Thursday, December 23, 2021

Thử Tìm Ý Nghĩa của Thế Quân Bình trong Gỗ và Đá * của Trúc Chi / Trần Mạnh Toàn

*( Văn Mới xb, California, 2002)


Kính gửi anh Trúc Chi Tôn-Thất thay cho tấm thiếp chúc một mùa thương.

LNV- Cuốn sách đọc muộn đến 20 năm, và cũng nhờ một duyên tri-ngộ. Như thế, ở một nghĩa nhất định, sách đã có chỗ trong lòng người nhận từ trước, hai-mươi năm. Những hàng lạo-thảo dưới đây thay cho sự trầm trồ về một tâm hồn trót “quy y” cái Đẹp, cái Lành, cái Thực. Ta sẽ thấy, bên Trúc Chi, Gỗ và Đá còn chỉ ra một nơi an trụ cho lòng trong thế giới có-không.

  

Tập tùy bút thứ hai của Trúc Chi ra đời tiếp theo tập tùy bút thứ nhất có tên Đó Đây vài  năm vẫn giữ nguyên mạch văn mà người làm chủ. Những dòng chữ được gói ghém trong thể loại mà có lần người viết ra, trong khiêm tốn, tỏ ý hay gián tiếp tán đồng về khía cạnh “tán gẫu”  hoặc “vô chiêu” nhưng thực sự được cô đúc bởi kinh nghiệm lịch duyệt, cái nhìn sắc sảo với đời, khả năng thể hiện hiếm có, khi cần động bút và trên hết là một tâm hồn nhất mực hướng về cái toàn thiện toàn mỹ, tỏ rõ  nỗi đau khi cái hay cái đẹp bị xem nhẹ hay bị tổn thương. Chỉ riêng trong Gỗ và Đá, tập tùy bút thứ nhì, tinh anh nhập vào ngòi bút, và có thể nói, của thể văn, một lần nữa, tái hiện không kém thâm trầm, sắc sảo.

 Có người thường nghĩ tùy bút gần gũi với lòng hoài niệm, viết ra để vơi gánh sầu tư. Nhưng riêng trong Đó Đây, Gỗ Và Đá, cái ý vị-ngã đã không còn mà thay vào là sự trắc ẩn khôn cùng trước cái không may, điều thiệt thòi hay mất mát của người quen, của người cùng chung hoàn cảnh định mệnh của đất nước. Người đọc tinh ý sẽ thấy, chỉ khi nỗi trắc ẩn bị khơi dậy “nặng tay” như thế, người làm chủ ngòi bút như Trúc Chi mới chạnh lòng để nói lời thanh nghị. Đó là những khi ông nghĩ đến tình tương lân đậm đà giữa xóm giềng, nay chỉ là “nét đẹp đã tàn” ( Mây và Tháng Ba, tr. 88.89). Nỗi bất hòa đeo đẳng, day dứt một đời nơi người bạn mòn mỏi phương xa ( Một Lần Thăm Bạn, tr. 77, 78.) Hay đậm nét hơn là cái chết oan khuất của bao thường dân trong cuộc tương tàn ( Về Một Tâm Hồn Nghệ Sĩ, tr. 218.) Những lúc ấy rõ rệt là lúc trái tim  cảm thấy bị tổn thương, ông lên tiếng, bầy tỏ như chính mình là nạn nhân, không hề nhân danh quy điều hay chính nghĩa.

 Gỗ và Đá ra đời cách đây đã 20 năm nhưng phần lớn con người có mặt và xã hội mà họ liên can có uyên nguyên trong lúc cuộc tương tàn đang tiếp  diễn. Như thế, có thể nghĩ tác phẩm, đáng chú ý là truyện mang tên tác phẩm, đã được tượng hình trong  khoảng thời gian của một kiếp người. Truyện đi ra từ giữa hai thảm kịch song song phổ biến trong gia đình (cô nhi) và ngoài xã hội ( nạn nhân chiến tranh) của ít nhất là một nhân vật rất phụ trong truyện ( chú tiểu Nhân) nhưng rõ ràng là cách gợi ý để việc mở lối cho một tâm hồn băn khoăn, một người nghĩ rằng là nạn nhân bị mắc kẹt giữa ít nhất là hai thế lực tương tranh, hoặc cảm thấy bị dằng co giữa những nghĩa vụ được định và sự giục giã của lương tâm cùng trái tim. Con người không xem việc đến chùa là tìm về một đức tin mà hầu như, do tình cờ, tâm hồn lại tìm được nơi an trụ. Họ lấy cách xếp đặt nơi hòn non bộ và tấm bản thư pháp nơi sân chùa làm cái cớ đốn ngộ được sự quân bình tâm hồn qua việc an bài vạn hữu.

Theo truyện, tác giả lưu tâm không vì việc hiểu ý nghĩa câu kinh mà do “nét đẹp của một lời nguyện”. Cái đẹp của ý nghĩa câu kinh bỏ ngỏ và của lời nguyện mông lung tạo nên sức hấp dẫn như hấp lực của hòn non bộ, đã thu hút, chiếm ngự tâm hồn người ( Gỗ và Đá, tr. 250-251.)

