Tuesday, December 13, 2022

Nghĩ về “Tập sách Cái cười & Sự lãng quên” (Tiểu thuyết Milan Kundera, Trịnh Y Thư dịch) Đỗ Hồng Ngọc

  

Đó là cuộc truy tìm bản ngã con người để từ đó rất có thể lóe lên luồng sáng mới mẻ cho ta thấy rõ hơn cái ẩn mật của hiện tồn. (Kundera)

 Je pense donc je suis… (Descartes).

     Mà vì hình như, suy nghĩ một mình không thể tìm ra bản ngã, tác giả phải tạo ra nhiều mình khác qua nhân vật, gọi là tiểu thuyết để cùng đi tìm: tìm trong cái phông nền lịch sử, trong tình dục, trong tình yêu, hạnh phúc, đớn đau…

 Nhân vật trong tiểu thuyết tôi là những khả thể vô thức của chính tôi (Kundera). Bởi cuối cùng là để vượt ra, vượt qua: một cái đường biên mong manh mà mênh mông đó. Ở đó, Bên kia đường biên “bản ngã” của riêng tôi chấm dứt (trang 19). Nghĩa là đạt đến vô ngã / non-self (không phải no-self).

 Cái đường biên đó do chính tác giả tạo ra cho mình và loay hoay tìm lối thoát, càng tìm lối thoát càng bị quấn chặt. Chỉ vượt ra, vượt qua (Gaté, gaté…paragaté…) đường biên khi có được trí Bát nhã (Prajna) thấy được ngũ uẩn giai Không, mới “độ nhất thiết khổ ách”.

 Diễn viên, kịch sĩ cũng sắm nhiều “bản ngã” cho mình, như lúc sắm vai vua, lúc sắm vai ăn mày… nếu “thức tỉnh” cũng dễ vượt thoát. Nhà viết tiểu thuyết còn có ưu thế hơn: tiểu thuyết nói được những điều mà chỉ tiểu thuyết mới nói được (Kundera). Hài hước, châm biếm, ẩn dụ, châm ngôn, giả định, khoa đại, bông lơn, gây hấn, huyễn hoặc,… và dĩ nhiên cũng không tách khỏi cái “vòng tròn ảo diệu bao quanh đời sống” dù giãy nảy: Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia (Kundera). Cái “vòng tròn ảo diệu bao quanh đời sống” đó dù làm người ta nôn ói, người ta bị điều khiển ngay cả cách làm tình thì cũng đã tạo cái cớ cho tiểu thuyết gia vung chiêu.  Dĩ nhiên lịch sử chỉ là… những lời nói dối (thơ ĐN).

 Chỉ có một cách thoát, như Vạn Hạnh thiền sư dạy đệ tử hơn ngàn năm trước:

 Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

                   (Vạn Hạnh thiền sư)

 Lịch sử thịnh suy cuồn cuộn những kiếp người… Cho nên vấn đề không phải là Ra đi mà Trở lại. Trở lại Địa đàng. Ở trong Ta thôi. Quay về nguyên thủy loài người, nguyên thủy đời sống, nguyên thủy tình yêu (trang 328).

 Cái cười là một khám phá. Sự lãng quên là một khám phá. Khi bạn vượt ra qua biên thùy, cái cười phải tuôn ra. Nhưng nếu bạn tiếp tục đi dấn, vượt qua cả cái cười, thì sao? (trang 315).

 Trí bất đắc hữu vô

 Nhi hưng đại bi tâm…

       (Kinh Lăng Già)

 Nghĩ về “dịch vật” của Trịnh Y Thư:

 Dịch Kundera rõ ràng không dễ toát được Kundera. Nhưng Trịnh Y Thư mong có thêm 7 “biến tấu” nữa của tác giả để được dịch tiếp.

 TYT thố lộ: “Dịch Cái cười & Sự lãng quên là việc làm thú vị tuyệt vời đối với tôi”. Kundera có cái mỉa mai, chua chát, thậm chí thâm độc nhiều tầng, mà TYT gọi là cái phần hồn phách, cái Thần của tác phẩm, “bất khả tư nghị”, chỉ có thể đạt đến bằng trực giác, Dionysian… Dịch thuật văn học là sự tái tạo, hoặc sáng tác lại, một tác phẩm văn học để cho nó một đời sống mới... và tôi sẵn sàng hi sinh cái chân lí tuyệt đối (đôi khi rất vô tích sự) để đổi lấy dăm ba nét linh diệu phù ảo của cái bất toàn. (TYT)

 Tôi tò mò muốn biết giá TYT cho vài thí dụ… về dăm ba nét linh diệu phù ảo thì hay quá! Tôi vốn đã phục cách dịch “linh diệu phù ảo” của TYT qua các tựa sách: Đời nhẹ khôn kham, “Cái” cười và “Sự” lãng quên…

 Khôn kham là chịu hổng nổi, chịu hết nổi!

 Còn ở đây “Cái” có vẻ như để khinh miệt, còn “Sự” là cái còn được… tôn trọng phần nào. Tôi nghĩ ở đây có thể dùng cả “Cái” cho Cái cười và Cái lãng quên. Song hành Cái, Cái cũng hay chứ!

 Cũng đã có những dịch giả ở Việt Nam dịch hay không kém (về Tựa): Cõi người ta (Bùi Giáng dịch St. Ex.): Cõi, như Cõi Ta bà, Cõi Bồ-tát… với pháp giới thể tánh riêng của nó. Hay Chuông gọi hồn ai (For Whom the Bell Tolls) của Huỳnh Phan Anh (dịch E. Hemingway).

 Nhớ có lần TYT viết đâu đó: Những cái vi tế trong mỗi từ tiếng Anh, liệu tôi có thể tìm thấy nét tương đương trong tiếng Việt không?  Câu trả lời là không (TYT).

 Tôi không tin vậy. Mỗi ngôn ngữ có một sắc thái riêng, có thể đạt đến cái “thần” bằng trực giác. Cái đó gọi là “đi guốc trong bụng” tác giả.

 Khái Hưng dịch Tình tuyệt vọng với hai chữ “thui thủi” trong 2 câu này của Sonnet d’Arvers chẳng đạt cái “thần” sao?

 Hélas! j'aurai passé près d'elle inaperçu,

 Toujours à ses côtés, et pourtant solitaire,

 Hỡi ơi! Người đó ta đây

Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân…

 Hay Mùa thu chết (Apollinaire) của Bùi Giáng:

 J'ai cueilli ce brin de bruyère

L'automne est morte souviens-t'en

 Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo

Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi

 với những chữ “ngắt đi”, “nhớ cho”… chẳng đạt đến cái “thần” sao? Nếu không, sao có Mùa thu chết của Phạm Duy với tiếng hát July Quang: “Em nhớ cho, em nhớ cho, đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa…trên cõi đời này…?

 Nhưng tôi đồng ý với TYT việc khó dịch thơ. Bởi tôi không tin thơ chỉ là ngôn ngữ, phối từ… Có dịp sẽ trở lại đề tài này.

 Tôi nhớ Nguyễn Hiến Lê nói: dịch hay là dịch sao cho người đọc không nhận ra vết dịch.

Quả thật, đọc bản dịch của TYT không thấy có vết dịch.

