Cứ như suy nghĩ thông thường thì một thi sĩ phải
có bộ điệu bất cần đời, ăn mặc phải lôi thôi lếch thếch một chút cho có vẻ
khác người. Niên học 1955-1956 tôi học lớp Đệ Nhị ban Văn Chương tại trường
Chu Văn An Saigon. Giáo sư môn Văn Chương Việt Nam là thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
Giờ Việt văn đầu niên học, chúng tôi hồi hộp chờ đợi xuất hiện bóng dáng
"phong sương" của thi hào nổi tiếng họ Vũ. Nhưng người bước vào lớp
chẳng như chúng tôi chờ đợi mà là một nhân vật ăn mặc chải chuốt như một
chính khách. Không, phải nói như một nhà ngoại giao chuyên nghiệp mới đúng.
Áo sơ mi lụa màu mỡ gà. Quần nâu với hai đường li
thẳng tắp. Giầy da nâu bóng loáng. Mũ phớt màu nâu nhạt. Và một chiếc cà vạt
màu nâu hồng có điểm những nụ hoa nhỏ xíu màu hồng nhạt. Màu sắc từ trên
xuống dưới ăn khớp với nhau một cách rất nghệ thuật. Như một bức họa. Chưa hết.
Một chiếc kẹp cà vạt mạ vàng cùng với một cặp nút cài măng sét làm cho bộ
quần áo thêm phần "vương giả". Không phải chỉ trong buổi dạy
"ra mắt" học sinh thầy Chương của chúng tôi mới diện như vậy. Trong
suốt năm học lúc nào thầy cũng chải chuốt một cách lạ thường. Những ngày nóng
bức nhất cũng không làm chiếc cà vạt rời khỏi cổ thầy. Những ngày se lạnh chỉ
thêm dịp cho thầy đóng nguyên một bộ đồ lớn loại sang.
Phải công nhận là thầy Chương có "gu"
ăn mặc. Màu sắc luôn luôn hài hòa mát dịu. Thầy nổi bật trong phòng giáo sư
hồi đó với phong cách rất mực phong lưu. Luôn luôn từ tốn, lịch sự nhưng
không mất đi vẻ thân mật đối với các giáo sư khác cũng như đối với học sinh.
Nét phong lưu còn rõ ràng hơn khi thầy ngồi ngất ngưởng trên xích lô đạp tới
trường. Thầy là giáo sư duy nhất tới dậy học bằng xích lô đạp hàng ngày.
Ông xích lô đạp chắc không phải cố gắng nhiều khi
chở trên xe một ông khách có sức nặng khiêm nhượng như thầy Chương. Người
thầy mỏng lét. Bộ ngực lép kẹp được chúng tôi gọi là ngực...Oméga. Oméga là
tên một loại đồng hồ đeo tay có đặc điểm là bề dày của nó rất mỏng. Càng mỏng
càng đắt tiền. Ngực Oméga không phải là ngực "đắt tiền" nhưng là
loại ngực mỏng của người thiếu sức khỏe. Nước da trắng xanh cùng với khuôn
mặt gầy gò rất nhiều vết nhăn quanh miệng và quanh hai khóe mắt chứng tỏ điều
đó. Nghe nói là thầy làm bạn với nàng tiên nâu nhưng chúng tôi không tìm thấy
ở thầy những dấu hiệu của một người ghiền. Cặp môi không thâm và không có
điệu bộ như một cặp môi đón dọc tẩu, dáng người không so bại, quần áo không
lếch thếch dơ dáy và người không tỏa ra mùi khét lẹt. Chỉ có cặp mắt hơi lim
dim nhưng là cái lim dim của một thi sĩ thoát tục hơn là cái lim dim mệt mỏi
của một tiên ông.
