Friday, May 31, 2019

Duyên thơ nợ kịch: Mối tình trong văn chương của thi sĩ Vũ Hoàng Chương với kịch sĩ Tuyết Khanh


CAO TRÀO SÁNG TÁC VÀ DIỄN KỊCH TRONG THẬP NIÊN 1940

Tính từ 1884 đến 1940, toàn cõi Viêt Nam bị đặt dưới sự đô hộ của người Pháp đã được gần 60 năm. Sau khi cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng bị thất bại năm 1930, nhà cầm quyền Pháp đàn áp một cách khốc liệt. Theo nhà biên khảo Hoàng Văn Đào trong cuốn Việt Nam Quốc Dân Đảng (Sàigòn, 1970), 13 liệt sĩ bị đưa lên máy chém tại Yên Bái ngày 17.6.1930 không phải là nhóm những nhà ái quốc duy nhất bị hành quyết.  Trước đó, ngày 8.3.1930, Pháp đã xử tử 4 người. Sau đó, cho tới ngày 23.6.1931, Pháp còn cho chém 4 đợt nữa, đưa lên đoạn đầu đài thêm 18 người Việt yêu nước. Tại một làng ủng hộ cách mạng là Cổ Am (thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương), 5 chiếc máy bay tới liệng xuống 57 trái bom, rồi bay rất thấp xả súng liên thanh bắn, hầu hết nhà cửa bị cháy rụi, 21 người dân thường (trong đó có 5 phụ nữ và 6 trẻ em) bị giết một cách tàn bạo. Một số làng khác ở Kiến An và Phú Thọ cũng bị nhà cầm quyền Pháp cho lính đến triệt hạ tan hoang. Sự lùng bắt các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng cùng những người bị tình nghi diễn ra khắp nước, kéo dài suốt qua năm sau, 1931. Hàng ngàn người bị xử cấm cố, khổ sai chung thân, khổ sai có kỳ hạn, và đày đi Côn đảo ¹.  Triển vọng cho việc tiếp tục tranh đấu giành lại chủ quyền bằng phương tiện võ trang hầu như đã bị đập tan.

Trong một đất nước chưa hết bàng hoàng vì những khủng bố quyết liệt như thế, các nhà lãnh đạo Tự Lực Văn Đoàn tập trung cố gắng vào việc cải tổ xã hội, đặc biệt là giải phóng con người ra khỏi những kiềm tỏa của tục lệ cổ hủ mà họ coi là nguyên nhân kìm hãm dân tộc Việt Nam tiếp tục sống trong tình trạng lạc hậu. Tự Lực Văn Đoàn tránh tấn công chính quyền thực dân một cách trực tiếp, chỉ -- qua hình thức hài hước -- nhắm mũi dùi vào giới quan lại làm công cụ cai trị cho thực dân.

Tuy thế, văn đoàn này vẫn bị giám sát một cách chặt chẽ. Theo một người con dâu của nhà văn Thế Lữ là nhà biên khảo Phạm Thảo Nguyên, các số báo Phong HóaNgày Nay bị kiểm duyệt rất khe khắt. Cuối tháng 5 năm 1935, Phong Hóa bị phạt, phải đình bản 3 tháng. Sau số 190 ra ngày 5 tháng 6 năm 1936, báo bị đóng cửa, rút giấy phép vĩnh viễn. Đầu tháng 4 năm 1940, Ngày Nay bị phạt, phải đình bản 1 tháng. Cuối cùng, sau số 224 ngày 7 tháng 9 năm 1940, Ngày Nay bị rút giấy phép, đóng cửa vĩnh viễn. Sự đàn áp cũng rất nặng. Tháng 3 năm 1940, họa sĩ Nguyễn Gia Trí bị bắt, bị đánh rất dã man. Nhất Linh bị mật thám theo dõi. Biết rằng họ sẽ không để yên, ông phải trốn lánh sang Trung Hoa. Năm 1941, Hoàng Đạo và Khái Hưng bị bắt, giam tại trại Vụ Bản, tỉnh Hòa Bình, và cũng bị tra tấn tàn nhẫn. Năm 1943, Nguyễn Gia Trí được thả nhưng bị “chỉ định cư trú,” quản thúc ở Thủ Dầu Một, xa tuốt trong Nam. Hoàng Đạo và Khái Hưng cũng được thả, nhưng bị quản thúc ở Hà Nội. Thạch Lam đã mất sớm từ 1942. Cả Phong Hóa lẫn Ngày Nay đều không còn, Tự Lực Văn Đoàn không thể hoạt động một cách hiệu quả được nữa ².

Mặt khác, sau khi Đệ Nhị thế chiến xảy ra, từ tháng 6 năm 1940, 60% lãnh thổ Pháp, gồm cả thủ đô Paris, bị Đức chiếm đóng. Do chấp nhận thỏa hiệp với Đức và lực lượng yếu kém, chính quyền Vichy của Pháp phải đồng ý mở cửa Đông Dương cho quân Nhật (đồng minh của Đức) kéo vào. Từ tháng 9 năm 1940, dân Việt Nam phải sống dưới sự cai trị vừa của Pháp, vừa của quân đội Nhật.

Trong nỗi khổ “một cổ hai tròng” như thế, lại thấy Pháp, kẻ áp chế và cai trị mình, cũng thua trận và đang bị chiếm đóng, khát vọng tự do của dân Việt bùng dậy. Trong lãnh vực âm nhạc, các bài hát ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc cùng kêu gọi sự thức tỉnh của thanh niên đua nhau xuất hiện. Trong loại trước, có những bài “Trên sông Bạch Đằng,” “Nước non Lam Sơn,” “Bóng cờ lau” … của Hoàng Quý, “Bạch Đằng giang,” “Ải Chi Lăng,” Hội nghị Diên Hồng”… của Lưu Hữu Phước,  “Thăng Long hành khúc,” “Gò Đống Đa”… của Văn Cao. Trong loại sau, có “Tiếng chim gọi đàn,”“Gọi bạn lên đường” … của Hoàng Quý, “Lên đàng,” “Tiếng gọi sinh viên” (sau đổi thành “Tiếng gọi thanh niên”) … của Lưu Hữu Phước. Hiện tượng ấy cũng xuất hiện trong lãnh vực văn chương: các vở kịch lịch sử, đề cao lòng yêu nước, đua nhau xuất hiện.

Trước đó, từ đầu thập niên 1920, trong nền văn học bằng chữ quốc ngữ đã có những vở kịch “Chén thuốc độc,” “Tòa án lương tâm” … của Vũ Đình Long; cuối thập niên 1920 sang thập niên 1930, thêm những vở “Uyên ương,” “Hoàng Mộng Điệp,” “Hai tối tân hôn,” “Kim tiền,” “Ông Ký Cóp” … của Vi Huyền Đắc; “Ghen,” “Những bức thư tình, “Mơ hoa” … của Đoàn Phú Tứ. Trừ hai vở “Kinh Kha” (đăng trên báo Phong Hóa năm 1935) và “Lệ Chi viên” (công diễn lần đầu ở Hà Nội năm 1943) của Vi Huyền Đắc là những kịch lịch sử, hầu hết các vở khác đều là hài kịch hay bi kịch xã hội, tâm lý, tình cảm, rất “hiền lành” ³.  Trong thập niên 1930 cũng xuất hiện vở kịch thơ “Anh Nga” của Huy Thông. Đây là một vở kịch được kết cấu rất đơn giản, chỉ gồm những đối thoại tình cảm giữa hai nhân vật. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng sáng tác hai thoại kịch lịch sử trong giai đoạn này: “Cột đồng Mã Viện” và “Vũ Huy Tô.” Tuy “Cột đồng Mã Viện” được thai nghén từ 1940, hoàn tất năm 1945, nhưng vẫn ở tình trạng bản thảo. Chỉ 52 năm sau khi tác giả khuất bóng, mãi đến 2012 mới được xuất bản. Vở kịch “Vũ Huy Tô” viết xong năm 1943 nhưng mãi đến năm 1995 mới được đưa lên sân khấu.

Vở kịch thơ lịch sử kích động lòng yêu nước đầu tiên là “Hận Nam quan” của Hoàng Cầm, phần 1 được sáng tác năm 1937, in ra năm 1942, toàn vở kịch hoàn tất năm 1944. Thập niên 1940 chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều vở kịch khác mang ý nghĩa lịch sử: “Kiều Loan” của Hoàng Cầm; “Lệ Chi viên” của Vi Huyền Đắc, “Ải Bắc” (đúng ra là một trường ca, kể lại chuyện vua tôi nhà Trần thắng Mông Cổ) của Thao Thao; “Trần Can,” “Lý Chiêu Hoàng,” “Nguyễn Hoàng,” “Phạm Thái” của Phan Khắc Khoan; “Lữ Gia,” “Người Hoa Lư,“ “Lê Lai đổi áo” của Lưu Quang Thuận. Có những tác giả chỉ viết một vở như Trần Vân Bích (“Hưng Đạo đại vương”), Đào Mộng Long (“Phạm Ngũ Lão”), Hoàng Mai (“Đêm Lam Sơn”), Nguyễn Xuân Trâm (“Lam Sơn họp mặt”), Đỗ Hoàng Lạc (“Ai giết Liễu Thăng”).

Chủ đề thứ hai cho các vở kịch được đưa ra trong giai đoạn này là ca ngợi lòng ái quốc, đề cao sự hi sinh những tình cảm gia đình cho nhiệm vụ cứu nước như “Hờn vong quốc” của Phan Khắc Khoan, “Lên đường” của Hoàng Cầm. Có những vở nhằm ca ngợi hành vi nghĩa hiệp, như “Quán biên thùy” (đề cao tinh thần vị nghĩa của Kinh Kha), “Người mù dạo trúc” (ca ngợi sự hi sinh, ghét kẻ tàn bạo, cùng lòng thủy chung với bạn của Cao Tiệm Ly), hai vở đều của Thao Thao; “Bóng giai nhân” của Yến Lan và Nguyễn Bính (lòng khao khát muốn dẹp yên loạn lạc để cứu đời). Vũ Hoàng Chương cũng có một bài thơ dài (“Bài ca sông Dịch”) và một vở kịch thơ (“Tâm sự kẻ sang Tần”) theo chủ đề này. “Bài ca sông Dịch” được sáng tác năm 1943 theo lời yêu cầu của Thế Lữ, để làm lời mở đầu trước khi trình diễn vở kịch “Kinh Kha” của Vi Huyền Đắc. “Tâm sự kẻ sang Tần” được sáng tác và trình diễn trễ hơn, năm 1951.

