Saturday, September 12, 2020

Tưởng Niệm Huỳnh Phan Anh / BÙI BÍCH HÀ

Tin anh mất đến với tôi lúc sáng sớm một ngày cuối tháng 8, không bất ngờ vì thực sự chúng tôi đã không nhìn thấy nhau hơn ba thập niên. Thế nhưng đâu đó trong tôi, hình như có cái gì như một sợi dây chợt căng quá rồi đứt phựt. Hình như có một vết thương đã khép miệng gần bốn thập niên vừa bị xé rách và máu lại tươm ra, lặng lẽ chảy.

Niên khóa 1967, tôi từ trường Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho, thuyên chuyển về Nguyễn Trãi, anh Huỳnh Thành Tâm đã dạy ở đấy trước tôi, bao lâu thì tôi không biết. Phòng giáo sư của trường ngay đầu hành lang tầng trệt của dãy lầu trông xuống đường Trịnh Minh Thế, bên kia đường là kho Năm của cảng Saigon. Thư viện và phòng học vụ cũng liền đấy.

 Trường nghèo, ở ngoại thành, nên gọi là phòng giáo sư cho ra vẻ phong cách, thực tế chỉ có một cái bàn gỗ mộc dài, hai bên là hai cái bancs cũng dài bằng cái bàn. Giáo sư đến theo thời khóa biểu và chúng tôi ngồi cách nhau một khoảng vừa phải trên hai cái ghế dài ấy trong khi chờ chuông reo vào lớp. Riêng anh, dù có hôm tới sớm, tôi không bao giờ thấy anh ngồi. Anh thường đứng dựa vai vào tường, hai chân bắt tréo. Ngoài trời mưa nắng thế nào, anh luôn luôn đeo kính đen, gọng to. Đồng nghiệp đi qua chào anh, anh chỉ mỉm cười đáp lại. Anh có vẻ khá thân với anh Nguyễn Nhật Duật. Họ nói chuyện thân tình mỗi khi gặp nhau nhưng cả hai không ai ồn ào. Nữ đồng nghiệp trong đó có tôi, bề ngoài cẩn trọng giữ lễ với anh như thể chúng tôi không quan tâm và xét đoán gì tuy trong lòng ai cũng thầm nghĩ anh là người lập dị, muốn tỏ ra khác biệt với xung quanh. Mãi lâu về sau, tôi mới được cho biết anh là nhà văn Huỳnh Phan Anh. Dạo ấy tôi không viết lách gì. Ngoài ba buổi sáng đến trường, thời giờ còn lại của tôi dùng cho bổn phận làm vợ, làm mẹ, làm gia nhân bao biện đủ thứ công việc tạp dịch trong nhà. Vì vậy, tuy biết anh là nhà văn, quan hệ đồng nghiệp giữa chúng tôi vẫn không ít nhiều đổi khác. Anh vẫn là người ít nói, không dễ gợi chuyện, yên lặng một cách hòa nhã. Phần tôi, nhạt nhẽo tự mình và với cả chung quanh nên suốt gần một thập niên cùng dạy học dưới một mái trường, chúng tôi chỉ là những chiếc bóng chập chờn qua lại, thậm chí không cả một lần lên tiếng chào hỏi ngoài những cái gật đầu lễ độ cũng rất hiếm hoi.

 Tôi dạy ở Nguyễn Trãi chưa được nửa niên khóa thì xảy ra biến cố Tết Mậu Thân. Giáo chức các trường được lệnh không đến nhiệm sở mà trình diện ở bất cứ cơ sở giáo dục nào gần nhà nhất tại địa phương mình, làm công việc cứu trợ và ủy lạo đồng bào tản cư từ các vùng bất an về. Nếu tôi nhớ không lầm thì tình trạng bất ổn chỉ kéo dài chừng mươi ngày rồi cuộc sống lại trở về nề nếp cũ. Chúng tôi về lại trường, thầy trò lại dậy và học như xưa.

 Được mấy năm yên ả, biến cố 30/4/1975 lần này lớn lao hơn nhiều, khiến cả miền Nam rơi vào ách thống trị của miền Bắc cọng sản.

