Saturday, November 2, 2019

Nhớ về Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ / Nguyễn Duy Chính


 

Nguyễn Duy Chính
  
Tôi có ba vị Thầy ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời, hai người tôi theo học thật theo kiểu trường lớp, một người chỉ gián tiếp qua sách vở. Cụ Đặng Quí Tuỳ là cụ giáo dạy Pháp văn miễn phí ở gần nhà dạy tôi lối sống đạm bạc và hi sinh cho tha nhân, cụ Nguyễn Hiến Lê là một học giả mà tôi gọi là tâm sư - vì tôi chưa gặp mặt bao giờ - dạy cho tôi biết thế nào là đủ về vật chất để dồn nỗ lực vào công việc tinh thần. Hai vị thầy đó qua đời đã lâu. Vị thầy gần gũi có nhiều cơ hội tiếp xúc là Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, vừa thất lộc đầu năm 2014.
Không nhớ chính xác thời điểm nhưng lần đầu tiên tôi thụ giáo Bác Sĩ Thọ là tại một lớp về Kinh Dịch ở Phú Nhuận vào khoảng cuối thập niên 1960. Lớp học một tuần một buổi ngày Chủ Nhật, mỗi tuần một quẻ. Ngày đầu tiên tôi học cụ dạy về quẻ Thái, lớp học có lẽ cũng đã bắt đầu được vài tháng rồi.
Tôi học không lâu, chỉ chừng một năm vì sau đó tôi ra trường và đi làm ở các tỉnh nên không thể tiếp tục mặc dù tôi vẫn nhờ ông chú họ mua giùm các tài liệu in ronéo để xem thêm. Nói đúng ra tôi đến lớp của Bác Sĩ Thọ không có một mục tiêu cụ thể nào vì tôi không tham dự như những người đang ghi danh ở đại học Văn Khoa. Tôi cũng không đi tìm một con đường tu tập vì vốn dĩ tôi không phải là một người tôn giáo, có đức tin vào một đấng huyền vi mà luôn luôn suy nghĩ và hành động của nhà nho, “vị tri sinh, an tri tử” (chuyện sống còn chưa biết huống gì chuyện chết) và theo đuổi cái quan niệm rất sơ đẳng là “tận nhân lực, tri thiên mệnh” (làm hết sức mình để biết mệnh trời).
Khi theo học lớp Dịch của Bác sĩ Thọ, tôi chỉ biết rất mơ hồ về văn minh Trung Hoa, kém xa những người khác được huấn luyện một cách chính thức mặc dù tôi có cái ưu điểm là biết lem nhem vài chữ Nho vốn dĩ tự học sau năm đệ Thất ở CVA là niên học có môn Hán văn mỗi tuần một giờ.
Trong cái “tiểu trí” của tôi hồi đó, kinh Dịch là chìa khoá để mở những cánh cửa của văn minh Á Đông. Tôi thích thú không phải vì ý nghĩa uyên áo của hào, của quẻ mà chỉ là diễn giải qua những phần bình luận sau mỗi quẻ mà Bác Sĩ Thọ viết rất công phu, tuy tổng quát nhưng cung cấp căn bản vững chắc về đông y, về thiên văn, về tiên thiên hậu thiên, âm dương ngũ hành ...
Chính vì thế, cho đến giờ này sắp sửa bước vào tuổi “cổ lai hi”, sở học căn bản của tôi vẫn lộn xộn không đâu vào đâu cả. Giá như hồi đó Bác Sĩ Thọ dạy tôi Tam Tự Kinh hay Ấu Học Ngũ Ngôn Thi có lẽ tôi có cơ sở hơn vì từ một thanh niên không biết gì về văn minh Á Đông mà vào thẳng Kinh Dịch thì cũng không khác gì đi ngược đầu, chưa học cộng trừ nhân chia đã làm toán vi phân tích hay nói một cách dễ hiểu thì học kinh văn võ công tầng thứ bảy mà không qua tầng thứ nhất, thứ hai.
Thế nhưng cũng có cái hay vì Bác Sĩ Thọ không phân tích để dựng lại một khung hình suy nghĩ mà kinh Dịch cũng như mọi kinh điển, sách vở khác chỉ là một khu vườn để trồng cái đạo lý cụ nhiệt tình rao giảng. Đó là muốn đi tìm cái rốt ráo mà mọi tôn giáo đều truy cầu dù với những tên gọi khác nhau như “niết bàn”, “đại đạo” hay “thượng đế” … thì phải quay về chính mình, với “chân tâm” chứ đừng cầu ở sắc tướng, ở âm thanh nghĩa là đừng hướng
ngoại mà phải hướng nội. Khi đã nhận biết cái tâm điểm đó thì mục tiêu tối hậu là không còn tôn giáo ngoại truyền vì mọi chấp trước vào hình thức lệ thuộc vào ngôn từ hay nghi lễ đều chỉ là vọng tưởng, là giả tâm. Hiểu được như thế, tôi mới biết rằng cụ có cái chìa khoá mở được mọi cánh cửa triết học và đạo giáo, cổ hay kim, đông hay tây.
Theo học Bác Sĩ Thọ nhiều năm nhưng chung qui tôi chỉ nhớ được hai câu:
若以色見我,以音聲求我,是人行邪道,不能見如來[1]
Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai
Nếu như lấy hình sắc để xem ta, lấy âm thanh để cầu ta, người ấy đã đi sai đường, không thể nào thấy được chân tâm bản ngã
人心惟危 ,道心惟微,惟精惟一,厥中[2]
Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất doãn chấp quyết trung
Lòng con người thì luôn luôn chông chênh, chao đảo. Gốc của đạo thì sâu thẳm vi diệu vô cùng. Muốn vào được đạo trung [tìm được chân tâm] thì phải luôn luôn tinh thuần chuyên nhất
Kinh Thư, Đại Vũ Mô, tiết 15
Khoảng 1982, tôi được biết Bác Sĩ Thọ đã đến Hoa Kỳ lại ở cách nơi tôi ở không xa. Thầy trò gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Tôi có dịp thăm ông bà thường xuyên hơn và năm 1985 tôi đã nhờ ông bà đứng chủ hôn vì cha mẹ tôi còn ở VN. Gia đình tôi coi hai ông bà như cha mẹ nên vợ chồng tôi cũng thường đưa các cháu đến thăm hỏi hay chúc Tết.
Khi Bác Sĩ Thọ mở một lớp dạy Dịch miễn phí vào cuối tuần tại chùa Việt Nam [đường Magnolia, Garden Grove, Calif.], tôi được coi như một “trưởng lớp” bán chính thức cho đến khi phải giải tán vì Bác Sĩ Thọ bị tai biến mạch máu não năm 1989.
Một buổi thuyết giảng tại chùa Việt Nam

