Sunday, September 29, 2024

Trần Huy Bích: GÓP PHẦN GIẢI ĐÁP MỘT NGHI VẤN LIÊN QUAN ĐẾN “CANH GÀ THỌ XƯƠNG”

 

Một người bạn vừa chuyển cho người viết những dòng này một bài đáng chú ý của nhà báo Đặng Minh Phương, đăng trên báo điện tử Phú Yên online từ ngày 13-2-2013. Đặng Minh Phương là một nhà báo lão thành, đã có danh vọng ở trong nước. Trong bài, ông nêu lên một nghi vấn:

“Như vậy, canh gà Thọ Xương là món canh gà chứ không phải tiếng gà, lúc gà gáy. Rất mong được biết các ý kiến khác làm sáng tỏ thêm”:

Phú Yên Online - Canh gà Thọ Xương Món ăn hay thời khắc? (baophuyen.vn).

Tuy đăng lên từ 13-2-2013 nhưng hôm nay, 30-9-2024, bài vẫn còn trên Net, cho thấy ông Phương vẫn chưa nhận được những hồi âm thỏa đáng.

Mặt khác, mấy câu:

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương

hay:

Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương

 vẫn được coi là những câu thơ hay trong kho tàng văn chương Việt Nam.

Nhân câu hỏi ông Đặng Minh Phương nêu ra, xin được đóng góp chút ý kiến khiêm nhượng vào chuyện này. Để giúp các bạn trẻ từ trước chưa có hoàn cảnh biết nhiều về mấy câu thơ trên, tôi xin được tóm lược câu chuyện từ đầu.

 

HAI BẢN KHÁC NHAU CỦA CÂU THƠ (HAY CÂU CA)

--Người đầu tiên phổ biến câu thơ với “canh gà Thọ Xương” ở dạng chữ quốc ngữ là học giả Phạm Quỳnh, vào tháng 4 năm 1918, khi ông đang là Chủ bút của tạp chí Nam Phong. Nhằm mục đích tới quan sát để có thể viết ra, thuật lại nghi thức tế Nam Giao, ông tới Huế ngày 21-3-1918, ở đó 12 ngày, và từ giã ra về ngày 2 tháng 4 cùng năm. Sau khi được chứng kiến buổi lễ, ông bỏ ra 10 ngày thăm một số nơi đặc sắc, các lăng tẩm, và gặp một số nhân vật đáng chú ý ở Huế. Thiên hồi ký của ông được in trên Nam Phong số 10, phát hành tháng 4-1918, từ trang 198 đến trang 222.  Ở đoạn gần cuối, ông viết như sau:

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên-mụ canh gà Thọ-xương.

“Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên-mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bẩy từng, ở ngay trên bờ sông Hương, làng Thọ- xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca cho con trẻ hát, ấy mới rõ cái tính tình của người xứ Huế….”



Qua câu, “Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh …,” ta thấy ngay là Phạm Quỳnh muốn nói “tiếng gà gáy từ xa đưa tới” chứ không phải ông muốn nói “bát canh có thịt gà.”

Tạp chí Nam Phong đã được đưa vào DVD và được phổ biến trên Net. Thiên hồi ký đã được nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội in lại thành sách năm 1994 dưới nhan đề Mười Ngày Ở Huế . Cũng đã được đưa lên Net trong blog của Phạm Tôn tại địa chỉ sau đây:

          Tác phẩm – Mười Ngày Ở Huế | Pham Ton's Blog (wordpress.com)

--Người đầu tiên phổ biến toàn thể bài thơ của Dương Khuê ở dạng chữ quốc ngữ trong một sưu tập các tác phẩm văn chương Việt Nam là Trần Trung Viên. Đó là bộ Văn Đàn Bảo Giám, được phát hành ở Hà Nội lần đầu năm 1926. Khi in lần thứ 2 năm 1929 có thêm lời tựa của cụ Dương Bá Trạc. Trong lần in năm 1934, có thêm lời tựa của Tản Đà. Sau khi đất nước chia đôi năm 1954, bộ sách được in lại ở miền Nam năm 1968 với sự hiệu chính của Hư Chu. Người viết những dòng này chân thành cám ơn Gs. Phạm Lệ Hương đã tìm hộ từ kho tài liệu kỹ thuật số Gallica của Thư viện Quốc gia Pháp các bộ Văn Đàn Bảo Giám ấn bản đầu tiên năm 1926 và ấn bản thứ hai năm 1929.

 Sau đây là bản chụp bài thơ từ trang 279 của ấn bản đầu tiên ở Hà Nội năm 1926:







Lời thơ phản ảnh cách nói của miền Bắc hồi trước: “giăng tà” (thay vì “trăng tà”), và có vài lỗi chính tả, điển hình cho tình trạng chính tả Việt ngữ ở miền Bắc đầu thế kỷ 20: “ngọn chúc” (thay vì ngọn trúc), “Chấn Võ” (thay vì Trấn Võ). Dương Khuê được gọi là “cụ Thượng Dương-Vân-Trì” vì Vân Trì là bút hiệu của ông. Tuy làm quan đến chức Tổng Đốc, khi về hưu, ông được tặng “hàm” (honorary title) Binh Bộ Thượng Thư.

Nhan đề của bài thơ (“tức cảnh”) cho ta thấy tác giả đã sáng tác nhân cảm hứng trước cảnh tượng trước mắt. Đó là một cảnh đêm sắp hết (đêm tàn) khi trăng đã xuống thấp chỉ còn ngang ngọn trúc. Trong cảnh yên tĩnh ấy, tác giả nghe thấy tiếng chuông từ đền Trấn Võ ở gần, rồi đến tiếng gà gáy sang canh ở huyện lỵ Thọ Xương. Xen vào đó là tiếng chày làm giấy từ làng An Thái (cũng được gọi là Yên Thái). Đó là một cảnh đẹp, trong cảnh có âm thanh. Đang say sưa trước khung cảnh thơ mộng như thế, nếu tác giả đột ngột khen một món ăn ngon thì ý thơ không liền mạch và không tự nhiên. Từ trước, những người đọc bài thơ đều chỉ thấy là một bài tả cảnh đẹp ở Hồ Tây, ngoại thành Hà Nội, và “canh gà” là tiếng gà gáy sang canh.

So sánh hai câu đầu của bài này với hai câu viết về Huế do Phạm Quỳnh đăng trên tạp chí Nam Phong, chúng ta thấy câu đầu của Phạm Quỳnh chỉ thuần túy tả cảnh (Gió đưa cành trúc la đà), trong khi câu đầu của bài này (Phất phơ ngọn trúc trăng tà) cho ta thêm ý niệm về thời gian trong ngày. Câu 2 rất giống nhau, chỉ khác ở chỗ câu của Phạm Quỳnh nói đến chùa Thiên Mụ ở Huế, trong khi câu của Dương Khuê nói tới đền Trấn Võ (cũng gọi là Trấn Vũ) ở Hà Nội.