 Sáng sớm ngày 1 tháng năm, lệnh của Ủy ban Quân quản tiếp thu Saigon loan đi trên các loa phóng thanh dọc theo các đường phố, yêu cầu công nhân viên của Chính phủ Saigon phải trình diện ngay tại nhiệm sở. Chúng tôi như những con ốc mượn hồn trở lại trường, ngơ ngác nhìn nhau, thầm kiểm điểm ai còn ai thoát và ngao ngán chờ xem điều gì xảy ra. Tất nhiên chúng tôi được cán bộ Văn hóa Giáo dục bên thắng cuộc ngọt ngào ùy lạo, hứa hẹn, trấn an. Ân huệ đầu tiên chúng tôi nhận được là việc tiếp nhận danh xưng mới, từ nay trở thành “Giáo viên lưu dung.”  Cán bộ giải thích rành rọt: giáo chức các cấp làm nghĩa vụ dạy học được gọi là Giáo viên (bỏ hẳn từ Giáo sư, ngụ ý không có ai làm thầy ai cả?)  Lưu dung (không phải lưu dụng) là được giữ lại do tâm lượng bao dung của chính quyền mới. Tôi ngậm ngùi nhủ thầm: “Vậy là theo cách nói bình dân của miền Nam trước đây, chúng tôi có may mắn được “tha Tào.”

 Tuy nhiên, thay đổi quan trọng nhất là nhân sự. Chức vụ Hiệu trưởng tại tất cả các trường của miền Nam sẽ do giáo viên từ miền Bắc vào đảm nhiệm.  Mỗi trường sẽ có hai hiệu phó phụ trách hai lãnh vực: Lao động và Học vụ. Vị trí Tổng giám thị bị xóa bỏ, thay vào bằng mỗi lớp có một học sinh chi bộ đảng kiểm soát hành vi chính trị của cả thầy cô giáo lẫn đồng môn.

 Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy anh Huỳnh Thành Tâm được đề bạt vai trò Hiệu phó Học vụ, dường như theo một danh sách có sẵn. Nhận nhiệm vụ mới, anh thay đổi hẳn ngoại hình và cách cư xử. Anh không đeo kính đen nữa, để lộ dưới đôi lông mày lưỡi mác đầy nam tính, đôi mắt to, sâu, ánh lên chút buồn, chút u uẩn. Anh linh hoạt, cởi mở với mọi người như một ai khác. Một hôm, theo lệ thường hàng tháng, học sinh sáng chiều cả trường được nghỉ học nửa buổi để đi xem chiếu bóng ngoài rạp. Cuốn phim xã hội chủ nghĩa hôm đó có tên là Con Đường Khổ Ải. Các giáo viên hướng dẫn có bổn phận phải lùa hết học sinh ra khỏi lớp vì các em cấp hai thường ngấm ngầm chê bai loại phim xã hội chủ nghĩa nhà quê, đã vậy, khi tới rạp còn bị điểm danh như trẻ mồ côi được dẫn đi chơi nên cô cậu lần chần nán lại, chờ mọi người đi hết thì chuồn về nhà hay rong chơi chỗ khác, trò khác. Tôi vừa từ trên lầu xuống tới hành lang tầng trệt thì thấy anh còn loay hoay chạy ra chạy vào phòng học vụ nên hỏi cho có chuyện: “Anh chưa đi xem phim à?” Anh dừng lại, nhìn tôi và trả lời với cái mỉm cười cố hữu rất riêng biệt của anh, vừa vui vừa có chút chua chát: “Thấy tôi là chị thấy “Con Đường Khổ Ải” rồi, cần gì phải xem nữa?”

 Cuối năm 1975, cả nước hầu như không còn gạo ăn. Nhà nước phân phối nhu yếu phẩm chỉ có vài ký gạo hẩm đầy thóc và bông cỏ, phần còn lại trong tiêu chuẩn 12 kí lô/đầu người là bo bo và bột mì. Vì tôi còn mẹ già và các con còn bé, hôm nào lãnh gạo về là buổi tối tôi phải lấy khăn quấn tóc, ngồi xổm trong ánh đèn dầu chập chờn và tiếng muỗi vo ve xung quanh, sàng sẩy mấy ký gạo cho sạch để ăn dần, xen kẽ với bo bo hầm và bột mì nhồi rồi cán mỏng, thái sợi như bánh canh, luộc lên rồi chan nước mắm chanh ớt, ăn như bánh cuốn nửa chay, nửa mặn. Về sau, có vài lò bánh mì cần bột làm bánh nên đề nghị đổi gạo, các cháu mừng lắm vì ăn bột mãi, ngấy quá! Tình cảnh chung thảm não như vậy nên nhà trường được chỉ thị phát động phong trào “cải thiện,” kêu gọi giáo chức trồng rau và nuôi heo. Tôi là trưởng ban Đời Sống, có trách nhiệm lên kế hoạch để đi vào thực tế. Thời thơ ấu, tôi chứng kiến mẹ tôi vớt bèo, băm chuối, nấu những nồi cám to tướng, thơm phức mỗi ngày để nuôi một đôi heo chờ đến hai mươi tám tháng chạp mổ thịt ăn Tết nhưng mẹ tôi không để tôi mó tay vào việc này. Chưa kể cái hình ảnh ghê rợn tôi còn ghi khắc mãi trong trí nhớ mình là cái chuồng heo phân ngập đến mắt cá chân. Khi nào heo ra khỏi chuồng thì những người mua phân để trồng trọt mới đến dọn sạch cho lứa heo năm tới mẹ tôi sẽ thả vào tháng ba.

