Sau
khi Trung Cộng dùng binh lực cướp quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam tháng 1 năm
1974, rồi bộc lộ tham vọng muốn độc chiếm Biển Đông, nhiều cuốn biên khảo về
Hoàng Sa, Trường Sa, các đảo, các bãi đá, tài nguyên, cùng tình trạng pháp lý
trên Biển Đông đã được học giới quốc tế soạn thảo. Hầu hết tác giả các sách ấy là
những nhà nghiên cứu dân sự. Năm 2001, một
Hải quân Đại tá của Hoa Kỳ, giáo sư tại National War College ở Washington, DC
là Đại tá Bernard D. Cole cho xuất bản cuốn The
Great Wall at Sea để trình bày những nghiên cứu của ông về hải quân Trung Cộng.
Cuốn sách rất được chú ý và đã Học viện Hải quân Hoa Kỳ tại Annapolis, Maryland
tái bản với những cập nhật cần thiết năm 2010. Nhưng nội dung cuốn ấy cũng chỉ
trình bày chính sách bành trướng của Cộng sản Trung Hoa một cách khái quát, rồi
đến việc tổ chức hải quân, các loại tàu, tàu ngầm, máy bay yểm trợ, các loại võ
khí. Sang lãnh vực nhân sự, cuốn sách nói tới cơ cấu tổ chức, các chuyên viên,
việc huấn luyện, và thể thức điều động của hải quân Trung Cộng.
The
Great Wall at Sea: China’s Navy in the 21st Century
2nd ed. Annapolis, MD : Naval Institute
Press, 2010
Qua
hai năm 2013 và 2014, hai cuốn sách về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được Đại
học Chiến tranh của Hoa Kỳ (U.S. Army War College) phối hợp với Viện Nghiên cứu
Chiến lược (Strategic Studies Institute, thường được viết tắt là SSI) ở
Carlisle, Pennsylvania xuất bản. Tác giả các cuốn ấy là cựu Trung tá Không quân
Claren J. Bouchat. Trung tá Bouchat từng phục vụ tại nhiều nhiệm sở khác nhau ở
Á Đông, sau khi về hưu cũng trở thành giảng sư tại U.S. Army War College. Ông
cũng dạy địa dư cùng Đông-Á học (East Asia Studies) tại University of Maryland và
U.S. Air Force Academy ở Colorado.
1.
The
Paracel Islands and U.S. Interests and Approaches
in the South China Sea
(Carlisle, PA : U.S. Army War College
& Strategic Studies Institute, 2014)
2.
Dangerous
Ground: The Spratly Islands and U.S. Interests and Approaches
(Carlisle, PA : U.S. Army War College
& Strategic Studies Institute, 2013)
Như
nhan đề đã ghi rõ, mục tiêu của hai cuốn biên khảo trên là quyền lợi của Hoa Kỳ
(“U.S. interests”). Sau khi trình bày lý lẽ của các phe tranh chấp cùng hiện trạng
của việc chiếm giữ, tác giả chỉ cho biết đó một vùng “nguy hiểm.” Quyền lợi
chính của Hoa Kỳ là tự do lưu thông. Tác giả gợi ý chính phủ Mỹ chỉ nên giữ vai
trò một trung gian hòa giải và hàn gắn (a conciliator), một trọng tài vô tư, một
người giữ thăng bằng (an honest broker, balancer), hai điều rất khó thực hiện
trước tham vọng bành trướng quá đáng và thái độ càng ngày càng hung hăng của Trung
Cộng. Hai cuốn sách trên đã được thực hiện thành e-book và có thể đọc dưới dạng
PDF tại những trạm nối sau:
Trong
năm 2011, một cuốn nghiên cứu nữa về hải quân Trung Cộng được Trung tâm Nghiên
cứu về Quân vụ Trung Hoa (Center for the Study of Chinese Military Affairs) và Viện
Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia (Institute for National Strategic Studies) thuộc
Đại học Quốc phòng của Hoa Kỳ (U.S. National Defense University) đồng xuất bản. Nhan đề cho thấy các tác giả đi sâu hơn vào một
số vấn đề cụ thể: The Chinese Navy:
Expanding Capabilities, Evolving Roles—Senkakus, Taiwan, Diaoyu, Paracel,
