Ngôn Niệm
- Vân tự vô tâm
- Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần
- Vạn phương đa nạn
- Đê đầu tư cố hương
- Cựu quốc kiến thanh sơn
- Bạch vân vô tận thì
- Nghĩa tình
- Chu Văn An, thơ chữ Hán
- Nguyễn Trãi, thơ chữ Hán
- Nguyễn Du, thơ chữ Hán
- Vũ Hoàng Chương
- Với niên trưởng
- Với bạn văn
- Với cộng đồng
- Hình ảnh
- Hình ảnh 2
- Trao đổi ý kiến
- Xướng Họa với Thân Hữu
- Hạt Cát - Bạch Vân
- Ngôn Niệm Ôn Kỳ
- Ngô Thế Vinh
- Nguyễn Duy Chính
- Nguyễn thị Mỹ Ngọc
- Trần Hữu Thục
- Phạm Xuân Hy
- Trần Mạnh Toàn
- Trịnh Y Thư
- Trúc Chi Tôn Thất Kỳ
- Việt Dương
- Trần Từ Mai
- Trang mới
Thursday, September 26, 2019
Tuesday, September 3, 2019
Bài phát biểu của nhà văn Trúc Chi trong buổi Sinh hoạt Văn học nhân dịp tái bản tập truyện Hoa Vông Vang của nhà văn Đỗ Tốn--25/8/2019.
(Hình: VanLan-Photo)
Thưa quí vị,
Thưa các bạn,
Trước hết, tôi xin thành thật cảm ơn anh bạn Trần
Huy Bích và gia đình nhà văn Đỗ Tốn đã cho phép tôi đến đây hôm nay để ngỏ cùng
quí vị dăm điều nghĩ về một đoá hoa tươi đẹp có cả sắc lẫn hương trong vườn văn chương của chúng ta.
Đó là tập truyện Hoa Vông Vang mà lớp cùng
trang lứa với tôi, may mắn được đi học,
không ai là không từng đọc hoặc không từng nghe nói đến cách đây cũng ngoài 70
năm.
Ấn bản kỳ
tái bản này còn có thêm tập hồi ký bỏ dở của bà Như Băng, tức là bà Đỗ Tốn.
Hồi ký ghi
lại hoàn cảnh đất nước sau vụ Lạng Sơn Thất Khê khiến một đôi nam nữ
chưa hề quen nhau, phiêu dạt sang Trung
Quốc, rồi gặp nhau, rồi yêu nhau bên ấy. Chàng là một thanh niên lớn lên ở Hà
Nôi. Nàng là môt thiếu nữ lúc bấy giờ đang sống ở Lạng Sơn. Sau khi quen biết
nhau, chàng phải về nước trước. Sau đó, người thiếu nữ Lạng Sơn này mới lặn lội vượt qua nhiều đoạn rừng nguy hiểm mới về được
Hà Nội.
Thưa quí vị,
Đôi nam nữ này chính là ông bà Đỗ Tốn.
Tôi xin nhường lời cho Hạc Tuyền, con đầu lòng
của ông bà Đỗ Tốn, khi nói về tập hồi ký của mẹ:
Và vì tiếng gọi của Tình Yêu, mẹ đã không ngần ngại vượt gian nguy và nói dối để được thoát thân mà gặp
lại người yêu.
Tôi xin nói thêm, mối tình quả có đẹp và lãng mạn
thật. Và chính thử thách của hoàn cảnh,
của thời thế càng khiến cho mối tình của
ông bà Đỗ Tốn thêm thắm thiết, thêm da diết!
Đúng như
câu ca dao:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Ngũ lục sông cũng lội
Thất bát đèo cũng qua!
Trong ấn bản kỳ này, chúng ta còn được biết
thêm một truyện nữa của Đỗ Tốn, nhan đề là Ả Hẩu, viết về một người đàn bà
Trung Quốc, giúp việc nhà cho một nhóm người Việt, trong số có Đỗ Tốn,
sống lưu vong ở Trung Quốc lúc bấy giờ.
Một người đàn bà siêng năng cần cù, giàu lòng vị tha , tận tuỵ hết lòng
với nhóm bạn của tác giả, đến độ Đỗ Tốn đã kết thúc câu chuyện với ý
nghĩ:
Dù nàng là Tiên hay Ma, hay chỉ là một bóng Hồ Ly Tinh từ một thế giới lạnh lẽo xa xôi nào hiện lên...
thì cảm tình của lòng tôi đối với nàng cũng vẫn nguyên vẹn.
Thưa quí vị, Thưa các bạn,
Tôi xem được Hoa Vông Vang lần đầu ở Huế khoảng
48-49 gì đó. Tự đó đến nay, tôi vẫn nghĩ rằng tác phẩm này, Hoa Vông Vang, là
môt đoá hoa quí , một đoá hoa mãn khai đã ngoài 70 năm mà
cho đến bây giờ, HƯƠNG và SẮC của nó
vẫn không phai.
