Tuesday, April 29, 2025

Nguyễn Duy Chính: Hồi ký vượt biên


 Khi chúng tôi được cứu thoát thì chỉ nghe tiếng lao xao và đã ở trên thuyền chứ không nhớ gì đến lúc còn dưới nước được kéo lên. Hé mắt nhìn ra tôi thấy mấy người dân chài Thái Lan, cởi trần, da ngăm đen tương tự như những người dân vùng Hậu Giang. Một người quấn cho tôi một cái chăn rồi bóp miệng nhét một cục dầu cù là to bằng nắm tay vào mồm. Cục dầu cay sè khiến tôi dãy nảy. Có tiếng reo xem chừng vui mừng vì đã cứu tôi tỉnh lại. E ngại họ sẽ tra vấn để đưa trở lại hòn đảo hoang thì khổ, tôi giả vờ như vẫn còn thiêm thiếp chưa hồi phục. Ông chú tôi và anh bạn đồng hành cũng cùng ở trên con tàu đánh cá, một chiếc thuyền máy không lớn lắm, chỉ bằng những chiếc ghe chạy trên sông.

Chiếc thuyền đi được một lúc thì trời sâm sẩm tối. Ðưa mắt nhìn ra xa xa đã thấy bờ và ánh đèn lấp lánh như một bầy đom đóm. Tôi yên chí là không bị đưa trở về nơi xuất phát nên lặng thinh ngồi dậy, mặc dù trong bụng mừng chỉ muốn reo lên cho thoả thích. Thêm một hồi nữa thì nhà cửa cũng rõ hơn, những cột ăng ten TV nổi bật trên nền trời và ánh sáng chiếu ra từ những khung cửa. Tàu cập lại một bến đầy ghe cũng một loại như chiếc đang chở chúng tôi và khung cảnh trù phú khiến tôi yên chí đây không phải là một trong những nước nghèo đói mà tôi vừa đào thoát.

Người chung quanh đổ xô đến, bàn tán xôn xao bằng tiếng Thái nên chúng tôi không hiểu họ nói gì. Khoảng nửa giờ sau một sĩ quan cảnh sát đi xuống, quần áo chỉnh tề, cầu vai đeo lon ra vẻ chức sắc thẩm vấn tôi bằng tiếng Anh. Tôi cho ông ta biết chúng tôi là người Việt Nam tị nạn Cộng Sản, bị đắm tàu và được vớt đưa về đây. Viên sĩ quan quay lại nói với người lái tàu – có lẽ cũng là chủ chiếc tàu đó – bằng một giọng gay gắt, dường như khiển trách y đã cứu chúng tôi rồi ra lệnh cho mấy người cảnh sát khác còng tay cả bọn đưa về Ty Cảnh Sát Rayong, một thị trấn nhỏ nằm trên bờ biển Thái Lan.

*

*        *

Ty cảnh sát là một căn nhà lớn hai tầng, tầng dưới là nơi làm việc, tầng trên để giam giữ tù nhân. Giữa tầng trên dựng một cái chuồng lớn, song sắt to bằng cổ tay, bốn góc lại có thêm bốn cái chuồng nhỏ, phân chia ra nhiều nhóm, có lẽ tuỳ theo mức độ phạm pháp. Sau khi lấy cung sơ khởi, chúng tôi được đưa lên tầng trên. Trời đã tối hẳn nhưng phòng nào cũng đầy người. Người ta mở một cái chuồng nhỏ trong đó có mấy cô gái Thái đuổi họ ra ngoài rồi đẩy ba người chúng tôi vào, khoá lại. Mấy cô gái được thoải mái đi vòng vòng trên lầu không còn bị tù túng trong một cái chuồng mỗi bề chừng 2 thước nữa.

Ba người chúng tôi tuy ở vào cảnh cá chậu chim lồng nhưng phải nói là trong bụng sung sướng không đâu kể xiết. Ít nhất cũng còn được “ở tù” nơi một xứ tự do, hơn hẳn cảnh làm dân của một nước Việt Nam độc lập và thống nhất, tương lai chắc chắn sáng sủa hơn cách đây mấy tiếng đồng hồ khi đang bì bõm bơi trên biển, và cũng hơn hẳn cái đời sống lạnh lẽo trên hoang đảo ... chờ ngày chết đói một cách tuyệt vọng. Hai chục ngày vừa qua quả là một cơn ác mộng hãi hùng.

Sau khi hoàn hồn, chúng tôi mới có dịp quan sát khung cảnh chung quanh. Ngoài những cô gái được bán-tự-do đi qua đi lại, chiếc chuồng ở giữa đầy nghẹt những người. Ngồi một góc trông hết sức thiểu não là vị ân nhân đã ra tay tế độ vớt chúng tôi lên. Chúng tôi cố ra dấu là mình vô cùng cảm kích cái ơn trời biển của y nhưng anh ta chỉ buồn bã lắc đầu.

Từ dưới lầu một người đàn bà nhếch nhác, tay dắt một đứa trẻ, tay kia bế một đứa khác, khóc bù lu bù loa đi lên. Chẳng cần nói cũng biết đây là gia đình anh lái tàu. Người vợ ngồi bệt xuống bên cạnh song sắt, ngang nhiên vạch vú cho con bú miệng đay nghiến anh chồng. Người đàn ông ôm đầu chịu đựng lời mắng mỏ của vợ một cách nhẫn nhục. Ðứa trẻ thấy cha bị cầm tù cũng khóc oà lên. Cái cảnh kẻ khóc người mếu khiến chúng tôi ái ngại quá nhưng chỉ đành cắn răng mà chịu. Người đàn bà thỉnh thoảng lại liếc qua ba người chúng tôi với một vẻ oán hờn, trách móc. Chúng tôi cũng chẳng hiểu cái tội danh “vớt người bất hợp pháp” sẽ bị toà xử như thế nào, không biết y có bị tịch thu mất chiếc thuyền không? Tuy vậy, nỗi mừng được thoát chết vẫn lớn hơn nỗi đau lòng thấy anh chàng hiệp sĩ kia bị vợ xỉa xói.

Tối hôm đó chúng tôi không có gì ăn chỉ xin người cảnh sát trực được một điếu thuốc. Hình như gã tiếc của, ân hận về cái tật hào phóng hão hay sao mà sáng hôm sau hắn lảng xa một góc, không đến gần ba tên “tị nạn” mặt trơ trán bóng, ăn xin không biết ngượng kia nữa. Một đêm qua đi với chiếc dạ dày lép kẹp nhưng nỗi vui được trở về với đời sống loài người khiến tôi không cảm thấy đói lắm.

Sáng hôm sau chúng tôi bị đưa xuống thẩm vấn để khai đầy đủ mọi chi tiết chuyến đi và lý lịch từng người. Một Việt kiều ở đâu đó bị đưa vào làm thông ngôn. Tội nhập cảnh bất hợp pháp của người Việt Nam chắc hẳn rất thường nên không ai thắc mắc gì và viên sĩ quan an ninh cũng am tường cả hệ thống chính quyền của VNCH khi chúng tôi đề cập đến chức vụ và cấp bậc trong hành chánh và quân đội.