 ĐHN

Saigon 02.11.2021

Tuesday, December 6, 2022

TÁC GIẢ BẢN DỊCH CHINH PHỤ NGÂM: Nguyễn Duy Chính


Dẫn nhập

Thuở còn ở bậc Trung Học, mỗi tuần chúng tôi có hai giờ Việt Văn, chia ra kim văn và cổ văn. Kim văn thì chúng tôi được giảng dạy về những nhà văn mới thời tiền chiến như nhóm Tự Lực văn đoàn, các nhà văn độc lập như Trần Tiêu, Nam Cao, Bùi Hiển, Ngô Tất Tố … Về phần cổ văn, chúng tôi được học thơ văn chọn của những danh sĩ trong lịch sử, nam trung bắc đủ cả. Và lẽ dĩ nhiên, tuỳ năm, tuỳ chương trình mà chúng tôi biết đến Lục Súc Tranh Công, Trê Cóc, Trinh Thử, Gia Huấn Ca, Chinh Phụ Ngâm, Đoạn Trường Tân Thanh (Kiều) … là những tác phẩm nhiều người biết, phần lớn qua bộ Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển (1943) và Việt Nam Văn Học Sử Yếu (1962) của Dương Quảng Hàm.

Tuy thời gian dành cho chương trình đệ Nhất cấp (từ đệ Thất đến đệ Tứ, tức lớp 6-9 ngày nay) chỉ có thế, chúng tôi vẫn lãnh hội được khá nhiều, không phải qua sách giáo khoa mà thường qua những bài giảng. Chúng tôi lại có dịp mày mò đi tìm tài liệu riêng vì mỗi tháng có một ngày “thuyết trình” trong đó mỗi nhóm phải lên trình bày và bị chất vấn về một đề tài tự chọn, tuy có liên quan đến bài học nhưng tương đối mở rộng hơn.

Qua những giờ trong lớp, chúng tôi được biết nhiều “giai thoại” mà thầy giáo đã đọc, đã biết nhưng chúng tôi chưa hề nghe và chính những mẩu chuyện ngoài lề ấy giúp chúng tôi hứng thú hơn với bộ môn văn chương, sử địa, công dân … vốn dĩ khô khan, khó hấp thụ. Mà kho tàng chuyện lịch sử, văn chương của nước mình thì không thiếu nên đến giờ này chúng tôi vẫn có thể kể cho nhau những điều đã nghe từ hồi đệ Thất.

Những thầy cô của chúng tôi hồi đó, tuy không giỏi nhưng cũng biết ít nhiều chữ Hán nên miệng nói tay viết giúp chúng tôi hiểu rành mạch hơn về những câu chuyện văn chương. Chẳng hạn một cậu bé trần truồng đứng giang hai tay thì là chữ thái () chứ không phải là chữ đại (). Cũng vì thế, để tìm hiểu sâu xa hơn về những câu truyện kể, chúng tôi cố tìm hiểu xem ý nghĩa chứa đựng những gì trong đó. Nếu không biết chữ nhật (), chữ sơn (), chữ vương (), chữ khẩu () thì sẽ không thấy cái lắt léo của câu đố trong bài thơ chữ điền () tương truyền là sứ Tàu sang đố mà chỉ có Nguyễn Hiền giải được.

兩日平頭日,四山傎倒山。兩王爭一國,四口縱橫間。

Lưỡng nhật bình đầu nhật, Tứ sơn điên đảo sơn. Lưỡng vương tranh nhất quốc, Tứ khẩu tung hoành gian.

Hai chữ nhật ngang với nhau, Bốn chữ sơn xoay ngang xoay dọc. Hai vua tranh một nước, Bốn chữ khẩu dọc ngang nằm trong đó.

Nếu xét nghĩa đen thì bốn câu này không có nghĩa gì cả nhưng hiểu theo chiết tự thì chung qui chỉ là một chữ điền ().

Khi học đến Chinh Phụ Ngâm, chúng tôi được nghe kể về những giai thoại liên quan đến bà Đoàn Thị Điểm. Bà Đoàn Thị Điểm là một nữ sĩ thời Hậu Lê, có người anh cũng là danh sĩ tên Đoàn Doãn Luân. Một hôm, ông Luân thấy cô em soi gương vẽ lông mày nên đọc bỡn:

對鏡畫眉,一點翻成兩點

Đối kính hoạ mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm

Soi gương vẽ lông mày, một cái chấm hoá thành hai cái chấm

Bà Đoàn thị Điểm liền đáp lại:

臨池玩月,隻輪轉作雙輪

Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân

Đến ao xem trăng, một vầng hoá thành hai vầng

Nếu không biết luân là cái vòng tròn, điểm là một cái chấm thì không thấy cái dí dỏm của đôi câu đối. Cái khéo của hai anh em là điểm là tên bà Điểm mà luân là tên ông Luân mặc dầu đọc thì đồng âm nhưng nghĩa thì khác. Thành ra câu đối này có thể hiểu như sau:

Soi gương vẽ lông mày, một cô Điểm hoá thành hai cô Điểm,

Đến ao xem trăng, một ông Luân hoá thành hai ông Luân.

Qua nhiều giai thoại về bà Đoàn Thị Điểm, lại thêm những “dật sự” liên quan đến Trạng Quỳnh, đến việc đối đáp với sứ Tàu nên trong đầu chúng tôi luôn luôn nhìn bà Điểm như một nữ sĩ hết sức đáng kính, đáng phục. Cũng vì thế việc chấp nhận Đoàn Thị Điểm là dịch giả của bản Chinh Phụ Ngâm ra quốc âm trong sách giáo khoa là việc rất bình thường nên nếu có ai đưa ra một kiến giải khác thường không được đón nhận một cách hào hứng.

Chỉ tới gần đây, khi đọc nhiều ý kiến khác nhau về ai là người dịch, tôi mới có dịp xem kỹ để tìm lại câu trả lời ai là tác giả thật của bản dịch Chinh Phụ Ngâm khúc? Khi khảo sát văn bản, nhất là một tài liệu có hơi hướng lịch sử, quan trọng nhất vẫn là chứng cớ chứ không thể dựa trên cảm tính, vốn dĩ chủ quan. Việc xác định người nào là chủ nhân đích thực của bản dịch này cần phải dựa trên những chi tiết rõ ràng trên văn từ còn để lại chứ không thể dựa trên suy đoán hay lời đồn mà gần như mọi tác giả đã dùng khi biện giải. Hữu tín hữu trưng luôn luôn là một nguyên tắc bất biến của nghiên cứu, dù là lịch sử hay văn học.

 Dịch giả “thật” là ai?

Trong khoảng hơn 100 năm qua, nhiều cuộc tranh luận trên văn đàn về bản quyền tác giả của bản dịch “Chinh phụ ngâm” ra quốc âm là ai. Tác giả bản dịch chúng ta hằng quen thuộc mở đầu bằng câu “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi” có hai người. Đó là Đoàn Thị Điểm và Phan Huy Ích.

 


   

Nam Phong (Đông Châu, Văn Uyển)

Cho đến đầu thế kỷ XX, văn đàn nước ta vẫn coi Đoàn Thị Điểm là tác giả đích thực của bản dịch Chinh Phụ Ngâm Khúc mà không ai đặt thành vấn đề. Thế nhưng năm 1926, trên báo Nam Phong số 106, tháng Juin (6-1926), trong phần Văn Uyển (Văn thơ cổ), Đông Châu (Nguyễn Hữu Tiến) đã có một dẫn thuật ngắn dưới nhan đề “Phan Dụ-am tiên-sinh văn-tập” nêu ra một nghi vấn khác về Phan Huy Ích mới là người đã dịch Chinh Phụ Ngâm. Bài báo nguyên văn như sau:

Cụ Phan Dụ-am huý là Huy Ích 輝益, người làng Thuỵ-khuê tổng Lật-sài phủ Quốc-oai tỉnh Sơn-tây. Cụ đỗ Tiến-sĩ năm ất vị đời Lê-mạt, làm quan triều Tây-sơn đến chức Lễ bộ Thượng-thư kiêm chương-nhạc chính-ty, Thuỵ-nham hầu. Cụ là thân-sinh ra ông Phan Huy-Chú 潘輝注 làm ra bộ Lịch-triều hiến-chương.