(Về hương và sắc, trong chốc lát tôi sẽ nói
thêm )
Trong tám truyện ở ấn bản lần đầu, hết năm truyện dành cho cảm xúc, khi nhẹ nhàng, khi rào rạt,
lúc ngây dại, lúc cuồng si ở tuổi hai mươi của cả hai giới nam và nữ khi trái
tim rung động lần đầu .
Các nhân vật nam nữ trong năm câu chuyện này
trong quyển Hoa Vông Vang hầu như cùng ở cái tuổi hai mươi rất dễ thương này.
Cái tuổi hai mươi đã để lại bao nhiêu là chuyện tình trong nhiều nền văn học,
trong đó có Kim Trọng và Thuý Kiều của chúng ta.
Vâng, nào là Đẩu và PhượngTrinh trong Hoa Vông
Vang, nào là Tuyền và Giao trong Duyên Số nào là Ninh và Nhàn trong Tình Quê
Hương.... tất cả đều có cái rung cảm buổi đầu, cái rung cảm mà Vũ Hoàng Chương gọi là
"chớm si mê" trong hai câu:
Cô hàng xóm nhỏ chớm si mê
Trầm lạnh Tây Sương lỡ dở thề
Còn ba truyện kia : truyện Một Kiếp Sống, Giáo
Huấn và Chú Tôi, tuy không phải là chuyện tình , mà cái nghệ sĩ tính, cái chất
giang hồ trong huyết mạch của tác giả đã lộ ra rất rõ: buồn cho một nếp sống tẻ nhạt của một
công chức bưu điện mòn mỏi dần ở trong một
quận lỵ nhỏ ( ngày xưa gọi là phố phủ );
Mừng vì tìm lại được người em họ chưa quên hẳn
những buổi lang thang qua phố phường Hà Nội dùng tiền hớt tóc để uống cà phê!
Tiếc cho tiếng sáo của môt người chú cũng mang
sẵn một tâm hồn nghệ sĩ, mà còn phải sống
với cái tang của người con trai duy nhất.
Tôi nghĩ
điều rõ rệt nhất bàng bạc suốt tác phẩm
đầu tay này của Đỗ Tốn, suốt tám truyện trong Hoa Vông Vang là cái nghệ sĩ tính
trong con người tác giả, như Nhất Linh đã nói trong lời giới thiệu Hoa Vông
Vang, mà nói rất đúng, khi ông viết:
Tâm hồn anh lúc nào cũng sẵn sàng rung động như tâm hồn một nghệ sĩ
đa cảm bỡ ngỡ đứng trước một cuộc đời muôn màu đẹp vừa hé mở ra trước mắt
Tôi chỉ xin thưa thêm rằng, người nghệ sĩ đa cảm
này, ông Đỗ Tốn, qua nhiều đoạn trong Hoa Vông Vang, cho chúng ta thấy ông còn là một thi sĩ nữa.
Hồi nãy tôi có nói đến SẮC trong Hoa Vông Vang
mà tôi ví như một đóa hoa trong vườn văn
chương Việt Nam.
SẮC đây là thơ, là chất thơ trong văn của Đỗ Tốn.
Cái mạch thơ trong tâm hồn ông cứ nhẹ nhàng tuôn
ra, không gượng ép, không gò bó, không trau chuốt, giản dị và đầy nhạc tính, gợi
cảm vô cùng.
Xin dẫn chứng:
Nhưng ngày tháng qua, biết mấy lần trăng rằm đã mọc sau đồi cỏ, mà
cũng chỉ rọi thêm choáng váng vào cõi lòng tỉnh thức bâng khuâng.
Đó là nỗi buồn ray rứt của Đẩu sau khi Phượng Trinh đi lấy chồng. Và đây nữa:
Nhưng cứ mỗi khi Tết đến, mỗi lần ngửi lại hương thuỷ tiên nhắc nhở
xa khơi, mỗi lần Xuân về nở trên cành đào là Đẩu cũng thấy hoa tình cũ như cũng
nở lại trong lòng mình.
Chưa hết:
Đẩu thấy nụ cười tươi thắm ấy như đưa chàng vào một vườn thắm nhẹ
gió vừa.
Đẩu ra về với ít hoa nở lại trong lòng, với ít tin tưởng rằng sẽ chẳng
bao giờ hương tình cũ đến nỗi tan bay hết. Đời còn tươi đẹp và tươi lại vườn tình đang úa.
Thưa quí vị, còn nhiều câu, nhiều đoạn trong Hoa Vông Vang cũng như mấy câu tôi vừa
trích đọc, chở đầy nhạc điệu của ngôn ngữ trong thi ca lãng mạn . Những câu văn
xuôi mà đọc lên nghe như thơ.
Bây giờ xin nói qua về HƯƠNG.
Trong sáng tác của Đỗ Tốn, khó mà biết chắc được điểm nào là tự truyện, đâu là
sự việc có thật, đâu là hư cấu.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là:
Tác giả rất nhạy cảm, tinh tế . Với cái nhạy cảm
bẩm sinh , tinh tế đã được tôi luyện ấy,
Đỗ Tốn đã nắm bắt được từ cái rung động
dịu nhẹ nhất của nội tâm, đến chỗ say mê nồng cháy nhất trong những trái tim (trong số có thể có chính
tim ông) của các nhân vật trong các truyện, những trái tim bắt đầu biết yêu,
đang yêu.
