Friday, January 28, 2022

Sóng trong lòng / Trần Mạnh Toàn

          Đưa người, ta không đưa qua sông

            Sao có tiếng sóng ở trong lòng”

                             Thâm Tâm, Tống biệt hành

 

Xao động trong lòng đã át cả tiếng nước vỗ vào mạn thuyền trên bến chia tay. Người tự ví thân phận như hơi rượu sau cơn tận túy, như chiếc lá lìa cành, đã chẳng thể dối lòng lúc ly biệt. Phải chăng tâm trạng của một thế hệ lên đường trong những hoàn cảnh khác nhau, đã được văn chương khắc họa bằng những nét rắn rỏi nơi vầng trán chưa biết hoài nghi và những rung động tự trái tim mới làm quen với thổn thức. Con người của nhân vật trong tiểu thuyết thoắt đã rời trang sách để nhập vào thế giới của tuổi trẻ đương thời, dốc chén đam mê nguyện với con đường đã chọn.  

 Mãi đến khoảng hai mươi năm sau, sau những biến thiên làm não lòng bao người trong cuộc, mà việc chọn lựa hay không đều trở nên vô nghĩa, Mai Thảo, nhắc đến trường hợp của người tự nhận làm “ ông từ giữ cái đền đài khói hương của đoàn thể “,  làm cái việc “ đốt một ngọn nến trên linh đài những  hờn oan chưa giải tỏ.” ( Mai Thảo, Người Đồng Chí Cũ, Văn, số 7, 01.4.1964, tr. 77 ) thay vì tiếp tục công việc vẫn được truyền rao như một lý tưởng ngời ngời.

Nhưng, việc cân nhắc thiệt hơn thuộc về lịch sử và thế hệ đi sau. Những người trẻ tuổi lãng mạn cả trong tư tưởng lẫn hành động của năm ấy đã hát khúc tống biệt bằng giọng hào sảng hiếm thấy và nén giọt lệ từ-ly trong một cử chỉ tương tự kẻ sang Tần.

Hoa Vông Vang, tập truyện ngắn của một chàng trai đôi mươi, tóc như mây vướng trên đài trán thơ ngây (1) được hoài thai trong hoàn cảnh mà sự thúc đẩy một sự lựa chọn đã là việc làm cần thiết và thu hút tâm hồn người trai. Và, dù rằng người đặt bút viết tựa cho tập truyện, Nhất Linh, tự khép mình sau cánh cửa văn chương như cách nghi-hoặc nhìn vào thế giới của hành động mà ông vừa vắng mặt.(2) Trong một thái độ tương tự và mang nhiều ý nghĩa, Đỗ Tốn, tác giả tập truyện, cũng có mặt tại đây - miền Nam Trung Hoa - cho xuất hiện tập truyện đầu đời, theo cách - thế cậy văn chương đỡ đầu cho sự có mặt tại quê người.

 Sự phân tranh giữa văn chương và hành động, trường hợp Đỗ Tốn.

Không phải tình cờ mà có thể Đỗ Tốn là âm bản của Tống Biệt hành (3) khi mà bài tráng ca thay cho khúc hát lên đường mở ra trong lòng người thanh niên chút cao ngạo của người biết xem nhẹ cuộc đời êm ấm riêng tư

một giã gia đình, một dửng dưng...

-Ly khách ! Ly khách ! con đường nhỏ

chí lớn chưa về bàn tay không

thì không bao giờ nói trở lại !

ba năm mẹ già cũng đừng mong

Thế hệ của tác giả Hoa Vông Vang, thực sự đã suy nghĩ gì khi ôm nặng gánh sầu hoài quen thuộc với bản ngã của tuổi trẻ mới lớn. Dẫu không nghĩ tới việc lấp biển dời non, thì óc lãng mạn của tuổi thanh xuân cũng muốn họ rời tổ ấm một lần như một chuyến đi xa.

Hoa Vông Vang và ngay cả truyện được lấy làm nhan sách là bản tình ca của tuổi trẻ. Một tình khúc viết cho đời và nguyện lấy tuổi xuân làm sính lễ. Riêng trong truyện Hoa Vông Vang, tình đã hoàn toàn chiếm đoạt trái tim non người thanh niên, và văn chương long lanh, trong sáng như sương mai  được tác giả dụng công, mang ý nghĩa của vòng hoa sẽ đặt trên mộ người tình lụy.

Văn chương mà người đề tựa Nhất Linh xem như viết bằng cảm giác nhiều hơn là bằng ý nghĩ.

Nghĩa là để cảm xúc dẫn dắt ngòi bút trong một trạng thái của người bị nhấn chìm trong cơn cuồng lũ của mạch văn. Đỗ Tốn xem cuộc tình đã đưa người thanh niên ấy vào một mê lộ, vào rừng rậm của tình. Kẻ si tình đã lạc lối, không còn biết định hướng, chiếc la bàn trong tay tình yêu chỉ còn một hướng duy nhất và người thanh niên  đã vô vọng nếu muốn tìm lối thoát thân.

Chọn tình yêu làm tiếng nói của văn chương, có thể Đỗ Tốn đã lấy tình yêu làm cách tiếp xúc với thực tại, theo cách riêng, với trái tim non và của người nghệ sĩ. Tình đã không đoái hoài dù người hết dạ bao dung. Đã khước từ ngã giá dù người thanh niên hào phóng cả cuộc đời lẫn thân thế.  Những diễn tiến từng bước, khi tiến khi lui, khi mơ hồ, lúc day dứt, của cuộc tình giữa Đẩu và Phượng Trinh ( Hoa Vông Vang), giữa Giao và Tuyền ( Duyên Số .) Tình yêu nhuốm mầu bi thảm của gượng ép giữa Phong và Lan ( Định Mệnh) hoặc dừng lại nửa vời như hành trang tình cảm nhất thời giữa Ninh và Nhàn ( Tình Quê Hương)

Ngoài chuyện tình Giao –Tuyền mà sự thành tựu đẹp đẽ  nằm trong hai chữ duyên số của nhan đề, (và có thể như cách hoài vọng cùng gửi gấm), còn lại đều lỡ làng, để lại vết thương sâu và khó mà hàn gắn. Như thế, ngang trái trong ngần ấy cuộc tình  cũng là sự thất bại chua cay với đời mà người thanh niên  phải trả. Cuộc tao ngộ giữa người thanh niên với thực tại, qua tình yêu, đem đến sự phá sản tâm hồn của tuổi trẻ như cái giá mà con người phải sẵn sàng thế chấp khi vào đời. Văn chương dễ khiến người trở thành kẻ chịu sự cầm cố của tình yêu trong khi nhà văn không ngừng muốn trở thành kẻ một đời tự nguyện. Đôi khi một cái bát rơi vỡ hoặc một cái thùng đứt chìm xuống đáy giếng làm mặt nước sủi tăm thường cũng đem lại cho chàng ý tưởng chết ( truyện Định Mệnh, tr. 118.)

Tình cũng có giá trị của sự phục sinh dưới mắt lạc quan của người trong cuộc. Và trông Trinh cười đắm say, Đẩu thấy nụ cười tươi thắm ấy như đưa chàng vào một vườn thắm nhẹ gió vừa . Đẩu ra về với ít hoa nở trong lòng, với ít tin tưởng rằng sẽ chẳng bao giờ hương tình cũ đến nỗi tan bay hết ( truyện Hoa Vông Vang, tr. 86.)

Tình còn có khả năng cứu chuộc, theo suy nghĩ của người tận hiến. Từ ngày.. biết Trinh tôi mới đi nhà thờ đấy chứ... Trinh đã cứu vớt một linh hồn mà Trinh không biết ( truyện Hoa Vông Vang, tr. 86.)

Không chỉ chọn tình yêu là thử thách lớn nhất đối với tuổi trẻ mà chính tuổi xuân còn được phó thác làm vật hiến tế cho tình yêu. Những Đẩu, Phong trong toàn tập, là hình ảnh thê lương của sự thất bại, là sự chìm đắm vĩnh viễn trong tuyệt vọng cùng với giấc mơ hoa đầu chưa kịp đón ánh xuân. Với thời đại, tâm hồn đa cảm vốn là sự giàu-có-thiệt-thòi được đền bù bằng khả năng tiên tri điều bất hạnh vị tất. Và trong một nghĩa riêng, những bước chân lâm lụy của Đẩu, của Phong vào tình trường tuổi hoa niên đã mang theo hình ảnh cái chết dần mòn của một tâm hồn chịu nạn.

Nhân vật của Hoa Vông Vang phần lớn bơ vơ trong tình yêu, phải nhờ tình yêu dẫn dắt theo con đường được tài định với cách phản kháng duy nhất là lãnh nhận sự đau đớn đến mức tự hủy.

Văn chương, ở giai đoạn này, đã thăng hoa như những tụng ca ca ngợi sự đau khổ, bẽ bàng, nỗi đau xót vật vã tương tự ơn thiêng dành cho người tuẫn nạn.

 Trúc Chi* đã minh chứng một cách thuyết phục hai yếu tố Hương và Sắc như là yếu tính của văn chương Đỗ Tốn.  Ví Hoa Vông Vang như “ một cung đàn, một khúc nhạc. Cung đàn của say sưa trong rung động buổi đầu. Nhạc của tình ban sơ si dại .”

Nhưng Hoa Vông Vang không chỉ là bản trường ca diễm tuyệt đăng quang cho tình yêu, một thứ tình yêu dành cho kẻ tuẫn nạn. Nơi đây còn hé lộ bản chất của một tâm hồn hiếm có mà chỉ trong một thứ ký ức về một thời kỳ luân lạc đã qua là Ả Hẩu, người ta mới thấy rõ hơn nỗi đa đoan của một người mà lòng luôn luôn hướng về cái toàn thiện toàn mỹ ( truyện Điệu Thu Ca, tr. 40.)

Ả Hẩu, có thể là một hiện thân muộn và hiếm hoi, nhưng những điều viết về con người hiếm có này là những hàng minh văn trên trái tim huyết thạch của con người duy mỹ.

 Đỗ Tốn, con người hành động.

Khối lượng và bầu khí thơ mộng trong đau khổ của tình yêu đã có thể làm mờ nhạt đi vai trò con người hành động mà tự thân con người tác giả đã thể hiện từ khi còn thơ ấu. Sự sắp xếp vị trí ưu thế những truyện tình trong toàn tập có thể cũng là dụng ý hóa giải mối hoài nghi về sự phân tranh tất yếu giữa hai xu hướng duy cảm và hành động có thể bộc phát trong tâm hồn tác giả. Hoa Vông Vang là sự minh thị thành công cách trần tình của tác giả trước sự phân tranh không cần thiết, nếu có, giữa tình cảm của trái tim thiêng liêng, chan chứa dịu dàng với bản chất duy lý, rạch ròi của con người hành động.

Trong tác phẩm Hoa Vông Vang, hai truyện ngắn đầu được dành để biện minh cho việc người thanh niên tỏ ra lãnh đạm với cuộc sống trầm lặng, nhạt nhẽo nơi thôn ổ. Xem cảnh người thiếu nữ xuân thì trong căn nhà lạnh lẽo không khác “ trong cảnh tiêu diệt một cơ nghiệp cũng còn có một mầm sống ”  ( truyện Điệu Thu Ca, tr. 31.)

Trong Một Kiếp Sống, chàng thanh niên xem cái việc chôn chân nơi một phố lẻ trong nhiệm vụ thư ký bưu điện, lại rõ ràng tẻ nhạt và đáng sợ hơn. “ Ít ra đời cũng khoáng đạt như cỏ đồi, cũng may mà đời ta không như cây na vun xới, ám khói, ngày ngày sống bên vại nước ướt át “ ( Một Kiếp Sống, tr. 49.) Đỗ Tốn không nói rõ hơn những bước chân phá lệ ra sao, nhưng người đọc cũng hình dung mức độ phân tranh trong lòng người thanh niên  một khi nếp sống quen thuộc, vô vị, nhàm chán trở thành sự thực.

Hai truyện ngắn trên không cùng chủ đề tình yêu là phần chiếm ưu thế trong toàn tập. Sự sắp xếp ấy tỏ rõ thái độ của nhà văn trong thời gian mà chính người thủ lãnh của phong trào cũng đang ẩn thân sau văn chương.

Cứ xem tâm trạng của nhà văn khi trước mắt là  Nhất Linh cặm cụi với lan rừng bên bờ dòng Đa-mê hững hờ. Lòng người chùng xuống khi thầm nhủ không khác lời tự thán. (4)

Hướng về Hành Động hay trở về với Nghệ Thuật ( kể cả do tình yêu chiếm lãnh), cả hai đều trở thành đối cực trong tâm hồn những người còn nặng lòng về một lời nguyền.

Có thể Hoa Vông Vang không báo trước một bi kịch như Xóm Cầu Mới cũng vì giữa họ đã có một dòng suối vô tình nhưng hữu mệnh, Đa-mê.

Đứng ở cuối trào lưu lãng mạn, người ta có thể nghĩ rằng Hoa Vông Vang là đóa hoa cuối mùa, nhưng vẫn là đóa hoa dồi dào hương sắc, vẫn đầy đủ khả năng mê hoặc những tâm hồn đa cảm.

Khúc bi ca thê thảm nhưng vẫn là âm thanh chinh phục hồn người. Hoa Vông Vang  ở cuối mê lộ của một giai kỳ văn chương và thời thế vẫn tỏa thứ hương của tưởng tiếc điều không hề phai nhạt trong những trái tim non.

                                                                                                       

( viết cho tập truyện Hoa Vông Vang được gia đình nhà văn tái bản tại hải ngoại (Việt Tide, 2019)

 

Trần Mạnh Toàn

                                                                                                                             12.01.2022

Chú thích

 (1)Lời tựa của Thế Lữ trong Xuân Diệu Thơ Thơ ( bản in của Sở TTVH Nghĩa Bình, 1987)

Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu nổi tiếng thời tiền chiến.

(2) Năm 1940, sau khi Toàn quyền Catroux buộc phải để cho quân đội Nhật sử dụng Đông-dương như căn cứ địa để tiến đánh Trung-Hoa, các đoàn thể chính trị trong nước  trong số có Đại Việt Dân Chính (Hưng Việt) của Nguyễn Tường Tam công khai hoạt động chống Pháp, một số tổ chức được người Nhật hậu thuẫn.

Cuối năm 1942, khi Nhật oanh tạc Trân Châu cảng và mở rộng chiến tranh sang toàn cõi Đông-dương và Nam Á châu, Nguyễn Tường Tam lẻn sang Trung Hoa để tiếp tục hoạt động. Ông bị chính phủ Trùng Khánh nghi ngờ và bắt giữ tại Quảng Châu,  Được Nghiêm Kế Tổ can thiệp, ông được trả tự do và đồng ý gia nhập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội do Nguyễn Hải Thần làm chủ tịch. Trong thời gian này, ông tìm kiếm những cây bút  trẻ và đề tựa tập truyện Hoa Vông Vang của Đỗ Tốn, tháng 12.1942. ( Nhật Thịnh, Chân Dung Nhất Linh, Sài gòn, 1964, Đại Nam, tái bản, không ghi năm in, tr. 135, 137, 138.)

(3) Theo Lê Văn Siêu, bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm được in trong Tiểu Thuyết Thứ Bẩy năm 1940. Tương tự về hơi văn còn có Độc Hành Ca của Trần Huyền Trân. Theo Lê Văn Siêu, “ người làm thơ ấy bằng những cảm tình sôi nổi và say đắm chân thành để yêu đương mơ mộng, thì lại xúc cảm nhanh hơn ai hết cái nghiêm trọng của thời cuộc ... “( Lê Văn Siêu, Văn Học Sử Thời Kháng Pháp,  1858-1945, Trí Đăng, Sài gòn, 1974, tr.386)

(4)  “Thường thường trong những dịp săn lan như vậy, chúng tôi rất ít khi nói chuyện thời sự, chính trị dầu rằng trong đám người đi săn lan có cả môt vị cựu bộ trưởng, một chính khách , môt nhà cách mạng từng bôn ba hải ngoại. Chúng tôi tôn trọng cái không khí thanh bạch, cao quí, thần tiên của cuộc chơi kỳ thú, của khung cảnh núi rừng hùng vĩ, của những đóa lan sơn dã, của giòng suối trong xanh, và niềm vui hồn hậu của những tâm hồn bạn.

Tuy nhiên những  lúc ngồi bên bờ suối, nghe anh Tam thổi hắc tiêu, tôi không khỏi sót đau thắc mắc.  Anh Tam quên sứ mạng của anh rồi ư ?  Có thật anh yên lòng đi tu tiên rồi chăng? Ngọn lửa Yên Bái, cái không khí “ Chi Bộ Hai Người” , “Giòng Sông Thanh Thủy” há không gợi lên trong anh chút nào vang bóng của quãng đời sóng gió trước kia ?” ( Tô Kiều Ngân, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam thổi kèn giữa rừng Lan, trong Người Việt Tự Do, chép lại trong Nhật Thịnh, Chân Dung Nhất Linh, sđd. tr. 158.)

