Dẫn - 80 năm là khoảng thời gian ước lệ. Một số bài ca thuộc 10 bài trong tập Rừng Phong như bài ca Sông Dịch mà sự ra đời được xác định rõ rệt vào năm 1943 theo nhu cầu làm khai từ cho vở kịch Kinh Kha của Vi huyền Đắc, bài ca Dị Hỏa ra đời trong khoảng nửa sau thập niên 40 của thế kỷ trước, còn các bài ca khác thì thời điểm nhà thơ họ Vũ đặt bút có thể trong lúc ở vùng quê lánh nạn hay đã trở về thành. Điểm chung nhất của 10 bài có lẽ là bầu khí bất an của thế giới bên ngoài xâm chiếm vũ trụ của hồn thơ khiến cho trong cả 10 bài, tác giả phải mượn cái giọng hào sảng của bài ca để tái lập thế quân bình đang nghiêng ngả trong lòng. 10 bài ca làm nên một trường thành ngăn cản lớp mây thành giúp Vũ ôm nốt giấc mơ còn sót lại với tang thương. Ngay cả những lúc tưởng như Thơ đã giành lại được hùng khí lẫm liệt, thực ra cũng là phút thăng hoa của ngôn ngữ hòa quyện tinh anh của hồn thơ.”Một nét dao bay ngàn thuở đẹp / dù sai hay trúng cũng là dư.”
Bài ca hoài Tố là một trong mười bài ca trong Rừng Phong ( Phạm văn Tươi, Sài gòn, 1954) nhưng chắc chắn không vì sự có mặt cho đủ số mười bài.
Nhan
đề cũng không gây ngạc nhiên vì nấm mộ lòng còn chưa xanh ngắt
cỏ, mối bi thương chưa đủ năm tháng để hoàn táng theo người. Nỗi
nhớ này trở thành khởi điểm cho nỗi nhớ thường kỳ. Tháng sáu hoán chuyển thành
mùa nhớ trong năm, trắc nghiệm lòng thử thách với đất trời về một mạch sầu
không vơi theo năm tháng. Bài ca hoài Tố là nỗi nhớ thăng hoa bằng ngôn ngữ của
Thơ với lượng bao dung đóng góp của người chịu nạn. Nỗi nhớ được truyền thừa,
một hình thức di lưu, mà thời gian làm nhiệm vụ lập thành chu kỳ. Từ Rừng Phong đến Hoa Đăng ( Phố Cũ), Trời Một
Phương ( Ấm Lạnh), Cành Mai Trắng
Mộng ( bài thơ mang tên nhan đề tập thơ và Gấm Hoa) và trong Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau ( Bài Thơ
Hàng Cỏ và Tố Của Hoàng Ơi! )
Riêng bài Tố Của Hoàng Ơi, viết 12.6. Nhâm Tý 1972 mới là
chung khúc của dòng thơ hoài Tố, là hạt lệ “giải oan” cuối tống tiễn sau khi
tìm được hướng siêu thoát cho cuộc tình.(1) Còn Vườn Trắng Thơ Vàng viết vào mùa nhớ năm
sau, 12.6.73 ( gp Văn xuân Bính Tý 1974) đã lạc ra ngoài vùng tưởng tiếc, và chỉ
là lời trần thuật chuyện tình những mong được hậu thế đoái hoài hoặc nâng niu như
một thiên tình sử. “ Ta ngừng lại cho
xong, ta nằm xuống cho rồi / đời không ai làm Bóng làm Vang thì cũng thôi !”
