Wednesday, September 6, 2017

Người dịch bản “Bình Ngô đại cáo” được in trong VIỆT NAM SỬ LƯỢC là cụ Bùi Kỷ hay cụ Trần Trọng Kim?

Vũ thân,

1) Tôi cũng nghĩ như Vũ rằng người dịch bản “Bình Ngô đại cáo” in trong cuốn Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim là cụ Bùi Kỷ. Cũng có thể cả hai cụ cùng dịch. Như Vũ đã biết, cụ Trần từng có một bản lược dịch “Bình Ngô đại cáo” in trong Sơ Học An Nam Sử Lược (1917). Có thể trong khi viết hai cuốn sử kể trên, cụ Trần là người nghĩ đến việc dịch “Bình Ngô đại cáo” trước. Nhưng khi phải dịch toàn thể bản văn, cụ đề nghị cụ Bùi tiếp tay. Hai cụ là bạn tâm giao, trở thành em rể và anh vợ rất tương đắc (cụ Trần lấy em gái cụ Bùi). Dù cụ Trần có khởi xướng việc dịch, nhưng bản văn ở dạng hoàn hảo như được in trong Việt Nam Sử Lược (1920) và về sau in lại trong Quốc Văn Cụ Thể của cụ Bùi (1932), hẳn đã do cụ Bùi là người chấp bút chính. 

Trong thời gian tôi ở Trung học, tất cả các vị thầy của tôi, dù dạy Sử hay dạy Quốc văn, khi nhắc đến bản dịch ấy, đều nói là, "Bản dịch của Bùi Kỷ, in trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim” (cuốn Quốc Văn Cụ Thể không được phổ biến rộng như Việt Nam Sử Lược). Lên đến Đại học, tôi cũng nghe nói như thế. Trong hơn 20 năm ở Miền Nam, tôi không nghe có ai “đặt vấn đề” về chuyện ấy cả. Danh hiệu cụ Bùi không được ghi sau bản dịch in trong Việt Nam Sử Lược, có thể vì cả hai cụ cùng cho là không quan trọng. Các cụ từng hợp soạn nhiều cuốn sách (Việt Nam Văn Phạm, Truyện Thúy Kiều Chú Giải). Ngay trong những cuốn chỉ ghi tên cụ Trần (như Việt Nam Sử Lược, Nho Giáo) cụ Bùi cũng vẫn tiếp tay một cách đáng kể.

2) Tôi tin cụ Bùi là dịch giả (hay ít nhất dịch giả chính) của “Bình Ngô đại cáo” cũng vì văn phong ở trong bản dịch ấy.

--Văn cụ Trần là loại văn mộc mạc, giản dị của một nhà giáo, một nhà biên khảo. Trừ quyển thơ dịch Đường thi, tất cả tác phẩm khác đều bằng văn xuôi. Cụ viết nhắm mục đích giáo dục (Luân lý giáo khoa thư) hoặc phổ biến kiến thức (Nho giáo, Phật giáo, Vương Dương Minh ...). Kể cả trong cuốn hồi ký rồi đưa ra những suy nghĩ về đất nước (Một cơn gió bụi), cụ luôn luôn dùng lối văn thật thà, “có sao nói vậy,” không chải  chuốt, cầu kỳ. Cụ khộng bận tâm lắm đến việc gọt giũa câu văn cho hay:

“Danh với lợi ở đời là những cái mồi nó dử mình vào cạm bẫy để hành hạ cái thân mình, chung quy chỉ là một cuộc mộng ảo, chẳng có gì là thực. Khi đã mắc vào thì lắm lúc lại phải đi vào những nơi hôi thối, phải bưng mắt bịt mũi, thật là khổ.
Tôi nương náu ở đây chờ cho tình thế yên yên, thì thu xếp về bắc, là nơi có bà con, bạn bè để khi vui buồn có nhau, còn hơn là chỗ xa lạ.”
                                      (Một cơn gió bụi, Chương 12--Lên Nam Vang)

--Trong Việt văn cũng như Hán văn, cân đối là một trong những mỹ từ pháp quan trọng, giúp cho câu thơ, đoạn văn trở nên đẹp hơn, hay hơn:

Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên
(Truyện Kiều)

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn chau mặt với tang thương.
(Bà Huyện Thanh Quan)

Một trong những nét đẹp của một bài Đường luật bát cú là có những cặp câu 3-4 và 5-6 đối với nhau:

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
                   (“Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu)

Bản dịch của Tản Đà năm 1937 là một trong những bản dịch haycho bài thơ này nhưng chưa được coi là hoàn hảo vì ở thể lục bát, không phô diễn được nét đẹp của những cặp câu cân đối. Dịch lại bài này năm 1944 (7 năm sau Tản Đà), cụ Trần vẫn tiếp tục dùng thể lục bát:

Hạc vàng đi mất đã lâu
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông
Hán Dương cây bóng lòng sông
Bãi kia Anh Vũ, cỏ trông xanh rì.