Nhưng thực ra thầy cũng chẳng dấu cái tình bạn
với ả Phù Dung của thầy. Tết năm đó một nhóm trong lớp gồm sáu anh em mặn mòi
với văn chương tới nhà tết thầy. Nhà thầy ở trong một ngõ hẻm. Những chiếc xe
đạp của đám học trò phải loay hoay mãi mới dựng được gọn gàng bên vách nhà mà
không cản trở lưu thông trong ngõ. Cửa nhà vừa mở là mùi trầm đã ngạt ngào
bay ra. Ánh sáng trong nhà yếu đuối vàng vọt. Chúng tôi lặng lẽ bước vào như
đi hành hương. Như có một cái gì thật nghiêm trang bao quanh chúng tôi. Thầy
lên tiếng bảo chúng tôi vào. Chúng tôi e dè kéo ghế chia nhau chỗ ngồi. Ghế
không đủ cho đám khách đông đảo, chúng tôi phải ngồi bớt trên giường. Giữa
thầy với chúng tôi là một bộ bàn đèn. Ngọn đèn dầu lạc còn leo lét cháy. Mùi
thơm thuốc phiện phảng phất quanh nhà. Thầy mặc chiếc áo màu đà có khuy cài
bên như kiểu áo dài. Áo buông ngang đầu gối. Một chiếc quần dài cũng màu đà.
Trông thầy như một bậc tu hành ở chốn thiền môn.
Chỉ khác là thầy có mái tóc hoa râm dài rẽ ngôi ngay chính giữa làm cho khuôn
mặt thầy vuông vức sắc cạnh.
Một anh đại diện anh em đứng dậy chúc tết và
trình thầy mấy món quà tết nho nhỏ. Một lọ trà, một hộp bánh, một túi trái
cây. Thầy nhận và kêu cô ra. Cô vén chiếc màn bằng vải hoa ngăn đôi phòng
khách với phòng trong ra chào hỏi chúng tôi, nói dăm ba câu chuyện, bầy lễ
tết lên bàn thờ rồi rút vào phòng trong. Thầy bảo chúng tôi rót nước trà
uống.
Thầy trò đàm đạo về thi ca. Thầy nói ròng rã về
những trào lưu thi ca ở Pháp. Câu chuyện xoay về với thực tại. Cái tết nóng
nảy ở miền Nam. Tết mà không có xuân. Thầy trò quay về với cái tết miền Bắc,
nơi mà những kỷ niệm còn mượt mà trong trí tưởng. Không khí xuân ở chốn quê
hương xa xăm đó sao mà tuyệt diệu. Thầy trò nhắc tới những ngày xuân cũ bằng
những lời bàng bạc nuối tiếc. Hai năm cơm gạo miền Nam chưa làm dịu được nỗi
niềm xa xứ. Nỗi xót xa được nhắc nhở mỗi ngày khi thầy trò phải đi cổng sau
vào học nhờ trong một căn nhà lầu cũ của trường Pétrus Ký.
Chúng tôi ngỏ ý cáo từ để thầy nghỉ thì thầy
khoát tay bảo chúng tôi ngồi lại. Thầy lấy mực và một xấp giấy đỏ ra để tặng
chữ kỷ niệm. Không khí vui nhộn hẳn lên. Chúng tôi lật những tập thơ của thầy
ra tìm những câu thích nhất để xin thầy viết. Có được những câu thơ ưa thích
do chính tác giả viết phải là một kỷ vật thích thú lắm chứ. Nhưng có anh lại
xin thầy một câu đối chữ Hán. Những ông đồ non này bảo là có đôi câu đối với
nét chữ bay bướm như vậy treo trong nhà ngày tết thì có lý vô cùng. Thầy chỉ
khẽ mỉm cười vung tay viết ra những chữ đẹp như vẽ. Chỉ cần nhìn vào nét chữ
cũng đủ thấy cái tài hoa khôn sánh của thầy. Mỗi chữ lững lờ như tiềm tàng niềm
ngây ngất ẩn dấu. Thấy chữ như buông thả mà trong chữ dường như có tâm sự
riêng.
