Saturday, January 8, 2022

Bầy Lan Run Rẩy Mộng / Trần Mạnh Toàn

bướm trắng bay đi...

bầy lan run rẩy mộng

gai rừng khuya xé rách cánh bơ vơ

(Vũ Hoàng Chương, Nhịp Cầu, Văn, số 14, 7.7.64)

 

 Hình TMT-2020

 Lần tìm về thái độ của Nhất Linh trước khi nhập cuộc - nghĩa là khi người tiến về một đối cực mà hành động càng làm rõ điều chân lý chỉ là cái nhìn hài lòng từ mỗi phía - người ta cảm thấy nỗi dao động khác thường của người khi buộc phải bước về hướng đối nghịch với con đường mình đang theo đuổi. Bướm Trắng, viết xong vào tháng 3.1939, không chỉ là bước tiến của văn chương vào cõi sâu thẳm tâm hồn của con người muôn thuở, mà ở một khía cạnh, phát giác phản ứng gần như tuyệt vọng của con người trước sự ám ảnh hay đe dọa thúc bách cận kề. Trong cái tĩnh báo hiệu cái rất động, Nguyễn Gia Trí - người tương tri của Nhất Linh cả về nghệ thuật lẫn dấn thân, đã mách bảo tâm trạng của một lớp người như thế. (1) Sự ra đời của tác phẩm trong tình thế căng thẳng đương thời có thể nghĩ là cố gắng lặn sâu vào cõi văn chương như cách ứng phó trước sự mời gọi thiết tha của thời cuộc trước khi là kết quả của việc chiêm nghiệm những dằng co bất định trong tâm hồn người.  Trong tâm trạng đó, văn chương - mà đây là Bướm Trắng - còn là chứng tích của một nỗ lực vượt thoát nhưng vô hiệu đồng thời báo trước những đau khổ trong cơn thử thách, những cay đắng trong nỗi dằn vặt - dù có ý nghĩa của việc thanh tẩy - sẽ bám chặt lấy người mà những địa danh như 12 Yersin, 711 Yagut, 19 Đặng Thái Thân Đalat, suối Đa-mê... trở thành vị trí để người hằng đêm đối bóng. Những cao điểm để chiếc bóng thêm cô liêu dù hương lan rừng có nguôi lòng tỏa ngát. Hiểu theo cách riêng, Bướm Trắng đã tiên định được hướng tâm hồn thăng hoa khi đề cập trường hợp con người sa ngã. Cái chết, sự thất bại hay tan vỡ đều đặt con người vào thế khốn cùng khi họ, dưới một hình thức riêng, tự nguyện chấp nhận chúng. Trương - người thanh niên trong truyện - rơi vào tình trạng chịu đựng " cái khổ sống gượng này còn lớn gấp mấy cái khổ tiếc đời trước kia " (2) và chỉ thoát ra khỏi bi kịch này khi nỗi ám ảnh về bệnh không còn và ý niệm hạnh phúc giản dị lại trở về với chàng. Như vậy, ở một khía cạnh, đau khổ, thất vọng - sau khi tàn phá con người- rút cuộc, lại đem đến tác dụng của việc rửa sạch tâm hồn, mở lại hy vọng về một viễn ảnh dung dị thuần khiết. Rồi đến khi luống đậu nở hoa trắng có những con bướm rất xinh ở đâu bay về ...(3)

Người ta liên tưởng đến trường hợp Nhất Linh - có thể  sau khi thủ đắc được kinh nghiệm có tính chất tiên báo qua văn chương - đã tìm đến một ngã rẽ êm ả cho tâm hồn sau cuộc lên đường nhiều gian truân. Con đường ấy không dễ dàng và không phải tình cờ vì riêng với người, thời gian như thể ngày thêm bồi đắp huyễn ảnh từ cái nhìn tránh xa trần cấu. Ngã rẽ không mấy bình yên khi người phải trông cậy vào môi giới của phiêu diêu - như bầy lan rừng - làm đối trọng với bao thôi thúc ngược hướng.

Thế giới người muốn tìm kiếm chưa được định danh kể cả việc sắp xếp cho nó một vị trí giữa mộng và thực, giữa ý thức tự giác và sự quyến rũ của cảm quan. Cõi ấy chưa tìm được hiện thân ít nhất là trong thời gian người còn nghĩ rằng văn chương còn có thể tiếp tục được sứ mệnh đã giao dù trong một biểu tượng mang ý nghĩa giới hạn với quá khứ - phượng-giang. (4) Một sứ mệnh văn nghệ được tuyên định sau này trên Văn Hóa Ngày Nay, cổ xúy việc vượt ra ngoài ước thúc của thời đại hay biên cương địa dư, ít ra là trong tác phẩm, xóa bỏ dấu vết của ràng buộc, phân biệt hay tranh chấp mà cái tên của nhà xuất bản cũ là biểu hiệu. (5)

Cách biểu hiện này tái diễn vào mấy năm sau, khi Giòng Sông Thanh Thủy gồm 3 tập ra đời (1961) dưới danh hiệu nhà xuất bản ban đầu, Đời Nay, giải thích cái nhìn buông xả trước mọi âm mưu, tranh chấp.

Không chỉ đơn thuần là một danh xưng, Phượng-Giang là hoài bão trở về với văn chương trong ý thức mới về một quan niệm xây dựng tác phẩm và vai trò của nó. Văn chương không còn là một phương tiện dù là cống hiến hay phục vụ. Người đã đẩy văn chương đến gần với điều mà tâm hồn vọng cầu trong vô nhiễm, thuần khiết. Phượng-Giang, như thế, còn đánh dấu bước đi mới trong lòng người nhưng đồng thời cũng hé lộ xao xuyến của người buộc phải lấy sự cân nhắc trong ngôn từ làm cách giãi bày tâm ý.(6) Phượng-Giang cũng như Thanh-ngọc sau này, đều là biểu ý của một tâm hồn đang chịu dằn vặt về hướng đi, một lẽ sống. Ý nghĩa mà chúng được cưu mang không đủ bao yểm nỗi lòng người khai sinh chúng. Nhất Linh mà cuộc đời là chuỗi hành động kết hợp trong nghịch lý, tương phản dường như lại cố gắng sắp đặt chúng trong diễn biến êm thắm, xuôi dòng. Bướm Trắng viết ra trong bầu khí trông đợi biến chuyển bất ngờ của những năm 1938-1939 khi hướng vào cõi sâu thẳm của tâm trạng kẻ sống như tự hủy trước sự đe dọa của tật bệnh và sự kết liễu hãi hùng lại có thể đem đến việc ngờ vực người viết ra  như để chuẩn bị tâm tư cho một bước dấn thân dứt khoát. Tương tự như thế, việc nhẫn nại theo đuổi một quan niệm văn chương ngày một tỏ ra xa rời sự can thiệp của thời đại khi viết đi viết lại Xóm Cầu Mới, xét cho cùng, cũng chỉ là để tái lập quân bình giữa những thúc đẩy về một hướng đi đối

nghịch.

