Friday, October 27, 2023

TRẦN MẠNH TOÀN: VŨ HOÀNG CHƯƠNG, THƠ và THOẠI (2)

  

23-TA VẪN CÓ TA

 Đường lối đê mê ngây ngất từng

Mây vờn quanh má rỡn ngang lưng

Không gian bước bước màu thay đổi

Giữa một thời gian khoảnh khắc ngừng

 

Ta đi về tận gốc Luân Hồi

Khúc múa hành tinh chẳng đoái coi

Chẳng ghé vào thăm cây Quế nữa

Vằng trăng có giận cũng đành thôi

 

Đám cháy nào kia rực Hỏa Cầu

Hội hoa đăng mở đón chào nhau

Tiếc thay chẳng thể ta dừng gót

Cạn chén ly đình sợ quá lâu

 

Phút giây vèo tới bến Ngân Giang

Vệt sữa hay giòng lệ sáng choang ?

Khói đọng sương ngưng nằm đợi sẵn

Quay thuyền ta rẽ lớp hào quang

 

Chèo sương buồm khói ngược vời sông

Thoắt đã sao thưa bạc cạn giòng

Khói cũng thay hình sương đổi vẻ

Cho ta làm cánh vút hư không

 

Thôi chẳng còn mây đỡ bước chân

Ta lên sắp tới đỉnh Xoay Vần

Từ đây tinh tú không tên tuổi

Đâu lẽ mình ta được có thân !

 

Chót vót Thời gian bỗng té xiêu

Không gian vụt trở lại ba chiều

Vì ta vẫn có “ta”... trời hỡi

Mộng vướng vào Thơ tự ngã theo

( Vũ Hoàng Chương, Cuộc Du Hành, Rừng Phong, 1954

 in lại trong Thi Tuyển Poèmes Choisies, 1970)

Thực ra đây không là cuộc du hành mà là sự so chiếu giữa thế giới của ước mơ và thực tại mà người chịu ràng buộc. Người ta có thể nghĩ đây là đường về của một trích tiên từ nơi bị biếm, và với thế nhân như Lưu Nguyễn là con đường lưu lạc vào cõi đào nguyên. Bởi vì đường đi là những hình tượng từng bắt gặp trong thơ Vũ, mơ hồ ảo diệu của cõi non Bồng. Có cả quê hương của Hằng nga và dòng lệ để dấu phân ly của ả Chức.

Chuyến đi là cuộc hành trình triết lý của người thơ, chuyến đi của ý thức đối với con người khởi hành chan chứa mộng. Điều thức giác lớn nhất là cái giả thân lạc lõng của thi nhân khiến người phải quyết định từ bỏ.  Cái thế gian ba ngàn vô danh không thể dành  biệt lệ cho người, dù là thi sĩ. Từ đây tinh tú không tên tuổi   / đâu lẽ mình ta được có thân.

Người đã tới đỉnh cao ý thức, thấu triệt  được lẽ có-không, tưởng như đã nhập được vào quỹ đạo vô thủy vô chung của kiếp thơ miên viễn. Nhưng sự hiện diện của cái Ta, dẫu chỉ còn là ý thức về sự tồn tại, cũng khiến người không được chấp nhận vào cõi vô-cùng. Vì ta vẫn có “ta” ...trời hỡi / mộng vướng vào Thơ tự ngã theo.

Thi nhân ở trong số người hiếm hoi tìm kiếm cho mình một “công thức” cho giấc mộng hoang đường, một định sở cho cõi thơ tiếp giáp với mây như bằng hữu. Cái dấu vết duy lý còn sót lại trong tiềm thức của con người có thiên-hướng khoa-học tự-nhiên như nhà thơ đã giúp thúc đẩy phác họa một lộ trình không hoàn toàn nằm trong hư tưởng.

Cái không gian ba chiều của nhận thức khoa học thường được người lặp lại nhiều lần trong thơ. Không gian thôi đã ba chiều khép. Chính là gợi ý cho một không gian không hoàn chỉnh của thi-nhân, nơi  tương quan giữa thi nhân với các thực thể khác có thể được thiết lập.

Đây là không gian người đã thất bại trong một chuyến đi của ý thức nhưng là một thành công cho Thơ đã đưa người xa hơn vào cõi của mộng thẳm và ước mơ.

 24- KIẾP NGƯỜI ĐÓ Ư ?

 Mười đoạn của một bài trong mười bài ca chiếm ngự cõi tư tưởng của tập thơ đang âm ỉ thành hình trong khoảng thời gian xao động đến tận gốc một cõi thơ mênh mang như sương khói và  gây dằn vặt tâm tư.

Rừng Phong (1954) là sự tích tụ của thời gian và tâm hồn trong một không gian chỉ còn hai chiều hoảng hốt. Thi nhân sau những dàn xếp trong tâm thức với một số mẫu mực của thế nhân (ngư phủ, sông dịch) và hoàn cảnh đa đoan (tận túy, trâm gãy, siêu thoát, dị sử, dị hỏa...), đã mượn bài ca để phác họa cuộc hành trình của kiếp người muôn thuở với oan trái ngổn ngang. Bài Ca Tận Thế cho thấy cái bất trắc của kiếp người bên cạnh sự kiên cố của tình yêu miên viễn.

Khởi đầu là sự sụp đổ cõi thế do chính sự tích tụ đau thương mà nên

 giây phút trầm tư loạn sắc màu

trời ơi ! Hồn Cả nghẹn thương đau !

thế gian đang tự tay đào huyệt

địa phủ gần kia lửa vạc dầu

 Thi nhân cả tin rằng từ tro tàn hủy diệt sẽ là sự tái sinh nhân tố mới. Nàng Thơ tái hiện để trùng phùng với thi nhân trong duyên tao ngộ

 đợi ai về ngự sáng ngai Thơ

người bạn đầu tiên thuở bấy giờ

ước cũ : tái sinh ngày Tận Thế

tìm nhau cùng nối mộng ban sơ

Nói rõ hơn, thi nhân đã đặt thơ trong vòng thành trụ hoại không của vạn hữu và Thơ có mặt ở đầu một chu kỳ trong ý nghĩa giáng thế và lộng lẫy tinh thần xuất thế

thôi mặc Thời Gian liệng Trái Sầu

gác tai ngựa hí quốc gào đau

dang tay trở gót về Nguyên Thủy

rào kín vườn xưa khép cánh lầu

Đây là tuyên ngôn của một giai đoạn thơ, tiếp nối thời kỳ của Thơ Say, cổ võ tinh thần phóng nhiệm từ cái nhìn vị ngã. Nguyên-Thủy của Vũ  hay cõi nguyên xuân sau này của Bùi là những ước mơ chưa kịp định hình rõ rệt chỉ vì ý muốn khước từ thực-tại thôi thúc.

 Đã không ít lần người thơ hướng về một cõi không có sinh diệt, một cõi vô thủy vô chung, thoát khỏi vòng luân hồi chi phối. Mầu sắc tôn giáo bắt gặp nơi đây của thi nhân dĩ nhiên chỉ là rung động mang tính mặc khải của hồn thơ về một cõi, không buộc là kết quả của giác ngộ tu trì

 đôi ta dựng một thiên cầu

bể xanh vĩnh viễn nương dâu đời đời

tiền sinh ôn việc đổi rời

xiết bao ngờ vực: kiếp người đó ư

Ánh sáng nơi ấn tượng về bài thơ với người đi sau là cái nhận thức chói lòa của thi nhân về vị trí mơ hồ của kiếp sống. Xiết bao ngờ vực: kiếp người đó ư. Không phải bất giác mà Mai Thảo chép câu thơ trên lưu lại làm di tích một đêm họp mặt bạn văn trên Gác Mây (Chân Dung, 1985.) Mà có thể trong giây phút thần giao, nhà văn đã được tiềm thức trao cho một trong những câu linh ứng nơi người bạn tri âm.

 25-TỈNH SAY MỘT CUỘC     

 Đối diện tằng xưng thiên lãi văn

Kim chiêu biệt hỹ, bút ưng phần !

Đông tây mộng quải tam canh nguyệt

Nam bắc tình khiên vạn lý vân

Trọc tửu cô đăng sầu bất ngữ

Hoàng sam thanh nhãn ý hà vân ?

Thu phong sạ khởi tiêu hồn cực

Hổ khiếu viên đề hoảng hốt văn

( Loạn Trung Biệt Hữu)

 bản dịch Vũ Hoàng Chương

tặng cụ Phan Khôi

 Từng khen tuyệt tác ấy văn trời

tạm biệt từ đây bẻ bút thôi

giấc mộng Đông Tây vầng nguyệt lửng

tơ tình Nam Bắc đám mây trôi

tỉnh say một cuộc đành không bạn

hào hiệp ngàn xưa dễ mấy người

chợt nổi gió thu lòng héo hắt

đâu đây hổ thét vượn than dài

 Thơ Vũ từng ghi lại những cuộc chia tay nhưng tình giữa họ như mây trời, bèo nước nên cái bịn rịn thường nằm trong khuôn mẫu văn chương. Chỉ người trong cuộc mới cảm được cái tình thắt buộc bằng duyên văn tự. Lời ly biệt tha thiết của Vũ được nhắc đến thường ghi rõ dấu người xưa kể cả ngấn lệ để lại

 rằng kẻ vào Ngô nhớ Lạc Dương

lòng băng chẳng thẹn với đài gương

ngâm câu chiết liễu còn sa lệ

ngược nẻo tiền thân ướm hỏi đường

( Nhớ Cố Nhân, Rừng Phong, 1954)

 Cuộc chia tay giữa Vũ với Phan Khôi năm 1946, sau mấy ngày đêm đối diện đàm tâm, là sự cách biệt giữa hai tâm hồn không thể đo lường bằng mẫu mực của thế nhân. Khoảng trống giữa họ không thể lấp đầy bằng nỗi nhớ thông thường kể cả việc tái lập thành sầu. Chia tay trong thời loạn thì viễn ảnh gặp lại bất trắc hơn nhiều, tương tự việc qua sông khi sóng cả. Trường hợp ông Phan lại khiến người bạn vong niên của ông ái ngại hơn vì Phan hành động khẳng khái như một khách anh hùng. Hào hiệp ngàn xưa dễ mấy người. Người mà lòng trọng nghĩa bừng dậy vì một bài ca – bài-ca sông-dịch, người ấy thế tất sẽ thể hiện như một kẻ sĩ chính danh.

Bài ca chia tay thường lưu lại cái buồn của người ở lại như để trả lễ cái bịn rịn của khách lên đường dù khách là người có tiếng cứng cỏi như Phan.

Thi nhân cũng không là ngoại lệ. Ngọn gió thu rười rượi trong lòng người là ngọn tín-phong báo tin bất trắc

chợt nổi gió thu lòng héo hắt

đâu đây hổ thét vượn than dài

Hình tượng ngôn ngữ trong bài thơ là ngôn ngữ tượng hình của ông Phan. Hình ảnh của chúa sơn lâm giữa cơn gió bụi khôn lường. Hùm thét oai lưa gió vụt vù. (Phan Khôi, Viếng mộ Lê Chất.)