 Đền Trấn Võ có tên chữ Hán là Trấn Vũ Quán (鎮武觀), tên dân gian là đền Quán Thánh, là một ngôi đền có từ đời Lý Thái tổ (1010-1028), để thờ thần Trấn Thiên Chân Vũ Đế Quân, một trong bốn vị thần trấn giữ kinh thành Thăng Long thời xưa. Đền nằm cạnh Hồ Tây, với địa chỉ hiện nay là số 190 phố Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

 Thọ Xương là tên một huyện của kinh thành Thăng Long xưa, ứng với các quận Hoàn KiếmHai Bà Trưng, và một phần các quận Ba ĐìnhĐống Đa của Hà Nội ngày nay. Danh hiệu Thọ Xương từng được nhắc đến trong một bài thơ về danh tướng Lý Thường Kiệt:

           Thường Kiệt tướng nước ta

          Người ở phường Thái Hòa

          Huyện Thọ Xương, Hà Nội

          Tiếng giỏi vang gần xa …

 Sau khi người Pháp lập thành phố Hà Nội, ngày 1-10-1888 vua Đồng Khánh ra đạo Dụ nhượng hẳn Hà Nội cho Pháp, huyện Thọ Xương bị bãi bỏ. Hiện nay chỉ còn một con ngõ nhỏ mang tên là ngõ Thọ Xương thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, một ngôi chùa có thờ vị Tri huyện Thọ Xương trên phố Lý Quốc Sư, và một văn chỉ (một loại văn miếu thu nhỏ), có tên là văn chỉ Thọ Xương. Văn chỉ này hiện vẫn còn ở số 222 phố Bạch Mai, ngõ Văn Chỉ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

 An Thái, thường được gọi là Yên Thái, có tên dân gian là Kẻ Bưởi, tức làng Bưởi ở bên Hồ Tây. Làng này có nghề làm giấy từ bột của vỏ cây dó. Một trong những giai đoạn quan trọng của công việc là dùng chày giã cho lớp vỏ ấy nhuyễn ra thành bột, trước khi có thể “xeo” lại thành tờ giấy. “Tiếng chày Yên Thái” là tiếng chày khi người dân Yên Thái giã các vỏ cây dó.

 Chúng ta chưa biết đích xác Dương Khuê đã sáng tác bài “Hà Nội tức cảnh” năm nào. Có vẻ bài ấy đã được lưu truyền ở Hà Nội trước khi được Trần Trung Viên chọn in vào Văn Đàn Bảo Giám. Năm 1960 ở Sài Gòn, trong một tập sách luyện thi môn Quốc văn, với sự hiệu đính của ông Dương Thiệu Cương (anh ruột nhạc sĩ Dương Thiệu Tước) và Tiến sĩ Giáo dục Dương Thiệu Tống, hai hậu duệ của họ Dương Vân Đình, nhà giáo Nguyễn Duy Diễn đã phổ biến một dị bản của bài “Hà Nội tức cảnh.” Ông cho biết bài thơ ấy đã trở thành ca dao, được biết tới khá rộng rãi quanh khu vực Hà thành:  

           Gió đưa cành trúc la đà

          Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương

          Mịt mùng khói tỏa ngàn sương,

          Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ.

 Chúng ta thấy, câu đầu của dị bản này giống hệt câu đầu trong hai câu Phạm Quỳnh viết về Huế, và không giống bản in trong Văn Đàn Bảo Giám của Trần Trung Viên. Theo nhà biên khảo Lê Quang Thái, trước năm 1918, lời hát ru “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương” ở Huế không ai hát bao giờ. Trong một bài đăng trên Văn Nghệ Quảng Trị, ông Thái cho rằng khi viết bản ký sự “Mười ngày ở Huế,” Phạm Quỳnh đã đem “tiếng chuông Thiên Mụ” để thay “tiếng chuông Trấn Võ”:  

 Văn Nghệ Quảng Trị: NGUỒN GỐC CÂU CA DAO: "GIÓ ĐƯA CÀNH TRÚC LA ĐÀ, TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ, CANH GÀ THỌ XƯƠNG" - Lê Quang Thái (vannghequangtri.blogspot.com)

Hai nhà biên khảo Lê Thanh Hoàng Dân và Nguyễn Ngọc Thanh đồng ý với ông. Theo Nguyễn Ngọc Thanh, Phạm Quỳnh đã lấy ý thơ của Dương Khuê để “viết lại cho hợp với cảnh và địa danh ở Huế.”

Mặt khác, chúng ta cũng thấy Dương Khuê từng sống ở Huế ba năm từ 1865 đến 1869, khi ông ở tuổi 26-29. Sau khi đậu Cử nhân năm 1864 (với Nguyễn Khuyến đậu Thủ khoa), năm sau ông vào Kinh thi Hội. Không đậu ngay, ông được Tùng Thiện Vương mời về nhà dạy con cháu học. Ông nán lại, sống trong phủ Tùng Thiện vương chờ khoa thi sau. Năm Mậu Thìn (1868) đời vua Tự Đức, ông đậu Tiến sĩ, được bổ đi làm quan ở nhiều nơi khác nhau. Nếu câu ca dao “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”đã có ở Huế từ trước, rất có thể ông đã chịu ảnh hưởng của câu ấy khi viết “Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương.”

 Tuy nhiên, đây không phải mối quan tâm chính của chúng ta, những người đang băn khoăn với ý nghĩa của mấy chữ “canh gà Thọ Xương.”

 BÀI THƠ VỚI Ý NGHĨA KHÁ QUAN TRỌNG

 Theo nhà báo Đặng Minh Phương, có nhà nghiên cứu cho ông biết rằng trong cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên sinh Thi tập hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với ký hiệu A2185, có chép một bài thơ với tên là “Tối ức Thọ Xương thang” (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê. Ông cho biết nguyên bản chữ Hán của bài ấy đọc theo âm Hán Việt như sau:

Niễu niễu dao phong trúc

Thương thương Trấn Vũ chung

Thọ Xương đa cố cựu

Đồng mãi đốn Kê Khang

Yên tỏa Tây Hồ thủy

Chử kinh yên Thái hương

Hà thành tư mỹ cảnh

Tối nại khách tư hương.

 Ông viết tiếp: “Dương Khuê viết bài thơ bằng chữ Nôm, không phải bằng chữ quốc ngữ dùng mẫu tự La tinh. Nguyên văn chữ Hán của chữ Canh là bát canh, món canh, món cháo nhừ, chứ không phải là canh khuya, canh chầy”:

Phú Yên Online - Canh gà Thọ Xương Món ăn hay thời khắc? (baophuyen.vn)

Những chứng cứ ấy rất đáng được chú ý. Nhưng nếu quả có bài thơ “Tối ức Thọ Xương thang” như thế trong Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên sinh Thi tập, thì tại sao ông (và nhà nghiên cứu mà ông nhắc tới) không chụp, không scan bài thơ ấy ra để làm dẫn chứng? Bài thơ ông trưng ra là một bài được đánh máy, với loại chữ trên computer thời Dương Khuê chưa có. Công việc ấy làm mất thời giờ cùng công phu của các ông nhiều hơn. Khi cho biết trong câu “canh gà Thọ Xương,” Dương Khuê đã dùng chữ “canh” với nghĩa là “món canh,” tại sao ông không chụp để trưng chữ “canh” ấy ra? Bản phiên âm ông đưa ra cũng có những chỗ không chính xác.  Ông phiên âm câu 4 là “Đồng mãi đốn Kê Khang” với hai chữ Kê Khang viết hoa như một danh từ riêng, trong khi câu thơ chữ Hán là “Đồng mãi đốn kê thang”với hai chữ “kê thang” không viết hoa. Phiên âm sai như thế, nghĩa khác đi rất nhiều.  Ông phiên âm câu cuối là “Tối nại khách tư hương”trong khi chữ thứ 5 của câu ấy không phải là chữ “hương.”Đó là chữ 量,có âm Hán Việt là “lương”:



 Bản chữ Hán cho bài “Tối ức Thọ Xương thang” của ông chữ nhỏ và nhòa, rất khó đọc. Tôi xin đánh máy lại để chúng ta dễ nhận mặt chữ hơn:

 裊裊搖風竹

蒼蒼鎮武鐘

壽昌多故舊

同買燉雞湯

煙鎖西湖水

杵驚安泰

河城斯美景

最耐客思量

Phiên âm:

 

Niểu niểu dao phong trúc,

Thương thương Trấn Vũ chung,

Thọ Xương đa cố cựu,

Đồng mãi đốn kê thang.

