tiên Sinh. Lại quì gối xuống, quét chiếu cho Điền Quang ngồi. Lúc Điền Quang đã ngồi yên vị, tả hữu không còn ai, Thái Tử mới dời chiếu ngồi, đến thỉnh giáo Điền Quang:
-Hai nước Yên với Tần, thế tất không đội trời chung, xin Tiên Sinh lưu ý cho!
Điền Quang thưa :
-Thần nghe nói ngựa kỳ, ngựa ký lúc còn khỏe mạnh, một ngày có thể chạy cả ngàn dậm, nhưng đến khi già lão, suy yếu, chạy thua cả con ngựa hèn. Nay Thái Tử chỉ nghe nói về thần lúc còn trai tráng, chứ không biết rằng trí lực của Quang đã tiêu vong rồi. Song le, tuy không dám dự bàn vào việc quốc sự, nhưng thần có quen thân một người tên là Kinh Kha, có thể sử dụng được!
Thái Tử nói :
-Xin Tiên Sinh giúp tôi kết giao với người đó được không ?
Điền Quang đáp :
-Xin vâng mệnh !
Rồi đứng dậy, đi gấp.
Thái Tử đưa tiễn Điền Quang ra cửa, còn căn dặn :
-Lời Đan nói với Tiên Sinh , và lời Tiên Sinh nói, là chuyện quốc gia đại sự, xin Tiên Sinh chớ để lậu ra ngoài.
Điền Quang cúi đầu cười, đáp :
-Xin vâng mệnh !
Rồi Điền Quang lụ khụ đến gặp Kinh Kha, nói :
-Tôi với túc hạ thân thiết với nhau, nước Yên ai cũng biết cả. Nay Thái Tử nghe tiếng Quang tôi lúc còn trai tráng khỏe mạnh, nhưng không biết rằng thân, sức tôi đã yếu không còn như trước nữa, vì thế Thái Tử mới bảo tôi : “Tần với Yên là hai nước không đội trời chung, xin ông nên lưu ý”. Quang tôi trộm tự nghĩ cũng không phải người ngoài, nên mới tiến cử túc hạ với Thái Tử. Xin túc hạ vào cung gặp Thái Tử.
Kinh Kha đáp:
-Xin tuân mệnh !
Điền Quang nói :
-Tôi nghe nói, bậc trưởng giả làm việc, đừng để cho người ta nghi ngờ, mà nay Thái Tử bảo với Quang rằng “Lời tôi nói với Tiên Sinh là chuyện quốc gia đại sự, xin Tiên sinh đừng để lậu ra ngoài”, như thế, là Thái Tử nghi ngờ Quang rồi, làm việc mà để cho người ta nghi ngờ, thì không phải là người có tiết tháo, nghĩa hiệp được.
Điền Quang muốn tự sát để khích lệ Kinh Kha và nói :
-Xin túc hạ mau đến gặp Thái Tử, và nói với Thái Tử là Quang đã chết rồi, chứng minh là lời nói của Thái Tử không bị tiết lộ.
Nói xong, Điền Quang bèn tự vẫn.
Bấy giờ, Kinh Kha đến gặp Thái Tử Đan, báo tin Điền Quang đã chết, và nói lời Quang nhắn lại. Thái Tử lạy hai lậy, rồi quỳ xuống, đi bằng đầu gối, nước mắt đầm đìa, một lúc lâu mới nói :
-Sở dĩ Đan dặn Điền Tiên Sinh đừng tiết lộ bí mật, là muốn hoàn thành kế hoạch quốc gia đại sự, nay Điền Tiên Sinh đã lấy cái chết để minh chứng là không nói, há đâu phải là Đan muốn như thế !
Sau khi Kinh Kha đã ngồi yên vị, Thái Tử Đan mới dời chỗ, cúi mình nói với Kinh Kha :
-Điền Tiên Sinh đã không biết Đan này là kẻ bất tài, hư hỏng, nên giúp cho Đan được gặp mặt túc hạ để mà thảo luận, đó cũng là ý trời còn thương đến nước Yên, không nỡ dứt bỏ đứa con côi cút của nước này. Còn lòng ham lợi của Tần thì vô cùng, nếu chẳng thâu hết đất đai của thiên hạ, và chưa được làm vua khắp hải nội, thì lòng tham lam của vua Tần chưa mãn túc. Nay thì Tần đã bắt được vua nước Hàn, thâu tóm hết đất đai của nước này, lại cử binh xuống phía nam để chinh phạt nước Sở, tiến lên phía bắc dòm ngó nước Triệu. Còn Vương Tiễn cầm mấy chục vạn quân tiến sát gần đến vùng Chương, Nghiệp. Lý Tín lại đem quân Thái Nguyên, Vân Trung ra, nhưng nếu Triệu không chống cự nổi Tần, tất phải đầu hàng, và Triệu đầu hàng rồi, thì tai họa sẽ chuyển sang Yên. Yên vừa nhỏ vừa yếu, lại đã bao lần hứng chịu chiến họa. Nay như dốc hết toàn thể lực lượng, binh sĩ cũng không thể chống cự được với Tần. Các nước chư hầu đều đã thần phục Tần hết, không một nước nào dám hợp tung.
Theo ý kiến cá nhân ngu ngốc của Đan, thì cần tìm được một dũng sĩ trong thiên hạ đi sứ sang Tần, đem lợi lộc hậu hĩnh mà hiến cho vua Tần, Tần Vương tham, ắt là cái cơ hội thuận tiện để bắt được vua Tần. Nếu quả như cướp được vua Tần, thì đòi ông ta phải hoàn lại tất cả đất đai đã xâm lược cho các chư hầu, cũng như Tào Mạt đã từng cướp Tề Hoàn Công vậy. Đó là điều tốt. Bằng vạn nhất không xong, thì nhân cơ hội này đâm chết Tần Vương. Các Đại Tướng của Tần đều đang cầm binh ở ngoại, bên trong nhân thế sẽ sinh xẩy ra nội loạn. Giữa quân thần sẽ sinh ra nghi ngờ lẫn nhau, và các chư hầu, cũng sẽ nhân đó mà liên kết với nhau, thế nào cũng phá được Tần. Đó là hy vọng lớn nhất của Đan, song le, không biết ủy thác việc này cho ai ! Xin Kinh Khanh lưu ý !
Cách một lúc lâu, Kinh Kha mới thưa :
-Đây là chuyện quốc gia đại sự, thần tài hèn, vô năng, e không đảm nhậm nổi!
Thái Tử Đan tiến tới, cúi dập đầu, cố nài nỉ Kinh Kha, sau đó thì Kinh Kha nhận lời.
Bấy giờ, Kinh Kha được Thái Tử tôn làm Thượng Khanh, ban nhà ở tân quán sang trọng. Ngày ngày Thái Tử đến tận cửa thăm hỏi, cung cấp thái lao (tức tam sinh: dê, lợn, bò), rượu, và các phẩm vật, châu bảo quý giá. Đôi khi còn tặng cả xe ngựa, gái đẹp, hết sức chiều theo ý muốn của Kinh Kha.
Một thời gian khá lâu, Kinh Kha vẫn không tỏ ý lên đường. Lúc đó tướng Tần là Vương Tiễn đã phá được nước Triệu, bắt được vua Triệu, và hoàn toàn chiếm hết lãnh thổ nước Triệu, lại tiến binh lên phía bắc, đến biên cảnh phía nam của nước Yên.
Thái Tử Đan lo lắng, mới nói với Kinh Kha :
-Quân Tần sớm muốn sẽ vượt qua sông Dịch Thủy, Đan dù có muốn phụng đãi túc hạ, liệu có thể được không ?
Kinh Kha đáp:
-Nếu chẳng có lời của Thái Tử, thì thần cũng có ý đến xin gặp. Nay thần ra đi mà lại không có tín vật gì để cho vua Tần tin, như thế không có cách nào đến gần vua Tần được. Phàn Tướng Quân bị vua Tần treo giá một ngàn cân vàng, ban ấp vạn gia, thần xin được đem đầu Phàn Tướng quân, cùng bản đồ vùng Đốc Kháng, hiến cho vua Tần, vua Tần tất hài lòng, và cho thần đến gần, thì thần sẽ báo được ơn Thái Tử.
Thái Tử nói :
-Phàn Tướng Quân bị cùng khốn, chạy đến với Đan, Đan nỡ nào vì việc riêng của mình, mà lại phụ lòng bậc trưởng giả. Xin túc hạ nghĩ lại cho !
Kinh Kha biết Thái Tử không đành lòng, bèn đến gặp riêng Phàn Ư Kỳ, nói:
-Vua Tần đãi ngộ Tướng Quân quả là quá thâm hiểm. Cha, mẹ, thân tộc, của Tương Quan đều bị giết sạch, nay lại nghe vua Tần trả giá mua đầu Tướng Quân cả ngàn cân vàng, còn ban ấp vạn gia, Tướng Quân nghĩ thế nào ?
Phàn Ư Kỳ ngửa mặt lên trời ứa nước mắt mà than:
-Ư Kỳ này mỗi khi nghĩ đến điều ấy, thì đau đớn đến xương tủy, nhưng không nghĩ được kế gì !
Kinh Kha nói :
-Nay Kha có một kế, có thể giải được hoạn nạn cho nước Yên, và rửa được mối thù cho Tướng Quân, Tướng Quân nghĩ sao ?
Phàn Ư Kỳ bèn tiến gần đến và hỏi :
-Kế ấy như thế nào ?
Kinh Kha đáp :
-Xin được thủ cấp của Tướng Quân để hiến cho Tần Vương, Tần Vương nhất định sẽ vui vẻ mà cho Kha đến gần. Khi ấy thần sẽ dùng tay trái để nắm lấy tay áo của y, còn tay phải thì dùng con chủy thủ đâm vào bụng, như vậy, mối thù của Tướng Quân sẽ được báo, mà nỗi hận bị lăng nhục của nước Yên cũng rửa sạch, Tướng Quân có nghĩ thế không ?
Phàn Ư Kỳ vạch trần vai, dùng tay trái nắm chặt lấy tay phải, tiến đến trước mặt Kinh Kha, nói :
- Đó chính là điều tôi đêm ngày đau đớn cắn răng phẫn hận suy nghĩ, không ngờ, hôm nay mới được nghe lời chỉ giáo.
Nói xong, liền tự sát.
Thái Tử biết tin, vội vã chạy đến, phủ xuống xác của Phàn Ư Kỳ mà khóc, hết sức bi ai, nhưng việc đã rồi; chỉ còn biết đem bọc đầu Phàn Ư Kỳ, rồi bỏ vào trong một chiếc hộp phong kín lại.
Đến lúc đó, Thái Tử sai người tìm kiếm trong khắp thiên thạ được một con chủy thủ sắc bén, của một người nước Triệu tên là Từ Phu Nhân (徐夫人), mua với giá một trăm cân vàng, rồi sai thợ dùng độc dược tẩm vào đầu con chủy thủ này, và đem thử, người bị thử chỉ cần chảy một sợi máu nhỏ, là người ấy chết ngay lập tức. Rồi Thái Tử chuẩn bị kỹ hành lý, muốn thúc Kinh Kha khởi hành.
Nước Yên lại có một người dũng sĩ khác, tên là Tần Vũ Dương, lúc mới lên mười ba tuổi đã giết người, không ai dám ngỗ ngược nhìn hắn. Thái Tử mới gọi Tần Vũ Dương làm phó cho Kinh Kha. Kinh Kha còn chờ một người bạn nữa để cùng đi. Nhưng người này ở xa, chưa đến kịp, hành trang thì đã sửa soạn sẵn rồi.
Chờ đợi một hồi lâu, Thái Tử thấy Kinh Kha trì chậm chưa chịu lên đường, bụng nghi Kinh Kha đổi ý, mới nói lại :
-Mặt trời đã lặn, Kinh Khanh đổi ý khác chăng ? Xin để Đan này phái Tần Vũ Dương đi trước!
Kinh Kha tức giận, gắt Thái Tử Đan:
-Sao Thái Tử lại sai khiến người như thế đi ? Đi mà chẳng nên việc, thì chỉ là đồ con nít. Vả lại, cầm một con chủy thủ đi vào đất hung mãnh, bất trắc như Tần, nên thần phải chần chừ, chờ đợi người bạn của Kha cùng đi là vậy. Nay Thái Tử cho là trễ, thì thần xin từ biệt Thái tử lên đường. Rồi khởi hành.
Thái Tử cùng các tân khách được tin Kinh Kha lên đường, đều ăn mặc quần trắng, áo trắng, mũ trắng, đến đưa tiễn Kinh Kha ở bờ sông Dịch Thủy.
Sau tiệc tiễn đưa, là lúc Kinh Kha khởi hành sang Tần.
Bấy giờ, Cao Tiệm Ly gẩy đàn “trúc”, còn Kinh Kha họa và ca hát theo, theo điệu “biến chủy 變徵”, nghe se sắt lạnh lùng, khiến những người tân khách đi đưa tiễn Kinh Kha, ai nấy đều sụt sùi sa lệ.
Rồi Kinh Kha tiến lên ca tiếp. Bài ca rằng :
Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn
Theo điệu “vũ thanh 羽 聲”, điệu ca khảng khái, bi tráng, khiến cho những kẻ sĩ đi tiễn hành, ai nghe đều cảm động, trợn mắt, lộ nhỡn, tóc tai dựng ngược lên đỉnh mũ.
Sau đó, Kinh Kha lên xe, đi thẳng một lèo, không ngoái nhìn trở lại.
Khi đến đất Tần, Kinh Kha đem lễ vật hậu hĩnh trị giá ngàn vàng, biếu cho người sủng thần của vua Tần là viên quan Trung Thứ Tử Mông Gia.
Mông Gia bẩm trước cho vua Tần rằng :
-Vua Yên quả thật sợ oai của Đại Vương, không dám động binh chống cự, xin đem cả nước làm thần thuộc, liệt với các nước chư hầu, giữ việc triều cống như một quận huyện, để bảo tồn tông miếu tổ tiên. Vì sợ hãi, Yên Vương không dám tự giãi bầy, đã chém đầu Phàn Ư Kỳ, cùng đem địa đồ vùng Đốc Kháng, phong kín trong hộp, tiến dâng ở trước cung đình, cho sứ giả đến trước chờ nghe mệnh lệnh của Đại Vương phán xử.
Tần Vương nghe xong, rất lấy làm vừa lòng, bèn mặc triều phục, sửa soạn đại lễ Cửu Tân, đón tiếp sứ giả nước Yên ở Hàm Dương Cung.
Kinh Kha ôm cái hộp đựng đầu Phàn Ư Kỳ, còn Tần Vũ Dương ôm hộp bản đồ, tuần tự kẻ trước người sau. Khi bước đến bực điện, Tần Vũ Dương sợ quá, biến đổi sắc mặt, khiến cho các quần thần của Tần đều lấy làm kỳ quái, ngạc nhiên.
Kinh Kha quay đầu lại nhìn và mỉm cười với Tần Vũ Dương, rồi tiến lên tạ tội :
-Người nước phiên thuộc ở phương bắc thô lậu, man di, quê mùa, chưa hề được kiến diện Thiên tử bao giờ, nên nay rất lấy làm sợ hãi, kính xin Đại Vương rộng lượng cho hắn, để hắn làm trọn nghĩa vụ sứ giả.
Tần vương ra lệnh cho Kinh Kha :
-Hãy cầm địa đồ của Tần Vũ Dương lên đây cho ta !
Kinh Kha cầm địa đồ dâng lên. Tần Vương mở địa đồ ra xem. Đến cuối cùng của địa đồ, thì phát hiện ra con chủy thủ.
Kinh Kha bèn dùng tay trái núm chặt lấy ống tay áo của Tần Vương, rồi dùng tay phải rút con chủy thủ mà đâm ông ta, nhưng đâm không trúng người. Tần Vương hoảng sợ, cố lấy sức, đứng dậy bỏ chạy. Nhưng tay áo bị đứt một đoạn. Tần vương muốn rút kiếm ra, nhưng kiếm lại quá dài, đành phải rút vỏ kiếm ra trước vậy. Lúc bấy giờ, trong lòng Tần Vương rất hoảng hốt, sợ hãi. Kiếm lại quá chặt, nhất thời rút ra không được, bị Kinh Kha đuổi theo gấp. Tần Vương chạy vòng quanh cây cột. Quần thần đều sợ hãi, tỏ ra mất bình tĩnh; Theo luật pháp của nước Tần thời ấy, quần thần thị giá nhà vua ở điện, không được phép mang bất cứ một thứ binh khí nào. Các viên quan lang trung tuy có mang binh khí, nhưng đều sắpp hàng ở dưới điện, nếu chưa có lệnh của vua, thì không được tự tiện lên điện.Trong lúc nguy cấp như thế, vệ sĩ không được lệnh, nên Kinh Kha mới có thể rượt đuổi theo vua Tần. Sĩ tốt đều hoảng hốt, không kịp có gì để đối phó, chỉ lấy tay không mà đấm Kinh Kha. Lúc đó viên thị y là Hạ Vô Thư bèn dụng cái túi đựng thuốc ném Kinh Kha. Vua Tần vẫn cứ chạy quanh cột điện. Sĩ tốt cũng còn hoảng hốt, không biết xử trí cách nào.
Tả hữu có người hô:
-Đại Vương đeo kiếm ở đằng sau !
Vua Tần mới tuốt được kiếm ra, chém trúng vào đùi bên trái của Kinh Kha. Bị trúng thương, Kinh Kha bèn cầm con chủy thủ ném Tần Vương. Nhưng không trúng. Trúng vào cái cột đồng. Tần Vương quay lại đâm Kinh Kha thêm tám nhát nữa. Kha biết việc mình đi hành thích không thành, bèn dựa vào cột đồng mà cười, rồi ngồi xoạc chân ra chửi Tần Vương :
-Việc sở dĩ không thành, là ta có ý muốn bắt sống hắn, ép hắn ký giấy để trả lại đất đã chiếm cho Yên, báo đền ơn Thái Tử.
Sau đó, Kinh Kha bị bọn tả hữu xông đến giết chết.
Tần Vương trong lòng bồi hồi một lúc lâu, rồi mới luận công ban thưởng hoặc trị tội các bầy tôi, tùy theo thứ bậc.
Riêng Hạ Vô Thư được Tần Vương ban cho hai trăm dật vàng “1鎰 bằng hai mươi lạng”, và nói:
-Vô Thư yêu ta nên mới cầm túi thuốc mà ném Kinh Kha.
Khi ấy, Tần Vương cả giận cho phát thêm binh sang tấn công nước Triệu, và hạ lệnh cho Lý Tín chinh phạt nước Yên.
Đến tháng mười, Lý Tín hạ được Kế Thành của Yên. Vua nước Yên là Hỷ, Thái Tử là Đan phải xuất hết tinh binh toàn quốc ra ngoài phía đông để bảo vệ Liêu Đông. Yên Vương Hỷ bị Lý Tín truy kích gấp. Trước tình thế ấy, vua nước Đại là Gia viết thư khuyên Yên Vương Hỷ rằng:
-Sở dĩ Tần cấp bách truy diệt Yên là do Thái Tử Đan, nếu ông giết Thái tử Đan mà hiến cho Tần Vương, thì Tần Vương tất giải binh rút quân về, như thế, xã tắc tông miếu còn có người thờ phụng.
Sau đấy, Lý Tín lùng bắt thái Tử Đan. Thái Tử Đan phải lẩn trốn ở vùng sông Diễn Thủy. Yên Vương Hỷ phái sứ giả đến chém chết Thái Tử Đan, để hiến cho Tần. Nhưng Tần vẫn tiến binh tấn công Yên.
Năm năm sau, cuối cùng thì nước Yên cũng bị Tần diệt. Vua Yên vương Hỷ bị Tần bắt làm tù binh. Sang năm sau, Tần thôn tính thiên hạ, xưng hiệu là Hoàng Đế. Những tân khách của Thái Tử Đan, cũng như những bạn bè của Kinh Kha đều bị Tần truy lùng. Họ đều bỏ chạy trốn hết.
Còn Cao Tiệm Ly, lúc đó đổi họ tên đi làm thuê cho người ta ở vùng Tống Tử. Được ít lâu, công việc nhiều khổ cực vất vả. Có lần Cao Tiệm Ly nghe thấy khách ở nhà trên của gia chủ gẩy đàn trúc, trong lòng ngơ ngẩn bâng khuâng, không muốn rời bước, đôi khi còn buông lời phê bình, người này khá, người kia dở, vì thế Cao Tiệm Ly bị bọn đày tớ mách với chủ :
Gia chủ mới gọi Cao Tiệm Ly lên, bảo gẩy đàn trúc. Mọi người ngồi nghe thẩy đều khen hay, và đem rượu ra trịnh trọng mời mọc. Cao Tiệm Ly mới nghĩ thầm trong bụng, nếu cứ ẩn thân, trốn tránh mãi thế này thì đến bao giờ cho hết. Rồi thoái lui, đi về mở rương, lấy cây đàn củng, áo quần đẹp, thay đổi dung mạo, rồi trở lại. Tất cả khách ngồi đó đều tỏ vẻ ngạc nhiên, bước xuống chào hỏi như thượng khách, lại mời Cao Tiệm Ly gẩy đàn và ca. Người nghe, chẳng ai là không sụt sùi rơi lệ lúc ra về.
Trong vùng Tống Tử, người ta truyền bảo nhau mời đón Cao Tiệm Ly làm khách, tiếng tăm đồn đến tai Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng vời đến gặp. Có người biết mặt, tố cáo :
-Đó là Cao Tiệm Ly !
Nhưng Tần Thủy Hoàng tiếc cái tài gẩy đàn trúc của Cao Tiệm Ly, đặc cách xá cho tội chết, nhưng dùng thuốc độc hun cho mù hai mắt, rồi mới cho phép được gõ đàn. Lần nào, Cao Tiệm Ly cũng được Tần Thủy Hoàng khen ngợi.
Dần dần, Cao Tiệm Ly được đến gần Tần Thủy Hoàng. Cao Tiệm Ly bèn dùng chì đổ vào bên trong cây đàn. Khi đến được gần hơn, Cao Tiệm Ly dùng đàn đập Tần Thủy Hoàng, nhưng không trúng.
Tần Thủy Hoàng bèn giết Cao Tiệm Ly. Và từ đấy, Tần Thủy Hoàng suốt đời không đến gần người của nước chư hầu nữa.
Khi Lỗ Câu Tiễn nghe tin Kinh Kha hành thích Tần Vương, tự nhủ một mình :
-Ta hồ ! Tiếc quá ! Hắn không giỏi về thuật đánh kiếm. Mình quả quá lầm lẫn không biết người ! Ngày trước, mình chỉ mới lớn tiếng một tí, mà hắn đã không coi mình như người cùng chí hướng.
Thái Sử Công nói :
-Người đời nói đến Kinh Kha thì xưng tụng là Thái tử Đan được mệnh trời. « Trời mưa thóc, ngựa mọc sừng » thật là lời thái quá. Rồi có người còn nói là Kinh Kha đâm trúng Tần Thủy Hoàng bị thương, đều là lời nói ngoa, tào lao cả.
Mới đầu, có Công Tôn Quý Công và Đổng Sinh có quen biết với Hạ Vô Thư đều rõ truyện này, nói cho ta biết.
Từ Tào Mạt đến Kinh Kha là năm người, việc làm của họ đều vì nghĩa, hoặc thành hoặc bất thành, nhưng chí hướng của họ rõ ràng là minh bạch như thế, không thể xem thường được, danh thùy thiên cổ, đâu phải truyện nói càn được !
Hà nhật quân tái lai / Phạm Xuân Hy
何 日 君 再 來
(Bao giờ anh trở lại)
« Hà Nhật Quân Tái Lai –Bao
giờ anh trở lại »
Là tên một bài hát nổi
tiếng bằng chữ Hán, mà tôi thường vô ý thức nghêu ngao hát « nhái » mấy câu
tiếng Việt, lúc còn là một cậu học trò trường làng, mười một mười hai tuổi,
cách đây mấy chục năm :
Em lấy chồng sao em
không nói,
Để anh theo anh ghẹo em hoài
Cũng như nhiều đứa trẻ
cùng trang lứa với tôi lúc bấy giờ, chúng tôi vẫn thường đem lời hát này ra để
trêu đùa những cô gái cùng xóm với mình. Âm điệu của câu hát này này cho đến
bây giờ, tuổi đời tôi đã ra ngoài thất thập cổ lai hy rồi, vẫn như còn, lãng
đãng sống trong trí nhớ của tôi, kèm theo với một kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của
một chú nhóc con, ôm mộng mị, mê say cái nhan sắc của một bậc liền chị hàng
xóm, lớn hơn mình năm sáu tuổi.
Tôi còn dám cả lòng mạo
muội mượn lời hát đó để “tỏ tình” một cách láo lếu. Nhưng tôi may mắn đã không
bị ăn một cái tát tai nào, mà ngược lại, trở thành người thân quen được sang
chơi hàng ngày với chị. Tôi đem những những truyện xã hội như Nửa Chừng Xuân,
Gánh Hàng Hoa, Đoạn Tuyệt, Những Đồng Tiền Xiết Máu, đổi cho chị lấy những
truyện võ hiệp, trinh thám, như Bồng Lai Hiệp Khách, Giao Trì Hiệp Nữ, Đoan
Hùng, Lệ Hằng, Người Nhạn Trắng …Tình cảm giữa tôi và chị mỗi ngày một thêm
thắm thiết, thân ái hơn. Tôi tìm được nơi chị nguồn an ủi những khi tôi cô đơn,
bị bè bạn họ hàng hắt hủi bỏ rơi.
Tôi đem những bài học ở
nhà trường ra thuật lại với chị để nhờ chị chỉ bảo.
Chị kể cho tôi nghe về
gia đình chị. Về những ngày phải chạy đi tản cư ở những vùng quê. Hết làng này
qua làng khác. Cha chị bị người ta bắt mang đi mất tich. Nghe nói ông bị người
ta nghi ngờ là có quen biết với những người ở đường Quan Thánh Hà Nội.
Mẹ góa con côi, hai mẹ
con chị phải cực khổ, vất vả lắm mới tìm được đường “rinh tê vào tề”.
Ngày chị bỏ làng tôi hồi
cư về Hà Nội. ”Tình yêu” thơ dại của tôi chưa biết khóc, nhưng trong lòng tôi
thì buồn vô hạn.
Tôi hỏi :
-Bao giờ chị trở lại ?
Tôi không ngờ rằng, đó
lại chính là nghĩa của câu hỏi của chữ nho : “Hà Nhật Quân Tái Lai 何日君再 – Bao giờ anh
trở lại”, lại là đầu đề của bài hát mà tôi đã dùng để “tỏ tình” với chị hôm
nào.
Chị im lặng. Kéo tôi vào
lòng, vỗ về an ủi :
-Chị đi vài tháng thì
chị lại về.
Lần đầu tiên tôi cảm
thấy hơi ấm từ cơ thể của một người khác phái lan sang người tôi. Tôi vừa bối
rối. Vừa lúng túng. Tôi không phân biệt nổi cảm giác đó ra làm sao. Nhưng im
lặng. Một thứ cảm giác không tên làm tôi không muốn rời xa chị. Phải chi lúc đó
tôi cũng biết làm thơ và tài hoa như thi sĩ Hoàng Cầm, thì có lẽ tôi cũng có
một bài thơ đấy nhỉ.
Rồi hiệp định Genève,
đất nước chia đôi. Tôi theo mẹ vào Nam. Trải qua nhiều thăng trầm dâu biển, với
biết bao vật đổi sao dời. Lời hứa hẹn vài tháng của chị đã trở thành biền biệt.
Mãi mãi. Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản. Nhưng người đi để lại hình bóng. Tôi
không có cơ hội nào gặp lại người chị láng giềng năm xưa ấy nữa. Còn hình bóng
chị thì mãi mãi vẫn là một tiên nữ hiền lành, khi ẩn khi hiện trong cái thế
giới thơ ấu mang nhiều bất hạnh của tôi.
Những lúc nhớ về chân
trời cũ, tôi chỉ âm thầm hát một mình :
“Cô láng giềng ơi !
Không biết cô còn nhớ đến tôi …”.
Và nếu quả như “tam sinh
hữu hạnh”, tôi xin nguyện làm viên đá mốc rêu nằm bên dốc cầu chờ chị khi tái
sinh đi qua đó.
1-Sự ra đời, và nỗi gian
truân của “Hà Nhât Quân Tái Lai”
« Hà Nhật Quân Tái Lai –Bao
giờ mình trở lại », là một bản tình ca Trung Hoa nổi tiếng, được nhiều
người ưa thích và ca hát, được các vũ trường đua nhau diễn tấu vào cuối thập
niên 30 của thế kỷ trước. Ca khúc này chẳng những được phổ biến rộng rãi khắp
đại lục, mà còn được truyền bá sang các nước đông Nam Á, được dịch ra các thứ
tiếng, Nhật Bản, Tân Gia Ba, Việt Nam…Tuy thế nổi tiếng và được quần chúng yêu
thích như vậy, ca khúc này cũng phải chịu một định mệnh nhiều đắng cay oan
nghiệt, cho cả tác giả, lẫn một số ca sĩ của nó, vì sự gian trá và những tính tóan
chính trị, vô nghệ thuật.
Ca khúc từng bị Trung
Cộng xếp vào loại nhạc dâm đãng đồi trụy, là ca khúc chiêu hồn của đế quốc Nhật
Bản phản động, là loại “nhạc vàng” ủy mị, tức “hoàng sắc đích ca khúc”, và bị
cấm hát, cấm lưu hành, bị bỏ vào “lãnh cung”.
Tác giả của nó, cũng
phải chịu hai chục năm tù tội, oan khuất. Người hát bài ca này là ca ca sĩ khả
ái Đặng Lệ Quân bị cấm túc, không cho đặt chân lên đại lục.
Nguyên tác giả của bản
tình ca này là nhạc sĩ Lưu Tuyết Am ngẫu hứng sáng tác theo điệu tango vào năm
1936, trong một buổi đại hội liên hoan tốt nghiệp lần thứ 4 của những sinh viển
trường “Thượng Hải Quốc Lập Âm Nhạc Chuyên Khoa Học Hiệu”.
Mới đầu, ca khúc chưa có
lời.
Đến năm 1937, trước khi
xẩy ra sự kiện Lưu Câu Kiều vào ngày 7 tháng 7, là ngày quân Nhật phát động
toàn diện cuộc xâm lăng Trung Quốc, công ty Nghệ Hoa Điện Ảnh ở Thượng Hải được
công ty sản xuất kem đánh răng là Tam Tinh tài trợ, dự tính quay phim “Tam Tinh
Bán Nguyệt –Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời”, do nữ tài tử Chu
Tuyền chủ diễn, và đạo diễn là Phương Bái Lâm. Họ Phương liền xin nhạc sĩ Lưu
Tuyết Am cho phép lấy bản tango “Hà Nhật Quân Tái Lai” đang thịnh hành, dùng
làm nhạc đệm cho phim “Tam Tinh Bán Nguyệt”. Nhưng bản nhạc chưa có lời, đạo
diễn họ Phương lại phải nhờ nhà sọan kịch của phim này là Hòang Gia Mô (ký tên
là Bối Lâm) viết lời.
Bài ca diễn tả lời ca
của một thiếu nữ hát tiễn biệt tình nhân trước ngày ra mặt trận. Nói lên sự bi
hoan ly biệt, biểu đạt một nhân sinh quan, cho cuộc đời là ngắn ngủi, hãy kịp
thời vui sống và hưởng lạc đi.
Đương nhiên nó là thiếu
tính tích cực. Nhưng nếu đem cả nội dung của phim và lời ca phân tích, người ta
chẳng tìm thấy tí ti gì là “nhạc vàng”, là “đồi trụy”, hay “phản động” cả. Đó
chỉ sự biểu hiện một thứ tình cảm tư sản thường tình. Yêu nhau mà xa nhau thi
buồn. Đời người ngắn ngủi, hãy mau vui đi.
Cổ kim thi nhân cũng đã
chẳng từng đề cập đến hay sao. Lý Bạch, trong bài Tương Tiến Tửu, đã từng viết:
Quân bất kiến Hoàng Hà
chi thủy thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.
Mới đầu, “Hà Nhật Quan
Tái Lai” chỉ thuần túy là một khúc nhạc đệm cho điện ảnh. Hoàn toàn không mang
một ý đồ chính trị nào khác.
Năm 1937, người đầu tiên
hát bài này là nữ tài tử chủ diễn phim “Tam Tinh Bán Nguyệt”, Chu Tuyền. Nhờ
tiết tấu êm ái dịu dàng, dễ lọt vào tai thính giả. Thêm nữa, lời nhạc lãng
mạng, ngọt ngào nên bản nhạc được lưu truyền một cách nhanh chóng. Từ đầu thôn
cuối ngõ , người ta đua nhau hát một cách đắc ý.
Đến năm 1939, ca khúc
“Hà Nhật Quân Tái Lai” lại được dùng nhạc đệm khi quay phim “Cô Đảo Thiên
Đường 孤島天堂 ”, một phim thuộc loại kháng chiến chống Nhật,
do nữ tài tử Lê Lợi Lợi hát, để khuyến khích thanh niên lên đường tòng quân.
Đến năm 1941, lúc này
cuộc xâm lăng Trung Quốc quân Nhật đã được bốn năm. Một số thành thị, một số
địa khu đã bị chiếm đóng nằm dưới sự quản lý hành chánh của quân đội Nhật. Để
chứng tỏ ở những khu vực bị chiếm đóng này, dân chúng vẫn được yên vui thanh
bình, tâm lý chiến của Nhật đã tung ca khúc “Hà Nhật Quân Tái Lai” do một ca sĩ
khả ái người Nhật , hóa danh là Lý Hương Lan (nguyên tên Nhật là Sơn Khẩu Thục
Tử 山口淑子(*) , bị Trung Hoa nghi ngờ là điệp viên) hát
hàng ngày trên đài phát thanh. Lý Hương Lan mau chóng chiếm được cảm tình và sự
ưu ái của dân chúng.
Ngoài bản Hoa văn, “Hà
Nhật Quân Tái Lai” còn được Lý Hương Lan dịch ra Nhật văn để thâu vào đĩa nhựa.
Bản Nhật văn này cũng được Lý Hương Lan hát và phổ biến đến các doanh trại của
quân đội Nhật. Tất nhiên cũng được họ hoan nghênh nhiệt liệt.
Trong thời kỳ kháng
chiến, chính phủ của Tưởng Giới Thạch dời đô đến Trùng Khánh, nhưng tại những
vùng bị Nhật chiếm đóng “Hà Nhật Quân Tái Lai” được phổ biến rất rộng rãi.
Những người dân tại vùng Nhật chiếm đóng, đua nhau hát “Hà Nhật Quân Tái Lai”
để tỏ niềm khát vọng khu trừ được quân Nhật.
Thế là “Hà Nhật Quân Tái
Lai”, từ một ca khúc bình thường, biến thành một ca khúc yêu nước, và vượt trội
hẳn những ca khúc mang tính chất tuyên truyền chính trị khác và tồn tại đến
ngày nay.
Tuy thế, trong già nửa
thế kỷ tồn tại ấy, “Hà Nhật Quân Tái Lai” phải chịu một vận mệnh đầy oan khuất,
bị cấm đoán, bị trù dập, đả kích.
Cũng trong thời kỳ kháng
chiến chống Nhật, người Nhật phát hiện ra rằng “Hà Nhật Quân Tái Lai” được xử
dùng làm nhạc đệm trong một phim chống Nhật. Lập tức nhà đương cục Nhật ra lệnh
cấm, không cho hát bài này nữa. Họ lấy lý do là chữ “ quân 君” –(có nghĩa là anh,
là mình) đọc thành chữ “quân 軍”, tức “quốc quân 國軍” (có nghĩa là quân
của Quốc Dân Cách Mạng, kháng chiến).
Ít lâu sau thì cả bản
Nhật văn cũng bị cơ quan kiểm tra của Nhật cấm. Họ cho là vì âm điệu của bài
hát có tinh chất lê thê ủy mị, sẽ làm cho binh sĩ Nhật mất kỷ luật, nản lòng
chiến đấu. Người Nhật còn nghi ngờ rằng, dân chúng Trung Hoa sống trong vùng
Nhật chiếm đóng, thông qua bài hát này muốn bầy tỏ sự trông chờ quốc quân Trung
Quốc đến giải phóng họ.
Đến cuối thời kỳ kháng
chiến, ở Nam Kinh, Thượng Hải, quân đội Nhật biết rằng họ sắp thua trận. Nhưng
thua thì thua, họ nẩy ra ý định thay đổi nhan đề của bài hát, sửa chữ “Hà 何” ra chữ “Hạ 賀”, “Quân 君” trở thành “Quân 軍”, và “Hà Nhật Quân Tái
Lai-何日君再來-Bao giờ anh trở lại » biến thành « Hạ Nhật Quân Tái
Lai-賀日君再來-Mừng quân Nhật trở lại », và cho phát thanh đêm ngày
trên đài, như một lời ước hẹn trở lại của người Nhật.
Việc thay đổi lời ca như
thế, ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến tâm lý quần chúng, nên những nhân viên
tình báo của phe kháng chiến trong lòng địch bèn thông tin cho Trùng Khánh, thủ
phủ của kháng chiến biết. Tưởng Giới Thạch bèn đích thân ra lệnh cấm hát bài ca
này. Đồng thời những dĩa nhựa “Hà Nhật Quân Tái Lai”của công ty sản xuất chưa
bán ra cũng bị tịch thâu để tiêu hủy. Các đài phát thanh thuộc phe kháng chiến
cũng không còn hát “Hà Nhật Quân Tái Lai” nữa. “Hà Nhật Quân Tái Lai” đang từ
điểm cực thịnh bị rơi xuống hố thẳm. Bị coi là nhục quốc thể. Bị cấm hát, im
lìm, không còn được ai nhắc đến nữa.
Sau khi Nhật bại trận,
năm 1952, khi Lý Hương Liên trở về Nhật Bản, mới lại đem “Hà Nhật Quân Tái Lai”
ra hát lại và thâu vào đĩa nhựa, cả Nhật văn lẫn Hoa văn.
Năm 1966, hãng phim
“Thiệu Thị Công Ty” tức công ty Shaw Brothers, từng sản xuất các phim nổi tiếng
chiếu ở Sai Gòn trước 1975, như “Độc Thủ Đại Hiệp”, “Long Hổ Quyết Đấu”… không
biết Đài Loan có lệnh cấm bài “Hà Nhật Quân Tái Lai”, và cũng không biết Lưu
Tuyết Am lúc đó đang bị Trung Cộng phê đấu, hành hạ, vì là tác giả của bài hát
này, Thiệu Thị Công Ty cho quay một bộ phim mang tên “Hà Nhật Quân Tái Lai”
cùng với tên bài hát, nhưng may mắn không bị cấm. Ngay cả phim “Lam Dữ Hắc” của
Lâm Đại cũng dùng “Hà Nhật Quân Tái Lai” làm nhạc đệm mà cũng không bị nhà cầm
quyền Đài Loan để ý xử lý.
Đến năm 1980, “Hà Nhật
Quân Tái Lai” mới hoàn toàn được Đài Loan tháo giây cởi trói, cho phép hát lại.
Lúc đó, ca sĩ Đặng Lệ Quân đem bài hát này chỉnh biên lại, nhờ thế, “Hà Nhật
Quân Tái Lai” được rời khỏi “lãnh cung” ra với quần chúng.
Đến khi Trung Cộng thi hành chính sách Cải Cách Khai Phóng, “Hà Nhật Quân Tái
Lai” may mắn được trở về lục địa, được dân chúng hoan nghênh nhiệt liệt, vì
giọng ca và cách trình diễn của Đặng Lệ Quân trội hơn tất cả những ca sĩ đã hát
bài này trước đó, hơn nữa thính giả lại được nghe miễn phí lúc đầu.
Ca Sĩ Đài Loan Đặng Lệ Quân - Teresa Teng
Click vào hình để nghe bài "Hà Nhật Quân Tái Lai"
do Đặng Lệ Quân ( Teresa Teng ) trình bày
Năm 1982, giữa lúc “Hà
Nhật Quân Tái Lai” và Đặng Lệ Quân được sự hâm mộ nhiệt tình của quần chúng,
thì ban bảo vệ văn hóa tư tưởng của Trung Cộng lại có nhận định cho rằng đây là
một bài ca không chính đáng, mang tính chất “bán phong kiến, bán thực dân”, là
“hoàng sắc ca khúc”, là “nhạc vàng ủy mị”, bèn ra lệnh cấm thâu nhập, truyền
bá. Cũng như chính phủ Nhật Bản trước đó, nhà đương cục lục địa còn cho rằng
“Hà Nhật Quân Tái Lai” còn mang ẩn ý hy vọng ngày phản công của Quốc Dân Đảng
tái chiếm lục địa.
Thế là “Hà Nhật Quân Tái
Lai” lại bị nhà cầm quyền Trung Cộng cho vào “lãnh cung”. Đặng Lệ Quân bị “cấm
túc”, không cho đặt chân lên lục địa.
Còn Lưu Tuyết Am, cha đẻ
của ca khúc này, cũng phải chịu một vận mệnh oan nghiệt, cơ cực, nhiều truân
chuyên không kém gì đứa con tinh thần của mình.
2-Về tác giả Lưu Tuyết
Am
Lưu Tuyết Am sinh năm
1905, người Đồng Huyện tỉnh Tứ Xuyên, thời thơ ấu học ở trường huyện. Vì có máu
yêu thích âm nhạc, ngay từ nhỏ, ông đã sớm được tập luyện về dương cầm, vĩ cầm,
côn khúc. Sau vì cha mẹ bị bệnh đều qua đời hết, ông phải bỏ học, đi làm công
để mưu sinh.
Năm 1926, ông thi vào
học trường Mỹ Thuật Chuyên Khoa Học Hiệu ở Thành Đô, học vẽ với thầy là Lý Đức
Bồi. Vừa học vừa làm trong vòng ba năm. Năm 1929, trường học vì lý do chính trị
bị điều tra đóng cửa. Ông chuyển lên Thượng Hải xin vào học trường Âm Nhạc
Chuyên Khoa Học Hiệu, chuyên học về sáng tác nhạc và học dương cầm với Lý Duy
Ninh, Tiêu Hữu Mai và Hoàng Tự.
Năm 1930. Lưu Tuyết Am
bắt đầu viết nhạc. Bài “Phiêu Linh Đích Lạc Hoa” là “xử nữ tác” của ông, tiếp
đến những bài “”Đạp Tuyết Tầm Mai”, “Phi Nhạn”, đều là những bài được sáng tác
khi còn ở trong trường. Ông trở thành môn sinh đắc ý của giáo sư âm nhạc Hoàng
Tự.
Sau đó, ông còn sáng tác
nhiều bài khác mang tính chất nghệ thuật, được quần chúng ưa thích như “Hồng
Đậu Từ”, “Trường Thành Dao”.
Rồi sau khi tốt nghiệp,
trong buổi lễ kỷ niệm liên hoan của trường “Thượng Hải Quốc Lập Âm Nhạc Chuyên
Khoa Học Hiệu”, Lưu Tuyết Am đã sáng tác một vũ khúc theo điệu Tango, có tên là
“Hà Nhật Quân Tái Lai”.
Và chính vì ca khúc này
mà về sau ông bị chụp mũ là “Hán gian”, viết “nhạc vàng ủy mị”.
Năm 1957, ông bị Trung
Cộng xếp vào hạng “hữu phái”. Đến thời kỳ “Văn Hóa Đại Cách Mạng”, ông bị Hồng
Vệ Binh phê đấu một cách tàn nhẫn, thậm chí bắt ông phải thừa nhận là vào thời
quân Nhật mới bắt đầu xâm lấn Trung Hoa, chữ “Quân君 ” trong “Hà Nhật Quân
Tái Lai 何日君再來”, là chữ “quân 軍” trong “Nhật Bản Hòang
Quân 日本皇軍”, ông bị kết tội là một tên “đại mãi quốc tặc”.
Ông bị bỏ tù và chịu lao
động cải tạo trong 10 năm. Sau đó bị điều về làm giáo thụ trường “Bắc Kinh Nghệ
Thuật Học Hiệu”, để tiếp tục lao cải. Công việc hàng ngày của ông ở đây chỉ là
hốt phân, quét cầu tiêu. Ông đội mũ cắm cúi im lặng làm việc. Mất hết cả nhân
phẩm. Ông không dám ngẩng mặt nhìn người khác. Và người ta cũng sợ không dám
nhìn ông mà liên lụy, nên bạn bè đều lảng tránh xa ông cả. Vận mệnh của ông
thật là bi thảm, làm khổ lây đến người vợ hiền lành là bà Kiều Cảnh Vân, khi bà
lấy thân đỡ đòn cho ông, nên bị Hồng Vệ Binh đá tàn nhẫn vào hạ thể, bị trọng
thương rồi từ trần.
Mãi về sau này, năm
1985, Lưu Tuyết Am mới được bình phản, phục hồi lại danh dự . Thì hỡi ơi, phong
chúc tàn niên, hai mắt ông đã mù, thân ông như ngọn đèn tàn chờ cơn gió thỏang
đưa cuộc đời tài hoa nghệ sĩ của ông sang một bờ suối khác, trả lại cho hồng
trần bội bạc những oan nghiệt, trầm luân.
Lưu Tuyết Am không phải
là người nghệ sĩ tài hoa duy nhất và đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc bị những
mưu toan chính trị, ở phía này hay phía khác, vu cáo và bách hại. Cổ kim xưa
nay, trước ông đa số các hoàng đế bạo quân, thường để lại những vụ án văn học
thảm khốc.
Ông mất ngày 13 tháng 3
năm 1985, sau khi đã để lại một số những tuyệt phẩm làm vui tươi cuộc đời.
3-Nguyên lời ca khúc của
“Hà Nhật Quân Tái Lai”
Dưới đây là lời ca chữ
Hán của bài « Hà Nhật Quân Tái Lai » do Bối Lâm viết, nhạc của Lưu Tuyết Am.
Bối Lâm là hóa danh của kịch tác gia Hoàng Gia Mô, người đã viết truyện
phim“Tam Tinh Bán Nguyệt -Nửa vàng trăng khuyết ba sao giữa trời”. Lời
của nguyên tác dài hơn lời của ca sĩ Đặng Lệ Quân biên chỉnh lại mà người ta
thường nghe sau này. Ca khúc láy đi láy lại nhiều lần“Đêm nay ly biệt rồi, bao
giờ anh trở lại”. Nghe quyến luyến và day dứt vô cùng.
Người viết xin ghi lại
dưới đây:
何日君再來
Hà Nhat Quân Tái Lai
作曲﹕劉雪庵
Tác khúc : Lưu Tuyết Am
作詞﹕貝林
Tác từ :Bối Lâm
好花不常開好景不常在愁堆解笑眉淚灑相思帶
Hào hoa bât thường khai, hào cảnh bât thường tại, sầu đôi giải tiểu my, lệ sái
tương tư đái
今宵離別後何日君再來喝完了這杯請進點小菜
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai, hát hòan liễu giá bôi, thỉnh tiên
điểm tiểu thái
人生難得幾回醉不歡更何待
Nhân sinh nan đắc kỷ hôi túy bât hoan cánh hà đãi
(男白) 來來來喝完了這杯再說吧
(Nam bạch) Lai lai lai, hát hòan liễu giá bôi tái thuyết ba
今宵離別後何日君再來
Kim tiêu ly biệt hậu , hà nhật quân tái lai
曉露濕中庭沉香飄戶外 寒鴉依樹棲明月照高台
Hiểu lộ thâp trung đình, trầm hương phiêu hộ ngoại, hàn nha y thụ thê, minh
nguyệt chiếu cao đài
今宵離別後何日君再來喝完了這杯請進點小菜
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai, hát hoàn liễu giá bôi, thỉnh tiến
điểm tiểu thái
人生難得幾回醉不歡更何待
Nhân sinh nan đac kỷ hôi túy bất hoan cánh hà đãi
(男白) 來來來再敬你一杯
(Nam bạch) Lai lai lai, tái kính nễ nhất bôi
今宵離別後何日君再來
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai
玉漏頻相催良辰去不回一刻千金價痛飲莫徘徊
Ngọc lau tân tương thôi, lương thần khứ bất hồi, nhất khắc thiên kim giá, thống
ẩm mạc bồi hồi
今宵離別後何日君再來喝完了這杯請進點小菜
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai, hát hoàn liễu giá bôi, thỉnh tiến
điểm tiểu thái
人生難得幾回醉不歡更何待
Nhân sinh nan đắc kỷ hồi túy bất hoan cánh hà đãi
(男白) 來來來再敬你一杯
(Nam bạch) Lai lai lai, tái kính nễ nhất bôi
今宵離別後何日君再來
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai
停唱陽關疊重擊白玉杯殷勤頻致語牢牢撫君懷
Đình xướng Dương Quan Điệp, trùng kích bạch ngọc bôi, ân cần tân chí ngữ, lao
lao phủ quân hoài
今宵離別後何日君再來喝完了這杯請進點小菜
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai, hát hoàn liễu giá bôi, thỉnh tiến
điểm tiểu thái
人生難得幾回醉不歡更何待
Nhân sinh nan đắc kỷ hôi túy bất hoan cánh hà đãi
(男白) 哎再喝一杯乾了吧
(Nam bạch) Ai, tái hát nhất bôi càn liễu ba
今宵離別後何日君再來
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai
Bản dịch tiếng Việt xin coi phần chú
thích bên dưới
4-Hà Nhật Quan Tái Lai
du nhập Việt Nam vào năm nào?
Như đã trình bầy ở trên,
khi hát mấy câu :
Em có chồng sao em không
nói,
Để anh theo anh ghẹo em hoài
Tôi cũng như những người
bạn đồng trang lứa lúc bấy giờ, chúng tôi chỉ hát một cách vô thức, không mang
một chút ý nghĩa nào. Việc « tỏ tình » với người liền chị hàng xóm năm xưa, là
một việc thầm kín riêng tư đến sau này của mình tôi mà thôi. Cũng như lớp trẻ
con sau năm 1975, chúng thường bảo nhau nghêu ngao hát «nhái » một bài hát rất
thịnh hành của Trịnh Công Sơn ngày trước đó:
Từ Bắc vô Nam tay cầm
cái roi
Tay kia cầm sợi dây để bắt con cầy.
Tuổi thơ nào cũng đều vô
tư và giống nhau như thế cả.
Do đó, tôi không hề đặt
câu hỏi về xuất xứ của câu hát này, và bài “Hà Nhật Quân Tái Lai” đã được du
nhập vào Việt Nam như thế nào, vào năm nào. Đây là một câu hỏi, chúng tôi không
có tài liệu để trả lời. Cũng may, một ông bạn già vong niên, trong lúc trà dư
tửu hậu ở quán thịt dê, đã cho tôi biết là ông đã từng được nghe bài “Hà Nhật
Quân Tái Lai” vào đầu thập niên 1940, khi đó ông còn trẻ, lúc ông mới bước chân
vào ngưỡng cửa Thành Chung.
Thời bấy giờ, “Hà Nhật
Quân Tái Lai” là bài hát khá thịnh hành trong các vũ trường, hộp đêm. Ông còn
nhớ được, tuy không chắc chắn đầy đủ, lời tiếng Việt của bài hát đại để này như
sau :
Bao Giờ Anh Trở Lại
Đi để lại hình bóng
Gợi nhớ thương dào dạt trong lòng,
Em nhắn nhủ thời gian
Đem đến trả tình quân
Ai biết chăng êm đềm gió thu
Ai biết cho lòng em âu sầu
Như lá thu vàng vừa rơi
Lướt trên hồ đằng xa
Còn mong sẽ có một tương lai nữa nhỉ
Giữ duyên khỏi phai
Mai kiếp phong trần lôi kéo đời
Em nhắn nhủ tình quân
Đi lại một kỳ tới xuân
Dĩ nhiên, chắc chắn đây
không phải là lời dịch của bài “Hà Nhật Quân Tái Lai”, nhưng ý và lời Việt của
bài hát này cũng mang đầy tính lãng mạn như lời của nguyên bản. Lời ca cứ như
quấn quýt quện vào nhau, không rời. Nói lên được sự quyến luyến triền miên của
người con gái trước lúc chia tay từ giã người tình. Đúng là :
”Nhất cú ly ca nhất độ
sầu-一句离歌一度愁”
Đây là một bài viết mua
vui, viết để đáp lại câu hỏi của người bạn già tóc trắng, cùng một số bằng hữu
của ông, muốn tìm hiểu về lai lịch của bài “Hà Nhật Quân Tái Lai”. Và cũng để
tạ cái tình ông đã “khởi động” cho tôi sống lại một kỷ niệm về một câu hát của
tuổi thơ ấu năm xưa.
Kính chúc vạn an.
Paris, ngày
14-1-2011-Lúc 11h 45-
Phạm Xuân Hy
CHÚ THÍCH
Dương Quan 陽 關
Là tên một cửa quan một
cửa quan, nằm cách thành phố Đôn Hoàng tỉnh Cam Túc, hơn bẩy mươi cây số về
phía tây. Mới đầu, cửa quan này được cất dưới triều đại của Hán Võ Đế. Nhân vì
Dương Quân nằm ở phía nam của Ngọc Môn Quan, nhân thế mà thành tên Dương Quan
(ngày xưa vùng đất phía nam của núi thì gọi là dương 陽). Vì thế, Dương Quan và
Ngọc Môn Quan được xưng là Nhị Quan
Dương Quan được coi là
yết hầu của đường giao thông cổ xưa đến Tây Vực, Đồng thời, « Dương Quan » cũng
là tên gọi của một ca khúc, gọi tắt từ tên « Dương Quan Tam Điệp », bắt nguồn
từ bài thơ được phổ nhạc của Vương Duy là « 送元二使安西 –Tống Nguyên Nhị Sứ An Tây» trong đó có
hai câu :
勸君更盡一杯酒
Khuyên quân cánh tận nhất bôi tửu
西出陽關無故人.
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân
(Khuyên chàng cạn hết
chén này –Dương Quan tây xuất không còn cố nhân).
Và vì thế Dương Quan
được coi là bài hát tiễn biệt nhau.
Lư Câu Kiều Sự Biến 盧溝橋事變
Lư Câu Kiều (tây phương
gọi là cầu Marco Polo) nằm ở phía tây nam Bắc Kinh 15 cây số, nhân cầu nằm bắc
ngang sông Lư Câu Hà mà thành tên gọi, là cây cầu bằng đá tối cổ của thành phố
Bắc Kinh tồn tại đến ngày nay.
Lư Câu Kiều sự kiện là
sự kiện đánh dấu ngày Nhật Bản phát động cuộc xâm lấn Trung Hoa, và cùng là
ngày người Trung Hoa kỷ niệm bắt đầu kháng chiến.
Từ tháng 6 năm 1937,
Nhật Bản liên tiếp tăng quân ở vùng Bình Tân, và tại vùng phụ cận Uyển Bình
Huyện, Bắc Bình diễn tập quân sự để khiêu khích.
Đến đêm 7 tháng 7 năm
1937, trưởng cơ quan đặc vụ của Nhật Bản là Tùng Tiến nói dối là có một binh sĩ
Nhật Bản bị mất tích khi diễn tập, yêu cầu được tiến hành điều tra ở Uyển Bình
Huyện. Sự yêu cầu này bị Trung Hoa cự tuyệt. Nhật Bản lập tức phát động cuộc
tấn công vào phía quân Trung Quốc đóng ở Lư Cầu Kiều, và oanh kích vào Uyển
Bình Huyện.
Dưới đây là bản dịch «
Hà Nhật Quân Tái Lai »
Hoa đẹp không thường nở,
cảnh đẹp hiếm khi còn, buồn lấp đầy khóe mắt
Đêm nay xa nhau rôi, bao
giờ anh trở lại ? Xin cạn chén này đi, gắp thêm vài miếng nhắm
Đời người say được mấy
lần, Không vui chờ đến bao giờ mới vui?
Giọng nam :
Lại đây! Lại đây ! Hãy
lại đây! Cạn hết chén này rồi nói tiếp !
Đêm nay xa nhau rồi, bao
giờ anh trở lại ?
Sương sớm ướt mái đình,
trầm hương bay ngoài ngõ, quạ buồn kêu ngọn cây, lầu cao trăng sáng tỏ
Đêm nay xa nhau rồi, bao
giờ anh trở lại ? Cạn xong chén này đi, gắp thêm vài miếng nhắm
Đời người say được mấy
lần, Không vui chờ đến bao giờ mới vui?
Giọng nam :
Lại đây! Lại đây ! Hãy
lại đây! Cạn hết chén này rồi nói tiếp.
Đêm nay xa nhau rồi, bao
giờ anh trở lại?
Trông canh thôi thúc
điểm, ngày vui không trở lại, một phút giá ngàn vàng, say đi đừng hờ hững
Đêm nay xa nhau rồi, bao
giờ anh trở lại ? Cạn xong chén này đi, gắp thêm vài miếng nhắm
Đời người say được mấy
lần, Không vui chờ đến bao giờ mới vui?
Giọng nam:
Lại đây! Lại đây ! Hãy
lại đây, mời anh thêm chén nữa
Đêm nay xa nhau rồi, bao
giờ anh trở lại ?
Thôi đừng hát khúc Dương
Quan, cùng nâng chén bạch ngọc, vài lời ân cần gửi gấm, xin anh giữ kỹ trong lòng
Đêm nay xa nhau rồi, bao
giờ anh trở lại? Cạn xong chén này đi, gắp thêm vài miếng nhắm
Đời người say được mấy
lần, không vui chờ đến bao giờ mới vui ?
Giọng nam :
Nào ! cạn thêm chén nữa
nhé
Đêm nay xa nhau rồi, bao
giờ anh trở lại
Phạm Xuân Hy
ẤN CHƯƠNG
VÀ TRUYỀN QUỐC NGỌC TỈ
Phạm Xuân Hy
Ấn chương ( 印章) mà ta vẫn thường gọi là con dấu, hay ấn tín; tuy chỉ là
một vật dụng nhỏ bé, nhưng lại mang tính thực dụng và nghệ thuật hết sức to
lớn.
Đứng về mặt thực dụng, ấn chương
hay con dấu là bằng chứng trọng yếu trong việc hành sử quyền lực chính trị
của một quốc gia hay một chính quyền. Còn đứng về phương diện tư nhân và hoặc
giao dịch thương mại, mậu dịch qua lại , ấn chương là một tín vật không thể
thiếu được. Còn đứng về phương diện nghệ thuật, bản thân của ấn chương cũng
là một tác phẩm nghệ thuật, được sáng tạo một cách tinh nhã, trạm chỗ chi li
tỉ mỉ công phu, với những hoa văn nhỏ bé, âm dương biến ảo, cùng với
nghệ thuật thư hoạ của Trung Quốc, song hành đắp bù cho nhau.
Vì thế, từ hàng ngàn năm nay trong
suốt lịch sử Trung Quốc, dù xẩy ra những biến đổi cơ chế xã hội, nhưng tác
dụng của ấn chương vẫn không thay đổi.
A-Nguồn gốc của ấn
chương.
Sự xuất hiện ấn chương ở Trung
Quốc, đã có một lịch sử lâu dài. Ấn chương có một sự quan hệ mật thiết đối
với sự phát triển giao hoán thương phẩm, vì ấn chương là bằng chứng của sự
giao hoán thương phẩm, hóa vật và là tín vật trao đổi vật phẩm cho nhau.
Các nhà nghiên cứu văn hóa Trung
Quốc, cho rằng "ấn chương" đã xuất hiện rất sớm cách nay mấy ngàn
năm. Ngay từ thời nhà Ân, người Tầu đã biết dùng vật nhọn để khắc những bức
hoạ tượng hoa văn lên những hòn đá, thường thường là nhân vật, động vật, thực
vật, nhưng đó mới chỉ là sự manh nha của ấn chương, nhưng cùng với sự mở rộng
việc trao đổi thương phẩm và chế độ tư hữu chế dần dà được thiết lập, ấn
chương cũng mỗi ngày được sử dụng rộng rãi thêm.
Có người cho rằng ấn chương xuất
hiện ở vào thời kỳ Tây Chu và Chiến Quốc và Tây Hán chỉ là loại "tiêu
hình ấn 肖形印", tức những hình vẽ giống hình vẽ cụ thể ở ngoài,
còn những hoa vằn đồ án của tiêu hình ấn rất là phồn tạp.
Các hình vẽ ở bề mặt của ấn chương
được người ta xếp thành năm loại như dưới đây :
1-Nhân vật loại có các hình:
Săn bắn, chăn nuôi, sinh sản mục súc, xe ngựa, âm nhạc, nhảy múa, hý kịch, quan lại, thần thoại…
2-Phi cầm loại có các hình:
Chim bồ câu, con ngỗng, chim tu
hú, chim nhạn, chim loan, chim hạc, chim phụng, chim khổng tước, anh vũ, uyên
ương, con vịt, con cò, chim ưng…
3-Tẩu thú loại có các hình:
Con ngựa, con dê, con bò, con lạc
đà, con chó, con lừa, con thỏ, con mèo, con chuột, con vượn, con hươu, con
voi, con sư tử, con hổ, con báo, con hà mã…
4-Trùng ngư loại có các hình:
Con cá, con rắn, con rồng, con
rùa, con ếch, con cóc, con rết, con nhện, con thạch sùng…
5-Các loại khác như cái chén, cái
bình, cái lọ, cái lư hương, cái đàn tì bà…
Nhưng "tiêu hình ấn" vào
thời Thương, Chu đa số là khắc mặt các con thú vật quái lạ như quỳ
long 夔龍, quỳ phụng 夔鳳 , bàn ly 蟠 螭 , thao thiết 饕餮 … như thế, khiến người ta nghĩ rằng hẳn những loại tiêu
tượng ấn này có liên quan mật thiết với những truyền thuyết thần thọai cổ đại
và tín ngưỡng tôn thờ tô tem.
Đến đời Chiến Quốc việc sử dụng ấn
chương được thực hành rộng rãi. Và người ta đã tìm thấy có những chiếc ấn
thuộc loại "tiêu hình ấn" vào thời này trạm chỗ đầu rồng, đầu
phượng, chung quanh là hoa vằn và đường viền quấn quanh trông tinh chí như
thực. Lại có những chiếc ấn chỉ nhỏ bằng hạt đậu khắc hình con hươu chạy, có
cái trạm khắc tượng thần mặt người, mồm chim, tai rắn, chân dẫm lên mãng sà…
hình tượng trông rất truyền thần. Tất cả những hình tượng ấy đều phản ánh tư
tưởng và phong tục xã hội lúc bấy giờ.
Việc sử dụng ấn chương càng ngày
càng phát triển, chẳng những phổ biến trong giới tư nhân để giao hoán hàng
hóa, vật phẩm gọi chung là loại tư ấn, mà ấn còn được dùng làm tượng trưng
của hoàng đế, hay các cơ quan quyền lực quốc gia, gọi chung là quan ấn.
Chất liệu được sử dụng để cấu tạo
ấn chương thường bằng vàng, bạc, đồng, đá, ngọc, xương, gỗ, trúc…nhưng bằng
gỗ thấy nhiều hơn cả. Còn về hình thức thì có loại phương hình, viên hình,
phương trường hình, tâm hình, đa biên…
B-Các danh xưng của
ấn chương
Thời Tiên Tần, bất luận quan ấn
hay tư ấn đều gọi là " tỉ 璽 " , hoặc " tỉ tiết 璽 節 ", không có sự phân biệt lớn
nhỏ, quý tiện, và cũng không thống nhất về mặt hình thức.
-Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi
các quốc quân bổ nhiệm quan lại của mình, đều cấp phát "tỉ",
tức "quan ấn 官印"
cho họ để làm bằng chứng.
"Tỉ " có thể làm bằng
ngọc, bằng kim loại, hay bằng đồng. Dùng " tỉ 璽 " của quốc quân hay quan
viên đóng trên văn thư thì gọi là " tỉ thư 璽 書 ".
-Cho đến khi Tần Thủy Hoàng diệt
lục quốc, về phương diện chế tạo, danh xưng, và sử dụng của ấn chương
mới được chặt chẽ qui định.
Tần Thủy Hoàng qui định rằng
" tỉ 璽 " là từ dành riêng để gọi ấn của hoàng đế, và
"tỉ" phải được chế và khắc trên ngọc, vì thế nên được gọi là
"ngọc tỉ", còn ấn ký hoàng đế được gọi là "tỉ thư 璽書 ". Cho nên "tỉ
thư" trở thành từ ngữ chuyên môn để chỉ chiếu thư và sắc mệnh của hoàng
đế.
Còn ấn của quan viên thì được chế
bằng đồng. Sự khác biệt đẳng cấp giữa các quan lại được qui định bằng mầu sắc
của các giây thao dùng để đeo ấn.
Nhà Hán theo lệ nhà Tần, cũng gọi
"ấn" của nhà vua gọi là "tỉ 璽 ", còn ấn của quan lại thì
lại gọi là "chương 章", hoặc "ấn 印 ", còn của tư nhân thì gọi là "ấn tín 印信 ".
-Đến đời Đường, vì âm " tỉ 璽 " cận âm với âm " tử 死 ", nên tỵ húy, gọi ấn của
nhà vua là "Bảo 寶 ".
Về cơ bản, quan ấn của các vương
triều phong kiến Trung Quốc thừa tập chế độ ấn chương của nhà Tần. Còn tư ấn,
thì từ đời Lưỡng Hán trở về sau, giấy được xử dụng một cách rộng rãi, kèm
theo sự phát triển của nghệ thuật hội họa, thư pháp, nên việc xử dụng tư ấn
cũng nhiều hơn.
Theo truyền thuyết, thì người đầu
tiên sử dụng ấn đóng lên trên thư, họa là Lý Thế Dân, tức Đường Thái Tông.
Rồi do các quân vương các đời sau đề xướng, các văn nhân mặc khách bắt chước
theo, đều thích sử dụng ấn in trên tranh vẽ và thư pháp của mình.
Từ hai triều Thanh Minh cho đến hiện
đại, một số lớn nhà hội họa, và các thư pháp gia như Triệu Mạnh Phủ, Vương
Miện, Thạch Đào đều coi ấn chương là một bộ phận trọng yếu trong những tác
phẩm thư họa của họ.
Sự kết hợp giữa ấn chương với nghệ
thuật thư họa, thúc đẩy thêm sự phát triển về nghệ thuật khắc ấn. Đồng thời,
hình thành những môn phái khác nhau. Thời Minh Thanh khá nổi tiếng có An Huy
phái mà nhân vật đại biểu là Trình Thúy , Triết Giang phái có Đinh Kính.
Ngày xưa ấn và tỉ, ở phần dưới đáy
được làm theo hình vuông, có khắc loại chữ triện, bên trên có cái núm hình
đầu rồng hay đầu hổ, gọi là "ấn nữu 印 紐 ". Ấn nữu có một cái lỗ để cột dây gọi là "thụ 綬", ta dịch nghĩa là dây thao. Dây thao đeo ngọc ấn
của hoàng đế gọi là "tỉ thụ璽 綬 ". Còn dây đeo đồng ấn của quan lại thì gọi là
"ấn thụ 印 綬 ".
Các quan lại mỗi khi đến nhiệm sở, hay đi tuần ở xa, rất sợ bị mất ấn, nên
thường đeo ấn vào vào bên trong bụng và cột giây thao ở thắt lưng.
Trong "Sử Ký-Phạm Tuy liệt
truyện" mô tả Phạm Tuy đi làm quan : " Hoài hoàng kim chi ấn,
kết tử thụ vu yêu 懷 黃 金 之 印 結 紫 綬 于 腰- Dấu ấn vàng vào trong bụng và đeo giây thao ở thắt
lưng". Cho thấy thái độ gìn giữ ấn tín một cách kỹ lưỡng của Phạm Tuy
Đại khái, lúc bấy giờ ấn của các
Thừa Tướng và các đại quan làm bằng vàng và giây thao mầu tím. Viên quan nào
bị tội phải bãi chức hay bị điều nhậm nơi khác thì phải trải lại ấn cho triều
đình.
Ngày nay, những nhà sưu tầm những
ấn chương cổ thường dựa vào bốn phương diện chủ yếu dưới đây để giám định
thật giả.
Đó là tài liệu đã tạo ra ấn. Hình
trạng của ấn. Núm của ấn và ấn văn, tức chữ trên mặt ấn.
Về vật liệu để làm ấn, như đã
trình bầy ở trên, ấn có thể được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau: vàng,
bạc, đồng, gỗ, xương, đá pha lê, hổ phách…Quan ấn thường được làm bằng đồng.
Trong dân gian, từ đời Nguyên, loại ấn làm bằng đá được phổ biến lưu hành
rộng rãi.
Trước thời Chiến Quốc, "ấn
nữu", tức núm ấn thường là tỵ hình, hình mũi, nên có khi gọi ấn nữu
là" ấn tỵ". Quan ấn to hơn, chữ trên mặt ấn khắc nổi. Còn tư ấn nhỏ
hơn, chữ trên mặt ấn đa số khắc chìm.
Đời nhà Tần, chữ trên mặt quan ấn
khắc chìm và thuộc loại chữ triện đời Tần. Bố cục của ấn diện, tức mặt ấn là
hình chữ điền 田 hay chữ nhật 日để làm danh giố. Tư ấn đa số là trường phương hình (tức
chữ nhật).
Đời nhà Hán, dù quan ấn hay tư ấn,
ấn nữu là tị nữu, ngõa nữu, kiều nữu, sà nữu, ngư nữu, lạc đà nữu, hổ nữu…chữ
khắc đoan chính thẳng thắn, phong cách trang nghiêm.
Thời Ngụy Tấn, đứng về phương diện
hình thức, tuy duyên tập theo nhà Hán, nhưng trông không thanh bằng các ấn
đời Hán. Ấn văn; tức chữ khắc trên mặt ấn lại có su hướng phóng túng tự nhiên
hơn .
Qua hai triều Tùy Đường, ấn diện
của quan ấn to hơn so với các triều đại trước. Văn tự, bút hoạch trông uốn
khúc vằn vèo, nổi hẳn trên mặt ấn, người ta gọi đó là loại chữ "cửu
điệp triện 九 疊 篆 ".
Về cách gọi, Võ Tắc Thiên đổi gọi "tỷ 璽 " là "bảo 寶 ", nên "tỉ " và
"bảo" thông dụng lẫn nhau. Dưới thời nhà Đường còn gọi ấn chương là
" ký 記 " hay "chu ký 朱 記 ".
Trước thời Tống, Nguyên, tác dụng
của ấn chủ yếu là làm bằng chứng. Sau thời Tống, Nguyên việc sử dụng ấn càng
ngày càng phổ biến rộng rãi, như dùng ấn đóng trên họa phẩm, thư pháp, hay
dùng để ngoạn thưởng, từ đó việc khắc ấn càng trở thành một nghệ thuật có giá
trị cao, và ngày nay người ta gọi đó là nghệ thuật khắc triện.
C-Sự quan trọng của
ấn chương
1-Mất ấn, đồng nghĩa
với mất quan.
Trong xã hội phong kiến ngày xưa,
quan ấn là tượng trưng cho quyền lực mà hoàng đế ban cho quan lại, tuy chỉ là
một vật nhỏ vuông vức không quá một tấc, nhưng từ vương công đại thần đến hàng
huyện lệnh, châu mục, đều cực kỳ trọng thị, bảo vệ, gìn giữ. Ấn còn, quyền
còn. Ấn mất, quan mất.
Trong "Tây Du Ký " của
tác giả Ngô Thừa Ân, người đời nhà Minh, ở hồi thứ chín, tác giả có thuật câu
chuyện về người cha của Đường Tam Tạng là Trần Ngạc, còn có tên là Quang Nhị,
đậu tiến sĩ được bổ nhiệm làm Thứ Sử Giang Châu. Ông mang chiếc ấn do triều
đình cấp cho, tức quan ấn, cùng người vợ là Ân Thị tới nhiệm sở. Không ngờ
trên đường đi, bị tên cường tặc là Lưu Hồng đánh chết rồi đẩy xác xuống sông.
Sau đó, Lưu Hồng lấy quần áo của Trần Ngạc để mạo danh Trần Ngạc, mang theo
quan ấn, cùng Ân Thị nghiễm nhiên đến nhiệm sở tựu chức.
Bấy giờ Ân phu nhân đang có thai,
vì muốn con sau này có thể báo được thù cho cha nó nên buộc phải ngậm
đắng nuốt cay, nhẫn nhịn sống với Lưu Hồng. Sau khi sinh nở, Ân phu nhân đem
con để trên một chiếc bè tre, rồi thả xuống dòng sông Trường Giang. Đứa bé
trôi đến Kim Sơn Tự ở Trấn Giang thì được một vị sư ở chùa này vớt lên mang
về nhà nuôi, sau cũng đi tu trở thành hòa thượng, tức Huyền Trang. Khi Huyền
Trang lên 18 tuổi mới cùng mẹ định kế , bẩm rõ với triều đình, giết được tên
đạo tặc Lưu Hồng, báo được thù cho cha.
Một tên cường đạo, chỉ vì ăn cắp
được quan ấn mà trở thành một trưởng quan của một châu trong suốt mười tám
năm, đây thật là một việc khôi hài, nhưng đã thực sự xẩy ra.