Thế giới mơ về chưa rõ chân dung nhưng có thể những nét đan thanh của nó đã đủ sức mời gọi. Không khí liêu trai trong Nam Hải Truyền Kỳ của Hư Chu (7) dường như không thể là cõi tị trần

của Nhất Linh nhưng tâm hồn người yêu hoa trong truyện là sự trùng phùng khắng khít với tâm trạng của người bên đám lan rừng tại Đà lạt mấy năm sau đó. Hẳn là cuộc tao ngộ khác thường giữa thần của loài mai Thúy Vũ trong vườn nhà với viên hưu quan tri âm đã gợi ra một mẫu mực tao phùng khác giữa Nhất Linh với bầy lan rừng cao nguyên khi người có cơ duyên tá túc tại Đà-lạt. Nghệ thuật và vẻ đẹp tâm hồn gặp gỡ nhau trong mẫu mực ấy dù nếu người chỉ xem bầy lan kia - đặc biệt là Thanh-ngọc lan - là mai nhân cho một cõi hằng mơ ước.

Theo truyện, mai Thúy-vũ ở trên đỉnh non hiểm trở, khó mà tìm gặp. Tên mai cũng là tên loài chim mang tín hiệu đến cho hoa.(8) Còn riêng người, triệu vời được cái đẹp đến bên mình chẳng khó khăn cũng vì nghệ thuật đã được tâm hồn đồng hóa. Với người, Thanh-ngọc là dấu hiệu ước lệ của việc mời gọi, tương tri để không còn phân biệt giữa chủ thể với thế giới khách quan quanh mình. Như hương lan, nhạc suối, gió ngàn thấm đượm, tan loãng vào cõi không bao dung trầm mặc.

Mai Thúy-Vũ có thần hoa làm sứ giả môi giới với người trần sành điệu, còn riêng lan Thanh-Ngọc của Nhất Linh như nguyện ở bên người trong vai trò dẫn lối. Mai Thúy-Vũ là thứ mai núi cần có chim đưa về tin báo khai hoa. Lan Thanh-ngọc của Đa-mê như được ủy thác đưa đường không cần sứ điệp. Tâm hồn người mới là tấm thông hành để đến cõi vọng cầu. Trong khi lòng yêu cái đẹp giữ chân người yêu hoa nơi cội mai Thúy-Vũ.

Nhất Linh đến với bầy lan rừng trong phong thái thân yêu quen thuộc, vỗ về chúng bằng hơi thở của âm thanh khác với nghi lễ của hàng thượng tân mà chủ nhân gốc sơn mai dành cho thần hoa Thúy-Vũ.

Hiểu như thế, quan niệm về nghệ thuật giữa họ có khác nhau. Với Nhất Linh, có lẽ cái đẹp là phương tiện tiến tới chỗ tâm hồn thăng hoa, không phải là chốn dừng chân để tiếp tục tô bồi nó.

 Nghệ thuật - qua Nhất Linh - như một băng nhân với đời.                     

Tháng tám 1955, vào lúc trường học chưa khai giảng niên khóa mới, Nhất Linh tìm về Đà-lạt. (9) Cuộc trở về như ngược với ý mong chờ khi nó đưa người gần lại với thời gian muốn được bỏ quên, với dĩ vãng muốn được chôn vùi.

Thành phố cao nguyên như dừng lại bên bờ quên lãng của chiến tranh ngoại trừ  là nơi trú ngụ yên ổn nhất thời cho khoảng 53.000 người trong đó có con số không ít tìm đến lánh nạn. (10)

Đây cũng là không gian giới hạn của Võ Hồng khi đề cập bầu khí thời chiến như chỉ tích tụ theo những áng mây trôi, làm xáo trộn một phần cuộc sống người dân một thành phố nhỏ theo bước chân lánh nạn mà chưa mường tượng ra bộ mặt hãi hùng đích thực của cái đang đe dọa. Nơi đây, nét êm ả của thanh bình nhanh chóng trở về như chưa hề bỏ đi, như nét mặt chợt dãn ra khi cái cau mày chưa kịp thành hình. Con người quay về với nếp sống hàng ngày, không bận tâm gì, khi chiến tranh không kịp di lưu những vết ảm đạm trong lòng mỗi người. Thành phố đầy rẫy những khoảng trống và bỏ hoang nhưng con người chẳng có ý định lấp đầy hay chiếm cứ. Thành phố vừa mới được thời thế gỡ bỏ danh hiệu hoàng triều trên vùng cương thổ, thay thế chút  tự hào vị tất bằng việc bãi bỏ điều được xem như một đặc ân di trú. (11) Những dao động thời cuộc như chỉ để lại mấy lớp nhăn trên mặt hồ ngủ yên trên đường chính dẫn vào thành phố. Còn chăng là việc cải danh Bảo Long, Phương Mai của hai trường trung học, tên pavillon Phương Lan của một nhà thương và việc giải giáp đội " hộ giá " - ngự lâm - thường mang bên vai phù hiệu dân-vi-quí.

Thành phố - nơi mà thiên nhiên giành được ưu thế vững vàng, ở độ cao một ngàn năm trăm mét và nhiệt độ trung bình 18 độ C - được khai phá vì lợi thế của nơi an dưỡng tuyệt vời cho sức khỏe nhưng chưa hẳn đã là chốn thuận tiện chữa trị cho mọi con bệnh tâm hồn.

Mùa mưa chưa dứt vào tháng tám (12) làm chìm khuất lan rừng giữa cây ngàn thêm xanh, là cơ hội cho những hạt tự khai - như hoa cánh bướm cosmos trắng và tím - lan tràn thành  những thảm màu nơi vườn trước một giáo đường mầu hồng e ấp.

Mưa từng trả lại nhan sắc cho văn chương và hiến tặng tươi mát cho tâm hồn. "...vẻ mặt tươi cười của Loan qua bức mành làm bằng những giọt mưa sáng long lanh và ngang dọc đua nhau trước gió, làm cho Dũng có một cảm tưởng mát dịu lạ lùng; chàng nghĩ đến những cây dành dành chàng đã được trông thấy nở đầy hoa trắng ở một góc ao hay góc ruộng, những buổi sáng sớm còn lạnh sương." (13)

Mưa đã dành cho lòng người đến với lan rừng khoảng thời gian cần thiết để đợi chờ.

