NGUỒN DĐTK
với sự đồng ý của tác giả.
với sự đồng ý của tác giả.
Người bạn chuyển cho một cái clip gồm những bức tranh hí họa mô tả những cảnh
trong đó smartphone nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay của mỗi nhân vật trong
tranh/hình nhưng lại chiếm ngự mọi người mọi sinh hoạt. Lời chú bằng tiếng Pháp
nhưng là chuyện chúng ta thấy hằng ngày ở Mỹ và hầu như mọi nơi trên thế giới.
Những hoạt cảnh cười ra nước mắt. Song không khỏi làm người xem suy nghĩ về
những biến đổi trong
đời mỗi chúng ta do chiếc điện thoại thông minh này, nói riêng,
và kỹ thuật cao, nói chung, mang lại.
Trái, đọc tin năm 1996 và 2018.
Phải, bà mẹ năm 1996 với đứa con mải chơi đá bóng: “Vô nhà ăn cơm rồi còn làm
bài!” Bà mẹ 2018 với thằng con suốt ngày chơi game trên điện thoại: “Ra ngoài chơi!”
Trái, cửa vào thư viện miễn phí so với cửa vào nơi có đường kết mạng miễn phí. Phải, “A!! Điện thoại di động!!! Cái này khiến ta gần với người ở xa nhưng lại làm ta xa với người ở ngay bên cạnh!!”
Người bạn chuyển loạt hí họa viết, không
thể chính xác hơn: "Trong suốt cuộc đời 80 năm của
tôi, chưa bao giờ tôi thấy một hiện tượng lạ như cái smart phone của thời đại
hiện nay. Tôi cũng chưa bao giờ chứng kiến hoặc nghe nói về một sản phẩm nào mà
đông đảo con người trên toàn thế giới -- tôi xin nhắc lại: trên toàn thế giới --
say mê như họ say mê cái smart phone ngày nay."
Sự tiện lợi của điện thoại thông minh
ai cũng biết. Tôi không dùng các diễn đàn thông tin xã hội, nhưng cũng như
nhiều người, cá nhân tôi đi đâu mà quên cái iPhone là như thiếu vật tùy thân –
một cái bóp nhỏ trong đựng thẻ căn cước, thẻ tín dụng và thẻ ngân hàng. Mặc dù không dùng phone khi ra ngoài, không mở điện thọai để soát điện thư
hay text, nhất là khi có mặt người thân
hay bằng hữu, nhưng tôi
phải có nó bên mình vì
trong đó là đủ thứ thông tin cần thiết và cả không cần thiết.
Quan trọng nhất là các
chi tiết ICE (in case of emergency/phòng hờ khẩn cấp)
gồm tên và phone của mấy đứa con, các loại thuốc theo toa bác sĩ mà
tôi hiện dùng, dị ứng với
thuốc gì, loại máu, tên và số điện thọai của
bác sĩ cá nhân, số Bảo hiểm sức khoẻ, vv. Tôi bỏ các chi tiết này vào một cái chương
trình/app, gọi là Emergency, gài sẵn trong điện thoại và hiển hiện trên home screen để nhân viên cấp cứu có thể bấm và vào
ngay mà không cần mật hiệu trong trường hợp tôi bị bất tỉnh hay không
nói được.
Smartphone, và nhỏ hơn nữa là cái smartwatch, thực ra chỉ là sản phẩm kết tụ
của một chuỗi những phát minh chưa từng có của nhân loại, khởi đi từ kỹ thuật
điện toán bắt đầu trở nên phổ biến từ thập niên 1980, và được
kỹ thuật Internet thêm sức vào giữa thập niên 1990 sau khi Chiến Tranh
Lạnh chấm dứt và Bộ Quốc phòng Mỹ (vốn vẫn độc
quyền kỹ thuật này) chuyển kỹ thuật Internet sang cho
lãnh vực tư xử dụng.