VAI TRÒ CỦA KỊCH THƠ

Điểm đặc biệt của các vở kịch được sáng tác trong giai đoạn này là kịch thơ chiếm đa số. Trong các thập niên 1920, 1930, tất cả các vở kịch của Vũ Đình Long, Vi Huyền Đắc, và Đoàn Phú Tứ được liệt kê phía trên đều là kịch nói. Ngược lại, chỉ trừ hai vở của Nguyễn Huy Tưởng, tất cả các vở kịch lịch sử kích động lòng yêu nước cùng tinh thần hiệp nghĩa vừa được kể trên đều là kịch thơ. Thơ vốn dễ thuộc, dễ nhớ. Tác giả các vở kịch ở thể loại này muốn dùng lời thơ để kích động lòng yêu nước của người tới xem, rồi muốn người ta ghi nhớ những lời ấy.

Chẳng hạn như lời tể tướng Lữ Gia nói với các tướng sĩ trong vở kịch “Lữ Gia” của Lưu Quang Thuận:

Triệu Minh vương đã mất đi rồi
Thái tử Hưng lên làm vua nối dõi
Đó chính là con Cù Thái hậu
Triệu hoàng xưa lấy ở đất Tàu
Chẳng phải dòng Nam Việt chi đâu
Nên nay Thiếu Quí vua Tàu sai sang
Dụ Thái hậu cùng Triệu Ai Vương
Đem non sông Việt mà dâng cho Tàu
Vua cùng Thái hậu đã quay đầu
Sắp sang Bắc quốc vào chầu Hán vương
Nhà tan, nước mất đau thương
Anh hùng hiệp sĩ lẽ thường ngồi không?
Anh em ta phải quyết chí đồng lòng
Giết phường phản quốc giữ gìn non sông. 

Hay lời ông Nguyễn Phi Khanh nói với Nguyễn Trãi trong vở “Hận Nam quan” của Hoàng Cầm:

Ôi sung sướng! Trời sao chưa nỡ tắt
Về ngay đi, ghi nhớ hận Nam quan!
Bến Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt
Cha nguyện cầu con lấy lại giang san.

Sau đó là lời của Nguyễn Trãi ở cuối phần 1:

        Giống nòi ta, nghe thời oanh liệt cũ
        Sẽ vùng lên như trận bão căm hờn.
        Hỡi quân Minh! Sao không nhìn lịch sử
        Mà vội vàng ngạo nghễ xuống Nam phương?

        Một ngày mai khi Trãi này khởi nghĩa
        Kéo cờ lên phơi phới linh hồn cha,
        Gạt nước mắt, con nguyện cùng thiên địa:
        Một ngày mai, con lấy lại sơn hà.

Trong vở “Bến nước Ngũ Bồ” của Hoàng Công Khanh, những câu phía sau là lời một cô bán quán, cũng là cô lái đò bên dòng sông làm biên giới hai nước Việt Chiêm. Dưới  sự cai trị tàn bạo của quân Minh, một số người Việt phải bỏ nước sang sống bên đất Chiêm Thành. Trong nỗi xót xa, cô lái đò mong họ tuy phải ra đi nhưng cũng đừng quên đất nước:

Nhắn ai tìm lối qua ngang
Đem tình đất nước trao sang xứ người.
… Thưa rằng thép nát, son hư
Ngày đi sao cũng được như ngày về
Thưa rằng chén ước, quạt thề
Chớ say Chiêm quốc quên thề Việt Nam.

Những câu ấy rõ ràng lấy đối tượng là người Việt trong giai đoạn sau 1940. Nếu quả thật chỉ là lời cô lái đò ở thời Bình Định vương khởi nghĩa chống quân Minh hồi đầu thế kỷ 15, câu ấy vô lý ở chỗ quốc hiệu Việt Nam chưa có.

SỰ NHẬP CUỘC CỦA THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Vũ Hoàng Chương bị lôi cuốn vào phong trào sáng tác và diễn kịch từ năm 1942. Cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính, ông lập ban kịch Hà Nội rồi diễn vở kịch thơ “Vân Muội” tại sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội cuối năm 1942 cùng với Đinh Hùng và Trần Huyền Trân. Vở này được trình diễn 4 lần. Qua năm 1944, ông cho in các vở “Vân Muội,” “Trương Chi,” “Hồng Diệp.” Trong thời gian về sống ở Nam Định giữa năm 1944 sau khi thành hôn với bà Thục Oanh, ông dùng tập giấy do Nguyễn Tuân mừng đám cưới để chép vở kịch “Cô gái ma.” Tất cả các vở ấy đều là kịch tình cảm, riêng “Vân Muội” và “Cô gái ma” thêm sắc thái huyền ảo. Vở kịch “Cô gái ma” được ông đưa ra tập với kịch sĩ Tuyết Khanh trong tháng 8 âm lịch năm 1946. Đó là lần đầu tiên Vũ Hoàng Chương tập diễn với Tuyết Khanh.



Trong năm 1942, ông cũng hai lần cùng Nguyễn Bính diễn vở “Bóng giai nhân” của Yến Lan và Nguyễn Bính. Trong khi Nguyễn Bính đóng vai người ẩn sĩ đúc gươm, chỉ trao thanh gươm báu do mình đúc ra cho người có lòng nghĩa hiệp muốn trừ loạn để cứu đời, Vũ Hoàng Chương đóng vai một tráng sĩ muốn cầu mua gươm báu. Muốn cho gươm “có hồn,” cần phải giết ngay người đứng trước mặt mình; thế là kẻ đúc gươm đã vui lòng chịu chết, trao nhiệm vụ “bình thiên hạ” cho người tráng sĩ xứng đáng dùng gươm. Kỷ niệm những lần diễn kịch ấy được ghi đậm trong tâm trí Vũ Hoàng Chương. Hơn 20 năm sau, tháng 7 âm lịch năm 1967, mùa Vu Lan đầu tiên sau khi Nguyễn Bính mất ở ngoài Bắc, trong bài thơ tưởng niệm làm ở trong Nam, kỷ niệm Vũ Hoàng Chương nhắc tới đầu tiên là việc hai người cùng diễn vở kịch này:
        Hỡi kẻ đúc gươm lò Chiến quốc
        Từng đem mạng sống đổi gươm linh
        Chỉ mong ánh thép xoay thời cuộc
        Trở lại mùa Thiên-hạ-thái-bình.

        Nhớ Ngươi, ai nhớ bằng Ta nhớ!
        Ta tráng sĩ từng như mây bay
        Ghé bến Hoàng Sa, chân dẵm lửa,
Tìm gươm…Và đã được trao tay

Tráng sĩ là ta, Ngươi ẩn sĩ
Hai vai Sống Chết nay chia bờ
Hỡi ơi, Bính nhớ Hoàng không nhỉ?
Hà Nội đêm nào diễn kịch thơ!

Ôm “Bóng giai nhân” từ mộng ảo
Vào không gian Kịch, hiện chân thân
Ta cùng Ngươi đã chung hoài bão:
Gươm sáng ngời lên giữa điệu vần …⁴

Năm 1943, ông nhận lời yêu cầu của Thế Lữ để viết lời mở đầu trước khi diễn vở kịch “Kinh Kha” của Vi Huyền Đắc như trên đã nói. Bài thơ khai từ này sau được in vào thi tập Rừng Phong, có những lời thật hào hùng:

Ta chỉ thấy
Tơi bời tướng sĩ, thây ngã hai bên
Một triều rối loạn, ngai vàng xô nghiêng
Áo rách thân run hề, ghê hồn bạo chúa
Hùng khí nuốt sao Ngâu hề, nộ khí xung thiên
Một cánh tay đưa mà danh lừng vạn cổ
Hiệp sĩ Kinh Kha hề, ngươi thác đã nên
và:
        Một nét dao bay ngàn thuở đẹp
        Dù sai hay trúng cũng là dư ⁵.

Quan trọng hơn, giữa năm 1944, Vũ Hoàng Chương lại nhận lời yêu cầu của Thế Lữ (lúc ấy đang điều khiển ban kịch Anh Vũ) để viết bài khai từ cho vở “Nguyễn Thái Học.”

Theo Vũ Hoàng Chương trong Ta Đã Làm Chi Đời Ta, khi tới tìm ông, Thế Lữ cho biết vở kịch ấy đã có một khai từ do Lưu Quang Thuận làm nhưng bài ấy bị coi là “chưa đủ hào khí.” Thế Lữ muốn có một bài dài hơn, được trình bày ăn nhịp với những hoạt cảnh mô tả các cuộc tranh đấu giành độc lập của dân tộc từ thời Hai Bà Trưng, và phải hùng mạnh hơn. Hai người ước lượng bài ấy sẽ phải dài tới “cả trăm câu thơ” và Thế Lữ muốn Vũ Hoàng Chương hoàn tất “trong 48 giờ.” Cũng theo Vũ Hoàng Chương, sau khi Thế Lữ ra về lúc 11 giờ đêm, ông bắt tay vào việc ngay. Ông đặt nhan đề là “Trả ta sông núi” rồi “nguồn cảm hứng dâng mỗi phút một cao như có quỷ thần nhập vào ngòi bút,” cho đến …”sáng lúc nào không hay.” Nhà thơ họ Vũ hoàn tất một bài trường thi gồm 120 câu.

  
Sau mấy câu mở đầu:

        Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà
        Sông khoe hùng dũng, núi nguy nga
        Trả ta sông núi! … Bao người trước
        Gào thét đòi cho bọn chúng ta.

        Trả ta sông núi! … Từng trang sử
        Dân tộc còn nghe vọng thiết tha.
        Ngược vết Thời gian, cùng nhắn nhủ:
        Không đòi, ai trả núi sông ta…

Vũ Hoàng Chương lướt qua các cuộc tranh đấu giành lại hay bảo vệ độc lập từ thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, qua Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương, tới Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, tướng sĩ đời Trần, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, cho tới việc vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Sau đó, tuy năm 1944 Việt Nam vẫn còn đang bị Pháp đô hộ, ông không ngần ngại nói tới việc Pháp xâm lăng và gọi thẳng họ là “giặc”:

        Cường quyền vẫn luôn đời cưỡng áp
        Dưới bàn tay giặc Pháp càng đau.

Ông ca ngợi các vị anh hùng, lãnh đạo những phong trào chống Pháp để giành lại chủ quyền:

        Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng
        Khói reo Thanh Nghệ, lửa bùng Thái Nguyên
        Hợp Nghĩa thục kết liên đồng chí
        Xuất dương tìm tri kỷ Đông đô
        Phan Sào Nam, Phan Tây Hồ
        Long đong bốn biển mưu đồ cứu dân
nhưng:
        Vận nước chửa hết tuần bĩ cực
        Sức người khôn đọ sức ông xanh
        Mỗi phen gắng gỏi tung hoành
        Thương ôi, sự nghiệp tan tành mỗi phen!