Spratly Islands nhưng nội dung vẫn là những phân tích tổng quát. Đúng ra, đây là bản cập nhật và bổ túc những bài thuyết trình mang tính cách lịch sử và nghiên
cứu kỹ thuật được tổ chức ở Đài Bắc năm 2007. Thuyết trình đoàn gồm một số nhà
lãnh đạo của hải quân Hoa Kỳ: hai cựu Đề đốc (Rear Admiral), một cựu Hải quân Đại
tá (Navy Captain), có người từng làm Tùy viên Quân sự tại tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc
Kinh, có người từng là Giám đốc sở Chính sách Đông Á Châu (East Asia Policy)
thuộc Bộ Quốc phòng, hoặc Giám đốc về Chiến lược, Kế hoạch Chiến tranh và Chính
sách (Strategy, War Plans and Policy) tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ
(U.S. Pacific Command). Cũng có những bài thuyết trình của một số trí thức, học
giả dân sự phục vụ trong ngành Quốc phòng, như một vị Tiến sĩ về Bang giao Quốc
tế tại Đại học Princeton, đảm nhận chức Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu
Chiến lược Quốc gia tại Đại học Quốc phòng (Director of Studies, Institute for
National Strategic Studies at U.S. National Defense University). Trong sách cũng
có một bài thuyết trình của vị Thứ trưởng đặc trách Chính sách (Deputy Minister
for Policy) tại Bộ Quốc phòng của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan. Cuốn
sách chỉ đưa ra những đề nghị rất ôn hòa cho chính phủ Hoa Kỳ. Trong phần kết
luận bài thuyết trình của mình, Đề đốc Michael McDevitt chỉ dự phóng chính phủ
Hoa Kỳ sẽ làm đủ mọi cách để khả năng của mình tại phía Đông Á Châu lúc nào
cũng ngang bằng hoặc trội hơn khả năng của Hoa lục. Trong khi ấy, Đề đốc Eric
A. McVadon đề nghị hải quân Hoa Kỳ dùng lực lượng mạnh mẽ của mình để ngăn ngừa,
giúp đỡ, bảo vệ, và cộng tác (deter, assist, protect, and cooperate), tránh vận
dụng khả năng chiến đấu một cách không cần thiết. Ông dẫn quan niệm của Tôn Tử
đối với chiến tranh: cuộc chiến tranh chắc chắn thắng là cuộc chiến tranh không
cần đánh.
Hai ấn bản khác nhau của The Chinese Navy: Expanding Capacities,
Evolving
Roles—Senkakus, Taiwan, Diaoyu, Paracel, Spratly Islands
(Washington, DC : US Department of Defense, 2011)
Cuốn
sách có thể đọc dưới dạng PDF tại trạm nối sau đây:
Một
thay đổi đáng chú ý xuất hiện trong một tài liệu nghiên cứu công phu được thực
hiện năm 2014. Đó là cuốn China versus
Vietnam: An Analysis of the Competing Claims in the South China Sea (Trung Hoa
đối chiếu với Việt Nam: Phân tích những tranh chấp chủ quyền trong biển Nam
Trung Hoa). Tác giả của bản nghiên cứu ấy là Hải quân Đại tá Raul (Pete)
Pedrozo, sau khi về hưu là giáo sư về Quốc tế Công pháp (International Law) tại
Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Ông cũng là Chuyên viên Pháp lý tại Bộ Tư lệnh Thái
Bình Dương của Hoa Kỳ, và là Phụ tá đặc biệt của vị Thứ trưởng đặc trách về Chính
sách tại Bộ Quốc phòng (Special Assistant to the Under Secretary of Defense for
Policy). Đây là một bản phân tích trên
khía cạnh pháp lý (legal analysis), được thực hiện theo chỉ định, là một phần của
một dự án kế hoạch lớn hơn, có nhan đề “U.S. policy options in the South China
Sea” (Những lựa chọn khác nhau về chính sách của Hoa Kỳ trong biển Nam Trung
Hoa). Bản nghiên cứu ấy được Center for Naval Analyses (CNA) phổ biến một cách
không giới hạn tới công chúng (distribution unlimited, for public release) tháng
8 năm 2014.