Cũng như ông đã bắt được nhiều nét thoáng qua của ngoại cảnh,
của thiên nhiên, nhất là đồi núi, đồng quê nơi quê hương của ông.
Điều gây xúc động trong lòng người đọc và đây cũng chính là văn tài của Đỗ Tốn là những
câu trong đó ông đưa TÌNH vào CẢNH một cách hết sức tự nhiên.
Những
câu nhan nhản trong Hoa Vông Vang và
giúp tạo ra điều mà tôi gọi là HƯƠNG của tác phẩm.:
Chúng ta hãy nghe Đỗ Tốn ngắm cảnh trong khu vườn
nhà cũ:
Nước vẫn mát, gió qua vừa và những cây cổ thụ in hình năm tháng vẫn
rì rào than thầm trong cằn cỗi mặc đàn sáo bay
về ríu rít
Rung cảm
sâu sắc của tác giả hiện rõ khi ông nhân cách hoá mấy cây cổ thụ để cho chúng than
thầm trong cằn cỗi . Và chính than thầm trong cằn cỗi là linh hồn của câu văn.
Và đây:
Trên nền Trời, sao hôm đã bắt đầu lấp lánh sáng: có một lúc từ sau môt quả gò thấp, mặt trăng tròn sáng đột
nhiên ló lên, gieo vui trong cảnh vắng.... và gieo
vui trong lòng người.
Trăng lên đầu non, đỉnh đồi chỉ mới là môt tấm ảnh
/ một tấm hình , nhưng mà tác giả đã sống với cảnh ấy mà viết gieo vui trong cảnh vắng,
gieo vui vào lòng người . Cái hồn của câu văn đi thẳng vào cảnh, từ
trái tim, từ niềm vui của tác giả, biến tấm ảnh thành một bức hoạ sống động.
Xin trích thêm một câu nữa:
Gió vẫn nhẹ đưa vào mùi thơm
của rơm, của lúa chín.... và tất cả hương nồng của ngày mùa đêm nay đương như
vang dậy trong mùi rơm mới pha lẫn hương tình trong
lòng Ninh.
Đỗ Tốn đã trộn mùi
hương của lúa chín vào hương tình trong lòng Ninh một cách hết sức tự nhiên, không gượng
ép, khiến câu văn trỗi dậy với sự sống mà tác giả đã thổi vào đấy.
Môt lối hành văn độc đáo, đặc
sắc như vậy mà được dùng để tả tình ở tuổi
hai mươi - tôi nghĩ các nhân vật nam nữ trong năm truyện tình trong Hoa Vông
Vang đều trên dưới hai mươi - những mối
tình chứa đầy cái dịu nhẹ hiền hoà, cái
si mê dại ngộ, cái ngây thơ dễ thươngg, cái cuồng si choáng váng, cái mơ mộng
thẫn thờ, cái bâng khuâng sờ sững... nói sao cho hết.
Một lối hành văn như vậy tất tạo ra những
tác phẩm có sức truyền cảm mạnh , đi thẳng vào trái tim người đọc.
Chúng ta cũng đừng quên rằng Đỗ Tốn viết xong
Hoa Vông Vang khi ông mới ngoài hai mươi tuổi.
Chàng thanh niên của những năm
cuối trong thời kỳ văn chương lãng mạn của chúng ta, của thời kỳ mà đất nước trăn trở chuyển mình để đưa đến nhiều cuộc binh biến,
chính biến trọng đại mà một trong những hậu quả của chuỗi biến chuyển ấy, thưa
quí vị, là sự hiện diện của chúng ta hôm nay ở đây trên đất Mỹ ... chàng thanh
niên ấy đã để lại môt tác phẩm có giá trị thực sự.
Hoa Vông Vang là một cung đàn, một khúc nhạc.
Cung đàn của say sưa trong rung động buổi
đầu. Nhạc của tình ban sơ si dại.
Bạn nào chưa gặp đoá hoa này,
xin tìm đến SẮC và HƯƠNG của nó, có thể bạn sẽ say sưa mà ngắm nó.
Bạn nào đã từng cảm được nhạc
của Hoa Vông Vang, vô luận nam hay nữ xin dừng lại để lắng nghe một lần nữa ,
biết đâu bạn lại không bắt được dư ba của
tiếng lòng của chính bạn. Bắt lại được cái rung động buổi đầu của chính bạn chăng?
Xin hết lời.
Xin cám ơn quí vị và các bạn.
Trúc Chi
8.25.19
Từ trái qua phải,
Việt Hưng, Hồng, anh chị Trúc Chi,
Huy Văn, Hạc Tuyền: trưởng nữ của ông bà Đỗ Tốn.
(Hình: VanLan-Photo)
(Hình: VanLan-Photo)
Subscribe to:
Posts (Atom)