Monday, September 6, 2021

Vũ Hoàng Chương, mấy đời thơ / Trần Mạnh Toàn

 

Thơ Vũ là dòng lịch sử của thơ, của cuộc đời thơ, và của chung cả cõi văn chương. Bởi vì thơ Vũ mang theo cái mốc của một tiến trình mà xu hướng lãng mạn đạt tới mức nghệ thuật cao hơn cả. Lãng mạn, sự phô bày không do dự trái tim đẫm lệ, là cảm hứng mạnh mẽ nhất và được bộc lộ dưới nhiều khía cạnh nhất. Thi nhân không chỉ đập mạnh vào trái tim mình mà còn vỗ về như an ủy một cơn mộng sót.

 1940, năm thi-nhân xuất hiện đem theo cái Say của kẻ chán chường, làm thay đổi hẳn bản chất của cái say quen thuộc của thi nhân lớp trước và đồng thời mở ra cuộc hành trình đi tới của cái Say tương tự cuộc truy tầm chân lý. Từ đó văn chương mở ra một cõi riêng, phong phú ngôn từ diệu vợi và hình ảnh huyền diệu phương đông. Như được phó thác cho sự sáng tạo nhiệm mầu, ngôn ngữ được tinh luyện, tinh lọc nhiều lần để mai một quá khứ hiện thân. Ngay cả điển-tích, ước-lệ của đời cũng được cải hoán thành kiếp mới. Ai thắt trên lòng những ngón tay, (1) là bước đi mới của câu " ruột thắt lòng đau" khi lần này, nguyên nhân của nỗi nhớ khởi sự từ ngón tay trau chuốt bên đèn như một tác phẩm nghệ thuật (2).

Ngôn ngữ như được tái sinh nơi cửa Vũ. Thả chiếc bách không chèo trên bể khói (3), câu  tám chữ chứa đựng cả một đời kẻ nguyện lênh đênh vô định theo giấc Say, bao hàm cách thả trôi thân thế, cảnh lục trầm của một lớp người u uất vì lẽ sống.

 Ngay từ tập thơ đầu, thi-nhân đã mở ra một cõi mà ranh giới đã theo thời gian kéo dài đến ngày cuối của một nền văn học yểu mệnh mà vinh hiển. Cõi ấy gần như không cùng vì chỉ trên lãnh vực địa lý nhân-văn, thơ đã từ chỗ ruổi rong theo quan niệm thoát trần tiến dần đến khắc khoải theo vận nước.

Như thế, nói đúng hơn, Vũ không chỉ có một cõi thơ hay một đời thơ. Thơ nhiều đời và gồm nhiều cõi mới là tầm vóc thế giới thơ của Vũ.

 Thơ Vũ gần như là hình ảnh một tinh cầu riêng biệt. Nhận ra được vì vẻ độc sáng của văn chương, nhịp điệu, nhạc điệu, âm điệu, hình ảnh và vóc dáng tráng lệ, mỹ xảo của ngôn từ, liền

lạc thành một khối. Gợi ra bản chất thứ ngọc huyết tẩm, tụ kết tinh anh của người và linh khí của đá.

Thơ Vũ gợi sự phối hợp siêu-nhiên giữa những yếu tố nơi trần thế. Gợi ra sự chuyển hóa phi thường những hiện tượng thiên nhiên được nhận diện qua tâm thức. Như thế, bằng cách riêng, thơ Vũ, có thể hiểu, đã đổi mùa cho mưa Ngâu, vẽ lại lộ trình cho đàn ô-thước.

Vũ đã nối liền hai châu Âu-Á bằng sợi dây tình, nhu nhuyễn như Mây. Với Ysabel, tóc vàng như gỗ quý còn thơ. Thay Thôi Hộ, dựng một đài thương nhớ thứ nhì trong mùa đào nở. Hay hành động tương tự người khắc trang sách họ Bồ, tìm kiếm một chân dung trong giấc mộng của người say.

 Vũ đã đón Mây để biết được ước mơ của gió, cũng như góp gió để làm hài lòng sự gửi gấm cho muôn ngả của Rừng Phong. Cũng như Vũ bắt được mạch của đất trời thuở gió bụi để đưa giấc mộng vào tranh gìn giữ. Trường hợp của Vân-muội không phải là một tình cờ của lịch sử khi thi-nhân lật ngược được thời gian để tìm cho được người thiên cổ. Nghìn thu cũ ! Chính người xưa ước thệ ! Chính em rồi, ta vẫn nhớ chưa quên. (4)

Vũ tái tạo một thực tế cho riêng mình để đổi lấy cái chán chường về thực tế đã bỏ quên cũng như  phiền muộn về cái cõi mình tự tạo.

 Thơ Vũ thời thanh xuân, hầu như phát tiết từ bóng tối của u tịch và lảng vảng bóng dơi của một quá khứ chồng chất hoài niệm. Ngôi nhà có gác gỗ sau Đền Bà Kiệu, ngôi nhà cổ trong một hẻm lầy khu Bạch Mai là những nơi tượng hình cho những chuyến viễn xứ của mơ với cánh buồm căng khói. Văn chương tưởng như đã dấy lên từ quá khứ ẩm thấp, điêu tàn như trang sách mốc, và tương tự nơi khởi nguyên khiêm tốn quen thuộc của dòng trường giang, nó như được sóng lớn vỗ bờ đưa đến nghìn trùng như trăm ngọn nước ra khơi.

 Nói thơ Vũ là lịch sử Thơ cũng vì mang theo những đổi dời nghệ thuật qua thời gian, những bước đi ghi dấu của khám phá lẫn truyền thống cả về thể thơ lẫn bút pháp, mang vết tích tư tưởng cả Á lẫn Âu nhưng để lại rõ rệt dấu tay thi-nhân như lịch sử do một người tạo dựng.

Những đêm Vũ gửi hồn tìm kiếm người ca kỹ Tầm-Dương nơi bến Đà giang.

Những buổi theo chân họ đến tận Hàng-Châu, Kim Lăng đến độ văn chương quấn quít lấy hồn người quên cả lối về

Đây Hàng Châu thường mơ ước đêm Hoa Đăng.

Đêm Hoa Đăng đường xanh bóng trăng.

Đêm Hoa Đăng đèn quanh lối xóm.

Đây cầm ca người mộng gái xưa Kim Lăng.

Những đêm dặn trăng bỏ ngỏ song cửa, đợi người con gái liêu-trai đến từ trang sách. Chỉ ánh trăng vào khuôn cửa thôi. Vũ đã để ngỏ cánh cửa văn chương cho đời được gần gũi giữa lúc bất an đến như người khách lạ báo tin dữ.

 Thơ Vũ vẫn là ngọn gió lành dù có lúc mang theo những ký thác không thể từ chối của miền nhiệt đới. Những gửi gấm của thời đại mà có lần được thi-nhân cho mang danh hiệu chung "loạn trung bút" vừa là tâm sự Vũ, vừa là nỗi khổ tâm của thi-nhân. Đó là cái nhìn xuống đời của một trích tiên, không phải là điều tục lụy. Đó gần như cũng là tâm trạng Nguyễn Du, nghe người con hát năm xưa đàn mà thương cho thân thế mình (Long Thành Cầm Giả Ca).

Khúc hát dâng đời được Vũ cất lên theo tiếng nhạc chung, dẫu có bị bỏ quên, về mặt văn chương, không làm thiệt hại đến Vũ. Nhưng nó là thái độ, trong một giai đoạn, của một người từng từ bỏ phần thưởng dành cho đời mình, nhưng lại không đành lòng thấy đời mà không nhìn lại. Đó là một phần của Hoa Đăng (1959) và cả cái nhan tác phẩm như một lần dành để cảm ơn thực tại.

 Thế giới Thơ của Vũ và đặc biệt thế giới của Vũ không nằm ở đời thường. Nó ẩn mình trong muôn tầng Mây biếc, đêm đêm cậy ánh sao để đọc thiên thư. Thiên thư một cuốn mở dần trao. Thiên thư của Vũ được thu gọn trong hai chữ Có-Không. Bẻ ngược máy huyền vi, cái Mất đổi ra Còn (Tiếng Gọi Mẹ, Trời Một Phương, 1962).