China
versus Vietnam: an Analysis
of
the Competing Claims in the South China Sea
(Arlington, VA : Center for Naval Analyses, 2014)
Trong
bản nghiên cứu dày 132 trang khổ giấy văn kiện (8 ½ x 11), Giáo sư Pedrozo phân
tích những đòi hỏi chủ quyền của Trung Hoa rồi tới của Việt Nam. Với mỗi phía,
ông cân nhắc các chứng cớ lịch sử, đối chiếu lý lẽ được đưa ra với sự thật, xem
xét việc khai thác và phát triển về kinh tế, tìm hiểu khả năng quản trị một
cách hiệu quả (effective administration), rồi đến sự công nhận của cộng đồng quốc
tế (international recognition). Phát hiện của ông được tóm lược trong phần kết
luận như sau:
“Dựa vào những lý luận và chứng cớ do
các bên đòi chủ quyền đưa ra và theo nguyên tắc chung của công pháp quốc tế liên quan đến việc thủ đắc lãnh thổ, có vẻ là
việc đòi chủ quyền của Việt Nam với những đảo ở biển Nam Trung Hoa ở cấp ưu việt
hơn (superior) một cách rõ ràng.
Chủ quyền của Việt Nam với quần đảo
Paracels (= Hoàng Sa) có nền tảng chắc chắn trong lịch sử và theo pháp lý. Từ đầu
thế kỷ 18, Việt Nam đã biểu lộ một ý định rõ rệt cho việc thiết lập chủ quyền
trên các đảo qua sự thành lập một công ti do chính phủ bảo trợ để khai thác và
quản trị các tài nguyên trên quần đảo ấy. Ý định đó được xác nhận qua việc sáp
nhập các đảo và qua những hành động tượng trưng biểu lộ chủ quyền đầu thế kỷ 19,
tiếp theo là sự quản trị các đảo một cách hòa bình, hiệu quả, và liên tục trong
triều Nguyễn cho tới thời thuộc Pháp. Nước Pháp tiếp tục nhân danh Việt Nam quản
trị các đảo, thực sự nắm chủ quyền và đóng giữ trong thập niên 1930. Sau đó,
Pháp tiếp tục xác nhận chủ quyền trên quần đảo Paracels cho đến khi rời khỏi Đông
Dương năm 1956. Sau khi Pháp rút đi, Nam Việt Nam (sau đó là Việt Nam thống nhất)
quản trị các đảo một cách hiệu quả, không bao giờ ngưng xác nhận chủ quyền của
mình trên quần đảo ấy, ngay cả sau khi Trung Hoa chiếm cứ một cách bất hợp pháp
một phần của quần đảo năm 1956 và toàn thể quần đảo năm 1974.
Mặt khác, mãi đến năm 1909, việc chứng
tỏ chủ quyền của Trung Hoa với quần đảo Paracels mới diễn ra lần đầu tiên, hai
thế kỷ sau khi Việt Nam đã thiết lập chủ quyền trên các đảo một cách hiệu quả
và hợp pháp. Thêm vào đó, việc Trung Hoa chiếm đóng Woody Island (= đảo Phú
Lâm, Trung Cộng gọi là Vĩnh Hưng đảo) một cách bất hợp pháp năm 1956 và chiếm
đóng toàn thể quần đảo bằng võ lực năm 1974, hiển nhiên đã vi phạm Điều 2(4) của
Hiến chương Liên Hiệp Quốc, do đó không đem cho Trung Hoa một chủ quyền pháp lý
minh bạch.”
(“Based on the arguments and evidence
submitted by the claimants and general principles of international law related
to the acquisition of territory, it would appear that Vietnam clearly has a
superior claim to the South China Sea islands.
Vietnam’s title to the Paracels is
well founded in both history and law. Beginning in the early 18th century,
Vietnam demonstrated a clear intent to assert sovereignty over the islands
through the establishment of a government‐sponsored company to exploit and
manage the resources of the archipelago. That intent was confirmed by the
annexation of the islands and symbolic acts of sovereignty in the early 19th
century, followed by peaceful, effective, and continuous administration of the islands by
successive Nguyen dynasties until the advent of the French colonial period.