Internet ra đời
vì nhu cầu chuyển thông tin an toàn trong thời Chiến Tranh Lạnh vì, khác với
điện tín có thể bị chặn cắp trọn gói dọc đường, Internet chia một thông tin
thành nhiều mảnh vụn (gọi là packet) và chuyển qua nhiều trạm (gọi là node)
khác nhau của một cái mạng lưới (do đấy gọi là Internet/liên mạng) rồi cuối
cùng tới cùng một điểm đến (tức người hay nơi nhận) và tụ lại
thành một gói nguyên vẹn như khi được chuyển đi.
Trước kia người
ta chỉ có thể chuyển văn bản/text qua Internet dưới dạng điện thư/email, chưa
có khả năng đính kèm/attached. Mãi tới giữa thập niên 1990 mới có sự hình thành
và hoàn thiện của cái gọi là World Wide Web, viết tắt là WWW, và các chương
trình/software (gọi là browser) giống như một cái xe
dùng để di chuyển, hay lướt trên mạng, xem được cả hình ảnh. Browser Netscape
nổi tiếng một dạo, hồi ấy phải mua, cũng như mở chương mục điện thư phải trả
tiền như Compuserve, AOL, và dịch vụ Internet dial-up. Netscape sau bị Internet
Explorer miễn phí của hãng Microsoft lấn chiếm, để rồi chính cái browser IE này
cũng bị gạt sang một bên, cũng như dịch vụ dial-up đã bị broadband thay thế, và dịch vụ điện thư trở thành miễn phí và người sử dụng phải lên Web
để nhận và gửi
thư, hoàn toàn miễn phí, bù lại là sự kiểm soát âm thầm của các hãng cho mình
dùng dịch vụ miễn phí. Bây giờ đa số người sử dụng Internet dùng Google để tìm và lướt mạng,
nhờ Google có
trang bị một Search engine vô cùng hữu hiệu. Ít ai để ý tới việc Google lưu giữ
vĩnh viễn những
chi tiết của bạn, như bạn đã tới những nơi nào trên mạng, tìm gì, mua gì, gặp ai. Dù bạn có mày
mò vào được tới chỗ cho phép mình xóa đi
những chi tiết cá nhân đó,
nhưng Google đã lưu giữ vĩnh viễn ở kho riêng của họ, và lập hồ sơ về hành trình lướt mạng
mỗi ngày của bạn cho nhu cầu quảng cáo thương mại của họ. Cũng vậy là các diễn đàn xã hội, như
Facebook và nhiều nữa. Người nào quan tâm tới sự riêng tư của mình thường dùng
browser Firefox của Mozilla Corporation, một cơ sở phi lợi nhuận, hoặc browser
Bing của Microsoft, an toàn hơn vì những browser này không lưu giữ thông tin về
bạn. Những hãng này không cần doanh thu từ quảng cáo vì họ hoặc là phi lợi
nhuận như Mozilla hoặc sản xuất software
như Microsoft.
Từ sau khi được bàn giao cho giới tư nhân, kỹ thuật Internet phát triển như vũ bão, không chỉ tại Mỹ
mà lan ra khắp nơi trên
thế giới như chúng ta đã biết. Chỉ trong vòng
có một thế hệ, tức khoảng 25 năm, nhiều người,
nếu muốn, không cần phải đi ra ngoài, vẫn có thể mua sắm mọi thứ đồ
dùng, kể cả thực phẩm, trên Internet có dịch vụ giao tận nhà. Chúng ta không
còn mấy ai mở tờ báo bằng giấy ra để đọc tin tức vì đã sẵn hết cả tin từ tây
sang đông từ bắc xuống nam và cả từ… vũ trụ trên smartphone, tablet hay máy điện toán
đủ loại để bàn hay trên đùi. Ngành bưu điện xưa độc quyền của chính phủ, nay
vốn đã thoi thóp vì sự ra đời của những hãng tư nhân như UPS, FedEx, DHL, vv…
nay lại bị kỹ thuật điện thư, online banking và nhiều dịch vụ khác lấn át. Tôi
không nhớ lần cuối tôi trả tiền bằng ngân phiếu và dán tem rồi gửi đi cách đây
bao lâu vì tôi đã sắp xếp trả tiền tự động qua banking online, đi đâu
xa cả mấy tháng tôi cũng không phải bận tâm sợ
trễ một hóa đơn nào.