Yên tỏa Tây Hồ thủy,

Chử kinh Yên Thái hương.

Hà thành tư mỹ cảnh,

Tối nại khách tư lương.

 Dịch nghĩa một cách mộc mạc:

Gió lay trúc phất phơ, Chuông Trấn Vũ văng vẳng, Thọ Xương nhiều bạn cũ, Cùng đến mua canh gà hầm. Khói tỏa mặt nước hồ Tây, Tiếng chày kinh động làng Yên Thái. Cảnh đẹp ấy của Hà Thành, khiến khách rất nhớ nhung.

Nhà báo Đặng Minh Phương viết tiếp, “Có nhà nghiên cứu, nhà giáo đã khẳng định “canh gà” ở đây đúng là món canh nấu thịt gà,” nhưng ông không cho chúng ta biết “nhà nghiên cứu, nhà giáo” ấy là ai.

SAI LẦM, HAY TAI NẠN NGHỀ NGHIỆP CỦA MỘT CÔ GIÁO TRẺ

Tìm hiểu thêm về chuyện này, tôi được biết như sau:

Ngày 12-9-2012, cô giáo Hà Thị Thu Thủy dạy tiết cuối trong đề tài ôn tập ca dao cho học sinh lớp 7A10 tại trường Trung học Phổ thông Lômônôxốp ở Từ Liêm, Hà Nội. Ngày 4 tháng 10, một phụ huynh lớp ấy liên lạc với ban Giám hiệu nhà trường, phàn nàn rằng trong bài tập môn Văn của con có câu “canh gà Thọ Xương là một món ăn ngon của Hà Nội” nhưng câu ấy không được sửa và bài vẫn được cô giáo cho 8 điểm (trên 10). Sau khi tìm hiểu và nhận được thêm thông tin từ các bạn của con, vị phụ huynh ấy vừa khiếu nại với nhà trường, vừa tung tin ra trước dư luận. Sự việc sau đó được phát tán trên mạng, nhiều phụ huynh nhập cuộc, đua nhau chỉ trích cô giáo và đòi kiểm tra lại trình độ học vấn của cô. Nhà trường cho biết cô tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội thuộc loại “Giỏi,” và bảo vệ luận văn Thạc sĩ với số điểm tối đa 10/10. Cô giáo Thủy giải thích rằng khi giảng bài thơ của Dương Khuê mà cô gọi là ca dao, có học sinh hỏi, “Có phải đó là món canh của Hà Nội?” cô đã trả lời, “Cũng có nhiều người hiểu như thế, các con cảm nhận như thế nào?” nhưng sau đó không giảng lại rõ hơn cho các em. Có học sinh viết, “Hà Nội còn đặc sắc với những món ăn nổi tiếng như canh gà Thọ Xương,” cô gạch dưới những chữ ấy bằng mực đỏ và ghi nhận xét ở bên lề là “Sai.” Tuy nhiên, có lẽ vì không đủ thời giờ, cô đã không sửa lại cho tất cả các em. Điều đáng nói là sau đó cô giáo Thủy nộp đơn xin từ chức, trở nên trầm cảm nặng, phải vào bệnh viện. Sau khi ra khỏi bệnh viện, cô tắt điện thoại cá nhân vì mệt mỏi trước búa rìu dư luận, không liên lạc với ai nữa, và về quê.

Nhiều học sinh mến cô, muốn cô trở lại trường. Một số các em lập một diễn đàn trên Facebook, lấy tên là “Tìm lại công bằng cho cô Hà Thủy.” Trên diễn đàn ấy, em Hùng Hero viết như sau, “Cô hỏi tôi, ‘Con biết ý nghĩa của câu thơ này không?’ Tôi đáp, ‘Canh gà hầm ạ!’ Cả lớp bật cười, cô thì cười mỉm. Cô biết cậu học trò bé bỏng đang xấu hổ. Cô bảo cả lớp trật tự rồi giảng cho tôi biết đó là tiếng chuông chuyển sang canh gà gáy.”

Ban Giám hiệu nhà trường nhận định là cô “không mắc lỗi về nhận thức” nhưng “mắc lỗi về nghiệp vụ” do thiếu kinh nghiệm.”

Trong tháng 10 và 11-2012, nhiều bài trên báo mạng ở trong nước xuất hiện với những tiêu đề như “Đâu rồi tính nhân văn?”, “Dư luận đang quá khắt khe với người thầy,” “Đừng vội ‘ném đá’ cô giáo”… Tác giả các bài ấy cho rằng đây chỉ là một lỗi khá nhỏ của một cô giáo trẻ mới vào nghề (với cô Thủy, đây là năm dạy học thứ ba). Các tác giả ấy kêu gọi dư luận bớt khắt khe với cô:

Đừng vội "ném đá" cô giáo - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)

 

SỰ THẬT VỂ BÀI THƠ “TỐI ỨC THỌ XƯƠNG THANG”

Trong bài “Đã có thể khép lại câu chuyện ‘Canh gà Thọ Xương’,” được phổ biến trên Net ngày 18-10-2012, Ts. Nguyễn Xuân Diện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đăng một lời đính chính từ Facebook Phan Quang Minh. Trong lời đính chính này, ông Phan Quang Minh viết như sau:

 ĐÍNH CHÍNH: “Hôm qua tôi có share một stt của bác Le Quang về việc Vũ Bằng (được cho là) đã viết tay một bài thơ liên quan đến món "canh gà Thọ Xương." Cũng trong stt của bác Lê Quang, tôi có đọc được và cũng đưa lên stt comment của một bác (xin được giấu tên) cho rằng trong sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh có tại thư viện Viện Hán Nôm có chép bài thơ “Hà Nội tức cảnh” của Dương Khuê bằng chữ Nôm, trong đó chữ Canh được viết là là (bát canh) chứ không phải (canh khuya). Cũng chính bác xin giấu tên này là tác giả của giả thuyết được đưa lên mạng mấy hôm nay, cho rằng trong sách trên có chép bài thơ “Tối ức Thọ Xương thang” (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê. Tôi đã nhờ anh Xuân Diện ở Viện Hán Nôm tra lại cuốn sách trên, nhưng anh Diện cho biết không hề có. Hôm nay, bác Lê Quang và bác xin giấu tên kia đã khẳng định đây chỉ là trò đùa. Và những câu thơ (được cho là của Dương Khuê) trong bài “Tối ức Thọ Xương thang” hoàn toàn do bác kia tự phóng tác ra.

…Vậy xin nói lại cho rõ, rằng những vấn đề trên hoàn toàn không có thực, chỉ là trò đùa của hai bác nói trên…” (Nguồn: FB Phan Quang Minh).

Nói cách khác, bài thơ “Tối ức Thọ Xương thang” nhà báo Đặng Minh Phương đưa ra trên báo mạng Phú Yên online không phải là một bài thơ có thật của Dương Khuê. Bài ấy đã do “một bác xin giấu tên,” có tình quen biết với Facebook Lê Quang, “tự phóng tác ra,” rồi Lê Quang phổ biến trên Facebook. Chuyện Dương Khuê dùng chữ (với nghĩa là món ăn) chứ không phải chữ (với nghĩa là canh khuya) cũng không hề có.  