France continued to effectively administer the islands on behalf of Vietnam and
physically took possession and occupied the Paracels in the 1930s. Thereafter,
France continued to assert its sovereignty over the Paracels until its
departure from Indochina in 1956. Following the French withdrawal, South
Vietnam (and subsequently a united Vietnam) effectively administered the
islands and never ceased to assert Vietnamese sovereignty over the archipelago,
even after China illegally occupied a portion of the islands in 1956 and the
entire archipelago in 1974.
On the other hand, the first
demonstration of Chinese sovereignty over the Paracels did not occur until
1909, two centuries after Vietnam had legally and effectively established its
title to the islands. Moreover, China’s illegal occupation of Woody Island in
1956, and its occupation of the entire archipelago by force in 1974, clearly
violate Article 2(4) of the UN Charter and accordingly do not confer a clear
legal title to the Paracels”). ¹
Sang
tới quần đảo Trường Sa (Spratly islands), Giáo sư Pedrozo viết:
“Với quần đảo Spratlys, nước Pháp sáp
nhập những đảo ấy như những đất vô chủ trong thập niên 1930--Ở thời đó, chiếm
đóng bằng sức mạnh là phương cách hợp pháp để thiết lập chủ quyền. Anh quốc, vốn
đã kiểm soát một vài hòn đảo trong quần đảo Spratlys trong những năm 1800, từ bỏ
việc tuyên bố chủ quyền sau khi Pháp sáp nhập và chiếm đóng, do đó chủ quyền của
Pháp với quần đảo Spratlys được thiết lập hợp pháp và vững chắc. Chủ quyền từ
Pháp được chuyển cho Nam Việt Nam trong thập niên 1950. Chính phủ Nam Việt Nam
(và sau đó Việt Nam thống nhất) kiểm soát những đảo ấy một cách hiệu quả và hòa
bình cho đến khi binh lực của Trung Hoa Dân Quốc (ROC = Republic of China) chiếm
đóng một cách bất hợp pháp đảo Itu Aba (= đảo Ba Bình, chính phủ Đài Loan gọi
là Thái Bình đảo) năm 1956, và binh lực của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (PRC =
People’s Republic of China) chiếm đóng một cách bất hợp pháp một số đảo nhỏ năm
1988.
Việc Trung Hoa Dân Quốc chiếm đóng đảo
Itu Aba năm 1946 và 1956, và việc Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa xâm lăng quần đảo
Spratlys năm 1988 vi phạm Điều 2(4) của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, không thể
cho Trung Hoa cũng như Đài Loan có chủ quyền minh bạch đối với quần đảo
Spratlys… Việc Trung Hoa đòi hỏi chủ quyền trên quần đảo Spratlys không có căn
bản pháp lý theo quốc tế công pháp.”
(“With regard to the Spratlys, France
annexed the islands as terra nullius in the 1930s—at the time, occupation by
force was a valid method of acquiring sovereignty over territory. Great
Britain, which had controlled some of the Spratly Islands in the 1800s,
abandoned its claims following the French annexation and effective occupation,
so French title to the Spratlys was legally and soundly established. France’s
title to the archipelago was ceded to South Vietnam in the 1950s and the South
Vietnamese government (and subsequently a united Vietnam) effectively and
peacefully controlled the islands until ROC forces illegally occupied Itu Aba
Island in 1956 and PRC forces illegally occupied a number of islets in the
archipelago in 1988.