Tuy Tây Du Ký chỉ là một tác phẩm
văn học, viết theo lối thần thoại tiểu thuyết, cố sự mang nhiều tính chất hư
cấu, nhưng đã cho người đọc thấy rõ cái tập tục trong sinh hoạt quan
trường dưới xã hội phong kiến ngày xưa là người làm quan chỉ được công
nhận khi có ấn tín cầm tay, mà không cần biết đến người làm quan là thực hay
người giả.
Thật là một tập tục kỳ quái.
Ấn còn thì quyền còn, mất ấn thì
mất quan, mất quyền, thậm chí mất cả tính mệnh, như trường hợp của Trần Ngạc,
cha của Đường Tăng trên đây. Nên đối với quan lại, việc bảo vệ , gìn giữ ấn
chương là một việc ưu tiên hàng đầu phải nghĩ tới khi ra làm quan.
Trên đây, người viết có trích câu
"Hoài kim chi ấn, kết tử thụ vu yêu 懷 黃 之 印 結 紫 綬 于腰 ". Chữ "hoài 懷 " trong câu này là một chữ
hội ý, vốn có nghĩa là bao tàng, cất dấu một vật gì vào bên trong áo với thái
độ thận trọng, đã được Tư Mã Thiên xử dùng để mô tả thái độ của Phạm Tuy cất
giữ ấn chương của mình vào bên trong áo, chỉ để lộ cái giây thao mầu tím đeo
ở ngoài cho người ta thấy sự quyền quý đẳng cấp của mình thôi.
Thời Tây Hán, Chu Mãi Thần nhà
nghèo, phải vào rừng đẵn củi đem bán để mưu sinh, nhưng lại là người rất hiếu
học, tinh thông thư thi văn sử. Sau xin được chân lính quèn trong phủ Thái
Thú Cối Kê, nhưng vẫn thường phải ăn nhờ ngủ đậu trong nhà một viên
tiểu lại.
Có một lần viên Thái Thú Cối Kê
phải lên kinh thành Trường An để làm đối sách cho triều đình. Chu Mãi Thần
được cho đi theo để sai bảo. May thay, Thần gặp được viên đại quan người đồng
hương là Nghiêm Trợ. Trợ thấy Chu Mãi Thần học rộng uyên bác, bèn tiến cử lên
Hán Võ Đế và được Hán Võ Đế bổ nhiệm làm Thái Thú Cối Kê, rồi cho về quê thăm
gia đình. Khi trở về Cối Kê (nay thuộc thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Triết
Giang), Chu Mãi Thần vẫn ăn mặc y nguyên áo quần như lúc còn hàn vi, còn chiếc
ấn có bốn chữ "Cối Kê Thái Thú", Chu Mãi Thần bọc kỹ vào trong áo,
sau đó xuống xe đi thẳng đến vào trong cửa nha môn quận Cối Kê.
Chính lúc đó bọn quan lại nha dịch
trong quận đang yến ẩm vui đùa, chẳng một ai để ý nhòm ngó gì đến tên tiểu
tốt Chu Mãi Thần cả. Còn Chu Mãi Thần cứ đi thẳng vào sau hậu đường, gặp viên
tiểu lại trước đã từng cho Chu Mãi Thần ăn nhờ ở nhờ. Viên tiểu lại cũng
không hề biết là Chu Mãi Thần đã được Hán Võ Đế bổ nhiệm làm Thái Thú Cối Kê,
cứ quen lệ, đem cơm ra mời Chu Mãi Thần ăn cùng. Sau khi cơm nước no nê, Chu
Mãi Thần mới bèn cởi áo ra để hóng chút gió cho mát, vô tình để lộ giây thao
đeo ấn lòi ra ngoài. Viên tiểu lại, thoạt nhìn thấy, lấy làm kỳ lạ, dùng tay
cầm lấy giây thao mà kéo, nào ngờ kéo tuột luôn cả chiếc ấn của Chu Mãi
Thần rơi xuống. Viên tiểu lại nhìn thấy bốn chữ "Cối Kê Thái Thú"
sáng chói cả mắt khắc trên quả ấn thì sợ hãi thất sắc, vội vàng chạy ra ngoài
tiền đường, hô hoán gọi mọi người. Những quan lại nha dịch trong quận lúc đó
đang uống say, chẳng một ai tin là thật, đều lên tiếng mắng viên tiểu lại là khoác lác, láo lếu.
Viên tiểu lại lới nói :
-Ai không tin, cứ vào sẽ thấy ấn
tín !
Những người trước đây vốn khinh
thường Chu Mãi Thần, bèn xô nhau vào trong hậu đường để xem. Chỉ mới nhác
thấy quả ấn, đều đã quay đầu chạy ra, hô hoán bảo nhau :" Đúng thật !
Đúng là Thái Thú thật".
Rồi tỉnh rượu, tranh nhau sắp hàng
thành tề chỉnh đứng dưới thềm tiền đường, chờ đợi bái kiến Chu Mãi Thần.
Một lát sau Chu Mãi Thần đi ra,
tiếp nhận những chào mừng bái kiến của các quan viên thuộc hạ. Sau đó lên xe
tứ mã của triều đình đi về quê nhà ở Ngô huyện.
Trên đường đi, đi đến đâu Chu Mãi
Thần cũng được quan lại các huyện tranh nhau nghênh đón chúc mừng.
Câu chuyện trên đây về Chu Mãi
Thần, cho thấy vai trò quan trọng của ấn tín trong sinh hoạt quan trường
phong kiến ngày xưa : Ai có ấn người là quan.
Vì thế, dù chỉ là một vật nhỏ bé,
nhưng "ấn" và "tỉ" có một tác dụng hết sức trọng đại.
Người nắm giữ được "ngọc tỷ" và "tỷ thư" có khả
năng quyết định vận mệnh của cả một quốc gia, làm đảo lộn cả một vương triều.
Năm 210 trước Công Nguyên, tức năm
Tần Thủy Hoàng chấp chính tam thập thất niên, Tần Thủy Hoàng đông tuần, tùy
hành có thiếu tử Hồ Hợi, Tả Thừa Tướng Lý Tư, và Trung Xa Phủ Lệnh Triệu Cao.
Trên đường trở về, đi đến Sa Khâu (nay thuộc Bình Hương tỉnh Hà Bắc), Tần
Thủy Hoàng bị trọng bệnh, lúc lâm chung mới viết "tỉ thư" ra lệnh
cho công tử Phù Tô, khi đó đang giám quân ở biên giới phía bắc, phải lập tức
trở về kinh đô Hàm Dương để lo liệu hậu sự và kế thừa hoàng vị. Nhưng
"tỉ thư" chưa kịp gửi đi thì Tần Thủy Hoàng qua đời. Bấy giờ có mặt
của cận thần của Tần Thủy Hoàng là Triệu Cao. Cao vốn là người coi về xa mã
và chưởng quản về các việc tỉ, ấn, văn thư, lại là thầy dậy pháp luật cho
người con thứ mười tám của Tần Thủy Hoàng là Hồ Hợi. Sau khi Tần Thủy Hoàng
chết, Triệu Cao thông đồng với Hồ Hợi ép Thừa Tướng Lý Tư ngụy tạo "tỉ
thư" của Tần Thủy Hoàng, lập Hồ Hợi làm Thái Tử, và làm giả thêm một
"tỉ thư" khác vu cho Phù Tô và tướng quân Mông Điềm cái tội bất
trung và phỉ báng hoàng đế, rồi sai người mang "tỉ thư" lên biên
giới phía bắc bức Phù Tô tự sát, đồng thời bắt Mông Điềm. Đợi cho đến khi về
đến Hàm Dương Triệu Cao mới công bố là Tần Thủy Hoàng qua đời, rồi lập Hồ Hợi
làm Tần Nhị Thế Hoàng Đế.
Trong chiều dài lịch sử 2133 năm
của các vương triều tại Trung Hoa, từ Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc đến
cuối nhà Thanh, người ta đã thấy xẩy ra nhiều lần những chuyện dùng "tỷ
thư"giả để âm mưu tranh đoạt đế vị, và rất coi trọng sự chiếm hữu được
ngọc tỉ.
D-Sự ra đời của
Truyền Quốc Ngọc Tỉ (
傳 國 玉 璽 )
Như trên đã trình bầy, "ấn
tín 印信
" của quan lại là tượng trưng cho quyền lực của quan lại được nhà vua ban
cấp.
Còn "ngọc tỉ 玉 璽 " của hoàng đế, là đại biểu
và tiêu chí cho quyền lực tối thượng của chính bản thân hoàng đế. Chẳng những
thế, "ngọc tỉ" còn là được coi là quốc bảo, nên được cất giữ tôn
trọng truyền từ đời này sang đời khác. Muốn củng cố tư cách hoàng đế của
mình, các vua chúa dù là soán đoạt, hay thiền nhượng, thường cố công tìm cách
chiếm cho được "Truyền Quốc Ngọc Tỉ".
Nguyên là sau khi Tần Thủy Hoàng
thống nhất Trung Quốc, để chứng tỏ quyền uy tối cao vô thượng của mình, bèn
ra lệnh cho ngọc công là Tôn Thọ dùng một loại ngọc quý nổi danh đương thời
là loại ngọc Hòa Thị, để tạo cho ông ta một viên "ngọc tỉ" làm bảo
vật truyền quốc, gọi là "Truyền Quốc Ngọc Tỷ".
Viên ngọc tỉ này vuông vức bốn
tấc, phía trên khắc hình con rồng cuộn khúc, thập phân tinh xảo khéo léo,
phía dưới khắc tám chữ triện, do chính tay Thừa Tướng Lý Tư viết chiếu theo ý
của Tần Thủy Hoàng là:" Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương 受 命 于 天 既 壽 永 昌 ", có ý nghĩa là ngôi
hoàng đế của Tần Thủy Hoàng là do "thiên thụ", trời ban cho; và sẽ
tồn tại mãi mãi đến Nhị Thế, Tam Thế, Tứ Thế…muôn đời sau .
Trước thời Tần và Hán thì
không có sự khác biệt tôn, ty của chữ "ấn" với chữ
"tỉ", chỉ sau khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, mới quy định chữ
"tỉ", được chuyên dùng chỉ ấn của hoàng đế, và "tỉ" phải
được khắc bằng ngọc, nên thường gọi là ngọc tỉ.
Tần Thủy Hoàng trong lòng ôm mộng
dùng viên ngọc tỉ này, để lưu truyền lại cho con cháu mãi mãi thiên thu vạn
đại về sau, cũng như ông từng ôm hy vọng tu sửa, nối liền Vạn Lý Trường Thành
để có thể ngăn chặn vĩnh viễn sự xâm lăng của rợ Hồ phương bắc. Nhưng lịch sử
Trung Quốc đã chứng minh rằng đó chỉ là giấc mơ hão huyền, Tần vương triều đã
không tồn tại được mãi mãi như ý nguyện của Tần Thủy Hoàng, mà chỉ truyền
được có hai đời, đến Tần Nhị Thế Hoàng Đế Hồ Hợi thì bị diệt vong.
Từ đó, viên "Truyền Quốc Ngọc
Tỉ" trở thành tượng trưng ngôi vị, quyền lực của các hoàng đế.
Ngôi Hoàng đế là do trời thụ dữ. Các vua mới lên ngôi, điều trước hết
là cố tìm cách chiếm hữu cho được "Truyền Quốc Ngọc Tỉ", để chứng
minh tính cách thần thánh của mình với dân chúng, và mình là người "thụ
mệnh vu thiên".
E-Sự luân lạc của
"Truyền Quốc Ngọc Tỉ" trong lịch sử Trung Quốc.
Năm 207 trước Công Nguyên, Triệu
Cao âm mưu với con rể là Hàm Dương lệnh Diêm Nhạc, bức tử Tần Nhị Thế Hồ Hợi
ở Vọng Di Cung, giết Lý Tư ở ngoài chợ. Sau đó, Cao lập người cháu của Tần
Thủy Hoàng là Tử Anh lên thay. Tử Anh vốn được tiếng là người nhân ái, cần
kiệm. Cao đưa Tử Anh lên ngôi là có ý muốn nhờ vào danh vọng của Tử Anh để
hòa hoãn với những cuộc nổi dậy chống đối mình, và để xoa dịu sự căm phẫn của
dân chúng đất Quan Trung.
Nhưng Cao lại cho rằng nhà Tần vốn
là chỉ là một vương quốc, khi Tần Thủy Hoàng làm vua nắm trọn thiên hạ trong
tay, nên mới xưng là Hoàng Đế, đến nay lục quốc tự tái lập lại, thiên hạ của
Tần Thủy Hoàng sụp đổ, cương thổ nước Tần vì thế thu nhỏ lại, vua Tần không
thể xưng là Hoàng Đế được nữa, mà chỉ nên xưng là "vương" như trước
thôi, vì thế Tử Anh chỉ có danh xưng là Tần Vương.
Tháng chín cùng năm, Triệu Cao dụ
Tử Anh trai giới, để tế tự tổ miếu và sẽ trao " Truyền Quốc Ngọc
Tỉ" cho.
Nhưng Tử Anh thấy Triệu Cao đã sát
hại Tần Nhị Thế, sợ sẽ giết nốt mình cùng các tông tộc nhà Tần vào ngày tế tự
tổ miếu, nên đã ước định với Hạng Vũ chia đất Quan Trung mà xưng vương, nhân
thế, Tử Anh bàn với hai người con, lấy cớ là bệnh không đến lễ tổ miếu được,
và muốn Triệu Cao đến nhà mình rồi tìm cách mà giết đi.
Quả nhiên,
Triệu Cao sau nhiều lần cho người mời Tử Anh không được, bèn tự đến phòng
trai của Tử Anh nên bị Tử Anh sai người đâm chết.
Tháng mười năm 206 trước Công
Nguyên, khi Lưu Bang tiến quân vào Hàm Dương, Tần Vương Tử Anh đi tố xa, ngựa
trắng, dùng giây đeo ấn của mình buộc vào cổ, niêm phong ngọc tỉ và phù tiết,
đứng ở quỹ đạo chờ dâng cho Lưu Bang để xin hàng.
Nhà Tần chính thức bị diệt vong từ
đấy.
Và cũng từ đấy, viên "Truyền
Quốc Ngọc Tỉ" của nhà Tần rơi vào tay nhà họ Lưu, trải qua 214 năm và 12
vị Hoàng Đế nhà Tiền Hán. Song trên thực tế, viên "Truyền Quốc Ngọc
Tỉ" này được nhà Hán coi là báu vật, trịnh trọng trân tàng trong cung ở
Trưòng An, tượng trưng hoàng quyền, còn sử dụng thì lại dùng sáu loại ngọc tỉ
khác nhau :
1-Hoàng Đế Hành Tỉ 皇 帝 行 璽
2-Hoàng Đế Chi Tỉ 皇 帝 之 璽
3-Hoàng Đế Tín Chỉ 皇 帝 信 璽
4-Thiên Tử Hành Tỉ 天 子 行 璽
5-Thiên Tử Tín Tỉ 天 子 信 璽
6-Thiên Tử Chi Tỉ 天 子 之 璽
Các vương triều từ nhà Tùy trở về
trước, duyên theo chế độ Hán nên sử dụng 6 thứ ngọc tỉ như nhà Hán, nhưng từ
nhà Tùy, và các vương triều Đường , Tống gia tăng thêm "Thần Tỉ 神璽 " và "Thụ Mệnh Tỉ 受命璽 "
Mỗi viên ngọc tỉ, dụng đồ lại khác
nhau. Thí dụ như " Hoàng Đế Hành Tỉ " được dùng trong việc
thưởng tứ các chư hầu vương. " Hoàng Đế Tín Chỉ " được sử
dụng để trưng dụng và điều động các đại thần và tướng lãnh. Văn thư gửi cho
các nước ngoài thì dùng “Thiên Tử Hành Tỉ”. Đính lập minh ước với các
nước ngoài thì dùng “ Thiên Tử Tín Chỉ ”
Cho đến năm 8 Công Nguyên, Hán
Thiếu Đế Lưu Anh bị ngoại thích là Vương Mãng làm chính biến cướp ngôi xưng
đế, Mãng cũng muốn chứng tỏ với thiên hạ là ngôi vị và quyền lực của mình là
do "thiên thụ", trời ban cho, bèn sai người em là An Dương Hầu
Vương Thuấn vào trong hậu cung ép Thái Hoàng Thái Hậu Vương Chính Quân, mẹ
của Hán Thành Đế và là cô ruột của Mãng, trao "Truyền Quốc Ngọc Tỉ"
cho mình, nhưng chẳng những bị Vương Chính Quân từ chối và còn dùng những lời
lẽ gay gắt mắng Vương Thuấn :
-Anh em nhà mày đã mấy đời thụ ơn
Hán triều, được giầu có sang trọng, chẳng biết báo đáp, phụ cái công phó
thác, lại nhân lúc vua còn trẻ không nơi nhờ cậy, mà soán đoạt hoàng
vị, vong ân phụ nghĩa có khác chi loài chó loài heo. Bọn ngươi đã cho rằng
"thiên thụ" cho ngôi báu, thì sao không tự đúc "ngọc tỉ"
mà dùng, việc gì mà phải cầu đến viên ngọc tỉ vong quốc này làm gì ? Ta là
gái góa nhà Hán, sớm muộn gì cũng chết, nhưng ta nhất quyết chết cùng
với viên ngọc tỉ này. "
Nói xong, rồi nổi cơn tức giận,
cầm viên truyền quốc ngọc tỉ ném mạnh xuống đất, khiến cho viên ngọc tỷ này
bị sứt một góc.
Sau Vương Mãng phải dùng loại vàng
thuần chất để khảm lại.
Ít lâu sau, Vương Mãng bị quân
khởi nghĩa đánh bại. Trước khi chết, Mãng đeo viên "Truyền Quốc Ngọc
Tỷ" này trên cổ. Một viên quan quân khi chặt đầu Mãng tìm được, đem dâng
cho lãnh tụ của mình là Lưu Huyền. Huyền lại đem dâng cho lãnh tụ của Xích Mi
Quân.
Đến năm 25 Công Nguyên, khi Lưu
Tú, một hoàng tộc họ xa của nhà Hán, nổi lên đánh bại Xích Mi Quân, lập ra
nhà Đông Hán, viên truyền quốc ngọc tỉ lại trở về nằm trong tay nhà họ Lưu
thêm gần hai trăm năm nữa, đến khi xẩy ra cái loạn "Thập Thường
Thị", một tập đoàn những tên hoạn quan do Trương Nhượng cầm đầu, chuyên
hoành bạo ngược, thao túng chính quyền cuối thời nhà Đông Hán, vào năm Trung
Bình lục niên, tức năm 189 Công Nguyên, vua Hán Linh Đế qua đời, Đại Tướng Hà
Tiến mưu giết bọn hoạn quan, nhưng âm mưu bị phát giác, Hà Tiến bị bọn hoạn
quan Trương Nhượng và Đoàn Khuê giết. Viên Thiệu và Tào Tháo vào quân tìm bắt
bọn Nhượng. Nhượng bèn ban đêm ép vua mới lập là Thiếu Đế Lưu Biện cùng Trần
Lưu Vương trốn ra khỏi hoàng cung ở Lạc Dương, chạy đến Tiểu Bình Tân, bị bọn
Viên Thiệu đuổi theo truy lùng, tìm được Thiếu Đế rước về cung, nhưng viên
truyền quốc ngọc tỉ bị ném xuống giếng "Chân Cung Tỉnh" ở Lạc
Dương, mà không ai hay.
Câu truyện này cũng được La Quán
Trung thuật lại trong "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa".
Sau này, Đổng Trác dẫn binh Tây
Lương vào cướp pháp và tàn sát dân chúng Lạc Dương, khiến cho các chư hầu
vùng Quan Đông (chỉ vùng đất phía đông Đồng Quan, nay thuộc huyện Đồng
Quan tỉnh Thiểm Tây) nổi lên thảo phạt Trác.
Năm Sơ Binh nguyên niên đời Hán
Hiến Đế, tức năm 190 Công Nguyên, Trường Sa Thái Thú là Tôn Kiên, cùng với
các Thái Thú và Châu Mục nổi lên liên minh thảo phạt Đổng Trác, tác chiến vô
cùng dũng mãnh, nhiều lần đánh bại quân Đổng Trác, khiến cho Trác phải e ngại
lo sợ rút quân về Trường An, rồi sai Lý Thôi đến đề nghị hòa thân với Kiên,
nhưng bị Kiên từ chối, đem tiến quân vào Lạc Dương, cho người tu sửa miếu
đường lăng tẩm của các vua nhà Hán bị quân Tây Lương đốt phá, nhân thế mới
tìm được viên truyền quốc ngọc tỉ đựng trong một chiếc hộp khóa vàng và bao
trong một cái túi gấm, đeo trên cổ thi thể của một cung nữ mò từ dưới giếng
lên.
Năm Sơ Bình nhị niên, tức năm 191
Công Nguyên, Tôn Kiên nghe lời Viên Thuật đem quân tiến đánh Kinh Châu, chinh
phạt Lưu Biểu. Biểu sai Đại Tướng là Hoàng Tổ, đi ngược về Phàn Thành
và Đặng Huyện để đánh Kiên, nhưng bị Kiên phá vỡ, đuổi chạy đến Hán Thủy và
vây Tổ ở Tương Dương, khi Kiên đơn thương độc mã một mình qua núi Hiện Sơn thì
bị phục binh của Tổ bắn chết.
Viên Thuật em Viên Thiệu, vốn ôm
dã tâm xưng đế từ lâu, nay nghe tin Tôn Kiên chiếm hữu được Truyền Quốc Ngọc
Tỉ, Thuật bèn lợi dụng cơ hội vợ Kiên là Ngô thị đem quan tài chồng về quê,
bắt giữ lại và cướp đoạt Truyền Quốc Ngọc Tỉ rồi xưng đế ở vùng Thọ Xuân,
nhưng Thuật tuy là người có "đại chí" nhưng mật nhỏ như
chuột, chỉ nhờ tài của Kiên mà cát cứ một vùng, tính lại hoang dâm xa xỉ,
hoành chính bạo ngược, khiến cả vùng Giang Hoài bị tàn phá, dân chúng đa số bị
chết đói, sau Thuật bị Tào Tháo và Lã Bố đánh cho nhiều trận thất điên bát
đảo, đến năm Kiến An tứ niên, tức năm 199 Công Nguyên, Thuật bị thổ huyết mà
chết. Lúc đó thủ hạ của Thuật có người tên là Từ Lục, biết Tháo đang ép Hán
Hiến Đế dời đô đến Hứa Xương, bèn đem Truyền Quốc Ngọc Tỉ dâng cho Tháo.
Tuy nắm được truyền quốc ngọc tỉ,
nhưng Tháo là kẻ gian hùng, không dám xưng đế, phải đợi đến năm 220 Công
Nguyên, khi Tào Phi phế vua Hiến Đế lập ra nhà Ngụy, viên truyền quốc ngọc tỉ
mới chính thức thuộc về họ Tào.
Đến cuối đời nhà Ngụy, Tư Mã Viêm
ép vua Nguỵ là Tào Hoán phải nhường ngôi cho, viên truyền quốc ngọc tỉ lại
rơi vào tay dòng họ Tư Mã.
Nhà Tây Tấn do Tư Mã Viêm kiến
lập, trải qua 52 năm, bốn đời vua, thì bị diệt vong, Truyền Quốc Ngọc Tỉ bị
luân lạc trong tay các các chính quyền cát cứ Thập Lục Quốc ở phương bắc.
Năm 352 CN, nước Nhiễm Ngụy, một
chính quyền cát cứ non yểu trong Thập Lục Quốc bị diệt, viên Thái Thú
Bộc Dương của nước này là Đái Thi đem truyền quốc ngọc tỉ hiến cho hoàng đế
nhà Đông Tấn.
Năm 420 Công Nguyên, vua Cung Đế
nhà Đông Tấn bị Lưu Dụ ép truyền ngôi, nhà Đông Tấn mất , Lưu Dụ chiếm được
viên truyền quốc ngọc tỷ, lên ngôi hoàng đế lập ra nhà Tống, (thường được
các sử gia gọi là Nam Triều Tống, để khu biệt với nhà Nam Tống do Triệu
Cấu kiến lập ở Nam Kinh vào năm 1127 Công Nguyên), cũng từ đây, viên
truyền quốc ngọc tỉ này bắt đầu một cuộc luân lưu thay đổi chủ nhân tại các
vương triều phía nam như Tống, Tề, Lương, Trần.
Năm 589 Công Nguyên, vua Hậu Chủ
nhà Trần, một ông vua Nam Triều, có đời sống sa hoa phóng túng, ngày ngày chỉ
cùng phi tần, văn quan yến ẩm, ngâm thơ tác phú, không lo việc triều chính,
khi Tùy Văn Đế Dương Kiên đem chinh phạt, bị bắt cầm tù, nhà Trần vong,
viên truyền quốc ngọc tỉ lạc vào tay nhà Tùy.
Cuối đời nhà Tùy, năm 618 Công
Nguyên, Tùy Dạng Đế bị Vu Văn Hóa Cập và Tư Mã Đức Kham phát động chính biến
giết và chiếm được truyền quốc ngọc tỉ. Vu Văn Hóa Cập xưng đế, lập ra nước
Hứa, nhưng chính quyền này chỉ tồn tại có một năm sau bị Đậu Kiến Đức đánh
bại, bắt và giết ở Liêu Thành.
Năm 621 Công Nguyên, Đậu Kiến Đức
thua trận bị giết ở Trường An, người vợ đem truyền quốc ngọc tỉ hiến cho
Đường Cao Tổ Lý Uyên, nhân thế nhà Đường làm sở hữu chủ của viên truyền quốc
ngọc tỉ này ba trăm bẩy mươi năm.
Cuối cùng, năm 907 Công Nguyên,
viên ngọc tỉ lại rơi vào tay Chu Ôn.
Ôn vốn là một bộ tướng của Hoàng
Sào nổi lên chống nhà Đường, sau phản Hoàng Sào đầu hàng Đường, được vua
Đường đổi tên là Chu Toàn Trung, nhưng sau lại phản nhà Đường, âm mưu ép vua
nhà Đường là Ai Đế trao cho truyền quốc ngọc tỉ và nhường ngôi, lập ra Hậu
Lương.
Sau khi nhà Hậu Lương do Chu Ôn
kiến lập bị diệt, viên "Truyền Quốc Ngọc Tỉ " rơi vào tay Lý Tồn
Úc, người lập ra nhà Hậu Đường.
Năm 936 Công Nguyên, Thạch Kính
Đường cấu kết với người Khiết Đan là Gia Luật Đức Quang tấn công Lạc Dương,
vua Phế Đế nhà Hậu Đường là Lý Tòng A thấy thế nước không còn giữ nổi, mới ôm
truyền quốc ngọc tỉ leo lên lầu Huyên Võ Lâu và tự thiêu.
Từ đấy truyền quốc ngọc tỉ bị thất
tung, không ai biết ở đâu.
Sau đấy, xẩy ra không ít những
giai thoại và những truyền thuyết liên quan đến viên truyền quốc ngọc tỉ này.
Mãi đến đời nhà Minh, có một người
chăn dê ở ngoài đồng, thấy có một con dê cứ dùng móng chân mà cào mãi ở trên
một khoảng đất, người chăn dê lấy làm lạ, mới đào chỗ đất ấy lên, thì phát
hiện được một viên ngọc tỉ rất là tinh mỹ nằm ở dưới đất. Ông ta biết là vật
báu, mới đem hiến cho một người hậu duệ của Nguyên Thuận Đế là Bác Thạc
Khắc Đồ Hãn, tin tức này được truyền đến một người hâu duệ khác của Thành Cát
Tư Hãn là Lâm Đan Hãn. Ông này cho rằng viên ngọc tỉ thuộc về ông ấy,
bèn dùng võ lực đến đánh Bác Thạc Khắc Đồ Hãn để chiếm lấy.
Cuối cùng, đến đầu đời nhà Thanh,
viên ngọc tỉ của người chăn dê lọt vào tay Hoàng Thái Cực, tức Thanh Thái
Tông sau này. Lúc đó, Hoàng Thái Cực mới phát hiện trên viên ngọc tỉ này có
khắc mấy chữ : " Chế Cáo Chi Bảo 制 誥 之 寶 ",
không phải là viên truyền quốc ngọc tỉ của Tần Thủy Hoàng. Nhưng vì, Hoàng
Thái Cực thường tuyên dương chiếm được thiên hạ là do "mệnh trời qui về
mình". Vì thế, năm 1636, khi Hoàng Thái Cực lên ngôi hoàng đế kế vị cha
là Nỗ Nhĩ Cáp Xích, thừa nhận viên ngọc tỉ đó là "Truyền Quốc Ngọc
Tỉ", rồi cải tộc danh Nữ Chân thành Mãn Châu, và cải quốc hiệu Hậu Kim
là Đại Thanh.
Viên "truyền quốc ngọc
tỉ" giả đó trở nên truyền quốc ngọc tỉ thật của vương triều nhà Thanh,
suốt 11 đời vua, và kéo dài 276 năm.
Cho đến khi xẩy ra cuộc Cách Mạng
Tân Hợi năm 1911, ông vua cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi bị lật đổ, phải
xuống chiếu thoái vị như vua Bảo Đại ở nước ta, rồi bị trục xuất ra khỏi
hoàng cung, nhưng vua Phổ Nghi cũng không quên mang theo viên "Truyền
Quốc Ngọc Tỉ" có bốn chữ "Chế Cáo Chi Bảo" này.
Sau, trải qua những năm cải tạo tù
đầy dưới triều đại của Cộng Sản Trung Quốc, do sự dụ dỗ và đe dọa của cán bộ
quản giáo, vua Phổ Nghi mới lấy viên "Truyền Quốc Ngọc Tỉ " giả
này, được bí mật cất dấu trong một chiếc hòm hai đáy, giao cho nhà nước Cộng
Sản Trung Hoa.
Kết cục về viên ngọc tỉ do người
chăn dê đào được ở ngoài thảo nguyên thì như thế.
Còn một truyền thuyết về một viên
ngọc tỉ giả khác nữa, cũng xin ghi lại ra đây:
Vào thời vương triều nhà Tống,
không rõ vào năm nào, có một người nông phu ở Hàm Dương ra ngoài cánh đồng
làm việc, trong khi cầy ruộng thì phát hiện một viên ngọc ấn, trên ngọc ấn có
khắc tám chữ :"Thụ Mệnh Vu Thiên Ký Thọ Vĩnh Xương", y hệt tám chữ
viết Truyền Quốc Ngọc Tỉ của Tần Thủy Hoàng. Tể tướng nhà Tống lúc đó là Sái
Kinh, sau xem xét và khảo nghiệm mới tuyên bố đó là ngọc tỉ truyền quốc thật
của Tần Thủy Hoàng, việc đó từng làm kinh động một thời.
Sau đó, trải qua nhiêu năm tháng,
không biết do đâu viên ngọc tỉ này lại trở thành vật sở hữu của một viên
tướng Quốc Dân Đảng Trung Quốc cư trú nhiều năm tại Mỹ quốc. Vào thời kỳ xẩy
ra cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Cộng, viên tướng Quốc Dân Đảng có ý muốn
đem viên ngọc tỷ này ra bán ở Áo Môn. Một nhân sĩ thân Trung Cộng ở Hương
Cảng biết tin đó, muốn bỏ tiền ra mua về cho nước mình, nhưng không
biết chắc chắn viên ngọc tỉ này là thật hay giả, mới cậy nhờ một chuyên gia
trứ danh về đồ cổ ở lục địa là Phó Đại Dữu, đến khảo sát. Sau khi đích thân
xem xét, chuyên gia đồ cổ này xác nhận đó là ngọc tỉ truyền quốc giả.
Gần đây nhất, học giả Chung Thế
Kiệt ở Hương Cảng cho biết ông tìm được viên ngọc tỉ truyền quốc làm bằng
ngọc họ Hòa từ một người bạn Nhật Bản. Tháng 10 năm 1991, học giả họ Chung có
mở một hội nghị tọa đàm ở Tây An và Bắc Kinh, với học thuật giới để thảo luận
về viên ngọc tỉ truyền quốc họ Hòa này. Nhưng không ít học giả tỏ ra hoài
nghi về sự xác thực viên ngọc tỉ này.
Bởi vậy, cho đến nay, tung tích
viên "Truyền Quốc Ngọc Tỉ" của Tần Thủy Hoàng vẫn không ai
biết đích xác là ở đâu. Nhưng căn cứ theo sự nghiên cứu của các chuyên gia
thì ngọc họ Hòa dùng để điêu khắc và chế tạo ngọc tỉ truyền quốc là loại
thạch ngọc, thuộc "Trụ Trường Thạch", có thể chịu một độ nóng đến
1300 độ, sức nóng của loại lửa thường không đủ sức thiêu hủy nó được.
Từ đó suy ra, viên "Truyền
Quốc Ngọc Tỉ" của Tần Thủy Hoàng khó có thể tiêu tan đi cùng với
vua Phế Đế nhà Hậu Đường khi ông này leo lầu Huyền Võ ở Lạc Dương để tự
thiêu.
Trong khi ở phương bắc, họ Lưu nhà
Hán, làm chủ nhân của viên "Truyền Quốc Ngọc Tỉ" và tôn quý là quốc
bảo, đồng thời tạo ra 6 viên ngọc tỉ khác để dùng vào nhưng công việc khác
nhau của vương triều nhà Hán, thì tại phương nam, nước Nam Việt, họ Triệu
cũng chế tạo những viên ấn tỉ riêng xử dụng cho nước mình, trong đó có viên
"Văn Đế Hành Tỉ" thuộc loại kim ấn, được các sử gia và các nhà khảo
cổ coi là "bảo trung chi bảo", "trọng trung chi trọng" mà
người ta đã khai quật được trong ngôi mộ của Triệu Văn Đế, vua đời thứ hai
của nước Nam Việt vào năm 1983 ở thành phố Quảng Châu trên núi Tượng Cương
Sơn.
Bài viết này không mang tính cách
một bài nghiên cứu, chỉ dành mua vui cho bạn bè bằng hữu trong lúc đông sang
cảnh muộn, một đèn hiu hắt, và xin dành một bài viết khác về viên
"Văn Đế Hành Tỉ 文帝行璽 "
của Triệu Văn Vương khi có dịp.
(Paris ngày 26-11-2006-11g55 –Phạm xuân Hy)
________________________________________________________________
Sách tham khảo :
1-Trung Quốc văn hoá sử 500 nghi
án 中 國 文 化 史 500 疑 案
2-Trung Quốc lịch sử bí văn dật sự
中 國 歷 史 文 軼 事
3-Vạn sự do lai 萬 事 由 來
4-Trung Quốc văn hoá tri thức tinh
hoa 中 國 文 化 知 識 精 花
5-Từ Hải 辭 海
Điêu Thuyền, nghi án và truyền thuyết
Phạm Xuân Hy
Vương Chiêu Quân, Tây Thi, Dương Quý
Phi, Điêu Thuyền là tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc, đều xếp vào hàng những thiên
cổ giai nhân. Nhưng cuộc đời của những người phụ nữ này vì đẹp nên có lắm hoạn
nạn truân chuyên, và người ta thường đổ lỗi cho đó là « hồng nhan bạc mệnh 紅 顏
薄 命».
Riêng Điêu Thuyền, chẳng những được
truyền tụng trong dân gian là người đàn bà có nhan sắc làm cho « mây mờ trăng
lặn», mà còn được coi là một kỳ nữ thông minh, mưu lược làm điên đảo các anh
hùng hào kiệt thời Tam Quốc, cả về sắc lẫn tài, như lời bình luận gia văn học
Mao Tôn Cương, người thời Minh mạt Thanh sơ từng nhận xét, nguyên văn :
十八
路 諸 侯
不能 殺 董
卓, 而 一
貂 蟬 足
以 殺 之,
劉 關 張
三 人, 不
能 勝 呂
布, 而 貂
蟬 一 女
子 能 勝
之, 以 衽
席 為 戰
場, 以 脂
粉 為 甲
胄, 以 盼
睞 為 戈
矛, 以 嚬
笑 為 弓
矢, 以 甘
言 卑 詞
為 運 奇
設 伏, 女
將 軍 真
可 畏 哉.
(Thập bát lộ chư hầu bất năng sát Đổng Trác,
nhi nhất Điêu Thuyền túc dĩ sát chi, Lưu Quan Trương tam nhân bất năng thắng Lã
Bố, nhi Điêu Thuyền nhất nữ tử năng thắng chi, dĩ nhẫm tịch vi chiến trường, dĩ
chỉ phấn vi giáp trụ, dĩ phán lãi vi qua mâu, dĩ tần tiếu vi cung thỉ, dĩ cam
ngôn ti từ vi vận kỳ thiết phục, nữ tướng quân chân khả uý tai !
-Dịch nghĩa : Mười tám lộ chư hầu, không giết nổi Đổng Trác. Chỉ một mình Điêu
Thuyền giết nổi. Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, không thắng nổi Lã Bố. Chỉ một
mình Điêu Thuyền thắng nổi Lã Bố. Dùng chiếu giường làm chiến trường, dùng son
phấn làm giáp trụ, dùng khoé mắt làm đao kiếm, lấy cái chau mày và nụ cười làm
cung tiễn, dùng lời ngon ngọt nhỏ nhẹ mà bố trận, bầy binh, tướng quân thị mẹt
quả đáng sợ thật!) (từ ngữ « Tướng quân thị mẹt » này là chữ của học giả Phan
Kế Bính dịch từ chữ Hán « nữ tướng quân 女將軍» mà ra)
Tuy thế, nhưng đến nay, vẫn còn tồn
tại những nghi vấn, và một số câu hỏi chung quanh nhân vật này.
Điêu Thuyền có phải là một nhân vật
lịch sử hay chỉ là một nhân vật truyền thuyết hư cấu ? Điêu Thuyền có phải là
vợ của Lã Bố không ?
Trong bài này, người viết xin mạn
phép ghi lại một số những truyền thuyết về nhân vật này. Mà nhắc đến Điêu
Thuyền, người ta không thể không nhắc đến thời kỳ Tam Quốc, bối cảnh lịch sử
trong đó Điêu Thuyền được xuất hiện.
1-Cục diệnTam Quốc.
« Thời Tam Quốc bên Tầu nước ta có
bà Triệu Ẩu ».
Đó là kiến thức sử học lớp đồng ấu
được giữ lại trong trí nhớ của người viết khi còn nhỏ, về thời Tam Quốc và về
nữ anh hùng ái quốc họ Triệu nổi lên chống laị sự đô hộ của Tôn Quyền ở Đông
Ngô. Rồi lớn hơn một chút, khi đọc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, người viết cũng như
những người bạn đồng trang lứa, đọc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa chỉ vì say mê muốn
biết những nhân vật trong truyện, xem họ đánh nhau như thế nào, ai thắng ai
thua, chứ hoàn toàn chưa hiểu Tam Quốc là thời đại nào.
Thật ra Tam Quốc, theo sự phân định
của các nhà sử học Trung Quốc, thì đó là thời kỳ bắt đầu từ năm 220 CN khi Tào
Phi phế Hán Hiến Đế lên thay nhà Hán, thiết lập nước Ngụy (sử gọi là Tào Ngụy).
-Sau đó vào năm 221 CN, Lưu Bị xưng
đế thành lập nước Hán (sử gọi là Thục Hán.)
-Và năm 222 CN, Ngô Quyền xưng Ngô
Vương, kiến lập nước Ngô (sử gọi là Tôn Ngô), tạo nên thế chân vạc, Tam Quốc
đỉnh lập. Năm 263 CN, nhà Tào Ngụy diệt nhà Thục Hán, trải 2 đời vua, tổng cộng
43 năm. Năm 265 CN, họ Tư Mã đọat ngôi nhà Tào Ngụy lập nên nhà Tây Tấn, chấm
dứt thế chân vạc. Nhà Nguỵ trải năm đời vua, tổng cộng 46 năm.
-Năm 280 CN, nhà Tây Tấn diệt Ngô,
thống nhất toàn quốc, kết thúc thời kỳ lịch sử Tam Quốc, tổng cộng 61 năm. Nhà
Ngô trải qua 4 đời vua, tổng cộng 59 năm. Tính theo sự phân kỳ của các sử gia
Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, từ khi Giặc Khăn Vàng nổi lên vào năm 184 CN,
thì nhà Đông Hán chỉ tồn tại trên danh nghĩa, toàn quốc bị lâm vào tình trạng
quân phiệt cát cứ, đánh chiếm lẫn nhau. Đây chính là thời kỳ Tam Quốc được manh
nha hình thành.
Trần Thọ, một sử học gia thời Tây
Tấn, khi viết "Tam Quốc Chí", cũng ghi chép phần lớn những truyện các
quân phiệt cát cứ, đánh chiếm lẫn nhau này vào sách của ông. Từ năm Trung Bình
lục niên, tức năm 189 CN, Hán Linh Đế mất, Đổng Trác phế Thiếu Đế và lập Hiến
Đế tỏ ra chuyên quyền tàn ác.
Năm 190, các châu quận ở Quan Đông tức các vùng đất phía đông Hàm Cốc Quan như
Hà Nam, Sơn Đông, và mười tám lộ chư hầu nổi lên bầu Viên Thiệu làm minh chủ để
thảo phạt Trác.
Đến năm 200 CN, xẩy ra trận chiến
Quan Độ, Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu, dần dần thống nhất miền bắc. Năm 208 CN,
Tào Tháo âm mưu thôn tính các thế lực quân phiệt cát cứ ở miền nam là Lưu Biểu,
Tôn Quyền, Lưu Bị, nổ ra cuộc đại chiến Xích Bích. Hai thế lực nhỏ bé Tôn
Quyền, Lưu Bị, bèn liên minh với nhau đánh bại được đại quân của Tào Tháo.
Sau khi thua trận Xích Bích, Tào
Tháo rút quân về miền bắc, thanh toán các thế lực quân phiệt cát cứ Hàn Toại và
Mã Siêu, thống nhất được lưu vực phía bắc sông Hoàng Hà. Còn Tôn Quyền thì phát
triển thế lực của mình từ hạ du sông Trường Giang, đến địa khu Kinh Châu nằm ở
trung du sông Trường Giang, đồng thời thôn tính Giao Châu của nước ta ở Lĩnh
Nam. Riêng về Lưu Bị, sau trận chiến Xích Bích, chiếm được bốn quận ở nam bộ
Kinh Châu, làm cơ sở dựng nước, rồi mở rộng thế lực đến Ích Châu, thôn tính đất
đai của Lưu Chương.
Đến đây, cơ bản cục diện của thế
chân vạc Tam Quốc được thành hình.
Đối với lịch sử Trung Quốc, từ sau
sự thống nhất của nhà Tần, Tam Quốc đánh dấu một thời kỳ phân liệt. Một cuộc
phân tranh nam bắc, đối kháng giữa hai lực lượng chính trị thuộc lưu vực sông
Trường Giang và lưu vực sông Hoàng Hà.
Vì cuộc chiến tranh kéo dài liên
miên, khiến cho kinh tế và xã hội bị phá họai nghiêm trọng. Nhưng sau khi các
chính quyền Ngụy, Ngô, Thục, được thành lập, cũng có khá nhiều công tác kinh tế
đuợc mở mang. Nói một cách khác, thời kỳ phân liệt Tam Quốc có cả hai mặt tiêu
cực lẫn mặt tích cực. Chẳng hạn như nhà Ngụy mở mang đồn điền, xây dựng thủy
lợi, khiến cho kinh tế bị phá họai ở vùng sông Hoàng Hà được khôi phục lại, các
lưu dân không có nhà ở được định cư. Nhà Ngô thì mở mang và phát triển phía
trung và hạ du sông Trường Giang. Còn nhà Thục Hán thì có nhiều công tác khai
phá vùng tây nam Trung Quốc.
Nói đến Tam Quốc, cũng không thể
không nhắc đến tác phẩm văn học Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa. Một tác phẩm văn học
được xưng tụng là “đệ nhất tài tử thư”, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Anh,
Pháp, Nhật, Đức, Nga, Ý, Ba Lan, Ấn Độ, Mã Lai, Nam Dương, Cao Ly, Lào, Thái
Lan.
Và ở Việt Nam, từ năm 1889 đến 1907,
chúng ta có 21 loại cố sự kịch bản liên quan đến Tam Quốc Diễn Nghĩa và 7 bản
dịch khác nhau, qua nhiều người dịch khác nhau, kể cả một bản dịch chữ nôm viết
tay trên giấy đó vào năm 1918, hiện được giữ gìn bảo quản tại thư viện trường
Viễn Đông Bác Cổ ở Paris. Như vậy, chứng tỏ một điều là truyện “Tam Quốc diễn
nghĩa” nói riêng và truyện “Tầu” nói chung, cũng đã có một thời hấp dẫn và làm
say mê thế hệ cha anh chúng ta, chẳng khác gì như chúng ta cũng có một thời say
mê các truyện “chưởng” của Kim Dung, Cổ Long ở Sài Gòn trước 1975 vậy.
2-Tam Quốc Diễn Nghĩa .
Trường biên lịch sử tiểu thuyết này
nguyên toàn danh xưng là « Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa », hoặc Tam Quốc
Chí Diễn Nghĩa. Cuốn tiểu thuyết này do La Quán Trung soạn vào thời Minh Mạt
Thanh Sơ. La Quán Trung đã căn cứ vào sách chính sử “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ
đời Tây Tấn và do Bùi Tòng Chi chú, sách “Tam Quốc Chí Bình Thoại” đời Nguyên,
và nhiều truyền thuyết, nhiều giai thoại trong dân gian, rồi tổng hợp, tu cải,
chỉnh lý mà viết thành.
Tam Quốc Chí Diễn Nghiã có nhiều
khắc bản khác nhau, mà bản lưu hành nổi tiếng hiện nay là bản do Mao Tôn Cương
hiệu đính, gia công và phê bình rồi cho khắc in, thường gọi là « Mao bản » để
phân biệt với các khắc bản khác. Bản này có sáu quyển gồm một trăm hai chục
hồi.
Cố sự bắt đầu từ truyện Lưu Bị, Quan
Vũ, và Trương Phi kết nghĩa vườn đào, đến Vương Tuấn bình Ngô, trải qua hơn một
nửa thế kỷ. Tác giảc đã vẽ lại cho người đọc thấy rõ những cuộc đấu tranh quân
sự giữa các sứ quân và tình hình chính trị phức tạp của thời kỳ Hán Mạt và Tam
Quốc, đồng thời, thành công khắc hoạ ra được hàng loạt những nhân vật mang
những hình tượng điển hình, rõ rệt như Tào Tháo, Gia Cát Lượng, QuanVũ, Trương
Phi. Tác phẩm có nhiều chương, tiết rất sống động, bóng bẩy. Như “Lưu, Quan,
Trương, Tam Anh chiến Lã Bố” “Tam cố thảo lư”, “Xích Bích chiến”. Toàn truyện
có rất nhiều chi tiết khúc chiết, kết cấu hoằng đại, nhưng bố cục rõ ràng, mạch
lạc, được vinh dự coi là “Đệ nhất tài tử thư”.
Truyện có cả thẩy 1191 nhân vật có
danh có tính, chia ra:
- 436 võ tướng
- 456 văn quan
- 128 nhân vật là tôn thất, hoạn quan, cung phi.
- 67 người thuộc các sắc tộc ngoài biên, như Tiên Ty, Khương.
-109 nhân vật thuộc các tam giáo cửu lưu.
Chủ đề của Tam Quốc Diễn Nghĩa lấy
tư tưởng chính thống “tôn Lưu biếm Tào “, và coi cuộc nổi dậy Hoàng Cân là làm
lọan, làm giặc, lấy trung hiếu tiết nghĩa làm tiêu chuẩn, và coi thuyết
"Thiên hạ qui nhất", "hợp cửu tất phân, phân cửu tất hợp"
là su thế tất nhiên của qui luật phát triển lịch sử. Tam Quốc Diễn Nghĩa của La
Quán Trung có nhiều nhân vật như vậy, nhưng nhân vật nữ thì thật là hiếm hoi
lác đác, có thể đếm trên mười đầu ngón tay, trong đó Điêu Thuyền được thuật lại
một cách rất tinh tế, có thanh có sắc.
Lúc bấy giờ Đổng Trác, sau khi đem
binh vào Lạc Dương, phế Thiếu Đế, lập Hiến Đế, rồi phóng hoả đốt cung thất, ép
Hiến Đế dời về Trường An, tự lập làm Thái Sư, chuyên hoành bạo ngược, bị Tào
Tháo hành thích, nhưng không thành. Sau việc Tháo hành thích Trác không thành,
phải bỏ trốn đến Trần Lưu lo việc chống lại Trác. Rồi sau đó, mười tám lộ chư hầu,
với hai ba chục vạn tướng sĩ, quân binh họp nhau thảo phạt Trác không thành.
Lưu Bị, Quan Vân Trương, Trương Phi đánh nhau với Lã Bố, con nuôi của Trác, ở
Hổ Lao Quan, tục gọi là “Tam anh chiến Lã Bố”, nhưng cũng không thắng nổi Bố.
Anh hùng nam tử trong thiên hạ lúc đó đều bó tay không ai đủ sức giết Trác. Duy
chỉ mình Điêu Thuyền, một người con gái 16 tuổi, không quản ngại nguy hiểm đến
tính mệnh của mình, thâm nhập hổ huyệt, suy tính mưu kế, không dùng can qua mà
hạ được Trác, cứu vãn được giang sơn nhà Hán đang ở cái thế mành treo sợi chỉ.
Nhưng cho đến nay, chung quanh chân
tướng, diện mục, thân thế, và chung cuộc, của người con gái này vẫn còn ít
nhiều mơ hồ mà các nhà nghiên cứu, cùng các sử gia Trung Quốc vẫn còn bàn cãi,
chưa có kết luận.
A-Điêu Thuyền, Vương
Doãn, Đổng Trác, và Lã Bố
Theo sử tịch, Vương Doãn là đại thần
nhà Đông Hán. Doãn sinh năm 137 là người Kỳ Huyện, quận Thái Nguyên (nay thuộc
tỉnh Sơn Tây), tự là Tử Sư. Lúc nhỏ có chí lớn, từng được Quách Thái khen là kỳ
tài. Năm 19 tuổi là thuộc lại ở trong quận, từng bắt và giết tên tiểu hoàng môn
Triệu Tân, người trong phe bọn hoạn quan. Thời Hán Linh Đế, giữ chức Thứ Sử Dự
Châu, trấn áp giặc Khăn Vàng. Hán Linh Đế qua đời, Vương Doãn bôn tang về kinh
sư. Bấy giờ, Đại Tướng Quân Hà Tiến tính diệt trừ bọn hoạn quan, nên mưu với
Vương Doãn, bổ Doãn làm Trung Lang chuyển sang làm lệnh doãn Hà Nam. Khi Hán
Hiến Đế tức vị, Doãn được bổ làm Tư Đồ thay Dương Bưu. Và thường gọi là Vương
Tư Đồ.
Tư Đồ nguyên là danh xưng của một
chức quan, được thiết lập từ thời Tây Chu, trông coi việc trị dân, nắm giữ hộ
khẩu, điền tịch, cùng thâu nạp thuế khoá. Đến nhà Tần, bãi bỏ chức Tư Đồ, và
đổi là Thừa Tướng. Đến đời Hán Ai Đế lại đổi Thừa Tướng là Đại Tư Đồ. Khi Hán
Hiến Đế tức vị, thì bỏ chữ «Đại» chỉ còn Tư Đồ, là một trong Tam Công, chuyên
về giáo dục.
Năm Thiệu Ninh nguyên niên, tức năm 189, Đổng Trác phế Hán Thiếu Đế Lưu Biện
làm Hoằng Nông Vương, lập Trần Lưu Vương Lưu Hiệp lên làm vua, tức Hán Hiến Đế.
Rồi giết Hà Thái Hậu. Tháng giêng năm sau, tức năm 190 Trác sai Lang Trung Lệnh
Lý Nho đánh thuốc độc giết Hoằng Nông Vương Lưu Hiệp.
Tháng tư năm Sơ Bình nhị niên, tức
năm 191, Đổng Trác về đến Trường An, bấy giờ Trác đã được phong làm Thái Sư,
tước ở trên các chư hầu vương. Trác dùng em mình là Đổng Mân làm Tả Tướng Quân,
cháu là Đổng Hoàng làm Trung Quân Hiệu Uý để nắm giữ quân quyền. Các tông tộc
của Trác đều được ra làm quan. Ngay như một đứa nhỏ còn nằm trong tã cũng được
phong hầu. Trác còn dùng 25 vạn dân phu cho tu sửa My Ổ cách Trường An 260 dặm.
Thành quách cao thấp, dầy mỏng như thành Trường An, đặt tên là Vạn Tuế Thành.
Bên trong tích tụ kim ngân, châu báu, và thóc lúa có thể dùng trong hai chục
năm. Gia thuộc đều trú ngụ ở trong đó. Trác còn truyển lựa trong dân gian hơn
tám trăm thiếu niên mỹ nữ đem vào đó. Trác vãng lai đi lại Trường An, hoặc nửa
tháng một lần, hoặc một tháng một lần. Công khanh đại thần phải ra tận cửa
Hoành Môn để đưa tiễn Trác. Một lần, có mấy trăm lính người Bắc Địa đến xin
hàng. Trác lập tức ra lệnh giết ngay trước tiệc. Hoặc chặt chân chặt tay. Hoặc
bị khoét mắt, đục tai. Hoặc bỏ vào vạc dầu. Tiếng kêu la thảm khốc, chấn động
một góc trời. Các quan thì ai nấy đều sợ rét run, còn Trác vẫn tự như cười nói
đánh chén. Bộ hạ có ai hơi làm phật ý, thì giết ngay tại chỗ. Pháp lệnh lại hết
sức hà khắc. Phàm bách tính, quan lại, làm con bất hiếu, làm em không hoà
thuận, làm thần tử bất trung, làm quan lại không thanh liêm, ngoài tội tử hình
còn tịch thâu tài vật. Dân chúng trăm họ bị vu cáo chết oán vì pháp lệnh của
Trác nhiều vô kể.
Nhưng chính Trác lại làm nhiều điều
bất nghĩa. Trác biết như vậy, nên sợ người bị ám sát. Mỗi lần ngoại xuất, và
ngay tại trong nhà, thường dùng Lã Bố hộ vệ. Bố là người dũng mãnh, sức khỏe
hơn người, được Trác coi là nghĩa tử. Nhưng Trác là người nóng nẩy, thô bạo.
Hơi bất như ý là nổi giận, không dằn được. Doãn thấy Đổng Trác chẳng những hành
vi tham tàn bạo ngược, tàn nhẫn như vậy, lại có ý muốn soán đọat ngôi nhà Hán,
Doãn bèn âm thầm tìm mưu để giết Đổng Trác. Nhưng trở ngại lớn chính là viên
tướng dũng mãnh của Đổng Trác là Lã Bố, không có người địch nổi. Cuối cùng, để
đạt mục đích, Doãn quyết định dùng Điêu Thuyền làm mỹ nhân kế để ly gián Trác
với Lã Bố, và mượn tay Lã Bố để giết Đổng Trác.
Dưới đây, là một đoạn văn rất cảm
động, thuật việc Vương Doãn vì lòng ái quốc, hạ mình cầu Điêu Thuyền giúp mình
thi hành mỹ nhân kế, người viết xin trích dịch một đoạn :
“Một hôm Vương Doãn từ triều về,
lòng bồn chồn đứng ngồi không yên. Đến tối, trời khuya trăng sáng, Vương Doãn
một mình chống gậy tản bộ ra hậu viên, đứng dựa bên giàn hoa Trà Mi, ngửa mặt
nhìn trời mà rơi lệ. Thình lình Vương Doãn nghe có tiếng người thút thít thở
dài từ phía đình Mẫu Đơn vọng lại. Vương Doãn bèn lén gót theo dõi. Té ra Điêu
Thuyền, con hát ở trong phủ. Điêu Thuyền từ bé được đưa vào trong phủ của Vương
Doãn, dậy bảo ca múa, tuổi vừa đôi tám, sắc tài trọn vẹn, được Vương Doãn
thương như con đẻ.
Vương Doãn đứng nghe một hồi lâu,
rồi lớn tiếng mắng :
-Con tiện tỳ này có tư tình phải
không ?
Điêu Thuyền sợ hãi quỳ xuống thưa:
-Tiện thiếp nào dám có tư tình gì.
Vương Doãn nói:
-Không có tư tình, sao đêm khuya thanh vắng lại ra đây mà than khóc ?
Điêu Thuyền nói:
-Xin đại nhân cho thiếp được giãi bầy gan ruột
Vương Doãn nói :
-Ngươi không được dấu, phải nói rõ cho ta biết !
Điêu Thuyền thưa
-Thiếp đội ơn đại nhân nuôi dưỡng, lại dậy nghề ca múa, thương yêu như con
ruột, thiếp dù có tan xương nát thịt, cũng chẳng báo được muôn một. Ít ngày gần
đây, thiếp thấy đại nhân âu sầu buồn bã, hẳn là chuyện về quốc gia đại sự,
thiếp không dám hỏi. Đêm nay thấy đại nhân đứng ngồi không yên, thiếp vì thế
cũng buồn rầu mà thở dài, chẳng ngờ bị đại nhân bắt gặp. Vậy nếu thiếp có thể
giúp đại nhân việc gì để báo đáp ân sâu, dù có vạn tử, thiếp quyết không từ
chối.
Vương Doãn đập cây gậy xuống đất, tỏ vẻ mừng rỡ nói:
-Ai ngờ cơ đồ nhà Đại Hán lại nằm ở trong tay con bé này ! Con hãy theo ta vào
trong thư các.
Điêu Thuyền theo Vương Doãn vào trong thư các. Vương Doãn đuổi hết bọn tỳ nữ ra
ngoài. Rồi mời Điêu Thuyền ngồi lên ghế, chắp tay khấu đầu vái lạy Điêu Thuyền.
Điêu Thuyền sợ hãi phủ phục xuống đất thưa :
-Đại nhân cớ sao lại làm như vậy ?
Vương Doãn nói :
-Xin con hãy thương lấy sinh linh thiên hạ nhà Đại Hán !
Nói xong nước mắt trào ra như suối chảy :
Điêu Thuyền thưa :
-Tiện thiếp vừa rồi mới thưa, đại nhân có việc sai bảo, dù có vạn tử thiếp cũng
không chối từ.
Vương Doãn lại quỳ xuống đất mà nói:
-Ngày nay trăm họ gặp nạn treo ngược như đi trên dốc. Quần thần nguy cấp như
trứng nằm dưới đá. Không có con thì không ai cứu được. Tên giặc Đổng Trác đang
muốn cướp ngôi. Văn võ trong triều không ai tìm được kế sách nào chống cự. Giặc
Trác lại có thằng con nuôi là Lã Bố, kiêu dũng dị thường. Ta thấy cha con nó
đều là phường háo sắc. Nay muốn dùng kế liên hoàn. Trước đem con gả cho Lã Bố,
sau lại hiến con cho Đổng Trác. Khi con vào phủ, hãy tuỳ nghi lập kế ly gián
cha con chúng nó, khiến cho Lã Bố giết Đổng Trác, mới trừ được ác lớn. Việc phò
dựng xã tắc, tái lập giang sơn, đều trông cậy vào sức của con. Chẳng hay ý con thế
nào ?
Điêu Thuyền nói :
-Thiếp xin hứa với đại nhân, dù có vạn tử cũng không chối từ. Xin hãy đem thiếp
mà hiến cho chúng ngay đi; thiếp sẽ tự có chủ kiến.
Vương Doãn lại nói :
-Con nên bảo mật, việc như tiết lộ, thì dòng họ ta sẽ bị diệt tộc.
Điêu Thuyền thưa :
-Xin đại nhân đừng bận lòng. Thiếp như không báo được đại nghĩa, thì xin chết
dưới muôn vạn lưỡi đao.
Vương Doãn lạy tạ.
(Trích dịch từ Tam Quốc Diễn Nghĩa hồi thứ tám của La Quán Trung-Nhà xuẩt bản
Minh Lương ở Hồng Kông ấn hành)
Sau đó, Điêu Thuyền được đưa vào phủ
của Trác. Nàng bèn đem mày ngài, mắt phụng, nụ cười, nét nhăn, mặt hoa da phấn,
cùng với trí thông minh ưu việt của mình để ly gián Đổng Trác và Lã Bố, khiến
cho Đổng Trác phải nổi cơn ghen, say máu vác kích đuổi theo Lã Bố để giết, làm
náo loạn Phụng Nghi Đình. Cuối cùng đạt được mục đích của kế hoạch liên hoàn do
Vương Doãn đề ra là :
Đổng Trác phải bị Lã Bố giết.
Còn Bố sau khi giết Trác thì đến ngay Mi Ổ, trước hết tìm Điêu Thuyền giữ lấy
cho mình. Mục đích của Bố là chỉ có vậy.
Theo Lương Chương Cự, một sử gia đời
Thanh, từng có nhận định cho rằng Vương Doãn hiến Điêu Thuyền cho Đổng Trác
trong Tam Quốc Diễn Nghĩa để làm kế liên hoàn của La Quán Trung, là không có
thật trong chính sử. Và Điêu Thuyền nữa chỉ là một hình tượng văn học, do các
tiểu thuyết gia, các nhà soạn kịch, đời sau tạo dựng ra.
Các sử thư chỉ ghi nhận là Vương
Doãn có âm mưu với viên quan Tư Lệ Hiệu Uý Hoàng Uyển, Bộc Xạ Sĩ Tôn Thuỵ và Lã
Bố để giết Trác như sau :
“Trác từng vì tiểu sự bất mãn đối
với Lã Bố và rút kích ra để ném Lã Bố. Lã Bố nhờ quyền cước nhanh nhẹn nên
tránh thoát, rồi quay người lại tạ tội với Trác. Nhờ thế Trác cũng nguôi giận.
Nhưng Lã Bố từ đấy trong lòng ngấm ngầm oán hận Trác. Trác thường sai Bố bảo vệ
các tì thiếp ở tiểu lâu. Lã Bố lợi dụng cơ hội liền tư thông với thị tì (hậu
thế tương truyền là Điêu Thuyền), đâm ra lo sợ việc bị tiết lộ, trong lòng
không yên.
Trước đó, quan Tư Đồ Vương Doãn,
nhân là người đồng hương với Bố ở Tinh Châu, lại thấy Lã Bố là người dũng mãnh
tráng kiện, nên dùng hậu lễ để tiếp nạp Lã Bố. Về sau đến nhà Vương Doãn, kể
lại việc suýt bị Đổng Trác giết. Lúc đó Vương Doãn đang cùng quan Bộc Xạ Tôn Sĩ
Thuỵ âm mưu tìm kế hoạch để giết Trác, nên đem âm mưu đó nói cho Lã Bố biết,
muốn Lã Bố làm nội ứng.
Nhưng Lã Bố bảo với Vương Doãn :
--Nhưng tôi với Trác từng nhận nhau là cha con, thì biết làm thế nào ?
Vương Doãn nói :
-Ông họ Lã, cùng với Đổng Trác làm gì có tình cốt nhục. Khi Trác dùng kích ném
ông, thì Trác có nghĩ đến tình phụ tử không ?
Lã Bố nghe thế, bèn nhận lời Vương Doãn ngay.
Sau này đích thân Lã Bố cầm đao đâm chết Trác ”
(Dịch theo bản Tam Quốc Chí của Trần
Thọ-Nhà xuất bản Trung Ương Dân Tộc Học Viện)
Tam Quốc Chí của Trần Thọ cho thấy
rõ ràng là Đổng Trác có một tỳ nữ, và Lã Bố trong lúc làm công việc canh gác
tiểu lâu cho Đổng Trác, Lã Bố đã tư thông với người tỳ này, còn tên người tỳ nữ
thì không đề cập đến. Và kết cuộc mối tư tình vụng trộm này giữa Lã Bố và người
tì nữ đó ra làm sao, sử thư cũng hề đề cập đến.
Cùng với nhận định của sử gia Lương
Chương Cự, sau này cũng có người cho rằng các tiểu thuyết gia, và các nhà soạn
kịch đời Nguyên, nghĩa là sau Tam Quốc Chí của Trần Thọ cả chục thế kỷ, mới đem
người tì nữ của Đổng Trác “diễn nghĩa” thành Điêu Thuyền, và biến Điêu Thuyền thành
vợ Lã Bố.
-Theo sách “Tam Quốc Chí Bình Thoại”
đời Nguyên thì Điêu Thuyền tự thuật về mình như sau :
“Tiện thiếp vốn họ Nhâm, tiểu tự là
Điêu Thuyền, có chồng là Lã Bố, nhưng từ khi thất lạc ở phủ Lâm Thao, đến nay
vẫn chưa gặp lại…. ”
-Còn theo tạp kịch “Cẩm Vân Đường Âm
Định Liên Hoàn Kế” của tác giả vô danh thời Nguyên kể :
Điêu Thuyền họ Nhâm, tiểu tự là Điêu
Thuyền, chồng là Lã Bố, vợ chồng thất lạc ở phủ Lâm Thao, đến nay chưa gặp lại
nhau, và Điêu Thuyền từng có lời nói : “Nhân Hán Linh Đế ra lệnh tuyển lựa cung
nữ, nên mẹ tôi mới cho tôi vào trong cung, giữ việc quản lý loại mũ là Điêu
Thuyền, vì thế tôi mới lấy tên chữ gọi là Điêu Thuyền. Sau Hán Linh Đế đem tôi
ban cho Đinh Kiến Xương ( tức Đinh Nguyên). Kiến Xương lại gả tôi cho Lã Bố làm
vợ. Sau này khi giặc Khăn Vàng nổi lên làm loạn, vợ chồng tôi bị thất tán vì
chiến tranh, nay không biết chồng tôi ở nơi nào.
Rồi đến cuối thời Minh mạt Thanh sơ,
La Qúan Trung khi viết “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, đệ nhất tài tử thư của Trung
Quốc, chẳng những tổng hợp những tư liệu lịch sử nêu trên, mà còn gom góp những
sự tích liên quan đến thời Tam Quốc lưu truyền trong dân gia, cùng các loại
bình thoại, các tạp kịch, dựa vào cải biến Điêu Thuyền thành vợ của Lã Bố, cho
Điêu Thuyền làm con nuôi Vương Doãn, giúp Vương Doãn hoàn thanh liên hoàn kế
như kể ở hồi tám :
”Vương Tư Đồ xảo sử liên hoàn kế,
Đổng Thái Sư đại náo Phụng Nghi Đình 王 司
徒 巧 使
連 環 計
董 太 師
大 鬧 鳳
儀 亭”.
Mà sau này, Trương Quang Tiên, người
Việt Nam đầu tiên đã phỏng theo hồi thứ tám này, để viết thành vở cải lương Hồ
Quảng nổi tiếng là “Phụng Nghi Đình” diễn ở Sài gòn năm 1926, và chúng tôi đã
trích dịch một đoạn của hồi này, như đã thuật ở trên.
Lã Bố có vợ tên là gì, trong sử thư
cũng không ghi rõ, nhưng thuật là Lưu Bị có gặp vợ Lã Bố. Trong “Tam Quốc
Chí-Lã Bố truyện” phần chú dẫn “Anh hùng ký” ghi nhận rằng Lã Bố có một người
vợ. Theo chú dẫn thì năm Hưng Bình nhị niên, tức năm 195, Lã Bố bị Tào Tháo
đánh bại ở Cự Dã, phải chạy về hướng đông nhờ cậy Lưu Bị, rất kính trọng Lưu
Bị, có lần Lã Bố bảo với Lưu Bị rằng :
-Tôi với ông đều là người biên địa (
tức Bố là người Ngũ Nguyên, còn Bị là người Trác Quận. Ngũ Nguyên và Trác Quận
thời Hán bị coi là biên địa). Tôi thấy nhân mã ở Quan Đông (tức vùng phía đông
Hàm Cốc Quan) muốn nổi lên giết Đổng Trác, tôi nay đã giết Trác xong rồi chạy
về hướng đông, nhưng chư tướng Quan Đông không ai chịu dung nạp tôi, mà lại có
ý muốn giết tôi.
Sau đó mời Bị vào trong trướng,
thỉnh Bị ngồi trên giường của vợ, và gọi vợ ra bái kiến Lưu Bị, còn Bố cung
kính rót rượu tiếp đãi, xưng hô với Bị là anh em. Nhưng Bị thấy Bố nói năng
không phải phép, ngoài mặt thì đồng ý, mà trong bụng không thích”
(Trích dịch từ Tam Quốc Chí Bản bạch
thoại-Nhà Xuất Bản Trung Ương Dân Tộc Học Viện)
Sau đó Bố tập kích đánh úp Lưu Bị, tự
xưng là Thứ Sử Từ Châu, cát cứ một phương, thế lực dần dần lớn mạnh, trở thành
kình địch ở phiá đông của Tào Tháo. Tháng 10 năm 198, Tháo xuất quân Đông chinh
Lã Bố, phá Bành Thành (nay thuộc Từ Châu tỉnh Giang Tô), rồi tiến quân xuống Hạ
Bì. Bố đánh trận nào thua trận ấy, nên đóng cưả thành cố thủ. Tháo liên tiếp
tấn công, nhưng không hạ nổi, sau nghe mưu kế của Tuân Du, và Quách Gia, đào
sông Tứ Thuỷ và Nghi Thủy lấy nước yểm thành. Hơn một tháng sau, tướng của Bố
là Tống Nghiã mở cưả thành ra hàng. Tháo hạ lệnh đánh gấp. Bố buộc phải đầu
hàng và bị Tháo thắt cổ chết.
Kết thúc chiến dịch Hạ Bì
Cũng trong sử thư “Tam Quốc Chí-Lã
Bố Truyện” ở phần chú dẫn “Anh Hùng Ký”có những đoạn nhắc đến người vợ của Lã
Bố :
Năm Kiến An nguyên niên tháng sáu,
tức năm 196, vào lúc nửa đêm, bộ tướng của Lã Bố ở Hà Nội là Hách Manh làm
phản, đem quân đột nhập vào nội phủ trị sở của Lã Bố, khi đến bên ngoài tiểu
lâu của Nghị Sự Sảnh, cùng nhau hô hoán tiến hướng tiểu lâu tấn công, nhưng vì
tiểu lâu kiên cố vững chắc, quân của Hách Manh không phá nổi. Bố không biết kẻ
làm phản là ai, vội vã kéo người vợ còn chưa kịp mặc quần áo và vấn khăn, trốn
vào nhà cầu tiêu trèo tường đào thoát, chạy vào trong doanh của Cao Thuận.
Các nhà bình thoại, các nhà soạn
kịch, và tiểu thuyết gia đời sau dựa vào đoạn này, cho rằng vợ Lã Bố là Điêu
Thuyền, tạo thành cái nghi án đến nay vẫn không giải quyết được.
B-Quan Công và Điêu
Thuyền
Ngoài cái nghi án Điêu Thuyền có
phải là vợ Lã Bố không, còn có một nghi án nữa về kết cục vận mệnh của Điêu
Thuyền. Trong truyền thuyết dân gian và các hý khúc tạp kịch của Trung Quốc từ
đời Minh đến đời Thanh, tồn tại hai thuyết trái ngược nhau về cái chết của Điêu
Thuyền, và đều có liên can đến một nhân vật lịch sử lẫy lừng thời Tam Quốc, sau
được cả trăm triệu người Trung Hoa, từ vua chúa, quan quyền, đến người dân thôn
dã tôn kính sùng bái, thờ làm thần. Đó là :
Quan Đại Vương tức Quan Vũ
1-Thuyết thứ nhất là :Quan Vũ giết
Điêu Thuyền
Quan Đại Vương 關 大
王 hay Quan Thánh Đế 關 聖
帝, tức Quan Vũ, là Đại tướng nhà Thục
Hán đời Tam Quốc, tự là Vân Trường, người Giải Huyện tỉnh Hà Đông (nay thuộc
tỉnh Sơn Tây), oai mãnh cương cường. Cuối thời Đông Hán, Quan Vũ lưu vong đến
Trác Quận, rồi theo Lưu Bị khởi binh phò Hán. Năm Kiến An ngũ niên, tức năm
200, Tào Tháo đánh bại Lưu Bị, Quan Vũ bị Tháo bắt cầm tù, nhưng được Tháo rất
kính nể và hậu đãi, "lên ngựa tặng vàng, xuống ngựa tặng bạc", phong
làm Hán Thọ Đình Hầu, nhưng Quan Vũ "thân tại Tào mà tâm thì tại
Hán", cuối cùng thì trở về với Lưu Bị.
Năm 214 CN, Quan Vũ trấn thủ Kinh
Châu. Năm 219 CN, vây đánh bộ tướng của Tào Tháo là Tào Nhân ở Phàn Thành và
phá Vu Cấm, nhân vì không phòng bị mặt sau, bị Tôn Quyền tập kích Kinh Châu,
thua trận bị giết. Quan Vũ được người Trung Hoa thần hóa, thờ cúng, tôn là Quan
Thánh Đế, Quan Công, Quan Đại Vương.
Trong sách "Tam Quốc Chí -Thục
Thư-Quan Vũ truyện" của Trần Thọ, người đời Tấn có truyện kể về ông. Sau
ông lại được La Quán Trung người thời Minh, trong "Tam Quốc Chí Diễn
Nghĩa" được tiểu thuyết hóa với nhiều giai thoại, nhiều mầu sắc thú vị.