Mấy chữ “stt” trong lời Đính chính của ông Phan Quang Minh là cách viết tắt của “status,” tức là một thông tin do một người dùng Facebook tạo ra để chia sẻ giữa những người dùng Facebook với nhau. Facebook Lê Quang còn cho biết “bác xin giấu tên” nói với ông rằng nhà văn quá cố Vũ Bằng (1913-1984) từng nói về các món ăn ngon của vùng lân cận Hà Nội qua câu “Tương Bần, cà Láng, dưa La/Cá rô đầm Sét, canh gà Thọ Xương,” trong khi thực ra chỉ có câu ca dao “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần/Nước mắm vạn Vân, cá rô đầm Sét.” Khi hỏi đến chứng cớ, tức bút tích của Vũ Bằng, “bác xin giấu tên” không hề có:

Tễu Việt: ĐÃ CÓ THỂ KHÉP LẠI CÂU CHUYỆN "CANH GÀ THỌ XƯƠNG" (chuteuyeuquy.blogspot.com)

Trong một bài phỏng vấn dành cho nhà truyền thông Mặc Lâm của đài RFA ngày 20-10-2012, Ts. Nguyễn Xuân Diện cho biết thêm: Vị xin giấu tên ấy là một cụ già 95 tuổi, “ngày xưa đã giao du với Nguyễn Bính, Đinh Hùng và các nhà thơ khác.” Được 95 tuổi năm 2012, ông cụ hẳn sinh ra năm 1917, hơn Nguyễn Bính (sinh năm 1918) 1 tuổi, hơn Đinh Hùng (sinh năm 1920) 3 tuổi. Cụ thông thạo chữ Hán và có tài làm thơ. Bài “Tối ức Thọ Xương thang” cụ bịa ra để gán cho Dương Khuê là một bài thơ ngũ ngôn lưu loát. Hai câu 5 và 6 đối nhau rất tề chỉnh. Giữa cảnh tượng một cô giáo trẻ bị đấu tố một cách hung hăng vì ý nghĩa của mấy chữ “canh gà Thọ Xương,” có vẻ cụ muốn tung hỏa mù (chưa chắc cách hiểu nào là đúng) khiến mọi người hoang mang, hầu giảm bớt phần nào sự hung hãn trong việc kết tội cô giáo. Nhưng nhận thức được rằng dù sao thì xuyên tạc ý nghĩa thơ của tiền nhân cũng là điều sai trái, ngay hôm sau cụ đã thú nhận chuyện bịa đặt của mình và “xin được giấu tên.” Nếu còn tại thế đến năm nay (2024), cụ hẳn được 107 tuổi.

Ts. Nguyễn Xuân Diện kết luận, “Đấy chỉ là những điều họ bày đặt ra cho vui vẻ trong thời gian căng thẳng như thế này thôi, chứ không phải là một câu chuyện thật.”

Câu chuyện “canh gà” — Tiếng Việt (rfa.org)

Trong ngày 19-10-2012, ba tạp chí điện tử ở trong nước cùng viết về chuyện này. Tạp chí Tri Thức (NewsVN) viết, “Không có chuyện 'canh gà Thọ xương' là món ăn”:

Không có chuyện 'canh gà Thọ xương' là món ăn - Giáo dục - ZNEWS.VN

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam viết, “Món ‘canh gà Thọ Xương’ chỉ là sản phẩm tưởng tượng của dân mạng”

Món "canh gà Thọ Xương" chỉ là sản phẩm tưởng tượng của dân mạng | Giáo dục Việt Nam (giaoduc.net.vn)

Tạp chí điện tử Tiền Phong, cơ quan trung ương của Đoàn Thanh Niên CS Thành phố HCM, viết, “Món “canh gà” và trò đùa thời internet”:

Món “canh gà” và trò đùa thời internet (tienphong.vn)

Đa số những người quan tâm tới văn học ở trong nước đã lấy lại sự bình tâm về chuyện này.

NGUYÊN TÁC BÀI THƠ CỦA DƯƠNG KHUÊ Ở DẠNG CHỮ NÔM

Theo PGS TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm đương nhiệm (1999-2013), trong thư viện của Viện có cuốn Vân Trì Thi Thảo, tập thơ chữ Nôm của Dương Khuê. Cuốn ấy mang ký hiệu VHv. 2482. Phía sau là bài thơ của Dương Khuê trong cuốn ấy, với chữ Canh là đơn vị chỉ thời gian dành cho ban đêm:





So với bản Trần Trung Viên in trong Văn Đàn Bảo Giám, bản chữ Nôm này có hai điểm khác biệt:

--Tên bài thơ: Trần Trung Viên gọi là bài “Hà Nội tức cảnh,” bản chữ Nôm này là “Hà Nội tứ cảnh.”

--Câu 4 ở bài trong Văn Đàn Bảo Giám là “Dịp chày Yên Thái.” Câu 4 trong bản này là “Tiếng chày Yên Thái.”
Quan trọng nhất, với chữ Canh: Nhà thơ Dương Khuê đã dùng chữ

với ý nghĩa đơn vị chỉ thời gian ban đêm.


KẾT LUẬN

 Những trang phía trên đã cho thấy việc Dương Khuê dùng chữ CANH với nghĩa là món ăn và việc ông làm bài thơ với những câu “Thọ Xương đa cố cựu/Đồng mãi đốn kê thang” (Thọ Xương nhiều bạn cũ, Cùng đến mua canh gà hầm) chỉ là một chuyện bịa đặt không hề có. Chúng ta có thể an tâm.

Ts. Nguyễn Xuân Diện cho biết bài thơ “Tối ức Thọ Xương thang” chỉ là một trò đùa chứ không phải bài thơ đích thực của Dương Khuê ngày 18-10-2012. Ông nói thêm về ông cụ xin giấu tên ngày 20-10-2012. Trong ngày 19-10-2012, ít nhất ba tạp chí điện tử có tầm vóc ở trong nước đã bình luận về chuyện ấy như đã nói trên. Khi nhà báo Đặng Minh Phương lên tiếng báo động và đưa bài “Tối ức Thọ Xương thang” lên báo mạng của đảng bộ CS tỉnh Phú Yên ngày 13-02-2013, những lời đính chính đã được phổ biến từ 4 tháng trước đó. Đáng tiếc ở chỗ nhà báo Đặng Minh Phương và đảng bộ CS tỉnh Phú Yên đã không biết đến những lời đính chính ấy. “Canh gà Thọ Xương” vẫn có nghĩa như chúng ta luôn luôn hiểu từ trước: tiếng gà gáy sang canh từ địa điểm Thọ Xương.

 Sống ở ngoài nước, người viết những dòng này chưa biết hoàn cảnh của cô giáo Hà Thị Thu Thủy hiện nay ra sao. Xin chân thành cầu mong những điều tốt lành nhất tới với cô. Giả dụ rằng trước kia cô chưa hiểu đúng nghĩa câu ấy thì hiện nay, chắc chắn cô cũng đã hiểu rất rõ rồi. Có lẽ cô cũng đã tìm ra rằng câu ấy vốn của nhà thơ Dương Khuê trước khi trở thành ca dao. Cũng mong nhà báo Đặng Minh Phương hài lòng với lời đính chính của các ông Phan Quang Minh, Lê Quang, và vị cao tuổi giấu tên. Tuy làm một chuyện “động trời,” việc vị ấy làm không có vẻ mang ý hướng xấu.