The ROC’s occupation of Itu Aba
Island in 1946 and 1956, and the PRC’s invasion of the Spratlys in 1988,
violate Article 2(4) of the UN Charter and cannot confer clear title to the
Spratlys to either Taiwan or China… China’s claim to the Spratlys has no legal
basis in international law”).²
Toàn
văn bản nghiên cứu của Giáo sư Pedrozo, được thực hiện thành một e-book, có thể
đọc tại trạm nối sau đây:
Những
nhận định do Giáo sư Pedrozo đưa ra quan trọng và hữu ích vì một số học giả Tây
phương trước ông có những phán đoán thuận lợi cho Trung Hoa, hoặc hoàn toàn
bênh vực Trung Hoa. Sau khi cướp được toàn thể quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng
Hòa năm 1974, nhà cầm quyền Bắc Kinh tung ra nhiều tài liệu ngụy tạo, hoặc
xuyên tạc sử liệu để cố chứng minh rằng các quần đảo ấy thuộc lãnh thổ Trung
Hoa từ đời Hán, trong thời Nam Bắc triều, hoặc trong các triều Tống, Nguyên,
Minh. Một số học giả Tây phương có uy tín bị lầm trước các tài liệu ấy, điển
hình là Giáo sư Dieter Heinzig trong cuốn Disputed
islands in the South China Sea do Otto Harrassowitz ở Wiesbaden (Đức) và Institute
of Asian Affairs in Hamburg (Đức) đồng xuất bản năm 1976, và Giáo sư Marwyn S.
Samuels trong cuốn Contest for the South
China Sea được Methuen & Co xuất bản đồng thời ở New York và London năm
1982. Theo Giáo sư Heinzig, “Nhìn theo
khía cạnh lịch sử, những người Việt Nam ở vị trí yếu hơn những người Trung Hoa
(“From an historical point of view, the
Vietnamese are in a weaker position than the Chinese”). ³ Tuy Giáo sư
Samuels cũng cho rằng chủ quyền của Trung Hoa ở Trường Sa là “highly questionable,” ông quan niệm “Đòi hỏi của Trung Hoa với quần đảo Paracels
vững hơn” (“China has the better
claim to the Paracels”). ⁴
Giáo
sư Greg Austin tại Australian National University, trong cuốn China’s Ocean Frontier: International Law,
Military Force and National Development (Sydney : Allen and Unwin, 1998) còn
cho rằng “Việc đòi chủ quyền của Trung
Hoa trên quần đảo Paracel ưu việt hơn tất cả những đòi hỏi khác,” và “ít nhất ngang hàng với các đòi hỏi khác
trong trường hợp quần đảo Spratly” (“China’s
claim is superior to all other claims on the Paracel Islands,”and “is at the very least equal to other claims
in the case of the Spratly Islands”). ⁵ Ông
biện bác rằng hành động của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Hoa luôn luôn phù hợp với luật pháp quốc tế (“consistent with international law”). Tuy
nhiên, có một điều cũng nên biết về Giáo sư Austin: trong thời gian chuẩn bị để
xuất bản cuốn sách (1998), ông được mời làm “tham vấn viên danh dự” (honorary
consultant) cho một học viện về môi sinh có trụ sở ở Bắc Kinh.
Một
nhà luật học danh tiếng của nước Pháp, Giáo sư Monique Chemillier-Gendreau, có
nhận định tương tự với nhận định của Giáo sư Pedrozo. Giáo sư Chemillier-Gendreau
là giáo sư danh dự (professeur émérite) về công pháp và chính trị học tại Đại học
Paris VII (Diderot). Những xét đoán của bà về vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa được trình
bày trong cuốn La souveraineté sur les
archipels Paracels et Spratleys (Paris : L’Harmattan, 1996). Bản dịch sang
Anh ngữ của cuốn này mang nhan đề Sovereignty
over the Paracel and Spratly Islands (The Hague ; Boston : Kluwer
International, 2000).
Xét
đoán của bà có thể thu tóm trong câu:
“Cho tới khi bị hòa ước chấp nhận sự
bảo hộ của Pháp năm 1884 ngăn trở, Việt Nam nắm quyền sở hữu không ai tranh cãi
và từ gần hai thế kỷ trên các quần đảo, một quyền phù hợp với hệ thống pháp luật
thời đó.
Quyền ấy được hành sử một cách không thể
ngờ vực điểm nào trên quần đảo Hoàng Sa…”
(“Lorsqu’ intervient la traité de protectorat
français en 1884, le Viet-Nam détient, sans concurrence et depuis près de deux
siècles, un droit, conforme aux système juridique de l’époque, sur les archipels.