Tuy Nguyễn Thái Học mới bị Pháp xử tử 14 năm trước và Việt Nam vẫn đang sống dưới sư cai trị của họ, ông nhiệt liệt ca ngợi và công khai bày tỏ lòng thương tiếc nhà lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng:

        Nguyễn Thái Học gan bền chí cả
        Hợp đồng bang gióng giả nên đoàn
        Rừng xanh bụi đỏ gian nan
        Mong đem nhiệt huyết dội tan cường quyền.
        Tổ chức việc tuyên truyền, ám sát
        Khắp nơi nơi từng hạt, từng châu
nhưng:
        Xiết bao hy vọng buổi đầu
        Một đêm Yên Bái ngờ đâu tan tành.

Để kết thúc, Vũ Hoàng Chương kêu gọi dân Việt cùng nghĩ đến đất nước và noi gương tranh đấu của tiền nhân:

        Ôi, Việt sử là Tranh đấu sử!
        Trước đến sau cầm cự nào ngơi.
        Tinh thần Độc lập sáng ngời
        Bao người ngã, lại bao người đứng lên.
        Ngày nay muốn sông bền núi vững
        Phải làm sao cho xứng người xưa
        Yêu nòi giống, hiểu thời cơ
        Bốn phương một ý phụng thờ Giang Sơn
        Đừng lo yếu, hãy chung hờn
        Cần câu đánh giặc từng hơn dáo dài!

Hôm ban kịch Anh Vũ trình diễn vở “Nguyễn Thái Học” tại rạp hát phố Hàng Rượu, Hà Nội, Vũ Hoàng Chương tới coi. Ông cho biết, “màn hoạt tượng gây xúc động ghê gớm, tiếng vỗ tay vang dội tưởng đến vỡ rạp.” Người ngâm bài khai từ đêm ấy rất xuất sắc, có lúc “giọng thê thiết như tức tưởi,” có lúc “hùng tráng như lệnh xuất quân,” nhất là khi đến câu điệp khúc:

        Tinh thần Độc lập nêu cao
        Sài lang kia, núi sông nào của ngươi?

Ngay sau khi buông màn chấm dứt bài khai từ, hiến binh Nhật đã ùa vào hậu trường để chất vấn đạo diễn, “Ai cho phép các ông ngâm bài thơ lúc nãy?” Thế Lữ trả lời đó là bài khai từ của vở kịch. Khi họ hỏi, “Có dấu kiểm duyệt chưa?” tác giả các truyện trinh thám đề cao trí mẫn tiệp của nhà báo Lê Phong bình tĩnh trả lời ngay là “Có” và đưa họ coi bài khai từ của Lưu Quang Thuận. Bài này đã được đóng dấu kiểm duyệt. Qua người thông ngôn, họ thấy là bài ấy “không có gì phạm” và đúng là đã được kiểm duyệt trước. Họ chỉ nói, “Đem về để xem lại,” rồi trở xuống tiếp tục ngồi xem kịch ⁶.

Giữa một không khí nhiệt thành, hứng khởi với kịch và kịch thơ như thế, Vũ Hoàng Chương đã gặp Tuyết Khanh.

HÀ NỘI, 1946

Theo Vũ Hoàng Chương trong Ta Đã Làm Chi Đời Ta, người bạn rủ ông từ thành phố Nam Định sang tỉnh lỵ Thái Bình tìm ban kịch Đông Phương và xem diễn vở kịch thơ “Lên đường” của Hoàng Cầm năm 1946 là Phan Khắc Khoan. Ông dẫn lời nhà viết kịch họ Phan, “Hoàng ạ, ban kịch Đông Phương của bọn Hoàng Tích Chù lực lượng có vẻ khá lắm … Đông người, nhiều vở, sẵn tinh thần hi sinh cho Kịch nghệ, cho văn chương… Hoàng có đi với tôi sang bên đó không nào?” Ban kịch Đông Phương do Hoàng Cầm cùng họa sĩ Hoàng Tích Chù, soạn giả kiêm nhà đạo diễn Hoàng Tích Linh (hai anh em, cùng là em của nhà văn Hoàng Tích Chu), và mấy người bạn nữa thành lập từ tháng 9/1945. Họa sĩ Hoàng Tích Chù là Trưởng ban, cũng là một trong hai người vẽ các trang trí sân khấu. Sau khi diễn vở “Lên đường” tại Nhà Hát Lớn Hà Nội tháng 4/1946, ban kịch đi lưu diễn ở một vài địa phương.
Vũ Hoàng Chương đã quen Hoàng Tích Chù từ lâu. Ông cũng cho biết, “Tác giả quan trọng của ban kịch là thi sĩ Hoàng Cầm, chỗ thanh khí của Hoàng, từng đã gặp nhau ở xóm Niềm bên Kinh Bắc.” Trong vở “Lên đường,” tác giả Hoàng Cầm đóng vai người thanh niên hi sinh tình nhà để ra đi vì nhiệm vụ với đất nước. Vai người vợ trẻ được trao cho kịch sĩ Tuyết Khanh. Vũ Hoàng Chương đã từng xem Tuyết Khanh trong phim “Cánh đồng ma” từ năm 1937 và không có cảm xúc gì đặc biệt. “Cánh đồng ma” là phim nói tiếng Việt đầu tiên theo kịch bản của bác sĩ Đàm Quang Thiện lúc còn là sinh viên Y khoa, do một số người Việt cộng tác với một công ti điện ảnh Hong Kong. Một người bạn của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhà văn Nguyễn Tuân, cũng là một trong 22 diễn viên người Việt của phim này.
Sang tới Thái Bình từ buổi trưa, vì là chỗ quen biết, Vũ Hoàng Chương và Phan Khắc Khoan tìm đến chỗ cư trú của ban kịch Đông Phương. Sau khi nhà thơ họ Vũ giới thiệu Phan Khắc Khoan với mọi người, ông và soạn giả họ Phan được móc luôn vào ban kịch, cùng đến thăm chùa Keo, có dịp nghe Tuyết Khanh và toàn ban đồng ca khi ở trên gác chuông của chùa. Với Vũ Hoàng Chương và Tuyết Khanh, đây là lần gặp mặt đầu tiên.
Hai tuần sau, không biết có phải do định mệnh, Vũ Hoàng Chương được một nhóm trí thức khoa bảng mời từ Nam Định trở lại Hà Nội để làm Chủ bút cho tuần báo Thế Sự, có trụ sở ở khu vực Chợ Hôm. Một hôm ông ngẫu nhiên ghé thăm họa sĩ Hoàng Tích Chù. Nhà họa sĩ Chù cũng là nơi trú ngụ của ban kịch Đông Phương. Sau khi lưu diễn ở Thái Bình về, toàn ban đang tập vở kịch “Kiều Loan” của Hoàng Cầm. Từ Hải Phòng lên để gia nhập ban kịch, Tuyết Khanh cũng ở ngay tại đó. Xin trích dẫn nguyên văn lời kể của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:
“Họa sĩ Chù nói chuyện vui lắm. Khanh góp chuyện càng vui. Nhất là chuyện đất Cảng (Hải Phòng), nơi đã có nhiều duyên nợ với Hoàng, với Khanh.
“Thế rồi … lần sau … lần sau nữa. Tình mỗi ngày mỗi thân. Để rồi … Giữa một giây phút bất ngờ nào đó, giọng của Khanh trầm hẳn xuống, nghe xa vắng, lạc loài:
--Hoàng giúp Khanh một việc nhé!
--Thật ư?
--Đừng để Khanh thất vọng, thì Khanh mới nói.
--Thất vọng sao được, Khanh!
--Hoàng giúp Khanh một lối sống … như lối sống của Hoàng bấy lâu nay.
--Khanh đã nghĩ kỹ rồi chứ?
--Vâng, Khanh muốn được như Hoàng.
--Nghĩa là …?
--Sống thản nhiên, tự tin vào thơ của mình. Bất chấp mọi khó khăn, mọi nguy hiểm, mọi oan trái” ⁷.

Khi kịch sĩ Tuyết Khanh nói muốn được như thi sĩ Vũ Hoàng Chương, “sống thản nhiên, tự tin vào thơ của mình,” bất chấp mọi nghịch cảnh, có thể bà đã nghĩ đến những câu thơ phía sau của Vũ Hoàng Chương. Trong “Bài hát cuồng,” được in trong thi tập Mây ba năm trước đó (1943), nhà thơ họ Vũ đã viết:

        Say gắng say lên hề, lên tận độ
        Gắng say hề cho tỉnh nhé Ta ơi
        Điên đảo Thời Gian hề, linh đài vụt sáng
        Lẫn lộn Không Gian hề, trần tâm sẽ vơi
        Sụp đổ bóng đêm hề, năm đường cảm giác
        Tiềm thức bừng lên hề, muôn ánh sao mai …


 Vũ Hoàng Chương muốn nói khi say đến cùng độ sẽ “tỉnh thức.” Khi không còn bị chi phối bởi ngoại cảnh (không gian, thời gian), những ham muốn, phiền muộn do “lòng trần” sẽ nhẹ bớt, “đài thiêng” trong tâm tư sẽ sáng lên. Lúc ấy sự tăm tối do cảm nhận của ngũ quan sẽ sụp đổ, tiềm thức sẽ bừng sáng như “muôn ánh sao mai” buổi sớm. Trong “Bài ca siêu thoát,” ông cũng có những câu với ý “khi say đến cùng độ sẽ tỉnh thức” như thế:

        Một sớm lòng say chợt đổ nghiêng
        Trăng sao tiềm thức sáng đài thiêng.

Mối quan tâm của ông là cố giữ lấy thiên lương (bản tính tốt lành Trời phú cho con người), cơ thể gắng giữ những âm thanh của Trời Đất. Dù trải qua bao hỗn loạn của thế gian, vẫn cam đoan với Đất Trời là giữ được tấm lòng cho trọn vẹn. Ông viết trong “Duyên mùa tận thế”:

        Thiên lương quằn quại giữ màu tươi
        Thể chất còn thoi thóp nhạc trời
        Dạo xứ phân tranh, mùa hỗn độn
        Biết lòng ta vẹn, nhé Xa Khơi.