Ở một ý nghĩa nào đó, bầy lan đã đợi người bên thềm.

 " Sớm năn nỉ bóng, đêm ân hận lòng" ( Kiều, câu 1784)

Ngôi nhà 11 Yagut nằm lưng chừng đầu dốc là nơi ở của người một thời cùng một chuỗi ngày luân lạc.(14) Nguyễn Tường Bách, sau bao nổi trôi nơi xứ người còn nhớ tên người bạn học cùng lớp, có mặt trong cuộc can dự vào thời thế và cùng dấn bước không ngại ngần như thể làm một

chuyến viễn du. (15) Nhưng họ - ông Bách và chủ nhân ngôi nhà - đã chia tay nhau kể từ khi người có trách nhiệm với Đoàn Quốc-gia Thanh-niên, ngoái nhìn lại dòng Nậm-khê cuồn cuộn để bước vào thị trấn Hà-khẩu nơi đất người vào một sớm tháng 7.1946. (16) Một chuyến đi trở thành sự lựa chọn cá nhân khiến sau này, người quyết định bỏ đi phải nhọc lòng bộc bạch: tuổi thơ hoài bão nay còn hết / vận nước lầm do mấy ngả đường. (17)

Ngôi nhà có hai mái lớn dốc cao, vách nâu đỏ  như kiểu mẫu nhà miền Thượng. Căn phòng nhỏ áp mái là nơi trú ngụ một thời gian không dài của Nhất Linh, hờ hững nhìn xuống một cây tùng còn non tuổi trước sân như tiếc không có được vị trí của cội thông tương tri hiu quạnh trước ngôi nhà đầu dốc Prenn. Ở đây, bầy lan rừng có chỗ ngụ riêng, được hưởng nắng gió bên cạnh ngôi nhà chính. Người có thể thấy cõi lòng vắng vẻ thêm khi dĩ vãng xua đuổi ý định vùi lấp nó bằng chính người trong cuộc cận kề. Hằng đêm, người cảm thấy phải đối bóng nhiều hơn khi gặp lại người từng chung hoàn cảnh. Dĩ vãng như lớp sương muối đầu năm làm xót xa hơn là có thể che đậy, dấu diếm. Cách xem nhẹ chúng thực ra chỉ là phản ứng khi người tự nêm chặt cõi lòng. Nơi đây đêm không còn mượn rừng thông cất lên tiếng hú bất bình như ở ngôi nhà 19 Đặng Thái Thân. Không còn an ủy bầy lan bên mình bằng giai điệu nỗi lòng hay mượn thời gian chôn cất những đổ vỡ đắng cay.

Nhìn chiều vàng đồi thông thưa thớt / Lòng bùi ngùi buồn trông theo bóng / giờ đây viếng thầm hồn cố nhân / năm tháng trôi qua sóng gió đời... (18) Tiếng hát mà người yêu mến hiện tại chỉ là lời vang vọng một mộ khúc dành cho dĩ vãng chĩu nặng năm xưa mà thời gian dằng dặc không hề khiến đổi vai, là âm bản của nỗi phiền muộn xa vời không trút bỏ được. Trong cùng một bối cảnh, những lời tiếc nuối vì mất mát của người xưa thoắt cùng đánh thức người hôm nay nỗi niềm tưởng tiếc một quá khứ lỡ làng trong nghịch cảnh. Đến sau, người chỉ tìm cách phân trần với bóng bằng việc sáp nhập lòng mình với dòng nước trong trinh Đa-mê, Thanh-thủy.

Con đường dốc quanh co trước nhà còn dẫn lên một tầng cao nữa, dốc công-an và dốc nhà-thương, như thể dắt người khám phá thêm thiên nhiên diễm lệ theo từng bước chân thơm dấu văn chương để lại, dầu là vết của tuổi non vụng dại. Anh một mình lạc lõng giữa trời mưa / gió Cao-nguyên ... ôi lạnh mấy cho vừa / anh đợi em dưới chân đồi Dân-Y viện.(19)

Trời tháng tám dầy mây, nắng thưa nhất trong năm, ngược gió lộng hướng Tây, bước chân khiến lòng thêm chĩu nặng.(20) Khoảng đất trống bên đường trước nhà ngăn ngắt một màu xanh chờ đợi mùa hoa dã quỳ vào tháng tới dứt mưa, màu hoa vàng-cam đem mùa đông đến cùng những nét rực rỡ như lửa ấm.(21)  Bầy lan rừng chen chúc dưới giàn bồn chồn chờ đợi nơi người âm thanh của tiếng lòng vỗ về quen thuộc, khắc khoải mà không mong vọng âm như dòng sông nhận phó thác từ bao nguồn mà không cần hồi báo.

Tựa mình vào khuôn cửa kính căn phòng trên gác xép, nhìn xuống mảnh sân cheo leo thế đất, người nhớ lại chuỗi thanh âm gửi cho bầy lan trong tình tri ngộ. Ngửa mặt lên trời cao khi trút hết tiếng lòng như thể bầy lan phải xuất thần mới có thể đón nhận. Cánh hoa huyết-nhung trên tường rưng rưng. Loài hoa, người đặt tên vì màu đỏ thắm cả cành lẫn hoa giữa đám lá xanh dày dặn và lớp rễ cuồn cuộn mạch sống. (22) Tiếng tiêu mỗi trường hợp mang sự gửi gắm riêng. Âm thanh tưởng như trao cho tri ngộ buổi ấy giờ lại có ý nghĩa của giã biệt tạ từ.

Nơi đây không có gió ngàn hờn trách, mỗi đêm bao lần gieo mình xuống lòng sâu thung lũng như ngôi nhà đầu dốc Prenn nhưng không thiếu kỷ niệm vật vã vây quanh. Sau lưng nhà, cách một ngọn đồi san thấp là một góc nhỏ  tái hiện nguyên vẹn hình ảnh phương trời Âu trong những năm tháng miệt mài với sách hay thời gian dưỡng bệnh sau đó vào năm 1954.