Ce droit s’exerce sans aucun doute
sur les Paracels …”).⁶
Giáo
sư Chemillier-Gendreau ghi lại một cách tường tận những hành động của nhà cầm
quyền Pháp trong những năm 1933 và 1938, nhằm thiết lập chủ quyền trên quần đảo
Trường Sa. Bản nghiên cứu của Giáo sư Pedrozo được coi là phong phú hơn, vì có
thêm phần phân tích, vạch ra những chỗ ngụy tạo hay xuyên tạc sử liệu của nhà cầm
quyền Trung Cộng. Ta cũng nên ghi nhận rằng bản phân tích của giáo sư Pedrozo
phổ biến từ tháng 8 năm 2014, gần hai năm trước khi tòa Trọng tài Quốc tế
(Permanent Court of Arbitration) phán quyết rằng Trung Hoa không hề có “chủ quyền
lịch sử” trong khu vực “đường chín đoạn” (“China
has no ‘historical rights’ based on the ‘nine-dash-line’ map”). Phán quyết ấy
mãi đến tháng 7 năm 2016 mới được đưa ra.
Tài
liệu mới thứ hai đáng được chú ý là cuốn China’s
Quest for Great Power: Ships, Oil, and Foreign Policy của Giáo sư Bernard
D. Cole (Annapolis, MD : Naval Institute Press, 2016).
Giáo
sư Cole, tác giả cuốn The Great Wall at
Sea được nói tới ở trên, đã trở thành một giáo sư danh dự (professor
emeritus) tại National War College. Tuy trọng tâm cuốn sách mới của ông là sức
mạnh trên biển của Trung Hoa, một trong ba yếu tố quan trọng chi phối chiến lược
an ninh của Bắc Kinh (hai yếu tố kia là việc tìm kiếm nhiên liệu và chính sách
ngoại giao), ông cũng bàn tới giá trị của những đòi hỏi chủ quyền trên Biển
Đông. Ông nhắc lại nhận định của Giáo sư Pedrozo, “Vietnam clearly has a superior claim to the South China Sea Islands,”
và tán đồng ý kiến của Giáo sư Pedrozo khi cho rằng Việt Nam đã có những hành động
tượng trưng để thiết lập chủ quyền trên các đảo đầu thế kỷ 19, theo sau là sự
quản trị hòa bình, hiệu quả, và liên tục của chính quyền Việt Nam rồi đến chính
quyền Pháp trên các đảo. Ông cũng nhắc lại nhận định của Giáo sư Pedrozo, “hành động đầu tiên của Trung Hoa để tuyên bố
chủ quyền không hề có cho tới năm 1909.” Ông cũng nhắc lại rằng việc Trung
Cộng chiếm đóng Hoàng Sa, một số đảo, đá ở Trường Sa, và một vài địa điểm khác
trên Biển Đông, là dùng võ lực để đánh chiếm. ⁷
Cuốn
sách của ông được nhiều người biết tới (Giáo sư Cole từng được bầu là “Author
of the Year” tại Naval Institute Press năm 2014) nên những điều ông viết chắc
chắn sẽ có ảnh hưởng rộng lớn hơn. Ông cũng viết về việc Trung Cộng bồi đắp nên
các đảo nhân tạo rồi biến các đảo ấy thành những căn cứ quân sự trên Biển Đông.
Cuốn
sách thứ ba đáng được chú ý tới là cuốn The
South China Sea (SCS) Territorial Disputes : Catalyst for a United States –
Vietnamese Security Partnership (Những tranh chấp lãnh thổ trong Biển Nam Trung
Hoa : Chất xúc tác cho một sự hợp tác Hoa Kỳ - Việt Nam) của Thiếu tá Jared
Wayne Britz thuộc Quân lực Hoa Kỳ. Phía sau nhan đề còn ghi thêm: Strategy,
Policy, Provocations and Challenges—Role of Philippines, Malaysia, Brunei.
