Saturday, January 18, 2025

“Tản mạn Văn học” với nhà văn / nhà thơ Trịnh Y Thư

 


 Phát thanh viên Nhã Lan của kênh truyền hình Hồn Việt TV (Orange County, CA) nói chuyện với nhà văn / nhà thơ Trịnh Y Thư.

 

Nhã Lan (NL): Chương trình Tản mạn Văn học Hồn Việt TV kỳ này hân hạnh được tiếp chuyện với nhà văn / nhà thơ Trịnh Y Thư, người vừa cho xuất bản ba tác phẩm của ông: cuốn tiểu thuyết “Đường về thủy phủ”, tập truyện “Người đàn bà khác” và tuyển tập thơ văn “Văn chương Nghệ thuật & Những điều khác”.

    Nhã Lan xin có vài lời sơ lược về nhà văn Trịnh Y Thư. Trịnh Y Thư, tên thật Trịnh Ngọc Minh, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1952 tại Hà Nội. Theo gia đình di cư vào Nam năm 1954. Lớn lên ở Sài Gòn. Năm 1970 sang Mỹ du học, và sau khi tốt nghiệp, làm việc trong ngành điện tử viễn thông cho đến khi về hưu năm 2018. Viết văn, làm thơ, dịch. Nguyên chủ bút tạp chí Văn Học (California). Từ năm 2021 đảm nhiệm chức vụ Chủ bút Việt Báo Daily News, đồng thời chăm sóc cơ sở xuất bản Văn Học Press. Ngoài các sinh hoạt văn chương, Trịnh Y Thư còn là một cầm thủ ghi-ta cổ điển, và sáng tác nhạc gồm những tấu khúc cho piano, ghi-ta, và một ít ca khúc lời Việt. Cho đến nay Trịnh Y Thư đã xuất bản 10 đầu sách gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, tạp văn, tạp luận và dịch thuật.

    Trước hết Nhã Lan xin trao đổi với nhà văn Trịnh Y Thư về cuốn tiểu thuyết “Đường về thủy phủ”, vì hình như đây là tác phẩm ông ưng ý nhất trong số những tác phẩm ông xuất bản thời gian gần đây.

    Xin ông cho biết ý nghĩa của từ “Thủy phủ” trong cuốn tiểu thuyết này. Nó là một biểu tượng văn học hay một ẩn dụ nào?

 

Trịnh Y Thư (TYT): Xin thân chào chị Nhã Lan, kính chào khán thính giả Hồn Việt TV. Trước khi trả lời câu hỏi của chị về ý nghĩa của từ “Thủy phủ” sử dụng trong nhan đề cuốn tiểu thuyết, tôi xin nói về chủ ý của tôi khi viết cuốn sách này. Như tôi có thưa trong phần “Lời ngỏ”, cuốn tiểu thuyết của tôi tuy lấy bối cảnh 30 năm chiến tranh Việt Nam nhưng tôi không có chủ ý viết về chiến tranh hay lịch sử, mà viết về sự thất lạc của con người trong cuộc sống hiện đại, thất lạc vì chiến tranh và thất lạc vì chính con người mình. Bây giờ xin nói qua về từ “Thủy phủ” mà chị nhắc đến.

    Tín ngưỡng dân gian Việt Nam, còn gọi là Đạo Mẫu, thờ bốn Mẫu, tượng trưng cho bốn thuộc tính cơ bản của thiên nhiên: Thiên/ trời; Địa/ đất; Thủy (hay Thoải)/ nước; và Nhạc/ rừng. Khi sử dụng ẩn dụ “Thủy phủ”, chủ ý của tôi là muốn vay mượn khái niệm tín ngưỡng này làm một biểu tượng. Biểu tượng của sự trở về cái bản thể uyên nguyên của con người như một sinh vật sống theo lẽ thuận hòa của trời đất, trong đó sự tử tế là một tố chất không thể thiếu, để tìm lại sự sống sau những đổ vỡ, tan tác, chia lìa. Con người chúng ta đã phân hóa quá nhiều, chiến tranh triền miên không dứt, và chỉ khi nào ta nhận chân ra sự thật là ý thức hệ của ta đã như cái vòng kim cô bó chặt trí óc ta, thì lúc đó ta mới có thể tìm về Sự Thật, tìm về cội nguồn.

    “Thủy phủ”, theo truyền thuyết huyền sử Việt, cũng là kinh đô nơi Lạc Long Quân ngự trị. Theo Việt thoại thì “Kinh Dương Vương xuống Thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân…” Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ sinh ra trăm con, khởi nguyên cho dòng giống Việt. Và, nếu hiểu như thế thì “Đường về thủy phủ” chính là đường về cội nguồn dân tộc.

 

NL: Nhân ông nói đến “ý thức hệ”, Nhã Lan nhớ là trong cuốn tiểu thuyết có đoạn như sau, chính xác hơn, nó là câu nói của nhân vật Luke khi trả lời một câu hỏi của nhân vật xưng “tôi” trong truyện: “Không ai có thể cho các anh một phương kế giúp các anh xây dựng đất nước. Các anh phải tự mình tìm ra thôi. Chỉ cần các anh thực lòng nghĩ đến đất nước, đặt quyền lợi tổ quốc lên trên hết. Và nhất là không để bất cứ một ý thức hệ nào chi phối chỉ đạo cho hành động. Ý thức hệ sẽ biến các anh thành cuồng tín, và kẻ cuồng tín không ngần ngại giết hàng triệu người để thực hiện hoài bão của mình, một hoài bão to lớn dị thường bởi hắn luôn nghĩ mình là người khổng lồ.” Theo ông thì cái ý thức hệ đó tai hại như thế nào mà đã khiến ông hạ bút viết một câu như thế?

 

TYT: Trong suốt chiều dài lịch sử loài người, từ Âu sang Á, chúng ta chứng kiến không ít những thảm cảnh trong đó con người vô cùng tàn ác, nhẫn tâm với đồng loại. Nhân tính ở đâu? Làm sao người ta biện minh, thực chứng được hành vi gây khổ ải cho kẻ khác? Câu hỏi này đã được chính ông nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn hỏi, và câu trả lời của ông chỉ giản dị là: Nó chính là cái ý thức hệ. Theo Solzhenitsyn, nguyên ủy của tội ác là ý thức hệ. Ý thức hệ cung cấp kẻ ác sự bền bỉ và quyết tâm, bằng mọi giá, phải tiêu diệt tất cả những kẻ cản trở bước đường của mình. Nó được bao bọc bởi lớp hào quang giả tạo rồi trang trọng đưa lên bàn thờ. Từ đó kẻ gây tội ác cứ việc an tâm gây tội ác mà lương tâm chẳng hề bị cắn rứt, bởi hắn chỉ cần vái lạy, nhân danh cái ý thức hệ đó thì bất cứ việc gì, dù tàn độc cách mấy, hắn vẫn có thể thản nhiên làm được. Ý thức hệ đứng đằng sau phương châm “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Đó là lý do vì sao cả trăm nghìn dân bản xứ da đen, da vàng bị thực dân da trắng giết vứt xác xuống sông (nhân danh ý thức hệ văn hóa khai phóng); vì sao sáu triệu người Do Thái bị Đức Quốc xã giết thảm trong Lò Thiêu (nhân danh ý thức hệ chủng tộc thượng đẳng), vì sao cả chục triệu người chết lần mòn trong các trại tù khổ sai Gulag ở Siberia và các nơi khác, trong đó có Việt Nam (nhân danh ý thức hệ Cộng sản), v.v.

    Ở bình diện này, con người không va chạm với con người khác mà với những thế lực điên khùng, những thế lực vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ. Con người cảm thấy như tê cứng, bất lực trước những thế lực đó. Chúng chế ngự, kiểm soát, chiết tỏa mọi hành vi và tư tưởng của hắn.

 

NL: Và, phải chăng do suy nghĩ như thế nên ông đã miêu tả những phân cảnh giết người rùng rợn trong cuốn sách của ông? Thí dụ như cảnh tàn sát cả một buôn bản người H’Mông trong phần I “Ký ức của loài bò sát” hay cảnh người đàn bà đi tìm xác chồng trong phần II “Dưới những gốc nho biển”?