Khu Yết-Kiêu vài con đường nhỏ, thời gian đọng lại trên những mái ngói ngả mầu, những ống khói gạch hồng không hề làm ấm khoảng không lặng tanh như mặt hồ gần đấy. Thời gian còn bị bỏ quên nơi những đám cỏ lấn khỏi lối đi khiến cho lòng đường chỉ là nơi thiên nhiên nhã nhặn nhường lối, nơi những bụi ngũ-sắc, tường-vi, cosmos, cúc bất-tử thản nhiên khoe mầu với nắng nhạt sửa soạn sang thu. Chớm thu xanh, ở đây lá không vàng vì ngóng đợi người đi. Chắc thế nào người cũng dừng lại nơi tảng đá lớn trước nhà đề tên ngôi biệt thự nhỏ nhắn có tầng dưới đất ngoi lên dưới bậc thềm như để nhìn cho rõ mặt người khách hiếm hoi. Sự tĩnh lặng không đủ làm nên không gian này mà việc giống như bỏ quên cũng không khiến nơi đây là chốn hiu quạnh vắng bóng. Có tiếng chiêm chiếp và bầy sẻ nhỏ đuổi nhau. Âm thanh không vụn vỡ mà như kết lại nâng đỡ thần sắc của một cõi trong tranh bỏ túi. Tiếng chim len vào buổi trưa sớm không làm thiên nhiên cựa mình tỉnh giấc nhưng tiếng lá rời cành cũng khiến người ngơ ngác nhìn quanh. Có thể nào thiên nhiên đã thu lấy hồn người trong một chuyến trở về trong liên tưởng.

Năm đến Bourges, 1954, người có để lại ghi nhận về nơi dừng chân - một bức vẽ phác - thực ra là phóng bút của tâm hồn trước thiên nhiên giục giã. (23) Cái đẹp đã phá vỡ ranh giới không gian, thời gian, xóa đi cái nhìn riêng tư để hợp nhất trong hòa đồng, giao cảm. Lòng nước lòng người tình bất tận / trôi về hòa lẫn đại trùng dương. (24) Như thế, đến Bourges, người cứ nghĩ mình chưa xa vẻ đẹp vẫn tôn thờ cũng như hôm nay đến với mẫu hình thu nhỏ của phương Tây nơi Yết-Kiêu, có thể người không xa rời quan niệm đó. Thế giới Yết-Kiêu và cạnh đó, Lê-Lai, lay động người tương tự cái đẹp được dàn trải nơi nơi cần được con người tìm đến, đánh thức.  Dường như không có ghi nhận nào của người về một cõi được tấm tắc là thực tại của giấc mơ. Điều này càng có ý nghĩa vì ít ra nó không còn xa lạ trong cõi mộng của người nghệ sĩ.

Khu Lê-Lai gợi ra trường hợp của một thứ hòa âm, tuyệt diệu vì hòa hợp trong tương quan khăng khít với mây ngàn lững lờ, nắng nhạt bên trời và gió tươi màu cỏ. Kiến trúc kiểu Normandie, Bretagne của vùng Tây và Tây-Bắc Pháp pha trộn nhưng vẫn giữ nét riêng biệt mỗi nhà như thể tiết tấu riêng của bản đàn hợp tấu. Một cõi không cần người chủ mới vì hiu quạnh mới là tâm hồn của một vùng chưa qua hết những đổi dời của thời cuộc.  Có thể ánh mắt người thêm xa xăm khi nghĩ đến sự ấm cúng nơi đây không còn cần thiết khi hy vọng đã qua hay chưa có dịp trở lại. Hơi ấm nặng và đầy khi người bước qua ngưỡng cửa nhà, để lại bên thềm chiếc bóng mỏi mòn của người luân lạc.

Bóng cây thấp thoáng sau vườn như huyền thoại của chính loài hoa. Mimosa, lá ánh bạc như vừa phủ một lớp sương non. Hoa như chùm bông phấn sắc vàng tươi. Hương lãng đãng như mối nghi ngờ gửi vào ngàn gió.

Yết-Kiêu và Lê-Lai còn là những nơi giúp người trắc nghiệm lại khả năng hiểu được điều thiên nhiên mách bảo. Dường như ở nơi đây con người có thể từ chối sự can thiệp của khách quan khi muốn đến gần hơn với tâm hồn. Cô đơn, hiu quạnh, lẻ loi đều vô nghĩa khi con người sáp nhập với thiên nhiên như sự tan loãng không ngờ vực. Sống chung với thiên nhiên, Nhất Linh đã biết được giờ giấc trong ngày khi " khám phá ra là mỗi tiếng kêu của muông thú thường ứng vào một thời gian nhất định trong ngày." (25)

Tương tự những lúc tâm sự với bầy lan quấn quít bên mình, người thổ lộ bằng giai điệu âm thanh như thể dành cho tri kỷ. (26) Les cloches sonnaient / les orgues chantaient / tu ne pouvais pas savoir / que ton grand bonheur / marquait dans mon coeur / la fin de tous mes espoirs.  (chuông nhà thờ rung đổ / nhạc giáo đường khai mở / em đâu hay rằng / hạnh phúc to lớn của em / đánh dấu trong tim tôi / ngày tàn hy vọng trong tôi.) À ton marriage cũng như Tennessee Waltz, là bản tụng ca của lỡ làng, dịu dàng nhưng vô cùng cay đắng. Thất bại cũng như lỡ làng dường như là định mệnh của tài hoa. Trao khúc hát cho bầy lan, người không nỡ nhắc đến vai trò bạc bẽo của người sứ giả bất thành khi mà sự gẫy đổ của lý tưởng hay sự tan vỡ của tình duyên đều có tầm mức hủy diệt.

Ở một số trường hợp, Đà-lạt là sự trở về nhiều bất trắc khi người còn muốn trắc nghiệm một hướng đi dù là hướng sáp nhập với thiên nhiên trong sự hòa hợp tự nhiên với ngoại giới. Những dấu vết của dĩ vãng nhập cuộc tưởng như phôi pha nhưng vẫn còn gợi lại bóng dáng lỡ dở của sự thể hiện giấc mơ tráng lệ mà chỉ văn chương mới có khả năng tạo dựng. Không vì sự lãnh đạm của thời gian, sự trở về Đà-lạt của người có ý nghĩa việc đặt viên đá trắng ghi sự khởi đầu cho những quyết định, không lâu sau đó, về văn chương và về việc tái trắc nghiệm nhập cuộc trong tinh thần của người thao thức và tỉnh thức.

Không hề mang ý nghĩa là nghĩa trang của loài voi - nơi chôn cất những hiển hách tự hào - nhưng Đà-lạt  từng mang mộ chí của nhiều dở dang, cay đắng. Nắng trưa trải đều trên hồ Than-thở và nhiều lúc, đậu lại trên mặt người đang ngả lưng dưới một gốc thông trong một buổi vắng lời rì rào tình tự của ngàn cây. Nơi được tiên tri sẽ là chỗ chôn cất một mối tình đẫm chất thơ tuyệt vọng mà nhiều năm trước, người đã trước tác thành một luận đề chống lại những định kiến ràng buộc hôn nhân, ngăn cản hạnh phúc trong tay những người trẻ. (27)

Bên lòng trắc ẩn của kẻ tài hoa, người vẫn nuôi ý định phù trì những người yêu nhau nhưng truân chuyên vì mọi lẽ, bằng việc tác thành họ trong hạnh phúc miên viễn bội phần so với điều mong muốn đương thời. " ... (như) hai linh hồn cùng hòa làm một để lát nữa tan đi trong cái mênh mông của hư vô." (28)

Xa xa mây hờ hững trên tháp cao trường Yersin không ngăn nhớ về những giọt lệ nóng nhỏ xuống bàn hội nghị - trước những dối gạt, âm mưu - như thứ vũ khí sau cùng của người yếu thế.

