Kính thưa quý vị và các bạn:
Thật là một vinh hạnh lớn lao cho tôi được BTC mời lên đây để
thưa chuyện trước một cử tọa chọn lọc, phát biểu đôi điều về tác phẩm Hoa Vông
Vang (HVV) của nhà văn DT.
Thưa quý vị:
Cũng như phần nhiều những người mê đọc sách ở thế hệ tôi,
chúng tôi đã biết và đã đọc tập truyện HVV từ khi còn là một học sinh trung học
tại quê nhà. Đó là một tác phẩm thuộc loại kinh điển của văn học VN thời hiện đại
khi văn chương chữ quốc ngữ ở nửa đầu thế kỷ XX đã bắt đầu đặt nền móng và định
hình vững chắc với những nhà văn, nhà thơ thuộc nhóm TLVD như Nhất Linh, Khái
Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Tú Mỡ, v.v… và những nhà văn không ở trong
TLVD như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân… Cuốn HVV xuất bản lần đầu năm 1945 vào thời
điểm khi TLVD đã có những dấu hiệu tan rã vì cuối
năm 1940, những nhân vật cột trụ
trong văn đoàn như Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí... bị thực dân Pháp bắt giam rồi đày lên Sơn La. Năm 1942, nhà văn Nhất Linh phải trốn sang Trung quốc, còn Thạch Lam thì mất vì bệnh lao phổi.
Đó cũng là một thời kỳ biến động đầy những biến cố lịch sử trên đất nước Việt
Nam nói chung. Từ khoảng năm 1937, không khí của Thế Chiến II
tác động mạnh đến đời sống xã hội Việt Nam. Năm 1940, Nhật xua quân đội vào Đông Dương. Năm
1945, Nhật đầu hàng đồng minh dẫn đến vụ Việt Minh cướp chính quyền, châm ngòi
cho hai cuộc chiến khốc liệt kéo dài suốt 30 năm sau đó trên quê hương.
Thế
nhưng, mặc dù được viết giữa một bối cảnh lịch sử đầy tao loạn như thế, cuốn
HVV của nhà văn DT lại gần như không có một dấu vết thời cuộc nào, mà thấm đẫm chất lãng mạn Tây học với cách nhìn phóng khoáng về
cuộc sống của các nhân vật trong truyện, theo nhận định của phần nhiều các nhà
phê bình và người đọc. Tuy nhiên, qua truyện ngắn Ả Hẩu, cũng in trong tập sách
quý vị đang có trên tay ngày hôm nay, và nhất là qua tiểu sử của ông cũng như Hồi
Ký Như Băng, người bạn đời của ông, chúng ta được biết ông đã có những hoạt động
cách mạng dấn thân nhằm mục đích khôi phục nền độc lập cho nước nhà từ khi còn
rất trẻ. Mặc dù nhận thức rất sớm về thực trạng đất nước không có chủ quyền, xã
hội thì lạc hậu tỏa chiết lên cuộc sống của người dân, nhưng khi viết cuốn sách
này, nhìn từ góc độ nghệ thuật, và dù là tác phẩm đầu tay, nhà văn DT đã dứt
khoát bước ra khỏi quan điểm văn chương luận đề, vốn trì kéo văn nghiệp của Nhất
Linh nhất là ở giai đoạn đầu thập niên 30. Đọc HVV chúng ta không thấy những
phê phán xã hội, hoặc chính trị, hiện rõ trên trang giấy, và nếu có thì chỉ là
những ẩn dụ tinh tế, nói một cách ý nhị như trong các truyện Chú tôi, Giáo huấn hay Một kiếp sống.
Tuy tác phẩm HVV không đề cập đến các biến cố lịch sử xảy ra
trên đất nước VN vào thời điểm cuốn sách ra đời, nhưng thật sai lầm nếu chúng
ta không nhìn thấy tâm tình thương yêu của tác giả đối với quê hương ông. Ông
là người yêu thiên nhiên ngay từ thuở thiếu thời, nên ông đã dành những trang
viết đầy ắp tình tự quê hương dân tộc qua màu sắc, âm thanh và cảm xúc với cái
hồn quê chân tình nhưng thật đẹp. Trong truyện ngắn Tình quê hương, chúng ta bắt gặp cái hồn quê đó thể hiện như sau:
Tiếng vài con ong bay
trong nắng trưa và tiếng võng đưa kẽo kẹt hòa điệu cùng giọng hát ru em tự căn
nhà ngang khe khẽ vẳng tới làm Ninh bỗng tần ngần đứng lại bỏ mũ ra… gió thoảng
mùi đất mát. Ninh đương hưởng một cảnh gì êm ái mà chàng không thể thấy được!