 Trần Huy Bích




Wednesday, September 25, 2024

Phan Tấn Hải: Trịnh Y Thư: Những mối tình trong “Đường về thủy phủ”

 


Hiếm có một tiểu thuyết như Đường về thủy phủ của Trịnh Y Thư. Không phải là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, nhưng lại làm người đọc phải bâng khuâng nghĩ về những chặng đường đã trải qua của dân tộc. Không phải là một tiểu thuyết diễm tình, nhưng lòng độc giả sẽ chùng xuống khi khép trang sách lại và ngậm ngùi cho những mối tình tan vỡ. Bạn có thể đọc xong, tuần sau đọc lại, vẫn còn thấy có những gì như cần đọc nữa. Chữ của Trịnh Y Thư như dường không cũ tí nào, vì nó luôn luôn gợi tới những gì sâu thẳm trong tim mỗi người, những ước mơ về một mối tình rất mực kỳ ngộ, rất mực dị thường.

   Tôi do dự khi nghĩ tới cách viết cảm nghĩ về tác phẩm này. Đã có vài người viết về Đường về thủy phủ. Như Bùi Vĩnh Phúc khi viết Tựa, như Nguyễn Thị Khánh Minh khi viết Bạt. Hay những cảm nghĩ sau khi đọc, từ Đỗ Anh Hoa, từ Nina Hòa Bình Lê. Làm sao tôi có thể chép những cảm xúc rối bời của mình xuống giấy, sau khi đọc tiểu thuyết của Trịnh Y Thư. Như dường rất là khó.

   Tôi đã đọc Trịnh Y Thư từ nhiều thập niên. Đọc cả trong văn chương, và đọc cả trong hành xử đời thường. Bản thân tôi thiệt sự là một nhà báo, quen nhìn đời qua đôi mắt của một nhà báo (cho dù đôi khi tôi làm thơ, hay viết truyện), nên rất mực thán phục những người có thể viết được văn học thật sự  cần ghi chú rằng tôi không muốn nói là những người viết ra chữ, chỉ muốn nói là những người viết ra được cái đẹp của ngôn ngữ, cái đẹp của dòng sống sinh động chung quanh mình. Nghề báo của tôi chỉ là mô tả sự kiện, thường là chuyện bất trắc, chuyện xui xẻo, mới thành tin (thí dụ, đụng xe, cháy nhà…) Trong khi đó, những nhà văn thực sự như Trịnh Y Thư luôn luôn biết cách chỉ ra cái đẹp của ngôn ngữ và cái đẹp trong đời sống bình thường, bất kể là khi không có chuyện đụng xe và cũng không có chuyện cháy nhà.

   Tôi đã từng nghĩ, rằng cái giá trị của văn học là khi nhà văn mô tả một cô gái không đẹp, dòng văn vẫn có một sức mạnh lôi cuốn, hấp dẫn. Bởi vì nhân vật nữ trong đa số (có thể không hẳn đa số, nhưng là rất nhiều) truyện đều là những người đẹp, có thể làm say đắm lòng người khi nhìn tới hay nghĩ về. Trường hợp một nhân vật nữ không đẹp, đã được Trịnh Y Thư mô tả bằng ngôn ngữ rất đẹp, mới là siêu xuất. Tôi muốn nói về nhân vật xưng tôi trong Đường về thủy phủ, khi còn là một cậu bé ở Hà Nội, đã cùng vài bạn nhỏ rình xem một chị trong làng tắm truồng, và hình ảnh thân thể của chị này in vào trí nhớ “tôi” suốt đời. Mà hình ảnh đó không thơ mộng, không gợi dục, chủ yếu chỉ nghịch ngợm. Tôi ưa thích cách sử dụng các tĩnh từ (mà bình thường thì tôi sợ tĩnh từ, vì nó làm rối đầu mình) của Trịnh Y Thư.

   Nơi trang 37-38, tác giả Trịnh Y Thư kể về những hình ảnh không thơ mộng trong đầu cậu một một lần theo các bạn ngó một chị trong làng tắm truồng, và khi chị này biết thì chị chạy “tất tả” vào nhà:

   “…Chỉ được cái nước da trắng lốp. Khuôn mặt cô bầu bĩnh, mắt lá răm, hai môi dầy, người thấp lùn, nhưng đôi mông thì to lắm. Điều này tôi biết chắc, bởi lúc ôm đống quần áo tất tả chạy vào nhà, cô quên rằng nguyên phía sau cô lõa lồ, không một tí vải che từ đầu đến chân, và trước khi tụt xuống gốc cây bàng tôi đủ thời gian dán mắt vào đôi mông ấy. Núng nính. Nủng nỉnh. Như hai túi bột ai túm lại rồi lắc lắc. Đôi mông vẫn theo tôi ám ảnh mãi đến tận cuối đời, bây giờ.”

   Tội nghiệp cô gái, khuôn mặt bầu bĩnh thì không đẹp, mắt lá răm cũng không đẹp, môi dầy dĩ nhiên là không đẹp, thấp lùn hiển nhiên là bất lợi, “đôi mông thì to lắm” dĩ nhiên là hình ảnh thường trực xuất hiện trong phim hài. Nhưng cậu bé nhân vật “tôi” đó thì “dán mắt vào đôi mông ấy. Núng nính. Nủng nỉnh. Như hai túi bột ai túm lại rồi lắc lắc. Đôi mông vẫn theo tôi ám ảnh mãi đến tận cuối đời, bây giờ.” Một thiếu nữ không đẹp, được mô tả bằng nhiều tĩnh từ bất lợi, vậy mà đôi mông đó đã ịn vào đầu cậu bé tới tận cuối đời. Cái hay của văn học là thế. Đọc xong đoạn văn đó, độc giả khó thể nào quên hình ảnh đôi mông như túi bột. Trời ạ, lại thêm hai chữ “núng nính” lặp đi lặp lại.Cái hay của ngôn ngữ là như thế, làm cho dòng nhữ như dường núng nính theo đôi mông trong truyện.

   Nhìn theo giá trị báo chí, kiểu văn trên chỉ là một dòng (hay hai dòng) rất khô khan. Thí dụ, tôi sẽ viết là, “Khi thiếu nữ tắm truồng, nhận ra mình đang bị bọn nhóc rình ngó, liền chạy vào nhà.” Cũng như khi kể chuyện đụng xe, thì nói là ai chết, ai bị thương, thế thôiTôi đã từng ưa thích văn phong kiểu Hemingway, ngắn gọn, tránh tĩnh từ, về chi tiết thì tối thiểu, chỉ nhằm cho độc giả tự nghĩ ra. Tuy nhiên đọc đoạn văn Trịnh Y Thư vừa dẫn, mới thấy ở chiều ngược lại, chính những trạng từ, những tĩnh từ mới làm cho trang giấy xao xuyến, và rồi đôi mông của thiếu nữ trong làng cứ “núng nính” mãi “hai túi bột” trong đầu cậu bé tới suốt đời.

   Tiểu thuyết này của Trịnh Y Thư dễ dàng bị đấu tố, bởi vì anh nhìn vào sự thật ở lòng người trong những dòng chảy lịch sử, và nói lên một số sự thật. Kiểu như lời quy chụp nhiều thập niên trước, đó là “tư tưởng tiểu tư sản” rất là ưa ngờ vực và ưa nói thẳng về những góc tối trong lòng người. Như khi mô tả về Toại, một chàng trai say mê chủ nghĩa Marx trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Trịnh Y Thư viết: 

   Càng nghĩ tôi càng thấy anh là người tài giỏi và có lý tưởng. Lúc đó tôi không hề biết con đường từ lý tưởng đến cuồng tín chỉ là một khoảng cách rất ngắn, ngắn lắm, chỉ vài milli-mét thôi, và chỉ cần một lực tác động nhẹ vài milli-gam là đủ cho một con người ôm ấp lý tưởng trở thành kẻ sát nhân, sẵn sàng chém giết đồng loại để thực hiện lý tưởng của mình.” (Đường về thủy phủ, trang 69).