 Mặt khác, với khách phong lưu tài tử thường xem cuộc đời như bóng gang, sự chia tay, với họ, vẫn là bài hát ảm đạm mà êm đềm. Con người vốn coi nhẹ mọi giá trị của thế nhân, thì cuộc chia tay như đám mây xám thoảng qua trên nền trời thăm thẳm

 Phù vân du tử ý

lạc nhật cố nhân tình

huy thủ tự tư khứ

tiêu tiêu ban mã minh

(chia phôi khác cả nỗi lòng

người như mây nổi, kẻ trông bóng tà

vái nhau thôi đã rời xe

nhớ nhau tiếng ngựa nghe mà buồn teo)

( Tống Hữu Nhân của Lý Bạch - Tiễn Bạn, bản dịch Tản Đà, Ngày Nay, 77, 19.9.1937)

 26- THEN CÀI NGHE MỘNG TỨ BỀ RƠI

 thơ ném mười phương

tình trao thiên hạ

mỏi nhớ mòn phương

ngàn dâu bóng ngả

gối chăn ơi, hỡi chiếu giường

vùi đây tâm sự thê lương !

tiếng thở dài sao rụng

hàng lệ đắng mưa tuôn

đầu ấp vào ngươi

mình riết vào ngươi

giòng đau tâm sự khơi nguồn

bình sinh mộng đã hoàng hôn

bông, tre, vải, cói... mồ chôn cuộc đời

 ta khóc cùng ngươi

ta giãi cùng ngươi

giòng đau tâm sự đầy vơi

gối chông chênh, mền cũ nếp khâu rời

chiếu mong manh giường hẹp của ta ơi !

 trăng rụng nửa vời

đêm mờ trọn kiếp

nghiêng đĩa dầu vơi

không thành giấc điệp

bảo giùm ta, gối hỡi chăn hời !

phương nào sự nghiệp ?

tình mất đâu nơi ?

 hương phấn vàng son ngoài cửa khép

then cài nghe mộng tứ bề rơi

gối chăn yêu mến, giường thân thiết

ta mở hồn ta với các ngươi !

Sài gòn 1957

(Vũ Hoàng Chương, Tâm Sự Một Người, Hoa Đăng, 1959)

Bài thơ có lẽ là một trong những lời chân thực nhất của thi nhân, lời than tự một tâm hồn cảm thấy rã rời  hoàn cảnh. Thơ có thể được hoài thai trong giai đoạn thử thách của thi nhân nơi vùng đất mới. Nỗi khó khăn được nhận diện lại khắc khe hơn và thế giới riêng của người một phen chịu gió mưa cuồng nộ. Thi nhân bị đẩy ra ngoài cái thực tại người lánh mặt đã lâu và hơn thế phải đối mặt như bất cứ kẻ thất cơ nào trong chán nản, sượng sùng từng giây từng phút. Nhưng tự trục xuất mình ra khỏi cõi mộng dan díu bấy lâu có lẽ là cách duy nhất để hành động như con người biết tự chủ. Cõi mộng đã không còn an ổn như ban sơ nhưng cho đến lúc buộc phải xa rời vẫn lưu luyến tương tự cánh bướm với cái tổ kén thân thiết. Thêm vào cái thao thức dằn vặt nhớ quê, thi nhân cảm thấy như kẻ lỡ mọi chuyến tàu chỉ biết ngỏ lòng với ga vắng. Vì thế, người tâm sự với chiếu giường, những vật gần gũi trực tiếp với mình như thực tại hiển nhiên. Đôi khi hơn cả với lòng, vì mấy ai không muốn tránh mặt trước sự thật không vừa ý.

1957 không hoàn toàn là thời lênh đênh của con người thơ. Vũ có dự phóng của người làm thơ và cho riêng thơ theo hướng mời gọi của tổ chức Văn Bút mà vài năm sau hình thành trong tập  thơ 28 chữ mệnh danh Tâm Tình Người Đẹp trình bày cảm ứng thi nhân trước văn minh kỹ thuật phương tây.

1957 cũng là năm người viết thiên bút ký về kẻ sĩ Phan Khôi, giới thiệu với thế giới bên ngoài về một mẫu người cầm bút bất khuất trước nghịch cảnh.

Ngần ấy chứng tỏ có mâu thuẫn nào đó nơi nhà thơ khi tiếng nói chân thực là tiếng thở dài không kém não lòng cho thân thế.

Thuở trước, nỗi u uất chán chường trước cuộc đời của người là cái bất bình trước hoàn cảnh trái ngang, mượn chữ chậm bước công danh để tỏ sự lỡ làng thân phận. Gối vải mộng công hầu / vàng son mơ gác xép /  bừng tỉnh mưa còn mau / chiều tàn trong ngõ hẹp (Đời Tàn Ngõ Hẹp, Mây, 1943.)

Nỗi buồn của “con chim bằng vỗ cánh rời sang Nam-minh” có vẻ thực tiễn hơn. (*) Là sự khó khăn vật chất có thể làm chiết tỏa hồn thơ, đe dọa tính chất mênh mang bàng bạc của cõi thơ mang cốt cách phiêu bồng của một vì sao đơn độc. Bình sinh mộng đã hoàng hôn / bông, tre, vải, cói... mồ chôn cuộc đời. Những thứ “tùy táng” thật đơn sơ cho nấm mộ đời được thi nhân đặt để.

Tâm-sự một-người thực ra là nỗi lòng của chính mình, một nỗi buồn cá nhân, riêng lẻ, hoàn toàn khác với nỗi chán chường mang tính chất thời đại năm nào của kẻ phóng túng hình hài. Trong nỗi buồn thực tế này, thi nhân không tìm kiếm nơi trao gửi đâu xa mà đặt vào những vật quen thuộc gần gũi quanh mình. Cái ý thê thảm của việc nhắc đến sự thiếu thốn vật chất  gần như tương tự nỗi lòng Tố-Như khi nói đến cái đói và miếng ăn. Cơ hàn bất giác thụ nhân liên. Thân này lụy áo cơm ai bất ngờ.

Dẫu cho chỉ trong khoảnh khắc hết sức ngắn ngủi của cuộc đời, con-người-muôn-thuở nơi thi nhân cũng được phép xuất hiện như một con-người-nhân-bản.

 Tâm-sự một-người xuất hiện trong tập thơ được dư luận ghi nhận là một chuyển hướng cần thiết được mong đợi nơi thi-nhân nên có lẽ đã bị bỏ quên như dấu vết của quá khứ cần vượt qua. Tâm-sự ấy là tiếng lòng chân thực thiết tha, là những giọt nước mắt của thân phận bất bình phải một thời chịu trói tay trước hoàn cảnh,

-----------------------------------------------

(*)  thơ Vũ Hoàng Chương ( Bài Ca Tận Túy, Rừng Phong, 1954) được chép lại trong “Lời Tác Giả” in trong tập Ta Đợi Em Từ Ba Mươi Năm, 1969.

-----------------------------------------------

 27- GIANG HỒ CÕI MỚI

 Nhất đán lâu đài hữu nhược vô

Hư tương thân thế phó giang hồ

Niên niên tùng cúc thanh sam thấp

Xứ xứ yên trần bạch cốt khô

Dục ẩm tôn  tiền thôi tất xuất

Tương hành ngạn thượng khấp vi lô

Tiên Châu thử biệt quan hoài thậm

Thái bản thi hồn dữ mộng cô

 Cơ nghiệp buông trôi ở Vị Thành

Ném theo đời loạn kiếp lênh đênh

Lửa dâng bốn mặt khô xương trắng

Cúc nở hai lần ướt áo xanh

Đàn dế giục đi năn nỉ giọng

Bờ lau khóc tiễn ngẩn ngơ tình

Xuân giang từ đấy vời con nước

Thơ mộng vào ra chỉ một mình

(Phó Giang Hồ, Hoa Đăng, 1959

  chép theo bản của Thi Viện)

 Có lẽ đây là lần thứ nhất, thi nhân than đến việc tan tành nghiệp ở cố hương (Vị thành.)  Sự thực, sự nghiệp trên chẳng còn sau biến cố tiếp diễn cho đến lúc hồi cư về Hà-nội. Nhưng đến khi vào Nam, tá túc buổi đầu trên căn gác hẹp Hòa-Hưng giữa cái nắng nung người, người trong cuộc bất giác cảm thấy và ôn lại nỗi cay đắng của điều mất mát, dẫu cho là điều khó tránh được trong buổi loạn ly. Thực tại mà thi nhân phải đối diện không khác gì cơn mộng dữ và nghiệt ngã hơn là còn trùm phủ ngày tháng trước mặt. Thi nhân không thể đào tỵ với đời khi thực tại không còn ở đâu xa. Thi nhân buộc phải bước ra khỏi mộng tự lúc nào trong lúc chưa quyết định dứt khoát về thế giới thơ bảng lảng bên mình với dư vị giấc mộng sót

Cơ nghiệp buông trôi ở Vị Thành

Ném theo đời loạn kiếp lênh đênh

Nhưng trước hết, vẻ như Phó Giang Hồ muốn cáo tri một thái độ nhập thế của người hơn là cho cõi thơ mà người làm chủ. Bởi vì Rừng Phong in năm 1954 cho thấy trọn vẹn thế giới thơ siêu thoát và tịch mịch của thi nhân vẫn còn nguyên khối dù biến cố khiến cơ nghiệp buông trôi đã xảy ra trước đó. Thơ người vẫn mang khuôn mẫu ước lệ của cổ phong dù có thể nhận ra đôi nét riêng của tâm trạng đương thời

Lửa dâng bốn mặt khô xương trắng

Cúc nở hai lần ướt áo xanh

Thi nhân đã trải hai mùa thu xa quê và mang nỗi nhung nhớ sụt sùi của chàng tư-mã. Người cũng trải qua mối bịn rịn, lưu luyến khi buộc phải dứt tình và hình ảnh hiu quạnh của lầu mộng khi vắng người lai vãng

Đàn dế giục đi năn nỉ giọng

Bờ lau khóc tiễn ngẩn ngơ tình

Xuân giang từ đấy vời con nước

Thơ mộng vào ra chỉ một mình

Bài thơ có dáng dấp một bài “lưu giản” trong cuộc chia tay với cõi thơ thoát trần để bước vào tục lụy. Nên trong lời cuối, thi nhân để lại trong thơ không ít ảnh tượng của bao mùa thơ cũ, Có cả bờ lau hiu hắt nơi neo chiếc thuyền người thương nữ lẫn cảnh sông nước dưới trăng trôi (xuân-giang hoa-nguyệt dạ.)

Bài thơ để lại của thi-nhân không là cách giãi bày với một tứ thơ mà người đời thường bày tỏ. Cõi thơ siêu thoát là thế giới nuôi dưỡng một hồn thơ, là tinh cầu của một tâm hồn khắc khoải trong cô đơn và khao khát an bình.

Từ bỏ một xu hướng thơ không có ý nghĩa là thái độ của “người có nhiều lương tâm, có tấm lòng khẳng khái vì (ông) nhất quyết đoạn tuyệt với dĩ vãng” như có người đã nghĩ (Nguyễn Văn Xuân, Điểm sách Hoa Đăng, Bách Khoa, 64, 1.9.1959.) 

Thi nhân lên đường tìm kiếm hay xây dựng cõi thơ cho phép trái tim hòa điệu, mộng ước nở hoa cùng hướng đến những giá trị xứng với con người muôn thuở.

Thi nhân không ôm ấp, theo đuổi trong đời chỉ một giấc mộng. Những suối mơ chảy ngược về trời bằng lưu lượng của thơ sẽ là những chuyến khởi hành trong tương lai vào những mùa thơ như ý.

 28-MỘNG DAO ĐÀI

 

Nắng vàng theo gió vàng lên
Có ai theo gió về trên lầu ngà?
Hương bay thềm Quế xa xa
Nghìn thu chị Nguyệt chưa già ai ơi!
Từ theo trái Đất giong chơi
Vóc băng sương có đầy vơi ít nhiều.
Xót thay, lòng vẫn tiêu điều:
Lửa hành-tinh, mấy mùa yêu, đã tàn.
Ngọc phai vàng tắt dung nhan
Tương tư lạnh khoá cung Hàn từng đêm.
Lệ rơi ướt bảy màu xiêm
Ngang sông quạ réo càng thêm gợi sầu.