Tiếng-gọi-mẹ năm ấy của Vũ là sứ điệp gửi về trái đất, khước từ quỹ đạo luân hồi để tìm đường bay riêng cho mỗi kiếp người.

Vũ đi trước cả sứ mạng mà Trời thơ giao phó cho một trích tiên. Mượn hai mươi tám vì tinh tú để bày một ván cờ thiên cổ trong hầu hết những lúc lắng lòng. Và, Vũ đã tìm được nước cờ giành được chân thân. Hoa đợi trăng lên trả bóng mình (Giây Phút Đoàn Viên).

Trích tiên không phải là phúc thần nhưng thơ cũng bàn đến duyên và nghiệp và báo trước cơ trời. Bạch-thư dầy mấy muôn tờ đất đen (Đào Sâu Trang Sử).

Trời thơ Vũ nương náu có giấc bướm và mộng liêu-trai chở che nhưng Vũ không có tâm an hưởng. Văn chương Vũ gửi xuống đời vẫn là dằn vặt triền miên của người cô đơn cả trong ước vọng. Kể từ khi bất an, bạo lực lan tràn, bậc trích-tiên như nguyện ở lại với đời trong tinh thần quán-thế.

 

Ngồi Quán (1972), tập thơ gần cuối, là chung khúc gửi đi từ mặt đất bi thương thay lời trăn trối của một người trong cuộc. Không hẳn Vũ, một lần nữa, muốn gửi gấm bằng "loạn trung bút," mà là đích thân cùng chịu nỗi đau với đời khi, máu loang Đất Mẹ đêm ngày.

Thơ Vũ từ đây như tiếng dội từ mặt đất lên Trời thơ, như muốn đưa Thơ xuống chứng kiến nỗi niềm quán-thế.  Cái đau như đã chuyển kiếp khi được tùy duyên bố thí như một cộng nghiệp. Đã nghe cốt nhục đau nhừ Trường-sơn (Một Sợi Giống Nòi, Ngồi Quán).

Hình ảnh người quán-thế là hình ảnh của hải triều dâng trọn một cõi thơ. Nó mang đến ý nghĩa rộng lớn và sâu thẳm mà ý thức của người thơ về ngọn lửa tỉnh-thức năm xưa chỉ nên được xem là hiện tượng thứ nhất.

Cõi Thơ của Vũ từ đấy liên quan đến ý nghĩa của cõi cứu-khổ, một sự cộng-thông với khổ nạn, đau buồn mà con người có nghĩa vụ mở tay. Con người lớn dậy từ đây trong tâm hồn và gỡ được cái gông bất hạnh u minh. Cõi Thơ từ đấy vằng vặc với lời di thư mang nặng dấu tiên tri

ba kiếp lang thang, ngồi chụm lại

chúng ta mất hết, chỉ còn nhau (Ba Kiếp Lang Thang).

Để sáng lên lời thơ cứu thế, Vũ đã vượt qua ngần ấy cơn Say, mượn Mây để xây riêng một cõi trời thiên thu bất hoại. Như thế, ngay cả lúc như thể quay lưng lại, Vũ không đoạn tình. Hệt như Bùi Giáng nghĩ về Vũ, " Phải yêu đời đến nước nào mới có đủ can đảm khước bỏ  mọi lạc thú của đời" (5).

Yêu đời, với Vũ, phải hiểu là tránh không để đời phải chịu thêm ràng buộc với mình. Nên thái độ tưởng như không vồ vập, hững hờ với đời, nên được xem là sự thể hiện cách-điệu một tình cảm, một suy nghĩ không theo quy ước.

Ngày mai bỏ cuộc để làm người (6). Cuộc chơi mà thi-nhân kêu gọi thoái lui chính là sự ràng buộc bất lợi cho cuộc sống ta có mặt. Nó không phải là cuộc đời mà ai nấy đều không thể không cưu mang.

Trong tinh thần quán-thế, thi nhân không chỉ gánh nhận nỗi đau mà còn chỉ ra hướng giải thoát cái đau. Hãy nghe phần lớn văn chương cuối đời, người đã dành cho mục đích cứu khổ. Thực-tại không còn là đối tượng để kích thích xu hướng của người chủ trương nhập cuộc hay xuất thế,

mà là hiện thân của nỗi đau chung cần giải trừ. Và không chỉ nỗi đau lớn nhất là cuộc tranh chấp diễn ra bằng bạo lực đương thời mà còn là đối đầu, xung đột dưới nhiều hình thức và trên nhiều lãnh vực.

Thi nhân sau khi chỉ ra một viễn ảnh mà ai cũng đều mong ước. Chúng sinh bao kiếp đọa đầy sạch trơn (7). Đã hóa thân theo tinh thần ba-mươi-hai tướng để thực hành nguyện ước với đời.

Trong đó, trước hết là ý thức về cuộc xung đột, là vết thương sinh tử hiện thời. Cuộc chiến cũng giao hoàn đứa trẻ. Từ lâu bày đặt những trò chơi (8).

Và, thứ nữa, mọi việc, được hay mất, vô nghĩa hay không, đều tự ở tâm người. Chuyện-vô-tích, Kịch-vô-hồi. Kể bằng tim diễn bằng môi tự đầy (9).

Giải trừ đau khổ không chỉ vì cái đau phi lý mà còn vì cái nghiệp duyên hình thành chúng chẳng của riêng ai. Vì... bụi vô danh, tro khuyết danh (10).

Thơ Vũ, từ đây, óng ánh những giọt tịnh-thủy. Trong những phút tự hào, thi-nhân đã dùng văn chương để hóa độ, mà đúng với tinh thần phá chấp, người không thấy việc làm là hành động mang ý nghĩa cứu thế. Bởi vì, có lần, dấu tay người thi-sĩ để lại trên vết thương-tâm, ngày một rõ rệt là cách chữa lành không chỉ cho riêng mình. Phút giây Trăng-một-phương tròn lại. Rồi tự hòa tan Rượu-đắng-mơ. Cùng nhịp tim trôi vào bất tận. Không-ngày-không-tháng-không-bơ-vơ (11).

Vũ trụ thơ của Vũ là thơ trăm cõi. Và, Vũ không chỉ có hai đời thơ như có người nghĩ, khi chỉ lấy Thơ Say, Mây làm mốc (12). Nhưng, như hình ảnh dòng trường giang cuồn cuộn, có thể lấy nơi dòng sông ấy thức giấc hay ngủ yên hay giận dữ để làm một cách ghi dấu.

 

1- Vết Thương Đầu, Một Cách Đối Diện Miễn Cưỡng Với Đời.

Hầu hết những người viết về Vũ (Tạ Tỵ, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Bằng, Đoàn Thêm, Trần Tuấn Kiệt, Viên Linh, Nguyễn Đình Tuyến, Nguyễn Vy Khanh), gián tiếp hay trực tiếp, đều xem mối tình đầu của Vũ là nguồn cảm hứng, có khi là sâu xa, mạnh mẽ nhất. Là cội nguồn của rung động được dẫn truyền bởi sự nâng niu hiếm có của nghệ thuật.

Nhưng, với Vũ. tình yêu là cái cớ để Thơ nên lời. Không hẳn là cảm hứng nếu hiểu rằng Thơ không nằm trong lãnh vực của điều-kiện hóa. Nhưng không thể giấu, tình là thứ men nồng khiến Thơ thêm ngây ngất. Và thơ Vũ đã vượt qua, tình được dấy lên để lên cao, bay cao như con diều của tuổi thơ đầy ước vọng mong chờ.

Tiếng khóc Tháng Sáu cho Tình của Vũ, trước sau, được kể là tiếng khóc diễm lệ của văn chương, nên được hiểu như sự đối đầu trực tiếp nhưng miễn cưỡng với đời khi thi-nhân ban đầu tỏ ra muốn tránh mọi ràng buộc và gây thêm phiền nhiễu. Chính quan niệm sự thất bại tình cảm to lớn nhường ấy khiến Vũ thu mình sâu hơn trong bản ngã vốn đã bị cái nhìn không lạc quan làm thêm u uất. Ta vừa thấy một linh hồn mỏng mảnh. Níu vai ta đòi trả lại yêu đương (Bạc Tình, Thơ Say). Nếu không là kinh nghiệm, thì thi-nhân bị ám ảnh bởi quan niệm món nợ tình

yêu. Tình không hề là tặng phẩm hay ân huệ của đời. Là món nợ trả bằng máu lệ cũng chưa vừa. Tiếng nửc nở trên vai nhường nhỏ huyết (Bạc Tình).