Quan Vũ, một người khi sống coi tiền
tài như rác rưởi, mà sau khi chết lại được người Tàu đặc biệt tôn thờ là Tài
Thần. Tại sao? Theo truyền thuyết, thì vua nhà Thanh là Càn Long mới đăng cơ,
thường nghe đằng sau mình có tiếng người đi dép lẹp kẹp, mới quay đầu lại hỏi
:"Ai theo sau bảo giá trẫm vậy", thì có tiếng đáp "Nhị đệ Quan
Vân Trường".
Càn Long là một ông vua từ ngoài vào
xâm chiếm nước Trung hoa, mà lại nhận là anh em với Quan Vũ, chẳng qua cũng là
mưu tính muốn mượn oai danh của Quan Vũ để thần hoá mình và hoá giải bớt sự
chống đối của dân chúng. Sau đó Càn Long bèn phong cho Quan Vũ là Tài Thần, và
từ đó trên cửa của miếu thờ Quan Vũ người ta thiếp mấy chữ :"Hán vi văn võ
đế, Thanh phong Phúc Lộc Thần -漢
為 文 武
帝 清 封
福 祿 神"
Quan Vũ còn được coi là thánh tổ,
của mấy chục ngành nghề như nghề làm đầu bếp, nghề cắt tóc, nghề cầm đồ, nghề
đồ tể, nghề bán thịt, nghề thầy võ, nghề thầy tướng, nghề đậu hũ v. v. . . .
Thành ra, vào các quán ăn, các thương điếm, ở đâu chúng ta cũng thấy người Tầu
có bàn thờ Quan Công cả.
Người Trung Hoa thần hoá và phong vị
hoá Quan Vũ qua nhiều giai thoại truyền khẩu và bằng những hý khúc, tạp kịch
khác nhau. Trong đó có truyền thuyết, đồng quan điểm coi Điêu Thuyền là vợ Lã
Bố, cho là Điêu Thuyền bị Quan Công giết trong một đêm trăng, « Quan Đại Vương
nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền ».
Truyền thuyết này kể rằng :
Sau khi Lã Bố thua trận bị Tào Tháo
thắt cổ chết. Lưu Bị chiếm được Điêu Thuyền, thấy Điêu Thuyền đẹp như hoa tựa
ngọc, có ý luốn lấy nàng làm vợ . Còn Trương Phi thấy Điêu Thuyền cũng hồn siêu
phách tán.
Riêng Quan Công nhìn thấy tâm lý của
hai người bạn kết nghĩa sinh tử với mình như thế, mới lên tiếng bảo với Trương
Phi rằng :
-Chẳng ngờ tam đệ mà cũng yêu thích
mỹ nhân nhỉ !
Thì Trương Phi đáp :
-Điêu Thuyền đẹp thế này, lấy đại ca mới thật xứng đôi !
Lưu Bị trong lòng thật muốn lấy Điêu Thuyền làm vợ, nhưng không tiện nói ra,
mới giả ý nói :
-Nhị ca chưa có gia đình, hay là để cho nhị ca lấy vợ đã.
Quan Vũ vội vã từ chối ngay :
-Đệ không cần đâu, đệ không cần đâu.
Lưu Bị lại gán cho Trương Phi, nhưng
Trương Phi cũng không tiện nói ra, lại cố ý nhượng lại cho Lưu Bị. Cả ba anh em
nhượng đi nhượng lại, nhất thời không anh nào chịu nhận lãnh Điêu Thuyền làm
vợ. Quan Vũ vốn không phải là người ham nữ sắc, biết được tâm tư tình cảm của
Lưu Bị và Trương Phi như vậy, bụng bèn bảo dạ : Đổng Trác, Lã Bố nhân vì sủng
ái Điêu Thuyền mà thân bại danh liệt, sự nghiệp tiêu tan. Như nay, đại ca và
tam đệ bị nữ sắc làm say mê quyến rũ, là một điều không tốt. Nếu như đại ca và
tam đệ vì một người đàn bà làm thương tổn hoà khí, rồi vì đắm say Điêu Thuyền,
đại ca không lo tiến thủ nữa, khi đó có hối thì cũng muộn rồi. Người con gái
này không thể lưu lại được. Nghĩ thế, Quan Vũ quyết định phải giết Điêu Thuyền.
Tối hôm đó, Quan Vũ xách cây Thanh
Long Yển Nguyệt Đao 青
龍 偃 月
刀, còn gọi là Lãnh Diễm Cứ 冷 艷
鋸, nặng tám mươi hai cân, là võ khí
mà Quan Vũ thường dùng khi lâm trận, đến gọi Điêu Thuyền ra. Dưới ánh trăng
sáng, Điêu Thuyền trông càng lộng lẫy, nhan sắc càng rực rỡ hơn. Quan Vũ vốn là
người cứng cỏi cương nghị, nhưng nhìn thấy Điêu Thuyền, lòng cũng chùng lại.
Song tự nhủ, chính cái nhan sắc tiêu hồn này, nếu lưu lại dương thế, sẽ di hoạ
cho đại ca và tam đệ. Ta cần phải giết đi ngay.
Điêu Thuyền thấy Quan Vũ cầm đao
tiến đến, thì toàn thân run rẩy sợ hãi, trông như phù dung gặp bão, lê hoa gặp
gió, ẻo lả như dương liễu, càng khiến cho người ta phải động lòng thương hoa
tiếc ngọc. Quan Vũ cũng không còn đủ dũng khí nữa. Ông nhắm mắt lại. Tay ông
buông rơi cây đao. Cây Thanh Long Yển Nguỵêt Đao này, đã từng giúp ông hạ nhiều
địch thủ, vô tình rơi xuống, chém trúng Điêu Thuyền. Thế là ô hô, hương tiêu
phách tán, kết thúc cuộc đời của kẻ hồng nhan bạc mệnh.
Những nhà nghiên cứu về truyền
thuyết « Quan Vũ giết Điêu Thuyền », đã cho rằng truyền thuyết này được lưu
truyền trong dân gian rất trễ. Sở dĩ như vậy, là vì từ sau vương triều nhà
Tống, Quan Vũ chẳng những được liệt nhập vào hàng thần nhân, lại còn được tôn
sùng là « đế », là phu tử, là thánh nhân, được nhân dân trăm họ thờ cúng, thì
theo tâm lý tập quán của dân chúng, nhân vật như vậy không thể bị luỵ vì nữ
sắc. Ngay đến cả La quán Trung, khi thâu thập những cố sự trong dân gian, những
tạp kịch, hý khúc, cũng rất cẩn thận, không đề cập đến giai thoại này trong
tiểu thuyết nổi tiếng « Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa » của ông .
Chính trong cái tâm lý thần hoá Quan
Vũ mà cố sự « Quan Vũ giết Điêu Thuyền » được đẻ ra. Những người tôn sùng Quan
Vũ, muốn Quan Vũ phải triệt để Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Dũng, Tín. Muốn ông phải
xa lánh sắc dục và tiền tài. Và vì là « thần », nên hành vi của ông phải ở trên
cả « anh hùng ».
Trong khi Lưu Bị và Trương Phi, thấy
nhan sắc của Điêu Thuyền thì hồn phách điên đảo, tuy lòng đều ham muốn, nhưng
lại hư nguỵ nhường đi nhường lại cho nhau. Chỉ duy có Quan Vũ, nẩy ra ý tưởng
muống giết Điêu Thuyền để trừ hoạ căn, bảo vệ tiền trình và thanh danh cho
những người anh em kết nghĩa. Nhưng trước nhan sắc diễm tuyệt của Điêu Thuyền,
Quan Vũ cũng phải động lòng thương sót. Nhắm mắt buông đao. Để đao rơi xuống,
vô tình kết quả tính mệnh của Điêu Thuyền, tránh cho Quan Vũ cái tiếng xấu là
tàn nhẫn giết một người con gái yếu đuối, hà huống đó lại là người đã lập kỳ
công cứu vãn vương triều nhà Đông Hán.
Sang đến đời nhà Nguyên, cố sự «
Quan Vũ giết Điêu Thuyền » được quảng bá rất rộng rãi. Lại có cả tạp kịch «
Quan Đại Vương nguỵêt hạ trảm Điêu Thuyền 關 大
王 月 下
斬 貂 蟬
» nhưng không rõ gốc từ sách nào. Đến đời Minh, trên vũ đài hý khúc, lại rầm rộ
xuất hiện những kịch bản nói đến việc Quan Vũ chém Điêu Thuyền. Có kịch bản
giải thích sở dĩ Quan Vũ phải chém Điêu Thuyền, vì Quan Vũ cho rằng Điêu Thuyền
là loại người « vô nghĩa bất lương », một gái hai chồng, hại nhân ngộ quốc.
Nhưng một bậc anh hùng cái thế, như « Quan Đại Vương », mà nỡ xuống tay giết
một người con gái diễm kiều, liễu yếu đào tơ, cũng chẳng đem lại vinh quang
thêm gì cho Quan Vũ, mà trái lại làm cho người ta đồng tình thương sót Điêu
Thuyền.
Nên ngoài kịch bản « Quan Đại Vương
nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền », trong truyền thuyết dân gian, còn có kịch bản nói
về cái chết của Điêu Thuyền, « Điêu Thuyền chi tử 貂 蟬
之 死 », nhưng chết một cách khác. Chết một cách tự nguyện.
Tác giả của bản kịch này là Long Học
Nghĩa. Họ Long cũng dựa vào bối cảnh của việc Thất Thủ Hạ Bì, tức truyện Tào
Tháo tháo nước sông Tứ Thuỷ để đánh Lã Bố, nhưng lại thuật khác đi là Điêu
Thuyền có lòng ái mộ Quan Vũ, xin với Quan Vũ nói với Tháo rút nước ra để cứu
vớt sinh linh trăm họ ở trong thành.
Kết quả khiến cho Quan Vũ không còn
thiên kiến ghét Điêu Thuyền nữa . Trái lại, đối với phẩm chất cao thượng biết
ưu dân mẫn quốc của nàng, lại có cảm tình và sinh lòng ái mộ. Nhưng Lưu Bị thì
sợ Quan Vũ mê đắm nữ sắc, nên lấy danh nghĩa đem lễ vật tặng đêm tân hôn để
nhắc nhở Quan Vũ đừng quên cái bổn phận « Phò Hán Hưng Lưu ». Đặt Quan Vũ ở
giữa hai tình cảm phải chọn lựa : Tình yêu và tình bạn kết nghĩa.
Cuối cùng tình cảm của Quan Vũ đã
nghiêng về tình bạn kết nghĩa nhiều hơn. Ông đã thả Điêu Thuyền. Cho Điêu
Thuyền tự do ra đi. Nhưng người con gái này trước cảnh nhà tan cửa nát, chồng
vừa bị Tào Tháo thắt cổ chết, đất trời mang mang ly loạn.
Biết đi về đâu.
Điêu Thuyền chỉ còn biết ôm nỗi đau
khổ mà khóc lóc, rổi đem hoàn cảnh và tâm sự giãi bầy với Vũ. Sau đó cầm đao tự
kết liễu đời mình.
Kết thúc cuộc đời một thiên cổ giai
nhân và kết thúc vở hý kịch về « Cái chết của Điêu Thuyền ». Trong kịch bản
này, tuy đơn thuần nói lên tình cảm khuynh mộ giữa Quan Vũ và Điêu Thuyền, cùng
nguyên nhân cái chết của Điêu Thuyền là do Quan Vũ lấy việc Phò Hán Hưng Lưu
làm trọng mà cắt đứt tình cảm với nàng, đưa nàng đến chỗ tự vẫn. Vai trò của
Quan Vũ trong vở kịch xem ra bớt tàn nhẫn hơn, so với kịch bản « Quan Đại Vương
nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền ».
Tuy như vậy, trong truyền thuyết dân
gian, vốn sẵn thông cảm với Điêu Thuyền, cho rằng những kịch bản vừa nêu trên
vẫn chưa giải thích minh bạch về cái chết của Điêu Thuyền. Dù nàng chết cách
nào. Cũng vẫn là tàn nhẫn và bất hạnh. Vì thế, trái ngược lại với giai thoại «
Quan Đại Vương nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền », trong dân gian còn có một huyền
thoại khác là : « Quan Công nghĩa thích Điêu Thuyền 關 公
義 釋 貂
蟬»
2-Thuyết thứ hai : Quan Công nghĩa
thả Điêu Thuyền
Tình tiết của thuyết thứ hai này
được thuật như sau đây :
Sau khi Tào Tháo đánh bại và thắt cổ
Lã Bố chết, đem Điêu Thuyền giao cho Quan Vũ coi giữ. Một mưu sĩ bèn bàn vơí
Tào Tháo là đem Điêu Thuyền tặng cho Quan Vũ, để Quan Vũ vì luyến mê nữ sắc mà
hết ý chí tranh đấu, đồng thời khiến cho Lưu Bị và Trương Phi bị bất mãn, tạo
thành ly gián kế giữa ba anh em kết nghiã đồng tử này.
Tào Tháo y kế thi hành. Nhưng không
ngờ, Quan Vũ là người không ham nữ sắc, cự tuyệt không nhận. Vì thế, Tào Tháo
bèn hạ lệnh xử tử Điêu Thuyền.
Điêu Thuyền nghe tin ấy, cả ngày
khóc lóc thê thảm . Quan Vũ cảm thấy phiền não, mới gọi Điêu Thuyền đến bảo :
- Nhà ngươi trước đã ở vớí Đổng
Trác, sau lại lấy Lã Bố. Con gái mà lấy hai lần chồng, là một điều không tốt
đẹp, còn khóc nỗi gì ?
Điêu Thuyền nói :
-Thưa Quan tướng quân, đấy đâu phải
tội của thiếp, mà do Vương ân công muốn nhờ thiếp để thi hành kế liên hoàn.
Thiếp đem tấm thân trinh bạch, vì nước trừ hại, công đã chẳng có, ngược lại nay
còn bị kết tội xử tử. Như thế há chẳng phải là một điêù đáng thương tâm hay sao
?
Quan Vũ nghe Điêu Thuyền trả lời như
vậy, cũng thấy Điêu Thuyền là người vô tội, trong lòng bỗng nẩy sinh trắc ẩn,
muốn thả tự do cho Điêu Thuyền. Nhưng Điêu Thuyền tứ cố vô thân, không nơi
nương dựa, nên bầy tỏ với Quan Vũ là sau khi được thả, thì xin tìm đến một am
nhỏ trong só rừng nào đó để ẩn cư xuống tóc quy y.
Quan Vũ thấy Điêu Thuyền tỏ ý như
vậy, thì lấy một ít vàng và hai bộ quần áo tặng cho Điêu Thuyền, rồi bảo nàng
mau trốn đi gấp. Điêu Thuyền cảm tạ Quan Vũ đã vì nghĩa mà thả nàng, nhưng lúc
ra khỏi cửa, thì chợt nghĩ rằng mình thân gái yếu đuối làm sao có thể đào thoát
ra khỏi quân doanh thành trì ở đây, huống chi quan ải dặm trường gian nan hiểm
trở, thực khó mà qua nổi.
Bấy giờ, Quan Vũ đã quyết tâm hết
lòng cứu Điêu Thuyền. Ông bèn bảo Điêu Thuyền cải trang thành một binh sĩ cưỡi
ngựa lẫn trong đám kỵ binh, và tự mình dẫn đội kỵ binh ra khỏi cửa thành, vì
thế không ai dám ngăn trở gì, giúp cho Điêu Thuyền ra đi một cách thuận lợi.
Quan Vũ đưa Điêu Thuyền đến tận cửa am gọi là Tĩnh Từ Am dưới chân núi, sau đó
mới quay ngựa trở về.
Chẳng ngờ, về đến nửa đường, Quan Vũ
gặp Trương Phi vác cây sà mâu đi đến tìm Điêu Thuyền để giết. Nguyên lai,
Trương Phi khi biết tin Tào Tháo đem tặng Điêu Thuyền cho Quan Vũ, thì sợ Điêu
Thuyền làm ô danh giá anh hùng cái thế của người anh kết nghiã với mình, bèn
nẩy sinh ra ý nghĩ đi tìm Điêu Thuyền để giết . Nhưng Quan Vũ chặn giữ Trương
Phi lại, rồì đem sự thật giảng giải cho Trương Phi rõ. Sau này, cả Lưu Bị lẫn
Tào Tháo khi nghe truyện Quan Vũ vì nghiã thả Điêu Thuyền, đều khen ngợi Quan
Vũ là bậc chân anh hùng, không ham nữ sắc.
Quan Vũ là một nhân vật có thật
trong lịch sử Trung Quốc. Ông vốn không có liên hệ nào với nhân vật Điêu
Thuyền. Những truyền thuyết hay hý khúc hư cấu trên đây, dù « giết hay tha Điêu
Thuyền », đều phát xuất từ tâm lý dân gian, phản ánh hai thái độ đối với nữ sắc
của Quan Công :
-Một là, muốn Quan Vũ phải giết Điêu
Thuyền, để chứng tỏ ông là người anh hùng không tham nữ sắc.
-Hai là, muốn QuanVũ tha Điêu
Thuyền, còn nếu không thế, Quan Vũ chưa đủ là người nhân ái, trọng nghiã, chưa
đủ tư cách « thánh nhân »
Hay đúng ra, bi kịch Điêu Thuyền,
phản ánh đúng cái quan niệm nam tôn nữ ty, nam giới trọng hơn nữ giới ở thời kỳ
phụ hệ cực thịnh của xã hội phong kiến Trung Hoa, trong đó cái tư tưởng « trọng
nam khinh nữ » « chồng chuá vợ tôi », coi đàn bà như một món đồ chơi. Có quyền
khinh khi vùi dập. Thích thì giữ. Không thích thì bỏ. Vứt đi. Hoặc làm vật đổi
chác, như Nhâm Thành Vương Tào Chương, con Nguỵ Văn Đế Tào Tháo, chẳng từng đem
vợ ra đổi để lấy ngựa đó sao. Chẳng thế mà, trong hý khúc, người ta đã đặt vào
miệng Quan Vũ lời nói: «Con gái mà lấy hai lần chồng, là một điều xấu hổ hết
sức, còn khóc nỗi gì ". Lời nói này, há chẳng phải là biểu lộ cái quan
niệm « nam tôn nữ ty » của tư tưởng phong kiến hủ lậu, đanh ác đó sao ? Chỉ có
nam giới mới có quyền năm thê bẩy thiếp, còn đàn bà phải « Tiết hạnh khả phong 節 行
可 封». Hai đời chồng sẽ bị coi là một điều xấu.
Ngoài cái tư tưởng trọng nam khinh
nữ, giới sĩ phu trí thức phong kiến Trung Quốc thuở xưa, và ít nhiều gì lây lan
cả ở Việt Nam nữa, còn cho rằng người đàn bà đẹp là nguồn gốc của những nhiễu
nhương loạn lạc; rồi đưa ra những tiêu chí rõ rệt như “ hồng nhan hoạ thuỷ 紅 顏
禍 始 ”, hoặc “nữ sắc vong quốc女 色
亡 國”, cho rằng người đàn đẹp đưa đến sự suy sụp tiêu vong của
đất nước, như trường hợp Bao Tự nhà Chu, Dương Qúy Phi đời Đường. Còn như thấy
người đàn bà nào gặp cảnh trầm luân đau khổ, nếu có đem lòng thương sót thì bảo
đó là “hồng nhan bạc mệnh 紅
顏 薄 命”.
Đó là số trời. Chứ chẳng phải giới
mày râu tu mi chúng tôi gây ra đâu. Như trường hợp của Thuý Kiều. Ta hồ ! Thân
phận của người đàn bà ngày xưa sao khổ đến thế. Kể cả có may mắn khi được làm
thân phận của một con “cò” thì cũng chỉ là :
Con cò lặn lội bờ sông gánh gạo nuôi
chồng tiếng khóc nỉ non.
Làm trọn cái bổn phận người vợ thờ chồng và nuôi chồng.
Cơ cực lắm thay.
Người viết xin kết thúc bài viết mua
vui này bằng nửa câu ca dao trên đây, để bầy tỏ sự đồng tình thông cảm với
những người phụ nữ từng bị khinh miệt vì cùng chung hoàn cảnh và vận mệnh với
Điêu Thuyền, dù chỉ là một hình tượng văn học.
( Phạm Xuân Hy – Paris 16-11-2OO7 -
24H 23)
Chú Thích:
Điêu Thuyền 貂
蟬
Điêu, còn gọi là “Điêu thử 貂 鼠”
ta dịch là chuột Điêu, là động vật có vú, thân nhỏ mà dài, bốn chân ngắn, tai
có hình tam giác, thính giác rất bén nhậy, sinh sản ở vùng đông bắc Trung Quốc.
Lông con điêu cực kỳ nhẹ và ấm, rất quý dùng làm nguyên liệu để làm áo cừu 裘, một lọai áo mặc mùa đông.
Có nhiều loại điêu khác nhau như
thuỷ điêu 水
貂, tử điêu 紫 貂.
Điêu ăn thị thỏ rừng, mèo rừng, chim, chuột. Có loại ăn cá, ăn trái cây, rau
cỏ.
Cổ xưa, “điêu” được dùng làm trang
sức cho nhiều vật dụng, và còn nhiều từ ngữ chữ Hán liên quan đến con vật này,
trong đó có từ ngữ :
-Điêu thuyền quán 貂 蟬
冠 (Mũ Điêu Thuyền).
Vào thời nhà Hán, mũ đội của quan võ
gọi là Võ Biện Đại Quán 武弁大冠,
các viên quan Thị Trung và Trung Thường Thị, là những vị quan tiếp cận nhà vua
để lo phục dịch và để vua hỏi, trên mũ của họ đội thường dát thêm hoàng kim, và
gắn cánh con ve sầu (thiền vũ 蟬
羽), cùng sức thêm đuôi con điêu (điêu
thử 貂 鼠) để cho văn vẻ đẹp đẽ, mũ loại này được gọi là là mũ “Triệu
Huệ Văn 趙
惠 文”. Vì thế, trong văn chương người ta dùng từ ngữ “điêu
thuyền”, để chỉ người đại quan hiển quý, như nhà thơ Lục Du từng có câu :
Trường An điêu thuyền đa,
Tử khứ thuỳ phúc hoàn
長
安 貂 蟬
多
死 去 誰
复 還
(Đất Trường An có nhiều quan to,
nhưng chết rồi chẳng thấy ai trở lại).
Sang đến nhà Tấn, Tư Mã Viêm sau khi
kiêm tính ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Nội bộ nhà Tấn mâu thuẫn kịch liệt, quan lại
sinh hoạt sa xỉ, chính trị hủ bại. Bấy giờ Triệu Vương Tư Mã Luân, con thứ chín
của Tư Mã Ý, lạm phong quan tước, chỉ cần là vương thân bộ thuộc, ngay cả tôi
đòi bộc dịch, cũng được phong tước vị, trở thành quan to. Vì thế Tấn Thư mới có
câu: « mỗi triều hội điêu thuyền doanh toạ - 每 朝
會 貂 蟬
盈 坐 - Mỗi khi triều hội, chỗ ngồi đầy những đại quan ». Thời
bấy giờ, các bậc đại quan đều đội loại mũ trên có trang sức bằng những cánh
chuồn bằng vàng, và gắn thêm đuôi con điêu thử, gọi là «điêu thuyền quán 貂 蟬
冠 », tức mũ điêu thuyền.
Tiếng Việt chúng ta cũng có một loại
mũ goị là « mũ cánh chuồn », là loại mũ có hai cánh gài vào như cánh chuồn của
các quan văn đội, nhưng ngườì viết không rõ xuất xứ có liên hệ vớí loại « mũ
điêu thuyền » không ?
Ngoài ra, còn có câu tục ngữ « cẩu
vĩ tục điêu 狗
尾 俗 貂
», để châm biếm việc dùng cái xấu nối tiếp cái tốt, ví như đuôi con điêu thử
hiếm quý bị thay thế bởi đuôi cuả con chó.
Thanh Long Yển Nguyệt Đao 青 龍
偃 月 刀
Thanh Long Yển Nguyệt Đao là tên gọi
một loại binh khí mũi nhọn, một nửa là hình bán nguỵêt, thuộc loại Đại đao, có cán
dài, trên đao có khắc hình con rồng. Yển nguyệt, có nghĩa là cong như nửa đường
cung của mặt trăng. Yển Nguỵệt Đao 偃 月
刀 xuất hiện vào đời Đường, Tống, được
dùng trong việc luyện tập, và để hiển thị sự trang nghiêm hùng tráng, chứ không
phải để dùng trong chiến đấu. Theo chính sử thì binh khí Quan Vũ dùng để chiến
đấu ra trận mạc, là mâu 矛
và kích 戟,
và bội đao 佩
刀. Nhưng trong tiểu thuyết Tam Quốc
Chí Diễn Nghĩa của La Quan Trung, ở hồi thứ nhất thuật là “ Quan Vũ đánh một
con đao nặng tám chục cân, đặt tên là Thanh Long Yển Nguyệt Đao, sau lại gọi là
Lãnh Diệm Cứ, còn Trương Phi thì đúc Bát Sà Mâu (thật ra là Trượng Bát Điểm
Thương Mâu).
Người Tầu là một dân tộc đa tôn
giáo. Đa thần. Họ thờ từ hòn đá, đến cây cối, động vật như con rùa, con ếch,
con rắn và cả vật dụng nữa…Quan Công được họ tôn sùng thờ phụng, nên những vật
dụng thiết thân của ông như con ngựa Xích Thố, và cây Thanhg Long Yển Nguyệt
Đao, cũng được người Tầu thần hoá, và tôn thờ. Dẫu rằng loại đao này xuất hiện
sau đời Tam Quốc.
Có câu truyện thuộc loại truyền
thuyết thuật về việc đúc cây Thanh Long Yên Nguyệt Đao như sau :
1-Quan Vũ muốn làm cho mình một con
đao thật vừa ý, nên cho mời mấy vị thuộc bậc thầy về nghề lò rèn để thảo luận.
Các bậc sư phụ về nghề rèn đều đồng ý là dùng đao là oai hơn cả. Thời bấy giờ,
đao có năm đẳng cấp gọi là :
1-Thiết Đao 鐵 刀
2-Cương Đao 鋼
刀 3- Nhu Cương Đao 柔 鋼
刀 4- Thanh Cương Đao 青 鋼
刀 5- Bảo Đao 寶 刀.
Vì các đẳng cấp của đao khác nhau,
nên phương pháp luyện các loại đao trên không giống nhau. Mao thiết 毛 鐵,
tức sắt thô luyện lâu ngày thành cương 鋼, tức thép, thép luyện trong lửa lâu ngày thành nhận韌, tức một loại thép thuần tuý nhưng mềm và dai, sau đó lại
luyện thêm nữa cho thép trở nên màu xanh, trở nên bảo đao. Nhưng người thường
chỉ có thể luyện thành Cương Đao, hay Thuần Cương Dao. Còn loại Thanh Cương Đao
và Bảo Đao thì rất khó luyện thành.
Một tay thợ rèn giỏi, một đời có thể
luyện được mấy trăm cây đao, nhưng khó có thể đánh nổi một Thanh Cương Đao. Còn
ý Quan Vũ thì nhất định phải có một con Bảo Đao, lại còn nói:
-Dù tốn kém bao nhiêu tiền tôi cũng
trả, nhưng nhất định phải là loại Bảo Đao.
Vì thế, Quan Vũ ngày ngày cơm rượu
hầu hạ mấy vị bậc thầy rành nghề thợ rèn, nên được vác vị này đem hết tinh
thần, tâm sức ra để làm. Sau hơn một tháng, đúc được hơn một chục con Đại Đao,
nhưng chẳng con nào vừa ý, ngay như thuộc loại Nhu Cương Đao, độ cứng cũng chưa
đạt được. Do đó đành phải huỷ bỏ, đánh những con khác.
Lại sau hơn một tháng, thì luyện
được một Thanh Cương Đạo. Nhưng nào ngờ, Quan Vũ vẫn chưa vừa ý, yêu cầu luyện
tiếp.
Các bậc sư phụ của nghề rèn đều thưa
với Quan Vũ :
-Thanh Cương Đao thuộc lại trân bảo
hiếm có trên đời, có thể chém sắt thép dễ dàng. Chứ Bảo Đao thì chúng tôi chưa
hề thấy ai luyện được. Còn luyện tiếp nữa, chẳng biết có thành công không.
Các bậc sư phụ của nghề rèn đành
phải tiép tục luyện tiếp theo ý của Quan Vũ. Thế rồi sau một tháng, một buổi
sáng trăng, một thanh đại đạo vừa thành hình được rút từ lò luyện ra để tôi vào
nước, bỗng thấy một tia hào quang bay vút lên không trung, chém trúng vào một
con rồng xanh, máu tươi nhỏ xuống, rơi vào thân cây Đại Đao, khiến bật ra những
thanh âm như tiếng sấm. Mọi người đều sợ hãi. Bỏ chạy tứ xứ.
Khi Quan Vũ nghe thấy vậy, ra xem,
thì thấy cây Bảo Đao dựng ở mặt đất. Hào quang sáng lạn. Cây Bảo Đao này có
hình cong bán nguyệt, lại dùng máu rồng xanh tôi luyện, nên được đặt tên là
“Thanh Long Yển Nguyệt Đao”
Chẳng qua đây cũng như nhiều truyền
thuyết khác về các nhân vật lịch sử Trung Quốc, nhằm mục đích tăng thêm cường
độ thần hoá Quan Vũ mà thôi. Và cũng như Quan Vũ, đao cũng trở thành một thần
vật và được đem thờ cùng với chủ nhân của nó.
Cân 斤
Tự điển tiếng Việt có giải thích là
“Cân là tên gọi thông thường của kilogram”, và chính người viết cũng có thói
quen : “Bán cho tôi một cân thịt” với nghiã là một ki lô thịt. Nhưng chữ cân 斤có nguồn gốc là chữ Hán Việt, còn chữ kí lô có nguồn gốc của
chữ Pháp là kilogramme, nghiã của hai chữ này khác nhau.
1-Cân 斤theo giáp cốt văn là một chữ tượng hình, theo cổ thời cân 斤 là một cái rìu có cán, đâù trên nhọn.
2-Cân 斤 còn là một đơn vị trọng lượng mà các nước Đông Nam Á sử
dụng, ước lượng khoảng 605 khắc 克. (Khắc bằng một gramme)
Đến năm 1929, thì Trung Quốc qui
định là một cân nặng bằng 500 khắc 克. Ngoài một cân còn bằng 16 lạng vì thế mới có câu nói là
“người tám lạng kẻ nửa cân”
Trần Thọ 陳 壽
Trần Thọ sinh năm 233 CN, sử gia và
tản vân gia thời Tây Tấn, tự là Thừa Tộ, người An Hán (nay thuộc Nam Sung tỉnh
Tứ Xuyên). Trần Thọ lúc nhỏ hiếu học, học trò của Tiêu Chú, làm Quan Các Lệnh
Sử, nhân vì không chịu khuất phục theo hoạn quan Hoàng Hạo, nên nhiều lần bị
khiển trách và cách chức. Sau khi nhà Nguỵ diệt nhà Thục, Trần Thọ theo về nhà
Tấn, được Trương Hoa kính nể tiến cử, lần lượt được bổ nhậm làm Trứ Tác Lang,
Trị Thư Thị Ngự Sử. Sau khi nhà Tấn diệt Ngô, Trần Thọ tập hợp các sử sách công
và tư để viết “Tam Quốc Chí” được Trương Hoa khen là có chỗ hơn hẳn Tư Mã
Thiên, cùng Ban Cố, và người đương thời xưng tụng là “Lương sử chi tài”. Còn Hạ
Hầu Trạm viết “Ngụy Thư” khi đọc đến Tam Quốc Chí của Trần Thọ bèn huỷ bản cảo
của mình đi. Ngoài ra, Trần Thọ còn soạn "Cổ Quốc Chí", và "Ích
Đô Kỳ Cựu Truyện". Trần Thọ mất năm 297 CN
La Quán Trung 羅 貫
中
La Quán Trung tên là Bổn, hiệu là Hồ
Hải Tán Nhân, là Thông tục tiểu thuyết gia trứ danh thời Minh mạt, không rõ
sống và chết năm nào. Ông sống ước chừng vào khỏang thời gian Nguyên Thuận Đế
và Minh Thái Tổ. Ông là người Thái Nguyên ( nay thuộc thành phố Thái Nguyên
tỉnh Sơn Tây), nhưng lại có thuyết nói ông là người Tiền Đường (nay thuộc thành
phố Hàng Châu tỉnh Triết Giang).
La Quán Trung là người quả giao,
không hợp thế tục, chỉ có người bạn vong niên là Giả Trọng, tác giả "Lục
Qủy Bạ Tục Biên". Ông sống trong một thời đại động loạn, từng ôm chí phò
tá đế vương để lập công nghiệp. Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa" ông từng mỹ
hóa Lưu Bị trở thành một vị minh chủ phong kiến, không làm những công việc hại
người ích ta, và trong "Triệu Thái Tổ Long Hổ Phong Vân Hội", ca tụng
Triệu Khuông Dẫn thành một vị hòang đế hết lòng lo nghĩ đến sự cùng khổ của
người dân, điều đó cho thấy ông chịu ảnh hưởng của tư tưởng nho gia rất nhiều.
Có thuyết cho rằng ông từng là môn
khách của Trương Sĩ Thành, và là sư phụ của Thi Nại Am, cùng họat động sáng tác
với Thi Nại Am.
Ngoài ba tác phẩm hý kịch
"Triệu Thái Tổ Long Hổ Phong Vân Hội", "Tam Bình Chương Tử Khốc
Phỉ Hổ Tử", "Trung Chính Hiếu Tử Liên Hoàn Gían", La Quán Trung
còn là tác giả của năm cuốn thông tục tiểu thuyết là "Tam Quốc Chí Thông
Tục Diễn Nghĩa", "Tùy Đường Chí Truyện", "Tàn Đường Ngũ Đại
Sử Diễn Nghĩa", "Tam Toại Bình Yên Truyện", "Phấn Trang
Lâu", trong đó "Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa " là thành
công nhất, được xếp vào hàng « Đệ nhất tài tử thư » La Quán Trung là một nhà
viết tiểu thuyết thông tục kiệt xuất trên văn đàn Trung Hoa. Những sáng tác phổ
biến kiến thức lịch sử Trung Quốc của ông có một tác dụng hết sức trọng đại.
Mao Tôn Cương 毛 宗
崗
Mao Tôn Cương sinh tốt bất tường, là
nhà phê bình văn học nổi tiếng cuối thời Minh mạt Thanh Sơn, tự là Tự Thuỷ,
hiệu là Kiết Am, người Trường Châu (nay thuộc Tô Châu tỉnh Giang Tô). Cha ông
là Mao Luân, một người đồng hương với Kim Thánh Thán, cũng có đôi chút tiếng
tăm về văn chương, nhưng đường thi cùng quẫn khó khăn nên không ra làm quan.
Đến tuổi trung niên, nhãn lực bị kém, nên chỉ bàn về Tỳ Bà Ký và Tam Quốc Chí
để làm vui.
Riêng về Mao Tôn Cương, cũng có đôi
chút tiếng tăm về văn học, nhưng cũng chưa từng ra làm quan, và theo gót cha
đem nguyên bản Tam Quốc Chí Diễn Nghiã của La Quán Trung tu đính, chỉnh đốn hồi
mục, sửa laị văn từ, lọc bỏ những luận tán, gạn lọc những truyện vụn vặt, cải
hoán những bài thơ, thành bản Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa một trăm hai chục hồi,
hoàn thành vào đầu năm Khang Hy và lưu hành đến ngày nay, và thường được gọi là
Mao Bản.
Mao bản Tam Quốc Chí Diễn Nghiã, cố
nhiên là do công của cả hai cha con họ Mao, nhưng người đời thường phần nhiều
chỉ nhắc đến Mao Tôn Cương. Và tất nhiên, trong quá trình tu cải, Mao Tôn Cương
đã dựa vào “Tư Trị Thông Giám”, đề cao hơn nữa quan niệm phong kiến chính thống
là “Tôn Lưu Biếm Tào”. Về thủ pháp phê bình và nghệ thuật, tuy phỏng hiệu và
tôn thờ Kim Thánh Thán làm thầy, nhưng cũng có những sáng tạo độc đặc của riêng
cá nhân ông.
Đối với giới phê bình văn học Trung
Quốc, Mao Tôn Cương có nhiều cống hiến quan trọng và chiếm một địa vị trọng
yếu.
Thập bát lộ chư hầu cát cứ chống
Đổng Trác:
1-Thái Thú Viên Thuật chiếm cứ Nam
Dương. 10-Thái Thú Khổng Dung chiếm Bắc Hải
2-Thứ Sử Hàn Phức chiếm cứ Ký Châu
11- Thái Thú Trương Siêu chiếm Quảng Lăng
3-Thứ Sử Khổng Trụ chiếm cứ Dự Châu
12-Thứ Sử Đaò Khiêm chiếm Từ Châu
4-Thứ Sử Lưu Đại chiếm cứ Duyện Châu
13-Thái Thú Mã Đằng chiếm Tây Lương
5-Thái Thú Vương Khuông chiếm cứ Hà
Nội 14-Thái Thú Công Tôn Toản chiếm Bắc Bình
6-Thái Thú Trương Mạc chiếm Trần Lưu
15-Thái Thú Trương Dương chiếm Thượng Đảng
7-Thái Thú Kiêù Maọ chiếm Đông Quận
16-Thái Thú Tôn Kiên chiếm Trường Sa
8-Thái Thú Viên Di chiếm Sơn Dương
17-Thái Thú Viên Thiệu chiếm Bột Hải
9- Tướng quốc Bão Tín chiếm Tế Bắc
18-Tào Tháo (chưa có đất)
Sách tham khảo:
Tam Quốc Chí Diễn Nghiã cuả La Quán
Trung
Tam Quốc Chí của Trần Thọ do Bùi
Tòng Chi chú (bản bạch thọai)
Tam Quốc Chí Từ Điển
Tam Quốc Phong Vân cuả Hưá Bàn Thanh
Hâụ Hán Thư cuả Phạm Diệp
Trung Quốc Lịch Sử Vị Giải Chi Mê
Trung Nghiã Xuân Thu của Mai Tranh
Tranh
Trung Quốc Cổ Điển Tiểu Thuyết Hý
Khúc Taị Quốc Ngoại của Vương Lệ Na.
Dương Quý Phi không chết ở Mã Ngôi ?
Phạm xuân Hy
Dương
Quý Phi là một trong "Tứ đại mỹ nhân"của Trung Quốc.
Người
Trung Quốc không ai là không biết đến. Và không biết bao nhiêu là sách vở, bút mực, thi
ca, từ xướng, ở TQ cũng như ngoại quốc, viết về cuộc đồi đầy tính truyền kỳ và
mối tình diễm lệ, đầy bi đát của nàng với vua Đường Huyền Tông.
Có
người đồng tình thương cảm. Có người chỉ trích trào phúng. Và có người bôi bác,
vẽ rắn thêm chân, tưởng tượng thô tục, bịa đặt mối tình yêu đương dâm dật giữa
Dương Quý Phi và An Lộc Sơn. (Ngọc Phi Mị Sử 玉 妃媚 史.)
Sự
tích về cuộc đời Dương Quý Phi, có thể nói là được phổ biến và lưu truyền rộng
rãi hơn tất cả những mỹ nhân khác.
Nhưng
cuối cùng, có thật Dương Quý Phi bị thắt cổ chết ở Mã Ngôi Pha? Hay được kín
đáo cứu thoát, vượt biển đưa sang Nhật Bản và sống cho hết cuộc đời ? Còn ngôi
mộ Dương Quý Phi hiện tồn tại trong chùa trong chùa Trường Thọ Tự ở Nhật Bản có
đúng là thật là ngôi mộ của nàng không?
Đây
là một vấn đề nan giải đã được bàn luận từ ít lâu nay trong giới các nhà nghiên
cứu về lịch sử Trung Quốc để xác định lại tăm tích cuối đời của người đàn bà có
vẻ đẹp phải e thẹn này. .
Chung
quanh cái chết của Dương Quý Phi trong cuộc chính biến ở Mã Ngôi Pha có những
giải thích khác nhau. Người viết xin trình bầy ở đoạn sau. Đây cũng là
một trong những "Thiên cổ chi mê天 古 之 謎" của lịch sử Trung Quốc.
A-Đôi
nét về Dương Quý Phi.
Theo
chính sử Trung Quốc thì Dương Quý Phi nguyên danh là Dương Ngọc Hoàn, sinh năm
719 CN và mất năm 756 CN, người Vĩnh Lạc Bồ Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Tây) mồ
côi cha ở với chú. Ngay từ còn bé, nàng đã ham đọc sách vở, thông hiểu âm luật,
giỏi ca vũ. Lại nhờ có làn da mịn màng, thể thái phong tư đầy đặn, tư dung diễm
lệ, nên được nổi tiếng là mỹ nhân tuyệt sắc đương thời.
Năm
nàng mười sáu tuổi, tức năm 735 CN, đúng cái tuổi trăng tròn cập kê, Dương Quý
Phi được tuyển chọn làm vợ người con thứ mười tám của Đường Huyền Tông là Thọ
Vương Lý Mạo.
Trong
một buổi cung đình yến hội, Đường Huyền Tông trông thấy nàng, rồi đem
lòng say đắm, muốn chiếm hữu nàng, nhân thế mới bầy kế cho Dương Quý Phi vào
làm đạo sĩ ở chùa và lấy tự là Thái Chân.
Năm
năm sau, năm 745 CN, Đường Huyền Tông đem nàng vào trong hậu cung, sách phong
làm quý phi, và được Đường Huyền Tông vô cùng sủng ái, như Bạch Cư Dị mô tả lại
trong Trường Hận ca: Trong cung có ba ngàn mỹ nữ giai nhân, nhưng tình yêu của
vua đổ dồn hết cho Dương Quý Phi "Tam thiên sủng ái tại nhất thân 三 千 寵 愛 在 一 身". Nàng có hơn bẩy trăm chức tú công để
hầu hạ phục dịch. Các cung nữ đều tôn xưng nàng và gọi nàng là "Nương
tử". Mỗi lần nàng ngồi xe, đều phải do Cao Lực Sĩ cầm cương ngựa.
Dương
Quý Phi có tính yêu thích ăn lệ chi tươi đầu mùa, nên mỗi năm đều do dịch mã
phi ngựa đem từ miền nam xa cách hàng ngàn dặm, chuyển thẳng vào trong cung cho
nàng. Vì thế người đương thời có câu ca dao, trào phúng cái tâm lý trọng nam
khinh nữ của lễ giáo phong kiến :"Sinh nam vật hỷ nữ vật bi, quân kim khán
nữ tác môn mi 生 男 勿 喜 女 勿 悲君 今 看 女 作 門 楣"
Niềm
ân sủng của vua, còn lây lan đến cả những người trong gia đình Dương Quý Phi
nữa. Cha nàng là Dương Huyền Viêm tuy đã chết nhưng được truy phong là Thái Úy
Tề Quốc Công. Những người anh cùng họ với nàng là Dương Tiêm thì được phong làm
Hồng Lô Khanh. Dương Kỳ thì được phong làm Thị Ngự Sử. Ba người chị của Dương
Quý Phi cũng là những người tài sắc. Người chị lớn lấy chồng họ Thôi, được vua
phong làm Hà Quốc Phu Nhân. Người chị thứ hai lấy chồng là họ Bùi được phong
làm Quắc Quốc Phu Nhân, còn người thứ ba lấy chồng họ Liễu, đựơc phong làm Tần
Quốc Phu Nhân. Cả ba đều là những người có nhan sắc, đều được vua cho phép tùy
ý ra vào trong cung.
Ân
sủng của vua đối với dòng họ Dương đến cực điểm như thế, nên nẩy sinh ra sự
lộng quyền. Hối lộ hủ hóa. Mua quan bán tước. Anh em họ Dương đua nhau
kiến tạo trạch viện, hoa viên, mỗi lần tốn kém hàng vạn vạn tiền.
Đặc
biệt là sau khi Dương Quốc Trung được nhậm làm Tể Tướng thế lực của họ
Dương
vinh hiển tột cùng. Chính sự trong triều đa số do Tể Tướng quyết đoán.
Người
đến cầu quan phong tước chen nhau đứng chật trước cửa nhà họ Dương. Việc
tuyển chọn và bổ nhiệm quan lại, có khi được tuyên bố ngay tại tư dinh
của Dương Quốc
Trung.
Trong
khi đó, Đường Huyền Tông vẫn trầm mặc đắm say nữ sắc, thường có thói quen cứ
vào tháng mười mỗi năm, lại dẫn mấy chị em Dương Quý Phi đến Hoa Thanh Cung để
tránh lạnh và hưởng lạc, sang đến mùa xuân năm sau mới trở về cung. Các
anh em họ Dương cũng xây cất biệt dã ở phía đông Hoa Thanh Cung. Nên mỗi khi
vua đi qua, đều có ghé thăm, và ban thưởng cho vô số tiền, gọi là "Tiền
lộ 錢 路".
Ân
sủng của vua Đường đối với họ Dương chỉ chấm dứt, khi nổ ra cuộc bạo loạn của
An Lộc Sơn , và khi kinh thành Trường An bị vây hãm.
B-Cuộc
chính biến ở Mã Ngôi Pha.
Một
vài thời điểm trước khi xẩy ra cuộc chính biến.
-Tháng
mười 11 năm 755 CN, An Lộc Sơn lấy danh nghĩa thảo phạt Dương Quốc Trung phát
động mười lăm vạn quân nổi dậy làm phản ở Phạm Dương (nay thuộc U Châu, Bắc
Kinh), mở đầu cho cuộc biến loạn mà các sử gia Trung Quốc mệnh danh là
"An Sử chi loạn 安 史 之 亂"
-Tháng
một năm 756 CN, An Lộc Sơn tự xưng là Đại Yên Hoàng Đế kiến nguyên Thánh Võ.
-Tháng
6 năm 756 CN, Vương Tư Lễ khuyên Ca Thư Hàn, (Ca là Tiết Độ Sứ Hà Nam, được
phong làm Phó Nguyên Soái đang cầm trọng binh thảo phạt An Lộc
Sơn), dâng biểu giết Dương Quốc Trung, nhưng Ca Thư Hàn không nghe.
Dương Quốc Trung vì sợ Ca Thư Hàn chống lại mình, thúc đẩy Đường Huyền Tông ép
Ca Thư Hàn đem quân rời khỏi Đồng Quan. Bất đắc dĩ, Ca Thư Hàn phải bỏ chiến
lược cứ hiểm ngự địch, rời khỏi Đồng Quan, thì bị rơi vào phục binh của bộ
tướng của An Lộc Sơn là Thôi Càn Hựu và bị bắt. (Trích từ "Trung Quốc
Lịch Sử Đại Sự Niên Biểu" – PXH)
Đồng
Quan thất thủ.
Tin
này làm chấn động kinh thành Trường An. Dương Quốc Trung khủng hoảng sợ hãi,
sui vua chạy đến Tứ Xuyên, nhưng ở tại triều đình thì lại tuyên bố là nhà vua
tự đem quân xuất chinh.
Triều
thần chẳng ai tin cả.
Ngay
đêm ấy, Đường Huyền Tông đến trú ngụ tại bắc cung, gần Huyền Võ Môn, rồi bí mật
sai Long Võ Đại Tướng Quân Trần Huyền Lễ tập trung cấm quân và xe ngựa. Sáng
sớm ngày hôm sau, tức ngày 13 tháng 6, vua cùng mấy chị em Dương Quý Phi, các
phi tần, hoàng tử, hoàng tôn, và mấy đại thần là Dương Quốc Trung, Vi Kiến Tố,
Ngụy Phương Tiến, theo Trần Huyền Lễ cùng một ít hoạn quan và thân cận, từ cửa
Diên Thu Môn ở phía tây Cấm Uyển vội vã rời khỏi Trường An.
Trên
đường đi qua "Tả Tàng", nơi tích trữ tài vật của hoàng gia, Dương
Quốc Trung yêu cầu Đường Minh Hoàng cho thiêu hủy kho tàng này, để những tài
vật trong đó khỏi bị rơi khỏi tay giặc. Nhưng Đường Huyền Tông không nghe, lấy
cớ rằng giặc không lấy được của cải tất nhiên sẽ bách hại dân chúng.
Ngay
ngày hôm đó, khi các quan lại vào triều, còn nghe tiếng lậu canh văng vẳng.
Trên cửa cung, nghi trượng vẫn còn phất phới. Nhưng đến khi cửa cung vừa
được mở ra, thì bọn cung nữ, thái giám theo nhau tháo chạy như ong vỡ tổ, tạo
nên một cảnh hỗn loạn kinh hoàng. Vương quan, bách tính bảo nhau tìm cách trốn
chạy khắp nơi. Có kẻ nhân cơ hội hỗn loạn bảo nhau đi cướp bóc. Viên quân lưu
thủ Thôi Quang Viễn phải ra lệnh đem bắn mấy chục tên, trong thành mới lấy lại
yên tĩnh.
Khi
Đường Huyền Tông ra khỏi thành, vượt qua cầu phù kiều, Dương Quốc Trung bèn sai
người thiêu hủy cầu.
Đường
Huyền Tông thấy thế trách bảo Dương Quốc Trung :
-Dân
chúng cũng muốn trốn nạn tìm đường sống, sao lại cắt sinh lộ của dân như vậy.
Rồi
sai Cao Lực Sĩ đem người đến dập tắt lửa.
Lúc
vua đến Hàm Dương, viên huyện lệnh Hàm Dương đã bỏ trốn đi từ sớm. Mãi trưa,
vua vẫn chưa được ăn gì. Bấy giờ, Dương Quốc Trung mới ra chợ mua bánh
của người Hồ về cho vua ăn. Sau đó, được dân chúng cho thêm ít cơm nấu bằng đậu
mạch. Cách hoàng tử vì đói cũng tranh nhau ăn hết. Các binh sĩ và tùy tòng cũng
chỉ đành tìm vào những thôn xóm để xin ăn.
Có
vị bô lão đến thưa với Đường Huyền Tông rằng :
-An
Lộc Sơn nuôi ý phản loạn, không phải chỉ một ngày. Trong dân cũng có người đến
cửa khuyết tâu trình âm mưu phản loạn của y, nhưng thấy bệ hạ thường kết tội
những người can gián, khiến cho âm mưu của An Lộc Sơn có cơ hội thực
hiện.
Vua
chỉ đành mặc nhiên nhận lỗi, nói :
-Vì
trẫm bất minh, nay hối cũng không kịp !
Ăn
cơm xong, vua và tùy tùng dời Hàm Dương tiếp tục lên đường. Đến đêm thì đến Kim
Thành, cách kinh đô khoảng hơn tám chục dặm. Bấy giờ mới gặp Vương Tư Lễ
đến báo tin là Ca Thư Hàn đã bị giặc bắt.
Ngày
hôm sau, khi đến Mã Ngôi Dịch, binh sĩ tùy hành ai cũng đói khát, mệt
mỏi. Tình cảnh vô cùng khốn đốn khổ sở, trong lòng binh sĩ nẩy sinh oán giận.
Long Võ Đại Tướng Quân Trần Huyền Lễ cũng cho rằng cảnh loạn lạc họa hoạn như
thế này, tất cả là do Dương Quốc Trung mà ra. Bèn đem ý kiến đó nói với Thái tử
Lý Hanh (Tức Đường Túc Tông), nhưng Thái tử do dự bất quyết. Lúc đó trong đám
tùy tòng , có sứ giả người Phiên, mật báo với Dương Quốc Trung là binh sĩ đói
không còn lương thực để ăn. Dương Quốc Trung chưa kịp tìm cách giải quyết, thì
binh sĩ đã ào ào nổi lên hô hoán:
-Dương
Quốc Trung âm mưu với người Phiên làm phản !
Rồi
phóng tiễn bắn Dương Quốc Trung. Trung phải trốn chạy đến cửa tây dịch trạm, bị
binh sĩ đuổi theo, chém cụt cả chân tay, rồi chặt đầu, dùng thương cắm ở bên
ngoài cửa dịch trạm. Sau đó, binh sĩ lại giết luôn người con của Trung là
Dương Huyên cùng với hai người chị của Dương Quý Phi là Hàn Quốc Phu Nhân, và
Tần Quốc Phu Nhân.
Ngự
Sử Đại Phu là Ngụy Phương Tiến thấy tình cảnh như thế, mới lên tiếng trách mắng
:
-Các
ngươi sao cả gan giết Tể Tướng !
Thế
là binh sĩ giết luôn Ngụy Phương Tiến. Rồi bao vây chung quanh dịch trạm;
Đường
Huyền Tông nghe tiếng huyên náo, mới hỏi nguyên do. Bọn thị tòng thưa là Dương
Quốc Trung làm phản. Vua bèn đi guốc, chống gậy đi ra xem, thấy binh sĩ hò hét
gào thét, nên ra lệnh cho binh sĩ phải trở về đội ngũ. Nhưng binh sĩ cự
tuyệt, không chịu giải tán. Vua sai Cao Lực Sĩ ra hỏi lý do, thì Trần Huyền Lễ
thưa:
-Dương
Quốc Trung mưu phản, không nên để Quý Phi hầu hạ ở bên bệ hạ nữa, xin bệ hạ vì
quốc pháp mà cắt bỏ tình riêng.
Vua
đáp:
-Cho
trẫm suy nghĩ đã.
Nói
xong, rồi đi vào bên trong. Một lúc thật lâu, lại chống gậy đi ra. Cúi đầu thờ
thẫn. Quan Kinh Triệu Tư Lục là Vi Ngạc, thấy thế giục:
-Hiện
nay binh sĩ nổi giận không thể dập tắt được, an nguy ở trong khoảnh khắc, xin
bệ hạ hãy mau quyết đoán.
Nói
xong dập đầu xuống đất, máu tuôn sối xả .
Vua
lại hỏi lại:
-Quý
Phi ở với trẫm trong thâm cung, lẽ nào có thể biết được âm mưu phản loạn của
Dương Quốc
Trung ?
Cao
Lực Sĩ thưa :
-Quý
Phi quả thật vô tội, nhưng nay tướng sĩ đã giết Dương Quốc Trung rồi, mà Quý Phi
còn sống bên cạnh bệ hạ, tướng sĩ đâu có yên lòng? Xin bệ hạ suy xét kỹ lại.
Tướng sĩ được yên lòng, tức bệ hạ được bình an .
Vua
không còn cách nào khác, chỉ đành bảo Cao Lực Sĩ đem Dương Quý Phi đến
trước Phật Đường, dùng lụa bạch thắt cổ nàng, rồi đem thây đặt trong dịch đình,
gọi bọn Trần Huyền Lễ đến khám nghiệm.
Hôm
đó nhằm sáng ngày 13 tháng 9 năm 756 CN.
Bấy
giờ Quý Phi mới 38 tuổi.
Thương
ôi ! Giai nhân nan tái đắc.
Sau
đó vua ban mấy lời phủ dụ bọn Trần Huyền Lễ, rồi bảo họ ra vỗ về binh sĩ. Bọn
Trần Huyền Lễ tái bái rồi rút ra khỏi dịch đình, chỉnh đốn đội ngũ chuẩn bị lên
đường.
Lúc
xuất phát, vua thấy các đại thần đi theo, chỉ còn có một mình Vi Kiến Tố, bèn
bổ nhậm con của Tố là Kinh Triệu Tư Lục Vi Ngạc làm Ngự Sử Trung Thừa, trông
coi sắp đặt hành trình.
(Đọan
sử trên đây, người viết dịch từ sách Trung Quốc Lịch Triều Sự Điển 中 國 曆 朝 事 典. )
C-Những
giải thích về ngày cuối của Dương Quý Phi.
Chính
sử thì như vậy, nhưng chính sử đôi khi vẫn chỉ là sử của một triều đại, của một
đảng phái cầm quyền, một thể chế chính trị. Chính sử của nhà Nguyễn chắc chắn
không hề nói hết sự thật về nhà Tây Sơn Lịch sử Trung Quốc mỗi triều đại có một
lịch sử riêng của mình, đều có những khoảng trống nghi ngờ. Lịch sử đảng Cộng
Sản Trung Quốc gần đây cũng thế thôi, đến nay vẫn còn đầy những bí ẩn về cai
chết của Lâm Bưu, dù cũng chỉ mới xẩy ra cách nay không quá năm chục, nhưng đã
đặt ra khá nhiều giả thuyết chung quanh cái chết ông này.
Huống
chi là Dương Quý Phi, người đã chết cả hơn một nghìn năm này rồi.
Tóm
lại, chung quanh cái chết của người đàn bà được mệnh danh là"tu hoa 羞 花" này, người ta có thể kể đến mấy giả
thuyết như sau.
1-Thuyết
cho rằng Dương Quý Phi đã chết.
Qua
đoạn sử trên trích dịch trên đây, người ta biết rằng Dương Quý Phi đã chết. Và
chết ở Mã Ngôi Dịch.
Các
sách chính sử Trung Quốc, dù có ít nhiều khác biệt nhau, như "Cựu Đường
Thư", Tân Đường Thư", và sách "Tư Trị Thông Giám" của Tư Mã
Quang đời Tống nhưng cũng đều viết là Quý Phi chết ở Mã Ngôi dịch.
Các
dật sử cũng như các truyện truyền kỳ, ca phú, trên văn đàn Trung Quốc, như
"Trường Hận Ca 長 恨 歌"của Bạch Cư Dị, và "Trường Hận
Ca Truyện 長 恨 歌 傳"
của Trần Hồng, "Dương Thái Chân Ngọai Truyện 揚太真外傳"của Nhạc Sử, và Dương
Quý Phi Diễm Sử trong"Tứ Đại Mỹ Nhân Diễm Tình Diễn Nghĩa 四 大 美 人 艷 史 演 義" cũng đều viết như vậy.
Ngoài
ra, còn một bằng chứng nữa. Đó là ngôi mộ của Quý Phi tồn tại hiện nay ở Mã
Ngôi Pha thành phố Hưng Bình tỉnh Thiểm Tây. Ngôi mộ này thuộc loại lăng viên,
trên một khu đất rộng 3000 mét vuông. Lăng hình tròn. Xây bằng gạch, có bia đá
đề :"Dương Quý Phi Chi Mộ". Ngoài ra còn có các bia khắc những bài
thơ vịnh về nàng.
Theo
truyền thuyết kể lại thí sau khi Trần Huyền Lễ kiểm nghiệm là Dương Quý Phi đã
chết, bèn ra lệnh cho binh sĩ lấy loại chăn dùng trong lúc hành quân, bọc thi
thể nàng, rồi đào vội một cái hố ở bên dìa đường để chôn nàng, sau đó bảo hộ
Đường Huyền Tông tiếp tục cuộc tháo chạy.
Hai
năm sau, Đường Huyền Tông trở về Trường An, trên đường đi qua Mã Ngôi Dịch, có
ý muốn cải táng cho Dương Quý Phi, nhưng khi đào cái hố cũ đã lấp đất lên, thì
không thấy thi thể của nàng đâu nữa, mà chỉ tìm thấy một cái túi gấm và một
chiếc hài bị rơi còn sót lại, đành trân trọng chôn những vật ấy vào cái
hố cũ, cho thành một cái "y quan trủng 衣 冠 塚", tức một cái mộ
chôn đồ vật của người chết, không có xác người. Tương truyền thì đất trên ngôi
mộ này có màu trắng, lại có mùi thơm, đương thời gọi là "Quý Phi thổ貴 妃 土",
nên du khách tranh nhau nhặt mang về, làm đất trên ngôi mộ bị vẹt đi, phải dùng
gạch xây lại để bảo hộ như hiện nay.
Trên
văn đàn, cũng cùng chung quan điểm của chính sử cho rằng Dương Quý Phi đã chết,
nhưng chết thế nào, và ra làm sao, thì các nhà thơ khi làm thơ vịnh về Dương
Quý Phi, lại nói khác nhau. Chẳng hạn như Lý Ích trong “ Quá Mã
Ngôi ”, Gỉa Đảo trong bài ” Mã Ngôi ”, và Lưu Vũ Tích trong
bài “ Mã Ngôi Hành ”.
Theo
Lưu Vũ Tích cho rằng Quý Phi không phải bị thắt cổ chết ở Mã Ngôi Pha, mà
vì do uống "kim đan"; tức tiên đan, do đạo sĩ chế chế luyện bởi hoàng
kim dịch và đan sa, uống vào để trường sinh bất lão, giữ được nhan sắc như cũ.
"Mã
Ngôi Hành" của Lưu Vũ Tích có những câu như : ” Quý Nhân ẩm kim
tiết, Thúc hốt thuấn anh mộ 貴 人 飲 金 屑 倏 忽 舜 英 暮 ”.
Tuy
vậy, đa số đều đồng ý cho rằng Quý Phi bị chết là do Cao Lực sĩ thắt chết.
2-Thuyết
cho rằng Dương Quý Phi không chết, vượt biển sang sống ở Nhật Bản
Có
một thuyết khác lại cho rằng Dương Quý Phi không chết ở Mã Ngôi Dịch mà vượt
biển sang sống ở Nhật Bản. Người theo thuyết này dựa vào ngôi mộ của Dương Quý
Phi hiện tồn tại ở chùa Trường Thọ Tự 長 壽 寺ở Địch Đinh 荻 町 bên Nhật để làm chứng cứ. Ngoài ra, vào năm 2002,
tài tử nổi tiếng Nhật Bản là Sơn Khẩu Bách Huệ 山 口 百 惠, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo
chí từng cho biết mình là hậu duệ của Dương Quý Phi.
Ngoài
ra, thuyết này còn giải thích là Trần Huyền Lễ thấy Dương Quý Phi là một giai
nhân "nhất đại nan kiến", một đời người khó kiếm được, nên không nỡ
nhẫn tâm sát hại. Rồi do sự trợ giúp của vũ nữ đời Đường là Tạ A Loan, và nhạc
sư Mã Tiên Kỳ dùng kế ve sầu thoát xác mà cứu nàng. Người bị thắt cổ chết ở Mã
Ngôi Dịch bấy giờ chỉ là một thị nữ.
Học
giả Nhật Bản là Độ Biên Long Sách trong bài viết "Dương Quý Phi Phục
Họat Bí Sử 楊 貴 妃 复 活 秘 史" thì thuật lại như sau :
"
Sau khi thoát khỏi Mã Ngôi Pha, Dương Quý Phi quanh quẩn ở Dương Châu thì gặp
sứ giả Nhật Bản đến nhà Đường là Đằng Nguyên Chế Hùng 藤 原 制 雄. Đằng Nguyên rất cảm thông hoàn cảnh của
nàng, nên đề nghị nàng cùng mình sang Nhật. Nhân thế, Dương Quý Phi mới thừa
thuyền của sứ đoàn Nhật Bản, vượt biển đến bến Cửu Tân 久 津 thì lên bờ. Đi với nàng còn có người chị dâu của
nàng là Từ Thị, vợ Dương Quốc Trung, cùng đứa cháu là Dương Hoan. Cứ theo lời
thuật lại, thì sau khi Dương Quý Phi đến Nhật Bản được Thiên Hoàng là Hiếu
Khiêm 孝 謙 rất nhiệt tình long trọng tiếp đãi.
Sau
đó, nhờ có một lần Dương Quý Phi giúp Thiên Hoàng Hiếu Khiêm đánh bại một cuộc
cung đình chính biến. Vì thế, Dương Quý Phi rất được người dân Nhật, đặc biệt
là đàn bà Nhật yêu thương quý mến nàng.
Ngoài
ra, năm 1984 trên tờ báo "Văn Hóa Dịch Tùng" số tháng năm, xuất bản ở
Trung Quốc, có bài "Trung Quốc Truyền Lai Đích Cố Sự" do Trương
Khiêm dịch từ Nhật văn ra Hán văn. Theo bài báo này thì Dương Quý Phi không
chết ở Mã Ngôi Dịch như chính sử của Trung Quốc ghi chép mà đươc Trần Huyền Lễ
cùng với Cao Lực Sĩ âm mưu cứu đưa ra trốn ở Hổ Khẩu, rồi từ vùng Thượng Hải
vượt biển sang Nhật Bản. Bài báo còn viết :
"Đường
Huyền Tông bình định cái loạn An Lộc Sơn hồi giá trở về Trường An, nhân vì
tưởng nhớ Quý Phi, mới sai phương sĩ ra biển tìm nàng. Khi người phương sĩ gặp
Quý Phi ở Cửu Tân thì tặng cho nàng hai bức tượng phật, và được nàng tặng cho
một chiếc ngọc trâm sai mang về trao cho Đường Huyền Tông. Tuy về sau vẫn thông
tin tức với nhau, nhưng Dương Quý Phi không bao giờ trở về Trung Quốc
nữa, và sống hết đời mình ở Nhật Bản. "
Đồng
tình với quan điểm này, có người lập luận suy đoán rằng những người được thi
hành lệnh thắt cổ Dương Quý Phi lúc bấy giờ phần đông là những người đã hầu hạ
nàng trong hoàng cung, cho nên "thủ hạ lưu tình"không nỡ "nặng
tay", nên có khả năng Quý Phi chỉ tạm thời tuyệt khí, chưa chết. Lúc đó
vua và quân sĩ vội vã lên đường trốn chạy, không có thì giờ nhìn kỹ lại nàng.
Nhờ thế mà nàng sống sót. Lúc nàng tỉnh dậy, mệnh số chỉ còn trông nhờ vào đám
thị môn giữ việc khâm liệm thi thể nàng, và họ đã nghĩ cách cứu giúp nàng.
Lại
có người lập luận cho rằng Quý Phi không chết, chẳng qua đó chỉ là "niềm
mơ đẹp" của những ai đó do sự đồng tình và thương cảm cái vận mệnh
bi đát, yếu đuối của một người đàn bà, lại là một người đàn bà đẹp như Quý Phi.
Bởi vì, tổng kết kinh nghiệm lịch sử về cái loạn An Lộc Sơn vào năm Thiên Bảo,
thì thấy rằng Quý Phi không phải người đứng đầu gây ra cái loạn ấy, nàng chỉ là
vật tế thần. Chẳng thế mà Cao Lực Sĩ lại nói :
-Quý
Phi thành vô tội !
Quý
Phi quả thật vô tội.
Vậy
thì ai gây ra cái loạn An Sử để người đẹp Dương Quý Phi phải làm vật tế
thần ? Có người cho rằng chính Thái Tử Lý Hanh, là người đứng sau xúi bẩy An
Lộc Sơn làm phản, vì Lý Hanh vốn mâu thuẫn quyền lực với phe cánh họ Dương. Người
ta biết rằng sau khi An Lộc Sơn nổi loạn chiếm đánh chiếm kinh thành, Lý Hanh đã
cùng Đường Huyền Tông chạy đi Ba Thục, nhưng đến nửa chừng thì ở lại ngôi
vua, mặc dầu vua cha vẫn còn sống.
3-Thuyết
cho rằng Quý Phi không chết mà vào chùa làm xướng nữ
Còn
có ý kiến cho rằng Dương Quý Phi không chết, mà vào chùa làm xướng nữ. Thuyết
này do Du Bình Bá, một học giả Trung Hoa nổi tiếng đề xướng.
Cuối
thập niên hai mươi của thế kỷ trước, tức cuối năm 1927, Du Bình Bá đã viết một
bài bàn luận về bài thơ "Trường Hận Ca" của Bạch Cư Dị, và
truyện "Trường Hận Ca Truyện" của Trần Hồng. Ông đã dựa
vào những câu thơ và chi tiết trong hai bài này để đưa ra ý kiến khẳng định
rằng Dương Quý Phi không chết và được cứu sống rồi đưa vào chùa làm xướng
nữ. Rồi đến đầu thập niên 80, ý kiến của học giả họ Du lại được sự ủng hộ
của nhà văn Chu Hú Lương.
Trước
hết, những người yêu thích thơ Đường, không mấy ai là không biết đến bài thơ
trứ danh "Trường Hận Ca 長 恨 歌"của Bạch Cư Dị. Đây là bài thơ thuộc loại
"trường biên tự sự thi", tức là một loại truyện thơ.
Bài
thơ này chẳng những được người dân Trung Hoa, ưa thích ngâm vịnh, được tôn
sùng coi như "thiên cổ tuyệt xướng ".
Hơn
thế nữa, Trường Hận Ca còn vượt ra khỏi văn đàn thơ văn bản quốc, được dịch ra
nhiều tiếng ngoại quốc như Anh, Pháp, Nga , Nhật, Triều Tiên, và tất nhiên,
tiếng Việt cũng có nhiều bản dịch tuyệt vời của các học giả, và các bậc tao
nhân mặc khách, như Tản Đà, Trần Trọng Kim, Khương Hữu Dụng, Trần Trọng San. .
.
Về
xuất xứ của Trường Hận Ca, theo Trần Hồng, tác giả truyện "Trường Hận Ca
Truyện 長 恨 歌 傳"
kể, thì vào tháng mười hai năm Nguyên Hòa Nguyên Niên, tức năm 806 CN đời vua
Đường Hiến Tông, lúc đó Bạch Cư Dị đang làm huyện úy ở Chu Chí. Trong huyện
này, Bạch Cư Dị còn có hai người bạn thân là Trần Hồng và Vương Chất Phu. Một
hôm, ba người rủ nhau đến du ngoạn chùa Tiên Du Tự, nhân đề cập đến mối tình bi
thảm của vua Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi , cùng cái chết thê thảm của
nàng, cả ba đều đem lòng cảm thán, ngậm ngùi, rồi Vương Chất Phu đề nghị
Bạch Cư Dị làm một bài "thơ " để kể lại câu truyện tình sử ấy, còn
Trần Hồng viết thành truyện, vì thế "Trường Hận Ca Truyện",
và"Trường Hận Ca" ra đời.
Toàn
bài thơ gồm có một trăm hai mươi câu, tám trăm bốn mươi chữ, lời lẽ tuy lưu
loát, thông suốt, nhưng có những từ ngữ mang tính cách ẩn dụ, không nói rõ
ràng. Ngay ở câu mở đầu, người đọc đã thấy Bạch Cư Dị viết :
“ Hán
hoàng trọng sắc tư khuynh quốc 漢 皇 重 色 思 傾 國 – Vua Hán yêu sắc đẹp mà mong
người khuynh quốc ”
Rồi
ở câu 91, một lần nữa, ta lại thấy Bạch Cư Dị, lấy vua Hán để ẩn dụ vua
Đường:
“ Văn
đạo Hán gia thiên tử sứ 聞 道 漢 家 天 子 使-Nghe nói sứ giả của vua Hán đến ”
Rõ
ràng, tác giả muốn nói đến một mối “ trường hận ” của vua Đường, mà
lại ẩn dụ là vua Hán, sở dĩ ông phải dùng thủ pháp văn chương ẩn dụ như vậy là
vì ông đang làm quan cho nhà Đường. Nên ông sợ. Sợ phạm huý. Sợ phạm vào những
điều cấm kỵ của nhà vua, hoàn cảnh cũng chẳng khác chi những nhà thơ, nhà văn
hiện đại. Nguyễn Tuân, chẳng từng có lần nói đến nỗi sợ của mình đấy ư.
Nhưng
vua Hán là vua nào ? Và ai là người khuynh quốc?
Theo
các nhà nghiên cứu văn học sử Trung Quốc thì vua Hán ở đây là chỉ Hán Võ Đế,
một ông vua có nhiều võ công hiển hách chống lại sự xâm lăng của rợ Hồ phương
bắc, là người vừa có bệnh mê nam sắc lại vừa đắm say nữ sắc. Còn người khuynh
quốc ở đây chính là Lý Phu Nhân. Trong sách “ Hán Thư-Ngoại Thích
Truyện 漢 書-外 戚 傳 ” kể rằng : Lý
Diên Niên, anh của Lý Phu Nhân, giỏi về ca múa, từng đứng trước mặt Hán
Võ
Đế ca bài :
Bắc
phương hữu giai nhân,
Tuyệt thế nhi độc lập.
Nhất cố khuynh nhân thành,
Tái cố khuynh nhân quốc.
Ninh tri khuynh quốc dữ khuynh thành,
Giai nhân nan tái đắc
北 方 有 佳 人,
絕 世 而 獨 立
一 顧 傾 人 城
再 顧 傾 人 國
寧 知 傾 國 与 傾 城
佳 人 難 再 得
Về
sau, trong thơ văn cổ điển thường dùng chữ “ khuynh quốc 傾國 ” để ví người đàn bà
có nhan sắc mỹ lệ.
Phái
chủ trương thuyết là Quý Phi không chết mà đi làm đạo sĩ, cũng dựa vào
những câu thơ có hai nghĩa trong "Trường Hận Ca", mà họ gọi đó
là bút pháp "cực kỳ ẩn hối", tức nói một cách hết sức kín đáo, không
rõ ràng. Ẩn dụ, nhưng đủ để cho người đọc biết là Quý Phi không chết và đi
làm đạo sĩ.