Cả ngày hôm đó chúng tôi vẫn chưa có khẩu phần. Cái nền hành chánh của xứ Thái Lan cũng chẳng hơn gì xứ ta. Dường như lại cũng là lễ lạc gì đó, mà số người bị bắt vào bót khá đông, đều là loại vui chơi, gây gỗ đánh lộn, hoặc cờ bạc. Có mấy người Hoa bị bắt vì tội say rượu làm huyên náo xóm làng. Tôi lại hình dung ra ngay cái khung cảnh một tỉnh lẻ mà tôi từng làm việc.

Chiều hôm đó thân nhân các tội phạm lũ lượt đi thăm nuôi, ngoại trừ ba đứa chúng tôi thuộc loại “con bà phước”. Có người cám cảnh không buồn đụng đũa khiến cho người nhà lại phải đem về, ai biết đâu ở chuồng bên cạnh có ba kẻ đáng thương nhìn đồ ăn mà thèm nhỏ dãi. Thế nhưng tình cảnh chúng tôi cũng có người nhận ra. Một thiếu phụ dáng người phúc hậu đã đặc biệt mua cho ba đĩa cơm. Quả thực trong đời tôi chưa bao giờ có bữa ăn nào ngon đến thế. Tiếc rằng hôm sau thân nhân của bà ta lại được mãn hạn tù nên bà tiên kia không quay trở lại nữa. Anh bạn tôi đinh ninh rằng đây là một bồ tát hiện ra trong hình dáng một con người.

Ngày thứ ba chúng tôi có phần ăn nhưng quá ít, mỗi bữa chỉ khoảng một bát cơm. Có lẽ đây là bữa ăn chiếu lệ vì bót cảnh sát chỉ tạm giam và ai cũng có thân nhân tiếp tế trừ ba người chúng tôi. Giá như bình thời thì cũng không đến nỗi nào nhưng sau hàng chục ngày lênh đênh trên mặt biển, lại làm Robinson bất đắc dĩ trên hoang đảo một thời gian khá lâu nên chúng tôi ai cũng ở trong tình trạng thèm ăn triền miên. Ðể giảm thiểu năng lực, tôi thường chỉ lim dim ngồi Thiền, nhớ lại những tư thức “qui tức công” đã đọc trong truyện Tô Ðông Pha khi nhà nho nổi tiếng này bị lưu đầy ở Hải Nam, không có gì bỏ vào bụng nên đành ngáp nắng cho đỡ đói. Tôi cũng đã từng nhịn hàng tuần khi tập “vô thất” một cụ già ở Ðà Nẵng dạy cho, nay cũng là dịp đem ra áp dụng. Có điều trước đây tập theo lối tự nguyện, còn nay bị bắt buộc phải nhịn đói, cũng vô phương không thể đi kiếm rau dại hay rong biển mà nhai.

May sao, một “tiên sinh” người Hoa tưởng chúng tôi là đồng hương nên đến hỏi thăm mấy câu. Ngặt là ngôn ngữ bất đồng mặc dù vị “tiên sinh” nọ đổi đến mấy thổ ngữ mà chúng tôi vẫn không hiểu. Bí quá tôi bèn xin giấy bút viết một lá thư ngắn tả thảm trạng của mình. Hai bên “bút đàm” qua lại cũng thông cảm nhau được ít nhiều. Có điều không phải như những nhà ái quốc Việt Nam trước đây lưu lạc xứ người, trao đổi thời sự hay thi phú văn chương với các nhà cách mạng Trung Hoa, Nhật Bản mà nội dung những dòng chữ chỉ cốt để đối phương biết chúng tôi đang đói lắm. Vị “tài chủ” hiểu ra đem bố thí cho ba kẻ lạc loài một bữa ăn khá thịnh soạn. Mỗi lần ngẫm lại chuyện xưa tôi không khỏi mỉm cười. Và cho đến giờ phút này, đây vẫn là lần duy nhất tôi kiếm ăn – theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - bằng cái thứ chữ nho ngoài đường[1] kia. Thảo nào người xưa bảo là “nhất tự thiên kim” cũng phải.

Những ngày kế tiếp là những ngày chờ đợi đoán già đoán non như những người tù cải tạo mong ngày được thả. Chúng tôi tự hỏi không biết bao giờ mới được chuyển đến một trại tị nạn. Cái thèm khát cao độ khiến cho đêm đêm tôi nằm mơ được ăn một tô cơm với miếng thịt kho mỡ màng lênh láng, nổi lềnh bềnh trong những nồi đồ ăn của những hàng quán thời còn mồ ma phe quốc gia. Chao ôi, cái mơ ước quả là thấp hèn thiếu chí khí. Mỗi ngày chúng tôi được đưa xuống nhà một lần để làm vệ sinh cá nhân nhưng có lẽ vì ruột sạch trơn nên nhiều ngày liên tiếp chúng tôi không phải đi cầu. Mấy người cảnh sát trẻ cũng hay đến bập bẹ nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh và tôi vừa dạy, vừa học họ một vài tiếng bản xứ cho qua thời giờ. Họ tỏ ra khá lễ phép và cố gắng thông báo mọi chi tiết mà họ thu nhận được về tình trạng của chúng tôi cũng như về gia đình anh bạn tôi còn ở lại trên hoang đảo.

Những người cảnh sát đó thỉnh thoảng cũng mua cho chúng tôi một ít đồ ăn. Khi trao đổi với họ, tôi biết lương bổng của họ cũng thấp lắm, chỉ chừng 1000 baht (hình như chưa đến 100 USD) một tháng nên việc cho chúng tôi đồ ăn hay thuốc lá là một hi sinh to lớn. Có điều họ không hiểu được rằng chúng tôi đang rất đói, cái đói triền miên nên giá như cho một đĩa cơm nguội hay một miếng cháy còn hơn là những chiếc bánh bé tí tẹo mà họ mua dưới chợ, tuy cầu kỳ, lạ miệng nhưng chẳng bõ dính răng. Anh Bào cố gắng làm một “sa bàn” để giải thích cho thằng nhỏ đưa cơm rằng chúng tôi không cần thức ăn, nếu có thể nó chỉ đem toàn cơm - càng nhiều càng tốt - cũng được. Thằng bé gật gù ra vẻ hiểu. Tiếc rằng hôm sau mẹ nó nó không sai nó giao thức ăn nữa nên công lao của anh bạn tôi đổ xuống sông xuống biển.

Hôm chúng tôi được đưa ra khỏi Ty Cảnh Sát Rayong quả là một ngày hội lớn. Người cảnh sát có nhiệm vụ đưa chúng tôi đi lễ phép giải thích về việc phải còng chúng tôi lại theo thủ tục. Chúng tôi thông cảm với nguyên tắc hành chánh nên không cảm thấy khó chịu chút nào, nếu không nói rằng rất mừng vì đinh ninh sắp đến một trại tỵ nạn nào đó trên đất Thái.