Vốn yêu nghề báo và đã từng lăn lộn
với nó từ những ngày ở Sài Gòn sắp từng con chữ bằng
tay sang tới Mỹ dàn trang trên PageMaker, QuarkXpress
rồi InDesign, tôi chào đón kỹ thuật, song không tránh khỏi ngậm ngùi nhìn từng bộ phận của tờ báo bị xóa bỏ,
từ sắp chữ, dàn trang, và cuối cùng nhiều tờ báo
giấy dẹp tiệm, nhân viên bị sa thải. Đa số những ai còn hành nghề là thuộc giới
trẻ. Họ là những
người, ngoài huấn luyện báo chí truyền
thống từ trường ốc còn thông thạo kỹ nghệ cao, đã
“di tản” lên Internet, và được gọi là “V-journalist,” tức ký giả tường trình
bằng video. Họ phải giỏi
không những săn và viết tin, mà còn phải biết thu hình, cắt và ráp nối. Và cái họ điện thư đi
nạp cho chủ bút
không chỉ là bản tin mà còn cả một cái viedo clip.
Tờ báo địa phương tôi đã cộng tác
tới khi về hưu vào năm 2006 có tuổi trên một thế kỷ rưỡi. Phòng tin tức từ 80 nhân viên -- ngoài dàn phóng viên và
nhiếp ảnh trên dưới hai chục người, còn có cả một dàn copy editors và một
graphic desk tíu tít bận rộn mỗi đêm để kịp chuyển các trang xuống nhà in vào lúc 1 giờ sáng, nơi có dàn máy in khổng lồ lớn
gấp ba, bốn cái đầu tầu xe lửa -- nay chỉ còn trên dưới 20 người. Ngay cả phần
dàn trang cũng bị khoán cho một hãng ở tiểu bang khác. Bộ phận thư viện văn khố tin tức điện tử mà tôi giúp gầy
dựng cũng đã bị dẹp bỏ. Tôi không khỏi thắc mắc cái gì đã xẩy ra cho mấy chục
hộc tủ bằng thiếc đựng nhiều trăm ngàn clippings (những bài báo cắt ra và lưu
trữ trước khi bài vở được số hóa, có clippings từ cuối thế
kỷ 19), và hàng trăm cuộn microfilm. Và cả cái máy chữ cổ kính bầy trong thư viện mà tôi vẫn
tiếc khi phải bỏ lại vì thuộc sở hữu của toà báo.
Do bị Internet hút cạn nguồn thu
nhập từ quảng cáo, đặc biệt rao vặt, trong vòng chưa tới hai thập niên mà đã có khoảng 2,000 tờ
báo tại Mỹ đã phải đóng cửa, theo bản nghiên cứu
dài 104 trang của Đại học North Carolina, tựa là “The Expanding News Desert” (Sa Mạc Tin Tức Ngày Một Lan Rộng). Nhiều người lo ngại sự thiếu vắng của các tờ báo địa phương
với dàn phóng viên có huấn luyện trường ốc sẽ dẫn tới hậu quả không có người
theo dõi canh chừng hành xử của các học khu, chính
quyền địa phương, và tham những có thể xẩy ra mà không người theo dõi,
điều tra, phanh phui.