Giọng điệu như hờn-lẫy thác lời thi nhân khiến người đời
nay nghĩ đến không chỉ là cái duyên của
người trong cuộc thuật lại chuyện lòng. Những dòng khúc nôi lê thê kể chuyện tình 30 năm trước ( 1973-1943) dĩ
nhiên vắng hẳn cái u uất thường gặp, ít ra là những lúc nỗi-buồn-đã- nhân-hai
cùng thân thế. Đời vẫn gần thêm cửa huyệt
/ men chiều nắng sớm đơn côi ( Gấm Hoa)
Mạch sầu nếu không khơi dậy thì ít nhất nỗi đau đã được
siêu thoát từ năm trước cùng với tiếng thổn thức dành cho điều vĩnh quyết
giây
phút cũng tan thành biển lệ
trả
cho cát bụi nhé Kiều Thu !
sau khi
cùng
nhịp tim trôi vào bất tận
không-ngày-không-tháng-không-bơ-vơ
( Tố Của Hoàng Ơi,
viết 12.6.1972)
Hướng siêu thoát của cuộc tình mang tính chất “đốn ngộ”
về lẽ có-không của vạn hữu hiển nhiên là
sự chiến thắng hay vượt trội của tri thức nhà thơ. Nhưng dường như hướng giải
thoát cho mối tình vô vọng vẫn chỉ là kết quả của sự mời gọi của thời đại trong
đó khuynh hướng xuất thế và xả bỏ ràng buộc là một hướng đi lên của tư tưởng
lẫn con người.
Những bi thương lẽ ra là thứ còn sót lại sau khi tồn tại
sau ngần ấy thời gian lại hiển hiện như dòng lệ nóng hổi bên người, vằng vặc
trong lòng như ánh trăng thề dạo nọ. Đã trở nên chướng ngại cho ước mơ siêu
thoát cho cuộc tình.
Đó
là dung lượng nhớ nhung mà dĩ vãng chế ngự đời và sự thua thiệt của thi nhân giữa đời
đã khiến thơ giúp người hiển lộng dài lâu trong cõi người đạt tới.
Trong
bài ca, nỗi nhớ người dằng xé thi nhân giữa nỗi đau về cái không còn và niềm
tin về cái sẽ tái sinh. Bài Ca Hoài Tố,
trước hết, là một vinh khúc cho tình trước khi là chiếc cầu nối giữa buồn
thương trong Mười Hai Tháng Sáu với nỗi tiếc nhớ không nguôi. Bài ca hoài Tố là khúc ca mở đầu cho tình nhớ, chọn hằng năm làm việc “tảo
mộ” cho tình, một việc không đơn thường
khi thi nhân còn mang theo hoài bão tìm kiếm một hướng giải oan cho cuộc tình
lỡ.
Thi
nhân đã dành tình vô lượng cho thơ nên thơ vì thế, đền đáp không kém cho tình.
Đến mức Nguyễn Mạnh Côn nghĩ rằng, " mối tình với Kiều Thu mà sự tiếc
thương có vẻ "thơ" hơn có vẻ "thực." (2) Một cách nói để ngờ rằng thơ đã lấn át vai trò
đáng ra của trái tim cùng nỗi đau của nó.
Thực
ra, bằng vào những bài thơ viết về mối duyên đầu, thi nhân đã tấn phong tình
trước khi dành cho đối tượng gần gũi nhất trở nên một biểu trưng. Tình không
còn giữ vai trò cảm hứng cho thi nhân mà cùng với thơ bước vào thế giới mông
mênh được thi nhân mở cõi. Nỗi xót xa đòi đoạn đã vượt qua thời là báu vật của
một người để trở nên gia tài của thơ dưới tay hào phóng của người thi sĩ. Thơ ta chẳng viết cho đời. (3) Như
lời thi nhân đã nguyện, thơ Vũ đã có đời sống riêng khi ra đời, bay lên cao
cùng mây hay sống đời lặng lẽ của hạt móc đêm, mang theo tinh anh của ngôn ngữ
và khí thiêng của nơi ra đời hòa trộn.
Mùa
đã sắp thu rồi...
" Mùa đã sắp thu rồi,
trăng ướt sương
Nến lụi chiêm bao, nằm xa
nhớ thương."