 

TYT: Thưa chị, vâng. Tôi chỉ tiếc là tài năng của tôi không đủ sức để viết thêm những tội ác con người gây nên cho con người. Tuy vậy, những điều ta thường thấy miêu thuật trong sách vở xem ra còn thua xa chuyện thực tế xảy ra ngoài đời. Về điểm này, đôi khi hiện thực đời sống khốc liệt và bi thảm hơn nhiều so với hiện thực văn chương.

 

NL: Nếu như vậy, cuộc hành trình về “Thủy phủ” của ông chính là con đường giải thoát cho chúng ta?

 

TYT: Thưa không. Khi nói đến hành trình trở về “Thủy phủ”, tôi chỉ muốn nêu ra một khả thể, một khả thể vô cùng yếu ớt, vì nó chỉ có khả năng xoa dịu bớt những đớn đau, khổ ải của kiếp người. Trong lúc viết cuốn sách, tôi hay nghĩ đến Triết học Hiện sinh Phi lý của nhà văn Pháp Albert Camus. Như tôi đề cập trong sách, Camus tin rằng đứng trước sự phi lý, con người có hai lựa chọn chính: khuất phục trước sự tuyệt vọng hoặc nổi dậy chống lại sự phi lý của cuộc sống. Ông xem nổi loạn là hành động thách thức sự vô nghĩa cố hữu và là phương cách để khẳng định sự tồn tại của chúng ta. Sự nổi loạn này không nhất thiết dẫn đến hành động cách mạng, mà đúng hơn, nó liên quan đến việc một cá nhân từ chối chấp nhận một số phận vô nghĩa. Trong khi thừa nhận sự vắng mặt của ý nghĩa nội tại trong vũ trụ, Camus cũng tôn vinh giá trị và phẩm giá của cuộc sống con người. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm. Ông nhiệt tình ủng hộ ý tưởng tạo ra một thế giới công bằng và nhân đạo hơn thông qua những nỗ lực tập thể. Tóm lại, triết học của Albert Camus xoay quanh tính phi lý của sự tồn tại (mà chiến tranh là một phi lý ghê rợn nhất), đồng thời nó bác bỏ ý nghĩa tuyệt đối, và kêu gọi đón nhận cuộc sống bất chấp những thách thức. Đấy chính là “Đường về thủy phủ” trong nhãn quan của tôi.

 

NL: Trong phần III của “Đường về thủy phủ”, nhân vật nữ có lúc là ảo nhưng có lúc là thực. Ông có thể nói qua về chủ đích của ông khi cho nhân vật của mình xuất hiện như thế trong truyện.

 

TYT: Thực và ảo trong hiện thực văn chương là một. Các nhà văn trong thời Hiện đại thường không phân biệt hiện thực “thực” và hiện thực “ảo”. Gabriel Gárcia Márquez là một nhà văn như thế. Và phong cách văn học này của Márquez chịu ảnh hưởng của Franz Kafka. Các nhà văn khác như Milan Kundera, Kurt Vonnegut đều viết như thế cả. Lợi điểm khi ta cho nhân vật lúc thực lúc ảo là ta có thể nói được nhiều điều hơn. Dòng ý thức khi nhân vật là ảo được làm sáng tỏ hơn và có những điều không thể nói được nếu nhân vật giữ vai trò thực suốt truyện. Tâm trạng một nhân vật như thế có thể gọi là trạng thái tâm thần phân liệt, và đó chính là thủ pháp văn chương rất lợi hại. Tôi học được điều này từ Kafka, lẽ tất nhiên.

 

NL: Khi viết cuốn tiểu thuyết, ông có chủ đích đưa ra một luận đề hay một thông điệp nào không?

 

TYT: Mặc dù bối cảnh cuốn tiểu thuyết là lịch sử, một lịch sử khốc liệt trong thời cận và hiện đại của dân tộc, nhưng tôi hoàn toàn không có chủ đích đưa ra bất kỳ một luận đề hay thông điệp gì, nếu hiểu luận đề hay thông điệp hàm chứa một bội âm chính trị hay xã hội. Lịch sử ở đây chỉ là những gam màu rất mờ nhạt làm phông cho câu chuyện tôi muốn kể. Thế nhưng, các nhân vật trong truyện đều là nạn nhân của lịch sử; dưới bánh xe khắc nghiệt của lịch sử, họ mắc kẹt, không lối thoát. Họ đâu muốn thế nhưng họ không có chọn lựa nào khác, và lịch sử thì mù lòa và tàn khốc. Nó chính là tính phi lý trong Triết học của Camus, và cách thế duy nhất cho sự tồn tại của họ là đón nhận cuộc sống bất chấp những thách thức của nó.

 

NL: Cuốn tiểu thuyết này của ông, về mặt cấu trúc và bút pháp, hình như muốn phá vỡ tính truyền thống thường thấy trong văn chương Việt Nam. Ông có thể nói gì thêm về điều đó?

 

TYT: Điều tôi tin tưởng là trong văn chương hay nghệ thuật nói chung, hình thức và nội dung luôn đi song đôi với nhau. Hình thức bổ sung cho nội dung và nội dung phản ánh nơi hình thức. Hình thức cuốn tiểu thuyết này là phi tuyến tính, nó không tuân thủ một trình tự biên niên như thường thấy trong các tiểu thuyết truyền thống. Thay vì di chuyển theo đường thẳng từ đầu đến cuối, một tự sự phi tuyến tính có thể nhảy qua nhảy lại các mốc điểm thời gian, thay đổi góc nhìn hoặc trình bày các sự kiện không theo thứ tự. Cách tiếp cận này cho phép kmột câu chuyện phức tạp và đa tầng hơn, vì tác giả có thể khám phá ký ức, nhận thức và trải nghiệm chủ quan tại những mốc điểm thời gian khác nhau. Các nhân vật trong truyện có thể kể các phần của câu chuyện, thường không đồng bộ với nhau, tiết lộ cùng một sự kiện từ các góc độ khác nhau.

    Về bút pháp thì tôi đã sử dụng kỹ thuật “dòng ý thức” và “siêu hư cấu”, vốn rất phổ biến trong các tác phẩm của James Joyce, Virginia Woolf, William Faulkner, Gabriel García Márquez, Milan Kundera và Kurt Vonnegut… Đây là những nhà văn bậc thầy của văn học thế giới thời Hiện đại mà tôi đã học hỏi rất nhiều từ họ.

 

NL:  Bây giờ chúng ta có thể quay sang cuốn “Người đàn bà khác”. Xin ông cho biết, ông đã viết và xuất bản cuốn sách này trong trường hợp nào?

 

TYT: Cuốn sách này là một tập hợp những truyện ngắn tôi viết từ thuở còn trẻ và lấn qua thời trung niên, tức là những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, lúc sinh hoạt văn chương Việt hải ngoại đang ở giai đoạn khởi sắc nhất. Sinh hoạt của chúng tôi dạo ấy phần nhiều xoay quanh tờ Văn Học, một tạp chí chuyên đề văn chương do nhà văn quá cố Nguyễn Mộng Giác lúc đó phụ trách biên tập và điều hành. Tờ tạp chí phát hành đều đặn mỗi tháng một số, và hầu như tất cả những sáng tác thơ văn của tôi lúc đó đều đăng trên tạp chí này. Năm 2010, tôi chọn ra một số những truyện ngắn ưng ý, hợp tác với cơ sở xuất bản Song Thúy ở Hà Nội xuất bản tập truyện, và được nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên ưu ái viết Tựa. Tập truyện chỉ phát hành giới hạn trong nước, ít lâu sau thì tuyệt bản, và từ đó cho đến nay tôi vẫn giữ ý định tái bản cuốn sách ở hải ngoại. Ý định đó hôm nay đã thành sự thật.

 

NL: Lúc ông viết những truyện ngắn ấy, hoàn cảnh và tâm cảnh của ông là gì?

 

TYT: Có lẽ là một hoàn cảnh “lưu vong” trong một tâm cảnh “hoài nghi”. Ngày nay, sau gần nửa thế kỷ sinh sống ở ngoài nước, ít ai còn nhắc tới hai chữ “lưu vong” nữa. Nó có vẻ lỗi thời một cách thảm thương, mặc dù, ở chừng mực nào đó, những người viết ở hải ngoại hay ngay cả trong nước, nếu không chấp nhận sự chiết tỏa của nhà cầm quyền áp đặt lên tác phẩm mình, đều mang một ý thức chính trị rõ rệt, và chẳng có gì thái quá nếu ta gọi chung đó là văn học lưu vong. Tuy thế, ở vào thời điểm tôi viết những truyện ngắn này, lưu vong là một thuộc tính tất định và tất yếu của văn học Việt Nam hải ngoại. Không ai ngần ngại khi gọi đó là dòng “văn học lưu vong.