Đà-lạt, như thế, với người, không thể là chốn để chôn sâu quá khứ phiêu bồng đánh dấu nhiều hơn bằng thua thiệt, vấp ngã. Vì người có văn chương có khả năng tài-định hướng đi của mơ ước con người, phá vỡ ngăn cản của xã hội, mở lối thoát cho tâm hồn vốn chịu ràng buộc chặt chẽ bởi guồng máy vô tình, duy lý.

Đà-lạt tưởng là nơi an ủy một tâm hồn dễ bị thương tổn nhưng riêng người đã tìm được cho mình cách hòa nhập mà không là đối kháng để vượt thoát. Tưởng là đến Đà-lạt là để phó thác mình cho thiên nhiên, ngược lại, người đã dẫn dắt thiên nhiên từng bước khám phá những giá trị gần như tuyệt đối. Lan rừng, kể ra đến ba trăm loại tự-nhiên lẩn khuất trong sâu như những kẻ vong tình, nay một số trở thành bạn tâm giao, là sứ giả của cõi vong-ưu trước khi chia tay nơi thềm của chốn mà hương thơm còn đượm nước khe, hồn người. (29)

Hương lan rừng nay đã thành một giấc của thăng hoa sau khi cùng người vượt qua bãi hoang đố kỵ, vọng tưởng.

Trong mấy năm ngắn ngủi, lan rừng được nhận-mặt đặt-tên cũng là cách phân loại làn hương được trích xuất từ non cao rừng sâu, từ đèo Ngoạn-mục cho đến vùng Định-quán. (30) Nhan sắc tương phản của Huyết-nhung với Mặc lan không làm loài hoa lem luốc như mực dấu mãi hương thơm trong bóng đêm và hoang vắng. Lòng người đi tìm không chỉ bị chi phối bởi một làn hương khi người ta nghĩ từ lòng hoa có thể phát giác chiều sâu của rốn bể. Có liên tưởng mạnh mẽ nào giữa những cái mê say theo đuổi nghiệp dĩ. Chán lênh đênh vẫn hẹn lênh đênh. Đốt lửa đi tìm cái đẹp tri âm nghĩa là không dứt niềm tin về cõi vọng cầu. Nhớ phen ném bút, chôn tin tưởng /đốt lửa rừng hoang, tôi với anh. (31)

Triết lý tìm được nơi hoa và hương lan rừng không phải là thứ chưng cất được trong những ngày miệt mài tìm kiếm. Nhan sắc của bầy lan cũng như men rượu lên đường chỉ làm thêm diễm lệ ý nghĩa của việc tìm thấy lòng mình khai phóng như hư vô. Tình người hòa với nước non xanh / hòa với ngàn mây với chính mình.(32)

Những người bạn lan, Nhất Anh, Bùi Khánh Đản, Đa-mê khách... nhiều lần thử vượt qua nhan sắc của bầy lan để cố tìm ra chân dung đích thực tâm hồn người bạn trong đó có việc đặt sánh vai với ước lệ. Lòng băng một tấm trong hồ ngọc. (33) Họ đồng hóa lan rừng với thế giới của bầy tiên và như thế đặt cõi vọng cầu của Nhất Linh vào cội nguồn thoát tục. Tiên cảnh lan còn đượm ý hương. (34) Nếu bầy lan còn ở lại bên người thì đây là bằng chứng của việc ly khai cõi bụi bặm này.

Nhưng, cuộc kết tập lan rừng nơi cao nguyên của Nhất Linh - ở một khía cạnh và không bao hàm ý nghĩa so sánh - tương tự công việc ban đầu san định một thiên-thư về mối tương quan huyền nhiệm giữa con người với những giá trị được vọng cầu. Người đi xa hơn việc xem-mặt đặt-tên bầy lan, an ủy chúng bằng việc tự giãi lòng trong giai điệu mà còn cậy chúng truyền rao rằng tâm hồn sẽ tiếp nối hòa lẫn với hư vô khi vượt qua những phân biệt, tranh giành, khi trá. "...vũ  trụ này nữa khi đến ngày tận thế chắc cũng vậy, cũng biến thành một nềm vui để rồi cứ thế mà hòa loãng và tan dần đi trong cái mạnh mẽ của hư vô."  (35)

Như thế, hương và hoa lan vừa là biểu tượng của ý thức trong tự do vừa là dấu vết chiến thắng của thiện mỹ. Cái hư vô của người tương tự cõi không của tư tưởng, nghĩa là một trạng thái tâm hồn sau khi ý thức rằng thành-bại, buồn-vui đều do phân biệt mà nên.

Nhất Linh dường như đã đi xa hơn điều mà bầy lan trông đợi nơi những người đến với chúng. Rừng thẳm duyên trao người hẹn lối. (36) Khác với những người thưởng hoa, cuộc gặp gỡ kỳ thú

giữa Nhất-Linh với lan trong rừng sâu và cả nơi rừng khuya chỉ nói lên điều mà cuộc tao ngộ chưa thể mang tới ngoài sắc hương của chúng. Thế giới người mới đặt chân sau khi lòng tha thiết với cõi vọng cầu như trên được bầy tỏ chỉ là sự chuyển đổi giữa thiên thai với trần thế, giữa một ý niệm với một thực thể. (37)

Cõi ấy phần nào được hình dung từ nhiều năm trước như ước mơ từ tiềm thức. Tương tự hoài bão về một quan niệm xã hội nhân sinh được thể hiện trong Giấc Mộng Từ Lâm, mẫu mực của khao khát về thiện mỹ đã thành hình cùng với cái nhìn về thực tại. Cái đẹp tâm hồn vốn khó tìm gặp ngay cả trong chiêm bao hoặc trong ngàn sâu hay rừng khuya mà Nhất Linh trong hành động buộc người thưởng lan cần nhận ra điều gửi gắm. Đóa lan rừng được hiện thân - hoa trắng nuột, cành điểm hai chấm đen bên bờ suối - (38) là hóa thân của cái đẹp được tượng hình từ nguyên lý cao hơn mỹ cảm. Người thiếu nữ của lâm tuyền trong truyện là phần ảo diệu của một nhan sắc rừng sâu nhưng người thanh niên miền xuôi biệt tăm không trở về mới là đơn cử của sự tận hiến cho dung nhan nghệ thuật và thẩm mỹ.