Cụ sở-trường về văn quốc-âm, mà xưa nay không mấy người biết. Mới rồi tôi có tiếp thư ông Phan Huy-Chiêm cũng là con cháu về họ Phan nói rằng cứ tra trong Phan-gia-tộc phả cùng lời các phụ-lão trong họ Phan truyền lại, thì bài “Chinh phụ ngâm 征婦吟” bằng hán-văn là của ông Đặng Trần-Côn người làng Nhân-mục làm ra, mà cụ Phan Huy-Ích dịch ra văn nôm, hiện nhà họ Phan còn giữ được bản chính, vừa chữ vừa nôm; mà khi cụ dịch xong bài “Chinh phụ ngâm” có làm bài thơ ngẫu-thuật bằng chữ nho rằng:

仁睦先生征婦吟。

Nhân-mục tiên-sinh Chinh phụ ngâm

高情逸調播詞林。

Cao tình dật điệu bá từ lâm

近來膾炙[1]相傳誦。

Cận lai khoái chá tương truyền tụng

多有推敲爲演音。

Đa hữu thôi sao [xao] vi diễn âm

韻律曷窮文脉粹。

Vận luật hạt cùng văn mạch tuý

篇章須向樂聲尋。

Thiên chương tu hướng nhạc thanh tầm

閒中翻譯成新曲。

Nhàn trung phiên dịch thành tân khúc

自信推明作者心

Tự tín suy minh tác giả tâm

Bài thơ này hiện còn chép ở trong bộ Dụ-am ngâm lục đại-ý nói rằng: “Ông Trần-Côn người Nhân-mục làm ra bài “Chinh-phụ ngâm” bằng chữ nho, từ-điệu cao-kỳ đã truyền-bá ở chốn từ-lâm, ai cũng truyền tụng lấy làm khoái-chá lắm, đã có người thôi sao diễn ra ca nôm, nhưng theo về âm luật thì dịch sao cho hết được cái tinh-tuý trong mạch văn, vậy phải theo thiên-chương và hiệp với âm-nhạc mà diễn ra mới được. Nay nhân buổi nhàn đã dịch ra thành khúc mới, chắc tin rằng suy minh được bụng của tác giả”. Xem như bài thơ trên đó truyền lại, thì đủ chứng minh rằng “Chinh-phụ-ngâm-khúc” bấy lâu nay ta vẫn truyền là bà Thị-Điểm diễn nôm, dễ thường không phải, mà chính là của cụ Phan Huy-Ích diễn ra đó chăng? Nếu quả thật thế, thì ta nên chính-đính lại. Trong thư ông Huy-Chiêm lại nói rằng: Bài “Nhân-nguyệt vấn đáp” mà các hàng sách xuất-bản đó, xưa nay chưa biết đích là ai làm, nhưng xét trong gia phả thì là ông Phan-Huy-Thực 潘輝湜 soạn ra hãy còn bản chính, so với phường-bản có nhiều chỗ sai. Và bài “Tì-bà-hành” diễn nôm, mà ả đào vẫn hát, ta vẫn truyền là của ông Nguyễn Công-Trứ, thì cũng là ông Huy Thực diễn ra. Ông Huy-Thực là ai? Cũng là con thứ hai cụ Phan-Huy-Ích. Ông làm đến Lễ-bộ thượng-thư đời vua Minh-mệnh. Xem thế thì nhất-gia phụ-tử đều sở-trường về quốc-văn, mà nghe nói trong bộ Dụ-am ngâm-lục cả thảy 13 quyển, chính là một tập văn thơ của cụ Huy-Ích truyền lại, còn có đến vài ba mươi bài thơ phú và văn tế, văn hịch, toàn bằng quốc-âm cả. Ước mong ông Huy-Chiêm sẽ lai-cảo lục-đăng dần, để giữ lấy một nền văn cổ, và làm khảo-chứng cho sử văn-học nước nhà về sau này…

Đông-Châu cẩn-chí. [2]

Tuy vấn đề này đã được nêu ra nhưng rất tiếc sau đó, bản gốc Chinh Phụ Ngâm diễn âm không được công bố nên nhiều tác giả vẫn theo truyền thuyết mà cho rằng Đoàn Thị Điểm là người đã dịch ra quốc âm. Năm 1943, trong số báo Tri Tân 113 (năm thứ ba) ngày thứ Năm 23 tháng Septembre, tác giả Hoa Bằng trong bài Dịch phẩm « Chinh-phụ ngâm » phải chăng là của bà Đoàn-thị-Điểm ? cũng đã nêu lại nghi vấn này và cũng nhận định rằng những tác giả đã coi bản dịch Chinh Phụ Ngâm là của Đoàn Thị Điểm như Dương Quảng Hàm (Quốc-văn trích diễm, 1942), Sở Cuồng (Nữ lưu văn học sử, Hà Nội, 1929), Bùi-văn Lăng (Chinh phụ ngâm, bản dịch ra tiếng Pháp, Hà Nội, 1943) … thì đều dựa theo truyền ngôn nên cần căn cứ vào một nguồn xác thực hơn để phá cái nghi án văn học bấy lâu nay và tránh cái nạn « râu ông, cằm bà ».[3]

Chinh Phụ Ngâm bị khảo (Hoàng Xuân Hãn)

Đến năm 1953, lần đầu tiên một tác phẩm tương đối đầy đủ và kỹ lưỡng đã được giáo sư Hoàng Xuân Hãn công bố và xuất bản. Ông cũng đi tới tận cùng để tìm hiểu việc coi nữ sĩ họ Đoàn là tác giả phát nguồn từ đâu? Trong lời Dẫn “Chinh-Phụ-Ngâm bị-khảo” (Paris: Minh Tân, 1953) trang 24 thì việc ghi nhận Đoàn Thị Điểm là tác giả bản dịch được công bố từ năm 1902 do một viên chánh tổng là ông Vũ Hoạt khắc in:

Kể về bút-chứng, thì nay chỉ có bản “Chinh-phụ-ngâm bị-lục” khắc bởi hiệu Long-hoà, năm 1902. Trong đó, có bài mở đầu của Vũ Hoạt nói: “Nhớ xưa, Đặng tiên-sinh làm sách ấy, Đoàn phu-nhân diễn ra quốc-âm”.

Ở đầu sách lại có đề rõ hơn: “Thanh-trì Nhân-mục tiên sinh Đặng Trần-Côn làm. Văn-giang Trang-phủ phu-nhân Đoàn Thị-Điểm diễn-âm”.[4]

Chính từ đây, những người đi sau đều dựa vào bản Long Hoà mà không tra cứu thêm để xác minh lời dẫn đó đúng hay sai.Trong hơn 20 năm kể từ khi báo Nam Phong nêu ra, nhiều nhà nghiên cứu đã cất công đi tìm câu trả lời nhưng kết luận đều do suy đoán và phần nhiều nghiêng về tác giả là Đoàn Thị Điểm.[5] Mãi đến năm 1953, sau nhiều năm sưu tầm, phân tích, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã tìm ra nhiều bản diễn âm khác nhau, có bản được phỏng đoán là của Đoàn Thị Điểm nhưng bản đang lưu truyền và thông dụng hơn cả thì của Phan Huy Ích. Công trình của ông được công bố trong nghiên cứu Chinh-Phụ-Ngâm bị-khảo (Paris: Minh Tân, 1953) và được nhiều người đi tiếp mong tìm ra một sự thật lịch sử và văn học. Khúc mắc còn tồn tại cũng vì giáo sư Hoàng Xuân Hãn chưa có cơ hội tham khảo bộ Dụ Am Ngâm Lục là tập hợp văn thơ của Phan Huy Ích nên ông không có cơ hội đưa ra một dẫn chứng cụ thể để bảo vệ kết luận của mình. Cũng nên nói thêm, cũng vì giáo sư Hoàng không được đọc bộ sách này nên ông không [hay chưa] giải thích nhiều vấn đề lịch sử cuối đời Tây Sơn, đầu đời Nguyễn mà cho đến gần đây vẫn còn bị hiểu một cách sai lạc.