Khi giữ được tấm lòng cho vẹn với Trời Đất, thì dù ngoại cảnh có thế nào (giữa “xứ phân tranh, mùa hỗn độn”), cũng không đáng bận tâm nữa. Tuy “Bài ca siêu thoát” và “Duyên mùa tận thế” được in vào thi tập Rừng Phong năm 1954, hai bài ấy đã được ông sáng tác và các thân hữu đã có dịp đọc trước đó, sau khi tập Mây được ấn hành năm 1943.

Theo Vũ Hoàng Chương, hôm ấy Tuyết Khanh nói “chỉ có Thơ mới là chỗ nương tựa vững vàng nhất, để đối phó với những phong ba trước mặt, sấm sét trên đầu, và băng hoại dưới chân, cũng như muôn nghìn cám dỗ trái ngược ở hai bên tả hữu”:

--Hoàng đã tự cứu Hoàng. Sao Hoàng không dạy cho Khanh tự cứu lấy Khanh? Truyền lại cho Khanh cái “hồn Thơ” ấy đi, Hoàng ơi!

Vũ Hoàng Chương xúc động. Ông đã được nghe qua về đoạn đời “hồng nhan đa truân” của Tuyết Khanh trước đó. Ông cũng hiểu rằng Tuyết Khanh muốn học làm thơ không phải để có thơ đăng báo, được in thành tập, và … nổi tiếng. Nếu muốn như thế, Tuyết Khanh đã đủ sức từ lâu. Chứng cớ là trước đó nữ kịch sĩ đã đưa ông coi một bài thơ vần điệu rất tề chỉnh, diễn đạt rất có nghệ thuật. Tuy nhiên, giúp Tuyết Khanh tiến trong việc sáng tác tương đối còn dễ. Truyền cho Tuyết Khanh cái “hồn Thơ” của ông, thật khó vô cùng.

Hôm đó Vũ Hoàng Chương nhận thấy “Sao mà Khanh đẹp thế!” Ông đã thấy nơi Tuyết Khanh một người bạn tri âm. Vũ Hoàng Chương cũng tự biết thơ của ông không dễ hiểu. Nay có một nữ nghệ sĩ vừa tài hoa, vừa tuyệt sắc, hiểu và đồng cảm, không thể không coi là “tri âm.” Ông cho biết từ trước vẫn đọc câu thơ cổ:

        Bán sinh phong cốt lăng tằng thậm
        Nhất phiến nhu hoài chỉ vị khanh

và cũng biết câu ấy từng được dịch là:

        Nửa đời sương gió ngang tàng
        Trái tim mềm chỉ vì nàng đó thôi.

Vũ Hoàng Chương đã dịch lại câu ấy để có thể đưa danh hiệu của Tuyết Khanh vào lời
thơ:
        Nửa đời sương gió ngang tàng lắm
        Mềm, chỉ vì Khanh, một trái tim.

Khi thấy mình như say mê Tuyết Khanh, Vũ Hoàng Chương cho biết ông đã ngạc nhiên, “Ngạc nhiên gấp hai lần Khanh. Gấp bốn lần Hoàng Cầm. Và cả một trăm lần thiên hạ.” Nhưng … chuyện ấy đã xảy ra.

Từ hôm ấy, nhà thơ họ Vũ thường xuyên đến xem tập kịch để có cơ hội gần Tuyết Khanh. Họa sĩ Hoàng Tích Chù cũng đề nghị dựng vở “Cô gái ma” của Vũ Hoàng Chương. Tuy lúc đó ban kịch Đông Phương đang chuyên tâm vào vở “Kiều Loan,” cũng cần phải dự bị nhiều vở kịch thuộc một vài thể loại khác nhau. Vũ Hoàng Chương nhận lời và đồng ý cho tập ngay.

Hôm tập thử màn đầu vở kịch “Cô gái ma,” ông cho biết có nhiều ấn tượng đẹp. Thời gian: đêm rằm tháng tám, trăng vừa lên cao. Không gian: vườn hoa nhà họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Vũ Hoàng Chương trong vai Lương Sinh. Tuyết Khanh và người bạn gái là Kiều Liên từ Hải phòng lên trong vai Anh Nương và Hồng Nhi. Vũ Hoàng Chương kể lại, “Tiếng ngâm cất lên, giọng cười giọng nói vang ra, như hư như thực. Ánh nguyệt rung theo, bóng cây nghiêng theo, các bạn ngồi chung quanh thềm dõi theo …từng câu thơ, từng cử chỉ, từng nét mặt. Hoàng và Khanh nhìn nhau, lắm lúc cùng chung ý nghĩ: ‘Còn là kịch nữa không đây’?”

Chiều hôm sau, nhà soạn kịch Đoàn Phú Tứ, cũng là một nhà thơ, tác giả bài “Màu thời gian” nổi tiếng, rủ các diễn viên của vở “Cô gái ma” (Vũ Hoàng Chương, Tuyết Khanh,  Kiều Liên), cùng đi “chạm cốc” ở nhà Thủy tạ bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Sau đó Vũ Hoàng Chương lại mời cả nhóm đến tiệm ăn Đông Hưng Viên. Trên đường đi ghé phố Hàng Đào, Vũ Hoàng Chương mua tặng Tuyết Khanh một cặp hoa tai màu đỏ chót. Đó là những nơi tạo cảm hứng để ông làm bài “Đêm vàng Thủy tạ”:


Em ạ! Cô Hằng chắp cánh
Vừa lên trong khói sương chiều
Có phải mưa sầu đã tạnh
Cho ta đời chớm hương yêu

Tình Thơ nồng thắm bao nhiêu
Sách cũ Hội Chân nào chép
Mình hoa nghiêng -- sóng lòng xiêu...
Đào suối Thiên Thai chẳng đẹp

E lệ màu phai bóng nép
Cuộc chơi đêm ấy cung ngà
Bẩy sắc Nghê Thường mở khép
Ngàn thu ghen xuống đôi ta

Hồ chiều nghi ngút yên ba
Nguyệt quạnh mây vần le lói
Mê đàn liễu ngủ bờ xa
Một tiếng chim hồng vẳng gọi...

Ba mươi mấy năm mòn mỏi
Gặp nhau tình bỗng trầm hương
Anh muốn quỳ bên gặng hỏi:
"Có yêu cùng gã phong sương?"

Ngang tàng nửa kiếp văn chương
Lòng chỉ vì Khanh mềm đó
Sen vàng xoã lưới tơ vương
Giam cánh hồn si bé nhỏ

Mưa tạnh vầng trăng đã ló
Mai rầy chói lọi đêm đêm
Xứ xứ hoa thầm bảo gió:
"Vì Khanh một trái tim mềm!"
 
Và bài “Thu có nguyệt”:

Sương thu ngủ trắng ngọc liên thành
Phượng nở đêm nào cặp má Khanh
Hội thắm đèn hoa, mây họp bạn
Kề vai cùng đẹp áo trăng xanh...

 Khi ngồi ở nhà Thủy tạ, Vũ Hoàng Chương đã có dịp nói chuyện với Tuyết Khanh về mấy bài thơ nữ kịch sĩ đưa ông góp ý tuần trước. Nhân mấy bài ấy đều theo thể ngũ ngôn phân đoạn và lục bát, ông gợi ý Tuyết Khanh thử làm một bài lục ngôn xem sao. Bài lục ngôn “Đêm vàng Thủy tạ” phía trên đã do Vũ Hoàng Chương đọc cho Tuyết Khanh nghe khi hai người cùng tạm chuyển sang một bàn khác ⁸.

Bài “Thu có nguyệt” sau được in vào tập Hoa Đăng. Bài “Đêm vàng Thủy tạ” sau được in vào tập Trời Một Phương.

Năm ấy (1946) tại Hà Nội, vở kịch “Kiều Loan” rất được giới văn nghệ chú ý tới. Mấy chục năm sau, đầu năm 2010, trả lời cuộc phỏng vấn của nhà biên khảo Thụy Khuê cho đài RFI, nhà thơ Hoàng Cầm kể lại như sau:
"Nguyễn Huy Tưởng hầu như không buổi tập nào là vắng mặt. Anh còn theo dõi khả năng diễn xuất (của các diễn viên) để mong sau này, sau vở Kiều Loan, có thể dựa vào những năng lực dồi dào ấy mà đưa vở kịch “Vũ Như Tô” của anh lên sân khấu. Có lần anh nói với tôi, ‘Được chị Tuyết Khanh này nhận sắm vai Đan Thiềm cho mình thì thật sung sướng và hoàn toàn yên tâm.’ Đến anh Nam Cao thì tỏ ý thích vở kịch vì tư tưởng, vì nội dung hướng thiện, chống ác của nó. Cả nhà thơ Vũ Hoàng Chương, không biết vì quá mê nàng Kiều Loan của vở kịch hay mê người sắm vai Kiều Loan, mà từ ngày đầu đọc vở, anh đã trở nên một khán giả quá siêng năng, cả đến khi “Kiều Loan” phải “tản cư” đi diễn ở mấy làng trong tỉnh Bắc Ninh. Ngày nào anh cũng đến từ sớm, có khi nán lại dùng cơm trưa với diễn viên tại nhà anh Chù. Còn hai anh Lưu Quang Thuận, Trúc Đường là hai kịch tác gia mấy lần đến xem tập và phỏng vấn …” ⁹.

Vũ Hoàng Chương cũng kể lại giống như Hoàng Cầm, “Có lần [từ Nam Định] lên tới Hà Nội, được tin Khanh ở Cảng chưa vào, Hoàng phóng ngay xuống Cảng. Lại có lần vừa lên tới nơi, được tin Khanh đã cùng toàn ban sang thăm quê hương của họa sĩ Chù – xã Phù Lưu, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh – thế là Hoàng lấy ngay xe phong hỏa (xe lửa) đăng trình, chỉ một giờ sau là bắt gặp:

        Nhớ gì không? Một đêm Thơ!
        Làng Phù Lưu ngủ như tờ dưới trăng
        Thi nhân gửi ý cô Hằng
        Bóng đa lồng bóng tre đằng … lung lay” ¹⁰.

Bài thơ này (“Mộng vẫn còn”) được sáng tác trong một đêm trăng ở Sàigòn đúng 10 năm sau (1956), rồi được in vào tập Hoa Đăng (Sàigòn, 1959), giúp ta hiểu thêm về bản chất những tình cảm của Vũ Hoàng Chương đối với Tuyết Khanh.