 

Sự tan vỡ giấc mơ đầu đặt Vũ vào vị trí nạn nhân thiên cổ của thất bại, đến mức tự giam mình trong sinh phần của kỷ niệm, tuy rằng, đồng thời manh nha một cách "di lý" theo quan niệm người xưa. Xem hiện-thế ngắn ngủi và bất định như giấc Bướm. Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp. Khúc Cổ Bồn Ca gõ hát chơi (Mười Hai Tháng Sáu, Mây).

Tình đầu tan vỡ không chỉ là mối thương tâm. Nó khiến Vũ mang mặc cảm một đời kẻ thất thế. Biến một phần cái giả định của kẻ đời tàn trong ngõ hẹp thành một sự thực đắng cay (13). Thái độ của người lấy cái Say như cứu cánh, khiến Vũ tự hào có cái hào phóng với đời. Nay, trong tâm trạng thất thế, vết thương ăn sâu theo thời gian và khiến nó trở thành dữ kiện để lượng định mức độ tổn thất nơi Vũ.

Nhưng, người ta không tìm thấy lần nào Vũ chống trả đời, mà thay vào là ước vọng làm vĩnh cửu mối tình, theo cách riêng của thi-nhân, nghĩa là tâm trạng của người không bạc tình với quá khứ. Ta quyết gặp chính-em-mùa-thệ-ước (Bài Ca Hoài Tố, Rừng Phong, 1954.)

Của một niềm tin phục sinh, theo nghĩa nuôi dưỡng vững bền một ước vọng. Thì rẽ sang dòng năm tháng khác. Cùng nhau tái tạo giấc mơ tình (Giấc Mơ Tái Tạo, Trời Một Phương, 1962).

Nhiều năm sau, mơ ước được thúc đẩy thêm không kém thiết tha từ một dự cảm khoa học. Một hành-tinh mới, hai người-yêu xưa (Gấm Hoa, Cành Mai Trắng Mộng, 1968).

Và sau cùng, giấc mộng giải thoát đến với thi nhân như cái nhìn chung với toàn cục. Cùng với ý niệm phá chấp như cách giải quyết trước hiện tình xung đột, mối dây thương nhớ do ái dục lỏng thắt dần khi cơn sầu nửa kiếp Thơ chưa hẳn không để lại dấu không phai. Giây phút cũng tan thành biển lệ. Trả cho cát bụi nhé Kiều-Thu !" (Tố Của Hoàng Ơi, (viết 12.6.1972), Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau, 1974).

Có thể nghĩ thi-nhân đã thủy chung không rời cuộc tình lỡ ban đầu như đem theo trái tim bất hoại trương-chi. Và, Vũ xem mối tình đầu như chiếc gương soi, phản chiếu tấc lòng Vũ cho đến khi nhắm mắt.

Tình yêu, mà cách bảo vệ và ngay cả gìn giữ sự tan vỡ, không còn là cách thi-nhân đối phó với đời. Vũ nâng niu nỗi tiếc thương tráng lệ và cực kỳ sủng ái như một ơn thiêng, không chỉ từ khi văn chương nhuốm tinh thần quán-thế.

Cuộc tình lỡ trở thành sự trắc nghiệm cần thiết với thi nhân khi mà tình yêu, trong tập thơ đầu, như chìm khuất trong cơn Say, như phần phụ tùy của giấc Mộng, nhẹ như tơ và lãng đãng như mơ. Hương đã nhạt mà hoa dần đã héo. Còn chi đâu nồng thắm để yêu mơ. (Chậm Quá Rồi, Thơ Say.)

Cuộc tình lỡ, nấm mộ lòng bằng ngần ấy tinh ba ngôn ngữ và hồn thơ, là bằng chứng của người yêu đời không phải lánh đời như nhiều người nghĩ.

 

2- Công chúa mười-lăm, một kiếp thơ.

Tam ngũ thường nga bất nhiễm trần

Nhu trường uổng đoạn Vu San vân

Thi đàn xưng bá, hoa xưng hậu

Bỉ quốc hà duyên đắc thử nhân ?

(Mây Sóng Tình Thơ, Cảm Thông)

Tháng 9-1959 tại một thị trấn bên bờ Hắc-Hải nước Bỉ, Knokke-le-Zoute, Vũ tham dự một hội thơ quốc-tế tổ chức 2 năm một lần, và đây là lần thứ tư. Duyên thơ một thuở đến từ đây. Ysa tức Ysabel Baes, một trong những người thơ đại diện nước chủ nhà, tuổi mới mười lăm mà nhan sắc

khiến trăng rằm ngại đến bên để cùng so tuổi. Cả đến sắc màu hội-họa của nàng thơ cũng nguyện theo chân nàng tô điểm. Mộng trắng thơ vàng tóc bạch kim (Mây Sóng Tình Thơ, Cảm Thông (Communion), 1960).

Giấc mơ hoa năm xưa như bừng dậy và từ đây, Vũ có thêm một đời-thơ-nhuận bởi vì cùng lúc, sự tiếp xúc với giới thơ bên ngoài nước, đã mở thêm cho Vũ, một song cửa rộng giao cảm trong cái nhìn về trời Tây bát ngát. Và, Tâm Tình Người Đẹp (Les Vight-Huit Étoiles, éditions Nguyen Khang) in năm 1961, là cuộc thám hiểm dò tìm trong cõi sâu của hồn người và hồn vật cũng như khám phá khác biệt giữa 2 thế giới Á-Âu qua lòng người thơ bằng vào phương vị của mỗi từ ứng với hai-mươi-tám vì tinh tú.

Ở một phương diện, đời-thơ-nhuận của Vũ có ý nghĩa sự hiển linh của kiếp liêu-trai sau nửa-đời-thơ đợi mà không gặp. Hồ ly không hiện, người không đến. Chỉ ánh trăng vào khuôn cửa thôi (Chờ Đợi Hoài Công). Ysa như bước ra từ trang sách cổ để chứng minh vầng nguyệt rằm có thực và rằng điều thi-nhân khắc khoải về sự cảm thông kỳ diệu giữa những kẻ tài hoa không còn là vọng tưởng.

Ysa đột ngột đến với đời thơ Vũ hệt như giấc mơ được lặp lại vì những ảo ảnh để lại với thi nhân mà 160 câu thất ngôn trong Công Chúa Mười Lăm chưa thể chuyển hết. Cái kết thúc nàng đã nhận ra như sự thực mà người-thơ chẳng thể bàng hoàng. Anh nhích gần coi em vẽ bóng. Cho Thơ là một với Chiêm-bao. Nàng thơ đã là hiện thân của Họa và Thơ mà cuộc đời không ra ngoài sinh mệnh của vần điệu hay thể khối mầu sắc. Nàng đi mang cả hồn Thi, Họa. Trời biển nằm trơ mấy mảnh khung.

Cũng có thể nghĩ Ysa đến như giấc mộng tân Liêu-trai của thi-nhân khi viễn ảnh nối liền Âu Á bằng sự cảm thông không còn là huyền thoại. Khi mà sự cách biệt âm-dương trong liêu-trai đã được thi nhân xóa nhòa thì khoảng cách địa dư trong liêu-trai-mới không thể là điều cản trở. Bởi thế ta mới thấy thi-nhân lấy sở đắc của phương tây làm điều tin tưởng cho chính mình

ai gạt giùm ta trục địa cầu

xiên về bên trái của châu Âu ?

để ta chung một vòng kinh tuyến

khỏi bị Thời Gian chia rẽ nhau

(Mây Sóng Tình Thơ, Cảm Thông).

Giấc mộng liêu-trai hai mươi năm trước của thi nhân là cách giải tỏa một thực tại bị ngờ vực là lãnh đạm với người. Người góp tinh huyết vào giấc mộng này như loài chim ác-là lấy gan ruột mình nuôi bầy chim con. Liêu-trai là một phần hồn xác của nhà thơ, che chở người đi về trong trầm luân của cuộc thế. Lòng cháy yêu đương tự bấy giờ. Xá chi ngoài Thật với trong Mơ (Tình Liêu Trai, Mây).

