Vương Trùng Dương:
GS Trần Huy Bích, Người Nặng Tình Với Non Sông & Chữ Nghĩa
Trưa Thứ Bảy 16/12/2023, giáo sư Trần Huy Bích thuyết trình về Bình Ngô Đại Cáo & hai bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi tại Viện Việt Học. Nguyễn Trãi là Thánh Tổ ngành Chiến Tranh Chính Trị VNCH. Trong Bình Ngô Đại Cáo có hai câu: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân mà thay cường bạo” làm kim chỉ nam cho ngành CTCT.
Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt có 6 khóa lấy tên từ Nguyễn Trãi 1 đến NT 6 (ra trường 5 khóa). Tôi xuất thân Khóa NT 1, thời gian 2 năm ở quân trường đã học về Bình Ngô Đại Cáo nhưng 57 năm sau nghe bài thuyết trình của GS Trần Huy Bích rất cặn kẽ, giải thích rõ ràng từ chữ từng câu được đối chiếu qua bản dịch của cụ Bùi Kỷ trong Quốc Văn Cụ Thể, cụ Ngô Tất Tố và đối chiếu với nhiều tư liệu qua sách, báo.
Bình Ngô Đại Cáo được coi là áng văn hùng hồn trong lịch sử dân tộc khi quân nhà Minh xâm lăng, cai trị rất tàn bạo (1414-1427). Lê Lợi thắng quân Minh, sai quân sư Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo lưu lại hậu thế. Với tấm lòng của giáo sư với bậc tiền nhân, nay viết vài dòng về ông.
Trước đây, trong vài bài viết liên quan đến văn học, trong tài liệu sưu tầm, tôi đã dựa vào số bài viết của GS Trần Huy Bích để xác minh vì sự thận trọng trong công trình biên khảo của ông, ngay cả chữ nghĩa.
GS Trần Huy Bích sinh năm 1936 tại Nam Định. Hồi còn ở vùng VM trong những năm chiến tranh VM - Pháp, ông học năm đầu bậc trung học ở trường Trung Học Nguyễn Biểu thuộc tỉnh Hà Nam niên khóa 1948-49. Sau đó, theo học trường Trung Học Nguyễn Khuyến ở thành phố Nam Định từ năm 1951 đến 1954, từ Đệ Lục đến hết Đệ Tứ, rồi thi Trung Học Đệ Nhị Cấp cuối tháng 5 năm 1954.
Đó là hậu thân của trường Thành Chung Nam Định. Tên “Trường Nguyễn Khuyến” có từ năm 1945, dưới thời Thủ Tướng Trần Trọng Kim và Bộ Trưởng Giáo Dục Hoàng Xuân Hãn, những vị đã đổi tên “Trường Bảo Hộ” (còn gọi là Trường Bưởi) ở Hà Nội thành “Trường Chu Văn An”
Năm 1954, ông di cư vào Sài Gòn, theo học Ban Văn Chương (Ban C) ở Trường Trung Học Chu Văn An (cùng với Song Thao Tạ Trung Sơn, Nguyễn Văn Canh, Trần Như Tráng, Phạm Văn Quảng, Nguyễn Duy Diệm, Bùi Quyền, Trần Minh Công, Phạm Công Bạch…), học trò nhà thơ Vũ Hoàng Chương nên viết nhiều bài về vị thầy với cả tấm lòng tri ân. Vào Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, đỗ cử nhân văn chương Việt Hán, dạy học từ cuối thập niên 1950s.
Sau khi động viên vào Trường Bộ Binh Thủ Đức, ông được phục vụ trong Văn Hóa Vụ Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, ông được học bổng du học Hoa Kỳ. Năm 1975, ông bị kẹt lại và tốt nghiệp cao học và tiến sĩ về Giáo Dục & Chính Trị Đối Chiếu tại University of Texas, Austin.
Sau thời gian dạy học, ông giữ chức Phó Giám Đốc, phụ trách chương trình hướng dẫn và huấn nghiệp dành cho sinh viên ngoại quốc tại Pasadena City College, Pasadena, California, Quản Thủ thư viện trong chương trình A.S.I.A của hệ thống thư viện công cộng, California, phụ tá quản thủ thư viện, phụ trách các tài liệu về giáo dục và về Á Châu Học và Trung Hoa Học tại thư viện đại học UCLA (1989-2001) và đại học USC (2002 cho đến khi về hưu năm 2007). Nơi đây là cơ hội nghiên cứu tài liệu trên nhiều lãnh vực.
Viện Việt Học (Institute of Vietnamese Studies) thành lập năm 2000, GS Nguyễn Đình Hòa, Viện Trưởng sáng lập mời ông gia nhập Ban Giảng Huấn của VVH và giữ nhiệm vụ Phụ Tá Viện Trưởng.
Sau khi GS Nguyễn Đình Hòa tạ thế, GS Nguyễn Khắc Hoạch lên thay, đổi nhiệm vụ ông thành Phó Viện Trưởng phụ trách Học Vụ trong các năm 2001, 2002, và hai lần tổ chức lớp “Đại Cương Về Văn Học VN” (I và II). GS Đoàn Khoách phụ trách phần Văn Học chữ Hán, các GS Nguyễn Sỹ Tế và Lưu Trung Khảo phụ trách Văn Chương Quốc Âm qua các thời, GS Nguyễn Văn Sâm phụ trách Văn Học & Văn Chương Miền Nam, GS Trần Lam Giang phụ trách phần Văn Chương Cách Mạng. GS Trần Huy Bích phụ trách Văn Chương Bình Dân (ca dao, tục ngữ, chuyện cổ tích) và “Sơ Lược Về Văn Học VN trong thời gian đất nước chia đôi”. Năm 2003, ông xin GS Trần Ngọc Ninh cho được rút lui khỏi chức Phó Viện Trưởng. GS Ninh đồng ý sau khi yêu cầu, ông giới thiệu GS Phạm Lệ Hương trông coi thư viện. Tuy từ chức Phó Viện Trưởng, ông vẫn giữ vai trò giảng viên của Viện Việt Học.
Năm 2010, vợ ông qua đời. Ông chuyển về Little Saigon, mua căn mobile home trên đường Bolsa, có dịp gặp gỡ thân hữu.
Ngoài ra, ông tích cực hỗ trợ Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California và Hội Giáo Chức Việt Nam Nam California trong cương vị cố vấn. Mỗi tháng ông thường dành buổi chiều cuối tuần tiếp xúc những sinh viên trẻ với những câu hỏi về văn học, văn hóa Việt Nam. Ông là bậc thức giả, thông thạo nhiều ngoại ngữ nên hướng dẫn giúp cho giới trẻ Việt Nam lớn lên ở hải ngoại hiểu biết tường tận về văn học, văn hóa, lịch sử và nền giáo dục VNCH.
Ông và giáo sư Dương Ngọc Sum cùng tham gia trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, chênh lệch tuổi tác, thế hệ học trò… thể hiện sự hòa đồng với nhau.
Trước đây tôi nhận được cuốn Lược Sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam của Tổng Hội SVSQ Trường VBQG do Trung Tá Vũ Mạnh Hùng (Khóa 13 và đơn vị trưởng của tôi) ở Oregon gửi tặng. Tháng Sáu năm 2023 tại Viện Việt Học giới thiệu cuốn lược sử mới nầy, trải qua một thời phục vụ trong quân ngũ nên ông tham gia trong Ban Hiệu Đính (GS Tôn Thất Dziên, Khóa 10 và Trưởng Ban Văn Hóa Vụ) góp phần biên soạn. Với tôi, là người lính với 16 năm thực hiện nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, rất quý ông (không để ý đến sự tranh chấp) mà nặng tình vào công việc nầy với quân trường đã phục vụ.
Theo ông: “Lịch sử thường được kẻ chiến thắng viết, vì nhiều lý do trong đó có sự chủ quan, tinh thần tự tôn, tự đề cao, muốn được coi mình là người nắm giữ chính nghĩa. Sau chiến tranh, kẻ chiến thắng thường tự vơ hết những gì tốt đẹp về cho mình, và gán hết những gì xấu xa tệ hại nhất cho người thất trận”.
Năm 2016, ông thực hiện blogspost Trần Từ Mai (bút hiệu của ông) cho đến nay đã phổ biến hơn 120 bài viết của ông và bạn văn. Hơn thập niên qua, ông là diễn giả trong những lần ra mắt sách, rất tiếc nhiều bài nầy không phổ biến trên blogspost của ông và trên internet.