 Khi ngồi cạnh Tuyết Khanh một đêm khuya ở Phù Lưu sau khi ban kịch đã diễn xong, Vũ Hoàng Chương cảm thấy thời gian như ngừng lại, không gian thu hẹp lại, và “cả một bầu trăng sáng” đã “rót” vào đôi mắt của người đẹp:


Khoảnh khắc thời gian nghỉ cánh bay
Không gian thu hẹp dưới đôi mày
Ta nghe cả một bầu trăng sáng
Rót cả vào đôi mắt đắm say
 
 Nhưng ngồi với nhau gần suốt đêm, ông chỉ dùng trọn thời gian để trò chuyện và để … ngắm Tuyết Khanh: 


Men trăng riêng mắt ai đầy
Buồn cho những kẻ đêm này thề hoa
Lại cười cho lứa đôi ta
Chiếm vầng trăng, để... vẫn là đêm xuông
 

Ông cũng nhận thấy tình cảm của ông với Tuyết Khanh không giống như những người bình thường. Nếu cũng chỉ hệt như thế nhân, làm sao tình cảm ấy thăng hoa cho được:

Âu hẳn tình ta khác thế thường
Nỗi niềm yêu nhớ cũng văn chương
Dễ chi tiếng nói trần gian ấy
Đủ kết cho thành nhạc với hương!


Khi ôn lại chuyện ấy đúng 10 năm sau, năm 1956, Vũ Hoàng Chương viết:

Bâng khuâng cùng nhắc chuyện mười năm
Đời lỡ nhau thôi, mộng chẳng lầm

“Mộng chẳng lầm” vì đúng là hai người có nhiều điểm phù hợp, cùng yêu kịch, yêu thơ, rất xứng với nhau. Nhưng “Đời lỡ nhau thôi” vì khi Vũ Hoàng Chương nhận ra điều ấy, Tuyết Khanh đã là người yêu của một người khác, nhà thơ Hoàng Cầm.

Dưới mắt một số thân hữu trong giới văn nghệ ở Hà Nội khoảng giữa năm 1946, thảm họa có thể sẽ xảy ra vì “hai nhân tài cùng yêu một người đẹp.” Vũ Hoàng Chương và Hoàng Cầm vẫn dùng những ngôn từ ngụ niềm tương kính mỗi khi nói về nhau. Cả hai cùng trọng tài và tư cách của nhau. Có thêm lý do khiến Vũ Hoàng Chương giữ những tình cảm với Tuyết Khanh ở mức “tình yêu tinh thần” hay “tình trong văn chương.” Ông vừa thành hôn với bà Thục Oanh hai năm trước đó. Không chỉ là một người vợ hiền đức ông rất quý trọng, bà còn là chị ruột một người bạn thân (thi sĩ Đinh Hùng). Mặt khác, Vũ Hoàng Chương cũng biết là khi đi tìm một diễn viên vừa có nhan sắc, vừa có khả năng diễn xuất cộng thêm tài ngâm thơ để đóng vai Kiều Loan, Hoàng Cầm đã tốn nhiều công phu và thời gian. Cùng đạo diễn Hoàng Tích Linh, Hoàng Cầm đã tiếp xúc với hơn 10 diễn viên khác nhau nhưng chưa hài lòng một ai. Tuyết Khanh đáp ứng tất cả mọi điều kiện một cách hoàn hảo. Sau khi gia nhập ban kịch Đông Phương, Tuyết Khanh thành người đồng diễn then chốt trong các vở “Lên đường” và “Kiều Loan” của Hoàng Cầm. Vì thế, những tình cảm Vũ Hoàng Chương dành cho Tuyết Khanh không thể giống “tình yêu chốn thế gian.” Đó phải là loại tình cảm “khác với thế thường.” Trong bài “Nhớ cố nhân” sáng tác ít lâu sau, Vũ Hoàng Chương cũng viết, “Lòng nghệ sĩ mơ tình tuyệt mỹ.”

NAM ĐỊNH – THÁI BÌNH, 1947-49

Theo một hồi ký của bà Thục Oanh, khi chiến tranh nổ ra ngày 19.12.1946, gia đình Vũ Hoàng Chương chạy tới các làng lân cận Cổ Lễ. Đó là một thị trấn nhỏ thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ít lâu sau, chiến sự lan tới, lại phải tản cư tới làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường. Không rõ Tuyết Khanh hiện đang lưu lạc ở đâu, giữa năm Đinh Hợi 1947, Vũ Hoàng Chương làm bài “Nhớ cố nhân”:

Khanh của Hoàng ơi, lửa bốn phương
Khói lên ngùn ngụt chén tha hương
Nghe vang sóng rượu niềm ly tán
Chạnh xót nòi thơ buổi nhiễu nhương
Biết có đêm nào trăng Thuỷ Tạ
Ngâm cùng ai nữa kịch Anh Nương.


“Anh Nương” là tên thứ hai của vở kịch “Cô gái ma,” ông tập diễn với Tuyết Khanh đêm Trung Thu năm trước. Hà Nội mịt mờ trong lửa khói cũng là lúc hai người bặt tin tức của nhau:

      

Cố đô một buổi lầm chinh chiến
Vầng nguyệt chia hai vạn dặm trường.

Vũ Hoàng Chương tin rằng dù đang ở rất xa, Tuyết Khanh cũng vẫn nghĩ đến ông: hai người có “duyên thơ, nợ kịch” với nhau:

Bèo đây hoa đấy dù trôi giạt
Hai ngả quỳ tâm vẫn hướng dương

Hai ngả quỳ tâm vẫn hướng dương
Kẻ đầu sông kẻ cuối sông Tương
Kìa mây kìa sóng lòng xa gửi
Này kịch này thơ nợ trót vương.


Ông nhớ vóc dáng thanh tú của Tuyết Khanh. Muốn hôn, nhưng hiện chỉ có thể hôn bông hoa bên cửa. Muốn ôm, nhưng hiện chỉ có thể ôm … ánh trăng trước giường:

Nét thon mềm mại gợi vóc băng sương
Hôn nhoè cặp má hoa bên cửa
Ghì hẫng đôi tay nguyệt trước giường
Tỉnh, bẽ bàng duyên, vò nát mộng
Nằm, điên cuồng nhớ, đập tan gương.


Vũ Hoàng Chương hồi tưởng lại những kỷ niệm năm trước: Trung Thu ở Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm dưới ánh trăng. Mười bài Đường luật bát cú của ông được làm theo thể liên hoàn, lấy câu cuối của bài trên làm câu đầu cho bài dưới:

Đêm nào, Khanh nhỉ! tình ta mới
Hà Nội đèn treo đỏ phố phường
Hà Nội đèn treo đỏ phố phường
Sóng hồ trăng giãi bập bềnh sương


“Nhớ cố nhân” là một chuỗi mười bài thơ hay, tình cảm thiết tha, ngôn từ điêu luyện, nhiều cặp đối già dặn và xuất sắc. Ông có những ý đặc biệt: gọi sông Ngân là Ngân Hán để có “Hán” đối với “Đường.” Thể  Đường luật gò bó, thường bị coi là chật hẹp, khó diễn tả nỗi sầu bao la nhưng ông vẫn dùng, đưa tới thành công : 

      
Ôi thôi, khoảnh khắc dâu thành bể
Gươm báu rùa thiêng cũng đoạn trường

Gươm báu rùa thiêng cũng đoạn trường
Nhớ nơi kỳ ngộ hứng thê lương
Sao nằm quạnh quẽ mờ sông Hán
Sầu chất bao la hẹp điệu Đường
Lòng nghệ sĩ mơ tình tuyệt mỹ
Cây Hàm- Dương cách khói Tiêu- Tương
Chia tay đằng đẵng năm già nửa
Một trái tim mềm trĩu nhớ thương…

Vũ Hoàng Chương gửi bài “Nhớ cố nhân” đăng trên báo vùng kháng chiến, hi vọng sẽ tới tay Tuyết Khanh. Khi chiến tranh mới bùng nổ, nhà cầm quyền VM kêu gọi tất cả mọi người tham gia cuộc “toàn dân kháng chiến,” đảng CS còn dấu mình trong bóng tối, nên những thơ có tính chất lãng mạn còn được xuất hiện. Đó cũng là giai đoạn Hữu Loan viết bài “Màu tím hoa sim,” Quang Dũng sáng tác các bài “Tây tiến,” “Đôi bờ”… Nhà thơ Đinh Hùng được mời gia nhập ban biên tập báo Cứu Quốc. Rất có thể Vũ Hoàng Chương đã gửi đăng bài “Nhớ cố nhân” qua sự trung gian của Đinh Hùng. Ông mong sẽ nhận được hồi âm từ người có danh hiệu được nêu rõ trong bài thơ.

Quãng thời gian sau 19.12.1946 cũng là giai đoạn nhiều gian truân đối với Tuyết Khanh.

Sau khi chiến tranh bùng nổ, ban kịch Đông Phương phải giải tán. Từ 1947, Hoàng Cầm và Tuyết Khanh sống chung rồi Tuyết Khanh có thai. Đến giữa năm, hai người cùng gia nhập Vệ Quốc Đoàn. Cùng với Hoàng Tích Linh, đạo diễn của ban kịch Đông Phương trước, Hoàng Cầm cố gắng thành lập một đội văn nghệ cho chiến khu, về sau lấy tên là “Đội Văn Nghệ Tuyên Truyền.” Tuyết Khanh hát và ngâm thơ trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt lửa trại của quân đội, đến tháng thứ 7, thứ 8 mới nghỉ. Sau khi Hoàng Cầm gặp lại Phạm Duy, đội văn nghệ có thêm Phạm Duy. Từ Bộ Chỉ huy, đội văn nghệ ấy đi trình diễn ở những nơi có Vệ Quốc Đoàn đóng quân, trong các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… Tuyết Khanh có thai nên bắt buộc phải ở lại vùng trung du để đội văn nghệ và Hoàng Cầm đi lưu diễn. Trong Hồi Ký Thời Cách Mạng Kháng Chiến, Phạm Duy viết, “Trong bữa cơm đạm bạc để chia tay giữa hai vợ chồng Hoàng Cầm tại Phố Nỉ (Bắc Giang), tôi còn nhớ cảnh Hoàng Cầm ngồi rung đùi ngâm thơ bên cạnh người vợ mà rồi đây anh sẽ không bao giờ gặp lại nữa, giọng ngâm buồn rười rượi.” Đầu năm 1948, Tuyết Khanh sinh được một người con gái, đặt tên là Kiều Loan, nhưng mất liên lạc với Hoàng Cầm ¹¹.