Tôi chẳng có thể nhớ được những câu thơ thầy viết
cho chúng tôi bữa đó. Nhất là nhiều câu thầy cho bằng chữ Hán, thứ chữ mà tôi
ăn đong! May sao, trong dịp tết Kỷ Mùi 2019 vừa qua, tôi qua California ăn
tết và gặp anh Trần Huy Bích, một trong sáu anh em cùng tới tết thầy năm đó.
Anh Bích, nay là một Tiến sĩ về Trung-Hoa-học, có trí nhớ dai khủng khiếp lại
thông thạo Hán tự, còn nhớ được những câu thơ, câu đối thầy tặng từng người
hồi đó.
Nói về quà của tôi trước. Bữa đó tôi đi cùng với
người em ruột là Tạ Trung Dũng, hiện sống ở Novato, California, được thầy
tặng mỗi người hai câu chữ Hán:
興酣怒見奔秦鹿
曲罷驚聞泣洱河
Hứng hàm nộ kiến bôn Tần lộc
Khúc bãi kinh văn khấp Nhị hà
Và hai câu tiếp:
知不知兮桑海客
故園谁掃夜來花
Tri bất tri hề tang hải khách
Cố viên thùy tảo dạ lai hoa?
Đó là bốn câu chót trong bài Đường luật bát cú
“Đăng Lâu” của thầy. Sau này, bài thơ được in trong tập “Hoa Đăng”, xuất bản
tại Sài Gòn năm 1959, và được thầy dịch sang thơ Việt như sau:
Hứng lên giận ngắm hươu Tần
chạy
Ngâm dứt ghê nghe sóng Nhị
cuồng
Hoa rụng đêm nào, ai có biết
Quê nhà ai quét mảnh vườn
tuông?
Anh Phạm Công Bạch, đã mất tại San Jose, được hai
câu thơ tức cảnh. Mấy ngày trước, báo chí Sài Gòn loan tin ngoài Bắc rất
lạnh, có tuyết trên núi cao. Căn nhà mái tôn, rất nóng của thầy lại có chậu
cúc đại đóa đón tết. Thầy tức cảnh sinh tình viết cho anh hai câu:
北塞雲行春有雪
柴都日暖菊生烟
Bắc tái vân hành xuân hữu tuyết
Sài đô nhật noãn cúc sinh yên
(Ải Bắc mây đi, mùa xuân có
tuyết
Sài đô ngày nóng, hoa cúc bốc
khói)
Hai câu thơ sau, anh Trần Huy Bích không nhớ rõ
thầy tặng cho anh Phạm Văn Quảng, hiện sống tại Toronto, Canada, hay anh Đào Trường
Khánh, hiện sống ở Sài Gòn.
天邊忽報來芳信
乍起姑蘇夜半愁
Thiên biên hốt báo lai phương
tín
Xạ khởi Cô Tô dạ bán sầu
Hai câu này là thơ của thầy trong bài tứ tuyệt
“Khởi Sầu”, được in trong tập “Rừng Phong”.
Hai câu trước là:
不許塵聲入卧樓
夢中合浦正還珠
Bất hứa trần thanh nhập ngọa
lâu
Mộng trung Hợp Phố chính hoàn
châu.
Thầy đã dịch cả bài ra thể lục bát như sau:
Bên trời vẳng báo xuân sang
Giữa khi Hợp Phố mơ màng về
châu
Gác nằm hiu quạnh bấy lâu
Nửa đêm chợt nổi cái sầu Cô Tô.
Anh Trần Huy Bích thường được bạn bè gọi là “thầy
đồ” vì anh thạo chữ Hán. Nhưng tới anh, thầy cắc cớ không cho thơ chữ Hán như
mọi người mà lại viết cặp câu đối bằng chữ quốc ngữ:
Sông đỏ còn loang dòng máu giặc
Hồ xanh chưa tắt ánh gươm thần.