    Đó là thời k khi người ta vẫn chưa tan cơn sốc của biến cố lịch sử 30/4/1975 sau một thời gian dài nội chiến. Khi bỏ xứ ra đi người ta xem như mất hết, mất quê hương và mất cả cội nguồn. Bởi thế, nếu hiểu “lưu vong” là “tan mất” thì thuật ngữ này biểu hiện chính xác tính cách của thời đại, một thời đại tâm hồn không trú xứ.

    Còn tâm cảnh thì sao?

    Nó là một tâm cảnh hoài nghi. Hoài nghi khi trông thấy sự tan rã của cả một tập thể con người, quê hương hấp hối trong nghèo đói và tù đày, thảm trạng thuyền nhân khiến lương tâm cả thế giới bị đánh động, đời sống mới nơi xứ người thảm thương, nhếch nhác. Và, đường về thì xa tít tắp, mù tăm.

 

NL: Ông vừa đề cập đến nhóm từ “văn học lưu vong”. Theo ông thì dòng văn học Việt Nam hải ngoại hiện nay có thể gọi là văn học lưu vong được chăng, mặc dù, như ông nói, từ “lưu vong” ngày nay xem ra không còn thích hợp nữa? Nói cách khác, ông định nghĩa “lưu vong” là gì? Ta phải hiểu “lưu vong” như thế nào trong bối cảnh cuộc sống ngày hôm nay nơi quê người?

 

TYT: Ngày nay hầu như bất cứ ai định cư ở nước ngoài đều có thể trở về thăm quê hương bản quán, thậm chí về sinh sống, làm ăn. Một số người cầm bút tôi quen biết cũng trở về tậu nhà sắm xe sống hẳn trong nước như một kiều dân. Do đó, nếu gọi đời sống của người Việt hải ngoại là “lưu vong” thì tôi e có người phản đối. Tuy nhiên, ta phải hiểu đó là hình thức lưu vong địa lý. Đối với một người cầm bút thì động thái lưu vong đó chỉ có tính cách phiến diện, ta nên hiểu lưu vong là lưu vong trong tâm thức, một tâm thức lưu đày, một tâm thức lạ hóa không thể nào tương hợp với thực thể xã hội, chính trị xung quanh, một tâm hồn trôi giạt, một tâm hồn không trú xứ. Người lưu vong có thể là kẻ đang sinh sống ngay trên quê hương mình hay tại một góc trời xa xăm nào đó. Họ gặp nhau tại một tụ điểm diaspora ảo, tụ điểm có bảng cắm hai chữ “lưu vong.” Nói như thế, lưu vong không là một cảnh huống, mà là một thái độ, một thái độ có chọn lựa và quyết liệt.

 

NL: Và, đó là chủ đề xuyên suốt tập truyện “Người đàn bà khác” của ông?

 

TYT: Chỉ một phần thôi, thưa chị. Về điểm này, tôi xin mượn lời nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, ông viết trong Tựa cuốn sách như sau: “… truyện của Trịnh Y Thư không chỉ là ám ảnh và hậu quả cuộc chiến. Hình như nó còn chạm đến “condition humaine” của nhân loại thời nay. Buồn bã, day dứt, bế tắc”.

 

NL: Trong buổi Ra Mắt Sách của ông hôm 12 tháng 10 năm 2024 vừa qua tại Coffee Factory ở Quận Cam, California, tạp chí Ngôn Ngữ có giới thiệu ấn bản đặc biệt về Trịnh Y Thư. Ông có thể cho độc giả biết qua về số báo này?

 

TYT: Đối với tôi, đây là một vinh dự rất lớn, được một tạp chí chuyên đề văn chương uy tín trong cộng đồng hải ngoại thực hiện ấn bản đặc biệt về mình. Tôi đã chọn những sáng tác ứng ý nhất, thơ cũng như văn, để in chung trong số báo dày gần 450 trang khổ lớn đó, với mong ước được bằng hữu và độc giả đón nhận như một món quà văn nghệ kỷ niệm.

 

NL:  Được biết ngoài cương vị một nhà văn, nhà thơ, ông còn là một nhà báo và hiện đang là Chủ bút Việt Báo, một tờ báo uy tín trong cộng đồng người Việt hải ngoại, do nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ sáng lập, đã góp mặt phục vụ cộng đồng từ trên 30 năm nay. Theo ông thì công việc của nhà báo có ảnh hưởng gì đến ngòi bút nhà văn, nhà thơ không? Nói cách khác, quan hệ tương tác giữa hai vai trò đó là gì?

 

TYT: Hiển nhiên, có những mâu thuẫn không tránh được giữa hai vai trò đó. Nhưng khách quan mà nói, theo tôi, đó là một quan hệ tốt, bởi vì nhà báo cung cấp chất liệu sống cho nhà văn, và ngược lại, nhà văn giúp nhà báo chú trọng đến chữ nghĩa hơn. Tác phẩm của nhà văn có thể sống dài lâu, ngay cả sau khi nhà văn đó qua đời, trong khi câu chữ nhà báo viết ra chỉ sống được một ngày là cao. Nhưng không phải vì thế mà nhà báo có quyền tùy tiện, muốn viết sao cũng được, không chú trọng đến nét đẹp của ngôn ngữ. Trách nhiệm của nhà báo cũng rất lớn, vì ngoài vấn đề thông tin, họ còn có trách nhiệm hướng dẫn quần chúng, làm đẹp xã hội, tìm đến công lý, v.v. Ở khía cạnh này, nhà văn đứng sau nhà báo. Rất hiếm người làm tròn cả hai nhiệm vụ đó một cách xuất sắc như Gabriel Gárcia Márquez.

 

NL: Ngoài văn chương và báo chí, ông còn có thú vui chơi nhạc? Cảm tưởng của ông về âm nhạc, nói chung, là gì?

 

TYT: Tôi luôn nghĩ âm nhạc là nghệ thuật sáng đẹp nhất của nhân loại. Âm nhạc là ngôn ngữ quốc tế như chúng ta thường nghe từ nhiều người xung quanh. Nhưng nó không chỉ vượt qua khía cạnh cảm xúc của trải nghiệm con người mà còn vượt qua cả cái ý thức hệ vốn chia rẽ chúng ta. Khi Hong Kong được vương quốc Anh trao trả lại cho Trung Quốc, khúc giao hưởng số 9 của Beethoven được trình tấu trong buổi lễ. Người Anh thân thiện bắt tay người Trung Quốc trong lúc tiếng nhạc của một người Đức vang lừng làm bè đệm những câu thơ của Schiller nói về một thế giới đại đồng. Âm nhạc quả đã đưa chúng ta lại với nhau, ít nhất là trong một khoảnh khắc, nó khiến chúng ta quên đi bản thân mình, quên đi niềm xác tín, thậm chí sự cuồng tín, mà chúng ta vẫn khăng khăng bám giữ xưa nay. Và biết đâu trong khoảnh khắc đó, chúng ta nghĩ lại, xác định lại vị thế của chúng ta trong thế giới đảo điên này.

 

NL: Những dự tính trong tương lai gần và xa của nhà văn, nhà thơ Trịnh Y Thư là gì? Ông có thể chia sẻ được chăng?

 

TYT: Tôi vốn là một “phu chữ”, một người dịch, một người đánh vật với chữ nghĩa. Nhà văn Phạm Thị Hoài, trong một email trao đổi thân tình, gọi tôi trước hết là một dịch giả, sau mới đến các thứ khác. Vì thế, trong tương lai gần tôi có dự tính dịch một cuốn sách của ông nhà văn James Joyce, một nhà văn được xem là khó đọc và khó dịch xưa nay. Còn tương lai xa thì tôi hoàn toàn không nghĩ tới. Ở tuổi tôi bây giờ, 72 niên, tôi không có chương trình dài hạn nào, mà chỉ biết làm hết sức mình được cái gì hay cái đó khi trái tim còn đập.