Chiếc xe chở chúng tôi là một xe truck nhỏ. Người cảnh sát áp tải ngồi trên với tài xế, chúng tôi ở thùng xe phía sau, một tay còng chặt vào thành xe. Lần đầu tiên được ra khỏi nơi tù túng, nhìn những đồng quê với mái tranh, với hàng dừa và những trẻ mục đồng trên lưng trâu, lòng tôi xao xuyến nghĩ đến quê hương tuy không xa nhưng hai đời sống hoàn toàn khác hẳn. Xứ sở của người sao thanh bình lạ, còn đất nước tôi vẫn đắm chìm trong hận thù, trong khốn khổ. Tôi bâng khuâng nghĩ đến một tương lai vô định, có tự do nhưng sẽ mãi mãi cách xa nơi mình đã sinh ra và lớn lên, không biết có bao giờ còn gặp lại cha mẹ anh em hay không?

*

*        *

Thế nhưng điểm đến chưa phải là một nơi có đồng bào Việt Nam mà chỉ chuyển sang một thị trấn khác. Ðó là Chantaburi, một tỉnh ở phía đông nam tỉnh Rayong. Tỉnh này lớn hơn nhiều, ty cảnh sát cũng đồ sộ và qui mô, là một trong những thị trấn nổi tiếng của nước Thái. Chúng tôi lại bị đưa vào một căn phòng giam lớn, dành riêng cho những người nhập cư bất hợp pháp và được xếp riêng một góc sát chấn song.

Thực tình mà nói, nhà giam Thái Lan không đến nỗi tệ, khá sạch sẽ, có cầu tiêu nhà tắm đầy đủ. Cũng như Rayong, đây chỉ là nơi tạm giam và những người nhập cư sẽ bị trục xuất về nguyên quán hay đưa đi nơi khác tuỳ trường hợp. Tìm hiểu ra trong số bạn “đồng cảnh” có một số là người Miến Ðiện, một số là Mã Lai, đa số là người Cao Miên chạy loạn sau trận chiến năm 1979, trong đó có cả một sĩ quan của Khmer Ðỏ.

Theo phân loại của Thái, người Mã Lai hay người Miến Ðiện sẽ được đưa trả về nước qua ngả biên giới, riêng người Miên và người Việt thì vào các trại tỵ nạn, Miên theo Miên, Việt theo Việt, mặc dù cũng có những trại hỗn hợp mà vẫn thường xảy ra những xung đột về sắc tộc, lắm khi phải nhờ đến cơ quan an ninh của chính quyền can thiệp.

Trong những người Miên ở khu tôi cũng có một số gốc Việt. Tuy nhiên họ nói được rất ít, và rất sợ hãi khi phải tiếp xúc với chúng tôi, dường như e ngại bị trả thù khi vào trại tị nạn. Mối hận thù Việt – Miên tồn tại trong lịch sử đã rất lâu như một oan nghiệt truyền kiếp, không kể là Quốc hay Cộng nên dù trong cùng hoàn cảnh phải bỏ nước ra đi vẫn thể hiện dưới một số hình thức.

Mấy ngày đầu ở Chantaburi chúng tôi cũng bị nhịn đói – và sau này khi có khẩu phần ăn thì xem ra lại còn tệ hơn ở Rayong. Thế nhưng cũng chính ở nơi tối tăm này - gọi là tối tăm vì trong phòng giam không có ánh nắng như ở biệt điện Rayong mà chỉ có ánh sáng điện - tình người lại có dịp nở rộ.

Trước hết là những người Miên gốc Việt. Khi thấy chúng tôi không có gì ăn, họ moi đâu trong mấy lon guigoz ra một số cơm nguội cho chúng tôi. Những đồ ăn đó đã lên men chua như mẻ, lại đầy đất cát. Thế nhưng vì đói quá nên chúng tôi vẫn ăn được. Khi thấy anh bạn tôi có vẻ tủi thân, ngán ngẩm tôi nửa đùa nửa thật:

-        Anh Bào ạ! Chúng mình đi tìm một chỗ dung thân, nay được một người đồng hương cho cả cơm lẫn đất, âu cũng là một điềm lành.

Câu đó dường như tôi “thuổng” của một bầy tôi đi theo công tử Trùng Nhĩ trong Ðông Chu Liệt Quốc. Khi thấy chúng tôi biết chữ nghĩa, những người đó thỉnh thoảng lại nhờ chúng tôi viết giùm một lá thư gửi lên Cao Uỷ LHQ để thỉnh cầu xét đơn xin tị nạn. Những người đồng tù khác vì thế cũng nhìn chúng tôi bằng cặp mắt kính trọng hơn mặc dù hai bên không nói chuyện được với nhau. Cũng có thể họ thấy chúng tôi luôn luôn ngồi trầm ngâm mặc định như một thiền sư nên nghĩ rằng chúng tôi thuộc hàng giáo phẩm? Chẳng biết nữa nhưng khi đám người Miến Ðiện và Mã Lai được đưa đi, họ đã bàn tán và gom góp được vài chục baht (tiền Thái) đem lại kính cẩn tặng chúng tôi. Quả thực là một việc hết sức bất ngờ. Chúng tôi cũng bắt chước theo tục lệ của người Miên, người Thái chắp tay tạ ơn họ.

Cảm tình thứ hai là của anh chàng sĩ quan Pol Pot. Anh chàng đó còn trẻ, thân hình béo tốt, mặt mũi sáng sủa, tóc húi cua thường cởi trần chỉ vận một chiếc sà rông. Y là người có vẻ bất cần hơn cả, cái nghênh ngang của người đã từng có uy quyền. Theo như gã người Miên gốc Việt nói nhỏ cho tôi thì y là một “quan lớn”, chả biết quan lớn cỡ nào mà y dịch ra là Ðại Tá. Ðiều đó tôi không chắc là thật. Có điều gã “Pol Pot” này không sợ sệt, khép nép như những người khác khi gặp cảnh sát người Thái và tôi không thể ngờ rằng y lại thuộc về một lực lượng dã man nhất nhân loại. Có thể cũng có những ẩn tình mà tôi không hiểu được, hay lý lịch của y không đúng như lời đồn.

Sau khoảng cách ban đầu, y mon men đến gần tôi, hỏi vu vơ làm quen bằng tiếng Pháp những câu rất ấm ớ như kiểu: Tên anh là gì? Anh khoẻ không? Anh từ đâu đến? ...

Phải nói rằng khi nghe y nói một thứ tiếng mình cũng biết ít nhiều, tâm trạng tôi chẳng khác gì tha hương ngộ cố tri. Tôi cũng cố gắng “chắp” những từ ngữ còn rơi rụng trong đầu để trả lời và qua lại một hồi, hai bên đâm ra “tri kỷ”. Cái tiếng Tây hổ lốn của tôi với cái tiếng Pháp nửa nạc nửa mỡ của y là cái cầu bắc giữa hai bên, dù cả hai cố gắng không đề cập đến chuyện chính trị, quân sự hay chủng tộc, lại càng không dò hỏi thân thế nhau.