Cái đẹp, dẫu dưới nhiều dạng thức, vẫn có khả năng cứu độ con người, theo cách mà con người  cần tới. Trúc Chi, với một tâm hồn dễ dàng rung động trước ngoại cảnh, đã đến với cái đẹp như trở về với lòng mình. Người đã xem cuộc hành trình này không khác việc châu tuần của ấn tượng về một nơi quy về của đạo giải thoát.

Trước sau, người vẫn để ngỏ cho chốn lui về trong sự thanh tịnh của tâm hồn bằng mỹ thuật của điều lành, cái đẹp và được nâng cao như một chân lý.

Lịch sử sang trang vẫn chứng minh sự tồn tại của thế đứng dựa vào niềm tin cái đẹp, cái lành . Con người nhờ đó thoát khỏi cái chông chênh của thế nước và những dằng co nội tâm quyết liệt về một thế cờ.

Người mang theo tâm hồn thi nhân còn chịu đựng mâu thuẫn lẫn xung đột trong nội tâm gay gắt hơn khi cố chứng tỏ khả năng thuyết phục của mình về một hướng đi. Họ Trịnh là thí dụ điển hình của trường hợp này khi càng nỗ lực ý thức về thân phận thì càng chứng tỏ nỗi hoang mang, vô vọng. Trên đời người trổ nhánh hoang vu / trên ngày đi mọc cánh lá mù / những tim đời đập lời hoang phế ( Cỏ Xót Xa Đưa)

Dưới mắt Trịnh, cuộc đời và con người là trái đắng của niềm tin trước khi mang dòng lệ chưa khô vì cuộc chiến. Lá khô vì đợi chờ  / cũng như đời người mãi âm u. ( Như Cánh Vạc Bay)

Trúc Chi, qua cái mẫn cảm hiếm hoi của người làm văn nghệ, tìm tới Trịnh, nơi một tâm hồn tưởng như đồng điệu, phát giác nơi Trịnh “ một trái tim  mềm nhạy cảm.“ ( Về Một Tâm Hồn Nghệ Sĩ, tr. 220)

Trịnh đã phân phối những nhịp đập từ trái tim mềm nhạy cảm ấy, cho tình ca, và những bài hát đề cập thân phận con người khắc khoải vẻ siêu hình, vẻ như tìm kiếm một lối thoát hay hơn thế, một thế ứng phó mê hồn trận của thời thế bày ra.

Hẳn là Trịnh đã thành công ít nhiều trên đường lối này nếu chỉ căn cứ vào khả năng chinh phục của ca từ vốn ấp ủ sẵn vẻ diễm lệ lẫn ảo giác. Tương tự  xu hướng ôm cao gối mộng,” lên non tìm động hoa vàng ngủ say”, được không ít thi-tài nâng lên và củng cố như một suối nguồn an lạc.

Theo ý riêng, có thể chỉ trong lãnh vực này thôi, Trịnh không cảm thấy day dứt gì hơn và từ trái tim vốn “yếu đuối” và mẫn cảm này, cảm hứng phần lớn được mời gọi mà thành, hơn là do những thúc đẩy từ ngoại giới.

Để lấp cái trống trải, để sưởi ấm niềm cô đơn, anh chỉ còn biết yêu cuộc đời này, yêu thiên nhiên, yêu từng chiếc khăn tang, từng mái tóc, từng giọt nắng, từng hơi sương. Yêu mà vẫn không quên được cái đau làm người, cái đau làm người Việt Nam trót sinh trong khói lửa” ( Về Một Tâm Hồn Nghệ Sĩ, tr. 222) Trong đoạn văn mang đầy tính thuyết phục trên, và trong cõi nhân gian “độ lượng” ( chữ dùng của Trịnh, tr. 223), người ta hiểu rằng, Trịnh đã sống, theo cách riêng của người nghệ sĩ, và theo cách chung của không ít người muốn dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật.

Dành phần nói về Trịnh cũng là không quên hoàn cảnh chung của những con người nghệ sĩ khác, đơn thân sống trong điều kiện nghiệt ngã mà vẫn giữ được niềm tin vào giá trị thiện mỹ của nghệ thuật.

Nhưng, cái thế “tồn tại” mà do tình cờ nhiều hơn, trong lần Trúc Chi tao ngộ với chùa, quả là nằm trong một tiến trình nhận thức cho dầu không có từ một nỗ lực lâu dài. Con thuyền cứu khổ ông chưa có dịp đặt chân nhưng ý thức về sự vượt thoát khổ đau ông đã quán xuyến. Trong cuộc hành trình ấy, Trúc Chi dường như càng tiến gần đến sự “giác ngộ” về cái đẹp, cái lành của nghệ thuật và của chính cái sự thực mà ông góp phần xiển dương trong cả 2 lãnh vực trong và ngoài nghề nghiệp.

Không chính thức đặt niềm tin vào yếu tố siêu hình nào dù rằng ấn tượng về một chốn cửa thiền là  hình ảnh của một người đã hiển hiện  đạo tâm. ( Gỗ và Đá, tr. 243) Từ đấy, truyện cuối Gỗ và Đá, chẳng phải vô tình khi phác họa lộ trình một chặng đường tư tưởng bằng những nét ngời sáng trác việt của một áng danh văn.

 Trần Mạnh Toàn ( 21-12-2021)