Chẳng
hạn Bạch Cư Dị viết :
Vị
cảm quân vương triển chuyển tư
Toại giáo phương sĩ ân cần mịch
Bài không ngự khí bôn như điện
Thăng thiên nhập địa cầu bất đắc
Thượng cùng bích lạc hạ hoàng tuyền
為 感 君 王 輾 轉 思
遂 教 方 士 殷 勤 覓
排 雲 馭 氣 奔 如 電
升 天 入 地 求 不 得
上 窮 碧 落 下 黃 泉
Kỳ
thực, theo ý của những người có quan điểm trên đây, những câu này là chỉ
vua Đường Huyền Tông phái phương sĩ đi khắp nơi, “ trên trời
xuống đất ”, nhưng không tìm đươc Dương Quý Phi, rồi thì thình lình
được tin:
Hốt
văn hải thượng hữu tiên sơn
Sơn tại hư vô phiêu miểu gian
Lâu các linh lung ngũ vân khởi
Kỳ trung xước ước đa tiên tử
Trung hữu nhất nhân tự Thái Chân
忽 聞 海 上 有 仙 山
山 在 虛 無 縹 渺 間
樓 閣 玲 瓏 五雲 起
其 中 綽約 多 仙 子
中 有 一 人 字 太 真
Mà
"hải thượng tiên sơn"; lung linh lầu các, chính là chỉ “am quán”, nơi
cư ngụ của những nữ đạo sĩ, trong đó có một nữ đạo sĩ tên tự là Thái Chân.
Vào
thời Đường, địa vị của nữ đạo sĩ bị coi tương như những kỹ nữ và am quán, nơi
cư ngụ của nữ đạo sĩ bị coi như kỹ viện. Nên khi sứ giả của vua Đường Huyền
Tông có tìm lại được Quý Phi đi chăng nữa, thì nàng đã bị luân lạc phong trần
rồi, "vô nhan kiến quân vương", không còn mặt mũi nào gặp lại vua
nữa, đành chỉ nhờ sứ giả gửi thăm hỏi rồi chung thân sống trong am quán, không
trở về cung nữa.
Và
Bạch Cư Dị cho đó là một trường hận; một nỗi hận "vô tuyệt kỳ" của
vua Đường và của Quý Phi, không bao giờ hết
Thử
hận miên miên vô tuyệt kỳ
此 恨 綿 綿 無 絕 期
Là
vậy.
Ly
kỳ hơn nữa, là tại Đài Loan, học giả Nguỵ Tụ Hiền, trong bài khảo cứu có tựa đề
"Trung Quốc nhân phát hiện Mỹ châu-中 國 人發 現 美州" viết là Dương Quý Phi không chết ở Mã
Ngôi Pha mà được người đưa đến Mỹ Châu.
Nhưng
người viết chưa có dịp đọc bài này, nên không dám lạm bàn. Còn về việc Dương
Quý Phi chết ở Mã Ngôi Pha hay được cứu sống, đến nay vẫn còn là một
"Thiên cổ chi mê", một nghi án trong lịch sử Trung Quốc, xin trân
trọng dành cho các nhà sử học
Và
mục đích của bài viết này cũng chỉ nhằm mua vui một vài ba khắc cho bạn bè bằng
hữu trong lúc đông tàn cảnh muộn, cùng một lứa bên trời lận đận.
(Paris
ngày 14-12-2006 lúc 22gio 20- Phạm xuân Hy. )
Chú
thích thêm của Phạm xuân Hy
1-Tứ
đại mỹ nhân 四 大 美 人:
Trong
những tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc người ta thường sử dụng thành ngữ “trầm ngư
nhạn lạc” và “bế nguyệt tu hoa” để chỉ một người đàn bà đẹp. Nguyên do thành
ngữ trên đây dùng để xưng tụng bốn người đàn bà đẹp ngày xưa của Trung Quốc là
:Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, và Dương Quý Thi. Mỗi thành ngữ có
những điển cố riêng :
Trầm ngư chỉ Tây Thi.
Tây
Thi là người đàn bà đẹp nổi tiếng của nước Việt thời Xuân Thu mạt kỳ. Tương
truyền rằng, một hôm Tây Thi ra sông giặt lụa, sắc đẹp mê hồn của nàng soi rõ
giữa làn nước trong của mặt hồ, cá đang bơi nhìn thấy nàng đẹp nên từ từ lặn
sâu xuống đấy nước.
Vì
thế, sắc đẹp của Tây Thi được xưng tụng là trầm ngư (cá lặn)
Lạc nhạn chỉ Vương Chiêu Quân.
Vương
Chiêu Quân là người đàn bà chẳng những có sắc mà lại có tài, người đời Hán. Vua
Hán Nguyên Đế (75 trước CN – 33 ước CN) vì mua lấy lòng bắc Hung Nô nên lựa
Vương Chiêu Quân để gả cho Thiền Vu, ta thường gọi là Chiêu Quân Cống Hồ. Trên
đường sang Hung Nô, Chiêu Quân nhìn thấy chim nhạn bay xa xa, bỗng động lòng tư
niệm cố hương, xúc cảnh sinh tình, nàng bèn cầm đàn lên gẩy. Những con nhạn
nghe thấy tiếng đàn mê ly thần diệu của nàng thì ngừng cánh không bay nữa mà
rơi cả xuống đất. Nên Vương Chiêu Quân được xưng tụng là “nhạn lạc”.
Bế nguyệt chỉ Điêu Thuyền.
Điêu
Thuyền là ca kỹ con nuôi của đại thần Vương Sung thời Hán Hiến Đế (181CN – 234
CN), chẳng những dung mạo đẹp và sáng sủa như mặt trăng, Điêu Thuyền lại còn
hát hay múa giỏi. Một buổi tối, Điêu Thuyền bái nguyệt ở ngoài hoa viên, thì
bỗng có một đám mây che phủ hết cả mặt trăng. Vương Sung thấy vậy, lấy làm hãnh
diện mới nói :
-Trăng
sáng so không bằng con gái ta, nên xấu hổ mà phải lẩn vào sau đám mây.
Nhờ
thế, mà Điêu Thuyền được xưng tụng là bế nguyệt;
Tu
hoa chỉ Dương Quý Phi.
Dương
Quý Phi tức Dương Ngọc Hoàn, được Đường Huyền Tông tuyển lựa vào cung ; những
lúc buồn thường ra dạo hoa viên, vô tình đụng phải loại hoa gọi là “ hàm
tu thảo 含 羞 草 ”,
khiến cánh hoa lập tức co cụm lại, Đường Huyền Tông thấy vậy mới tán mỹ Dương
Quý Phi là “ tu hoa chi dung ”, dung mạo đẹp đến nỗi làm cho hoa phải
thẹn thùng, và vua gọi nàng là “ tuyệt đại giai nhân ”.
Còn
một thuyết khác thì giải thích “ Tu hoa nhạn lạc ”là có nguồn gốc tức
sách “ Trang Tử -Tề Vật Luận đệ nhị 庄 子-齊 物 論 弟 二 ” có đoạn nói là bế thiếp của Việt
Vương là Mao Tường毛嬙,
và sủng cơ của Tấn Vương là Lệ Cơ, nhan sắc quán thế đến nỗi làm cho chim và cá
sợ hãi, phải lặn xuống nước (trầm ngư 沉 魚), hoặc bay đi (phi điểu 飛 鳥). Về sau người ta căn cứ
vào sách này đổi phi điểu 飛 鳥 thành lạc nhạn 落雁 tạo nên thành ngữ “ trầm ngư lạc
nhạn 沉 魚 落 雁”
Riêng
về từ ngữ “ tu hoa ” thì thuyết thứ hai này giải thích là Lưu Tầm,
viên Trấn Nam Tiêt Độ Sứ nhà Hậu Lương thời Ngũ Đại, trong có người thị nữ, rất
đẹp nên người ta thường gọi là Hoa Kiến Tu 花 見 羞, có nghĩa là hoa trong thấy phải thẹn thùng. Còn nguồn
gốc chữ “ bế nguyệt ” thì không khảo cứu được. Nhưng trong bài Lạc
Thần Phú của Tào Thực tả cái đẹp của vị nữ thần Sông Lạc Thuỷ từng có câu ” 彷 彿 兮 若 輕 雲 之 蔽月-Phảng phất hề nhược khinh vân chi tế nguyệt
-Phảng phất như mây che vầng nguyệt” Chữ “ tế nguyệt ”
được cắt nghĩa là “ bế nguyệt ”
Trong
“ Cung Oán Ngâm Khúc ”, tác giả Nguyễn Gia Thiều cũng từng khéo léo
sử dụng nghĩa của thành ngữ “ trầm ngư lạc nhạn ” để mô tả cái đẹp
của người cung nữ như sau :
Chìm
đáy nước cá đừ khừ lặn
Lửng
da trời nhạn ngẩn ngơ sa
沉 底 渃 𩵜 涂 渠 𣵰
郎 䏧 𡗶 鴈 謹 𢠐 沙
(Chép
theo bản Cung Oán Ngâm Khúc khắc năm Tự Đức thập cửu niên, tức năm 1866
của nhà Phúc Văn Đường Tàng bản –Hà Nội-Chúng tôi sẽ đề cập đến nghi án về nhân
vật Điêu Thuyền : Nhân vật hư cấu hay nhân vật lịch sử ?)
2-Đường
Huyền Tông 唐絃宗
Đường
Huyền Tông, tức Lý Long Cơ, sinh năm 685 CN mất năm 762 CN ở
ngôi từ năm 712 CN đến năm 756 CN .
Năm
Cảng Nguyên nguyên niên, tức năm 710 CN, Lý Long Cơ cùng với Thái Bình Công
Chúa cùng nhau âm mưu phát động chính biến giết Vi Hoang Hậu, rồi tôn cha là
Duệ Tông lên ngôi, được lập làm Thái Tử.
Năm
712 CN Lý Long Cơ được thiền vị lên ngôi vua, cải nguyên là Tiên Thiên, năm sau
lại cải nguyên là Khai Nguyên. Thời Kỳ đầu, Đường Huyền Tông trọng dụng Diêu
Sùng và Tống Cảnh làm Tể Tướng, chỉnh đốn lại những hủ chính sau thời kỳ nhà Võ
Chu, tức Võ Tắc Thiên, khiến cho xã hội, kinh tế, chính trị được phát triền,
được các sử gia cũ khen là “ Khai Nguyên Chi Trị ”. Nhưng sau đó,
Đường Huyền Tông lại dùng Lý Lâm Phủ và Dương Quốc Trung chấp chánh. Quan lại
trở nên tham ô, chính trị hủ bại, lại thêm Đường Huyền Tông đắm say thanh sắc,
sa xỉ hoang dâm. Đồng thời, chế độ phủ binh chế bị phá hoại, khu vực kinh sư và
trung nguyên bị bỏ không, các trấn vùng Tây bắc và bắc phương do các Tiết Độ Sứ
nắm giữ trọng binh, nên năm Thiên Bảo thập tứ niên, tức năm 755 CN, bộc phát
cuộc An Sử chi loạn. Năm sau, Đường Huyền Tông phải chậy đến Tứ Xuyên. Thái tử
Hưởng lên ngôi ở Linh Võ, Đường Huyền Tông được tôn là Thái Thượng Hoàng. Đến
cuối năm Chí Đức nhị niên, tức năm 758 CN trở về Trường An vì ân hận uất ức mà
chết. (Có lẽ vì thế Bạch Cư Dị mới lấy đề là Trường Hận Ca chăng ?
Trong
thơ, văn, kịch, nghệ thường gọi ông là Đường Minh Hoàng là do sau khi ông chết
được tôn thụy hiệu là Chí Đạo Đại Thánh Đại Minh Hiếu Hoàng Đế 至道大聖大明孝皇帝
3-An
Lộc Sơn 安 祿 山
An
Lộc Sơn người Liễu Thành Doanh Châu (nay thuộc nam Triều Dương Liêu Ninh),
người Hồ. Mới đầu tên gọi là Yết Lạc Sơn, họ Khang, theo mẹ lấy người Đột Quyết
là An Duyên Yển, rồi đổi ra họ An lấy tên gọi là Lộc Sơn.
An
Lộc Sơn nói được 9 thứ tiếng của người Phiên, tức những bộ tộc ở phía tây nam
Trung Quốc thời xưa, lại kiêu hùng thiện chiến, nên được U Châu Tiết Độ Sứ là
Trương Thủ Khuê coi như con. An Lộc Sơn nhờ có chiến công được bổ nhậm làm Bình
Lô Binh Mã Sứ, và Doanh Châu Đô Đốc. Sau đó, An Lộc Sơn tìm cách lấy được lòng
tin dùng của Đường Huyền Tông va Dương Quý Phi, kiêm nhiệm thêm chức Tiết Độ Sứ
của ba trấn Bình Dương, Phạm Dương, Hà Đông, nắm giữ mười lăm vạn binh sĩ.
Năm
Thiên Bảo thập tứ niên, tức năm 755 CN, An Lộc Sơn khởi binh làm loạn, đem quân
xuống miền nam công hãm Lạc Dương. Binh sĩ của An Lộc Sơn vô cùng tàn bạo,
khiến dân chúng Hà Bắc rần rần đắp đồn luỹ chống lại, chỗ đông có đến hai vạn
người, chỗ ít thì một vạn người.
Năm
756 CN, An Lộc Sơn ở đông kinh, tức Lạc Dương, xưng là Hùng Võ Hoàng Đế, lấy
quốc hiệu là Yên, kiến nguyên là Thánh Võ, rồi phái binh phá Đông Quan, tiến
nhập Trường An, tàn sát và cướp bóc dân chúng khủng khiếp.
Mùa
xuân năm 75 CN, An Lộc Sơn bị con là An Khánh Tự âm mưu cướp ngôi giết chết.
4-Cao
Lực Sĩ 高 力 士
Cao
Lực Sĩ là hoạn quan đời Đường sinh năm 684 CN mất năm 762 CN, người Lương Đức
Cao Châu (nay thuộc Cao Châu Quảng Đông). Cao Lực Sĩ vốn họ Phùng, sau
làm dưỡng tử của hoạn quan Cao Diên Phúc mới đổi họ là Cao. Thời Đường Huyền
Tông giữ Tri Nội Sự Tỉnh Sự, rồi được phong là Bột Hải Quận Công. Các tấu
chương từ bốn phương chuyển về đều phải qua tây Cao Lực Sĩ, quyền uy cực lớn.
Khi Đường Túc Tông còn ở ngôi Thái Tử, coi Cao Lực Sĩ như anh. Các tể tướng như
Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung, và tướng lãnh như An Lộc Sơn thường cấu kết với
Cao Lực Sĩ. Trong cuộc An Sử chi loạn, Cao Lực Sĩ theo Đường Huyền Tông chạy
đến Tứ Xuyên.
Năm
760 CN, Cao Lực Sĩ bị đuổi về Vu Châu, hai năm sau được xá trở về, giữa đường
bị bệnh chết.
5-Trần
Huyền Lễ 陳 玄 禮
Trần
Huyền Lễ mới đầu được bổ nhậm làm Quả Nghị Đô Úy theo Lý Long Cơ (Đường Huyền
Cơ) đứng lên phản đối Vi Hoàng Hậu. Khi Huyền Tông tại vị Trần Huyền Lễ coi cấm
vệ quân. Trong cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn, Trần Huyền Lễ theo vua chạy đến Tứ
Xuyên. Tại Mã Ngôi Dịch (nay thuộc phía tây Hưng Bình tỉnh Thiểm Tây), Trần
Huyền Lễ
Cùng
với binh sĩ nổi lên giết Dương Quốc Trung, và ép vua bức tử Dương Quý Phi, về
sau được phong làm Thái Quốc Công. Năm 760 CN, thì từ quan.
6-Lý Phu Nhân 李 夫 人
Là
em của âm nhạc gia Lý Diên Niên và em của Nhị Sư Tướng Quân Lý Quảng Lợi đời
Tây Hán, vì nghe Lý Duyên Niên tán tụng là :
Nhất
cố khuynh nhân thành
Tái
cố khuynh nhân quốc
Nên
được Hán Võ Đế tuyển vào cung và rất mực yêu thương, phong là Lý Phu Nhân, sinh
ra Xương Âp Vương nhưng bị chết sớm.
Võ
Đế thương nhớ vô cùng mới sai hoạ sĩ giỏi vẽ hình nàn treo ở cung Cam Tuyền để
ngắm, và còn làm bài thơ “ Lạc Diệp Ai Thiền ”, và bài “ Lý Phu
Nhân Phú ” để tỏ nỗi lòng khắc khoải hoài vọng. Chưa hết, Võ Đế còn mời cả
đạo sĩ Thiếu Ông ban đêm là chiêu hồn Lý Phu Nhân về cho ông gặp. Tương truyền
ông đã gặp được một người con gái diễm lệ như Lý Phu Nhân.
Y
quan trũng 衣 冠 冢 :
Y
quan trũng là ngôi mộ chỉ dùng để chôn những quần áo mũ mạo của người đã chết.
Lý Bạch khi chết táng ở Đương Đồ Huyện tỉnh An Huy, sau lại được cải táng ở núi
Thanh Sơn huyện Đương Đồ.
Nhoài
mộ phần trên, người ta còn biết có hai y quan trũng của Lý Bạch, một gọi là Lý
Bạch y quan trũng ở thành phố Mã Yên Sơn, co bia đá đề “ Đường thi nhân Lý
Bạch y quan trũng ” và một cái đề Lý Bạch y quan mộ ở làng Thanh Liên
Hương thuộc thành phố Giang Do, tỉnh Tứ Xuyên, dụng năm Đồng Trị bát niên, tức
năm 1869.
(Xin
đọc thêm bản dịch Trường Hận Ca của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu )
Sách
tham khảo:
1-Trung
Quốc Văn Hoá Vị Giải Chi Mê 中 國 文 化 未 解 支 謎
2-Đường
Thi Tam Bach Thủ 唐 詩 三 百 手
3-Trung
Quốc Văn Hoá Sử 500 Nghi Án 中 國 文 化 史 500 疑案
4-Trung
Quốc Lịch Triều Sự Điển 中 國 曆 朝 事 典
5-Từ
Hải 辭 海
6-Tứ
Đại Mỹ Nhân Diễm Tình Diễn Nghĩa 四 大 美 人艷 情 演 義
7-Trung
Quốc Văn Hoá Tri Thức Tinh Hoa 中 國 文 化 知 識 精 華
TRA LƯƠNG DUNG查 良 鏞 (KIM DUNG)
Kim Dung tên là Tra Lương Dung, xuất thân từ dòng họ Tra, một dòng họ nổi tiếng là thư hương môn đệ, đã nhiều đời cư ngụ Viên Hoa Trấn ở huyện Hải Ninh tỉnh Chiết Giang. Ông là hậu duệ của Tra Thận Hành, một thi nhân nổi tiếng thời Khang Hy, và Tra Y Hòang, một người từng được Bồ Tùng Linh trong Liêu trai Chí Dị khen ngợi là « ban ơn nhiều cho người ta mà không cần cho biết tên, thật là chân hiệp sĩ, cổ trượng phu» ; Cha ông là Tra Xu Khanh , năm 1950 bị Trung Cộng kết tội là phản động và bị xử tử.
Ông là
nhà văn có nhiều độc giả nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại, và
truyện của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ở Việt nam, trước 1975, hầu hết
các báo hàng ngày đều đua nhau dịch truyện Kim Dung để câu khách. Độc giả của
ông có đủ thành phần, từ trí thức đến bình dân. Có nhiều nhà văn vì hâm mộ Kim
Dung, còn dùng tên những nhân vật trong tiểu thuyết của ông làm bút danh, như
Đòan Dự, Kiều Phong, Vương Trùng Dương…
Kim
Dung chào đời ngày 10-3-1924. Năm lên sáu tuổi ông vào học tiểu học ở trường
làng. Năm
lên tám tuổi, ông lần đầu đọc tiểu thuyết võ hiệp, khi đọc đến bộ truyện Hoang
Giang nữ hiệp荒 江女俠 của Cố Minh Đạo, cảm thấy
rất say mê, từ đó thường sưu tầm tiểu thuyết thể loại này.
-Năm
1936, Kim Dung rời gia đình lên Gia Hưng
để vào sơ trung.
-Năm
1937, khi quân Nhập xâm lăng Trung Quốc, vì chiến tranh Kim Dung phải di chuyển
theo trường học đến Dư Hàng, Lâm An, Lệ Thủy.
-Năm
1941 Kim Dung viết bài chế diễu viên chủ nhiệm huấn đạo là đầu hàng chủ nghĩa
trên một tờ bích báo, nên bị đuổi ra khỏi trường học, nhưng được hiệu trưởng là
Trương Ấn Thông giới thiệu đến học ở Cù Châu.
-Năm
1942, Kim Dung tốt nghiệp Trung Học ở Cù Châu.
-Năm 1944, Kim Dung thi vào học Ngọai Giao tại trường Trùng Khánh Trung Ương Chính Trị Đại Học, nhân bất mãn với học sinh đảng viên ở trong trường nên tố giác với ban giám học, nên lại bị đuổi học. Sau theo lớp huấn luyện ở thư viện trung ương, được đọc một số lớn sách vở.
-Năm 1944, Kim Dung thi vào học Ngọai Giao tại trường Trùng Khánh Trung Ương Chính Trị Đại Học, nhân bất mãn với học sinh đảng viên ở trong trường nên tố giác với ban giám học, nên lại bị đuổi học. Sau theo lớp huấn luyện ở thư viện trung ương, được đọc một số lớn sách vở.
-Năm
1945, cuộc kháng chiến chống Nhật thắng lợi, Kim Dung từng tạm thời làm ký giả
cho báo « Đông Nam Nhật Báo ».
-Năm
1946 Kim Dung đến Thượng Hải theo học lớp luật Quốc tế ở trường Đông Ngô Đại
Học Pháp Học Viện, năm sau tốt nghiệp.
-Năm
2005, Kim Dung đã 81 tuổi rời Hương Cảng đến trường Đại Học Cambridge ở Luân Đôn
học và đậu bằng Thạc sĩ về lịch sử.
-Cũng vào năm 1946, Kim Dung làm
phiên dịch cho báo « Đại Công Báo » ở Thượng Hải, năm 1948 được điều
đến phân xă ở Hồng Kông. Năm 1950, Kim Dung đến Bộ Ngọai Giao Trung Cộng ở Bắc
Kinh đến xin làm, nhưng bất mãn với chính sách ngọai giao của Trung Cộng, thì
lại quay lại làm cho tờ « Đại Công Báo » phụ bản.
-Năm 1952 Kim Dung được điều đến
làm biên tập phụ bản tờ « Tân Văn Báo » ; ông viết các kịch bản
điện ảnh như « Tuyệt Đại Giai Nhân », « Lan Hoa Hoa ». Trong
thời gian này ông quen và làm bạn với tiểu thuyết gia võ hiệp là Lương Vũ Sinh.
Lúc bấy giờ Tổng Biên Tập là La
Tranh của tờ báo, sắo xếp để Lương Vũ Sinh viết truyện võ hiệp « Long Hổ
Đấu Kinh Hoa », còn Tra Lương Dung dưới bút danh Kim Dung viết truyện « Thư Kiếm Ân Cừu
Lục », tiếng tăm vang dội. Nhất thời Kim Dung được tề danh ngang cùng với
Lương Vũ sinh.
-Năm 1956 đăng suốt năm truyện
"Bích Huyết Kiếm» trên tờ « Hương Cảng Thương Báo ».
-Năm 1959, Kim Dung tự đứng ra
làm tờ Minh Báo, đăng liên tiếp truyện « Thần Điêu Hiệp Lữ ».
Dưới bút danh Lâm Hoan, từ năm
1953 đến năm 1958, Kim Dung từng viết kịch bản cho « Trường Thành Điện Ảnh
Công Ty », trong đó có « Tuyệt Đại Giai Nhân » được giải vàng
của Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc văn Hóa Bộ ». Cũng từng hợp tác làm
đạo diễn hai bộ phim. Hợp tác với Trùng Thiệp Cao làm phim « Hữu Nữ Hòai
Xuân ».
-Năm 1959, Kim Dung sáng lập tờ Minh
Báo ở Hương Cảng, sau ra thêm các tờ « Minh Báo Vãn Bao », « Minh
Báo Nguyệt san », « Minh Báo Chu San », và tờ « Tân Minh
Báo Nhật Báo » ở Mã Lại Tây Á. Kim Dung hòan thành việc thành lập Minh Báo
Xuất Bản Công Ty và Minh Sơn Xuất Bản Xã.
Tập đoàn Minh Báo của Kim Dung
doanh thâu năm 1991 lên đến một ức quan. Sau khi tập đòan Minh Báo ở Hương cảng
ra đời, ông dời bỏ công việc quản lý báo, đi chu du các nước, tĩnh tâm, nghiên
cứu kinh điển. Tên ông được liệt thứ 64, vào danh sách các Hoa nhân tỷ phú,
giầu có hàng trăm triệu ở Hương Cảng, trở thành
nhà văn điển hình giầu có.
Trên Minh Báo ông là người vừa
viết tiểu thuyết vừa viết bình luận. Người ta còn nhớ, năm 1960 khi ngọai giao
giữa Trung Công và Nga Sô bị xấu đi. Việc an toàn của Trung Cộng không có gì
bảo đảm, và toàn diện bị uy hiếp, Trung Cộng khai triển tích cực nghiên
cứu hạch tâm, võ khí nguyên tử.
-Năm 1963, Trần Nghị đề xuất « Hạch
Khố Luận », và nói : « Dù có đóng khố cũng phải tạo nguyên
tử ».
-Thì năm 1964, Kim Dung viết vài
bình luận trên Minh báo là :“Cần có khố mặc chứ không cần nguyên tử »,
phản đối chế tạo nguyên tử trong khi đất nước còn nghèo đói .Thế là Kim Dung bị
các báo Trung Cộng như « Đại Công Báo », « Văn Nhai Báo »,
« Tân Vãn báo » lên tiếng phản đối cho Kim Dung là « Phản Cộng
Phản Hoa », « Sùng bái Anh Mỹ », « Bội phản lập trường dân
tộc ».
Cuối cùng Trần Nghị phải ra mặt
chế chỉ sự công kích của phe tả phái. Mặc dầu, hệ thống Minh Báo không phải là
lọai báo quá khích, nhưng trong thời kỳ cuộc Cách Mạng Văn Hóa bạo phát, Kim
Dung và Minh Báo công khai giữ thái độ chống đối. Những bài viết của Kim Dung
thường chống lại với Văn Cách. Cụ thể là nhắc đến những công tích của Bành Đức
Hoài, cho kịch phẩm « Tạ Dao Hòan » của Ngô Hàm. Kim Dung bị các phần
tử tả phái ở Hương Cảng nhục mạ « Hán Gián », « Tẩu Cảu »,
« Sài Lang Dung », thậm chí còn bị đe dọa giết chết, nên có thời kỳ
Kim Dung phải dời Hương Cảng để ty nạn.
-Năm 1973, Kim Dung được Trung
Hoa Dân Quốc mời sang Đài Loan, đến gặp Tưởng Kinh Quốc.
Sau khi cuộc Văn Hóa Đại cách
Mạng kết thúc, khỏang năm 1981 đến 1984, Kim Dung có đi thăm lục địa, và từng
đàm luận với Đậng Tiểu Bình và Hồ Diệu Bang.
-Đến năm 1985, Hương Cảng Đặc
Biệt hành Chánh Khu Cơ Bản Pháp Khởi
Thảo Uỷ Viên Hội tuyên cáo thành lập, Kim Dung được chọn là một trong những ủy
viên, đứnh về phía Hương Cảng, là thành viên phụ trách « Cơ Bản Pháp Chính
Trị Thể Chế Khởi Thảo Tiểu Tổ »
Kim Dung cùng với Tra Tế Dân đề
xuất một phương án gọi là « Chính
Chế Hiệp Điệu Phương Án » để bàn cãi. Đối với thời bấy giờ thì phương án
này bị coi là bảo thủ, làm cản trở tiến trình dân chủ, nên không được Hương
Cảng ủng hộ.
-Năm 1991, Minh Báo Công Ty ra
đời, Kim Dung làm Giám Đốc Công Ty.
-Năm 2010 Kim Dung cỏn làm luận
án tiến sĩ ở trường đại học Cambridge ở Luân Đôn.
Bút danh Kim Dung của ông là từ
chữ Dung 鏞tách ra thành hai chữ
金 và 庸. Chữ Dung
鏞 nghĩa là cái chuông một loại nhạc khí thời cổ (金+ 庸.)
Kim Dung trứ tác phần lớn là võ hiệp tiểu
thuyết gồm 14 bộ mà ông xếp thành một câu đối:
飛雪連天射白鹿
笑書神俠倚碧鴛
Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc
Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên
(Tuyết bay đầy trời bắn
hươu trắng,
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh)
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh)
Phi Hồ Ngọai
Truyện 1960
Tuyết Sơn Phi
Hồ 1959
Liên Thành
Quyết 1963
Thiên Long Bát
Bộ 1963
Xạ Điêu Anh
Hùng Truyện 1957
Bạch Mã Khiếu
Tây Phong 1961
Lộc đỉnh
ký 1969-1972
Tiếu Ngạo Giang
Hồ 1967
Thư Kiếm Ân Cừu
Lục 1955
Thần Điêu Hiệp
Lữ 1959
Hiệp Khách
Hành 1961
Ỷ Thiên Đồ Long Ký 1965
Bích Huyết Kiếm 1956
Uyên Ương Đao 1961
Đúng ra, còn bộ chót là Việt Nữ Kiếm. Ngoài ra
Kim Dung còn viết nhiều bài chính luận và tản văn, nhưng tiểu thuyết võ nghệ
vẫn là nghề tay phải của ông.
Ông không viết thêm tác phẩm nào sau truyện Lộc Đỉnh
Ký (hoàn tất năm 1972). Thay vào đó, ông hai lần xem xét lại toàn bộ các tiểu
thuyết võ hiệp của mình, dự án cuối cùng dẫn đến việc tái bản Lộc Đỉnh Ký
vào năm 2006.
"Các tiểu thuyết
của Kim Dung viết không hay", ông viết trong "Nguyệt Vân",
tác phẩm được xem là Kim Dung nói về bản thân mình.
Nhưng "khi
ông viết và sau đó đọc lại tác phẩm của chính mình, ông thường khóc vì sự bất hạnh
của nhân vật. Khi ông viết rằng Dương Quá mòn mỏi chờ đợi Tiểu Long Nữ cho đến
khi mặt trời khuất bóng, ông khóc. Khi ông viết rằng Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn
bị buộc phải chia tay nhau, ông khóc. Khi ông viết rằng Kiều Phong giết người
yêu A Châu vì hiểu nhầm, ông khóc càng thảm hơn".
Những truyện ông
viết đều xuất phát từ trái tim của ông, và cũng chạm đến vô số trái tim khác.
Kim Dung mất buổi trưa ngày 30-10-2018, hưởng thọ 93 tuổi tại bệnh viện
ở Hương Cảng, để lại nhiều thương tiếc cho hàng chục triệu độc giả đã từng say
mê các tác phẩm võ hiệp nổi tiếng của ông.
Tra Kế Tá
查 繼 佐
Tra Kế Tá (1601-1676) vốn tên là Kế Hựu, nhưng khi đi thi ở huyện viết
nhầm là Tá, bèn dùng luôn làm tên. Sinh ra trong thời buổi lọan lạc, Tra Kế Tá
sửa đổi khá nhiều tự hiệu như: Mới đầu tự
là Tam Tú, sau đổi ra là Y Hoàng (Tra Y Hòang), Kính Tu, hiệu là Dữ Trai, Tả Ẩn,
Phương Đan, Phát Tiêu, Chước Ngọc, Hưng Trai, đến cuối đời thì lại đổi là Đông
Sơn Chước Tẩu, người Viên Hoa, huyện Hải Ninh tỉnh Chiết Giang.
Lúc nhỏ nhà nghèo, nhưng ham học không biết mỏi mệt.Năm Sùng Trinh lục
niên, tức năm 1633, Tra Kế Ta Đậu Cử Nhân.
Dưới triều Nam Minh Lỗ Vương, Tra Kế Tá từng giữ chức Binh Bộ Chức Phương Chủ Sự, tích cực chống lại nhà Thanh, và tham gia cuộc đấu tranh võ trang để bảo vệ Tiền Đường Giang. Tra Kế Tá từng cầm quân đánh bại quân Thanh ở Giả Sơn, và đi theo Ngự Sử Hòang Tông Hy vượt biển, đóng quân ở Đàm Sơn.
Đến khi nhà Minh bị
diệt, Tra Kế Tá đổi tên là Tỉnh, tự là Bất Tỉnh, và đổi chữ 查Tra ra chữ
Tra 楂, trở về tụ tập học
trò để dậy học, đồng thời biên sọan « Minh Sử ».
Năm Khang Hy nhị
niên, tức năm 1663, nhân liên lụy trong vụ án Minh Sử với Trang Đình Long bị bắt
bỏ ngục, nhờ có Đề Đốc Quảng Đông là Ngô Lục Kỳ tấu thỉnh biện giải mới được
tha.
Sau khi ra khỏi ngục,
Tra Kế Tá lại đổi tên là Tả Y, hiệu là Phi Nhân Dân, ẩn cư ở Giáp Sơn tỉnh Sơn
Đông, và tụ hội học trò để dậy học.Người bấy giờ gọi Tra Kế tá là Đông Sơn Tiên
Sinh.
Tra Kế Tá là người đam mê lịch sưu, trứ tác rất phong phú ; Tra Kế
Tá đã để ra 29 năm trời, sửa lại bản cảo đến 10 lần, phỏng vấn hàng ngàn người,
mới hòan thành tác phẩm Minh sử vĩ đại « Tội Duy Lục », ghi lại những
rất nhiều những tài liệu về các cuộc khởi nghĩa của nông dân cuối thời Minh mạt.
Về trứ tác, có « Ban Hán Sử Luận », « Lỗ Xuân Thu »,
« Sơn Đông Quốc Ngữ », « Quốc Thọ Lục », đều là tác phẩm
giá trị. Ngòai ra, Tra Kế Tá còn tinh thâm âm luật, thích gẩy đàn ca xướng, trong
nhà có ban nữ nhạc, do đích Tra Kế Tá dậy dỗ, và viết các tạp kịch như « Tục
Tây Sương Ký », « Minh Phong Độ », các truyện truyền kỳ có
« Tam Báo Ân », « Phi Phi Tưởng », và « Sơn Đông Ngọai
Kỷ », “Ngũ Kinh Thuyết », « Tứ Thư Thuyết », « Thông
GiámNghiêm », « Tri Thị Lục », « Nam Ngữ », « Bắc
Ngữ », « Kính Tu Đường Thi Tập », « Thuyết Nghi »,
« Việt Du Tạp Vịnh ». Tra kế Tá còn giỏi cả thư họa.
Bồ Tùng Linh trong Liêu Trai Chí Dị, từng có lời khen ngợi « ban ơn nhiều cho người
ta mà không cần cho biết tên , thật
là chân hiệp sĩ, cổ trượng phu 厚 施 而 不 问 其 名,夫 哉!Hậu thí nhi bất vấn kỳ danh, chân hiệp liệt cổ trượng phu tai ! ».
Cũng
trong Liêu Trai Chí Dị, truyện « Đại Lực Tướng Quân » có thuật truyện
về Ngô Lục Kỳ.
Ngô Lục Kỳ lúc hàn vi từng đi ăn mày, Tra Kế Tá thấy Ngô Lục Kỳ là người
hữu dũng khỏe mạnh, bèn mời uống rượu thật say, rồi tặng tiền bạc, sau đó bỏ ra
về.
Sau này Ngô Lục Kỳ tòng quân, làm quan đến Đề Đốc, nhưng không quên ân
nghĩa cũ. Khi Tra Kế Tá gặp tai nạn, Ngô Lục Kỳ ra sức cứu giúp, và từng đón
Tra Kế Tá đến Quảng Đông nghỉ ngơi, và từng giúp xây cất chỗ ơ cho Tra Kiến Tá.
Ngày
29 tháng 2 năm 1676 Tra Kế Tá qua đời,
thọ 75 tuổi.
Kim
Dung tác giả của những bộ tiểu thuyết võ hiệp của Trung Quốc, tên thực là Tra
Lương Dung, là hậu duệ của Tra Kế Tá.
Tra Tự Đình
查 嗣 庭
Tra
Tự Đình (1664-1727), tự là Nhuận Mộc, Hiệu là Hòanh
Phố, người huyện Hải Ninh tỉnh Triết Giang, đậu tiến sĩ năm Bính Tuất, Khang Hy
tứ thập ngũ niên, tức năm 1706, được tuyển bổ làm Hàn Lâm Viện Thứ Cát Sĩ. Năm
Khang Hy tứ thập bát niên, tức năm 1709, được thụ chức Biên Tu ở Tán Qúan. Năm
Khang Hy ngũ thập tứ, tức năm 1715, được làm Phó Khảo quan thi Hương ở Hồ Quảng.
Sau đó từ năm 1717 đến 1719, làm Hà Nam
Học Chính. Sau đó được thang làm Thị Giảng, Thị Độc, Thị Độc Đại Học Sĩ.
Năm
Ung Chính nguyên niên, tức năm 1723, do Long Khoa Đa tiến cử thăng làm Nội Các
Học Sĩ.
Đến
tháng 6 năm Ung Chính tứ niên, tức năm 1726,Tra Tự Đình được bổ nhiệm làm chính
khảo quan khoa thi hương ở Giang Tây.
Sau
đó, đến tháng 9 Tra Tự Đình trở về kinh, thì phát sinh ra vụ án ra đề thi.
Nguyên do có người cáo
giác bốn chữ "Duy Dân Sở
Chỉ 維 民 所止", mà Tra Tự Đình đã lấy từ Kinh Dịch dùng để làm đề thi, có hàm ý phỉ báng và cầu chúc cho vua Ung Chính
雍 正 bị chặt đầu.
Sở dĩ như vậy là vì hai chữ "Duy 維" và chữ "止" trong bốn chữ của
đề thi "Duy Sở Chỉ 維 民 所 止", theo cách chiết tự chính
là hai chữ "Ung 雍" và chữ "chính 正" bị cắt mất đầu.
Ung Chính phái người đến sưu tra những văn tự tại ngụ sở của Tra Tự Đình ở kinh, sau đó
cách chức Tra Tự Đình và tống giam vào ngục,
giao cho Tam Pháp Ty (tức Hình Bộ, Đô Sát Viện, Đại Lý Tự) điều tra vụ án.
Tháng tư năm Ung Chính ngũ niên, tức năm 1727,
Tra Tự Đình bị chết trong ngục thất.
Vụ án Tra Tự Đình là một vụ án văn tự ngục lớn
dưới triều vua Ung Chính và do chính Ung Chính tạo ra. Tội danh do hội đồng Cửu
Khanh, Hàn Lâm,Thiêm Sự sau khi thẩm tra, kết luận là "Đại nghịch bất
đạo, oán phỉ chớ chú", còn Ung Chính gán cho là "Tâm hòai óan
vọng", nên dù Tra Tự Đình đã bệnh chết trong ngục thất, cũng bị lôi thây
ra chém đầu thị chúng. Gia sản bị tịch thâu. Các anh và con cháu từ 16 tuổi trở
lên bị chém ngang lưng, vợ và con gái dưới 16 tuổi cho các đại thần làm nô bộc.
Tạị sao Ung Chính lại tạo ra vụ án văn tự ngục
ghê gớm đến thế. Các sử gia giải thích là vì Tra Tự Đình ngày trước vốn xu phụ
viên đại thần Long Khoa Đa, người từng với Niên Canh Nghiêu âm mưu ủng lập Ung
Chính, sau bị Ung Chính ghét và diệt trừ, nay Ung Chính nhân vụ an này muốn diệt
trừ nốt bè đảng của Long Khoa Đa ở trong triều.
PHẠM XUÂN HY
Anh Vũ, Nam Việt điểu
Mỗi người, mỗi giai đoạn cuộc đời, đều có những cách thức riêng để ghi nhớ những kỷ niệm của mình. Có thể đó là một danh từ mỹ miều nào đó. Có khi là tên một người con gái. Tên một con đường. Tên một quán ăn. Riêng tôi, mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm thuở học trò hàn vi, tôi lại liên tưởng đến tên một quán cơm bán cho học sinh nghèo, nằm trên con đường Bùi Viện. Quán có tên là "Quán Anh Vũ". Một cái nên nghe rất thơ, và rất văn nghệ. Tuy là quán bán cơm cho học sinh nghèo, nhưng thiết chí, bầy biện trong quán lại rất ngăn nắp, lịch sự, có không khí của một quán văn nghệ hơn là một quán ăn nhậu, vì dù sao, vào thời điểm lúc bấy giờ, khách hàng của quán, phần đông là những mầm non của đất nước, những thành phần được mệnh danh là "học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau" cả. Bàn ghế thì tất nhiên, luôn luôn sạch sẽ tươm tất hơn những quán cơm bán cho dân nghèo lao động khác, nằm trải dài góc đường Nguyễn Du và Tổng Liên Đoàn Lao Động, mà người viết lúc đó thường là khách chung tình, sáng chiều lai vãng. Nhờ lối bầy biện có tính "văn nghệ", và bán rẻ, lại ngon, quán Anh Vũ được nổi tiếng một thời.
Tại quán Anh Vũ, thỉnh thoảng cuối tuần lại có một buổi ca vũ, nhạc kịch và ngâm thơ. Mỗi bữa ăn một phần chỉ mất năm đồng. Có lần, hồi còn sống ở phòng bốn Trại Học Sinh Di Cư Phú Thọ với một ông bạn, ông thường rủ tôi đến đó học ca hát và nhẩy múa để được ăn "cơm chùa". Tôi vốn là "nhà quê lên tỉnh", từ bé, chỉ biết đánh đáo, thả diều, và nhẩy "cò cò", nay nghe người bạn bảo học "nhẩy", tôi liền hiểu lầm nhẩy là nhẩy "đăng sê bà đầm", thì lấy làm thẹn thùng đỏ mặt, giật mình, lắc đầu quầy quậy. Không đi. Thế rồi, nghèo quá, bụng đói đầu gối phải bò, tôi cũng theo người bạn đến quán Anh Vũ. Nhưng cứ chén cơm xong là tôi lặng lẽ trả tiền rồi múa bài "tẩu mã", chẳng học hành hát hỏng, nhẩy nhót gì cả. Để mặc người bạn ở lại một mình. Sau này, vào đầu những năm của thập niên sáu mươi, tôi không nhớ chính xác, quán Anh Vũ không bán cơm cho học sinh nghèo nữa, mà trở thành phòng trà Anh Vũ, mở đầu cho phong trào phòng trà ca nhạc Sài Gòn sau này.
Tôi không biết tuổi thọ của quán này là bao nhiêu, nhưng nay tóc tôi đã phôi phai ngả mầu sương tuyết, hai chữ Anh Vũ vẫn nằm in sâu trong những kỷ niệm yêu dấu về tuổi học trò hàn vi của tôi.
Gần đây, trong một bàn tiệc, ngồi ăn chung với mấy người bạn, tôi không rõ câu chuyện bắt đầu từ đâu, mà thực khách bỗng tranh luận xoay chung quanh hai chữ "Anh Vũ", làm tôi bùi ngùi,nhớ lại quán xưa.
Có người bảo Anh Vũ thuộc loài chim.
Lại có người bảo Anh Vũ là thuộc loài cá.
Cuộc tranh luận về "Anh Vũ" đã kéo dài đến lúc, tôi chỉ còn nghe thấy những giọng nói nhựa nhựa của hai chàng lý sự "sờ voi", quyết bảo vệ "lẽ phải" của mình. Rời rạc. Mơ hồ. Như phát ra từ một cõi ngủ mê không rõ rệt, thì bên ngoài trời cũng bắt đầu đổ mưa. Một cơn mưa bụi, sau những ngày nóng oi ả.
Tôi trở về nhà, bị quyến rũ bởi đề tài bỏ dở, bèn mở sách tự tìm lấy nguồn gốc nghĩa của chữ Anh Vũ một mình.
1-Anh Vũ thuộc loại
gì ?
A-Nghĩa gốc của từ Anh Vũ 鸚 鵡
A-Nghĩa gốc của từ Anh Vũ 鸚 鵡
Anh Vũ nguyên là một từ ngữ Hán,
đọc theo âm Việt.
Tìm trong các từ điển Hán Ngữ như :
-Sách Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận thời Đông Hán, đã giải thích chữ Anh 鸚 như sau:
"Anh, anh vũ, năng ngôn điểu dã,tòng điểu,anh thanh 鸚 鸚 鵡 能 言 鳥 也 從 鳥 嬰 聲Anh, tức Anh Vũ,một loài chim có thể nói, thuộc thuộc loại điểu鳥 (chim), đọc là anh ".
Và chữ Vũ 鵡 thì Thuyết Văn Giải Tự giải thích :
Vũ, tức Anh Vũ, sách Sơn Hải Kinh viết là trên núi Hoàng Sơn có loại chim này, hình dáng giống như con chim hào 鴞, lông xanh mỏ đỏ, có thể nói được tiếng người.
-Còn Từ Nguyên, một cuốn từ điển chữ Hán nổi tiếng, chuyên giải thích các từ cổ, của Phương Nghị và Lục Nhĩ Khuê, xuất bản năm 1915, thì giải thích từ ngữ "Anh Vũ" như sau :
"Anh Vũ là tên gọi một loài chim, sắc lông mỹ lệ, đầu tròn, mỏ lớn mà ngắn, phần trên của mỏ có hình dạng như một lưỡi câu, lưỡi mềm, qua huấn luyện có thể nói được tiếng người."
-Theo Từ Điển Hán Ngữ hiện đại thì "Anh Vũ "được giải thích như sau :
"Anh Vũ cũng là một loại chim đầu tròn, phần mỏ phía trên lớn, và hình dạng móc câu, phần mỏ phía dưới nhỏ và ngắn, sắc lông mỹ lệ, có loại mầu trắng, mầu đỏ, mầu vàng, mầu lục, sinh sống ở trong rừng vùng nhiệt đới, ăn trái cây, có thể bắt chước tiếng người, thường gọi là Anh Ca."
Như vậy sự giải thích nghĩa gốc Hán tự của chữ Anh Vũ , dù từ điển cổ hay mới , đều thống nhất rằng Anh Vũ là thuộc loài chim chứ không phải thuộc loài cá.
Tìm trong các từ điển Hán Ngữ như :
-Sách Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận thời Đông Hán, đã giải thích chữ Anh 鸚 như sau:
"Anh, anh vũ, năng ngôn điểu dã,tòng điểu,anh thanh 鸚 鸚 鵡 能 言 鳥 也 從 鳥 嬰 聲Anh, tức Anh Vũ,một loài chim có thể nói, thuộc thuộc loại điểu鳥 (chim), đọc là anh ".
Và chữ Vũ 鵡 thì Thuyết Văn Giải Tự giải thích :
Vũ, tức Anh Vũ, sách Sơn Hải Kinh viết là trên núi Hoàng Sơn có loại chim này, hình dáng giống như con chim hào 鴞, lông xanh mỏ đỏ, có thể nói được tiếng người.
-Còn Từ Nguyên, một cuốn từ điển chữ Hán nổi tiếng, chuyên giải thích các từ cổ, của Phương Nghị và Lục Nhĩ Khuê, xuất bản năm 1915, thì giải thích từ ngữ "Anh Vũ" như sau :
"Anh Vũ là tên gọi một loài chim, sắc lông mỹ lệ, đầu tròn, mỏ lớn mà ngắn, phần trên của mỏ có hình dạng như một lưỡi câu, lưỡi mềm, qua huấn luyện có thể nói được tiếng người."
-Theo Từ Điển Hán Ngữ hiện đại thì "Anh Vũ "được giải thích như sau :
"Anh Vũ cũng là một loại chim đầu tròn, phần mỏ phía trên lớn, và hình dạng móc câu, phần mỏ phía dưới nhỏ và ngắn, sắc lông mỹ lệ, có loại mầu trắng, mầu đỏ, mầu vàng, mầu lục, sinh sống ở trong rừng vùng nhiệt đới, ăn trái cây, có thể bắt chước tiếng người, thường gọi là Anh Ca."
Như vậy sự giải thích nghĩa gốc Hán tự của chữ Anh Vũ , dù từ điển cổ hay mới , đều thống nhất rằng Anh Vũ là thuộc loài chim chứ không phải thuộc loài cá.
B-Anh Vũ qua các từ
điển Hán Việt cổ
Trước hết, là sách "Chỉ Nam
Ngọc Âm Giải Nghĩa 指 南 玉 音 解 義", một cuốn sách được các nhà nghiên cứu Hán Nôm coi
là một cuốn tự điển Hán Việt sớm nhất của Việt Nam, trong đó các từ chữ Hán
được giải thích ra tiếng Việt và viết bằng chữ Nôm, ra đời năm Tân tỵ, gồm 40
chương. Ở chương "Vũ trùng loại đệ tam thập nhất 羽 蟲 類 第 三 十 一"
tức là chương cắt nghĩa các từ chữ Hán thuộc loại lông vũ, đã giải thích chữ
Anh Vũ là :
Anh
Vũ suất tính người song
Là chim óng mỏ tiếng dùng líu lô
Là chim óng mỏ tiếng dùng líu lô
(Theo
bản Minh Gíam Đừơng khắc năm Cảnh Hưng nhị thập nhị niên Tân Tỵ mạnh xuân cốc
nhật tức năm 1761 và bản phiên âm của Trần Xuân Ngọc Lan in năm 1985).
-Sách "Nhật Dụng Thường Đàm 日用常談" của Phạm Đình Hổ 范 廷 琥, cũng là một loại Từ Điển Hán Việt cổ, giải thích các chữ Hán thường dùng hàng ngày ra tiếng Việt viết bằng chữ Nôm, ra đời khoảng năm Minh Mạnh thứ tám, tức 1827, sắp theo 32 môn như Thiên Văn, Địa lý, Qủa thực, Cầm thú, Thuỷ tộc...
Phạm Đình Hổ đã phân biệt riêng rẽ hai cụm từ chữ Hán :
-Anh Vũ (鸚 鵡)
-Anh vũ ngư - ( Cá Anh Vũ 鸚 鵡 魚)
là hai loại khác nhau, và xếp vào loài chim (điểu 鳥) và loài cá (ngư 魚) để cắt nghĩa từng cụm từ một.
Tại môn "Cầm thú môn đệ tam thập 禽 獸 門 第 參 拾 " , Phạm Đình Hổ đã cắt nghĩa một cách ngắn gọn "Anh vũ là vẹt 鸚 鵡 羅 樾", còn "vẹt đỏ 樾 赭 " chữ Hán có tên là "tần cát liễu 秦吉了".
Và tại môn "Thuỷ tộc môn đệ tam thập nhất 水 族 門 弟 參 拾 壹 " thì tác giả cắt nghĩa "Anh vũ ngư 鸚 鵡 魚 cũng gọi là cá Gia ngư 嘉 魚"
Tóm lại, mấy cuốn tự điển cổ liệt kê trên đây, dù Hán hay Việt, cũng đều thống nhất ở một điểm là Anh vũ thuộc loại vũ trùng 羽 蟲.
Sau này, một số nhà làm từ điển Hán Việt, lại không cắt nghĩa riêng hai cụm từ chữ Hán "Anh Vũ" và "Anh vũ ngư" như Phạm Đình Hổ đã làm, song giải thích " Anh vũ 鸚 鵡" với hai nghĩa là :
a-Chim Anh vũ, con vẹt, con két
b-Cá Anh Vũ, là thứ cá rất ngon ở miền Bạch Hạc, Bắc Kỳ (poisson mandarin).
Từ đó, đưa người đọc đến sự ngộ nhận, phân vân, không rõ Anh Vũ thuộc loài chim hay là cá.
Người viết xin được trở lại mục "Cá Anh Vũ" ở phần sau.
-Sách "Nhật Dụng Thường Đàm 日用常談" của Phạm Đình Hổ 范 廷 琥, cũng là một loại Từ Điển Hán Việt cổ, giải thích các chữ Hán thường dùng hàng ngày ra tiếng Việt viết bằng chữ Nôm, ra đời khoảng năm Minh Mạnh thứ tám, tức 1827, sắp theo 32 môn như Thiên Văn, Địa lý, Qủa thực, Cầm thú, Thuỷ tộc...
Phạm Đình Hổ đã phân biệt riêng rẽ hai cụm từ chữ Hán :
-Anh Vũ (鸚 鵡)
-Anh vũ ngư - ( Cá Anh Vũ 鸚 鵡 魚)
là hai loại khác nhau, và xếp vào loài chim (điểu 鳥) và loài cá (ngư 魚) để cắt nghĩa từng cụm từ một.
Tại môn "Cầm thú môn đệ tam thập 禽 獸 門 第 參 拾 " , Phạm Đình Hổ đã cắt nghĩa một cách ngắn gọn "Anh vũ là vẹt 鸚 鵡 羅 樾", còn "vẹt đỏ 樾 赭 " chữ Hán có tên là "tần cát liễu 秦吉了".
Và tại môn "Thuỷ tộc môn đệ tam thập nhất 水 族 門 弟 參 拾 壹 " thì tác giả cắt nghĩa "Anh vũ ngư 鸚 鵡 魚 cũng gọi là cá Gia ngư 嘉 魚"
Tóm lại, mấy cuốn tự điển cổ liệt kê trên đây, dù Hán hay Việt, cũng đều thống nhất ở một điểm là Anh vũ thuộc loại vũ trùng 羽 蟲.
Sau này, một số nhà làm từ điển Hán Việt, lại không cắt nghĩa riêng hai cụm từ chữ Hán "Anh Vũ" và "Anh vũ ngư" như Phạm Đình Hổ đã làm, song giải thích " Anh vũ 鸚 鵡" với hai nghĩa là :
a-Chim Anh vũ, con vẹt, con két
b-Cá Anh Vũ, là thứ cá rất ngon ở miền Bạch Hạc, Bắc Kỳ (poisson mandarin).
Từ đó, đưa người đọc đến sự ngộ nhận, phân vân, không rõ Anh Vũ thuộc loài chim hay là cá.
Người viết xin được trở lại mục "Cá Anh Vũ" ở phần sau.
2-Chim Anh vũ, gốc ở
đâu ?
Cổ xưa, dưới chế độ phong
kiến ở Trung Quốc, các nước chư hầu đều có bổn phận phải vào triều và phải
dâng hiến cống phẩm cho thiên tử, người nắm quyền lãnh đạo tối thượng
đất nước. Những cống phẩm có đủ mọi hạng, mọi loại. Dưới mọi hình thức. Như
thực phẩm. Ngọc ngà. Tơ lụa.Trân cầm. Dị thú. Dựợc vật. Nhạc khí. Thậm chí cả
nô tỳ, và người bị hoạn nữa.
Nước Nam Việt của Triệu Đà, từ khi Đà khôn khéo từ bỏ đế hiệu, không đi xe hoàng ốc, và không cắm cờ tả đạo, nhẫn nhịn xưng thần, tránh được cuộc chiến tranh với nhà Hán để giữ nước Nam Việt, nhưng không tránh khỏi cái tục lệ phải đem lễ vật vào triều cống thiên tử nhà Hán như các chư hầu khác.
Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vào năm 179 trước CN, Triệu Đà đã sai sứ giả sang nạp cống cho Văn Đế nhà Hán là Lưu Hằng : một đôi ngọc bích trắng, 1000 bộ lông chim trả sống, 10 sừng tê, 500 vỏ ốc màu tía, một giỏ cà cuống, 40 đôi chim trả sống, hai đôi chim công.
Đến đời Triệu Minh Vương, cháu nội của Trọng Thủy, theo sách " Hán Thư- Võ Đế Kỷ" của Ban Cố đời Hán, thì năm Nguyên Thú nhị niên, tức năm 121 trước Công Nguyên, vua nước Nam Việt, lúc đó mới lên ngôi được ba năm, vẫn giữ lệ triều cống của cha ông mình, cống cho vua Hán Võ Đế, một loại voi và một loại chim, mà Hán Thư chỉ ghi một cách gọi mộc mạc là "Voi Dễ Bảo, và Chim Biết Nói -Tuần tượng, năng ngôn điểu 馴 象,能 言 鳥", lại không ghi rõ là bao nhiêu con mỗi loại.
Sang đến đời Đông Hán, có Hứa Thận giải thích Anh Vũ là "năng ngôn điểu" và đến đời Đường Thái Tông Lý Thế Dân, viên quan Bí Thư Thiếu Giám là Nhan Sư Cổ được lệnh khảo đính ngũ kinh văn tự, và chú thích sách " Hán Thư " của Ban Cố, giải thích Voi Dễ Bảo (tuần tượng 馴 象) là voi đã được nuôi thuần, và hiểu được ý người. Còn Chim Biết Nói (năng ngôn điểu 能 言 鳥) thì Nhan Sư Cổ viết : "Năng ngôn điểu tức anh vũ dã, kim Lũng Tây cập Nam Hải tịnh hữu chi 能 言 鳥 即 鸚 鵡 也 今 隴 西 及 南 海 并 有 之. Năng ngôn điểu tức là chim Anh Vũ, nay (2) ở Lũng Tây và Nam Hải đều có.
Trong lời chú của sách Hán Thư còn dẫn sách "Nam châu dị vật chí 南 州 異 物 志" của Vạn Chấn, chẳng những kể rõ các loại chim anh vũ mà còn nói thêm là các nước phía nam đất Giao Châu là xứ sở của loài chim này.
Sách viết rằng :
" Hữu tam chủng, nhất chủng bạch, nhất chủng thanh , nhất chủng ngũ sắc, Giao Châu dĩ nam chi quốc , tận hữu chi , bạch cập ngũ sắc giả kỳ tính vưu tuệ giải, cái vị thử dã...有 三 種 一 種 白, 一 種 青, 一 種 五 色 ,交 州 以 南 諸 國 盡 有 之 白 及 五 色 者 其 性 尤 慧 解 蓋 喟 此 也 Anh Vũ có ba loại, một loại trắng, một loại xanh, một loại ngũ sắc, các nước phía nam đất Giao Châu đều có hết các loại đó. Riêng loại trắng và loại ngũ sắc tính rất thông tuệ, nên mới gọi như vậy.
Giao Châu nguyên khi trước tên là Giao Chỉ, đến năm 203 CN, đời Hán Hiến Đế,Thứ Sử Trương Tân và Thái Thú Sĩ Nhiếp xin cải là Giao Châu.
Anh Vũ là một loài trân cầm của nước Nam Việt thời đó, chẳng những đã đẹp về mầu sắc, dùng để quan thưởng, lại còn thông tuệ biết nói tiếng người, nên được coi là một cống phẩm vừa quý báu vừa lạ kỳ.
Trong văn chương cổ điển của Trung Hoa, người ta gọi chim Anh Vũ là Nam Việt Điểu 南 越 鳥, sở dĩ gọi như vậy vì Nam Việt là nơi sinh sản của loài chim này, và vua Nam Việt đã cống hiến cho vua nhà Hán.
Nhà thơ Trương Hỗ đời Đường, trong bài thơ "Anh Vũ", có câu :
Nước Nam Việt của Triệu Đà, từ khi Đà khôn khéo từ bỏ đế hiệu, không đi xe hoàng ốc, và không cắm cờ tả đạo, nhẫn nhịn xưng thần, tránh được cuộc chiến tranh với nhà Hán để giữ nước Nam Việt, nhưng không tránh khỏi cái tục lệ phải đem lễ vật vào triều cống thiên tử nhà Hán như các chư hầu khác.
Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vào năm 179 trước CN, Triệu Đà đã sai sứ giả sang nạp cống cho Văn Đế nhà Hán là Lưu Hằng : một đôi ngọc bích trắng, 1000 bộ lông chim trả sống, 10 sừng tê, 500 vỏ ốc màu tía, một giỏ cà cuống, 40 đôi chim trả sống, hai đôi chim công.
Đến đời Triệu Minh Vương, cháu nội của Trọng Thủy, theo sách " Hán Thư- Võ Đế Kỷ" của Ban Cố đời Hán, thì năm Nguyên Thú nhị niên, tức năm 121 trước Công Nguyên, vua nước Nam Việt, lúc đó mới lên ngôi được ba năm, vẫn giữ lệ triều cống của cha ông mình, cống cho vua Hán Võ Đế, một loại voi và một loại chim, mà Hán Thư chỉ ghi một cách gọi mộc mạc là "Voi Dễ Bảo, và Chim Biết Nói -Tuần tượng, năng ngôn điểu 馴 象,能 言 鳥", lại không ghi rõ là bao nhiêu con mỗi loại.
Sang đến đời Đông Hán, có Hứa Thận giải thích Anh Vũ là "năng ngôn điểu" và đến đời Đường Thái Tông Lý Thế Dân, viên quan Bí Thư Thiếu Giám là Nhan Sư Cổ được lệnh khảo đính ngũ kinh văn tự, và chú thích sách " Hán Thư " của Ban Cố, giải thích Voi Dễ Bảo (tuần tượng 馴 象) là voi đã được nuôi thuần, và hiểu được ý người. Còn Chim Biết Nói (năng ngôn điểu 能 言 鳥) thì Nhan Sư Cổ viết : "Năng ngôn điểu tức anh vũ dã, kim Lũng Tây cập Nam Hải tịnh hữu chi 能 言 鳥 即 鸚 鵡 也 今 隴 西 及 南 海 并 有 之. Năng ngôn điểu tức là chim Anh Vũ, nay (2) ở Lũng Tây và Nam Hải đều có.
Trong lời chú của sách Hán Thư còn dẫn sách "Nam châu dị vật chí 南 州 異 物 志" của Vạn Chấn, chẳng những kể rõ các loại chim anh vũ mà còn nói thêm là các nước phía nam đất Giao Châu là xứ sở của loài chim này.
Sách viết rằng :
" Hữu tam chủng, nhất chủng bạch, nhất chủng thanh , nhất chủng ngũ sắc, Giao Châu dĩ nam chi quốc , tận hữu chi , bạch cập ngũ sắc giả kỳ tính vưu tuệ giải, cái vị thử dã...有 三 種 一 種 白, 一 種 青, 一 種 五 色 ,交 州 以 南 諸 國 盡 有 之 白 及 五 色 者 其 性 尤 慧 解 蓋 喟 此 也 Anh Vũ có ba loại, một loại trắng, một loại xanh, một loại ngũ sắc, các nước phía nam đất Giao Châu đều có hết các loại đó. Riêng loại trắng và loại ngũ sắc tính rất thông tuệ, nên mới gọi như vậy.
Giao Châu nguyên khi trước tên là Giao Chỉ, đến năm 203 CN, đời Hán Hiến Đế,Thứ Sử Trương Tân và Thái Thú Sĩ Nhiếp xin cải là Giao Châu.
Anh Vũ là một loài trân cầm của nước Nam Việt thời đó, chẳng những đã đẹp về mầu sắc, dùng để quan thưởng, lại còn thông tuệ biết nói tiếng người, nên được coi là một cống phẩm vừa quý báu vừa lạ kỳ.
Trong văn chương cổ điển của Trung Hoa, người ta gọi chim Anh Vũ là Nam Việt Điểu 南 越 鳥, sở dĩ gọi như vậy vì Nam Việt là nơi sinh sản của loài chim này, và vua Nam Việt đã cống hiến cho vua nhà Hán.
Nhà thơ Trương Hỗ đời Đường, trong bài thơ "Anh Vũ", có câu :
Tê tê Nam Việt điểu
棲 棲 南 越 鳥
Sắc lệ tư trầm dâm
色 麗 思 沉 淫
棲 棲 南 越 鳥
Sắc lệ tư trầm dâm
色 麗 思 沉 淫
Đây cũng là bằng chứng hùng hồn
xác nhận nguồn gốc của loài chim anh vũ.
Ngoài cái tên là Nam Việt Điểu, chim Anh Vũ còn được gọi bằng nhiều mỹ từ khác nhau, tùy hoàn cảnh, nghe rất đẹp.
-Các tên gọi khác của Anh Vũ.
Chữ Hán có nhiều từ ngữ để chỉ chim Anh Vũ.
a-Tuyết Y Nữ 雪 衣 女
Theo sách "Minh Hoàng Tạp Lục 明 皇 雜 錄" thì vào năm Thiên Bảo đời Đường, tức khoảng năm 742-746 CN, đất Lĩnh Nam có cống cho vua Đường Minh Hoàng một con chim anh vũ lông trắng. Anh Vũ được nuôi ở trong cung, lâu dần thông hiểu ngôn từ, được Đường Minh Hoàng và Dương Qúy Phi yêu thích thường gọi một cách âu yếm và lãng mạng là Tuyết Y Nữ, cô gái mặc áo tuyết.
Các cung nữ theo đó cũng gọi là Tuyết Y Nương.
b-Lục y sứ giả 綠 衣 使 者.
Theo truyền thuyết, về đời Đường, ở kinh thành Trường An, có nhà phú hào tên là Dương Sùng Nghĩa, bị vợ là Lưu Thị, âm mưu cùng với người hàng xóm là Lý Yểm giết. Huyện quan đến nhà Dương Sùng Nghĩa để tra xét, con chim Anh Vũ nuôi trong nhà họ Dương bỗng nhiên nói là người giết chủ nó là Lý Yễm, nhờ thế mà vụ án được khám phá.
Đường Minh Hoàng liền phong cho chim anh vũ là Lục Y Sứ Gỉa.
c-Lũng khách 隴 客.
Chim Anh Vũ về sau sản sinh nhiều ở Lũng Tây, nên còn được gọi một cách thật văn vẻ là Lũng Khách, người khách đất Lũng Tây, hay Lũng Cầm, Lũng Điểu.
d-Anh Ca 鸚 哥
Vì có thân hình nhỏ bé xinh sắn nên Anh Vũ còn được gọi là Anh Ca.
Ngoài cái tên là Nam Việt Điểu, chim Anh Vũ còn được gọi bằng nhiều mỹ từ khác nhau, tùy hoàn cảnh, nghe rất đẹp.
-Các tên gọi khác của Anh Vũ.
Chữ Hán có nhiều từ ngữ để chỉ chim Anh Vũ.
a-Tuyết Y Nữ 雪 衣 女
Theo sách "Minh Hoàng Tạp Lục 明 皇 雜 錄" thì vào năm Thiên Bảo đời Đường, tức khoảng năm 742-746 CN, đất Lĩnh Nam có cống cho vua Đường Minh Hoàng một con chim anh vũ lông trắng. Anh Vũ được nuôi ở trong cung, lâu dần thông hiểu ngôn từ, được Đường Minh Hoàng và Dương Qúy Phi yêu thích thường gọi một cách âu yếm và lãng mạng là Tuyết Y Nữ, cô gái mặc áo tuyết.
Các cung nữ theo đó cũng gọi là Tuyết Y Nương.
b-Lục y sứ giả 綠 衣 使 者.
Theo truyền thuyết, về đời Đường, ở kinh thành Trường An, có nhà phú hào tên là Dương Sùng Nghĩa, bị vợ là Lưu Thị, âm mưu cùng với người hàng xóm là Lý Yểm giết. Huyện quan đến nhà Dương Sùng Nghĩa để tra xét, con chim Anh Vũ nuôi trong nhà họ Dương bỗng nhiên nói là người giết chủ nó là Lý Yễm, nhờ thế mà vụ án được khám phá.
Đường Minh Hoàng liền phong cho chim anh vũ là Lục Y Sứ Gỉa.
c-Lũng khách 隴 客.
Chim Anh Vũ về sau sản sinh nhiều ở Lũng Tây, nên còn được gọi một cách thật văn vẻ là Lũng Khách, người khách đất Lũng Tây, hay Lũng Cầm, Lũng Điểu.
d-Anh Ca 鸚 哥
Vì có thân hình nhỏ bé xinh sắn nên Anh Vũ còn được gọi là Anh Ca.
3-Cá Anh Vũ gốc ở
đâu?
"Cá Anh Vũ", là
thứ cá rất ngon ở miền Bạch Hạc, Bắc Kỳ (poisson mandarin). Chẳng những thế
cá Anh Vũ còn được coi là một thổ sản của Việt Nam.
Sách "Đại Nam Nhất Thông Chí 大 南 一 統 志", một cuốn địa dư của Quốc Sử Qúan triều Nguyễn, ở mục thổ sản tỉnh Sơn Tây cũng xác nhận rằng :
Cá Anh Vũ (Anh Vũ ngư) có tên nữa là Gia ngư 嘉 魚, sản ở ngã ba sông Bạch Hạc, hàng năm cứ đến mùa rét mới có, vị rất ngon và ôn bổ, từ sông Bạch Hạc trở xuống thì không có.
Một người bạn cũng nhắc cho tôi biết rằng, trong cuốn "Thương Nhớ Mười Hai", nhà văn Vũ Bằng viết về những nỗi thương nhớ người vợ chiếu chăn bị để lại ngoài Bắc khi ông di cư vào Nam. Ông kể lại là cứ vào tháng hai, người vợ chiếu chăn này lại làm món chả cá cho ông ăn, mà phải là loại cá Anh vũ vào tháng hai ở Việt Trì, thì mới béo. Cũng theo tác giả, cá Anh Vũ ngoài món chả ra, còn có thể nấu cháo ám, và làm gỏi cũng tuyệt trần (Việt Trì ngày xưa thuộc tổng Nghĩa An, huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây).
Riêng người viết, khi lớn lên, gặp cảnh đất nước loạn ly, có nhiều chỗ chưa tùng đặt chân đến, nhà lại bần hàn, nhiều thứ chưa được nếm thử, nên không được biết thứ cá ở sông Bạch Hạc này hình thể, mầu sắc như thế nào, và vì sao cá lại lấy tên chim Anh Vũ mà gọi ? Và tại sao loại cá thổ sản này của Việt Nam, lại không có những tên gọi nôm na thông thường như hàng chục tên gọi các thứ cá khác như : Cá mè, cá rô, cá chép, cá trê, cá riếc, cá chuối, cá bông lau, cá cháy, cá lòng tong, cá bống v.v.
Hoặc giả, loại cá này cũng từng có một tên gọi nôm na trước khi mang tên Anh Vũ, nhưng nhờ có đặc trưng nào đó, hiếm quý như Anh Vũ, mà thành tên chăng ?
Trong văn chương cổ điển Trung Hoa, người ta cũng từng thấy những địa danh, tên động vật, tên phẩm vật khác có danh xưng là Anh Vũ. Nào là "Anh Vũ châu 鸚 鵡 洲 Bãi Anh Vũ", "Anh Vũ loa 鸚 鵡 騾 Ốc Anh Vũ", "Anh Vũ bôi鸚 鵡 盃 Chén Anh Vũ" v.v ...
-Ốc Anh Vũ, tức Anh Vũ loa 鸚 鵡 螺
Là một loại động vật nhuyễn thể sống ở biển,sinh sản ở nam Thái Bình Dương, vỏ có hình xoáy trôn ốc, có thể dùng để chế tạo thành chén uống rượu, hay những sản phẩm trang sức.
-Chén Anh Vũ, tức Anh Vũ bôi 鸚 鵡 盃.
Chén uống rượu được chế tạo bằng vỏ ốc anh vũ.Nhà thơ Lạc Tân Vương đời Đường, trong bài "Đãng tử tòng quân phú" từng có câu thơ nhắc đến loại chén này :
Sách "Đại Nam Nhất Thông Chí 大 南 一 統 志", một cuốn địa dư của Quốc Sử Qúan triều Nguyễn, ở mục thổ sản tỉnh Sơn Tây cũng xác nhận rằng :
Cá Anh Vũ (Anh Vũ ngư) có tên nữa là Gia ngư 嘉 魚, sản ở ngã ba sông Bạch Hạc, hàng năm cứ đến mùa rét mới có, vị rất ngon và ôn bổ, từ sông Bạch Hạc trở xuống thì không có.
Một người bạn cũng nhắc cho tôi biết rằng, trong cuốn "Thương Nhớ Mười Hai", nhà văn Vũ Bằng viết về những nỗi thương nhớ người vợ chiếu chăn bị để lại ngoài Bắc khi ông di cư vào Nam. Ông kể lại là cứ vào tháng hai, người vợ chiếu chăn này lại làm món chả cá cho ông ăn, mà phải là loại cá Anh vũ vào tháng hai ở Việt Trì, thì mới béo. Cũng theo tác giả, cá Anh Vũ ngoài món chả ra, còn có thể nấu cháo ám, và làm gỏi cũng tuyệt trần (Việt Trì ngày xưa thuộc tổng Nghĩa An, huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây).
Riêng người viết, khi lớn lên, gặp cảnh đất nước loạn ly, có nhiều chỗ chưa tùng đặt chân đến, nhà lại bần hàn, nhiều thứ chưa được nếm thử, nên không được biết thứ cá ở sông Bạch Hạc này hình thể, mầu sắc như thế nào, và vì sao cá lại lấy tên chim Anh Vũ mà gọi ? Và tại sao loại cá thổ sản này của Việt Nam, lại không có những tên gọi nôm na thông thường như hàng chục tên gọi các thứ cá khác như : Cá mè, cá rô, cá chép, cá trê, cá riếc, cá chuối, cá bông lau, cá cháy, cá lòng tong, cá bống v.v.
Hoặc giả, loại cá này cũng từng có một tên gọi nôm na trước khi mang tên Anh Vũ, nhưng nhờ có đặc trưng nào đó, hiếm quý như Anh Vũ, mà thành tên chăng ?
Trong văn chương cổ điển Trung Hoa, người ta cũng từng thấy những địa danh, tên động vật, tên phẩm vật khác có danh xưng là Anh Vũ. Nào là "Anh Vũ châu 鸚 鵡 洲 Bãi Anh Vũ", "Anh Vũ loa 鸚 鵡 騾 Ốc Anh Vũ", "Anh Vũ bôi鸚 鵡 盃 Chén Anh Vũ" v.v ...