 Vì bối rối, tôi phải đem việc bàn với ban Giám Hiệu nhà trường. Anh Huỳnh Thành Tâm cười một cách sảng khoái và bảo tôi: “Mai chiều khi nào chị rảnh, chị chạy vô nhà tôi coi cho biết. Ngọc nuôi heo rành hơn hợp tác xã đó chị, nhà tôi sẽ chỉ cho chị. Dễ thôi mà!”

 Nhờ vậy, tôi mới biết gia đình anh ngụ trong một căn nhà phên vách trống trải, trong con hẻm sâu bên hông trường. Quả nhiên như anh nói, cả đời tôi cho đến lúc đó, tôi chưa từng thấy một cái chuồng heo nào sạch sẽ như cái chuồng heo nhà anh chị. Đàn heo ba bốn con sởn sơ, núc na núc ních, mình mẩy, chân cẳng trắng tươi. Chị nói chị tắm chúng ngày vài lượt, nhân tiện, rửa chuồng luôn. Chị còn cười, nói thêm: “Khổ nhất là khi chúng bỏ ăn, lo còn hơn lo ông xã bị bệnh!” Nhìn công sức ấy, nghe nỗi lòng ấy, tôi biết dự án nuôi heo của Thầy Cô giáo Nguyễn Trãi sẽ không cách nào thực hiện được. Tôi cảm ơn chị và ra về, mang theo khuôn mặt không son phấn, đẹp đằm thắm và phúc hậu của chị, nụ cười chị hồn nhiên đến lạ, phô ra những chiếc răng đều tắp, khỏe mạnh. Cho tới tận bây giờ, viết về chị, tôi vẫn còn hình dung ra khuôn mặt nhan như ngọc của chị ngày xa xưa ấy.

 Ít lâu sau, tôi không nhớ là bao lâu, một hôm chị ra trường tìm anh, quần đen, áo cánh giản dị, gọn ghẽ, mà hôm đó vì mải nhìn chị nên bây giờ tôi cố nhớ áo chị màu gì thì không cách nào hình dung lại được. Họ đứng ở đầu cái hành lang dãy lớp mới cất phía ngoài, sát đường. Tôi tình cờ đi qua đó, cả hai anh chị đều tươi cười chào tôi. Ngay khi tôi vừa dừng bước chân, định đáp lễ chị một câu gì thì anh cười, nói với tôi: “Từ hôm gặp chị, Ngọc cứ hỏi tôi bộ chị Hà lúc nào cũng tươi vậy sao anh? Tôi trả lời Ờ, mà em biết tại sao không? Tại vì chỉ không có một Huỳnh Thành Tâm bên cạnh chỉ!”  Câu nói nghe qua tưởng đùa vui nhưng với tôi, đấy là một câu nói chí tình, một lời cảm ơn từ đáy lòng đức hạnh và công lao của nửa kia vì mình mà cam chịu biết bao…

 Qua bạn bè chung, tôi biết anh chị đã gửi một cháu trai đi vượt biên và cháu may mắn đến được bến bờ tự do. Tôi liên tưởng đến hôm chị ra trường tìm anh một cách khác thường như thế hẳn là để báo tin vui ấy.

 Thời gian lặng lẽ qua, chỉ chừng vài ba tháng sau, cũng từ bạn bè, tôi được tin chị Ngọc cùng với một cháu gái bị đắm tàu trong chuyến vượt biên tiếp theo không có cái may mắn của lần đầu khi chị gửi người con trai đi trước. Cùng với chị và cô con gái nhỏ, anh cũng bỗng nhiên biến mất khỏi ngôi trường quen thuộc một thời chứng kiến những ngày vui qua mau của anh, của tất cả chúng tôi, như một giấc mơ buồn bã.

