Sunday, January 2, 2022

Ngồi Quán, đọc lại. / Trần Mạnh Toàn

để tôi làm lễ Nhương-sao

giùm hết thảy

bạn hay thù cũng vậy

( Vũ Hoàng Chương, Một Trong  Hai Nửa, Ngồi Quán)

 Vũ Hoàng Chương trước sau có cách bày tỏ riêng trước thực tại chuyển mình và bằng vào thái độ của người để tìm ra chân diện một cõi lòng thực ra dễ dàng xao đông.Chỉ có Bùi Giáng năm xưa vào lúc Rừng Phong ra đời, sau thời gian nhiều giá trị bị xét lại giữa nhiễu nhương, đã không xem việc để tâm hồn lãng đãng trong miếu nguyệt vườn sương – một dáng dấp của kẻ ngồi quán đương thời – như là thái độ của kẻ cố đứng ngoài sự trổi dậy của lịch sử. Chỉ có Bùi Giáng, trong cái thản nhiên của kẻ tri tình, đã xem thái độ như lạnh nhạt với  thực tại của Vũ Hoàng Chương buổi ấy là  nỗi lòng u uẩn của “ người cố gắng nguôi thế sự là để lắng lại tâm hồn mình mà khóc cho nhân thế, đem lời thơ xoa dịu vết thương đời.” (1)

Thực ra không hẳn  Vũ luôn luôn giữ nét mặt tách biệt của kẻ trầm ngâm mà thực tại đã khiến Vũ nhiều lần lên tiếng. Một phần dư luận đương thời đã có thể theo mực độ nồng nàn thi nhân giãi bày  mà suy ra tầm ảnh hưởng của biến cố trong dòng lịch sử. Hay nói cách khác, sự chuyển mình của thực tại đã báo hiệu trước nơi thi nhân, “một chân trời mới khả dĩ thích hợp cho một cuộc chuyển mình ý thức.” (2)

Như thế, tiếp nối Hoa Đăng (1959) và Lửa Từ Bi (1963), đánh dấu những đột khởi nhận thức và xao động tâm tư  do thời cuộc, thì  Ngồi Quán (1971) ra đời gần như sau mấy năm sôi động nhất của cuộc tương tranh, hẳn phải ẩn chứa dù trong đáy lòng sâu thẳm, khía cạnh  nhận thức của thi nhân theo cách thế diễn đạt mà thi nhân chọn lựa.

Trong bối cảnh thực tại đương thời, sự lựa chọn vị thế của kẻ ngồi rũ trong quán khuya (3) giữa lúc  lửa cháy ngang mày lại khiến người ta liên tưởng đến việc lặp lại vị thế người phát biểu năm xưa. Nhưng, lần này, trái lại, thái độ của thi nhân là biểu hiện cương nghị của ý thức và lý trí. Cũng lần này, tiếng nói, dù nhiệt thành, của nhận thức thay thế sự quyến rũ tất hữu nơi rung động của trái tim. Ngồi Quán, có thể  không hề tiên liệu, lâm vào cuộc thử thách của nghệ thuật giữa lúc muốn bày tỏ một cái nhìn không dối trá. Ở một khía cạnh, Ngồi Quán như lạc vào hoàn cảnh éo le tương tự Rừng Phong, trong đó, dưới một cái nhìn, nghệ thuật phải nhường bước trước sự hiện diện của ý thức. Năm 1954, khi Rừng Phong ra đời, người ta để tâm nhiều hơn đến thái độ của thi nhân, còn với Ngồi Quán xuất  hiện vào năm 1971, dường như  người đương thời  lại muốn xem xét bộ mặt khả ái sẵn có của nghệ thuật.

1- Ngồi Quán hay việc nhìn lại mình với trắc ẩn.