*http://tranhuybich.blogspot.com/2019/09/bai-phat-bieu-cua-nha-van-truc-chi.html

Tuesday, January 25, 2022

Vô Đề / Trúc Chi

Giày rơm nhẹ gót lãng du

Vung dài gậy trúc vẫy hư không về

Áo cừu rẽ lối sương che

Nghiêng nghiêng nón lá phẩy lìa trần duyên

 

Mốt mai có lạc rừng thiền

Nương trang bối diệp xuôi miền Thứu sơn

Hỏi xem duyên nghiệp hết còn

Còn duyên còn nghiệp thời còn trang thơ.

Friday, January 21, 2022

AN TRÚ TRONG THẢNH THƠI / thư pháp Thích Nhất Hạnh

 




Sáng hôm nay hộp diêm của tôi hết rồi

Bếp lạnh như trời cuối thu ướt lạnh

Tác phẩm dở dang còn đó

Tôi sang nhà láng giềng xin lửa

(hồi bé chúng ta thường hai đứa chạy xin)

Em hỏi tôi sẽ làm sao nếu nhà láng giềng không còn lửa

– chúng tôi sẽ họp hai người hát ca

Nhớ lời em dặn “là những bông hoa”

Chúng tôi sẽ cầm đuốc đi bên nhau hướng về Xóm Mới

 

Em cũng cứ hát ca đi, trong khi chờ đợi,

Thế nào trong xóm ta cũng có nhà còn lửa

Thôi tôi xin mọi người đưa tay nói thực: có phải

Tất cả chúng ta đang tin ở điều đó như đang

Tin hôm nay ở hiện hữu nhiệm mầu?

Tôi biết có những nhà nghèo, nhưng trấu hồng ngún

Cháy ngày đêm trong bếp hồng âm ỉ

Tôi sẽ nhớ lời em không quấy động bếp lành

Một nắm rơm đặt vào

Đợi khói toả mầu xanh,

Em nhìn xem: chỉ một hơi thở nhẹ của hồn tôi thôi

Cũng đủ gọi về lửa đỏ.

 

Anh về, người lữ khách hôm nay thấy lòng ấm áp

Một buổi chiều nhìn khói lam ấp ủ mái tranh thơ

Về xóm mới chúng tôi đi! tất cả vẫn mong chờ

Em tôi vẫn còn trông nom chút lửa hồng bếp cũ

Mái chèo xuôi nước sông

Thuyền về không do dự

Sao đêm an lành thuyền anh đi mãi

Nhìn bóng chiều sa không ngại

Vì biết tình thương hôm nay còn đủ sưởi ấm ngày mai.

Bếp tôi ấm rồi, mời anh về với chúng tôi thôi

Công phu của ai ngàn năm bắc một nhịp cầu nối liền xa cách

Tác phẩm còn tươi nét mực

Lấy giọng trong lành, em tôi sẽ đọc lên cho chúng

mình nghe, bên tiếng nổ tí tách của những cành lửa reo vui.


thơ Thích Nhất Hạnh


Saturday, January 8, 2022

Bầy Lan Run Rẩy Mộng / Trần Mạnh Toàn

bướm trắng bay đi...

bầy lan run rẩy mộng

gai rừng khuya xé rách cánh bơ vơ

(Vũ Hoàng Chương, Nhịp Cầu, Văn, số 14, 7.7.64)

 

 Hình TMT-2020

 Lần tìm về thái độ của Nhất Linh trước khi nhập cuộc - nghĩa là khi người tiến về một đối cực mà hành động càng làm rõ điều chân lý chỉ là cái nhìn hài lòng từ mỗi phía - người ta cảm thấy nỗi dao động khác thường của người khi buộc phải bước về hướng đối nghịch với con đường mình đang theo đuổi. Bướm Trắng, viết xong vào tháng 3.1939, không chỉ là bước tiến của văn chương vào cõi sâu thẳm tâm hồn của con người muôn thuở, mà ở một khía cạnh, phát giác phản ứng gần như tuyệt vọng của con người trước sự ám ảnh hay đe dọa thúc bách cận kề. Trong cái tĩnh báo hiệu cái rất động, Nguyễn Gia Trí - người tương tri của Nhất Linh cả về nghệ thuật lẫn dấn thân, đã mách bảo tâm trạng của một lớp người như thế. (1) Sự ra đời của tác phẩm trong tình thế căng thẳng đương thời có thể nghĩ là cố gắng lặn sâu vào cõi văn chương như cách ứng phó trước sự mời gọi thiết tha của thời cuộc trước khi là kết quả của việc chiêm nghiệm những dằng co bất định trong tâm hồn người.  Trong tâm trạng đó, văn chương - mà đây là Bướm Trắng - còn là chứng tích của một nỗ lực vượt thoát nhưng vô hiệu đồng thời báo trước những đau khổ trong cơn thử thách, những cay đắng trong nỗi dằn vặt - dù có ý nghĩa của việc thanh tẩy - sẽ bám chặt lấy người mà những địa danh như 12 Yersin, 711 Yagut, 19 Đặng Thái Thân Đalat, suối Đa-mê... trở thành vị trí để người hằng đêm đối bóng. Những cao điểm để chiếc bóng thêm cô liêu dù hương lan rừng có nguôi lòng tỏa ngát. Hiểu theo cách riêng, Bướm Trắng đã tiên định được hướng tâm hồn thăng hoa khi đề cập trường hợp con người sa ngã. Cái chết, sự thất bại hay tan vỡ đều đặt con người vào thế khốn cùng khi họ, dưới một hình thức riêng, tự nguyện chấp nhận chúng. Trương - người thanh niên trong truyện - rơi vào tình trạng chịu đựng " cái khổ sống gượng này còn lớn gấp mấy cái khổ tiếc đời trước kia " (2) và chỉ thoát ra khỏi bi kịch này khi nỗi ám ảnh về bệnh không còn và ý niệm hạnh phúc giản dị lại trở về với chàng. Như vậy, ở một khía cạnh, đau khổ, thất vọng - sau khi tàn phá con người- rút cuộc, lại đem đến tác dụng của việc rửa sạch tâm hồn, mở lại hy vọng về một viễn ảnh dung dị thuần khiết. Rồi đến khi luống đậu nở hoa trắng có những con bướm rất xinh ở đâu bay về ...(3)

Người ta liên tưởng đến trường hợp Nhất Linh - có thể  sau khi thủ đắc được kinh nghiệm có tính chất tiên báo qua văn chương - đã tìm đến một ngã rẽ êm ả cho tâm hồn sau cuộc lên đường nhiều gian truân. Con đường ấy không dễ dàng và không phải tình cờ vì riêng với người, thời gian như thể ngày thêm bồi đắp huyễn ảnh từ cái nhìn tránh xa trần cấu. Ngã rẽ không mấy bình yên khi người phải trông cậy vào môi giới của phiêu diêu - như bầy lan rừng - làm đối trọng với bao thôi thúc ngược hướng.

Thế giới người muốn tìm kiếm chưa được định danh kể cả việc sắp xếp cho nó một vị trí giữa mộng và thực, giữa ý thức tự giác và sự quyến rũ của cảm quan. Cõi ấy chưa tìm được hiện thân ít nhất là trong thời gian người còn nghĩ rằng văn chương còn có thể tiếp tục được sứ mệnh đã giao dù trong một biểu tượng mang ý nghĩa giới hạn với quá khứ - phượng-giang. (4) Một sứ mệnh văn nghệ được tuyên định sau này trên Văn Hóa Ngày Nay, cổ xúy việc vượt ra ngoài ước thúc của thời đại hay biên cương địa dư, ít ra là trong tác phẩm, xóa bỏ dấu vết của ràng buộc, phân biệt hay tranh chấp mà cái tên của nhà xuất bản cũ là biểu hiệu. (5)

Cách biểu hiện này tái diễn vào mấy năm sau, khi Giòng Sông Thanh Thủy gồm 3 tập ra đời (1961) dưới danh hiệu nhà xuất bản ban đầu, Đời Nay, giải thích cái nhìn buông xả trước mọi âm mưu, tranh chấp.

Không chỉ đơn thuần là một danh xưng, Phượng-Giang là hoài bão trở về với văn chương trong ý thức mới về một quan niệm xây dựng tác phẩm và vai trò của nó. Văn chương không còn là một phương tiện dù là cống hiến hay phục vụ. Người đã đẩy văn chương đến gần với điều mà tâm hồn vọng cầu trong vô nhiễm, thuần khiết. Phượng-Giang, như thế, còn đánh dấu bước đi mới trong lòng người nhưng đồng thời cũng hé lộ xao xuyến của người buộc phải lấy sự cân nhắc trong ngôn từ làm cách giãi bày tâm ý.(6) Phượng-Giang cũng như Thanh-ngọc sau này, đều là biểu ý của một tâm hồn đang chịu dằn vặt về hướng đi, một lẽ sống. Ý nghĩa mà chúng được cưu mang không đủ bao yểm nỗi lòng người khai sinh chúng. Nhất Linh mà cuộc đời là chuỗi hành động kết hợp trong nghịch lý, tương phản dường như lại cố gắng sắp đặt chúng trong diễn biến êm thắm, xuôi dòng. Bướm Trắng viết ra trong bầu khí trông đợi biến chuyển bất ngờ của những năm 1938-1939 khi hướng vào cõi sâu thẳm của tâm trạng kẻ sống như tự hủy trước sự đe dọa của tật bệnh và sự kết liễu hãi hùng lại có thể đem đến việc ngờ vực người viết ra  như để chuẩn bị tâm tư cho một bước dấn thân dứt khoát. Tương tự như thế, việc nhẫn nại theo đuổi một quan niệm văn chương ngày một tỏ ra xa rời sự can thiệp của thời đại khi viết đi viết lại Xóm Cầu Mới, xét cho cùng, cũng chỉ là để tái lập quân bình giữa những thúc đẩy về một hướng đi đối

nghịch.

Thế giới mơ về chưa rõ chân dung nhưng có thể những nét đan thanh của nó đã đủ sức mời gọi. Không khí liêu trai trong Nam Hải Truyền Kỳ của Hư Chu (7) dường như không thể là cõi tị trần

của Nhất Linh nhưng tâm hồn người yêu hoa trong truyện là sự trùng phùng khắng khít với tâm trạng của người bên đám lan rừng tại Đà lạt mấy năm sau đó. Hẳn là cuộc tao ngộ khác thường giữa thần của loài mai Thúy Vũ trong vườn nhà với viên hưu quan tri âm đã gợi ra một mẫu mực tao phùng khác giữa Nhất Linh với bầy lan rừng cao nguyên khi người có cơ duyên tá túc tại Đà-lạt. Nghệ thuật và vẻ đẹp tâm hồn gặp gỡ nhau trong mẫu mực ấy dù nếu người chỉ xem bầy lan kia - đặc biệt là Thanh-ngọc lan - là mai nhân cho một cõi hằng mơ ước.

Theo truyện, mai Thúy-vũ ở trên đỉnh non hiểm trở, khó mà tìm gặp. Tên mai cũng là tên loài chim mang tín hiệu đến cho hoa.(8) Còn riêng người, triệu vời được cái đẹp đến bên mình chẳng khó khăn cũng vì nghệ thuật đã được tâm hồn đồng hóa. Với người, Thanh-ngọc là dấu hiệu ước lệ của việc mời gọi, tương tri để không còn phân biệt giữa chủ thể với thế giới khách quan quanh mình. Như hương lan, nhạc suối, gió ngàn thấm đượm, tan loãng vào cõi không bao dung trầm mặc.

Mai Thúy-Vũ có thần hoa làm sứ giả môi giới với người trần sành điệu, còn riêng lan Thanh-Ngọc của Nhất Linh như nguyện ở bên người trong vai trò dẫn lối. Mai Thúy-Vũ là thứ mai núi cần có chim đưa về tin báo khai hoa. Lan Thanh-ngọc của Đa-mê như được ủy thác đưa đường không cần sứ điệp. Tâm hồn người mới là tấm thông hành để đến cõi vọng cầu. Trong khi lòng yêu cái đẹp giữ chân người yêu hoa nơi cội mai Thúy-Vũ.

Nhất Linh đến với bầy lan rừng trong phong thái thân yêu quen thuộc, vỗ về chúng bằng hơi thở của âm thanh khác với nghi lễ của hàng thượng tân mà chủ nhân gốc sơn mai dành cho thần hoa Thúy-Vũ.

Hiểu như thế, quan niệm về nghệ thuật giữa họ có khác nhau. Với Nhất Linh, có lẽ cái đẹp là phương tiện tiến tới chỗ tâm hồn thăng hoa, không phải là chốn dừng chân để tiếp tục tô bồi nó.

 Nghệ thuật - qua Nhất Linh - như một băng nhân với đời.                     

Tháng tám 1955, vào lúc trường học chưa khai giảng niên khóa mới, Nhất Linh tìm về Đà-lạt. (9) Cuộc trở về như ngược với ý mong chờ khi nó đưa người gần lại với thời gian muốn được bỏ quên, với dĩ vãng muốn được chôn vùi.

Thành phố cao nguyên như dừng lại bên bờ quên lãng của chiến tranh ngoại trừ  là nơi trú ngụ yên ổn nhất thời cho khoảng 53.000 người trong đó có con số không ít tìm đến lánh nạn. (10)

Đây cũng là không gian giới hạn của Võ Hồng khi đề cập bầu khí thời chiến như chỉ tích tụ theo những áng mây trôi, làm xáo trộn một phần cuộc sống người dân một thành phố nhỏ theo bước chân lánh nạn mà chưa mường tượng ra bộ mặt hãi hùng đích thực của cái đang đe dọa. Nơi đây, nét êm ả của thanh bình nhanh chóng trở về như chưa hề bỏ đi, như nét mặt chợt dãn ra khi cái cau mày chưa kịp thành hình. Con người quay về với nếp sống hàng ngày, không bận tâm gì, khi chiến tranh không kịp di lưu những vết ảm đạm trong lòng mỗi người. Thành phố đầy rẫy những khoảng trống và bỏ hoang nhưng con người chẳng có ý định lấp đầy hay chiếm cứ. Thành phố vừa mới được thời thế gỡ bỏ danh hiệu hoàng triều trên vùng cương thổ, thay thế chút  tự hào vị tất bằng việc bãi bỏ điều được xem như một đặc ân di trú. (11) Những dao động thời cuộc như chỉ để lại mấy lớp nhăn trên mặt hồ ngủ yên trên đường chính dẫn vào thành phố. Còn chăng là việc cải danh Bảo Long, Phương Mai của hai trường trung học, tên pavillon Phương Lan của một nhà thương và việc giải giáp đội " hộ giá " - ngự lâm - thường mang bên vai phù hiệu dân-vi-quí.

Thành phố - nơi mà thiên nhiên giành được ưu thế vững vàng, ở độ cao một ngàn năm trăm mét và nhiệt độ trung bình 18 độ C - được khai phá vì lợi thế của nơi an dưỡng tuyệt vời cho sức khỏe nhưng chưa hẳn đã là chốn thuận tiện chữa trị cho mọi con bệnh tâm hồn.

Mùa mưa chưa dứt vào tháng tám (12) làm chìm khuất lan rừng giữa cây ngàn thêm xanh, là cơ hội cho những hạt tự khai - như hoa cánh bướm cosmos trắng và tím - lan tràn thành  những thảm màu nơi vườn trước một giáo đường mầu hồng e ấp.

Mưa từng trả lại nhan sắc cho văn chương và hiến tặng tươi mát cho tâm hồn. "...vẻ mặt tươi cười của Loan qua bức mành làm bằng những giọt mưa sáng long lanh và ngang dọc đua nhau trước gió, làm cho Dũng có một cảm tưởng mát dịu lạ lùng; chàng nghĩ đến những cây dành dành chàng đã được trông thấy nở đầy hoa trắng ở một góc ao hay góc ruộng, những buổi sáng sớm còn lạnh sương." (13)

Mưa đã dành cho lòng người đến với lan rừng khoảng thời gian cần thiết để đợi chờ.

Ở một ý nghĩa nào đó, bầy lan đã đợi người bên thềm.