-Ốc Anh Vũ, tức Anh Vũ loa 鸚 鵡 螺
Là một loại động vật nhuyễn thể sống ở biển,sinh sản ở nam Thái Bình Dương, vỏ có hình xoáy trôn ốc, có thể dùng để chế tạo thành chén uống rượu, hay những sản phẩm trang sức.
-Chén Anh Vũ, tức Anh Vũ bôi 鸚 鵡 盃.
Chén uống rượu được chế tạo bằng vỏ ốc anh vũ.Nhà thơ Lạc Tân Vương đời Đường, trong bài "Đãng tử tòng quân phú" từng có câu thơ nhắc đến loại chén này :
Phượng
hoàng lâu thượng bãi xuy tiêu
鳳 凰 樓 上 罷 吹 簫
Anh vũ bôi trung hưu khuyến tửu
鸚 鵡 盃 中 休 勸 酒
鳳 凰 樓 上 罷 吹 簫
Anh vũ bôi trung hưu khuyến tửu
鸚 鵡 盃 中 休 勸 酒
-Mầu
anh vũ, tức anh vũ lục鸚 鵡 綠
Ta thường gọi là mầu xanh lông vẹt.
-Bãi Anh Vũ,tức Anh Vũ châu 鸚 鵡 州.
Cá Anh Vũ, cũng như ốc Anh Vũ, chén Anh Vũ, bãi Anh Vũ thực ra chỉ là những danh xưng vay mượn đặc trưng hay sự tích nào đó của Anh Vũ mà thành tên gọi thôi, hoàn toàn không thuộc loại vũ trùng được.
Tuy thế, trong những từ điển lớn của Trung Quốc, như Từ Nguyên, Từ Hải người viết đã không tìm được cụm từ "Anh Vũ ngư 鸚 鵡 魚" mà chỉ thấy giải thích cụm từ "Gia Ngư 嘉 魚". Đó là một thứ cá đẹp và ngon, sinh sống ở Bính Huyệt, người đất Thục gọi là Chuyết Ngư 拙 魚, cá này từ những khe đá theo dòng suối mà ra ngoài, con lớn to chừng năm sáu xích.
Ngoài ra, trong cuốn Pháp Hán Đại Từ Điển, xuất bản năm 2003, có ghi một loại cá, tiếng Pháp gọi là poisson perroquet và được dịch ra Hán ngữ là Anh chuỷ ngư 鸚 嘴 魚.
Ta thường gọi là mầu xanh lông vẹt.
-Bãi Anh Vũ,tức Anh Vũ châu 鸚 鵡 州.
Cá Anh Vũ, cũng như ốc Anh Vũ, chén Anh Vũ, bãi Anh Vũ thực ra chỉ là những danh xưng vay mượn đặc trưng hay sự tích nào đó của Anh Vũ mà thành tên gọi thôi, hoàn toàn không thuộc loại vũ trùng được.
Tuy thế, trong những từ điển lớn của Trung Quốc, như Từ Nguyên, Từ Hải người viết đã không tìm được cụm từ "Anh Vũ ngư 鸚 鵡 魚" mà chỉ thấy giải thích cụm từ "Gia Ngư 嘉 魚". Đó là một thứ cá đẹp và ngon, sinh sống ở Bính Huyệt, người đất Thục gọi là Chuyết Ngư 拙 魚, cá này từ những khe đá theo dòng suối mà ra ngoài, con lớn to chừng năm sáu xích.
Ngoài ra, trong cuốn Pháp Hán Đại Từ Điển, xuất bản năm 2003, có ghi một loại cá, tiếng Pháp gọi là poisson perroquet và được dịch ra Hán ngữ là Anh chuỷ ngư 鸚 嘴 魚.
4- Anh Vũ châu và xử
sĩ Nễ Hành.
Nhắc đến bãi "Anh Vũ
", người yêu thơ Đường tất phải liên tưởng đến bài thơ trứ danh
"Hoàng Hạc Lâu 黃 鶴 樓" của Thôi Hiệu, trong đó có hai câu :
Tình
xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
晴 川 歷 歷 漢 陽 樹
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
芳 草 萋 萋 鸚 鵡 州
晴 川 歷 歷 漢 陽 樹
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
芳 草 萋 萋 鸚 鵡 州
Được
nhà thơ Tả Đà dịch :
Hán
Dương sông tạnh cây bầy
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Bãi châu này từng là một thắng cảnh thời Tam Quốc, là nơi tụ hội uống rượu ngâm thơ của lớp người đạt quan hiển quý, tao nhân mặc khách, thời bấy giờ. Châu nằm trong sông Trường Giang, huyện Hán Dương tỉnh Hồ Bắc, nhờ bài "Anh Vũ phú 鸚 鵡 賦", một bài phú văn chương trác tuyệt mà thành tên.
Nhưng nói đến bài phú "Anh Vũ ", cũng không thể không nhắc đến tác giả của nó là danh sĩ Nễ Hành 祢 衡.
Nễ Hành là người cuối thời Đông Hán, tự là Chính Bình, người quận Bình Nguyên, Bàn huyện (nay thuộc phía đông huyện Ninh Tân, tỉnh Sơn Đông), là một nhà từ phú có tài, nổi tiếng là giỏi biện luận, nhưng tính tình phóng túng ngạo mạn, lại thích dùng lời văn khinh bạc để hối nhục bọn quyền quý, nên mua hoạ vào người. Nễ Hành chỉ chơi thân với hai người là Khổng Dung và Dương Tu.
Theo sách "Hậu Hán Thư" của Phạm Diệp thì:
Vào năm đầu Kiến An đời Hán Hiến Đế (từ năm 196 đến 220), Nễ Hành đến chơi Hứa Xương, bấy giờ là kinh đô nhà Đông Hán, nơi tập trung của nhiều bậc danh sĩ đại phu bốn phương, phần lớn là những người thân của phe của Tào Tháo. Như Tư Không Duyện Trần Quần, Tư Mã Lương, Thượng Thư Lệnh Tuân Úc, Đãng Khấu Tướng Quân Triệu Trĩ Trường.
Có người giới thiệu Nễ Hành nên tiếp xúc, giao thiệp với Trần Quần, Tư Mã Lương, thì Nễ Hành ngạo mạn trả lời :
-Tớ làm sao có thể giao du với bọn mổ lợn, bán rượu ấy được !
Còn khuyên Hành vào bái kiến Tuân Úc, và Triệu Trĩ Trường, thì Hành đáp:
-Úc trông tướng mạo béo trắng, có thể sai đi điếu tang thì được, còn Triệu Trĩ Trường bụng phệ là đồ giá áo túi cơm, chỉ đáng coi nhà bếp và tiếp khách thôi.
Còn khi đề cập đến hai người tài tử danh sĩ khác là Thiếu Phủ Khổng Dung và Chủ Bạ Dương Tu, là những người được Hành quý trọng, coi là bạn, thì Hành cũng chỉ gọi sách mé thằng "Cu lớn",và thằng "Cu nhỏ" :
-Thằng cu lớn Khổng Văn Cử là bạn tớ, thằng cu nhỏ Dương Đức Tổ cũng là bạn tớ. Ngoài ra, toàn bọn xoàng xĩnh cả, chẳng đáng nói đến làm gì.
Văn Cử là tên chữ của Khổng Dung, còn Đức Tổ là tên chữ của Dương Tu.
Đại khái, Hành có những ngôn từ xấc xược như thế.
(Thằng "Cu lớn " tức đại nhi 大 兒 và thằng "Cu nhỏ" tức tiểu nhi 小 兒 . Chữ dịch của Tử Vi Lang.
Nguyên văn chữ Hán,trong Hậu Hán Thư 後 漢 書 của Phạm Diệp như sau :"大 兒 孔 文 舉,小 兒 揚 德 祖 .余 子 碌 碌 莫 足 數 也 - Đại nhi Khổng Văn Cử, Tiểu nhi Dương Đức Tổ, dư tử lục lục mạc túc sổ dã ).
Trước đó, khoảng niên hiệu Sơ Bình đời Hán Hiến Đế (190 CN-193 CN), Hành được Khổng Dung tiến cử lên nhà vua và xưng tụng Hành với nhiều ngôn từ đẹp đẽ. Rồi lại nhiều lần đề cử tài năng của Hành với Tào Tháo. Tháo tỏ ý muốn gặp. Nhưng Hành trong bụng vốn khinh ghét Tháo, thác bệnh, không chịu đến, còn buông lời càn bậy.
Tháo trong lòng căm giận, nhưng vì Hành có tiếng là bậc tài danh, nên không muốn giết. Tháo nghe tiếng Hành giỏi đánh trống rất hay. Tháo muốn làm nhục Hành, bèn sai làm chức "cổ lại 鼓 吏", một chức quan nhỏ coi việc đánh trống, rồi mở đại tiệc mời tân khách để thử tài trống của Hành và để mua vui.
Theo lệ, người đánh trống đều phải thay áo cũ, mặc áo mới. Đến lượt Hành, Hành đánh xong khúc Ngư Dương, từ tốn khoan thai đi tới. Dung mạo thái độ không thay đổi. Tiếng trống đánh nghe rất bi ai thống thiết. Người ngồi nghe, chẳng ai là không bồi hồi cảm động. Khi Hành đến gần trước mặt Tháo thì dừng lại.
Bọn quân hầu của Tháo mắng :
-Cổ lại ! Sao chưa chịu thay áo mới mà dám cả gan đi tới vậy !
Hành đáp :
-Thay ngay đây.
Bèn tụt ngay cái quần trước hết. Sau đến các y phục khác, đứng tồng ngồng một cục. Rồi mới từ từ đội mũ sầm mưu, mặc áo đơn giảo vào người, cầm dùi lên đánh trống tiếp, xong đi ra. Sắc mặt không có gì xấu hổ, ngượng ngập.
Tháo chỉ cười, nói :
-Mình tính làm nhục hắn, nào ngờ lại bị hắn làm nhục.
Tuy thế, Tháo vẫn khư khư giữ ý muốn gặp Hành. Hành hứa sẽ đến. Nhân thế, Khổng Dung mới bảo với Tháo là Hành có cuồng tật, nay đến xin gặp để tạ lỗi. Tháo mừng lắm, dặn người giữ cửa hễ có khách thì thông báo ngay, rồi bầy đại yến chờ Hành.
Hành mặc một chiếc áo đơn, đầu quấn sơ sài một cái khăn, tay cầm một cây dùi dài ba xích, đến ngồi trước cửa đại doanh của Tháo, đập dùi xuống đất mà chửi om lên.
Người giữ cửa vào bẩm với Tháo :
-Bẩm có một tên cuồng sĩ, ngồi ngoài doanh môn, chửi bới hỗn hào, xin cho bắt để trị tội.
Tháo lấy làm tức giận, bảo với Khổng Dung :
-Nễ Hành chỉ là một thằng nhãi ranh, ta giết dễ như giết chuột. Nhưng hắn vốn có chút hư danh, giết hắn, e xa gần cho ta là không có bụng dung nạp hắn. Nay ta tống hắn cho Lưu Biểu, xem hắn ra sao ?
Rồi sai người cưỡi ngựa, ép Hành phải đi.
Lúc Hành sắp lên đường, những thuộc hạ của Tháo mở tiệc tiễn đưa ở ngoài tổ đạo, bầy biện sẵn ở ngoài cửa phía nam để chờ, và dặn bảo nhau :
-Hành thường ăn nói hỗn xược vô lễ, nay nhân lúc hắn đến, ta nên "ghè" cho hắn một trận !
Khi Hành đến, tất cả đều lặng thinh, chẳng ai muốn nói chuyện với Hành. Hành ngồi xuống, khóc rống lên. Mọi người mới hỏi nguyên do tại sao lại khóc, thì Hành đáp :
-Thằng ngồi thì như cái mả. Thằng nằm thì như thây ma. Đứng giữa đám mồ mả và thây ma thế này, hỏi không khóc sao được ?
Sau này, sự tích Nễ Hành cởi truồng chửi Tào Tháo, được La Quán Trung, người đời Nguyên tiểu thuyết hoá, mô tả trong "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa" với những lời đối đáp rất linh hoạt, hấp dẫn người đọc hơn trong Hậu Hán Thư của Phạm Việp viết bằng lối văn chép sử.
Người viết cũng xin được tóm lược ra đây một giai thoại khá lý thú trong những giai thoại thời Tam Quốc là "Loã Y Mạ Tào 裸 衣 罵 曹" .
"Nễ Hành vì cự tuyệt Tào Tháo chiêu thỉnh, chê văn võ thủ hạ của Tháo là loại bình dong vô năng, khiến cho Tào Tháo tức giận, phạt bắt phải đánh trống trước yến tiệc để làm nhục.
Bọn quân hầu của Tháo bảo Hành :
-Đánh trống thì phải mặc áo mới!
Nhưng Hành lại cố ý mặc áo rách cũ. Bọn thủ hạ của Tháo lại hỏi :
-Sao không thay áo mới ?
Hành lập tức trước bàn tiệc, tụt bỏ hết quần áo ra, đứng lõa thể tồng ngồng.
Tháo mắng là vô lễ.
Hành phản đối, nói :
-Lừa vua dối chúa mới là vô lễ. Còn ta để lộ cái hình hài của cha mẹ là để cho thấy sự trong sạch của thân thể !
Tháo cảm thấy lời lẽ của Hành có vẻ gai ngạnh châm chích, bèn hỏi :
-Vậy ngươi nói ai là kẻ ô trọc, dơ bẩn !
Hành trào lộng, chửi Tháo :
-Mày không biết kẻ tài người ngu, thế là mắt mầy bẩn. Không đọc Thi, Thư, thế là miệng mày bẩn. Không nghe lời trung, thế là tai bẩn. Không hiểu cổ kim, thế là thân bẩn. Không dung nạp chư hầu thế là bụng bẩn. Lòng thường mang chí soán đoạt, thế là tâm bẩn.
Tháo cay lắm, nhưng lại sợ mang tiếng ác là hại người hiền, bèn đầy Hành đến Kinh Châu để nhờ tay người khác giết.
Bấy giờ Châu Mục Kinh Châu là Lưu Biểu, không muốn dùng Hành, bèn đem Hành tặng cho Thái Thú Giang Hạ là Hoàng Tổ. Nhưng Tổ là người bình dong vô năng, từng bị Tôn Kiên, Tôn Quyền đánh bại nhiều trận thất điên bát đảo, trong bụng thường không có ý dung nạp Nễ Hành, và thường tìm cách tống khứ Hành đi nơi khác. Nhưng vì Hành là bạn thân của con Tổ là Hoàng Xạ.
Một hôm, Tổ mở yến tiệc đãi tân khách. Khách tất cả đều là lớp người quan chức hiển quý, Tổ cố ý xếp cho Hành ngồi vào một xó tối, mỗi lần đem rượu mời khách, Tổ đều đi vòng qua chỗ ngồi của Hành, để cho Hành bị mất mặt, nhưng Hành vẫn thản nhiên tự như ngồi yên.
Bấy giờ có một vị tân khách, đem tặng cho Tổ một con chim Anh Vũ, và nói :
-Gía như trong tiệc này, ai có thể làm bài phú về con chim này để trợ hứng rượu cho mọi người nhỉ !
Khách tuy là những kẻ hiển quý, nhưng tài nghệ văn chương đều xoàng, nên chẳng ai dám lên tiếngtrả lời. Hoàng Tổ bèn nhân cơ hội nói kháy Nễ Hành :
-Ở đây có bậc cao tài, há không thể làm được bài phú ngay tại bàn tiệc hay sao !
Hành nghe Tổ nói thế một phần trong bụng có vẻ không bằng lòng, một phần muốn nhân cơ hội hạ Hoàng Tổ, bèn lên tiếng:
-Việc này có gì khó đâu ?
Rồi đứng dậy trải giấy, cầm bút, viết một hơi thành bài "Anh Vũ phú", mọi người xúm lại đọc, thấy quả nhiên là một áng văn chương trác tuyệt, chữ chữ là những hàng châu ngọc long lanh. Nhưng nếu đọc đi đọc lại sẽ nhận ra chỗ ngang ngang, bất thường, bài phú hàm chứa đựng những ý châm chọc khoét tội Hoàng Tổ.
Hoàng Tổ chưa từng bị người nào dám hối nhục mình trước mặt đông đảo mọi người như thế, nhất thời không giữ nổi bình tĩnh, cơn giận bộc phát, bèn hạ lệnh đem Hành ra chém ở bãi đất bồi, huyện Hán Dương.
Hành chết, năm đó mới có hai mươi sáu tuổi. Tác phẩm đại biểu của Nễ Hành ngoài bài "Anh Vũ phú", là một bài phú ưu tú thời Hán mạt, được người đời ngâm vịnh lưu truyền, Nễ Hành còn có hai tập là "Tùy Thư Kinh Tịch Chí" và "Nễ Hành tập", nhưng nay đều thất truyền cả.
Hậu thế thương tiếc Nễ Hành là người tài hoa, nhân vì làm bài "Anh Vũ phú" mà bị chết, mới đặt tên bãi đất bồi đó là "Anh Vũ châu". Và danh xưng của bãi đất bồi này cũng nhờ đó được lưu truyền thiên cổ.
Riêng Hoàng Tổ giết xong Nễ Hành, có ý hối hận, dùng hậu lễ chôn cất Nễ Hành, trên bãi Anh Vũ châu đó. Sau bãi châu này bị nước vùi mất vào cuối thời Minh mạt, ngôi mộ thật của Nễ Hành cũng bị mất theo. Đến năm Quang Tự nhị thập lục niên,tức năm 1900, người ta cho lập lại mộ của Nễ Hành, làm bằng đá và có hình vuông. Trước mộ có tấm bia khắc mấy chữ:
"Hán xử sĩ Nễ Hành mộ 漢 處 士 祢 衡 墓"
Bài viết này không có tính cách
của một bài nghiên cứu, chỉ là truyện cà kê dê ngỗng, viết để mua
vui bạn bè và tự mua vui cho mình, trong cảnh chiều tà bóng lẻ, bằng hữu một
thời từng ước mơ được làm người "học sinh là người tổ quốc mong
cho mai sau", nay đã trở thành những "ông bình vôi" sần sùi,
và đang thưa thớt dần, còn lại mình ai cô đơn trên đất khách bên ngọn đèn
lạnh lẽo, khác nào như hai câu thơ cổ cuả nhà thơ Mã Đái đời Đường :
Lạc
diệp tha hương thụ
落 葉 他 鄉 樹
Hàn đăng độc dạ nhân
寒 燈 獨 夜 人
落 葉 他 鄉 樹
Hàn đăng độc dạ nhân
寒 燈 獨 夜 人
Do
đó, không thể tránh khỏi những điều bất cập và thiếu sót.
Cũng xin được dãi bầy phân tỏ và mong các bậc cao minh rộng tình lượng thứ.
Cũng xin được dãi bầy phân tỏ và mong các bậc cao minh rộng tình lượng thứ.
Phần chú thích riêng của Phạm xuân Hy.
Hứa Thận 許 慎 :
Hứa Thận là văn học gia, kinh học gia đời Đông Hán, người Nhữ Nam Chiêu Lăng, tự là Thúc Trọng, học trò Gỉả Qùy, từng nhậm Thái Úy Nam Các Tế Tửu. Hứa Thận là người bác học, thông kinh sử, được vinh dự mệnh danh là "Ngũ Kinh Vô Song Hứa Thúc Trọng", tác phẩm có "Thuyết Văn Giải Tự "gồm mười bốn quyển, là mộ tác phẩm trọng yếu mà người đời sau dùng làm căn bản để nghiên cứu và viết về những vấn đề liên quan đến văn tự.
Hoàng Hạc Lâu 黃 鶴 樓
Lầu Hoàng Hạc được dựng trên một chỏm núi có tên là Hoàng Hạc Ki, thuộc dẫy núi Đà Sơn, cổ xưa nơi đây là một chỗ quân sự trọng yếu thuộc Vũ Xương, thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc. Cùng với Nhạc Dương Lâu ở tỉnh Hồ Nam,và Đằng Vương Các ở tỉnh Giang Tây, Hoàng Hạc Lâu được xưng tụng là Giang Nam Tam Đại Danh Lâu. Hoàng Hạc Lâu có một lịch sử lâu đời. Theo truyền thuyết thì vào thời kỳ Tam Quốc, năm Hoàng Võ nhị niên của nước Ngô, tức năm 223 CN, cách nay cũng hơn một ngàn bẩy trăm năm, Tôn Quyền cho dựng Hạ Khẩu Thành ở Đà Sơn, thành có chu vi hơn một cây số. Đồng thời, trên chỏm núi cao ở mé tây nam của Đà Sơn, nhìn xuống sông, cho cất một cái lầu, để đứng trên đó nhìn ra xa, quan sát canh phòng. Lầu này chính là tiền thân của Hoàng Hạc Lâu. Trải qua nhiều biến đổi thăng trầm của thời thế, Hoàng Hạc Lâu nhiều lần bị phá hủy, rồi trùng tu lại. Riêng chỉ nhà Thanh thôi, cũng đã có bốn lần trùng tu.Và lần bị đốt phá cuối cùng là vào năm Quang Tự thập niên, tức năm 1884. Căn cứ vào những văn thơ ở các thời Lục Triều, Đường triều, các họa phẩm của các triều Tống, Nguyên, Minh, Thanh, các bức hình chụp vào cuối đời Thanh Mạt, người ta thấy rằng Hoàng Hạc Lâu ngày xưa là một ngôi lầu hiên ngang hùng vĩ, huy hoàng tráng lệ, chênh vênh chót vót, giữa mây và nước, trông thấp thoáng mờ mịt, cơ hồ như "tiên cung". Vì thế, Hoàng Hạc Lâu đựơc phụ hội thêm những giai thoại thần tiên. Như tiên nhân Vương Tử An cưỡi hạc đi qua chỗ này. Rồi Phí Văn Vĩ cũng từ lầu này cưỡi hạc về trời. Lại truyện họ Tân mở quán bán rượu có đạo sĩ vẽ lên tường một con hạc, khi vỗ tay, thì hạc từ trên tường nhẩy xuống múa, nhờ thế quán đông khách, họ Tân trở nên giầu có. Ngoài ra, Hoàng Hạc Hạc Lâu còn là chỗ của các tao nhân mặc khách các đời, đến chiêm ngưỡng phong cảnh, và đề thơ ngâm vịnh rất nhiều. Đặc biệt là bài "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu đời Đường được lưu truyền thiên cổ.Việt Nam có nhiều bản dịch bài thơ này. Năm 1981, Hoàng Hạc Lâu được chính quyền tỉnh Vũ Hán quyết định cho trùng tu lại, sau bốn năm thì hoàn thành. Hiện nay, Hoàng Hạc Lâu là một ngôi lầu năm tầng cao, tầng nào cũng có mái cong, trong ngoài đều có tranh vẽ , tô điểm trang nhã phú lệ, được coi là là nơi khách du lịch thế giới đến thăm nhiều.
Triệu Minh
Vương 趙 明 王
Tên húy là Anh Tề, con của Văn Vương Triệu Hồ, và là cháu nội của Trọng Thủy, từng bị đưa sang làm con tin nhà Hán, rồi lấy vợ người Hán là Cù Thị. Năm 125 trước Công Nguyên, Triệu Hồ mất, Anh Tề từ Hán về lên nối ngôi, tức Triệu Minh Vương. Nhà Hán thường sai sứ sang khuyên Minh Vương vào chầu, nhưng Minh Vương cáo bệnh, không đi, chỉ sai con là Thứ Công vào làm con tin, vì sợ vào yết kiến phải theo pháp độ của Hán ngang với các chư hầu ở trong. (Vả, Triệu Đà cũng đã từng dặn con cháu rằng: "Đối với nhà Hán cốt đừng thất lễ, nhưng rốt lại, chớ có nghe lời ngon ngọt mà vào yết kiến, vì hễ đã vào thì không về được đâu. Âý là lâm vào cái thế mất nước. Trích từ "Sử Ký-Nam Việt liệt truyện " của Tư Mã Thiên. Nguyên câu văn chữ Hán "且 先 王 昔 言, 事 天 子 期 無 失 禮 ,要 之, 不 可 以 說 好 言 入 見. 入 見 則 不 得 歸 , 亡 國 之 勢 也 Thả tiên vương tích ngôn , sự thiên tử kỳ vô thất lễ, yếu chi bất khả dĩ thuyết hảo ngôn nhập kiến, nhập kiến tắc bất đắc qui vong quốc chi thế dã) Năm 113 trước Công Nguyên, Triệu Minh Vương mất. Ở ngôi mười hai năm.
Hán Thư 漢 書
Hán Thư tên gọi của một cuốn chính sử của Trung Quốc viết theo lối kỷ truyện thể, còn có tên là "Tiền Hán Thư", gồm 120 quyển, khởi đầu từ Hán Cao Tổ Nguyên Niên tức năm 206 trước Công Nguyên, chấm dứt vào năm Địa Hoàng tứ niên đời Vương Mãng, tức năm 23 Công Nguyên, ký thuật 230 năm lịch sử của nhà Tây Hán. Tác giả của Hán Thư là Ban Cố, sinh năm 32 CN và mất năm 92 CN. Ban Cố tự là Mạnh Kiên, người An Lăng Phù Phong (nay thuộc đông bắc thành phố Hàm Dương tỉnh Thiểm Tây).Vào lúc đó, sách Sử Ký của Tư Mã Thiên chỉ viết đến năm Thái Sơ đời Hán Võ Đế, nhân thế, cũng có một số người như Lưu Hướng, Lưu Hâm, Phùng Thương, Dương Hùng, viết Sử Ký tục biên.Những tác phẩm tục biên này đều không được Ban Bưu, cha Ban Cố, đồng tình, Ban Bưu bèn tự mình viết hơn mấy chục biên truyện nối theo Sử Ký. Khi Ban Bưu mất, Ban Cố mới có hai mươi ba tuổi, bèn quyết tâm nối chí cha,chỉnh lý di cảo của Ban Bưu, để hoàn thành những gì Ban Bưu đã trứ tác. Nhưng không ngờ, bị người tố giác là "Tư cải Quốc Sử", vì thế Ban Cố bị bắt bỏ ngục. Nhờ có người em là Ban Siêu, hết lời minh oan, Ban Cố được phóng thich. Khi Hán Minh Đế xem đến thư cảo của Ban Cố, biết Ban Cố là người có tài, liền mời Ban Cố đến Lạc Dương ,bổ nhậm làm Lan Đài Lệnh Sử, sau thăng đến Điển Hiệu Bí Thư, để cho Ban Cố viết Hán Thư, hoàn thành nhiệm vụ tu sử của cha mình. Ban Cố đã để hết tinh thần, trí lực, chữa đi sửa lại, trong vòng hai mươi năm, viết gần hết những bộ phận lớn của Hán Thư thì qua đời. Phần định cảo còn lại là do em gái Ban Cố, là Ban Chiêu viết tiếp. Hán Thư là bộ sử vĩ đại, gồm một trăm biên, đứng về mặt thể tài, thì so với Sử Ký đều cùng là loại sử viết theo kỷ truyện thể. Nhưng Sử Ký thì ghi khởi đầu từ truyền thuyết Hoàng Đế, và chấm dứt ở Hán Võ Đế còn Hán Thư ký thuật những việc lịch sử từng đời vương triều của nhà Tây Hán. Từ đó, chính sử của các đời sau của Trung Hoa, đều chọn thể tài nầy để viết, đó cũng là sự công hiến lớn lao của Ban Cố vậy.
Hán Võ Đế Lưu
Triệt 漢 武 帝 劉 徹
Là con thứ chín của Hán Cảnh Đế, mẹ là Vương Thị, sinh năm 156 t CN. Khi Hán Cảnh Đế mất năm 141 trứơc CN, Lưu Triệt lên nối ngôi, sang năm sau định niên hiệu là Kiến Nguyên, các đời vua có niên hiệu từ đó. Năm Thái Sơ Nguyên niên (tức 104 t CN),Hán Võ Đế cải đổi lịch nhà Tần,lấy tháng giêng ( chính nguyệt) là tháng đầu của một năm.Trong thời gian trị vì Hán Võ Đế nghe lời kiến nghị của Đổng Trọng Thư " bãi chuyết bách gia, độc tôn nho thuật", đề cao nho gia,cấm chỉ học thuyết của các nhà khác,lấy nho học làm cơ sở thống nhất tư tửơng để củng cố chính quyền. Đồng thời, ban bố "Thôi Ân lịnh", lệnh cho các chư hầu vương chia đất cho con em thành nhiều hầu quốc nhỏ, nhằm mục đích làm suy yếu thế lực của họ.Ở địa phương, Hán Võ Đế thiết lập thêm mười ba bộ Thứ Sử để dễ bề khống chế. Ở mặt bắc, năm138 trước CN, Hán Võ Đế phái Trương Khiên sang Tây Vực liên lạc với Đại Nguyệt Thị để đánh Hung Nô. Năm 119 sau khi thắng Hung Nô, Hán Võ Đế lại phái Trương Khiên sang Tây Vực, mang theo nhiều phẩm vật để thăm các chính quyền Tây Vực, và đem về Trung Quốc tơ lụa, đồ sắt, và các hạt cây bồ đào, mục túc, hạch đào. Năm 111 trước Công Nguyên, nhân nước Nam Việt nội loạn vì không chịu phụ thuộc, và vua còn nhỏ, Võ Đế sai Phục Ba Tướng Quân Lộ Bác Đức, và Lâu Thuyền Tướng Quân Dương Bộc đem binh sang đánh Nam Việt, đốt kinh đô Phiên Ngung thành, bắt Nam Việt Vương Kiến Đức, và Tể Tướng Lữ Gia, nước Nam Việt bị mất. Hán chiếm Nam Việt và chia đất này ra làm chín quận là : 1-Nam Hải (nayQuảng Châu,tỉnh Quảng Đông). 2-Thương Ngô (nay Ngô Châu tỉnh Quảng Tây). 3-Giao Chỉ (nay là Hà Nội Việt Nam).4-Hợp Phố ( nay là Hợp Phố tỉnh Quảng Đông).5-Uất Lâm (nay là Quế Bình tỉnh Quảng Tây.6-Cửu Chân (nay là Thanh Hóa Việt Nam).7-Nhật Nam (nay là Quảng Trị Việt Nam ).8-Châu Nhai (nay là Quỳnh Sơn,tỉnh Nam Hải).9-Đam Nhĩ (nay là Đam Châu tỉnh Hải Nam).Nhưng theo sử gia Bá Dương thì là 10 quận, tức có thêm Tượng Quận. Tuy võ nghiệp hiển hách, nhưng gần cuối đời, Hán Võ Đế mê muội bọn Vu thuật bùa chú, dẫn đến sự kiện ‘’Vu Cổ’’, khiến con là thái tử Lệ và Vệ Hoàng Hậu chết oan uổng. Năm 87 t CN,Hán Võ Đế mất, chung niên 70 tuổi miếu hiệu là Thế Tôn, thụy hiệu là Hiếu Võ Hoàng Đế, táng ở Mậu Lăng ( nay ở phiá bắc huyện Hưng Bình tỉnh Thiểm Tây)
Châu Mục 州 牧
Tên một chức quan.Đời Hán Thành Đế đổi Thứ Sử ra Châu Mục, sau có khi dùng có khi bỏ. Đến đời Hán Linh Đế, để trấn áp các cuộc nổi dậy của quần chúng mới đặt lại chức Châu Mục, và nâng cao địa vị của Châu Mục, trên hàng Quận Thú, nắm giữ cả quyền quân sự lẫn hành chánh. Như Lưu Biểu thời Hán Mạt là từng là Châu Mục Kinh Châu.Viên Thiệu là Châu Mục Ký Châu, đều là những chính quyền cát cứ cả. Các triều đại về sau đặt ra chức Đô Đốc, Tổng Quản, Tiết Độ Sứ thì chức Châu Mục bị bãi bỏ. Ở các triều Đường, Tống chỉ có các thân vương đảm nhậm chức vị tối cao, coi Kinh Sư, hay Bồi Đô, mới tự xưng là Châu Mục. Đến nhà Thanh, đôi khi Tri Châu thỉnh thoảng cũng gọi là Châu Mục, nhưng so với thời Hán thì khác xa rất nhiều.
Nhan Sư Cổ 顏 師 古
Nhan Sư Cổ là người đời Đương, tổ quán ở Lang Nha (nay là thuộc thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông), tự là Trứu, cháu của Nhan Chi Thôi, là một nhà huấn hỗ học đời Đường. Khi Đường Cao Tổ Lý Uyên nhập Quan Trung, được nhậm chức Triều Tán Đại Phu, rồi thăng làm Trung Thư Xá Nhân chuyên lo việc chiếu, sắc cho vua.Đến khi Đường Thái Tôn Lý Thế Dân, làm Trung Thư Thị Lang, phụng chiếu khảo đính ngũ kinh văn tự. Tác phẩm có "Ban Cố-Hán Thư chú", "Cấp Cựu Chương chú". Nhan Sư Cổ là người giỏi về huấn hỗ học, kiến giải trác tuyệt, thuyết lý tỉ mỉ rõ ràng, ông củ chính những ngộ nhận của cổ nhân về tự nghĩa, tự hình, tự âm, rất được người đời sau tôn sùng. Năm 645 CN, ông theo Đường Thái Tông đi đánh Cao Ly, giữa đường bị bệnh mất, hưởng thọ sáu nhăm tuổi.
Hai câu thơ nổi tiếng này trích từ
bài "Bá Thượng thu cư" của Mã Đái đời Đường. Nguyên văn bài thơ :
Bá Nguyên phong vũ định 灞 源 風 雨 定 Vãn kiến nhạn hành tần 晚 見 雁 行 頻 Lạc diệp tha hương thụ 落 葉 他 鄉 樹 Hàn đăng độc dạ nhân 寒 燈 獨 夜 人 Không viên bạch lộ trích 空 園 白 露 滴 Cô bích dã tăng lân 孤 壁 野 僧 鄰 Ký ngoạ giao phỉ cửu 寄 臥 郊 屝 久 Hà môn ký thử thân 何 門 寄 此 身
Sau khi chiếm Nam Việt năm 111
trước CN , và chia đất này ra làm chín quận, đến năm 106 trước Công Nguyên,
Hán Võ Đế qua phân toàn quốc thành Thập Tam Thứ Sử Bộ hay 13
châu, đó là : Ký,U,Tinh,Duyện,Từ,Thanh,Dương,Kinh,Dự,Ích,Lương,Sóc Phương,và
Giao Chỉ và đặt mỗi châu một chức Thứ Sử để giám sát.Chức Thứ Sử bắt
đầu có từ đấy )
(Paris,
sửa lại tối ngày 12-09-2005 lúc 1g20 đêm )
|
Truyện "Kinh Kha thích Tần Vương" / Phạm Xuân Hy dịch
Ít lời giới thiệu:
Trong các dũng sĩ, kiếm khách hi sinh mạng sống của mình để tìm cách hạ sát người khác (thường là người vô cùng quyền thế), Kinh Kha, sống cuối thời Chiến Quốc bên Trung Hoa, được nhắc tới khá nhiều trong thơ văn Việt Nam. Khi đi sứ năm 1813, ngang qua làng cũ của Kinh Kha, Nguyễn Du đã có bài “Kinh Kha cố lý” (làng cũ của Kinh Kha). Nhà thơ Thao Thao có hai vở kịch về Kinh Kha, “Quán Biên Thùy” và “Người Mù Dạo Trúc” (nhân vật chính trong vở sau là Cao Tiệm Ly, bạn thân của Kinh Kha, tuy chỉ là một người gảy đàn trúc yếu đuối nhưng cũng cố trả thù cho bạn sau khi Kinh Kha thất bại và bị giết trên đất Tần). Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có một bài thơ dài để ca ngợi Kinh Kha (“Bài ca sông Dịch”) và một vở kịch thơ (“Tâm Sự Kẻ Sang Tần”).
Nguyễn Bính thường được biết là một nhà thơ chân quê với ý tưởng hiền hậu, lời lẽ đơn sơ nhưng cũng từng nhắc đến Kinh Kha. Cô đơn ở miền Nam trong những năm khó khăn của Đệ Nhị thế chiến, trong "Bài hành phương Nam," ông đã so sánh cảnh lưu lạc, bơ vơ của mình với những hậu đãi Kinh Kha nhận được từ Thái tử nước Yên:
Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng nhắc đến Kinh Kha. Trong "Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp" ông đã viết như sau:
Còn đây đêm cuối cùng
Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha
Ngại khơi nước mắt, nhạt nhòa môi em.
Trong vở kịch “Bến Nước Ngũ Bồ,” nhà thơ Hoàng Công Khanh đã cho Lê Liêm, nhân vật chính, trong vai một tráng sĩ theo giúp Bình Định vương Lê Lợi, làm một bài thơ tâm sự, trong đó có câu:
Ta mộng Kinh Kha giết bạo Tần.
Nhà văn Mặc Thu cũng có một vở kịch về Kinh Kha (“Người Chép Sử”), tuy theo ông Kinh Kha không đáng được gọi là anh hùng:
Người anh hùng không được quyền thất bại
Việc không thành, không đáng gọi anh hùng.
Ông đưa ra quan niệm trên để đối lại một quan niệm khá phổ biến từ trước, “không đem thành bại luận anh hùng.” Ông cũng tỏ ý đã nghĩ khác thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong những câu:
Một nét dao bay ngàn thuở đẹp
Dù sai hay trúng cũng là dư.
Theo vị chủ biên một tạp chí văn học có uy tín, khi ông còn ở tuổi đi học, hầu như học sinh Việt Nam ở bậc Trung học nào cũng biết sơ qua về Kinh Kha. Phải chăng dân Việt Nam thường bị áp chế, nên trong tâm thức thanh niên dễ ôm ấp hình ảnh một bậc nghĩa hiệp, mong “trừ loạn để cứu đời”? Có lẽ đó cũng là lý do khiến thi sĩ Vũ Hoàng Chương viết "Tâm Sự Kẻ Sang Tần," rồi kết thúc vở kịch thơ của mình bằng những câu:
Ngàn sau khói lửa tơi bời
Sông nào Dịch thủy, ai người Kinh Kha ?
Trong các tài liệu về Kinh Kha, đầy đủ và có thẩm quyền hơn cả là truyện “Kinh Kha thích Tần vương” (Kinh Kha hành thích vua Tần) trong bộ Sử Ký của Tư-mã Thiên, phần “Thích khách liệt truyện” (truyện về các thích khách). Truyện này đã được hai cố học giả Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch và cho in trong cuốn Sử Ký của Tư-Mã Thiên (Sàigòn : Lá Bối, 1972). Từ đó đến nay cũng gần nửa thế kỷ và cuốn sách trên hiện rất khó tìm.
Nhà biên khảo Phạm Xuân Hy ở Paris, người đã dịch Liêu Trai Chí Dị và Hậu Liêu Trai trong khoảng thời gian từ 1988 đến 1997, đã dịch, chú thích rất công phu, rồi tự xuất bản những truyện Trung Hoa rất ít người biết như “Thúy Thúy truyện,” “Phùng Hiệp,” Yến Vĩ Nhi,” “Vĩnh Châu dã miếu ký” …, đã tìm đọc từ rất nhiều tài liệu khác nhau bằng Hán văn để viết về mối tình kín đáo giữa Tào Thực với chị dâu là Chân hậu, vợ của Ngụy Văn đế Tào Phi, đưa tới bài “Lạc thần phú” nổi tiếng trong văn học Trung Hoa. Ông cũng từng viết về những nghi án liên quan đến Dương Quý phi, đến Giả Hoàng hậu, người chịu trách nhiệm khá lớn về việc làm cho nhà Tây Tấn của Tư-Mã Viêm (cháu nội của Tư-Mã Ý đời Tam Quốc) bị suy yếu rổi phân hóa sau mới có một đời.
Nhận thấy tầm ảnh hưởng của Kinh Kha trong văn chương Việt Nam, nhà biên khảo Phạm Xuân Hy dịch lại truyện “Kinh Kha thích Tần vương” một cách thật cẩn thận và trực tiếp từ bộ Sử Ký. Ông cũng cung cấp nguyên tác chữ Hán với phiên âm rồi gửi cho chúng tôi. Trang mạng Trần Từ Mai rất vinh hạnh được giới thiệu dịch phẩm công phu ấy tới độc giả.
Nguyên tác : Sử Ký –
Thích Khách Liệt truyện
Tác Giả:Tư Mã Thiên
Trích dịch: Phạm Xuân Hy
(THƯ HỒI ÂM MỘT NGƯỜI BẠN TÂN GIAO Ở XA)
Kính thưa anh,
Tôi vừa nhận được thư của anh, với những lời hỏi thăm ân cần, thân ái. Người đang nằm bịnh mà nhận được thơ của bạn bè từ xa gửi đến an ủi, thì thật ấm lòng và cảm động biết bao. Tôi xin cám ơn anh đã hạ cố hỏi thăm tôi.
Thưa anh,
Trong bài phê bình bộ “Đường Thi Trích Dịch” của cụ Đỗ Bằng Đoàn, và Bùi Khánh Đản, học giả Nguyễn Hiến Lê có đưa ra ý kiến cho rằng :
“Dịch là một việc rất bạc bẽo, vì công việc đã khó khăn mà lại ít người thưởng thức. Riêng ở nước ta nó lại càng bạc bẽo vì rất hiếm người chịu đọc sách dịch”.
Tôi cho rằng nhận xét này của cụ Nguyễn đúng, nếu chỉ coi việc dịch sách ngoại quốc ra tiếng Việt là một công việc làm thuần tuý để mưu sinh cầu lợi. Và chính cụ Nguyễn sau đó lại cho người đọc biết thêm rằng “Việc dịch kinh Phật của Cưu Ma La Thập đời Tấn và Huyền Trang đời Đường đã làm giầu thêm dụng ngữ cho người Trung Hoa”.
Nên nếu việc dịch văn học, khoa học, kỹ thuật, triết lý, lịch sử ngoại quốc, (Tây, Tầu, Anh,Ý, Đức, Nhật, Nga…) ra tiếng Việt, cũng là một việc làm hữu ích vậy.
Thưa anh,
Còn việc anh hỏi, tìm giúp anh một bản Hán văn về truyện Kinh Kha, tôi sẽ làm, rồi phiên âm, dịch nghĩa, chú thích và gửi đến anh khi hoàn tất.
Truyện Kinh Kha mới đầu thấy ghi trong « Chiến Quốc Sách-Yên Sách » sau lại được Tư Mã Thiên kể lại ở trong « Sử Ký –Thích Khách Liệt Truyện 史記刺客列傳», kể truyện gồm năm người thích khách thời Xuân Thu Chiến Quốc:
-Tào Mạt曹沫
-Chuyên Chư專諸
-Dự Nhượng豫讓
-Nhiếp Chính 聶政
-Kinh Kha 荆軻
Toàn phần “Thích Khách Liệt truyện” này, đã được các bậc túc nho có uy tín như Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Nhượng Tống, Nhữ Thành… dịch sang tiến Việt rồi. Tìm kiếm những ấn bản dịch này ngày nay cũng không khó khăn.
Như lời đề nghị của anh, tôi mạo muội sao trích nguyên tác Hán văn, chỉ riêng truyện Kinh Kha thôi, trong “Sử ký-Thích Khách Liệt truyện” của Tư mã Thiên, rồi phiên âm, dịch nghĩa, chú thích cho dễ dàng đối chiếu.
Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên gồm có 130 quyển, truyện Kinh Kha ở quyển thứ 86.
Thôi thì, gọi là một chút duyên văn nghệ để tạ cái tình anh đã hạ cố đến nhau, chứ xin được thú thực, tôi e ngại lắm, sở dĩ, vì nhà tôi nghèo quá, tiền đâu mà đến trường, chữ Hán chữ Nôm, đều do tự học, mà biển học thì mênh mông, nên có nhiều chỗ thiếu sót, nhiều chỗ bất cập, khó tránh khỏi những lầm lẫn.
Nay có làm việc dịch thuật thì cũng chỉ là để học thêm, cho khuây khỏa trong lúc già nua đau yếu.
Mong được anh lượng thứ.
Kính
Phạm Xuân Hy
Kinh Kha người nước Vệ, tổ tiên của Kinh Kha lại là người nước Tề, di cư đến nước Vệ, được người nước Vệ gọi là Khánh Khanh.
Sau Kinh Kha lại dời đên nước Yên, người nước Yên lại gọi là Kinh Khanh. Kinh Kha là người ham đọc sách, thích múa kiếm, nên đem thuật múa kiếm thuyết Vệ Nguyên Quân nhưng không được dùng. Sau đó, Tần phạt nước Ngụy, lập ra Đông Quận và đầy những người bà con họ hàng của Vệ Nguyên Quân đến vùng Dã Vương.
Kinh Kha có lần đến vùng Du Thứ, luận kiếm với Cái Nhiếp, bị Cái Nhiếp tức giận, trừng mắt nhìn, nên Kinh Kha bỏ đi.
Có người bảo nên vời Kinh Kha trở lại, nhưng Cái Nhiếp cản lại nói:
-Lúc trước, hắn luận kiếm với ta, có điều nói sai, hắn bị ta trừng mắt nhìn, nên bỏ đi. Cứ đi thử mà xem, trốn rồi, không lưu lại đây đâu.
Rồi phái người đến chỗ chủ nhà Kinh Kha trọ, thì quả nhiên Kinh Kha đã đánh xe ngựa đi Du Thứ rồi.
Người được sai đi, trở về báo cáo như thế.
Cái Nhiếp nói:
-Cố nhiên là hắn bỏ đi rồi ! Vì lúc trước hắn sợ oai cái nhìn của ta.
Khi Kinh Kha đến Hàm Đan, từng đánh cờ với Lỗ Câu Tiễn, tranh nhau nước cờ, Kinh Kha cũng bị Lỗ Câu Tiễn nổi giận mắng mỏ, nhưng Kinh Kha chỉ lẳng lặng bỏ trốn đi, rồi không gặp lại nhau nữa.
Đến khi Kinh Kha đến nước Yên, Kinh Kha thích chơi với một gã mổ chó và Cao Tiệm Ly, một người giỏi gẩy loại đàn « trúc ». Kinh Kha có máu mê rượu, thường ngày cùng gã mổ chó và Cao Tiệm Ly vào trong chợ nước Yên nhậu nhẹt, say bí tỉ mới tan. Khi Cao Tiệm Ly gẩy đàn « Trúc », thì Kinh Kha hát hòa theo, cùng vui đùa với nhau, cùng khóc với nhau, coi bên cạnh như chẳng có ai.
Tuy rằng rong chơi trong đám rượu chè, mổ chó, nhưng Kinh Kha lại là người thâm trầm, chuộng đọc sách vở. Kinh Kha đến chơi các nước chư hầu, Kha đều kết giao với tất cả các bậc hiền hào, trưởng giả ở đấy. Lúc Kinh Kha đến nước Yên, được người xử sĩ (40) nước Yên là Điền Quan Tiên Sinh tiếp đãi thân thiện, vì ông biết Kinh Kha không phải hạng người tầm thường, dung tục.
Được ít lâu, gặp lúc Thái Tử nước Yên là Đan, làm con tin ở nước Tần trốn về Yên. Thái Tử Đan, trước đó từng là con tin ở nước Triệu, còn Tần Vương Chính lại sinh ra ở đấy. Nên lúc còn nhỏ, Tần Vương Chính chơi thân với Thái Tử Đan. Đến khi Chính được lập làm Tần Vương, tức vua nước Tần. Chính cư xử tỏ ra không tốt với Thái Tử Đan, nên Đan đem lòng oán trách mà bỏ trốn về nước. Về được nước rồi, Đan nghĩ cách trả thù vua Tần. Nhưng nước Yên nhỏ, không đủ sức.
Sau đó, nước Tần hàng ngày đem quân đến vùng Sơn Đông để chinh phạt các nước Tề, Sở, Tam Tần, dần dà chiếm cứ các nước chư hầu như tầm ăn dâu, tiến gần đến nước Yên. Vua tôi nước Yên đều lo ngại tai họa sắp đến. Thái Tử Đan cũng lo lắng, mới hỏi viên Thái Phó của mình là Cúc Võ.
Cúc Võ thưa:
-Đất đai nước Tần bao la khắp thiên hạ, uy hiếp các nước Hàn, Ngụy, Triệu. Phía bắc có vùng Cam Tuyền, Cốc Khẩu xây cất nhiều doanh trại kiên cố. Phía nam là lưu vực hai sông Vị Thủy và Kinh Thủy đất đai mầu mỡ hoang dã, cùng với vùng Ba, Hán phì nhiêu.
Phía phải, là đất Lũng, đất Thục có hàng dẫy núi liên tiếp nối liền nhau. Về phía trái, là vùng Sơn Hải Quan, và Hào Sơn hiểm trở thiên phú. Lại thêm dân chúng đông đúc, sĩ tốt dũng mãnh, thân thuộc, võ khí dư dả, nếu Tần có ý muốn động binh đem quân ra ngoài, thì có thể là từ Trường Thành xuống phía nam, hoặc từ sông Vị Thủy tiến lên phía bắc, chưa rõ được ý họ ra sao, há nào Thái Tử lại vì nỗi oán hận bị lăng nhục mà lại vỗ vào “vẩy ngược của rồng” sao !
Thái Tử Đan nói :
-Như vậy, phải làm thế nào ?
Cúc Võ đáp :
-Việc này, xin phải bàn cho kỹ mới được.
Được ít lâu, viên tướng của Tần là Phàn Ư Kỳ mắc tội với Tần Vương, bỏ trốn sang nước Yên, được Thái Tử Đan dung nạp và cho nhà ở.
Cúc Võ can, ngăn lại :
-Không nên, vua Tần là người bạo ngược, lại sẵn bất mãn với nước Yên ta, thần nghĩ đến mà còn sợ lạnh xương sống, bụng đánh lô tô. Huống hồ, nay Tần lại nghe Phàn Tướng Quân được Thái Tử dung nạp ở đây ? Như thế, nào khác gì đem thịt đặt ở đường đi của hổ đói không ! Tai họa này nhất định không thể cứu được. Dù tài ba như Yến Anh, Quản Trọng cũng bó tay thôi, không thể có cách giải cứu được. Xin Thái Tử hãy mau mau trục xuất Phàn Tướng Quân ra ngoài Hung Nô, để tránh không cho Tần mượn cớ mà xâm lược nước Yên ta. Cũng xin Thái Tử liên kết với Tam Tấn ở phía tây, và liên hợp cùng hai nước Tề, Sở ở phía nam, giao hảo với Hung Nô ở phía bắc, sau đó mới tìm cách đối phó được với Tần.
Thái Tử Đan nói:
-Kế của Thái Phó mất nhiều thời gian, thêm chậm trễ, tôi lại đang sốt ruột, sợ không thể chờ đợi được một chốc ! Vả lại, Phàn Tướng Quân lại không kiếm được chỗ trong thiên hạ, chạy đến nương nhờ vào nước Yên này, Đan tôi lẽ nào vì Tần bạo ngược, lại hy sinh một người bạn đáng thương, đồng tình, mà đuổi ông ta sang Hung Nô sao ! Thế thì mệnh số của Đan này đã đến chỗ cùng rồi, xin Thái Phó nghĩ lại kế khác !
Cúc Võ nói :
-Làm điều nguy hiểm mà muốn cầu sự yên lành, gieo sự tai họa mà lại cầu được phúc, kế thô thiển nhưng oán hận thâm, vì muốn kết giao với một người bạn mới, mà không nghĩ đến cái họa lớn cho đất nước, như thế là nuôi oán thù, gieo thêm họa hoạn. Có khác gì như lấy lông chim hồng hộc mà để trên lò than, thì còn gì nữa.
Vả lại, Tần là nước hung bạo, dữ tợn như chim điêu, chim chí, nếu họ đem bạo tàn, đổ xuống nước Yên ta cho thỏa cơn giận, thì hậu quả không nói được. Yên có Điền Quang Tiên Sinh, là người dũng mãnh, trí óc thâm trầm, sâu sắc, có thể bàn tính với ông ta được.
Thái Tử Đan nói:
-Xin Thái Phó giúp tôi làm quen với Điền Tiên Sinh được không!
Cúc Võ đáp :
-Xin vâng !
Cúc Võ từ giã đi ra, đến gặp Điền Tiên Sinh, nói :
-Thái Tử muốn đem quốc sự bàn với Tiên Sinh đấy !
Điền Quang đáp:
-Xin vâng lời chỉ giáo !
Rồi đến gặp Thái Tử.
Thái Tử đi dật lùi lại dẫn đường, nghinh đón Điền Tiên Sinh. Lại quì gối xuống, quét chiếu cho Điền Quang ngồi. Lúc Điền Quang đã ngồi yên vị, tả hữu không còn ai, Thái Tử mới dời chiếu ngồi, đến thỉnh giáo Điền Quang:
-Hai nước Yên với Tần, thế tất không đội trời chung, xin Tiên Sinh lưu ý cho!
Điền Quang thưa :
-Thần nghe nói ngựa kỳ, ngựa ký lúc còn khỏe mạnh, một ngày có thể chạy cả ngàn dậm, nhưng đến khi già lão, suy yếu, chạy thua cả con ngựa hèn. Nay Thái Tử chỉ nghe nói về thần lúc còn trai tráng, chứ không biết rằng trí lực của Quang đã tiêu vong rồi. Song le, tuy không dám dự bàn vào việc quốc sự, nhưng thần có quen thân một người tên là Kinh Kha, có thể sử dụng được!
Thái Tử nói :
-Xin Tiên Sinh giúp tôi kết giao với người đó được không ?
Điền Quang đáp :
-Xin vâng mệnh !
Rồi đứng dậy, đi gấp.
Thái Tử đưa tiễn Điền Quang ra cửa, còn căn dặn :
-Lời Đan nói với Tiên Sinh , và lời Tiên Sinh nói, là chuyện quốc gia đại sự, xin Tiên Sinh chớ để lậu ra ngoài.
Điền Quang cúi đầu cười, đáp :
-Xin vâng mệnh !
Rồi Điền Quang lụ khụ đến gặp Kinh Kha, nói :
-Tôi với túc hạ thân thiết với nhau, nước Yên ai cũng biết cả. Nay Thái Tử nghe tiếng Quang tôi lúc còn trai tráng khỏe mạnh, nhưng không biết rằng thân, sức tôi đã yếu không còn như trước nữa, vì thế Thái Tử mới bảo tôi : “Tần với Yên là hai nước không đội trời chung, xin ông nên lưu ý”. Quang tôi trộm tự nghĩ cũng không phải người ngoài, nên mới tiến cử túc hạ với Thái Tử. Xin túc hạ vào cung gặp Thái Tử.
Kinh Kha đáp:
-Xin tuân mệnh !
Điền Quang nói :
-Tôi nghe nói, bậc trưởng giả làm việc, đừng để cho người ta nghi ngờ, mà nay Thái Tử bảo với Quang rằng “Lời tôi nói với Tiên Sinh là chuyện quốc gia đại sự, xin Tiên sinh đừng để lậu ra ngoài”, như thế, là Thái Tử nghi ngờ Quang rồi, làm việc mà để cho người ta nghi ngờ, thì không phải là người có tiết tháo, nghĩa hiệp được.
Điền Quang muốn tự sát để khích lệ Kinh Kha và nói :
-Xin túc hạ mau đến gặp Thái Tử, và nói với Thái Tử là Quang đã chết rồi, chứng minh là lời nói của Thái Tử không bị tiết lộ.
Nói xong, Điền Quang bèn tự vẫn.
Bấy giờ, Kinh Kha đến gặp Thái Tử Đan, báo tin Điền Quang đã chết, và nói lời Quang nhắn lại. Thái Tử lạy hai lậy, rồi quỳ xuống, đi bằng đầu gối, nước mắt đầm đìa, một lúc lâu mới nói :
-Sở dĩ Đan dặn Điền Tiên Sinh đừng tiết lộ bí mật, là muốn hoàn thành kế hoạch quốc gia đại sự, nay Điền Tiên Sinh đã lấy cái chết để minh chứng là không nói, há đâu phải là Đan muốn như thế !
Sau khi Kinh Kha đã ngồi yên vị, Thái Tử Đan mới dời chỗ, cúi mình nói với Kinh Kha :
-Điền Tiên Sinh đã không biết Đan này là kẻ bất tài, hư hỏng, nên giúp cho Đan được gặp mặt túc hạ để mà thảo luận, đó cũng là ý trời còn thương đến nước Yên, không nỡ dứt bỏ đứa con côi cút của nước này. Còn lòng ham lợi của Tần thì vô cùng, nếu chẳng thâu hết đất đai của thiên hạ, và chưa được làm vua khắp hải nội, thì lòng tham lam của vua Tần chưa mãn túc. Nay thì Tần đã bắt được vua nước Hàn, thâu tóm hết đất đai của nước này, lại cử binh xuống phía nam để chinh phạt nước Sở, tiến lên phía bắc dòm ngó nước Triệu. Còn Vương Tiễn cầm mấy chục vạn quân tiến sát gần đến vùng Chương, Nghiệp. Lý Tín lại đem quân Thái Nguyên, Vân Trung ra, nhưng nếu Triệu không chống cự nổi Tần, tất phải đầu hàng, và Triệu đầu hàng rồi, thì tai họa sẽ chuyển sang Yên. Yên vừa nhỏ vừa yếu, lại đã bao lần hứng chịu chiến họa. Nay như dốc hết toàn thể lực lượng, binh sĩ cũng không thể chống cự được với Tần. Các nước chư hầu đều đã thần phục Tần hết, không một nước nào dám hợp tung.
Theo ý kiến cá nhân ngu ngốc của Đan, thì cần tìm được một dũng sĩ trong thiên hạ đi sứ sang Tần, đem lợi lộc hậu hĩnh mà hiến cho vua Tần, Tần Vương tham, ắt là cái cơ hội thuận tiện để bắt được vua Tần. Nếu quả như cướp được vua Tần, thì đòi ông ta phải hoàn lại tất cả đất đai đã xâm lược cho các chư hầu, cũng như Tào Mạt đã từng cướp Tề Hoàn Công vậy. Đó là điều tốt. Bằng vạn nhất không xong, thì nhân cơ hội này đâm chết Tần Vương. Các Đại Tướng của Tần đều đang cầm binh ở ngoại, bên trong nhân thế sẽ sinh xẩy ra nội loạn. Giữa quân thần sẽ sinh ra nghi ngờ lẫn nhau, và các chư hầu, cũng sẽ nhân đó mà liên kết với nhau, thế nào cũng phá được Tần. Đó là hy vọng lớn nhất của Đan, song le, không biết ủy thác việc này cho ai ! Xin Kinh Khanh lưu ý !
Cách một lúc lâu, Kinh Kha mới thưa :
-Đây là chuyện quốc gia đại sự, thần tài hèn, vô năng, e không đảm nhậm nổi!
Thái Tử Đan tiến tới, cúi dập đầu, cố nài nỉ Kinh Kha, sau đó thì Kinh Kha nhận lời.
Bấy giờ, Kinh Kha được Thái Tử tôn làm Thượng Khanh, ban nhà ở tân quán sang trọng. Ngày ngày Thái Tử đến tận cửa thăm hỏi, cung cấp thái lao (tức tam sinh: dê, lợn, bò), rượu, và các phẩm vật, châu bảo quý giá. Đôi khi còn tặng cả xe ngựa, gái đẹp, hết sức chiều theo ý muốn của Kinh Kha.
Một thời gian khá lâu, Kinh Kha vẫn không tỏ ý lên đường. Lúc đó tướng Tần là Vương Tiễn đã phá được nước Triệu, bắt được vua Triệu, và hoàn toàn chiếm hết lãnh thổ nước Triệu, lại tiến binh lên phía bắc, đến biên cảnh phía nam của nước Yên.
Thái Tử Đan lo lắng, mới nói với Kinh Kha :
-Quân Tần sớm muốn sẽ vượt qua sông Dịch Thủy, Đan dù có muốn phụng đãi túc hạ, liệu có thể được không ?
Kinh Kha đáp:
-Nếu chẳng có lời của Thái Tử, thì thần cũng có ý đến xin gặp. Nay thần ra đi mà lại không có tín vật gì để cho vua Tần tin, như thế không có cách nào đến gần vua Tần được. Phàn Tướng Quân bị vua Tần treo giá một ngàn cân vàng, ban ấp vạn gia, thần xin được đem đầu Phàn Tướng quân, cùng bản đồ vùng Đốc Kháng, hiến cho vua Tần, vua Tần tất hài lòng, và cho thần đến gần, thì thần sẽ báo được ơn Thái Tử.
Thái Tử nói :
-Phàn Tướng Quân bị cùng khốn, chạy đến với Đan, Đan nỡ nào vì việc riêng của mình, mà lại phụ lòng bậc trưởng giả. Xin túc hạ nghĩ lại cho !
Kinh Kha biết Thái Tử không đành lòng, bèn đến gặp riêng Phàn Ư Kỳ, nói:
-Vua Tần đãi ngộ Tướng Quân quả là quá thâm hiểm. Cha, mẹ, thân tộc, của Tương Quan đều bị giết sạch, nay lại nghe vua Tần trả giá mua đầu Tướng Quân cả ngàn cân vàng, còn ban ấp vạn gia, Tướng Quân nghĩ thế nào ?
Phàn Ư Kỳ ngửa mặt lên trời ứa nước mắt mà than:
-Ư Kỳ này mỗi khi nghĩ đến điều ấy, thì đau đớn đến xương tủy, nhưng không nghĩ được kế gì !
Kinh Kha nói :
-Nay Kha có một kế, có thể giải được hoạn nạn cho nước Yên, và rửa được mối thù cho Tướng Quân, Tướng Quân nghĩ sao ?
Phàn Ư Kỳ bèn tiến gần đến và hỏi :
-Kế ấy như thế nào ?
Kinh Kha đáp :
-Xin được thủ cấp của Tướng Quân để hiến cho Tần Vương, Tần Vương nhất định sẽ vui vẻ mà cho Kha đến gần. Khi ấy thần sẽ dùng tay trái để nắm lấy tay áo của y, còn tay phải thì dùng con chủy thủ đâm vào bụng, như vậy, mối thù của Tướng Quân sẽ được báo, mà nỗi hận bị lăng nhục của nước Yên cũng rửa sạch, Tướng Quân có nghĩ thế không ?
Phàn Ư Kỳ vạch trần vai, dùng tay trái nắm chặt lấy tay phải, tiến đến trước mặt Kinh Kha, nói :
- Đó chính là điều tôi đêm ngày đau đớn cắn răng phẫn hận suy nghĩ, không ngờ, hôm nay mới được nghe lời chỉ giáo.
Nói xong, liền tự sát.
Thái Tử biết tin, vội vã chạy đến, phủ xuống xác của Phàn Ư Kỳ mà khóc, hết sức bi ai, nhưng việc đã rồi; chỉ còn biết đem bọc đầu Phàn Ư Kỳ, rồi bỏ vào trong một chiếc hộp phong kín lại.
Đến lúc đó, Thái Tử sai người tìm kiếm trong khắp thiên thạ được một con chủy thủ sắc bén, của một người nước Triệu tên là Từ Phu Nhân (徐夫人), mua với giá một trăm cân vàng, rồi sai thợ dùng độc dược tẩm vào đầu con chủy thủ này, và đem thử, người bị thử chỉ cần chảy một sợi máu nhỏ, là người ấy chết ngay lập tức. Rồi Thái Tử chuẩn bị kỹ hành lý, muốn thúc Kinh Kha khởi hành.
Nước Yên lại có một người dũng sĩ khác, tên là Tần Vũ Dương, lúc mới lên mười ba tuổi đã giết người, không ai dám ngỗ ngược nhìn hắn. Thái Tử mới gọi Tần Vũ Dương làm phó cho Kinh Kha. Kinh Kha còn chờ một người bạn nữa để cùng đi. Nhưng người này ở xa, chưa đến kịp, hành trang thì đã sửa soạn sẵn rồi.
Chờ đợi một hồi lâu, Thái Tử thấy Kinh Kha trì chậm chưa chịu lên đường, bụng nghi Kinh Kha đổi ý, mới nói lại :
-Mặt trời đã lặn, Kinh Khanh đổi ý khác chăng ? Xin để Đan này phái Tần Vũ Dương đi trước!
Kinh Kha tức giận, gắt Thái Tử Đan:
-Sao Thái Tử lại sai khiến người như thế đi ? Đi mà chẳng nên việc, thì chỉ là đồ con nít. Vả lại, cầm một con chủy thủ đi vào đất hung mãnh, bất trắc như Tần, nên thần phải chần chừ, chờ đợi người bạn của Kha cùng đi là vậy. Nay Thái Tử cho là trễ, thì thần xin từ biệt Thái tử lên đường. Rồi khởi hành.
Thái Tử cùng các tân khách được tin Kinh Kha lên đường, đều ăn mặc quần trắng, áo trắng, mũ trắng, đến đưa tiễn Kinh Kha ở bờ sông Dịch Thủy.
Sau tiệc tiễn đưa, là lúc Kinh Kha khởi hành sang Tần.
Bấy giờ, Cao Tiệm Ly gẩy đàn “trúc”, còn Kinh Kha họa và ca hát theo, theo điệu “biến chủy 變徵”, nghe se sắt lạnh lùng, khiến những người tân khách đi đưa tiễn Kinh Kha, ai nấy đều sụt sùi sa lệ.
Rồi Kinh Kha tiến lên ca tiếp. Bài ca rằng :
Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn
Theo điệu “vũ thanh 羽 聲”, điệu ca khảng khái, bi tráng, khiến cho những kẻ sĩ đi tiễn hành, ai nghe đều cảm động, trợn mắt, lộ nhỡn, tóc tai dựng ngược lên đỉnh mũ.
Sau đó, Kinh Kha lên xe, đi thẳng một lèo, không ngoái nhìn trở lại.
Khi đến đất Tần, Kinh Kha đem lễ vật hậu hĩnh trị giá ngàn vàng, biếu cho người sủng thần của vua Tần là viên quan Trung Thứ Tử Mông Gia.
Mông Gia bẩm trước cho vua Tần rằng :
-Vua Yên quả thật sợ oai của Đại Vương, không dám động binh chống cự, xin đem cả nước làm thần thuộc, liệt với các nước chư hầu, giữ việc triều cống như một quận huyện, để bảo tồn tông miếu tổ tiên. Vì sợ hãi, Yên Vương không dám tự giãi bầy, đã chém đầu Phàn Ư Kỳ, cùng đem địa đồ vùng Đốc Kháng, phong kín trong hộp, tiến dâng ở trước cung đình, cho sứ giả đến trước chờ nghe mệnh lệnh của Đại Vương phán xử.
Tần Vương nghe xong, rất lấy làm vừa lòng, bèn mặc triều phục, sửa soạn đại lễ Cửu Tân, đón tiếp sứ giả nước Yên ở Hàm Dương Cung.
Kinh Kha ôm cái hộp đựng đầu Phàn Ư Kỳ, còn Tần Vũ Dương ôm hộp bản đồ, tuần tự kẻ trước người sau. Khi bước đến bực điện, Tần Vũ Dương sợ quá, biến đổi sắc mặt, khiến cho các quần thần của Tần đều lấy làm kỳ quái, ngạc nhiên.
Kinh Kha quay đầu lại nhìn và mỉm cười với Tần Vũ Dương, rồi tiến lên tạ tội :
-Người nước phiên thuộc ở phương bắc thô lậu, man di, quê mùa, chưa hề được kiến diện Thiên tử bao giờ, nên nay rất lấy làm sợ hãi, kính xin Đại Vương rộng lượng cho hắn, để hắn làm trọn nghĩa vụ sứ giả.
Tần vương ra lệnh cho Kinh Kha :
-Hãy cầm địa đồ của Tần Vũ Dương lên đây cho ta !
Kinh Kha cầm địa đồ dâng lên. Tần Vương mở địa đồ ra xem. Đến cuối cùng của địa đồ, thì phát hiện ra con chủy thủ.
Kinh Kha bèn dùng tay trái núm chặt lấy ống tay áo của Tần Vương, rồi dùng tay phải rút con chủy thủ mà đâm ông ta, nhưng đâm không trúng người. Tần Vương hoảng sợ, cố lấy sức, đứng dậy bỏ chạy. Nhưng tay áo bị đứt một đoạn. Tần vương muốn rút kiếm ra, nhưng kiếm lại quá dài, đành phải rút vỏ kiếm ra trước vậy. Lúc bấy giờ, trong lòng Tần Vương rất hoảng hốt, sợ hãi. Kiếm lại quá chặt, nhất thời rút ra không được, bị Kinh Kha đuổi theo gấp. Tần Vương chạy vòng quanh cây cột. Quần thần đều sợ hãi, tỏ ra mất bình tĩnh; Theo luật pháp của nước Tần thời ấy, quần thần thị giá nhà vua ở điện, không được phép mang bất cứ một thứ binh khí nào. Các viên quan lang trung tuy có mang binh khí, nhưng đều sắpp hàng ở dưới điện, nếu chưa có lệnh của vua, thì không được tự tiện lên điện.Trong lúc nguy cấp như thế, vệ sĩ không được lệnh, nên Kinh Kha mới có thể rượt đuổi theo vua Tần. Sĩ tốt đều hoảng hốt, không kịp có gì để đối phó, chỉ lấy tay không mà đấm Kinh Kha. Lúc đó viên thị y là Hạ Vô Thư bèn dụng cái túi đựng thuốc ném Kinh Kha. Vua Tần vẫn cứ chạy quanh cột điện. Sĩ tốt cũng còn hoảng hốt, không biết xử trí cách nào.
Tả hữu có người hô:
-Đại Vương đeo kiếm ở đằng sau !
Vua Tần mới tuốt được kiếm ra, chém trúng vào đùi bên trái của Kinh Kha. Bị trúng thương, Kinh Kha bèn cầm con chủy thủ ném Tần Vương. Nhưng không trúng. Trúng vào cái cột đồng. Tần Vương quay lại đâm Kinh Kha thêm tám nhát nữa. Kha biết việc mình đi hành thích không thành, bèn dựa vào cột đồng mà cười, rồi ngồi xoạc chân ra chửi Tần Vương :
-Việc sở dĩ không thành, là ta có ý muốn bắt sống hắn, ép hắn ký giấy để trả lại đất đã chiếm cho Yên, báo đền ơn Thái Tử.
Sau đó, Kinh Kha bị bọn tả hữu xông đến giết chết.
Tần Vương trong lòng bồi hồi một lúc lâu, rồi mới luận công ban thưởng hoặc trị tội các bầy tôi, tùy theo thứ bậc.
Riêng Hạ Vô Thư được Tần Vương ban cho hai trăm dật vàng “1鎰 bằng hai mươi lạng”, và nói:
-Vô Thư yêu ta nên mới cầm túi thuốc mà ném Kinh Kha.
Khi ấy, Tần Vương cả giận cho phát thêm binh sang tấn công nước Triệu, và hạ lệnh cho Lý Tín chinh phạt nước Yên.
Đến tháng mười, Lý Tín hạ được Kế Thành của Yên. Vua nước Yên là Hỷ, Thái Tử là Đan phải xuất hết tinh binh toàn quốc ra ngoài phía đông để bảo vệ Liêu Đông. Yên Vương Hỷ bị Lý Tín truy kích gấp. Trước tình thế ấy, vua nước Đại là Gia viết thư khuyên Yên Vương Hỷ rằng:
-Sở dĩ Tần cấp bách truy diệt Yên là do Thái Tử Đan, nếu ông giết Thái tử Đan mà hiến cho Tần Vương, thì Tần Vương tất giải binh rút quân về, như thế, xã tắc tông miếu còn có người thờ phụng.
Sau đấy, Lý Tín lùng bắt thái Tử Đan. Thái Tử Đan phải lẩn trốn ở vùng sông Diễn Thủy. Yên Vương Hỷ phái sứ giả đến chém chết Thái Tử Đan, để hiến cho Tần. Nhưng Tần vẫn tiến binh tấn công Yên.
Năm năm sau, cuối cùng thì nước Yên cũng bị Tần diệt. Vua Yên vương Hỷ bị Tần bắt làm tù binh. Sang năm sau, Tần thôn tính thiên hạ, xưng hiệu là Hoàng Đế. Những tân khách của Thái Tử Đan, cũng như những bạn bè của Kinh Kha đều bị Tần truy lùng. Họ đều bỏ chạy trốn hết.
Còn Cao Tiệm Ly, lúc đó đổi họ tên đi làm thuê cho người ta ở vùng Tống Tử. Được ít lâu, công việc nhiều khổ cực vất vả. Có lần Cao Tiệm Ly nghe thấy khách ở nhà trên của gia chủ gẩy đàn trúc, trong lòng ngơ ngẩn bâng khuâng, không muốn rời bước, đôi khi còn buông lời phê bình, người này khá, người kia dở, vì thế Cao Tiệm Ly bị bọn đày tớ mách với chủ :
Gia chủ mới gọi Cao Tiệm Ly lên, bảo gẩy đàn trúc. Mọi người ngồi nghe thẩy đều khen hay, và đem rượu ra trịnh trọng mời mọc. Cao Tiệm Ly mới nghĩ thầm trong bụng, nếu cứ ẩn thân, trốn tránh mãi thế này thì đến bao giờ cho hết. Rồi thoái lui, đi về mở rương, lấy cây đàn củng, áo quần đẹp, thay đổi dung mạo, rồi trở lại. Tất cả khách ngồi đó đều tỏ vẻ ngạc nhiên, bước xuống chào hỏi như thượng khách, lại mời Cao Tiệm Ly gẩy đàn và ca. Người nghe, chẳng ai là không sụt sùi rơi lệ lúc ra về.