Như thế, từ đóa dã lan trong Lan Rừng, Nhất Linh đã tượng hình trong cõi văn chương, cái đẹp cần vươn tới của tâm hồn và sự sáp nhập khắng khít đến mức tuyệt đối với mẫu mực không chỉ riêng của người. Người đã luân lưu trong cõi thanh cao này như thể chờ đợi sự hòa nhập với khách quan trong lặng lẽ bình yên được hình dung như hạt muối tan trong bát nước. (39) 

Cái đẹp không giản dị như tâm hồn người nhưng lãng đãng gần xa như hương lan rừng bên người những chiều nhạt nắng. Hiểu như trên, Đà-lạt, Đa-mê không phải là nơi tìm kiếm thêm một mẫu mực nhan sắc  nhưng mỗi chuyến đi đều mang theo hy vọng đạt được mong ước về chốn vọng cầu và bầy lan thêm đông là dấu hiệu của ước mong trên như thể lùi dần. Cái đẹp như bóng trăng, vằng vặc lòng người nhưng chưa với được trong tay. Lấy cuộc đời làm cuộc truy tầm cái đẹp, điều ấy trở thành cuộc đuổi bắt chính tâm hồn mình đối diện với bóng tối, vốn có mặt như trạng thái cần thiết để sự hiện hữu của ánh sáng có ý nghĩa.(40) Tâm hồn người thêm trong nên bóng tối thêm viễn cách, cõi mà người vọng cầu thêm khó cận kề.

Mâu thuẫn nơi tâm hồn bậc tài hoa là phủ định thành tựu bằng những bước đi kế tiếp, không chỉ trong cõi văn chương. Những đoạn đường, cho dẫu là đỉnh cao cũng cần bỏ lại. Cũng thế, trên đường tìm kiếm cái đẹp - mà cuộc đời chỉ được xem là chỗ dừng chân - người đã để lại bầy lan rừng nơi đèo Prenn, nơi suối Đa-mê trong chặng đường tìm kiếm.

Vũ Hoàng Chương nghĩ đến những giấc mơ thoát tục phải quạnh quẽ. Bầy lan run rẩy mộng / gai rừng khuya xé rách cánh bơ vơ. (41) Nhưng, bước đi tìm đẹp của người chẳng thể phong rêu khi cái đẹp vẫn triệu vời trước mặt như giấc thụy ban trưa của người khao khát mộng. (42)

 TRẦN MẠNH TOÀN

Chú thích:

 (1) Nhất Linh khởi sự dấn thân vào lãnh vực chính trị từ tháng 3-1939 bằng việc thành lập Đảng Hưng-Việt. Ông giao bản thảo Bướm Trắng cho Thạch Lam in cũng như bỏ dở truyện dài Con Đường Sáng để cho Hoàng Đạo viết tiếp. ( Nhật Thịnh, Chân Dung Nhất Linh, Đại Nam tái bản, không ghi năm in, tr.135.)

Trong một hồi ký, Nguyễn Tường Thiết đề cập việc họa sĩ Nguyễn Gia Trí giải thích cái tiềm ẩn đối nghịch trong một bức tranh của ông, " bức tranh rất tĩnh nhưng nó báo hiệu một cái rất động" ( Người Học Trò Của Họa Sĩ, Thế Kỷ 21, số xuân Ất Dậu, tháng giêng, hai 2005, tr. 31)

 (2)  Nhất Linh, Bướm Trắng, Văn Nghệ tái bản,1999, tr. 155.

(3) Nhất Linh, Bướm Trắng, Văn Nghệ tái bản, 1999, tr. 252

(4) Sau khi rời bỏ chính trị, về nước và vào Nam năm 1952, Nhất Linh lập nhà xuất bản mang tên Phượng Giang, ghép tên 2 quê nội ngoại, Phượng Vũ - Cẩm Giàng và không cho tái bản những truyện có tính chất luận đề như Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng ( Nhật Thịnh, Chân Dung Nhất Linh, Đại Nam tái bản tại Hoa Kỳ, không ghi năm, tr. 156.)

(5) tên nhà xuất bản của nhóm Tự Lực Văn Đoàn từ lúc thành lập  đến khi tự giải tán là Đời Nay. Theo tài liệu của Nhị Linh CVD ( Tiểu luận thứ hai về Tự Lực Văn Đoàn, nhilinh blog, May 04.2016)  3 tác phẩm đầu của nhóm : Hồn Bướm Mơ Tiên (1933), Nửa Chừng Xuân (1934) Vàng Và Máu (1934) do An-Nam Xuất-Bản Cục ( Société Annamite d'Edition ) ấn hành. Năm 1934 Nhất Linh mới đổi tên thành Đời Nay. Nhà xuất bản Đời Nay vẫn tiếp tục hoạt động sau khi  Thạch Lam mất (7-1942). Tháng 4-1945 mới chính thức chấm dứt hoạt động sau khi in tập thơ Hoa Niên của Tế Hanh. Riêng nhóm Tự Lực văn đoàn tự giải tán năm 1946. Nhà in được bán, mỗi cổ đông được chia 6 ngàn đồng. ( Phạm Thảo Nguyên, Diễn Đàn Thế Kỷ online.)

(6)  Nhất Linh có những cân nhắc kỹ lưỡng. Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay tập 1 ghi ngoài bìa ngày xuất bản 17.6.1957, ngày 17.6 là ngày giỗ lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, Nguyễn Thái Học. Ông cũng chọn hủy mình ngày 7.7.1963 nhằm ngày song thất kỷ niệm chấp chánh của ông Ngô Đình Diệm.

(7) Theo Nguyễn Hiến Lê, Nhất Linh rất thích tập truyện Nam Hải Truyền Kỳ ( tác giả xuất bản, Sàigòn, 1972) và đã bày tỏ cảm tình trong một dịp gặp Hư Chu, tác giả tập truyện, tại Sài gòn. ( Nguyễn Hiến Lê, Hư Chu 1923-1973, Bách Khoa, giai phẩm, gp 1.6.1973, tr. 75.)

(8) Hư Chu, truyện Thạch Nữ Giá Bồ Lang trong Nam Hải Truyền Kỳ, tác giả xuất bản, Saigon, 1952, nxb Thuận Hóa tái bản, 1999, tr.102. Theo truyện, chim Thúy-vũ đậu trên cây mai báo hiệu cây đó sẽ trổ hoa nên loại mai này được mang tên loài chim.