 " Sớm năn nỉ bóng, đêm ân hận lòng" ( Kiều, câu 1784)

Ngôi nhà 11 Yagut nằm lưng chừng đầu dốc là nơi ở của người một thời cùng một chuỗi ngày luân lạc.(14) Nguyễn Tường Bách, sau bao nổi trôi nơi xứ người còn nhớ tên người bạn học cùng lớp, có mặt trong cuộc can dự vào thời thế và cùng dấn bước không ngại ngần như thể làm một

chuyến viễn du. (15) Nhưng họ - ông Bách và chủ nhân ngôi nhà - đã chia tay nhau kể từ khi người có trách nhiệm với Đoàn Quốc-gia Thanh-niên, ngoái nhìn lại dòng Nậm-khê cuồn cuộn để bước vào thị trấn Hà-khẩu nơi đất người vào một sớm tháng 7.1946. (16) Một chuyến đi trở thành sự lựa chọn cá nhân khiến sau này, người quyết định bỏ đi phải nhọc lòng bộc bạch: tuổi thơ hoài bão nay còn hết / vận nước lầm do mấy ngả đường. (17)

Ngôi nhà có hai mái lớn dốc cao, vách nâu đỏ  như kiểu mẫu nhà miền Thượng. Căn phòng nhỏ áp mái là nơi trú ngụ một thời gian không dài của Nhất Linh, hờ hững nhìn xuống một cây tùng còn non tuổi trước sân như tiếc không có được vị trí của cội thông tương tri hiu quạnh trước ngôi nhà đầu dốc Prenn. Ở đây, bầy lan rừng có chỗ ngụ riêng, được hưởng nắng gió bên cạnh ngôi nhà chính. Người có thể thấy cõi lòng vắng vẻ thêm khi dĩ vãng xua đuổi ý định vùi lấp nó bằng chính người trong cuộc cận kề. Hằng đêm, người cảm thấy phải đối bóng nhiều hơn khi gặp lại người từng chung hoàn cảnh. Dĩ vãng như lớp sương muối đầu năm làm xót xa hơn là có thể che đậy, dấu diếm. Cách xem nhẹ chúng thực ra chỉ là phản ứng khi người tự nêm chặt cõi lòng. Nơi đây đêm không còn mượn rừng thông cất lên tiếng hú bất bình như ở ngôi nhà 19 Đặng Thái Thân. Không còn an ủy bầy lan bên mình bằng giai điệu nỗi lòng hay mượn thời gian chôn cất những đổ vỡ đắng cay.

Nhìn chiều vàng đồi thông thưa thớt / Lòng bùi ngùi buồn trông theo bóng / giờ đây viếng thầm hồn cố nhân / năm tháng trôi qua sóng gió đời... (18) Tiếng hát mà người yêu mến hiện tại chỉ là lời vang vọng một mộ khúc dành cho dĩ vãng chĩu nặng năm xưa mà thời gian dằng dặc không hề khiến đổi vai, là âm bản của nỗi phiền muộn xa vời không trút bỏ được. Trong cùng một bối cảnh, những lời tiếc nuối vì mất mát của người xưa thoắt cùng đánh thức người hôm nay nỗi niềm tưởng tiếc một quá khứ lỡ làng trong nghịch cảnh. Đến sau, người chỉ tìm cách phân trần với bóng bằng việc sáp nhập lòng mình với dòng nước trong trinh Đa-mê, Thanh-thủy.

Con đường dốc quanh co trước nhà còn dẫn lên một tầng cao nữa, dốc công-an và dốc nhà-thương, như thể dắt người khám phá thêm thiên nhiên diễm lệ theo từng bước chân thơm dấu văn chương để lại, dầu là vết của tuổi non vụng dại. Anh một mình lạc lõng giữa trời mưa / gió Cao-nguyên ... ôi lạnh mấy cho vừa / anh đợi em dưới chân đồi Dân-Y viện.(19)

Trời tháng tám dầy mây, nắng thưa nhất trong năm, ngược gió lộng hướng Tây, bước chân khiến lòng thêm chĩu nặng.(20) Khoảng đất trống bên đường trước nhà ngăn ngắt một màu xanh chờ đợi mùa hoa dã quỳ vào tháng tới dứt mưa, màu hoa vàng-cam đem mùa đông đến cùng những nét rực rỡ như lửa ấm.(21)  Bầy lan rừng chen chúc dưới giàn bồn chồn chờ đợi nơi người âm thanh của tiếng lòng vỗ về quen thuộc, khắc khoải mà không mong vọng âm như dòng sông nhận phó thác từ bao nguồn mà không cần hồi báo.

Tựa mình vào khuôn cửa kính căn phòng trên gác xép, nhìn xuống mảnh sân cheo leo thế đất, người nhớ lại chuỗi thanh âm gửi cho bầy lan trong tình tri ngộ. Ngửa mặt lên trời cao khi trút hết tiếng lòng như thể bầy lan phải xuất thần mới có thể đón nhận. Cánh hoa huyết-nhung trên tường rưng rưng. Loài hoa, người đặt tên vì màu đỏ thắm cả cành lẫn hoa giữa đám lá xanh dày dặn và lớp rễ cuồn cuộn mạch sống. (22) Tiếng tiêu mỗi trường hợp mang sự gửi gắm riêng. Âm thanh tưởng như trao cho tri ngộ buổi ấy giờ lại có ý nghĩa của giã biệt tạ từ.

Nơi đây không có gió ngàn hờn trách, mỗi đêm bao lần gieo mình xuống lòng sâu thung lũng như ngôi nhà đầu dốc Prenn nhưng không thiếu kỷ niệm vật vã vây quanh. Sau lưng nhà, cách một ngọn đồi san thấp là một góc nhỏ  tái hiện nguyên vẹn hình ảnh phương trời Âu trong những năm tháng miệt mài với sách hay thời gian dưỡng bệnh sau đó vào năm 1954.

Khu Yết-Kiêu vài con đường nhỏ, thời gian đọng lại trên những mái ngói ngả mầu, những ống khói gạch hồng không hề làm ấm khoảng không lặng tanh như mặt hồ gần đấy. Thời gian còn bị bỏ quên nơi những đám cỏ lấn khỏi lối đi khiến cho lòng đường chỉ là nơi thiên nhiên nhã nhặn nhường lối, nơi những bụi ngũ-sắc, tường-vi, cosmos, cúc bất-tử thản nhiên khoe mầu với nắng nhạt sửa soạn sang thu. Chớm thu xanh, ở đây lá không vàng vì ngóng đợi người đi. Chắc thế nào người cũng dừng lại nơi tảng đá lớn trước nhà đề tên ngôi biệt thự nhỏ nhắn có tầng dưới đất ngoi lên dưới bậc thềm như để nhìn cho rõ mặt người khách hiếm hoi. Sự tĩnh lặng không đủ làm nên không gian này mà việc giống như bỏ quên cũng không khiến nơi đây là chốn hiu quạnh vắng bóng. Có tiếng chiêm chiếp và bầy sẻ nhỏ đuổi nhau. Âm thanh không vụn vỡ mà như kết lại nâng đỡ thần sắc của một cõi trong tranh bỏ túi. Tiếng chim len vào buổi trưa sớm không làm thiên nhiên cựa mình tỉnh giấc nhưng tiếng lá rời cành cũng khiến người ngơ ngác nhìn quanh. Có thể nào thiên nhiên đã thu lấy hồn người trong một chuyến trở về trong liên tưởng.

Năm đến Bourges, 1954, người có để lại ghi nhận về nơi dừng chân - một bức vẽ phác - thực ra là phóng bút của tâm hồn trước thiên nhiên giục giã. (23) Cái đẹp đã phá vỡ ranh giới không gian, thời gian, xóa đi cái nhìn riêng tư để hợp nhất trong hòa đồng, giao cảm. Lòng nước lòng người tình bất tận / trôi về hòa lẫn đại trùng dương. (24) Như thế, đến Bourges, người cứ nghĩ mình chưa xa vẻ đẹp vẫn tôn thờ cũng như hôm nay đến với mẫu hình thu nhỏ của phương Tây nơi Yết-Kiêu, có thể người không xa rời quan niệm đó. Thế giới Yết-Kiêu và cạnh đó, Lê-Lai, lay động người tương tự cái đẹp được dàn trải nơi nơi cần được con người tìm đến, đánh thức.  Dường như không có ghi nhận nào của người về một cõi được tấm tắc là thực tại của giấc mơ. Điều này càng có ý nghĩa vì ít ra nó không còn xa lạ trong cõi mộng của người nghệ sĩ.

Khu Lê-Lai gợi ra trường hợp của một thứ hòa âm, tuyệt diệu vì hòa hợp trong tương quan khăng khít với mây ngàn lững lờ, nắng nhạt bên trời và gió tươi màu cỏ. Kiến trúc kiểu Normandie, Bretagne của vùng Tây và Tây-Bắc Pháp pha trộn nhưng vẫn giữ nét riêng biệt mỗi nhà như thể tiết tấu riêng của bản đàn hợp tấu. Một cõi không cần người chủ mới vì hiu quạnh mới là tâm hồn của một vùng chưa qua hết những đổi dời của thời cuộc.  Có thể ánh mắt người thêm xa xăm khi nghĩ đến sự ấm cúng nơi đây không còn cần thiết khi hy vọng đã qua hay chưa có dịp trở lại. Hơi ấm nặng và đầy khi người bước qua ngưỡng cửa nhà, để lại bên thềm chiếc bóng mỏi mòn của người luân lạc.

Bóng cây thấp thoáng sau vườn như huyền thoại của chính loài hoa. Mimosa, lá ánh bạc như vừa phủ một lớp sương non. Hoa như chùm bông phấn sắc vàng tươi. Hương lãng đãng như mối nghi ngờ gửi vào ngàn gió.

Yết-Kiêu và Lê-Lai còn là những nơi giúp người trắc nghiệm lại khả năng hiểu được điều thiên nhiên mách bảo. Dường như ở nơi đây con người có thể từ chối sự can thiệp của khách quan khi muốn đến gần hơn với tâm hồn. Cô đơn, hiu quạnh, lẻ loi đều vô nghĩa khi con người sáp nhập với thiên nhiên như sự tan loãng không ngờ vực. Sống chung với thiên nhiên, Nhất Linh đã biết được giờ giấc trong ngày khi " khám phá ra là mỗi tiếng kêu của muông thú thường ứng vào một thời gian nhất định trong ngày." (25)

Tương tự những lúc tâm sự với bầy lan quấn quít bên mình, người thổ lộ bằng giai điệu âm thanh như thể dành cho tri kỷ. (26) Les cloches sonnaient / les orgues chantaient / tu ne pouvais pas savoir / que ton grand bonheur / marquait dans mon coeur / la fin de tous mes espoirs.  (chuông nhà thờ rung đổ / nhạc giáo đường khai mở / em đâu hay rằng / hạnh phúc to lớn của em / đánh dấu trong tim tôi / ngày tàn hy vọng trong tôi.) À ton marriage cũng như Tennessee Waltz, là bản tụng ca của lỡ làng, dịu dàng nhưng vô cùng cay đắng. Thất bại cũng như lỡ làng dường như là định mệnh của tài hoa. Trao khúc hát cho bầy lan, người không nỡ nhắc đến vai trò bạc bẽo của người sứ giả bất thành khi mà sự gẫy đổ của lý tưởng hay sự tan vỡ của tình duyên đều có tầm mức hủy diệt.

Ở một số trường hợp, Đà-lạt là sự trở về nhiều bất trắc khi người còn muốn trắc nghiệm một hướng đi dù là hướng sáp nhập với thiên nhiên trong sự hòa hợp tự nhiên với ngoại giới. Những dấu vết của dĩ vãng nhập cuộc tưởng như phôi pha nhưng vẫn còn gợi lại bóng dáng lỡ dở của sự thể hiện giấc mơ tráng lệ mà chỉ văn chương mới có khả năng tạo dựng. Không vì sự lãnh đạm của thời gian, sự trở về Đà-lạt của người có ý nghĩa việc đặt viên đá trắng ghi sự khởi đầu cho những quyết định, không lâu sau đó, về văn chương và về việc tái trắc nghiệm nhập cuộc trong tinh thần của người thao thức và tỉnh thức.

Không hề mang ý nghĩa là nghĩa trang của loài voi - nơi chôn cất những hiển hách tự hào - nhưng Đà-lạt  từng mang mộ chí của nhiều dở dang, cay đắng. Nắng trưa trải đều trên hồ Than-thở và nhiều lúc, đậu lại trên mặt người đang ngả lưng dưới một gốc thông trong một buổi vắng lời rì rào tình tự của ngàn cây. Nơi được tiên tri sẽ là chỗ chôn cất một mối tình đẫm chất thơ tuyệt vọng mà nhiều năm trước, người đã trước tác thành một luận đề chống lại những định kiến ràng buộc hôn nhân, ngăn cản hạnh phúc trong tay những người trẻ. (27)

Bên lòng trắc ẩn của kẻ tài hoa, người vẫn nuôi ý định phù trì những người yêu nhau nhưng truân chuyên vì mọi lẽ, bằng việc tác thành họ trong hạnh phúc miên viễn bội phần so với điều mong muốn đương thời. " ... (như) hai linh hồn cùng hòa làm một để lát nữa tan đi trong cái mênh mông của hư vô." (28)

Xa xa mây hờ hững trên tháp cao trường Yersin không ngăn nhớ về những giọt lệ nóng nhỏ xuống bàn hội nghị - trước những dối gạt, âm mưu - như thứ vũ khí sau cùng của người yếu thế.

Đà-lạt, như thế, với người, không thể là chốn để chôn sâu quá khứ phiêu bồng đánh dấu nhiều hơn bằng thua thiệt, vấp ngã. Vì người có văn chương có khả năng tài-định hướng đi của mơ ước con người, phá vỡ ngăn cản của xã hội, mở lối thoát cho tâm hồn vốn chịu ràng buộc chặt chẽ bởi guồng máy vô tình, duy lý.

Đà-lạt tưởng là nơi an ủy một tâm hồn dễ bị thương tổn nhưng riêng người đã tìm được cho mình cách hòa nhập mà không là đối kháng để vượt thoát. Tưởng là đến Đà-lạt là để phó thác mình cho thiên nhiên, ngược lại, người đã dẫn dắt thiên nhiên từng bước khám phá những giá trị gần như tuyệt đối. Lan rừng, kể ra đến ba trăm loại tự-nhiên lẩn khuất trong sâu như những kẻ vong tình, nay một số trở thành bạn tâm giao, là sứ giả của cõi vong-ưu trước khi chia tay nơi thềm của chốn mà hương thơm còn đượm nước khe, hồn người. (29)

Hương lan rừng nay đã thành một giấc của thăng hoa sau khi cùng người vượt qua bãi hoang đố kỵ, vọng tưởng.

Trong mấy năm ngắn ngủi, lan rừng được nhận-mặt đặt-tên cũng là cách phân loại làn hương được trích xuất từ non cao rừng sâu, từ đèo Ngoạn-mục cho đến vùng Định-quán. (30) Nhan sắc tương phản của Huyết-nhung với Mặc lan không làm loài hoa lem luốc như mực dấu mãi hương thơm trong bóng đêm và hoang vắng. Lòng người đi tìm không chỉ bị chi phối bởi một làn hương khi người ta nghĩ từ lòng hoa có thể phát giác chiều sâu của rốn bể. Có liên tưởng mạnh mẽ nào giữa những cái mê say theo đuổi nghiệp dĩ. Chán lênh đênh vẫn hẹn lênh đênh. Đốt lửa đi tìm cái đẹp tri âm nghĩa là không dứt niềm tin về cõi vọng cầu. Nhớ phen ném bút, chôn tin tưởng /đốt lửa rừng hoang, tôi với anh. (31)

Triết lý tìm được nơi hoa và hương lan rừng không phải là thứ chưng cất được trong những ngày miệt mài tìm kiếm. Nhan sắc của bầy lan cũng như men rượu lên đường chỉ làm thêm diễm lệ ý nghĩa của việc tìm thấy lòng mình khai phóng như hư vô. Tình người hòa với nước non xanh / hòa với ngàn mây với chính mình.(32)

Những người bạn lan, Nhất Anh, Bùi Khánh Đản, Đa-mê khách... nhiều lần thử vượt qua nhan sắc của bầy lan để cố tìm ra chân dung đích thực tâm hồn người bạn trong đó có việc đặt sánh vai với ước lệ. Lòng băng một tấm trong hồ ngọc. (33) Họ đồng hóa lan rừng với thế giới của bầy tiên và như thế đặt cõi vọng cầu của Nhất Linh vào cội nguồn thoát tục. Tiên cảnh lan còn đượm ý hương. (34) Nếu bầy lan còn ở lại bên người thì đây là bằng chứng của việc ly khai cõi bụi bặm này.

Nhưng, cuộc kết tập lan rừng nơi cao nguyên của Nhất Linh - ở một khía cạnh và không bao hàm ý nghĩa so sánh - tương tự công việc ban đầu san định một thiên-thư về mối tương quan huyền nhiệm giữa con người với những giá trị được vọng cầu. Người đi xa hơn việc xem-mặt đặt-tên bầy lan, an ủy chúng bằng việc tự giãi lòng trong giai điệu mà còn cậy chúng truyền rao rằng tâm hồn sẽ tiếp nối hòa lẫn với hư vô khi vượt qua những phân biệt, tranh giành, khi trá. "...vũ  trụ này nữa khi đến ngày tận thế chắc cũng vậy, cũng biến thành một nềm vui để rồi cứ thế mà hòa loãng và tan dần đi trong cái mạnh mẽ của hư vô."  (35)

Như thế, hương và hoa lan vừa là biểu tượng của ý thức trong tự do vừa là dấu vết chiến thắng của thiện mỹ. Cái hư vô của người tương tự cõi không của tư tưởng, nghĩa là một trạng thái tâm hồn sau khi ý thức rằng thành-bại, buồn-vui đều do phân biệt mà nên.