   Nhận định đó vẫn đúng cho tới nhiều thập niên sau, như chúng ta đã thấy trong Huế những ngày Tết Mậu Thân 1968 và nhiều nơi khác trên quê nhà. Nhưng cần nói rõ rằng, tiểu thuyết này không can dự chi tới chính trị, không can dự chi tới cuộc nội chiến (dù là có nhiều trang kể chuyện thời kỳ sau năm 1975, chuyện về người đi cải tạo, về một phụ nữ với lòng tự trọng đã có lúc phải đi bán thân xác, hay chuyện một bác sĩ quân y Bắc quân về lại quê miền Bắc với phần thân thể “đàn ông” đã bị trúng đạn và không xài được nữa). Không, sách này là văn học, không có ý lý luận chính trị. Trịnh Y Thư chỉ muốn kể truyện, những gì anh nghe nơi này, nơi kia, những gì vui và buồn, và anh ghép lại thành một bức tranh toàn cảnh. Cuộc đời nó thế là thế, tác giả không muốn lèo lái cuộc đời phải thế này hay thế kia. Bởi vì, chính các nhân vật xưng “tôi” trong truyện, dù có khi là nam, có khi là nữ, có khi là cậu bé, có khi đã trưởng thành, có khi là cô nữ sinh viên gốc Việt tại Hoa Kỳ tự thấy mình chỉ là ảo và tự thấy như là nhân vật trong truyện của cuốn tiểu thuyết của vị giảng viên đại học…

   Cái đẹp của tiểu thuyết này là cái như ảo, như thật. Mọi chuyện như hiển lộ trong mơ, nơi đó tất cả chúng ta đã khóc rất nhiều, vì những khổ nạn của trần gian, và cũng hạnh phúc rất nhiều trong những bất ngờ thoáng qua của thời gian. Trịnh Y Thư trong Lời Ngỏ đã ghi rằng anh không hề có ý viết tiểuthuyết chiến tranh hay lịch sử, và cũng không đưa ra luận đề nào hết (dĩ nhiên, bạn đọc có thể thấy khác, cũng như một viên ngọc đa sắc, đừng bắt phải chỉ hiện lên một màu).

   Tất nhiên là có nhiều hư cấu. Nhân vật xưng tôi khi còn thiếu niên, trên đường chạy lên Yên Bái để vào vùng chiến khu Việt Minh, khi vào quán phở Thăng Long ở thị trấn Vân Đình, đã gặp các văn nghệ sĩ, như họa sĩ Tạ Tỵ, nhà thơ Đinh Hùng, các nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy…  Tất nhiên là vui, khi nghe các đỉnh núi văn học nói chuyện xưng mày tao với nhau. 

   Một điều có thể thấy rằng Đường về thủy phủ (ba tập in thành một cuốn) là một tiểu thuyết chỉ ra được cái lãng mạn trong đời sống thường ngày. Như hình ảnh chàng nhà văn không mưu sinh nổi bằng nghề văn, nên phải sống bằng nghề dạy học. Hay cô nữ sinh viên tự nhận cô là nhân vật nữ bước ra từ tiểu thuyết của chàng. Nơi đó, có những đoạn văn ghi chuyện làm việc cực nhọc của nghề nông, mà không thấy cái nặng nhọc, ghi chuyện đứng giã gạo (lẽ ra là mệt kinh khủng) vậy mà nhân vật xưng tôi lại nhận ra “thân thể nhựa sống căng tràn” của cô thôn nữ đứng bên, và “các cô thôn nữ này toát ra một mùi vị lạ lùng” (tôi kinh hoàng thắc mắc, mùi là ngửi bằng mũi, còn vị là nếm bằng lưỡi, không rõ tác giả Trịnh Y Thư muốn nói là nếm chỗ nào). Mà lại lưu mãi trong ký ức nhân vật xưng tôi suốt đời.

   Trịnh Y Thư viết rất thơ mộng trần gian về ngôi làng kháng chiến đó như sau: “Tôi thích giã gạo vì vừa vận động cơ thể vừa được dịp tán chuyện gẫu với một cô thôn nữ thân thể nhựa sống căng tràn và tiếng cười giòn giã, đứng sát vào nhau nhịp nhàng nện chiếc chày bằng thanh gỗ to tướng treo trên xà ngang giã thình thịch xuống cái cối đá đường kính cả thước chôn dưới đất. Thân thể các cô thôn nữ này toát ra một mùi vị lạ lùng, khó diễn tả bằng lời. Nó  ngai ngái như mùi hoa dại, mà nồng ấm ngọt ngào chứ không chua.  Cái  mùi ấy  quyện  lấy tôi trong lúc giã gạo và lưu lại mãi trong khứu giác tôi.” (trang 88-89).

   Nhân vật xưng tôi khi 19 tuổi làm dân quân du kích, chưa được dự trận đánh nào với quân Pháp. Nhưng chàng có niềm vui riêng: mối tình với cô gái H’Mông tên là Xụ Phụn Phèn (trời ạ, tên khó nhớ quá, viết lại dễ sai chính tả). Nàng mới 15 tuổi. Chính trong thời kỳ tham gia kháng chiến và trong khi lòng chàng thơ mộng dịu dàng với hình ảnh của nàng Xụ Phụn Phèn, nhân vật xưng tôi nhìn thấy những hình ảnh hãi hùng của cuộc kháng chiến. Như khi kể về đơn vị quyết tử của Việt Minh có nhiệm vụ ôm bom ba càng chạy vào cho nổ xe tăng hay lô cốt quân Pháp, và họ cũng nổ tan xác theo, để mở đường cho đơn vị khác đánh đồn. Trong đêm trước khi họ hy sinh, khuôn mặt họ lạnh lẽo, bất kể là văn nghệ sân khấu tưng bừng tới đâu. Nhưng đêm đó, trước khi hy sinh, lính cảm tử được một ưu đãi cuối đời.

   Trịnh Y Thư viết, rất buồn: “Mãi khuya mọi người mới lục tục đứng dậy ra khỏi ngôi nhà, chui vào lán đi ngủ. Tôi thấy một nhóm phụ nữ ăn mặc như dân quân đến nắm tay các anh cảm tử quân. Mỗi chị nắm tay một anh. Từng cặp, họ chui vào những gian buồng quây bằng nan trông như bồ lúa sát vách sau ngôi nhà. Và tôi hiểu.” (Trang 101).

   Nhân vật xưng tôi, tên là Minh, cũng là tên khai sanh của tác giả Trịnh Y Thư, có vẻ như may mắn trong tình trường. Bởi vì, như dường các cô tới với anh ở vị trí chủ động trước.

   Như mối tình với cô H’Mông 15 tuổi, thì: “Cô hẹn tôi ở một nơi khác, mãi tận khúc suối trên nguồn cách xa cả cây số, vắng vẻ…” (Trang 107).

   Xin đọc kỹ, “cô hẹn tôi” chứ không phải “tôi hẹn cô” và nơi ấy thì “Tại đây có một cái lán xiêu vẹo  bỏ  không, tôi sửa sang, dọn dẹp thành căn lều lý tưởng cho hai chúng tôi yêu nhau.” (Trang 107).