Thấy thầy viết chữ quốc ngữ, anh tỏ vẻ ngạc nhiên,
nhưng sau khi thầy viết xong, hình như đã hiểu ra, anh mới vui vẻ cười. Thầy
rất thâm thúy. Khi đó, lớp Đệ Nhị C chúng tôi vừa hoàn tất một giai phẩm xuân
mang tên “Hoàn Kiếm” được in ronéo nhưng
chúng tôi trần thân chơi trội, in màu đàng hoàng. Mỗi trang báo, nếu chỉ in
chữ đen thì chỉ cần quay một lần, nhưng in màu thì phải quay máy tới hai lần.
Lại phải đánh máy và vẽ trên giấy stencil
thành hai bản, canh cho ăn khớp với nhau. Mỗi khi đổi màu in, chúng tôi
phải hì hục rửa máy bằng cồn. Ngày đó chúng tôi rất tự hào về công trình này.
Anh Bích là “chủ bút”, thầy là “cố vấn” của tờ báo xuân thứ “xịn” của học trò
thời đó. Trong câu viết cho anh, “Hồ xanh chưa tắt ánh gươm thần”, thầy có ý
nhắc lại cái tên “Hoàn Kiếm” của tờ báo, và tỏ cho chúng tôi biết là thầy đặt
chút tin tưởng nơi chúng tôi, một lời khen khiến “chủ bút” không thể không vui
và tự hào.
Trên đường về tôi cười một mình khi thấy sao mà
cảnh tết thầy vừa rồi giống như cảnh tết thầy của một thời xa lắc xa lơ khi
các cụ đồ nho ngồi dậy học được coi như những bậc hiền nhân quân tử được mọi
người bái phục kính nể. Sự so sánh lẩm cẩm này làm nẩy sinh ra một câu hỏi.
Vì sao thầy lại có một chỗ đứng riêng biệt trong lòng chúng tôi như vậy? Bởi
vì chúng tôi mến mộ thi tài của thầy? Bởi vì chúng tôi quí trọng tư cách của
thầy? Bởi vì chúng tôi yêu mến thầy? Bởi vì chúng tôi xót xa cho sức khỏe của
thầy? Bởi vì chúng tôi trân trọng cố gắng truyền đạt kiến thức của thầy? Có
lẽ phải cộng tất cả những cái "bởi vì" này mới có một câu trả lời
tạm đầy đủ.
Đặt biệt danh cho các giáo sư là nghề của chúng
tôi hồi đó. Thầy Vũ Khắc Khoan nổi tiếng nghiêm khắc, lớp học trong giờ thầy
im phăng phắc như một nguyện đường. Thầy có đôi mắt to và sắc sảo lạ thường.
Chúng tôi đặt cho thầy biệt danh "Cú Vọ". Thầy Bùi Đình Tuyên dậy
Vạn Vật hay kể chuyện nhảm làm chúng tôi nín thở ngồi nghe. Ưa thì ưa lắm
nhưng cũng tặng cho thầy hỗn danh...Tề Tuyên! Thầy Nguyễn Văn Lộc dậy Anh Văn
người ốm yếu, tay chân lêu nghêu loạng quạng nhưng lúc nào cũng lên gân làm
điệu bộ mạnh bạo ngang tàng được chúng tôi cảm hứng từ tên một viên tướng
thời Quang Trung đặt cho cái tên "Đô Đốc Lộc". Thầy Giám thị Tự đi
đôi giầy đế da mới tinh mỗi lần vào lớp là khua lóc cóc inh ỏi được tặng cho
biệt danh "Tây Gỗ".
Trong khung cảnh "nguy hiểm" như vậy mà
thầy Chương không có một biệt danh nào cả kể cũng là một sự lạ. Chúng tôi
không nỡ hay không dám? Có lẽ cả hai. Chúng tôi vừa thương vừa kính thầy.
Thầy thật gần gũi nhưng cũng thật cao xa.