Nhất Linh dường như đã đi xa hơn điều mà bầy lan trông đợi nơi những người đến với chúng. Rừng thẳm duyên trao người hẹn lối. (36) Khác với những người thưởng hoa, cuộc gặp gỡ kỳ thú

giữa Nhất-Linh với lan trong rừng sâu và cả nơi rừng khuya chỉ nói lên điều mà cuộc tao ngộ chưa thể mang tới ngoài sắc hương của chúng. Thế giới người mới đặt chân sau khi lòng tha thiết với cõi vọng cầu như trên được bầy tỏ chỉ là sự chuyển đổi giữa thiên thai với trần thế, giữa một ý niệm với một thực thể. (37)

Cõi ấy phần nào được hình dung từ nhiều năm trước như ước mơ từ tiềm thức. Tương tự hoài bão về một quan niệm xã hội nhân sinh được thể hiện trong Giấc Mộng Từ Lâm, mẫu mực của khao khát về thiện mỹ đã thành hình cùng với cái nhìn về thực tại. Cái đẹp tâm hồn vốn khó tìm gặp ngay cả trong chiêm bao hoặc trong ngàn sâu hay rừng khuya mà Nhất Linh trong hành động buộc người thưởng lan cần nhận ra điều gửi gắm. Đóa lan rừng được hiện thân - hoa trắng nuột, cành điểm hai chấm đen bên bờ suối - (38) là hóa thân của cái đẹp được tượng hình từ nguyên lý cao hơn mỹ cảm. Người thiếu nữ của lâm tuyền trong truyện là phần ảo diệu của một nhan sắc rừng sâu nhưng người thanh niên miền xuôi biệt tăm không trở về mới là đơn cử của sự tận hiến cho dung nhan nghệ thuật và thẩm mỹ.

Như thế, từ đóa dã lan trong Lan Rừng, Nhất Linh đã tượng hình trong cõi văn chương, cái đẹp cần vươn tới của tâm hồn và sự sáp nhập khắng khít đến mức tuyệt đối với mẫu mực không chỉ riêng của người. Người đã luân lưu trong cõi thanh cao này như thể chờ đợi sự hòa nhập với khách quan trong lặng lẽ bình yên được hình dung như hạt muối tan trong bát nước. (39) 

Cái đẹp không giản dị như tâm hồn người nhưng lãng đãng gần xa như hương lan rừng bên người những chiều nhạt nắng. Hiểu như trên, Đà-lạt, Đa-mê không phải là nơi tìm kiếm thêm một mẫu mực nhan sắc  nhưng mỗi chuyến đi đều mang theo hy vọng đạt được mong ước về chốn vọng cầu và bầy lan thêm đông là dấu hiệu của ước mong trên như thể lùi dần. Cái đẹp như bóng trăng, vằng vặc lòng người nhưng chưa với được trong tay. Lấy cuộc đời làm cuộc truy tầm cái đẹp, điều ấy trở thành cuộc đuổi bắt chính tâm hồn mình đối diện với bóng tối, vốn có mặt như trạng thái cần thiết để sự hiện hữu của ánh sáng có ý nghĩa.(40) Tâm hồn người thêm trong nên bóng tối thêm viễn cách, cõi mà người vọng cầu thêm khó cận kề.

Mâu thuẫn nơi tâm hồn bậc tài hoa là phủ định thành tựu bằng những bước đi kế tiếp, không chỉ trong cõi văn chương. Những đoạn đường, cho dẫu là đỉnh cao cũng cần bỏ lại. Cũng thế, trên đường tìm kiếm cái đẹp - mà cuộc đời chỉ được xem là chỗ dừng chân - người đã để lại bầy lan rừng nơi đèo Prenn, nơi suối Đa-mê trong chặng đường tìm kiếm.

Vũ Hoàng Chương nghĩ đến những giấc mơ thoát tục phải quạnh quẽ. Bầy lan run rẩy mộng / gai rừng khuya xé rách cánh bơ vơ. (41) Nhưng, bước đi tìm đẹp của người chẳng thể phong rêu khi cái đẹp vẫn triệu vời trước mặt như giấc thụy ban trưa của người khao khát mộng. (42)

 TRẦN MẠNH TOÀN

Chú thích:

 (1) Nhất Linh khởi sự dấn thân vào lãnh vực chính trị từ tháng 3-1939 bằng việc thành lập Đảng Hưng-Việt. Ông giao bản thảo Bướm Trắng cho Thạch Lam in cũng như bỏ dở truyện dài Con Đường Sáng để cho Hoàng Đạo viết tiếp. ( Nhật Thịnh, Chân Dung Nhất Linh, Đại Nam tái bản, không ghi năm in, tr.135.)

Trong một hồi ký, Nguyễn Tường Thiết đề cập việc họa sĩ Nguyễn Gia Trí giải thích cái tiềm ẩn đối nghịch trong một bức tranh của ông, " bức tranh rất tĩnh nhưng nó báo hiệu một cái rất động" ( Người Học Trò Của Họa Sĩ, Thế Kỷ 21, số xuân Ất Dậu, tháng giêng, hai 2005, tr. 31)

 (2)  Nhất Linh, Bướm Trắng, Văn Nghệ tái bản,1999, tr. 155.

(3) Nhất Linh, Bướm Trắng, Văn Nghệ tái bản, 1999, tr. 252

(4) Sau khi rời bỏ chính trị, về nước và vào Nam năm 1952, Nhất Linh lập nhà xuất bản mang tên Phượng Giang, ghép tên 2 quê nội ngoại, Phượng Vũ - Cẩm Giàng và không cho tái bản những truyện có tính chất luận đề như Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng ( Nhật Thịnh, Chân Dung Nhất Linh, Đại Nam tái bản tại Hoa Kỳ, không ghi năm, tr. 156.)

(5) tên nhà xuất bản của nhóm Tự Lực Văn Đoàn từ lúc thành lập  đến khi tự giải tán là Đời Nay. Theo tài liệu của Nhị Linh CVD ( Tiểu luận thứ hai về Tự Lực Văn Đoàn, nhilinh blog, May 04.2016)  3 tác phẩm đầu của nhóm : Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), Nửa Chừng Xuân (1934) Vàng Và Máu (1934) do An-Nam Xuất-Bản Cục ( Société Annamite d'Edition ) ấn hành. Năm 1934 Nhất Linh mới đổi tên thành Đời Nay. Nhà xuất bản Đời Nay vẫn tiếp tục hoạt động sau khi  Thạch Lam mất (7-1942). Tháng 4-1945 mới chính thức chấm dứt hoạt động sau khi in tập thơ Hoa Niên của Tế Hanh. Riêng nhóm Tự Lực văn đoàn tự giải tán năm 1946. Nhà in được bán, mỗi cổ đông được chia 6 ngàn đồng. ( Phạm Thảo Nguyên, Diễn Đàn Thế Kỷ online.)

(6)  Nhất Linh có những cân nhắc kỹ lưỡng. Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay tập 1 ghi ngoài bìa ngày xuất bản 17.6.1957, ngày 17.6 là ngày giỗ lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, Nguyễn Thái Học. Ông cũng chọn hủy mình ngày 7.7.1963 nhằm ngày song thất kỷ niệm chấp chánh của ông Ngô Đình Diệm.

(7) Theo Nguyễn Hiến Lê, Nhất Linh rất thích tập truyện Nam Hải Truyền Kỳ ( tác giả xuất bản, Sàigòn, 1972) và đã bày tỏ cảm tình trong một dịp gặp Hư Chu, tác giả tập truyện, tại Sài gòn. ( Nguyễn Hiến Lê, Hư Chu 1923-1973, Bách Khoa, giai phẩm, gp 1.6.1973, tr. 75.)

(8) Hư Chu, truyện Thạch Nữ Giá Bồ Lang trong Nam Hải Truyền Kỳ, tác giả xuất bản, Saigon, 1952, nxb Thuận Hóa tái bản, 1999, tr.102. Theo truyện, chim Thúy-vũ đậu trên cây mai báo hiệu cây đó sẽ trổ hoa nên loại mai này được mang tên loài chim.

Xuân Kỷ Mão 1999, Bà Thục Oanh - phu nhân thi sĩ Vũ Hoàng Chương - cũng có bài thơ Mai Thúy-Vũ để truy niệm phu quân;

cao sâu từng nhập bóng cây già

cây vẫn thân xưa bóng chẳng nhòa

vườn trải băng sương trăm thức cỏ

xuân còn Thúy Vũ một cành hoa

....

vang tiếng chim xanh về hót đấy

bồng lai hẳn nhớ kẻ đi xa

( Đặng Tiến, Thơ Xuân Với Vũ Hoàng Chương, Thế Kỷ 21, Westminster, xuân Đinh Hợi, 1&2.2007, tr. 15)

(9)  " Thu xếp xong chỗ ở, ông nộp đơn để xin cho tôi thi nhập học vào một trường trung học công lập trên ấy " ( Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh Cha Tôi trong tập truyện cùng tên, Văn Mới, California, 2006, tr. 20)

(10) Tác giả Phạm Văn Lưu đưa ra con số dân cư tại Dalat năm 1955 là 53.390 người. Năm sau, tình thế chính trị và quân sự được ổn định nên số dân giảm còn 23.774 người.( Khái Lược Về Sinh Hoạt Nhân Văn Và Kinh Tế Của DaLat, tập san Sử Địa, Saigon, số Xuân Nhâm Tý, tháng 6-12.1971, tr.145.)

 (11) Dụ số 21 ngày 11.3.1955 bãi bỏ quy chế Hoàng triều cương thổ của Dalat và vùng cao nguyên ( được thành lập do Dụ số 6 ngày 15.41950) và đặt thuộc quyền của chính phủ quốc gia, do đó, người dân có thể tự do đến sinh sống thay vì phải xin được phép (với điều kiện khó khăn) như trước ( Phạm Văn Lưu, sđd, tr. 146.)

(12) Mùa mưa Đalat khởi sự từ tháng 5 và chấm dứt vào tháng 10, trung bình mỗi tháng trong mùa mưa có đến 20 ngày mưa. Mưa đá xuất hiện vào mấy tháng đầu mùa. ( Nguyễn Kim Môn, Khí Hậu ĐaLat, tập san Sử Địa, sđd, tr. 182.)

(13) Nhất Linh, Đôi Bạn, nxb Văn Nghệ tái bản, 1999, tr. 171.

(14)  Ngôi nhà một người bạn thân của Nhất Linh - bs Nguyễn sĩ Dinh - và cũng là nơi Nhất Linh tạm ngụ một thời gian, ở số 11 Yagut Đalạt ( Nguyễn Tường Thiết, Chị Thoa trong Nhất Linh Cha Tôi, Văn Mới, 2006, tr. 295)

(15) Sau hội nghị nhóm tại Đalat tháng 5-1946, cuộc đảng tranh bùng nổ, vì yếu thế, lực lượng Quốc-dân-đảng và  Quốc-gia Thanh-niên đoàn của Nguyễn Tường Bách phải tìm đường triệt thoái dần về căn cứ Vĩnh Yên ( đệ tam quân khu của Đỗ Đình Đạo) rồi Việt Trì, Phú Thọ, sau hết phải bỏ Yên Bái, Lào Kay khi áp lực tăng nhanh và quân đội Trung Hoa rút vội về nước. Vì lực lượng  suy thoái nhanh, Nguyễn Tường Bách và bẩy người chọn giải pháp vượt sang Hà Khẩu Trung Hoa với mục đích ban đầu là đi cầu viện, tìm nơi yểm trợ, giúp đỡ. Những thành phần còn lại tự tìm cách giải quyết tình trạng mình.

Theo Nguyễn Tường Bách, theo kế hoạch dự định, Nguyễn sĩ Dinh - người bạn thân học cùng lớp tại Đại học Y khoa Hà-nội- có mặt trong một phái đoàn ngoại giao gồm Đặng văn Sung, Nguyễn Tôn Hoàn... sang Trung Hoa theo ngả LaoKay ( Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, hồi ký cuốn 1916-1946, Thạch Ngữ,1998, tr. 117, 146)
Hồi ký của Nguyễn Tường Bách gồm hai bản với nhiều khác biệt. Bản mang tên" Việt Nam Những Ngày Lịch Sử " do Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản tại Montreal, Canada năm 1981 (160 trang).  Bản Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, hồi ký cuốn một 1916-1946, do nhà xuất bản Thạch Ngữ in năm 1998 tại California ( 324 trang) sau khi tác giả đã định cư tại Hoa Kỳ. Cuốn đầu ấn hành khi tác giả còn ở Hoa Lục nên có những đặc điểm thể hiện sự dè dặt của người viết.

(16) Nguyễn Tường Bách, Việt Nam Những Ngày Lịch Sử, Nhóm Nghiên Cứu Sử-Địa Việt Nam, Montreal, 1981, tr.111.

(17) trong bài thơ in trong phần " Thay Lời Nói Sau " ở cuối sách, Việt Nam Những Ngày Lịch Sử, sđd, tr. 158.

(18) ca từ bản nhạc Chiều vàng của Nguyễn Văn Khánh. Sinh thời Nhất Linh rất thích giọng ca người cháu rể, Tôn Thất Niệm. Nhưng, giọng hát này chỉ xuất hiện trên đài phát thanh Dalat trong 2 bản nhạc trong đó có Chiều Vàng là một.

(19) Vũ Thành, Dưới Chân Đồi Dân-Y-Viện, Đà-lạt tháng 6, in trên nhật báo Ngôn Luận.

Vũ Thành là nhà thơ của thơ tình ủy mị đương thời, tác giả các tập thơ Ba Chuyện Lòng (viết chung, tgxb, 1962), Mắt Người Yêu ( tgxb, 1962), Người Yêu Áo Tím ( tgxb, 1963).

(20) Về thời tiết, khí hậu Đalạt, tháng 8-9 có ít ngày nắng nhất trong năm: 100-130 giờ. Trời nhiều mây vì còn trong mùa mưa. Gió hướng Tây và Tây-Nam thổi mạnh trong các tháng 6,7,8 với tốc độ 2,6-3,4 m/s ( Đà-Lạt Thành Phố Cao Nguyên, nhiều tác giả, 1993, tr.34)

(21) Dã quỳ còn gọi là cúc quỳ, sơn quỳ hay hướng-dương dại là một trong những hoa dại đặc biệt của vùng Đalat. Hoa tương tự hoa hướng-dương (sun flower) màu vàng cam, nở vào khoảng giao mùa thu-đông ( cuối tháng 9 đến hết tháng 11) nghĩa là sau khi dứt mùa mưa, tạo nên quang cảnh ngoạn mục tại nhiều nơi. Tuy vậy, dã quỳ vốn là cây vùng nhiệt đới.

(22) Trong số hình ảnh để lại, có tấm hình chụp năm 1957, Nhất Linh đang ngửa mặt say sưa thổi clarinette trong căn phòng riêng trên lầu 2 nhà số 17 Yersin Đa-lạt. Trên tường là cây phong lan Huyết Nhung khá lớn đang trổ hoa.

(23) Theo Thụy Khuê, bức vẽ bằng bút chì ngôi giáo đường Bourges (cathédrale de Bourges)  - cách Paris 200km về phía Nam -  của Nhất Linh không giống như cảnh thực." Thánh đường lặng đứng trên đồi, xung quanh nhà cửa quây sát như ôm chặt lấy các đỉnh cao vút, vĩ đại hơn nhà thờ Đức Bà Paris, chẳng giống tranh Nhất Linh từ "nội dung" đến "hình thức." Và, tác giả đưa ra nhận xét, " ... ông cụ đâu có vẽ "nó", cụ đâu có vẽ Bourges. Ông cụ vẽ quê hương, cụ vẽ nhà thờ Phát Diệm, cụ vẽ chùa Thiên Mụ..."  ( Nhất Linh Người Nghệ Sĩ Người Chiến Sĩ, nhiều tác giả, Thế Kỷ, California, 2004, tr.231.)

Ý kiến trên xem ra hợp lý vì Nhất Linh bộc lộ sâu sắc tình cảm với quê nhà nhất là những khi phải xa rời. Nhân vật Thanh trong Giòng Sông Thanh Thủy đã bày tỏ tình cảm như thế trên đường về gần biên giới quê hương. " Một cơn gió lành lạnh từ  ở phía dẫy núi rậm cây thổi lại. Thanh nghĩ thầm: - Gió này cũng là gió từ trong nước thổi ra. Nàng ngồi thẳng lên hít mạnh làn gió, cảm thấy như  phổi nàng đương thấm nhuần không khí của quê hương." ( Nhất Linh, Vọng Quốc, trong Giòng Sông Thanh-Thủy, Văn Mới, California, 2003, tr. 339.)

(24) thơ Nhất Linh, Bên Suối Vàng, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, 5.1.1959, tr. 9.

(25) Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh Cha Tôi, Văn Mới, California, 2006, tr. 24.

(26)  Trong hồi ký, Thế Uyên viết, trong lần lên Đa-lạt, ông được nghe Nhất Linh thổi hắc tiêu bài Je vais à ton marriage cho lan nghe ( Người Bác, trong Chân Dung Nhất Linh, nhiều tác giả, tập san Văn xuất bản, số 6/66, 1966, tr. 112.) Ngoài ra Nhất Linh còn thích chơi bài Tennessee Waltz và bản nhạc của Lê Hữu Mục, Hẹn Một Ngày Về ( Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh Cha Tôi, Văn Mới, 226, tr.tr. 19, 28.)

