Friday, January 28, 2022

Sóng trong lòng / Trần Mạnh Toàn

          Đưa người, ta không đưa qua sông

            Sao có tiếng sóng ở trong lòng”

                             Thâm Tâm, Tống biệt hành

 

Xao động trong lòng đã át cả tiếng nước vỗ vào mạn thuyền trên bến chia tay. Người tự ví thân phận như hơi rượu sau cơn tận túy, như chiếc lá lìa cành, đã chẳng thể dối lòng lúc ly biệt. Phải chăng tâm trạng của một thế hệ lên đường trong những hoàn cảnh khác nhau, đã được văn chương khắc họa bằng những nét rắn rỏi nơi vầng trán chưa biết hoài nghi và những rung động tự trái tim mới làm quen với thổn thức. Con người của nhân vật trong tiểu thuyết thoắt đã rời trang sách để nhập vào thế giới của tuổi trẻ đương thời, dốc chén đam mê nguyện với con đường đã chọn.  

 Mãi đến khoảng hai mươi năm sau, sau những biến thiên làm não lòng bao người trong cuộc, mà việc chọn lựa hay không đều trở nên vô nghĩa, Mai Thảo, nhắc đến trường hợp của người tự nhận làm “ ông từ giữ cái đền đài khói hương của đoàn thể “,  làm cái việc “ đốt một ngọn nến trên linh đài những  hờn oan chưa giải tỏ.” ( Mai Thảo, Người Đồng Chí Cũ, Văn, số 7, 01.4.1964, tr. 77 ) thay vì tiếp tục công việc vẫn được truyền rao như một lý tưởng ngời ngời.

Nhưng, việc cân nhắc thiệt hơn thuộc về lịch sử và thế hệ đi sau. Những người trẻ tuổi lãng mạn cả trong tư tưởng lẫn hành động của năm ấy đã hát khúc tống biệt bằng giọng hào sảng hiếm thấy và nén giọt lệ từ-ly trong một cử chỉ tương tự kẻ sang Tần.

Hoa Vông Vang, tập truyện ngắn của một chàng trai đôi mươi, tóc như mây vướng trên đài trán thơ ngây (1) được hoài thai trong hoàn cảnh mà sự thúc đẩy một sự lựa chọn đã là việc làm cần thiết và thu hút tâm hồn người trai. Và, dù rằng người đặt bút viết tựa cho tập truyện, Nhất Linh, tự khép mình sau cánh cửa văn chương như cách nghi-hoặc nhìn vào thế giới của hành động mà ông vừa vắng mặt.(2) Trong một thái độ tương tự và mang nhiều ý nghĩa, Đỗ Tốn, tác giả tập truyện, cũng có mặt tại đây - miền Nam Trung Hoa - cho xuất hiện tập truyện đầu đời, theo cách - thế cậy văn chương đỡ đầu cho sự có mặt tại quê người.

 Sự phân tranh giữa văn chương và hành động, trường hợp Đỗ Tốn.

Không phải tình cờ mà có thể Đỗ Tốn là âm bản của Tống Biệt hành (3) khi mà bài tráng ca thay cho khúc hát lên đường mở ra trong lòng người thanh niên chút cao ngạo của người biết xem nhẹ cuộc đời êm ấm riêng tư

một giã gia đình, một dửng dưng...

-Ly khách ! Ly khách ! con đường nhỏ

chí lớn chưa về bàn tay không

thì không bao giờ nói trở lại !

ba năm mẹ già cũng đừng mong

Thế hệ của tác giả Hoa Vông Vang, thực sự đã suy nghĩ gì khi ôm nặng gánh sầu hoài quen thuộc với bản ngã của tuổi trẻ mới lớn. Dẫu không nghĩ tới việc lấp biển dời non, thì óc lãng mạn của tuổi thanh xuân cũng muốn họ rời tổ ấm một lần như một chuyến đi xa.

Hoa Vông Vang và ngay cả truyện được lấy làm nhan sách là bản tình ca của tuổi trẻ. Một tình khúc viết cho đời và nguyện lấy tuổi xuân làm sính lễ. Riêng trong truyện Hoa Vông Vang, tình đã hoàn toàn chiếm đoạt trái tim non người thanh niên, và văn chương long lanh, trong sáng như sương mai  được tác giả dụng công, mang ý nghĩa của vòng hoa sẽ đặt trên mộ người tình lụy.