Quen với y cũng có nhiều cái lợi. Lợi điểm trước nhất là mỗi khi bị người Thái bắt khai báo lý lịch, tôi có thể nói bằng tiếng Pháp với y, y nói lại bằng tiếng Miên với một người Miên biết tiếng Thái, và người đó thông dịch lại. Ðến lúc này những người Miên mới cảm thấy phục sát đất hai nhà “đại trí thức” ở trong cùng phòng giam. Cảm động nhất là khi thấy chúng tôi gầy yếu quá, gã người Miên gốc Việt đã nghẹn ngào sợ ông thầy chết đói thì uổng mất một thiên tài. Lợi điểm thứ hai là từ đó tôi nghiễm nhiên ở cùng một giai cấp với y nghĩa là cao hơn những người bạn đồng tù khốn khổ khác. Và hơn nữa ít ra tôi cũng có người để trò truyện, chẳng hơn chỉ ngồi ngáp gió cho hết thì giờ hay sao?

Ngăn cách giữa hai bên nhà tù là một hành lang. Bên phòng chúng tôi thì lúc nào cũng khoá chặt nhưng bên phía bên kia thì tương đối tự do hơn, những tù nhân cũng có lúc được đi ra đi vào. Phía chúng tôi là một phòng lớn duy nhất nhưng phía bên kia ngăn ra thành hai, một bên để nhốt đàn ông, một bên đàn bà. Phía đàn bà có lẽ cũng là những cô gái buôn son bán phấn bị bắt trong những lần ruồng bố. Phía đàn ông thì là những tay anh chị, những tên du đãng trong vùng. Dường như những người Thái đó đã quá quen thuộc với khung cảnh này nên họ tự nhiên như ở nhà, cười nói rất thoải mái. Và dĩ nhiên họ cũng được tiếp tế đầy đủ, có khi còn ăn nhậu hát hổng ngay trong phòng giam.

Làm trùm trong đám du đãng là một gã người Thái đen trùi trũi, đầu húi cua, mặt mày rất bặm trợn. Y luôn luôn cởi trần, người xâm đủ loại hình không chừa một mảnh da nào chẳng khác gì dân Giao Chỉ ngày xưa vẽ mình cho thuồng luồng khỏi làm hại. Cứ xem thái độ thì biết y rất có uy quyền, thấy bóng y ai cũng phải khép nép. Y được cảnh sát Thái giao cho nhiệm vụ “quản giáo”, sắp đặt công việc, kiêm cả việc chia cơm cho tù nhân, quả đúng là nắm quyền sinh sát, một thứ đầu nậu đúng nghĩa như trong những truyện dài của Duyên Anh, Nguyễn Thuỵ Long. Có điều chúng tôi không nằm trong sổ đen của y nên không bị ngược đãi, nạt nộ gì.

Buổi chiều hôm đó, căn phòng đang vắng lặng bỗng rộn hẳn lên vì có tin đồn một số tay “thủ lãnh đại ca” vua biết mặt, chúa biết tên mới bị bắt vào. Chỉ nhìn thái độ của những người cảnh sát chúng tôi cũng hình dung ra được điều đó. Gã xâm mình cũng trong đám chạy ra nghinh đón.

Ðám tù mới không nhiều, chỉ độ hai ba người. Ði đầu là một thanh niên cao ráo, hai đàn em đi sau, gã xâm mình lúp xúp theo sau chót.

Viên thủ lãnh đó tuổi xem chừng còn rất trẻ, có lẽ chỉ mới ngoài đôi mươi. Y phải nói là đẹp trai, mi thanh mục tú, nước da trắng trẻo, thoạt nhìn người ta có thể đánh giá là một sinh viên đại học hơn là một trùm du đãng. Tiếng y rõ ràng và mỗi lần y nói, những đàn em chỉ gật đầu vâng dạ, không thấy ai nói lại nửa câu. Những người tù cũ cũng chạy ra như một phái đoàn đón tiếp lãnh tụ. Y ăn vận bình thường và cũng như bao nhiêu người khác vào trong tù chỉ mặc một chiếc quần soóc, cởi trần. Ðiều đáng nói là thân thể y hoàn toàn không có một dấu xâm nào như những tay anh chị khác. Chúng ta thường nghe thành ngữ hạc lập kê quần – con hạc đứng trong bầy gà -- hình dung một con người nổi bật trong đám đông, và vẫn nghĩ đây là một ví von phóng đại. Thế nhưng quả thực thanh niên này có cái phong độ đó.

Buổi tối phe du đãng mở tiệc lớn. Ðích thân những người cảnh sát bưng đồ ăn thức uống vào, một điều tôi nghĩ rằng ở đâu cũng hiếm thấy. Những cô gái ăn sương cũng được tiếp tế đầy đủ. Bữa ăn của chúng tôi khá hẳn lên vì đồ ăn của “phía bên kia” được chia đều cho thành phần “nhập cư bất hợp pháp”. Tiếng người ăn uống ồn ào, thỉnh thoảng vọng lại tiếng sang sảng đầy uy quyền của gã thư sinh.

Ở trong nhà giam không có việc gì làm nên hay ngủ ngày thành thử đêm tôi lại thức khuya, hoặc toạ Thiền hoặc suy nghĩ vẩn vơ. Những giờ phút đó là những giờ phút tĩnh lặng hiếm hoi phải tận hưởng.

Như thường lệ, tối hôm đó, khi mọi người đang yên giấc, tôi trở dậy ngồi một mình. Ngọn đèn trên trần toả ra ánh sáng vàng vọt. Những người chung quanh nằm la liệt như những thây ma, tiếng thở khò khè xen lẫn tiếng ngủ mơ ú ớ.

Từ phòng bên kia, tay anh chị bước ra, theo sau là gã xâm mình. Ở trong một không gian bé nhỏ thế này, việc chạy theo đàn anh có lẽ là một cử chỉ lấy lòng chứng tỏ sự trung thành hơn là cần thiết. Tay anh chị đi từng phòng kiểm soát xem có gì khác lạ hay không, chẳng biết đó là thói quen của y hay một nhiệm vụ được giao phó. Công việc đó trước đây là của gã xâm mình nhưng y thường làm một cách chiếu lệ, thỉnh thoảng ủng oẳng một câu ra vẻ ta đây, thế thôi. Trái lại thái độ của tay anh chị lại khác hẳn, giống như một cấp chỉ huy muốn chắc chắn rằng những kẻ dưới quyền mình tuân thủ nghiêm chỉnh lệnh lạc đã ban ra.

Khi đến gần y đứng lại nhìn thẳng vào mắt tôi như để đánh giá người đối diện. Tôi nhìn y mỉm cười gật đầu, y cũng gật đầu đáp lại. Tôi quay ra hướng khác, y và tên đàn em lại tiếp tục bước đi. Ngang qua mặt tôi, y kéo gói thuốc trong túi quần thẩy vào trong song cửa, vang lên một tiếng động nhỏ. Tôi lặng yên nhìn gói thuốc còn nguyên chưa mở, một gói thuốc thuộc loại có đầu lọc mà từ khi đến đất Thái tôi chỉ được hút một hai lần. Người Thái phần lớn chỉ hút thuốc rê, vấn bằng những mảnh lá dừa nước phơi khô cắt thành từng mảnh nhỏ. Khi hai người đi tuần hết vòng quay lại, tôi nhìn y gật đầu cám ơn nhưng y thản nhiên như không trông thấy.