Chàng đưa tay rứt mấy cái lá, đứng nhìn vơ vẩn: một chút gì đẹp quá vừa thoáng
qua trong lòng, trong hồn! Và hồn quê trong điệu ru, và tuổi thơ trong tiếng
võng…
Những đoạn tả cảnh tả tình tuyệt vời đầy chất thơ như thế xuất
hiện rất nhiều, bàng bạc trong tất cả những truyện, mà nếu không sống thật
trong đó, không hòa mình thấm đẫm vào khung cảnh của bờ ruộng nương dâu thì
không thể nào vẽ nên bức họa đồng quê linh động nhiều sắc màu và âm thanh như
thế được. Đó là tình quê hương , thứ tình tự nhiên nơi con người ở bất cứ thời
gian không gian nào, nồng nàn, đau đáu, tràn ngập trong lòng không sao ngăn cản
được và chỉ chờ dịp là bùng lên như dòng nước lũ cuồn cuộn vỡ òa trong tâm tưởng.
Suốt tập truyện, chúng ta bắt gặp thật nhiều những trang viết tương tự nói về
cái lòng yêu quê của một chàng trai đang theo học ngoài tỉnh thành nhưng lòng dạ
thương nhớ quê nhà thì lúc nào cũng bần thần nung nấu đến nỗi “đã nhiều bận giữa
buổi học, bỗng thấy trống trải, lòng như thiếu thốn một cái gì, thế là chàng lại
vứt sách đâm về quê.”
Có lẽ vì yêu cái đẹp hồn hậu của miền quê thôn dã nên các
nhân vật nữ của DT phần nhiều là những cô gái hiền thục, đảm đang, nền nã, đoan
chính, gia phong. Tuyền của Duyên số,
Nhàn của Tình quê hương, Lan của Định mệnh, “người chị họ” của Điệu thu ca, thậm chí Phượng Trinh của Hoa vông vang, tất cả đều có một mẫu số
chung là lãng mạn, chan chứa tình cảm, nhưng không nổi loạn và không vượt qua
đường biên lễ giáo. Có lẽ ảnh hưởng của truyền thống vẫn còn mạnh mẽ ở buổi
giao thời ấy khi những nhân tố cho những đổi thay mãnh liệt chỉ mới bắt rễ đâm
chồi chứ chưa thật sự bung nở thành một ý thức hệ mới mẻ. Còn các chàng trai
thì sôi nổi tình cảm nhưng lại rụt rè, nhút nhát, yêu nhưng chẳng dám vọng động,
suồng sã vì sợ làm tan vỡ cái hình ảnh đẹp đẽ mà chàng cho là mong manh như giấc
mơ hoa.
Các cuộc tình vì thế thường chẳng đi đến đâu, khi nàng lên xe
hoa về nhà chồng thì chàng đau khổ buồn bã trở lại trường học với câu thơ “Tình
chỉ đẹp khi còn dang dở” làm liều thuốc an thần. Đọc chuyện tình của DT, ngày
nay không ít chúng ta chắc phải sốt ruột. Trời ơi! Yêu thì nắm tay, hôn đại đi,
cô ấy không làm gì đâu, đừng sợ. Nhưng mấy lần định tỏ tình mà không dám, chàng
trai lảng sang chuyện khác dù cô gái đang ngước mặt chờ đợi một câu nói tình tứ
nồng nàn, nét thất vọng bỗng hiện trên mặt cô gái, cô đâm ra nghi ngờ lòng dạ
chàng trai và mấy hôm sau cô nhận lời cầu hôn của một kẻ xa lạ, không hề quen
biết. Đó là Đẩu và Phượng Trinh, là Ninh và Nhàn… Một ngoại lệ là Phong trong Định mệnh. Phong si mê cô em họ và anh
đã không kềm nén được lòng mình để ngọn lửa yêu đương bùng cháy trong vô vọng.
Kết quả như thế nào thì ít nhiều chúng ta cũng có thể đoán ra, DT đã giải quyết
câu chuyện bằng cái chết bất hạnh của chàng trai.
Ngày nay chúng ta xem HVV là một tác phẩm kinh điển của văn
chương VN như tôi vừa nói ban nãy. Cuốn sách đã và vẫn là chuẩn mực để tìm hiểu,
học hỏi cho những ai muốn theo đuổi nghiệp văn. Sau cả ¾ thế kỷ, đọc lại, chúng
ta vẫn thấy có những điều thú vị. Thú vị vì chúng ta như được nhìn ngắm lại một
khung cảnh quá khứ linh động với những con người sinh sống bên trong, tuy thuộc
về một không gian và thời gian xa cách nhưng lại không khác chúng ta bao nhiêu.
Đó vẫn là những con người với bao khao khát và thao thức làm sao được sống một
cuộc sống có ý nghĩa, được sống như một con người. Sở dĩ cuốn sách nói lên được
điều đó, là vì tính nhân bản đã là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm.