Văn chương mà người đề tựa Nhất Linh xem như viết bằng cảm giác nhiều hơn là bằng ý nghĩ.

Nghĩa là để cảm xúc dẫn dắt ngòi bút trong một trạng thái của người bị nhấn chìm trong cơn cuồng lũ của mạch văn. Đỗ Tốn xem cuộc tình đã đưa người thanh niên ấy vào một mê lộ, vào rừng rậm của tình. Kẻ si tình đã lạc lối, không còn biết định hướng, chiếc la bàn trong tay tình yêu chỉ còn một hướng duy nhất và người thanh niên  đã vô vọng nếu muốn tìm lối thoát thân.

Chọn tình yêu làm tiếng nói của văn chương, có thể Đỗ Tốn đã lấy tình yêu làm cách tiếp xúc với thực tại, theo cách riêng, với trái tim non và của người nghệ sĩ. Tình đã không đoái hoài dù người hết dạ bao dung. Đã khước từ ngã giá dù người thanh niên hào phóng cả cuộc đời lẫn thân thế.  Những diễn tiến từng bước, khi tiến khi lui, khi mơ hồ, lúc day dứt, của cuộc tình giữa Đẩu và Phượng Trinh ( Hoa Vông Vang), giữa Giao và Tuyền ( Duyên Số .) Tình yêu nhuốm mầu bi thảm của gượng ép giữa Phong và Lan ( Định Mệnh) hoặc dừng lại nửa vời như hành trang tình cảm nhất thời giữa Ninh và Nhàn ( Tình Quê Hương)

Ngoài chuyện tình Giao –Tuyền mà sự thành tựu đẹp đẽ  nằm trong hai chữ duyên số của nhan đề, (và có thể như cách hoài vọng cùng gửi gấm), còn lại đều lỡ làng, để lại vết thương sâu và khó mà hàn gắn. Như thế, ngang trái trong ngần ấy cuộc tình  cũng là sự thất bại chua cay với đời mà người thanh niên  phải trả. Cuộc tao ngộ giữa người thanh niên với thực tại, qua tình yêu, đem đến sự phá sản tâm hồn của tuổi trẻ như cái giá mà con người phải sẵn sàng thế chấp khi vào đời. Văn chương dễ khiến người trở thành kẻ chịu sự cầm cố của tình yêu trong khi nhà văn không ngừng muốn trở thành kẻ một đời tự nguyện. Đôi khi một cái bát rơi vỡ hoặc một cái thùng đứt chìm xuống đáy giếng làm mặt nước sủi tăm thường cũng đem lại cho chàng ý tưởng chết ( truyện Định Mệnh, tr. 118.)

Tình cũng có giá trị của sự phục sinh dưới mắt lạc quan của người trong cuộc. Và trông Trinh cười đắm say, Đẩu thấy nụ cười tươi thắm ấy như đưa chàng vào một vườn thắm nhẹ gió vừa . Đẩu ra về với ít hoa nở trong lòng, với ít tin tưởng rằng sẽ chẳng bao giờ hương tình cũ đến nỗi tan bay hết ( truyện Hoa Vông Vang, tr. 86.)

Tình còn có khả năng cứu chuộc, theo suy nghĩ của người tận hiến. Từ ngày.. biết Trinh tôi mới đi nhà thờ đấy chứ... Trinh đã cứu vớt một linh hồn mà Trinh không biết ( truyện Hoa Vông Vang, tr. 86.)

Không chỉ chọn tình yêu là thử thách lớn nhất đối với tuổi trẻ mà chính tuổi xuân còn được phó thác làm vật hiến tế cho tình yêu. Những Đẩu, Phong trong toàn tập, là hình ảnh thê lương của sự thất bại, là sự chìm đắm vĩnh viễn trong tuyệt vọng cùng với giấc mơ hoa đầu chưa kịp đón ánh xuân. Với thời đại, tâm hồn đa cảm vốn là sự giàu-có-thiệt-thòi được đền bù bằng khả năng tiên tri điều bất hạnh vị tất. Và trong một nghĩa riêng, những bước chân lâm lụy của Đẩu, của Phong vào tình trường tuổi hoa niên đã mang theo hình ảnh cái chết dần mòn của một tâm hồn chịu nạn.

Nhân vật của Hoa Vông Vang phần lớn bơ vơ trong tình yêu, phải nhờ tình yêu dẫn dắt theo con đường được tài định với cách phản kháng duy nhất là lãnh nhận sự đau đớn đến mức tự hủy.