(
Bài Ca Hoài Tố, Rừng Phong)
Khoảng
thời-gian mang tên người cũ đã thành một chiều tưởng-tiếc của không gian ba
chiều. Thời gian - mùa Thu - chỉ còn là cái cớ để nỗi nhớ được đặt tên vì thực
ra niềm hoài Tố đã thay thế trọn vẹn
cái ủ ê rười rượi của mùa thứ ba trong năm. Mùa thu đã là mùa hoài Tố. Bằng vào nỗi nhớ, thi nhân đã
gọi mùa về trước cả lúc thu sang. " Mùa đã sắp thu rồi" là lúc thi
nhân thẫn thờ đón một mùa-nhớ-mới khi mùa-nhớ-cũ chưa qua; thương nhớ đã kết
tầng vì giới hạn của mùa thu ba tháng. Mùa thu có thực sự khai mào cho nỗi nhớ
như nỗi lòng của câu thơ. Không. Nỗi nhớ khiến trọn năm chỉ thu gọn trong mùa
thu vĩnh quyết. Điều mà nhiều năm sau, thi nhân mới thổ lộ chân lý của riêng
người. Đã tháng nào không tháng 6 chưa ?
(4)
Ngô đồng nhất diệp lạc. Xưa, người trước được
gợi nhớ mùa thu chỉ bằng chiếc lá lìa cành. Vũ đã khắc khoải thấy mùa về khi
nỗi nhớ chưa qua. Mùa thu của năm tháng trơ trọi biết bao khi không được mang
theo nỗi nhớ của thi nhân. Không chỉ bằng với thơ, Vũ đã có thế giới của riêng
mình và thời gian được thiết lập với kích thước riêng là nỗi nhớ mông mênh,
điều mà cũng chỉ thời gian sau, thi nhân mới hé lộ. Không-ngày-không-tháng-không-bơ-vơ. (5)
Nỗi
niềm hoài Tố đã khiến Vũ xóa bỏ được
mối ràng buộc của không gian ba chiều vốn đã khép chặt với thi nhân. Vũ đã hoàn
tất điều mà nỗi nhớ khiến người khắc khoải bấy lâu và Bài Ca Hoài Tố là dấu vết của tháng ngày dằn vặt.
Thực
ra, Bài Ca Hoài Tố vừa mở ra một vết
thương sâu hơn trong lòng, sau vết thương mất mát, nhân đó chỉ ra, tuy mơ hồ,
cách đóng lại mối thương tâm. Lòng hết
trần gian, đời thôi năm tháng. Nhưng, tuyệt nhiên không phải là sự tự hủy,
theo ý thi nhân. Đó là sự thăng hoa của nỗi- đau-một-đời cùng với đời thơ.
Ta quyết gặp chính
em-mùa-thệ-ước.
Sự thăng hóa của nỗi đau cùng với nghệ thuật đã khiến thi nhân thiết lập được
một trật tự mới cho thế giới riêng. Ước mơ trọn vẹn thành sự thực bởi vì ước mơ
ấy vẫn giữ được nguyên vẹn, trong trinh như buổi đầu.
Rằm tuổi nguyệt tròn gương.
" Ôi tóc xõa buông
mây, rằm tuổi nguyệt tròn gương"
(
Bài Ca Hoài Tố, Rừng Phong)
Niềm
hoài Tố đã đặt nàng vào vị trí tương
quan với đất trời và những biểu tượng khả ái. Đã bao người cùng thế hệ đã đặt
mối liên hệ với tình vào vị trí đối xứng thần linh. Nghìn trinh nữ khóc sầu trên
vọng các. Gọi tên ta ngoài cửa biển U-Hồn.(
Đinh Hùng, Cuồng Vọng.)