Từ Mai Trần Huy Bích là nhà giáo, nhà văn hóa qua nhiều thập kỷ, ông viết về các bậc tiền nhân văn hóa nước nhà, sưu tầm nhiều áng văn bất hủ, trong đó nhiều bài chữ Nho của các cụ Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đặng Đức Siêu…, dịch ra Quốc Ngữ, thơ, gọn và trong sáng để lưu lại hậu thế.
Ông là người nặng tình với nước non, bảo tồn văn hóa dân tộc, trong các khóa Huấn Luyện & Tu Nghiệp Sư Phạm tổ chức vào dịp Hè thường niên của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California cho các thầy, cô dạy tiếng Việt ở các Trường, Trung Tâm Việt Ngữ, ông được mời thuyết trình những đề tài về văn hóa và bảo tồn tiếng Việt rất hữu ích. (Tôi cũng có thời gian mười năm làm Trưởng Khối Báo Chí trước khi ông về Little Saigon).
Về chữ nghĩa, tài liệu, ông rất thận trọng khi đề cập, chẳng hạn bài viết về “xử dụng, sử dụng”, “dòng, giòng” ông dựa vào các nguồn từ điển, tựa đề, tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng để phân tích rõ ràng, không chỉ trích, đả kích, đúng, sai… đó là cách xử sự của bậc thức giả khi viết cũng như khi giao tiếp.
Ông viết cho nhiều người nhưng, với tôi, ít người đáp lễ, có lẽ khi viết về ông sẽ dài một quyển sách mới trích dẫn được nội dung qua từng bài viết. Trước đây tôi có chia sẻ với giáo sư Trần Gia Phụng, mỗi lần ở Canada sang, thường ghé nhà ông, anh cũng cho biết, ông nầy khiêm tốn và quá thận trọng với chữ nghĩa nên muốn viết cũng ngại. Nếu nghĩ như vậy cũng bất công với ông, một đời tận tụy trước tác, diễn giả bao nhiêu tác phẩm khi ra mắt trong cộng đồng người Việt.
Những người cùng tuổi với ông như nhà văn Thảo Trường (1936-2010), GS Trần Như Tảng (1936-2013 - GS Trần Như Tráng sau khi đậu PhD về Chính Trị Đối Chiếu, Phó Khoa Trưởng Phân Khoa Khoa Học Xã Hội tại Đại Học Vạn Hạnh và sau nầy dạy đại học ở Hoa Kỳ), nhà văn Nhật Tiến (1936-2020), nhà văn Nguyễn Đình Toàn (1936-11/2023) và bạn học Bùi Quyền (1937-2020) nay đã ra người thiên cổ.
Triết gia Blaise Pascal (1623-1662) với câu nói để đời “Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy có tư tưởng” với ông cũng đúng thôi. Cây sậy Trần Huy Bích vẫn còn minh mẫn đóng góp trong cuộc hành trình với chữ nghĩa, lịch sử, văn học… đáng ngưỡng mộ.
Little Saigon, December, 2023
VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG
Giới thiệu cuốn “Tản mạn
về ca dao lịch sử”
của nhà giáo ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Người
là một sinh vật có những hoạt động tập thể và có ý thức rất rõ về sự cần thiết
của những hoạt động tập thể ấy. Từ giai đoạn sơ khai đã có đời sống bộ lạc.
Phát triển thêm có đời sống gia đình, gia tộc, thị tộc, làng xã …, tiến tới
quốc gia, rồi xã hội, quốc tế. Ở mỗi cấp của hoạt động tập thể, đều có những
lời nói, việc làm … đưa ảnh hưởng từ cá nhân vào tập thể và ngược lại. Những
lời nói, việc làm ấy có khi đúng, có khi sai. Những ảnh hưởng ấy có khi tốt, có
khi xấu. Nhưng điều hiển nhiên là cá nhân cũng như tập thể đều có quá khứ đáng
ghi nhớ để có thể từ đó rút ra những kinh nghiệm, thu được những bài học hữu
ích. Chúng ta biết “ôn cố nhi tri tân” (ôn lại chuyện cũ để biết thêm về sự
việc mới). Nhân loại có lịch sử, và có thể học hỏi từ lịch sử của mình.
Trong
những xã hội tiến bộ từ Đông sang Tây, chép sử là một việc làm quan trọng,
không riêng của triều đình hay bộ máy cầm quyền, mà còn của nhiều bậc thức giả.
Khi chép lại sử cũ, nhiều tác giả cũng nói rõ: Chép sử là đem những việc sai,
việc hỏng đời trước viết vào sách để làm gương soi cho đời sau. Nhiều cuốn sử
lấy tên là “thông giám,” trong ý nghĩa “giám” 鑑 là “gương soi.” Trung Hoa có Tư Trị Thông
Giám của Tư Mã Quang đời Tống. Việt Nam có Khâm Định Việt Sử
Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn.
Sử do
triều đình chép hẳn sẽ phản ảnh cách nhìn của triều đình. Sau những cuộc tranh
bá đồ vương, sử do kẻ chiến thắng chép đương nhiên đưa ra cách nhìn một chiều
của kẻ chiến thắng. Sau khi nhà Lý thay nhà Tiền Lê, sự thật về những năm cuối
của nhà Tiền Lê không được trình bày một cách đầy đủ và đúng mức, thiếu tính
cách khách quan. Sau khi nhà Nguyễn diệt nhà Tây Sơn, nhiều sự kiện về nhà Tây
Sơn đã bị che dấu, hoặc trình bày lại một cách thiếu trung thực.
Cũng
may dân gian thường có nhận định vô tư, khách quan hơn. Những thiếu sót, thiên
lệch trong sách sử do triều đình biên soạn có thể được bổ khuyết bằng những
truyện truyền miệng, những câu vè, ca dao … phổ biến trong dân gian. Nếu chỉ
đọc sử của triều đình, chúng ta khó có thể biết những tồi tệ của tình trạng mua
quan bán tước từng xảy ra trong một vài giai đoạn xã hội suy thoái:
Mười quan thì đặng tước hầu
Năm quan tước bá ai hầu kém ai.
Việc vua Tự Đức cho xây Khiêm lăng (đương thời gọi là “Vạn niên
cơ”) cũng đưa tới nhiều oán than trong dân chúng. Nhưng nếu chỉ đọc chính sử
của nhà Nguyễn, ta khó có thể biết tới những lời than oán ấy:
Vạn niên là vạn niên nào?
Thành xây xương lính, hào đào máu dân.
Dùng ca dao để tìm hiểu thêm về quá khứ của dân tộc, đất nước …
là một ngành nghiên cứu hữu ích và lý thú. Đây cũng là một việc khó, có một số
giới hạn, đòi hỏi nơi người nghiên cứu và giải thích một trình độ kiến thức
vững chắc, đọc nhiều, biết rộng …. Người làm được việc ấy cũng cần có
những nhận thức tinh tế và giữ một tinh thần khách quan, vô tư, vì nếu không có
những thứ ấy, dễ đi tới sai lạc.
Giáo sư Đào Đức Nhuận dạy Quốc văn và Sử Địa nhiều năm ở Việt
Nam. Yêu văn chương, yêu quốc sử, thông thạo địa dư, ông sưu tầm những câu ca
dao mang ý nghĩa lịch sử từ rất lâu, nghiền ngẫm thật kỹ về ý nghĩa của chúng.
Ông còn đối chiếu những bản được truyền tụng khác nhau để tìm hiểu sự thật
trước khi giới thiệu tới độc giả. Với kiến thức uyên bác và đặc tính cẩn trọng,
cuốn biên khảo về tỉnh Quảng Ngãi của ông (Quảng Ngãi, quê hương thân yêu, xuất
bản năm 2014), đã được biết là một tác phẩm có giá trị. Trong niềm mong đợi và
với sự tin cậy, người viết những dòng này hân hoan đón nhận bản thảo cuốn Tản
mạn về ca dao lịch sử của ông.
Với tinh thần tìm tòi công phu, Gs. Nhuận phát hiện và giới
thiệu nhiều câu ca dao lịch sử ít người biết. Chẳng hạn những câu liên
quan đến việc Đăng Quận công Nguyễn Khải ở Thanh Hóa vào đầu thế kỷ 17 bắt dân
kéo đá, gánh đá xây khu vực sinh từ:
Cơm ăn mỗi bữa một lưng
Bao giờ gánh đá ông Đăng cho rồi!
Cơm ăn mỗi bữa một vơi
Bao giờ kéo đá cho rồi ông Đăng?
Ông còn đối chiếu với chính sử (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
để tìm hiểu thêm về tình trạng sinh sống của người dân thời đó, với những tài
liệu biên khảo có thẩm quyền (như Lịch triều Hiến chương Loại chí của
Phan Huy Chú) để biết rõ hơn về những nhân vật ông muốn đề cập tới. Ông còn lưu
tâm tới những tài liệu biên khảo khác về cùng đề tài, chẳng hạn những bài viết
của học giả Huỳnh Sanh Thông, khi bàn về sự thật lịch sử cũng như về những dị
bản của câu ca dao ông muốn giải thích.