Liêu-trai không còn là một huyễn tượng nữa, chẳng những vì biên giới giữa hư và thực đã được xóa nhòa, mà sợi dây tình kết nối hai cõi đã là một thực thể. Vang bóng hài xiêm chuyển thớ da (Đậm Nhạt, Mây).

 

Trong liêu-trai-mới 1959, người trong trang sách đến trước mặt thi-nhân bằng xương bằng thịt, có chân dung là kết hợp vẻ đẹp của đất trời. Bỗng dưng mái tóc nàng mê hoặc. Mây bỏ trời xanh tự bấy giờ (Ysa, Cảm Thông). Mối tơ duyên lấp lánh sắc của cầu vồng nối hai chân trời giao cảm văn chương. Thơ là huyết mạch, nay là mai nhân cho sự trùng phùng giữa hai tâm hồn, giữa hai hồn thơ. Bài thơ Ysa có dáng vẻ của tân khúc phượng-cầu-hoàng, dìu dặt nơi Mái Tây và dạt dào đằm thắm hương vị trần gian, điều mà đời liêu-trai của Vũ còn thiếu vắng. Hãy buộc lên Trăng thuyền mật ngọt. Đôi ta chèo đến bến Siêu-chân (Ysa, Cảm Thông).

Là mối duyên tân liêu-trai vì trước sau, thi nhân và giai-nhân thi-sĩ chỉ thường xuyên gặp gỡ nhau trong tâm tưởng, trong giấc mơ. Là sự kết hợp hai khối Mộng trong lúc chúng gặp nhau và cùng bay về một hướng. Trời sẽ chỉ còn một phương như nỗi nhớ làm mất đi ba hướng còn lại. Nàng ôi, Tình một phương không đáy. Ta phải làm ra đáy để tìm (Công chúa Mười-lăm, Cành Mai Trắng Mộng).

Đời thi-nhân là bến vắng chờ đợi. Tiếp nối người bước ra từ trang sách liêu-trai, người thi-nhân trông đợi đã " ba mươi năm " phải chăng là Ysa, người mà "mắt xanh ngàn thuở lại hồ ly."

Ysa đến như trong sự xếp đặt của thiên thư. Ra đi là để tới đây thôi (Công-chúa Mười-lăm). Chuyến đi của thiên sứ cho một giao tình nghệ thuật giữa sao Khuê và sao Văn, lấy nước Hắc Hải làm mực viết lời hẹn thề. Tay nàng nâng sách, ta nhìn xuống. Nàng chợt như tia nắng rụng vào ! (Công-chúa Mười-lăm).

Vũ, trong sự hiển linh của liêu-trai đã gặp Ysa. Trang sách họ Bồ có thể sẽ vĩnh viễn khép lại khi người trong sách đã trở về nơi đoàn tụ với Thơ như thi-nhân đã viết

công chúa Mười-lăm chẳng bỏ ngôi

ra đi là để đến đây thôi

cùng ta xum họp muôn ngàn kiếp

chỗ hết Thời-Gian, đích phản hồi ?

(Công-chúa Mười-lăm)

Thi-nhân không chờ đợi như bao lần để ngỏ song khuya chờ đợi liêu-trai hay mang tâm trạng trông chờ suốt 30 năm người trong Mộng. Lần gặp gỡ tại nơi xa xăm này đã chấm dứt sự đợi chờ.  Ysa đã chấm dứt giấc Mộng của thi-nhân, hiểu theo nghĩa, Ysa chính là giấc Mộng vĩnh cửu. Người thiếu nữ mà tóc quyến rũ được mây trời và đôi mắt làm chết đuối đại dương bao la, là sự chinh phục huyền thoại và ước mơ từ trang sách liêu-trai. Và khác với người thiếu nữ liêu-trai, Ysa đã chấm dứt huyền thoại và hiện thực hóa ước mơ như làm được phép mầu.

Người thiếu nữ mười-lăm của phương tây làm đau được lòng thần nữ yêu-đương của phương đông.  Nhu trường uổng đoạn Vu San vân (Mây Sóng Tình Thơ), phải là người ngự trị cõi của Tài Hoa.

 

Ysa để lại cho thi-nhân như kỷ vật, bốn phụ bản tranh trong Cảm Thông (1960) và bốn tranh minh họa trong Tâm Tình Người Đẹp (1961.)

Thơ cũng như Họa mang dấu tay Ysa là thiên thạch ly khai với hệ thái dương mang theo tinh anh của các nguyên tố làm nên sự sống, vì người ta tìm thấy ở đây ý niệm đi ra từ cuộc sống. Nhòa tranh siêu-thực bóng trang đài. Thơ trừu-tượng cũng nhòa linh giác (Công-chúa Mười-lăm).

Tranh phụ bản là sứ giả của ước mơ gửi đi từ thực tại cho cuộc hội ngộ giữa hai đại biểu của hồn thơ. Chúng phải là hơi thở của nghệ thuật giữ vai trò người mang sứ điệp. Đứng bên cạnh thơ Vũ, không thể xem sự chênh lệch trong tuổi của mỗi xu hướng, mà nếu có, là sự hòa hợp kỳ diệu giữa những khác biệt. Là nghệ thuật hòa hợp của tâm hồn đồng điệu trong tài hoa.

Bốn phụ bản trong Cảm Thông có thể mới là sự làm quen, dọ dẫm giữa hai tâm hồn. Mầu sáng, tươi, nguyên, trong trinh như giấc mộng đầu được đặt trong khung cảnh mâu thuẫn gần như tuyệt đối của thử thách. Thông trên tuyết.  Biển San-hô. Xương-rồng. Thần chết. Bối cảnh càng nghiệt ngã, đắng cay, càng làm sáng lên diện mạo một tâm hồn đạt tới điểm cao của chân thiện mỹ. Người vẽ như gắng nâng cao mức đối nghịch của thế giới bên ngoài để cõi lòng thêm cách biệt. Như nước được lóng trong. Mức xung đột cao nhất với con người là sự chết, cái vĩnh viễn. Tâm hồn trong như nguyệt của cô gái trăng rằm đã linh cảm mức đối nghịch quyết liệt nhất nơi trần thế. Nàng nhìn về với đôi mắt không còn ngây thơ. Tuổi vô tư đã khiến tài hoa giành mất vị trí. Có lần nàng được ví như mây trời." Lòng em là một cánh chim trời." (Ysa, Cảm Thông). Cũng như thi-nhân, tình cũng chỉ là những lần chắp mộng. Họa mới là phần tiềm thức của Ysa, còn Thơ là cõi tâm hồn và ước mơ được gửi theo. Tiềm thức nàng chất chứa không chỉ những giấc mơ chưa thành mà cả mộng lòng chưa nở. Và, chỉ có thi-nhân trực giác thêm rằng cái bến thực-hơn-cả-thực, bến tình vọng cầu của thi-nhân cũng chỉ là ảo ảnh. Bờ bến Siêu-chân vừa đánh đắm. Ngàn thu vào sóng tóc đầy vơi (Ysa, Cảm Thông).

 

Bài thơ đầu Ysa là tín vật "chạm ngõ" của thi-nhân, từ đó mới lần ra được lòng người nhận. Cánh chim bể Bắc chẳng vô tình, nhưng gió và mây đã giúp nàng nâng cánh. Tín vật chưa kịp trao, thi-nhân đã thành người chờ đợi. Diểu diểu nhất phương hề vọng mỹ (Ysa, Cảm Thông).

Thi-nhân hiểu thấu nàng hơn là với liêu-trai vì Ysa có một trái tim.

Tâm hồn Ysa còn có thể lãng đãng trong bốn tranh minh họa trong Tâm Tình Người Đẹp (1961). Hương thặng-phấn vương vấn trên bốn bài thơ 28 chữ được chọn để lưu tình. Thôi Hết Băn Khoăn, Tâm Tình Người Đẹp, Trăng Không Đổi Hướng Đám Cháy Đổi Dời.

Tranh cũng như tình đều ở thế Siêu-chân, nghĩa là vượt lên sự thực để giãi bày cái có thực. Cái thực không giản dị nằm trong quy ước.