Tình yêu cách điệu hóa đem lại hình ảnh mới cho chân dung của nhan sắc. Mây /
tóc, tuổi rằm / nguyệt tròn gương. Những nhân tố của mùa thu được ân cần viện
cầu để đối chứng cho sự trường tồn của một nhan sắc. Thiên nhiên không chau mày
mà trái lại, thuận tình làm chứng cho một giá trị hình thành. Ôi, mây
mùa thu, nguyệt mùa thu.
Điều
ấy có nghĩa là tinh anh của một mùa thu tụ kết nơi nàng. Kiều Thu, chỉ là cách
tấn phong nàng qua hình ảnh của mùa thu kiều diễm.
Tố
của thi nhân đã được thương nhớ triệu vời như thử thách của lời vàng đá.
Tà
nguyệt bạch lên sương
" Lại đã mười hai
tháng sáu
Nghe mờ hận cũ hoa sen
Ngút ánh trăng phơi ngoài
dậu
Bốn hiên khuya, tà nguyệt
bạch lên sương."
(
Bài Ca Hoài Tố, Rừng Phong)
Trăng
trở thành khuôn mặt đa dạng nhất trong chuyện tình và lòng nhớ Tố. Vì trăng, có
lúc, là hóa thân cõi lòng thi nhân, hằng đêm nguyện hướng về một phương đã
định. Trăng là nguyệt khi rốn đợi đến trắng cả một mùa dài trông ngóng. Tà nguyệt bạch lên sương. Và, chỉ là
trăng khi lẻ loi với bóng khuya. Ngút ánh
trăng phơi ngoài dậu.
Nguyệt
bạch của mỗi mùa thu đánh dấu một chu kỳ thương nhớ triền miên. Thi nhân thao
thức đến phút ánh trăng tà dần loãng trong sương, nỗi nhớ vẫn còn nguyên khối.
Nguyệt bạch của tháng sáu không đợi ngày đã vội xuất huyết theo mối tuyệt vọng
của thi nhân. Giọt lệ chiều nay đẫm máu.
Gọi hồn em ngày-chưa -tháng-sáu-mười-hai.
Nguyệt
đã trắng vì đêm đã gần tàn bên thi nhân vắng giấc mộng đêm qua. Đêm trắng của
thi nhân khiến trăng không xuống mầu. Nguyệt vẫn trắng như trang thơ bạch.
Trong
thơ Vũ, trăng một lần nữa, đứng vị trí của tâm hồn, vị trí của trái tim, với
sắc độ tương đương với tần số nhịp đập.
Hãy
tưởng tượng Vũ gọi hồn thơ lên cao cùng vầng trăng mất máu nhợt nhạt của ngày
12 tháng 6. Cuộc gặp gỡ, nếu có, chỉ là cuộc tao ngộ giữa hai tâm hồn cách trở,
giữa một khối tình si với một mối cảm thông.
Mảnh
trăng mất máu đêm ấy báo trước sự vô tình của những lần chờ đợi, ngóng trông.
Tấm lòng hoài Tố bao mùa qua không phai đã khiến mùa thu là mùa-hoài-Tố.
Ngày-chưa-tháng-sáu-mười-hai
" Tuổi thiêng rụng
cánh thiên thần
Ôi thôi, còn chi? Em là ai
Giọt lệ chiều nay đẫm máu
Gọi hồn em
ngày-chưa-tháng-sáu-mười-hai
Ta đã mất em rồi Kiều Thu
ngày xưa
Hào quang đã phai rồi, tóc
mun dòng thơ
Đã hết tìm em dù chỉ tìm
trong mơ
Thuở trước tinh anh mà thể
phách bây giờ."
(
Bài Ca Hoài Tố, Rừng Phong)
Trong
cuốn lịch treo giữa ngực của thi nhân, chỉ có một ngày duy nhất, 12 tháng 6.(6) Còn
lại là những ngày trước hay sau cái mốc huyết lệ ấy. Thời điểm này, chỉ riêng
về mặt văn chương, tưởng như đã lấy đi của thi nhân những tháng năm còn lại,
hay, ở một khía cạnh khác, đã trao cho thơ trò chơi sinh tử.