Chương trình Việt Văn lớp Đệ Nhị ban Văn Chương
hồi đó, ngoài phần thơ văn thế kỷ 19, còn có phần thơ mới. Đây là phần lý thú
nhất của cả thầy lẫn trò. Những nhà thơ trong thời kỳ này từ Thế Lữ, Xuân
Diệu, Huy Cận, đến Đinh Hùng, Anh Thơ, Vũ Đình Liên...đều là bạn hoặc những
người thầy quen biết. Những bài giảng vì vậy đã vượt ra ngoài khuôn khổ một
bài giảng giáo khoa. Những bài thơ trữ tình, diễm tuyệt đã tạo dịp cho thầy
quay về với tuổi trẻ của thầy. Chúng tôi đã chứng kiến một thầy Chương sôi
nổi, lãng mạn, tha thiết với thơ văn của bạn hữu. Những kỷ niệm tràn ứ trong
thầy tỏa ra thành những lời giảng trau chuốt, mặn mà, đầy xúc cảm. Xuân Diệu
không phải chỉ là một Xuân Diệu gói kín trong thơ mà là một Xuân Diệu cuồng
nhiệt, vội vàng, đam mê như đang đứng trước chúng tôi. Đinh Hùng cũng thoát
ra ngoài những khuôn chữ để trở nên một con người sống động, tình tứ trong
những lời nói đam mê xúc động của thầy. Và rồi những thơ của Thế Lữ, Huy
Cận...đều có xương, có thịt, có máu qua những lời giảng miên man đầy ắp hoài
niệm của thầy.
Thầy đi quanh lớp bằng những bước chân nhẹ nhàng,
đầu nghểnh cao, mắt xa vắng, giảng bài bằng cái giọng nhừa nhựa thanh thanh.
Có những lúc mắt thầy như nhắm hẳn lại, đầu lắc lắc từng chặp. Những lúc đó
thầy như thoát hồn bay về một trời thơ nào đó. Thầy say thơ. Thầy ngâm thơ
như một người đồng thiếp. Như không còn thầy. Như không có trò. Như không
phải là một lớp học. Chỉ có một cõi thơ lồng lộng bát ngát. Chúng tôi cũng
thấm thơ. Vô cùng nồng nàn là những giòng thơ đất Việt. Chỉ có tiếng chuông
báo hết giờ học mới có thể kéo thầy trò ra khỏi cơn mê văn chương.
Nhưng khi thầy Chương giảng thơ Vũ Hoàng Chương
thì thầy lại có một phong thái khác hẳn. Có một cái gì sường sượng nơi thầy.
Thầy như cố tách rời cái ông thi sĩ họ Vũ ra khỏi cái ông giáo sư họ Vũ đang
đứng trước mặt chúng tôi. Để nói về cái ông thi sĩ họ Vũ thầy dùng ngôi thứ
ba. Tác giả viết thế này, thi sĩ viết thế kia...Làm như chẳng có gì dính dáng
tới thầy cả. Sự "từ chối bản ngã" đó lúc đầu làm chúng tôi ngỡ
ngàng nhưng khi quen rồi thì thấy có cái gì là lạ ngộ nghĩnh. In tuồng như
thầy đang chơi trò trốn tìm với thi sĩ họ Vũ. Giọng thầy cố gắng làm như xa
cách nhưng tâm hồn thầy như muốn trở lại với những giây phút cầm bút viết nên
những vần điệu đang được giảng dậy. Thi tài của thầy đặt thầy vào một tình
huống hơi éo le. Và thầy phải vất vả với sự chèo kéo của đôi bên.
Nhưng khi thầy ngâm thơ của thầy thì lại là
chuyện khác. Giọng ngâm của thầy tha thiết hơn bao giờ hết. Hồn thơ năm cũ
như vất vưởng trong giọng ngâm tạo nên niềm hứng khởi lạ lùng. Thầy trò như
hòa tan trong nhạc điệu của thơ. Tôi còn nhớ mãi cái giọng say sưa cuồng
nhiệt của thầy khi ngâm bài "Tối Tân Hôn" trong đó có những câu:
Gió bỗng đổi chiều trên táp xuống
Nặng chĩu hai vai nàng cố gượng
Thắt vòng tay ghì riết lưng ta
Những luồng run chạy khắp thịt da ngà
Run vì sợ hay vì ngây ngất?