 

NL: Xin cảm ơn nhà văn, nhà thơ Trịnh Y Thư đã chia sẻ tâm tình của ông với Nhã Lan và quý khán thính giả của Hồn Việt TV. Xin chúc ông may mắn.

 

TYT: Cảm ơn chị Nhã Lan. Xin kính chào quý khán thính giả của Hồn Việt TV.

  Ghi chú:

 Cuộc nói chuyện thực hiện hôm 5 tháng 11 năm 2024, và phát hình lần đầu hôm 10 tháng Giêng, 2025 trên kênh truyền hình Hồn Việt TV. Có thể theo dõi trên YouTube:

 

Nhà văn, nhà thơ, dịch giả Trịnh Y Thư : Trăn trở về một “ý thức hệ” | TẢN MẠN VĂN HỌC - YouTube

Monday, January 13, 2025

Trịnh Y Thư: Khuất Đẩu: Đi tìm bóng mình trong cơn lũ cuồng nộ của lịch sử

 

 



1.

 Tình cờ tôi được một người bạn cho mượn tập truyện nhan đề Người giữ nhà thờ họ và những truyện khác của nhà văn Khuất Đẩu. Tập truyện do nhà Ý Thức xuất bản năm 2009 gồm hai truyện vừa Người giữ nhà thờ họ, Huyền Trân công chúa, và một số truyện ngắn. Đọc xong tập truyện, tuy muộn màng, nhưng tôi vẫn muốn viết ra đây vài ba cảm nhận chủ quan của mình bởi đây là cuốn sách đáng đọc và có nhiều điều đáng nói trong đó.

 

2. Ngôi nhà của những hồn ma

 Hãy tưởng tượng một ngôi nhà bề thế tại ngôi làng xa xôi, xây mất ba năm mới xong với mười sáu cái cột kiềng kiềng vững chắc, mái “da cái”, cùng xà ngang trính dọc, bị một quả bom xăng của giặc đánh trúng, bốc cháy lam nham lở nhở, nhưng không hoàn toàn sụp đổ, và chủ nhân nó lấy những tấm lá tranh và bùn đất vá víu tạm bợ thành một cái chòi rồi chui rúc sống trong đó với người con dâu suốt chín năm kháng chiến chống Pháp.

 Không, bạn không cần tưởng tượng nhiều bởi nhà văn Khuất Đẩu đã mô tả ngôi nhà đó rất kỹ trong thiên truyện vừa Người giữ nhà thờ họ của ông in trong tập truyện này. Ngôi nhà là từ đường của dòng họ Phạm, trên bàn thờ trang nghiêm hương khói là 42 cái bài vị của 12 đời. Nó là ngôi nhà của những hồn ma, theo tác giả, và đến đời người thủ từ hiện tại, đời thứ 13, nó như chịu một lời nguyền rủa vô cùng ác độc nào đó, bởi liên tiếp hết người này đến người kia lần lượt qua đời, mà cái chết nào cũng oan khiên, đau đớn. Người em út, cô Chín, treo cổ tự tử trong nhà vì gã chồng cô ham mê cờ bạc; chú Sáu, người em trai đi đò chết chìm; và bà vợ ông một hôm trèo lên cây cau bắt tổ chim cho thằng cháu, cây cau đổ vì gốc nó mục nát, và bà ngã từ trên cao xuống, chết.

 Với bối cảnh là không gian một ngôi làng tên An Định, thời gian cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi làng nằm trong vùng kiểm soát của phe kháng chiến, Khuất Đẩu đã dẫn dắt người đọc vào một thế giới truyện lạ lùng, bi thiết, xoay quanh cuộc sống tạm bợ, vất vưởng, đói kém của người thủ từ, nói lên thân phận con người trong một thực tại phi lý đến độ kinh hoàng.

 Khuất Đẩu mở đầu câu chuyện với cảnh ngôi nhà bị trúng bom xăng của địch, bốc cháy. Tác giả nhân cách hóa ngôi nhà cháy: “Ngôi nhà phập phồng như một trái tim rướm máu. Nó hốt hoảng, kinh ngạc và nếu có thể kêu thét lên được thì nó đã rống lên rồi…” Nhưng nó không bị thiêu rụi sụp đổ thành đống tro tàn vì mười sáu cây cột vẫn đứng vững và cái mái “da cái” lợp bằng đất sét không suy suyển hư hao bao nhiêu. Thế là ông cùng người con dâu hì hụi chắp vá lại ngôi nhà ở tạm, riêng cái cửa ra vào bây giờ như lỗ chó, ra vào phải chui luồn qua y như chó. Cuộc sống dù thảm hại như thế nhưng ông không quên bổn phận người giữ nhà thờ họ, đêm đêm ông vẫn gõ đúng 42 tiếng chuông gọi 42 hồn người chết của 12 đời dòng họ trở về.

 Chiến tranh hình như không bò về ngôi làng hẻo lánh đó của ông thủ từ, ngoại trừ lần bị máy bay địch thả bom làm cháy nhà ông, không thấy có một trận giao tranh hay càn quét nào xảy ra. Nhưng nó hiện về ở hình thức khác, tàn khốc không kém, khiến ông khốn đốn trăm bề: Cách mạng. Nói là cách mạng, nhưng trên thực tế, nó là một vụ trả thù, một vụ kích động lòng căm ghét của giai cấp này đối với giai cấp kia, mượn tay quần chúng để tiêu diệt kẻ thù của mình, một thủ đoạn vô cùng dã man thâm độc nhằm dọn lối đi cho con đường quyền lực. Những nhân vật ngày trước đầy quyền uy trong tay, thuộc thành phần cường hào ác bá như chánh tổng, lý trưởng, hương bộ, hương kiểm, ngày nay được thay thế bởi thành phần mới với tên gọi khác, chủ tịch này, chủ tịch nọ, nhưng bản chất hà hiếp, nhũng loạn người dân thì không thay đổi, thậm chí có phần tàn tệ hơn trước, như tác giả viết như sau:

 Cuộc sống vốn dĩ khó khăn, ai cũng biết vậy nhất là sống trong thời giặc giã, nhưng không ngờ lại khó khăn như thế này. Mà đâu phải trời đất hay Tây đen Tây trắng gì cho cam, chỉ là những người cùng xóm với nhau. Mới đây thôi, khi chưa có phóng tay phát động quần chúng đấu tranh giai cấp, thì dù có không ưa nhau mấy, lúc gặp nhau vẫn còn hỏi đi đâu đó, còn nói giả lả vài lời chứ đâu có nghiệt ngã như lúc này. Còn hơn cả quan phủ, quan huyện, y như cai ngục ở dưới chín tầng Diêm vương.”

 Những kẻ làm cách mạng chỉ biết làm một việc duy nhất là khơi dậy, kích thích lòng căm thù từ những người dân xưa nay vốn sống hiền hòa bình dị. Họ là những nông dân, tá điền, người làm công, thuộc thành phần nghèo khổ nhất trong tầng lớp thôn làng, bởi thế không ít người mang sẵn máu căm ghét giai cấp có đất có ruộng, và khi lòng thù hận được khơi dậy, họ hò reo vui mừng để lộ ra bản chất thú tính trước cái chết tức tưởi của người hàng xóm:

 Căm thù giống như một dịch bệnh xa lạ từ đâu lan tới. Hệt như bệnh sốt rét, ai cũng run lên vì căm thù mà không hiểu vì sao. Trước thì căm thù thực dân Pháp, phong kiến, tiểu tư sản, giờ căm thù can thiệp Mỹ, địa chủ ác ôn, phú nông ngoan cố. Căm thù đã trở thành thước đo của tiến bộ, của năng lực và dĩ nhiên là của lòng yêu nước. Yêu nước phải căm thù và căm thù là yêu nước! Bọn họ đã nói ra rả suốt ngày đêm như thế.”