Lấy
tháng sáu mười-hai làm cái mốc duy nhất cho thời gian, điều đó cũng tương tự
người quả phụ tự nhận mình lả kẻ vị-vong. Ý nghĩa của sự sống đã không còn
trong sự có mặt nay thành thừa thãi. Ngày-chưa-tháng-sáu-mười-hai
là thời gian còn lại của thi nhân, những ngày nhận ánh trăng bạch làm hồi âm
cho cuộc đợi chờ vô hiệu.
So
với với nỗi buồn tênh, bất bình, chán nản, thất vọng triền miên trước cuộc đời
nghịch lý, sự dằn vặt đến héo hon lòng vì mất mát trên khiến thi nhân không ngại nhận hết thương
đau.
Không
chắc điều Nguyễn Mạnh Côn nghĩ rằng thi nhân đã thi hóa nỗi đau, cho dẫu tài
tình. Nhưng, Bài Ca Hoài Tố nằm trong
những thơ có thể làm sống lại cái mất tạm thời hay làm sống mãi cái mất vĩnh
viễn.
Dầu
ở khía cạnh nào, tháng-sáu-mười-hai, với thi nhân, vẫn là cái mất vĩnh viễn và
không thể bù đắp nhưng thơ đã trao cho, không chỉ sự mất mát này, một phương vị
mới. Và không chỉ trong Bài Ca này, người thơ đã mãn nguyện trong tinh thần
phục sinh tình yêu, ngược với lẽ tự nhiên của sự mất còn. Tan tành cho tận nhập với hư vô. Lòng hết trần gian, đời thôi năm tháng.
Em-mùa-thệ-ước
" Ta quyết gặp chính
em-mùa-thệ-ước
Con đường tận thế trăng lu
Vì ta vẫn là ta thuở
trước..."
(
Bài Ca Hoài Tố, Rừng Phong)
Thi
nhân đã đi tìm người yêu dấu trong mơ. Tương tự cái cách bỏ ngỏ song the để ánh
trăng dẫn lối từ trang liêu-trai mở sẵn. Lung
linh nguyệt thắm vàng trang sách. Đợi chẳng bừng sen nhịp gót ai ( Chờ Đợi Vẫn Hoài Công, Rừng Phong.) Và, thấp thoáng việc đi tìm hình ảnh người xưa
như sự khai quật một thánh tích. Thề xưa
giở đến kim hoàn. Của xưa lại giở đến đàn với hương. ( Kiều, câu 2807-2808)
Vũ
không ngại đã nặng lòng với người xưa cả tâm hồn lẫn con người thực. Đã hết tìm em dù chỉ tìm trong mơ. Thuở
trước tinh anh, mà thể phách bây giờ.
Đây
là chặng cuối của con đường thương nhớ, đánh dấu sự thất bại lớn nhất của thi
nhân sau sự bó tay trước nỗi day dứt về một kiếp người lênh đênh thân thế. Ở
một khía cạnh, chàng Kim của Kiều cũng thất bại trong ý định giữ lại trong tay
thể-phách người yêu sau mười lăm năm bèo trôi sóng vỗ. Thương nhau sinh tử đã liều. Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình. (
Kiều, câu 3169-3170)
Có
thể giải pháp về một giấc mơ tái hợp mà Tố Như ấp ủ và buộc Kim-Kiều chấp nhận,
đã trở về làm xao động giấc mộng tìm kiếm của thi nhân, như ánh trăng khuya ấm
dần lại trong đợi chờ.