Sáng hôm sau tôi đem gói thuốc chia cho mỗi người một điếu, kể cả anh chàng người Miên gốc Việt và tên sĩ quan “Pol Pot”. Ở trong tù ít ai hút thuốc một mình mà thường chỉ đốt một điếu rồi chuyền vòng vòng mỗi người một hơi. Mọi người không khỏi xôn xao khi thấy tôi có cả một bao thuốc.

Từ hôm đó trở đi, khi chia cơm, gã xâm mình bao giờ cũng dành cho mấy người Việt chúng tôi rất hậu hĩ, lắm khi rõ ràng thiên vị khiến chúng tôi cảm thấy ngượng ngùng vì được biệt đãi một cách quá đáng. Mấy nàng Kiều Thái Lan cũng thỉnh thoảng đem cho một ít trái cây. Ðể khỏi quá chênh lệch, tôi thường san xẻ đồ ăn của mình cho một cậu bé người Miên, cũng loại tứ cố vô thân, người gầy ốm đến chỉ còn da bọc xương trông như người dân Phi châu trong những mùa đói kém, gan bàn chân vàng như nghệ. Cậu bé này mỗi lần nhận được đồ ăn thường quì rạp xuống lạy một cách hết sức cung kính.

Thế nhưng những ngày vui đó không dài lâu. Chỉ vài hôm sau, tay anh chị kia được phóng thích. Ðời sống nhà tù Thái Lan trở lại như cũ. Gã xâm mình lại làm trùm và đời sống lại xô bồ như trước. Không hiểu có được dặn dò gì không, y đối với tôi vẫn hết sức tử tế. Thỉnh thoảng gã lại cho tôi một cái bánh, một gói thuốc rê. Có điều y không kín đáo và tế nhị như đàn anh của hắn.

Tôi cố hỏi mấy người cùng phòng xem gã thư sinh kia là ai? Mãi về sau tôi mới biết tay anh chị đó là đại du đãng của tỉnh Chantaburi, đứng đầu một tổ chức “xã hội đen” rất thế lực, có thể nói là một loại “ông trùm” của vùng này. Tôi vẫn đoán chừng y là một loại con ông cháu cha, bây giờ mới biết y là một tay chơi thứ thiệt. Thế nhưng chi tiết mà gã đàn em nói nhỏ mới thực khiến tôi sửng sốt:

Y là một người Thái gốc Việt.

 

NGUYỄN DUY CHÍNH



[1] Gọi là chữ nho ngoài đường vì thuở bé đạp xe đi học qua vùng Chợ Lớn, tôi hay so sánh những chữ tiếng Việt với tiếng Tàu trên bảng hiệu để nhận mặt chữ nên cũng biết lõm bõm một số làm vốn cho việc học thêm sau này. Ngoài mỗi tuần một giờ năm đệ Thất CVA ra, tôi không học một chương trình chính thức nào về Hán tự trên đại học.

Wednesday, April 23, 2025

Nguyễn Duy Chính: Trần Huy Bích

  


GS Trần Huy Bích và NDC trong một chuyến đi mượn sách tại UCLA (2019)

(ảnh do anh Thích Tuấn Hùng chụp)

Tôi biết GS Trần Huy Bích từ những năm đầu của thập niên 1980s khi mới đặt chân đến California. Thuở đó, ông thầy cũ của tôi là bác sĩ Nguyễn Văn Thọ có mở một lớp dạy Kinh Dịch tại chùa Việt Nam, nay là chùa Quán Thế Âm trên đường Magnolia. Lớp Dịch được tổ chức mỗi tuần một ngày Chủ Nhật để cụ Thọ truyền bá triết học Nho Gia và xiển dương lý thuyết Thiên Hạ Vạn Vật Đồng Nhất Thể. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng tôi cũng tìm cách mở rộng kiến thức bằng cách mời những học giả, nhân sĩ đến trình bày những đề tài văn hóa, luật pháp, văn chương … bổ sung cho những bài học cổ văn mà chúng tôi thụ giáo mỗi tuần. Những học giả được mời tôi còn nhớ được có GS Trần Huy Bích, linh mục Vũ Đình Trác, luật gia Nguyễn Đình Bột, nhà văn Mai Kim Ngọc, nhà văn Minh Đức Hoài Trinh …

 


BS Nguyễn Văn Thọ và lớp Dịch tại chùa VN

(hình NDC)

Nếu tôi nhớ không sai, GS Trần Huy Bích hôm đó đã trình bày về Văn Chương Bình Dân VN qua Ca Dao, một đề tài tưởng dễ nhưng không dễ, muốn trình bày cho mạch lạc cần kiến thức đã đành mà còn phải có trí nhớ tốt để kịp thời dẫn chứng cho bài giảng thêm linh động. Buổi nói chuyện rất được học viên chúng tôi và quan khách tán thưởng. Cũng từ buổi thuyết trình đó, tôi được biết GS Trần Huy Bích như một người thầy, một người anh đáng kính, luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ trong phạm vị hiểu biết và phương tiện có trong tay, nhất là khi cần những tài liệu sách vở mà anh có nhiều dịp tiếp xúc hơn một người bình thường từ công việc chuyên môn trong thư viện của những trường đại học.

GS Trần Huy Bích trình bày về văn chương Việt Nam nhiều lần cho nhiều nhóm cử tọa, cho nhiều hội đoàn và tuỳ trường hợp mà khai triển về một góc cạnh khác nhau. Những ai quan tâm đến sinh hoạt cộng đồng và giáo dục hải ngoại đều không thể phủ nhận công lao, sự nhiệt tình và trình độ uyên bác của GS Bích. Riêng với tôi, ngoài gắn bó qua quen biết, anh còn hết sức tận tâm tìm kiếm những tài liệu chuyên ngành khi có thể và cũng là một trong những thân hữu ở hải ngoại tiếp tay, nâng đỡ tôi trong công tác biên soạn lịch sử.

Khâm Định An Nam Kỷ Lược


Khoảng thập niên 1990s, tôi tình cờ mua được một cuốn sách cũ có tên là Càn Long Trọng Yếu Chiến Tranh Chi Quân Nhu Nghiên Cứu 乾隆重要戰爭之軍需研究 của Lại Phúc Thuận (賴福順)[1]. Đây là bộ sách trình bày rất chi tiết và đầy đủ về công tác hậu cần, tiếp vận của nhà Thanh trong 10 chiến dịch đời Càn Long, trong đó có một lần đem quân sang nước ta. Sau đó không lâu, anh Phạm Xuân Hy ở bên Pháp lại tặng cho tôi quyển Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武功研究) của Trang Cát Phát (莊吉發) [2].