Lệ rơi xiêm ướt bảy màu
Ngang sông quạ réo gợi sầu tương tư.
Đêm qua gió vẳng lời thơ
Chiều nay lại một chiều mơ xuống trần.

Có ai nặng một lòng xuân
Từ khi cõi Tục xa dần cõi Tiên?
Có ai lòng nặng thiên duyên
Từ khi bụi xoá đường lên non Bồng?
Có ai tình cũ nặng lòng
Từ khi suối thắm nghẹn giòng Thiên-thai
?
Để cho mộng biếc Dao đài
Xe mây rẽ lối trần ai
một chiều

Sài gòn 1959

(Mộng Dao Đài, Hoa Đăng, 1959)

Mộng-dao-đài có nghĩa rằng thi-nhân lại lấy cảnh tiên làm gối mộng. Năm năm trước, vùng đất mới mở ra một vận hội khích-thích một bước đi mới nhân lịch sử sang trang. Vũ cho lục đăng Trả Ta Sông Núi trong tập thơ mới ra (Hoa Đăng, 1959), sáng tác trong một đêm đầy hào khí của cuối tuổi hai mươi, 1944. Bài thơ gửi đi như tự giới thiệu cuộc lên đường. Một lựa chọn có vẻ khó khăn với một số người cầm bút. Hoa Đăng trở thành một thái độ thì đúng hơn, vì nội dung không thể hiện bước đi về một hướng duy nhất. Thực ra, Hoa Đăng phản ảnh tâm trạng người làm thơ còn lưu luyến một cõi thơ từng là huyết mạch tâm hồn. những dao động phải có nơi một con người thơ sống bằng rung động.

Mộng Dao Đài phải là giấc mộng cần thiết của con người không chỉ sống bằng những nhân tố bên ngoài. Con người tồn tại bằng ước mơ ngoài cái thực tại cần gắn bó. Nương náu Dao đài một thời là phản ứng của thi nhân trong giai đoạn bế tắc. Là cuộc lỵ trần của những kẻ cô đơn hiểu được sự giả hình của một nghi chế chiều theo con người phóng túng. Cái nhìn ủ dột về Hằng-nga cho thấy tâm hồn người cảm thấy sự cần thiết của giấc mơ. Dao đài là gối mộng của thi nhân dâng cho đời như nguồn an ủy.

 

29-THANH BÌNH

gửi Lãng Nhân

Bế môn cao ngọa Phù-Dung thành

Túy đảo càn khôn liễu bán sinh

Khởi tích lạc hoa tằng lạc phách

Hà phương vong thế dĩ vong hình

Đăng tiền quỷ hỏa tầm giai thoại

Mộng lý Đào Nguyên tục cựu minh

Hứa quải ngã môn chung nhật lạc

Tại phong yên xứ hữu thanh bình

bản dịch nôm :

Thành Phù-Dung nằm cao đóng cửa

Lệnh càn khôn đã nửa đời say

Lăng-tằng phong cốt bấy nay

Tiếc cho hoa rụng hương bay hỡi lòng !

Hình hài có hay không chẳng thiết

Thì việc đời quên hết đã sao ?

Đèn khuya lửa quỷ đêm nào

Trong mơ nối lại Nguồn Đào ước xưa

Trọn ngày tháng lũ ta vui đấy

Đừng ai cho việc ấy lạ đời !

Tìm đâu xa thế nhân ơi

Chính nơi lửa khói là nơi thanh bình !

1963

(Vũ Hoàng Chương, Thanh Bình, Thi Tuyển, 1970)

Cõi thơ của người thi sĩ kề cận giang san tư tưởng của người xưa. Khúc Thanh-Bình gửi tri âm thoang thoảng thanh âm bài-hát trở-vể của họ Đào, Quy khứ lai từ. Thi nhân không có ý định làm nên một triết lý sống trong thơ, và từ đó cho mình. Nhưng khi vắng mặt lý trí, hồn thơ lại  tiếp tục thênh thang cùng gió núi trăng ngàn với kẻ lánh xa ràng buộc. Đi về sao chẳng về đi  / Ruộng hoang vườn rậm còn chi không về ?  Vũ đàm luận với tri âm như thể bằng tiếng nói của người xưa và còn cao giọng hơn thế. Trong mơ nối lại Nguồn Đào ước xưa.

Nguyên ủy việc lánh đời của thi nhân cũng chẳng khác người xưa, là mưu cầu tự do tuyệt đối                              

Hình hài có hay không chẳng thiết. Nghĩa là khoáng đạt hơn cả người một lòng rủ buông tay áo. Đem tâm để hình kia sai khiến.

Cái triết lý thực tiễn giản dị của người xưa được Vũ bồi bổ thêm ý nghĩa. Kẻ đứng ngoài không chỉ tránh việc ràng buộc tấm thân mà với thi nhân ngày nay còn nhằm đến suy nghĩ xa hơn. Cuộc đời không là sự phó thác như Uyên-Minh nghĩ. Lòng ta phó với mệnh trời.
Thi nhân hôm nay nghĩ khác xưa khi chứng tỏ là con người minh triết, hóa giải khó khăn bằng cái tâm không phân biệt. Chính nơi lửa khói là nơi thanh bình. Nhận định được đưa ra vào thời điểm ghi dấu thực tại phân tranh khiến một tôn giáo phải đặt mình vào hoàn cảnh bất an. Thơ đã cùng thi nhân lên đường mở cõi vào ý thức.

 30- TRONG TIẾNG GỌI ĐÀN 

 Từ sau năm 1963, giảng đường đại học đã quen với những sinh hoạt ngoài nhà trường. Thơ nhạc với nội dung khác xưa đã vào học đường nhân một luồng gió mới thổi qua hồn trẻ lay động ý thức về chỗ đứng của chính họ. Hầu như chỉ có Tình Thương của Y khoa giữ tiếng nói được đều đặn và bộc lộ một thái độ và quan điểm xa hơn những điều mà người đi học đương thời thường lên tiếng. Người hiểu chuyện sẽ không xem là lạ lẫm hay hoài nghi nếu xem những việc xảy ra đều nằm trong tiến trình liên quan đến sự phát triển nhận thức dù có thể còn là điều tranh luận giữa những người cùng đứng trong một hướng đi hay trong cùng một tổ chức. Cuộc lên đường bằng phương tiện quen thuộc đương thời là tiếng nói và chữ nghĩa ngày một tỏ ra mạnh mẽ, tương ứng với những khoảng trống xuất hiện ngày một dày đặc trong tờ báo. Thơ của Đỗ Nghê với sắc thái riêng xuất hiện từng bài, trước khi in thành tập và trở thành một phương tiện được lý luận hóa. Tháng 5.1970, tác giả những bài thơ trên, trước mặt các bạn trong và ngoài trường, theo lời tường thuật, đã trình bày sự ra đời của loại thơ được mệnh danh “thơ tranh đấu”. Với những người đến nghe, thơ là những bước chân mạnh mẽ đi tới. Không còn nhờ vào đôi cánh mộng của mơ ước trữ tình thuộc về phạm trù khác với thực tại, dù không nhằm chối bỏ thực tại hiện hữu.

Người làm thơ tranh-đấu cho rằng, “nàng Thơ không còn tung cánh trên hoa, mà khoác cho mình một tấm áo da trời với những màu sắc mới “ ( Bách Khoa, 227, 15.6.1966.)  Nhưng cũng theo nhà thơ của loại thơ trên, thì dù thế nào, thơ tranh đấu vẫn là “những bài thơ chan chứa tình người phát xuất từ những cảm xúc chân thành”,  nghĩa là thơ tranh-đấu không phải những bài ghép thành khẩu hiệu.”

Lịch sử đã khiến thơ mệnh danh tranh-đấu ra đời, xuất hiện thành một dòng chảy qua những biến cố thúc đẩy lưu lượng dồi dào của một dòng sông lớn.

Trong tờ báo của sinh viên, thế giới mơ mộng quen thuộc đã thu hẹp lại nhiều và ưu tư thời cuộc có lẽ đã trở thành những nếp nhăn đầu tiên trên vầng trán phẳng

khi em cất tiếng khóc chào đời

anh đại diện đã chào em bằng nụ cười

lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc

(Đỗ Nghê, Thơ Cho Bé Sơ Sinh)      

Nỗi phiền muộn, sự trằn trọc đã len vào giấc ngủ và chưa đi xa hơn một tứ thơ nhưng cần thiết cho việc thúc đẩy sự lớn dậy rõ rệt một ý thức  tiếp nối

quê hương tôi

loài quạ đen rỉa cánh

nhung nhúc thịt xương

những tháng ngày lịch sử võ vàng

những buổi chiều run run trang nhật báo

buổi mai đàn chim xa thành phố

chiến cuộc xanh xao

(Đỗ Nghê, Niềm Tin)

Người sinh viên diễn giả xem thơ tranh-đấu nằm trong một tiến trình của lịch sử  và sự trổi dậy của loại thơ này đều xảy ra vào thời điểm của biến cố.  “Năm 1963 đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới “  và bài thơ Lửa Từ Bi là một chứng tích của một thời kỳ ý thức trở mình, đó là ý kiến của nhà thơ diễn giả.

Nhưng, nói như thế không có nghĩa nên đặt Lửa Từ Bi vào hàng thơ tranh-đấu, ngoại trừ việc đấu tranh với chính mình để chống lại cái xấu ngay tự lúc manh nha. Và hơn là thơ tranh-đấu, thơ như Lửa Từ-bi đã liên kết lòng người giữa ly tán, lạc lõng, bơ vơ. Thơ giúp Lửa đánh thức tâm hồn, xa rời bản năng và hướng về cái đẹp, cái tốt lành. Thơ giúp Lửa khơi dậy lòng thương yêu đùm bọc vốn thường bị bỏ quên giữa đường đời. Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt  / nhìn nhau : tình Huynh-đệ bao la.

Sau này, người viết lời giới thiệu sự xuất hiện lại bài thơ trên trong tập Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau (1974), khi tìm kiếm cho bài thơ một vị trí trong văn học, đã xem Lửa Từ-bi “bộc lộ đủ một phong triều văn học mới, dựng trên bao dung và trí tuệ. Bởi nó đã ánh được Ngọn Lửa Tỉnh Thức.” (Lời Tựa của Thi Vũ, Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau, thi tập Vũ Hoàng Chương, Rừng Trúc, Paris, 1974)

Hơn ba mươi năm trước, khi còn an nhiên trong thế giới thơ riêng, nhà thơ Vũ đã đến với Lửa  với ý nghĩa  là thành tố của tạo thành và hủy diệt. Phấp phới ! Hư không kìa muôn loài hỗn hợp  / Trái đất ban sơ, này khối lửa y nguyên.  Từ đó, tìm thêm từ ngọn lửa,  ý nghĩa của sự kết hợp những cái tưởng như hoàn toàn đối nghịch.  Với Âm Dương đằm thắm ý giao duyên  /  là đây ngọn lửa giao duyên. Năm 1963 là một thuận duyên đáng kể cho sự phát giác thêm một ý nghĩa có lẽ lớn nhất chìm khuất trong lửa. Lửa không là điều quyến rũ, lung lạc người như thanh sắc mà đánh thức người đang chìm đắm trong mê lầm. Lửa giục lòng người hãy sống trong tình thương yêu nhau. Nắm tay nhau tràn nước mắt  / tình thương hiện Tháp-Chín-Tầng xây.