Văn chương, ở giai đoạn này, đã thăng hoa như những tụng ca ca ngợi sự đau khổ, bẽ bàng, nỗi đau xót vật vã tương tự ơn thiêng dành cho người tuẫn nạn.

 Trúc Chi* đã minh chứng một cách thuyết phục hai yếu tố Hương và Sắc như là yếu tính của văn chương Đỗ Tốn.  Ví Hoa Vông Vang như “ một cung đàn, một khúc nhạc. Cung đàn của say sưa trong rung động buổi đầu. Nhạc của tình ban sơ si dại .”

Nhưng Hoa Vông Vang không chỉ là bản trường ca diễm tuyệt đăng quang cho tình yêu, một thứ tình yêu dành cho kẻ tuẫn nạn. Nơi đây còn hé lộ bản chất của một tâm hồn hiếm có mà chỉ trong một thứ ký ức về một thời kỳ luân lạc đã qua là Ả Hẩu, người ta mới thấy rõ hơn nỗi đa đoan của một người mà lòng luôn luôn hướng về cái toàn thiện toàn mỹ ( truyện Điệu Thu Ca, tr. 40.)

Ả Hẩu, có thể là một hiện thân muộn và hiếm hoi, nhưng những điều viết về con người hiếm có này là những hàng minh văn trên trái tim huyết thạch của con người duy mỹ.

 Đỗ Tốn, con người hành động.

Khối lượng và bầu khí thơ mộng trong đau khổ của tình yêu đã có thể làm mờ nhạt đi vai trò con người hành động mà tự thân con người tác giả đã thể hiện từ khi còn thơ ấu. Sự sắp xếp vị trí ưu thế những truyện tình trong toàn tập có thể cũng là dụng ý hóa giải mối hoài nghi về sự phân tranh tất yếu giữa hai xu hướng duy cảm và hành động có thể bộc phát trong tâm hồn tác giả. Hoa Vông Vang là sự minh thị thành công cách trần tình của tác giả trước sự phân tranh không cần thiết, nếu có, giữa tình cảm của trái tim thiêng liêng, chan chứa dịu dàng với bản chất duy lý, rạch ròi của con người hành động.

Trong tác phẩm Hoa Vông Vang, hai truyện ngắn đầu được dành để biện minh cho việc người thanh niên tỏ ra lãnh đạm với cuộc sống trầm lặng, nhạt nhẽo nơi thôn ổ. Xem cảnh người thiếu nữ xuân thì trong căn nhà lạnh lẽo không khác “ trong cảnh tiêu diệt một cơ nghiệp cũng còn có một mầm sống ”  ( truyện Điệu Thu Ca, tr. 31.)

Trong Một Kiếp Sống, chàng thanh niên xem cái việc chôn chân nơi một phố lẻ trong nhiệm vụ thư ký bưu điện, lại rõ ràng tẻ nhạt và đáng sợ hơn. “ Ít ra đời cũng khoáng đạt như cỏ đồi, cũng may mà đời ta không như cây na vun xới, ám khói, ngày ngày sống bên vại nước ướt át “ ( Một Kiếp Sống, tr. 49.) Đỗ Tốn không nói rõ hơn những bước chân phá lệ ra sao, nhưng người đọc cũng hình dung mức độ phân tranh trong lòng người thanh niên  một khi nếp sống quen thuộc, vô vị, nhàm chán trở thành sự thực.

Hai truyện ngắn trên không cùng chủ đề tình yêu là phần chiếm ưu thế trong toàn tập. Sự sắp xếp ấy tỏ rõ thái độ của nhà văn trong thời gian mà chính người thủ lãnh của phong trào cũng đang ẩn thân sau văn chương.

Cứ xem tâm trạng của nhà văn khi trước mắt là  Nhất Linh cặm cụi với lan rừng bên bờ dòng Đa-mê hững hờ. Lòng người chùng xuống khi thầm nhủ không khác lời tự thán. (4)

Hướng về Hành Động hay trở về với Nghệ Thuật ( kể cả do tình yêu chiếm lãnh), cả hai đều trở thành đối cực trong tâm hồn những người còn nặng lòng về một lời nguyền.

Có thể Hoa Vông Vang không báo trước một bi kịch như Xóm Cầu Mới cũng vì giữa họ đã có một dòng suối vô tình nhưng hữu mệnh, Đa-mê.