Thi-nhân chọn trăng để gửi tình về hướng tri âm nhưng trăng chỉ có một phương:

ngọn móc vàng treo lửng sợi mây.

kéo đi nhằm một hướng Đông Tây.

đầu trăng cuối nguyệt thư tình đến.

em trả lời anh sao được đây.

(Trăng Không Đổi Hướng )

Ysa cũng mượn trăng thay cho lời hồi âm một tấm tình. Cũng vầng trăng khuyết như chiếc móc vàng hờ hững trên cao. Tình chẳng thể phản hồi khi thi-nhân chọn trăng làm sứ giả. Tình không là con đường một chiều. Trời đất thành bóng tối của vực sâu khi trăng non là hướng duy nhất trông chờ. Ysa để lại một vạch chéo sáng giữa một khối đen như đánh dấu điểm "vọng nguyệt" của thi-nhân. Điểm đứng thành bơ vơ giữa lòng đêm và các hành tinh khác vì chỉ nối liền với trăng theo hướng duy nhất.

Ysa còn gửi gắm ít nhiều khi thi-nhân diễn tả thâm tâm người nữ thần Tình-ái. Lòng đè nén như hỏa sơn ngủ yên. Đôi mắt như hồ thu sẵn sàng bùng lửa si-mê. Đáy sâu cặp mắt xanh Thần-nữ. Lửa khói đang chờ dịp bốc cơn (Tâm Tình Người Đẹp). Kẻ si tình không chỉ nhập thân vào ngọn gió đa tình đuổi theo tà áo. Tình-ái ẩn mình trong cái lặng lẽ chờ bùng vỡ. Nó là hiện thân của ngọn núi lửa ngủ quên, của ngọn thác dữ trong mùa cạn. Ysa không giấu lòng về mãnh lực của tình. Như một huyền thoại mù lòa nhưng đầy quyến rũ. Như một sức mạnh Siêu-chân nhưng dễ mềm lòng, chìm đắm vì sóng mắt.

Ở điểm này, ấn tượng gây ra trong nét họa Ysa gần gũi hơn với ngôn ngữ tượng trưng:

Và thể xác anh giữa cuộc đời

Tiêu ma vào thạch động làn môi

Vì trong cấm địa hàm răng ấy

Huyệt lạnh kề bên mỗi nụ cười

(Trái Tim Hồng Ngọc, Đinh Hùng)

Nhưng, người thiếu nữ còn có những ưu tư. Mối băn khoăn siêu hình đôi lần thoáng hiện trên vầng trán ngây thơ như đám mây đen lảng vảng trên trời thu. Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người. Sên bò nát óc máu thầm rơi. Nét siêu-thực lẫn trừu tượng thể hiện trong tranh là những bóng người chụm đầu nhau như cùng chung một cội nguồn, một nghi vấn phải cưu mang. Nét vẽ còn gợi ra hình ảnh đống củi được sắp xếp cho một đêm canh thức cho ưu tư không thể cất xuống. Bóng tối trùm phủ trên vai con người như gánh nặng ưu phiền và điều toan tính. Ysa dừng lại nơi Thôi Hết Băn Khoăn (Enfin L'épilogue) có thể cùng một mối trăn trở như thi nhân về cái chung cuộc của sự hiện hữu hơn là sự khám phá ngộ nghĩnh về ý nghĩa tượng hình của hai dấu chấm hỏi (?) và chấm than (!)

Ysa còn chung ý thức về lửa, một nguyên tố của sự sống, từ ngọn đèn leo lét cho đến khi thành một nhân tố hủy diệt. Ysa hình dung ra ngọn đèn khuya qụy xuống bên lề đường dưới sức nóng như người kiệt sức. Lửa như lưỡi loài ác thú, liếm sạch mọi vật trên đường đi. Lửa ở nội tâm cũng như ngoại giới đều mãnh liệt như nhau:

Lửa bị xiềng chân mắt đỏ ngầu.

Thèm đi... đi bất cứ nơi đâu.

Khát teo ruột bấc tim đèn rụng.

Lưỡi mọc dài ra nuốt Địa Cầu.

 

Ysa không thẹn với lòng, hứa như một cánh chim trời. Con thiên nga của xứ Tuyết hay cánh phượng lánh mặt thi-nhân nơi kiếp thứ mười. Nét họa nàng để lại như dấu chân chim vô tình bỏ sót trong lộ trình. Thi-nhân thêm một lần nữa, thành kẻ đợi chờ. Kỷ niệm tung hoành nát gối mơ. Giấc mơ liêu-trai 30 năm dài vẫn không vô nghĩa khi thi-nhân xem cuộc đời là bến đợi sông chờ.

 

3- Ngôn Ngữ, Tình Nhân Của Tâm Hồn Người Thơ.

Ngôn ngữ được triệu dụng tuyệt vời từ tay thi-nhân trong mọi hoàn cảnh. Kể từ khi muốn bày tỏ với đời một cái nhìn riêng biệt và với thái độ của kẻ mượn chén, Vũ lấy nguồn trong mát của suối nguồn tư tưởng phương đông làm nơi phát tích cuộc viễn hành của tâm hồn, kể cả phản chiếu những rung động có được nơi một tấm lòng rất mực chung thủy với cõi riêng. " Chết, thế tôi cũng thay đổi rồi ư ?" (14). Câu nói vô tình của thi-nhân hé lộ sự khép kín cá nhân trước những diễn tiến phải có của khách quan, ngay cả với những chiếu cố mà đời dành cho con người tài hoa. Phương đông là hướng duy nhất của mặt trời lên lẫn khuất bóng, trong cõi riêng khi thi-nhân bước vào đời.

Tiếng-thở-dài-của-phương-đông-trầm-mặc, một nét bút lập-thể tượng hình cho Vũ, đúng ra là nét đăm chiêu quá đỗi nơi một tâm hồn sớm buồn trước tuổi. Vũ đã mượn cái Say khi cái sầu chưa thực sự đến. Cái nhìn quen thuộc từ đông phương không muốn khoác lên vạn vật cái vui tươi để lộ trong lòng. Cái đẹp đông phương không ra ngoài sự trắc ẩn thường hữu và vô cùng với cái đau khổ, nỗi mất mát thường xuyên nơi kiếp người.

Nhưng cái buồn của kiếp người ly phụ vốn xuất thân con hát để lại chiếc bóng nơi bến vắng Tầm-Dương, với Vũ, lại là một chỗ khuyết nơi bến đợi chờ và ngay cả trong khúc hát. Khúc tỳ-bà trong thơ Vũ được viết lại như giấc mơ không thể tái sinh. Nẻo say hư thực bóng muôn đời.

Liêu-trai cũng là giấc mơ tiền kiếp không trở về cùng người một kiếp trông chờ. Trang sách bên song khuya để ngỏ bao lần nhưng thi-nhân từ chối khép lại để trông chờ. Vũ, ít ra là trong thơ, đã nghịch ý với người trong sách để chiều ý văn chương. Vì đợi-chờ, dở-dang là nàng thơ của Vũ. Gặp gỡ chừng như truyện Liễu Trai.

 

Một thời, tưởng như Vũ đã nhập kiếp liêu trai. "... thường bận áo gấm màu lam, đi giày ta, mang khăn xếp, tay cầm quạt và luôn luôn có đem theo cuốn Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh bằng chữ Hán. Vũ đi thất thểu, chậm rãi với phong độ nho gia." (15). Đây là lúc thi-nhân ra khỏi thế giới riêng trong cố gắng tự nhiên khi cõi này tưởng như bị xâm phạm do ngoài đời cuộc thế gia tăng nhiễu nhương. Văn chương giúp Vũ điều giải trong tình thế căng thẳng này và Vũ có kịch thơ Vân Muội như một chiến thắng, như một phép mầu bảo toàn được cõi thơ của Vũ. Hãy xem Vân Muội xuất hiện trong bầu khí không bình thường của thơ, giữa sát phạt của đòi hỏi khách quan, trong một đại hội văn nghệ tại địa bàn tản cư, để thấy xu hướng sống và viết của thi-nhân

vẫn vượt ra ngoài vòng cương tỏa. Giấc mộng và cả cuộc sống liêu-trai vẫn còn là giấc mộng hôm nay mà Vũ  là người canh thức.