Trong quyển Đường thi  do cụ Trần dịch có 67 bài thất ngôn bát cú. Chỉ có 3 bài được cụ dịch nguyên thể và 8 bài dùng thể song thất lục bát. Tất cả những bài còn lại đều được dịch sang lục bát, bỏ hẳn những cặp câu cân đối. Với những bài dịch nguyên thể hoặc dùng song thất lục bát (với hai câu thất có thể ghép cho đối với nhau), chuyện cân đối cũng không được cụ giữ trọn:

Tay mười ngón khoe khoang tài nghệ
Đôi lông mày không kẻ nét dài
(Dịch hai câu 5-6 bài “Bần nữ” [Người con gái nghèo] của Tần Thao Ngọc. Theo đúng luật thơ, trong nguyên tác chữ Hán, hai câu ấy đối với nhau)

Chúng ta có thể nói: Viết và dịch những cặp câu cân đối không phải là sở trường của cụ Trần.

--Ngược hẳn lại, đó chính là sở trường của cụ Bùi.

Trong bài song thất lục bát “Truy niệm cụ Tiên Điền,” cụ Bùi diễn ý “sau khi vua Lê Chiêu thống chết ở bên Tàu, Nguyễn Du về ẩn dật ở núi Hồng” bằng một cặp câu thất thật cân xứng:

Miền Bắc tái rồng bay mỏi cánh
Đỉnh Hồng sơn hạc lánh xa xa

Trong những bài tứ tuyệt, luật thơ không bắt phải có những câu đối với nhau, cụ Bùi cũng vẫn hạ bút viết những cặp câu như:

Người hết, danh chưa hết
Đời còn, việc vẫn còn
             (Bài “Đời người”)

Trời đất yêu ta, ta ở lại
Non sông nhớ bác, bác đi đâu?
            (Bài “Viếng bạn”)

--Vậy văn trong bản dịch "Bình Ngô đại cáo" giống với văn của ai? Chắc hẳn Vũ cũng đã thấy rất rõ.

"Bình Ngô đại cáo" dùng thể văn biền ngẫu, từng cặp câu đối nhau chan chát:

Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân
Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo
Duy ngã Đại Việt chi quốc
Thực vi văn hiến chi bang
Sơn xuyên chi phong vực ký thù
Nam Bắc chi phong tục diệc dị …

Nếu người dịch chủ yếu là cụ Trần, chúng ta khó có thể thấy trong bản dịch những cặp câu đối nhau rất tề chỉnh và lưu loát như:

Đau lòng nhức óc, chốc là mười mấy nắng mưa
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối   ...

Múa đầu gậy ngọn cờ phấp phới, ngóng vân nghê  bốn cõi đan hồ
Mở tiệc quân chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sĩ một lòng phụ tử   ...

Sĩ tốt ra oai tì hổ
Thần thứ đủ mặt trảo nha
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông phải cạn
Đánh một trận sạch không kình ngạc
Đánh hai trận, tan tác chim muông
Cơn gió to trút sạch lá khô
Tổ kiến hổng sụt toang đê cũ ...

Giang san từ đây mở mặt
Xã tắc từ đây vững bền
Nhật nguyệt hối mà lại minh
Càn khôn bĩ mà lại thái
Nền vạn thế xây nên chăn chắn
Thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu …

Những câu ấy gần với văn phong của cụ Bùi, khó có thể là văn của cụ Trần.

--Điều ấy cũng dễ hiểu nếu chúng ta ôn lại quá trình học tập của hai cụ.

Cụ Trần học chữ Hán lúc nhỏ ở nhà, nhưng từ 14, 15 tuổi đã theo tân học ở trường Pháp Việt. Cụ học chữ quốc ngữ, rồi chữ Pháp.  Văn chương Pháp, một ngôn ngữ đa âm, không có thể biền ngẫu với những cặp câu cân đối.

Cụ Bùi đậu Cử nhân Hán học, rồi đậu Phó bảng, được đào luyện trong lối học trường ốc. Đi thi thời xưa, phải dùng thể tứ lục (biền ngẫu) để viết những bài chiếu, chế, biểu… Nếu chỉ dịch “Bình Ngô đại cáo” sang văn xuôi, có thể cụ Trần không cảm thấy khó khăn. Nhưng dịch theo nguyên thể của Nguyễn Trãi như trong bản dịch được truyền tụng, với cụ Trần là một việc “thiên nan vạn nan.” Dù có là việc làm chung của hai người bạn thân, hai anh em, lời văn trong bản dịch hai cụ để lại cho chúng ta vẫn là văn của cụ Bùi.

Do đó, tôi hoàn toàn đồng ý với Vũ.   


Thân tặng ND, NV, và LK

                        http://tranhuybich.blogspot.com/