   Than ôi, “yêu” là những cảm xúc trong lòng người, nhưng nơi đây tác giả lại biến thành một chuyển động của thân xác. Chữ Việt hay không ngờ.

   Tác giả mô tả kỹ lưỡng hơn, cũng là nàng chủ động, nàng nhìn chàng âu yếm rồi nàng cởi áo, rồi, “Cô cảm động nhìn tôi âu yếm rồi cởi áo, cầm tay tôi đặt lên ngực mình. Vú cô bé lắm, chỉ nhỉnh hơn quả cau một chút, nhưng đầu vú to, màu hồng. Tôi thích nghịch vú cô. Cô biết thế. Tôi đưa môi hôn cô, tay mân mê đầu vú xinh xắn, ngọt ngào.” (Trang 107).

   Cuối cùng, cô Xụ Phụn Phèn chết, trong khi cô có thai vài tháng với nhân vật xưng tôi. Cô và cả bản làng của cô, có lẽ cả trăm người, bị ông Lê Lân, Tiểu đoàn trưởng Việt Minh, xử bắn toàn bộ vì người dân H’Mông cũng hiếu khách với cả lính Pháp, cho nên bị nghi là giúp đỡ người Pháp. 

   Đoạn cuối của Phần I, viết như một cuộc nói chuyện trong mơ của nàng Xụ Phụn Phèn với đứa con trong bụng, nơi đó, cô hứa với đứa con là sẽ đưa con về thủy phủ để gặp bố: “Đúng vậy, con ạ. Họ cùng về thủy phủ với mình, nơi không còn bom đạn hay hận thù, nơi mẹ con mình sẽ gặp bố, bố sẽ yêu thương bảo bọc mẹ con mình. Thôi con nhé, con hãy ngủ đi, khi nào mặt trời mọc là mình đến nơi.

   Truyện rất là buồn. Tới Phần II, những nỗi buồn cũng rất đậm trong bối cảnh khác. Phần II còn gọi là Dưới những gốc nho biển.

   Một điều dễ nhận trong văn của Trịnh Y Thư là chất thơ mộng. Và truyện tình. Luôn luôn là phải có một mối tình giữa chàng và nàng trong một ngang trái nào đó. Chúng ta không nên hiểu chữ ngang trái như kiểu truyền thống. Thí dụ, một kiểu truyền thống là chàng và nàng yêu nhau, thế rồi có người thứ ba xen vào. Hay một hình thức ngang trái khác: tôn giáo dị biệt, hay gia đình một phía ngăn cản. Trong truyện của Trịnh Y Thư không có kiểu ngang trái truyền thống như thế.

   Trong mối tình đầu, là nhân vật tên Minh, xưng tôi trong truyện, yêu say đắm với cô gái 15 tuổi H’Mông. Chàng là dân quân Việt Minh. Nhưng một tiểu đoàn trưởng Việt Minh ra lệnh xử tử toàn bộ ngôi làng H’Mông của nàng. Thế là nàng chết trong khi còn mang thai mấy tháng. Và trong một đoạn kết viết kiểu như một giấc mơ, tác giả kể lời nàng nói chuyện với em bé chưa sinh trong bụng.

   Một mối tình cũng dị thường, cũng khó gọi là mối tình một cách bình thường. Bối cảnh ban đầu là miệt Khánh Hội, quận Tư ở Sài Gòn. Nhân vật nữ không được ghi rõ tên, trong truyện chỉ ghi là “cô” – có chồng đi học tập cải tạo, và đã chết trong trại. Cô phải nuôi một đứa con gái. Cô làm tiếp viên cho một quán cà phê vườn. Và đôi khi, cô bán thân. Một hôm, ông anh chồng của cô vượt biên, và dắt theo đứa con gái của cô. Lúc đó, cô không có mặt ở nhà, nên không cản được. Và như thế, cô trở thành một phụ nữ độc thân.

   Nhân vật nam trong mối tình này là một Bác sĩ quân y cũa Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, tức là bên thắng cuộc. Tác giả không cho nhân vật này tên, chỉ ghi là “gã” – một đại danh từ ngôi thứ ba, dùng cho nam giới, hẳn là để phù hợp với “cô” dùng cho nhân vật nữ. Vị bác sĩ quân y này say mê cô. Liên tục tới quán cà phê suốt ba tháng, và rồi một hôm gã ấp úng nói với cô, xin gặp riêng cô. Cô không trả lời, lúc bưng tách cà phê ra, cô để trên khay một mảnh giấy nhỏ, ghi địa chỉ và nơi hẹn. Đó là một căn nhà tồi tàn trong một hẻm quận Tư. 

   Câu chuyện bắt đầu dị thường hơn. Cô bảo gã tắt đèn, hẳn là vì cô sẽ mắc cỡ khi trần truồng. Gã nói đừng tắt đèn, và gã ngăn cản khi cô cởi khuy áo. Gã không nằm, chỉ ngồi ngắm cô. Câu chuyện như dường không thể có thực trên đời này. 

   Tác giả Trịnh Y Thư viết: 

   Thấy gã, cô nằm xuống nhường chỗ ngoài mép giường cho gã. Gã lại ngồi lên giường bên cạnh cô. Gã phải ngồi gượng nhẹ lắm vì tiếng cót két  của  chiếc  giường  cũ  ọp ẹp  cứ  kêu lên liên hồi. Gã rút trong túi  ra  một xấp giấy bạc còn thơm mùi tiền mới nhét dưới gối cô nằm. Cô bảo gã:

   “Anh đi tắt đèn.”

   “Không, tôi thích để đèn.” Giọng gã từ tốn, êm nhu.

   Cô đưa tay lên lần cởi khuy áo nhưng gã giơ tay cản lại. Cô nhìn gã ra vẻ thắc mắc, gã bảo cô:

   “Cô cứ để nguyên quần áo. Tôi chỉ ngồi đây ngắm cô thôi.” (Trang 158-159).

   Độc giả có thể tự hỏi rằng, gã ngắm những gì nơi cô, trong khi cô vẫn mặc áo quần? Ngắm xem vải màu xanh hay trắng, bạc màu chưa, hay ngắm những đường cong được áo quần che kín đáo? Nếu gã là họa sĩ, hẳn là muốn ngắm cô khỏa thân?  Không, đây là một nỗi buồn, chuyện rất buồn của quê nhà.

   Nhà văn Trịnh Y Thư kể chuyện gã ngắm cô một cách say đắm:

   Gã ngồi ngang đùi cô, từ vị trí đó, gã có thể ngắm mặt cô rồi đến bộ ngực vun tròn, và xuống dần hạ thể nơi cặp đùi đàn bà săn chắc hiện rõ dưới lớp vải mỏng của chiếc quần tây màu đen. Gã ngồi nhìn cô như thế cả nửa giờ đồng hồ, hai người không nói gì với nhau. Cô nhắm mắt lại, lim dim, như tránh cặp mắt u buồn của gã. Cái nhìn của gã không phải để tìm kiếm hưng phấn nhục cảm. Nó chẳng biểu hiện tí gì lòng say đắm ngây dại của người đàn ông bình thường trước thân thể một người nữ đang nằm chờ đợi mình đi vào. Nhưng nói nó vô cảm phẳng lì cũng không đúng. Nó xa vắng buồn bã đến lạ lùng như có điều gì u uẩn chất chứa nhiều năm tháng trong tâm tư. Cô phải công nhận gã có đôi mắt đẹp, hiếm thấy ở một người đàn ông. Đen sâu, long lanh như hai hạt nhãn. Da mặt gã trắng xanh như tất cả các anh bộ đội mới ở trong rừng ra, nhưng đó là khuôn mặt của một người hiểu biết và nhạy cảm.” (Trang 159).