Một lần nữa, ngôn ngữ góp phần làm sống lại giấc mơ phương đông, giấc mộng liêu-trai, như đã làm nên cơn Say bất diệt để chinh phục trời quên. Cái đẹp, vẫn là ước mơ, dù hư hay thực, của bao người. Nhớ nhau mờ thoáng hương về mong manh.

Ngôn ngữ thơ của Vũ có chìa khóa riêng để tương tri. Và có nhiều cho nhiều cõi.

Trước hết, ngôn ngữ gây được khí hậu riêng cho từng cõi. Ở Thơ Say, Mây,  Vân Muội, Rừng Phong, ngôn ngữ đậm đặc chất phương đông như cõi riêng của thi-nhân mượn cái Say làm trường mộng và giấc mộng Trang Chu làm nẻo chính đi vào đời. Say và Mộng chen vai trong văn chương như sự sánh vai của hai kẻ tài hoa chung một phận tài lụy. Trai lỡ phong vân, gái lỡ tình. Này đêm tri ngộ xót điêu linh.

Ngôn ngữ đã lui lại thời gian ra đời để nhường bước cho lòng thi nhân được vừa ý người xưa trong cái sầu muộn, đau thương hay tiếc nhớ. Cái sầu là cái sầu quá-khứ của người ra đời trước mười năm, Đông Hồ, không ngại sự chênh lệch thời gian. (16)

ái-tình nào phải bướm ngày xuân

tình-ái ngày xuân chỉ một lần

một thoáng bay qua không trở lại

gái xuân dỏ lệ khóc tình quân !

( Đông Hồ, Cô Gái Xuân, 1935)

Cái đau được mặc áo cổ điển, đi ngược với thời trang, như sự thách thức với đương thời. Kiều Thu hề Tố em ơi. Ta đang lửa đốt tơi bời Mái Tây. Ngôn ngữ của văn chương đã đưa cái đau

vượt qua được thời gian đến vị trí hôm nay mà không cảm thấy ngăn cách. Làm được điều mà cô gái xuân còn khắc khoải.

Ngôn ngữ trong phong vị ấy như thứ hương trà, chiếm lấy ngũ quan hiện thời cho một cảm giác thuộc về quá khứ.

Ngôn ngữ xưa để lộ tiền kiếp vì nghệ thuật sử dụng chúng là tân kỳ. Như hơi thở mới làm phục sinh xác cũ. Như liêu-trai bước ra khỏi trang sách xưa như một tình nhân.

Như trăng cũ không thể a tòng với người, theo cách của thi-nhân. Trăng mới cuồng si nụ bán khai (Cảm Thông, Mây).

Buồn xưa cũng không có dáng dấp sầu muộn như Vũ. Mà đây lòng trắng một mùa đông. (Đời Vắng Em Rồi, Mây).

Và, người đẹp như Kiều hiếm thấy trở lại trong văn chương như thi-nhân có lần dàn xếp. Trăng xế hoa lê ngả trước đèn. Hoa đèn trên bấc não nùng ghen. (Hợp Tan, Rừng Phong) (17).

Ngôn ngữ trong các tập thơ kế, kể từ Trời Một Phương (1962), dần dần rời khỏi thế giới xưa nghĩa là cõi Mộng và Mơ để bước vào nghi vấn mới quanh con người. Đây không hẳn là sự chuyển hướng của thi nhân, tương tự cái suy nghĩ của nhiều người khi có mặt Hoa Đăng (1959).

Đó là sự tìm kiếm con đường cho tâm thức, cho tâm linh, kế tiếp con đường dành cho một cách sống.

Người ta có thể nghĩ, ý thức có cơ hội gần gũi hơn với thi nhân nhưng ngôn ngữ vẫn chiếm vị trí không hề thay đổi. Ý thức được bộc lộ theo cách riêng nhưng ngôn ngữ vẫn xê dịch theo hồn thơ đúng mực. Không còn những Bài Ca, Bài Hát thể hiện cái hào sảng của người đập chén, cái phóng túng của người tận hiến ngay cả trong giấc mộng. Mà là những bài thơ không-thể, hay phá

vỡ thăng bằng nhịp điệu, thanh điệu được gìn giữ bấy lâu, như cách để chứng tỏ sự so lệch càng tăng theo thời gian giữa con người với ước mơ thường hữu.

Ngôn ngữ ở đây vẫn mang dấu tay Vũ, dù khác xưa, nhưng vẫn là cách để nhận dạng thi-nhân. Có thể nghĩ Vũ đứng ngoài mọi đổi thay, hiểu theo nghĩa của việc nhường bước trước thực tại để tồn tại.

Việc tiến tới tâm thức, tâm linh và nghĩa sống là chuyến đi không thể không có của thi nhân, đối với người tìm được chân lý ở cuối cơn Say, xem tận túy là chặng cuối để lòng bừng sáng. Người đã giác ngộ nẻo đi về của sự hiện hữu. Trông ra bến hoặc bờ mê. Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương (Nguyện Cầu, Rừng Phong). Cũng như ý nghĩa tánh không của vạn hữu. Thơ ta chẳng viết cho đời. Không vang nhịp khóc dây cười nào đâu. Người ấy không dừng lại bên đường để nhìn thơ như một kiệt tác cả về mặt kiến trúc.

Con đường đi tới là con đường của thi-nhân và vẫn là một trong những cõi riêng mà thi nhân tạo được không chỉ cho riêng mình. Nguyện  Cầu, chẳng hạn, là một bước ra khỏi cõi của Say và Mộng, nhưng trái lại, cũng coi như chưa hề rời khỏi, vì dấu tay, hơi thở thi-nhân vẫn hiển hiện trên từng phiến thơ, mạch chữ.

Có thể nghĩ khởi từ Trời Một Phương, một ngã rẽ đáng kể về mặt tư tưởng, thi-nhân trầm tư về con người và sự sống chết cũng như từ đó rút ra quan niệm về thực hữu của muôn loài. Ngôn ngữ rời bỏ môi trường quen thuộc của giấc Say và sự thăng hoa được trau chuốt diễm lệ như đêm hoa đăng Hàng Châu, Tô Châu. Và, buộc người đọc phải xem sự từ bỏ là bước đi cần thiết cho Thơ. Thơ Vũ sẽ phải nhiều đời đọc như có người nghĩ, cũng như không chỉ để một đời đọc lại.

Bước đi đầu có gây ngạc nhiên lẫn hoài nghi nơi người quen với môi trường thơ Vũ (18). Nhưng phải nhìn nhận rằng, con đường dẫn tới suy tư trước sự vật, trước cuộc đời, với Vũ, khó hồn

nhiên diễn đạt như thuở thi-nhân phóng túng hình hài với cái Say cái Cuồng của tuổi trẻ lênh đênh.

hỏa sơn cười sặc sụa

rung chuyển vòng đai Biển Thái Bình

một lần nữa uốn cong lưỡi lửa

ngùn ngụt thi nhau tập đánh vần

một phụ âm và hai nguyên âm...

( Khai Sinh, Trời Một Phương)

Những thí nghiệm tương tự như trên, ta không tìm thấy trong Thơ Say hay Mây. Nhưng thi-nhân vẫn có thể gợi ra ít nhiều tin tưởng khả năng triệu dụng ngôn ngữ tân kỳ cũng như đưa ra thử -thách thăng-bằng căng thẳng hơn nhiều bằng sự xô lệch táo bạo hơn xưa

để ta đủ chữ

viết giòng vui mừng

để ta đủ tiếng

nói lời rưng rưng

giòng này dài hơn độ dài nối liền trong

                  thân người muôn mạch máu

lời này vang như âm vang hòa điệu trong

                        một người hai trái tim...        (Tiếng Gọi Mẹ, Trời Một Phương).

Hay không cần tìm kiếm đâu xa khi trao cho ngôn ngữ bình dị, khả năng của loại văn chương như nhung như gấm. Đá đâu lên tiếng thay vàng. Gỗ đâu mở mắt hai hàng bạch dương (Cười Vang Giữa Cuộc).