Thắp sáng được trong lòng mỗi người bằng ánh lửa từ-bi, thi nhân  đã hoàn thành  được công việc của người làm thơ như  người rao truyền một sứ điệp đằm thắm tình người cho đời.

 31- THƠ VÀ SỰ CHUYỂN  HƯỚNG TÂM 

 “Sự chuyển hướng đề tài trong văn phẩm chẳng qua phản ảnh sự chuyển hướng trong tâm tư của người viết văn. Vậy có thể xét như một thái độ sống, hơn là thái độ viết.” (Nói Chuyện Với Võ Phiến, Bách Khoa, 302, 1.8.1969.) Người phát biểu còn nêu Vũ Hoàng Chương như một trường hợp của lãnh vực thơ và nằm trong kết luận như trên, rằng “những năm gần đây, Vũ Hoàng Chương đã rời bức “thành ngăn sóng Đỏ”, mà trở về với những chuyện vũ trụ, càn khôn, nhật nguyệt, với những huyền nhiệm cao siêu của tôn giáo v. v..”  Từ đó, còn đi xa khi cho rằng thái độ như trên trong văn chương có ý nghĩa “người bỏ thời cuộc, không phải thời cuộc bỏ người.”

Chuyện người cầm bút, văn hay thơ, viết ra những cái đang ấp ủ trong lòng. Điều này đúng nhưng không hẳn chỉ thu gọn như thế, nhất là trong lãnh vực thơ. Viết ra nhưng không hẳn viết ra trọn vẹn, trung thực với điều đang ngự trị trong lòng, chưa kể được dàn trải, trình bày, theo cách riêng của người thi sĩ.

Riêng với những người cung cấp truyện đăng hằng ngày trên nhật báo thì việc sáng tác còn chịu sức ép đáng kể của người đọc, của thị hiếu chung và nhiều lý do khiến người viết khó tự chủ để có thể chỉ viết theo những gì lòng băn khoăn, day dứt. Chưa kể, ý thức chuyển hướng còn ở trạng thái manh nha, hay mờ nhạt, chưa đủ để đi đến kết luận về một bước đi khác đã hình thành nơi tác giả.

Dẫu sao, việc nhắc đến nhà thơ Vũ như một trường hợp chuyển hướng trong vòng mười năm kể từ Hoa Đăng ( 1958), một tác phẩm từng được xem là “một sự thay đổi lớn của thi sĩ.... trên quan niệm sáng tác ” sẽ  đặt ra, trong tương  lai không xa, vấn đề rộng lớn hơn, liên quan đến những chặng đường phát triển tư tưởng, tình cảm của nhà thơ trong sự nghiệp thơ để lại.

Vấn đề được nêu trên chỉ là chuyện của một thời điểm, gần như tình cờ, nhưng cũng là thời điểm tạm thời để nhìn lại một giai đoạn thơ mà đến nay đã hội đủ dự kiện để kết luận.
1968 là năm thi nhân ủy thác cho thơ đưa ra truyền ngôn về thực tại được hồi sinh. Đó là  cảm thức tha thiết cùa thi nhân dành cho kinh-đô-của-những-giá-trị-cũ bị lăng nhục trong điêu tàn và.được thể hiện bằng sáu-mươi-tư dòng lệ Huế Cảm.

1968 cũng là năm ký ức của thiên đường mộng và chuyện lòng trở về nguyên vẹn với thi nhân, trong Cành Mai Trắng Mộng, như thách đố khả năng vùi lấp của thời gian và cuộc thế. Chuyện lòng cay đắng và ký ức được thuật lại sau khi được lọc trong, trả lại vẻ tinh khiết dù là vết thương chưa lành theo năm tháng. Không phải thi nhân mải nâng niu một nỗi niềm đã thành cổ vật mà chính là đau thương tiếc nuối đã chín dần thành hoài niệm, theo hướng an nghỉ dành cho thánh tích.

Cành Mai Trắng Mộng chứng minh giấc mộng dài vĩnh cửu trong lòng thi nhân và hình ảnh bắt gặp từng thời chỉ là vết tích của từng chặng đường. Nó thống nhất đến mức sự phân biệt dựa vào đối tượng hay nội dung từng đề tài chỉ là việc phân chất làm sai lạc bản chất một làn hương, ý nghĩa một cánh khói.

Cho Thơ làm một với chiêm bao ( Công chúa Mười lăm)

Cành Mai Trắng Mộng còn mở rộng cánh cửa trầm tư của Thơ dem lại nội dung thứ hai cho Thơ trong cùng một đất đứng. Không đơn thuần là hình ảnh những đơn vị rời rạc được đề cập như vũ trụ, càn khôn, nhật nguyệt...mà là mối ưu tư mang tính chất thời đại về sự thống trị hay áp đặt của khoa học và luận lý nơi xã hội loài người. Điều mà nhà thơ có thể thay mặt, nhân danh con người hôm nay lên tiếng bằng ngôn ngữ của thơ thay cho tiếng nói lý tính

nhường cho loài Máy chỉ huy

lúc ấy Con Người, gọi tên bằng chữ số

hẳn sẽ không buồn điều chi

vì chẳng còn anh, gã đàn ông biệt xứ;

vì chẳng còn em, bà công chúa hoài nghi

cũng chẳng còn ai từng đêm tự tử

cũng chẳng còn ai giữa mùa vu quy

( Buồn Điều Chi, Cành Mai Trắng Mộng)

Cành Mai Trắng Mộng và Huế Cảm đều không hề xa xôi về mặt thời gian với một quan niệm về sự chuyển hướng thơ được hiểu là trường hợp của thi nhân. Với thi nhân như Vũ, thơ không hoàn toàn nằm trong tiến trình của riêng sự sáng tạo như  sự thành hình nguồn cảm hứng. Thi nhân, trước sau, không rời giấc trường mộng của Thơ, nên thực tại của thi nhân chỉ là cách tiệm cận với thực tại được trái tim người khích lệ.

 32- RỪNG MƠ DÌU BÚT

 Mơ Chùa Hương là một cuộc hành hương của ước mơ về một chốn ngất ngây hương vị giải thoát. Không hẳn như bài ca trù Hương Sơn Phong Cảnh Ca của Chu Mạnh Trinh gợi lại hương sắc tâm tư của một tâm hồn nghệ sĩ trước cảnh thoát tục mà trong Mơ Chùa Hương, người làm thơ muốn tạm thời cách biệt cái thực tại đương thời quấy rầy cõi thơ người nhiệt tình sống với. Nghịch duyên gây ba động dẫu chưa ảnh hưởng nhiều đến cái nhìn của người về thế giới bên ngoài mà người chấp nhận vãng lai. Nhưng với một người dễ dàng xao lòng vì một xác bướm như thi nhân, thì việc tháp tùng một chuyến ước mơ là điều người nóng lòng thực hiện. (*)

Trẩy hội chùa Hương vào tháng 3 âm lịch hằng năm là một tập quán vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo. Tâm thức dân tộc được vun trồng bên cạnh một niềm tin được củng cố. Cuộc trẩy hội chùa theo lịch Phật 2511 ( 1967 dương lịch) của người thơ còn là chuyến về nguồn, dẫu chỉ trong tâm tưởng. Người trở về dù với thương tích trong tâm nhưng tin vết thương sẽ lành khi chuyến đi hoàn mãn.

Lòng người thơ thanh tịnh như thuở nào và làm trong trẻo thêm cái nhìn về một cõi trời tiếp giáp với miền lạc cảnh. Cõi Không của người còn hiển hiện dấu tích thoát tục của Trang Chu

phơi phới hồn Thơ chấp cánh mây

đường lên đất Bắc mở trời Tây

núi trong bóng Phật còn “thơm” mãi

động chẳng tay Người vẫn “dấu” đây

một sợi Kỳ Hương rừng suối dẫn

muôn rừng Cổ Tích gió trăng vầy

trái mơ vàng ửng hoa mơ trắng

theo bướm về bên gối rụng đầy

( Vũ Hoàng Chương, Mơ Chùa Hương, Bút Nở Hoa Đàm, 1967)

Chuyến viễn mộng với tâm tư chĩu nặng như người, nên cảnh được hồi sinh chỉ để làm hài lòng ký ức kẻ hành hương đến tự phương xa. Khác hẳn với những chữ nghĩa mầu hồng bóng bẩy trước đây dành cho mùa trẩy hội, lòng kẻ trở về cảm thấy day dứt trước một hiện thực tan tác trong mơ

trăng vàng mưa thoáng nhẹ

hoa trải tóc thơm lây

mười phân một vẻ

tai lắng hồn nghe

mơ Rừng Mơ như vẽ...

hương chùa Hương như gây

ngoài kia lan héo vũng lầy

nát trà mi, đỗ quyên gầy tin xuân

tỏ mờ hai mảnh Pháp Luân

trăng neo hoài ở thượng tuần thế sao ?

Trong 80 hàng văn tự hành hương, dường như sự gửi gấm kín đáo đến mức ẩn mật cần đến sự khai thị. Đây là những lúc kẻ hành hương vừa có thể đối cảnh để soi lòng vừa giục giã hồn thơ quán chiếu cảnh trái ngang

giấy vừa chau nét mặt

trời cũng rách nền sao

ca trùng im bặt

hơi sương nghẹn ngào

mơ Rừng Mơ ai dắt ?

hương Chùa Hương ai trao ?

mà nay phương vị lật nhào

Giải Oan đâu phải Suối Đào ngày xưa

tung hoành mực đậm son thưa

ba chiều cảm ứng vẫn chưa thăng bằng

Nhưng rồi cảnh bụt cũng thuyết phục được lòng trần. Dầu là trong mơ, ý thức giải thoát vẫn khiến người vững một niềm tin như niềm tin từng đặt vào vai trò của Thơ

đêm tung cánh vùn vụt

ngày sải vó băng băng

vơi bao nhiêu phút

đầy bao nhiêu trăng

Rừng Mơ dìu nâng bút

Chùa Hương lên nhang đăng

Bồ Đề Thân đẹp bóng Hằng

cây khô còn vướng cát đằng nữa chi ?

lời kinh dẫn bước chân đi

Dấu Thơm ở gốc Từ Bi, nơi Lòng

Mơ chùa Hương cũng như rau sắng, gỗ mơ là hình ảnh tinh anh của một cõi đất trời cống hiến cho con người một niềm tin có chứng dẫn, về sự hướng thượng của tâm hồn. Thời trước chiến-tranh, Tản Đà từng nhớ quay quắt chùa Hương qua hương vị bát canh rau sắng. Nhà thơ Vũ của thập niên 60, sau bao chuyện biển dâu, tại phương Nam, lòng vọng về chùa Hương qua trái mơ xanh. Những người trọng giấc mơ thường sống trong sự đối chiếu giữa hư-thực để nhận chân việc giữ tâm không phân biệt.