Đứng ở cuối trào lưu lãng mạn, người ta có thể nghĩ rằng Hoa Vông Vang là đóa hoa cuối mùa, nhưng vẫn là đóa hoa dồi dào hương sắc, vẫn đầy đủ khả năng mê hoặc những tâm hồn đa cảm.

Khúc bi ca thê thảm nhưng vẫn là âm thanh chinh phục hồn người. Hoa Vông Vang  ở cuối mê lộ của một giai kỳ văn chương và thời thế vẫn tỏa thứ hương của tưởng tiếc điều không hề phai nhạt trong những trái tim non.

                                                                                                       

( viết cho tập truyện Hoa Vông Vang được gia đình nhà văn tái bản tại hải ngoại (Việt Tide, 2019)

 

Trần Mạnh Toàn

                                                                                                                             12.01.2022

Chú thích

 (1)Lời tựa của Thế Lữ trong Xuân Diệu Thơ Thơ ( bản in của Sở TTVH Nghĩa Bình, 1987)

Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu nổi tiếng thời tiền chiến.

(2) Năm 1940, sau khi Toàn quyền Catroux buộc phải để cho quân đội Nhật sử dụng Đông-dương như căn cứ địa để tiến đánh Trung-Hoa, các đoàn thể chính trị trong nước  trong số có Đại Việt Dân Chính (Hưng Việt) của Nguyễn Tường Tam công khai hoạt động chống Pháp, một số tổ chức được người Nhật hậu thuẫn.

Cuối năm 1942, khi Nhật oanh tạc Trân Châu cảng và mở rộng chiến tranh sang toàn cõi Đông-dương và Nam Á châu, Nguyễn Tường Tam lẻn sang Trung Hoa để tiếp tục hoạt động. Ông bị chính phủ Trùng Khánh nghi ngờ và bắt giữ tại Quảng Châu,  Được Nghiêm Kế Tổ can thiệp, ông được trả tự do và đồng ý gia nhập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội do Nguyễn Hải Thần làm chủ tịch. Trong thời gian này, ông tìm kiếm những cây bút  trẻ và đề tựa tập truyện Hoa Vông Vang của Đỗ Tốn, tháng 12.1942. ( Nhật Thịnh, Chân Dung Nhất Linh, Sài gòn, 1964, Đại Nam, tái bản, không ghi năm in, tr. 135, 137, 138.)

(3) Theo Lê Văn Siêu, bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm được in trong Tiểu Thuyết Thứ Bẩy năm 1940. Tương tự về hơi văn còn có Độc Hành Ca của Trần Huyền Trân. Theo Lê Văn Siêu, “ người làm thơ ấy bằng những cảm tình sôi nổi và say đắm chân thành để yêu đương mơ mộng, thì lại xúc cảm nhanh hơn ai hết cái nghiêm trọng của thời cuộc ... “( Lê Văn Siêu, Văn Học Sử Thời Kháng Pháp,  1858-1945, Trí Đăng, Sài gòn, 1974, tr.386)

(4)  “Thường thường trong những dịp săn lan như vậy, chúng tôi rất ít khi nói chuyện thời sự, chính trị dầu rằng trong đám người đi săn lan có cả môt vị cựu bộ trưởng, một chính khách , môt nhà cách mạng từng bôn ba hải ngoại. Chúng tôi tôn trọng cái không khí thanh bạch, cao quí, thần tiên của cuộc chơi kỳ thú, của khung cảnh núi rừng hùng vĩ, của những đóa lan sơn dã, của giòng suối trong xanh, và niềm vui hồn hậu của những tâm hồn bạn.

Tuy nhiên những  lúc ngồi bên bờ suối, nghe anh Tam thổi hắc tiêu, tôi không khỏi sót đau thắc mắc.  Anh Tam quên sứ mạng của anh rồi ư ?  Có thật anh yên lòng đi tu tiên rồi chăng? Ngọn lửa Yên Bái, cái không khí “ Chi Bộ Hai Người” , “Giòng Sông Thanh Thủy” há không gợi lên trong anh chút nào vang bóng của quãng đời sóng gió trước kia ?” ( Tô Kiều Ngân, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam thổi kèn giữa rừng Lan, trong Người Việt Tự Do, chép lại trong Nhật Thịnh, Chân Dung Nhất Linh, sđd. tr. 158.)

*http://tranhuybich.blogspot.com/2019/09/bai-phat-bieu-cua-nha-van-truc-chi.html