 Ông thủ từ ngày đêm lo sợ mình bị “nâng cấp” lên thành địa chủ, vì mang danh địa chủ có nghĩa là sẽ bị đấu tố, thậm chí bị xử bắn như chơi. Ở vào thời điểm đó, chẳng có luật pháp gì cả, hay đúng hơn, luật pháp là do đám chủ tịch tùy tiện đặt ra theo chỉ thị từ trên ban xuống hay theo cảm hứng bất chợt của họ. Ông thủ từ không bị đấu tố, có lẽ, vì người con trai ông đi bộ đội chiến đấu ở vùng xa, nhưng họ cho đám thiếu niên đêm đêm đến trước vườn nhà ông rồi đứa cầm thùng thiếc, đứa mõ tre, đứa phèng la thi nhau khủng bố tinh thần ông bằng những câu chửi rủa thô tục nặng nề.

 Nhưng ông sống sót cho đến ngày kháng chiến thành công. Chiến tranh, cách mạng không giết được ông, nhưng ông chết vì chính hành vi của mình.

 Trong cái ổ chó ông sống với người con dâu, một đêm ông hiếp cô. Nó không phải là cái bản năng thú tính của người đàn ông khiến lương tri mờ mịt trong phút giây hoảng loạn. Nó là cái gì đau đớn, chua xót hơn nhiều:

 Ông ôm hai cái chân dựng ngược áp sát vào ngực. Rồi ông lắc như điên như dại với tất cả căm thù, tất cả tủi hận, tất cả xấu hổ trong suốt những ngày qua. Ông cũng kêu lên, rít lên như những con mụ tố khổ, như bọn trẻ hô đả đảo, có lúc gầm gầm gừ gừ như thằng Khứ hỏi cung…”

 Làm sao ông có thể đối diện với lương tri mình bây giờ? Thêm thằng con trai từ mặt trận trở về, làm sao ông nhìn mặt nó được? Ông không thể đổ thừa cho ai hay cho bất kỳ điều gì được nữa, lại càng không nên xin lỗi, “cái lỗi to như hòn núi Đất thì xin sao được!” Và, trong một đêm tối thanh vắng có hai tiếng “bũm” vang lên từ dòng sông. Tiếng trước nhỏ hơn, đó là chai rượu chỉ còn cái vỏ; tiếng sau to hơn, nhưng nhờ tiếng chuông chùa “đang trôi trên sông đã làm cho cái tiếng ‘bũm’ mờ đi, bớt thô tục.”

 Không giống dòng họ Buendía tại ngôi làng Macondo trong Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez, dòng họ Phạm của ông thủ từ ở làng An Định không bị tuyệt tự. Người con trai của ông sống sót trở về làng sau hai mươi năm tập kết ra Bắc. Nay đã là một người trung niên, anh về chỉ để chứng kiến cảnh tượng hoang tàn đổ nát của ngôi nhà thờ họ. “Chẳng còn gì cả ngoài một đống đất đầy cỏ dại và những cây tảo nhơn, cây thù đâu.” Anh được người làng báo tin rằng cha anh đã chết và vợ anh về ở bên nhà cha mẹ ruột. Anh tức tốc lội sông qua tìm vợ con. Chị vợ biết anh đến, cô lánh mặt, từ trong nhà nói vọng ra: “Nó là dòng dõi họ Phạm đấy. Nhưng tôi không còn là vợ anh!

 Khuất Đẩu kết thúc truyện với câu nói bỏ lửng của người con dâu. Cái kết đột ngột để lại nỗi thắc mắc nhức nhối trong lòng người đọc: Đứa con thừa tự của dòng họ Phạm là con ông thủ từ, đời thứ 13, hay con của người con trai đi tập kết, đời thứ 14? Nó là câu hỏi không có câu trả lời, song nó như tô đậm thêm tính cách bi thảm tuyệt vọng của thân phận con người trong cơn lũ cuồng nộ, như thể tấn bi kịch đến đó chưa đủ, chưa là đoạn cuối, mà có thể còn kéo dài thêm nữa, kéo dài ra mãi.

 

 3.

 Với truyện vừa Người giữ nhà thờ họ, nhà văn Khuất Đẩu sử dụng bút pháp phân mảnh, phi tuyến tính, phần tự sự đan xen với hồi ức. Nhà văn cố ý chia nhỏ, trình bày câu chuyện theo cách rời rạc, thường không có trình tự thời gian rõ ràng, để phản ánh thực tế phức tạp. Bút pháp này thường thấy ở các tác phẩm văn học Hiện đại và Hậu hiện đại, nó thách thức các cấu trúc kể chuyện truyền thống, buộc người đọc phải tự ghép lại ý nghĩa từ các yếu tố rời rạc. Với kỹ thuật viết đó, Khuất Đẩu đã vẽ lại toàn cảnh cơn lũ cuồng nộ càn quét qua đất nước Việt Nam trong một bối cảnh lịch sử khốc liệt.

 Giữa tác phẩm văn học và lịch sử có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, vì cả hai đều tìm cách thể hiện, diễn giải và cố gắng thấu hiểu trải nghiệm của con người nói chung. Tác phẩm văn học phản ánh bối cảnh lịch sử, xã hội, chính trị và văn hóa mà từ đó được viết ra. có thể nắm bắt được thái độ, giá trị và hệ tư tưởng của thời đại, đóng vai trò là thấu kính để hiểu rõ hơn các quan điểm lịch sử, có thể đưa ra góc nhìn về lịch sử mà sử học truyền thống có thể bỏ qua. Trong khi các nhà sử học hướng đến sự thể hiện thực tế, nhà văn có thể sử dụng bối cảnh lịch sử để khám phá những sự thật phổ quát về bản chất con người hoặc tính đạo đức. Mối quan hệ giữa  tác phẩm văn học và lịch sử cộng sinh và phức tạp. Trong khi lịch sử cung cấp nguồn tài liệu phong phú cho tác phẩm văn học, thì tác phẩm văn học, ngược lại, tăng bổ sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử qua phần tự sự có chiều sâu, qua sự cộng hưởng cảm xúc và trình bày một hay nhiều quan điểm khác với sử học truyền thống.

 Những điều biên chép trong lịch sử không nhất thiết là sự thật, chưa chắc là chân lý. Chính văn hào người Anh thế kỷ XIX Samuel Butler đã thốt câu “Thượng đế không thể thay đổi quá khứ, nhưng sử gia thì có thể.” Napoléon Bonaparte, một người lính, một ông tướng, thì bộc trực hơn, xổ toẹt “Lịch sử là một tập hợp những điều nói láo!” Riêng đối với lịch sử Việt Nam thời cận và hiện đại thì lịch sử đôi khi chẳng qua chỉ là một văn bản tuyên truyền hay tài liệu học tập cho cán bộ đảng viên của đảng cầm quyền. Không tin tôi ư? Bạn hãy giở bộ sách nhan đề Đại Cương Lịch Sử Việt Nam do các “sử gia” Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Khánh và Nguyễn Đình Lễ biên soạn thì rõ. Bởi thế, tác phẩm văn học còn mang thêm trọng trách rất lớn. Nó tiếp nối lịch sử, vén lên cho thấy sự thật lịch sử bị che giấu dưới bức màn ý thức chính trị, thậm chí ý thức hệ. Nó khơi lại vết thương dân tộc đang dần dà chìm vào quên lãng.

 Bạn có thể lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý: Tại sao phải nhắc lại một vết thương đã lành? Tại sao không quên đi quá khứ và hướng về tương lai để tìm nguồn sinh lực mới cho dân tộc?

 Tôi hoàn toàn không chia sẻ luận điểm của bạn. Những điều nhà văn Khuất Đẩu miêu thuật trong thiên truyện Người giữ nhà thờ họ của ông là lịch sử, một lịch sử đau buồn của dân tộc, và lịch sử càng đau buồn thì càng nên nói đi nói lại về nó, càng nên ghi nhớ trong tâm trí để không bao giờ cho nó cơ hội tái diễn thêm một lần nữa. Trước Khuất Đẩu, đã có nhiều nhà văn, điển hình như Ngô Ngọc Bội, Võ Văn Trực, và ở chừng mực nào đó, Tô Hoài, nói về cuộc cách mạng đổ máu gây ra cái chết oan uổng cho hàng vạn con người. Lịch sử này bị chính sử cố ý bôi xóa, bóp méo. Chính sử thời quân chủ phong kiến cũng như thời cộng sản bây giờ được viết bởi kẻ thống trị; họ tô vẽ, sửa đổi lịch sử theo ý đồ, mục tiêu của họ, hiếm khi sự thực đen tối được tôn trọng một cách trung thực (ngoại trừ Tư Mã Thiên, và vì thế ông bị tội cung hình). Nhà văn là người dùng tài năng và quả tim mình điền vào chỗ trống, những lỗ hổng khiếm khuyết khổng lồ, do sử quan triều đình hay sử gia ăn lương Nhà nước để lại. Và như thường nghe nói, lịch sử sẽ tái diễn nếu ta lãng quên nó, ngòi bút của nhà văn giúp ta hiểu bài học lịch sử một cách thấu đáo, sâu sắc hơn. Hơn nữa, câu chuyện của nhà văn mang nặng chiều kích cảm xúc, vì đối tượng của văn học luôn là yếu tố con người, nên lịch sử được kể bởi nhà văn là một lịch sử sống, mà qua đó ta có thể hòa nhập vào các nhân vật và cảnh huống họ trải nghiệm.