Trong khoảng hơn 3 năm, lớp Dịch tuy không đông nhưng thành phần dự thính có đủ cả tăng tục, già trẻ, nam nữ, Phật giáo, Thiên Chúa giáo và một số chức sắc đạo Cao Đài. Mọi người đối đãi hết sức thân tình và chúng tôi cũng tổ chức nhiều sinh hoạt tập thể hay những buổi hội thảo mời một số học giả đến thuyết giảng về những đề tài văn hoá. Có lẽ thời gian này Cụ thoải mái và có nhiều kỷ niệm đẹp nên về sau mỗi khi nói chuyện vẫn hay nhắc đến.
3 Tôi còn nhớ một số nhân sĩ trong đó có Lm Vũ Đình Trác, Ts Trần Huy Bích, luật gia Nguyễn Đình Bột, Gs Nguyễn Ngọc Huy, Bs Hoàng Văn Đức, Bs Vũ Đình Minh (tức nhà văn Mai Kim Ngọc) …
Sau khi bị bệnh, cụ Thọ có đôi lúc xuống tinh thần nhưng không bao lâu trở lại làm việc và tiếp tục những công trình dang dở. Cũng may tuy thể xác bị kém đi nhiều nhưng đầu óc và trí nhớ không suy giảm. Tuy bệnh hoạn như thế, cụ vẫn hoàn tất được những công trình qui mô mà một người bình thường cũng không mấy ai làm được. Lẽ dĩ nhiên, không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của người thân trong gia đình và một số học trò, bằng hữu trong hay ngoài nước nhưng chính yếu vẫn là bản thân Bác Sĩ Nguyễn Văn Thọ, với tinh thần sắt đá “tinh ròng chuyên nhất” của một người vừa là người khai sáng, vừa là hành giả.
Hai ông bà dọn từ một apartment ở Costa Mesa sang một mobile home ở Westminster rồi đến một căn nhà riêng cũng gần đó. Lần sau cùng tôi gặp hai cụ là tại một nursing home – tức khu săn sóc dành cho người già vì lúc đó cụ bà cũng yếu không còn đủ sức săn sóc cho chính mình và một người bệnh khác. Hai ông bà ở hai khu khác nhau nhưng có thể qua lại thăm hỏi. Cụ cho tôi một cuốn sách cụ mới in và rồi cụ di chuyển lên tiểu bang Washington cho gần con cháu và ở đây đến khi qua đời.
Khi nghe tin cụ mất ở một nơi cách chỗ tôi ở đến hơn 1000 dặm, tuy có buồn nhưng cũng biết là rồi cũng phải đến. Ở vào tuổi trên 90, lại đã yếu từ 24 năm trước, việc Cụ ra đi không phải là đột ngột nhưng trong lòng một người học trò luôn luôn có những hụt hẫng. Người thân nào khi qua đời đều khiến chúng ta hối hận vì khi còn sống đã không được cận kề, gần gũi hơn mà quên rằng người già như ngọn đèn trước bão, không biết tắt lúc nào.
Tôi không thế viết hết những gì tôi học được từ Bác sĩ Thọ vì sở học mà cụ truyền đạt bao gồm rất nhiều mặt nhưng sở đắc quan trọng nhất là giải thoát cho tôi khỏi cái trói buộc của tôn giáo công truyền. Nay cụ đã về với đất trời nhưng mãi mãi vẫn vang vọng những câu thơ:
Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,
Ra công, ra sức, giữ nguyên lòng Trời.