Trong vùng Tống Tử, người ta truyền bảo nhau mời đón Cao Tiệm Ly làm khách, tiếng tăm đồn đến tai Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng vời đến gặp. Có người biết mặt, tố cáo :
-Đó là Cao Tiệm Ly !
Nhưng Tần Thủy Hoàng tiếc cái tài gẩy đàn trúc của Cao Tiệm Ly, đặc cách xá cho tội chết, nhưng dùng thuốc độc hun cho mù hai mắt, rồi mới cho phép được gõ đàn. Lần nào, Cao Tiệm Ly cũng được Tần Thủy Hoàng khen ngợi.
Dần dần, Cao Tiệm Ly được đến gần Tần Thủy Hoàng. Cao Tiệm Ly bèn dùng chì đổ vào bên trong cây đàn. Khi đến được gần hơn, Cao Tiệm Ly dùng đàn đập Tần Thủy Hoàng, nhưng không trúng.
Tần Thủy Hoàng bèn giết Cao Tiệm Ly. Và từ đấy, Tần Thủy Hoàng suốt đời không đến gần người của nước chư hầu nữa.
Khi Lỗ Câu Tiễn nghe tin Kinh Kha hành thích Tần Vương, tự nhủ một mình :
-Ta hồ ! Tiếc quá ! Hắn không giỏi về thuật đánh kiếm. Mình quả quá lầm lẫn không biết người ! Ngày trước, mình chỉ mới lớn tiếng một tí, mà hắn đã không coi mình như người cùng chí hướng.
Thái Sử Công nói :
-Người đời nói đến Kinh Kha thì xưng tụng là Thái tử Đan được mệnh trời. « Trời mưa thóc, ngựa mọc sừng » thật là lời thái quá. Rồi có người còn nói là Kinh Kha đâm trúng Tần Thủy Hoàng bị thương, đều là lời nói ngoa, tào lao cả.
Mới đầu, có Công Tôn Quý Công và Đổng Sinh có quen biết với Hạ Vô Thư đều rõ truyện này, nói cho ta biết.
Từ Tào Mạt đến Kinh Kha là năm người, việc làm của họ đều vì nghĩa, hoặc thành hoặc bất thành, nhưng chí hướng của họ rõ ràng là minh bạch như thế, không thể xem thường được, danh thùy thiên cổ, đâu phải truyện nói càn được !
Cũng như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa với tôi lúc bấy giờ, chúng tôi vẫn thường đem lời hát này ra để trêu đùa những cô gái cùng xóm với mình. Âm điệu của câu hát này này cho đến bây giờ, tuổi đời tôi đã ra ngoài thất thập cổ lai hy rồi, vẫn như còn, lãng đãng sống trong trí nhớ của tôi, kèm theo với một kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của một chú nhóc con, ôm mộng mị, mê say cái nhan sắc của một bậc liền chị hàng xóm, lớn hơn mình năm sáu tuổi.
Phạm Xuân Hy
Hà nhật quân tái lai / Phạm Xuân Hy
何 日 君 再 來
(Bao giờ anh trở lại)
« Hà Nhật Quân Tái Lai –Bao
giờ anh trở lại »
Là tên một bài hát nổi
tiếng bằng chữ Hán, mà tôi thường vô ý thức nghêu ngao hát « nhái » mấy câu
tiếng Việt, lúc còn là một cậu học trò trường làng, mười một mười hai tuổi,
cách đây mấy chục năm :
Em lấy chồng sao em
không nói,
Để anh theo anh ghẹo em hoài
Để anh theo anh ghẹo em hoài
Cũng như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa với tôi lúc bấy giờ, chúng tôi vẫn thường đem lời hát này ra để trêu đùa những cô gái cùng xóm với mình. Âm điệu của câu hát này này cho đến bây giờ, tuổi đời tôi đã ra ngoài thất thập cổ lai hy rồi, vẫn như còn, lãng đãng sống trong trí nhớ của tôi, kèm theo với một kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của một chú nhóc con, ôm mộng mị, mê say cái nhan sắc của một bậc liền chị hàng xóm, lớn hơn mình năm sáu tuổi.
Tôi còn dám cả lòng mạo
muội mượn lời hát đó để “tỏ tình” một cách láo lếu. Nhưng tôi may mắn đã không
bị ăn một cái tát tai nào, mà ngược lại, trở thành người thân quen được sang
chơi hàng ngày với chị. Tôi đem những những truyện xã hội như Nửa Chừng Xuân,
Gánh Hàng Hoa, Đoạn Tuyệt, Những Đồng Tiền Xiết Máu, đổi cho chị lấy những
truyện võ hiệp, trinh thám, như Bồng Lai Hiệp Khách, Giao Trì Hiệp Nữ, Đoan
Hùng, Lệ Hằng, Người Nhạn Trắng …Tình cảm giữa tôi và chị mỗi ngày một thêm
thắm thiết, thân ái hơn. Tôi tìm được nơi chị nguồn an ủi những khi tôi cô đơn,
bị bè bạn họ hàng hắt hủi bỏ rơi.
Tôi đem những bài học ở
nhà trường ra thuật lại với chị để nhờ chị chỉ bảo.
Chị kể cho tôi nghe về
gia đình chị. Về những ngày phải chạy đi tản cư ở những vùng quê. Hết làng này
qua làng khác. Cha chị bị người ta bắt mang đi mất tich. Nghe nói ông bị người
ta nghi ngờ là có quen biết với những người ở đường Quan Thánh Hà Nội.
Mẹ góa con côi, hai mẹ
con chị phải cực khổ, vất vả lắm mới tìm được đường “rinh tê vào tề”.
Ngày chị bỏ làng tôi hồi
cư về Hà Nội. ”Tình yêu” thơ dại của tôi chưa biết khóc, nhưng trong lòng tôi
thì buồn vô hạn.
Tôi hỏi :
-Bao giờ chị trở lại ?
Tôi không ngờ rằng, đó
lại chính là nghĩa của câu hỏi của chữ nho : “Hà Nhật Quân Tái Lai 何日君再 – Bao giờ anh
trở lại”, lại là đầu đề của bài hát mà tôi đã dùng để “tỏ tình” với chị hôm
nào.
Chị im lặng. Kéo tôi vào
lòng, vỗ về an ủi :
-Chị đi vài tháng thì
chị lại về.
Lần đầu tiên tôi cảm
thấy hơi ấm từ cơ thể của một người khác phái lan sang người tôi. Tôi vừa bối
rối. Vừa lúng túng. Tôi không phân biệt nổi cảm giác đó ra làm sao. Nhưng im
lặng. Một thứ cảm giác không tên làm tôi không muốn rời xa chị. Phải chi lúc đó
tôi cũng biết làm thơ và tài hoa như thi sĩ Hoàng Cầm, thì có lẽ tôi cũng có
một bài thơ đấy nhỉ.
Rồi hiệp định Genève,
đất nước chia đôi. Tôi theo mẹ vào Nam. Trải qua nhiều thăng trầm dâu biển, với
biết bao vật đổi sao dời. Lời hứa hẹn vài tháng của chị đã trở thành biền biệt.
Mãi mãi. Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản. Nhưng người đi để lại hình bóng. Tôi
không có cơ hội nào gặp lại người chị láng giềng năm xưa ấy nữa. Còn hình bóng
chị thì mãi mãi vẫn là một tiên nữ hiền lành, khi ẩn khi hiện trong cái thế
giới thơ ấu mang nhiều bất hạnh của tôi.
Những lúc nhớ về chân
trời cũ, tôi chỉ âm thầm hát một mình :
“Cô láng giềng ơi !
Không biết cô còn nhớ đến tôi …”.
Và nếu quả như “tam sinh
hữu hạnh”, tôi xin nguyện làm viên đá mốc rêu nằm bên dốc cầu chờ chị khi tái
sinh đi qua đó.
1-Sự ra đời, và nỗi gian
truân của “Hà Nhât Quân Tái Lai”
« Hà Nhật Quân Tái Lai –Bao
giờ mình trở lại », là một bản tình ca Trung Hoa nổi tiếng, được nhiều
người ưa thích và ca hát, được các vũ trường đua nhau diễn tấu vào cuối thập
niên 30 của thế kỷ trước. Ca khúc này chẳng những được phổ biến rộng rãi khắp
đại lục, mà còn được truyền bá sang các nước đông Nam Á, được dịch ra các thứ
tiếng, Nhật Bản, Tân Gia Ba, Việt Nam…Tuy thế nổi tiếng và được quần chúng yêu
thích như vậy, ca khúc này cũng phải chịu một định mệnh nhiều đắng cay oan
nghiệt, cho cả tác giả, lẫn một số ca sĩ của nó, vì sự gian trá và những tính tóan
chính trị, vô nghệ thuật.
Ca khúc từng bị Trung
Cộng xếp vào loại nhạc dâm đãng đồi trụy, là ca khúc chiêu hồn của đế quốc Nhật
Bản phản động, là loại “nhạc vàng” ủy mị, tức “hoàng sắc đích ca khúc”, và bị
cấm hát, cấm lưu hành, bị bỏ vào “lãnh cung”.
Tác giả của nó, cũng
phải chịu hai chục năm tù tội, oan khuất. Người hát bài ca này là ca ca sĩ khả
ái Đặng Lệ Quân bị cấm túc, không cho đặt chân lên đại lục.
Nguyên tác giả của bản
tình ca này là nhạc sĩ Lưu Tuyết Am ngẫu hứng sáng tác theo điệu tango vào năm
1936, trong một buổi đại hội liên hoan tốt nghiệp lần thứ 4 của những sinh viển
trường “Thượng Hải Quốc Lập Âm Nhạc Chuyên Khoa Học Hiệu”.
Mới đầu, ca khúc chưa có
lời.
Đến năm 1937, trước khi
xẩy ra sự kiện Lưu Câu Kiều vào ngày 7 tháng 7, là ngày quân Nhật phát động
toàn diện cuộc xâm lăng Trung Quốc, công ty Nghệ Hoa Điện Ảnh ở Thượng Hải được
công ty sản xuất kem đánh răng là Tam Tinh tài trợ, dự tính quay phim “Tam Tinh
Bán Nguyệt –Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời”, do nữ tài tử Chu
Tuyền chủ diễn, và đạo diễn là Phương Bái Lâm. Họ Phương liền xin nhạc sĩ Lưu
Tuyết Am cho phép lấy bản tango “Hà Nhật Quân Tái Lai” đang thịnh hành, dùng
làm nhạc đệm cho phim “Tam Tinh Bán Nguyệt”. Nhưng bản nhạc chưa có lời, đạo
diễn họ Phương lại phải nhờ nhà sọan kịch của phim này là Hòang Gia Mô (ký tên
là Bối Lâm) viết lời.
Bài ca diễn tả lời ca
của một thiếu nữ hát tiễn biệt tình nhân trước ngày ra mặt trận. Nói lên sự bi
hoan ly biệt, biểu đạt một nhân sinh quan, cho cuộc đời là ngắn ngủi, hãy kịp
thời vui sống và hưởng lạc đi.
Đương nhiên nó là thiếu
tính tích cực. Nhưng nếu đem cả nội dung của phim và lời ca phân tích, người ta
chẳng tìm thấy tí ti gì là “nhạc vàng”, là “đồi trụy”, hay “phản động” cả. Đó
chỉ sự biểu hiện một thứ tình cảm tư sản thường tình. Yêu nhau mà xa nhau thi
buồn. Đời người ngắn ngủi, hãy mau vui đi.
Cổ kim thi nhân cũng đã
chẳng từng đề cập đến hay sao. Lý Bạch, trong bài Tương Tiến Tửu, đã từng viết:
Quân bất kiến Hoàng Hà
chi thủy thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.
Mới đầu, “Hà Nhật Quan
Tái Lai” chỉ thuần túy là một khúc nhạc đệm cho điện ảnh. Hoàn toàn không mang
một ý đồ chính trị nào khác.
Năm 1937, người đầu tiên
hát bài này là nữ tài tử chủ diễn phim “Tam Tinh Bán Nguyệt”, Chu Tuyền. Nhờ
tiết tấu êm ái dịu dàng, dễ lọt vào tai thính giả. Thêm nữa, lời nhạc lãng
mạng, ngọt ngào nên bản nhạc được lưu truyền một cách nhanh chóng. Từ đầu thôn
cuối ngõ , người ta đua nhau hát một cách đắc ý.
Đến năm 1939, ca khúc
“Hà Nhật Quân Tái Lai” lại được dùng nhạc đệm khi quay phim “Cô Đảo Thiên
Đường 孤島天堂 ”, một phim thuộc loại kháng chiến chống Nhật,
do nữ tài tử Lê Lợi Lợi hát, để khuyến khích thanh niên lên đường tòng quân.
Đến năm 1941, lúc này
cuộc xâm lăng Trung Quốc quân Nhật đã được bốn năm. Một số thành thị, một số
địa khu đã bị chiếm đóng nằm dưới sự quản lý hành chánh của quân đội Nhật. Để
chứng tỏ ở những khu vực bị chiếm đóng này, dân chúng vẫn được yên vui thanh
bình, tâm lý chiến của Nhật đã tung ca khúc “Hà Nhật Quân Tái Lai” do một ca sĩ
khả ái người Nhật , hóa danh là Lý Hương Lan (nguyên tên Nhật là Sơn Khẩu Thục
Tử 山口淑子(*) , bị Trung Hoa nghi ngờ là điệp viên) hát
hàng ngày trên đài phát thanh. Lý Hương Lan mau chóng chiếm được cảm tình và sự
ưu ái của dân chúng.
Ngoài bản Hoa văn, “Hà
Nhật Quân Tái Lai” còn được Lý Hương Lan dịch ra Nhật văn để thâu vào đĩa nhựa.
Bản Nhật văn này cũng được Lý Hương Lan hát và phổ biến đến các doanh trại của
quân đội Nhật. Tất nhiên cũng được họ hoan nghênh nhiệt liệt.
Trong thời kỳ kháng
chiến, chính phủ của Tưởng Giới Thạch dời đô đến Trùng Khánh, nhưng tại những
vùng bị Nhật chiếm đóng “Hà Nhật Quân Tái Lai” được phổ biến rất rộng rãi.
Những người dân tại vùng Nhật chiếm đóng, đua nhau hát “Hà Nhật Quân Tái Lai”
để tỏ niềm khát vọng khu trừ được quân Nhật.
Thế là “Hà Nhật Quân Tái
Lai”, từ một ca khúc bình thường, biến thành một ca khúc yêu nước, và vượt trội
hẳn những ca khúc mang tính chất tuyên truyền chính trị khác và tồn tại đến
ngày nay.
Tuy thế, trong già nửa
thế kỷ tồn tại ấy, “Hà Nhật Quân Tái Lai” phải chịu một vận mệnh đầy oan khuất,
bị cấm đoán, bị trù dập, đả kích.
Cũng trong thời kỳ kháng
chiến chống Nhật, người Nhật phát hiện ra rằng “Hà Nhật Quân Tái Lai” được xử
dùng làm nhạc đệm trong một phim chống Nhật. Lập tức nhà đương cục Nhật ra lệnh
cấm, không cho hát bài này nữa. Họ lấy lý do là chữ “ quân 君” –(có nghĩa là anh,
là mình) đọc thành chữ “quân 軍”, tức “quốc quân 國軍” (có nghĩa là quân
của Quốc Dân Cách Mạng, kháng chiến).
Ít lâu sau thì cả bản
Nhật văn cũng bị cơ quan kiểm tra của Nhật cấm. Họ cho là vì âm điệu của bài
hát có tinh chất lê thê ủy mị, sẽ làm cho binh sĩ Nhật mất kỷ luật, nản lòng
chiến đấu. Người Nhật còn nghi ngờ rằng, dân chúng Trung Hoa sống trong vùng
Nhật chiếm đóng, thông qua bài hát này muốn bầy tỏ sự trông chờ quốc quân Trung
Quốc đến giải phóng họ.
Đến cuối thời kỳ kháng
chiến, ở Nam Kinh, Thượng Hải, quân đội Nhật biết rằng họ sắp thua trận. Nhưng
thua thì thua, họ nẩy ra ý định thay đổi nhan đề của bài hát, sửa chữ “Hà 何” ra chữ “Hạ 賀”, “Quân 君” trở thành “Quân 軍”, và “Hà Nhật Quân Tái
Lai-何日君再來-Bao giờ anh trở lại » biến thành « Hạ Nhật Quân Tái
Lai-賀日君再來-Mừng quân Nhật trở lại », và cho phát thanh đêm ngày
trên đài, như một lời ước hẹn trở lại của người Nhật.
Việc thay đổi lời ca như
thế, ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến tâm lý quần chúng, nên những nhân viên
tình báo của phe kháng chiến trong lòng địch bèn thông tin cho Trùng Khánh, thủ
phủ của kháng chiến biết. Tưởng Giới Thạch bèn đích thân ra lệnh cấm hát bài ca
này. Đồng thời những dĩa nhựa “Hà Nhật Quân Tái Lai”của công ty sản xuất chưa
bán ra cũng bị tịch thâu để tiêu hủy. Các đài phát thanh thuộc phe kháng chiến
cũng không còn hát “Hà Nhật Quân Tái Lai” nữa. “Hà Nhật Quân Tái Lai” đang từ
điểm cực thịnh bị rơi xuống hố thẳm. Bị coi là nhục quốc thể. Bị cấm hát, im
lìm, không còn được ai nhắc đến nữa.
Sau khi Nhật bại trận,
năm 1952, khi Lý Hương Liên trở về Nhật Bản, mới lại đem “Hà Nhật Quân Tái Lai”
ra hát lại và thâu vào đĩa nhựa, cả Nhật văn lẫn Hoa văn.
Năm 1966, hãng phim
“Thiệu Thị Công Ty” tức công ty Shaw Brothers, từng sản xuất các phim nổi tiếng
chiếu ở Sai Gòn trước 1975, như “Độc Thủ Đại Hiệp”, “Long Hổ Quyết Đấu”… không
biết Đài Loan có lệnh cấm bài “Hà Nhật Quân Tái Lai”, và cũng không biết Lưu
Tuyết Am lúc đó đang bị Trung Cộng phê đấu, hành hạ, vì là tác giả của bài hát
này, Thiệu Thị Công Ty cho quay một bộ phim mang tên “Hà Nhật Quân Tái Lai”
cùng với tên bài hát, nhưng may mắn không bị cấm. Ngay cả phim “Lam Dữ Hắc” của
Lâm Đại cũng dùng “Hà Nhật Quân Tái Lai” làm nhạc đệm mà cũng không bị nhà cầm
quyền Đài Loan để ý xử lý.
Đến năm 1980, “Hà Nhật
Quân Tái Lai” mới hoàn toàn được Đài Loan tháo giây cởi trói, cho phép hát lại.
Lúc đó, ca sĩ Đặng Lệ Quân đem bài hát này chỉnh biên lại, nhờ thế, “Hà Nhật
Quân Tái Lai” được rời khỏi “lãnh cung” ra với quần chúng.
Đến khi Trung Cộng thi hành chính sách Cải Cách Khai Phóng, “Hà Nhật Quân Tái Lai” may mắn được trở về lục địa, được dân chúng hoan nghênh nhiệt liệt, vì giọng ca và cách trình diễn của Đặng Lệ Quân trội hơn tất cả những ca sĩ đã hát bài này trước đó, hơn nữa thính giả lại được nghe miễn phí lúc đầu.
Đến khi Trung Cộng thi hành chính sách Cải Cách Khai Phóng, “Hà Nhật Quân Tái Lai” may mắn được trở về lục địa, được dân chúng hoan nghênh nhiệt liệt, vì giọng ca và cách trình diễn của Đặng Lệ Quân trội hơn tất cả những ca sĩ đã hát bài này trước đó, hơn nữa thính giả lại được nghe miễn phí lúc đầu.
Ca Sĩ Đài Loan Đặng Lệ Quân - Teresa Teng
Click vào hình để nghe bài "Hà Nhật Quân Tái Lai"
do Đặng Lệ Quân ( Teresa Teng ) trình bày
do Đặng Lệ Quân ( Teresa Teng ) trình bày
Năm 1982, giữa lúc “Hà
Nhật Quân Tái Lai” và Đặng Lệ Quân được sự hâm mộ nhiệt tình của quần chúng,
thì ban bảo vệ văn hóa tư tưởng của Trung Cộng lại có nhận định cho rằng đây là
một bài ca không chính đáng, mang tính chất “bán phong kiến, bán thực dân”, là
“hoàng sắc ca khúc”, là “nhạc vàng ủy mị”, bèn ra lệnh cấm thâu nhập, truyền
bá. Cũng như chính phủ Nhật Bản trước đó, nhà đương cục lục địa còn cho rằng
“Hà Nhật Quân Tái Lai” còn mang ẩn ý hy vọng ngày phản công của Quốc Dân Đảng
tái chiếm lục địa.
Thế là “Hà Nhật Quân Tái
Lai” lại bị nhà cầm quyền Trung Cộng cho vào “lãnh cung”. Đặng Lệ Quân bị “cấm
túc”, không cho đặt chân lên lục địa.
Còn Lưu Tuyết Am, cha đẻ
của ca khúc này, cũng phải chịu một vận mệnh oan nghiệt, cơ cực, nhiều truân
chuyên không kém gì đứa con tinh thần của mình.
2-Về tác giả Lưu Tuyết
Am
Lưu Tuyết Am sinh năm
1905, người Đồng Huyện tỉnh Tứ Xuyên, thời thơ ấu học ở trường huyện. Vì có máu
yêu thích âm nhạc, ngay từ nhỏ, ông đã sớm được tập luyện về dương cầm, vĩ cầm,
côn khúc. Sau vì cha mẹ bị bệnh đều qua đời hết, ông phải bỏ học, đi làm công
để mưu sinh.
Năm 1926, ông thi vào
học trường Mỹ Thuật Chuyên Khoa Học Hiệu ở Thành Đô, học vẽ với thầy là Lý Đức
Bồi. Vừa học vừa làm trong vòng ba năm. Năm 1929, trường học vì lý do chính trị
bị điều tra đóng cửa. Ông chuyển lên Thượng Hải xin vào học trường Âm Nhạc
Chuyên Khoa Học Hiệu, chuyên học về sáng tác nhạc và học dương cầm với Lý Duy
Ninh, Tiêu Hữu Mai và Hoàng Tự.
Năm 1930. Lưu Tuyết Am
bắt đầu viết nhạc. Bài “Phiêu Linh Đích Lạc Hoa” là “xử nữ tác” của ông, tiếp
đến những bài “”Đạp Tuyết Tầm Mai”, “Phi Nhạn”, đều là những bài được sáng tác
khi còn ở trong trường. Ông trở thành môn sinh đắc ý của giáo sư âm nhạc Hoàng
Tự.
Sau đó, ông còn sáng tác
nhiều bài khác mang tính chất nghệ thuật, được quần chúng ưa thích như “Hồng
Đậu Từ”, “Trường Thành Dao”.
Rồi sau khi tốt nghiệp,
trong buổi lễ kỷ niệm liên hoan của trường “Thượng Hải Quốc Lập Âm Nhạc Chuyên
Khoa Học Hiệu”, Lưu Tuyết Am đã sáng tác một vũ khúc theo điệu Tango, có tên là
“Hà Nhật Quân Tái Lai”.
Và chính vì ca khúc này
mà về sau ông bị chụp mũ là “Hán gian”, viết “nhạc vàng ủy mị”.
Năm 1957, ông bị Trung
Cộng xếp vào hạng “hữu phái”. Đến thời kỳ “Văn Hóa Đại Cách Mạng”, ông bị Hồng
Vệ Binh phê đấu một cách tàn nhẫn, thậm chí bắt ông phải thừa nhận là vào thời
quân Nhật mới bắt đầu xâm lấn Trung Hoa, chữ “Quân君 ” trong “Hà Nhật Quân
Tái Lai 何日君再來”, là chữ “quân 軍” trong “Nhật Bản Hòang
Quân 日本皇軍”, ông bị kết tội là một tên “đại mãi quốc tặc”.
Ông bị bỏ tù và chịu lao
động cải tạo trong 10 năm. Sau đó bị điều về làm giáo thụ trường “Bắc Kinh Nghệ
Thuật Học Hiệu”, để tiếp tục lao cải. Công việc hàng ngày của ông ở đây chỉ là
hốt phân, quét cầu tiêu. Ông đội mũ cắm cúi im lặng làm việc. Mất hết cả nhân
phẩm. Ông không dám ngẩng mặt nhìn người khác. Và người ta cũng sợ không dám
nhìn ông mà liên lụy, nên bạn bè đều lảng tránh xa ông cả. Vận mệnh của ông
thật là bi thảm, làm khổ lây đến người vợ hiền lành là bà Kiều Cảnh Vân, khi bà
lấy thân đỡ đòn cho ông, nên bị Hồng Vệ Binh đá tàn nhẫn vào hạ thể, bị trọng
thương rồi từ trần.
Mãi về sau này, năm
1985, Lưu Tuyết Am mới được bình phản, phục hồi lại danh dự . Thì hỡi ơi, phong
chúc tàn niên, hai mắt ông đã mù, thân ông như ngọn đèn tàn chờ cơn gió thỏang
đưa cuộc đời tài hoa nghệ sĩ của ông sang một bờ suối khác, trả lại cho hồng
trần bội bạc những oan nghiệt, trầm luân.
Lưu Tuyết Am không phải
là người nghệ sĩ tài hoa duy nhất và đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc bị những
mưu toan chính trị, ở phía này hay phía khác, vu cáo và bách hại. Cổ kim xưa
nay, trước ông đa số các hoàng đế bạo quân, thường để lại những vụ án văn học
thảm khốc.
Ông mất ngày 13 tháng 3
năm 1985, sau khi đã để lại một số những tuyệt phẩm làm vui tươi cuộc đời.
3-Nguyên lời ca khúc của
“Hà Nhật Quân Tái Lai”
Dưới đây là lời ca chữ
Hán của bài « Hà Nhật Quân Tái Lai » do Bối Lâm viết, nhạc của Lưu Tuyết Am.
Bối Lâm là hóa danh của kịch tác gia Hoàng Gia Mô, người đã viết truyện
phim“Tam Tinh Bán Nguyệt -Nửa vàng trăng khuyết ba sao giữa trời”. Lời
của nguyên tác dài hơn lời của ca sĩ Đặng Lệ Quân biên chỉnh lại mà người ta
thường nghe sau này. Ca khúc láy đi láy lại nhiều lần“Đêm nay ly biệt rồi, bao
giờ anh trở lại”. Nghe quyến luyến và day dứt vô cùng.
Người viết xin ghi lại
dưới đây:
何日君再來
Hà Nhat Quân Tái Lai
Hà Nhat Quân Tái Lai
作曲﹕劉雪庵
Tác khúc : Lưu Tuyết Am
Tác khúc : Lưu Tuyết Am
作詞﹕貝林
Tác từ :Bối Lâm
Tác từ :Bối Lâm
好花不常開好景不常在愁堆解笑眉淚灑相思帶
Hào hoa bât thường khai, hào cảnh bât thường tại, sầu đôi giải tiểu my, lệ sái tương tư đái
Hào hoa bât thường khai, hào cảnh bât thường tại, sầu đôi giải tiểu my, lệ sái tương tư đái
今宵離別後何日君再來喝完了這杯請進點小菜
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai, hát hòan liễu giá bôi, thỉnh tiên điểm tiểu thái
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai, hát hòan liễu giá bôi, thỉnh tiên điểm tiểu thái
人生難得幾回醉不歡更何待
Nhân sinh nan đắc kỷ hôi túy bât hoan cánh hà đãi
Nhân sinh nan đắc kỷ hôi túy bât hoan cánh hà đãi
(男白) 來來來喝完了這杯再說吧
(Nam bạch) Lai lai lai, hát hòan liễu giá bôi tái thuyết ba
(Nam bạch) Lai lai lai, hát hòan liễu giá bôi tái thuyết ba
今宵離別後何日君再來
Kim tiêu ly biệt hậu , hà nhật quân tái lai
Kim tiêu ly biệt hậu , hà nhật quân tái lai
曉露濕中庭沉香飄戶外 寒鴉依樹棲明月照高台
Hiểu lộ thâp trung đình, trầm hương phiêu hộ ngoại, hàn nha y thụ thê, minh nguyệt chiếu cao đài
Hiểu lộ thâp trung đình, trầm hương phiêu hộ ngoại, hàn nha y thụ thê, minh nguyệt chiếu cao đài
今宵離別後何日君再來喝完了這杯請進點小菜
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai, hát hoàn liễu giá bôi, thỉnh tiến điểm tiểu thái
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai, hát hoàn liễu giá bôi, thỉnh tiến điểm tiểu thái
人生難得幾回醉不歡更何待
Nhân sinh nan đac kỷ hôi túy bất hoan cánh hà đãi
Nhân sinh nan đac kỷ hôi túy bất hoan cánh hà đãi
(男白) 來來來再敬你一杯
(Nam bạch) Lai lai lai, tái kính nễ nhất bôi
(Nam bạch) Lai lai lai, tái kính nễ nhất bôi
今宵離別後何日君再來
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai
玉漏頻相催良辰去不回一刻千金價痛飲莫徘徊
Ngọc lau tân tương thôi, lương thần khứ bất hồi, nhất khắc thiên kim giá, thống ẩm mạc bồi hồi
Ngọc lau tân tương thôi, lương thần khứ bất hồi, nhất khắc thiên kim giá, thống ẩm mạc bồi hồi
今宵離別後何日君再來喝完了這杯請進點小菜
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai, hát hoàn liễu giá bôi, thỉnh tiến điểm tiểu thái
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai, hát hoàn liễu giá bôi, thỉnh tiến điểm tiểu thái
人生難得幾回醉不歡更何待
Nhân sinh nan đắc kỷ hồi túy bất hoan cánh hà đãi
Nhân sinh nan đắc kỷ hồi túy bất hoan cánh hà đãi
(男白) 來來來再敬你一杯
(Nam bạch) Lai lai lai, tái kính nễ nhất bôi
(Nam bạch) Lai lai lai, tái kính nễ nhất bôi
今宵離別後何日君再來
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai
停唱陽關疊重擊白玉杯殷勤頻致語牢牢撫君懷
Đình xướng Dương Quan Điệp, trùng kích bạch ngọc bôi, ân cần tân chí ngữ, lao lao phủ quân hoài
Đình xướng Dương Quan Điệp, trùng kích bạch ngọc bôi, ân cần tân chí ngữ, lao lao phủ quân hoài
今宵離別後何日君再來喝完了這杯請進點小菜
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai, hát hoàn liễu giá bôi, thỉnh tiến điểm tiểu thái
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai, hát hoàn liễu giá bôi, thỉnh tiến điểm tiểu thái
人生難得幾回醉不歡更何待
Nhân sinh nan đắc kỷ hôi túy bất hoan cánh hà đãi
Nhân sinh nan đắc kỷ hôi túy bất hoan cánh hà đãi
(男白) 哎再喝一杯乾了吧
(Nam bạch) Ai, tái hát nhất bôi càn liễu ba
(Nam bạch) Ai, tái hát nhất bôi càn liễu ba
今宵離別後何日君再來
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai
Kim tiêu ly biệt hậu, hà nhật quân tái lai
Bản dịch tiếng Việt xin coi phần chú
thích bên dưới
4-Hà Nhật Quan Tái Lai
du nhập Việt Nam vào năm nào?
Như đã trình bầy ở trên,
khi hát mấy câu :
Em có chồng sao em không
nói,
Để anh theo anh ghẹo em hoài
Để anh theo anh ghẹo em hoài
Tôi cũng như những người
bạn đồng trang lứa lúc bấy giờ, chúng tôi chỉ hát một cách vô thức, không mang
một chút ý nghĩa nào. Việc « tỏ tình » với người liền chị hàng xóm năm xưa, là
một việc thầm kín riêng tư đến sau này của mình tôi mà thôi. Cũng như lớp trẻ
con sau năm 1975, chúng thường bảo nhau nghêu ngao hát «nhái » một bài hát rất
thịnh hành của Trịnh Công Sơn ngày trước đó:
Từ Bắc vô Nam tay cầm
cái roi
Tay kia cầm sợi dây để bắt con cầy.
Tay kia cầm sợi dây để bắt con cầy.
Tuổi thơ nào cũng đều vô
tư và giống nhau như thế cả.
Do đó, tôi không hề đặt
câu hỏi về xuất xứ của câu hát này, và bài “Hà Nhật Quân Tái Lai” đã được du
nhập vào Việt Nam như thế nào, vào năm nào. Đây là một câu hỏi, chúng tôi không
có tài liệu để trả lời. Cũng may, một ông bạn già vong niên, trong lúc trà dư
tửu hậu ở quán thịt dê, đã cho tôi biết là ông đã từng được nghe bài “Hà Nhật
Quân Tái Lai” vào đầu thập niên 1940, khi đó ông còn trẻ, lúc ông mới bước chân
vào ngưỡng cửa Thành Chung.
Thời bấy giờ, “Hà Nhật
Quân Tái Lai” là bài hát khá thịnh hành trong các vũ trường, hộp đêm. Ông còn
nhớ được, tuy không chắc chắn đầy đủ, lời tiếng Việt của bài hát đại để này như
sau :
Bao Giờ Anh Trở Lại
Đi để lại hình bóng
Gợi nhớ thương dào dạt trong lòng,
Em nhắn nhủ thời gian
Đem đến trả tình quân
Ai biết chăng êm đềm gió thu
Ai biết cho lòng em âu sầu
Như lá thu vàng vừa rơi
Lướt trên hồ đằng xa
Còn mong sẽ có một tương lai nữa nhỉ
Giữ duyên khỏi phai
Mai kiếp phong trần lôi kéo đời
Em nhắn nhủ tình quân
Đi lại một kỳ tới xuân
Gợi nhớ thương dào dạt trong lòng,
Em nhắn nhủ thời gian
Đem đến trả tình quân
Ai biết chăng êm đềm gió thu
Ai biết cho lòng em âu sầu
Như lá thu vàng vừa rơi
Lướt trên hồ đằng xa
Còn mong sẽ có một tương lai nữa nhỉ
Giữ duyên khỏi phai
Mai kiếp phong trần lôi kéo đời
Em nhắn nhủ tình quân
Đi lại một kỳ tới xuân
Dĩ nhiên, chắc chắn đây
không phải là lời dịch của bài “Hà Nhật Quân Tái Lai”, nhưng ý và lời Việt của
bài hát này cũng mang đầy tính lãng mạn như lời của nguyên bản. Lời ca cứ như
quấn quýt quện vào nhau, không rời. Nói lên được sự quyến luyến triền miên của
người con gái trước lúc chia tay từ giã người tình. Đúng là :
”Nhất cú ly ca nhất độ
sầu-一句离歌一度愁”
Đây là một bài viết mua
vui, viết để đáp lại câu hỏi của người bạn già tóc trắng, cùng một số bằng hữu
của ông, muốn tìm hiểu về lai lịch của bài “Hà Nhật Quân Tái Lai”. Và cũng để
tạ cái tình ông đã “khởi động” cho tôi sống lại một kỷ niệm về một câu hát của
tuổi thơ ấu năm xưa.
Kính chúc vạn an.
Paris, ngày
14-1-2011-Lúc 11h 45-
Phạm Xuân Hy
Phạm Xuân Hy
CHÚ THÍCH
Dương Quan 陽 關
Là tên một cửa quan một
cửa quan, nằm cách thành phố Đôn Hoàng tỉnh Cam Túc, hơn bẩy mươi cây số về
phía tây. Mới đầu, cửa quan này được cất dưới triều đại của Hán Võ Đế. Nhân vì
Dương Quân nằm ở phía nam của Ngọc Môn Quan, nhân thế mà thành tên Dương Quan
(ngày xưa vùng đất phía nam của núi thì gọi là dương 陽). Vì thế, Dương Quan và
Ngọc Môn Quan được xưng là Nhị Quan
Dương Quan được coi là
yết hầu của đường giao thông cổ xưa đến Tây Vực, Đồng thời, « Dương Quan » cũng
là tên gọi của một ca khúc, gọi tắt từ tên « Dương Quan Tam Điệp », bắt nguồn
từ bài thơ được phổ nhạc của Vương Duy là « 送元二使安西 –Tống Nguyên Nhị Sứ An Tây» trong đó có
hai câu :
勸君更盡一杯酒
Khuyên quân cánh tận nhất bôi tửu
Khuyên quân cánh tận nhất bôi tửu
西出陽關無故人.
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân
(Khuyên chàng cạn hết
chén này –Dương Quan tây xuất không còn cố nhân).
Và vì thế Dương Quan
được coi là bài hát tiễn biệt nhau.
Lư Câu Kiều Sự Biến 盧溝橋事變
Lư Câu Kiều (tây phương
gọi là cầu Marco Polo) nằm ở phía tây nam Bắc Kinh 15 cây số, nhân cầu nằm bắc
ngang sông Lư Câu Hà mà thành tên gọi, là cây cầu bằng đá tối cổ của thành phố
Bắc Kinh tồn tại đến ngày nay.
Lư Câu Kiều sự kiện là
sự kiện đánh dấu ngày Nhật Bản phát động cuộc xâm lấn Trung Hoa, và cùng là
ngày người Trung Hoa kỷ niệm bắt đầu kháng chiến.
Từ tháng 6 năm 1937,
Nhật Bản liên tiếp tăng quân ở vùng Bình Tân, và tại vùng phụ cận Uyển Bình
Huyện, Bắc Bình diễn tập quân sự để khiêu khích.
Đến đêm 7 tháng 7 năm
1937, trưởng cơ quan đặc vụ của Nhật Bản là Tùng Tiến nói dối là có một binh sĩ
Nhật Bản bị mất tích khi diễn tập, yêu cầu được tiến hành điều tra ở Uyển Bình
Huyện. Sự yêu cầu này bị Trung Hoa cự tuyệt. Nhật Bản lập tức phát động cuộc
tấn công vào phía quân Trung Quốc đóng ở Lư Cầu Kiều, và oanh kích vào Uyển
Bình Huyện.
Dưới đây là bản dịch «
Hà Nhật Quân Tái Lai »
Hoa đẹp không thường nở,
cảnh đẹp hiếm khi còn, buồn lấp đầy khóe mắt
Đêm nay xa nhau rôi, bao
giờ anh trở lại ? Xin cạn chén này đi, gắp thêm vài miếng nhắm
Đời người say được mấy
lần, Không vui chờ đến bao giờ mới vui?
Giọng nam :
Lại đây! Lại đây ! Hãy
lại đây! Cạn hết chén này rồi nói tiếp !
Đêm nay xa nhau rồi, bao
giờ anh trở lại ?
Sương sớm ướt mái đình,
trầm hương bay ngoài ngõ, quạ buồn kêu ngọn cây, lầu cao trăng sáng tỏ
Đêm nay xa nhau rồi, bao
giờ anh trở lại ? Cạn xong chén này đi, gắp thêm vài miếng nhắm
Đời người say được mấy
lần, Không vui chờ đến bao giờ mới vui?
Giọng nam :
Lại đây! Lại đây ! Hãy
lại đây! Cạn hết chén này rồi nói tiếp.
Đêm nay xa nhau rồi, bao
giờ anh trở lại?
Trông canh thôi thúc
điểm, ngày vui không trở lại, một phút giá ngàn vàng, say đi đừng hờ hững
Đêm nay xa nhau rồi, bao
giờ anh trở lại ? Cạn xong chén này đi, gắp thêm vài miếng nhắm
Đời người say được mấy
lần, Không vui chờ đến bao giờ mới vui?
Giọng nam:
Lại đây! Lại đây ! Hãy
lại đây, mời anh thêm chén nữa
Đêm nay xa nhau rồi, bao
giờ anh trở lại ?
Thôi đừng hát khúc Dương
Quan, cùng nâng chén bạch ngọc, vài lời ân cần gửi gấm, xin anh giữ kỹ trong lòng
Đêm nay xa nhau rồi, bao
giờ anh trở lại? Cạn xong chén này đi, gắp thêm vài miếng nhắm
Đời người say được mấy
lần, không vui chờ đến bao giờ mới vui ?
Giọng nam :
Nào ! cạn thêm chén nữa
nhé
Đêm nay xa nhau rồi, bao
giờ anh trở lại
|
Ấn chương ( 印章) mà ta vẫn thường gọi là con dấu, hay ấn tín; tuy chỉ là
một vật dụng nhỏ bé, nhưng lại mang tính thực dụng và nghệ thuật hết sức to
lớn.
Đứng về mặt thực dụng, ấn chương
hay con dấu là bằng chứng trọng yếu trong việc hành sử quyền lực chính trị
của một quốc gia hay một chính quyền. Còn đứng về phương diện tư nhân và hoặc
giao dịch thương mại, mậu dịch qua lại , ấn chương là một tín vật không thể
thiếu được. Còn đứng về phương diện nghệ thuật, bản thân của ấn chương cũng
là một tác phẩm nghệ thuật, được sáng tạo một cách tinh nhã, trạm chỗ chi li
tỉ mỉ công phu, với những hoa văn nhỏ bé, âm dương biến ảo, cùng với
nghệ thuật thư hoạ của Trung Quốc, song hành đắp bù cho nhau.
Vì thế, từ hàng ngàn năm nay trong
suốt lịch sử Trung Quốc, dù xẩy ra những biến đổi cơ chế xã hội, nhưng tác
dụng của ấn chương vẫn không thay đổi.
A-Nguồn gốc của ấn
chương.
Sự xuất hiện ấn chương ở Trung
Quốc, đã có một lịch sử lâu dài. Ấn chương có một sự quan hệ mật thiết đối
với sự phát triển giao hoán thương phẩm, vì ấn chương là bằng chứng của sự
giao hoán thương phẩm, hóa vật và là tín vật trao đổi vật phẩm cho nhau.
Các nhà nghiên cứu văn hóa Trung
Quốc, cho rằng "ấn chương" đã xuất hiện rất sớm cách nay mấy ngàn
năm. Ngay từ thời nhà Ân, người Tầu đã biết dùng vật nhọn để khắc những bức
hoạ tượng hoa văn lên những hòn đá, thường thường là nhân vật, động vật, thực
vật, nhưng đó mới chỉ là sự manh nha của ấn chương, nhưng cùng với sự mở rộng
việc trao đổi thương phẩm và chế độ tư hữu chế dần dà được thiết lập, ấn
chương cũng mỗi ngày được sử dụng rộng rãi thêm.
Có người cho rằng ấn chương xuất
hiện ở vào thời kỳ Tây Chu và Chiến Quốc và Tây Hán chỉ là loại "tiêu
hình ấn 肖形印", tức những hình vẽ giống hình vẽ cụ thể ở ngoài,
còn những hoa vằn đồ án của tiêu hình ấn rất là phồn tạp.
Các hình vẽ ở bề mặt của ấn chương
được người ta xếp thành năm loại như dưới đây :
1-Nhân vật loại có các hình:
Săn bắn, chăn nuôi, sinh sản mục súc, xe ngựa, âm nhạc, nhảy múa, hý kịch, quan lại, thần thoại…
2-Phi cầm loại có các hình:
Chim bồ câu, con ngỗng, chim tu
hú, chim nhạn, chim loan, chim hạc, chim phụng, chim khổng tước, anh vũ, uyên
ương, con vịt, con cò, chim ưng…
3-Tẩu thú loại có các hình:
Con ngựa, con dê, con bò, con lạc
đà, con chó, con lừa, con thỏ, con mèo, con chuột, con vượn, con hươu, con
voi, con sư tử, con hổ, con báo, con hà mã…
4-Trùng ngư loại có các hình:
Con cá, con rắn, con rồng, con
rùa, con ếch, con cóc, con rết, con nhện, con thạch sùng…
5-Các loại khác như cái chén, cái
bình, cái lọ, cái lư hương, cái đàn tì bà…
Nhưng "tiêu hình ấn" vào
thời Thương, Chu đa số là khắc mặt các con thú vật quái lạ như quỳ
long 夔龍, quỳ phụng 夔鳳 , bàn ly 蟠 螭 , thao thiết 饕餮 … như thế, khiến người ta nghĩ rằng hẳn những loại tiêu
tượng ấn này có liên quan mật thiết với những truyền thuyết thần thọai cổ đại
và tín ngưỡng tôn thờ tô tem.
Đến đời Chiến Quốc việc sử dụng ấn
chương được thực hành rộng rãi. Và người ta đã tìm thấy có những chiếc ấn
thuộc loại "tiêu hình ấn" vào thời này trạm chỗ đầu rồng, đầu
phượng, chung quanh là hoa vằn và đường viền quấn quanh trông tinh chí như
thực. Lại có những chiếc ấn chỉ nhỏ bằng hạt đậu khắc hình con hươu chạy, có
cái trạm khắc tượng thần mặt người, mồm chim, tai rắn, chân dẫm lên mãng sà…
hình tượng trông rất truyền thần. Tất cả những hình tượng ấy đều phản ánh tư
tưởng và phong tục xã hội lúc bấy giờ.
Việc sử dụng ấn chương càng ngày
càng phát triển, chẳng những phổ biến trong giới tư nhân để giao hoán hàng
hóa, vật phẩm gọi chung là loại tư ấn, mà ấn còn được dùng làm tượng trưng
của hoàng đế, hay các cơ quan quyền lực quốc gia, gọi chung là quan ấn.
Chất liệu được sử dụng để cấu tạo
ấn chương thường bằng vàng, bạc, đồng, đá, ngọc, xương, gỗ, trúc…nhưng bằng
gỗ thấy nhiều hơn cả. Còn về hình thức thì có loại phương hình, viên hình,
phương trường hình, tâm hình, đa biên…
B-Các danh xưng của
ấn chương
Thời Tiên Tần, bất luận quan ấn
hay tư ấn đều gọi là " tỉ 璽 " , hoặc " tỉ tiết 璽 節 ", không có sự phân biệt lớn
nhỏ, quý tiện, và cũng không thống nhất về mặt hình thức.
-Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi
các quốc quân bổ nhiệm quan lại của mình, đều cấp phát "tỉ",
tức "quan ấn 官印"
cho họ để làm bằng chứng.
"Tỉ " có thể làm bằng
ngọc, bằng kim loại, hay bằng đồng. Dùng " tỉ 璽 " của quốc quân hay quan
viên đóng trên văn thư thì gọi là " tỉ thư 璽 書 ".
-Cho đến khi Tần Thủy Hoàng diệt
lục quốc, về phương diện chế tạo, danh xưng, và sử dụng của ấn chương
mới được chặt chẽ qui định.
Tần Thủy Hoàng qui định rằng
" tỉ 璽 " là từ dành riêng để gọi ấn của hoàng đế, và
"tỉ" phải được chế và khắc trên ngọc, vì thế nên được gọi là
"ngọc tỉ", còn ấn ký hoàng đế được gọi là "tỉ thư 璽書 ". Cho nên "tỉ
thư" trở thành từ ngữ chuyên môn để chỉ chiếu thư và sắc mệnh của hoàng
đế.
Còn ấn của quan viên thì được chế
bằng đồng. Sự khác biệt đẳng cấp giữa các quan lại được qui định bằng mầu sắc
của các giây thao dùng để đeo ấn.
Nhà Hán theo lệ nhà Tần, cũng gọi
"ấn" của nhà vua gọi là "tỉ 璽 ", còn ấn của quan lại thì
lại gọi là "chương 章", hoặc "ấn 印 ", còn của tư nhân thì gọi là "ấn tín 印信 ".
-Đến đời Đường, vì âm " tỉ 璽 " cận âm với âm " tử 死 ", nên tỵ húy, gọi ấn của
nhà vua là "Bảo 寶 ".
Về cơ bản, quan ấn của các vương
triều phong kiến Trung Quốc thừa tập chế độ ấn chương của nhà Tần. Còn tư ấn,
thì từ đời Lưỡng Hán trở về sau, giấy được xử dụng một cách rộng rãi, kèm
theo sự phát triển của nghệ thuật hội họa, thư pháp, nên việc xử dụng tư ấn
cũng nhiều hơn.
Theo truyền thuyết, thì người đầu
tiên sử dụng ấn đóng lên trên thư, họa là Lý Thế Dân, tức Đường Thái Tông.
Rồi do các quân vương các đời sau đề xướng, các văn nhân mặc khách bắt chước
theo, đều thích sử dụng ấn in trên tranh vẽ và thư pháp của mình.
Từ hai triều Thanh Minh cho đến hiện
đại, một số lớn nhà hội họa, và các thư pháp gia như Triệu Mạnh Phủ, Vương
Miện, Thạch Đào đều coi ấn chương là một bộ phận trọng yếu trong những tác
phẩm thư họa của họ.
Sự kết hợp giữa ấn chương với nghệ
thuật thư họa, thúc đẩy thêm sự phát triển về nghệ thuật khắc ấn. Đồng thời,
hình thành những môn phái khác nhau. Thời Minh Thanh khá nổi tiếng có An Huy
phái mà nhân vật đại biểu là Trình Thúy , Triết Giang phái có Đinh Kính.
Ngày xưa ấn và tỉ, ở phần dưới đáy
được làm theo hình vuông, có khắc loại chữ triện, bên trên có cái núm hình
đầu rồng hay đầu hổ, gọi là "ấn nữu 印 紐 ". Ấn nữu có một cái lỗ để cột dây gọi là "thụ 綬", ta dịch nghĩa là dây thao. Dây thao đeo ngọc ấn
của hoàng đế gọi là "tỉ thụ璽 綬 ". Còn dây đeo đồng ấn của quan lại thì gọi là
"ấn thụ 印 綬 ".
Các quan lại mỗi khi đến nhiệm sở, hay đi tuần ở xa, rất sợ bị mất ấn, nên
thường đeo ấn vào vào bên trong bụng và cột giây thao ở thắt lưng.
Trong "Sử Ký-Phạm Tuy liệt
truyện" mô tả Phạm Tuy đi làm quan : " Hoài hoàng kim chi ấn,
kết tử thụ vu yêu 懷 黃 金 之 印 結 紫 綬 于 腰- Dấu ấn vàng vào trong bụng và đeo giây thao ở thắt
lưng". Cho thấy thái độ gìn giữ ấn tín một cách kỹ lưỡng của Phạm Tuy
Đại khái, lúc bấy giờ ấn của các
Thừa Tướng và các đại quan làm bằng vàng và giây thao mầu tím. Viên quan nào
bị tội phải bãi chức hay bị điều nhậm nơi khác thì phải trải lại ấn cho triều
đình.
Ngày nay, những nhà sưu tầm những
ấn chương cổ thường dựa vào bốn phương diện chủ yếu dưới đây để giám định
thật giả.
Đó là tài liệu đã tạo ra ấn. Hình
trạng của ấn. Núm của ấn và ấn văn, tức chữ trên mặt ấn.
Về vật liệu để làm ấn, như đã
trình bầy ở trên, ấn có thể được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau: vàng,
bạc, đồng, gỗ, xương, đá pha lê, hổ phách…Quan ấn thường được làm bằng đồng.
Trong dân gian, từ đời Nguyên, loại ấn làm bằng đá được phổ biến lưu hành
rộng rãi.
Trước thời Chiến Quốc, "ấn
nữu", tức núm ấn thường là tỵ hình, hình mũi, nên có khi gọi ấn nữu
là" ấn tỵ". Quan ấn to hơn, chữ trên mặt ấn khắc nổi. Còn tư ấn nhỏ
hơn, chữ trên mặt ấn đa số khắc chìm.
Đời nhà Tần, chữ trên mặt quan ấn
khắc chìm và thuộc loại chữ triện đời Tần. Bố cục của ấn diện, tức mặt ấn là
hình chữ điền 田 hay chữ nhật 日để làm danh giố. Tư ấn đa số là trường phương hình (tức
chữ nhật).
Đời nhà Hán, dù quan ấn hay tư ấn,
ấn nữu là tị nữu, ngõa nữu, kiều nữu, sà nữu, ngư nữu, lạc đà nữu, hổ nữu…chữ
khắc đoan chính thẳng thắn, phong cách trang nghiêm.
Thời Ngụy Tấn, đứng về phương diện
hình thức, tuy duyên tập theo nhà Hán, nhưng trông không thanh bằng các ấn
đời Hán. Ấn văn; tức chữ khắc trên mặt ấn lại có su hướng phóng túng tự nhiên
hơn .
Qua hai triều Tùy Đường, ấn diện
của quan ấn to hơn so với các triều đại trước. Văn tự, bút hoạch trông uốn
khúc vằn vèo, nổi hẳn trên mặt ấn, người ta gọi đó là loại chữ "cửu
điệp triện 九 疊 篆 ".
Về cách gọi, Võ Tắc Thiên đổi gọi "tỷ 璽 " là "bảo 寶 ", nên "tỉ " và
"bảo" thông dụng lẫn nhau. Dưới thời nhà Đường còn gọi ấn chương là
" ký 記 " hay "chu ký 朱 記 ".
Trước thời Tống, Nguyên, tác dụng
của ấn chủ yếu là làm bằng chứng. Sau thời Tống, Nguyên việc sử dụng ấn càng
ngày càng phổ biến rộng rãi, như dùng ấn đóng trên họa phẩm, thư pháp, hay
dùng để ngoạn thưởng, từ đó việc khắc ấn càng trở thành một nghệ thuật có giá
trị cao, và ngày nay người ta gọi đó là nghệ thuật khắc triện.
C-Sự quan trọng của
ấn chương
1-Mất ấn, đồng nghĩa
với mất quan.
Trong xã hội phong kiến ngày xưa,
quan ấn là tượng trưng cho quyền lực mà hoàng đế ban cho quan lại, tuy chỉ là
một vật nhỏ vuông vức không quá một tấc, nhưng từ vương công đại thần đến hàng
huyện lệnh, châu mục, đều cực kỳ trọng thị, bảo vệ, gìn giữ. Ấn còn, quyền
còn. Ấn mất, quan mất.
Trong "Tây Du Ký " của
tác giả Ngô Thừa Ân, người đời nhà Minh, ở hồi thứ chín, tác giả có thuật câu
chuyện về người cha của Đường Tam Tạng là Trần Ngạc, còn có tên là Quang Nhị,
đậu tiến sĩ được bổ nhiệm làm Thứ Sử Giang Châu. Ông mang chiếc ấn do triều
đình cấp cho, tức quan ấn, cùng người vợ là Ân Thị tới nhiệm sở. Không ngờ
trên đường đi, bị tên cường tặc là Lưu Hồng đánh chết rồi đẩy xác xuống sông.
Sau đó, Lưu Hồng lấy quần áo của Trần Ngạc để mạo danh Trần Ngạc, mang theo
quan ấn, cùng Ân Thị nghiễm nhiên đến nhiệm sở tựu chức.
Bấy giờ Ân phu nhân đang có thai,
vì muốn con sau này có thể báo được thù cho cha nó nên buộc phải ngậm
đắng nuốt cay, nhẫn nhịn sống với Lưu Hồng. Sau khi sinh nở, Ân phu nhân đem
con để trên một chiếc bè tre, rồi thả xuống dòng sông Trường Giang. Đứa bé
trôi đến Kim Sơn Tự ở Trấn Giang thì được một vị sư ở chùa này vớt lên mang
về nhà nuôi, sau cũng đi tu trở thành hòa thượng, tức Huyền Trang. Khi Huyền
Trang lên 18 tuổi mới cùng mẹ định kế , bẩm rõ với triều đình, giết được tên
đạo tặc Lưu Hồng, báo được thù cho cha.
Một tên cường đạo, chỉ vì ăn cắp
được quan ấn mà trở thành một trưởng quan của một châu trong suốt mười tám
năm, đây thật là một việc khôi hài, nhưng đã thực sự xẩy ra.
Tuy Tây Du Ký chỉ là một tác phẩm
văn học, viết theo lối thần thoại tiểu thuyết, cố sự mang nhiều tính chất hư
cấu, nhưng đã cho người đọc thấy rõ cái tập tục trong sinh hoạt quan
trường dưới xã hội phong kiến ngày xưa là người làm quan chỉ được công
nhận khi có ấn tín cầm tay, mà không cần biết đến người làm quan là thực hay
người giả.
Thật là một tập tục kỳ quái.
Ấn còn thì quyền còn, mất ấn thì
mất quan, mất quyền, thậm chí mất cả tính mệnh, như trường hợp của Trần Ngạc,
cha của Đường Tăng trên đây. Nên đối với quan lại, việc bảo vệ , gìn giữ ấn
chương là một việc ưu tiên hàng đầu phải nghĩ tới khi ra làm quan.
Trên đây, người viết có trích câu
"Hoài kim chi ấn, kết tử thụ vu yêu 懷 黃 之 印 結 紫 綬 于腰 ". Chữ "hoài 懷 " trong câu này là một chữ
hội ý, vốn có nghĩa là bao tàng, cất dấu một vật gì vào bên trong áo với thái
độ thận trọng, đã được Tư Mã Thiên xử dùng để mô tả thái độ của Phạm Tuy cất
giữ ấn chương của mình vào bên trong áo, chỉ để lộ cái giây thao mầu tím đeo
ở ngoài cho người ta thấy sự quyền quý đẳng cấp của mình thôi.
Thời Tây Hán, Chu Mãi Thần nhà
nghèo, phải vào rừng đẵn củi đem bán để mưu sinh, nhưng lại là người rất hiếu
học, tinh thông thư thi văn sử. Sau xin được chân lính quèn trong phủ Thái
Thú Cối Kê, nhưng vẫn thường phải ăn nhờ ngủ đậu trong nhà một viên
tiểu lại.
Có một lần viên Thái Thú Cối Kê
phải lên kinh thành Trường An để làm đối sách cho triều đình. Chu Mãi Thần
được cho đi theo để sai bảo. May thay, Thần gặp được viên đại quan người đồng
hương là Nghiêm Trợ. Trợ thấy Chu Mãi Thần học rộng uyên bác, bèn tiến cử lên
Hán Võ Đế và được Hán Võ Đế bổ nhiệm làm Thái Thú Cối Kê, rồi cho về quê thăm
gia đình. Khi trở về Cối Kê (nay thuộc thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Triết
Giang), Chu Mãi Thần vẫn ăn mặc y nguyên áo quần như lúc còn hàn vi, còn chiếc
ấn có bốn chữ "Cối Kê Thái Thú", Chu Mãi Thần bọc kỹ vào trong áo,
sau đó xuống xe đi thẳng đến vào trong cửa nha môn quận Cối Kê.
Chính lúc đó bọn quan lại nha dịch
trong quận đang yến ẩm vui đùa, chẳng một ai để ý nhòm ngó gì đến tên tiểu
tốt Chu Mãi Thần cả. Còn Chu Mãi Thần cứ đi thẳng vào sau hậu đường, gặp viên
tiểu lại trước đã từng cho Chu Mãi Thần ăn nhờ ở nhờ. Viên tiểu lại cũng
không hề biết là Chu Mãi Thần đã được Hán Võ Đế bổ nhiệm làm Thái Thú Cối Kê,
cứ quen lệ, đem cơm ra mời Chu Mãi Thần ăn cùng. Sau khi cơm nước no nê, Chu
Mãi Thần mới bèn cởi áo ra để hóng chút gió cho mát, vô tình để lộ giây thao
đeo ấn lòi ra ngoài. Viên tiểu lại, thoạt nhìn thấy, lấy làm kỳ lạ, dùng tay
cầm lấy giây thao mà kéo, nào ngờ kéo tuột luôn cả chiếc ấn của Chu Mãi
Thần rơi xuống. Viên tiểu lại nhìn thấy bốn chữ "Cối Kê Thái Thú"
sáng chói cả mắt khắc trên quả ấn thì sợ hãi thất sắc, vội vàng chạy ra ngoài
tiền đường, hô hoán gọi mọi người. Những quan lại nha dịch trong quận lúc đó
đang uống say, chẳng một ai tin là thật, đều lên tiếng mắng viên tiểu lại là khoác lác, láo lếu.
Viên tiểu lại lới nói :
-Ai không tin, cứ vào sẽ thấy ấn
tín !
Những người trước đây vốn khinh
thường Chu Mãi Thần, bèn xô nhau vào trong hậu đường để xem. Chỉ mới nhác
thấy quả ấn, đều đã quay đầu chạy ra, hô hoán bảo nhau :" Đúng thật !
Đúng là Thái Thú thật".
Rồi tỉnh rượu, tranh nhau sắp hàng
thành tề chỉnh đứng dưới thềm tiền đường, chờ đợi bái kiến Chu Mãi Thần.
Một lát sau Chu Mãi Thần đi ra,
tiếp nhận những chào mừng bái kiến của các quan viên thuộc hạ. Sau đó lên xe
tứ mã của triều đình đi về quê nhà ở Ngô huyện.
Trên đường đi, đi đến đâu Chu Mãi
Thần cũng được quan lại các huyện tranh nhau nghênh đón chúc mừng.
Câu chuyện trên đây về Chu Mãi
Thần, cho thấy vai trò quan trọng của ấn tín trong sinh hoạt quan trường
phong kiến ngày xưa : Ai có ấn người là quan.
Vì thế, dù chỉ là một vật nhỏ bé,
nhưng "ấn" và "tỉ" có một tác dụng hết sức trọng đại.
Người nắm giữ được "ngọc tỷ" và "tỷ thư" có khả
năng quyết định vận mệnh của cả một quốc gia, làm đảo lộn cả một vương triều.
Năm 210 trước Công Nguyên, tức năm
Tần Thủy Hoàng chấp chính tam thập thất niên, Tần Thủy Hoàng đông tuần, tùy
hành có thiếu tử Hồ Hợi, Tả Thừa Tướng Lý Tư, và Trung Xa Phủ Lệnh Triệu Cao.
Trên đường trở về, đi đến Sa Khâu (nay thuộc Bình Hương tỉnh Hà Bắc), Tần
Thủy Hoàng bị trọng bệnh, lúc lâm chung mới viết "tỉ thư" ra lệnh
cho công tử Phù Tô, khi đó đang giám quân ở biên giới phía bắc, phải lập tức
trở về kinh đô Hàm Dương để lo liệu hậu sự và kế thừa hoàng vị. Nhưng
"tỉ thư" chưa kịp gửi đi thì Tần Thủy Hoàng qua đời. Bấy giờ có mặt
của cận thần của Tần Thủy Hoàng là Triệu Cao. Cao vốn là người coi về xa mã
và chưởng quản về các việc tỉ, ấn, văn thư, lại là thầy dậy pháp luật cho
người con thứ mười tám của Tần Thủy Hoàng là Hồ Hợi. Sau khi Tần Thủy Hoàng
chết, Triệu Cao thông đồng với Hồ Hợi ép Thừa Tướng Lý Tư ngụy tạo "tỉ
thư" của Tần Thủy Hoàng, lập Hồ Hợi làm Thái Tử, và làm giả thêm một
"tỉ thư" khác vu cho Phù Tô và tướng quân Mông Điềm cái tội bất
trung và phỉ báng hoàng đế, rồi sai người mang "tỉ thư" lên biên
giới phía bắc bức Phù Tô tự sát, đồng thời bắt Mông Điềm. Đợi cho đến khi về
đến Hàm Dương Triệu Cao mới công bố là Tần Thủy Hoàng qua đời, rồi lập Hồ Hợi
làm Tần Nhị Thế Hoàng Đế.
Trong chiều dài lịch sử 2133 năm
của các vương triều tại Trung Hoa, từ Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc đến
cuối nhà Thanh, người ta đã thấy xẩy ra nhiều lần những chuyện dùng "tỷ
thư"giả để âm mưu tranh đoạt đế vị, và rất coi trọng sự chiếm hữu được
ngọc tỉ.
D-Sự ra đời của
Truyền Quốc Ngọc Tỉ (
傳 國 玉 璽 )
Như trên đã trình bầy, "ấn
tín 印信
" của quan lại là tượng trưng cho quyền lực của quan lại được nhà vua ban
cấp.
Còn "ngọc tỉ 玉 璽 " của hoàng đế, là đại biểu
và tiêu chí cho quyền lực tối thượng của chính bản thân hoàng đế. Chẳng những
thế, "ngọc tỉ" còn là được coi là quốc bảo, nên được cất giữ tôn
trọng truyền từ đời này sang đời khác. Muốn củng cố tư cách hoàng đế của
mình, các vua chúa dù là soán đoạt, hay thiền nhượng, thường cố công tìm cách
chiếm cho được "Truyền Quốc Ngọc Tỉ".
Nguyên là sau khi Tần Thủy Hoàng
thống nhất Trung Quốc, để chứng tỏ quyền uy tối cao vô thượng của mình, bèn
ra lệnh cho ngọc công là Tôn Thọ dùng một loại ngọc quý nổi danh đương thời
là loại ngọc Hòa Thị, để tạo cho ông ta một viên "ngọc tỉ" làm bảo
vật truyền quốc, gọi là "Truyền Quốc Ngọc Tỷ".
Viên ngọc tỉ này vuông vức bốn
tấc, phía trên khắc hình con rồng cuộn khúc, thập phân tinh xảo khéo léo,
phía dưới khắc tám chữ triện, do chính tay Thừa Tướng Lý Tư viết chiếu theo ý
của Tần Thủy Hoàng là:" Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương 受 命 于 天 既 壽 永 昌 ", có ý nghĩa là ngôi
hoàng đế của Tần Thủy Hoàng là do "thiên thụ", trời ban cho; và sẽ
tồn tại mãi mãi đến Nhị Thế, Tam Thế, Tứ Thế…muôn đời sau .
Trước thời Tần và Hán thì
không có sự khác biệt tôn, ty của chữ "ấn" với chữ
"tỉ", chỉ sau khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, mới quy định chữ
"tỉ", được chuyên dùng chỉ ấn của hoàng đế, và "tỉ" phải
được khắc bằng ngọc, nên thường gọi là ngọc tỉ.
Tần Thủy Hoàng trong lòng ôm mộng
dùng viên ngọc tỉ này, để lưu truyền lại cho con cháu mãi mãi thiên thu vạn
đại về sau, cũng như ông từng ôm hy vọng tu sửa, nối liền Vạn Lý Trường Thành
để có thể ngăn chặn vĩnh viễn sự xâm lăng của rợ Hồ phương bắc. Nhưng lịch sử
Trung Quốc đã chứng minh rằng đó chỉ là giấc mơ hão huyền, Tần vương triều đã
không tồn tại được mãi mãi như ý nguyện của Tần Thủy Hoàng, mà chỉ truyền
được có hai đời, đến Tần Nhị Thế Hoàng Đế Hồ Hợi thì bị diệt vong.
Từ đó, viên "Truyền Quốc Ngọc
Tỉ" trở thành tượng trưng ngôi vị, quyền lực của các hoàng đế.
Ngôi Hoàng đế là do trời thụ dữ. Các vua mới lên ngôi, điều trước hết
là cố tìm cách chiếm hữu cho được "Truyền Quốc Ngọc Tỉ", để chứng
minh tính cách thần thánh của mình với dân chúng, và mình là người "thụ
mệnh vu thiên".
E-Sự luân lạc của
"Truyền Quốc Ngọc Tỉ" trong lịch sử Trung Quốc.
Năm 207 trước Công Nguyên, Triệu
Cao âm mưu với con rể là Hàm Dương lệnh Diêm Nhạc, bức tử Tần Nhị Thế Hồ Hợi
ở Vọng Di Cung, giết Lý Tư ở ngoài chợ. Sau đó, Cao lập người cháu của Tần
Thủy Hoàng là Tử Anh lên thay. Tử Anh vốn được tiếng là người nhân ái, cần
kiệm. Cao đưa Tử Anh lên ngôi là có ý muốn nhờ vào danh vọng của Tử Anh để
hòa hoãn với những cuộc nổi dậy chống đối mình, và để xoa dịu sự căm phẫn của
dân chúng đất Quan Trung.
Nhưng Cao lại cho rằng nhà Tần vốn
là chỉ là một vương quốc, khi Tần Thủy Hoàng làm vua nắm trọn thiên hạ trong
tay, nên mới xưng là Hoàng Đế, đến nay lục quốc tự tái lập lại, thiên hạ của
Tần Thủy Hoàng sụp đổ, cương thổ nước Tần vì thế thu nhỏ lại, vua Tần không
thể xưng là Hoàng Đế được nữa, mà chỉ nên xưng là "vương" như trước
thôi, vì thế Tử Anh chỉ có danh xưng là Tần Vương.
Tháng chín cùng năm, Triệu Cao dụ
Tử Anh trai giới, để tế tự tổ miếu và sẽ trao " Truyền Quốc Ngọc
Tỉ" cho.
Nhưng Tử Anh thấy Triệu Cao đã sát
hại Tần Nhị Thế, sợ sẽ giết nốt mình cùng các tông tộc nhà Tần vào ngày tế tự
tổ miếu, nên đã ước định với Hạng Vũ chia đất Quan Trung mà xưng vương, nhân
thế, Tử Anh bàn với hai người con, lấy cớ là bệnh không đến lễ tổ miếu được,
và muốn Triệu Cao đến nhà mình rồi tìm cách mà giết đi.
Quả nhiên,
Triệu Cao sau nhiều lần cho người mời Tử Anh không được, bèn tự đến phòng
trai của Tử Anh nên bị Tử Anh sai người đâm chết.
Tháng mười năm 206 trước Công
Nguyên, khi Lưu Bang tiến quân vào Hàm Dương, Tần Vương Tử Anh đi tố xa, ngựa
trắng, dùng giây đeo ấn của mình buộc vào cổ, niêm phong ngọc tỉ và phù tiết,
đứng ở quỹ đạo chờ dâng cho Lưu Bang để xin hàng.
Nhà Tần chính thức bị diệt vong từ
đấy.
Và cũng từ đấy, viên "Truyền
Quốc Ngọc Tỉ" của nhà Tần rơi vào tay nhà họ Lưu, trải qua 214 năm và 12
vị Hoàng Đế nhà Tiền Hán. Song trên thực tế, viên "Truyền Quốc Ngọc
Tỉ" này được nhà Hán coi là báu vật, trịnh trọng trân tàng trong cung ở
Trưòng An, tượng trưng hoàng quyền, còn sử dụng thì lại dùng sáu loại ngọc tỉ
khác nhau :
1-Hoàng Đế Hành Tỉ 皇 帝 行 璽
2-Hoàng Đế Chi Tỉ 皇 帝 之 璽
3-Hoàng Đế Tín Chỉ 皇 帝 信 璽
4-Thiên Tử Hành Tỉ 天 子 行 璽
5-Thiên Tử Tín Tỉ 天 子 信 璽
6-Thiên Tử Chi Tỉ 天 子 之 璽
Các vương triều từ nhà Tùy trở về
trước, duyên theo chế độ Hán nên sử dụng 6 thứ ngọc tỉ như nhà Hán, nhưng từ
nhà Tùy, và các vương triều Đường , Tống gia tăng thêm "Thần Tỉ 神璽 " và "Thụ Mệnh Tỉ 受命璽 "
Mỗi viên ngọc tỉ, dụng đồ lại khác
nhau. Thí dụ như " Hoàng Đế Hành Tỉ " được dùng trong việc
thưởng tứ các chư hầu vương. " Hoàng Đế Tín Chỉ " được sử
dụng để trưng dụng và điều động các đại thần và tướng lãnh. Văn thư gửi cho
các nước ngoài thì dùng “Thiên Tử Hành Tỉ”. Đính lập minh ước với các
nước ngoài thì dùng “ Thiên Tử Tín Chỉ ”
Cho đến năm 8 Công Nguyên, Hán
Thiếu Đế Lưu Anh bị ngoại thích là Vương Mãng làm chính biến cướp ngôi xưng
đế, Mãng cũng muốn chứng tỏ với thiên hạ là ngôi vị và quyền lực của mình là
do "thiên thụ", trời ban cho, bèn sai người em là An Dương Hầu
Vương Thuấn vào trong hậu cung ép Thái Hoàng Thái Hậu Vương Chính Quân, mẹ
của Hán Thành Đế và là cô ruột của Mãng, trao "Truyền Quốc Ngọc Tỉ"
cho mình, nhưng chẳng những bị Vương Chính Quân từ chối và còn dùng những lời
lẽ gay gắt mắng Vương Thuấn :
-Anh em nhà mày đã mấy đời thụ ơn
Hán triều, được giầu có sang trọng, chẳng biết báo đáp, phụ cái công phó
thác, lại nhân lúc vua còn trẻ không nơi nhờ cậy, mà soán đoạt hoàng
vị, vong ân phụ nghĩa có khác chi loài chó loài heo. Bọn ngươi đã cho rằng
"thiên thụ" cho ngôi báu, thì sao không tự đúc "ngọc tỉ"
mà dùng, việc gì mà phải cầu đến viên ngọc tỉ vong quốc này làm gì ? Ta là
gái góa nhà Hán, sớm muộn gì cũng chết, nhưng ta nhất quyết chết cùng
với viên ngọc tỉ này. "
Nói xong, rồi nổi cơn tức giận,
cầm viên truyền quốc ngọc tỉ ném mạnh xuống đất, khiến cho viên ngọc tỷ này
bị sứt một góc.
Sau Vương Mãng phải dùng loại vàng
thuần chất để khảm lại.