Đây
nguyên là bản tiểu luận Cao học về Khoa học Quân sự (Master of Military Art and
Science), chuyên ngành Nghiên cứu Chiến lược (Strategic Studies), do Thiếu tá
Britz đệ trình tại U.S. Army Command and General Staff College tại Fort
Leavenworth, Kansas năm 2015. Đây là một Đại học Quân sự ở cấp cao của Hoa Kỳ,
nơi nhiều danh tướng của nước Mỹ như Tổng thống Đại tướng Dwight D. Eisenhower,
các Đại tướng nổi danh Douglas MacArthur và George S. Patton từng theo học. Điều
đáng chú ý là sau khi Thiếu tá Britz được chấm đậu Cao học, Bộ Quốc phòng Mỹ đã
cho một cơ sở xuất bản là Progressive Management Publications ấn hành bản tiểu
luận ấy với danh nghĩa một tài liệu của chính phủ và bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (U.S.
Government, U.S. Military, Department of Defense). Những ý kiến trong tiểu luận không còn là
riêng của Thiếu tá Britz, mà phần nào cũng phản ảnh quan niệm của một số giới
chức cao cấp hơn.
Trong
phần tóm lược, Thiếu tá Britz cho biết: Do những hành động quyết liệt của Bắc
Kinh, Việt Nam đang tìm cách tăng cường các hợp tác quân sự và an ninh hầu tạo đối
trọng trước ưu thế quân sự của Trung Hoa. Bản tiểu luận phân tích xem chuyện có
những quyền lợi tương đồng có thể giúp cho việc hợp tác quân sự tới mức nào. Mục
đích của việc nghiên cứu là tìm xem sự hợp tác ấy có giúp ích cho quyền lợi của
nước Mỹ trong vùng biển Nam Trung Hoa hay không. Sau khi phân tích các sự kiện trên
nhiều khía cạnh, Thiếu tá Britz đưa ý kiến: Trong hoàn cảnh hiện tại, Hoa Kỳ có
bốn lựa chọn khác nhau, và đề nghị Hoa Kỳ nhận lựa chọn thứ ba: Tăng tiến thêm
trong hợp tác với Việt Nam về an ninh (Advancement of US - VN security
partnership).
Theo
bản tiểu luận, Hoa Kỳ có thể tăng thêm những trợ giúp quân sự cho Việt Nam,
giúp việc huấn luyện, bán võ khí sát thương, giúp Việt Nam trong việc đóng giữ
và kiểm soát những vị trí Việt Nam đang còn giữ được trong quần đảo Trường Sa,
để Trung Hoa thấy rằng muốn chiếm đoạt những vị trí ấy sẽ phải tốn kém hơn rất nhiều.
Hoa Kỳ cũng có thể giúp Việt Nam tăng cường khả năng hải quân và không quân, để
Việt Nam có thể tự bảo vệ một cách hữu hiệu hơn. Nếu Việt Nam không thể giữ những
vị trí còn trong tay ở Trường Sa, cả vùng biển ấy sẽ thuộc quyền kiểm soát của
Trung Cộng. Nếu khống chế cả vùng biển, Trung Cộng sẽ gây khó khăn cho việc lưu
thông của Hoa Kỳ rất nhiều. Bản tiểu luận không đề nghị việc thiết lập căn cứ
quân sự một cách vĩnh viễn vì Trung Hoa sẽ phản đối rất mạnh, nhưng tán thành
việc được quyền tới sử dụng các phương tiện có ở mỗi căn cứ. Theo bản tiểu luận, tăng cường hợp tác an
ninh là việc nên làm: giúp Việt Nam mạnh hơn cũng là giúp quyền lợi của Hoa Kỳ.