Ta chẳng biết, nhưng rời tay chóng mặt
Toàn thân lạnh ngắt
Thuyền chìm sâu, sâu mai bể Hư Vô
Mà hương ngát đâu đây còn phảng phất
Mà bên tai đàn sáo vẫn mơ hồ
Ngửa trông lên cung Quế tít mù xa
Dần dần khuất
Dưới chân ta
Thuyền mây sóng lật
Không gian vừa sụp đổ chung quanh
Một trời đêm siêu rụng tan tành
Dư hưởng yếu từng giây
Dư hương dần loãng nhạt
Trong tay níu đôi thân liền sát
Nhè nhẹ rơi vào lớp sóng khinh thanh
Sao lìa ngôi, phương hướng ngã bên mình
Cơn lốc nổi
Đờn tiên thôi gọi
Âm thầm xa bặt tiếng tiêu
Những mê man say uống miệng người yêu
Ta cũng như nàng
Cảnh mộng chốn Bồng Lai đâu nhớ tới.
Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải
Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn
Khi tỉnh dậy bùn nhơ nơi hạ giới
Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn.
Vừa ngâm xong thầy nhỏ nhẹ "tự thú" là
khi làm bài thơ này thi sĩ chưa hề biết đàn bà! Thỉnh thoảng thầy vẫn tiết lộ
cho chúng tôi những điều bất ngờ như vậy. Một lần khác thầy ngâm bài thơ
"Say đi em" vẽ ra một cách sống động khung cảnh một vũ trường:
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió,
Không biết nữa, màu xanh hay sắc đỏ
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta
Nghe xong chúng tôi nghĩ thầy là một khách sành
điệu rất từng trải trong chốn ăn chơi. Nhưng thầy thản nhiên "phụ
đề": khi làm bài thơ này tác giả không hề biết khiêu vũ!
Chốc đó mà bốn chục năm đã trôi qua. Kiểm điểm
lại trong đám học trò Chu Văn An chúng tôi chỉ có hai người theo nghiệp của
thầy. Ở lớp Đệ Nhị C niên khóa 1956-57 có anh Nguyễn Thiệu Hùng, bút hiệu Mai
Trung Tĩnh, và anh Lê Đức Vượng, bút hiệu Vương Đức Lệ. Hai anh đã in chung
tập thơ "40 bài thơ của Mai Trung Tĩnh và Vương Đức Lệ," và tập thơ
này đã đoạt giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1961.
Cả hai anh đều đã bị Cộng Sản đầy ải trong ngục
tù tại Saigon cùng với một số nhà văn nhà thơ khác trong nhóm “Diễn Đàn Tự Do”
của Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt. Anh Mai Trung Tĩnh được thả năm 1994, mang bệnh
tim, mù một mắt và sưng gan do hậu quả của những năm lao tù. Ngày 7 tháng 6
năm 1995, anh cùng vợ và hai con đã tới Hoa Kỳ và mất tại Virginia vào lúc 2
giờ sáng ngày 20 tháng 2 năm 2002 vì di chứng của những bệnh cũ. Anh Vương
Đức Lệ cũng sang được Hoa Kỳ rất muộn, nhiều năm sau khi thoát khỏi lao tù,
và cũng đã qua đời tại Virginia ngày 20 tháng 1 năm 2008. Tôi nghĩ tới thầy
với những ngày lao tù bệnh tật dưới chế độ Cộng Sản, nghĩ tới cái chết tức
tưởi của thầy vào ngày 6 tháng 9 năm 1976, chỉ ít ngày sau khi được thả vì
quá đau yếu. Cả thầy lẫn trò đều chung nỗi truân chuyên của những khách văn
chương gặp cơn gió chướng.
02/1991
Nhuận sắc: 05/2019
|