Gửi 20 triệu cư dân ĐBSCL
không được
quyền có tiếng nói
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
Lời
Dẫn Nhập: Năm 2020, đã có một lúc bao nhiêu triệu cư dân vùng hạ lưu sông Mekong thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin Bộ Điện
Lực Cam Bốt tuyên bố hoãn mọi dự án thuỷ
điện trên sông Mekong trong 10 năm tới [1], như vậy là ít nhất có một thời kỳ dưỡng thương
cho dòng sông bị đầy những vết cắt do chuỗi đập thuỷ điện của Trung Quốc và Lào
phía thượng nguồn. Nhưng rồi mới đây, chỉ hai năm sau, 2022, là một tin chấn
động khác: Phnom Penh tuyên bố cho tái phục hoạt / resurrection dự án thủy điện Stung Treng 1.400 MW trên dòng chính sông
Mekong phía đông bắc Cam Bốt sát ranh giới với Lào. Dự án này không chỉ sẽ tàn
phá sinh cảnh các khu đất ngập được bảo vệ bởi Công ước Ramsar ký kết từ năm 1971,
mà còn gây tác hại vô lường trên hai vùng châu thổ phì nhiêu Tonlé Sap và
ĐBSCL. Đây là bài đầu tiên trong loạt 3 bài viết nhìn lại toàn cảnh cuộc hành
trình gian truân của một dòng sông – Sông Mekong hơn nửa thế kỷ qua.
*
MEKONG SẼ KHÔNG XÂY
THÊM ĐẬP THUỶ ĐIỆN MỚI
Tổng Giám đốc
Điện Lực Cam Bốt, Keo Rattanak đã nói với các
phóng viên báo chí tại tòa nhà Hội đồng Bộ trưởng ở Phnom Penh ngày 8/8/2019.
“Cam Bốt không có kế
hoạch xây các đập thủy điện trên dòng chính Sông Mekong mặc dù vẫn để các nhóm nghiên cứu khảo sát tiềm năng của các
dự án. Chúng tôi không bàn cãi về bất cứ đầu tư nào trong lãnh vực này,”
Rattanak nói tiếp. “Như vậy, quý vị không phải quan tâm về vấn đề này. Chúng
tôi sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu điện theo những phương thức khác.” [1]
Cam Bốt phải đối đầu
với tình trạng thiếu điện trầm trọng, với các khu dân cư hàng ngày bị cúp điện
cùng với giá điện tăng. Thủ tướng Hun Sen nói sẽ gửi ông Rattanak đi Thổ Nhĩ Kỳ mua một
con tàu phát điện (Power ship 200 MW) để bù đắp. Chính phủ cũng cố gắng gia tăng sản xuất điện mặt trời để đáp ứng
nhu cầu điện cho cư dân.
Hem
Odom, một chuyên viên tham vấn độc lập về nguồn năng lượng thiên nhiên, đã hoan
nghênh phát biểu của ông Rattanak, với cảnh báo về một con đập dòng chính sông
Mekong sẽ gây những tổn thất rộng lớn, với xói lở hai bên
bờ sông, cạn kiệt nguồn cá cũng là nguồn
protein trong bữa ăn hàng ngày của người dân Cam Bốt. Không phải chỉ có Cam Bốt, mà cả Việt
Nam cũng bị ảnh hưởng. Thiếu nước từ thượng nguồn sông Mekong và từ Biển Hồ, nước mặn xâm nhập vào ĐBSCL sâu và xa hơn.”
TIN TỐT ĐẸP CHO
SÔNG MEKONG
World Wildlife
Fund (Quỹ Đời Sống Hoang Dã Thế giới) “đã vui mừng khi nghe được bình luận mới đây của Ngài
Keo Rattanak, Tổng Giám đốc Điện lực Cam Bốt, rằng ông không muốn thấy hai dự án thủy điện dòng chính sông
Mekong Sambor và Stung Treng được có trong quy hoạch năng lượng từ nhiều nguồn
/ mix energy.”
Bình
luận trên được phát trong chương trình truyền hình hội thảo “Tầm
nhìn Năng lượng” ở Phnom Penh do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức và được vui mừng
đón nhận do giá trị vô hạn của một dòng chảy tự do trên sông Mekong đối với
hàng triệu cư dân Cam Bốt đang sống phụ thuộc vào
con sông, với lượng cá bắt được là nguồn protein chính của họ.