Hơn là một khúc ca tán thán cảnh và tôn vinh một giấc mơ, cuộc trở về bằng thơ của thi nhân còn là cuộc hành trình của ý thức. Năm 1972, thi nhân, một lần nữa, giục giã ý thức về nguồn qua niềm tin về đạo cả. Chưa tươi nụ Lạc hoa Đàm  / lá chưa về cội, chưa cam lòng này ( Hội Xuân.)  Đương thời, ý thức dân tộc thường được nêu lên như một nghi vấn thời thượng giữa thời của cơ mưu. Mơ chùa Hương của thi nhân là lời mời gọi ước mơ chân thực của kẻ bị dằn vặt vì nỗi nhớ quê và sự thiết tha gắn bó với thăng trầm của niềm tin chịu thử thách

mấy phen lệ đá tuôn giòng

đầu non mây đợi quấn vòng tâm tang

ai hay lệ rỏ vòm hang

đáy hang cũng đá nhịp nhàng mọc lên

thân xưa thạch nhũ

rơi vào lãng quên

giờ đây thạch trụ

ngàn năm vững bền

không gian nào kể dưới trên

thời gian nào kể hai bên có bờ !

tấm gương trăng Tỏ hay Mờ

Tròn hay Khuyết, chỉ danh hờ đo thôi

 chén vàng trong mắt tục

bao độ xẻ làm đôi

ánh vàng thơm Quả Phúc

lâng lâng chuyện lở bồi

mới hay dằng dặc từ vô thỉ

đạo vẫn đoàn viên, mãi ở ngôi

giấc mộng Chùa Hương đâu phải “mị”

rừng Mơ kết trái Thiện Tâm rồi

Phật Lịch 2511

( Vũ Hoàng Chương, Mơ Chùa Hương, Bút Nở Hoa Đàm, Vạn Hạnh, 1967)

 33- MỘT BẢN CUỒNG CA

 thơ say dốc xuống từ bao năm
men dậy sông hồ vẫn nổi tăm.
dâu biển biển dâu càng gắt nhịp
càng chưa chịu tỉnh giấc con tằm.
cố nhân hoặc tân nhân nào hỏi,
đáp: tuổi trời cho đúng nửa trăm.
nhưng tuổi vương tơ đâu đã chín,
xuân này ta mới hai mươi nhăm.

hai mươi nhăm năm rồi đây!
một phần tư thế kỷ...
từ năm RỒNG bay đến nay NGỰA hí;
ta gượng vui cười cợt làm khuây,
mà chiếc bóng lê theo
     nặng chĩu bước chân gầy.
có ai ngờ được nhỉ?
ta thất thểu trên đường thiên lý
mắt mòn theo tháng ngày,
như chiếc bóng như bước chân rền rĩ,
mong gặp CHÀNG SAY tác giả THƠ SAY...
ôi thất thểu sông Hồng đi tìm sông Nhị,
hồ Bạc nằm tương tư hồ Tây!
mỗi xuân sang mỗi sa lầy
giòng thi cảm dính bùn lây sông hồ...

thời gian chỉ một bến Cô Tô,
chớp mắt Đông Tây thành cố đô.
thuyền nát lòng khi rời khỏi bến
còn mang theo mãi tiếng chuông Chùa.
tim này vẫn đập
mái chèo xa xưa.
bầu không có rượu
trên vai đeo hờ.
tự bao giờ... lại bây giờ
nghe sôi mạch máu còn ngờ men dâng.

Sàigòn 1966
( Vũ Hoàng Chương, Cuồng Ca Năm Ngọ, Bút Nở Hoa Đàm,Vạn Hạnh, 1967)

Năm 1966, cố đô lần nữa chuyển mình giục giã ý thức nơi giới trẻ như thể nắng lửa hạ hợp sức với ngọn gió Lào. Cuộc vận động mang tinh thần tôn giáo nhập thế khiến cho mỗi bước đi trở thành mỗi thử thách của cuộc trắc nghiệm lần đầu về sự thực thi ý hướng và khả năng tổ chức. Cuộc lên đường chuyển thành diễn trường thực-nghiệm với tập hợp ngần ấy ưu, nhược điểm và khuyết điểm của tuổi trẻ dẫn đến nhiều cái nhìn rất khác nhau khi lịch sử muốn mượn dịp để đánh giá. Sự dự phần nhiệt thành của giới trẻ trong cuộc vận động mang nhiều mầu sắc như trên có thể đem lại kinh nghiệm nghẹn ngào cho người này, hoặc nụ cười hãnh diện cho người khác. Cái nhìn của thế hệ đi trước không là sự tổng kết vội vàng nhưng bàng bạc triết lý của cổ nhân về những điều còn lại bên cạnh việc thành bại đã trở thành vô nghĩa. “ Thời gian như cô đọng lại trong những mùa bạo động và cả tuổi đời nữa. Nên những khuôn mặt héo hon kia chỉ còn có nghĩa là sương mai và nắng sớm đã ra đi, để xây dựng thành những pho tượng, những tĩnh vật bất đắc dĩ trong khung cảnh tang thương rách nát của Mẹ u buồn, đâu đâu cũng chỉ thấy hàng hàng lớp lớp những chứng tích đau thương của “ gió bay nhà bạc cát lầm cửa thưa.” ( Trần Hồng Châu, Vấn Đề, số 38, tháng 9.1970.)

Cuồng Ca Năm Ngọ (1966 là năm Bính Ngọ theo âm lịch) là lời Tự bạch của nhà thơ Say trước khi nhập vào cuộc khởi hành đi tới, đi xa hơn vào thực tại với cái giọng hào sảng đích thực của kẻ lên đường. Cái giọng hiếm hoi mà khi trước, thi nhân chỉ dành khi cần mượn giọng người xưa lúc hát Bài Ca Sông Dịch. Lần nhập cuộc này mang ý nghĩa sâu nặng hơn lúc thi nhân minh định thái độ nhập thế biểu lộ trong Hoa Đăng (1959.) Tập thơ được những người chủ trương một thái độ tích cực cho văn chương xem là một sự thay đổi lớn trên quan niệm sáng tác của nhà thơ Vũ, và “sự thay đổi này vô cùng cần thiết cho cá nhân của thi sĩ cũng như cho Văn-học Việt-nam” ( Nguyễn Văn Xuân, Bách Khoa, số 64, 1.9.1959.)

Cuồng Ca Năm Ngọ mang theo xung động mạnh mẽ của trái tim trong quyết định lên đường nhưng có khác với thuở giục thắp tiếp ngọn lửa thương yêu trong tâm khảm. Thi nhân lấy thời điểm ra đời của Thơ Say ( năm Canh Thìn 1940) làm tuổi chính thức vào đời như để nhắc nhở con người trước sau như nhất của thi nhân. Nhưng tuổi vương tơ đâu đã chín / xuân này ta mới hai mươi nhăm.

Thi nhân xem cuộc vào đời của người thi sĩ  là việc đi tìm lại chân thân của một gã Say. Lên đường là vào đời tiếp diễn, không còn men rượu để quên nhưng cái hào sảng của kẻ say vẫn còn nồng trong huyết quản. Tim này vẫn đập / mái chèo xa xưa / bầu không có rượu  / trên vai đeo hờ.

Giờ đây ta mới hiểu lời tự bạch của người lại được mệnh danh là bản cuồng ca. Bài hát nồng nàn của một kẻ say mê với niềm tin ấp ủ. Lên đường trong khắc khoải nhưng trái tim vẫn rung theo bước viễn hành.

 34- BA HỒI TRIÊU MỘ

 Người-đi-tu-Phật chớ buồn

giữa mùa Con-số-không-hồn tác oai !

tờ a, b... cuốn 1, 2...

giòng bao nhiêu... khoản mấy mươi... rành rành

 

Và trên án sẵn ghi hình,

thép gang rạch chữ Bất-bình càng sâu

người-đi-tu-Phật chớ sầu,

mặc cho Con-số khoe mầu nhiệm xuông !

trăm vòng dây Tội hoang đường

cũng không giam nổi Tình-thương bao giờ

con-người về đất về tro

lửa còn dâng, nước vỡ bờ còn reo

thành cơn gió đuổi hùm beo

cơ duyên sẽ uốn mình theo ngại gì !

người-đi-tu-Phật ra đi

có buồn chi, có sầu chi, hỡi người

tháng giêng Kỷ Dậu

( Ba Hồi Triêu Mộ, Ngồi Quán, 1971)

Ba-hồi-triêu-mộ chuông gầm sóng. Tiếng chuông chùa của thi nhân âm vang nhắc nhở việc cửa thiền trong cuộc tang thương. Hầu như trong mấy năm đương thời, thơ Vũ không ít lần có mặt, tháp tùng nỗi truân chuyên chìm nổi trong cuộc lên đường nhập thế.

Tháng hai 1967 ( giêng Kỷ Dậu) sự việc khoét sâu thêm mối bất hòa giữa hai thế lực vốn vừa trải qua kinh nghiệm tương tàn diễn ra nghiêm trọng hơn cả tại Cố đô, khi trụ sở thanh-niên bên đường Công-Lý Sài-gòn bị lục soát và một số người trong cuộc trong số có một nhà tu hành bị quy trách ( Đoàn Thêm, Việc Từng Ngày 1969.)

Nhưng sự việc không dừng ở bản án nhiều năm cho những người bị cáo là liên quan. Vì nơi đây, hồi cuối tháng trước, đã trở thành diễn đàn đề kháng mạnh mẽ đến nỗi cơ quan quyền lực cao nhất lên tiếng không kém cứng rắn.

Cuộc đối đầu với quyền lực ngày một gia tăng giữa lúc mối phân hóa nội bộ càng có cơ trở nên nan giải. Cuộc vận động nhập thế của thi nhân đã gặp nghịch duyên chưa từng có. Nhà thơ đã hướng về tiếng chuông như để viện cầu một sức mạnh tâm linh, đồng thời thắp thêm ánh sáng cho ý thức khi vô minh được tăng cường sức mạnh.

Người thơ lên tiéng khi khí cụ của vô minh được phô bày. Những con số chi ly của điều khoản luật lệ dành để ràng buộc người trở thành mối dây vô tình đồng lõa. Và trên án sẵn ghi hình, / thép gang rạch chữ Bất-bình càng sâu / người-đi-tu-Phật chớ sầu / mặc cho Con-số khoe mầu nhiệm xuông !

Năm xưa, cõi riêng của thi nhân cách biệt nhưng là cách tự an ủy tâm hồn bơ vơ đất trích. Nỗi day dứt, băn khoăn nhận là món nợ với thế nhân. Nhưng, đến với cuộc đời, người như kẻ chịu hàm oan với điều đứng ra gánh vác. Cõi thơ nay đã sáp nhập gần hết cho cõi đời. Thực tại đã lấy đi của người khoảng mây trời của ước mơ và ảo mộng. Thi nhân cảm thấy khó khăn hơn trong cõi ta-bà và thơ sẽ chẳng còn bao nhiêu ý nghĩa một khi vượt ra ngoài tinh thần cống hiến. Sao tình nhân loại chưa ai vá / chẳng lẽ nàng Thơ cũng ngủ say.( Sứ Mạng Lịch Sử, 1966)

 35- TÌM BÓNG ĐẠT MA

 Mệnh trời biết tự bốn năm qua

Nay trước Trời ban học đạo Già

Nhỏ vẫn yếu hoài, thân phận ấy

Già thêm mạnh nhé, phúc duyên ta

Buông thuyền Rượu, vớt bầu Trang Tử

Đốt lửa Thơ, tìm bóng Đạt Ma

Thành Phật thành Tiên chưa dám chắc

Người còn gieo mộng Đất còn hoa

Sài đô Kỷ Dậu-Tiết Nguyên đán -1969.