Không còn trước mắt nguyên khối ngọc lành, nhưng đó đây là những hàng có thể độc lập trong  kiêu hãnh do sự thiết lập mà không tỏ dụng công như xưa. Lệ nhuốm thời gian chợt ngả mầu./  Còn phen lại cháy giấc chung đôi. / Con thuyền lại buộc khóe thu xanh.

Một thử thách mới được đặt ra nếu người ta lưu ý đến bầu khí cần thiết để ngôn ngữ được tái sinh dưới bầu trời mới. Những hình ảnh và ngôn từ gần như biểu tượng của thơ Vũ được thay thế bởi chính người tạo ra chúng.

Thơ bước vào cõi siêu hình, suy tư sẽ có thêm tuổi của đá thử-thách. Và, Vũ bước vào đời thơ thứ nhì, theo quan điểm một số người, như một nhà suy tưởng bước vào vườn thơ tìm thú tiêu dao với bầy sao hai-mươi-tám-ngôi ứng với phương vị của ngôn-từ được đặt định. Thi-nhân là đấng tạo hóa lấy ngôn từ để xếp đặt thiên cơ qua các vì sao di chuyển. Tâm Tình Người Đẹp (Les Vingt-huit Étoiles) in bằng hai ngôn-ngữ Việt-Pháp, năm 1961, là một đàn nhương-sao tương thông với trời về lẽ huyền nhiệm qua ý thức và tâm thức của một thi-nhân.

Bẩy bước thơ vừa gieo hạt châu

Ngang trời sao đã mọc thành câu

Đông Tây mây sóng tâm tình loạn

Phút chốc vồng lên bẩy sắc cầu.

(Cảm Hứng Đêm Khuya, Tâm Tình Người Đẹp)

Con người đông phương nơi thi-nhân được dịp trở mình trước thực tế. Thi- nhân chống chỏi đến cùng con người duy lý ngay từ cảm xúc hay ước mơ:

Vỡ đôi Trái Đất một đêm sâu

Nửa nhỏ văng đi hóa Nguyệt Cầu

Trên ấy người yêu ta vẫn ngủ

Mơ màng có biết chuyện gì đâu.

(Tròn Ý Ngây Thơ, Tâm Tình Người Đẹp)

Nói là tiếp nhận cảm hứng nhuốm mầu khoa học phương tây như sự mở rộng môi trường giao cảm, nhưng đã thấy nỗi phiền muộn của thi nhân trong cuộc cọ sát giữa những cái không thể dung hòa. Vũ trở thành sứ giả phương đông trong một cuộc đấu xảo tâm hồn với đề tài chỉ là một cách môi giới. Và, trong cuộc "tranh luận," Vũ đã chỉ ra con đường tâm linh cần thiết, đánh dấu sự manh nha đời thơ thứ ba của thi nhân. Vũ hóa thân như một tông đồ truyền bá. Người Thơ mất Đất, người Khoa Học. Trên nẻo huyền vi cũng mất Trời. (Hai Kẻ Bạn Đường, Tâm Tình Người Đẹp).

 

Cành Mai Trắng Mộng, in năm 1968, nói chung, chỉ mang ít nhiều dấu vết của tinh thần chuyển tiếp. Tiếp tục cuộc trao đổi đông-tây trong nỗ lực dành ưu thế cho phương đông và cùng lúc đưa ngôn ngữ lên một bước trong đời thơ chuyển hóa. Ngôn ngữ giản dị, của đời nay nhưng không là sự đơn giản hóa:

Nhường cho loài Máy chỉ huy

Lúc ấy Con Người, gọi tên bằng chữ số

Hẳn sẽ không buồn điều chi !

Vì chẳng còn anh, gã đàn ông biệt xứ

Vì chẳng còn em, bà công chúa hoài nghi

Cũng chẳng còn ai từng đêm tự tử

Cũng chẳng còn ai giữa mùa vu quy

(Buồn Điều Chi, Cành Mai Trắng Mộng)

Từ phương đông, thi nhân xác nhận sự hư vô của cuộc thám hiểm không gian, tìm kiếm một tinh cầu mới như tham vọng tìm đất mới. Vì từ đấy, con người buộc phải bỏ lại tâm hồn của người-trái-đất. Một sự lột xác mới:

Sức nổ tung trời bỏ lại sau

Hư vô... Hai đứa ngã vào nhau

Xứ Lưu-đày xóa rồi, em ạ !

Huyền thoại từ đây một trái sầu

(Người Nữ Hoa Tiêu, Cành Mai Trắng Mộng).

 

Ngồi Quán (1972) là ngưỡng cửa của con đường mở vào tâm linh. Con người cần rửa sạch lòng trần (trần tâm) trước khi có thể tiếp nhận ánh sáng chính đạo. Nơi đây là bến sông Mê, cần nhận chân được sự việc trước hết.

Ngồi Quán phảng phất ý nghĩa lời sám hối khi thi-nhân nửa như nhìn lại quá khứ phóng túng kiêu bạc đã qua như một giấc mơ chưa dứt. Đáy ly từng giọt bơ vơ. Theo nhau rụng xuống giấc mơ đen dần (bài đầu Ngồi Quán).

Ngồi quán chỉ là thái độ của kẻ bàng quan mà nhiều thế hệ đã góp bằng thời gian và tuổi trẻ.

Lần này thi-nhân đã rời cõi riêng để sống chung với cõi chiến tranh đang tàn phá. Tị trần để cùng chịu nỗi đau của con người. Tinh thần quán-thế là đây vì người-làm-thơ đã đau như nỗi đau của người chịu nạn. Sâu như vết-buồn-hôm-nay. Dài như bất tận cơn-say-máu-người. (Trước Sau Gì, Ngồi Quán) Và, người nguyện như người hành động vì hạnh phúc, vì lẽ phải. Ta van giọng Sở giọng Tề. Giẽ ra cho bóng hoa kề hồn trăng. ( Hỏi Ai Người Khóc, Ngồi Quán.)

Thi-nhân còn kêu gọi mở rộng ý thức về nguyên nhân gây nên cái đau chung của toàn thể. Trăm vòng dây Tội hoang đường. Cũng không giam nổi tình-thương bao giờ. (Ba Hồi Triêu Mộ, Ngồi Quán). Ngôn ngữ được triệu dụng là sự cảm thông những người bị lăng nhục giữa đời, không trang sức và quên cả dáng khuê các. Đây là chặng đường xa hơn cả tính từ cõi Mộng lẫn gác Say nhưng tâm hồn người vẫn thuần nhất như trang kinh. Người đi tu Phật chớ sầu. Mặc cho con số khoe mầu nhiệm xuông (Ba Hồi Triêu Mộ).

 

Thời cuộc khiến tâm hồn thi-nhân tưởng như vượt qua ngàn dặm. Từ chỗ "giường thấp nghe trời xuống tịch liêu" đến khi tới nơi có thể "trông ra bến hoặc bờ mê." Từ lúc sống trong bóng tối của cảm giác hoàn toàn vị ngã," trong men cháy giác quan vừa bén lửa" cho đến khi nghe được tiếng lòng hòa một điệu với " ngàn thu một sợi Giống-nòi vừa rung."  Tiếng thơ lên trời rồi trở về trần như hoàn tất một sứ trình. Người trích tiên không còn cảm thấy cô đơn giữa nỗi đau trần thế.

 

Đến Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau (1974), thi-nhân như thể tiên tri thời hạn chấm dứt việc lưu đầy khi ước mơ đem theo chưa ngã ngũ. Điều thi-nhân giác ngộ là cái có-không còn-mất của những gì ta đạt được hay mất đi, nói lên sự vô nghĩa của tất cả. Khi đã là tro bụi giữa đời (Bài Thơ Hàng Cỏ).  Đó là sứ điệp sau cùng và sâu sắc nhất gửi lại cho đời lúc chia tay. Và, có thể ngoại trừ tình yêu, điều duy nhất khiến người phải dính dấp nhiều hơn với cuộc đời, được đặt ngoài vòng có-không của nhận thức. Ôm cuộc tình ra khỏi chuyện đời (Kết Cuộc).