Vũ là một điển hình mà cuộc đời trắc trở của thi nhân kéo theo hoàn cảnh éo le mà thơ người phải từng trải. Khởi đầu là tác phẩm, Mây (1943) và trước đó không lâu, Thơ Say (1940)  giữ địa vị tiêu biểu  đánh dấu thời điểm suy tàn của khuynh hướng lãng mạn mà chính thời cuộc giữ vai trò quyết định sự thăng trầm của nó. Nhiều năm sau, cái nhìn từ thời thế dường như vẫn bám chặt lấy con mắt thưởng ngoạn nghệ thuật. Và riêng với Vũ Hoàng Chương, trở thành định kiến của một phần lớn dư luận với tác phẩm ban đầu, dầu chúng thực sự là những kiệt tác nghệ thuật. (4) Định kiến trên kiên cố đến mức có người Nguyễn Mạnh Côn  đã xem Vũ, “ một  đời  người có đến hai  đời  thơ.” (5) Điều này có thể hiểu theo nghĩa tâm tư dàn trải hàm nỗi bất bình qua cơn say phóng đãng phải thuộc về kiếp trước của hồn thơ họ Vũ.

Thực tế, Vũ vẫn giữ ý thức thật cao ngay cả khi tự thốt “ai khóc đời ai trên bấc lụi “ (6) bởi vì việc bộc lộ nếp sống phóng đãng cá nhân như Vũ đã làm không đồng nghĩa với việc ca ngợi nó.

Ở một mức độ nghệ thuật nào đó mà tác phẩm đạt tới, tác phẩm sẽ vượt  khỏi thời điểm ra đời và trở thành cái mốc của cuộc thẩm định. Thơ Say, Mây, những tác phẩm khởi điểm cuộc đời thơ của Vũ không chỉ là bước khởi đầu mà là bước  đi định mệnh trong đời thơ của Vũ. Những bước sau bị  lãnh đạm, bị hồ nghi dù là những bước chân sáo của người mang theo  cái nhìn mới về cuộc sống.

Xét kỹ ra, điều người ta thường nghĩ về nhà thơ qua thái độ buông trôi thân thế mà thực tế là lời tự tình cay đắng. “ Ai khóc đời ai trên bấc lụi / đây mùa thu sớm lửa dần thiêu.” Nào có khác gì nội dung cái nhìn ngót ba mươi sau của thi nhân trước thái độ xem như dửng dưng của tuổi trẻ trước thực tại khiến họ cảm thấy bất lực, buông xuôi hơn xưa. “ Đáy ly từng giọt bơ vơ / theo nhau rụng xuống giấc mơ đen dần.” (7)

Phải chăng đây cũng là lời tự trách khi thi nhân bắt gặp tâm trạng của chính mình năm xưa ?

Do đó, có thể nghĩ rằng, khi  ngậm ngùi trước những tâm hồn lạc lõng giữa “mê hồn trận” thời đại, một mê cung khó tìm được lối ra. “ Chỉ e vàng chói cửa vào / cửa ra: núi kiếm rừng đao mịt mờ” (8), Vũ không thể không nhớ đến thân phận của thế hệ mình từng xót xa khi lựa chọn đứng bên lề. “ Một giấc mơ hề dìm trong đáy chén / Bẩy dây tình hề thiêu trên lửa ngời.”(9)

Khó có thể cho rằng, ở thời điểm sau, ý thức của Vũ trước thời cuộc đã thắng thế và dẫn trước những xúc động cần thiết để cảm thông. Nơi Vũ, trước sau, năm xưa trong thời bị kiềm toả và hiện tại, giữa những ngoại lực chi phối không thể cưỡng được, thân phận người và số phận thơ thu gọn trong ý nghĩa của phản ứng vô vọng trước hoàn cảnh. Xưa là tâm trạng của kẻ còn tiếc nuối cái chưa trọn vẹn mất, “ ba mươi năm trên vai hề trống không bình sinh.” (10)“  Giờ, vẫn là giấc mơ xuông đeo đẳng chỉ để thay cho cơn mộng dữ  thường xuyên trở về cùng với thực tại. “ Đêm đêm vẽ lại vòng hương phấn / chưa ngớt màu run cánh bướm say. “ (11)

“ Vòng hương phấn” mà thế hệ hôm nay tự vạch ra để sống với, sẽ khiến họ bẽ bàng khi tỉnh thức không khác người năm xưa khi  rời khỏi cơn say, “sực tỉnh trong lòng nấm mộ đen.” (12)