(27) Hồi ký của Nguyễn Tường Thiết có đoạn ghi lại chuyến đi chơi và nghỉ trưa bên hồ Than-Thở vào năm 1956 cùng với Nhất Linh ( Niềm Vui Chết Yêu trong Chân Dung Nhất Linh, nhiều tác giả, tập san Văn xuất bản, số 6/66, 1966, tr.64,65.)

Hồ Than-thở còn được truyền tụng là nơi chứng kiến mối tình diễm lệ nhưng bi thảm của đôi tình nhân không được gia đình chấp nhận vì không môn đăng hộ đối. Ngôi miếu nhỏ và mộ phần được đặt tại đây, ghi người thiếu nữ tự trầm trên hồ vào ngày 15.3.1956.

(28) đoạn nói về sự kết hợp giữa Ngọc và Thanh - vốn thuộc về 2 tổ chức chính trị đối nghịch nhau - sau khi trốn thoát ra khỏi cuộc đối đầu giữa 2 tổ chức ( Nhất Linh, Vọng Quốc trong Giòng Sông Thanh-Thủy, Văn Mới, California, tái bản, 2003, tr.362.)

(29) Nhất Anh, Hoa Lan Rừng Đa-mê, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, gp 05.01.1959, tr. 194.

(30) Theo Nguyễn Tường Thiết, nhờ chiếc xe hơi 2 ngựa của Đỗ Tốn, Nhất Linh và mấy người bạn có thể đến những khu vực trên để tìm lan. ( Nhất Linh Cha Tôi, Văn Mới, California, 2006, tr.24.)

(321Bùi Khánh Đản, Lâng Lâng, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm, tập 11, gp 16.5.1959, tr. 81.)

Những câu trên do tác giả viết về một buổi cùng Nhất Linh vào rừng trong đêm tối, đốt lửa tìm lan.

(32) Nhất Anh, Xuân Trước Tầm Lan, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, gp 05.01.1959, tr. 197.

(33) Bùi Khánh Đản, Thành Ý, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm, tập 11, gp 16.5.1959, tr. 83.

(34) T.T.A. Lời Hoa Lan Gửi, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, tr. 188.

(35) Nhất Linh, Lòng Tiên Khi Đắc Đạo, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm , tập 4, 16.8.1958-9.9.1958, tr. 107.

(36) Bùi Khánh Đản, Đề Hoa Phong Lan, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, gp 5.01.1959, tr. 191.

(37) Nhất Linh, Chi Bộ Hai Người trong Giòng Sông Thanh-Thủy, Văn Mới, 2003, tr.224.

(38) Nhất Linh, Lan Rừng trong tập truyện Hai Buổi Chiều Vàng, Đời Nay, 1937.

(39) Theo ý riêng, cái gọi là "bóng tối" càng phai nhạt trong những tác phẩm hậu chiến của Nhất Linh. Trong Xóm Cầu MớiGiòng Sông Thanh-Thủy, cuộc gặp gỡ giữa  nam nữ như Nhỡ và bác Hòa hàng cơm, Cậu Ấm và bác Hiên gái, Thanh và Ngọc... đều diễn ra trong mức độ tự chế khác thường.

(40) Nhất Linh, Chi Bộ Hai Người trong Giòng Sông Thanh Thủy, Văn Mới, 2003, tr. 235.

(41) " Bướm trắng bay đi... bầy lan run rẩy mộng / gai rừng khuya xé rách cánh bơ vơ " ( Vũ Hoàng Chương, Nhịp Cầu, Văn, số 14, 15.7.1964, tr. 82.)

(42) Theo Thiều-Chửu, " ngủ, lúc mỏi nhắm mắt gục xuống cho tinh thần yên lặng gọi là thụy." ( Hán-Việt từ điển, tái bản, nhà in Hưng-Long, Sài-gòn, 1966, tr. 429.)


Thursday, January 6, 2022

Nhất Linh - Đa Mê / Trần Mạnh Toàn

 Người đi biết độ nào về

Nhớ người lòng suối Đa-Mê gợn buồn - Nhất Linh 

Thất-bại hay nỗi ám-ảnh về nó đã bám chặt lấy mọi cảm giác hay suy nghĩ về quá khứ trong hơn một thế hệ đã qua hay chưa qua. Hiểu theo một ý nghĩa, người ta muốn rũ sạch nó trong một chuyến đi, nhân một lựa chọn năm nào - như trong Đêm Giã Từ Hà Nội hay Bếp Lửa chẳng hạn - nhưng vô hiệu. Nỗi thất-bại đã đủ tuổi hóa thạch và con người cũng thêm khôn ngoan khi chấp nhận sống chung thay vì cự tuyệt. Tâm trạng người thất-bại là cõi lòng ảm đạm của người giữ mộ như nhân vật trong Người Đồng Chí Cũ" Hãy cho tôi làm người canh coi cái nghĩa địa đó, làm ông từ giữ cái đền đài khói hương của đoàn thể đó." (33)

Cũng có thể hiểu điều mà thế hệ này làm là không muốn tái tục thất bại nữa. Không thể thay đổi vị trí hay hướng đi, họ không mong trông đợi ngoài cái cách ôm chặt nỗi đắng cay  như hình thức tự trừng phạt.

Mai Thảo vững tin ở thái độ trên trong giả thiết cách giải quyết cho chính mình trước tình thế buộc phải lên tiếng. Lý tưởng, cách mạng, thần tượng, chủ nghĩa... đều là ảo ảnh sẽ sớm tiêu tan do chính hoàn cảnh góp phần gây dựng nên chúng. Tính chất phiêu lưu của những chuyến lên đường, của những lần nhập cuộc đã khiến sự có mặt ngoạn mục và ngay tình của họ có ý nghĩa cuộc hiến tế cho những điều chính họ chống lại. Chuyện Một Người Mà Nhất Linh Là Thần Tượng (34) cho thấy nguyên do từ những non kém, sai lầm dẫn đến sự thất bại có tính chất quyết định và gần như chấm dứt sinh mệnh chính trị không chỉ riêng một tổ chức. Con người từng tận hiến cho sự say mê thần thánh, sau cái chết oan nghiệt của người con trai duy nhất tại Tam-đảo trong cuộc xâu xé đảng phái, đành tự chôn vùi trong nấm mồ im lặng cay đắng. Thái độ ấy tương tự phản ứng của người bị lừa dối ngay cả khi là nạn nhân của chính điều mình tin tưởng. Nó cũng có thể là một hình thức trả nợ của người chỉ còn trong lòng niềm ân hận là của tin duy nhất.

Những tâm-hồn-thất-bại của Mai Thảo dường như không ra khỏi cơn thất vọng kéo dài khi chưa có nỗi niềm nào có thể thay thế. Cái chết mòn (35) chưa đủ để cho phép họ rời khỏi vòng quay lịch sử hay lần lượt châu tuần bên đài tưởng mộ. Sự thất-bại đã loại trừ họ như gạt bỏ những quân bài đã đi. Những người đồng hóa ước mơ với thực tại đã sớm hồn nhiên trả giá cho việc cạn ly rượu ngà say choáng váng của chí lớn bốc lửa trước giao động lịch sử và bùng cháy thời thế (36) bằng việc kết thúc vai trò của một lớp người từng được lịch sử trông đợi phó thác.

Mặc dầu ban đầu có sự khác biệt trong quan niệm về văn học, một phần nghĩ rằng nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc sống sôi nổi trước mắt, Mai Thảo rốt cuộc đã chịu tiến đến gần hơn với Nhất Linh khi nhận ra sự viển vông của chủ nghĩa hay lý tưởng nghĩa là muốn con người cần tránh sự phân hóa, đối đầu mà chủ nghĩa hay lý tưởng là động lực phân ly mạnh mẽ. Văn chương phải là điểm hội tụ mà không là duyên cớ chia lìa nghĩa là phải là phản đề của chính trị và những môi giới của nó. Cái chết của thần tượng mà thế hệ Mai Thảo chứng kiến không chỉ báo hiệu sự mong đợi chấm dứt cơn mê cuồng sát. Thần tượng - sản phẩm của thói quen thiếu tự do - thường tỏ ra không quan tâm đến hoàn cảnh, điều kiện giúp nó ra đời và nuôi dưỡng.

Thực tế, có lẽ người được xem như thần tượng đã muốn tự chấm dứt vai trò trên khi thấy thói quen chiêm nghiệm sùng bái đã xâm nhập tâm hồn người chọn đường dù được hòa nhịp với những rung động về một viễn tượng đồng đẳng với tình yêu được mang danh sự say mê với lý tưởng. Có vẻ như người muốn chối từ vai trò thần tượng của nhân vật trong tiểu thuyết mà thế hệ say mê nó đã chuyển từ sự quyến rũ của một thời lãng mạn. Cũng có thể người không làm được việc này khi những người tin vào thần tượng trong văn chương đã hòa lẫn thực tế tiểu thuyết với thực tế cuộc đời. (37) Hãy xem thái độ thản nhiên của con người tham dự vào cuộc đảng tranh trong Giòng Sông Thanh Thủy, lãnh đạm cả trong việc thanh toán nhau thì mới thấy cõi lòng của người bị đặt vào vị thế thần tượng như Nhất Linh là muốn nhấc mình khỏi cái hào quang hư ảo.

Nắng chiều Đa-mê và loài hoa tìm bạn.

Thần tượng - giấc mơ suy đồi- đã đẩy cả hai, người được tấn phong và những người tín mộ, vào thế bất quân bình với thực tại. Riêng những người tin theo khó có thể tự thoát ra khỏi giấc mơ khi chỉ ở trạng thái này họ mới có cơ hội vùng vẫy. Văn chương thành chốn trú ẩn tuyệt vời vì chẳng những cung cấp cho họ một vai trò mà còn giúp họ nhìn về phía trước dù là ảo giác.

Trong mọi trường hợp, sự thất-bại trong việc nhận lãnh vai trò lịch sử và bỏ lỡ những cơ hội kế tiếp từ năm 1945 dường như đã san bằng mọi cách biệt hoàn cảnh, thân trạng cá nhân để cho thất vọng chán chường bám sát người thay cho chiếc bóng. Sự vùng vẫy của con người càng khiến sợi dây đau khổ thắt chặt thêm và ký ức trở thành bội phản khi thúc đẩy vào việc day dứt vết thương, căn gác Hàng Đàn thuở ấy. (38) Địa điểm của sự kết tập cho hoài bão năm nào đã chế ngự lối ra hay ngã rẽ của những linh hồn trở thành mong manh muốn tìm về bến lặng.

Chỉ có hiếm hoi là trường hợp Ả-Hẩu của Đỗ Tốn (39) là còn nguyên vẹn hương vị nồng nàn của tâm hồn buổi lên đường và sự thất bại mới chỉ để lại vết cau trên trán. Cũng có thể với thành phần này, nỗi thất cơ chưa kịp bén rễ đe dọa lòng người hoặc con người có lúc muốn đánh đổi giấc mộng cánh bằng của tuổi thanh xuân năm xưa bằng một lãnh địa êm ả cho tâm hồn hướng vọng từ tháng ngày hiện tại. Chiều nay giở lại trang tình cũ. (40) Cách trở về của con-người-thất-bại này là nâng niu tâm hồn trong cố gắng níu giữ nét lãng mạn của thời vừa tàn cuộc. Câu chuyện về một nhóm thanh niên bơ vơ lưu lạc ở Quảng Châu vì thất bại sau cuộc đảng tranh, được sự giúp đỡ, bảo bọc đặc biệt khác thường nơi một phụ nữ bản xứ tên Ả-Hẩu, có ý nghĩa như tia nắng ấm áp hiếm hoi xuất hiện giữa thực tại bị bủa vây bởi bạo lực, âm mưu, tham vọng. Những người thất bại trên chưa có ý nghĩ thoát ra khỏi sự thu hút hay kiềm tỏa của guồng máy nhưng không để  bị dính dấp nhiều hơn. Có thể những rung động tiềm ẩn nơi tâm hồn hồi sinh đã khiến họ không đi xa vào thế giới chịu sự can thiệp bằng lý tính. Họ may mắn hơn để không bị vây bọc, quỵ ngã trong thất vọng chán chường như phần lớn những người lỡ vận. Hình ảnh dõi bóng người ở lại khi chia tay, dưới một khía cạnh, còn có ý nghĩa của việc tìm kiếm được cho mình một chốn nương tựa hay ký thác niềm tin nơi một giá trị cần thiết.

Đỗ Tốn và những người đồng hành với ông đã có được nơi tin cậy và niềm tin không rời bỏ họ.

Nét lãng mạn trở nên lạc loài giữa thế giới vây bọc chặt chẽ trong tín điều và lý trí nhưng đưa họ đến bình an trong tâm tưởng. " Tôi vẫn đứng lặng bàng hoàng nhìn bóng dáng nàng bềnh bồng đi vào bóng lá. Tôi mơ, hay tỉnh, tôi thấy đầu như hơi lảo đảo choáng váng, tôi có cảm tưởng như mình hơi say, như mình vừa mục kích một bóng Hồ-ly-tinh thực thực hư hư đi tan biến vào cảnh vật huyền ảo của đêm trường.. Tôi đứng lặng như thế rất lâu !.. mùi dạ hương vẫn sực nức thơm hắc rất gắt làm tôi ngây ngất." (41)

Thất-bại  trùm phủ tâm hồn và lẽo đẽo như chiếc bóng nơi người từng được trông cậy trong một thời kỳ đầy rẫy ngờ vực, ly tán. Sự kín đáo im lặng cũng là một cách bày tỏ riêng nhưng cái dằng co bên trong lòng vượt thoát ra như cách giải thích hoàn cảnh éo le của người  trở thành địa bàn tương tranh giữa ý muốn cá nhân và sự thúc đẩy của hoàn cảnh, thời cuộc. Thân chim mỏi cánh bay về tổ / kiếp ngựa tù chân lại nhớ đường. (42)

Như thế con-người-thất-bại trong Nhất Linh phức hợp hơn và thái độ xem như minh triết của người nhìn về cuộc tranh giành thế lực vừa qua, mà sự thể hiện phần nào trong Giòng Sông Thanh Thủy (Đời Nay,1961) chỉ là một mặt của tâm trạng lưỡng diện, không ngừng khắc  khoải về tình trạng đối lập thường xuyên của nó. Tình trạng đối cực đạt tới mức tương phản cực đoan nhưng sự suy đoán này chỉ dựa vào sự có mặt của một bên được hiện thân bằng cánh lan rừng và mùi hương huyền hoặc. Nó là thứ hạnh phúc của trạng thái không vọng cầu, không ràng buộc dầu hiểu được khó khăn của việc gián cách. Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần.(43)

Chín bóng dáng lan rừng trong trọn bộ mười một giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay là từng ấy hiện thân của tư tưởng vượt thoát mà chuỗi thất-bại đã qua là điều kiện để người thức giác.

Nhưng, hương lan rừng không là cách chỉ điểm nơi ẩn giấu sự thất-bại vì người ta có thể lần theo mùi hương để bắt gặp tâm hồn người.

Lan rừng và hương của nó là chất dẫn xuất vào ước mơ trước khi là môi giới giúp nhận ra một trạng thái tâm hồn. Không là bằng chứng của thoát ly mà là trạng thái trong đó thực tại phải ẩn thân hay lui bước. " Mỗi lần được thấy giò lan Thanh Ngọc nở trong rừng sâu và thoảng đưa hương thơm, tôi cũng tưởng mình gặp tiên thật và vì thế mới có hai câu thơ : sắc trong Thanh Ngọc hương thơm mộng / một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần. Có khi cùng đứng ngắm giò Thanh Ngọc ẩn hiện trong cỏ, bên bờ suối, hay rừng rậm, chúng tôi không biết mình đi kiếm hoa thật hay đang nằm mơ, nơm nớp sợ đó chỉ là "một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần" rồi lại biến lên tiên mất." (44) Thế giới ấy còn thật mơ hồ như chính tâm trạng người khi đến gần nó. Mâu thuẫn nội tại gia tăng mỗi khi người vươn được đến gần nơi mong muốn. Nên dường như không chỉ người đồng điệu cũng nhận ra nỗi khó khăn của việc đặt chân và cái mong manh của việc xâm nhập được vào cõi hoài vọng. Thái độ chông chênh này của người không liên quan đến việc ý thức được trọn vẹn  câu " lợi danh đà ngán chuyện phù vân" (45) mà chính là người không chấp nhận nó như quan niệm giải thoát dành cho kẻ thất cơ. Mối tương quan với thế giới mới thật hàm hồ khiến cái nhìn mỗi người đem theo tâm sự riêng của họ. Nó được mệnh danh là thứ tình vương giả theo Bùi Khánh Đản ( say sưa chi mấy tình vương giả.) Với Nhất Anh, cõi

vẫn còn là giả định và đượm vẻ vô thường ( mơ tiên một thoáng xuống đời) (46) nghĩa là người ta còn hoài nghi khi cần phải nhận diện nó. Còn người thi hữu T.T.A. mượn thơ xưa gọi nó là thứ hạc mộng trường - giấc mộng tiên dài - nghĩa là nằm ngoài vòng ý thức.(47)

Riêng với Nhất Linh, dường như đóa lan rừng ngát hương mới chỉ là tượng hình nét đan thanh của một thế giới mong manh như chính vật biểu trưng. Càng nâng niu thì càng thấy nỗi khó khăn của tâm hồn chưa tìm được sự an trụ. Sự hòa nhập giữa tiểu ngã với thế giới khách quan vẫn còn là nhận thức, một ước mong hơn là thực tế. Lòng nước lòng người tình bất tận / trôi về hòa lẫn đại trùng dương. (48) Tương tự ý nghĩa của việc tượng hình hạt muối tan trong bát nước trong Giòng Sông Thanh Thủy, một thực tại bao hàm lẽ tự nhiên diễn ra trong êm ả, bình dị.