Vũ Hoàng Chương cho biết sau đó ông phải băng qua sông Nhị, chuyển từ phủ Xuân Trường sang phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình, ở xã Cổ Khúc (thường gọi là làng Khuốc), cách thị trấn Đống Năm chừng 7 cây số. Cuối thu năm 1948, ông được gặp lại Tuyết Khanh, lúc ấy đã từ Bắc Giang về sống ở Thái Bình. Vũ Hoàng Chương kể lại trong Ta Đã Làm Chi Đời Ta:

“Một đêm trăng, Thứ Lang (tức Đinh Hùng) dẫn Khanh từ Đống Năm vào, cùng với Kiều Liên. Mới tạm xa nhau chưa đến hai mươi tháng mà khi tái ngộ nhìn nhau cứ ngơ ngáo như trong mộng …” Tuyết Khanh cho biết đọc được bài “Nhớ cố nhân” trên báo nên đã cố đi tìm Vũ Hoàng Chương. Buổi tái ngộ này đưa đến sự ra đời của bài “Hợp tan”:

      

Khanh đã về trong lửa túy hương
Khóe thu lộng gió tóc cài sương
Màu nhung vai áo càng mơn mởn
Gợn ánh hồng lên cặp má thương

Hỡi ơi! từng sợi nguyệt mong manh
Nhịp bước hài thêu kẻ dạ hành
Đã khiến ta ngờ trong giấc mộng
Trầm bay nhạc tỏa gót Thôi Oanh.

Được gặp lại Tuyết Khanh một cách bất ngờ như thế, Vũ Hoàng Chương rất xúc động:  

Đèn khuya mờ mịt khói tiền thân
Chợt tỏ tường soi mặt cố nhân
Lòng gã tình si hoa lại ngát
Đời thơ lại biết có mùa xuân

Quãng -vắng- đêm- trường tâm sự ai
Màu sương gió đã mách ta rồi...
Tìm nhau để phút giây hoài cảm
Dưới nguyệt mơ về thuở sánh đôi.


Nhà thơ họ Vũ không khỏi ngậm ngùi nghĩ đến cảnh ngộ mình lúc ấy: “Cơ nghiệp buông trôi ở Vị thành, Ném theo đời loạn kiếp lênh đênh.” Ông đoán biết Tuyết Khanh cũng vừa phải trải qua những năm tháng gian nan nhưng không nhắc đến, chỉ nhấn mạnh vào điểm nữ kịch sĩ vẫn rất đẹp:

Phải chăng từ độ ấy quan san
Trời Đất cùng đau nỗi hợp tan
Nhưng chỉ mình ta phai áo lục
Còn Khanh sau trước vẫn hồng nhan


Những lời Vũ Hoàng Chương tả Tuyết Khanh trong bài “Hợp tan” là những vần thơ tả người đẹp một cách diễm tuyệt và sinh động:

Mái vẫn bồng bênh tóc óng mây
Ngọc chưa mờ vẻ trán thơ ngây
Miệng anh đào vẫn mùa đương chín
Măng vẫn thon ngà búp ngón tay.

Chân tình nhất, có lẽ là hai câu:
       
Lặng nhìn nhau trọn đêm gần gũi
Không nói mà tâm sự rất nhiều.

Nhưng đêm sắp tàn. Một cuộc tái ngộ chờ đợi từ bao lâu sắp đến lúc kết thúc:

        Trống đổi canh hoài, rụng hết sao
Chân mây dần nhuộm nắng hoe đào
Một đêm, từ mấy năm chờ đợi
Sắp ngả màu trong dĩ vãng nào

Vũ Hoàng Chương đặt tên bài thơ là “Hợp tan” vì vừa “hợp” đã lại “tan.” Ông xót xa nghĩ đến nông nỗi dù thương quý nhau nhưng vẫn phải chia tay, mỗi người một nơi:

        - Em ơi! viện sách với lầu trang
Đâu nữa? mà ta cũng vội vàng
Cho uổng hoa rơi, hoài lá rụng
Ngẩn ngơ đầu cuối bến Tương-giang.

Hoa lênh đênh trôi về cuối sông
Đầu sông lá giạt kiếp phiêu bồng
Đôi ta mấy thuở từng trôi giạt
Sao chẳng vì hoa lá ngại ngùng.

Ông não lòng vì phải chia biệt:

Em nỡ cho đành dứt áo đi
Ôi thôi trời đất lại phân kỳ
Trông theo mây dựng sầu quan tái
Khoảnh khắc lòng ta chợt "nữ nhi"

Tuyết phủ đêm nay một góc giường
Nằm nghe quanh chiếu rộn tang thương
Ta say gọi ngã vầng trăng huyết
-         Khanh của Hoàng ơi! lửa bốn phương.

Câu mở đầu của bài “Hợp tan” này là câu cuối của bài “Nhớ cố nhân.” Câu cuối của bài “Hợp tan” là câu đầu bài “Nhớ cố nhân.” Nếu đặt hai bài liền nhau, ta sẽ có một bài “liên hoàn thủ vĩ ngâm.”


Cả hai bài “Nhớ cố nhân” và “Hợp tan” được in đầy đủ trong tập Rừng Phong, rồi cùng được in lại trong Ta Đợi Em Từ Ba Mươi Năm. Riêng “Nhớ cố nhân” được in lại thêm trong Ta Đã Làm Chi Đời Ta.

Cũng trong Ta Đã Làm Chi Đời Ta, Vũ Hoàng Chương cho biết khi tới thăm ông lần này, Tuyết Khanh đi cùng với Kiều Liên. Đó là người bạn gái từ Hải Phòng đã cùng tập diễn vở “Cô gái ma” với Tuyết Khanh và Vũ Hoàng Chương đêm Trung Thu năm 1946. Trong cuốn Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc, nhà biên khảo Thụy Khuê nêu ra một nghi vấn đáng chú ý, “Chắc là Kiều Loan, con gái của Hoàng Cầm và Tuyết Khanh, lúc đó chưa đầy tuổi” nhưng trong sách có thể tên bị in sai thành Kiều Liên.  Đây cũng là một điểm cần tìm hiểu thêm ¹². Khi tới thăm Vũ Hoàng Chương lần này, Tuyết Khanh cũng đưa ông một bài thơ theo thể lục ngôn vừa làm xong trên quãng đường bảy cây số dưới ánh trăng, lấy nhan đề là “Gửi gấm.” So sánh bài này với những bài Tuyết Khanh làm khoảng năm 1946, Vũ Hoàng Chương cho biết ông nhận thấy thơ Tuyết Khanh có chiều sâu hơn trước nhiều.

Ít hôm sau, một Đại hội Văn nghệ được tổ chức ngay tại Khuốc. Theo hồi ký của bà Thục Oanh, đó là Đại hội Văn nghệ Liên khu III (gồm các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng). Giới trí thức, văn nghệ sĩ tham dự rất đông. Theo Vũ Hoàng Chương, có Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Anh Thơ… Đêm bế mạc diễn màn đầu của vở “Vân Muội” (Năm 1948, kịch thơ còn được diễn ở vùng kháng chiến. Mãi đến “Đại hội Văn nghệ” ở Việt Bắc tháng 8 năm 1950, Tố Hữu mới lên án vọng cổ và kịch thơ, rồi Hoàng Cầm mới phải đem toàn bộ kịch thơ của mình ra “treo cổ”). Trong lần diễn này, Tuyết Khanh đóng vai Vân Muội. Vũ Hoàng Chương cho biết trong nhiều lần diễn trước từ 1942, Đinh Hùng đã phải giả trang. Ông cũng cho biết trong vai Hoàng Lang khi ra diễn lần này ông xúc động nhiều lần, vì những lời tâm tình trong vở kịch được do chính Tuyết Khanh thốt ra:

        Em nhớ anh! Và mưa gió sụt sùi
        Càng khêu gợi đêm nay tình khắc khoải
        Càng giục giã tấm lòng em điên dại
        Càng như xui em liều bước tìm anh.

Vũ Hoàng Chương cho biết tuy là người viết ra vở kịch, do quá cảm súc, có lúc ông suýt quên, không ngâm tiếp lời diễn của mình.

Trưa hôm sau, trong một tiệc trà đưa tiễn các thân hữu ra về đợt chót, vị Giám đốc nhà xuất bản bảo trợ yêu cầu trình bày những sáng tác mới. Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, và Anh Thơ đều lên bục ngâm. Đến lượt Vũ Hoàng Chương, không thể chối từ, ông đành lên giới thiệu bài “Nhớ cố nhân” của mình và nhờ Tuyết Khanh ngâm hộ. Ông tin thế nào Tuyết Khanh cũng đã thuộc. Quả nhiên nữ kịch sĩ diễn ngâm đủ 80 câu thơ “như mây trôi nước chảy” không vấp chút nào, khiến cử tọa vô cùng kinh ngạc.

Qua năm 1949, Vũ Hoàng Chương cho biết ông đổi địa chỉ hai lần nhưng đều quanh khu vực Đống Năm nên do đó vẫn không xa Tuyết Khanh. Ông cho biết bà đã về ở hẳn Thái Bình, “sống đơn chiếc như một ẩn sĩ thời loạn.” Mỗi lần Tuyết Khanh tới thăm thường có sáng tác mới để cùng đọc, cùng ngâm. Mỗi lần chia tay, ông đều đưa tiễn một quãng đường, ngắn nhất cũng ba cây số. “Mỏi chân thì cùng ngồi xuống bờ đê hay góc ruộng.” Ông cho biết thi hứng của Tuyết Khanh và của ông trong giai đoạn ấy có nhiều điểm giống nhau. Trong cảnh sống đạm bạc giữa loạn ly, Vũ Hoàng Chương và Tuyết Khanh đã có hơn một năm là những bạn văn chương tương đắc được ở khá gần nhau ¹³.

HÀ NỘI 1950-52 VÀ “TỪ ĐÓ VỀ SAU”

Cuối năm 1949, chiến tranh lan rộng thêm. Khu vực Đống Năm bị đốt phá tan hoang. Trong một trường hợp hết sức bất ngờ, hai gia đình Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng (trong đó có cụ bà thân mẫu của thi sĩ Vũ Hoàng Chương và người con mới sinh đầy tháng của thi sĩ Đinh Hùng) được đưa về Hà Nội. Khi đã tạm ổn định, Vũ Hoàng Chương lại tự hỏi, “Không biết Khanh trôi giạt nơi nào?”      

Khoảng tháng 6/1950, Vũ Hoàng Chương cho đăng trong Lửa Lựu, một giai phẩm văn chương xuất bản ở Hà Nội, một bài thơ của ông, “Nỗi buồn sông núi.” Ông yêu cầu vị chủ biên đăng bài ấy song song với bài “Gửi gấm” Tuyết Khanh đã làm trên đoạn đường từ Đống Năm khi đến thăm ông cuối thu năm 1948.  Ông cho biết, “Tiếng gọi bạn lần này có kết quả tức khắc.” Qua địa chỉ của Lửa Lựu, Vũ Hoàng Chương nhận được hồi âm của Tuyết Khanh từ Hải Phòng. Sau khi chiến tranh lan tới Đống Năm, trong khi Vũ Hoàng Chương được đưa về Hà Nội thì Tuyết Khanh cũng về được tới Hải Phòng.