Xuân Kỷ Mão 1999, Bà Thục Oanh - phu nhân thi sĩ Vũ Hoàng Chương - cũng có bài thơ Mai Thúy-Vũ để truy niệm phu quân;

cao sâu từng nhập bóng cây già

cây vẫn thân xưa bóng chẳng nhòa

vườn trải băng sương trăm thức cỏ

xuân còn Thúy Vũ một cành hoa

....

vang tiếng chim xanh về hót đấy

bồng lai hẳn nhớ kẻ đi xa

( Đặng Tiến, Thơ Xuân Với Vũ Hoàng Chương, Thế Kỷ 21, Westminster, xuân Đinh Hợi, 1&2.2007, tr. 15)

(9)  " Thu xếp xong chỗ ở, ông nộp đơn để xin cho tôi thi nhập học vào một trường trung học công lập trên ấy " ( Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh Cha Tôi trong tập truyện cùng tên, Văn Mới, California, 2006, tr. 20)

(10) Tác giả Phạm Văn Lưu đưa ra con số dân cư tại Dalat năm 1955 là 53.390 người. Năm sau, tình thế chính trị và quân sự được ổn định nên số dân giảm còn 23.774 người.( Khái Lược Về Sinh Hoạt Nhân Văn Và Kinh Tế Của DaLat, tập san Sử Địa, Saigon, số Xuân Nhâm Tý, tháng 6-12.1971, tr.145.)

 (11) Dụ số 21 ngày 11.3.1955 bãi bỏ quy chế Hoàng triều cương thổ của Dalat và vùng cao nguyên ( được thành lập do Dụ số 6 ngày 15.41950) và đặt thuộc quyền của chính phủ quốc gia, do đó, người dân có thể tự do đến sinh sống thay vì phải xin được phép (với điều kiện khó khăn) như trước ( Phạm Văn Lưu, sđd, tr. 146.)

(12) Mùa mưa Đalat khởi sự từ tháng 5 và chấm dứt vào tháng 10, trung bình mỗi tháng trong mùa mưa có đến 20 ngày mưa. Mưa đá xuất hiện vào mấy tháng đầu mùa. ( Nguyễn Kim Môn, Khí Hậu ĐaLat, tập san Sử Địa, sđd, tr. 182.)

(13) Nhất Linh, Đôi Bạn, nxb Văn Nghệ tái bản, 1999, tr. 171.

(14)  Ngôi nhà một người bạn thân của Nhất Linh - bs Nguyễn sĩ Dinh - và cũng là nơi Nhất Linh tạm ngụ một thời gian, ở số 11 Yagut Đalạt ( Nguyễn Tường Thiết, Chị Thoa trong Nhất Linh Cha Tôi, Văn Mới, 2006, tr. 295)

(15) Sau hội nghị nhóm tại Đalat tháng 5-1946, cuộc đảng tranh bùng nổ, vì yếu thế, lực lượng Quốc-dân-đảng và  Quốc-gia Thanh-niên đoàn của Nguyễn Tường Bách phải tìm đường triệt thoái dần về căn cứ Vĩnh Yên ( đệ tam quân khu của Đỗ Đình Đạo) rồi Việt Trì, Phú Thọ, sau hết phải bỏ Yên Bái, Lào Kay khi áp lực tăng nhanh và quân đội Trung Hoa rút vội về nước. Vì lực lượng  suy thoái nhanh, Nguyễn Tường Bách và bẩy người chọn giải pháp vượt sang Hà Khẩu Trung Hoa với mục đích ban đầu là đi cầu viện, tìm nơi yểm trợ, giúp đỡ. Những thành phần còn lại tự tìm cách giải quyết tình trạng mình.

Theo Nguyễn Tường Bách, theo kế hoạch dự định, Nguyễn sĩ Dinh - người bạn thân học cùng lớp tại Đại học Y khoa Hà-nội- có mặt trong một phái đoàn ngoại giao gồm Đặng văn Sung, Nguyễn Tôn Hoàn... sang Trung Hoa theo ngả LaoKay ( Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, hồi ký cuốn 1916-1946, Thạch Ngữ,1998, tr. 117, 146)
Hồi ký của Nguyễn Tường Bách gồm hai bản với nhiều khác biệt. Bản mang tên" Việt Nam Những Ngày Lịch Sử " do Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản tại Montreal, Canada năm 1981 (160 trang).  Bản Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, hồi ký cuốn một 1916-1946, do nhà xuất bản Thạch Ngữ in năm 1998 tại California ( 324 trang) sau khi tác giả đã định cư tại Hoa Kỳ. Cuốn đầu ấn hành khi tác giả còn ở Hoa Lục nên có những đặc điểm thể hiện sự dè dặt của người viết.

(16) Nguyễn Tường Bách, Việt Nam Những Ngày Lịch Sử, Nhóm Nghiên Cứu Sử-Địa Việt Nam, Montreal, 1981, tr.111.

(17) trong bài thơ in trong phần " Thay Lời Nói Sau " ở cuối sách, Việt Nam Những Ngày Lịch Sử, sđd, tr. 158.

(18) ca từ bản nhạc Chiều vàng của Nguyễn Văn Khánh. Sinh thời Nhất Linh rất thích giọng ca người cháu rể, Tôn Thất Niệm. Nhưng, giọng hát này chỉ xuất hiện trên đài phát thanh Dalat trong 2 bản nhạc trong đó có Chiều Vàng là một.

(19) Vũ Thành, Dưới Chân Đồi Dân-Y-Viện, Đà-lạt tháng 6, in trên nhật báo Ngôn Luận.

Vũ Thành là nhà thơ của thơ tình ủy mị đương thời, tác giả các tập thơ Ba Chuyện Lòng (viết chung, tgxb, 1962), Mắt Người Yêu ( tgxb, 1962), Người Yêu Áo Tím ( tgxb, 1963).

(20) Về thời tiết, khí hậu Đalạt, tháng 8-9 có ít ngày nắng nhất trong năm: 100-130 giờ. Trời nhiều mây vì còn trong mùa mưa. Gió hướng Tây và Tây-Nam thổi mạnh trong các tháng 6,7,8 với tốc độ 2,6-3,4 m/s ( Đà-Lạt Thành Phố Cao Nguyên, nhiều tác giả, 1993, tr.34)

(21) Dã quỳ còn gọi là cúc quỳ, sơn quỳ hay hướng-dương dại là một trong những hoa dại đặc biệt của vùng Đalat. Hoa tương tự hoa hướng-dương (sun flower) màu vàng cam, nở vào khoảng giao mùa thu-đông ( cuối tháng 9 đến hết tháng 11) nghĩa là sau khi dứt mùa mưa, tạo nên quang cảnh ngoạn mục tại nhiều nơi. Tuy vậy, dã quỳ vốn là cây vùng nhiệt đới.