Cõi Nhất Linh tìm kiếm có người liên tưởng đến một thứ Đạo thoát thai từ hương lan rừng. Nhận xét ấy vẫn là giả định về một ngã rẽ cần thiết đối với người thấy cần ruồng bỏ quá khứ. Quá khứ sẽ biệt tăm nơi chỗ rẽ này và thời gian sẽ không bồi đắp để trở thành thạch hóa. Như đã nói, những người-thất-bại như Nhất Linh không có ý định xem hương lan rừng là phần thưởng cho sự thoái lui trong khi mối dằng co nội tâm chưa ngã ngũ. Ảnh hưởng của sự phân cực vẫn đè nặng trong lòng dù chỉ là vết thương tâm cảm. Ly đình tiếng sáo chiều ai oán / người hướng Tiêu tương kẻ hướng Tần. (49)

Rút cuộc, hương sắc lan rừng trở thành thứ ly gián thực tại với ước mơ mà dường như chỉ một vài tri kỷ quanh mình mới mẫn cảm phát giác khi nêu thành nghi vấn. Cánh mỏi sao mong tìm bến gió ? / màu tươi đành ủ dưới màn sương. (50)

Chưa kể việc khơi lại tro tàn còn có thể nhen nhóm ngọn lửa hồi sinh như Bùi Khánh Đản đã làm khiến cho người ta có thể nghĩ rằng hương rừng bảng lảng bên hoa là phút lưu luyến sau cùng khi cuộc tranh chấp trong lòng chưa kết thúc. Vũ Hán, Tô Châu.. chuyện cũ rồi / ván cờ thành bại, thế nhân ôi / trăng lu biển rộng không lầm hướng / sao sáng trời cao khó định ngôi.(51)

Có thể Bùi không tin nơi khả năng dẫn dắt của loài hoa hoang dã cũng như nghi ngờ sự đề kháng sức thu hút của sự nghiệp, tình nhà vẫn gửi cung Hồi-nhạn / nỗi nước thường chênh khúc Quá-quan (52) cũng như từng xem thường thất bại hay cảnh thất cơ, cười ngất gieo (reo) thơ vào vận lạc / hào quang chợt tỏa giữa u minh. (53)

Loài lan rừng nơi  Đa-mê vẫn ngát một thứ hương cứu rỗi, an ủy linh hồn người vấp ngã nơi những thời điểm quyết định nên vì thế có thể người không xem hoa là mối duyên nợ đơn thuần như Bùi Khánh Đản từng giục giã. Say sưa chi mấy tình vương giả  / mà để lòng quên nợ bốn phương.(54)

Bên những tri âm không trọn vẹn vì có khác biệt, có thể  sự dằng co trong lòng người thêm quyết liệt vì thêm một lần nữa, quá khứ hiển hiện và trở thành thách đố. Người đi chốn ấy chừng sai lối / ta đến nơi đây đã lạc đường, hay cay đắng: khúc bi ca tiếp vận / dở dang: thiên lệ sử thêm chương. (55)

Sự gián cách sau đó với cõi hạnh phúc được đánh dấu trong biến cố 11.11.1960 chỉ là một thử thách cần thiết cho quan niệm sống mà người tạo lập. Người trở về không phải với dư hương của đám lan rừng sau cuộc thí nghiệm thất bại sau cùng mà để hiểu thêm cái giới hạn trong mọi hướng đi. Lý tưởng hay tôn chỉ dẫn đường, trước sau, nguyên vẹn là đường một chiều và càng đi càng thấy xa nhau.

Hương sắc lan rừng người tìm thấy là môi sinh của giao cảm và tương phùng giúp con người đồng điệu hội ngộ như Nhất Linh từng mong đợi. Cảnh tiên còn gặp người tiên / đôi lòng muôn thuở còn nguyên vẹn lòng. (56)

Không xem hương sắc ấy là một cách nhận diện tâm hồn người chìm lắng trong nỗi thua thiệt không tan, người ta sẽ hiểu rằng việc tiếp tục xây dựng ước mơ trong thất bại chính là sự vượt qua chúng.

 Ý nghĩa sâu thẳm của loài hoa được thế thân.

" Dáng hoa như ẩn dáng người " ( Nhất Anh)

Con đường vượt qua thất-bại dường như có lộ trình tương tự con đường dẫn đến thành công khi con người không để hoàn cảnh ép buộc hay dẫn dắt. Họ giữ lấy hướng đi như người lữ khách đường xa dè sẻn từng giọt nước bên mình như Nhất Linh có lần đem theo hương lan vào giấc ngủ như thể không thể xa rời, dù trong khoảng thời gian nhất định, thế giới vừa được ký thác.(57) Thế giới ấy không thu hẹp bên bờ con suối vắng nơi cây số 27 Fin-nôm hay nơi căn nhà gỗ cất dở dang mang tên loài hoa được nâng niu chưa trọn, Thanh-ngọc đình. (58)

Loài hoa lan rừng và hương thơm của nó chỉ kịp mang ký hiệu của một ước vọng kín đáo ngay cả trong giấc mơ của người gửi gắm. Hương lan chưa đi xa hơn bước chân người . Nó lẩn khuất và có thể  ẩn giấu một sứ mệnh khác biệt với vẻ thanh thoát của một thứ môi giới tâm hồn biết rung động.

Hương lan xê dịch trong ước mơ thay thế mọi thứ vọng cầu sau khi đưa người giáp mặt với biểu-tượng không-thực phổ quát nhất : tiên. Dáng hoa như ẩn dáng người / nụ hoa như ẩn nụ cười trong mơ. (59)

Dầu được ký danh là Thanh Ngọc, Bạch Ngọc, Thanh Hạc, Thanh Ngà, Cẩm Báo, Văn Báo, Nhất Điểm hồng, Hạc Đính, Bạch Hạc, Huyết Nhung.. chúng đều là sứ giả của một cõi tìm về mà vẻ mơ hồ lại chính là bản chất.

Dường như những người thường lai vãng nơi cõi thanh u với lan và sau đó bên dòng Đa-mê thường bị chính bầy lan huyễn hoặc và ngăn chặn lối vào. Bùi Khánh Đản, Nhất Anh (Lê đình Gioãn), T.T.A...đều nghĩ mối tình ràng buộc với lan đã hình thành một hình thức đoạn tuyệt tương quan giữa người với thực tại khách quan. Say sưa chi mấy tình vương giả / mà để lòng quên nợ bốn phương. (60) Họ hài lòng với nghi dung của loài hoa chúa tể cõi vong ưu nghĩa là chấp nhận tiền đề của con đường giải thoát hoặc phần nào mang ý nghĩa tương tự.

Nhưng, tìm quên không phải là cuộc chia tay dễ dàng với thực tại khi thất bại không phải là kết quả duy nhất trong cuộc phấn đấu nhằm ghi dấu sự có mặt có ý nghĩa với cuộc thế. Chỉ khi nào quên là điều tình cờ, người mới thiết tha trong tình tri ngộ, mới xem hương lan mở lối vào một cõi mơ mà bản chất không xa sự ly gián với thực tại khiến Nhất Anh không xem như giấc mộng bình thường. Chàng biết non Tiên dài Mộng HẠC / khách buồn chí lớn lụy Tình VƯƠNG / bướm ong ai dệt nên lời thế ? / vân vũ VU SƠN uổng đoạn trường!!! (61)

Hương lan rừng chưa phải là chốn tìm về mặc dầu có đủ sức quyến rũ của thăng hoa. Căn gác trọ trên lầu 2 nhà hàng Poinsard &Veyret  Đà-lạt đủ giữ một tầm mắt chơi vơi giữa nơi thị tứ. Ngôi nhà đá lạnh lẽo trên dốc đèo Prenn mù sương sớm huyền-hoặc như trang sách liêu-trai mở ngỏ, hay ngôi nhà gỗ dở dang như mộng ước của người chỉ lấy tri âm là tiếng suối Đa-mê, tất cả đều nhầm lẫn khi được đặt vào vị trí để hương lan rừng có thể thênh thang về lại với trăng ngàn. Khi ấy tâm hồn người đã đạt tới cảnh giới mong chờ và loài hoa sứ giả phải trở về nơi trích xuất. Có thể nào trong một nỗi nhớ se lòng, Nhất Anh  trực giác được cảnh cũ đã xa rời giấc mộng chìm đắm  bấy lâu. Tỉnh ra này cảnh Đa-mê / hương thơm còn đượm nước khe, hồn người ! (62)

Con suối nhỏ chở nặng tâm hồn người đứng chờ nó bên dòng. Nhớ người lòng suối Đa-mê gợn buồn. (63) Ở một thời điểm, có thể nghĩ rằng, đây không còn là lúc Nhất Linh nhớ người xa, mà là người nhớ về chặng đường tâm tư đã qua khi còn mượn cánh lan rừng và hương ngây ngất làm môi giới. Đa-mê sẽ là chặng chuyển tiếp sau cùng, trong giả thiết người đi hết con đường đã mong ước. Người ta tìm thấy nơi đây những thứ người xếp đặt như hành trang và những thứ cần bỏ lại và cả lược đồ của chốn dừng chân như là điểm đến. Ánh lửa bập bùng soi bóng quây quần trong đêm giao thừa duy nhất bên bờ suối năm 1959. Nhịp võng hững hờ như ngọn gió vô tình lật từng trang bản thảo viết lại nhiều lần Xóm Cầu Mới. Và cả chân dung những sứ giả của một cõi tiên - từ Thanh Ngọc đến  Cẩm Báo - được ghi lại từ nhan sắc của rừng sâu. Tiếng hắc tiêu não nùng như nhan đề dành cho một ước hẹn - Hẹn Một Ngày Về - nhưng tan tác như muốn chôn vùi một quá khứ. (64) Tiếng hắc tiêu không chỉ gợi ra việc lặp lại một giai đoạn giả trang, đối phó với những ngờ vực vây quanh mà còn như muốn đáp lại lời mời gọi một cảnh giới êm đềm như vọng tưởng. Âm thanh trong nhịp 3/4 Andante, từ non cao vời người rồi dắt người hội ngộ với nhan sắc của một cõi trữ tình có ái ân, luyến nhớ. Về đây trong hoa lá hỡi cánh chim giang hồ / về đây trong hương sắc thắm tươi say mơ... ...Tình xưa không vỡ bao giờ / mùa xưa còn thơm ngàn gió / chiều hè về trong sương khói mong manh / chờ người về trong hương thu trong xanh.(65)

Tất cả không phải là thứ mang theo. Chúng không dính líu trực tiếp đến chuỗi ngày xuôi ngược trầm luân trong toan tính của nước cờ nhưng là bóng dáng bước đi của nhận thức mới. Cả hương lan cũng cần ở lại. Cuộc lên đường lần này không cần những thứ trên đưa tiễn.

Những trang chép truyện Cô Mùi in trong số báo đầu Văn Hóa Ngày Nay 17.6.1958 (66) có ý nghĩa những tờ giấy bỏ trắng về mặt gửi gắm ký thác. Chẳng những truyện không nhằm cống hiến  một luận đề xã hội hay quan điểm gia đình mà những nhân vật chỉ là hiện thân của mối tương quan không giềng mối, không hẹn định, chẳng cưỡng cầu, giữa sự có mặt tình cờ như lạc loài vào một nơi chẳng còn gì vướng mắc. Như anh chàng phu xe tên Nhỡ trong đêm ngủ lại hàng cơm người góa phụ trẻ tên Hòa hay thằng Tý  nhà bác Lê với cái đắc ý lừa được chú heo về chuồng là những nét chấm phá đậm ý nghĩa của một cõi nhân sinh thanh khiết có sự ngự trị của bản năng mà không nhuốm tục lụy.

Người chẳng cần gì đem theo ngoại trừ tâm hồn luôn mở rộng cho ý niệm tuyệt đối.

Như đã trình bầy, tâm hồn người bên suối Đa-mê là nơi dàn trải những hướng về siêu nhiên và phi ngã. Cõi tiên hay người tiên chỉ là biểu tượng của một cách hình dung quen thuộc từng khiến ta lầm với cõi mộng giải thoát.

Vũ Hoàng Chương đã hình dung tương quan giữa Nhất Linh và thế giới tự tạo bên mình nhân khi người ra đi như một sự gãy đổ. Bướm trắng bay đi... Bầy lan run rẩy mộng / gai rừng khuya xé rách cánh bơ vơ. (67) Người ra đi biền biệt và cảnh giới người an định cũng phải thiệt thòi. Một cõi mộng đã không còn và con người bị xô ra ngoài thực tại nghiệt ngã.

Cũng có thể nghĩ rằng những thất bại năm nào làm nền móng cho thế giới này xuất hiện và vươn cao cũng là nguyên nhân xa gần khiến con người trở về với giới hạn thông thường của ý thức về hiện hữu. Con người không thể lần lượt đạt tới hai đối cực luôn luôn phủ định lẫn nhau như những giá trị đối lập. Lý tưởng cho đất nước mà Nhất Linh hoài bão nghịch hướng với thế giới cho cá nhân mà ông vọng cầu và tìm được an ủy. Thế giới ấy mới được hình dung mà chưa được đặt chân khiến cho Đa-mê chỉ có ý nghĩa của khoảng cách xa nhất tính từ nơi lưu dấu chuỗi ngày lưu lạc. Đa-mê không còn là bậc thềm của thế giới trông chờ khi vị trí của nó hôm nay được tính từ tọa độ của quá khứ.

Cõi mà Nhất Linh hướng về  - không phải chỉ từ bối cảnh triệt thoái nơi suối rừng Đa-mê mà có dáng nhiều hơn của một trạng thái tâm hồn nghĩa là thuộc về ý thức và tâm cảm.

Dường như có lúc Nhất Linh cũng cảm thấy tự hoài nghi về việc đạt tới cõi mà ông hướng vọng, một cõi lòng mở rộng cho hòa hợp, giao cảm và tuyệt không có sự đề kháng chối từ. Những dao động mạnh mẽ trong tâm hồn Nhất Linh mà đến người thân cũng không nhận thấy rõ nguyên nhân có thể là những lúc người bị thôi thúc quyết liệt phải đối diện với thực tại.(68) Hiểu như thế, Đa-mê là cố gắng biểu kiến sau cùng dứt khoát với quá khứ để tiến tới cõi vọng cầu trước khi cũng là thất bại cuối cùng trong mong ước đó.

Từ đấy, ta mới thấy những tâm hồn đồng điệu với người ít nhiều đã sớm nhận ra tính chất tạm bợ của một chốn dừng chân như Đa-mê với hương lan rừng vây quanh như cầm giữ vô vọng một tâm hồn bồn chồn vì dang dở. Thơ không viết cho lan mà vì người nên âm thầm đa nghĩa. Trăng trùm núi thẳm duyên xưa đượm / sắc ẩn rừng già nợ cũ vương. (69)

Thơ đôi lúc là sự chất vấn lòng về sự chung thủy dành cho một cõi thăng hoa mà không nhân danh quá khứ phiêu bồng. Ai về bến cũ sông Xuân ấy / ngắm hộ bông lan có đổi màu ? (70) Lan có thay màu hay tình người bên nó đã phai. Hay Nhất Anh - một người bạn lan -  đã có linh tính việc thời gian giục giã.

Mặc dầu Bùi Khánh Đản, sau này, tự nhận về trách nhiệm đã nhắc nhở bạn về một quá khứ chưa kịp thanh thỏa, mà để lòng quên nợ bốn phương, hoặc gián tiếp nhắc đến cái ngang tàng trong một giai đoạn cần có giữa lúc đi tìm cái đẹp ẩn náu trong cõi tịch mịch. Nhớ phen ném bút chôn tin tưởng / lửa đốt rừng hoang, tôi với anh. (71) Không ít người linh cảm khung trời Đa-mê không chứa đựng hết tâm sự của người trở về bên bầy lan rừng lặng tiếng. Nhưng chẳng ai có thể biết được tiếng thở dài dấu mình trong âm thanh chiếc hắc tiêu chiều chiều giao hưởng với suối buồn. Người bạn cùng thú chơi lan cũng không thể gạn hỏi hoa rừng giai điệu bất chợt như nghẹn lời chùng xuống. (72)

Trong tâm trạng có thể bắt gặp như thế, chỉ có gốc thông già cỗi bên đường trước cửa ngôi nhà đá đầu dốc đèo Đặng Thái Thân mang dáng vẻ người bạn đồng hành cùng sương gió năm nào là có thể gửi gió thay người tiếng reo bất tận của một thân phận dãi dầu. (73)

Trong trường hợp này, Nhất Linh đã chọn đối thoại với thiên nhiên, hay nói đúng hơn, cậy hoa rừng, lan rừng, thông rừng, suối rừng, trăng rừng...lên tiếng. Những trang dịch dở dang Đỉnh Gió Hú ( Wuthering Heights) dường như ngoài mục đích dẫn chứng cho sự bênh vực tính chất bền vững lâu dài của tác phẩm theo một quan niệm văn chương mà có thể còn được xem như hợp âm với tiếng gió rì rào không dứt quanh ngôi nhà bằng đá trong lũng sâu hoang tưởng. Khuôn cửa kính màu đêm mang ảo giác hoang đường của tuổi thơ lại có ý nghĩa của cái nhìn về vẻ hiu quạnh vây bọc từ một nỗi nghi ngờ. Nỗi cô đơn của người trên đường đời dường như được soi tỏ dưới ánh sáng thêm vàng vọt bên bóng đêm lộng gió. Nỗi cô đơn ấy đã giành lấy cây bút trong tay và đẩy người đi xa hơn vào vùng tìm kiếm.