Khi giới thiệu những câu ca dao liên quan đến nhà Tây Sơn, ông
trình bày và phân tích những câu bộc lộ niềm hân hoan ủng hộ anh em Tây Sơn
trong giai đoạn đầu, cho tới những câu bày tỏ niềm thất vọng, chán ngán, đôi
khi oán trách nữa, trong giai đoạn sau. Ông phân tách một cách vô tư nhưng rất
lý thú thái độ của dân chúng trong khu vực Tây Sơn cai trị đối với việc binh
thuyền chúa Nguyễn từ trong Nam ra đánh trong giai đoạn đầu:
Gió nồm thổi rộ tháng ba
Giặc mùa trong ấy kéo ra hãi hùng
tương phản hẳn với giai đoạn sau:
Lạy trời cho cả gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra.
Với câu nói lưu truyền trong dân gian, “Bỏ vua không
Khả, bới mả không Bài” (hay “Phế vua không Khả,
đào mả không Bài”), ông tìm tòi thật kỹ trong các sử liệu thời bấy giờ để
giải thích ý nghĩa của câu ấy một cách tường tận. Ông biện luận một cách minh
bạch tính cách hữu lý của những từ khác nhau, “bỏ vua, phế vua, đày vua,” và
phản bác những người hoặc hiểu sai, hoặc cố tình xuyên tạc câu ấy thành “Đày
vua có Khả, đào mả có Bài.” Theo thiển ý, bài viết của ông là tài liệu
rõ và vô tư nhất về hai câu truyền miệng mang tính cách lịch sử này.
Bài viết của ông về câu ca dao:
Gái đâu có gái lạ lùng
Con vua mà lấy hai chồng làm vua
là bài viết đầy đủ, rõ, đưa ra nhiều chi tiết nhất về cuộc đời
hai công chúa Ngọc Hân, Ngọc Bình, hai vị công chúa nhà Lê đã khiến nhiều người
lẫn với nhau.
Ông còn cung cấp một bài viết phong phú và lý thú về những câu
ca dao được coi là sấm ngữ, từ những câu được coi là của Trạng Trình Nguyễn
Bỉnh Khiêm tới những câu sấm khác. Phạm vi bài của ông từ giai đoạn đầu của
thời vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, qua thời vua Lê Chiêu Thống mất ngôi, tới
những câu liên quan tới Nguyễn Công Trứ, Phan Bá Vành đời Nguyễn, kết thúc với
việc Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier gặp tai nạn máy bay bốc cháy năm
1934. Người đọc sẽ tìm thấy từ tập sách của ông nhiều thông tin bổ ích và thật
vui.
Với kiến thức rộng và đặc tính cẩn trọng, Gs. Đào Đức Nhuận tham
khảo rất kỹ và chu đáo khi viết. Ông đã sử dụng Đại Việt Sử Ký Toàn
Thư, Đại Nam Thực Lục, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí …, cho tới
những sử liệu gần đây như Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Việt
Sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn …. Về văn học, ông tham khảo những tài
liệu được biên soạn công phu như Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên của
Phạm Thế Ngũ, Văn Học Nam Hà của Nguyễn Văn Sâm… cùng nhiều
tài liệu khác. Ông cũng đặc biệt sử dụng một tài liệu ít người biết tới và
không dễ có tại quốc ngoại là Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Lục kỷ
Phụ biên. Đây là cuốn Đại Nam Thực Lục chép sự việc
trong hai triều Thành Thái và Duy Tân, chỉ mới được phiên dịch và xuất bản năm
2011, số bản in khá giới hạn, trong nước cũng ít người có chứ không nói tới
quốc ngoại. Ông cũng tham khảo và sử dụng một cách dè dặt một số tài liệu trên
Net. Điều ấy cho ta thấy cuốn Tản mạn về ca dao lịch sử của
Gs. Đào Đức Nhuận là một cuốn biên khảo nghiêm túc, công phu, hữu ích, rất đáng
tin cậy.
Trong nhận thức rằng ca dao lịch sử là một nguồn tài liệu phong
phú, có thể giúp chúng ta hiểu thêm một cách thích thú về lịch sử nước
nhà, trong ý thức rằng những ca dao ấy cần được phân tích và chú giải do một
nhà biên khảo có kiến thức đáng tin cậy với tinh thần cẩn trọng, vô tư, người
viết những dòng này xin hân hoan giới thiệu cuốn Tản mạn về ca dao
lịch sử của Gs. Đào Đức Nhuận tới độc giả.
Trần Huy Bích
Thông tin bổ túc:
Tản mạn về ca dao lịch sử của Đào Đức Nhuận do Nhân Ảnh Tân Văn xuất bản đầu năm 2017. Sách gồm 295
trang với 19 bài phân tích một số câu ca dao lịch sử đáng chú ý.
NHỚ ANH TÂM THIỆN
Tôi nghe danh anh Nguyễn Ngọc Bích từ rất lâu, và đọc tác phẩm của anh từ 1975 (tập thơ dịch A Thousand Years of Vietnamese Poetry), nhưng mãi đến năm 2000 mới có hoàn cảnh tiếp tay trong một vài việc anh làm.
Mùa Hè năm 2000, anh từ miền Đông sang California để cho ra mắt cuốn Hồ Xuân Hương : Tác phẩm do
anh sưu tập và hiệu đính. Hai người được anh nhờ tới giới thiệu sách là
cố Giáo sư Nguyễn Đình Hoà và tôi. Trong sách, anh đề cập tới bản Lưu Hương Ký chép
tay, đã do cụ Cử nhân Hán học Nguyễn Văn Tú, người làng Hành Thiện,
tỉnh Nam Định, đem từ tủ sách gia đình ra tặng thư viện Viện Văn Học.
Khi tới phiên trình bày, tôi nói ít lời về cụ, và cho biết cụ chính là
vị thầy dạy Hán văn của tôi niên khóa 1953-54 khi theo học lớp Đệ Tứ
trường Trung học Nguyễn Khuyến Nam Định. Anh Bích rất lưu tâm tới chi
tiết này. Sau khi tôi trình bày xong, anh đến hỏi tôi thêm về cụ. Tôi
nói với anh những điều tôi biết, rồi thêm rằng qua những điều tôi nhận
thức được về cụ (làm những việc tốt, việc phải không vì danh lợi) thì
việc đem một cuốn sách quý, thuộc loại “gia bảo” trong tủ sách gia đình
ra tặng Viện Văn Học, hoàn toàn hợp với tư cách cao quý của cụ. Anh Bích
rất vui khi biết thêm những chi tiết ấy.
Năm 2005 anh cho tôi biết anh có ý định dịch Cung Oán Ngâm Khúc sang tiếng Anh. Tôi nhiệt liệt tán thành và nói, “Cung Oán Ngâm Khúc dùng
quá nhiều điển tích và nhiều từ Hán Việt khó, là một trở ngại lớn đối
với thế hệ trẻ. Một bản dịch Anh ngữ xuất sắc, bên cạnh việc để giới
thiệu với quốc tế, có công dụng giúp thanh niên, sinh viên Việt sống ở
ngoại quốc (và đã thạo Anh ngữ) rất nhiều.” Biết anh giỏi Pháp văn, tôi
nói thêm, “Tôi có một bản dịch Cung Oán sang tiếng Pháp (Les plaintes d’une odalisque,
do Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng dịch - Sàigòn : Bộ Quốc gia Giáo dục, 1960).
Trong trường hợp anh chưa có cuốn ấy, tôi sẽ làm bản sao gửi sang anh.
Hi vọng cuốn này cũng góp thêm phần nào vào việc nắm vững ý nghĩa những
chỗ khúc mắc.” Tôi đã làm việc ấy theo lời anh yêu cầu, và thỉnh thoảng
trao đổi ý kiến với anh qua email khi anh gặp những điển tích khá rắc
rối. Năm sau 2006, khi qua ra mắt cuốn sách ở Nam California, anh yêu
cầu tôi tới “nói ít lời giới thiệu.” Những hàng chữ anh viết trên tập
sách ký tặng tôi sau đó cho thấy anh rất vui và rất hài lòng.