Cũng ít ai đi thư viện mượn sách vì
có thể mượn ebooks trên Internet, hết hạn sách tự động được rút về, khỏi lo
mang sách đi trả hoặc xin gia hạn. Đọc sách trên giấy trở thành việc làm của
nhiều người hoặc khó thích nghi với kỹ thuật hiện đại hay vì mang tâm
trạng "hoài cổ,” quyến luyến với những thói quen không muốn bỏ vì sự thân quen, và các lý
do tình cảm hay thực dụng khác. May mà các thư viện địa phương, hòn
ngọc của mỗi cộng đồng tại Mỹ, vẫn được duy trì, bảo vệ, dù phải cải tiến
nhiều. Chứ không như số phận của nhiều tiệm sách của tư nhân.
Cũng chẳng mấy ai đi xem phim ngoài
rạp vì sự hiện diện
của những Netflix, YouTube, Hulu, Amazon
Prime, Apple, và một số hãng video streaming nhỏ khác;
và vì việc có thể trang bị phòng khách hay phòng gia đình thành
một rạp hát tại gia (home theater) không tốn kém lắm. Và liệu có ai còn nhớ tới những tiệm
cho mướn phim trên băng nhựa
thịnh hành một dạo, như Blockbusters hay Video Hollywood, chẳng
hạn? Có ai còn nhớ tới những floppy disks, CDs? Và những máy chụp
hình trên phim Kodak hay Polaroid? Tôi có hai cái máy Nikon loại này, chả biết
giữ rồi làm gì, song không nỡ vất đi vì chúng chứa một số hoài niệm thân
thương, và vì cái cảm giác vững vàng của khối kim loại tôi có khi cầm chúng
trên tay, và vì vẻ
đẹp của chúng mà tôi thỉnh
thoảng đem ra ngắm nghía không chán.
Sự hiện diện của những nơi mua bán
trên Internet, đặc biệt của Amazon, đã đẩy nhiều ngành nghề tới chỗ hoặc phải
thay đổi hoặc phá sản. Chỉ cần nhìn vào những dòng/chain
tiệm sách lớn dần biến mất khỏi tỉnh nhà thì đủ biết. Ở tỉnh
tôi, tiếng là thủ đô của một tiểu bang đông dân và trù phú nhất nước Mỹ, nay
chỉ còn một tiệm sách lớn và cũng rất thưa thớt khách, nằm bên cạnh một rạp hát
cả chục màn ảnh cũng thưa khách không thua. Cả tiệm sách và rạp hát nằm gần một
cái shopping mall người đi xem, hay chỉ để tránh cái nóng mùa hè hay giá lạnh
mùa đông, thì nhiều, người mua chẳng mấy. Vì nhiều người đã chọn mua đồ trên
mạng, vừa tiện vừa rẻ, có khi không phải trả thuế sale nếu tiệm online không có
chi nhánh tại tiểu bang, lại miễn phí chuyên chở/free shipping. Tôi cũng có phần đóng góp vào hiện
tượng này vì là một trong những người này. Tôi thường đi tiệm sờ mó, thử nghiệm
một món đồ, thường là máy ảnh digital, hay laptop, xong về nhà lên Internet tìm
đọc các lời bình/review, thích thì xem nơi nào bán rẻ, free
shipping, có khi không thuế, và cho mình trả lại/return
dễ dàng, không kỳ nèo.
Viết báo, viết văn, xuất bản không
còn là độc quyền của một số người, nhóm, tổ chức, cơ quan có đặc quyền hay đặc
lợi và cả chuyên môn. Internet đã dân chủ hóa mọi người và ai cũng có thể có
hơn “15 phút nổi tiếng” trên YouTube, hơn cả lời
tiên đoán của họa sĩ Andy Warhold cách đây nửa thế kỷ, là “trong tương lai ai
cũng sẽ nổi tiếng thế giới trong 15 phút.” YouTube là một chỗ cho mỗi người làm cái việc
hơn cả 15 phút lừng danh ấy, thượng vàng hạ cám, mà cám nhiều hơn vàng. Vô
phúc, bạn có thể nổi tiếng ngoài ý muốn, với những hình ảnh về bạn không lấy gì
làm hay ho, có khi bị hoán đổi, như có lần đầu của một nữ nhân vật nổi tiếng
trong cộng đồng Việt được photoshopped
cắm trên một thân thể
người nữ khoả thân. Đòi YouTube gỡ xuống không dễ. YouTube cũng như Facebook và
nhiều diễn đàn xã hội khác, mặc dù rõ ràng là họ đang làm cái công việc xuất
bản và phổ biến, nhưng họ phủ nhận không coi mình là
nhà xuất bản vốn chịu nhiều luật lệ đã có từ lâu đời, mà nấp dưới danh hiệu một
hãng kỹ thuật/tech company, một thứ nhà phát hành, hay platform, và không chịu trách nhiệm đối với nội dung của những
gì phổ biến trên diễn đàn của họ.