Năm 1951, Vũ Hoàng Chương cho diễn vở kịch thơ “Tâm sự kẻ sang Tần.” Năm 1952, ông cho diễn vở “Thằng Cuội.” Lần nào Tuyết Khanh cũng từ Hải Phòng lên để xem. Trước khi cho diễn “Thằng Cuội,” ông nảy ra ý nghĩ mời Tuyết Khanh giữ vai Hằng Nga (ông sẽ nhận vai Cuội để hai người lại có dịp cùng diễn với nhau). Nhưng theo Vũ Hoàng Chương trong Ta Đã Làm Chi Đời Ta, khi ông xuống Hải Phòng để đưa ra lời đề nghị ấy, Tuyết Khanh đã giữ ông lại, ngao du phố phường mấy hôm, rồi nói:

  
 “Thôi, Hoàng ạ! Hoàng có nói dối ai bao giờ đâu mà đóng Thằng Cuội được! Khanh thì nửa đời tuyết băng lầm cát bụi, luôn luôn phải đối phó với từng nhịp Đoạn trường. Khanh đóng vai Hằng Nga, e càng rước lấy khổ tâm và không khéo sẽ tuyệt vọng mất. Chúng ta cùng ngồi xem kịch, nghe thơ có hơn không!”

Vũ Hoàng Chương cho biết ông chiều ý Tuyết Khanh. Nhưng đêm diễn kịch ấy, ông cảm thấy buồn vô hạn. “Và từ đó, Hoàng với Khanh chẳng còn sánh vai nhau trong ảo mộng sân khấu một lần nào nữa. Hoàng cũng chẳng còn đủ hào hứng để viết thêm một vở kịch thơ nào” ¹⁴.

Trong hai năm 1960-1961 ở Sàigòn, bên cạnh việc đưa in những tác phẩm mới như Cảm Thông, Tâm Tình Người Đẹp, Vũ Hoàng Chương cho in lại rất nhiều thi phẩm đã được xuất bản trước 1954  như Thơ Say, Mây, các vở kịch “Vân Muội,” “Trương Chi,” “Hồng Diệp,” “Tâm sự kẻ sang Tần,” nhưng tuyệt nhiên ông không đưa in lại vở “Thằng Cuội.” Những người yêu kịch ở miền Nam chỉ được biết vở “Thằng Cuội” của Vũ Khắc Khoan, không ai biết nội dung cùng ngôn từ vở “Thằng Cuội” của Vũ Hoàng Chương ra sao.

Năm 1956, đúng mười năm sau khi gặp Tuyết Khanh lần đầu, Vũ Hoàng Chương làm bài “Mộng vẫn còn.” Một số câu của bài này đã được đề cập tới ở cuối phần “Hà Nội, 1946.” Xin được giới thiệu thêm một số câu quan trọng khác:

Bâng khuâng cùng nhắc chuyện mười năm
Đời lỡ nhau thôi, mộng chẳng lầm
Mây nước rộn cung đàn kỷ niệm
Trời yêu biển nhớ ngút thanh âm.

Vũ Hoàng Chương nhớ ánh trăng ở Phù Lưu năm 1946, khi ông qua gần trọn một đêm bên cạnh Tuyết Khanh:

Dĩ vãng trôi theo về lớp lớp
Mang theo vằng vặc ánh trăng xưa

Cùng diễn kịch với Tuyết Khanh, Vũ Hoàng Chương từng đóng vai Hoàng Lang trong vở “Vân Muội,” vai Lương Sinh trong vở “Anh Nương” (“Cô gái ma”). Ông hỏi Tuyết Khanh có phải nữ kịch sĩ chính là Vân Muội hay Anh Nương hay không? Riêng ông, vẫn là Hoàng Lang hay Lương Sinh, và vẫn kiên tâm chờ đợi:
Phải rằng: Vân Muội, Anh Nương?
Vẫn Hoàng- Lang đợi, với Lương -Sinh chờ?
Mười năm bóng khuyết gương mờ
Chiều nay lại có bài thơ Trăng -Tròn


Tiếp ý các bài “Nhớ cố nhân” và “Hợp tan,” Vũ Hoàng Chương dùng lại bốn tiếng “Khanh của Hoàng ơi” đã trở nên vô cùng thân thuộc:

Nhịp đá vàng chen tiếng sắt son
Một cung hoài niệm ý chon von
Khóe thu còn biếc trăng tâm sự

Khanh của Hoàng ơi, mộng vẫn còn!


Toàn thể bài này được in ở hai trang 64-65 trong tập Hoa Đăng.

Theo Vũ Hoàng Chương trong Ta Đã Làm Chi Đời Ta, một ngày trong năm 1967, với vẻ kỳ bí, bà Thục Oanh đột nhiên đưa ông một trang giấy màu xanh “nửa tươi ánh Mộng, nửa úa hương Thời gian.” Mở ra là một bài thơ viết tay, chữ của Tuyết Khanh.
Sau đây là bản chụp bài thơ ấy, như được in ở trang 126, cuốn Ta Đã Làm Chi Đời Ta:




        Tơ nào chẳng vẹn, kịch nào duyên?
        Cuộc thế từ khi dậy đảo điên…
        Nửa giấc mơ hoa còn ảnh hiện
        Một phen kỳ ngộ đẹp hương nguyền.
        Phong ba nổi sóng Hà-Yên
        Khuất vừng trăng bạc trước hiên lầu Tần.
        Ngỡ ngàng vẫn nét chân thân
        Cố-đô hồn mộng như gần như xa.

Vũ Hoàng Chương hỏi bài thơ từ đâu tới và được bà Thục Oanh trả lời là, “Từ trong chiếc rương Dĩ vãng của anh.” Ông rất ngạc nhiên vì cho tới lúc đó, chưa được đọc bài thơ ấy bao giờ ¹⁵.

Ý thơ rất kín đáo. Chúng tôi xin cố giải thích những chỗ có thể nhận thức được trong 4 câu đầu. Với 4 câu sau, nhất là hai câu 5-6, mong được nghe cao kiến của các bậc thức giả.

Trong 4 câu đầu, hình như nữ kịch sĩ muốn nói: Chuyện xem kịch, cùng tập, hay cùng diễn kịch đã tạo nên nhân duyên, song tơ duyên ấy không được vẹn. Vì xem diễn vở “Lên đường,” xem tập vở “Kiều Loan,” cùng tập vở “Cô gái ma,” rồi cùng diễn vở “Vân Muội,” Vũ Hoàng Chương đã tạo nên một hình thức “nhân duyên” với Tuyết Khanh. Tơ duyên ấy không trọn vẹn, nguyên nhân chính là do thời thế. Tuy giấc mơ hoa mới được một nửa nhưng hình ảnh vẫn còn, cuộc kỳ ngộ đẹp như lời nguyền ước.

Trong 4 câu sau, người viết những dòng này chưa tìm được địa danh “Hà-Yên” nào có liên quan tới những năm Vũ Hoàng Chương và Tuyết Khanh quen biết nhau. “Hà” có thể là Hà Nội, nhưng còn “Yên”? Hai người chưa từng cùng tới Hưng Yên, Quảng Yên, Phúc Yên, Vĩnh Yên, hay Yên Bái. Hoàng Cầm quê ở huyện Việt Yên, nhưng điều ấy không giúp giải thích được câu thơ. Với kiến thức giới hạn, chúng tôi cũng chưa tìm được điển tích nào có từ “Hà-Yên” khiến câu thơ trở nên có ý nghĩa. Từ “lầu Tần” có thể dùng để chỉ chiếc lầu Tần Mục công đời Xuân Thu cho xây để ái nữ là nàng Lộng Ngọc ở. Lộng Ngọc có tài thổi sáo ngọc, sau thành hôn với Tiêu Sử, có tài thổi tiêu. Theo truyền thuyết, về sau hai vợ chồng cùng cưỡi hạc (có tài liệu chép là người cưỡi rồng, người cưỡi phượng) bay lên trời. Với người Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20, từ “cố đô” có thể dùng để chỉ Hà Nội hay Huế, nhưng vì Tuyết Khanh và Vũ Hoàng Chương có nhiều kỷ niệm chung ở Hà Nội, chúng tôi phỏng đoán trong câu “Cố đô hồn mộng như gần như xa,” Tuyết Khanh muốn nói đến Hà Nội.

Với câu “Phong ba nổi sóng Hà-Yên,” chúng tôi có một giả thuyết, xin được thỉnh ý các bậc cao kiến.

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có thói quen viết như kiểu chữ hoa ở một vài chỗ chỉ đòi hỏi kiểu chữ thường. Chẳng hạn, trong bài thơ thứ nhất ở phía sau, ông đã viết:

        Văn tự Hà Tàng (sic) vi ngã dụng
        Cơ hàn bất giác thụ Nhân Liên

Hai câu ấy lấy từ bài “Khất thực” (Xin ăn) của Nguyễn Du, đúng ra chỉ nên viết là:

        Văn tự hà tằng vi ngã dụng
        Cơ hàn bất giác thụ nhân liên
(Văn chương, chữ nghĩa, nào đã từng ích gì cho ta
Không dè vì đói rét, phải nhận lòng thương hại của người)





Ở hàng 13 có một chữ “khúc” (“mê từng khúc rơi”) cũng được ông viết là “Khúc.” 

Trong bài thơ thứ hai, ông cũng viết chữ “khúc” ở dòng 3, chữ “khuyên” ở dòng 5, chữ “sau” ở dòng 6, chữ “sáng” ở dòng 9 như những chữ hoa, trong khi ở các vị trí ấy, chỉ cần viết kiểu chữ thường. Có lẽ khi chép bài thơ của Tuyết Khanh vào bản thảo cuốn Ta Đã Làm Chi Đời Ta trước khi đưa in, ông đã viết chữ “hà yên” thành “Hà Yên.” Do đó câu:
        Phong ba nổi sóng Hà Yên
thực ra chỉ là:
        Phong ba nổi sóng hà yên.

Người thợ sắp chữ đã chọn chữ đúng theo cách viết của ông. Năm 1974, do sức khỏe tương đối suy kém, ông đã không đọc kỹ để sửa lại trước khi cho in.

Nếu câu thơ thứ 5 chỉ là “Phong ba nổi sóng hà yên” (Sóng gió nổi dậy ở chỗ có ráng trời và khói, chỉ cảnh sống ẩn dật), thì ý thơ dễ hiểu hơn.