Một buổi sinh hoạt cuối năm


TRÍCH
Lời Giới Thiệu
của
HỘI NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ ĐÔNG PHƯƠNG
về giảng khoá Dịch Học và Văn Hoá Á Đông
của BS Nguyễn Văn Thọ
Chùa Việt Nam, 12292 Magnolia St, Garden Grove, CA 92641
(1986-1989)

Một số học viên lớp Dịch tại chùa Việt Nam
Garden Grove, California USA

[…] Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, nguyên Giáo sư Triết Đông Đại Học Văn Khoa Sài gòn, là một học giả lỗi lạc của Việt Nam, đã nghiên cứu nhưng tinh hoa của văn minh Đông Phương hơn 40 năm và đã từng đại diện cho quốc gia trong nhiều khoá hội thảo trên toàn thế giới.
Trong giảng trình này, chúng ta sẽ được nhìn thấy những ý niệm căn bản, những nhận thức độc đáo của Đông phương, làm nền tảng cho nhân sinh quan, tâm thức quan, vũ trụ quan … của đời sống Việt Nam. Từ lý thuyết tương đối của Âm Dương và Dịch học, Bác sĩ Thọ sẽ dẫn chúng ta đi sâu vào mọi lãnh vực đời sống, trên mọi hình thái xã hội, tổ chức công quyền cũng như những suy tư về Trời Đất, những quan điểm gây dựng thành con người Việt Nam.
- Dưới con mắt của một người bình thường, chúng ta sẽ có dịp khảo sát về những thưởng ngoại thường nhật, những khoa học huyền vi, uống trà, viết chữ, hội hoạ, văn chương, âm nhạc… những thú vui tao nhã của cổ nhân, tô điểm cho cuộc đời bớt tẻ nhạt, làm đời sống thêm linh hoạt, phong phú.
- Dưới nhãn quan của một khoa học gia, Bác sĩ Thọ sẽ trang bị cho chúng ta những kiến thức về khoa học Đông Phương mà phần lớn chúng ta còn mơ hồ - sự vận hành của tinh tú theo thiên văn cổ, những phương pháp, những định luật của con người và thiên nhiên, nói lên những qui luật “nhân thân tiểu thiên địa” – để xác tín những ảnh hưởng của vũ trụ với cá nhân.
  - Dưới kiến thức của một lương y, Bác sĩ Thọ sẽ trình bày thấu đáo những cấu trúc huyền diệu của con người, những giá trị của ngành Đông Y, sự vận hành của chân khí, của kinh mạch, soi sáng lại những gia tài quí báu của tiền nhân, bổ túc vào những phương pháp dưỡng sinh mà Tây Y còn thiếu sót.
- Dưới lăng kính của một học giả và cũng đồng thời là tâm hồn của một hiền triết, Bác sĩ Thọ sẽ cùng với chúng ta trở về với những nền triết học lớn đã nuôi dưỡng dân tộc Việt Nam: Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo và đối chiếu với những nguồn văn minh lớn của nhân loại như Trung Hoa, Hi Lạp, La Mã, Ai Cập, Hồi Giáo, Bà La Môn …Tất cả những tinh hoa đó đã ảnh hưởng đến văn hoá Việt Nam như thế nào, và cũng đã hoá thân như thế nào để trở thành di sản riêng của chúng ta.
Đông Phương huyền bí và sâu sắc, dưới sự trình bày rõ ràng và mạch lạc, giản dị và ý nhị của Bác Sĩ Nguyễn Văn Thọ sẽ trở thành một bức tranh tuyệt diệu – cái tuyệt diệu đã đem lại cho người Việt Nam một đồi sống an lạc về tâm hồn cũng như về thể xác – nói lên sự hoà điệu của con người với tiết tấu của Đất Trời. Đó chính là sự thăng hoa tuyệt vời mà dân tộc chúng ta đã tìm được, là một đóng góp vô giá cho toàn thể thế giới loài người …




[1] Kinh Kim Cang
Bác Sĩ Nguyễn Văn Thọ dịch:
Đừng dùng thanh sắc cầu ta,
Như Lai vô tướng, đâu là sắc thanh?
Nẻo tà thanh sắc liệng vành,
Như Lai mơ thấy, âu đành công toi!
(Phật Học Chỉ Nam)

[2] BS Nguyễn Văn Thọ dịch:
Lòng của trời siêu vi, huyền ảo,
Lòng con người điên đảo, ngả nghiêng,
Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,
Ra công, ra sức, giữ nguyên lòng Trời.
(Khổng Học Tinh Hoa)