Và họ còn được luật pháp liên bang che chở nữa, qua Section 230 của luật
Communications Decency Act 1996, còn có tên gọi là Title V của Telecommunications Act of 1996. Luật này ra đời khi Internet mới đang chập chững đi, nhằm bảo vệ và
nuôi dưỡng các hãng kỹ thuật cao, lúc ấy Google
chưa ra đời, người
sáng lập ra Facebook mới 11 tuổi, và Microsoft và Apple còn đang cạnh tranh,
rình rập cóp nhặt lẫn nhau để chiếm địa vị độc tôn mặc dù Apple chuyên về phần
cứng/hardware trong
khi Microsoft chuyên về phần mềm/software. Không ai có thể ngờ tới sự phát triển khủng khiếp của kỹ
thuật cao đã len lách vào đời sống của cả khối nhân loại đến như vậy.
Thông tin truyền thống thường bị lấn lướt bởi tin giả/fake news mà các diễn đàn xã hội truyền đi xa
và nhanh với tốc độ của ánh sáng. Người nhận
không cần biết xuất xứ từ đâu, thấy lạ, hay hạp với ý hoặc
chính kiến của mình, cứ cắm
đầu chuyển đi, có khi chỉ mới đọc vài hàng thấy phải chuyển ngay kẻo người khác
chuyển trước mất. Tôi có anh bạn (đã quá cố) nguyên là một ký giả của một tờ báo lớn ở Sài Gòn trước 1975, có tật này, nhưng thường cẩn thận viết thêm trước khi chuyển bài đi, “Tin chưa được kiểm chứng,” như một thứ “disclaimer” (phủ nhận) nhan nhản
trên Internet hiện nay. Có 1úc tôi đã bực mình bảo anh ta là anh đã từng là ký
giả mà chuyển một tin không kiểm chứng đi như vậy là thế nào. Anh ta chỉ nhăn
răng ra cười, rồi tính nào vẫn tật nấy,
giống như tật của
nhiều người mới làm quen với kỹ thuật
Internet nên có nhu cầu khoe.
Tóm lại, trên thế giới ảo, hầu như ít có
ai chịu trách nhiệm về việc mình làm, vì thật dễ dàng nấp sau lưng người khác.
Điển hình là câu chuyện tôi mới đọc gần đây trên báo The New York Times, về một
bà người Mỹ tên Renée Holland ở Philadelphia vẫn viết thư gửi quà và tiền cho một người lính Mỹ xưng tên là Michael Chris làm quen với bà qua Facebook, nơi mà ai
cũng muốn “friend”
với bạn, dù chả biết gì về nhau. Người lính
này có dán hình của mình trên trang chương mục,
đó là một thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai, hai cánh tay bắp thịt
cuồn cuộn đầy tattoos, trong bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến tươm tất đang selfie mình, và
nhiều hình khác nữa. Bà Renée
mua cả vé máy bay cho anh ta về Mỹ thăm bà, để rồi khi bà đi đón anh ta ở phi
trường với cái bảng
“Welcome home” và chờ tới người khách cuối cùng ra khỏi máy bay cũng vẫn không thấy anh ta. Hỏi thì
không có tên anh ta trên chuyến bay. Sau bà nhận được điện thư của anh ta xin
lỗi vì công vụ bất ngờ. Liên lạc lại tiếp tục,
người đàn bà cả tin lại moi móc tiền bạc, có khi lấy từ thẻ tín dụng, để cung phụng.