Trước đây, khi nghiên cứu về lịch sử cuối thế kỷ XVIII tôi chỉ được biết tới tài liệu của nước ta chứ chưa có cơ hội tiếp xúc với tài liệu bên ngoài. Trong khoảng ¼ thế kỷ, miền bắc VN có nhiều biến động, nhiều thế lực tranh hùng từ thời Lê Trịnh sang Tây Sơn rồi sang nhà Nguyễn. Cái khó khăn của công việc nghiên cứu là tài liệu sau những lần thay chủ đổi ngôi đều đượm màu chủ quan, yêu nên tốt, ghét nên xấu. Người thắng cuộc có thẩm quyền gần như tuyệt đối nên khi vật đổi sao dời thì mọi vấn đề đều bị nhìn theo một lăng kính khác. Thành thử cái nhược điểm và cũng là khuyết điểm của người nước ta là ít ai quan tâm lưu giữ tài liệu sơ cấp (primary sources) mà phần nhiều coi trọng tài liệu thứ cấp (secondary sources). Những tin đồn được sao đi sao lại, thêm bớt tùy tiện nên việc lớn việc nhỏ dù so sánh nhiều nguồn cũng khó có thể đưa ra được kết luận chắc chắn.

Hai cuốn sách tôi đề cập ở trên đều là những công trình lớn của hai tác giả uy tín chuyên nghiên cứu về nhà Thanh. Mặc dầu mỗi cuốn chỉ có một chương liên quan đến VN nhưng tài liệu gốc được trích dẫn khá nhiều lấy ra từ văn khố của Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc giúp tôi mở ra một cánh cửa cần bước vào. Đó là làm thế nào có thể tham khảo trực tiếp tài liệu của nhà Thanh để việc nghiên cứu không bị giới hạn vào phát kiến của người khác, “ăn cơm mớm” chứ không phải chính mình nhai hạt gạo.

Lục tìm trong mớ sách cũ, trên một bài báo trong tập san Sử Địa tập 22-1971 (Saigon), giáo sư Nguyễn Khắc Kham có đề cập đến một bộ sách nhan đề Khâm Định An Nam Kỷ Lược là tập hợp các văn thư của nhà Thanh trong chiến dịch đem quân sang nước ta năm Mậu Thân – Kỷ Dậu (1788-1789). Đây là một đề tài vẫn được giới sử học quan tâm mặc dù nghiên cứu của nước ta chủ yếu chỉ dựa trên Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, quyển XXX, nhan đề Ngụy Tây (tức nhà Tây Sơn) là tài liệu triều đình và Hoàng Lê Nhất Thống Chí, một tiểu thuyết chương hồi viết theo kiểu Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, bán-hư-cấu nhưng rất được người Việt Nam ưa chuộng. Bị hạn chế trong tài liệu cũng như phương pháp, sách vở viết về giai đoạn này không mấy khi đi xa hơn mà chỉ xấu che, tốt khoe, vấp phải những qui tắc cơ bản nhất của nghiên cứu lịch sử.



Khâm Định An Nam Kỷ Lược        An Nam Kỷ Lược

(bản chép tay, thư viện UCLA)

Theo GS Nguyễn Khắc Kham, một học giả Nhật Bản có đề cập đến một bản An Nam Kỷ Lược trong Đông Dương văn khố là bản chép tay (không đầy đủ) của bộ Khâm Định An Nam Kỷ Lược, tập hợp những văn bản gốc trong cung nhà Thanh sau chiến dịch, một dạng tài liệu mật nhà Thanh tổng kết và lưu trữ. Điểm đáng nói là tìm trong Thư Mục tham khảo của GS Trang Cát Phát và GS Lai Phúc Thuận thì đều không thấy đề cập hay sử dụng bộ sách này. Nếu như chính học giới Đài Loan cũng chưa tham khảo đến thì có được tài liệu này đích thực là một “đột phá” mà người nghiên cứu phải làm cho bằng được.

Thế nhưng với những tin tức mơ hồ thì có khác gì mò kim đáy biển, nếu các học giả Đài Loan không tiếp cận được thì mình ở bên ngoài càng khó khăn hơn. Tôi trao đổi với GS Trần Huy Bích để xem có cách nào xin một bản sao từ thư viện Nhật Bản hay không? Việc đó cũng là cầu may thôi chứ không dễ dàng gì, cách trở địa lý cũng có mà mượn tài liệu từ nước ngoài lại càng nhiêu khê. Xin một vài trang may ra còn được chứ cả một bộ sách, lại là sách chép tay thì thật thiên nan vạn nan.

Bẵng đi một thời gian, một hôm anh Bích cho biết đã kiếm thấy một bộ Khâm Định An Nam Kỷ Lược từ thư viện đại học Mỹ. Bộ sách đó in tại Hồ Nam năm 2000, sau khi các tác phẩm của Trang Cát Phát và Lại Tông Thành xuất bản (1982 và 1984) nên hai học giả này không dùng tới thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Thông thường, từ khi bộ sách in xong đến khi được phân phối tới các nơi khác trên thế giới trong đó có các thư viện ở Hoa Kỳ, rồi sắp xếp và vào danh bạ cũng mất nhiều thời gian trước khi có thể mượn để tham khảo. Sở dĩ anh Bích lục tìm lâu ngày mà không thấy chính vì bản gốc chỉ giữ trong cung vua, không phổ biến nên đây cũng là lần đầu được ấn hành.[3]

Hồi đó anh chị Trần Huy Bích còn ở trên vùng Los Angeles nên nhân dịp xuống Orange County đã hẹn gặp ở Phở Tàu Bay để giao lại cho tôi. Công lao tìm sách, mượn sách rồi đem từ Los xuống Orange, mấy tuần sau lại xuống nhận lại sách, trả sách tưởng như đơn giản nhưng từ lúc để tâm đi tìm đến khi cầm được trên tay, đều là những chặng đường không dễ chút nào. Có bộ sách trong tay, tôi liền chụp lại một bản để dùng trong nghiên cứu, mở đầu một dự án trường kỳ mà đến nay vẫn chưa hoàn tất.

The Dynastic Chronicles Bangkok Era The First Reign B.E. 2325-2352

Nghiên cứu tuy là một công việc riêng tư nhưng vẫn cần một chữ “duyên” để có được những gì mình muốn có. Trước đây, khi tìm hiểu về vùng Đông Nam Á, tôi có mua được quyển The Dynastic Chronicles Bangkok Era The First Reign B.E. 2325-2352 (A.D. 1782-1809)[4] do Thadeus Flood và Chadin Flood dịch từ bản gốc do hoàng thân Chaophraya Thiphakorawong soạn – là bộ đầu tiên trong biên niên sử viết về dòng họ Chakkri vẫn còn liên tục trị vì ở Thái Lan đến nay.


                        The Dynastic Chronicles (Bangkok Era)

Bộ sách này có ghi lại nhiều chi tiết do chính chúa Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long sau này) cùng với một số thuộc hạ đã tường thuật khi ông nương náu ở triều đình Bangkok giúp cho chúng ta có một góc nhìn mới. Sử Xiêm La cũng viết rất kỹ về những biến chuyển trong vùng, một hình thức lãnh chúa cát cứ, mỗi người một nơi tác động hỗ tương như những hình nhân đuổi theo nhau trong đèn kéo quân.