Trong những năm 1948, 1949, ở khu vực Đống Năm, Thái Bình, Vũ Hoàng Chương và Tuyết Khanh đã có hơn một năm tương đối ổn định, được sống gần nhau. Theo nhà thơ họ Vũ, “mỗi lần Tuyết Khanh tới thăm thường có sáng tác mới để cùng đọc, cùng ngâm.” Mỗi lần chia tay, ông đều đưa tiễn một quãng đường, “mỏi chân thì cùng ngồi xuống bờ đê hay góc ruộng.” Nhưng cuối năm 1949, chiến tranh lan tới khiến hai người lại phải phân tán. Vì thế đã:

        Khuất vừng trăng bạc trước hiên lầu Tần.

Hai người bạn thơ đang được “cùng đọc, cùng ngâm” một cách tương đắc như Lộng Ngọc và Tiêu Sử thổi sáo, hòa tiêu thì lại phải chia tay. Với sự dè dặt, chúng tôi xin trình bày cách hiểu ấy tới các bậc thức giả.

Sau khi từ Thái Bình về sống ở Hải Phòng một thời gian, Tuyết Khanh đã làm lại cuộc đời bằng cách “bước đi bước nữa.” Năm 1954 khi đất nước chia đôi, bà cùng gia đình mới vào Nam, đem theo Kiều Loan, người con chung của bà với thi sĩ Hoàng Cầm, khi ấy mới được 6 tuổi. Để thực hiện bài này, người viết đã tìm gặp nghệ sĩ Kiều Loan và được biết trong những năm 1954-1975 ở Sàigòn, ông bà Vũ Hoàng Chương thỉnh thoảng vẫn đến thăm bà Tuyết Khanh. Kiều Loan lớn lên trong thơ Vũ Hoàng Chương vì thân mẫu hay ngâm. Chính Vũ Hoàng Chương đã hướng dẫn Kiều Loan ngâm “Bài ca sông Dịch.” Hai gia đình giữ tình thân với nhau.


 Trong biến cố 1975, Tuyết Khanh sang Hoa Kỳ. Kiều Loan bị kẹt lại, năm 1981 mới “vượt biên” được. Năm 1980, nhà thơ Viên Linh gặp Tuyết Khanh trong một ngôi chùa ở thủ đô Washington, DC. Nhân đang là chủ bút tờ Đuốc Tuệ của Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn, nhà thơ Viên Linh mời bà viết một bài về thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Sau một thời gian ngần ngại, bà nhận lời. Bài viết được đăng trên Đuốc Tuệ với bút hiệu Anh Nương, nhưng hiện nay, nhà thơ Viên Linh không còn giữ được số báo ấy.  

Sau khi Kiều Loan tới Mỹ, Tuyết Khanh về sống ở California. Nhạc sĩ Phạm Duy từng được gặp bà và Kiều Loan trong một khu nhà gần trung tâm Los Angeles. Phạm Duy đề nghị dựng lại vở kịch “Kiều Loan.” Nhân vật Kiều Loan đóng vai chính Kiều Loan. Tuyết Khanh hướng dẫn con trong việc trình diễn và ngâm. Trong những năm đầu của thập niên 1990, vở kịch thơ nổi tiếng được sống lại nhiều lần ở Bắc, Nam California và một số nơi khác, đi tới đâu cũng được hoan nghênh. Vở kịch cũng được in lại.    

Cũng theo Kiều Loan, từ khi tới Hoa Kỳ, Tuyết Khanh tu tại gia và ăn chay. Bà có pháp danh là Diệu Lộc, lấy tên tự là Tịnh Nguyệt Anh Nương (Anh Nương dưới vầng trăng thanh tịnh). Chúng ta cùng nhớ Tuyết Khanh đóng vai Anh Nương trong vở “Cô gái ma,” trong khi Vũ Hoàng Chương giữ vai Lương Sinh. Trước câu hỏi của Vũ Hoàng Chương:
Phải rằng Vân Muội, Anh Nương?
Vẫn Hoàng Lang đợi, với Lương Sinh chờ

Tuyết Khanh cho biết bà “vẫn là Anh Nương,” nhưng một “Anh Nương dưới vầng tịnh nguyệt,” ánh trăng tinh khiết của nhà Phật.

Năm 1991, Tuyết Khanh cho in tập thơ Hương Sen, gồm những bài hướng về Phật giáo.



Bà cũng làm bài “Gửi gió đưa hương” với lời chú, “Gửi cố nhân VHC”:

Ngọn gió đưa hương đến suối đào
Nhắn rằng thế sự lắm gian lao
Duyên thơ xe kết bây nhiêu đó
Nợ bút ràng thêm tự thuở nào
Lá thắm chưa ngưng dòng ảo mộng
Tờ hoa đã khép cánh chiêm bao
Sương thu mờ xóa đôi bờ thẳm
Bóng nguyệt lênh đênh sóng dạt dào.

Năm 2006, khoảng ba năm trước khi tạ thế, bà viết bài “Ngậm ngùi” để “tưởng nhớ cố nhân”:

Chiều nay bỗng nhớ cố nhân
Cảm thương thì đã âm phần cách xa
Người xưa lòng nặng thiết tha
Thờ ơ ta chẳng chung hòa chén xuân
Người xưa đã khuất cõi trần
Thôi còn đâu nữa một lần cảm thông.
Cuộc đời thì vẫn mênh mông
Còn ta thì vẫn cô phòng bấy lâu
Bóng dâu đã xế ngang đầu
Vắng tanh tri kỷ bỗng đâu chạnh lòng
Bừng lên một chút nắng hồng
Trái tim khép kín lạnh lùng bấy lâu
Chẳng còn chi để tặng nhau
Vài dòng tưởng niệm đôi câu tạ lòng.

Hai bài này giản dị và dễ hiểu, không quá kín đáo như bài thơ do bà Thục Oanh tìm ra phía trên.

Nữ kịch sĩ Tuyết Khanh tạ thế ngày 15 tháng 8 năm 2009 tại San Jose, California, hưởng thọ 88 tuổi. Đọc Cáo Phó, chúng ta được biết khuê danh bà là Bùi Thị Khanh, sinh năm 1922 tại Hải Phòng. Trong cuộc đời, từng nhận được tình yêu chân thành  từ hai nhân tài của nước Việt: Hoàng Cầm và Vũ Hoàng Chương. Với Hoàng Cầm, nữ kịch sĩ sinh được Bùi Thị Kiều Loan (tên thật của Hoàng Cầm là Bùi Tằng Việt, ghép tên xã Phúc Tằng với tên huyện Việt Yên của nơi sinh). Với Vũ Hoàng Chương, tuy thuần túy chỉ là “tình trong văn chương,” những vần thơ diễm tuyệt trong các bài “Nhớ cố nhân,” “Hợp tan,” “Mộng vẫn còn” … đã đưa danh hiệu bà vào văn học sử.

TRẦN TỪ MAI

Ghi chú:

1.   Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng : Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại, 1927-1954—Tái bản kỳ II (Sàigòn : NXB Nguyễn Hòa Hiệp, 1970), các trang 134-35, 155-72.
2.   Phạm Thảo Nguyên, Áo Dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay (Hà Nội : Hồng Đức ; Sàigòn : Khai Tâm, 2018), trang 95-96, 103, 114-16.
3.   Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, Tập 3: Văn Học Hiện Đại, 1862-1945 (Sàigòn : Quốc Học Tùng Thư, 1965), trang 599-609, 659-661. Xem thêm: Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, Q. 3 (Sàigòn : Thăng Long, 1959), trang 665-698.
4.   Vũ Hoàng Chương, Ta Đã Làm Chi Đời Ta (Sàigòn : CSXB Trương Vĩnh Ký, 1974), trang 91-93. Xem thêm: Vũ Hoàng Chương, “Sương gió bồng bênh,” bài thơ thứ 14 trong tập Cành Mai Trắng Mộng (Sàigòn : Văn Uyển, 1968).
5.   Vũ Hoàng Chương, Ta Đã Làm Chi Đời Ta (sách đã dẫn), trang 96-97. Toàn bài thơ “Bài ca sông Dịch” được in trong thi tập Rừng Phong (Sàigòn : NXB Phạm Văn Tươi, 1954), trang 4-6.
6.   Vũ Hoàng Chương, Ta Đã Làm Chi Đời Ta (sách đã dẫn), trang 97-100.
7.   Vũ Hoàng Chương, sách đã dẫn, trang 106-114.
8.   Vũ Hoàng Chương, sách đã dẫn, trang 114-119.
9. “Nhân Văn Giai Phẩm phần XII: Hoàng Cầm”-- Người phỏng vấn: Thụy Khuê
    (Bài đăng ngày 02/03/2010, Cập nhật lần cuối ngày 02/03/2010):
http://www1.rfi.fr/actuvi/articles/123/article_7100.asp
Xem thêm: Thụy Khuê, Nhân Văn Giai Phẩm và Nguyễn Ái Quốc (Falls Church, VA : Tiếng Quê Hương, 2012), trang 275-76.
10.                Vũ Hoàng Chương, Ta Đã Làm Chi Đời Ta (sách đã dẫn), trang 118-119.
11.                Phạm Duy, Hồi Ký Thời Cách Mạng Kháng Chiến (Midway City, CA : Phạm Duy Cường Musical Productions, 1989), trang 129-130. Xem thêm: Thụy Khuê, Sách đã dẫn, trang 267-69, 277-78.
12.                Thụy Khuê, Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc (Falls Church, VA: Tiếng Quê Hương, 2012), trang 277, lời chú 309.
13.                Những chi tiết về hoàn cảnh và cuộc sống của Vũ Hoàng Chương, Tuyết Khanh và Hoàng Cầm trong giai đoạn này được rút từ: Vũ Hoàng Chương, Ta Đã Làm Chi Đời Ta (sách đã dẫn), trang 119-124; Đinh Thị Thục Oanh, “Hồi cư,” trong Thế Kỷ 21 (Westminster, CA) số 213 &214 (Tháng 1 & 2-2007), trang 25-26; Phạm Duy, Hồi Ký Thời Cách Mạng Kháng Chiến (sách đã dẫn), trang 128-130, 288-292; Thụy Khuê, Nhân Văn Giai Phẩm và Nguyễn Ái Quốc (sách đã dẫn), trang 267-269, 275-279, 886-889.
14.                Vũ Hoàng Chương, Ta Đã Làm Chi Đời Ta (sách đã dẫn), trang 124-125.
15.                Vũ Hoàng Chương, sách đã dẫn, trang 125-126.