Lời gửi gắm vẫn kín nhiệm như cần sự mặc khải. Thi-nhân càng tiến gần đến vị trí của người truyền rao lấy ngụ ngôn làm lời sứ truyền. Nhưng, tất cả đều chỉ ra một cách ứng phó với thực tại và cách xử thế với chính mình. Khói tan hoang lửa nát nhầu. Vòng tay ôm trọn lấy màu trắng thôi (Dấu Huyền).

 

Thi-nhân cũng để lại di ngôn cho đời vào lúc quê đất bị thôn tính, nhiều giá trị nhân-bản bị triệt tiêu. Chuỗi nhân duyên mười-hai hạt châu trở thành di vật tinh thần để người sau có thể tự lần chuỗi mà tìm về tiền kiếp (19). Mười hai lần chiêm nghiệm người xưa sẽ nhân lên gấp bội như

khi lời thơ được đặt vào đài cửu phẩm liên-hoa. Thơ như ánh đạo tỏa sáng, như thi-nhân từng báo trước điều hoa thay thơ rộ nở đầy mồ.

Người như ngậm Thơ mà mất. Thơ thay người phó hội tao-đàn xướng họa với trăng sao. Còn thơ để lại cho người mỗi lần đọc là mỗi lần soi mặt.

Thơ giờ đây là cách nén lòng nhả tơ. Mài mực bằng máu trích từ ngón tay bẻ bút, Văn chương hồ thỉ đêm nào tung hê (Đọc lại người xưa: Hồ Xuân Hương). Trong tinh thần ấy, thơ đã níu chân người trả ơn tuyệt mệnh. Nghiệp văn chương ấy nặng nề đến đâu (Đọc lại người xưa: Bà Huyện Thanh-Quan). Văn chương luôn luôn chịu sự hồ nghi ở thế chẳng-đặng-đừng nơi những người chuốt nhọn lưỡi. Hơi văn nhọn mãi chính là đại công (Đọc lại người xưa: Phạm Ngũ Lão).

Còn gửi cho người đời, thi-nhân vẫn đề cao thái độ minh triết, đứng ngoài để bụi không vấy mình. Người đời vẫn xem là kẻ cuồng ngạo. Cười vang nửa gối cao nằm (Đọc lại người xưa: Đỗ Mục). Thi-nhân đề cao tâm hồn người ở ẩn, đời là cõi lâm lụy trước sau. Còn đem non nước làm rầy. (Đọc lại người xưa: Thị Lộ).

Bình nghị về công thành, thi-nhân xem là con đường xây bằng huyết lệ bao người. Lệ hay máu rỏ con đường nào đây (Đọc lại người xưa: Trần Đào). Là sự bách hại kẻ sĩ mà nào có ai tự hào lên tiếng. Mấy mươi dông bão cho vừa nhịp ba. (Đọc lại người xưa: Cao Bá Quát). Lên tiếng trách bạo quyền tự tung tự tác. Bẻ hoa đừng bẻ hão cành. (Đọc lại người xưa: Đỗ Thu Nương).

Còn với Nguyễn Du, thi-nhân một đời xem như tri kỷ, lời cuối là lời mượn để tự điếu thân thế. Chắc gì ba trăm năm sau. Đã ai vào nổi cơn sầu nằm đây (Đọc lại người xưa: Nguyễn Du). Không phải trích tiên bi lụy cho hoàn cảnh mà là những người tài hoa, gần như tiền định, cùng chung kiếp lụy-tài.

Hai trời thơ lẫm liệt từ non thiêng (Hồng-sơn), sông linh (Phù-giang) đã tao ngộ tại đỉnh một niềm đau của con người, thân phận và đất nước.

                                                                                                       

                                                                                                                                                    Trần Mạnh Toàn

  Chú thích:

 (1) Bài "Nhớ Quê Nâu" trong Thơ Say (Hà-Nội: Mùa đông Canh-thìn 1940).

(2)  " Trọng không dám trả lời, giả vờ chăm chú xem Hoàng tiêm thuốc.Viên "bi" cắm ở đầu cây tiêm thép đang sôi trên ngọn lửa. Một cái bong bóng lớn phồng lên, dưới mặt thuốc nổi lên những bọt nhỏ li ti. Cái bong bóng phì hơi, dẹp xuống. Một tia thơm ngát xông thẳng vào mũi Trọng, mùi thơm ngậy và ngon như một loại bánh rất quý. Hoàng đã đặt điếu thuốc cho nó dính vào mặt tẩu. Cây tiêm trong tay Hoàng đi lên đi xuống thật đều. Chất thuốc theo đầu tiêm quấn đi quấn lại và khô dần. Hoàng biết Trọng đang kính phục bàn tay khéo léo của mình. Bàn tay ấy lại hoa lên, nhanh hơn, dẻo hơn, đẹp hơn. Bàn tay nào tiêm thuốc phiện cũng đẹp, như một bông hoa quỳnh nở trên nền nhung.

Điếu thuốc đã thành hình thoi, nhọn hai đầu, phồng ở giữa. Hoàng làm điệu gõ đánh cách vào mặt diện rồi đổi chiều tay, phóng ngọn tiêm từ xa vào lỗ nhĩ. Cái lỗ bé bằng đầu ghim, dưới đáy cái vũng sâu bằng hạt ngô nhỏ. Ngọn tiêm trúng phóc, điếu thuốc bị dồn lẳn xuống, hơi bè sang chung quanh để lũm sâu ở giữa. Hoàng quay đầu dọc cho Trọng:
-Thật đúng trôn quýt đấy nhé !

- Tuyệt !

 (Nguyễn Mạnh Côn, 1945 Lạc Đường Vào Lịch Sử (Sài gòn: Giao Điểm, 1965) , tr. 161-162.

Hoàng, tên một nhân vật trong truyện, cũng được Vũ Hoàng Chương dùng như thác danh của mình.

(3) Bài "Chết Nửa Vời" trong Thơ Say (Hà-nội: Mùa-đông Canh-thìn 1940).

(4) Vân Muội, kịch thơ, viết năm 1943.

(5) Bùi Giáng, Đọc Rừng Phong” (Sài gòn: Thẩm Mỹ, 1954), in lại trong Văn, số 150 (15.3.1970) tr. 48.

(6) Vũ Hoàng Chương, Kết Cuộc” trong Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau (Paris: Rừng Trúc, 1974) tr. 30.

(7) Vũ Hoàng Chương,Mừng Phật Đản 2516, sđd, tr. 28.

(8) Vũ Hoàng Chương, Kết Cuộc, sđd, tr. 30.

(9) Vũ Hoàng Chương, Kích Thước Chưa Từng,sđd, tr. 24.

(10) Vũ Hoàng Chương, Bài Thơ Hàng Cỏ, sđd, tr. 24.

(11) Vũ Hoàng Chương, Tố Của Hoàng Ơi, sđd, tr. 22.

(12) " Năm mươi năm, một đời người đã có đến hai đời thơ." (Nguyễn Mạnh Côn, Nửa Thế Kỷ Làm Thơ Vũ Hoàng Chươngtrong Văn, số 150, 15.3.1970, tr.95.)

(13)  " ... anh xác nhận suốt đời anh không có điều gì như anh đã viết (trong bài Đời Tàn Ngõ Hẹp)" (Nguyễn Mạnh Côn, sđd, tr. 80.)

(14) Vũ Bằng, Đi Xâu (sic.) vào Tâm Sự Vũ Hoàng Chươngtrong Văn Học, số 97 (1/1969) tr. 10.

(15) Tạ Tỵ, Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Sài Gòn: Nam Chi Tùng Thư, 1970), bản in lại của Xuân Thu, Los Alamitos, tr. 113.

(16) Đông Hồ sinh ngày 10-3-1906 (16 tháng 2 năm Bính-ngọ)

(17)  Kiều đến nhà Kim Trong lúc chàng thiu thiu ngủ. Câu trong truyện Kiều là " Tiếng sen sẽ động giấc hòe. Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần." (Kiều, câu 437-438)

18) Đoàn Thêm, Đọc Lại Thơ Vũ Hoàng Chương” trong Văn, số 150 (15.3.1970) tr. 41.

(19) Thi Vũ trong lời giới  thiệu tập thơ Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau (Paris: RừngTrúc,1974) gọi 12 bài thơ được in trong tập là “một chuỗi nhân duyên chuyển hóa” (sđd, tr.10).