( in trong Hóa Đạo, số 3, 15.3. Canh Tuất-1970)

Mấy tháng cuối năm MậuThân, nghĩa là tháng đầu năm 1969 dương lịch, trong Ngồi Quán phần thơ 28 chữ, in vào mấy năm sau, gần như Vũ viết nhật ký bằng thơ để giãi lòng bằng vần điệu.  Có thể nghĩ thời gian này, tâm hồn Vũ căng thẳng như sợi dây đàn rớm đứt. Mộng đã ngày một xa và thực tại hầu như ở lại với thi-nhân không khác kẻ canh thức cả trong lẫn ngoài  giấc ngủ. Tâm trạng Vũ bộn bề trước cảnh tranh giành xâu xé ( Cái Nhục Làm Người, Trò Vui Thế Kỷ) và cả nỗi ưu tư tràn ngập về nghiệp dĩ làm người  ( Giới Hạn Con Người, Di Tích Loài Người, Mèo Mẹ Dạy Con)

còng lưng mài tiếng gào quê cũ

đâm thẳng ra ngoài hệ Thái Dương

và gần gũi hơn là nhắc nhở cảnh đồng sàng dị mộng giữa những người một nhà  nhưng theo đuổi  mục tiêu khác nhau

đêm xuống về nằm chung một ổ

ao bèo cối thóc mộng chia hai

(Mẹ Gà Con Vịt)

Thi nhân tựa như tự nguyện sống nhiều đời trong một kiếp để có thể lắng nghe, chịu đựng cho bằng hết nhịp khóc, tiếng than của mọi lớp chúng sinh. Và, vần điệu của văn tự hôm nay như được phó thác cho một đàn chẩn tế.

Bài thơ viết cho đầu năm âm lịch 1969 với tâm trạng an ổn đôi phần, thi nhân đến với đạo mầu và cũng tự nhận là hiểu được mệnh trời, nghĩa là tự dung hòa được đạo sống.

Có lẽ đây là lần thứ nhất, nhà thơ từng lập danh bằng cái Say lại mở một lối thoát cho tâm tư theo cách riêng, đã minh nhiên từ giã cái lập thành bản ngã, chỉ giữ lại cái nhìn vô vi, thuận theo lẽ tự nhiên của người xưa. Buông thuyền Rượu, vớt bầu Trang Tử. Cõi thơ  từ đây cũng hướng về cái phá chấp rộng mở của đạo thiền. Đốt lửa Thơ, tìm bóng Đạt Ma.

 Người từng đưa ra một hình ảnh của thơ lung linh như ánh sáng huyền diệu của điều mặc khải về tính hòa-hài và nhất-quán, không hẳn là đi xa quan niệm ban đầu. Bởi vì người vẫn luôn luôn đặt thơ vào cuộc hành trình của mơ ước không biên cương, nghĩa là trong bất cứ thực tại nào, thơ vẫn luôn luôn dìu người đi về phía trước. Người còn gieo mộng Đất còn hoa.

  36- NÁT CẢ LÒNG THU

 Một trời riêng để một giàn dưa

Nát cả lòng Thu hỡi đất xưa

Quỷ dưới mồ kêu gươm dưới trướng

Người trong mộng lắng bút trong mưa

Sống không lối thoát còn dây buộc

Đi chẳng ai về cũng chén đưa

Sương khói lại đang tràn độc khí

Lên cao lánh nạn mấy cho vừa

Tiết Trùng dương

( in trong Hóa Đạo,  bài 3, số 3, 15.3. Canh Tuất, 1970

sau in lại dưới tên Bài Thơ Giàn Dưa, Bách Khoa, số xuân + kỷ niệm 18 năm, 24.01.1975)

Sống không lối thoát còn dây buộc

Đi chẳng ai về cũng chén đưa

Tâm trạng khác thường như thế vào tiết trùng-dương khiến không ít người tự hỏi, thi nhân đã lâm vào hoàn cảnh gì khiến phải thốt lời cay đắng. Khác hẳn với chút nhiệt thành bày tỏ trong một bài nhân tiết thanh-minh. Cuộc chiến này quên cả chính mình. Hai mươi ngày trước tiết thanh-minh, 15.3.1970 ,Văn ra số riêng về nhà thơ Vũ như một biệt lệ với một tác giả lúc sinh thời. 

Vài tuần trước tiết trùng cửu, nhân lễ kỷ niệm Nguyễn Du 10.9.1970, người diễn giả đã nhắc tới niềm tin đặt vào Nguyễn Du mà nhà thơ Vũ nêu lên năm trước với ý hướng niềm tin trên “ bắt nguồn từ cái niềm tin đối với chính mình, niềm tin ở cái giá trị đạo đức truyền thống dân tộc nơi mình.” ( Tính chất phi thường nơi con người bình thường Nguyễn Du, Bách Khoa, 329, 15.9.70)

Thi nhân đã ra khỏi thế giới huyền ảo của thơ để tìm kiếm một nguồn sinh lực mới chung cho tâm hồn đang tỏ ra khao khát.

Thực tại đang mở rộng hơn bao giờ và như thể đang chào đón nhưng lòng người vẫn băn khoăn, sự chán nản vẫn rõ ràng để người đối thoại không khó khăn nhận rõ. Cái chán chường năm xưa của người được thơ nâng lên hàng nghệ thuật cao điệu như một nét đẹp trữ tình. Nhưng cái chán nản mà ít ra người đối diện như Vũ Bằng, như Nguyễn Mạnh Côn, như Lan Giao đã cảm thấy ngày một rõ nét. Nhưng điểm này, dường như thế hệ trẻ không nhận ra như thế. Không chỉ Hồ Trường An, nhà báo họ Đoàn, những người học trò nhận thấy nơi ông sự gần gũi, cảm thông, không giả tạo, người “muốn lây cái không khí trẻ trung và muốn nghe những câu chuyện ngoài văn chương, thi ca” mỗi khi có dịp gặp gỡ. ( Làng Văn, số 109, 9.1993.)

Hãy thử nhìn qua thị trường chữ nghĩa để thấy tháng 10, tháng mà theo âm lịch có tiết trùng-cửu, có bóng tối nào khiến ánh mắt nhà thơ Vũ thêm u uất, khiến thế giới thơ thoáng hiện bất bình. Vì chỉ vài tuần trước, sau cuộc chuyện trò với người bạn cũ Vũ Bằng về kịch thơ, nhà thơ đã chợt nghĩ đến số phận  không may của một tác phẩm lạc loài, đã vội rao tìm tung tích vở kịch thơ Thằng Cuội, đã biệt dạng sau lần trình diễn và đăng báo từ ngót 20 năm trước. 1952. ( Bách Khoa, 330, 01.10.1970)

Dẫu qua cái lọc tinh tế của ngôn ngữ, thực tại quả gây phiền muộn, mặc dầu việc xa rời  chúng lại là điều mà ngay cả văn chương bây giờ cũng không mặn mà khích lệ. Người ta nói về sự ngờ nghệch về chính trị được mệnh danh là ảo tưởng của một số người trí thức (Chính Luận 8.10.70), chê trách về sự ngây thơ trước sách lược giai đoạn của đối phương ( Chính Luận, 7/10.1970.)

Cả văn chương cũng đứng về phía khơi sâu cái vụng về, lúng túng của người muốn lấp đầy cái tẻ nhạt của cuộc đời giản dị,  Chàng trông đợi bám víu vào một thay đổi cỏn con trong cuộc sống buồn tênh, tẻ nhạt của mình. Niềm ao ước của chàng mỗi ngày mỗi thu nhỏ lại, khiêm nhường, thảm hại. Lâu dần, chàng như sống thường xuyên trong những ước ao mơ hồ, khắc khoải; những ước ao mà chàng biết chắc khó thể nào trở  thành  sự thật. Chàng thực tâm lo ngại cho mình.” ( Doãn Dân, Đọc Thư, Bách Khoa, 330, 1.10.1970.)

Nhưng thực tại sẽ không vô vị, tầm thường nếu biết rằng tác giả  câu chuyện trên, không lâu sau đã trả hình hài về cho cát bụi, theo đúng hai nghĩa trắng đen, một cuộc đời anh không ngừng than, qua văn chương, là tẻ lạnh, nhàm chán.

 37- THỨC CÙNG QUÊ HƯƠNG

 Trong cuộc chuyển hướng về với thực tại, thi nhân mang theo thơ 28 chữ trong những khuya canh thức cùng với quê nhà. Một quê hương đã trầm luân từ lúc người còn chưa tỉnh giấc xuân. Vẻ như thực tại đánh thức Thơ như nhựa cây giục giã mùa xuân. Thực tại không làm khô héo đời thơ và ngôn ngữ được trải qua những mùa thử thách. Thực tại có không gian ba chiều và bốn mùa theo nhau bén gót. Khác với cõi riêng trước đó của thi nhân chỉ có mùa lộc biếc.

Chỉ riêng ở mấy tập thơ đầu của sự chuyển mình, Tâm Tình Người Đẹp (1961), Trời Một Phương (1962),  một người đọc phương xa đã nhận ra thơ ông “ không tách rời khỏi thực tế và những biến cố hằng ngày” và bất kể trong thơ, tình yêu vẫn vằng vặc dẫu là tiên hay tục ( Armand Bernier, Phùng Kim Chú dịch từ Le Soir, Văn Học, số 74, 11.1969.) Theo ý tác giả, những bài thơ ngắn nhất (chỉ thơ 28 chữ) thì “ hầu như là những bài thơ quyến rũ nhất “ vì  “ không những duyên dàng mà lại sâu sắc nhất.” Bernier muốn nói đến nội dung và ý nghĩa những bài thơ ông nhận được qua bản dịch. Sâu sắc thường phải là kết quả của suy tư khi sự rung động đã trả chúng về tầng đầu của ý thức.

Trong thơ 28 chữ, thi nhân thường khiến người đọc cảm thấy được sự nặng chĩu của đêm dài trằn trọc và kế đó sức chói lòa của ánh nắng ban mai. Hay tương tự, cái băn khoăn đè nặng trong lòng và cái nhẹ nhõm khi chân lý được phơi bày hay giải tỏa.

Như đã trình bày, thực tại không đâu xa ngay cả khi thi nhân tự tuyên cáo một cõi khuất nẻo với đời nhưng thực sự vẫn chung với đời một giấc mộng.Thực tại mà người đến với hôm nay nằm trong chốn đi về của bậc trích tiên.

Thực tại ấy quen thuộc với người như từng là bạn với thế giới thơ thuở trước. Có trăng, có tuổi đá, có cả cái đau không dứt mà loài người phải cưu mang. Thực tại chính là thực tại ngưởi từng tiệm cận theo cách riêng. Và, vết thương Trời là định mệnh dành cho người dân Việt. Thơ 28 chữ, một lần nữa, giục người ta chú ý hơn bởi sự kiệm lời. Mỗi chữ trở thành mỗi vết sẹo để lại,  dấu vết của mối thương tâm chưa dứt.

mài gươm từ lúc nguyệt còn non

gươm sáng dần, sao nguyệt chẳng mòn ?

hay vết thương Trời loang rộng mãi

cho năm sắc đá tuổi xuân tròn ?