Người lính tên Michael Chris viết thư cho bà Renée thực ra không hiện hữu. Cái hình trên chương mục
giả này thực ra là của Trung sĩ Daniel Anonsen, bị lấy cắp bởi
kẻ gian của một nhóm ở Nigeria chuyên mở các chương mục giả
trên những diễn đàn xã hội như Facebook, Instagram,
giả làm lính Mỹ
đóng ở Iraq hay Afghanistan để moi tiền của những người Mỹ, nhất là phụ nữ cô độc và nhẹ dạ.
Trung sĩ
Anonsen không phải là nạn nhân duy nhất. Nhiều binh lính và cả sĩ quan có hình
trên Internet và các trang diễn đàn xã hội đã bị ăn cắp hình như vậy. Mà cũng không chỉ mình họ bị nạn nhân hóa. Bên quân đội gửi thư than phiền với Facebook thì họ trả lời điều kiện họ cho
mở chương mục là phải khai tên tuổi thật – mà có mấy ai khai thật đấy! Bản thân tôi chả bao giờ khai tên tuổi thật cho những chương mục loại này
trên Internet; lại càng không khai địa chỉ thật (vì
Google Earth có thể vào tới tận sân sau nhà tôi!), cũng như số điện thoại (vì nạn quảng cáo bằng robocall bất chấp
luật cấm quảng cáo gọi vào điện thoại di động, dù không hoàn toàn tránh được).
Trở lại chuyện binh
lính Mỹ bị đánh cắp hình, Facebook nói đã điều tra cho đóng hàng trăm ngàn chương mục giả;
đã đầu tư thêm
vào việc kiểm soát, như viết software chuyên rà chương mục giả; và đã mướn thêm người bằng xương bằng thịt để theo dõi. Tuy vậy, chương mục giả vẫn phát triển, bịt chỗ này thì ra chỗ
khác. Hùng mạnh và nhiều tài nguyên như quân đội Mỹ cũng đành bó tay vì
quân đội không có thẩm quyền đối với dân sự, nên không thể truy tố ai. Mà dân
sự phạm pháp là ai làm sao biết được. Facebook nói đã làm hết mình, hứa sẽ tiếp tục. Mà có truy ra, như tờ NY Times đã làm, thì kẻ tình nghi
phạm tội ở tận Nigeria, hay Ấn Độ hay những đâu đâu, mà chính quyền sở tại tự coi như vô can và có nhiều
việc khác quan trọng hơn. Theo tờ NY Times, trong một loạt bài phóng sự điều
tra về hiện tượng binh sĩ có hình trên mạng bị ăn cắp dán trên những chương mục
giả, Facebook thú nhận hiện có khoảng 120 triệu chương mục giả nói chung vẫn
còn hoạt động. Đấy là chưa kể các chương mục giả bên Instagram cũng thuộc sở hữu của
Facebook, và những diễn đàn xã hội
khác.
Giấc mộng của
Mark Zuckenburg khi lập ra Facebook là để kết nối hoàn cầu, như người tỉ phủ
trẻ nhất thế giới này đã từng tuyên bố. Song chỉ trong vỏn vẹn trên dưới một
thập niên, giấc mộng ấy đang trở thành ác mộng, không chỉ đối với các cá nhân,
mà còn đối với các chính thể dân chủ. Điển hình là qua cuộc bầu cử 2016 tại Mỹ.