Không phải chỉ mới gần đây, Vũ đã nhận ra sự vô hiệu trong phản ứng như trên với thực tại ngay cả việc xem đây là việc xây dựng hay duy trì cho mình một bản ngã. Trái với sự tự tin, ngay cả  đôi khi, kiêu hãnh về nơi nương tựa cho thân phận này, Vũ đã phát giác thêm lần nữa về nỗi khó khăn của việc ảo tưởng bị phơi bày và con người phải đối diện với sự thật. “ Giường mây bước xuống nơi bùn bụi /  Lê kiếp người Thơ mộng suối Đào.” (13)

Con người thời nay ngồi quán với tâm trạng có khác với thời phóng dật của Vũ. Dường như sự nhàm chán hay vô vị trở thành tiền đề cho bất cứ việc gì được lặp lại hay kéo dài kể cả cuộc chiến khốc liệt đương thời.(14) Họ tìm cách “ thử tìm cách sống khác đi một chút xem sao” (15) nghĩa là xem sự đau khổ, bất an kéo dài cũng đem lại chán chường tương tự việc quá quen thuộc với hương nồng hạnh phúc ?

Vũ đã từng ghi lại nỗi lòng trống vắng như lòng chén đã cạn, thời gian chỉ được lấp đầy bằng những cảm giác dẫn đến tự hủy. “ Hồn với xác chỉ còn thoi thóp thở / trong hai bàn tay sắt bọc nhung nâu.” (16)

Con người hôm nay thê thiết hơn xưa khi người xưa còn có ảo tưởng để gieo mình  còn hiện tại, ý thức mạnh mẽ trỗi dậy khiến phút đi hoang của tâm hồn càng đưa họ cảm thấy đến gần hơn tuyệt lộ. “ Buông tay rụng hết ngày mai / hỡi ơi từ ngón lên vai giá đồng.” (17)

Như thế, Vũ đã có cơ hội, để vài thập niên sau, trong một hoàn cảnh cùng buộc con người ở vào thế thụ động, tỏ ra thông cảm hơn với thế hệ đương thời khi nhận ra thế cờ mà Vũ cùng họ đều đứng trước. “ Rằng: Mê hồn trận ai bày, hỏi chi !” (18)

Thế hệ họ có vẻ thiếu may mắn hơn khi phải mang theo những vết thương không chỉ trên thể xác. Không chỉ  về mặt tâm tư, cuộc xung đột mang ý nghĩa thảm sát  đạo đức làm người mà ý thức khiến  con người không thể ngủ yên bằng gối mộng, thời mà ước mong còn là một giá trị. “ Sâu như vết-buồn-hôm-nay / dài như bất tận cơn-say-máu-người. “ (19)

Nếu xem cuộc xung đột là một cơ hội thì Vũ không thể từ chối để bộc bạch thay một lớp người đương thời vốn  thường được xem  là những người muốn đứng bên lề để phàn nàn, than vãn. “ Ngựa say chở hồn đi hoang /  Kéo lê sầu giữa hai càng xe hư .” (20) Thực tại khiến người muốn bỏ quên, buông xuôi hệt  như nỗi lòng kẻ mượn hơi say thời con người còn chuộng sự thoát ly. “ Môi dần khô héo sắc hương / Em ơi còn hỏi gì gương bây giờ.” (21)

Nhưng, nói kẻ ngồi quán hôm nay không là bản sao của hôm xưa chính vì mỗi thời đại người ta tìm kiếm một lối đi trước thực tại cho dẫu là lối đi bên lề của người ngoài cuộc. Người ngồi quán hôm nay có thể còn là kẻ muốn tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ nghĩa là chọn một cách thế chống lại thực tại đương thời  bằng một thái độ lạc quan như thách đố. “ Có một lần mưa sa vào quán trọ / Gặp vầng trăng non trong tách cà phê / Vầng trăng nhỏ nụ cười no ánh sáng / Nhạc đưa lòng lên nhịp võng đam mê.” (22)  Rồi, ước mơ  ấp ủ trên nhanh chóng bị thực tại bóp nghẹt như  đã từng ra đời dưới nhiều hình thức khác trước đây. Điều ghi nhận nơi thế hệ ngày nay không còn những đau đớn, vật vã khi ước mơ xây đắp sớm lụi tàn. “ Rồi bỗng một ngày sương tan đầu ngõ / Nhịp võng ngừng còn lại tiếng mưa vang / Vầng trăng nhỏ tách cà phê đã mất / Nhạc đưa hồn vào xa vắng mênh mang. “(23)