Bìa sách Chinh Phụ Ngâm bị khảo của Hoàng Xuân Hãn

Paris, Minh Tân, 1953

Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc (Nguyễn Văn Xuân)

Năm 1972, tác giả Nguyễn Văn Xuân công bố một tác phẩm nhan đề Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc của Phan Huy Ích (Lá Bối, 1972) dựa trên một chứng cớ quan trọng từ việc khảo lục một văn bản ông tìm thấy tại Huế.

Theo chúng tôi tìm hiểu, bản in lần đầu này có hai ấn bản, một ấn bản thường chỉ có phần Việt Văn và một ấn bản đặc biệt (50 cuốn) có đăng ảnh ấn nguyên bản chữ Nôm mà ông tìm thấy ngày 14 tháng 3 năm 1970. Bản gốc này do Chính Trực Đường khắc bản ấn hành tháng Ba (AL) năm Gia Long 14 (Ất Hợi, 1815) tức là khi Phan Huy Ích còn sống và cũng mới diễn âm chưa lâu[6]. Công bố này, ngoài việc hiệu đính văn bản, có cả bài tựa của chính tác giả [tuy mất phần cuối kể cả lạc khoản nên không xác định được chắc chắn là ai]. Tuy nhiên, ở ngay câu cuối trong bài Tựa của bản nôm Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc có một chi tiết:

甲子初春予奉應候使事在北城。閒悶中歷閱舊解輙復技癢。爰將原吟。細加註釋。惑約其辭。惑申其意。凡用詞曲該二百四聫。務使原作之精神理脈。讀之愈覺敷暢。[7]

…Giáp Tí sơ xuân dư phụng ứng hậu sứ sự tại Bắc thành. Nhàn muộn trung lịch duyệt cựu giải triếp phục kỹ dưỡng. Viên tương nguyên ngâm. Tế gia chú thích. Hoặc ước kỳ từ. Hoặc thân kỳ ý. Phàm dụng từ khúc cai nhị bách tứ liên. Vụ sử nguyên tác chi tinh thần lý mạch. Độc chi dũ giác phu sướng …

Đầu mùa Xuân năm Giáp Tí (1804) ta phụng mệnh lo việc đón tiếp sứ thần ở Bắc thành. Khi nhàn rỗi đem các sách cũ ra đọc và ngứa tay thi thố chút tài mọn. Ta mới lấy bản ngâm gốc chú thích cho kỹ lưỡng, hoặc là giảm bớt chữ, hoặc là diễn ý dài thêm, dùng từ khúc mà diễn 204 câu đôi, cốt lấy tinh thần mạch văn của nguyên tác, để người đọc càng thêm thoải mái …

   


Bản A là bản đặc biệt (Lá Bối 1972) có cả nguyên bản Hán – Nôm (do nhà sưu tập Lê Thành Tôn cung cấp)

Bản B là bản in lại Lá Bối 1972 (in lại tại hải ngoại theo bản thường, không có nguyên bản Hán - Nôm)

  


Bản C là bản in lại trong nước (Văn Nghệ, 2002) ảnh ấn bản đặc biệt Lá Bối, 1972 (có nguyên bản Hán – Nôm)

Gia Long thập tứ niên cốc nguyệt[8] cát nhật

嘉隆十四年榖月吉日

Tân San Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Từ Khúc

新刊征婦吟演音辭曲

Chính Trực Đường hiệu tử

正直堂校梓

 

Chi tiết nhỏ bé này phù hợp với hành trạng của Phan Huy Ích khi ông phải ứng trực ở Thăng Long để lo việc tiếp sứ thần nhà Thanh Tề Bố Sâm sang phong vương cho vua Gia Long nên nhân lúc nhàn rỗi ông đã dựa theo nguyên tác của Đặng Trần Côn để dịch ra quốc âm mà ông đặt tên là Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc. Nếu nói là của bà Đoàn Thị Điểm (1705-1746) thì đến thời điểm này, Hồng Hà nữ sĩ đã qua đời 58 năm trước rồi.

Việc Phan Huy Ích chủ trì trong việc đón tiếp Tề Bố Sâm và sắp xếp các nghi thức ngoại giao đời Gia Long là một sự kiện rất minh bạch. Có điều, vì tài liệu thiếu thốn cũng có, vì tư tình, cảm tính cũng có nên vai trò của hai ông Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm bị bỏ quên trong tiến trình xin nhà Thanh phong vương cho chúa Nguyễn Phúc Ánh. Ngay cả sử triều Nguyễn, tuy có nhiều chi tiết về đại lễ này nhưng hầu như không nhắc tới vai trò của Phan Huy Ích. Chính đó cũng là một sự kiện lịch sử bị ẩn dấu như nhiều việc lớn khác xảy ra trong lịch sử của buổi giao thời Cựu Nguyễn – Tân Nguyễn (Tây Sơn). (Xin xem phần Phụ Lục kèm theo bài này)

Không phải riêng tác giả Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc đã bị nhầm sang người khác, nhiều nghi án cũng vẫn tồn tại do “định kiến văn học” hơn là do chứng cớ rõ ràng.

Hai trang cuối bài Tựa Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc[9]

Gần đây hơn, khi nghiên cứu về việc đối xử với giới sĩ phu Bắc Hà khi vua Gia Long tiến ra bắc, chúng tôi tìm đọc bộ Dụ Am Ngâm Tập, đến quyển VI, tr. 417-418 thì đã tìm thấy bài thơ nhan đề Tân Diễn Chinh Phụ Ngâm Khúc Thành Ngẫu Thuật (新演征婦吟曲成偶述) với tám câu hoàn toàn đúng như bản chép trong Nam Phong của cụ Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến năm 1926. Tuy chưa thấy bản dịch gốc của Phan Huy Ích mà gia đình họ Phan cất giữ như thế nào[10] nhưng chi tiết trong bản in năm Gia Long 14 (1815) là khi dịch giả còn sống, phù hợp với bài tựa ông nhắc đến thời điểm đã hoàn tất dịch phẩm này là khi ra Bắc Thành lo việc tiếp sứ Thanh sang phong vương năm 1804. Như vậy, tập thơ này còn tồn tại với nội dung đúng như trong Nam Phong và chúng ta có thể liên kết với những khảo luận có từ trước của hai nhà nghiên cứu lão thành Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Xuân để xác định dịch giả thực của bản Chinh Phụ Ngâm hiện đang lưu truyền chính là Phan Huy Ích chứ không phải Đoàn Thị Điểm. Chúng ta cũng biết bản dịch nôm này cũng đã được khắc in năm Gia Long 14 mà ông Nguyễn Văn Xuân đã công bố.