Đầu năm 2012, khi tới Nam California cho ra mắt tập thơ Lưu Hương Ký của
Hồ Xuân Hương (thơ chữ Hán và Nôm, do anh phiên âm và chú thích), anh
ghé thăm tôi, muốn tôi lại giới thiệu cuốn sách như mấy lần trước. Trong
cuốn này, cũng như trong Hồ Xuân Hương : Tác phẩm xuất bản năm 2000, anh nêu ra một thắc mắc hữu lý: Tuy được chép trong Lưu Hương Ký, bốn câu đầu của bài “Thu tứ ca” (từ “Thu phong khởi hề bạch vân phi” tới “Hoài giai nhân hề bất năng vương”) đúng
là mấy câu mở đầu bài “Thu phong từ” của Hán Vũ đế Lưu Triệt, vị vua
thứ 7 nhà Tây Hán, trị vì từ năm 141 đến năm 87 trước công nguyên, nghĩa
là trước Hồ Xuân Hương 19 thế kỷ. Vậy đã có chuyện lầm lẫn chăng? Chúng
ta có nên coi bài “Thu tứ ca” là tác phẩm của Hồ Xuân Hương nữa hay
không?
Khi
giới thiệu sách, sau phần trình bày những khó khăn cho ta thấy công phu
cùng lòng nhiệt thành với văn học của anh Nguyễn Ngọc Bích, tôi nêu một
nhận xét: Người xưa vẫn thường đưa những câu thơ, câu văn đã trở nên
quen thuộc của cổ nhân vào tác phẩm của mình, để làm rõ thêm một ý muốn
nhấn mạnh, để chứng tỏ rằng tiền nhân “cũng từng nghĩ, từng gặp cảnh ngộ
giống như thế.” Đó là trường hợp của Nguyễn Công Trứ khi đưa hai câu
thơ của Văn Thiên Tường (Nhân sinh tự cổ thùy vô tử …) vào bài hát nói “Chí làm trai,” trường hợp của Cao Bá Quát khi đưa những câu của Tô Đông Pha (Duy giang thượng chi thanh phong …) và của Lý Bạch (Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai …) vào bài hát nói ”Ngán đời.” Đó cũng là trường hợp của Vũ Hoàng Chương khi sáng tác bài “Ý đàn” trong tập thơ Hoa Đăng (Sàigòn : Văn Hữu Á Châu, 1959). Trước khi đưa ra những câu thơ của chính mình (Mơ xanh đắng vị thu già …), nhà thơ họ Vũ đã mở đầu bằng hai câu thơ của Cao Bá Quát: “Minh nhật dục từ Nam phố đạo, Hà nhân cánh xướng Bắc cung thanh.” Trong bài thơ gửi từ nhà giam Chí Hòa về gia đình năm 1976, trước khi viết những câu của chính mình (Chẳng dùng chi được văn tài, Thân này lụy áo cơm ai bất ngờ …), Vũ Hoàng Chương cũng đã chép lại hai câu thơ trong bài “Khất thực” (bài thứ 14 trong Thanh Hiên Thi Tập) của Nguyễn Du: “Văn tự hà tằng vi ngã dụng, Cơ hàn bất giác thụ nhân liên” (có thể lược dịch là: Văn chương chữ nghĩa đã từng ích gì cho ta? Không dè vì đói rét phải nhận lòng thương hại của người).
Tiền nhân ở Á Đông xưa không có quan niệm giữ tác quyền. Có tác phẩm được lưu truyền (có “văn chương hành thế”)
là niềm vui của các tác giả. Những câu được trích dẫn thường là những
câu có ý tưởng hay, giới học thức đều đã biết, nên người trích dẫn được
coi là đã “tập cổ” (thu góp ý người xưa) chứ không bị coi là “đạo văn.”
Đó là trường hợp của Hồ Xuân Hương khi đưa mấy câu trong bài “Thu phong
từ” của Hán Vũ đế lên trước những câu của chính mình trong bài “Thu tứ
ca.” Tôi nhớ đã kết luận ý nghĩ ấy bằng câu: Chúng ta vẫn có quyền coi
“Thu tứ ca” là một tác phẩm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Giáo sư Nguyễn Ngọc
Bích đã rất đúng khi phiên âm và chú giải bài ấy. Chỉ cần nêu rõ: Bốn
câu đầu được rút từ bài “Thu phong từ” của Hán Vũ đế, một điều Giáo sư
Nguyễn Ngọc Bích đã làm. Lập luận ấy khiến anh Nguyễn Ngọc Bích vui, và
cử tọa cũng tỏ ra tán thưởng.
Trong
những việc kể trên, anh Nguyễn Ngọc Bích luôn luôn là nhân vật chính,
nhiệm vụ nặng và đáng nói hơn nhiều: sưu tầm, phiên âm, phiên dịch, chú
giải, đưa sách đi in… Tôi chỉ giữ vai người tán trợ, thỉnh thoảng góp
chút ý kiến, tài liệu nhỏ (trường hợp bản dịch Cung Oán Ngâm Khúc),
rồi tới nói ít lời về cuốn sách để những ai chưa đọc sẽ thấy rõ ý
nghĩa, giá trị của sách cùng những vất vả, công phu của anh hơn. Tôi rất
vui đã có dịp tiếp tay anh một cách khiêm nhượng như thế.
Có
khi anh và tôi cùng được yêu cầu làm một việc, mới trông có vẻ giống
nhau: tới phát biểu ít lời nhân dịp giỗ đầu của nhà thơ Nguyễn Chí
Thiện. Nhưng tôi chỉ từ nhà lái xe tới địa điểm hành lễ (không quá 3
miles) trong khi anh phải bay từ miền Đông sang California. Tôi cũng chỉ
phải đứng trước công chúng có một lần trong ngày, trong khi anh phải
nói ba lần liên tiếp tại ba địa điểm khác nhau nhân chuyến đi ấy. Sức
làm việc của anh quả là phi thường!
Khi
sang dự Hội nghị về Biển Đông tại Manila tháng 3 năm 2015 cũng thế. Tôi
chỉ việc tới nơi, có mặt trong ngày Tiếp tân (hôm trước) và ngày Hội
nghị (hôm sau). Trong Hội nghị, tôi chỉ việc lắng nghe các diễn giả, ghi
chép, nêu câu hỏi, đóng góp ý kiến một cách rất khiêm nhượng, rồi trao
đổi thêm với một số diễn giả và bạn trẻ từ Việt Nam tới trong giờ giải
lao, trong khi anh đứng trong Ban Tổ chức, có thêm nhiều nhiệm vụ khác.
Sau Hội nghị tôi cũng về Mỹ ngay, trong khi anh còn ở thêm ba hôm nữa,
sinh hoạt với anh em “Họp mặt Dân chủ,” một số anh chị em từ trong nước
qua. Sức làm việc và tinh thần “dấn thân” của anh quả đáng khâm phục!
Trong
một số dịch phẩm của anh Nguyễn Ngọc Bích (chuyển thơ, ca dao Việt sang
Anh ngữ), có đôi chỗ cách hiểu của tôi có chút khác cách hiểu của anh.
Với tư cách bạn thân, tôi đưa ra hỏi khi có dịp gặp thì được anh cho
biết những bản dịch ấy có từ quá lâu (A Thousand Years of Vietnamese Poetry được
xuất bản năm 1975, hơn 40 năm trước). Cách hiểu của anh về sau đã khác
trước một cách đáng kể. Anh cho biết khi có dịp tái bản, sẽ cho in lại
theo cách hiểu mới. Rất tiếc anh ra đi một cách quá đột ngột, chưa kịp
làm công việc tái bản ấy!
Bên
cạnh con người “học giả” và “chiến sĩ” vẫn còn một Nguyễn Ngọc Bích
“nghệ sĩ.” Khi đứng hát trước công chúng, anh hát một cách say sưa. Khả
năng truyền cảm qua những bản hát của anh rất mạnh.
Anh chăm chút các tập sách của anh trong tinh thần một người yêu nghệ thuật. Trong A Thousand Years of Vietnamese Poetry là
một sưu tập tranh dân gian mỹ thuật và phong phú: người nông dân ngồi
nghỉ cạnh con trâu, mục đồng thổi sáo, thiếu nữ gảy đàn, Bà Triệu cưỡi
voi, lợn mẹ cùng bày lợn con, chim, cá … Đến phần thơ văn cận đại
(“Modern times” với Thế Lữ, Huy Cận …), anh tìm được bức tranh một người
lính đi xe đạp, đeo súng, mắt nhìn theo chim bay giữa đám hoa. Tranh
mang hàng chữ Hán “Văn minh tiến bộ.” Quả là một bức tranh đặc biệt và
hiếm thấy.