 Ngồi quán hôm nay cũng còn cách tìm về của những tâm hồn, một cách hoá giải nỗi bơ vơ nghĩa là phản ứng lại thực tại khốc liệt ít ra bằng cách thoát khỏi sự dày vò của nó.(24)

Từ đó có thể nghĩ rằng, nếu xem ngồi quán là cách đối bóng để tìm mìmh, thì  con người hôm nay, qua Vũ, dường như không cùng một lộ trình tuy họ cũng như người xưa đều mang tâm trạng tương tự kẻ lạc đường vì hoàn cảnh quay lưng làm ngơ, “ đá bưng tai mắt cây bưng mặt.” (25)

 2- Ngồi Quán, Cách Đối Ứng Với Đời.

Gần như là một tập hợp thơ cuối của Vũ,  hơn nữa lại là những ký thác sau những đối ứng trong khó khăn với thực tại (26), Ngồi Quán hẳn phải cưu mang một phần quan trọng  kinh nghiệm đối phó, dù bất đắc dĩ, với thời thế theo cách riêng mà trong quá khứ con người thi nhân không phải là không tỏ ra mẫn cảm. Nghĩ như thế vì riêng với thi nhân, sự tồn tại song song và đầy mâu thuẫn của một số điều trong cảm nghĩ, trong thái độ trở nên cá tính của người thơ và cũng là thuộc tính của nghệ thuật trong đó từ chối lý giải  tính chất hợp lý hay không của một cảm nghĩ hay hành động. Như thế tập thơ vừa mang theo phong cách cảm nghĩ chung của con người ưu thời vừa không quên biểu lộ quan niệm riêng của thi nhân, vẫn xem việc trút bỏ những ràng buộc làm nên gánh nặng cho tâm tư là hướng đi đích thực của cuộc sống.

Cho dầu nghĩ rằng có thể  bằng vào mức độ thành công của nghệ thuật mà luận ra khả năng chinh phục của mộng tưởng với tâm hồn thi nhân, Vũ vẫn không thể bỏ rơi thực tại và tiếp tục sống với nó thay vì xem như hư ảnh. Có thể xem Ngồi Quán là chặng đường cuối của thi nhân sống chung với mộng và thực, giữa ước mơ với thực tế, giữa những rung động hồn nhiên của trái tim và sự cần thiết của suy tư để thế quân bình tồn tại.  Nhưng, thế quân bình trên thực tế  cũng là một ước mong, mà riêng với trường hợp thi nhân, tuỳ thuộc vào  tiềm lực của trái tim hơn là khả năng của ý thức và suy tư, điều mà chỉ qua việc tập hợp một cách tin cậy những tiếng nói từ xa xưa của trái tim  - sự ra đời của tập hợp 2 tuyển tập thơ tình cảm năm 1971, 1972 - đã gián tiếp  xác nhận việc trực cảm của thi nhân trước khả năng phôi pha của cảm xúc. Chỉ riêng về phương diện này thôi, với Vũ, đã là một kinh nghiệm không vui  và có thể khiến thi nhân thêm bất bình với khả năng của ý thức đang chiếm thêm ưu thế. (27)

Nếu xem đây là một khó khăn lựa chọn của thi nhân thì  chính việc buộc lòng phải nhìn nhận ưu thế này còn là mối mâu thuẫn nội tại của Vũ Hoàng Chương mà Ngồi Quán là một  biểu thị.