Khi nhìn vào khung cảnh địa lý hiện đại chúng ta vẫn tưởng như mỗi dân tộc tồn tại một phương tự nghìn xưa nhưng thực ra chỉ hai ba thế kỷ trước đây vùng Đông Nam Á giống như một chiếc kính vạn hoa, biến thiên thay chủ đổi ngôi như cơm bữa. Chính trên vùng đất mà nay ta gọi là Việt Nam cũng có ba bốn sứ quân, mỗi người một góc, kẻ chiếm khúc đầu, người được khúc giữa, kẻ có khúc đuôi, người nào cũng muốn chinh phục kẻ khác khiến cho chính tà, chân nguỵ thật không biết sao cho phải. Việc đánh chiếm lẫn nhau rồi cưỡng bách dân ở vùng này di cư sang vùng khác sinh sống đã tạo ra những thay đổi nhân sự không thể giải thích được bằng lý lẽ kinh tế đơn thuần.

Ai đã từng bước chân vào biên khảo khi cần tài liệu đều bứt rứt giống như đứa trẻ con xếp một bức puzzle nhưng lại thiếu đi một mảng, chẳng khác gì Vi Tiểu Bảo và Song Nhi đi tìm những mảnh địa đồ dấu trong bộ Tứ Thập Nhị Chương Kinh.

Tôi nói vậy là vì bộ Xiêm La Đệ Nhất Kỷ lại có hai phần, một phần chính văn rút từ sừ liệu gốc của triều đình Xiêm La nhưng quan trọng hơn là phần chú thích (annotations) của hoàng thân Thiphakorawong hiệu đính những điều bộ Thực Lục bỏ đi hay chép sai.

Sách vở ấn hành độ 100 năm trở về trước, việc làm cước chú rất nhiêu khê, những công trình đồ sộ phải để riêng nên thường phải làm endnotes chứ ít khi để footnotes cho mỗi trang. Những bộ sách lớn phải in thành một cuốn riêng mới đủ chỗ, nhiều khi phải dành một đoạn hay nhiều trang thì việc bổ sung hay cải chính mới trọn vẹn, có quyển nọ mà không có quyển kia chẳng khác gì mua ấm mà chưa mua được cái nắp. Đó chính là nút buộc vì cuốn sách tôi mua được chỉ có phần chính văn, còn phần ghi chú thì ở quyển thứ hai mà tìm kiếm khắp nước Mỹ không thư viện nào có cả.

Tại sao người ta chỉ có quyển I mà không có quyển II về sau tôi mới biết. Volume I của bộ sử này in năm 1978 nhưng 12 năm sau thì Volume II mới ấn hành.[5] Tôi lại cầu cứu đến anh Bích và anh cũng cất công mượn được trọn bộ cả hai quyển I và II từ thư viện Nhật Bản. Tôi kể lể hơi dông dài một phần vì việc tìm tài liệu không phải dễ, nếu không có cái duyên quen anh Bích thì không xong mà nếu anh Bích không kiên nhẫn và quyết tâm tìm kiếm cho đến cùng thì cũng không đi đến đâu cả.

Chân dung vua Quang Trung


NDC tại thư viện Paul Getty Museum

(ảnh do anh Trần Huy Bích chụp)

Trên đây chỉ là hai chuyện do tôi nhờ vả mà nếu không phải là anh Trần Huy Bích thì sẽ không bao giờ có thể đi xa hay nếu có duyên tìm được thì thời gian có thể không còn như trước nữa. Hai chuyện khác tuy ngẫu nhiên nhưng quan trọng không kém, là tài liệu vững chắc để minh chứng những kết luận ngược lại những gì người ta vẫn coi như chân lý.

Chuyện thứ nhất liên quan đến tấm hình vua Quang Trung. Do thông báo của một bằng hữu từ Việt Nam, tin tức về một tấm hình vua Quang Trung còn tồn tại là một chấn động lớn. Đối với những nhà nghiên cứu vẫn khăng khăng dựa vào Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện để khẳng định rằng người sang Trung Hoa là một giả vương thì điều này không quan trọng. Thế nhưng với những chứng cớ “đầu tay”, từ tài liệu gốc của nhà Thanh phối hợp với những thư từ qua lại của nước ta còn giữ được trong di văn của Phan Huy Ích hay Ngô Thì Nhậm việc vua Càn Long sai hoạ sĩ vẽ truyền thần cho vua Quang Trung là có thực. Tuy bức hình vua Càn Long cho người đem cho nước ta có lẽ đã mất nhưng những bức còn giữ lại ở kinh đô còn tồn tại và một bức đã theo chân đoàn quân viễn chinh khi họ cướp các bảo vật ở Viên Minh Viên.

Căn cứ theo một số chi tiết được cung cấp, tôi và anh Bích đã lên Paul Getty Museum, một viện bảo tàng khá nổi tiếng trong vùng Los Angeles là nơi còn được một bức hình này trong một tập catalog đấu giá tại London. Tìm được tài liệu tôi mừng quá và tập trung vào việc khai thác những chi tiết liên quan đến bức hình vô giá này. Thế nhưng một việc tôi không nghĩ đến là chụp một tấm ảnh tôi đang cầm cuốn catalog để cho biết đây là “người thật, việc thật”. May thay, và cũng là sự chu đáo và tế nhị của anh, anh Bích đã dùng cell phone chụp một bức ảnh khi tôi đang quan sát tài liệu và tôi đã dùng tấm ảnh này trong cuốn “Đi Tìm Chân Dung Vua Quang Trung”.[6]


                Bức hình vua Quang Trung do hoạ sĩ nhà Thanh vẽ

Việc công bố bức hình của vua Quang Trung gây ra nhiều tranh cãi vì nhiều người vẫn tưởng tượng ra một vua Quang Trung “vai năm thước rộng, thân mười thước cao” chứ không hom hem như hình vẽ. Thực ra chỉ cách đây không lâu, dưới thời Pháp thuộc, quan lại và dân chúng đều gầy gò, không ai to béo cả. Sinh hoạt kinh tế chưa phát triển, thực phẩm giản tiện nên thân thể gầy yếu cũng là chuyện thường. Bức hình cũng đặt lại nhiều khẳng định lịch sử nhưng vì thiếu chứng cớ nên trước nay không ai đặt thành vấn đề.

Bức tranh Thập Toàn Phu Tảo

Một dịp khác tôi và anh Trần Huy Bích lên tìm sách ở thư viện UCLA. Đây là nơi anh Bích đã làm việc nhiều năm và vẫn còn thẻ thư viện nên mỗi lần cần mượn sách anh Bích thường cùng tôi lên đây. Lần này chúng tôi cũng có một mục đích.

Nguyên trước đây trong một bài khảo cứu, một giáo sư khá nổi tiếng của Hoa Lục là ông Cát Triệu Quang đã dùng một bức hình ghi chú là lễ phong vương cho vua Chiêu Thống (ở Thăng Long). Uy tín của một giáo sư đại học cộng thêm những công trình qui mô liên quan đến Việt Nam của GS Cát khiến không ai đặt thành vấn đề.

Tuy nhiên, dưới góc độ hành chánh, bức tranh có quá nhiều lỗ hổng khiến tôi không tin rằng đây là vua Chiêu Thống. Theo qui chế nhà Thanh, chỉ có hoàng đế khi ra ngoài cần ở tạm nơi đâu ông mới cho dựng chiếc lều vàng, tên chữ gọi là Hoàng Ác Điện. Đây là một loại cung điện di động dành riêng cho vua Thanh theo kiểu Đại Hãn miền quan ngoại. Chiếc lều mà tiếng Anh dịch là yurt là một loại lều tròn, phủ bằng da mà người Mông Cổ thường dựng tại thảo nguyên khi sinh hoạt bên ngoài. Khi di chuyển họ tháo ra và chở bằng xe trâu, khi dừng lại thì dựng lều để làm nhà sinh sống.