( Tuổi Đá Nữ Oa, Cành Mai Trắng Mộng, phần thơ 28 chữ, 1969)

Thực tại không chỉ riêng là hình ảnh của đạn bom, chết chóc, mà còn là sự mất mát, thiếu vắng một thời hay vĩnh viễn. Là tiếng thở dài, nỗi sầu muộn chưa được liệt kê trong tổn thất. Là thời gian mà vạn vật còn hồn nhiên tiếp diễn quy luật tự nhiên, gửi gắm vào thiên nhiên ý nghĩa của sự tương quan. Nhưng chỉ có tình người là tiếp tục xa vắng. Điều thi nhân nhận chân là những điều trái tim người phát giác và trí tuệ người đưa tin theo cách riêng. Thực tại có lúc nằm ẩn trong bể thẳm rừng sâu. Thi nhân không chỉ báo động với người mà còn trước hết khám phá thực tại khuất lấp

tận đáy mùi hương giấc cỏ chìm

đỉnh cao tiếng hót đậu hồn chim

lá thư tình đợi trời xa tắp

dưới bóng nào đây ngủ trái tim

( Giữa Mùa Nắng Gắt, Cành Mai Trắng Mộng, phần thơ 28 chữ, 1969)

Giữa thực tại đổ vỡ, tan tác, sự xum vầy trở thành ước vọng lớn nhất của nhà nhà. Xum vầy trở thành nguyên lý của mọi tương quan  và riêng thi nhân mới là người khám phá điều này sớm nhất. Thiên nhiên đã nắm giữ hình ảnh tiêu biểu của đoàn viên như một bài giảng chung cho con người và nay được thi nhân truyền lại cùng với sự có mặt của hồn hoa và bóng trăng.Vạn vật cũng cần có mặt bên nhau huống chi con người. Thi nhân có lẽ không cần nói thêm điều này khi hoa và trăng ngoài vườn khuya đã thường xuyên giục giã. Chiếc bóng của tư tưởng đôi khi bao trùm hình ảnh nhưng trước hiện thực tan tác đương thời, cảnh xum họp đầm ấm của thiên nhiên nằm trong mơ ước của bao người trong cảnh ngộ

hoa đợi trăng lên trả bóng mình

kìa hoa run rẩy bóng rung rinh

vằng trăng hiểu ý lên cao mãi

đẩy bóng mình về hoa nhập bóng mình

( Giây Phút Đoàn Viên, thơ Nhị Thập Bát Tú 2 trong Thi Tuyển)

 38- DỰ CẢM DƯỚI TRĂNG

 Trước sau, trăng coi như là một thành phần tâm hồn Vũ. Khó có thể tách rời lòng thi nhân ra khỏi ánh trăng dù là đêm nguyệt thực. Ngay cả khi vì hoàn cảnh cần phải chắt chiu mộng, nguyệt cũng có mặt bên song khơi lại ngọn đèn hao.

Trong cuộc vận động thứ nhất cho nguồn cảm hứng khoa học đi vào thơ, người đi tới nhưng không bằng cách xóa dấu chân xưa. Bước đi tới mới mẻ dấu chân được soi tỏ bằng ánh trăng không phai màu mơ ước. Trăng đã là một giá trị mẫu mực hiển nhiên không liên quan gì đến khoa học hay phi khoa học. Những đầu cực thường tạo nên bão tố trong chữ nghĩa. Trăng có mặt bên người và vượt xa ý nghĩa của một ngọn nguồn cảm hứng.

Với thi nhân, trăng chính là tâm hồn. Là thực thể của tâm hồn. Nên không tuyệt vọng hay tàn úa.

Vũ đi theo con thuyền vũ-trụ tìm kiếm thêm không gian nhưng lấy trăng làm la bàn, theo trăng như con tàu nhận ánh sáng hải-đăng làm kẻ đưa đường.

Thi nhân có trăng mà không quên đường về và không lạc lối. Khoa học chẳng lũng đoạn được hồn thơ và cuộc lên đường lần này của nhà thơ là chuyến viễn du của một trái tim được dệt bằng tơ từ cung Quảng. Tơ trời hoa rút hết vào tim.

Kẻ lữ hành như Vũ không cảm thấy cô đơn như thời còn phóng túng hình hài trong chiếc thuyền say vô định. Điều người khám phá được chính là khoa học lại đặt con người trước một số nguy cơ trong đó khung trời mơ ước bị đe dọa phũ phàng

người đã lên Trăng đã trở về

nàng Thơ sớm đã bỏ Trăng đi

mộng hồn ta vượt không gian gấp

nhận dấu may còn sợi vũ y

( Sao Cho Tròn Ước, in lần đầu trong Bách Khoa, 302, 1,8,1969)

Chúc thư mà thi nhân thảo hộ cho trăng chính là sự tố giác lỗi lầm của khoa học. Người ta đã nói đến một thứ khoa học không lương-tri. Và tiếng nói thi nhân không là điều linh cảm sớm.

Hào quang trinh bạch của nguyệt cầu được thi nhân xem như một thứ đức tin. Bên cạnh sự tuyên phong một giá trị, người ta còn cảm nhận được sự rung động xâu xa trước sự ngưỡng mộ thầm lặng của con người với tạo hóa

biển lặng nằm nghe mỗi vết chân

nồng hơi da thịt lũ hành nhân

hỡi bao thiên thể còn vô nhiễm

lệ rỏ vì Trăng hãy một lần

( Di Chúc Nguyệt Cầu, in lần đầu trong Bách Khoa, 302, 1.8.1969)

Thay lời cho Trăng, thi nhân đã tỏ ý thất vọng vô cùng trước tham vọng của con người trong một hành động được mệnh danh là khám-phá. Thơ ở đây đã đối lập hẳn với khoa học được nhân danh và cho thấy con người làm thơ mong muốn tiến tới sự tuyệt đối. Cõi thơ Vũ trước sau biểu thị tính chất này dẫu cho có lúc người nói lên sự thất bại trong ý hướng trôi dạt giữa biển đời. Mênh mông đâu đó ngoài vô tận. Tuyệt đối là ý niệm mơ hồ nhưng phù hợp với những tâm hồn chỉ biết cậy ở cõi nguyên-sơ, nơi mùa đào không biết đến thời gian, mùa trăng quên năm tháng

thuyền bay từ Đất tới buông neo

Trăng đón Người... toan ngả bóng theo

chỉ thấy bàn tay ai lượm đá

thôi rồi đã uổng ngấn vàng gieo

( Sự Thật Phũ Phàng, Bách Khoa 301, 1.8.1969)

 39- CHUYẾN BAY TƯ TƯỞNG

 em đến từ trang sách họ Bồ

mang theo mùi đất ẩm xương khô ?

hay là – ôi nét cười siêu thực !

em đến từ tranh Picasso ?

 em đến từ đâu cũng chẳng sao !

từ tranh ? từ sách ? từ chiêm bao ?

từ căn gác hẹp nhà bên nữa !

từ chuyến phi cơ hải ngoại nào !

và anh chờ đã mấy pha phôi,

hồn nhập bao nhiêu xác tục rồi !

từng phút, hành trang anh sắp sẵn      

đăng trình riêng đợi có em thôi !

                                                   

mình em biết lái thuyền không gian,

ngồi xuống đi em,  dạo bản đàn !

nhạc nổi “tề tâm”... Vòng điện tử

vút siêu tần số; Địa-cầu tan

 

sức nổ tung trời bỏ lại sau

hư vô... Hai đứa ngã vào nhau

xứ Lưu-đày xóa rồi, em ạ !

huyền thoại từ đây một Trái Sầu

 

còn thơm dư vị phút lên đường

hé cặp môi đào :” Mộng cố hương

rối loạn trong vòng tinh tú ấy

sao anh trời vẫn chẳng hai phương ?”

 thuyền vượt Ngân hà chợt cảm thông

“ trần gian, anh có phút nào không

chờ nhau tới khóc ?”... Lời chưa dứt

người nữ hoa tiêu lệ vỡ giòng

Sài gòn 1964

( Người Nữ Hoa Tiêu, Cành Mai Trắng Mộng, Văn Uyển, 1968

in lại trong Tân Thi – Nouveaux Poèmes, Nam Chi tùng thư, 1970)

Thi nhân đưa ra dự cảm khoa-học đầu tiên trong lịch sử thơ và đặt trái tim thơ trong môi trường duy lý. Kể từ tập thơ đầu theo khuynh hướng này, Tâm Tình Người Đẹp in năm 1961, hầu như chỉ là nỗ lực tự giới thiệu bản sắc Đông phương của người Việt với thế giới phương Tây; thi-nhân hình thành bước tiến mới bằng việc đưa ra hình ảnh giao thoa văn hóa giữa Đông-Tây với khác biệt mà nếu không nhìn nhận có thể tạo nên bi kịch.

Trong trường hợp này, trái tim thơ không để lộ bất bình mà vẫn nguyên nhịp đập trong môi trường giao cảm. Chuyến phi hành khám phá không-gian thường là tâm điểm của thành tựu khoa học đương thời, đã không thuyết phục được người hoa tiêu bỏ lại con người và trái tim trần thế khi đã rời xa trái đất

thuyền vượt Ngân hà chợt cảm thông

“ trần gian, anh có phút nào không

chờ nhau tới khóc ?”... Lời chưa dứt

người nữ hoa tiêu lệ vỡ giòng

Những giọt nước mắt duy cảm đã góp phần làm nên con người phương đông mặc dầu không thể không nhìn nhận việc khoa học là trào lưu ắt có của tiến bộ. Thi nhân có lẽ, là người sớm hơn ai nhận ra sự thực tiềm ẩn này như mối băn khoăn lớn nhất thế kỷ. Ưu tư và băn khoăn sẽ là bản chất đích thực của con người trần thế hôm nay khi mà việc giữ lại hay không trái tim mình đều thuộc về con người thời đại. Không ai nghĩ đến chuyện vô cảm trong tương lai nhưng có lẽ nơi con người mẫn cảm hôm nay, ý thức cô đơn, bơ vơ lại trở về như đám mây xám chiều đông nặng chĩu.

 40- 1965 VỚI NHÀ THƠ


Ngày 3.1.2019  tập Truyện Ngắn Giải Thưởng Trung Tâm Văn Bút Việt Nam 1965, được đưa ra bán đấu giá tại Sài gòn trên con-đường-sách xao xác gió. Sách còn kèm theo cả tờ giấy chứng nhận của Trung Tâm Văn Bút với chữ ký rồng bay phượng múa của thi nhân Vũ trong vai trò chủ tịch hội và bốn vị trong ban Thường-vụ cùng với năm nhà văn trong ban tuyển trạch: Đỗ Đức Thu, Vi Huyền Đắc, Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến và Nhật Tiến.

Cuốn sách bây giớ được săn đón cũng vì còn là tập họp ngần ấy chữ ký chưa phai nét mực qua ngần ấy tháng năm.

Tập truyện ngắn được giải được in ra gồm năm tác giả: Minh Quân, Tường Linh, Châm Vũ, Lan Giao, Trần Thanh Diệu. Riêng Minh Quân còn được thêm  giải khuyến khích do ký dưới tên Minh Tâm trong hai truyện dự thi.

Điểm gây chú ý là tập truyện được in làm quà tặng cho thính giả ngay trong lễ trao giải.

Nhà thơ Vũ gia nhập nhóm Bút Việt ngay tự buổi đầu thành lập, ông là hội viên sáng lập và đứng ở vị trí thứ 7 trong một danh sách hội viên. 

Giải truyện ngắn được phát trong nhiệm kỳ đầu của ông (1964-1965), đến năm sau ( 01.2.1966), ông còn cái vui trao giải truyện dài 1966 cho người trúng giải là nhà văn Lê Tất Điều ( Bách Khoa, số 329, 15.12.1966)

Nhà thơ Vũ không phải là người xa lạ với diễn đàn, dẫu rằng hầu như ông chỉ được biết đến như nhà thơ của một thế giới riêng. Ông đã khéo léo, một cách gián tiếp, nhắc nhở đến ý thức cần thiết giữa bầu khí sôi động của tình thế vây phủ chung quanh, đến mức số người có mặt không đủ gây chú ý tại một nơi mượn họp là Phòng Thương Mại Sài-gòn. Ông nhắc lại lời của một vị chủ tịch Văn Bút Quốc Tế  năm xưa trước tình thế dao dộng không kém. “ Trong giai đoạn biến thái hiện thời, nhân loại đang sống trong trạng huống khổ não, hoang mang, bi đát. Nhưng khổ não vì đau thương, hoang mang và áp bức không có nghĩa là thất bại hoàn toàn. Những chuyện kinh tởm, đáng thương rồi cũng qua đi nhưng tinh thần văn minh bao giờ cũng càng ngày rạng rỡ, tư tưởng con người còn linh hoạt hơn lên.” ( Bách Khoa, số 204, 01.7.1965)

Truyện  được giải Nhất của bà Minh Quân là “ Những Ngày Cạn Sữa.” Cho dẫu thế nào, văn chương đối với đa số, qua người viết và người tuyển lựa, vẫn nhằm đề cao những giá trị nhân bản lâu bền.