 Khuất Đẩu, qua thiên truyện vừa Người giữ nhà thờ họ, là một trong những nhà văn như thế.

 

 4. Những truyện ngắn: Hiện thực hay phi thực?

 Nếu truyện vừa Người giữ nhà thờ họ là chín phần hiện thực một phần phi thực thì những truyện ngắn khác của Khuất Đẩu gần như chìm đắm trong không gian phi thực, như muốn tháo gỡ mọi ràng buộc của hiện thực, dù là hiện thực văn chương, để bay bổng lên một hiện thực cao hơn, nơi có những điều mà chỉ có thể được truyền tải, giải mã bằng một giấc mơ.

 Tính phi thực trong văn chương cho phép người viết phản ánh bản chất đa diện của trải nghiệm con người. Bằng cách xem cái phi thực là một phần của hiện thực, trộn lẫn phi thực vào hiện thực, tác giả gửi gắm được vào tác phẩm của mình những sự thật của cảm xúc sâu thẳm, đồng thời thách thức những nhận thức thông thường và tôn vinh sự phong phú của trí tưởng tượng cùng sự đa dạng văn hóa.

 Khuất Đẩu đã làm được như vậy trong những truyện ngắn của ông, những truyện như: Những con đom đóm; Cha chung; Những hạt nút áo; Chiếc mặt nạ; Thư gửi người tình trăm tuổi; Tiểu công chúa; Bóng tháp; vua Tango, Những con đom đóm, v.v., mỗi truyện đều có một mô-típ phi thực làm chủ đạo cho suy nghiệm, ý tưởng và hàm nghĩa, dẫn dắt người đọc truy tìm một ý nghĩa nào đó cho cuộc nhân sinh.

 Truyện Vua Tango thuật chuyện một người đàn ông, trước cuộc đổi đời lịch sử, là một tay chơi khét tiếng, một “ông hoàng của các vũ trường”, nhưng khi thất trận và thất thế, anh xung phong đẫn vợ con lên vùng Kinh tế mới kiếm sống. Lên vùng đất hoang vu, anh không làm ruộng làm vườn kiếm kế sinh nhai mà chỉ trồng thuốc lá và pha chế cà phê, bởi anh nghiện nặng hai thứ đó. Anh có vẻ sống ung dung một mình trong căn chòi lụp sụp, vợ con ở nơi khác, dưới thị trấn làm ăn lẻ. Anh tiếp người bạn cũ (người kể chuyện) bằng một tách cà phê đậm đà nguyên vẹn hương vị thuở xa xưa.

Tuy lấy bối cảnh hiện thực làm phông cho câu chuyện, tác giả đã không cho phần tự sự dừng lại ở bên này đường biên mà đẩy nó vào vòng tròn huyễn mộng của phi thực khi cho Vua Tango chết đột ngột trong lúc đang làm cái việc mà anh yêu thích nhất: nhảy một đỉệu Tango, tại bữa tiệc trùng phùng hội ngộ với những người ngày xưa là học trò của anh.

 Trong suy nghĩ của riêng tôi, đây là một truyện ngắn mang tính phi lý, nói cách khác, nó là sự xung đột giữa con người đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống với một thế giới tàn bạo đến độ đóng băng. Nó là thân phận con người bị bánh xe lịch sử nghiền nát. Nhưng thay vì khuất phục và cam chịu, nhân vật của Khuất Đẩu đối mặt với sự phi lý bằng cách ngửng đầu lên thách thức nó. A, mày đày đọa thể xác và tâm hồn tao ư? Tao đếch sợ! Tao vẫn cứ làm những điều tao thích, mày làm gì được tao? Cuộc sống thiếu ý nghĩa khách quan không bắt buộc ta phải tuyệt vọng mà thay vào đó, nó mời gọi ta hãy sống trọn vẹn bất chấp chính sự phi lý đó. Cuộc sống vốn đầy dẫy mâu thuẫn và những điều phi lý, mà phi lý nhất là chiến tranh. Theo quan điểm của nhà văn kiêm triết gia Albert Camus thì phản ứng thích hợp đối với sự phi lý là hãy sống cho có mục đích và mãnh liệt, hầu tạo ra ý nghĩa của riêng ta trong một vũ trụ không có ý nghĩa nào.

 Nhìn từ khía cạnh phi-triết, cái chết của “Vua Tango” là cái chết lãng mạn, chân phúc, thật đẹp. Một cái chết khác, đẹp và lãng mạn không kém, là cái chết của người đàn bà trong truyện Bóng tháp. Người đàn bà có chồng tử trận trong chiến tranh (vâng, chiến tranh là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong toàn bộ sáng tác của Khuất Đẩu), và một hôm, khi cuộc chiến đã tàn, cô đi bốc mộ xác người chồng, bỏ vào một chiếc thùng xốp và vác nó suốt ba chặng đường dài – một chuyến tàu hỏa, một chuyến xe hơi, và một đoạn đường đi bộ – để đem bộ hài cốt về giao tận tay người bên gia đình chồng trong một làng thôn hẻo lánh. Suốt mười năm cô sống trong mong đợi, đợi ngày hoàn tất nhiệm vụ vô cùng khó khăn đó. Trong thời gian đó, cô gặp người khác, một người từ nước ngoài về và anh ta tha thiết muốn cô chắp nối lại mối lương duyên với anh ta trong tháng ngày còn lại. Câu chuyện sẽ tầm thường biết mấy nếu tác giả cho người đàn bà ra về với một tâm trạng nhẹ nhõm, hân hoan, đầu óc vẽ ra hình ảnh và ước vọng tương lai sinh sống tại nước ngoài với người chồng mới. Không, rất may, nó không mắc phải nhược điểm ấu trĩ đó. Khuất Đẩu là một cây bút lão luyện, thẩm thấu rất rõ giá trị văn chương, và phần kết câu chuyện là đoạn văn tả cảnh người đàn bà tự trầm xuống dòng sông thật đẹp, đẹp đến não nùng:

 Nàng tìm cách xuống sông. Những hòn đất rơi lõm bõm làm mặt sông nhăn nhúm run rẩy. Khi nước ngập đến cổ, nàng dừng lại. Đợi cho mặt nước lặng yên, nàng ngắm cái bóng tháp đựng đầy trong lòng sông. Ngọn tháp như được lau rửa, thắm đỏ đẹp lạ lùng. Nàng há miệng ra uống vào một ngụm. Cả bầu trời xanh trong vắt, cả ngọn đồi tròn trĩnh và cả ngọn tháp đỏ rực như mới xây, chui tuột vào bụng nàng. Một sức nặng không con số nào đo được kéo nàng xuống sát đáy. Trên cao, một con chim bói cá đâm bổ xuống như một mũi lao, rồi chỉ trong chợp mắt, mang lên một chú cá cuống quýt quẫy cái đuôi óng ánh bạc. Mặt trời lặn xuống thật nhanh như có ai đó thò tay đánh cắp.”

 Thiên truyện chấm dứt ngay đó, và không ai hiểu nguyên do động lực nào khiến người đàn bà tìm cái chết tại dòng sông. Tại sao cô chết trong khi tương lai đời sống tốt đẹp hơn đang chờ đón cô ở chân trời phía trước mặt. Cô không thể sống vì chồng cô không còn tại thế với cô nữa ư? Không đâu. Cô đã sống được mười năm trời sau cái chết đau đớn của chồng mình. Hay là cô mang sẵn trong lòng ý nguyện chết theo chồng một khi đưa được hài cốt anh về nhà? Không thấy tác giả nói gì về điều đó, và tôi cũng chẳng muốn tin như vậy, bởi nó có vẻ “trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trau mình, quốc văn giáo khoa thư” lắm, nó không có chỗ đứng trong một thiên truyện có tính cách tân như truyện Khuất Đẩu.