Bản chụp 2 trang 417-418 Dụ Am Ngâm Tập (quyển VI, Vân Du Tuỳ Bút)

Kết luận

Năm 1978, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) có giới thiệu một bản dịch rất công phu của nhiều học giả Việt Nam nhan đề Thơ Văn Phan Huy Ích bao gồm 3 tập. Theo sự giới thiệu văn bản của Nguyễn Ngọc Nhuận thì Dụ Am ngâm lục là tập thơ coi như đầy đủ nhất của tiên sinh bao gồm 6 tập chia ra như sau:

-         Tập 1. Dật thi lược toản, gồm những bài thơ làm từ tháng Ba năm Canh Dần (1770) đến tháng Tư năm Canh Tuất (1790).

-         Tập 2. Tinh tra (sà) kỷ hành, gồm những bài thơ làm từ tháng Tư đến tháng Chạp năm Canh Tuất (1790).

-         Tập 3. Dật thi lược toản, gồm những bài thơ làm từ tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) đến tháng Chín năm Bính Thìn (1796).

-         Tập 4. Nam trình tục tập, gồm những bài thơ làm từ tháng Một năm Bính Thìn (1798) đến tháng Mười năm Đinh Tị (1797).

-         Tập 5, Dật thi lược toản, gồm những bài thơ làm từ tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1798) đến tháng Chạp năm Quí Hợi (1803).

-         Tập 6, Vân du tuỳ bút, gồm những bài thơ làm từ tháng Giêng năm Giáp Tí (1804) đến tháng Chạp năm Giáp Tuất (1814).

Tuy nhiên, trong bản chúng tôi hiện có (từ tập I đến tập III) chỉ thấy các văn bản trong Dật Thi Lược Toản (tập I), Tinh Sà [Tra] Kỷ Hành và Dật Thi Lược Toản (tập II), Cúc Thu Bách Vịnh và Tinh Sà [Tra] Kỷ Hành (tập III). Như vậy các tập Nam Trình Tục Tập và Vân Du Tuỳ Bút chưa thấy dịch và xuất bản. Gần đây, nhân thủ đắc được bản chụp của toàn bộ 6 tập Dụ Am ngâm lục [A.603, VHv.1467, VHv.2462] từ kho sách Viện Hán Nôm, chúng tôi đã tìm ra một số chi tiết mới đóng góp vào những biên khảo cuối thời Tây Sơn, đầu triều Nguyễn đang thực hiện. Những chi tiết đó rất hữu ích để vá lại một số vấn đề chưa có câu trả lời dứt khoát như việc phong vương cho vua Gia Long, vụ án đánh roi Ngô Thì Nhậm, và tác giả thật của bản dịch Chinh Phụ Ngâm lâu nay tương truyền là của Đoàn Thị Điểm …

Chính tại tập 6, Vân du tuỳ bút, chúng tôi đã tìm thấy bài thơ “Tân diễn Chinh Phụ Ngâm khúc thành ngẫu thuật” (Bài thơ làm khi mới dịch xong khúc Chinh Phụ Ngâm) để biết rằng Phan Huy Ích quả thực có làm công việc dịch sang quốc âm. Việc dịch đó hoàn tất năm Giáp Tí (1804) khi ông phải ứng trực ở Thăng Long chờ phái đoàn Tề Bố Sâm sang phong vương cho vua Gia Long. Tuy ông không ra mặt chính thức để đón tiếp phái đoàn nhà Thanh nhưng vai trò của ông rất lớn vì ông am tường lễ nghi đã đành mà còn khôn khéo đáp ứng đúng những điều nhà Thanh yêu cầu. Có lẽ trong giai đoạn mà việc đề cao triều đại Tây Sơn được coi như quốc sách, các nhà nghiên cứu và dịch giả Việt Nam không thấy hứng thú khi tìm ra những chi tiết đề cập đến việc hai ông Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích tham gia tích cực dưới thời Gia Long.

Nói tóm lại, từ dẫn thuật của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến trên báo Nam Phong năm 1926, chúng ta đã tìm được bài thơ của Phan Huy Ích trong Vân du tuỳ bút và cũng xác định Tân San Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Từ Khúc in năm Gia Long 14 là bản dịch hoàn tất khi Phan tiên sinh ở Thăng Long. Trước khi tìm ra bản Chính Trực Đường các nhà nghiên cứu đã dựa trên bản in của ông Vũ Hoạt (1902) để tên dịch giả là bà Đoàn Thị Điểm mà không kiểm chứng nên cái nghi án đó đã kéo dài đến tận hôm nay. Sự nhầm lẫn đó một phần cũng bởi có nhiều bản dịch khác nhau nên bản của Phan Huy Ích đã bị nhầm sang bản Đoàn Thị Điểm như giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã chỉ ra.

Những nghi vấn văn học và lịch sử thường bị dẫn giải lệch lạc do nhiều nguyên nhân chủ quan, đôi khi rất ngẫu nhiên nhưng một khi có chứng cớ rõ ràng, dù thích hay không chúng ta cũng nên trả lại sự thật để người đi sau không bị rơi vào mê lộ.


 NGUYỄN DUY CHÍNH 12-2022


 

PHỤ LỤC

PHAN HUY ÍCH TRONG LỄ PHONG VƯƠNG NĂM GIÁP TÍ (1804)

 

不知擁節三來客,認淂詞家故套無。

Không biết ba người khách cầm cờ tiết đi sang,

Có nhận ra rằng lời lẽ kia là của người cũ hay không?

Phan Huy Ích

 

Tham gia của Phan Huy Ích

 Phan Gia Thế Tự Lục (潘家世祀錄)[11] chép:

[40b] 季夏。今朝進兵北出,所向風靡。中旬,大帥到城。大人避住于城外。下旬,高皇帝御駕詣行在。降詔。凡西官降順並在含容。

[41a]秋。大人與伯舅公,暨年伯安隴阮公[諱嘉璠]以次謁駕。奉旨應直内城以備顧問。

仲秋。朝護以衆所指斥。遂轉縻禁衛將擬重處,奉上諭姑置之。

季秋。駕囬春京,旨下禁衛引送三名先行。

孟冬。抵京。各就軍寨。

仲冬。告成。邢部錄奏,奉御筆硃圈三名,諭令赦免。

是後連日宴會,无人再爲請旨仍留寨所。會北城委員遞元旦禮。附奏三名合從重治。

癸亥開春。上[41b]諭委員此三名已經准寬赦。玆委引赴城任咱總鎭分處。盖御意亦體貌大臣也。遂隨伊員發程。

閏正月。抵城。留前軍寨二月。北城官協護釋遣出城,住瑞璋坊與諸親眷欵洽。月底還山。風濤既岸。滽灑邱園。蔬食菜羨晏如也。

Bản dịch:

Nhâm Tuất (1802)

Tháng quí hạ (tháng Sáu), triều hiện tại [tức triều Nguyễn] tiến binh ra bắc một trận phong ba. Trung tuần tháng đó đại binh [nguyên văn viết là đại soái 大帥có lẽ là đại sư 大師viết nhầm] đến thành. Đại nhân (tức Phan Huy Ích) tránh ra sống ở ngoài thành.

Hạ tuần, Cao hoàng đế (tức vua Gia Long) ngự giá đến nơi, ông đến yết kiến ở hành tại. Vua giáng chiếu rằng hễ quan lại Tây Sơn hàng thuận thì đều được tha thứ.

Đầu thu (tháng Bảy), đại nhân cùng bá cữu (tức Ngô Thì Nhậm) và người đồng niên làng An Lũng họ Nguyễn [tên Gia Phan] lại đến yết kiến, vâng chỉ ứng trực ở trong thành để phòng khi hỏi đến.