Con
đường tìm gặp là sự hủy thể để tái sinh. Trên nấm mồ của cuộc tình sẽ nẩy nở
đóa hoa vĩnh phúc. Thi nhân khép cánh cửa trông chờ vô vọng và nhìn về phía
chân trời xa, nơi có vầng đông. Mảnh trăng thệ-ước dằn vặt, vĩnh viễn ở phía
sau chàng. Con đường tận thế trăng lu. Thi nhân trên
con đường đích thực là đường về. Nơi chàng sẽ gặp lại
người-của-thuở-ban-đầu, không phải là con người lưu lạc trong mối hận lòng mà
chàng đã bấy lâu tìm kiếm
Hãy tự hủy đêm nay vào dĩ
vãng
Tan tành cho tận nhập với
hư vô
Lòng hết trần gian, đời
thôi năm tháng
Ôi Kiều-Thu! Hồn em cũ
ngây thơ
Ta quyết gặp chính
em-mùa-thệ-ước
Con đường tận thế trăng lu
Vì ta vẫn là ta thuở
trước...
Ánh sáng của ngày mới trở về với thi nhân là tia sáng ban mai của cảm thức, không hẳn làm cạnhết được huyết lệ của năm tháng khắc khoải trong đợi chờ, tìm gặp theo cách riêng của người thi sĩ. Nhưng, thật sự đã thôi thúc từ giã nỗi đau bấy nhiêu năm. Từ đó, chúng ta được nghe khúc ca tái tạo và hơn nữa một khúc tẩy oan cho chính nỗi buồn phiền đã mang nặng như từ tiền kiếp. Một mối tình si một mối thù. Giây phút sẽ tan thành biển lệ. Trả cho cát bụi nhé Kiều-Thu.(7)
Bài Ca Hoài Tố là tiếng hát đứng lên
trong thương đau và tiếc nhớ. Từ vị trí người cất tiếng, nhìn xuống thấy thăm
thẳm phiền muộn vô hạn chưa có hoàn cảnh được mở lời. Bài ca, khúc cuối, chưa
thể là khúc dương hòa nhưng mở ra một
chương mới của một mối duyên dang dở và đợi chờ chuyển kiếp. (8)
Chú thích
(1)
Bài “Tố Của Hoàng Ơi” in lần đầu trong bán nguyệt san Văn, số 207, ngày 01.8.1972, tr. 1,2,
sau được in lại trong Chúng Ta Mất Hết
Chỉ Còn Nhau, Rừng Trúc Paris, 1974. Nhưng chỉ trong Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau, thời điểm sáng tác 12.6 Nhâm Tý 1972
mới được ghi thêm vào cuối bài. Ngoài ra, trong Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau, các chữ “ ngày mười hai “, “tháng
sáu”, “ba mươi năm lẻ” đều thay bằng con số.
(2) Nguyễn Mạnh Côn, Nửa Thế
Kỷ Làm Thơ Vũ Hoàng Chương, Văn, số
150, 15.3.1970, tr.81.
(3) Nguyện Cầu, Rừng Phong,
(4) " Năm 12 tháng, ai
không biết !
Đã tháng nào không tháng 6 chưa ?
Tháng có 30 ngày để giết
Ngày 12 vẫn sống như xưa."
( Vũ Hoàng Chương, Tố Của Hoàng Ơi, Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau, Rừng
Trúc, Paris,1974, tr.21.
(5) Vũ Hoàng Chương, sđd. tr. 22.
(6)
" Lịch treo giữa ngực kêu thành
tiếng
Chẳng tiếng nào nghe khác tiếng mưa"
( Vũ Hoàng Chương, Tố Của Hoàng Ơi, Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau, Rừng
Trúc, Paris, 1974, tr. 21.
(7) Vũ Hoàng Chương, Tố Của
Hoàng Ơi, Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau,
Rừng Trúc, Paris, 1974, tr. 22.
(8)
Khúc Kiều đàn khi tái hợp. " Khúc
đâu đầm ấm dương hòa / Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh. " ( Kiều, câu
3119-3200)
TRẦN MẠNH TOÀN