Ít lâu sau, Vương Mãng bị quân
khởi nghĩa đánh bại. Trước khi chết, Mãng đeo viên "Truyền Quốc Ngọc
Tỷ" này trên cổ. Một viên quan quân khi chặt đầu Mãng tìm được, đem dâng
cho lãnh tụ của mình là Lưu Huyền. Huyền lại đem dâng cho lãnh tụ của Xích Mi
Quân.
Đến năm 25 Công Nguyên, khi Lưu
Tú, một hoàng tộc họ xa của nhà Hán, nổi lên đánh bại Xích Mi Quân, lập ra
nhà Đông Hán, viên truyền quốc ngọc tỉ lại trở về nằm trong tay nhà họ Lưu
thêm gần hai trăm năm nữa, đến khi xẩy ra cái loạn "Thập Thường
Thị", một tập đoàn những tên hoạn quan do Trương Nhượng cầm đầu, chuyên
hoành bạo ngược, thao túng chính quyền cuối thời nhà Đông Hán, vào năm Trung
Bình lục niên, tức năm 189 Công Nguyên, vua Hán Linh Đế qua đời, Đại Tướng Hà
Tiến mưu giết bọn hoạn quan, nhưng âm mưu bị phát giác, Hà Tiến bị bọn hoạn
quan Trương Nhượng và Đoàn Khuê giết. Viên Thiệu và Tào Tháo vào quân tìm bắt
bọn Nhượng. Nhượng bèn ban đêm ép vua mới lập là Thiếu Đế Lưu Biện cùng Trần
Lưu Vương trốn ra khỏi hoàng cung ở Lạc Dương, chạy đến Tiểu Bình Tân, bị bọn
Viên Thiệu đuổi theo truy lùng, tìm được Thiếu Đế rước về cung, nhưng viên
truyền quốc ngọc tỉ bị ném xuống giếng "Chân Cung Tỉnh" ở Lạc
Dương, mà không ai hay.
Câu truyện này cũng được La Quán
Trung thuật lại trong "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa".
Sau này, Đổng Trác dẫn binh Tây
Lương vào cướp pháp và tàn sát dân chúng Lạc Dương, khiến cho các chư hầu
vùng Quan Đông (chỉ vùng đất phía đông Đồng Quan, nay thuộc huyện Đồng
Quan tỉnh Thiểm Tây) nổi lên thảo phạt Trác.
Năm Sơ Binh nguyên niên đời Hán
Hiến Đế, tức năm 190 Công Nguyên, Trường Sa Thái Thú là Tôn Kiên, cùng với
các Thái Thú và Châu Mục nổi lên liên minh thảo phạt Đổng Trác, tác chiến vô
cùng dũng mãnh, nhiều lần đánh bại quân Đổng Trác, khiến cho Trác phải e ngại
lo sợ rút quân về Trường An, rồi sai Lý Thôi đến đề nghị hòa thân với Kiên,
nhưng bị Kiên từ chối, đem tiến quân vào Lạc Dương, cho người tu sửa miếu
đường lăng tẩm của các vua nhà Hán bị quân Tây Lương đốt phá, nhân thế mới
tìm được viên truyền quốc ngọc tỉ đựng trong một chiếc hộp khóa vàng và bao
trong một cái túi gấm, đeo trên cổ thi thể của một cung nữ mò từ dưới giếng
lên.
Năm Sơ Bình nhị niên, tức năm 191
Công Nguyên, Tôn Kiên nghe lời Viên Thuật đem quân tiến đánh Kinh Châu, chinh
phạt Lưu Biểu. Biểu sai Đại Tướng là Hoàng Tổ, đi ngược về Phàn Thành
và Đặng Huyện để đánh Kiên, nhưng bị Kiên phá vỡ, đuổi chạy đến Hán Thủy và
vây Tổ ở Tương Dương, khi Kiên đơn thương độc mã một mình qua núi Hiện Sơn thì
bị phục binh của Tổ bắn chết.
Viên Thuật em Viên Thiệu, vốn ôm
dã tâm xưng đế từ lâu, nay nghe tin Tôn Kiên chiếm hữu được Truyền Quốc Ngọc
Tỉ, Thuật bèn lợi dụng cơ hội vợ Kiên là Ngô thị đem quan tài chồng về quê,
bắt giữ lại và cướp đoạt Truyền Quốc Ngọc Tỉ rồi xưng đế ở vùng Thọ Xuân,
nhưng Thuật tuy là người có "đại chí" nhưng mật nhỏ như
chuột, chỉ nhờ tài của Kiên mà cát cứ một vùng, tính lại hoang dâm xa xỉ,
hoành chính bạo ngược, khiến cả vùng Giang Hoài bị tàn phá, dân chúng đa số bị
chết đói, sau Thuật bị Tào Tháo và Lã Bố đánh cho nhiều trận thất điên bát
đảo, đến năm Kiến An tứ niên, tức năm 199 Công Nguyên, Thuật bị thổ huyết mà
chết. Lúc đó thủ hạ của Thuật có người tên là Từ Lục, biết Tháo đang ép Hán
Hiến Đế dời đô đến Hứa Xương, bèn đem Truyền Quốc Ngọc Tỉ dâng cho Tháo.
Tuy nắm được truyền quốc ngọc tỉ,
nhưng Tháo là kẻ gian hùng, không dám xưng đế, phải đợi đến năm 220 Công
Nguyên, khi Tào Phi phế vua Hiến Đế lập ra nhà Ngụy, viên truyền quốc ngọc tỉ
mới chính thức thuộc về họ Tào.
Đến cuối đời nhà Ngụy, Tư Mã Viêm
ép vua Nguỵ là Tào Hoán phải nhường ngôi cho, viên truyền quốc ngọc tỉ lại
rơi vào tay dòng họ Tư Mã.
Nhà Tây Tấn do Tư Mã Viêm kiến
lập, trải qua 52 năm, bốn đời vua, thì bị diệt vong, Truyền Quốc Ngọc Tỉ bị
luân lạc trong tay các các chính quyền cát cứ Thập Lục Quốc ở phương bắc.
Năm 352 CN, nước Nhiễm Ngụy, một
chính quyền cát cứ non yểu trong Thập Lục Quốc bị diệt, viên Thái Thú
Bộc Dương của nước này là Đái Thi đem truyền quốc ngọc tỉ hiến cho hoàng đế
nhà Đông Tấn.
Năm 420 Công Nguyên, vua Cung Đế
nhà Đông Tấn bị Lưu Dụ ép truyền ngôi, nhà Đông Tấn mất , Lưu Dụ chiếm được
viên truyền quốc ngọc tỷ, lên ngôi hoàng đế lập ra nhà Tống, (thường được
các sử gia gọi là Nam Triều Tống, để khu biệt với nhà Nam Tống do Triệu
Cấu kiến lập ở Nam Kinh vào năm 1127 Công Nguyên), cũng từ đây, viên
truyền quốc ngọc tỉ này bắt đầu một cuộc luân lưu thay đổi chủ nhân tại các
vương triều phía nam như Tống, Tề, Lương, Trần.
Năm 589 Công Nguyên, vua Hậu Chủ
nhà Trần, một ông vua Nam Triều, có đời sống sa hoa phóng túng, ngày ngày chỉ
cùng phi tần, văn quan yến ẩm, ngâm thơ tác phú, không lo việc triều chính,
khi Tùy Văn Đế Dương Kiên đem chinh phạt, bị bắt cầm tù, nhà Trần vong,
viên truyền quốc ngọc tỉ lạc vào tay nhà Tùy.
Cuối đời nhà Tùy, năm 618 Công
Nguyên, Tùy Dạng Đế bị Vu Văn Hóa Cập và Tư Mã Đức Kham phát động chính biến
giết và chiếm được truyền quốc ngọc tỉ. Vu Văn Hóa Cập xưng đế, lập ra nước
Hứa, nhưng chính quyền này chỉ tồn tại có một năm sau bị Đậu Kiến Đức đánh
bại, bắt và giết ở Liêu Thành.
Năm 621 Công Nguyên, Đậu Kiến Đức
thua trận bị giết ở Trường An, người vợ đem truyền quốc ngọc tỉ hiến cho
Đường Cao Tổ Lý Uyên, nhân thế nhà Đường làm sở hữu chủ của viên truyền quốc
ngọc tỉ này ba trăm bẩy mươi năm.
Cuối cùng, năm 907 Công Nguyên,
viên ngọc tỉ lại rơi vào tay Chu Ôn.
Ôn vốn là một bộ tướng của Hoàng
Sào nổi lên chống nhà Đường, sau phản Hoàng Sào đầu hàng Đường, được vua
Đường đổi tên là Chu Toàn Trung, nhưng sau lại phản nhà Đường, âm mưu ép vua
nhà Đường là Ai Đế trao cho truyền quốc ngọc tỉ và nhường ngôi, lập ra Hậu
Lương.
Sau khi nhà Hậu Lương do Chu Ôn
kiến lập bị diệt, viên "Truyền Quốc Ngọc Tỉ " rơi vào tay Lý Tồn
Úc, người lập ra nhà Hậu Đường.
Năm 936 Công Nguyên, Thạch Kính
Đường cấu kết với người Khiết Đan là Gia Luật Đức Quang tấn công Lạc Dương,
vua Phế Đế nhà Hậu Đường là Lý Tòng A thấy thế nước không còn giữ nổi, mới ôm
truyền quốc ngọc tỉ leo lên lầu Huyên Võ Lâu và tự thiêu.
Từ đấy truyền quốc ngọc tỉ bị thất
tung, không ai biết ở đâu.
Sau đấy, xẩy ra không ít những
giai thoại và những truyền thuyết liên quan đến viên truyền quốc ngọc tỉ này.
Mãi đến đời nhà Minh, có một người
chăn dê ở ngoài đồng, thấy có một con dê cứ dùng móng chân mà cào mãi ở trên
một khoảng đất, người chăn dê lấy làm lạ, mới đào chỗ đất ấy lên, thì phát
hiện được một viên ngọc tỉ rất là tinh mỹ nằm ở dưới đất. Ông ta biết là vật
báu, mới đem hiến cho một người hậu duệ của Nguyên Thuận Đế là Bác Thạc
Khắc Đồ Hãn, tin tức này được truyền đến một người hâu duệ khác của Thành Cát
Tư Hãn là Lâm Đan Hãn. Ông này cho rằng viên ngọc tỉ thuộc về ông ấy,
bèn dùng võ lực đến đánh Bác Thạc Khắc Đồ Hãn để chiếm lấy.
Cuối cùng, đến đầu đời nhà Thanh,
viên ngọc tỉ của người chăn dê lọt vào tay Hoàng Thái Cực, tức Thanh Thái
Tông sau này. Lúc đó, Hoàng Thái Cực mới phát hiện trên viên ngọc tỉ này có
khắc mấy chữ : " Chế Cáo Chi Bảo 制 誥 之 寶 ",
không phải là viên truyền quốc ngọc tỉ của Tần Thủy Hoàng. Nhưng vì, Hoàng
Thái Cực thường tuyên dương chiếm được thiên hạ là do "mệnh trời qui về
mình". Vì thế, năm 1636, khi Hoàng Thái Cực lên ngôi hoàng đế kế vị cha
là Nỗ Nhĩ Cáp Xích, thừa nhận viên ngọc tỉ đó là "Truyền Quốc Ngọc
Tỉ", rồi cải tộc danh Nữ Chân thành Mãn Châu, và cải quốc hiệu Hậu Kim
là Đại Thanh.
Viên "truyền quốc ngọc
tỉ" giả đó trở nên truyền quốc ngọc tỉ thật của vương triều nhà Thanh,
suốt 11 đời vua, và kéo dài 276 năm.
Cho đến khi xẩy ra cuộc Cách Mạng
Tân Hợi năm 1911, ông vua cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi bị lật đổ, phải
xuống chiếu thoái vị như vua Bảo Đại ở nước ta, rồi bị trục xuất ra khỏi
hoàng cung, nhưng vua Phổ Nghi cũng không quên mang theo viên "Truyền
Quốc Ngọc Tỉ" có bốn chữ "Chế Cáo Chi Bảo" này.
Sau, trải qua những năm cải tạo tù
đầy dưới triều đại của Cộng Sản Trung Quốc, do sự dụ dỗ và đe dọa của cán bộ
quản giáo, vua Phổ Nghi mới lấy viên "Truyền Quốc Ngọc Tỉ " giả
này, được bí mật cất dấu trong một chiếc hòm hai đáy, giao cho nhà nước Cộng
Sản Trung Hoa.
Kết cục về viên ngọc tỉ do người
chăn dê đào được ở ngoài thảo nguyên thì như thế.
Còn một truyền thuyết về một viên
ngọc tỉ giả khác nữa, cũng xin ghi lại ra đây:
Vào thời vương triều nhà Tống,
không rõ vào năm nào, có một người nông phu ở Hàm Dương ra ngoài cánh đồng
làm việc, trong khi cầy ruộng thì phát hiện một viên ngọc ấn, trên ngọc ấn có
khắc tám chữ :"Thụ Mệnh Vu Thiên Ký Thọ Vĩnh Xương", y hệt tám chữ
viết Truyền Quốc Ngọc Tỉ của Tần Thủy Hoàng. Tể tướng nhà Tống lúc đó là Sái
Kinh, sau xem xét và khảo nghiệm mới tuyên bố đó là ngọc tỉ truyền quốc thật
của Tần Thủy Hoàng, việc đó từng làm kinh động một thời.
Sau đó, trải qua nhiêu năm tháng,
không biết do đâu viên ngọc tỉ này lại trở thành vật sở hữu của một viên
tướng Quốc Dân Đảng Trung Quốc cư trú nhiều năm tại Mỹ quốc. Vào thời kỳ xẩy
ra cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Cộng, viên tướng Quốc Dân Đảng có ý muốn
đem viên ngọc tỷ này ra bán ở Áo Môn. Một nhân sĩ thân Trung Cộng ở Hương
Cảng biết tin đó, muốn bỏ tiền ra mua về cho nước mình, nhưng không
biết chắc chắn viên ngọc tỉ này là thật hay giả, mới cậy nhờ một chuyên gia
trứ danh về đồ cổ ở lục địa là Phó Đại Dữu, đến khảo sát. Sau khi đích thân
xem xét, chuyên gia đồ cổ này xác nhận đó là ngọc tỉ truyền quốc giả.
Gần đây nhất, học giả Chung Thế
Kiệt ở Hương Cảng cho biết ông tìm được viên ngọc tỉ truyền quốc làm bằng
ngọc họ Hòa từ một người bạn Nhật Bản. Tháng 10 năm 1991, học giả họ Chung có
mở một hội nghị tọa đàm ở Tây An và Bắc Kinh, với học thuật giới để thảo luận
về viên ngọc tỉ truyền quốc họ Hòa này. Nhưng không ít học giả tỏ ra hoài
nghi về sự xác thực viên ngọc tỉ này.
Bởi vậy, cho đến nay, tung tích
viên "Truyền Quốc Ngọc Tỉ" của Tần Thủy Hoàng vẫn không ai
biết đích xác là ở đâu. Nhưng căn cứ theo sự nghiên cứu của các chuyên gia
thì ngọc họ Hòa dùng để điêu khắc và chế tạo ngọc tỉ truyền quốc là loại
thạch ngọc, thuộc "Trụ Trường Thạch", có thể chịu một độ nóng đến
1300 độ, sức nóng của loại lửa thường không đủ sức thiêu hủy nó được.
Từ đó suy ra, viên "Truyền
Quốc Ngọc Tỉ" của Tần Thủy Hoàng khó có thể tiêu tan đi cùng với
vua Phế Đế nhà Hậu Đường khi ông này leo lầu Huyền Võ ở Lạc Dương để tự
thiêu.
Trong khi ở phương bắc, họ Lưu nhà
Hán, làm chủ nhân của viên "Truyền Quốc Ngọc Tỉ" và tôn quý là quốc
bảo, đồng thời tạo ra 6 viên ngọc tỉ khác để dùng vào nhưng công việc khác
nhau của vương triều nhà Hán, thì tại phương nam, nước Nam Việt, họ Triệu
cũng chế tạo những viên ấn tỉ riêng xử dụng cho nước mình, trong đó có viên
"Văn Đế Hành Tỉ" thuộc loại kim ấn, được các sử gia và các nhà khảo
cổ coi là "bảo trung chi bảo", "trọng trung chi trọng" mà
người ta đã khai quật được trong ngôi mộ của Triệu Văn Đế, vua đời thứ hai
của nước Nam Việt vào năm 1983 ở thành phố Quảng Châu trên núi Tượng Cương
Sơn.
Bài viết này không mang tính cách
một bài nghiên cứu, chỉ dành mua vui cho bạn bè bằng hữu trong lúc đông sang
cảnh muộn, một đèn hiu hắt, và xin dành một bài viết khác về viên
"Văn Đế Hành Tỉ 文帝行璽 "
của Triệu Văn Vương khi có dịp.
(Paris ngày 26-11-2006-11g55 –Phạm xuân Hy)
________________________________________________________________
|
Sách tham khảo :
1-Trung Quốc văn hoá sử 500 nghi
án 中 國 文 化 史 500 疑 案
2-Trung Quốc lịch sử bí văn dật sự
中 國 歷 史 文 軼 事
3-Vạn sự do lai 萬 事 由 來
4-Trung Quốc văn hoá tri thức tinh
hoa 中 國 文 化 知 識 精 花
5-Từ Hải 辭 海
Điêu Thuyền, nghi án và truyền thuyếtPhạm Xuân Hy
Vương Chiêu Quân, Tây Thi, Dương Quý
Phi, Điêu Thuyền là tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc, đều xếp vào hàng những thiên
cổ giai nhân. Nhưng cuộc đời của những người phụ nữ này vì đẹp nên có lắm hoạn
nạn truân chuyên, và người ta thường đổ lỗi cho đó là « hồng nhan bạc mệnh 紅 顏
薄 命».
Riêng Điêu Thuyền, chẳng những được
truyền tụng trong dân gian là người đàn bà có nhan sắc làm cho « mây mờ trăng
lặn», mà còn được coi là một kỳ nữ thông minh, mưu lược làm điên đảo các anh
hùng hào kiệt thời Tam Quốc, cả về sắc lẫn tài, như lời bình luận gia văn học
Mao Tôn Cương, người thời Minh mạt Thanh sơ từng nhận xét, nguyên văn :
十八
路 諸 侯
不能 殺 董
卓, 而 一
貂 蟬 足
以 殺 之,
劉 關 張
三 人, 不
能 勝 呂
布, 而 貂
蟬 一 女
子 能 勝
之, 以 衽
席 為 戰
場, 以 脂
粉 為 甲
胄, 以 盼
睞 為 戈
矛, 以 嚬
笑 為 弓
矢, 以 甘
言 卑 詞
為 運 奇
設 伏, 女
將 軍 真
可 畏 哉.
(Thập bát lộ chư hầu bất năng sát Đổng Trác,
nhi nhất Điêu Thuyền túc dĩ sát chi, Lưu Quan Trương tam nhân bất năng thắng Lã
Bố, nhi Điêu Thuyền nhất nữ tử năng thắng chi, dĩ nhẫm tịch vi chiến trường, dĩ
chỉ phấn vi giáp trụ, dĩ phán lãi vi qua mâu, dĩ tần tiếu vi cung thỉ, dĩ cam
ngôn ti từ vi vận kỳ thiết phục, nữ tướng quân chân khả uý tai !
-Dịch nghĩa : Mười tám lộ chư hầu, không giết nổi Đổng Trác. Chỉ một mình Điêu Thuyền giết nổi. Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, không thắng nổi Lã Bố. Chỉ một mình Điêu Thuyền thắng nổi Lã Bố. Dùng chiếu giường làm chiến trường, dùng son phấn làm giáp trụ, dùng khoé mắt làm đao kiếm, lấy cái chau mày và nụ cười làm cung tiễn, dùng lời ngon ngọt nhỏ nhẹ mà bố trận, bầy binh, tướng quân thị mẹt quả đáng sợ thật!) (từ ngữ « Tướng quân thị mẹt » này là chữ của học giả Phan Kế Bính dịch từ chữ Hán « nữ tướng quân 女將軍» mà ra)
Tuy thế, nhưng đến nay, vẫn còn tồn
tại những nghi vấn, và một số câu hỏi chung quanh nhân vật này.
Điêu Thuyền có phải là một nhân vật
lịch sử hay chỉ là một nhân vật truyền thuyết hư cấu ? Điêu Thuyền có phải là
vợ của Lã Bố không ?
Trong bài này, người viết xin mạn
phép ghi lại một số những truyền thuyết về nhân vật này. Mà nhắc đến Điêu
Thuyền, người ta không thể không nhắc đến thời kỳ Tam Quốc, bối cảnh lịch sử
trong đó Điêu Thuyền được xuất hiện.
1-Cục diệnTam Quốc.
« Thời Tam Quốc bên Tầu nước ta có
bà Triệu Ẩu ».
Đó là kiến thức sử học lớp đồng ấu
được giữ lại trong trí nhớ của người viết khi còn nhỏ, về thời Tam Quốc và về
nữ anh hùng ái quốc họ Triệu nổi lên chống laị sự đô hộ của Tôn Quyền ở Đông
Ngô. Rồi lớn hơn một chút, khi đọc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, người viết cũng như
những người bạn đồng trang lứa, đọc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa chỉ vì say mê muốn
biết những nhân vật trong truyện, xem họ đánh nhau như thế nào, ai thắng ai
thua, chứ hoàn toàn chưa hiểu Tam Quốc là thời đại nào.
Thật ra Tam Quốc, theo sự phân định
của các nhà sử học Trung Quốc, thì đó là thời kỳ bắt đầu từ năm 220 CN khi Tào
Phi phế Hán Hiến Đế lên thay nhà Hán, thiết lập nước Ngụy (sử gọi là Tào Ngụy).
-Sau đó vào năm 221 CN, Lưu Bị xưng
đế thành lập nước Hán (sử gọi là Thục Hán.)
-Và năm 222 CN, Ngô Quyền xưng Ngô
Vương, kiến lập nước Ngô (sử gọi là Tôn Ngô), tạo nên thế chân vạc, Tam Quốc
đỉnh lập. Năm 263 CN, nhà Tào Ngụy diệt nhà Thục Hán, trải 2 đời vua, tổng cộng
43 năm. Năm 265 CN, họ Tư Mã đọat ngôi nhà Tào Ngụy lập nên nhà Tây Tấn, chấm
dứt thế chân vạc. Nhà Nguỵ trải năm đời vua, tổng cộng 46 năm.
-Năm 280 CN, nhà Tây Tấn diệt Ngô,
thống nhất toàn quốc, kết thúc thời kỳ lịch sử Tam Quốc, tổng cộng 61 năm. Nhà
Ngô trải qua 4 đời vua, tổng cộng 59 năm. Tính theo sự phân kỳ của các sử gia
Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, từ khi Giặc Khăn Vàng nổi lên vào năm 184 CN,
thì nhà Đông Hán chỉ tồn tại trên danh nghĩa, toàn quốc bị lâm vào tình trạng
quân phiệt cát cứ, đánh chiếm lẫn nhau. Đây chính là thời kỳ Tam Quốc được manh
nha hình thành.
Trần Thọ, một sử học gia thời Tây
Tấn, khi viết "Tam Quốc Chí", cũng ghi chép phần lớn những truyện các
quân phiệt cát cứ, đánh chiếm lẫn nhau này vào sách của ông. Từ năm Trung Bình
lục niên, tức năm 189 CN, Hán Linh Đế mất, Đổng Trác phế Thiếu Đế và lập Hiến
Đế tỏ ra chuyên quyền tàn ác.
Năm 190, các châu quận ở Quan Đông tức các vùng đất phía đông Hàm Cốc Quan như Hà Nam, Sơn Đông, và mười tám lộ chư hầu nổi lên bầu Viên Thiệu làm minh chủ để thảo phạt Trác.
Đến năm 200 CN, xẩy ra trận chiến
Quan Độ, Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu, dần dần thống nhất miền bắc. Năm 208 CN,
Tào Tháo âm mưu thôn tính các thế lực quân phiệt cát cứ ở miền nam là Lưu Biểu,
Tôn Quyền, Lưu Bị, nổ ra cuộc đại chiến Xích Bích. Hai thế lực nhỏ bé Tôn
Quyền, Lưu Bị, bèn liên minh với nhau đánh bại được đại quân của Tào Tháo.
Sau khi thua trận Xích Bích, Tào
Tháo rút quân về miền bắc, thanh toán các thế lực quân phiệt cát cứ Hàn Toại và
Mã Siêu, thống nhất được lưu vực phía bắc sông Hoàng Hà. Còn Tôn Quyền thì phát
triển thế lực của mình từ hạ du sông Trường Giang, đến địa khu Kinh Châu nằm ở
trung du sông Trường Giang, đồng thời thôn tính Giao Châu của nước ta ở Lĩnh
Nam. Riêng về Lưu Bị, sau trận chiến Xích Bích, chiếm được bốn quận ở nam bộ
Kinh Châu, làm cơ sở dựng nước, rồi mở rộng thế lực đến Ích Châu, thôn tính đất
đai của Lưu Chương.
Đến đây, cơ bản cục diện của thế
chân vạc Tam Quốc được thành hình.
Đối với lịch sử Trung Quốc, từ sau
sự thống nhất của nhà Tần, Tam Quốc đánh dấu một thời kỳ phân liệt. Một cuộc
phân tranh nam bắc, đối kháng giữa hai lực lượng chính trị thuộc lưu vực sông
Trường Giang và lưu vực sông Hoàng Hà.
Vì cuộc chiến tranh kéo dài liên
miên, khiến cho kinh tế và xã hội bị phá họai nghiêm trọng. Nhưng sau khi các
chính quyền Ngụy, Ngô, Thục, được thành lập, cũng có khá nhiều công tác kinh tế
đuợc mở mang. Nói một cách khác, thời kỳ phân liệt Tam Quốc có cả hai mặt tiêu
cực lẫn mặt tích cực. Chẳng hạn như nhà Ngụy mở mang đồn điền, xây dựng thủy
lợi, khiến cho kinh tế bị phá họai ở vùng sông Hoàng Hà được khôi phục lại, các
lưu dân không có nhà ở được định cư. Nhà Ngô thì mở mang và phát triển phía
trung và hạ du sông Trường Giang. Còn nhà Thục Hán thì có nhiều công tác khai
phá vùng tây nam Trung Quốc.
Nói đến Tam Quốc, cũng không thể
không nhắc đến tác phẩm văn học Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa. Một tác phẩm văn học
được xưng tụng là “đệ nhất tài tử thư”, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Anh,
Pháp, Nhật, Đức, Nga, Ý, Ba Lan, Ấn Độ, Mã Lai, Nam Dương, Cao Ly, Lào, Thái
Lan.
Và ở Việt Nam, từ năm 1889 đến 1907,
chúng ta có 21 loại cố sự kịch bản liên quan đến Tam Quốc Diễn Nghĩa và 7 bản
dịch khác nhau, qua nhiều người dịch khác nhau, kể cả một bản dịch chữ nôm viết
tay trên giấy đó vào năm 1918, hiện được giữ gìn bảo quản tại thư viện trường
Viễn Đông Bác Cổ ở Paris. Như vậy, chứng tỏ một điều là truyện “Tam Quốc diễn
nghĩa” nói riêng và truyện “Tầu” nói chung, cũng đã có một thời hấp dẫn và làm
say mê thế hệ cha anh chúng ta, chẳng khác gì như chúng ta cũng có một thời say
mê các truyện “chưởng” của Kim Dung, Cổ Long ở Sài Gòn trước 1975 vậy.
2-Tam Quốc Diễn Nghĩa .
Trường biên lịch sử tiểu thuyết này
nguyên toàn danh xưng là « Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa », hoặc Tam Quốc
Chí Diễn Nghĩa. Cuốn tiểu thuyết này do La Quán Trung soạn vào thời Minh Mạt
Thanh Sơ. La Quán Trung đã căn cứ vào sách chính sử “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ
đời Tây Tấn và do Bùi Tòng Chi chú, sách “Tam Quốc Chí Bình Thoại” đời Nguyên,
và nhiều truyền thuyết, nhiều giai thoại trong dân gian, rồi tổng hợp, tu cải,
chỉnh lý mà viết thành.
Tam Quốc Chí Diễn Nghiã có nhiều
khắc bản khác nhau, mà bản lưu hành nổi tiếng hiện nay là bản do Mao Tôn Cương
hiệu đính, gia công và phê bình rồi cho khắc in, thường gọi là « Mao bản » để
phân biệt với các khắc bản khác. Bản này có sáu quyển gồm một trăm hai chục
hồi.
Cố sự bắt đầu từ truyện Lưu Bị, Quan
Vũ, và Trương Phi kết nghĩa vườn đào, đến Vương Tuấn bình Ngô, trải qua hơn một
nửa thế kỷ. Tác giảc đã vẽ lại cho người đọc thấy rõ những cuộc đấu tranh quân
sự giữa các sứ quân và tình hình chính trị phức tạp của thời kỳ Hán Mạt và Tam
Quốc, đồng thời, thành công khắc hoạ ra được hàng loạt những nhân vật mang
những hình tượng điển hình, rõ rệt như Tào Tháo, Gia Cát Lượng, QuanVũ, Trương
Phi. Tác phẩm có nhiều chương, tiết rất sống động, bóng bẩy. Như “Lưu, Quan,
Trương, Tam Anh chiến Lã Bố” “Tam cố thảo lư”, “Xích Bích chiến”. Toàn truyện
có rất nhiều chi tiết khúc chiết, kết cấu hoằng đại, nhưng bố cục rõ ràng, mạch
lạc, được vinh dự coi là “Đệ nhất tài tử thư”.
Truyện có cả thẩy 1191 nhân vật có
danh có tính, chia ra:
- 436 võ tướng
- 456 văn quan - 128 nhân vật là tôn thất, hoạn quan, cung phi. - 67 người thuộc các sắc tộc ngoài biên, như Tiên Ty, Khương. -109 nhân vật thuộc các tam giáo cửu lưu.
Chủ đề của Tam Quốc Diễn Nghĩa lấy
tư tưởng chính thống “tôn Lưu biếm Tào “, và coi cuộc nổi dậy Hoàng Cân là làm
lọan, làm giặc, lấy trung hiếu tiết nghĩa làm tiêu chuẩn, và coi thuyết
"Thiên hạ qui nhất", "hợp cửu tất phân, phân cửu tất hợp"
là su thế tất nhiên của qui luật phát triển lịch sử. Tam Quốc Diễn Nghĩa của La
Quán Trung có nhiều nhân vật như vậy, nhưng nhân vật nữ thì thật là hiếm hoi
lác đác, có thể đếm trên mười đầu ngón tay, trong đó Điêu Thuyền được thuật lại
một cách rất tinh tế, có thanh có sắc.
Lúc bấy giờ Đổng Trác, sau khi đem
binh vào Lạc Dương, phế Thiếu Đế, lập Hiến Đế, rồi phóng hoả đốt cung thất, ép
Hiến Đế dời về Trường An, tự lập làm Thái Sư, chuyên hoành bạo ngược, bị Tào
Tháo hành thích, nhưng không thành. Sau việc Tháo hành thích Trác không thành,
phải bỏ trốn đến Trần Lưu lo việc chống lại Trác. Rồi sau đó, mười tám lộ chư hầu,
với hai ba chục vạn tướng sĩ, quân binh họp nhau thảo phạt Trác không thành.
Lưu Bị, Quan Vân Trương, Trương Phi đánh nhau với Lã Bố, con nuôi của Trác, ở
Hổ Lao Quan, tục gọi là “Tam anh chiến Lã Bố”, nhưng cũng không thắng nổi Bố.
Anh hùng nam tử trong thiên hạ lúc đó đều bó tay không ai đủ sức giết Trác. Duy
chỉ mình Điêu Thuyền, một người con gái 16 tuổi, không quản ngại nguy hiểm đến
tính mệnh của mình, thâm nhập hổ huyệt, suy tính mưu kế, không dùng can qua mà
hạ được Trác, cứu vãn được giang sơn nhà Hán đang ở cái thế mành treo sợi chỉ.
Nhưng cho đến nay, chung quanh chân
tướng, diện mục, thân thế, và chung cuộc, của người con gái này vẫn còn ít
nhiều mơ hồ mà các nhà nghiên cứu, cùng các sử gia Trung Quốc vẫn còn bàn cãi,
chưa có kết luận.
A-Điêu Thuyền, Vương
Doãn, Đổng Trác, và Lã Bố
Theo sử tịch, Vương Doãn là đại thần
nhà Đông Hán. Doãn sinh năm 137 là người Kỳ Huyện, quận Thái Nguyên (nay thuộc
tỉnh Sơn Tây), tự là Tử Sư. Lúc nhỏ có chí lớn, từng được Quách Thái khen là kỳ
tài. Năm 19 tuổi là thuộc lại ở trong quận, từng bắt và giết tên tiểu hoàng môn
Triệu Tân, người trong phe bọn hoạn quan. Thời Hán Linh Đế, giữ chức Thứ Sử Dự
Châu, trấn áp giặc Khăn Vàng. Hán Linh Đế qua đời, Vương Doãn bôn tang về kinh
sư. Bấy giờ, Đại Tướng Quân Hà Tiến tính diệt trừ bọn hoạn quan, nên mưu với
Vương Doãn, bổ Doãn làm Trung Lang chuyển sang làm lệnh doãn Hà Nam. Khi Hán
Hiến Đế tức vị, Doãn được bổ làm Tư Đồ thay Dương Bưu. Và thường gọi là Vương
Tư Đồ.
Tư Đồ nguyên là danh xưng của một
chức quan, được thiết lập từ thời Tây Chu, trông coi việc trị dân, nắm giữ hộ
khẩu, điền tịch, cùng thâu nạp thuế khoá. Đến nhà Tần, bãi bỏ chức Tư Đồ, và
đổi là Thừa Tướng. Đến đời Hán Ai Đế lại đổi Thừa Tướng là Đại Tư Đồ. Khi Hán
Hiến Đế tức vị, thì bỏ chữ «Đại» chỉ còn Tư Đồ, là một trong Tam Công, chuyên
về giáo dục.
Năm Thiệu Ninh nguyên niên, tức năm 189, Đổng Trác phế Hán Thiếu Đế Lưu Biện làm Hoằng Nông Vương, lập Trần Lưu Vương Lưu Hiệp lên làm vua, tức Hán Hiến Đế. Rồi giết Hà Thái Hậu. Tháng giêng năm sau, tức năm 190 Trác sai Lang Trung Lệnh Lý Nho đánh thuốc độc giết Hoằng Nông Vương Lưu Hiệp.
Tháng tư năm Sơ Bình nhị niên, tức
năm 191, Đổng Trác về đến Trường An, bấy giờ Trác đã được phong làm Thái Sư,
tước ở trên các chư hầu vương. Trác dùng em mình là Đổng Mân làm Tả Tướng Quân,
cháu là Đổng Hoàng làm Trung Quân Hiệu Uý để nắm giữ quân quyền. Các tông tộc
của Trác đều được ra làm quan. Ngay như một đứa nhỏ còn nằm trong tã cũng được
phong hầu. Trác còn dùng 25 vạn dân phu cho tu sửa My Ổ cách Trường An 260 dặm.
Thành quách cao thấp, dầy mỏng như thành Trường An, đặt tên là Vạn Tuế Thành.
Bên trong tích tụ kim ngân, châu báu, và thóc lúa có thể dùng trong hai chục
năm. Gia thuộc đều trú ngụ ở trong đó. Trác còn truyển lựa trong dân gian hơn
tám trăm thiếu niên mỹ nữ đem vào đó. Trác vãng lai đi lại Trường An, hoặc nửa
tháng một lần, hoặc một tháng một lần. Công khanh đại thần phải ra tận cửa
Hoành Môn để đưa tiễn Trác. Một lần, có mấy trăm lính người Bắc Địa đến xin
hàng. Trác lập tức ra lệnh giết ngay trước tiệc. Hoặc chặt chân chặt tay. Hoặc
bị khoét mắt, đục tai. Hoặc bỏ vào vạc dầu. Tiếng kêu la thảm khốc, chấn động
một góc trời. Các quan thì ai nấy đều sợ rét run, còn Trác vẫn tự như cười nói
đánh chén. Bộ hạ có ai hơi làm phật ý, thì giết ngay tại chỗ. Pháp lệnh lại hết
sức hà khắc. Phàm bách tính, quan lại, làm con bất hiếu, làm em không hoà
thuận, làm thần tử bất trung, làm quan lại không thanh liêm, ngoài tội tử hình
còn tịch thâu tài vật. Dân chúng trăm họ bị vu cáo chết oán vì pháp lệnh của
Trác nhiều vô kể.
Nhưng chính Trác lại làm nhiều điều
bất nghĩa. Trác biết như vậy, nên sợ người bị ám sát. Mỗi lần ngoại xuất, và
ngay tại trong nhà, thường dùng Lã Bố hộ vệ. Bố là người dũng mãnh, sức khỏe
hơn người, được Trác coi là nghĩa tử. Nhưng Trác là người nóng nẩy, thô bạo.
Hơi bất như ý là nổi giận, không dằn được. Doãn thấy Đổng Trác chẳng những hành
vi tham tàn bạo ngược, tàn nhẫn như vậy, lại có ý muốn soán đọat ngôi nhà Hán,
Doãn bèn âm thầm tìm mưu để giết Đổng Trác. Nhưng trở ngại lớn chính là viên
tướng dũng mãnh của Đổng Trác là Lã Bố, không có người địch nổi. Cuối cùng, để
đạt mục đích, Doãn quyết định dùng Điêu Thuyền làm mỹ nhân kế để ly gián Trác
với Lã Bố, và mượn tay Lã Bố để giết Đổng Trác.
Dưới đây, là một đoạn văn rất cảm
động, thuật việc Vương Doãn vì lòng ái quốc, hạ mình cầu Điêu Thuyền giúp mình
thi hành mỹ nhân kế, người viết xin trích dịch một đoạn :
“Một hôm Vương Doãn từ triều về,
lòng bồn chồn đứng ngồi không yên. Đến tối, trời khuya trăng sáng, Vương Doãn
một mình chống gậy tản bộ ra hậu viên, đứng dựa bên giàn hoa Trà Mi, ngửa mặt
nhìn trời mà rơi lệ. Thình lình Vương Doãn nghe có tiếng người thút thít thở
dài từ phía đình Mẫu Đơn vọng lại. Vương Doãn bèn lén gót theo dõi. Té ra Điêu
Thuyền, con hát ở trong phủ. Điêu Thuyền từ bé được đưa vào trong phủ của Vương
Doãn, dậy bảo ca múa, tuổi vừa đôi tám, sắc tài trọn vẹn, được Vương Doãn
thương như con đẻ.
Vương Doãn đứng nghe một hồi lâu,
rồi lớn tiếng mắng :
-Con tiện tỳ này có tư tình phải
không ?
Điêu Thuyền sợ hãi quỳ xuống thưa: -Tiện thiếp nào dám có tư tình gì. Vương Doãn nói: -Không có tư tình, sao đêm khuya thanh vắng lại ra đây mà than khóc ? Điêu Thuyền nói: -Xin đại nhân cho thiếp được giãi bầy gan ruột Vương Doãn nói : -Ngươi không được dấu, phải nói rõ cho ta biết ! Điêu Thuyền thưa -Thiếp đội ơn đại nhân nuôi dưỡng, lại dậy nghề ca múa, thương yêu như con ruột, thiếp dù có tan xương nát thịt, cũng chẳng báo được muôn một. Ít ngày gần đây, thiếp thấy đại nhân âu sầu buồn bã, hẳn là chuyện về quốc gia đại sự, thiếp không dám hỏi. Đêm nay thấy đại nhân đứng ngồi không yên, thiếp vì thế cũng buồn rầu mà thở dài, chẳng ngờ bị đại nhân bắt gặp. Vậy nếu thiếp có thể giúp đại nhân việc gì để báo đáp ân sâu, dù có vạn tử, thiếp quyết không từ chối. Vương Doãn đập cây gậy xuống đất, tỏ vẻ mừng rỡ nói: -Ai ngờ cơ đồ nhà Đại Hán lại nằm ở trong tay con bé này ! Con hãy theo ta vào trong thư các. Điêu Thuyền theo Vương Doãn vào trong thư các. Vương Doãn đuổi hết bọn tỳ nữ ra ngoài. Rồi mời Điêu Thuyền ngồi lên ghế, chắp tay khấu đầu vái lạy Điêu Thuyền. Điêu Thuyền sợ hãi phủ phục xuống đất thưa : -Đại nhân cớ sao lại làm như vậy ? Vương Doãn nói : -Xin con hãy thương lấy sinh linh thiên hạ nhà Đại Hán ! Nói xong nước mắt trào ra như suối chảy : Điêu Thuyền thưa : -Tiện thiếp vừa rồi mới thưa, đại nhân có việc sai bảo, dù có vạn tử thiếp cũng không chối từ. Vương Doãn lại quỳ xuống đất mà nói: -Ngày nay trăm họ gặp nạn treo ngược như đi trên dốc. Quần thần nguy cấp như trứng nằm dưới đá. Không có con thì không ai cứu được. Tên giặc Đổng Trác đang muốn cướp ngôi. Văn võ trong triều không ai tìm được kế sách nào chống cự. Giặc Trác lại có thằng con nuôi là Lã Bố, kiêu dũng dị thường. Ta thấy cha con nó đều là phường háo sắc. Nay muốn dùng kế liên hoàn. Trước đem con gả cho Lã Bố, sau lại hiến con cho Đổng Trác. Khi con vào phủ, hãy tuỳ nghi lập kế ly gián cha con chúng nó, khiến cho Lã Bố giết Đổng Trác, mới trừ được ác lớn. Việc phò dựng xã tắc, tái lập giang sơn, đều trông cậy vào sức của con. Chẳng hay ý con thế nào ? Điêu Thuyền nói : -Thiếp xin hứa với đại nhân, dù có vạn tử cũng không chối từ. Xin hãy đem thiếp mà hiến cho chúng ngay đi; thiếp sẽ tự có chủ kiến. Vương Doãn lại nói : -Con nên bảo mật, việc như tiết lộ, thì dòng họ ta sẽ bị diệt tộc. Điêu Thuyền thưa : -Xin đại nhân đừng bận lòng. Thiếp như không báo được đại nghĩa, thì xin chết dưới muôn vạn lưỡi đao. Vương Doãn lạy tạ. (Trích dịch từ Tam Quốc Diễn Nghĩa hồi thứ tám của La Quán Trung-Nhà xuẩt bản Minh Lương ở Hồng Kông ấn hành)
Sau đó, Điêu Thuyền được đưa vào phủ
của Trác. Nàng bèn đem mày ngài, mắt phụng, nụ cười, nét nhăn, mặt hoa da phấn,
cùng với trí thông minh ưu việt của mình để ly gián Đổng Trác và Lã Bố, khiến
cho Đổng Trác phải nổi cơn ghen, say máu vác kích đuổi theo Lã Bố để giết, làm
náo loạn Phụng Nghi Đình. Cuối cùng đạt được mục đích của kế hoạch liên hoàn do
Vương Doãn đề ra là :
Đổng Trác phải bị Lã Bố giết. Còn Bố sau khi giết Trác thì đến ngay Mi Ổ, trước hết tìm Điêu Thuyền giữ lấy cho mình. Mục đích của Bố là chỉ có vậy.
Theo Lương Chương Cự, một sử gia đời
Thanh, từng có nhận định cho rằng Vương Doãn hiến Điêu Thuyền cho Đổng Trác
trong Tam Quốc Diễn Nghĩa để làm kế liên hoàn của La Quán Trung, là không có
thật trong chính sử. Và Điêu Thuyền nữa chỉ là một hình tượng văn học, do các
tiểu thuyết gia, các nhà soạn kịch, đời sau tạo dựng ra.
Các sử thư chỉ ghi nhận là Vương
Doãn có âm mưu với viên quan Tư Lệ Hiệu Uý Hoàng Uyển, Bộc Xạ Sĩ Tôn Thuỵ và Lã
Bố để giết Trác như sau :
“Trác từng vì tiểu sự bất mãn đối
với Lã Bố và rút kích ra để ném Lã Bố. Lã Bố nhờ quyền cước nhanh nhẹn nên
tránh thoát, rồi quay người lại tạ tội với Trác. Nhờ thế Trác cũng nguôi giận.
Nhưng Lã Bố từ đấy trong lòng ngấm ngầm oán hận Trác. Trác thường sai Bố bảo vệ
các tì thiếp ở tiểu lâu. Lã Bố lợi dụng cơ hội liền tư thông với thị tì (hậu
thế tương truyền là Điêu Thuyền), đâm ra lo sợ việc bị tiết lộ, trong lòng
không yên.
Trước đó, quan Tư Đồ Vương Doãn,
nhân là người đồng hương với Bố ở Tinh Châu, lại thấy Lã Bố là người dũng mãnh
tráng kiện, nên dùng hậu lễ để tiếp nạp Lã Bố. Về sau đến nhà Vương Doãn, kể
lại việc suýt bị Đổng Trác giết. Lúc đó Vương Doãn đang cùng quan Bộc Xạ Tôn Sĩ
Thuỵ âm mưu tìm kế hoạch để giết Trác, nên đem âm mưu đó nói cho Lã Bố biết,
muốn Lã Bố làm nội ứng.
Nhưng Lã Bố bảo với Vương Doãn :
--Nhưng tôi với Trác từng nhận nhau là cha con, thì biết làm thế nào ? Vương Doãn nói : -Ông họ Lã, cùng với Đổng Trác làm gì có tình cốt nhục. Khi Trác dùng kích ném ông, thì Trác có nghĩ đến tình phụ tử không ? Lã Bố nghe thế, bèn nhận lời Vương Doãn ngay. Sau này đích thân Lã Bố cầm đao đâm chết Trác ”
(Dịch theo bản Tam Quốc Chí của Trần
Thọ-Nhà xuất bản Trung Ương Dân Tộc Học Viện)
Tam Quốc Chí của Trần Thọ cho thấy
rõ ràng là Đổng Trác có một tỳ nữ, và Lã Bố trong lúc làm công việc canh gác
tiểu lâu cho Đổng Trác, Lã Bố đã tư thông với người tỳ này, còn tên người tỳ nữ
thì không đề cập đến. Và kết cuộc mối tư tình vụng trộm này giữa Lã Bố và người
tì nữ đó ra làm sao, sử thư cũng hề đề cập đến.
Cùng với nhận định của sử gia Lương
Chương Cự, sau này cũng có người cho rằng các tiểu thuyết gia, và các nhà soạn
kịch đời Nguyên, nghĩa là sau Tam Quốc Chí của Trần Thọ cả chục thế kỷ, mới đem
người tì nữ của Đổng Trác “diễn nghĩa” thành Điêu Thuyền, và biến Điêu Thuyền thành
vợ Lã Bố.
-Theo sách “Tam Quốc Chí Bình Thoại”
đời Nguyên thì Điêu Thuyền tự thuật về mình như sau :
“Tiện thiếp vốn họ Nhâm, tiểu tự là
Điêu Thuyền, có chồng là Lã Bố, nhưng từ khi thất lạc ở phủ Lâm Thao, đến nay
vẫn chưa gặp lại…. ”
-Còn theo tạp kịch “Cẩm Vân Đường Âm
Định Liên Hoàn Kế” của tác giả vô danh thời Nguyên kể :
Điêu Thuyền họ Nhâm, tiểu tự là Điêu
Thuyền, chồng là Lã Bố, vợ chồng thất lạc ở phủ Lâm Thao, đến nay chưa gặp lại
nhau, và Điêu Thuyền từng có lời nói : “Nhân Hán Linh Đế ra lệnh tuyển lựa cung
nữ, nên mẹ tôi mới cho tôi vào trong cung, giữ việc quản lý loại mũ là Điêu
Thuyền, vì thế tôi mới lấy tên chữ gọi là Điêu Thuyền. Sau Hán Linh Đế đem tôi
ban cho Đinh Kiến Xương ( tức Đinh Nguyên). Kiến Xương lại gả tôi cho Lã Bố làm
vợ. Sau này khi giặc Khăn Vàng nổi lên làm loạn, vợ chồng tôi bị thất tán vì
chiến tranh, nay không biết chồng tôi ở nơi nào.
Rồi đến cuối thời Minh mạt Thanh sơ,
La Qúan Trung khi viết “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, đệ nhất tài tử thư của Trung
Quốc, chẳng những tổng hợp những tư liệu lịch sử nêu trên, mà còn gom góp những
sự tích liên quan đến thời Tam Quốc lưu truyền trong dân gia, cùng các loại
bình thoại, các tạp kịch, dựa vào cải biến Điêu Thuyền thành vợ của Lã Bố, cho
Điêu Thuyền làm con nuôi Vương Doãn, giúp Vương Doãn hoàn thanh liên hoàn kế
như kể ở hồi tám :
”Vương Tư Đồ xảo sử liên hoàn kế,
Đổng Thái Sư đại náo Phụng Nghi Đình 王 司
徒 巧 使
連 環 計
董 太 師
大 鬧 鳳
儀 亭”.
Mà sau này, Trương Quang Tiên, người
Việt Nam đầu tiên đã phỏng theo hồi thứ tám này, để viết thành vở cải lương Hồ
Quảng nổi tiếng là “Phụng Nghi Đình” diễn ở Sài gòn năm 1926, và chúng tôi đã
trích dịch một đoạn của hồi này, như đã thuật ở trên.
Lã Bố có vợ tên là gì, trong sử thư
cũng không ghi rõ, nhưng thuật là Lưu Bị có gặp vợ Lã Bố. Trong “Tam Quốc
Chí-Lã Bố truyện” phần chú dẫn “Anh hùng ký” ghi nhận rằng Lã Bố có một người
vợ. Theo chú dẫn thì năm Hưng Bình nhị niên, tức năm 195, Lã Bố bị Tào Tháo
đánh bại ở Cự Dã, phải chạy về hướng đông nhờ cậy Lưu Bị, rất kính trọng Lưu
Bị, có lần Lã Bố bảo với Lưu Bị rằng :
-Tôi với ông đều là người biên địa (
tức Bố là người Ngũ Nguyên, còn Bị là người Trác Quận. Ngũ Nguyên và Trác Quận
thời Hán bị coi là biên địa). Tôi thấy nhân mã ở Quan Đông (tức vùng phía đông
Hàm Cốc Quan) muốn nổi lên giết Đổng Trác, tôi nay đã giết Trác xong rồi chạy
về hướng đông, nhưng chư tướng Quan Đông không ai chịu dung nạp tôi, mà lại có
ý muốn giết tôi.
Sau đó mời Bị vào trong trướng,
thỉnh Bị ngồi trên giường của vợ, và gọi vợ ra bái kiến Lưu Bị, còn Bố cung
kính rót rượu tiếp đãi, xưng hô với Bị là anh em. Nhưng Bị thấy Bố nói năng
không phải phép, ngoài mặt thì đồng ý, mà trong bụng không thích”
(Trích dịch từ Tam Quốc Chí Bản bạch
thoại-Nhà Xuất Bản Trung Ương Dân Tộc Học Viện)
Sau đó Bố tập kích đánh úp Lưu Bị, tự
xưng là Thứ Sử Từ Châu, cát cứ một phương, thế lực dần dần lớn mạnh, trở thành
kình địch ở phiá đông của Tào Tháo. Tháng 10 năm 198, Tháo xuất quân Đông chinh
Lã Bố, phá Bành Thành (nay thuộc Từ Châu tỉnh Giang Tô), rồi tiến quân xuống Hạ
Bì. Bố đánh trận nào thua trận ấy, nên đóng cưả thành cố thủ. Tháo liên tiếp
tấn công, nhưng không hạ nổi, sau nghe mưu kế của Tuân Du, và Quách Gia, đào
sông Tứ Thuỷ và Nghi Thủy lấy nước yểm thành. Hơn một tháng sau, tướng của Bố
là Tống Nghiã mở cưả thành ra hàng. Tháo hạ lệnh đánh gấp. Bố buộc phải đầu
hàng và bị Tháo thắt cổ chết.
Kết thúc chiến dịch Hạ Bì
Cũng trong sử thư “Tam Quốc Chí-Lã
Bố Truyện” ở phần chú dẫn “Anh Hùng Ký”có những đoạn nhắc đến người vợ của Lã
Bố :
Năm Kiến An nguyên niên tháng sáu,
tức năm 196, vào lúc nửa đêm, bộ tướng của Lã Bố ở Hà Nội là Hách Manh làm
phản, đem quân đột nhập vào nội phủ trị sở của Lã Bố, khi đến bên ngoài tiểu
lâu của Nghị Sự Sảnh, cùng nhau hô hoán tiến hướng tiểu lâu tấn công, nhưng vì
tiểu lâu kiên cố vững chắc, quân của Hách Manh không phá nổi. Bố không biết kẻ
làm phản là ai, vội vã kéo người vợ còn chưa kịp mặc quần áo và vấn khăn, trốn
vào nhà cầu tiêu trèo tường đào thoát, chạy vào trong doanh của Cao Thuận.
Các nhà bình thoại, các nhà soạn
kịch, và tiểu thuyết gia đời sau dựa vào đoạn này, cho rằng vợ Lã Bố là Điêu
Thuyền, tạo thành cái nghi án đến nay vẫn không giải quyết được.
B-Quan Công và Điêu
Thuyền
Ngoài cái nghi án Điêu Thuyền có
phải là vợ Lã Bố không, còn có một nghi án nữa về kết cục vận mệnh của Điêu
Thuyền. Trong truyền thuyết dân gian và các hý khúc tạp kịch của Trung Quốc từ
đời Minh đến đời Thanh, tồn tại hai thuyết trái ngược nhau về cái chết của Điêu
Thuyền, và đều có liên can đến một nhân vật lịch sử lẫy lừng thời Tam Quốc, sau
được cả trăm triệu người Trung Hoa, từ vua chúa, quan quyền, đến người dân thôn
dã tôn kính sùng bái, thờ làm thần. Đó là :
Quan Đại Vương tức Quan Vũ
1-Thuyết thứ nhất là :Quan Vũ giết
Điêu Thuyền
Quan Đại Vương 關 大
王 hay Quan Thánh Đế 關 聖
帝, tức Quan Vũ, là Đại tướng nhà Thục
Hán đời Tam Quốc, tự là Vân Trường, người Giải Huyện tỉnh Hà Đông (nay thuộc
tỉnh Sơn Tây), oai mãnh cương cường. Cuối thời Đông Hán, Quan Vũ lưu vong đến
Trác Quận, rồi theo Lưu Bị khởi binh phò Hán. Năm Kiến An ngũ niên, tức năm
200, Tào Tháo đánh bại Lưu Bị, Quan Vũ bị Tháo bắt cầm tù, nhưng được Tháo rất
kính nể và hậu đãi, "lên ngựa tặng vàng, xuống ngựa tặng bạc", phong
làm Hán Thọ Đình Hầu, nhưng Quan Vũ "thân tại Tào mà tâm thì tại
Hán", cuối cùng thì trở về với Lưu Bị.
Năm 214 CN, Quan Vũ trấn thủ Kinh
Châu. Năm 219 CN, vây đánh bộ tướng của Tào Tháo là Tào Nhân ở Phàn Thành và
phá Vu Cấm, nhân vì không phòng bị mặt sau, bị Tôn Quyền tập kích Kinh Châu,
thua trận bị giết. Quan Vũ được người Trung Hoa thần hóa, thờ cúng, tôn là Quan
Thánh Đế, Quan Công, Quan Đại Vương.
Trong sách "Tam Quốc Chí -Thục
Thư-Quan Vũ truyện" của Trần Thọ, người đời Tấn có truyện kể về ông. Sau
ông lại được La Quán Trung người thời Minh, trong "Tam Quốc Chí Diễn
Nghĩa" được tiểu thuyết hóa với nhiều giai thoại, nhiều mầu sắc thú vị.
Quan Vũ, một người khi sống coi tiền
tài như rác rưởi, mà sau khi chết lại được người Tàu đặc biệt tôn thờ là Tài
Thần. Tại sao? Theo truyền thuyết, thì vua nhà Thanh là Càn Long mới đăng cơ,
thường nghe đằng sau mình có tiếng người đi dép lẹp kẹp, mới quay đầu lại hỏi
:"Ai theo sau bảo giá trẫm vậy", thì có tiếng đáp "Nhị đệ Quan
Vân Trường".
Càn Long là một ông vua từ ngoài vào
xâm chiếm nước Trung hoa, mà lại nhận là anh em với Quan Vũ, chẳng qua cũng là
mưu tính muốn mượn oai danh của Quan Vũ để thần hoá mình và hoá giải bớt sự
chống đối của dân chúng. Sau đó Càn Long bèn phong cho Quan Vũ là Tài Thần, và
từ đó trên cửa của miếu thờ Quan Vũ người ta thiếp mấy chữ :"Hán vi văn võ
đế, Thanh phong Phúc Lộc Thần -漢
為 文 武
帝 清 封
福 祿 神"
Quan Vũ còn được coi là thánh tổ,
của mấy chục ngành nghề như nghề làm đầu bếp, nghề cắt tóc, nghề cầm đồ, nghề
đồ tể, nghề bán thịt, nghề thầy võ, nghề thầy tướng, nghề đậu hũ v. v. . . .
Thành ra, vào các quán ăn, các thương điếm, ở đâu chúng ta cũng thấy người Tầu
có bàn thờ Quan Công cả.
Người Trung Hoa thần hoá và phong vị
hoá Quan Vũ qua nhiều giai thoại truyền khẩu và bằng những hý khúc, tạp kịch
khác nhau. Trong đó có truyền thuyết, đồng quan điểm coi Điêu Thuyền là vợ Lã
Bố, cho là Điêu Thuyền bị Quan Công giết trong một đêm trăng, « Quan Đại Vương
nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền ».
Truyền thuyết này kể rằng :
Sau khi Lã Bố thua trận bị Tào Tháo
thắt cổ chết. Lưu Bị chiếm được Điêu Thuyền, thấy Điêu Thuyền đẹp như hoa tựa
ngọc, có ý luốn lấy nàng làm vợ . Còn Trương Phi thấy Điêu Thuyền cũng hồn siêu
phách tán.
Riêng Quan Công nhìn thấy tâm lý của
hai người bạn kết nghĩa sinh tử với mình như thế, mới lên tiếng bảo với Trương
Phi rằng :
-Chẳng ngờ tam đệ mà cũng yêu thích
mỹ nhân nhỉ !
Thì Trương Phi đáp : -Điêu Thuyền đẹp thế này, lấy đại ca mới thật xứng đôi ! Lưu Bị trong lòng thật muốn lấy Điêu Thuyền làm vợ, nhưng không tiện nói ra, mới giả ý nói : -Nhị ca chưa có gia đình, hay là để cho nhị ca lấy vợ đã. Quan Vũ vội vã từ chối ngay : -Đệ không cần đâu, đệ không cần đâu.
Lưu Bị lại gán cho Trương Phi, nhưng
Trương Phi cũng không tiện nói ra, lại cố ý nhượng lại cho Lưu Bị. Cả ba anh em
nhượng đi nhượng lại, nhất thời không anh nào chịu nhận lãnh Điêu Thuyền làm
vợ. Quan Vũ vốn không phải là người ham nữ sắc, biết được tâm tư tình cảm của
Lưu Bị và Trương Phi như vậy, bụng bèn bảo dạ : Đổng Trác, Lã Bố nhân vì sủng
ái Điêu Thuyền mà thân bại danh liệt, sự nghiệp tiêu tan. Như nay, đại ca và
tam đệ bị nữ sắc làm say mê quyến rũ, là một điều không tốt. Nếu như đại ca và
tam đệ vì một người đàn bà làm thương tổn hoà khí, rồi vì đắm say Điêu Thuyền,
đại ca không lo tiến thủ nữa, khi đó có hối thì cũng muộn rồi. Người con gái
này không thể lưu lại được. Nghĩ thế, Quan Vũ quyết định phải giết Điêu Thuyền.
Tối hôm đó, Quan Vũ xách cây Thanh
Long Yển Nguyệt Đao 青
龍 偃 月
刀, còn gọi là Lãnh Diễm Cứ 冷 艷
鋸, nặng tám mươi hai cân, là võ khí
mà Quan Vũ thường dùng khi lâm trận, đến gọi Điêu Thuyền ra. Dưới ánh trăng
sáng, Điêu Thuyền trông càng lộng lẫy, nhan sắc càng rực rỡ hơn. Quan Vũ vốn là
người cứng cỏi cương nghị, nhưng nhìn thấy Điêu Thuyền, lòng cũng chùng lại.
Song tự nhủ, chính cái nhan sắc tiêu hồn này, nếu lưu lại dương thế, sẽ di hoạ
cho đại ca và tam đệ. Ta cần phải giết đi ngay.
Điêu Thuyền thấy Quan Vũ cầm đao
tiến đến, thì toàn thân run rẩy sợ hãi, trông như phù dung gặp bão, lê hoa gặp
gió, ẻo lả như dương liễu, càng khiến cho người ta phải động lòng thương hoa
tiếc ngọc. Quan Vũ cũng không còn đủ dũng khí nữa. Ông nhắm mắt lại. Tay ông
buông rơi cây đao. Cây Thanh Long Yển Nguỵêt Đao này, đã từng giúp ông hạ nhiều
địch thủ, vô tình rơi xuống, chém trúng Điêu Thuyền. Thế là ô hô, hương tiêu
phách tán, kết thúc cuộc đời của kẻ hồng nhan bạc mệnh.
Những nhà nghiên cứu về truyền
thuyết « Quan Vũ giết Điêu Thuyền », đã cho rằng truyền thuyết này được lưu
truyền trong dân gian rất trễ. Sở dĩ như vậy, là vì từ sau vương triều nhà
Tống, Quan Vũ chẳng những được liệt nhập vào hàng thần nhân, lại còn được tôn
sùng là « đế », là phu tử, là thánh nhân, được nhân dân trăm họ thờ cúng, thì
theo tâm lý tập quán của dân chúng, nhân vật như vậy không thể bị luỵ vì nữ
sắc. Ngay đến cả La quán Trung, khi thâu thập những cố sự trong dân gian, những
tạp kịch, hý khúc, cũng rất cẩn thận, không đề cập đến giai thoại này trong
tiểu thuyết nổi tiếng « Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa » của ông .
Chính trong cái tâm lý thần hoá Quan
Vũ mà cố sự « Quan Vũ giết Điêu Thuyền » được đẻ ra. Những người tôn sùng Quan
Vũ, muốn Quan Vũ phải triệt để Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Dũng, Tín. Muốn ông phải
xa lánh sắc dục và tiền tài. Và vì là « thần », nên hành vi của ông phải ở trên
cả « anh hùng ».
Trong khi Lưu Bị và Trương Phi, thấy
nhan sắc của Điêu Thuyền thì hồn phách điên đảo, tuy lòng đều ham muốn, nhưng
lại hư nguỵ nhường đi nhường lại cho nhau. Chỉ duy có Quan Vũ, nẩy ra ý tưởng
muống giết Điêu Thuyền để trừ hoạ căn, bảo vệ tiền trình và thanh danh cho
những người anh em kết nghĩa. Nhưng trước nhan sắc diễm tuyệt của Điêu Thuyền,
Quan Vũ cũng phải động lòng thương sót. Nhắm mắt buông đao. Để đao rơi xuống,
vô tình kết quả tính mệnh của Điêu Thuyền, tránh cho Quan Vũ cái tiếng xấu là
tàn nhẫn giết một người con gái yếu đuối, hà huống đó lại là người đã lập kỳ
công cứu vãn vương triều nhà Đông Hán.
Sang đến đời nhà Nguyên, cố sự «
Quan Vũ giết Điêu Thuyền » được quảng bá rất rộng rãi. Lại có cả tạp kịch «
Quan Đại Vương nguỵêt hạ trảm Điêu Thuyền 關 大
王 月 下
斬 貂 蟬
» nhưng không rõ gốc từ sách nào. Đến đời Minh, trên vũ đài hý khúc, lại rầm rộ
xuất hiện những kịch bản nói đến việc Quan Vũ chém Điêu Thuyền. Có kịch bản
giải thích sở dĩ Quan Vũ phải chém Điêu Thuyền, vì Quan Vũ cho rằng Điêu Thuyền
là loại người « vô nghĩa bất lương », một gái hai chồng, hại nhân ngộ quốc.
Nhưng một bậc anh hùng cái thế, như « Quan Đại Vương », mà nỡ xuống tay giết
một người con gái diễm kiều, liễu yếu đào tơ, cũng chẳng đem lại vinh quang
thêm gì cho Quan Vũ, mà trái lại làm cho người ta đồng tình thương sót Điêu
Thuyền.
Nên ngoài kịch bản « Quan Đại Vương
nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền », trong truyền thuyết dân gian, còn có kịch bản nói
về cái chết của Điêu Thuyền, « Điêu Thuyền chi tử 貂 蟬
之 死 », nhưng chết một cách khác. Chết một cách tự nguyện.
Tác giả của bản kịch này là Long Học
Nghĩa. Họ Long cũng dựa vào bối cảnh của việc Thất Thủ Hạ Bì, tức truyện Tào
Tháo tháo nước sông Tứ Thuỷ để đánh Lã Bố, nhưng lại thuật khác đi là Điêu
Thuyền có lòng ái mộ Quan Vũ, xin với Quan Vũ nói với Tháo rút nước ra để cứu
vớt sinh linh trăm họ ở trong thành.
Kết quả khiến cho Quan Vũ không còn
thiên kiến ghét Điêu Thuyền nữa . Trái lại, đối với phẩm chất cao thượng biết
ưu dân mẫn quốc của nàng, lại có cảm tình và sinh lòng ái mộ. Nhưng Lưu Bị thì
sợ Quan Vũ mê đắm nữ sắc, nên lấy danh nghĩa đem lễ vật tặng đêm tân hôn để
nhắc nhở Quan Vũ đừng quên cái bổn phận « Phò Hán Hưng Lưu ». Đặt Quan Vũ ở
giữa hai tình cảm phải chọn lựa : Tình yêu và tình bạn kết nghĩa.
Cuối cùng tình cảm của Quan Vũ đã
nghiêng về tình bạn kết nghĩa nhiều hơn. Ông đã thả Điêu Thuyền. Cho Điêu
Thuyền tự do ra đi. Nhưng người con gái này trước cảnh nhà tan cửa nát, chồng
vừa bị Tào Tháo thắt cổ chết, đất trời mang mang ly loạn.
Biết đi về đâu.
Điêu Thuyền chỉ còn biết ôm nỗi đau
khổ mà khóc lóc, rổi đem hoàn cảnh và tâm sự giãi bầy với Vũ. Sau đó cầm đao tự
kết liễu đời mình.
Kết thúc cuộc đời một thiên cổ giai
nhân và kết thúc vở hý kịch về « Cái chết của Điêu Thuyền ». Trong kịch bản
này, tuy đơn thuần nói lên tình cảm khuynh mộ giữa Quan Vũ và Điêu Thuyền, cùng
nguyên nhân cái chết của Điêu Thuyền là do Quan Vũ lấy việc Phò Hán Hưng Lưu
làm trọng mà cắt đứt tình cảm với nàng, đưa nàng đến chỗ tự vẫn. Vai trò của
Quan Vũ trong vở kịch xem ra bớt tàn nhẫn hơn, so với kịch bản « Quan Đại Vương
nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền ».
Tuy như vậy, trong truyền thuyết dân
gian, vốn sẵn thông cảm với Điêu Thuyền, cho rằng những kịch bản vừa nêu trên
vẫn chưa giải thích minh bạch về cái chết của Điêu Thuyền. Dù nàng chết cách
nào. Cũng vẫn là tàn nhẫn và bất hạnh. Vì thế, trái ngược lại với giai thoại «
Quan Đại Vương nguyệt hạ trảm Điêu Thuyền », trong dân gian còn có một huyền
thoại khác là : « Quan Công nghĩa thích Điêu Thuyền 關 公
義 釋 貂
蟬»
2-Thuyết thứ hai : Quan Công nghĩa
thả Điêu Thuyền
Tình tiết của thuyết thứ hai này
được thuật như sau đây :
Sau khi Tào Tháo đánh bại và thắt cổ
Lã Bố chết, đem Điêu Thuyền giao cho Quan Vũ coi giữ. Một mưu sĩ bèn bàn vơí
Tào Tháo là đem Điêu Thuyền tặng cho Quan Vũ, để Quan Vũ vì luyến mê nữ sắc mà
hết ý chí tranh đấu, đồng thời khiến cho Lưu Bị và Trương Phi bị bất mãn, tạo
thành ly gián kế giữa ba anh em kết nghiã đồng tử này.
Tào Tháo y kế thi hành. Nhưng không
ngờ, Quan Vũ là người không ham nữ sắc, cự tuyệt không nhận. Vì thế, Tào Tháo
bèn hạ lệnh xử tử Điêu Thuyền.
Điêu Thuyền nghe tin ấy, cả ngày
khóc lóc thê thảm . Quan Vũ cảm thấy phiền não, mới gọi Điêu Thuyền đến bảo :
- Nhà ngươi trước đã ở vớí Đổng
Trác, sau lại lấy Lã Bố. Con gái mà lấy hai lần chồng, là một điều không tốt
đẹp, còn khóc nỗi gì ?
Điêu Thuyền nói :
-Thưa Quan tướng quân, đấy đâu phải
tội của thiếp, mà do Vương ân công muốn nhờ thiếp để thi hành kế liên hoàn.
Thiếp đem tấm thân trinh bạch, vì nước trừ hại, công đã chẳng có, ngược lại nay
còn bị kết tội xử tử. Như thế há chẳng phải là một điêù đáng thương tâm hay sao
?
Quan Vũ nghe Điêu Thuyền trả lời như
vậy, cũng thấy Điêu Thuyền là người vô tội, trong lòng bỗng nẩy sinh trắc ẩn,
muốn thả tự do cho Điêu Thuyền. Nhưng Điêu Thuyền tứ cố vô thân, không nơi
nương dựa, nên bầy tỏ với Quan Vũ là sau khi được thả, thì xin tìm đến một am
nhỏ trong só rừng nào đó để ẩn cư xuống tóc quy y.
Quan Vũ thấy Điêu Thuyền tỏ ý như
vậy, thì lấy một ít vàng và hai bộ quần áo tặng cho Điêu Thuyền, rồi bảo nàng
mau trốn đi gấp. Điêu Thuyền cảm tạ Quan Vũ đã vì nghĩa mà thả nàng, nhưng lúc
ra khỏi cửa, thì chợt nghĩ rằng mình thân gái yếu đuối làm sao có thể đào thoát
ra khỏi quân doanh thành trì ở đây, huống chi quan ải dặm trường gian nan hiểm
trở, thực khó mà qua nổi.
Bấy giờ, Quan Vũ đã quyết tâm hết
lòng cứu Điêu Thuyền. Ông bèn bảo Điêu Thuyền cải trang thành một binh sĩ cưỡi
ngựa lẫn trong đám kỵ binh, và tự mình dẫn đội kỵ binh ra khỏi cửa thành, vì
thế không ai dám ngăn trở gì, giúp cho Điêu Thuyền ra đi một cách thuận lợi.
Quan Vũ đưa Điêu Thuyền đến tận cửa am gọi là Tĩnh Từ Am dưới chân núi, sau đó
mới quay ngựa trở về.
Chẳng ngờ, về đến nửa đường, Quan Vũ
gặp Trương Phi vác cây sà mâu đi đến tìm Điêu Thuyền để giết. Nguyên lai,
Trương Phi khi biết tin Tào Tháo đem tặng Điêu Thuyền cho Quan Vũ, thì sợ Điêu
Thuyền làm ô danh giá anh hùng cái thế của người anh kết nghiã với mình, bèn
nẩy sinh ra ý nghĩ đi tìm Điêu Thuyền để giết . Nhưng Quan Vũ chặn giữ Trương
Phi lại, rồì đem sự thật giảng giải cho Trương Phi rõ. Sau này, cả Lưu Bị lẫn
Tào Tháo khi nghe truyện Quan Vũ vì nghiã thả Điêu Thuyền, đều khen ngợi Quan
Vũ là bậc chân anh hùng, không ham nữ sắc.
Quan Vũ là một nhân vật có thật
trong lịch sử Trung Quốc. Ông vốn không có liên hệ nào với nhân vật Điêu
Thuyền. Những truyền thuyết hay hý khúc hư cấu trên đây, dù « giết hay tha Điêu
Thuyền », đều phát xuất từ tâm lý dân gian, phản ánh hai thái độ đối với nữ sắc
của Quan Công :
-Một là, muốn Quan Vũ phải giết Điêu
Thuyền, để chứng tỏ ông là người anh hùng không tham nữ sắc.
-Hai là, muốn QuanVũ tha Điêu
Thuyền, còn nếu không thế, Quan Vũ chưa đủ là người nhân ái, trọng nghiã, chưa
đủ tư cách « thánh nhân »
Hay đúng ra, bi kịch Điêu Thuyền,
phản ánh đúng cái quan niệm nam tôn nữ ty, nam giới trọng hơn nữ giới ở thời kỳ
phụ hệ cực thịnh của xã hội phong kiến Trung Hoa, trong đó cái tư tưởng « trọng
nam khinh nữ » « chồng chuá vợ tôi », coi đàn bà như một món đồ chơi. Có quyền
khinh khi vùi dập. Thích thì giữ. Không thích thì bỏ. Vứt đi. Hoặc làm vật đổi
chác, như Nhâm Thành Vương Tào Chương, con Nguỵ Văn Đế Tào Tháo, chẳng từng đem
vợ ra đổi để lấy ngựa đó sao. Chẳng thế mà, trong hý khúc, người ta đã đặt vào
miệng Quan Vũ lời nói: «Con gái mà lấy hai lần chồng, là một điều xấu hổ hết
sức, còn khóc nỗi gì ". Lời nói này, há chẳng phải là biểu lộ cái quan
niệm « nam tôn nữ ty » của tư tưởng phong kiến hủ lậu, đanh ác đó sao ? Chỉ có
nam giới mới có quyền năm thê bẩy thiếp, còn đàn bà phải « Tiết hạnh khả phong 節 行
可 封». Hai đời chồng sẽ bị coi là một điều xấu.