Hay tại Anh qua tấn bi kịch vẫn còn chưa ngã ngũ Brexit, có dính líu tới hãng Cambridge Analytica nay đã bị chính
phủ Anh đóng cửa, song không bảo đảm là sẽ không có những Cambridge Analytica
khác. (Cambridge Analytica là đề tài chính
của phim tài liệu hiện đang gây sôi nổi, “The Great Hack,” hiện chiếu trên Netflix, phơi bầy việc hãng này đã sử
dụng thông tin cá nhân của trên 50 triệu người dùng Facebook do Facebook cung
cấp, trong hai chiến dịch thao túng cuộc tranh
cử của ứng cử viên Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và của phong
trào Leave.EU, tức Brexit, tại Anh quốc; chưa kể những cuộc bầu cử tại các nước Phi Châu như
Trinidad và Tobago.)
Biết tâm lý
người xử dụng Internet vốn dễ cả tin, nên chính quyền Nga của ông Vladimir
Putin đã, trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, tung ngón đòn lấy từ sách vở cộng sản qua chiến
thuật
“disinformation” (thông tin thất thiệt với mục đích thao túng, gây rối, chia rẽ và lũng đoạn),
một tuyệt chiêu của cộng sản. Cũng chiến thuật này đã
từng giúp phần vào
việc lật ngược vai trò xâm lược Miền Nam của cộng sản Bắc Việt thành nạn nhân
chống Mỹ cứu nước độ nào. Lần này chiến dịch của Putin còn được kỹ thuật cao
tiếp tay đắc lực nhằm lũng đoạn cuộc bầu cử Tống thống Mỹ vừa qua. Chiến thuật
họ dùng gồm sản xuất những bài bôi nhọ ứng cử viên Dân Chủ, kể cả bịa đặt, giúp
củng cố địa vị của ứng cử viên Cộng hòa, và khai
thác nhằm gia tăng sự
phân hóa chính trị và xã hội Mỹ qua hàng ngàn chương mục giả mở trên các diễn
đàn xã hội như Facebook, Snapchat, Instagram, Twitter, vv. Từ những chương
mục này, họ tung lên mạng những bài viết, hình ảnh, phim clip đã
hoán sửa, nhằm vào các mục tiêu lũng đoạn trên, kể cả nhiều bài rõ ràng là do
một người ngoại quốc viết. Và nhiều người Mỹ đã hưởng
ứng, tiếp tay chuyển đi vì nghe hạp với chính kiến của mình. Trong đó phải kể
tới cả nhiều người gốc Việt, có người đã còn
cặm cụi dịch ra tiếng Việt, rồi giúp phát tán đi khắp nơi mà không cần biết thực hư thế
nào. Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần ngồi tìm tới nguồn cội của một bản “tin”
loại này bằng Anh ngữ, và chuyển tới các
bạn đã có nhã ý
muốn giúp tôi “mở mang” cái nhìn. Có
một hai người bạn cũng học được tính thận trọng, trước khi chuyển bài đi để giúp
“soi sáng” bạn bè, đã thường gửi cho tôi nhờ tìm nguồn hộ, nếu đúng mới phát
tán.