   Hiểu biết và nhạy cảm… đó là những chữ để khen ngợi một Bác sĩ quân y bộ đội. Mối tình giữa gã và cô còn kéo dài, và cô theo gã về làm dâu xứ Bắc. Truyện càng lúc càng buồn. Chỗ này, độc giả có thể tìm đọc thêm qua những dòng chữ cực kỳ thơ mộng của Trịnh Y Thư.

   Mối tình thứ ba trong tiểu thuyết này cũng rất mực dị thường. Những dòng chữ khởi đầu cho Phần III của tiểu thuyết không dễ gặp trong đời thường, của một nhân vật nữ xưng tôi. Cô tự xem cô là nhân vật trong tác phẩm tiểu thuyết của gã nhà văn, và vì là nhân vật nên nàng cũng có cảm xúc riêng, và nàng nói rằng nàng căm thù chàng nhà văn đã sáng tạo ra cô:

   Tôi thù gã nhà văn khôn tả. Tôi thù gã đến độ tôi muốn giết chết gã. Tôi ao ước có một mũi dao nhọn sắc lẻm cho tôi ấn sâu vào ngực gã với động tác êm nhẹ, từ tốn để trái tim gã khi bị mũi dao đâm thủng vẫn không hay biết đang bị đâm mà tiếp tục hân hoan đập những nhịp đập hối hả như thể sợ ngày mai không còn được đập.” (Trang 217).

   Câu chuyện này là của nàng xưng tôi với người nam được gọi là “gã nhà văn.” Cô tự giới thiệu rằng cô là nhân vật nữ trong truyện của gã nhà văn trong cơ duyên nào đó, đã được bước ra đời thường như một thiếu nữ bình thường. Cô say đắm với gã nhà văn, người đang dạy ở một trường đại học, nhưng cô cũng sa ngã với một gã sinh viên trong trường đại học này.

   Trịnh Y Thư kể về mối tình như hư ảo này: “Cuộc sống tôi trở nên phẳng lặng một cách nhàm chán, mỗi tối gã vẫn dắt tôi vào ăn tại các nhà hàng sang trọng có bồi bàn thắt nơ đen đứng hầu, nhưng khi về phòng gã lăn ra ngủ bỏ mặc tôi lên cơn thèm khát. Tôi là sản phẩm của gã nhưng một khi gã ném tôi ra ngoài này, tôi có cuộc sống của riêng tôi và tôi nổi loạn. Điều đó không có gì là bất thường và mỗi tuần hai ngày, khi gã có lớp dạy chiều, tôi mò lên phòng tên sinh viên làm tình với hắn. Tên sinh viên tôi gặp tại quán cà phê trước cổng trường đại học.” (Trang 230).

   Tới nhiều trang sau, nhân vật xưng tôi là gã nhà văn, chàng kể về cô gái: “Tôi chú ý cô gái ngay hôm khai giảng lớp học. Cô ngồi bàn đầu, cô gái Á Đông duy nhất trong lớp học. Lớp này tôi phụ trách dạy gần mười năm nay từ khi về nhận làm giảng viên nơi đây, một trường đại học nhỏ nằm ngoài rìa một thị trấn mặc dù có tên trên bản đồ nhưng nói ra chẳng ai biết. Khu đại học tiếp giáp với cánh rừng phong bạt ngàn. Tôi ghét nghề dạy học nhưng nó giúp tôi có tiền sinh sống trong lúc cặm cụi viết sách, chờ ngày một nhà xuất bản nào đó chịu xuất bản tác phẩm của mình.”(Trang 237).

   Và rồi nhiều trang sau, gã nhà văn kể rằng, một hôm cô gái tự nhận là nhân vật nữ trong tiểu thuyết của gã nhà văn. Trịnh Y Thư viết: “Không hiểu bởi nguyên cớ gì cô tự nhận cô là nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết của tôi. Tôi có hai cuốn tiểu thuyết đã xuất bản, một cuốn tôi viết từ khi còn là sinh viên, cuốn kia ra mắt ba năm sau đó có một chút tiếng vang, nhưng ba tập bản thảo thì không nhà xuất bản nào chịu in. Thú thật tôi chẳng bao giờ có can đảm đọc lại những gì mình viết. Hai cuốn đã xuất bản, tôi bán đứt tác quyền cho nhà xuất bản và kiếm được món tiền kha khá, nhưng bọn phê bình đã viết những lời lẽ cay độc chê bai cả hai cuốn và kết quả sách tôi bán ra cho công chúng chẳng được bao nhiêu.” (Trang 242).

   Câu chuyện còn nhiều chuyển biến dị thường nữa. Nhưng việc đó, xin để cho các bạn đọc tiếp. Văn của Trịnh Y Thư thực sự là một thế giới rất mực siêu thực, như dường không có trong đời này. Nổi bật trong tiểu thuyết Đường về thủy phủ là ba mối tình chúng ta sẽ rất hiếm gặp trong cõi này. Các nhân vật đều rất thơ mộng trong cõi riêng của mỗi người. Chỉ cần gặp một người như thế trong đời này là đủ để chết trọn một kiếp rồi. 

   Nhân vật nữ người H’Mông 15 tuổi rất mực ngây thơ, yêu chàng người Kinh 19 tuổi đang tham dự cuộc chiến chống Pháp trong cương vị dân quân du kích. Thế rồi nàng và cả bản làng bị ông Tiểu đoàn trưởng Việt Minh xử tử toàn bộ vì nghi bản làng giúp đỡ người Pháp. 

   Rồi tới nhân vật nữ trong giới trí thức miền Nam, có chồng chết trong trại tù cải tạo, có đứa con gái duy nhất được ông anh chồng vượt biên dắt theo. Cô gặp một bác sĩ quân y Bắc kỳ 75. Chàng say mê nàng, theo đuổi nàng, rồi rụt rè xin gặp riêng nàng để tặng tiền, chỉ để ngắm thân thể nàng trong tư thế nằm, với đầy đủ áo quần.

   Rồi tới nhân vật nữ tự nhìn thấy cô như bước ra từ tiểu thuyết của một nhà văn đang mưu sinh bằng nghề dạy học ở một đại học rất nhỏ ở Hoa Kỳ, vì nhà văn này không thể sống bằng viết sách được. Mối tình giữa cô sinh viên và chàng nhà văn, cũng là giảng viên, bị trở ngại vì trường cấm ngặt chuyện giảng viên giao du tình cảm với sinh viên. Mà nàng cũng đâu có hiền gì, vẫn dan díu với những chàng sinh viên khác. 

   Truyện của Trịnh Y Thư thơ mộng là thế, đau đớn là thế. Cũng y hệt như cõi đời bất toàn này. Khi chúng ta buông ngòi bútxuống, rời bàn giấy, là các nhân vật trong truyện trở thành các hóa thân rực rỡ trong đời thường. Khi chúng ta khép lại trang giấy, và ngẩng đầu lên, chung quanh chúng ta bật sáng lên các nhân vật nữ của cõi mộng ngàn năm thi ca. Có phải rằng trong thâm sâu mỗi nhà văn vẫn luôn luôn là một chàng Tú Uyên, vẫn đang chờ đợi một nàng Giáng Kiều bước ra từ một bức tranh cổ họa để cùng bước bên nhau trong cõi đời bất trắc này? Và có phải Trịnh Y Thư chính là người đã hình tượng hóa những giấc mơ sâu thẳm đó bằng các mối tình trong Đường về thủy phủ?

 

 Phan Tấn Hải