Trong cuốn Cung Oán Ngâm Khúc do
anh dịch và chú giải, anh giới thiệu bộ tranh minh họa tác phẩm ấy một
cách vô cùng xuất sắc của cố họa sĩ Mai Lân. Toàn bộ gồm 40 bức tranh
màu, vẽ nàng cung phi trong trang phục thời xưa qua các giai đoạn của
tác phẩm: từ vẻ kiều diễm thuở thiếu thời, những “ong bướm xôn xao,” rồi
được đưa vào cung với những huy hoàng ban đầu cho tới khi bị xao lãng,
nông nỗi cô đơn, âm thầm chiếc bóng… Cũng có những bức tranh minh họa tư
tưởng trong tác phẩm: từ cuộc đời phù du, ý định nương mình cửa Phật,
cho tới hạnh phúc đơn giản của cặp vợ chồng quê. Bên cạnh giá trị văn
học, cuốn sách đạt tới địa vị một giai phẩm về phương diện ấn loát.
Hai cuốn Hồ Xuân Hương : Tác phẩm và Lưu Hương Ký cũng
tập hợp nhiều tranh minh họa xuất sắc, cả tranh đen trắng lẫn tranh
màu, từ tranh dân gian đến tác phẩm của những họa sĩ danh tiếng như Bùi
Xuân Phái, Võ Đình, Nguyễn Thị Hợp… Về phương diện mỹ thuật, anh Nguyễn
Ngọc Bích đã chăm chút tác phẩm của mình một cách tài hoa và tận tâm.
Sự
ra đi đột ngột của anh đã khiến rất nhiều người thương tiếc. Trong
những năm lưu lạc tại hải ngoại cũng nhiều người Việt Nam quên mình cho
lý tưởng, tận tụy làm việc, mong đem lại tự do, dân chủ, thịnh vượng cho
quê hương. Nhưng đúng như nhận xét của nhà văn Trần Trung Đạo, ít ai đã
“cống hiến một cách tích cực, liên tục, và phong phú trong nhiều lãnh
vực” như anh Nguyễn Ngọc Bích. Giã biệt thế gian một cách nhẹ nhàng khi
đang ở trên mây cao, anh hẳn phải có một cái “tâm” rất “thiện” để xứng
với phúc lành ấy. Mỗi khi nghĩ tới anh, người viết những dòng này lại
nhớ đến nụ cười rất tươi và hồn nhiên. Nụ cười ấy luôn luôn xuất hiện
trên khuôn mặt người đã nhận pháp danh là “Tâm Thiện.”
Ít hàng của một
người đọc truyện
PHẠM TÍN AN NINH
Với nhiều người mến mộ, nhà văn Phạm Tín An Ninh thường nói: ông không phải là một nhà văn. Thực ra từ những ngày thơ ấu ở làng Phú Hội, huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa, qua những ngày di học ở Nha Trang, Sài gòn, những ngày trong quân ngũ như hầu hết thanh niên Việt ở cùng thời, cùng tuổi, cho tới những năm bị kẻ chiến thắng đầy đọa trong các trại khổ sai mang danh trại "cải tạo," ông chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ cầm bút để viết truyện. Chỉ sau khí "trải qua một cuộc bể dâu," khi cuộc sống đã tạm ổn định trong cảnh lưu lạc cách quê hương nửa vòng trái đất, nhất là trong những lúc thật buồn, ông mới dành được chút thời giờ ngồi viết lại những kỷ niệm cũ để giải toả bớt phần nào những u ẩn trong tâm tư. Ông cho biết hầu hết các bài viết truyện ngắn của ông đều bắt nguồn từ những sự kiện có thật trong cuộc đời của chính ông, của gia đình, họ hàng và những bạn bè thân.
Phạm Tín An Ninh nhận định về việc ông được mến mộ một cách rất khiêm nhượng. Theo ông ở thế hệ chúng ta, ai cũng phải trái qua nhiều mất mát, thăng trầm. Vì thế khi đọc ông, hầu hết độc giả đều thấy sự đống cảm, và do đó, đã dành cảm mến cho tác giả. Ông được coi như đã "viết hộ," "nói ra hộ" nhiều người không có cơ hội cầm bút hoặc năng khiếu vận dụng ngòi bút.
Có người cho rằng cảnh ngộ của cá nhân và đất nước đã khiến Phạm Tín An Ninh thành công như một nhà văn: sự sụp đổ của miền Nam năm 1975 với những đau thương, ngang trái ông đã phải trải qua hay chứng kiến. Tuy không ai muốn đón nhận, đau khổ trong cuộc đời vẫn là những đóng góp hữu ích cho văn chương. Cuộc đời nhà thơ Đỗ Phủ với những cảnh trong xã hội chung quanh khi biến loạn An Lộc Sơn xảy ra đã là một dẫn chứng cụ thể. Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San cũng cho rằng những từng trải trong cuộc sống khiến văn chương thêm già dặn và phong phú: "Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí, Nhân bất phong sương vị lão tài" (Không có "núi" và "nước," văn không có khí lạ, không trải qua sương gió, người chưa có khả năng già dặn).
Chính những thương đau, tủi nhục xảy tới cho bản thân, gia đình, bạn hữu cùng bao người quen biết sau những tan tác năm 1975 đã giúp Phạm Tín An Ninh chất liệu để hoàn tất hầu hết các truyện ngắn cửa ông, nhất là "Chiếc nhẫn cưới," Đà Lạt trời mưa," "Ba dòng nước mắt," Người bán sách trên bãi biển Nha Trang"...
Cũng công bình mà nói, không nhiều người viết có được những cơ duyên hữu ích cho việc xây dựng truyện như ông. Gặp được một quản giáo còn có tình người và lương tâm như Thượng úy Nguyễn Văn Thà trong một trại "học tập cải tạo" đã là một may mắn hiếm có. Nhưng sau đó, lại gặp trên đất Na uy con của một nhân vật từng giữ địa vị cao của chế độ Hà nội để có thể nhắn tin, tìm cách giúp ông Thà đã bị "phục viên" về sống ở Nghệ Tĩnh, cộng thêm mối giao tình với một Đại tá Ba Lan, người đang giữ trọng trách trong ngành Cảnh sát nước này, để nhờ đó có thể giúp hai người con ông Thà đang lưu lạc trên đất Ba Lan một cách thực tiễn, thì quả là những hạnh ngộ đặc biệt. "Ở cuối hai con đường" không thể thành công như chúng ta đã thấy nếu tác giá không có những cơ duyên đặc biệt ấy.
Trên một khía cạnh khác, dù có nhiều từng trải, nhưng nếu người trải qua cảnh ngộ không có một cái "tâm" đồng cám thì câu chuyện chưa chắc được lưu ý đúng mức để có thể viết ra. Cho dù có được viết, đôi khi cũng chỉ thành những chuyện kể thiếu sâu sắc. Từ nhỏ, ai trong chúng ta không có ít nhiều liên hệ đáng ghi nhớ với họ hàng, bè bạn, không chứng kiến một số cảnh đau khổ? Từ sau 1975, bao nhiêu người trải qua hoặc thấy tận mắt những oan trái, thương đau. Nhưng số lượng tác phẩm chan chứa tình cám, có thể khiến người đọc xúc động vẫn chưa xuất hiện nhiều. Phạm Tín An Ninh quả có nhiều từng trái và cơ duyên đề thành một nhà văn, nhưng yếu tố chính khiến ông trở nên một nhà văn được quý mến không chỉ ở những ưu điểm ấy.
Một đặc điểm nổi bật trong hầu hết các truyện của Phạm Tín An Ninh là chan chứa tình cảm và tình người. Khi kể lại những đau khổ, bất công bản thân mình phải gánh chịu, ông viết rất bình thản, nhẹ nhàng. Nhưng khi kể lại những đau khổ, bất công người khác phải gánh chịu, hoặc khi kể lại những hi sinh của người khác, ông tha thiết và chân thành. Nói chung, tác phẩm của ông là tác phẩm của tình người, với niềm trắc ẩn, sự cảm thông, lòng hi sinh và thương yêu.
Qua Phạm Tín An Ninh, những người Việt không hề quen biết trước, chỉ cần chút "đồng cảnh," cũng đủ để thương nhau. Chúng ta hãy đọc một đoạn trong bức thư người con bà Vương Chu Khánh Hà (một bà cụ gốc Hà nội, "cái thời còn một Hà nội thanh lịch"), gửi cho tác giả, một tù "cải tạo" cũ, ở cuối truyện "Thằng bé đánh giày người Nghĩa Lộ":
Không ngờ chỉ có mấy ngày ngắn ngủi rất xa xưa, mà mãi đến nay Anh vẫn còn nhớ đến mẹ con em. Riêng em thì gần như đã quên chuyện ấy nếu không có Anh nhắc lại hôm nay.