Có lẽ chỉ từ vị trí để có cái nhìn như trên không chỉ riêng với Ngồi Quán mà với cả những sáng tác kế tiếp, người ta mới có thể nhận ra bên cạnh sự nổi trội của vai trò ý thức của thi nhân trước thời cuộc là những rung động ít nhiều mang tính cách bù đắp sự trông đợi nơi một thi tài. Đối với không ít người, ý thức không làm lớn thêm vóc dáng thi nhân ngay cả khi được dùng để thay thế những rung động mạnh mẽ của tâm hồn. “ Bao phen thử lại phương trình / Không cho nghiệm số mang hình trái tim.” (28) Điều này có thể bất công khi trên bình diện sáng tạo ngôn ngữ, người ta bắt gặp không thiếu những chuẩn mực đúng nghĩa tìm kiếm trong tập thơ này. “ Nhát dao chợt nhẹ đồng cân / Trong tia mắt của nữ-thần-hôm-qua.” (29)

 a- Ngồi Quán biểu lộ một ý thức đáp ứng. 

Trong một hành động tưởng như vị ngã, việc “ngồi quán” hôm nay của thi nhân lại mang mục đích quán chiếu. Không chỉ xem lại mình mà còn soi rọi đến đám đông bằng việc tìm kiếm nền tảng của mối tương quan. Khi xưa, vẻ trác tuyệt của ngôn ngữ được dụng công cho việc thổ lộ, phơi bày một tâm hồn phóng túng. Bằng vào thái đô trên, có vẻ thi nhân đã quên đi trong áy náy sự có mặt của những người xung quanh, hay nói cách khác thời cuộc đã đẩy thi nhân vào thế cô đơn của kẻ lạc lõng. Ngày nay thi nhân có thể chưa rời hẳn được thế đơn độc nhưng đã tiến gần hơn với mọi người ít ra như người phát giác được một trong những nhân tố đồng cảm hay hợp nhất. Khám phá trên có ý nghĩa lớn hơn nhiều nếu người ta hiểu rằng xã hội ly tán hôm nay trông đợi một cơ hội và hoàn cảnh kết hợp, hàn gắn

Máu loang Đất Mẹ đêm ngày

Nhựa thơm còn đọng mình cây Độc-huyền

… …

Hành hương theo Nhạc về nôi

Ngàn thu một sợi  Giống-nòi vừa rung

Để còn rung tới vô cùng

Sợi dây đơn chiếc giữa vùng đa đoan (30)

Thi nhân đã nhận ra những khác biệt trong thanh âm chính là bản sắc của sợi dây tơ duy nhất. Tiếng đàn trở thành lời nhắc nhở chân thành về điều bao người lầm lẫn bấy lâu. Không phải là lần thứ nhất, thi nhân không dứt lòng được với thực tại mà trái lại, ngay cả khi giải khuây, thực tại luôn đợi sẵn thi nhân như mối băn khoăn đến cùng đêm trắng. “Độc huyền cầm…vang tâm tư… / Đã nghe cốt nhục đau nhừ Trường sơn !” (31)

Cung cách giãi bày tiềm ẩn của thế hệ Vũ có thể khiến cho đương thời không thấu được, tưởng như xúc động thoáng qua ấy chưa đủ làm nên lâu dài day dứt . “Giật mình đợt súng xa đưa / Niềm quê hương chẳng gió mưa mà buồn.” (32)

Thực ra, Ngồi Quán không chỉ là thái độ chiêm nghiệm, dành cho việc đối chất với thực tại về những điều khiến thi nhân bất bình mà chính người không ngừng gửi cùng lời tâm huyết. “Xác thân mòn mỏi cùng dâu biển / Còn chút  hơi thơ gửi vọng về.” (33) Vào thời điểm này, thơ được phó thác vai trò của di ngôn  nghĩa là giúp thi nhân khơi dậy ý thức như đã từng làm như trên trong quá khứ. “ THƠ cháy lên theo với lời Kinh / tụng cho nhân loại hoà bình / trước sau bền vững tình Huynh-đệ này.” (34)

Nhưng, cũng khó có thể nghĩ rằng, với sự can thiệp đặc biệt của ý thức, thi nhân đã đặt thơ vào phạm trù của thực tại, cho dầu là đem theo một sứ mạng chăng nữa. Thật thế, “dự ngôn” năm xưa của thi nhân về vai trò của thơ , “Thơ ta chẳng viết cho đời / không vang nhịp khóc dây cười nào đâu.” (35) chính là sự bày tỏ ước mong về bản chất thăng hoa, không dính líu đến xung động tình cảm nhất thời vốn dĩ xa lạ với nguồn suối rung cảm chân thực của thi nhân.