Tháng trọng thu (tháng Tám), triều đình bàn rằng vì có người tố cáo nên chờ đem ra xử lại, chuyển sang an trí nơi quân tướng vâng theo dụ của hoàng thượng.

Quí thu (tháng Chín), vua trở về Phú Xuân, chỉ thị cho cấm vệ đưa ba người đi trước.

Mạnh đông (tháng Mười) đến kinh đô, mọi người đều đưa vào trong trại quân.

Trọng đông (tháng Một), mọi việc xong, bộ hình tâu lên, được ngự bút khuyên đỏ tên ba người, dụ lệnh tha tội.

Từ đó [ở kinh đô] liên tiếp ngày nào cũng hội hè tiệc tùng nên không còn ai thỉnh chỉ [xin tái thẩm] nhưng vẫn còn giữ ở trong trại quân. Lúc đó ở Bắc thành sai người đem lễ Tết vào có kèm theo lời tâu xin đưa ba người trị tội nặng.

Quí Hợi (1803)

Mùa xuân năm Quí Hợi (1803), hoàng thượng dụ cho viên chức đó rằng ba người này đã được chấp thuận tha tội nên sai người đưa đến Bắc thành để cho tổng trấn phân xử. Vì thế nên lại đi theo viên chức đó lên đường.

Tháng Giêng nhuận đến Bắc thành giữ ở trại của tiền quân trong hai tháng. Quan hiệp hộ Bắc thành thả ra bảo ra khỏi thành sống ở phường Thuỵ Chương cùng với thân quyến. Cuối tháng đó trở về Sài Sơn.

Phong ba đến thế là hết, nay vui thú điền viên. Rau dưa qua ngày không vướng bận.[NDC]

Phần tiểu sử này đã bỏ đi một câu do chính Phan Huy Ích viết trong Dật Thi Lược Toản:

Ngày 12 tháng Hai, hiệp nghị chỉ cảnh cáo nhẹ rồi tha về. (二月十二日。協議薄警放遣。)

Trong khoảng tám tháng kể từ khi đại binh nhà Nguyễn ra đến Thăng Long (tháng Sáu Nhâm Tuất đến tháng Hai năm Quí Hợi), ba ông Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Gia Phan có chung một hoàn cảnh, khi thì như chứng nhân nhưng cũng có lúc tham gia vào một số sinh hoạt triều đình nhất là việc liên lạc với nhà Thanh. Mà theo tình hình lúc đó, việc nội trị thì có nhiều người đảm trách, bao gồm cả cận thần lẫn những quan lại mới về đầu phục nhưng trên mặt ngoại giao thì hoàn toàn không thể dựa vào ai khác ngoài những văn thần nhà Tây Sơn nay cộng tác với tân triều. Tuy không biết rõ đời sống hai ông Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Gia Phan cụ thể ra sao nhưng chúng ta có thể dựa trên di văn của Phan Huy Ích để xem xét thực tế và hiểu được những người cùng hoàn cảnh đã sinh hoạt như thế nào.


NHỮNG THỜI ĐIỂM QUAN TRỌNG

 

Năm

Tháng

Phan Huy Ích 

Chú thích

Văn bản

Nhâm Tuất (1802)

Sáu

Ra trình diện và không bị bắt tội

Có chiếu tha tội những người ra đầu thú.

Ngày 21, vua Gia Long đến Thăng Long

Đại Nam Thực Lục  (I,XVII, 20-21, 25)

Dật Thi Lược Toản (399)

 

Bảy

Được hỏi về bang giao

Vua Gia Long muốn làm lễ ở Nam Quan nhưng Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm không tán thành

Đại Nam Thực Lục (I,XVIII, tr. 6)

 

Tám

Giam trong quân

Vì có người tố cáo nên ba ông không được miễn tội như những người khác và phải xử lại nên bị giam trong quân theo lệnh vua Gia Long.

Dật Thi Lược Toản (400)

 

Chín

Vào Phú Xuân

Vua Gia Long trở về kinh đô ra lệnh đưa ba người vào Huế

Dật Thi Lược Toản (400)

 

Mười

Đến kinh đô

 

Dật Thi Lược Toản (401)

 

Một

Được tha bổng

Châu khuyên ân xá của vua Gia Long 

Dật Thi Lược Toản (401)

 

Chạp

Sinh sống bình thường tại kinh đô

Yến ẩm và giao thiệp với quan lại ở Phú Xuân, chứng kiến những biến cố của thời đó trong đó có cả việc hành hình và trừng trị vua tôi nhà Tây Sơn.

Dật Thi Lược Toản (401-2)

Quí Hợi (1803)

Giêng

Đưa ra bắc

Vua Gia Long dụ rằng đã tha cho ba người

Dật Thi Lược Toản (402)

 

Hai

Ở trong quân

 

Dật Thi Lược Toản (402)

 

 

 

 

 

 

15-Hai

Bị xử tội suy

 

 

Ba ông Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Gia Phan bị xử nhẹ (theo Đại Nam Thực Lục thì bị đánh đòn tại Văn Miếu)

Dật Thi Lược Toản (403)

Theo Ngô Gia thế phả thì Ngô Thì Nhậm chết ngày 16 tháng Hai (7-4-1803)

 

Ba

Về Sài Sơn

 

Dật Thi Lược Toản (405)

 

 

Chín

Trở ra Bắc thành

 

Dật Thi Lược Toản (408)

 

Mười

Tham gia vào công việc từ hàn

Vua Gia Long ra bắc

Dật Thi Lược Toản (408)

 

THAM GIA CỦA PHAN HUY ÍCH TRONG BANG GIAO

 

Năm

Tháng

Phan Huy Ích 

Dụ Am Văn Tập

Chú thích

Quí Hợi (1803)

Một

 

 

 

 

Chạp

 

 (2.121) Tiến cống biểu

Tờ biểu kèm theo phẩm vật tiến cống nhà Thanh

Giáp Tí (1804)

Giêng

Lễ sách phong

 (5.28) Giáp Tí xuân phụng nghĩ tân kiến quốc hiệu tuyên cáo

Tuyên cáo với quốc dân về quốc hiệu mới mùa xuân năm Giáp Tí (1804)

 

 

 

 (4.59) Giáp Tí xuân, tân triều thụ phong, giản khâm sứ Quảng Tây án sát Tề Bố âm, đồng tuyên phong Thái Bình phủ chính Vương Phủ Đường

Giản gửi sứ thần nhà Thanh sang phong vương là Tề Bố Sâm và Vương Phủ Đường

 

 

 

 (2.111) Thụ phong trần tạ biểu

Biểu tạ ơn sau khi được phong vương

 

 

 

 (2.114) Tấu tu cống biểu

Lời tâu về việc triều cống

 

 

 

 (2.116) Phong tặng tạ biểu

Tạ biểu về việc được vua Gia Long cho chức quang lộc tự khanh, tòng tam phẩm

 

 

 

 (2.106) Giáp Tí niên, tân triều thụ thiên triều sách phong ấu sự biểu

Biểu gửi lên nhà Thanh tường thuật việc tân triều được công nhận

 

 

 

 (2.123) Tạ tống hồi nhân khẩu biểu

Biểu tạ ơn nhà Thanh cho đưa những người nhà Lê lưu vong trở về nước

 

 

 

 (4.62) Gia Quất công quán tống yến các giản

Các giản về việc đãi tiệc sứ thần nhà Thanh ở công quán Gia Quất

 

 

 

 (4.63) Tuyên phong hậu tống yến các giản

Các giản gửi sau khi tuyên phong và đãi tiệc sứ nhà Thanh

 