Giờ em mới nhớ lại, sau khi các anh rời khỏi nhà em, mẹ em khóc mất mấy hôm. Bà bảo phần thì tội nghiệp các anh, phần thì nghĩ tới số phận oan khiên cua gia đình em vào những ngày Đảng vừa lên nắm chánh quyền. Bà bảo các anh và gia đình chúng em cũng cùng gánh chung số phận."
Sau khi cho biết bé Khiêm đã qua đời (đứa bé từ quê hương Nghĩa Lộ ngoài Bắc đã phải vào tận Sàigòn đánh giày kiếm sống và được tác giả tặng tiền giúp đỡ sau khi phát hiện là cháu một ân nhân cũ), người cha của cháu viết cho tác giả như sau:
Bây giờ cháu cũng đang nằm bên cạnh ông bà nội và cô út của nó, chắc cháu cũng đuợc ấm lòng nơi chín suối. Chúng em tin là cháu sẽ mãi mãi theo phù hộ cho Anh trong những ngày Anh xa quê, lưu lạc xứ người."
Chúng ta hãy đọc một đoạn trong "Những điều mơ ước," viết về cuộc đời của Cô Út, người cô ruột không lập gia đình, đã chăm sóc và yêu thương tác giả từ sau khi mất mẹ ở tuổi lên ba:
"Ngày mãn phép, tôi trở lại đơn vị, Cô giặt ủi mấy bộ áo quần của tôi xếp vào túi xách, kèm theo một gói xôi đậu xanh để ăn dọc đường. Ngồi trên xe đò, khi lấy gói xôi ra ăn, tôi thấy có một cái túi nhỏ may bằng vải, mở ra mới biết, một xấp tiền mới tinh xếp ngay ngắn trong đó. Nhớ tới Cô, nước mắt tôi cứ trào ra."
Và đây là tình cảm giữa hai cô cháu khi tác giả phải bỏ nước ra đi:
"Khi tính chuyện vượt biển, tôi tâm sự xin Cô cùng đi với chúng tôi. 'Dù trôi nổi ở đâu, có Cô bên cạnh là con mãn nguyện rồi.' Nhưng Cô bảo Cô đã già, không muốn rời bỏ quê hương, hơn nữa còn phải trông coi ngôi nhà từ đường và mồ mả ông bà, không để cho hương tàn khói lạnh...
"Mấy ngày sau, tôi thấy Cô xuống tóc là ăn chay trường. Đêm nào cũng quì trước bàn thờ. Tôi biết là Cô đang cầu nguyện cho tôi đi đến bến bờ. Hôm tiễn biệt, Cô nắm chặt tay tôi: 'Xin ông bà và cha mẹ con phù hộ cho vợ chồng con và mấy đứa nhỏ,' rồi im lặng nhìn tôi với hai hàng nước mắt."
Theo Phạm Tín An Ninh, người Việt Nam sẽ có đủ khả năng để tỉnh một cơn ác mộng, nhận ra những sai trái, và biết thương yêu nhau. Chúng ta hãy đọc một đoạn trong bức thư ông nhận được từ Thượng úy Nguyễn Văn Thà trong truyện "Ở cuối hai con đường":
"Hơn ba năm nay, tôi bị ốm nặng, nằm liệt giường. Nhờ chị em cháu Hà gởi tiền về nuôi tôi và cả gia đình, tôi mới còn sống được đến hôm nay. Biết trốn lại Ba Lan, không có giấy tờ, hai cháu sẽ khó khăn ghê lắm, nhưng vẫn còn hơn là về lại bên này. Có làm suốt ngày cũng chẳng đủ ăn. May mà nhờ các anh hết lòng giúp hai cháu. Cái ơn này biết khi nào chúng tôi mới trả được cho các anh đây.
"Tôi biết mình không còn sống bao lâu. Cuối đời một con người, tôi nghiệm rõ được một điều: chỉ có cái tình con người với nhau mới thực sự quí giá và tồn tại mãi với thời gian. Những chế độ này, chủ nghĩa nọ, cuối cùng cũng chỉ là những đám mây đen bay trên đầu. Đôi khi che ta được chút nắng, nhưng nhiều lúc đã trút bao cơn mưa lũ xuống để làm khốn khổ cả nhân gian."
Cùng với Phạm Tín An Ninh chúng ta ước mong những điều Thượng úy Thà nhận thức được trước khi hấp hối cũng sẽ là nhận thức chung của đa số người Việt:
"Không ngờ lá thư đầu tiên này cũng là lá thư cuối cùng chúng tôi nhận được từ anh Thà. Anb dã qua đời sau đó không lâu. Nghe cháu Hà kể lại, khi hấp hối, anh bảo vợ anh mang mấy cái huy chương anh được cấp trong tbời chiến tranh, đào lỗ chôn xuống phía sau nhà. Anh thầm thì: 'Xin hãy chôn chặt hộ tôi cái quá khứ đau thương và lầm lỡ đó lại. Chính nó đã gây biết bao chia lìa, tang tóc, và thù hận giữa những anh em cùng một mẹ, không biết sẽ kéo dài cho đến bao giờ?'"
Tuy được xây dựng trên những dữ kiện có thật, nhiều truyện của Phạm Tín An Ninh được dàn xếp rất khéo. Dùng yếu tố bất ngờ, ông đã tạo cho người đọc nhiều ngạc nhiên thích thú. Trong "Đà Lạt trời mưa," sau khi để ta thất vọng, có phần bực bội, vì "ca sĩ Hà anh" trong buổi họp mặt của Hội Đồng Hương Đà Lạt ở California, tuy nét mặt vẫn thế, không còn là Hà Nhất Anh tình cảm và tình nghĩa xuất hiện ở Đà Lạt trước kia. Yếu tố then chốt (hai chị em Nhất Anh, Nhị Anh giống hệt nhau) chỉ được đưa ra ở hai trang cuối để câu chuyện được kết thúc một cách thỏa đáng, rất đẹp, và "có hậu."
Trong "Người bán sách trên bãi biển Nha Trang," tác giả về thăm quê lần thứ hai sau hơn 16 năm từ ngày vượt biển ra đi. Mục đích tìm mộ cô em gái để có thể cải táng cạnh mộ thân phụ và thân mẫu trong nghĩa trang gia tộc ở quê chưa đạt được trong chuyến về năm trước. Do mối thiện cảm đặc biệt với một người bán sách dạo nhã nhặn, tư cách, nhưng tàn tật đã gặp trong chuyến về trước, ông để ý hói tung tích người ấy. Khi được biết anh ta đã mất, lòng ông thắt lại vì thương cảm, nhờ người đưa ra mộ để "thắp cho anh nén hương." Sau khi đứng trước mộ thắp hương và nguyện cầu, ông bước sang thắp thêm ba nén hương ở mộ bên cạnh (được cho biết là mộ cửa "cô em gái anh Bá," người bán sách). Nhân tò mò bước lên xem tấm ảnh trên mộ bia, ông lặng người bàng hoàng vì "cô em gái" người bán sách này chính là cô em ruột của ông, ngươi ông đang cố tìm mộ để có thể cải táng về nghĩa trang gia tộc. Sự việc được giải thích một cách thật cảm động sau khi tác giả có trong tay cuốn nhật ký cửa anh Bá. Qua nhật ký, ông được biết rằng anh, một Trung úy phi công ưu tú của miền Nam trước, chính là người yêu chung thủy và tình nghĩa của em gái ông mà vì đời sống trong quân ngũ trước l975, ông chưa có dịp gặp mặt. Chính anh đã dành dụm tiền xây lại ngôi mộ cửa cô, và đã mua phần đất bên cạnh, dành trước cho mình.
Tác giả dùng những hàng sau đây để kết thúc câu chuyện bất ngờ đầy cảm động này:
"Tôi không còn ý định dời ngôi mộ em tôi về bên cạnh cha mẹ tôi. Tôi về quê, quỳ trước mộ cha mẹ để xin phép được xây lại hai ngôi mộ của em tôi và Bá chung trong một vòng thành. Không ai có quyền chia rẽ họ thêm một lần nữa, dù bây giờ chỉ còn là một thế giới vô hình."