Kết quả chúng
ta có một nhà lãnh đạo chỉ trong hai năm đã
và đang giúp tháo gỡ toàn bộ hệ thống cơ cấu định chế đã giúp ổn định an ninh
thế giới từ sau Đệ nhị Thế Chiến tưởng đã đẩy văn minh
nhân loại tới chỗ diệt vong. Cũng vậy là những nỗ lực
nhằm cứu vãn trái đất khỏi hiện tượng
khí hậu thay đổi ngày một trở
nên nghiêm trọng. Và như cái hộp báu mà nàng Pandora của
huyền thoại Hy lạp nhận được và đã dại dột mở ra khiến lũ ma quỉ thoát ra ngoài, chưa bao giờ tôi thấy nước Mỹ mà tôi
yêu mến có những thành phần xấu xí, hung bạo như trong hơn hai năm nay. Nhìn hình những người tay cầm đuốc, mặt mũi dữ dằn, miệng hô lớn những khẩu hiệu kỳ thị trong đoàn diễn hành của những người
da trắng cực hữu, tôi không khỏi rùng mình hãi sợ. Như thể họ bước ra từ những
trang sử của nước Mỹ của nửa đầu thế kỷ 20
và trước đó, khi người da
trắng còn mặc sức treo cổ những người da đen vô tội và người ta kéo nhau đi xem
như một trò giải trí. Hoặc xua người Mỹ gốc Nhật lên xe tải nhà binh đưa tới
những nơi khỉ ho cò gáy khiến họ phải bỏ lại cửa nhà, ruộng vườn gầy dựng nên
bằng mồ hôi nước mắt, sau vụ Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng
12 năm 1942,
khiến nhiều người Mỹ đã nhìn những người gốc Nhật như kẻ thù. Tài tử George
Takei của loạt phim Star Trek vừa cho xuất bản cuốn hồi ký bằng tranh khá cảm động, “They Called Us Enemy/Họ Gọi Chúng Tôi là Kẻ Thù,” (Top
Shelf Productions, July 16, 2019), mô tả lại kinh nghiệm của gia đình ông khi
bị chính phủ của Tổng thống Franklin D. Roosevelt lùa vào trại tập trung, như hàng trăm ngàn người Mỹ gốc
Nhật khác.
Tất cả những đổi thay tuyệt vời và
cả hãi hùng do kỹ thuật
Internet mang lại nay nằm gọn trong cái smartphone chúng
ta hầu như ai cũng có và đang cầm trên tay hay kề kề bên mình không thể thiếu.
Nó theo ta chẳng những mọi nơi chốn ta đi mà cả vào phòng ngủ, nhà vệ sinh, nếu ta không cẩn thận tự kỷ luật mình
trong việc xử dụng nó. Cũng theo ta là những cái app trong
phone không ngừng rình mò ta mà nhiều người vô tình hay không biết cách để vô hiệu hoá chúng.
Nhiều bài báo, sách vở, phim ảnh đã
đề cập tới ảnh hưởng tiêu cực của kỹ thuật điện tử trên chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ còn
đang thời kỳ phát triển. Mới ngày nào thấy một em bé cầm cái
iPad hay smartphone thấy hay hay ngộ nghĩnh. Giờ nhìn lại cũng hình ảnh ấy tôi
thấy ái ngại cho bố mẹ của em, như tôi đã ái ngại cho các con tôi nhìn con mình
mất hút vào thế giới ảo.
Gần đây tờ The New York Times đi một
số bài đáng quan tâm, về sự thức tỉnh của chính những người sinh sống trong
ngành kỹ thuật cao tại chính thủ đô điện tử Silicon Valley. Họ nằm trong chăn,
nên họ biết sự hiện diện của những con rận điện tử hút
máu trí tuệ và cả
tình cảm của con người trong đó. Có gia đình con còn nhỏ
đã tuyệt đối không giữ hay mở smartphone quanh các em. Trước khi mướn người
trông con, tức nannies, có cha mẹ còn đòi người nhận
việc phải ký giao kèo không dùng smartphone hay tablet. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra
để gửi con tới trường nào có thầy cô bằng người
thật đứng ra lo
việc dậy dỗ và chỉ xử dụng Internet vào việc truy tìm tài liệu. Tất cả nhằm
giúp con cái họ phát triển một cách bình thường tròn vẹn trước khi chúng đủ
lông cánh tinh thần để xông pha vào trường đời hứa hẹn nhiều bão tố.
Tất nhiên không ai phủ nhận kỹ thuật
cao đã và đang còn mang lại nhiều cải thiện xã hội, môi sinh, tiếp tay đẩy mạnh
các phong trào đấu tranh cho dân chủ ở các nước thiếu tự do, nhân quyền. Chúng
ta cần kỹ thuật, hiển nhiên là như vậy. Nhưng chúng ta cần hiểu ảnh hưởng tác hại của chúng mà
đề phòng, hoặc ít ra thận trọng hơn khi sử dụng nó. [TD, 2019-08]