 

 

 (4.64) Thỉnh lưu khâm sứ giản

Giản muốn mời khâm sứ nhà Thanh ở lại

 

 

 

 (4.65) Tiễn hành giản

Giản tiễn đưa khâm sứ nhà Thanh trở về nước

 

 

 

 (4.67) Tuyên phong hậu phụng hữu khiển sứ tạ cống tư Lưỡng Quảng tổng đốc Uy đại nhân[12]

Sau khi tuyên phong, phụng mệnh uỷ sứ tạ cống, thư gửi tổng đốc Lưỡng Quảng Uy (Thập Bố) đại nhân

 

 

 

 (4.69) Tư Quảng Tây tuần phủ Bách đại nhân[13]

Thư gửi tuần phủ Quảng Tây Bách (Linh) đại nhân

 

 

 

 (4.71) Tư Quảng Đông tuần phủ Tôn đại nhân[14]

Thư gửi tuần phủ Quảng Đông Tôn (Ngọc Đình) đại nhân

Bính Dần (1806)

 

 

 (2.104) Truy tôn liệt thánh miếu hạ biểu

Biểu mừng về việc hoàn thành miếu truy tôn liệt thánh

Tân Tị (1821)

 

 

 (2.119) Hựu đại nghĩ nhất thể

Biểu tạ ơn được phong Lại bộ tả tham tri đời Minh Mạng

 

Đầu mùa đông năm Quí Hợi (1803), tin tức về việc sứ thần nhà Thanh sắp sang làm lễ phong vương đã đến triều đình chủ yếu từ sứ thần mang biểu cầu phong sang Trung Hoa nay đã trở về. Vua Gia Long có lẽ cũng nóng lòng về một vận hội mới nên ngay từ tháng Tám đã bàn chuyện bắc tuần (đi ra thăm ngoài bắc). Theo Đại Nam Thực Lục, quyển XXII thì nhà Thanh thông báo rằng hai sứ bộ Lê Quang Định và Trịnh Hoài Đức đã lên đến Yên Kinh và vua Thanh sai án sát Quảng Tây là Tề Bố Sâm sang tuyên phong.[15]

Vua Gia Long sai Tống Phước Lương, Nguyễn Vĩnh Thị đem quân thuỷ bộ ra bắc trước còn nhà vua thì khởi hành từ kinh sư ngày Bính Dần (4-Tám tức 19-9-1803) có Nguyễn Văn Trương, Lê Chất, Nguyễn Đức Xuyên đem quân theo hầu. Theo Lý Lịch Sự Vụ thì số binh lính đi cùng với nhà vua là năm dinh Thị Trung, Túc Trực, Nội Trực, Thần Sách và Tượng Dinh, tất cả 16,907 người bao gồm 12, 719 người cầm nghi trượng và lính bếp cùng các viên chức khác là 4,188 người.[16] Ngày Đinh Sửu (16) tháng Mười năm đó, nhà vua đến Thăng Long. Cuối năm đó, phái bộ Lê Quang Định về đến nơi, vào triều yết được vua Gia Long hỏi han về việc đi sứ.

Tính ra từ khi phái đoàn rời Phú Xuân đến khi tới Bắc thành mất khoảng 2 tháng 12 ngày. Việc di chuyển một đoàn quân và lỗ bộ đi suốt một đoạn đường dài rất phiền toái và tốn kém. Phái đoàn cũng lưu trú lại Thăng Long một tháng rưỡi trước khi sứ thần nhà Thanh đến nơi.

Chúng ta cũng còn được một số văn bản do Phan Huy Ích soạn có liên quan đến thời kỳ này cho thấy ông đã tham gia rất tích cực ngay từ những ngày đầu tiên khi vua Gia Long ra Thăng Long. Cũng theo lời kể của chính ông, Phan Huy Ích được vua Gia Long gần như giao toàn bộ tổ chức đón tiếp và nghi lễ tiếp sứ Thanh, có điều là không lộ diện trực tiếp gặp gỡ phái đoàn. Sau khi Ngô Thì Nhậm qua đời, vai trò của họ Phan gần như không ai có thể thay thế, về văn chương, về ứng phó và cũng không ai nắm vững các thể chế bang giao bằng ông trong thời đó.

Theo Phan Gia Thế Tự Lục thì:

[41b]季秋。北城官推赴城,謂天朝册使近期,宜候直在城,待有詢訪。遂寓于南門庯。

孟冬。御駕到城。總鎭阮公引見于行殿。奉御[42a]詢使事諸條件,仍諭扈侍六卿官。凡關封使事宜並查訪。伊員計護取旨奉行。是後列台催問詶答不暇。又奉稿擬表柬各道,經奉准用。

甲子,孟春。册封禮完。下浣告謝囬山。

Quí Hợi (1803)

Quí thu (tháng Chín), quan ở Bắc thành giục ra Thăng Long nói rằng sứ thần sách phong của thiên triều sắp đến, cần phải ở lại trong thành đợi khi có việc hỏi đến. Khi đó lại ở trong phố cửa nam.

Mạnh đông (tháng Mười), vua đến Bắc thành, tổng trấn Nguyễn công [tức Nguyễn Văn Thành] đưa vào yết kiến ở hành điện, hỏi về mọi việc liên quan đến sứ sự (các việc ngoại giao, đón tiếp sứ thần), sau đó dụ cho đi theo lục khanh (sáu quan lớn trong triều). Tất cả những việc liên quan đến sứ thần phong vương đều được hỏi đến rồi các viên chức đó sắp xếp nhận chỉ thi hành.

Từ đó về sau, các ngài giục giã hỏi han qua lại không lúc nào ngơi. Lại được lệnh soạn thảo các biểu, giản các loại để chờ hoàng thượng chuẩn thuận thì dùng.

Giáp Tí (1804)

Mạnh xuân năm Giáp Tí (tháng Giêng), lễ sách phong hoàn thành. Hạ tuần tháng đó cáo tạ trở về Sài Sơn.[17][NDC]

Trên đây là lời tường thuật trong gia phả họ Phan tương đối giản lược. Theo chính lời Phan Huy Ích ghi chép về vai trò của ông trong lễ sách phong năm Giáp Tí (1804) đối chiếu với những văn thư, giản trát mà ông soạn thì ta thấy vai trò của ông quan trọng không kém những lần ông tổ chức đón sứ nhà Thanh đời Quang Trung và Cảnh Thịnh, có lẽ vì trong công tác này không ai có thể hơn ông được. Dụ Am Ngâm Tập có một bài ký sự như sau đây:

[416]册封禮完紀事

天朝特派廣西按察使齊布參,帶同太平知府正堂王撫棠前來頒封。

訂以正月初四出關。十一日行封禮。

自年底得报旨下。一切文書列台預先據予稿擬,陸續進讀。

所修謝封,請貢,謝文表三道,咨呈總督二道,迎餞册使柬札十二道,以次還稿進覽。

間有別擬表稿遞進者,上更准用予稿,迨送呈册使,卒無一字改易。以是屢蒙獎諭。

封禮訖,彙集公文,現成甲子册封一集。

[417]下浣,駕囬春京。余始撰告謝還山。

新國恩封禮典稠,毫端摹畫一閒夫。

天恩曲軫多啣感,邦好旁搜免應酬。

次第儀章花使驛,尋常文字契宸謨。

不知擁節三來客,認淂詞家故套無

預封使。故結語云。[18]

Lễ sách phong hoàn tất, ghi lại sự việc

Thiên triều đặc biệt sai án sát Quảng Tây Tề Bố Sâm, dẫn theo tri phủ Thái Bình Vương Phủ Đường đi sang phong vương.