Lũng sâu đầu đèo Prenn tuy khuất nẻo vẫn là nơi pha trộn giữa ước mơ với thực tại, giữa cách ly tự nguyện với thoái lui miễn cưỡng. Cô đơn là ý thức về thực tại. Người chưa thoát ra khỏi việc ám ảnh vây bọc này nên hình bóng và hương lan rừng chỉ làm trọn điều giải muộn và được đền đáp bằng những âm thanh chắt lọc từ hơi thở. (74) Như hoa Mặc Lan không thể khiến hương của nó giấu mình trong đêm, người cần đi xa thêm trước khi nỗi hoài nghi lớn dần và dấu chân thực tại theo bén gót. (75)

Sáng sáng đánh thức bầy lan bằng âm thanh. Chiều chiều vỗ về chúng bằng hơi thở giai điệu. Cõi huyền ảo ấy vẫn là một thế giới cách điệu của ngậm ngùi đổ vỡ. Trong hương lan mộc mạc lại phảng phất hương trầm của tưởng tiếc. Mỗi sớm, người đón nắng mai về với lan như thể gieo mình vào ánh sáng. Thung lũng cao nguyên Prenn hiến cho mọi người, cho người cháu Thế Uyên, một mẫu đất thánh bình an trong quên lãng. Với người, khung cảnh ấy lại khiến người hoài nghi chính mình về năng lực đón nhận, được phỏng ước trong câu thơ tình cờ. Người đi chốn ấy chừng sai lối / ta đến nơi đây đã lạc đường. (76)

Những người bạn tâm giao qua hương lan rừng, chỉ có thể thoáng ngờ vực về cõi mà họ giao tiếp dầu còn ẩn khuất như trong đám sương mù dầy đặc của tình cờ. Người ta không khỏi ngạc nhiên trước sự kiện mà họ tưởng là một kết thúc trong bước lùi xuất thế. Ai đưa tôi đến chốn này / rừng sâu thấy cánh lan gầy mà thương. (77)

Những người của thế hệ thất-bại đã qua thường tự đánh đắm mình trong ngọn triều vô vọng. Phút chiêu hồn bạn cũng là lúc tự vỗ về chiếc bóng bảng lảng của quá khứ lây lứt với tháng ngày còn lại của người chiến sĩ cũ  Bùi Xuân Uyên. Muốn say ta uống đến giờ chưa say / gọi hồn bình nhật / đồng chí nào đây / không hương ta đốt lòng này tạ nhau. (78) Hoặc là lấp đầy ngày tháng bằng sự trống rỗng hoàn toàn của tâm hồn và tư tưởng như một nhân vật tiêu trầm trong Ung Thư của Thanh Tâm Tuyền. (79)

Nhưng, những đóa lan rừng đã tạo nên ảo giác đối với những người chung quanh về một cõi mà chính ban đầu Nhất Linh có thể cũng không hoài nghi về khả năng mời mọc. Văn hữu mơ lan để lạc đường. (80)

" Tòa nhà của ông Hy lấy tên là Đỉnh Gió Hú: sở dĩ gọi "gió hú" vì những khi trời bão, gió lồng lộng hú lên trong tòa nhà đó. Trên mỏm cao ấy chắc quanh năm không khí trong lành, Người ta biết ngay gió bấc trên đó thổi rất mạnh vì những cây thông cằn mọc ở đầu nhà nghiêng hẳn về một phía và một dẫy cây gai chĩa cành về một bên như muốn rướn ra đớp lấy ánh sáng mặt trời. Cũng may tòa nhà xây cất chắc chắn, cửa sổ hẹp thụt sâu vào tường và có viền đá nhô ra để chắn gió." (81)

--------------------------------

Đỉnh Gió Hú trên trang sách dịch đã có hiện thân bằng chính ngôi nhà bên dốc đèo hằng đêm kể lể thân phận bằng tiếng gió. Qua khúc quanh cuối của một chuỗi bẩy-mươi-chín khúc quanh trên đường đèo Prenn, rồi men theo con đường nhỏ bên tay phải không kém quanh co, lổn nhổn cuội và đá thì bắt gặp một trong những kiểu thức mẫu mực kiến trúc phương Tây chơ vơ với hai cội thông khắc khổ bên đường.  Ngôi nhà như cố bám lấy triền cao thung lũng để cho tầng trên được ngang vai với mặt đường. Hai cặp mái chen nhau ngang dọc dốc ngược như muốn trút cạn ánh trăng rừng xuống lớp lá rụng. Sau nhà, giàn su chĩu trái xanh ngọc thạch bên những ngọn non tuôn ra mơn mởn, vừa là dấu hiệu không phải căn nhà hoang vừa tương phản với một vùng cỏ áy, xen lẫn bụi ngũ sắc cằn và hàng rào gỗ rời rạc chắp vá. Nhưng chốn u tịch không phải là nơi thực sự bình yên khi người còn bị đánh thức vì những liên tưởng với ngoại giới. Đêm đêm gió vặn mình dọc theo vách tường đá hoa cương trước khi gieo xuống thung lũng ngàn thông. Âm vọng lại chỉ là tiếng hú tựa như ngậm đắng. Nhất Linh dưới ánh đèn cúi xuống trang sách hiu quạnh như chính lòng mình đang khép lại. Chốn người mơ về trống vắng như khoảng không nhưng không quạnh quẽ bơ vơ như thế. Bầy lan rừng trốn tránh nơi đây bỗng chốc thành những vật che chở cho người. Người nhanh chóng nhập bọn sống chung với lan rừng thay vì chỉ xem là những người dẫn lối. Họ - người và bầy lan - cảm hóa lẫn nhau và đôi lúc ngỡ rằng lan rừng thắng thế. Say sưa chi mấy tình vương giả. Người ở lại bên lan trong ý nghĩa không bước xa hơn vào cõi đang tìm kiếm, chốn mà người đã phác họa bằng ước mơ và trực giác chứ không bằng rung động của cảm giác của tâm hồn trong trinh như đối với bầy lan hoang dã.

Thung lũng ướt sương đêm dưới kia sẽ được ban mai trút đầy ánh sáng nhưng giờ đây chìm trong tối đen ngờ vực. Thung lũng hồng mà người đời ký danh cho nó chỉ phản chiếu cái nhìn trong trẻo nơi những người trẻ tuổi ngoài cuộc. Gọi gió lên thung lũng hồng mây trôi bềnh bồng  / hạt nắng lung linh tím dần mong manh thu vàng. (82)

Ngôi nhà số 19 mang đến huyễn tưởng của tuổi trẻ nhưng với người trải qua sương gió lại là thách thức với quá khứ mang theo và chưa dễ gì rũ sạch.(83) Bầy lan hoang dại giúp gì người trong những nửa đêm thức giấc. Ban ngày người có gốc thông già trước cửa làm bạn cùng một nỗi cô đơn trong thân thế dãi dầu - vẻ đẹp khắc khổ nhưng tiêu sái của tâm hồn - mà dường như chỉ có người cháu Thế Uyên nhận thấy. (84)

Nơi cư trú đầu đèo dường như lại khiến người thêm đăm chiêu trong cô quạnh vơi đầy. Thực tại mà người cố tình đẩy lui trong bản thảo cuốn sách viết từ 17 năm trước - 1940 tại Hà-nội - giữa lúc còn là điều mời mọc, nay không là sự thực dễ dàng ruồng rẫy như mối cô quạnh vây quanh ngôi nhà số 19. Người sống trong sự tin tưởng nhiều năm về một chủ kiến văn chương nhưng thực tại vẫn tiếp tục diễn ra trong những giới hạn sẵn có.

Cõi riêng của người được hương lan rừng vây quanh nhưng thực tại không ngừng chất vấn sự có mặt của nó. Việc người đoạn tình với chặng đường lưu lạc rốt cuộc cũng tương tự  thái độ cực đoan của một nhà văn khi muốn ly khai một hướng sáng tác.

Ngôi nhà đầu dốc thực tế không còn là nơi ẩn cư khi người còn cảm thấy cần một nơi cách biệt, quên lãng. Mộng đã qua rồi, hoa còn đây. (85)

Nơi sống và cõi riêng được người chăm chút - hiểu theo trọn nghĩa - lại là nơi khó thêm nấn ná. Bầy lan được kiều dưỡng bên mình nhưng chỗ đứng vẫn là nơi dành cho hàng tân khách.(86) Không gian huyền-hoặc làm se lòng người ngoài cuộc như cảm thông hơn là làm hài lòng họ về bầu khí thoát ly nơi "giang sơn" của chủ nhân. Gió đêm len lỏi qua tầng gác xép đem cái hoài nghi của thế giới bên ngoài đến với cả bầy lan được phép nhập cư. Rồi bóng đêm tiếp tục đồng lõa với cô đơn vây bọc người có khiến lan rừng thổn thức trong mơ. Từ đây xa sông bến / thuyền lướt theo trăng ngà / trời đầy sương lạnh lẽo / có ai bơ vơ.(87)

Tiếng hắc tiêu dành cho bầy lan bấy giờ thực ra là tiếng tự nhủ lòng về một quá khứ chưa nguôi, về một mạch sầu chưa dứt.(88) Ngày về đã hẹn, bên đường đã thấy lan rừng chào đón.

Hai năm trước, khi vượt 8 cây số rưỡi đường đèo để vào lòng Đà-lạt, gặp mặt gần như hàng ngày chiếc hồ chở một mùi hương - Xuân Hương, người đã thêm một lần thử thách lòng mình với quá khứ. (89) Với người, chốn cao nguyên này còn giữ chiếc gương dấu kín hình bóng những ngày đương đầu quyết liệt với thực tại của tháng tư, tháng 5 năm 1946.  Ngọn tháp trường Yersin nhô lên từ xa giữa cận cảnh không gian xanh của hồ và rặng thông mà từ  khách sạn dành cho người trưởng đoàn phó hội năm xưa có thể thấy được trong bồn chồn, nay lại được nối liền bằng tầm mắt và bước chân của người muốn tìm quên. " Đôi mắt to nhưng ra vẻ mệt nhọc hay chán chường "  trong hội nghị năm nào dường như vẫn là dáng vẻ hôm nay của người muốn đóng vai kẻ hành hương dĩ vãng.(90)

Không chỉ căn phòng trọ số 17 đường Yersin chỉ cách Hotel du Parc của người trưởng đoàn có mấy lòng đường mà từ ngôi nhà đá Đặng Thái Thân qua lữ quán chẳng-ưu-phiền ( Hotel sans souci) rẽ trái là đến nơi trú của những ngày phó hội.

Người về Đa-mê vào tháng 10-1957 như bút tự đánh dấu ngày viết lại Xóm Cầu Mới bên dòng suối (13.10.1957) hay ngày ghi lại nhan sắc loài thổ lan ông yêu quý nhất, lan Thanh Ngọc ( 28.10.1957.) Tất cả đều ghi lấy dòng Đa-mê như làm chốn luân lưu cho hoài vọng mới của tâm hồn. Đến Đa-mê, có thể người muốn đi xa hơn hay chỉ là để dứt khỏi nơi ám ảnh của cô đơn ít ra là những đêm tiếng gió vi vu khi đối bóng. Ở đây, thiên nhiên hòa nhập hơn và hơn thế, thay lòng người tạ khách. Nhớ người lòng suối Đa-mê gợn buồn. Đa-mê vượt khỏi nơi trú chân và tưởng như là chỗ đặt những bước sau cùng trước khi đến một nơi tương tự hòa điệu với cái không.

Nhưng người ta không thể xác tín về mức độ tín hiệu của loài hoa nơi Đa-mê như họ thường không mấy khó khăn gửi lòng vào tiếng suối hay mây ngàn những nơi đặt chân đến.

Lan Thanh-Ngọc, loài sứ giả được người gửi gắm hơn cả, là loại thổ lan từng lạc loài bên suối vắng, từng được hiện thân trên nét vẽ và thơ đề, phải là ước vọng của tâm hồn vô nhiễm ngay cả khi bị cuốn hút vào guồng máy của âm mưu và quyền lực. Hiện ra trên giấy,  loại lan mảnh mai, lá như mũi kiếm, hoa óng ả nhàn nhạt sắc vàng chanh, cánh xếp quanh như ngôi sao lạ. Nét trong trinh tâm hồn được hiện thân sau này trong hai nhân vật Thanh và Ngọc trong Giòng Sông Thanh Thủy (28.11.1960 - 8.01.1961) là cách biện bạch cho một lớp người trước sự lựa chọn ngang trái với bản chất.

Lan được mệnh danh là tiên. Mơ tiên một thoáng xuống đời. Người cũng tự ghép mình vào cõi này như một cách liên kết ước mơ với thực tại.

Như đã nói, lan chỉ là sứ giả dẫn đường, không phải con đường hay là đạo như những người lầm lẫn trong cách nhận diện không gian bị chúng huyễn hoặc.

Dường như phần nào Đa-mê đã dứt người ra khỏi cô đơn hay nói đúng hơn, nhận ra cái vô nghĩa của tác động khách quan khi ta dửng dưng trước hết thảy. Ngoại vật không còn ám ảnh hay đe dọa người khi tương quan giữa chúng và người chỉ là ảo giác của người trong cuộc. " Tâm hồn luôn luôn phiêu phiêu trong một niềm vui, mình cảm thấy niềm vui ấy như không bao giờ  hết nữa và hơi rờn rợn sợ có cảm tưởng rằng cái gì cũng không thật, đời sống chỉ là mơ, niềm vui ấy  chỉ là mơ.(...) Và cả vũ trụ này nữa khi đến ngày tận thế chắc cũng vậy, cũng biến thành một niềm vui để rồi cứ thế mà hòa loãng và tan dần đi trong cái mênh mông của hư vô. Không có sự chết và không có sự sống. Mà cả đến cái hư vô nữa, cũng không có." (91).

Có thể khi nghiêng mình bên bờ suối vốc bụm nước trong, người nhận ra lẽ dịch biến, tuần hoàn của vạn vật. Như hương lan, tiếng tiêu, dòng suối đều hòa nhập, thấm nhuần hay tan loãng vào không gian, chẳng đọng lại, chẳng đóng băng như tâm trạng người luân lạc.

Giây phút ngắn ngủi tao ngộ với điều vừa tìm kiếm được lại long lanh hiện về khi người có dịp đặt bút như thể chiêm nghiệm lại cảm giác mới của lần dấn thân sau cùng. " Thế là hoa đã biến vào vực thẳm. Lúc nãy tôi muốn nhẩy xuống là để biết vực thẳm, hư vô ra sao, chắc cũng có thú của một hạt muối tan trong nước..." (92)

Giòng Sông Thanh-Thủy, như thế, là lời cuối cho cuộc đi tìm chân lý của một bên mà Nhất Linh thường cáo giác vẻ hoang đường của nó. (93) Cạnh đó, có thể nào, cuộc trở về  mang màu sắc chính trị ấy lại có ý nghĩa của cuộc trắc nghiệm ý thức tìm lại thực tại trong tự nguyện mà không là bị cuốn hút.

Tiếng suối, hương lan, nhịp võng không làm người nguôi được bồn chồn, thấp thỏm như mong ngóng. (94)

Như thế, dòng suối Đa-mê ít nhiều đã dẫn dắt khơi nguồn cho giòng sông thanh-thủy về một ý thức về cuộc đời, điều mà Nhất Linh luôn nhắc đến trong nỗi quan hoài của người chờ đợi. Nhớ người lòng suối Đa-mê gợn buồn.

Rốt lại, Đa-mê đã phụ rẫy bầy lan rừng. Người luân lưu giữa hai đối cực như để khỏi phụ lòng mình trong lúc vẫn không hoài nghi về một cõi trong trinh dành cho tâm hồn vừa để dành cho loài hoa tỏa hương bên suối.


Chú thích :

 (33) Mai Thảo, Người Đồng Chí Cũ, Văn, số 7, 1.4.1964, tr. 77.

(34) in trong Văn, số 37, 1.7.1965 dưới tên Nguyễn Đăng, một bút hiệu của Mai Thảo dùng trong các bài điểm phim trên tuần báo Điện Ảnh.