Bởi thế, trong Ngồi Quán người ta không bắt gặp những biểu thị của xúc động tự bên ngoài  hay từ  đám đông, những dẫn dắt đặc biệt do hoàn cảnh như  một số sáng tác đượm màu thời sự trong Hoa Đăng (1960) -  tập thơ ít nhiều đánh dấu sự đột khởi của ý thức và tác động của ngoại giới. Ý thức nơi đây là những lắng đọng, trầm tích từ mối băn khoăn dằng dặc, phát giác hiện tình của quê hương trong cơn lốc của lịch sử.

” Dưới kia thác lũ mưa nguồn / Lệ hay mạch nước ào tuôn vỡ bờ.” (36)

Dưới con mắt thi nhân, ý thức muốn giành lấy vai trò cũng chỉ vì đau khổ hiện tại xuất phát từ sự thiếu ý thức khi mọi người “tự hiến thân làm những con mồi”  hay nhận chịu “phận con hoang náu sau hình mặt nạ.” (37)

 b- Ngồi Quán tiên báo sự thắng thế của lòng tin vào việc khước từ bạo lực. Từ lúc bạo lực hoành hành, nỗi bất an đã thâm nhập vào cõi riêng của thi nhân nghiêm khắc như những quân lệnh giới nghiêm, thiết quân luật được lần lượt ban hành. Sức mạnh được tận dụng một sách lược hữu hiệu để bách đoạt cũng như để đáp trả. Sức mạnh không làm giảm đi nỗi sợ hãi trong lòng về một hiểm hoạ mà trái lại khiến người ta nghĩ nhiều hơn đến viễn ảnh tận diệt không chỉ sinh linh. Có vẻ như  cái nhìn nghiêng về đạo lý đã giúp thi nhân định hướng cho một giải pháp của vấn đề ngày một ràng buộc vào những thế lực bên ngoài. “Trăm vòng dây Tội hoang đường / Cũng không giam nổi Tình-thương bao giờ.” (38) Trong tinh thần ấy, thi nhân trở thành người truyền rao lòng tin cho tình thương nghĩa là chống lại sự tin tưởng vào sức mạnh và cũng không muốn ảo tưởng về ước muốn của mình. “Vẽ lên càng thấy duyên mờ / Son nào trả lại ngây thơ tuổi vàng?” (39) Bằng vào lòng tin trên, theo thi nhân, con người nhẫn nại từng bước để tiến tới ước vọng của mình. “Đường đi vào giấc mộng lành / Những gai cùng lửa tung hoành đó đây.”(40)

Để đạt tới viễn tượng ấy, con người mong đánh đổi nhiều thứ để có được an lành. Không có gì xây dựng được trên sức mạnh ngay cả ước mơ bình dị nhất. “ Mơ sao ngày tháng lăn tròn / Tầm thường qua những lối mòn bình yên.” (41)

Cũng như  từng nhìn lên cao để tìm một chốn an trú cho thơ, Vũ không hoài nghi khi một lần nữa, gửi gắm cho thơ những giá trị siêu việt của nghệ thuật, thanh cao của đạo lý. Thơ là hiện thân của “môi trường mềm cho giấc ngủ không mơ / giấc ngủ vô cầu vô nhiễm / của người say cuộc đời thơ.” (42)

 Trong nỗi cao hứng khác thường của người thi sĩ, thơ như giúp thi nhân xoay chuyển cả định mệnh vốn khôn lường. “Một đời say ngoài cả nhịp thiên cơ !”(43) Giờ đây, trước thực tại cần được đoái hoài, thơ đã đến gần hơn với con người, lay tỉnh giấc mê cuồng vọng để an bình trở lại với người như  Vũ từng thốt lên như lời tâm huyết cuối. “Xác thân mòn mỏi cùng dâu biển / Còn chút hơi Thơ gửi vọng về.” (44)          

         

 TRẦN MẠNH TOÀN


  Chú thích:

(1) Bùi Giáng, Nhân Đọc Rừng Phong, Thẩm Mỹ, Sàigòn, 1954, in lại trong Văn, Sàigòn, số 150, 15.3.1970, tr. 52.