DT không chủ trương viết văn luận đề, xã hội cũng như chính
trị, ông cũng không để bất cứ một chủ thuyết nào làm chỉ đạo cho ngòi bút của
ông. Đối với ông, tình cảm con người, cuộc sống con người, phải tự do, phải hòa
mình với cây cỏ ngoài đồng nội, với lẽ tự nhiên của đất trời, như cái hoa vông vang chỉ tươi đẹp khi còn ở
trên cây ngoài bờ bụi, tương giao với giai điệu và nhịp điệu của bản hòa tấu
thiên nhiên, nó sẽ héo úa mau chóng nếu bị ngắt về làm vật trang trí bên trong căn
phòng tù túng, chật hẹp. Ý thức hệ hay bất cứ một giáo điều nào cũng là căn
phòng tú túng, chật hẹp cho cuộc sống con người.
Đọc HVV, tôi còn thấy một thú vị khác nữa, đó là những hình ảnh
mà ngày nay không còn nữa, thí dụ như hình ảnh “Tuyền ngừng thêu nghiêng đầu
đưa chiếc kim vuốt vào trong tóc để lấy dầu trơn… ” trong truyện Duyên số. Hoặc những từ bây giờ không thấy
trên sách vở hay đối thoại hằng ngày như động từ “khíu” hay danh từ “lao màn”, “tăm bông”, “guốc phi mã gót cao”, v.v… Tôi
cũng phát hiện ra “bánh dầy để quá ngày, khô, ăn mát và bùi lắm.”
Văn hào Nhất Linh bảo, “DT viết bằng cảm giác nhiều hơn là bằng
ý nghĩ.” Nhận xét này của ông đáng cho chúng ta suy ngẫm. Viết bằng cảm giác tức
là viết bằng con tim trực quan, còn viết bằng ý nghĩ là viết bằng lý trí suy luận.
Nói cách khác, DT khi viết những truyện ngắn này đã đem tâm hồn của mình thể hiện
lên tác phẩm, ông dàn trải gần như tất cả những ngõ ngách tâm hồn mình lên
trang viết.
Đọc
văn chương, hoặc thưởng ngoạn bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào, âm nhạc cũng như
hội họa, chúng ta không tìm kiếm những tình tiết, chi tiết có tính thông tin
hay lịch sử. Chúng ta đọc, xem, nghe “cái hồn” của người nghệ sĩ sáng tạo ẩn nấp
đâu đó đằng sau tác phẩm. Văn nghệ sĩ là người phơi trải một cách tha thiết và
chân thật cái phần tinh hoa của tâm hồn mình như một con người, và trải nghiệm
đời sống, xấu cũng như tốt, của chính mình như một kẻ đồng loại. Nhà văn Pháp
thế kỷ XIX Gustave Flaubert bảo ông viết văn vì ông muốn “đi vào linh hồn của sự vật,” nhưng chúng ta phải hiểu là nếu dưới
ngòi bút của ông, sự vật như có linh hồn và cái linh hồn đó trở nên sống động,
linh hóa thì chẳng qua đấy chính là do tâm hồn nhà văn thổi vào. Gần gũi với
chúng ta hơn, nhà văn Võ Phiến cũng có nhận định tương tự khi ông bảo “… Mỗi nghệ phẩm thành công có một linh hồn.”
Nó phải đi vào tâm hồn người đọc, phải gây cảm xúc nơi người đọc. “Cái nhìn [lên sự vật] biểu thị tâm hồn của mỗi
nghệ sĩ, cái nhìn là linh hồn của mỗi nghệ phẩm.”
Cũng
theo nhà văn Nhất Linh, cuốn HVV chất chứa tâm hồn người sáng tạo ra nó, trong bài
Tựa cuốn sách ông viết như sau về cái tâm hồn đó: “… một tâm hồn lúc nào cũng sẵn
sàng rung động như tâm hồn một nghệ sĩ đa cảm bỡ ngỡ đứng trước một cuộc đời
muôn màu đẹp vừa hé mở ra trước mắt.” Và chính nhà văn DT cũng đã thú nhận
trong “Thư ngỏ” gửi người anh ở trang đầu tập sách: “… lớn lên giữa nơi núi đồi
khoáng đạt, lòng trai khao khát xa lạ, mê say nguy hiểm, luôn luôn em như nghe
tiếng gọi của đời phiêu bạt… hơn nữa, em còn nghe rất nhiều: mầu tươi nét đẹp,
một tiếng chim lạ kêu hót cũng gợi nhắc cho em những cảnh đâu đâu…”
Đó
chính là tâm hồn một nghệ sĩ.
Sỡ
dĩ tập truyện HVV của nhà văn DT cho đến ngày nay vẫn có người đọc là vì cuốn
sách có một linh hồn. Nó chính là tâm hồn của nhà văn hiển hiện trên từng trang
viết và thổi cảm xúc vào tâm hồn người đọc
chúng ta.
Xin
thành thật cám ơn quý vị và các bạn.