Ấn định ngày mồng 4 tháng Giêng sẽ ra khỏi cửa quan, ngày 11 sẽ làm lễ sách phong.

Từ cuối năm đã có chỉ xuống nói rằng  nhất thiết các văn thư gửi cho các ngài do tôi soạn dự bị từ trước lục tục gửi lên để cho hoàng thượng xem.

Ba đạo văn tạ phong biểu, thỉnh cống biểu, tạ ân biểu, và hai đạo trình lên tổng đốc, mười hai đạo giản trát đưa đón và tiễn các sứ thần và thư trả lời đều đưa lên ngự lãm.

Nếu như có biểu cảo gì khác đệ lên thì hoàng thượng đều chuẩn thuận dùng bài của tôi để gửi cho sứ thần, không sửa một chữ nào. Lại được khen ngợi mấy bận.

Sau khi lễ phong vương xong, thu thập tập hợp các công văn thành một tập sách phong năm Giáp Tí.

Hạ tuần (tháng Giêng) nhà vua trở về Phú Xuân, ta soạn bài cáo tạ rồi trở về Sài Sơn.

Tân quốc ân phong lễ điển trù,

Hào đoan mô hoạch nhất nhàn phu.

Thiên ân khúc chẩn đa hàm cảm,

Bang hảo bàng sưu miễn ứng thù.

Thứ đệ nghi chương hoa sứ dịch,

Tầm thường văn tự khế thần mô.

Bất tri ủng tiết tam lai khách,

Nhận đắc từ gia cố sáo vô. [19]

Dịch thơ

Nước mới ân phong lễ điển dầy,

Bao nhiêu sắp xếp một tay này.

Cảm thông trông xuống bao hờn tủi,

Cho được đứng ngoài miễn tiếp tay.

Mỗi trạm văn chương chu đáo cả,

Tầm thường nhưng cũng chẳng đổi thay.

Không biết sứ thần ba khách đến,

Hay chăng người cũ được dùng đây.

Tham gia vào việc phong vương nên kết thúc thế này. [NDC]



[1] Khoái chá là thịt băm nhỏ nướng lên ai ăn cũng thích khẩu. Nay dùng như động từ thích thú.

[2] Nam Phong “Văn Uyển”. Số 106, tháng Juin năm 1926 tr. 494-495. Bài thơ cũng nhắc đến việc khi dịch cần hiệp cả thơ (thiên chương) và nhạc (nhạc thanh) cho thấy dịch giả cũng là người tinh thông âm luật. Gia đình họ Phan Huy có truyền thống âm nhạc rất lâu nên cũng chính Phan Huy Ích đã làm 10 từ khúc khi sang chúc thọ vua Càn Long và nước ta cũng đem theo nhạc công để tấu những khúc nhạc này. Xem thêm Phái Đoàn Đại Việt và lễ Bát Tuần Khánh Thọ của Thanh Cao Tông. (Tp HCM: nxb VH-VN, 2016)

[3] Tri Tân 113 (1943) tr. 15.

[4] Hoàng Xuân Hãn. Chinh-Phụ-Ngâm bị-khảo (Paris: Minh Tân, 1953) tr. 24

[5] Hoàng Xuân Hãn. Chinh-Phụ-Ngâm bị-khảo (Paris: Minh Tân, 1953) tr. 26 (chú thích 23)

[6] Năm 1972, tác giả Nguyễn Văn Xuân công bố Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc của Phan Huy Ích (Lá Bối, 1972) tại Việt Nam. Bản này sau đó đã được in lại tại hải ngoại (không thấy ghi tên nhà xuất bản nào, thời gian, ở đâu chỉ khác bìa) nhưng so sánh thì biết là chụp lại bản Lá Bối 1972. Bản in lại này không có kèm theo nguyên tác Hán - Nôm (bản B). Về sau, chúng tôi được một học giả cho mượn một bản mới in ở trong nước (ảnh ấn, Văn Nghệ, Tp. HCM 2002) in lại theo nguyên bản đặc biệt của bản Lá Bối (1972) (bản C). Gần đây nhất, nhà sưu tập Lê Thành Tôn đã tặng cho tôi một bản chụp tác phẩm này (Lá Bối 1972) (bản A) và đây là bản gốc in tại Việt Nam năm 1972 (bản đặc biệt có cả nguyên gốc Hán – Nôm). Chúng tôi kèm theo bìa cả 3 bản, A, B và C để bạn đọc tham khảo.

[7] Nguyễn Văn Xuân. Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc của Phan Huy Ích (Lá Bối, 1972) tr. 4 phần Hán-Nôm.

[8] Tháng Ba âm lịch

[9] Nguyễn Văn Xuân. Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc của Phan Huy Ích (TP HCM: Văn Nghệ, 2002) tr. 3 - 4 (phần chữ Hán).

[10] Chính Phan Huy Ích cũng cho biết đời Gia Long, nhà ông bị cháy nên văn thơ ông làm bị mất hết, về sau sưu tầm lại từ các nơi nhưng cũng không đầy đủ. Còn gia tộc họ Phan Huy ở Sài Sơn (Sơn Tây) thì cũng tiết lộ rằng sau những cơn binh lửa và biến động chính trị gần đây, nguyên bản các tác phẩm của họ Phan đều không còn tồn tại, kể cả bức hình ông Phan Huy Ích được hoạ sĩ nhà Thanh vẽ khi đi sứ năm Canh Tuất (1790). Tất cả tài liệu hiện nay còn giữ được đều là bản sao do Viện Viễn Đông Bác Cổ thuê người chép lại từ kho sách họ Phan Huy thời Pháp thuộc.

[11] Phan Huy Quýnh (潘輝泂). Phan Gia Thế Tự Lục (潘家世祀綠). Bản chép tay, số hiệu A.2691 (MF.451) VHN

[12] Đây là Uy Thập Bố (倭什布)

[13] Đây là Bách Linh (百齡)

[14] Đây là Tôn Ngọc Đình (孫玉庭)

[15] Đại Nam Thực Lục, q. XXII, tr. 8

[16] Nguyễn Đức Xuyên (2019). Lý Lịch Sự Vụ (Trần Đại Vinh dịch). Hà Nội: Hà Nội tr. 146.

[17] Phan Huy Quýnh (潘輝泂). Phan Gia Thế Tự Lục (潘家世祀綠). Bản chép tay, số hiệu A.2691 (MF.451) Viện Hán Nôm.

[18] Phan Huy Ích (潘輝益). Dụ Am Ngâm Tập (裕庵吟集). Bản [sao] chép tay Viện Hán Nôm Hà Nội (A.603/1-6) tr. 416-7.

[19] Nghĩa đen: Rất nhiều điển lễ ân phong cho nước mới, Ngòi bút mô phỏng đều từ một nhàn phu. Thiên tử cũng xét thấy có nhiều điều cảm thán, Đã cho đứng ngoài không phải lo tiếp khách. Nghi lễ lần lượt cho từng trạm sứ thần, Văn từ tầm thường mà cũng được vua chấp thuận. Không biết ba người khách cầm cờ tiết đi sang, Có nhận ra rằng lời lẽ kia là của người cũ hay không?

Sở dĩ Phan Huy Ích viết câu này vì trong các nhân vật chủ chốt nhà Thanh gửi sang có Vương Phủ Đường là người đã từng giao thiệp chặt chẽ với triều đình Tây Sơn, từ thời Quang Trung sang triều Cảnh Thịnh và cũng đã nhiều lần gặp Phan Huy Ích.