Ngoài cái tư tưởng trọng nam khinh
nữ, giới sĩ phu trí thức phong kiến Trung Quốc thuở xưa, và ít nhiều gì lây lan
cả ở Việt Nam nữa, còn cho rằng người đàn bà đẹp là nguồn gốc của những nhiễu
nhương loạn lạc; rồi đưa ra những tiêu chí rõ rệt như “ hồng nhan hoạ thuỷ 紅 顏
禍 始 ”, hoặc “nữ sắc vong quốc女 色
亡 國”, cho rằng người đàn đẹp đưa đến sự suy sụp tiêu vong của
đất nước, như trường hợp Bao Tự nhà Chu, Dương Qúy Phi đời Đường. Còn như thấy
người đàn bà nào gặp cảnh trầm luân đau khổ, nếu có đem lòng thương sót thì bảo
đó là “hồng nhan bạc mệnh 紅
顏 薄 命”.
Đó là số trời. Chứ chẳng phải giới
mày râu tu mi chúng tôi gây ra đâu. Như trường hợp của Thuý Kiều. Ta hồ ! Thân
phận của người đàn bà ngày xưa sao khổ đến thế. Kể cả có may mắn khi được làm
thân phận của một con “cò” thì cũng chỉ là :
Con cò lặn lội bờ sông gánh gạo nuôi
chồng tiếng khóc nỉ non.
Làm trọn cái bổn phận người vợ thờ chồng và nuôi chồng.
Cơ cực lắm thay.
Người viết xin kết thúc bài viết mua
vui này bằng nửa câu ca dao trên đây, để bầy tỏ sự đồng tình thông cảm với
những người phụ nữ từng bị khinh miệt vì cùng chung hoàn cảnh và vận mệnh với
Điêu Thuyền, dù chỉ là một hình tượng văn học.
( Phạm Xuân Hy – Paris 16-11-2OO7 -
24H 23)
Chú Thích:
Điêu Thuyền 貂
蟬
Điêu, còn gọi là “Điêu thử 貂 鼠”
ta dịch là chuột Điêu, là động vật có vú, thân nhỏ mà dài, bốn chân ngắn, tai
có hình tam giác, thính giác rất bén nhậy, sinh sản ở vùng đông bắc Trung Quốc.
Lông con điêu cực kỳ nhẹ và ấm, rất quý dùng làm nguyên liệu để làm áo cừu 裘, một lọai áo mặc mùa đông.
Có nhiều loại điêu khác nhau như
thuỷ điêu 水
貂, tử điêu 紫 貂.
Điêu ăn thị thỏ rừng, mèo rừng, chim, chuột. Có loại ăn cá, ăn trái cây, rau
cỏ.
Cổ xưa, “điêu” được dùng làm trang
sức cho nhiều vật dụng, và còn nhiều từ ngữ chữ Hán liên quan đến con vật này,
trong đó có từ ngữ :
-Điêu thuyền quán 貂 蟬
冠 (Mũ Điêu Thuyền).
Vào thời nhà Hán, mũ đội của quan võ
gọi là Võ Biện Đại Quán 武弁大冠,
các viên quan Thị Trung và Trung Thường Thị, là những vị quan tiếp cận nhà vua
để lo phục dịch và để vua hỏi, trên mũ của họ đội thường dát thêm hoàng kim, và
gắn cánh con ve sầu (thiền vũ 蟬
羽), cùng sức thêm đuôi con điêu (điêu
thử 貂 鼠) để cho văn vẻ đẹp đẽ, mũ loại này được gọi là là mũ “Triệu
Huệ Văn 趙
惠 文”. Vì thế, trong văn chương người ta dùng từ ngữ “điêu
thuyền”, để chỉ người đại quan hiển quý, như nhà thơ Lục Du từng có câu :
Trường An điêu thuyền đa,
Tử khứ thuỳ phúc hoàn
長
安 貂 蟬
多
死 去 誰 复 還
(Đất Trường An có nhiều quan to,
nhưng chết rồi chẳng thấy ai trở lại).
Sang đến nhà Tấn, Tư Mã Viêm sau khi
kiêm tính ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Nội bộ nhà Tấn mâu thuẫn kịch liệt, quan lại
sinh hoạt sa xỉ, chính trị hủ bại. Bấy giờ Triệu Vương Tư Mã Luân, con thứ chín
của Tư Mã Ý, lạm phong quan tước, chỉ cần là vương thân bộ thuộc, ngay cả tôi
đòi bộc dịch, cũng được phong tước vị, trở thành quan to. Vì thế Tấn Thư mới có
câu: « mỗi triều hội điêu thuyền doanh toạ - 每 朝
會 貂 蟬
盈 坐 - Mỗi khi triều hội, chỗ ngồi đầy những đại quan ». Thời
bấy giờ, các bậc đại quan đều đội loại mũ trên có trang sức bằng những cánh
chuồn bằng vàng, và gắn thêm đuôi con điêu thử, gọi là «điêu thuyền quán 貂 蟬
冠 », tức mũ điêu thuyền.
Tiếng Việt chúng ta cũng có một loại
mũ goị là « mũ cánh chuồn », là loại mũ có hai cánh gài vào như cánh chuồn của
các quan văn đội, nhưng ngườì viết không rõ xuất xứ có liên hệ vớí loại « mũ
điêu thuyền » không ?
Ngoài ra, còn có câu tục ngữ « cẩu
vĩ tục điêu 狗
尾 俗 貂
», để châm biếm việc dùng cái xấu nối tiếp cái tốt, ví như đuôi con điêu thử
hiếm quý bị thay thế bởi đuôi cuả con chó.
Thanh Long Yển Nguyệt Đao 青 龍
偃 月 刀
Thanh Long Yển Nguyệt Đao là tên gọi
một loại binh khí mũi nhọn, một nửa là hình bán nguỵêt, thuộc loại Đại đao, có cán
dài, trên đao có khắc hình con rồng. Yển nguyệt, có nghĩa là cong như nửa đường
cung của mặt trăng. Yển Nguỵệt Đao 偃 月
刀 xuất hiện vào đời Đường, Tống, được
dùng trong việc luyện tập, và để hiển thị sự trang nghiêm hùng tráng, chứ không
phải để dùng trong chiến đấu. Theo chính sử thì binh khí Quan Vũ dùng để chiến
đấu ra trận mạc, là mâu 矛
và kích 戟,
và bội đao 佩
刀. Nhưng trong tiểu thuyết Tam Quốc
Chí Diễn Nghĩa của La Quan Trung, ở hồi thứ nhất thuật là “ Quan Vũ đánh một
con đao nặng tám chục cân, đặt tên là Thanh Long Yển Nguyệt Đao, sau lại gọi là
Lãnh Diệm Cứ, còn Trương Phi thì đúc Bát Sà Mâu (thật ra là Trượng Bát Điểm
Thương Mâu).
Người Tầu là một dân tộc đa tôn
giáo. Đa thần. Họ thờ từ hòn đá, đến cây cối, động vật như con rùa, con ếch,
con rắn và cả vật dụng nữa…Quan Công được họ tôn sùng thờ phụng, nên những vật
dụng thiết thân của ông như con ngựa Xích Thố, và cây Thanhg Long Yển Nguyệt
Đao, cũng được người Tầu thần hoá, và tôn thờ. Dẫu rằng loại đao này xuất hiện
sau đời Tam Quốc.
Có câu truyện thuộc loại truyền
thuyết thuật về việc đúc cây Thanh Long Yên Nguyệt Đao như sau :
1-Quan Vũ muốn làm cho mình một con
đao thật vừa ý, nên cho mời mấy vị thuộc bậc thầy về nghề lò rèn để thảo luận.
Các bậc sư phụ về nghề rèn đều đồng ý là dùng đao là oai hơn cả. Thời bấy giờ,
đao có năm đẳng cấp gọi là :
1-Thiết Đao 鐵 刀
2-Cương Đao 鋼
刀 3- Nhu Cương Đao 柔 鋼
刀 4- Thanh Cương Đao 青 鋼
刀 5- Bảo Đao 寶 刀.
Vì các đẳng cấp của đao khác nhau,
nên phương pháp luyện các loại đao trên không giống nhau. Mao thiết 毛 鐵,
tức sắt thô luyện lâu ngày thành cương 鋼, tức thép, thép luyện trong lửa lâu ngày thành nhận韌, tức một loại thép thuần tuý nhưng mềm và dai, sau đó lại
luyện thêm nữa cho thép trở nên màu xanh, trở nên bảo đao. Nhưng người thường
chỉ có thể luyện thành Cương Đao, hay Thuần Cương Dao. Còn loại Thanh Cương Đao
và Bảo Đao thì rất khó luyện thành.
Một tay thợ rèn giỏi, một đời có thể
luyện được mấy trăm cây đao, nhưng khó có thể đánh nổi một Thanh Cương Đao. Còn
ý Quan Vũ thì nhất định phải có một con Bảo Đao, lại còn nói:
-Dù tốn kém bao nhiêu tiền tôi cũng
trả, nhưng nhất định phải là loại Bảo Đao.
Vì thế, Quan Vũ ngày ngày cơm rượu
hầu hạ mấy vị bậc thầy rành nghề thợ rèn, nên được vác vị này đem hết tinh
thần, tâm sức ra để làm. Sau hơn một tháng, đúc được hơn một chục con Đại Đao,
nhưng chẳng con nào vừa ý, ngay như thuộc loại Nhu Cương Đao, độ cứng cũng chưa
đạt được. Do đó đành phải huỷ bỏ, đánh những con khác.
Lại sau hơn một tháng, thì luyện
được một Thanh Cương Đạo. Nhưng nào ngờ, Quan Vũ vẫn chưa vừa ý, yêu cầu luyện
tiếp.
Các bậc sư phụ của nghề rèn đều thưa
với Quan Vũ :
-Thanh Cương Đao thuộc lại trân bảo
hiếm có trên đời, có thể chém sắt thép dễ dàng. Chứ Bảo Đao thì chúng tôi chưa
hề thấy ai luyện được. Còn luyện tiếp nữa, chẳng biết có thành công không.
Các bậc sư phụ của nghề rèn đành
phải tiép tục luyện tiếp theo ý của Quan Vũ. Thế rồi sau một tháng, một buổi
sáng trăng, một thanh đại đạo vừa thành hình được rút từ lò luyện ra để tôi vào
nước, bỗng thấy một tia hào quang bay vút lên không trung, chém trúng vào một
con rồng xanh, máu tươi nhỏ xuống, rơi vào thân cây Đại Đao, khiến bật ra những
thanh âm như tiếng sấm. Mọi người đều sợ hãi. Bỏ chạy tứ xứ.
Khi Quan Vũ nghe thấy vậy, ra xem,
thì thấy cây Bảo Đao dựng ở mặt đất. Hào quang sáng lạn. Cây Bảo Đao này có
hình cong bán nguyệt, lại dùng máu rồng xanh tôi luyện, nên được đặt tên là
“Thanh Long Yển Nguyệt Đao”
Chẳng qua đây cũng như nhiều truyền
thuyết khác về các nhân vật lịch sử Trung Quốc, nhằm mục đích tăng thêm cường
độ thần hoá Quan Vũ mà thôi. Và cũng như Quan Vũ, đao cũng trở thành một thần
vật và được đem thờ cùng với chủ nhân của nó.
Cân 斤
Tự điển tiếng Việt có giải thích là
“Cân là tên gọi thông thường của kilogram”, và chính người viết cũng có thói
quen : “Bán cho tôi một cân thịt” với nghiã là một ki lô thịt. Nhưng chữ cân 斤có nguồn gốc là chữ Hán Việt, còn chữ kí lô có nguồn gốc của
chữ Pháp là kilogramme, nghiã của hai chữ này khác nhau.
1-Cân 斤theo giáp cốt văn là một chữ tượng hình, theo cổ thời cân 斤 là một cái rìu có cán, đâù trên nhọn.
2-Cân 斤 còn là một đơn vị trọng lượng mà các nước Đông Nam Á sử
dụng, ước lượng khoảng 605 khắc 克. (Khắc bằng một gramme)
Đến năm 1929, thì Trung Quốc qui
định là một cân nặng bằng 500 khắc 克. Ngoài một cân còn bằng 16 lạng vì thế mới có câu nói là
“người tám lạng kẻ nửa cân”
Trần Thọ 陳 壽
Trần Thọ sinh năm 233 CN, sử gia và
tản vân gia thời Tây Tấn, tự là Thừa Tộ, người An Hán (nay thuộc Nam Sung tỉnh
Tứ Xuyên). Trần Thọ lúc nhỏ hiếu học, học trò của Tiêu Chú, làm Quan Các Lệnh
Sử, nhân vì không chịu khuất phục theo hoạn quan Hoàng Hạo, nên nhiều lần bị
khiển trách và cách chức. Sau khi nhà Nguỵ diệt nhà Thục, Trần Thọ theo về nhà
Tấn, được Trương Hoa kính nể tiến cử, lần lượt được bổ nhậm làm Trứ Tác Lang,
Trị Thư Thị Ngự Sử. Sau khi nhà Tấn diệt Ngô, Trần Thọ tập hợp các sử sách công
và tư để viết “Tam Quốc Chí” được Trương Hoa khen là có chỗ hơn hẳn Tư Mã
Thiên, cùng Ban Cố, và người đương thời xưng tụng là “Lương sử chi tài”. Còn Hạ
Hầu Trạm viết “Ngụy Thư” khi đọc đến Tam Quốc Chí của Trần Thọ bèn huỷ bản cảo
của mình đi. Ngoài ra, Trần Thọ còn soạn "Cổ Quốc Chí", và "Ích
Đô Kỳ Cựu Truyện". Trần Thọ mất năm 297 CN
La Quán Trung 羅 貫
中
La Quán Trung tên là Bổn, hiệu là Hồ
Hải Tán Nhân, là Thông tục tiểu thuyết gia trứ danh thời Minh mạt, không rõ
sống và chết năm nào. Ông sống ước chừng vào khỏang thời gian Nguyên Thuận Đế
và Minh Thái Tổ. Ông là người Thái Nguyên ( nay thuộc thành phố Thái Nguyên
tỉnh Sơn Tây), nhưng lại có thuyết nói ông là người Tiền Đường (nay thuộc thành
phố Hàng Châu tỉnh Triết Giang).
La Quán Trung là người quả giao,
không hợp thế tục, chỉ có người bạn vong niên là Giả Trọng, tác giả "Lục
Qủy Bạ Tục Biên". Ông sống trong một thời đại động loạn, từng ôm chí phò
tá đế vương để lập công nghiệp. Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa" ông từng mỹ
hóa Lưu Bị trở thành một vị minh chủ phong kiến, không làm những công việc hại
người ích ta, và trong "Triệu Thái Tổ Long Hổ Phong Vân Hội", ca tụng
Triệu Khuông Dẫn thành một vị hòang đế hết lòng lo nghĩ đến sự cùng khổ của
người dân, điều đó cho thấy ông chịu ảnh hưởng của tư tưởng nho gia rất nhiều.
Có thuyết cho rằng ông từng là môn
khách của Trương Sĩ Thành, và là sư phụ của Thi Nại Am, cùng họat động sáng tác
với Thi Nại Am.
Ngoài ba tác phẩm hý kịch
"Triệu Thái Tổ Long Hổ Phong Vân Hội", "Tam Bình Chương Tử Khốc
Phỉ Hổ Tử", "Trung Chính Hiếu Tử Liên Hoàn Gían", La Quán Trung
còn là tác giả của năm cuốn thông tục tiểu thuyết là "Tam Quốc Chí Thông
Tục Diễn Nghĩa", "Tùy Đường Chí Truyện", "Tàn Đường Ngũ Đại
Sử Diễn Nghĩa", "Tam Toại Bình Yên Truyện", "Phấn Trang
Lâu", trong đó "Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa " là thành
công nhất, được xếp vào hàng « Đệ nhất tài tử thư » La Quán Trung là một nhà
viết tiểu thuyết thông tục kiệt xuất trên văn đàn Trung Hoa. Những sáng tác phổ
biến kiến thức lịch sử Trung Quốc của ông có một tác dụng hết sức trọng đại.
Mao Tôn Cương 毛 宗
崗
Mao Tôn Cương sinh tốt bất tường, là
nhà phê bình văn học nổi tiếng cuối thời Minh mạt Thanh Sơn, tự là Tự Thuỷ,
hiệu là Kiết Am, người Trường Châu (nay thuộc Tô Châu tỉnh Giang Tô). Cha ông
là Mao Luân, một người đồng hương với Kim Thánh Thán, cũng có đôi chút tiếng
tăm về văn chương, nhưng đường thi cùng quẫn khó khăn nên không ra làm quan.
Đến tuổi trung niên, nhãn lực bị kém, nên chỉ bàn về Tỳ Bà Ký và Tam Quốc Chí
để làm vui.
Riêng về Mao Tôn Cương, cũng có đôi
chút tiếng tăm về văn học, nhưng cũng chưa từng ra làm quan, và theo gót cha
đem nguyên bản Tam Quốc Chí Diễn Nghiã của La Quán Trung tu đính, chỉnh đốn hồi
mục, sửa laị văn từ, lọc bỏ những luận tán, gạn lọc những truyện vụn vặt, cải
hoán những bài thơ, thành bản Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa một trăm hai chục hồi,
hoàn thành vào đầu năm Khang Hy và lưu hành đến ngày nay, và thường được gọi là
Mao Bản.
Mao bản Tam Quốc Chí Diễn Nghiã, cố
nhiên là do công của cả hai cha con họ Mao, nhưng người đời thường phần nhiều
chỉ nhắc đến Mao Tôn Cương. Và tất nhiên, trong quá trình tu cải, Mao Tôn Cương
đã dựa vào “Tư Trị Thông Giám”, đề cao hơn nữa quan niệm phong kiến chính thống
là “Tôn Lưu Biếm Tào”. Về thủ pháp phê bình và nghệ thuật, tuy phỏng hiệu và
tôn thờ Kim Thánh Thán làm thầy, nhưng cũng có những sáng tạo độc đặc của riêng
cá nhân ông.
Đối với giới phê bình văn học Trung
Quốc, Mao Tôn Cương có nhiều cống hiến quan trọng và chiếm một địa vị trọng
yếu.
Thập bát lộ chư hầu cát cứ chống
Đổng Trác:
1-Thái Thú Viên Thuật chiếm cứ Nam
Dương. 10-Thái Thú Khổng Dung chiếm Bắc Hải
2-Thứ Sử Hàn Phức chiếm cứ Ký Châu
11- Thái Thú Trương Siêu chiếm Quảng Lăng
3-Thứ Sử Khổng Trụ chiếm cứ Dự Châu
12-Thứ Sử Đaò Khiêm chiếm Từ Châu
4-Thứ Sử Lưu Đại chiếm cứ Duyện Châu
13-Thái Thú Mã Đằng chiếm Tây Lương
5-Thái Thú Vương Khuông chiếm cứ Hà
Nội 14-Thái Thú Công Tôn Toản chiếm Bắc Bình
6-Thái Thú Trương Mạc chiếm Trần Lưu
15-Thái Thú Trương Dương chiếm Thượng Đảng
7-Thái Thú Kiêù Maọ chiếm Đông Quận
16-Thái Thú Tôn Kiên chiếm Trường Sa
8-Thái Thú Viên Di chiếm Sơn Dương
17-Thái Thú Viên Thiệu chiếm Bột Hải
9- Tướng quốc Bão Tín chiếm Tế Bắc
18-Tào Tháo (chưa có đất)
Sách tham khảo:
Tam Quốc Chí Diễn Nghiã cuả La Quán
Trung
Tam Quốc Chí của Trần Thọ do Bùi
Tòng Chi chú (bản bạch thọai)
Tam Quốc Chí Từ Điển
Tam Quốc Phong Vân cuả Hưá Bàn Thanh
Hâụ Hán Thư cuả Phạm Diệp
Trung Quốc Lịch Sử Vị Giải Chi Mê
Trung Nghiã Xuân Thu của Mai Tranh
Tranh
Trung Quốc Cổ Điển Tiểu Thuyết Hý
Khúc Taị Quốc Ngoại của Vương Lệ Na.
Dương Quý Phi không chết ở Mã Ngôi ?Phạm xuân Hy
Dương
Quý Phi là một trong "Tứ đại mỹ nhân"của Trung Quốc.
Người
Trung Quốc không ai là không biết đến. Và không biết bao nhiêu là sách vở, bút mực, thi
ca, từ xướng, ở TQ cũng như ngoại quốc, viết về cuộc đồi đầy tính truyền kỳ và
mối tình diễm lệ, đầy bi đát của nàng với vua Đường Huyền Tông.
Có
người đồng tình thương cảm. Có người chỉ trích trào phúng. Và có người bôi bác,
vẽ rắn thêm chân, tưởng tượng thô tục, bịa đặt mối tình yêu đương dâm dật giữa
Dương Quý Phi và An Lộc Sơn. (Ngọc Phi Mị Sử 玉 妃媚 史.)
Sự
tích về cuộc đời Dương Quý Phi, có thể nói là được phổ biến và lưu truyền rộng
rãi hơn tất cả những mỹ nhân khác.
Nhưng
cuối cùng, có thật Dương Quý Phi bị thắt cổ chết ở Mã Ngôi Pha? Hay được kín
đáo cứu thoát, vượt biển đưa sang Nhật Bản và sống cho hết cuộc đời ? Còn ngôi
mộ Dương Quý Phi hiện tồn tại trong chùa trong chùa Trường Thọ Tự ở Nhật Bản có
đúng là thật là ngôi mộ của nàng không?
Đây
là một vấn đề nan giải đã được bàn luận từ ít lâu nay trong giới các nhà nghiên
cứu về lịch sử Trung Quốc để xác định lại tăm tích cuối đời của người đàn bà có
vẻ đẹp phải e thẹn này. .
Chung
quanh cái chết của Dương Quý Phi trong cuộc chính biến ở Mã Ngôi Pha có những
giải thích khác nhau. Người viết xin trình bầy ở đoạn sau. Đây cũng là
một trong những "Thiên cổ chi mê天 古 之 謎" của lịch sử Trung Quốc.
A-Đôi
nét về Dương Quý Phi.
Theo
chính sử Trung Quốc thì Dương Quý Phi nguyên danh là Dương Ngọc Hoàn, sinh năm
719 CN và mất năm 756 CN, người Vĩnh Lạc Bồ Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Tây) mồ
côi cha ở với chú. Ngay từ còn bé, nàng đã ham đọc sách vở, thông hiểu âm luật,
giỏi ca vũ. Lại nhờ có làn da mịn màng, thể thái phong tư đầy đặn, tư dung diễm
lệ, nên được nổi tiếng là mỹ nhân tuyệt sắc đương thời.
Năm
nàng mười sáu tuổi, tức năm 735 CN, đúng cái tuổi trăng tròn cập kê, Dương Quý
Phi được tuyển chọn làm vợ người con thứ mười tám của Đường Huyền Tông là Thọ
Vương Lý Mạo.
Trong
một buổi cung đình yến hội, Đường Huyền Tông trông thấy nàng, rồi đem
lòng say đắm, muốn chiếm hữu nàng, nhân thế mới bầy kế cho Dương Quý Phi vào
làm đạo sĩ ở chùa và lấy tự là Thái Chân.
Năm
năm sau, năm 745 CN, Đường Huyền Tông đem nàng vào trong hậu cung, sách phong
làm quý phi, và được Đường Huyền Tông vô cùng sủng ái, như Bạch Cư Dị mô tả lại
trong Trường Hận ca: Trong cung có ba ngàn mỹ nữ giai nhân, nhưng tình yêu của
vua đổ dồn hết cho Dương Quý Phi "Tam thiên sủng ái tại nhất thân 三 千 寵 愛 在 一 身". Nàng có hơn bẩy trăm chức tú công để
hầu hạ phục dịch. Các cung nữ đều tôn xưng nàng và gọi nàng là "Nương
tử". Mỗi lần nàng ngồi xe, đều phải do Cao Lực Sĩ cầm cương ngựa.
Dương
Quý Phi có tính yêu thích ăn lệ chi tươi đầu mùa, nên mỗi năm đều do dịch mã
phi ngựa đem từ miền nam xa cách hàng ngàn dặm, chuyển thẳng vào trong cung cho
nàng. Vì thế người đương thời có câu ca dao, trào phúng cái tâm lý trọng nam
khinh nữ của lễ giáo phong kiến :"Sinh nam vật hỷ nữ vật bi, quân kim khán
nữ tác môn mi 生 男 勿 喜 女 勿 悲君 今 看 女 作 門 楣"
Niềm
ân sủng của vua, còn lây lan đến cả những người trong gia đình Dương Quý Phi
nữa. Cha nàng là Dương Huyền Viêm tuy đã chết nhưng được truy phong là Thái Úy
Tề Quốc Công. Những người anh cùng họ với nàng là Dương Tiêm thì được phong làm
Hồng Lô Khanh. Dương Kỳ thì được phong làm Thị Ngự Sử. Ba người chị của Dương
Quý Phi cũng là những người tài sắc. Người chị lớn lấy chồng họ Thôi, được vua
phong làm Hà Quốc Phu Nhân. Người chị thứ hai lấy chồng là họ Bùi được phong
làm Quắc Quốc Phu Nhân, còn người thứ ba lấy chồng họ Liễu, đựơc phong làm Tần
Quốc Phu Nhân. Cả ba đều là những người có nhan sắc, đều được vua cho phép tùy
ý ra vào trong cung.
Ân
sủng của vua đối với dòng họ Dương đến cực điểm như thế, nên nẩy sinh ra sự
lộng quyền. Hối lộ hủ hóa. Mua quan bán tước. Anh em họ Dương đua nhau
kiến tạo trạch viện, hoa viên, mỗi lần tốn kém hàng vạn vạn tiền.
Đặc
biệt là sau khi Dương Quốc Trung được nhậm làm Tể Tướng thế lực của họ
Dương
vinh hiển tột cùng. Chính sự trong triều đa số do Tể Tướng quyết đoán.
Người
đến cầu quan phong tước chen nhau đứng chật trước cửa nhà họ Dương. Việc
tuyển chọn và bổ nhiệm quan lại, có khi được tuyên bố ngay tại tư dinh
của Dương Quốc
Trung.
Trong
khi đó, Đường Huyền Tông vẫn trầm mặc đắm say nữ sắc, thường có thói quen cứ
vào tháng mười mỗi năm, lại dẫn mấy chị em Dương Quý Phi đến Hoa Thanh Cung để
tránh lạnh và hưởng lạc, sang đến mùa xuân năm sau mới trở về cung. Các
anh em họ Dương cũng xây cất biệt dã ở phía đông Hoa Thanh Cung. Nên mỗi khi
vua đi qua, đều có ghé thăm, và ban thưởng cho vô số tiền, gọi là "Tiền
lộ 錢 路".
Ân
sủng của vua Đường đối với họ Dương chỉ chấm dứt, khi nổ ra cuộc bạo loạn của
An Lộc Sơn , và khi kinh thành Trường An bị vây hãm.
B-Cuộc
chính biến ở Mã Ngôi Pha.
Một
vài thời điểm trước khi xẩy ra cuộc chính biến.
-Tháng
mười 11 năm 755 CN, An Lộc Sơn lấy danh nghĩa thảo phạt Dương Quốc Trung phát
động mười lăm vạn quân nổi dậy làm phản ở Phạm Dương (nay thuộc U Châu, Bắc
Kinh), mở đầu cho cuộc biến loạn mà các sử gia Trung Quốc mệnh danh là
"An Sử chi loạn 安 史 之 亂"
-Tháng
một năm 756 CN, An Lộc Sơn tự xưng là Đại Yên Hoàng Đế kiến nguyên Thánh Võ.
-Tháng
6 năm 756 CN, Vương Tư Lễ khuyên Ca Thư Hàn, (Ca là Tiết Độ Sứ Hà Nam, được
phong làm Phó Nguyên Soái đang cầm trọng binh thảo phạt An Lộc
Sơn), dâng biểu giết Dương Quốc Trung, nhưng Ca Thư Hàn không nghe.
Dương Quốc Trung vì sợ Ca Thư Hàn chống lại mình, thúc đẩy Đường Huyền Tông ép
Ca Thư Hàn đem quân rời khỏi Đồng Quan. Bất đắc dĩ, Ca Thư Hàn phải bỏ chiến
lược cứ hiểm ngự địch, rời khỏi Đồng Quan, thì bị rơi vào phục binh của bộ
tướng của An Lộc Sơn là Thôi Càn Hựu và bị bắt. (Trích từ "Trung Quốc
Lịch Sử Đại Sự Niên Biểu" – PXH)
Đồng
Quan thất thủ.
Tin
này làm chấn động kinh thành Trường An. Dương Quốc Trung khủng hoảng sợ hãi,
sui vua chạy đến Tứ Xuyên, nhưng ở tại triều đình thì lại tuyên bố là nhà vua
tự đem quân xuất chinh.
Triều
thần chẳng ai tin cả.
Ngay
đêm ấy, Đường Huyền Tông đến trú ngụ tại bắc cung, gần Huyền Võ Môn, rồi bí mật
sai Long Võ Đại Tướng Quân Trần Huyền Lễ tập trung cấm quân và xe ngựa. Sáng
sớm ngày hôm sau, tức ngày 13 tháng 6, vua cùng mấy chị em Dương Quý Phi, các
phi tần, hoàng tử, hoàng tôn, và mấy đại thần là Dương Quốc Trung, Vi Kiến Tố,
Ngụy Phương Tiến, theo Trần Huyền Lễ cùng một ít hoạn quan và thân cận, từ cửa
Diên Thu Môn ở phía tây Cấm Uyển vội vã rời khỏi Trường An.
Trên
đường đi qua "Tả Tàng", nơi tích trữ tài vật của hoàng gia, Dương
Quốc Trung yêu cầu Đường Minh Hoàng cho thiêu hủy kho tàng này, để những tài
vật trong đó khỏi bị rơi khỏi tay giặc. Nhưng Đường Huyền Tông không nghe, lấy
cớ rằng giặc không lấy được của cải tất nhiên sẽ bách hại dân chúng.
Ngay
ngày hôm đó, khi các quan lại vào triều, còn nghe tiếng lậu canh văng vẳng.
Trên cửa cung, nghi trượng vẫn còn phất phới. Nhưng đến khi cửa cung vừa
được mở ra, thì bọn cung nữ, thái giám theo nhau tháo chạy như ong vỡ tổ, tạo
nên một cảnh hỗn loạn kinh hoàng. Vương quan, bách tính bảo nhau tìm cách trốn
chạy khắp nơi. Có kẻ nhân cơ hội hỗn loạn bảo nhau đi cướp bóc. Viên quân lưu
thủ Thôi Quang Viễn phải ra lệnh đem bắn mấy chục tên, trong thành mới lấy lại
yên tĩnh.
Khi
Đường Huyền Tông ra khỏi thành, vượt qua cầu phù kiều, Dương Quốc Trung bèn sai
người thiêu hủy cầu.
Đường
Huyền Tông thấy thế trách bảo Dương Quốc Trung :
-Dân
chúng cũng muốn trốn nạn tìm đường sống, sao lại cắt sinh lộ của dân như vậy.
Rồi
sai Cao Lực Sĩ đem người đến dập tắt lửa.
Lúc
vua đến Hàm Dương, viên huyện lệnh Hàm Dương đã bỏ trốn đi từ sớm. Mãi trưa,
vua vẫn chưa được ăn gì. Bấy giờ, Dương Quốc Trung mới ra chợ mua bánh
của người Hồ về cho vua ăn. Sau đó, được dân chúng cho thêm ít cơm nấu bằng đậu
mạch. Cách hoàng tử vì đói cũng tranh nhau ăn hết. Các binh sĩ và tùy tòng cũng
chỉ đành tìm vào những thôn xóm để xin ăn.
Có
vị bô lão đến thưa với Đường Huyền Tông rằng :
-An
Lộc Sơn nuôi ý phản loạn, không phải chỉ một ngày. Trong dân cũng có người đến
cửa khuyết tâu trình âm mưu phản loạn của y, nhưng thấy bệ hạ thường kết tội
những người can gián, khiến cho âm mưu của An Lộc Sơn có cơ hội thực
hiện.
Vua
chỉ đành mặc nhiên nhận lỗi, nói :
-Vì
trẫm bất minh, nay hối cũng không kịp !
Ăn
cơm xong, vua và tùy tùng dời Hàm Dương tiếp tục lên đường. Đến đêm thì đến Kim
Thành, cách kinh đô khoảng hơn tám chục dặm. Bấy giờ mới gặp Vương Tư Lễ
đến báo tin là Ca Thư Hàn đã bị giặc bắt.
Ngày
hôm sau, khi đến Mã Ngôi Dịch, binh sĩ tùy hành ai cũng đói khát, mệt
mỏi. Tình cảnh vô cùng khốn đốn khổ sở, trong lòng binh sĩ nẩy sinh oán giận.
Long Võ Đại Tướng Quân Trần Huyền Lễ cũng cho rằng cảnh loạn lạc họa hoạn như
thế này, tất cả là do Dương Quốc Trung mà ra. Bèn đem ý kiến đó nói với Thái tử
Lý Hanh (Tức Đường Túc Tông), nhưng Thái tử do dự bất quyết. Lúc đó trong đám
tùy tòng , có sứ giả người Phiên, mật báo với Dương Quốc Trung là binh sĩ đói
không còn lương thực để ăn. Dương Quốc Trung chưa kịp tìm cách giải quyết, thì
binh sĩ đã ào ào nổi lên hô hoán:
-Dương
Quốc Trung âm mưu với người Phiên làm phản !
Rồi
phóng tiễn bắn Dương Quốc Trung. Trung phải trốn chạy đến cửa tây dịch trạm, bị
binh sĩ đuổi theo, chém cụt cả chân tay, rồi chặt đầu, dùng thương cắm ở bên
ngoài cửa dịch trạm. Sau đó, binh sĩ lại giết luôn người con của Trung là
Dương Huyên cùng với hai người chị của Dương Quý Phi là Hàn Quốc Phu Nhân, và
Tần Quốc Phu Nhân.
Ngự
Sử Đại Phu là Ngụy Phương Tiến thấy tình cảnh như thế, mới lên tiếng trách mắng
:
-Các
ngươi sao cả gan giết Tể Tướng !
Thế
là binh sĩ giết luôn Ngụy Phương Tiến. Rồi bao vây chung quanh dịch trạm;
Đường Huyền Tông nghe tiếng huyên náo, mới hỏi nguyên do. Bọn thị tòng thưa là Dương Quốc Trung làm phản. Vua bèn đi guốc, chống gậy đi ra xem, thấy binh sĩ hò hét gào thét, nên ra lệnh cho binh sĩ phải trở về đội ngũ. Nhưng binh sĩ cự tuyệt, không chịu giải tán. Vua sai Cao Lực Sĩ ra hỏi lý do, thì Trần Huyền Lễ thưa:
-Dương
Quốc Trung mưu phản, không nên để Quý Phi hầu hạ ở bên bệ hạ nữa, xin bệ hạ vì
quốc pháp mà cắt bỏ tình riêng.
Vua
đáp:
-Cho
trẫm suy nghĩ đã.
Nói
xong, rồi đi vào bên trong. Một lúc thật lâu, lại chống gậy đi ra. Cúi đầu thờ
thẫn. Quan Kinh Triệu Tư Lục là Vi Ngạc, thấy thế giục:
-Hiện
nay binh sĩ nổi giận không thể dập tắt được, an nguy ở trong khoảnh khắc, xin
bệ hạ hãy mau quyết đoán.
Nói
xong dập đầu xuống đất, máu tuôn sối xả .
Vua
lại hỏi lại:
-Quý
Phi ở với trẫm trong thâm cung, lẽ nào có thể biết được âm mưu phản loạn của
Dương Quốc
Trung ?
Cao
Lực Sĩ thưa :
-Quý
Phi quả thật vô tội, nhưng nay tướng sĩ đã giết Dương Quốc Trung rồi, mà Quý Phi
còn sống bên cạnh bệ hạ, tướng sĩ đâu có yên lòng? Xin bệ hạ suy xét kỹ lại.
Tướng sĩ được yên lòng, tức bệ hạ được bình an .
Vua
không còn cách nào khác, chỉ đành bảo Cao Lực Sĩ đem Dương Quý Phi đến
trước Phật Đường, dùng lụa bạch thắt cổ nàng, rồi đem thây đặt trong dịch đình,
gọi bọn Trần Huyền Lễ đến khám nghiệm.
Hôm
đó nhằm sáng ngày 13 tháng 9 năm 756 CN.
Bấy
giờ Quý Phi mới 38 tuổi.
Thương
ôi ! Giai nhân nan tái đắc.
Sau
đó vua ban mấy lời phủ dụ bọn Trần Huyền Lễ, rồi bảo họ ra vỗ về binh sĩ. Bọn
Trần Huyền Lễ tái bái rồi rút ra khỏi dịch đình, chỉnh đốn đội ngũ chuẩn bị lên
đường.
Lúc
xuất phát, vua thấy các đại thần đi theo, chỉ còn có một mình Vi Kiến Tố, bèn
bổ nhậm con của Tố là Kinh Triệu Tư Lục Vi Ngạc làm Ngự Sử Trung Thừa, trông
coi sắp đặt hành trình.
(Đọan
sử trên đây, người viết dịch từ sách Trung Quốc Lịch Triều Sự Điển 中 國 曆 朝 事 典. )
C-Những
giải thích về ngày cuối của Dương Quý Phi.
Chính
sử thì như vậy, nhưng chính sử đôi khi vẫn chỉ là sử của một triều đại, của một
đảng phái cầm quyền, một thể chế chính trị. Chính sử của nhà Nguyễn chắc chắn
không hề nói hết sự thật về nhà Tây Sơn Lịch sử Trung Quốc mỗi triều đại có một
lịch sử riêng của mình, đều có những khoảng trống nghi ngờ. Lịch sử đảng Cộng
Sản Trung Quốc gần đây cũng thế thôi, đến nay vẫn còn đầy những bí ẩn về cai
chết của Lâm Bưu, dù cũng chỉ mới xẩy ra cách nay không quá năm chục, nhưng đã
đặt ra khá nhiều giả thuyết chung quanh cái chết ông này.
Huống
chi là Dương Quý Phi, người đã chết cả hơn một nghìn năm này rồi.
Tóm
lại, chung quanh cái chết của người đàn bà được mệnh danh là"tu hoa 羞 花" này, người ta có thể kể đến mấy giả
thuyết như sau.
1-Thuyết
cho rằng Dương Quý Phi đã chết.
Qua
đoạn sử trên trích dịch trên đây, người ta biết rằng Dương Quý Phi đã chết. Và
chết ở Mã Ngôi Dịch.
Các
sách chính sử Trung Quốc, dù có ít nhiều khác biệt nhau, như "Cựu Đường
Thư", Tân Đường Thư", và sách "Tư Trị Thông Giám" của Tư Mã
Quang đời Tống nhưng cũng đều viết là Quý Phi chết ở Mã Ngôi dịch.
Các
dật sử cũng như các truyện truyền kỳ, ca phú, trên văn đàn Trung Quốc, như
"Trường Hận Ca 長 恨 歌"của Bạch Cư Dị, và "Trường Hận
Ca Truyện 長 恨 歌 傳"
của Trần Hồng, "Dương Thái Chân Ngọai Truyện 揚太真外傳"của Nhạc Sử, và Dương
Quý Phi Diễm Sử trong"Tứ Đại Mỹ Nhân Diễm Tình Diễn Nghĩa 四 大 美 人 艷 史 演 義" cũng đều viết như vậy.
Ngoài
ra, còn một bằng chứng nữa. Đó là ngôi mộ của Quý Phi tồn tại hiện nay ở Mã
Ngôi Pha thành phố Hưng Bình tỉnh Thiểm Tây. Ngôi mộ này thuộc loại lăng viên,
trên một khu đất rộng 3000 mét vuông. Lăng hình tròn. Xây bằng gạch, có bia đá
đề :"Dương Quý Phi Chi Mộ". Ngoài ra còn có các bia khắc những bài
thơ vịnh về nàng.
Theo
truyền thuyết kể lại thí sau khi Trần Huyền Lễ kiểm nghiệm là Dương Quý Phi đã
chết, bèn ra lệnh cho binh sĩ lấy loại chăn dùng trong lúc hành quân, bọc thi
thể nàng, rồi đào vội một cái hố ở bên dìa đường để chôn nàng, sau đó bảo hộ
Đường Huyền Tông tiếp tục cuộc tháo chạy.
Hai
năm sau, Đường Huyền Tông trở về Trường An, trên đường đi qua Mã Ngôi Dịch, có
ý muốn cải táng cho Dương Quý Phi, nhưng khi đào cái hố cũ đã lấp đất lên, thì
không thấy thi thể của nàng đâu nữa, mà chỉ tìm thấy một cái túi gấm và một
chiếc hài bị rơi còn sót lại, đành trân trọng chôn những vật ấy vào cái
hố cũ, cho thành một cái "y quan trủng 衣 冠 塚", tức một cái mộ
chôn đồ vật của người chết, không có xác người. Tương truyền thì đất trên ngôi
mộ này có màu trắng, lại có mùi thơm, đương thời gọi là "Quý Phi thổ貴 妃 土",
nên du khách tranh nhau nhặt mang về, làm đất trên ngôi mộ bị vẹt đi, phải dùng
gạch xây lại để bảo hộ như hiện nay.
Trên
văn đàn, cũng cùng chung quan điểm của chính sử cho rằng Dương Quý Phi đã chết,
nhưng chết thế nào, và ra làm sao, thì các nhà thơ khi làm thơ vịnh về Dương
Quý Phi, lại nói khác nhau. Chẳng hạn như Lý Ích trong “ Quá Mã
Ngôi ”, Gỉa Đảo trong bài ” Mã Ngôi ”, và Lưu Vũ Tích trong
bài “ Mã Ngôi Hành ”.
Theo
Lưu Vũ Tích cho rằng Quý Phi không phải bị thắt cổ chết ở Mã Ngôi Pha, mà
vì do uống "kim đan"; tức tiên đan, do đạo sĩ chế chế luyện bởi hoàng
kim dịch và đan sa, uống vào để trường sinh bất lão, giữ được nhan sắc như cũ.
"Mã
Ngôi Hành" của Lưu Vũ Tích có những câu như : ” Quý Nhân ẩm kim
tiết, Thúc hốt thuấn anh mộ 貴 人 飲 金 屑 倏 忽 舜 英 暮 ”.
Tuy
vậy, đa số đều đồng ý cho rằng Quý Phi bị chết là do Cao Lực sĩ thắt chết.
2-Thuyết
cho rằng Dương Quý Phi không chết, vượt biển sang sống ở Nhật Bản
Có
một thuyết khác lại cho rằng Dương Quý Phi không chết ở Mã Ngôi Dịch mà vượt
biển sang sống ở Nhật Bản. Người theo thuyết này dựa vào ngôi mộ của Dương Quý
Phi hiện tồn tại ở chùa Trường Thọ Tự 長 壽 寺ở Địch Đinh 荻 町 bên Nhật để làm chứng cứ. Ngoài ra, vào năm 2002,
tài tử nổi tiếng Nhật Bản là Sơn Khẩu Bách Huệ 山 口 百 惠, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo
chí từng cho biết mình là hậu duệ của Dương Quý Phi.
Ngoài
ra, thuyết này còn giải thích là Trần Huyền Lễ thấy Dương Quý Phi là một giai
nhân "nhất đại nan kiến", một đời người khó kiếm được, nên không nỡ
nhẫn tâm sát hại. Rồi do sự trợ giúp của vũ nữ đời Đường là Tạ A Loan, và nhạc
sư Mã Tiên Kỳ dùng kế ve sầu thoát xác mà cứu nàng. Người bị thắt cổ chết ở Mã
Ngôi Dịch bấy giờ chỉ là một thị nữ.
Học
giả Nhật Bản là Độ Biên Long Sách trong bài viết "Dương Quý Phi Phục
Họat Bí Sử 楊 貴 妃 复 活 秘 史" thì thuật lại như sau :
"
Sau khi thoát khỏi Mã Ngôi Pha, Dương Quý Phi quanh quẩn ở Dương Châu thì gặp
sứ giả Nhật Bản đến nhà Đường là Đằng Nguyên Chế Hùng 藤 原 制 雄. Đằng Nguyên rất cảm thông hoàn cảnh của
nàng, nên đề nghị nàng cùng mình sang Nhật. Nhân thế, Dương Quý Phi mới thừa
thuyền của sứ đoàn Nhật Bản, vượt biển đến bến Cửu Tân 久 津 thì lên bờ. Đi với nàng còn có người chị dâu của
nàng là Từ Thị, vợ Dương Quốc Trung, cùng đứa cháu là Dương Hoan. Cứ theo lời
thuật lại, thì sau khi Dương Quý Phi đến Nhật Bản được Thiên Hoàng là Hiếu
Khiêm 孝 謙 rất nhiệt tình long trọng tiếp đãi.
Sau
đó, nhờ có một lần Dương Quý Phi giúp Thiên Hoàng Hiếu Khiêm đánh bại một cuộc
cung đình chính biến. Vì thế, Dương Quý Phi rất được người dân Nhật, đặc biệt
là đàn bà Nhật yêu thương quý mến nàng.
Ngoài
ra, năm 1984 trên tờ báo "Văn Hóa Dịch Tùng" số tháng năm, xuất bản ở
Trung Quốc, có bài "Trung Quốc Truyền Lai Đích Cố Sự" do Trương
Khiêm dịch từ Nhật văn ra Hán văn. Theo bài báo này thì Dương Quý Phi không
chết ở Mã Ngôi Dịch như chính sử của Trung Quốc ghi chép mà đươc Trần Huyền Lễ
cùng với Cao Lực Sĩ âm mưu cứu đưa ra trốn ở Hổ Khẩu, rồi từ vùng Thượng Hải
vượt biển sang Nhật Bản. Bài báo còn viết :
"Đường
Huyền Tông bình định cái loạn An Lộc Sơn hồi giá trở về Trường An, nhân vì
tưởng nhớ Quý Phi, mới sai phương sĩ ra biển tìm nàng. Khi người phương sĩ gặp
Quý Phi ở Cửu Tân thì tặng cho nàng hai bức tượng phật, và được nàng tặng cho
một chiếc ngọc trâm sai mang về trao cho Đường Huyền Tông. Tuy về sau vẫn thông
tin tức với nhau, nhưng Dương Quý Phi không bao giờ trở về Trung Quốc
nữa, và sống hết đời mình ở Nhật Bản. "
Đồng
tình với quan điểm này, có người lập luận suy đoán rằng những người được thi
hành lệnh thắt cổ Dương Quý Phi lúc bấy giờ phần đông là những người đã hầu hạ
nàng trong hoàng cung, cho nên "thủ hạ lưu tình"không nỡ "nặng
tay", nên có khả năng Quý Phi chỉ tạm thời tuyệt khí, chưa chết. Lúc đó
vua và quân sĩ vội vã lên đường trốn chạy, không có thì giờ nhìn kỹ lại nàng.
Nhờ thế mà nàng sống sót. Lúc nàng tỉnh dậy, mệnh số chỉ còn trông nhờ vào đám
thị môn giữ việc khâm liệm thi thể nàng, và họ đã nghĩ cách cứu giúp nàng.
Lại
có người lập luận cho rằng Quý Phi không chết, chẳng qua đó chỉ là "niềm
mơ đẹp" của những ai đó do sự đồng tình và thương cảm cái vận mệnh
bi đát, yếu đuối của một người đàn bà, lại là một người đàn bà đẹp như Quý Phi.
Bởi vì, tổng kết kinh nghiệm lịch sử về cái loạn An Lộc Sơn vào năm Thiên Bảo,
thì thấy rằng Quý Phi không phải người đứng đầu gây ra cái loạn ấy, nàng chỉ là
vật tế thần. Chẳng thế mà Cao Lực Sĩ lại nói :
-Quý
Phi thành vô tội !
Quý
Phi quả thật vô tội.
Vậy
thì ai gây ra cái loạn An Sử để người đẹp Dương Quý Phi phải làm vật tế
thần ? Có người cho rằng chính Thái Tử Lý Hanh, là người đứng sau xúi bẩy An
Lộc Sơn làm phản, vì Lý Hanh vốn mâu thuẫn quyền lực với phe cánh họ Dương. Người
ta biết rằng sau khi An Lộc Sơn nổi loạn chiếm đánh chiếm kinh thành, Lý Hanh đã
cùng Đường Huyền Tông chạy đi Ba Thục, nhưng đến nửa chừng thì ở lại ngôi
vua, mặc dầu vua cha vẫn còn sống.
3-Thuyết
cho rằng Quý Phi không chết mà vào chùa làm xướng nữ
Còn
có ý kiến cho rằng Dương Quý Phi không chết, mà vào chùa làm xướng nữ. Thuyết
này do Du Bình Bá, một học giả Trung Hoa nổi tiếng đề xướng.
Cuối
thập niên hai mươi của thế kỷ trước, tức cuối năm 1927, Du Bình Bá đã viết một
bài bàn luận về bài thơ "Trường Hận Ca" của Bạch Cư Dị, và
truyện "Trường Hận Ca Truyện" của Trần Hồng. Ông đã dựa
vào những câu thơ và chi tiết trong hai bài này để đưa ra ý kiến khẳng định
rằng Dương Quý Phi không chết và được cứu sống rồi đưa vào chùa làm xướng
nữ. Rồi đến đầu thập niên 80, ý kiến của học giả họ Du lại được sự ủng hộ
của nhà văn Chu Hú Lương.
Trước
hết, những người yêu thích thơ Đường, không mấy ai là không biết đến bài thơ
trứ danh "Trường Hận Ca 長 恨 歌"của Bạch Cư Dị. Đây là bài thơ thuộc loại
"trường biên tự sự thi", tức là một loại truyện thơ.
Bài
thơ này chẳng những được người dân Trung Hoa, ưa thích ngâm vịnh, được tôn
sùng coi như "thiên cổ tuyệt xướng ".
Hơn
thế nữa, Trường Hận Ca còn vượt ra khỏi văn đàn thơ văn bản quốc, được dịch ra
nhiều tiếng ngoại quốc như Anh, Pháp, Nga , Nhật, Triều Tiên, và tất nhiên,
tiếng Việt cũng có nhiều bản dịch tuyệt vời của các học giả, và các bậc tao
nhân mặc khách, như Tản Đà, Trần Trọng Kim, Khương Hữu Dụng, Trần Trọng San. .
.
Về
xuất xứ của Trường Hận Ca, theo Trần Hồng, tác giả truyện "Trường Hận Ca
Truyện 長 恨 歌 傳"
kể, thì vào tháng mười hai năm Nguyên Hòa Nguyên Niên, tức năm 806 CN đời vua
Đường Hiến Tông, lúc đó Bạch Cư Dị đang làm huyện úy ở Chu Chí. Trong huyện
này, Bạch Cư Dị còn có hai người bạn thân là Trần Hồng và Vương Chất Phu. Một
hôm, ba người rủ nhau đến du ngoạn chùa Tiên Du Tự, nhân đề cập đến mối tình bi
thảm của vua Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi , cùng cái chết thê thảm của
nàng, cả ba đều đem lòng cảm thán, ngậm ngùi, rồi Vương Chất Phu đề nghị
Bạch Cư Dị làm một bài "thơ " để kể lại câu truyện tình sử ấy, còn
Trần Hồng viết thành truyện, vì thế "Trường Hận Ca Truyện",
và"Trường Hận Ca" ra đời.
Toàn
bài thơ gồm có một trăm hai mươi câu, tám trăm bốn mươi chữ, lời lẽ tuy lưu
loát, thông suốt, nhưng có những từ ngữ mang tính cách ẩn dụ, không nói rõ
ràng. Ngay ở câu mở đầu, người đọc đã thấy Bạch Cư Dị viết :
“ Hán
hoàng trọng sắc tư khuynh quốc 漢 皇 重 色 思 傾 國 – Vua Hán yêu sắc đẹp mà mong
người khuynh quốc ”
Rồi
ở câu 91, một lần nữa, ta lại thấy Bạch Cư Dị, lấy vua Hán để ẩn dụ vua
Đường:
“ Văn
đạo Hán gia thiên tử sứ 聞 道 漢 家 天 子 使-Nghe nói sứ giả của vua Hán đến ”
Rõ
ràng, tác giả muốn nói đến một mối “ trường hận ” của vua Đường, mà
lại ẩn dụ là vua Hán, sở dĩ ông phải dùng thủ pháp văn chương ẩn dụ như vậy là
vì ông đang làm quan cho nhà Đường. Nên ông sợ. Sợ phạm huý. Sợ phạm vào những
điều cấm kỵ của nhà vua, hoàn cảnh cũng chẳng khác chi những nhà thơ, nhà văn
hiện đại. Nguyễn Tuân, chẳng từng có lần nói đến nỗi sợ của mình đấy ư.
Nhưng
vua Hán là vua nào ? Và ai là người khuynh quốc?
Theo
các nhà nghiên cứu văn học sử Trung Quốc thì vua Hán ở đây là chỉ Hán Võ Đế,
một ông vua có nhiều võ công hiển hách chống lại sự xâm lăng của rợ Hồ phương
bắc, là người vừa có bệnh mê nam sắc lại vừa đắm say nữ sắc. Còn người khuynh
quốc ở đây chính là Lý Phu Nhân. Trong sách “ Hán Thư-Ngoại Thích
Truyện 漢 書-外 戚 傳 ” kể rằng : Lý
Diên Niên, anh của Lý Phu Nhân, giỏi về ca múa, từng đứng trước mặt Hán
Võ
Đế ca bài :
Bắc
phương hữu giai nhân,
Tuyệt thế nhi độc lập. Nhất cố khuynh nhân thành, Tái cố khuynh nhân quốc. Ninh tri khuynh quốc dữ khuynh thành, Giai nhân nan tái đắc
北 方 有 佳 人,
絕 世 而 獨 立
一 顧 傾 人 城
再 顧 傾 人 國
寧 知 傾 國 与 傾 城
佳 人 難 再 得
Về
sau, trong thơ văn cổ điển thường dùng chữ “ khuynh quốc 傾國 ” để ví người đàn bà
có nhan sắc mỹ lệ.
Phái
chủ trương thuyết là Quý Phi không chết mà đi làm đạo sĩ, cũng dựa vào
những câu thơ có hai nghĩa trong "Trường Hận Ca", mà họ gọi đó
là bút pháp "cực kỳ ẩn hối", tức nói một cách hết sức kín đáo, không
rõ ràng. Ẩn dụ, nhưng đủ để cho người đọc biết là Quý Phi không chết và đi
làm đạo sĩ.
Chẳng
hạn Bạch Cư Dị viết :
Vị
cảm quân vương triển chuyển tư
Toại giáo phương sĩ ân cần mịch Bài không ngự khí bôn như điện Thăng thiên nhập địa cầu bất đắc Thượng cùng bích lạc hạ hoàng tuyền
為 感 君 王 輾 轉 思
遂 教 方 士 殷 勤 覓
排 雲 馭 氣 奔 如 電
升 天 入 地 求 不 得
上 窮 碧 落 下 黃 泉
Kỳ
thực, theo ý của những người có quan điểm trên đây, những câu này là chỉ
vua Đường Huyền Tông phái phương sĩ đi khắp nơi, “ trên trời
xuống đất ”, nhưng không tìm đươc Dương Quý Phi, rồi thì thình lình
được tin:
Hốt
văn hải thượng hữu tiên sơn
Sơn tại hư vô phiêu miểu gian Lâu các linh lung ngũ vân khởi Kỳ trung xước ước đa tiên tử Trung hữu nhất nhân tự Thái Chân
忽 聞 海 上 有 仙 山
山 在 虛 無 縹 渺 間
樓 閣 玲 瓏 五雲 起
其 中 綽約 多 仙 子
中 有 一 人 字 太 真
Mà
"hải thượng tiên sơn"; lung linh lầu các, chính là chỉ “am quán”, nơi
cư ngụ của những nữ đạo sĩ, trong đó có một nữ đạo sĩ tên tự là Thái Chân.
Vào
thời Đường, địa vị của nữ đạo sĩ bị coi tương như những kỹ nữ và am quán, nơi
cư ngụ của nữ đạo sĩ bị coi như kỹ viện. Nên khi sứ giả của vua Đường Huyền
Tông có tìm lại được Quý Phi đi chăng nữa, thì nàng đã bị luân lạc phong trần
rồi, "vô nhan kiến quân vương", không còn mặt mũi nào gặp lại vua
nữa, đành chỉ nhờ sứ giả gửi thăm hỏi rồi chung thân sống trong am quán, không
trở về cung nữa.
Và
Bạch Cư Dị cho đó là một trường hận; một nỗi hận "vô tuyệt kỳ" của
vua Đường và của Quý Phi, không bao giờ hết
Thử
hận miên miên vô tuyệt kỳ
此 恨 綿 綿 無 絕 期
Là
vậy.
Ly
kỳ hơn nữa, là tại Đài Loan, học giả Nguỵ Tụ Hiền, trong bài khảo cứu có tựa đề
"Trung Quốc nhân phát hiện Mỹ châu-中 國 人發 現 美州" viết là Dương Quý Phi không chết ở Mã
Ngôi Pha mà được người đưa đến Mỹ Châu.
Nhưng
người viết chưa có dịp đọc bài này, nên không dám lạm bàn. Còn về việc Dương
Quý Phi chết ở Mã Ngôi Pha hay được cứu sống, đến nay vẫn còn là một
"Thiên cổ chi mê", một nghi án trong lịch sử Trung Quốc, xin trân
trọng dành cho các nhà sử học
Và
mục đích của bài viết này cũng chỉ nhằm mua vui một vài ba khắc cho bạn bè bằng
hữu trong lúc đông tàn cảnh muộn, cùng một lứa bên trời lận đận.
(Paris
ngày 14-12-2006 lúc 22gio 20- Phạm xuân Hy. )
Chú
thích thêm của Phạm xuân Hy
1-Tứ
đại mỹ nhân 四 大 美 人:
Trong
những tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc người ta thường sử dụng thành ngữ “trầm ngư
nhạn lạc” và “bế nguyệt tu hoa” để chỉ một người đàn bà đẹp. Nguyên do thành
ngữ trên đây dùng để xưng tụng bốn người đàn bà đẹp ngày xưa của Trung Quốc là
:Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, và Dương Quý Thi. Mỗi thành ngữ có
những điển cố riêng :
Trầm ngư chỉ Tây Thi.
Tây
Thi là người đàn bà đẹp nổi tiếng của nước Việt thời Xuân Thu mạt kỳ. Tương
truyền rằng, một hôm Tây Thi ra sông giặt lụa, sắc đẹp mê hồn của nàng soi rõ
giữa làn nước trong của mặt hồ, cá đang bơi nhìn thấy nàng đẹp nên từ từ lặn
sâu xuống đấy nước.
Vì
thế, sắc đẹp của Tây Thi được xưng tụng là trầm ngư (cá lặn)
Lạc nhạn chỉ Vương Chiêu Quân.
Vương
Chiêu Quân là người đàn bà chẳng những có sắc mà lại có tài, người đời Hán. Vua
Hán Nguyên Đế (75 trước CN – 33 ước CN) vì mua lấy lòng bắc Hung Nô nên lựa
Vương Chiêu Quân để gả cho Thiền Vu, ta thường gọi là Chiêu Quân Cống Hồ. Trên
đường sang Hung Nô, Chiêu Quân nhìn thấy chim nhạn bay xa xa, bỗng động lòng tư
niệm cố hương, xúc cảnh sinh tình, nàng bèn cầm đàn lên gẩy. Những con nhạn
nghe thấy tiếng đàn mê ly thần diệu của nàng thì ngừng cánh không bay nữa mà
rơi cả xuống đất. Nên Vương Chiêu Quân được xưng tụng là “nhạn lạc”.
Bế nguyệt chỉ Điêu Thuyền.
Điêu
Thuyền là ca kỹ con nuôi của đại thần Vương Sung thời Hán Hiến Đế (181CN – 234
CN), chẳng những dung mạo đẹp và sáng sủa như mặt trăng, Điêu Thuyền lại còn
hát hay múa giỏi. Một buổi tối, Điêu Thuyền bái nguyệt ở ngoài hoa viên, thì
bỗng có một đám mây che phủ hết cả mặt trăng. Vương Sung thấy vậy, lấy làm hãnh
diện mới nói :
-Trăng
sáng so không bằng con gái ta, nên xấu hổ mà phải lẩn vào sau đám mây.
Nhờ
thế, mà Điêu Thuyền được xưng tụng là bế nguyệt;
Tu
hoa chỉ Dương Quý Phi.
Dương
Quý Phi tức Dương Ngọc Hoàn, được Đường Huyền Tông tuyển lựa vào cung ; những
lúc buồn thường ra dạo hoa viên, vô tình đụng phải loại hoa gọi là “ hàm
tu thảo 含 羞 草 ”,
khiến cánh hoa lập tức co cụm lại, Đường Huyền Tông thấy vậy mới tán mỹ Dương
Quý Phi là “ tu hoa chi dung ”, dung mạo đẹp đến nỗi làm cho hoa phải
thẹn thùng, và vua gọi nàng là “ tuyệt đại giai nhân ”.
Còn
một thuyết khác thì giải thích “ Tu hoa nhạn lạc ”là có nguồn gốc tức
sách “ Trang Tử -Tề Vật Luận đệ nhị 庄 子-齊 物 論 弟 二 ” có đoạn nói là bế thiếp của Việt
Vương là Mao Tường毛嬙,
và sủng cơ của Tấn Vương là Lệ Cơ, nhan sắc quán thế đến nỗi làm cho chim và cá
sợ hãi, phải lặn xuống nước (trầm ngư 沉 魚), hoặc bay đi (phi điểu 飛 鳥). Về sau người ta căn cứ
vào sách này đổi phi điểu 飛 鳥 thành lạc nhạn 落雁 tạo nên thành ngữ “ trầm ngư lạc
nhạn 沉 魚 落 雁”
Riêng
về từ ngữ “ tu hoa ” thì thuyết thứ hai này giải thích là Lưu Tầm,
viên Trấn Nam Tiêt Độ Sứ nhà Hậu Lương thời Ngũ Đại, trong có người thị nữ, rất
đẹp nên người ta thường gọi là Hoa Kiến Tu 花 見 羞, có nghĩa là hoa trong thấy phải thẹn thùng. Còn nguồn
gốc chữ “ bế nguyệt ” thì không khảo cứu được. Nhưng trong bài Lạc
Thần Phú của Tào Thực tả cái đẹp của vị nữ thần Sông Lạc Thuỷ từng có câu ” 彷 彿 兮 若 輕 雲 之 蔽月-Phảng phất hề nhược khinh vân chi tế nguyệt
-Phảng phất như mây che vầng nguyệt” Chữ “ tế nguyệt ”
được cắt nghĩa là “ bế nguyệt ”
Trong
“ Cung Oán Ngâm Khúc ”, tác giả Nguyễn Gia Thiều cũng từng khéo léo
sử dụng nghĩa của thành ngữ “ trầm ngư lạc nhạn ” để mô tả cái đẹp
của người cung nữ như sau :
Chìm
đáy nước cá đừ khừ lặn
Lửng
da trời nhạn ngẩn ngơ sa
沉 底 渃 𩵜 涂 渠 𣵰
郎 䏧 𡗶 鴈 謹 𢠐 沙
(Chép
theo bản Cung Oán Ngâm Khúc khắc năm Tự Đức thập cửu niên, tức năm 1866
của nhà Phúc Văn Đường Tàng bản –Hà Nội-Chúng tôi sẽ đề cập đến nghi án về nhân
vật Điêu Thuyền : Nhân vật hư cấu hay nhân vật lịch sử ?)
2-Đường
Huyền Tông 唐絃宗
Đường
Huyền Tông, tức Lý Long Cơ, sinh năm 685 CN mất năm 762 CN ở
ngôi từ năm 712 CN đến năm 756 CN .
Năm
Cảng Nguyên nguyên niên, tức năm 710 CN, Lý Long Cơ cùng với Thái Bình Công
Chúa cùng nhau âm mưu phát động chính biến giết Vi Hoang Hậu, rồi tôn cha là
Duệ Tông lên ngôi, được lập làm Thái Tử.
Năm
712 CN Lý Long Cơ được thiền vị lên ngôi vua, cải nguyên là Tiên Thiên, năm sau
lại cải nguyên là Khai Nguyên. Thời Kỳ đầu, Đường Huyền Tông trọng dụng Diêu
Sùng và Tống Cảnh làm Tể Tướng, chỉnh đốn lại những hủ chính sau thời kỳ nhà Võ
Chu, tức Võ Tắc Thiên, khiến cho xã hội, kinh tế, chính trị được phát triền,
được các sử gia cũ khen là “ Khai Nguyên Chi Trị ”. Nhưng sau đó,
Đường Huyền Tông lại dùng Lý Lâm Phủ và Dương Quốc Trung chấp chánh. Quan lại
trở nên tham ô, chính trị hủ bại, lại thêm Đường Huyền Tông đắm say thanh sắc,
sa xỉ hoang dâm. Đồng thời, chế độ phủ binh chế bị phá hoại, khu vực kinh sư và
trung nguyên bị bỏ không, các trấn vùng Tây bắc và bắc phương do các Tiết Độ Sứ
nắm giữ trọng binh, nên năm Thiên Bảo thập tứ niên, tức năm 755 CN, bộc phát
cuộc An Sử chi loạn. Năm sau, Đường Huyền Tông phải chậy đến Tứ Xuyên. Thái tử
Hưởng lên ngôi ở Linh Võ, Đường Huyền Tông được tôn là Thái Thượng Hoàng. Đến
cuối năm Chí Đức nhị niên, tức năm 758 CN trở về Trường An vì ân hận uất ức mà
chết. (Có lẽ vì thế Bạch Cư Dị mới lấy đề là Trường Hận Ca chăng ?
Trong
thơ, văn, kịch, nghệ thường gọi ông là Đường Minh Hoàng là do sau khi ông chết
được tôn thụy hiệu là Chí Đạo Đại Thánh Đại Minh Hiếu Hoàng Đế 至道大聖大明孝皇帝
3-An
Lộc Sơn 安 祿 山
An
Lộc Sơn người Liễu Thành Doanh Châu (nay thuộc nam Triều Dương Liêu Ninh),
người Hồ. Mới đầu tên gọi là Yết Lạc Sơn, họ Khang, theo mẹ lấy người Đột Quyết
là An Duyên Yển, rồi đổi ra họ An lấy tên gọi là Lộc Sơn.
An
Lộc Sơn nói được 9 thứ tiếng của người Phiên, tức những bộ tộc ở phía tây nam
Trung Quốc thời xưa, lại kiêu hùng thiện chiến, nên được U Châu Tiết Độ Sứ là
Trương Thủ Khuê coi như con. An Lộc Sơn nhờ có chiến công được bổ nhậm làm Bình
Lô Binh Mã Sứ, và Doanh Châu Đô Đốc. Sau đó, An Lộc Sơn tìm cách lấy được lòng
tin dùng của Đường Huyền Tông va Dương Quý Phi, kiêm nhiệm thêm chức Tiết Độ Sứ
của ba trấn Bình Dương, Phạm Dương, Hà Đông, nắm giữ mười lăm vạn binh sĩ.
Năm
Thiên Bảo thập tứ niên, tức năm 755 CN, An Lộc Sơn khởi binh làm loạn, đem quân
xuống miền nam công hãm Lạc Dương. Binh sĩ của An Lộc Sơn vô cùng tàn bạo,
khiến dân chúng Hà Bắc rần rần đắp đồn luỹ chống lại, chỗ đông có đến hai vạn
người, chỗ ít thì một vạn người.
Năm
756 CN, An Lộc Sơn ở đông kinh, tức Lạc Dương, xưng là Hùng Võ Hoàng Đế, lấy
quốc hiệu là Yên, kiến nguyên là Thánh Võ, rồi phái binh phá Đông Quan, tiến
nhập Trường An, tàn sát và cướp bóc dân chúng khủng khiếp.
Mùa
xuân năm 75 CN, An Lộc Sơn bị con là An Khánh Tự âm mưu cướp ngôi giết chết.
4-Cao
Lực Sĩ 高 力 士
Cao
Lực Sĩ là hoạn quan đời Đường sinh năm 684 CN mất năm 762 CN, người Lương Đức
Cao Châu (nay thuộc Cao Châu Quảng Đông). Cao Lực Sĩ vốn họ Phùng, sau
làm dưỡng tử của hoạn quan Cao Diên Phúc mới đổi họ là Cao. Thời Đường Huyền
Tông giữ Tri Nội Sự Tỉnh Sự, rồi được phong là Bột Hải Quận Công. Các tấu
chương từ bốn phương chuyển về đều phải qua tây Cao Lực Sĩ, quyền uy cực lớn.
Khi Đường Túc Tông còn ở ngôi Thái Tử, coi Cao Lực Sĩ như anh. Các tể tướng như
Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung, và tướng lãnh như An Lộc Sơn thường cấu kết với
Cao Lực Sĩ. Trong cuộc An Sử chi loạn, Cao Lực Sĩ theo Đường Huyền Tông chạy
đến Tứ Xuyên.
Năm
760 CN, Cao Lực Sĩ bị đuổi về Vu Châu, hai năm sau được xá trở về, giữa đường
bị bệnh chết.
5-Trần
Huyền Lễ 陳 玄 禮
Trần
Huyền Lễ mới đầu được bổ nhậm làm Quả Nghị Đô Úy theo Lý Long Cơ (Đường Huyền
Cơ) đứng lên phản đối Vi Hoàng Hậu. Khi Huyền Tông tại vị Trần Huyền Lễ coi cấm
vệ quân. Trong cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn, Trần Huyền Lễ theo vua chạy đến Tứ
Xuyên. Tại Mã Ngôi Dịch (nay thuộc phía tây Hưng Bình tỉnh Thiểm Tây), Trần
Huyền Lễ
Cùng
với binh sĩ nổi lên giết Dương Quốc Trung, và ép vua bức tử Dương Quý Phi, về
sau được phong làm Thái Quốc Công. Năm 760 CN, thì từ quan.
6-Lý Phu Nhân 李 夫 人
Là
em của âm nhạc gia Lý Diên Niên và em của Nhị Sư Tướng Quân Lý Quảng Lợi đời
Tây Hán, vì nghe Lý Duyên Niên tán tụng là :
Nhất
cố khuynh nhân thành
Tái
cố khuynh nhân quốc
Nên
được Hán Võ Đế tuyển vào cung và rất mực yêu thương, phong là Lý Phu Nhân, sinh
ra Xương Âp Vương nhưng bị chết sớm.
Võ
Đế thương nhớ vô cùng mới sai hoạ sĩ giỏi vẽ hình nàn treo ở cung Cam Tuyền để
ngắm, và còn làm bài thơ “ Lạc Diệp Ai Thiền ”, và bài “ Lý Phu
Nhân Phú ” để tỏ nỗi lòng khắc khoải hoài vọng. Chưa hết, Võ Đế còn mời cả
đạo sĩ Thiếu Ông ban đêm là chiêu hồn Lý Phu Nhân về cho ông gặp. Tương truyền
ông đã gặp được một người con gái diễm lệ như Lý Phu Nhân.
Y
quan trũng 衣 冠 冢 :
Y
quan trũng là ngôi mộ chỉ dùng để chôn những quần áo mũ mạo của người đã chết.
Lý Bạch khi chết táng ở Đương Đồ Huyện tỉnh An Huy, sau lại được cải táng ở núi
Thanh Sơn huyện Đương Đồ.
Nhoài
mộ phần trên, người ta còn biết có hai y quan trũng của Lý Bạch, một gọi là Lý
Bạch y quan trũng ở thành phố Mã Yên Sơn, co bia đá đề “ Đường thi nhân Lý
Bạch y quan trũng ” và một cái đề Lý Bạch y quan mộ ở làng Thanh Liên
Hương thuộc thành phố Giang Do, tỉnh Tứ Xuyên, dụng năm Đồng Trị bát niên, tức
năm 1869.
(Xin
đọc thêm bản dịch Trường Hận Ca của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu )
Sách
tham khảo:
1-Trung
Quốc Văn Hoá Vị Giải Chi Mê 中 國 文 化 未 解 支 謎
2-Đường
Thi Tam Bach Thủ 唐 詩 三 百 手
3-Trung
Quốc Văn Hoá Sử 500 Nghi Án 中 國 文 化 史 500 疑案
4-Trung
Quốc Lịch Triều Sự Điển 中 國 曆 朝 事 典
5-Từ
Hải 辭 海
6-Tứ
Đại Mỹ Nhân Diễm Tình Diễn Nghĩa 四 大 美 人艷 情 演 義
7-Trung
Quốc Văn Hoá Tri Thức Tinh Hoa 中 國 文 化 知 識 精 華 |