Để thuật chuyện, Phạm Tín An Ninh dùng một lối hành văn tự nhiên giản dị. Nhưng điều này không ngăn được nhiều đoạn lời rất đẹp trong các tác phẩm của ông. Trong "Tiểu Thơ," truyện ngắn về mối tình đầu tiên trong đời, tác giả cho biết nhân một chuyến từ Na uy sang Mỹ năm 1989, vợ chống ông tới thăm gia đình một người anh họ ở Sacramento, California. Cùng vợ chồng ông anh đến thăm một ngôi chùa sư nữ để chuẩn bị làm lễ cầu siêu cho người cháu (con ông anh) vừa qua đời, tác giả được sư bà cho biết có nhiều ni cô gốc Nha Trang cũng đang tu tại đó. Trong bửa cơm chay do nhà chùa khoản đãi, khi được giới thiệu, tác giả đứng dậy chắp tay trước ngực, để giật mình chợt thấy "một đôi mắt thật to, tròn xoe, của một ni cô ở phía cuối bàn." Sau khi viết thêm, "Ni cô cũng vừa nhìn tôi rồi cúi xuống," và, "Trên thế gian này, chỉ có 'Tiểu thơ' mới có đôi mắt ấy mà thôi," tác giả kết thúc truyện như sau:
"Tôi từ giã Sư Bà, trong lúc mắt nhìn quanh như muốn tìm kiếm một điều gì. Nhưng tất cả chỉ có im lặng, ngoài tiếng chuông chùa ngân nga như chẳng bao giờ muốn tan đi trong không gian bao la vô tận.
"Tôi bước ra khỏi cổng chùa. Chùa nằm trên một khu đất bằng phẳng, nhưng sao tôi có cảm giác như mình đang lững thững bước xuống chân đồi. Tôi hình dung đến Ngọc vừa chia tay 'chú tiểu' Lan lần cuối cùng ờ chùa Long Giáng trong Hồn Bướm Mơ Tiên của nhà văn Khái Hưng, nà ngày xưa 'Tiểu Thơ' đã bắt tôi phải kể đi kể lại bao nhiêu lần."
Truyện "Người bán sách trên bãi biển Nha Trang" vừa tóm lược ở trên được tác giả chấm dứt như sau:
"Cũng như lần trước, ngày cuối cùng, tôi thuê xích lô đi một vòng dọc theo con đường Duy Tân cũ. Con đường đẹp nhất của Nha-Trang. Những cơ sở công quyền, những dinh thự của cán bộ bây giờ được dựng lên nguy nga đồ sộ. Nhìn lá cờ màu đỏ trên mấy nóc nhà, bỗng dưng tôi lạnh toát cả người. Chẳng lẽ những thay đổi 'to lớn' ấy phải xây trên máu xương, trên những đớn đau, chia lìa thảm khốc của bao nhiêu thế hệ đã từng một thời góp súc tạo nên cái thành phố hiền hòa thơ mộng này. Bỗng chốc, tôi không còn nhìn thấy thành phố Nha-Trang đâu nữa. Trước mắt tôi bây giờ chỉ còn là một bãi tha ma, dài ra, vô tận. Tôi nghe trong gió văng vẳng tiếng đàn dạo bài 'Nha-Trang,' mà ngày xưa đài phát thanh Nha-Trang dùng làm nhạc hiệu mở đầu..."
Để hiểu thêm Phạm Tín An Ninh, thiết nghĩ chúng ta hãy cùng đọc đoạn cuối cửa "Dòng sông tuổi thơ," thiên truyện ông viết để ghi dấu ngày giỗ của thân phụ ông, một nhà giáo, nhưng cũng bị bắt đưa vào trại "học tập cải tạo" sau biến cố 1975, và đã qua đời một năm sau đó:
"Rồi mấy óng tù cải tạo lần lượt vượt biên, ra đi theo diện H.O., tha hương lưu lạc bốn phương trời. Mấy ông anh em nông dân bên quê nhà, bây giờ không còn làm chủ một tấc đất, mà được 'làm chủ tập thể,' nghèo lại nghèo hơn. Vài năm sau, mấy ông anh em từ hải ngoại về thăm, chung tiền cất nhà từ đường, xây mồ mả ông bà, chú bác, anh em, cho dù đã chết cho bên này hay bên kia, và giúp vốn cho mấy ông anh em nông dân đi tìm sinh kế khác. Kẻ mua đìa nuôi tôm, người trồng cây điều hoặc chạy xe ôm.
Mười lăm năm sau, lần đầu tiên tôi về thăm quê. Một ông anh họ mà lúc nhỏ đánh bi, đẽo vụ hay nhất trong bọn, rủ tôi ra đìa tôm, xem ông làm ăn nhờ tiền của mấy thằng anh em gốc 'ngụy' chúng tôi góp cho làm vốn. Anh ghé các quán nhỏ đầu làng mua một xách bia SaiGon, bảo 'đem ra đìa nướng tôm, hai thằng nhậu lai rai, rồi kể lại chuyện xưa chơi.'
"Không ngờ cái đìa tôm của anh nằm ngay trên con sông Gốc, đúng cái nơi mà tbằng cháu họ chết đuối khi đi tắm sông cùng với cả đám bọn tôi năm mươi năm trước. Con sông Gốc không còn nữa. Người ta đã ngăn bằng một cái đập phía trên. Phần dưới đập chỉ còn là những cái đìa tôm, loang lổ đất.
Tôi đứng yên lặng trên bờ đìa, hồi tưởng dòng sông năm xưa và những đổi thay của cả một dòng họ. Xa xa nơi cuối cùng con sông, sóng biển vẫn rì rào..."
Ít lâu sau khi đọc "Ở cuối hai con đường" từ một địa chỉ trên Net, người viết những dòng này có cơ duyên được biết tác giả, đúng lúc ông đang viết "Dòng sông tuổi thơ." Khi được Phạm Tín An Ninh cho biết ông đang cùng một số thân hữu thu góp các truyện đăng rải rác trên Net để in thành một tập, tôi hân hoan tán thành. Những dòng này được viết trong tinh thần "tằm trả nghĩa dâu," ghi lại chút tình thanh khí, chút niềm đồng cảm trong văn chương giữa người đọc truyện với tác giá. Rất ao ước sẽ có thể hữu ích phần nào với những vị chưa có hoàn cảnh biết nhiều về Phạm Tín An Ninh.
California, tháng 4 năm 2008
GIỚI THIỆU NHÀ VĂN SONG THAO
(Bài nói chuyện giới thiệu nhà
văn Song Thao Tạ Trung Sơn
tại Little Sàigòn, Nam California,
ngày 19-7-2003)
Để giới thiệu nhà văn Song Thao, tôi
xin phép được đi ngược lại nửa thế kỷ trước, nói đúng hơn là 49 năm trước, khi
đất nước Việt Nam bị chia đôi vào ngày 20 tháng 7 năm 1954. Tuy hôm nay mới là
19 tháng 7 tại Hoa Kỳ, nhưng giờ này, 4 giờ chiều tại California, chính là 6
giờ sáng ngày 20 tháng 7 ở Việt Nam. Tôi xin được bắt đầu câu chuyện đúng vào
ngày hôm nay của 49 năm trước.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, đất nước
Việt Nam bị chia đôi ở vĩ tuyến 17, miền Bắc thuộc Cộng sản. Gần một triệu dân
miền Bắc biết là không thể sống với chế độ ấy nên đã tìm đủ cách lánh vào miền
Nam. Trường Chu Văn An di cư vào Sài Gòn đã mở các lớp Đệ Nhị cấp, gồm Đệ Tam,
Đệ Nhị, Đệ Nhất. Mỗi năm nhà trường mở được cho mỗi cấp từ 5 tới 7, 8 lớp ban
B, tức là ban Toán, và khoảng 2 lớp ban A, tức là ban Khoa học Thực nghiệm.
Nhưng mỗi năm trường chỉ mở được một lớp cho ban C, tức là ban Văn chương thôi.
Học sinh của ban này bao giờ cũng ít hơn học sinh theo các ban Toán và Khoa học
Thực nghiệm. Hầu hết phụ huynh và học sinh đều đã biết rằng theo các ban Khoa
học Thực nghiệm hay Toán thì có thể học tiếp lên Y khoa, Dược khoa, Nha khoa,
Khoa học..., vào các Trung tâm Kỹ thuật, và có thể trở thành các bác sĩ, dược
sĩ, nha sĩ, khoa học gia, kỹ sư ..., sẽ có tình trạng tài chánh và tương lai
vững chắc. Còn tương lai một nhà văn An Nam thì ... không sáng sủa gì. Thời đó
rất nhiều người đã biết câu: “Nhà văn An Nam khổ như chó” của Nguyễn Vỹ.