⁸
Bản
tiểu luận của Thiếu tá Britz có thể đọc dưới dạng PDF tại trạm nối sau đây:
Kết
luận:
Trong
bản tóm tắt chiến lược Quốc phòng của Hoa Kỳ trong năm 2018 (Summary of the
2018 National Defense Strategy of the United States of America), một văn kiện
chính thức của chính phủ Hoa Kỳ, mang chữ ký của Bộ trưởng Quốc phòng Jim
Mattis, các nhà soạn thảo tại Ngũ giác đài nêu đích danh Trung Hoa là quốc gia
cạnh tranh về phương diện chiến lược (“China
is a strategic competitor”) đang bắt nạt các nước láng giềng trong khi quân
sự hóa các thực thể địa dư trong biển Nam Hải (“intimidate its neighbors while militarizing features in the South
China Sea”). Theo các nhà soạn thảo, Trung Hoa sẽ tiếp tục theo đuổi chương
trình canh tân hóa quân đội để chiếm được vị trí bá quyền trong vùng Ấn Độ -
Thái Bình Dương trong ngắn hạn, và đánh bật Hoa Kỳ để thay chỗ nhằm đạt tới vị
trí ưu thắng toàn cầu trong tương lai (“will
continue to pursue a military modernization program that seeks Indo-Pacific
regional hegemony in the near-term and displacement of the United States to
achieve global preeminence in the future”). ⁹
Để đối phó với hiện trạng
ấy, các nhà lãnh đạo tại Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nêu ra ba việc phải làm. Một
trong ba việc ấy là tăng cường các liên minh cũ và tìm cách có thêm những cộng
tác mới.
Việc đời vẫn thường thay
đổi. Nhận thức của nước Mỹ về Trung Hoa năm 2018 dưới sự lãnh đạo của Tập Cận
Bình không còn giống như khi đội bóng bàn của Hoa Kỳ sang Trung Hoa thực hiện
“ping-pong diplomacy” trong những năm đầu của thập niên 1970.
Trung Hoa không còn là
nơi các nhà doanh nghiệp Mỹ tung vốn đầu tư một cách thật thoải mái, chỉ cần
biết đó là một chỗ giá nhân công rẻ mạt.
Hiểu biết của học giới và các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ về các quần đảo
Paracel, Spratly cùng việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông năm 2018 cũng
khác xa tầm hiểu biết của các vị năm 1974, khi Trung Cộng tung quân đánh chiếm Hoàng
Sa. So với các bài thuyết trình của các Đề đốc Michael McDevitt và Eric A.
McVadon trong những năm 2007-2011, so với những đề nghị của Trung tá Clarence
J. Bouchat trong những năm 2013-2014, thì chiến lược Quốc phòng của Hoa Kỳ năm
2018 như được nêu ra trong bản tóm tắt phía trên quả có những điểm khác, đem
tới những thay đổi khá mạnh. Tuy có phần mạnh mẽ, sự thay đổi ấy không đột ngột
và vô lý. Với một quốc gia lớn và đã có nền tảng vững chắc như Hoa Kỳ, những
thay đổi quan trọng thường không do những ý muốn bốc đồng của một vị Tổng thống
hay ý kiến chủ quan của một vị Bộ trưởng, mà là kết quả của những nghiên cứu kỹ
lưỡng và phân tích cẩn trọng thu góp từ nhiều năm. Ba tài liệu nghiên cứu được
nhắc đến phía trên hẳn cũng có góp phần vào sự thay đổi ấy.
Trần
Huy Bích
https://tranhuybich.blogspot.com/
1.
Raul (Pete) Pedrozo, China versus Vietnam : An Analysis of the
Competing Claims in the South China Sea (Arlington, VA : Center for Naval
Analyses, 2014), 130.
2.
Pedrozo, op. cit., 130-31.
3.
Dieter Heinzig, Disputed Islands in the South China Sea
(Wiesbaden : Otto Harrassowitz, 1976),
24.
4.
Marwyn S. Samuels, Contest for the South China Sea (New
York : Methuen, 1982), 67-68.
5.
Greg Austin, China’s Ocean Frontier (Sydney : Allen
and Unwin, 1998), 161.
6.
Monique
Chemillier-Gendreau, La souveraineté sur
les archipels Paracels et Spratleys (Paris : L’Harmattan, 1996), 78.
7.
Bernard D. Cole, China’s Quest for Great Power
(Annapolis, MD : Naval Institute Press, 2016), 190.
8.
Jared Wayne Britz, The South China Sea (SCS) Territorial
Disputes (San Bernardino, CA : Progressive Management, 2017), 68-70.
9.
United States. Dept of
Defense, “Summary of the 2018 National Defense Strategy of the United States of
America” (Washington, DC : The Dept., 2018), 1-2.