(35) " ...cuộc đời thoi thóp ấy chỉ còn là cái lạnh tanh rùng rợn của một cái chết dần mòn." ( Nguyễn Đăng, Chuyện Một Người Mà Nhất Linh Là Thần Tượng, Văn, số 37, 1.7.1965, tr. 87.)

(36) Nguyễn Đăng, sđd, tr. 91.

(37)  Nguyễn Đăng, Chuyện Một Người Mà Nhất Linh Là Thần Tượng, Văn, số 37, 1.7.1965, tr. 93.

(38) Căn gác Hàng Đàn là nơi một số phần tử trong nhóm Hưng Việt gồm Đỗ Đình Đạo, Bùi Tất Cường, Nguyễn Gia Trí... tụ tập làm báo Việt Nam chống lại tổ chức Việt Minh trong giai đoạn có cuộc đảng tranh năm 1945 ( Bùi Xuân Uyên,  Khóc Hưng Việt Và Các Đồng Chí Cũ, Bách Khoa, số 359, 15.12.1971, tr. 74.

(39) nhan đề một truyện ngắn của Đỗ Tốn khởi đăng trên giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay, tập 9 ( giấy phép ngày 23.01.1959 tại Sài gòn) và kế tiếp trong tập 10 ( gp 18.3.1959) và tập 11 ( gp 16.5.1959.) Trong tập 9, nhan đề truyện và trong truyện ghi là " Ả-Hầu."

Đỗ Tốn (1921-1973) tên thật Đỗ Đình Tốn, sinh quán tại Vĩnh Yên, là em ruột Đỗ Đình Đạo, và là tác giả tập truyện Hoa Vông Vang ( Đời Nay,1945 ) do Nhất Linh đề tựa. Ông còn là một thành phần hoạt động mật thiết trong tổ chức  Đại Việt Dân Chính của Nguyễn Tường Tam từ khi lẩn  trốn sang Trung Hoa lần đầu.

Theo GS Trần Huy Bích, thì  " thực ra hai ông ( Đỗ Tốn và Đỗ Đình Đạo ) là anh em con chú con bác (cùng là cháu nội cụ Đô thống Đỗ Đình Thuật). Ông Tốn nhỏ tuổi hơn, nhưng lại là vai anh của ông Đạo (1911-1954)."

(40) một trong hai câu thơ đặt trên đầu truyện: chiều nay giở lại trang tình cũ / ta viết ra  đây một quãng đời.

(41) Đỗ Tốn, Ả-Hẩu, Văn Hóa Ngày Nay, tập 11, gp 16.5.1959, tr. 67.

(42) Theo T.T.A. trong phụ chú bài thơ Lời Hoa Lan Gửi in trên  Văn Hóa Ngày Nay, tập Xuân ( gp 5.01.1959), trang 188, đây là 2 câu tức cảnh của Nhất Linh về cuộc đời phiêu lưu khi đi khi về của mình.

(43) thơ Nhất Linh vịnh lan Thanh-Ngọc ( Văn Hóa Ngày Nay, tập 2, gp 29.5.1958, tr.195.)

(44)  Nhất Linh, Mấy Lời Về Lan Thanh Ngọc, Văn Hóa Ngày Nay, sđd, tr. 195.

(45)  T.T.A., Tặng Nhất Linh Trở Lại Làng Văn, Văn Hóa Ngày Nay, tập 7, gp ngày 8.11.1958 và 4.12.1958, tr. 80.

(46) Nhất Anh, Hoa Lan Rừng Đa-Mê, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, gp 5.01.1959, tr. 194.

(47) " Thơ xưa gửi tặng người hoa hữu / "trần mộng na tri hạc mộng trần" trong bài Lời Hoa Lan Gửi của T.T.A. in trong Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, 5.01.1959, tr. 188.

(48) Nhất Linh, Bên Suối Vàng, Văn Hóa Ngày Nay, sđd, tr. 9.

(49) Nhất Linh dịch bài thơ Hoài Thủy Biệt Hữu của Trịnh Cốc, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, sđd, tr. 7.

(50) T.T.A., Lời Hoa Lan Gửi, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, sđd, tr. 188. Theo lời chú, hai câu trên để  đáp lại 2 câu thơ tức cảnh về cuộc đời mình của Nhất Linh, " Thân chim mỏi cánh mong về tổ  / kiếp ngựa tù chân lại nhớ đường."

(51) Bùi Khánh Đản, Thành Ý, Văn Hóa Ngày Nay, tập 11, gp ngày 16.5.1959, tr. 83.

(52) Bùi Khánh Đản, Nghe Đàn, Văn Hóa Ngày Nay, tập 7, gp ngày 8.11.1958 và 4.12.1958, tr. 69.

(53) Bùi Khánh Đản, Bài Thơ Đập Chén, Văn Hóa Ngày Nay, tập 7, tr. 32.

(54) Bùi Khánh Đản, Đề Hoa Phong Lan, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, gp 5.01.1959, tr. 191.

(55) Bùi Khánh Đản, Thu Dĩ Vãng, bài 2, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, tr. 70.

(56) Thơ Nhất Linh đề bức tranh ngoại bản Cúc Xưa, tranh bìa giai phẩm Xuân Văn Hóa Ngày Nay 1959.

Tranh Nhất Linh vẽ chậu cúc do Hoàng Đạo mua về bày Tết trong thời gian lưu lạc ở Quảng Đông năm 1940 ( sđd, tr. 188.)

(57) " có lần được cụm Thanh Ngọc nở hoa đẹp, tôi đã bưng cả chậu lan vào màn và nằm ngủ với lan suốt một đêm... " ( Nhất Linh, Lan Thanh Ngọc, Văn Hóa Ngày Nay, tập 2, tr.195)

(58) Suối Đa-mê, nơi Nhất Linh họa kiểu và dựng ngôi nhà gỗ mái tranh  ở cây số 27 thuộc quốc lộ 20 trên đường Sài gòn-Đalat, đi sâu vào trong khoảng 1 km. Ngôi nhà - mới chỉ có mái và bộ sườn - sụp đổ trong một trận giông vào một đêm sau tết  Kỷ Hợi 1959. ( Nguyễn Tường Thiết, Thanh Ngọc Đình Tết Xưa, in trong Nhất Linh Cha Tôi, Văn Mới, California, 2006)

(59) Nhất Linh, Lan Thanh Ngọc, Văn Hóa Ngày Nay, tập 2, tr. 195.

(60) Bùi Khánh Đản, Đề Hoa Phong Lan, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, 5.01.1959, tr. 191.

(61) Lê-Đình, Tặng Nhất Linh, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, 5.01.1959, tr. 201.

(62) Nhất Anh, Hoa Lan Rừng Đa-Mê, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, 5.01.1959, tr. 194.

(63)  Câu thơ trên ( ghi thêm ngày 19.1.1959) cũng được Nhất Linh đề dưới bức tranh suối Đa-mê do ông vẽ và treo trong căn nhà ở tạm trong khu vực suối Đa-mê ( Nguyễn Tường Thiết, Thanh Ngọc đình - Tết xưa, in trong  Nhất Linh Cha Tôi, Văn Mới,  California, 2006, tr.275.

(64) Bản nhạc Hẹn Môt Ngày Về của Lê Hữu Mục, Tinh Hoa, Huế, 1955. Thời gian Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn gia Trí bị an trí tại Vụ Bản, Nhất Linh gia nhập Orchestre Amateur của Lê ngọc Huỳnh để che mắt mật thám theo dõi. Trong ban nhạc này Lê Hữu Mục ( tác giả Hẹn Một Ngày Về),Thẩm Oánh chơi saxophone, còn Nhất Linh chơi hắc tiêu ( clairinette) ( Nhật Thịnh, Chân Dung Nhất Linh, bản in lại của Đại Nam, tr. 134-135)

(65) ca từ Hẹn Môt Ngày Về của Lê Hữu Mục, Tinh Hoa, Huế, 1955. Nhất Linh rất thích bản nhạc này và thường chơi.

(66)  tập 1 Văn Hóa Ngày Nay là tập duy nhất ghi ngày xuất bản trên trang bìa, những số kế tiếp không ghi như trên.

(67) Vũ Hoàng Chương, Nhịp Cầu, Văn, số 14, 15.7.1964, .82.

(68) Theo lời kể của Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh nhiều khi khóc vào ban đêm nhưng " không ai có thể đoán biết ông khóc cái gì, ngay cả mẹ tôi cũng không thể nào biết được. Nhưng sự khám phá này đã gieo vào tuổi thơ của tôi ấn tượng mạnh mẽ, rằng cha tôi là một người cô đơn và đau khổ." ( Võ Phiến, Đọc Bản Thảo Của Nhất Linh, Thế Kỷ 21, số 159, tháng 7.2002, tr. 16.)

(69) Nhất Anh, Đề Hoa Phong Lan, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, 5.01.1959, tr. 191.

(70) Nhất Anh, Xuân Đã Về Rồi, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, tr. 117.

(71) Bùi Khánh Đản, Lâng Lâng, Văn Hóa Ngày Nay, tập 11, gp 16.5.1959, tr. 81. Câu trên ghi lại kỷ niệm một đêm Nhất Linh rủ ông vào rừng đốt lửa tìm loài lan quý ( Khóc Bạn, Văn, số 14, 7.7.1964, tr. 85.)

(72) " Chúng tôi tôn trọng cái không khí thanh bạch, cao quí, thần tiên của cuộc chơi kỳ thú của khung cảnh núi rừng hùng vĩ, của những đóa hoa sơn dã, của giòng suối trong xanh và niềm vui hồn hậu của những tâm hồn bạn. Tuy nhiên những lúc ngồi bên bờ suối, nghe anh Tam thổi hắc tiêu, tôi không khỏi xót đau, thắc mắc. Anh Tam quên sứ mạng của anh rồi ư ?" ( Tô Kiều Ngân, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam Thổi Kèn Giữa Rừng Lan, dẫn trong Chân Dung Nhất Linh, Nhật Thịnh, bản in lại của Đại Nam, tr. 158.)

Tô Kiều Ngân, Đỗ Tốn.. là mấy người thường cùng Nhất Linh đi tìm lan ở vùng rừng suối Đa-mê và vùng lân cận Đàlạt vào dịp cuối tuần.

(73) Theo Thế Uyên, Nhất Linh rất thích cây thông trước nhà này, " ngồi ngắm hàng giờ. Bảo nó có một vẻ đẹp tuyệt hảo." ( Thế Uyên, Người Bác, Văn, số 14, 15.7.1064, tr. 59.)

(74) " Buổi chiều, ngồi trên thành cửa sổ trên lầu ngắm sương mù bốc từ thung lũng lên, tôi nghe thấy tiếng hắc tiêu từ phòng khách phía dưới âm điệu buồn điệp khúc bản  Je vais à ton marriage. " Cậu tôi thổi cho lan nghe đấy.." (Thế Uyên, Người Bác, Văn, số 14, 15.7.1964, tr. 62.)

(75)  Mặc lan hoa đen như mực nhưng " mùi hoa ban đêm tỏa xa vô cùng" ( Thế Uyên, Người Bác, Văn, số 14, 15.7.1964, tr. 62.)

(76) thơ Bùi Khánh Đản họa vận, Thu Dĩ Vãng ( bài 2), Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, 1959, tr. 69.

(77) Nhất Anh, Hoa Lan Rừng Đa-mê, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, 1959, tr. 194.

(78) Bùi Xuân Uyên, Khóc Hưng Việt Và Các Đồng Chí Cũ, Bách Khoa, số  359, 15.12.1971, tr.74.

(79) Thanh Tâm Tuyền, Ung Thư, Văn, số 41, 01.9.1965, tr. 95.

(80) Lê Đình, Tặng Nhất Linh, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, 1959, tr. 201.

(81) Nhất Linh, Đỉnh Gió Hú, Văn Mới, California, 2007, tr. 22.

Theo Nguyễn Tường Thiết, bản dịch khởi sự vào ngày 19.12.1950, tiếp tục vào những mốc thời gian 27.6.1960 và 18.1.1962 và chưa hoàn tất. Sơ bản do nhà Phượng Giang in năm 1974 với phần dịch tiếp của Trương Bảo Sơn. Ấn bản 2007 do Nguyễn Tường Thiết dịch tiếp phần còn lại và đánh máy lại bản thảo cũ.

( Nguyễn Tường Thiết, Dịch Giả Nhất Linh 1906-1963 Và Đỉnh Gió Hú, Đỉnh Gió Hú, phần đầu sách.)

(82) Thung Lũng Hồng, nhạc và lời ca của Phạm Mạnh Cương.

(83) Theo Nguyễn Tường Thiết và người chị, ngôi nhà trên có ma." Nó hiện ra sau cái cửa sổ kính kia vào môt đêm mưa bão. Đêm ấy nơi cửa sổ kính lóe lên một lằn chớp. Tôi thấy sau những giọt nước mưa chạy ngoằn ngoèo trên mặt kính là khuôn mặt tái nhợt ướt át của một cô con gái ở ngoài nhìn trừng trừng vào trong." ( Nguyễn Tường Thiết, Dẫn Vào Gió Hú, lời đầu tập Đỉnh Gió Hú, Văn Mới, California, 2007, tr.15.)

(84) Thế Uyên, Người Bác, Văn, số 14, 15.7.1964, tr. 60.

(85) Nguyệt Kiều Khanh, Văn Hóa Ngày Nay, tập 7, tháng 11&12.1958, tr. 87.

(86)  Phòng khách ngôi nhà là " giang sơn " của Nhất Linh, ông bầy lan đầy phòng và  giữ gìn thật sạch sẽ. " Mỗi tháng một lần tôi thấy ông cụ bò trên sàn nhà lấy giẻ bôi xi-ra đánh bóng từng phiến gỗ một" ( Nguyễn Tường Thiết, Dẫn Vào Gió Hú, lời đầu tập Đỉnh Gió Hú, Văn Mới, California, 2007, tr. 14.)

(87) Hẹn Một Ngày Về, nhạc và lời ca của Lê Hữu Mục, Tinh Hoa, Huế, 1955.

(88) Theo Nguyễn Tường Thiết, vào một ngày cuối tuần ở Đàlạt đang chơi hắc tiêu bài Hẹn Một Ngày Về thì tác giả bản nhạc ( Lê Hữu Mục) từ Huế vào. Ông đã đưa ông Mục đến suối Đa-mê gặp Nhất Linh. Ông Mục lưu lại đây trò chuyện và lấy tài liệu để viết cuốn Thân Thế và Sự Nghiệp Nhất Linh ( Nhận Thức, Huế, 1958) ( Nhất Linh Cha Tôi in trong tập truyện cùng tên, Văn Mới, California, 2006, tr. 28.) 

(88) Ở Đa-mê, Nhất Linh trú trong một ngôi nhà nhỏ trên khoảng đất mới mua bên bờ suối, không điện nước. Trước sau, ngôi nhà ông tự tay vẽ kiểu và dựng lên gọi là Thanh-Ngọc đình bị giông gió làm sụp đổ vào đầu năm 1959 và chẳng bao giờ hoàn thành. ( Nguyễn Tường Thiết, Thanh Ngọc đình - Tết Xưa, in trong Nhất Linh Cha Tôi, Văn Mới, California, 2006.)

(89) Cũng theo Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh thích đi bộ, ngày cả chục cây số. Mỗi sáng từ nhà trọ ở 12 Yersin ( nhà hàng Poinsard & Veyret), ông xuống khu chợ Hòa Bình ăn điểm tâm, rồi đi vòng đến bờ hồ Xuân Hương, vượt qua mấy ngọn đồi đến tận hồ Than Thở. ( Nhất Linh Cha Tôi, Văn Mới, 2006, tr. 20.)

(90)  Câu mô tả Trưởng đoàn Việt Nam Nguyễn Tường Tam tham dự hội nghị sơ bộ Việt-Pháp tại Đà lạt trong hồi ký của Hoàng Xuân Hãn, Một Vài Ký Vãng Về Hội Nghị Đà-Lạt, tập san Sử Địa, số đặc khảo Dalat,  xuân Nhâm Tý,1971, tr.221.

(91) Nhất Linh, Lòng Tiên Khi Đắc Đạo, Văn Hóa Ngày Nay, tập 4, gp 16.8.1958 và 9.9.1958.

(92) Nhất Linh, Giòng Sông Thanh Thủy - Chi Bộ Hai Người, Văn Mới, California, 2003, tr. 225

(93) Nhất Linh ghi ở trang đầu sách câu của Pascal, " Vérité en décà des Pyrénées, erreur au delà " ( Bên này dẫy núi Pyrénées là sự thực, bên kia là sai lầm)

(94) Trong dịp đón Tết năm 1959 ở vùng suối Đa-mê, Nhất Linh có nói với bác sĩ Nguyễn hữu Phiếm việc ông mắc chứng " hồi hộp không duyên cớ, lúc nào cũng ở tâm trạng y như người sắp sửa đi thi." ( Nguyễn Tường Thiết, Thanh Ngọc Đình Tết Xưa, trong Nhất Linh Cha Tôi, Văn Mới, 2006, tr. 276.)

TRẦN MẠNH TOÀN