Một chiếc lều bên ngoài phủ vải vàng, cắm đầy cờ quạt là lều của nhà vua để tiếp các sứ thần Mông Cổ và làm nơi tạm trú khi vua Thanh ra khỏi Bắc Kinh. Chiếc lều vàng trong hình được dựng lên ở Nhiệt Hà, là nơi nghỉ mát và tránh nóng nên còn có tên Tị Thử Sơn Trang. Bức tranh này miêu tả việc vua Quang Trung sang triều kiến vua Càn Long hành lễ bão kiến thỉnh an. Hai bên Nguyễn Huệ có Ngô Văn Sở và Phan Huy Ích, đằng sau là 6 nhạc công sang trình diễn trong đại lễ chúc thọ. Nhà Thanh là triều đại mà nhất nhất mọi động tác, mọi nghi thức đều được ghi chép trong điển lệ để tuân theo, vua Chiêu Thống không thể nào xuất hiện trong khung cảnh trang trọng như thế này.

Sau khi đã phân tích bức tranh theo quan điểm hành chánh, tôi cần tìm thêm những chi tiết cụ thể để củng cố cho lập luận của mình. Nếu nói rằng việc đi tìm bức hình vua Quang Trung là một việc cầu may, thì việc tìm ra bức tranh này cũng lại khó khăn không kém. Trừ phi chúng ta được phép lục lọi trong kho đáng án (archives) ở Bắc Kinh, nếu chỉ dựa trên sách vở thì đây cũng là việc mò kim đáy biển.



Bức tranh An Nam Quốc Vương chí Tị Thử Sơn Trang

Nguồn: Văn Vật Nghiên Cứu Tùng Thư

Theo tài liệu trên internet, bức tranh này tàng trữ trong Cố Cung Bác Vật Viện Bắc Kinh là một nơi chúng ta không dễ gì có thể tiếp cận. Tuy nhiên tôi cũng hi vọng trong sách vở đã xuất bản có in lại bức tranh này chứ dựa vào tài liệu trên các trang mạng thì chỉ là việc bất đắc dĩ.

Tài liệu về Trung Hoa trong thư viện UCLA bao gồm nhiều khu vực lớn chiếm nguyên một tầng lầu, nếu cứ đi từng dãy thì cả ngày cũng không đến đâu. Vả lại trước nay tôi chỉ tập trung vào tài liệu đời Càn Long, không mấy khi đi sang những khu vực khác. Theo sự hướng dẫn của anh Bích, chúng tôi sang khu vực tài liệu lịch sử, địa lý và đồ hoạ cũng rộng lớn không kém gì khu vực sách. Tài liệu Trung Hoa bao gồm rất nhiều mục, sắp đặt theo từng ngành, từng thời kỳ, từng đề mục mà không phải là người có trình độ chuyên môn, quen thuộc với cách sắp xếp thì cũng chẳng khác gì lạc vào rừng già Amazon.

Qua hàng ngàn bộ sách dày, việc lật từng quyển đã là một tử công phu, tìm cho hết tài liệu chắc phải mất một tuần lễ. Tôi đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu thì anh Trần Huy Bích đưa cho tôi một quyển sách vừa tìm thấy. Tôi cầm xem và mở cầu may một trang, không mong gì có được tài liệu đang cần. Ngờ đâu, âm phù dương trợ làm sao, tôi mở một lần đúng ngay trang có bức tranh tôi đang tìm kiếm. Đây là cuốn sách do Chu Mẫn [chủ biên] (朱敏) trong một tập hợp nhiều volumes của Trung Quốc Quốc Gia Bác Vật Quán Tàng Văn Vật Nghiên Cứu Tùng Thư (Studies of the Collections of the National Museum of China) (中国国家博物館館蔵文物研究叢書) Hội Hoạ Quyển – Lịch Sử Hoạ (絵画巻) (歴史画). (Thượng Hải: Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã, 2006) trang 192. Chính anh Bích, người chứng kiến cũng ngạc nhiên không thể giải thích nổi sao lại có chuyện ngẫu nhiên kỳ lạ đến thế.

Kết luận

Nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á ở thế kỷ XVIII, các thế lực làm nên lịch sử của nước ta không thể hoạt động riêng rẽ mà cần có sự yểm trợ tinh thần hay vật chất từ các thế lực khu vực khác. Những liên hệ đó trước nay thường được suy diễn qua dã sử, tiểu thuyết và tin đồn. Việc đi tìm những tài liệu tiên nguyên (primary sources) đầy trở ngại vì không mấy ai có thể tiếp xúc được với tài liệu bên ngoài, trừ một số thừa sai có cơ hội tiếp xúc với văn bản từ các thư viện tôn giáo. Trước năm 1975, một số học giả có điều kiện hơn nên được đọc một số tài liệu Trung Hoa nhưng đều là hạng thứ cấp.

Qua sự giúp đỡ của GS Trần Huy Bích, thật là một duyên may lớn để tôi có dịp tham khảo hai bộ sách Khâm Định An Nam Kỷ Lược The Dynastic Chronicles Bangkok Era. Những tài liệu này đã soi sáng cho nhiều vấn đề lịch sử mà tài liệu nước ta không đầy đủ. Khi gỡ rối được những quan hệ nước này và nước khác, chúng ta có thể sắp xếp lại một thời kỳ mờ mịt, nhiều mâu thuẫn được miêu tả qua lăng kính chủ quan mà không dựa trên chứng cớ rõ ràng. Tấm hình vua Quang Trung do nhà Thanh vẽ và bức tranh An Nam Quốc Vương Chí Tị Thử Sơn Trang cũng là những chứng cớ minh bạch nhất về một chuyến đi trước nay bị lịch sử Trung Hoa lãng quên còn sử học Việt Nam thì không hề quan tâm đến.


Nguyễn Duy Chính

Tháng 4-2025



[1] Ðài Bắc: Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, 1984

[2] Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1987 (thực ra đây chỉ là bản chụp lại ở Hoa lục một công trình ở Đài Bắc. Nguyên bản do Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982 do Cố Cung Bác Vật Viện Ðài Bắc ấn hành). Bản gốc sau này tôi mua được ở Đài Loan.

[3] Về sau tôi lại tìm thêm được một bản ảnh ấn (từ thư viện UCLA) là tài liệu chép tay để đối chiếu và bổ sung quyển thứ nhất, chính là phần chép lại các văn thơ mà vua Càn Long ngâm vịnh về chiến dịch này mà bộ Hồ Nam không cung cấp.

[4] Tokyo: The Centre for East Asian Cultural Studies, 1978.

[5] Vol Two: Annotations and Commentary (Edition). Tokyo: The Centre for East Asian Cultural Studies, 1990.

[6] Nxb Tổng Hợp, Tp. HCM, 2020 tr. 184-185.