 Sau này ra hải ngoại, đọc tin tức đó đây trên mạng, tôi mới biết anh đã có lúc cùng một nhóm nhỏ bằng hữu hầu hết cùng là nhà giáo, thành lập nhóm Đêm Trắng, trong số này có vài vị tôi được hân hạnh quen biết như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, nhà văn Nguyễn Nhật Duật. Họ chịu ảnh hưởng của phong trào hiện sinh thập niên 60 thế kỷ trước nhưng không rập khuôn. Họ chủ trương đi tìm cái mới trong văn chương, nghệ thuật và phong cách sống đẹp giữa một hiện tình xã hội hậu thuộc địa còn nhiều di chứng cùng với viễn ảnh một cuộc chiến tranh mới lơ lửng ở chân trời. Riêng anh, nghe nói anh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bậc thầy chủ nghĩa hiện sinh, triết gia Jean Paul Sartre và điều này đã giải thích thắc mắc của chúng tôi ở Nguyễn Trãi về sự kiện anh được chính quyền phe thắng cuộc đề bạt Hiệu phó học vụ của trường ngay sau khi họ tiếp quản miền nam Việt Nam. Dẫu vậy, thái độ thích ứng của anh có điều gì khiến tôi liên tưởng đến ca từ đầy nuối tiếc trong bản nhạc Tình Khúc Thứ Nhất (Vũ Thành An)“Thần tiên gãy cánh đêm xuân, bước lạc sa xuống trần…” 

Cũng như Sartre, cả hai uống rượu nhưng không say.

 Trong nhận thức cá nhân tôi, Huỳnh Thành Tâm trong đời thường hay Huỳnh Phan Anh trong văn chương luôn là một, nhất quán, chân thực, hết mình. Anh là trường hợp nói và làm song hành hiếm hoi ở một thời đại phần đông người ta sống hời hợt và dối trá, “một người cô đơn trong chốn đông đảo” (trích nhà văn dịch giả Mai Sơn viết về anh)

 Tôi tâm cảm phát biểu sau đây của Huỳnh Thành Tâm / Huỳnh Phan Anh trong một cuộc chuyện trò được ghi lại: “Tôi nghĩ rằng sống còn chưa ra con người mà muốn trở thành nhà văn thì hơi khó. Anh phải là con người có giá trị thì những gì anh viết ra, người ta mới tin được. Tôi nghĩ trong khi chờ đợi làm nhà văn thì hãy làm người đã. Điều đó cũng có ích cho xã hội." Quả thật nếu con người không là động lực cốt lõi tạo ra nhà văn thì dẫu con người có cầm bút trăm năm vẫn không là nhà văn.

Trong ký ức tôi về quãng thời gian làm việc với anh ở trường Nguyễn Trãi, anh đã sống như anh nói, tử tế, thủy chung, sòng phẳng. Ngỡ là tầm thường, đơn giản, song thật không dễ.

Anh tới Mỹ năm 2002, đất nước của cơ hội nhưng anh sống ẩn mật, kín đáo, hầu như không giao tiếp với ai. Anh thủy chung với lựa chọn của anh: “Trước hếttôi xin khẳng định một điều là cho dù tôi có sống tại Mỹ một vài năm hay trong suốt phần còn lại của cuộc đời, tôi cũng khó hội nhập được vào nước Mỹ! Tôi không bao giờ là một nhà văn lưu vong".

 Trong mắt tôi, cho đến khi lên đường đi vào cuộc hành trình không quay lại, anh là một nhà giáo, một nhà văn, một dịch giả và, trên hết, một người Việt Nam tự do yêu quê hương mình đích thật.

 

Anh đã sống trọn vẹn sự phóng chiếu về bản thân trước khi định cư ở xứ người. Tôi cảm nhận chuyến đi là sự khu xử tuyệt đẹp của anh để đáp lại ơn tình cờ của số phận trong một sắp đặt cũng tuyệt đẹp mà anh mãi giữ cho riêng mình và sẽ đem theo mình về cõi ngàn năm.

Cảm ơn anh về những kỷ niệm khó quên ở một quãng đời đẹp nhất và cũng đau thương nhất trong sự nghiệp giáo dục non yểu của chúng ta. Cảm ơn anh về bài học làm người và sự ăn ở tử tế như một đóng góp cần thiết và quý giá cho xã hội trong khi chúng ta chưa làm được điều gì to lớn hơn.

Chúc anh an nghỉ ở cõi Trời đời đời an lạc.

 

 

bbh, tháng 9/2020  ở quận Cam

 




 


 

 

 

 

 .