Nhưng tại lớp Đệ Tam ban Văn chương
của trường Chu Văn An Sài Gòn niên khóa 1954-1955 ấy, chúng ta có nhà văn Song
Thao. Nói đúng hơn, hồi đó chưa có “nhà văn Song Thao,” mới có anh Tạ Trung
Sơn, vui vẻ ngồi giữa khoảng năm mươi bạn đồng học của anh. Một điều đáng ghi
nhận trong lớp học là anh Sơn luôn luôn vui vẻ, dí dỏm, hiền hòa. Cụ Vũ Ngô
Xán, Hiệu trưởng trường Chu Văn An giai đoạn ấy hiểu rõ giá trị của văn chương
và nhân văn. Cụ thường nói: “Xã hội và đất nước chúng ta cần những bác sĩ, kỹ
sư ..., nhưng cũng cần những bác sĩ, kỹ sư ... cho tâm hồn”. Cụ luôn luôn trân
trọng đối với ban C của trường. Cụ mời các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng nhất có
mặt tại miền Nam lúc ấy phụ trách môn Việt văn cho các lớp ban C của trường Chu
Văn An. Niên khóa Đệ Tam, ban C được học với nhà văn Vũ Khắc Khoan. Khi lên Đệ
Nhị, ban C được học nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Lên Đệ Nhất, sau khi đã đậu Tú Tài
I, không còn môn Việt văn nữa. (Chắc các nhà lãnh đạo ngành giáo dục nghĩ rằng
khi lên tới Đệ Nhất, học sinh đã đủ trình độ để có thể tự trau dồi thêm về quốc
văn). Có một điểm tôi xin được nói ngay, là mặc dầu với sự trân trọng, chăm
chút của cụ Hiệu trưởng Vũ Ngô Xán, mặc dầu được kề cận những nhân vật như Vũ
Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương “bằng xương bằng thịt,” cho tới khoảng 10 năm trước
đây, không một học sinh nào của lớp Đệ Tam ban Văn chương trường Chu Văn An
niên khóa 1954-1955 ấy, tức là lớp Đệ Nhị Văn chương niên khóa 1955-1956, không
một ai nào trở thành “nhà văn” hay “nhà thơ” cả.
Trong lớp Văn chương của trường Chu
Văn An Sài Gòn niên khóa trước đó có nhạc sĩ Cung Tiến, tác giả các bản nhạc
“Hoài cảm,” “Hương xưa” ... Trong lớp Văn chương của trường Chu Văn An niên
khóa sau xuất hiện hai nhà thơ được giải Văn chương Toàn quốc, được nhiều người
biết tới, là nhà thơ Vương Đức Lệ, tên thật là Lê Đức Vượng, và Mai Trung Tĩnh,
tên thật là Nguyễn Thiệu Hùng. Sau một năm nữa, từ trường Chu Văn An Sài Gòn,
không cần phải theo ban Văn chương, xuất hiện rất nhiều các nhà thơ, nhà văn
như Dương Kiền, Đỗ Quý Toàn, Lê Đình Điểu. Vài năm sau nữa có thêm Ngô Tằng
Giao, Du Tử Lê, Ngọc Hoài Phương, Nguyễn Mạnh Trinh ... và rất nhiều những tên
tuổi khác.
Nhưng tại lớp Đệ Tam Văn chương đầu
tiên của nhà trường sau khi di cư vào Nam, cho tới khoảng mười năm trước đây,
không thấy ai in một tập thơ, không thấy ai có được một tập truyện ngắn. Công
bình mà nói, các bạn học của Song Thao trong các năm Đệ Tam và Đệ Nhị ban C tại
Chu Văn An thuở ấy không phải những thanh niên quá dở. Hầu hết bọn họ đều đã
đậu Tú tài, lên Đại học lấy được bằng Cử nhân, đa số là Luật hay Văn khoa. Một
số tốt nghiệp các trường chuyên môn như Đại Học Sư Phạm hoặc Quốc Gia Hành
Chánh. Một số khá đông học thêm ở ngoại quốc, ít nhất có ba người đậu được Tiến
sĩ, số người đậu Master (hay Cao học) thì rất nhiều... Nói chung họ đều
trở thành những người đóng góp được cho việc xây dựng quốc gia, xã hội. Trong
bọn họ cũng có người thành Thẩm phán hoặc công chức cao cấp, nhưng đa số theo
ngành giáo dục. Có người đã là Phụ tá Viện trưởng Viện Đại Học Đà Lạt như anh
Nguyễn Duy Diệm. Có người trở thành Phụ tá Khoa trưởng hay Phó Khoa trưởng,
hoặc ở Đại Học Luật Khoa Sài Gòn như anh Nguyễn Văn Canh, hoặc ở Đại Học Vạn
Hạnh như anh Trần Như Tráng. Số người dạy ở Đại học như các anh Phạm Văn Quảng,
Trần Như Tráng thì ... hơi nhiều. Đến lúc “xếp bút nghiên theo việc đao cung,”
cũng có những người trở thành sĩ quan ưu tú của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
được cực lực vinh danh, như anh Bùi Quyền. Theo ngành cảnh sát, nhiều anh lên
tới địa vị lãnh đạo, như các anh Trần Minh Công, Viện trưởng, và Phạm Công
Bạch, Phó Viện trưởng Học Viện Cảnh Sát.
Nhưng để đóng góp cho văn chương,
cách đây ít năm, mới có người in được một tập thơ, là anh Nguyễn Tiến Đức, một
người nữa đưa ra một bản dịch mới cho cuốn Animal Farm của George Orwell
là anh Đỗ Xuân Triều. Hầu hết các bạn khác khi cầm bút đều thành những“nhà biên
khảo,” viết về những vấn đề cần thiết nhưng khô khan, không mang tính cách văn
chương, chẳng hạn như “Cộng Sản trên đất Việt,” hay “Tình trạng nông dân Việt
Nam trong giai đoạn 1954-1975,” hay “Tiến trình dân chủ hóa tại Đài Loan” ...
như các anh Nguyễn Văn Canh, Trần Như Tráng, và một vị nữa.
So sánh văn chương với các vấn đề
thời thế, nhà văn, nhà cách mạng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam từng viết: “Tào
Tháo và Châu Du đều không còn, giờ đây Việt Quốc và Việt Minh cũng không còn,
nhưng những lời hay ý đẹp của Tô Đông Pha trong bài “Tiền Xích Bích Phú” vẫn
sống mãi với thời gian”. Nhà thơ Lý Bạch cũng có câu: “Khuất Bình từ phú
huyền nhật nguyệt / Sở Vương đài tạ không sơn khâu,” tức là “thơ văn của
Khuất Nguyên treo mãi với mặt trời, mặt trăng, trong khi lâu đài, cung điện của
vua nước Sở không còn gì giữa núi và gò hoang.” Một người bạn học cũ của nhà
văn Song Thao đã dịch là “Khuất Nguyên trang gấm truyền lâu / Điện
đài vua Sở chìm sâu lớp gò”. Cái đẹp của văn chương vẫn lâu bền, tồn tại
mãi với thời gian.
Được giao nhiệm vụ giới thiệu nhà
văn Song Thao hôm nay, trong cương vị một người bạn học từ nửa thế kỷ trước,
tôi xin được nói với anh Song Thao rằng: “Tinh hoa văn chương của những lớp ban
C trường Chu Văn An từ khi đất nước chia đôi, lớp Văn chương mà cụ Hiệu trưởng
Vũ Ngô Xán đã đặt rất nhiều tin tưởng, mà các thầy Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng
Chương đã bỏ ra rất nhiều công rèn luyện, nay đã tập trung vào một người. Người
ấy là Song Thao Tạ Trung Sơn. Trở thành một nhà văn được nhiều người mến mộ,
một nhà văn có thành tích và văn tài, anh
đã làm được một việc mà tất cả các bạn cùng lớp với anh từ 1954 như Nguyễn
Văn Canh, Trần Như Tráng, Phạm Văn Quảng, Nguyễn Duy Diệm, Bùi Quyền, Trần Minh
Công, Phạm Công Bạch, Trần Huy Bích ... không
làm nổi. Tuy học với nhau từ nửa thế kỷ trước, tuy nhiều lúc không ở gần
nhau theo “vận nước nổi trôi,” chúng tôi vẫn luôn luôn quan tâm tới nhau, rất
vui khi thấy nhau thành công. Chúng tôi coi sự thành công của một người như một
thành công chung của cả nhóm. Chúng tôi mong ước anh Song Thao sẽ còn thành
công hơn nữa vì chúng tôi quan niệm rằng, khi hoàn thành một tác phẩm văn
chương, anh đã làm một việc thay tất cả anh em. Tôi tin chắc các bạn đồng học
sẽ chấp thuận đề nghị của tôi: để Song Thao đứng đầu tiên khi nhóm Đệ Tam C Chu
Văn An niên khóa 1954-55 chúng tôi có hoàn cảnh gặp lại các vị thầy cũ như các
Thầy Vũ Ngô Xán, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan.
Xin cám ơn sự quan tâm theo dõi của
toàn thể Quý vị.
Ngày 19 tháng 7 năm 2003