 Cũng như không ai hiểu nguyên do động lực nào khiến nàng Anna Karenina của Tolstoy gieo mình quyên sinh trước đầu máy chiếc tàu hỏa, người đàn bà của Khuất Đẩu nhìn thấy cái đẹp diễm ảo của cái bóng ngọn tháp khi nước sông ngập đến cổ cô. Cái chết đẹp như ngọn tháp, và có sự tương quan kỳ lạ, thậm chí ma mị, giữa hai sự vật tưởng chừng chẳng liên hệ gì đến nhau đó. Và đó là cái đẹp của văn chương khi được bao phủ bởi lớp sương mù của khí hậu phi thực đầy mộng ảo.

 Ở một thiên truyện khác, Những con đóm đóm, người đàn bà lẽ ra phải đi tìm cái chết thì lại hồi tỉnh, hồi tâm và hồi sinh. Cô tìm ra con đường sống cho mình sau những trầm luân của kiếp người khi bị dìm xuống tận đáy bùn đen nhơ nhớp. Cô là gái điếm, một thứ đĩ rạc rài, tiếp khách làng chơi trong những ống bi bên vệ đường ngoài đồng ruộng. Cô có đứa con trai còn bé rất đĩnh ngộ, nhưng chẳng may nó xấu số chết sớm. Cô tin là linh hồn đứa bé biến thành con đom đóm và một đêm nọ trong lúc cô đang tiếp khách trong ống bi thì một con đom đóm bay vào khiến cô thốt nhiên tỉnh ngộ và cô vùng lên chạy như điên dại ra biển. Cô chạy ra biển không phải để tự trầm xuống mặt nước mà để gột rửa bùn nhơ trong tâm hồn cô.

 Ta phải hiểu đó là giây phút khải thị. Con đom đóm, theo niềm tin của người đàn bà trong truyện, và hầu hết dân gian, là linh hồn người chết, chính là một biểu tượng ám chỉ ánh sáng hy vọng, một thứ ánh sáng tuy chập chờn yếu ớt nhưng đầy ân phúc bao dung. Nó là hy vọng được cứu chuộc và vẫn được sống như một con người, bởi sống như con người, cho trọn kiếp, là cái gì cực kỳ khó khăn.

 Tương tự như thiên truyện vừa Người giữ nhà thờ họ, ở những truyện ngắn, tác giả không sử dụng thủ pháp Hiện thực Huyền ảo, không có những chi tiết miêu thuật thế giới hoang đường, siêu nhiên; nó cũng không phải là giấc mơ trôi ra từ tiềm thức hoặc vô thức của trường phái Siêu thực, mà chỉ khéo léo trộn lẫn tự sự phi thực vào tự sự hiện thực như một cảnh ngộ tình cờ, khó có thể xảy ra trên đời, nhưng không phải tuyệt đối không thể xảy ra, như những truyện ngắn Tiểu công chúa, Cha chung…

 Truyện Tiểu công chúa thuật câu chuyện một lão họa sĩ già vẽ những bức tranh tháp bay. Truyện ngắn này hàm chứa quan điểm của tác giả về nghệ thuật thị giác:

 Chẳng phải là mơ sao mà đồng hồ báo thức lại mềm hẳn ra như sắp chảy, một con dê mà cũng biết kéo vĩ cầm… Đột nhiên tôi thấy mình ngộ ra: vẽ, không phải kỳ khu như một thợ thủ công mà phải biết chơi với sắc màu như đứa bé chơi đùa trên cát…”

 Hiển nhiên, trong đoạn văn trên, Khuất Đẩu muốn nhắc tới hai nhà danh họa nửa đầu thế kỷ XX: Salvador Dalí và Marc Chagall, vốn là những họa sĩ tiên phong định hình cho luồng gió mới trong nghệ thuật hội họa Hiện đại Tây phương, và trong lúc đọc, tôi không thể không nhớ đến câu nói rất nổi tiếng của Pablo Picasso: “Tôi mất bốn năm để vẽ như Raphael, nhưng phải mất cả đời để vẽ như một đứa trẻ”.

 Sự thú vị khi đọc truyện Khuất Đẩu là những chỗ tinh tế như thế.

 

 5.

 Lịch sử hình như đè nặng ngòi bút của nhà văn Khuất Đẩu. Với Huyền Trân Công chúa, truyện vừa thứ hai trong tập truyện, ông bơi ngược dòng lịch sử bảy trăm năm về thời Nhà Trần để dựng lại câu chuyện nàng công chúa nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam: Huyền Trân.

 Hình như Khuất Đẩu không hài lòng với những điều biên chép trong chính sử: “Vì sao một vì vua anh minh và nhân hậu như Trần Nhân Tông lại đem con gái yêu của mình gả bán cho Chế Mân? Trần Khắc Chung là ai mà sau khi cứu được công chúa lại cùng nàng tư tình trên biển gần cả năm mới về?” Ông không ngần ngại đưa ra hai nghi vấn như thế, và đây chính là tiền đề cho câu chuyện ông muốn thuật lại.

 Phải chăng chữ nghĩa do sử quan Nhà Trần viết, “Anh Tông được tin ấy sai Trần Khắc Chung giả mượn tiếng vào thăm để cứu công chúa. Nhân đó Khắc Chung cùng nàng tư thông trên biển” đã khiến Khuất Đẩu bất bình, và ông thấy cần phải viết thiên truyện này để cho thấy cái nhìn của ông sử quan nào đó chưa hẳn là đúng? Cái từ “tư thông”, nặng như búa tạ, sắc như lưỡi gươm đao phủ, là nỗi nhục oan uổng và oan khiên cho một nàng công chúa đã quên mình hy sinh vì lợi ích quốc gia. Nàng có tội tình gì, nếu không muốn nói là có công rất lớn đối với đất nước Đại Việt, mà phải chịu tiếng xấu nghìn thu như thế?

 Khuất Đẩu nhất định không chịu tin lời vu oan giá họa hàm hồ của lão sử quan già nua khệnh khạng trọng nam khinh nữ cổ hủ triều Trần. Trong Lời phi lộ của thiên truyện, ông viết:

 “Quê tôi gần thành Đồ Bàn. Cái kinh đô đã từng in dấu chân của Huyền Trân qua bao cuộc biển dâu giờ chỉ còn lại một bờ thành cũ bằng đất và tháp Cánh Tiên. Ngọn tháp đẹp nhất trong các ngọn tháp của xứ Chămpa, vẫn đứng sừng sững cùng với thời gian. Phải chăng vì có bóng dáng của Huyền Trân nên nó vẫn sáng long lanh như một khối ngọc khổng lồ. Ngọn tháp đẹp đến nỗi dù ở xa tận xứ Trầm Hương này, tôi vẫn thấy nó chiếu sáng từng đêm. Đó là cái Đẹp đã cứu rỗi cả một dân tộc.”

 Trong mắt nhìn của Khuất Đẩu, công chúa Huyền Trân là biểu tượng cho cái Đẹp cao cả. Nàng là công chúa, cành vàng lá ngọc, nhưng lại thích cưỡi ngựa bắn cung và có lòng nhân hậu thương người, nhất là người dân nghèo khổ trong xã hội. Khi về xứ Chiêm làm vương hậu một quốc gia, tuy không lớn mạnh bằng Đại Việt nhưng hùng cứ một phương một cõi, nàng được thần dân xứ này yêu mến y như thuở còn ở quê nhà. Nàng yêu thương Chế Mân vì thấy ông vua này cũng là bậc anh hùng chứ không phải “thằng Mán thằng Mường” như những kẻ xấu mồm xấu miệng mỉa mai xách mé.