(22) Trong số hình ảnh để lại, có tấm hình chụp năm 1957, Nhất Linh đang ngửa mặt say sưa thổi clarinette trong căn phòng riêng trên lầu 2 nhà số 17 Yersin Đa-lạt. Trên tường là cây phong lan Huyết Nhung khá lớn đang trổ hoa.

(23) Theo Thụy Khuê, bức vẽ bằng bút chì ngôi giáo đường Bourges (cathédrale de Bourges)  - cách Paris 200km về phía Nam -  của Nhất Linh không giống như cảnh thực." Thánh đường lặng đứng trên đồi, xung quanh nhà cửa quây sát như ôm chặt lấy các đỉnh cao vút, vĩ đại hơn nhà thờ Đức Bà Paris, chẳng giống tranh Nhất Linh từ "nội dung" đến "hình thức." Và, tác giả đưa ra nhận xét, " ... ông cụ đâu có vẽ "nó", cụ đâu có vẽ Bourges. Ông cụ vẽ quê hương, cụ vẽ nhà thờ Phát Diệm, cụ vẽ chùa Thiên Mụ..."  ( Nhất Linh Người Nghệ Sĩ Người Chiến Sĩ, nhiều tác giả, Thế Kỷ, California, 2004, tr.231.)

Ý kiến trên xem ra hợp lý vì Nhất Linh bộc lộ sâu sắc tình cảm với quê nhà nhất là những khi phải xa rời. Nhân vật Thanh trong Giòng Sông Thanh Thủy đã bày tỏ tình cảm như thế trên đường về gần biên giới quê hương. " Một cơn gió lành lạnh từ  ở phía dẫy núi rậm cây thổi lại. Thanh nghĩ thầm: - Gió này cũng là gió từ trong nước thổi ra. Nàng ngồi thẳng lên hít mạnh làn gió, cảm thấy như  phổi nàng đương thấm nhuần không khí của quê hương." ( Nhất Linh, Vọng Quốc, trong Giòng Sông Thanh-Thủy, Văn Mới, California, 2003, tr. 339.)

(24) thơ Nhất Linh, Bên Suối Vàng, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, 5.1.1959, tr. 9.

(25) Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh Cha Tôi, Văn Mới, California, 2006, tr. 24.

(26)  Trong hồi ký, Thế Uyên viết, trong lần lên Đa-lạt, ông được nghe Nhất Linh thổi hắc tiêu bài Je vais à ton marriage cho lan nghe ( Người Bác, trong Chân Dung Nhất Linh, nhiều tác giả, tập san Văn xuất bản, số 6/66, 1966, tr. 112.) Ngoài ra Nhất Linh còn thích chơi bài Tennessee Waltz và bản nhạc của Lê Hữu Mục, Hẹn Một Ngày Về ( Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh Cha Tôi, Văn Mới, 226, tr.tr. 19, 28.)

(27) Hồi ký của Nguyễn Tường Thiết có đoạn ghi lại chuyến đi chơi và nghỉ trưa bên hồ Than-Thở vào năm 1956 cùng với Nhất Linh ( Niềm Vui Chết Yêu trong Chân Dung Nhất Linh, nhiều tác giả, tập san Văn xuất bản, số 6/66, 1966, tr.64,65.)

Hồ Than-thở còn được truyền tụng là nơi chứng kiến mối tình diễm lệ nhưng bi thảm của đôi tình nhân không được gia đình chấp nhận vì không môn đăng hộ đối. Ngôi miếu nhỏ và mộ phần được đặt tại đây, ghi người thiếu nữ tự trầm trên hồ vào ngày 15.3.1956.

(28) đoạn nói về sự kết hợp giữa Ngọc và Thanh - vốn thuộc về 2 tổ chức chính trị đối nghịch nhau - sau khi trốn thoát ra khỏi cuộc đối đầu giữa 2 tổ chức ( Nhất Linh, Vọng Quốc trong Giòng Sông Thanh-Thủy, Văn Mới, California, tái bản, 2003, tr.362.)

(29) Nhất Anh, Hoa Lan Rừng Đa-mê, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, gp 05.01.1959, tr. 194.

(30) Theo Nguyễn Tường Thiết, nhờ chiếc xe hơi 2 ngựa của Đỗ Tốn, Nhất Linh và mấy người bạn có thể đến những khu vực trên để tìm lan. ( Nhất Linh Cha Tôi, Văn Mới, California, 2006, tr.24.)

(321Bùi Khánh Đản, Lâng Lâng, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm, tập 11, gp 16.5.1959, tr. 81.)

Những câu trên do tác giả viết về một buổi cùng Nhất Linh vào rừng trong đêm tối, đốt lửa tìm lan.

(32) Nhất Anh, Xuân Trước Tầm Lan, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, gp 05.01.1959, tr. 197.

(33) Bùi Khánh Đản, Thành Ý, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm, tập 11, gp 16.5.1959, tr. 83.

(34) T.T.A. Lời Hoa Lan Gửi, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, tr. 188.

(35) Nhất Linh, Lòng Tiên Khi Đắc Đạo, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm , tập 4, 16.8.1958-9.9.1958, tr. 107.

(36) Bùi Khánh Đản, Đề Hoa Phong Lan, Văn Hóa Ngày Nay, giai phẩm Xuân, gp 5.01.1959, tr. 191.

(37) Nhất Linh, Chi Bộ Hai Người trong Giòng Sông Thanh-Thủy, Văn Mới, 2003, tr.224.

(38) Nhất Linh, Lan Rừng trong tập truyện Hai Buổi Chiều Vàng, Đời Nay, 1937.

(39) Theo ý riêng, cái gọi là "bóng tối" càng phai nhạt trong những tác phẩm hậu chiến của Nhất Linh. Trong Xóm Cầu MớiGiòng Sông Thanh-Thủy, cuộc gặp gỡ giữa  nam nữ như Nhỡ và bác Hòa hàng cơm, Cậu Ấm và bác Hiên gái, Thanh và Ngọc... đều diễn ra trong mức độ tự chế khác thường.

(40) Nhất Linh, Chi Bộ Hai Người trong Giòng Sông Thanh Thủy, Văn Mới, 2003, tr. 235.

(41) " Bướm trắng bay đi... bầy lan run rẩy mộng / gai rừng khuya xé rách cánh bơ vơ " ( Vũ Hoàng Chương, Nhịp Cầu, Văn, số 14, 15.7.1964, tr. 82.)

(42) Theo Thiều-Chửu, " ngủ, lúc mỏi nhắm mắt gục xuống cho tinh thần yên lặng gọi là thụy." ( Hán-Việt từ điển, tái bản, nhà in Hưng-Long, Sài-gòn, 1966, tr. 429.)