Vũ Hoàng Chương đã nhắc đến việc này trong bài thơ đề tặng Bùi Giáng, 25.12.1968 nhan đề “ Hương Màu Tri Âm “ trong tập Ngồi Quán. Bài thơ loại nhị thập bát tú như sau:

Biết nhau từ nhuốm rừng phong

Trắng cành mai chẳng phai dòng thơ xưa

Mai còn giáng bút, hương đưa

Màu thăng hoa, tuyết còn thưa cuối trời.

(2) Mai Trung Tĩnh &Vương Đức Lệ, Đọc “Trời Một Phương”, Văn, sđd, tr. 60.

(3) Câu đầu của bài thơ đầu được lấy làm nhan đề cho tập thơ, Ngồi Quán, “Tuổi hoa ngồi rũ Quán Chùa.” Bản sử dụng  là bản điện tử do Vũ Hoàng Tuân và Minh Ngọc thực hiện năm 2007.

(4) Nguyễn Văn Xuân  trong bài điểm tập thơ Hoa Đăng của Vũ Hoàng Chương đã nhắc đến điều “một số người hết sức công kích nội dung mà họ cho là sa ngã, truỵ lạc của nó (chỉ  tập thơ Mây- LNV) hình như không ai không công nhận kỹ thuật uyển chuyển vững chắc của tác giả “ (Bách Khoa, Sàigòn, số 64, 1.9.1959, tr. 45) trước khi xem cũng là ý kiến của ông. “ Đối với thứ thơ tâm tình, ông (chỉ VHC- LNV) đã nhất quyết gạt bỏ thứ thơ bê tha, truỵ lạc… “ ( Nguyễn Văn Xuân, bđd, tr. 48.)

(5) Nguyễn Mạnh Côn, Nửa Thế Kỷ Làm  Thơ Vũ Hoàng Chương, Văn, số 150, 15.3.1970, tr. 95.

(6)  Ngoài Ba Mươi Tuổi, Mây, tác giả  tái bản và giữ bản quyền, Sàigòn, gp 26.10.1959.

(7)  Ngồi Quán trong tập Ngồi Quán, Lửa Thiêng, Sàigòn, 1971.

(8) )  Ngồi Quán trong tập Ngồi Quán, Lửa Thiêng, Sàigòn, 1971.

(9) Vũ Hoàng Chương, Bài Hát Cuồng, Mây, 1943, in lại trong Mây, gp 26.10.1959, sđd, tr. 99.

(10) Vũ Hoàng Chương, Tuý Hậu Cuồng Ngâm, Mây, 1943, in lại trong Mây, sđd, tr. 96.

(11) Vũ Hoàng Chương, Ác Mộng Nào Hơn, Ngồi Quán.

(12) Vũ Hoàng Chương, Hơi Tàn Đông Á, Thơ Say,1940,  in lại trong Mây, sđd, tr. 61.

(13) Vũ Hoàng Chương, Tiền Kiếp Ai Đây, Ngồi Quán.

(14) “ …tờ báo buổi sáng với những tin tức nhàm chán của một cuộc chiến tranh kéo dài từ bao nhiêu năm ( và sẽ còn kéo dài đến bao giờ)…” ( Nguyễn Đình Toàn, Hành Lang, Tân Văn, số 14, bộ II, tháng 6.1969, tr. 98.)

(15) Nguyễn Đình Toàn, Hành Lang, Tân Văn, sđd, tr. 101.

(16) Vũ Hoàng Chương, Chết Nửa Vời, Thơ Say, in lại trong Mây, sđd, tr. 53.

(17) Vũ Hoàng Chương, Trước Sau Gì …, Ngồi Quán. Bài thơ này trước khi in thành tập đã được đăng tải lần đầu trên tạp chí Bách Khoa, số 331, 15.10.1970, tr. 63.

(18) Vũ Hoàng Chương, Ngồi Quán.

(19) Vũ Hoàng Chương, Trước Sau Gì, Ngồi Quán.

(20) Vũ Hoàng Chưong, Trong Da Ngựa, Ngồi Quán.

(21) Vũ Hoàng Chương, Sầu Môi Đào, Ngồi Quán.