 Khuất Đẩu tuyệt đối không có cái nhìn khinh bỉ đối với Chế Mân và dân tộc Chiêm Thành nói chung. Theo ông, đó là một dân tộc hiền hòa, hồn nhiên, chân thật, và có nền văn minh, văn hóa rực rỡ với hàng trăm ngọn tháp tuyệt đẹp được dựng lên khắp nơi trong xứ sở. Vẫn theo ngòi bút của Khuất Đẩu thì Huyền Trân về với Chế Mân được một năm, có thai trong bụng, nhưng chẳng may Chế Mân bất ngờ tử nạn trong một cuộc săn voi, và theo phong tục xứ Chiêm nàng phải chết theo chồng trên giàn hỏa thiêu. Nhưng vì đang có thai nên nàng được tạm hoãn, và nhân dịp đó, Trần Khắc Chung, theo lệnh của triều đình Nhà Trần, giả mượn tiếng viếng tang lễ Chế Mân, lập kế bắt công chúa đem đi.

 Đây là đoạn Khuất Đẩu đi chệch ra khỏi chính sử. Trong truyện, công chúa Huyền Trân sau khi thoát khỏi thành Đồ Bàn được Trần Khắc Chung đưa đến một hòn đảo nhỏ ngoài biển Đông, tại đây nàng hạ sinh đứa bé, nhưng đứa bé chết lúc ra đời. Sau đó nàng bị Trần Khắc Chung cưỡng bức. Khuất Đẩu vẽ hình ảnh Trần Khắc Chung là một vị tướng hèn hạ, lỗ mãng, dung tục, tham sắc, và chẳng hề có mối tình lãng mạn nào giữa ông ta và công chúa, chẳng hề có chuyện “tư tình, tư thông, tư thiếc” như chính sử biên chép.

 Bị Trần Khắc Chung cưỡng bức, tại sao Huyền Trân không tự kết liễu đời mình, chết theo chồng? Tại sao nàng vẫn về lại Thăng Long, lên núi Yên Tử thăm phụ hoàng Nhân Tông, lúc đó đã là một nhà tu, nhưng nàng không chịu đi tu, mà tiếp tục sống trong hoang lạnh cho đến cuối đời? Khuất Đẩu kết thúc thiên truyện ở đó mà không cho chúng ta câu trả lời.

 Nhưng câu trả lời có quan trọng lắm không? Sự thật là không ai biết nàng sống như thế nào sau khi về lại đất Đại Việt. Theo dã sử và thần tích sau này thì nàng lên chùa tu ở núi Trâu Sơn theo di mệnh của vua Nhân Tông. Điều ấy chưa hẳn là chính xác, có thể do người đời sau thêu dệt. Liệu nàng có lấy một người chồng khác hay về phủ Thiên Trường sống ẩn dật ngày ngày quét dọn ngôi nhà tế tự của dòng tộc họ Trần?

 Dù thế nào chăng nữa thì Khuất Đẩu vẫn nhìn thấy một Huyền Trân “đẹp long lanh như tháp Cánh Tiên giữa phế tích Đồ Bàn” như trong lời Kết của thiên truyện.

 Trở lại với quyết định của vua Nhân Tông gả Huyền Trân cho vua Chiêm, Khuất Đẩu có ý chê trách vua Nhân Tông, một vì vua “anh minh và nhân hậu, mà lại đem con gái yêu của mình gả bán cho vua nước Chiêm” như ông viết trong Lời phi lộ. Tôi thì nghĩ ngược lại. Theo tôi, vua Nhân Tông đã rất sáng suốt, khôn ngoan và nhân hậu khi đem con gái yêu của mình gả cho Chế Mân!

 Sau hai cuộc chiến tranh khốc liệt với quân Nguyên và mặc dù đánh đuổi được quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi, đất nước Đại Việt lúc đó đã kiệt quệ lắm rồi, dân tình thống khổ vì chiến tranh, và sách lược đối ngoại tốt nhất là tìm cách hòa hiếu với quốc gia ở phương Nam hầu tránh nạn đao binh không cần thiết. Trong thời gian chín tháng viếng thăm Chiêm Thành, Nhân Tông nhìn thấy tiềm lực của vương quốc này, họ không hèn yếu như nhiều người ở Thăng Long, do mặc cảm tự tôn, từng lạc quan đánh giá một cách sai lạc. Và quả nhiên như thế, sau Nhân Tông, Đại Việt đã khốn đốn nhiều phen với Chế Bồng Nga, một hậu duệ của Chế Mân. Chính vua Duệ Tông bị tử trận tại thành Đồ Bàn, và thành Thăng Long bị Chế Bồng Nga đem quân ra công phá ba lần.

 Hôn nhân, dù là dị chủng, giữa các vương triều thời quân chủ phong kiến vốn là phương sách ngoại giao hữu hiệu, vua Nhân Tông đã không bỏ lỡ cơ hội để bảo đảm hòa bình cho Đại Việt, ít nhất trong một thời gian vài ba mươi năm, hầu dành thời gian tái thiết quốc gia, lấy lại sinh lực dân tộc. Và thêm mối lợi to, nghìn dặm đất hai châu Ô-Rí (một dải đất bao gồm hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị ngày nay) từ nay thuộc về Đại Việt mà không mất một mũi tên, không đổ một giọt máu. Vua Nhân Tông quả là một nhà lãnh đạo tài giỏi và ngài đã đặt quyền lợi quốc gia lên trên tình cảm gia đình, dòng tộc.

 Khuất Đẩu khi viết thiên truyện này không có ý đồ viết lại lịch sử. Ông chỉ muốn làm công việc duy nhất là cố tẩy xóa cái từ “tư thông” tai ác ghi trong chính sử, cho chính ông mà thôi, bởi ông nhìn thấy cái Đẹp của Huyền Trân công chúa. Và cũng bởi thế, truyện hiền lành, cận nhân tình, hướng thiện. Với thiên truyện này, Khuất Đẩu không có những ẩn dụ tinh sắc và tinh tế của Nguyễn Huy Thiệp (do sống cả đời dưới bóng đen che phủ của cái-gọi-là Hiện thực Xã hội chủ nghĩa nên không thoát được cái vòng kim cô mà Czeslaw Milosz gọi là tâm thức ngục tù); nó cũng thiếu cái tàn nhẫn phi lý đặc trưng của Trần Vũ (do căm ghét giai cấp thống trị nên không ngần ngại giải thiêng, dung tục hóa các thần vị anh hùng). Nhưng Khuất Đẩu có cái nhìn nhân bản, và đó chính là điểm mạnh làm nền tảng cho ngòi bút của ông.

  

6.

 Truyện Khuất Đẩu, dù là truyện ngắn hay truyện vừa, mở ra trong tâm tư người đọc nhiều liên tưởng bát ngát; bên dưới lớp vỏ thô nhám, sần sùi, đôi khi tàn bạo, khốc liệt, là những chua xót, ngậm ngùi cho thân phận con người, những thân phận bị chôn vùi dưới con trốt xoáy của lịch sử và dòng đời. Đọc Khuất Đẩu không phải để tìm kiếm câu trả lời cho những vấn nạn nhân sinh, nhà văn không đưa ra đáp án, lại càng không rao giảng đạo đức, thậm chí một lời an ủi cũng không.

 Tác phẩm văn học, khác với một cuốn sách sử học, chính trị học, tâm lý học, xã hội học, v.v. ở chỗ nó khám phá những tình huống, bình thường và phi thường, để có thể đào sâu vào những trải nghiệm phổ quát của con người như tình yêu, sự mất mát, cái chết, ý nghĩa cuộc sống, các mối quan hệ, tính đạo đức cũng như phi đạo đức, những xung đột, niềm vui, nỗi đau khổ và sự phức tạp của cảm xúc. Nó chiêm nghiệm cách thế mỗi cá nhân điều hướng những chủ đề này trong bối cảnh cuộc sống và xã hội của họ, đưa ra những nhân vật và tình huống dễ đồng cảm, gây được tiếng vang sâu thẳm trong lòng người đọc. Nó va chạm và trăn trở những vấn đề của muôn kiếp trước, của nghìn kiếp sau chứ không phải nhất thời, vì vậy, nó không bao giờ trở nên cũ kỹ, lỗi thời. Trang sách có thể úa vàng rách nát nhưng những con chữ trên mặt sách vẫn nóng hôi hổi như vừa được viết ra với dòng máu sục sôi.

 Tôi tin là Khuất Đẩu đã làm được điều đó qua tập truyện Người giữ nhà thờ họ và những truyện khác của ông.

 

– Trịnh Y Thư

(1/2025)