Ông Nguiễn Ngu Í dành nhiều trang báo cho một sinh hoạt của hội Văn Bút như muốn để gửi gắm thêm. Cho đến lúc này, nhà thơ Vũ vẫn chưa là người có thơ đăng đều đặn trên Bách Khoa.

 41- VỚI VĂN VÀ VỚI BÁCH KHOA

 Với 2 tạp chí có tuổi thọ cao nhất của 20 năm Văn học miền Nam, nhà thơ Vũ đều góp mặt và thời gian về sau, ông trở thành người góp thơ đều đặn cho cả 2 tờ tạp chí.

Với Văn,Vũ là một trong hai nhà thơ xuất hiện  trong số Ra Mắt (1.1.1964). Người kia là Đỗ Tấn  với thơ nhuốm mùi vị tranh đấu của giai đoạn vừa qua.

Điều đáng để ý, là trong bầu khí đặc biệt của tình thế  khi Văn chào đời, và khác với sự trông đợi của người đọc, Vũ cho lục đăng bài thơ viết từ thuở hai mươi (1936), khi người làm thơ chưa là thi sĩ và còn trọ học trong ngôi đền giữa vườn Bách Thảo. “Quên” là tên bài thơ, và “Tuổi Học Trò” là tên tập thơ mà Vũ dự định xuất bản trong tương lai gần. Bài thơ có thể gây ngỡ ngàng những người  từng tỏ ra xúc động trước thái độ nhập thế của Vũ mà chứng tích là tập thơ chứa đựng hơi thở nồng nàn của trí tuệ và tình thương được lan truyền như hương theo gió – Lửa Từ Bi.

Bài thơ thứ nhất đăng báo trên có thể còn là cách biểu đồng tình với tờ tạp chí. Chọn hướng đi của việc xây đắp, gầy dựng tri thức, tình cảm và tu dưỡng tâm hồn mà đến số báo thứ 2 mới được đưa ra như tiêu ngữ.

Trên thực tế, số báo đặc biệt của Văn dành cho nhà thơ Vũ, ra đời 15.3.1970, nhưng thơ Vũ xuất hiện thường xuyên trên báo chỉ ở mấy năm cuối. Bài thơ sau cùng của Vũ trên Văn, theo Mai Thảo, là Lòng Đá, trong số phát hành ngày 15.11.1974. Nhưng, nếu không kể đến vị trí riêng biệt dành cho một bài thơ, thì bài cuối của Vũ nằm trong số áp chót của tạp chí, và trong những trang nhật ký của Mai Thảo. Bài thơ tạ khách của Vũ trong bữa rượu cuối với sáu người bạn văn tại Gác Mây sau đêm thơ Khánh Ly dành cho Vũ.

Thế kỷ đang còn một góc thôi

Mà duyên nhiều thế ư hai mươi ?

Đêm thơ quán nhạc tình tri kỷ

Tận thế rồi men cũng chẳng vơi

Chép thêm bốn câu của Mộng Tuyết cảm đề cũng vào dịp này

Thế kỷ lầm hay đã chẳng lầm

Mà nghe bốn bể vọng thanh âm                                                       

Duyên thơ gợn sóng trên tơ nhạc

Đồng điệu hòa lên khúc cẩm tâm

( Văn, số Đầu Năm, Đặc Biệt Văn Chương Nữ Giới, 11.2.1975.)

Cái duyên của thi nhân với Bách Khoa thì muộn màng hơn. Có thể là kết quả của nhiều nguyên do. Nhưng khi đọc xong bài viết của một người từng có mặt trong giờ giấc khai sinh ra tờ báo, Nguyên Sa, thì thấy việc tìm hiểu nguyên do không còn là điều văn chương đòi hỏi. Văn chương không có cứu cánh nào khác ngoài chính văn chương ( Nguyên Sa, Chỗ Ở Của Loài Người, Bách Khoa, số Xuân Tân Hợi, 15.1.1971.)

Bách Khoa số xuân Quý Mão +Kỷ Niệm 6 Năm ( số 145, 15.1.1963) có bài thơ của Vũ bên cạnh 9 nhà thơ có tuổi khác như Đông Hồ, Trần Đình Khải, Bùi Khánh Đản, Hà Thượng Nhân.. .với lời rào đón không khác việc “ ra đề hạn vận.“ Đòi người làm thơ “ gợi ra một sắc thái hay một ý niệm riêng về xuân mà không nói hẳn đến Xuân hoặc Tết và tuy giữ thể cũ đã bỏ hết các chữ Hán, các điển tích, các thành ngữ thường gặp ở nhiều bài theo Đường luật.”

Dường như chỉ bài của Vũ là đáp được đòi hỏi

Đêm trắng liền đêm, vẫn trắng ngày

Mùa xanh, Trời cợt núi xanh đây

Quyến đi khói bạc từng ươm mộng

Đòi lại thơ vàng đã kết mây

Chẳng mắc màn sương trao hẹn gặp

Còn nghiêng bầu nắng rót mời say

Rừng ơi ! Chỉ có thơm lòng Đất

Cả bốn mùa đem nhựa tới cây                

Trong khi Đông Hồ không rời thế giới duy mỹ, lấy Bách Khoa làm diễn đàn đổi trao lời ngọc ý vàng

hương gây mùi nhớ                                  

hương gây mùi nhớ thương

Nhớ Thương trả lại cho Thương Nhớ

Hương Phấn trả lại cho Phấn Hương

Đến năm 1967, Vũ mới chính thức góp tiếng trên Bách Khoa, không đều đặn như sau này, nhưng là tiếng nói của trí tuệ và lương tâm. Âm thanh và vần điệu cũng khác xưa, tương tự một cuộc thoát bỏ hình hài cho một sứ mạng của thơ. Người nghĩ về uyên-nguyên của sự chia rẽ dân tộc, bắt rễ từ truyền thuyết

chia con sầu rỏ huyết

trang huyền sử còn ghi

lòng mẹ xuống Nam-hải

lòng cha lên Ba-vì

chia duyên sầu bất tuyệt

lòng đôi lứa mê sỉ

( Đôi Ngả, Bách Khoa, số 253, 15.7.1967)

Người nói tới nạn phân biệt màu da gây tranh chấp, giết tróc. Nên mong mỏi nơi đồng loại, sự tỉnh thức. Trời Xanh vội tới Cửa KHÔNG  / Trút màu da...Cõi đại hùng mở toang ( Đâu Là Chân Sắc ? Bách Khoa, số 256, 1.9.1967.)

Nhận Diện, viết cho biến cố Tết Mậu Thân và như là cách giã từ thế giới mơ mộng cũ. Én biết ngậm bùn hay ngậm đá  / Liễu nào khoe tóc với khoe lưng. ( Bách Khoa, số 280, 01.9.1968.)

Đây là thời gian Vũ đăm chiêu tư lự với quê hương để dâng lên xúc cảm cho đất mẹ với bài Nói Với Em. Bởi bóng tối đe dọa không chỉ là thảm kịch tương tàn.  Hơi chết chóc mù bay rũ liệt mọi mầm xanh. Mà còn là Móng vuốt Hạt-Nhân và cuộc sống cơ khí hóa, nên không còn đất sống cho Thơ

rồi sẽ Máy làm ra

cả từ bộ óc

còn vườn đâu cho THƠ nở hoa !

em hãy nắm tay anh nhảy dài một bước

sang hẳn bên kia bờ Tận-diệt

nghĩa là bên kia Chấm-hết;

giòng Lịch-sử này ta viết lại thôi em !

( Bách Khoa, số 297, 15.5.1969.)

Tâm sự ấy đã xâm chiếm, tràn ngập hồn thơ khiến cho nửa thế kỷ sau, âm hưởng còn làm rúng động lòng người. Như thói quen cũ, Vũ chọn thể văn để trao gửi tâm tư qua tiếng hát người ca nhi. Giọng ca tâm đắc đã không còn từ lâu. Nên bài hát, cho đến nay, vẫn là tiếng của thời tưởng nhớ

Hoa đơn cành bắc còn đâu

Cành Nam hoa kép cho sầu gấp hai

Trùng- dương ngơ ngác tin Mai

Tầm-dương-đất-trích mà giai-tiết nào !

 

Từ thăm thẳm hai mươi năm trước,

Thuyền ra đi, trời nước một màu Thu,

Qua bao nhiêu cửa Thần-phù,

Trải mấy kiếp, đường tu chưa khỏi vụng,

Hoa thị quân hồ, thiên dĩ túng ?

( Hoa có phải ai chăng ? vậy ra trời vừa buông tha đấy)

Hình phi ngộ dã, địa do lưu !

( Hình hài này, đâu phải chính ta, thế mà đất còn giữ lại – tác giả dịch)

Trắng tay ai phấn lượm hương trừu

Hạt ngọc ấy, Chàng Ngưu hay Ả Chức ?

Đêm đã quạnh hơi Thu vào ký ức

Nghe sầu ai vô-cực, hận vô-cương

 

Hoa nào hoa của Bạch-Vương ?

Hay là hoa giữa lòng gương ngậm hờn !

Gió mưa rằng kép rằng đơn

                                   Cuối  Thu Giáp-Dần 1974

( Bài Hát Cành Mai, Bách Khoa, số Xuân + kỷ niệm 18 năm, 24.01.1975)

 

Bài nữa, dành cho tình yêu thời tuổi trẻ, như hình ảnh vết răng tuổi xanh trên trái chín đầu mùa, như bóng rợp bên đường mà người luôn muốn quay về. Sức chi phối của tình cảm nồng nàn không kém sự thúc đẩy của trí tuệ và tư duy, cần thiết cho đất mới của thơ vùng vẫy. Những lúc Vũ trở vể với tình xưa tựa như lui về đền thiêng, mặc khải cái mất đã thăng hoa. Kỷ-niệm và thơ tuổi-học trở thành đối trọng cần thiết cho chặng đường đi tới của thơ trí-tuệ, cho đến khi siêu thoát, tan loãng trong hư-vô. Điều mà thi nhân đã an bài như kẻ thấu được  huyền cơ của tạo hóa. Tình của chàng sẽ được liệt vào tình sử. Sẽ luân lưu trên đầu môi của muôn kiếp sau xưa

Màu tím thờ ơ nửa vạt

Áo ai còn phấn bay hoa ?

Sách vở, tưng bừng cắm trại

Nơi đây từ buổi đăng khoa

Tơ vương đã mất khung trời cũ

Sao chẳng đành rơi chẳng chịu nhòa ?

Bụi mù tung nắng chói lòa

Một mùa qua, một thời qua... dưới cầu

Vạt áo ai, nào đâu ?

Chỉ nghe  thấp thoáng hương màu !

Chồi Lan Trần-mộng;

Tình si người trước gửi người sau                                                   

( Bài Từ Hoa Lan, Bách Khoa, số Xuân+ kỷ niệm 18 năm, 24.01.1975.)

 TRẦN MẠNH TOÀN