(22) Hạc Thành Hoa, Điệp Khúc Trong Quán Cà Phê Màu Vàng, Sóng, số ra mắt, bộ mới, tháng 5.1971, tr. 53.

(23) Hạc Thành Hoa, bđd, tr. 54.

(24) “Quán cà phê có thơ và nhạc sống xuất hiện, như một tìm về của tuổi trẻ, để an ủi vỗ về, để làm vui, để nhớ và cũng để quên. “ (Thuỵ Miên, Quán Thơ và Nhạc: Ngọn Bấc Lụn Tàn, Sóng, sđd, tr. 62.)

“ (…) Từ một miền xa, sau những chuyến quân hành, cố gắng về hợp mặt để thấy mình còn sống trong âm thanh của mình, trong chính ngôn ngữ mình, qua những buổi đọc thơ và nhạc chủ đề, mọi người nhìn ra mình không còn đơn độc, xung quanh là những cặp mắt cảm thông, là những thân tình cho đi không cần nhận lại.” ( Thụy Miên, bđd, tr. 63.)

(25) Vũ Hoàng Chưong, Không Làm Nhân Chứng, Ngồi Quán.

 (26) Sau Ngồi Quán (1971) còn có 2 thi tập, Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai ( Lửa Thiêng, 1971) và Chúng Ta Mất Hết Chỉ  Còn Nhau ( Rừng Trúc, Paris, 1974.) Tập trước chỉ gồm thơ cũ được lục đăng và 17 bài thơ viết  trong khoảng 1936-1939, còn tập sau gồm 12 bài : trừ Lửa Từ Bi, 11 bài còn lại viết trong năm 1972 và 1973.)

(27) “ Vũ phu nhân ( trong lá thư  đề ngày 14.10.1985) đã viết : “Trước khi  mất anh Chương cũng căn dặn tôi  rằng: “Tất cả những tác  phẩm  của tôi  chỉ  cần giữ lại một cuốn Ta đợi em từ ba mươi năm  là đủ rồi.” (Võ Phiến, Thơ Miền Nam  tập hai, Văn Nghệ, California, 1995, tr. 239.)

(28) (29) Vũ Hoàng Chương, Nữ Thần Hôm Qua, Ngồi Quán.

(30)  Vũ Hoàng Chương, Một Sợi Giống Nòi, Ngồi Quán.

(31) Vũ Hoàng Chương, Một Sợi Giống Nòi, Ngồi Quán.

(32) Giản Chi, Phút Giây Bên Núi, Tân Văn, số 21+22 (xuân Canh Tuất)tháng 1+2.1970, tr. 83, in lại trongTấc Lòng, Văn Hoá, 1993, tr. 34. Bài thơ ghi do tác giả viết tại gác Tùng âm,  ĐàLạt  ngay 24.12.1966.

(33) Vũ Hoàng Chương, Huế Cảm, Ngồi Quán.

(34) Vũ Hoàng Chương, Lửa Từ Bi, 6.1963, chép theo bản in trong Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau, Rừng Trúc, Paris, xuất bản nhân dịp Tết  Giáp Dần, 19.1.1974, tr. 15.

(35) Vũ Hoàng Chương, Nguyện Cầu, Rừng Phong, 1954, chép theo bản in trong đặc san Bút Việt,  VietNam P.E.N. Club Bulletin, Sàigòn, 1957, tr. 107.

(36) Vũ Hoàng Chương, Đào Sâu Trang Sử, Ngồi Quán.

(37) Vũ Hoàng Chương, Nói Với Em, Ngồi Quán.

(38) Vũ Hoàng Chương, Ba Hồi Triêu Mộ, Ngồi Quán.

(39) Vũ Hoàng Chương, Sầu Môi Đào, Ngồi Quán.

(40) Vũ Hoàng Chương, Nghinh Hôn, Ngồi Quán.

(42) Vũ Hoàng Chương, Tìm Lại Chiều Cao, Ngồi Quán.

(43) Vũ Hoàng Chương, Đời Thi Nhân, Ngồi Quán.

(44) Vũ Hồng Chương, Huế Cảm (thất ngôn liên hồn-liên vận, đoạn 7), Ngồi Quán.