Sông
Mekong là định hình địa lý của đất nước Cam Bốt. Chảy xuống
từ biên giới Nam Lào, và cuối cùng thì đổ vào ĐBSCL của Việt Nam qua hai nhánh: sông Tiền, và sông Bassac –
có tên là sông Hậu khi vào Việt Nam. Sông Mekong
cũng là nguồn cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Vùng đất ngập Ramsar thuộc tỉnh Stung Treng cũng là nơi cư trú của các chủng loại cá vô cùng hiếm quý như
Irrawaddy Dolphin và Pla Beuk chỉ có trên sông Mekong và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Cho
tới hiện nay, khúc sông Mekong hạ lưu phía Nam Lào còn chảy tự do. Nếu Cam Bốt xây đập lớn ngăn chặn bất cứ ở khúc đoạn nào cũng sẽ gây những
rối loạn về thủy học và hủy hoại của cả một hệ
sinh thái không thể đảo nghịch, và cũng là thiết yếu cho sự sống còn của Biển Hồ với con sông Tonlé Sap chảy hai chiều theo mùa mỗi năm.
Những
dòng sông thoáng chảy đem tới những lợi ích quan trọng từ hệ sinh thái. Dòng
sông bảo dưỡng nguồn cá nước ngọt bảo đảm an toàn lương thực cho hàng triệu cư
dân, đem phù sa màu mỡ cho canh nông và cả ngăn ngừa tổn thất các cơ sở hạ tầng
và đất đai do sạt lở.
Thay
vì xây những con đập khổng lồ như Stung Treng và Sambor, Cam Bốt nên chú tâm tới nguồn năng lượng tái tạo bền vững như năng
lượng mặt trời và điện gió. Những trại điện mặt trời có thể được xây dựng nhanh chóng, với giá thành rẻ
hơn và tác động môi sinh
rất ít. Trong khi những con đập thủy điện khổng lồ thì cực đắt và tốn
kém, mà còn đưa tới hậu quả hủy hoại nguồn cá, sự đa dạng sinh học và
đời sống cộng đồng.
Một
dòng sông thoáng chảy sẽ giúp cho hàng triệu cư dân vốn sống phụ thuộc vào con
sông ấy tiếp tục duy trì cuộc sống ổn định, với sự đa dạng sinh học của dòng
sông, để phát triển lợi ích cho những thế hệ tương lai… Teak
Seng, WWF Cambodia director
https://www.phnompenhpost.com/opinion/good-news-mekong
MỚI HAI NĂM MÀ ĐÃ
BƯỚC QUA LỜI NGUYỀN
Dự án Đập Stung Treng 1.400 MW trên
dòng chính sông Mekong đang ngủ yên bấy
lâu, thì nay 2022 lại được phục sinh (resurrection), khiến các cộng đồng cư dân
trong lưu vực hết sức lo ngại, và cả giới bảo vệ môi sinh vô cùng ngỡ ngàng.
Chỉ ba ngày trước khi bước sang năm
2022 (29/12/2021), Nhóm Hoàng Gia / Royal Group thuộc Tập đoàn (Conglomerate)
tài phiệt lớn và thanh thế nhất của Cam Bốt đã viết thư cho chính phủ Phnom
Penh xin phép cho họ được nghiên cứu
trong vòng 6 tháng tính khả thi (feasibility) của con đập thủy điện Stung
Treng. Yêu cầu trên đã được Bộ trưởng Năng lượng và Hầm mỏ Cam Bốt chấp thuận,
và tỉnh trưởng Stung Treng Svay Sam Eang cũng đã ra lệnh cho các giới lãnh đạo
quận hạt hợp tác với Nhóm Nghiên cứu và Phát triển SBK được Nhóm Hoàng
gia thuê mướn. [1]
Vị trí nghiên cứu để xây con đập
thủy điện lớn nhất xứ Chùa Tháp nằm trên các vùng đất ngập (wetlands) tỉnh
Stung Treng phía đông bắc Cam Bốt được bảo vệ bởi Công ước Ramsar 1971 – một
Công ước mà chính Cam Bốt cũng đã đặt bút ký cam kết tuân thủ từ 1999.
Dự án thủy điện Stung Treng đã có từ
năm 2007 nhưng đã phải khựng lại do bị các tổ chức bảo vệ môi sinh chỉ trích
mạnh mẽ vì những tác động hủy hoại rộng lớn trên môi trường và cả sinh kế của
người dân Cam Bốt.
Đến nay 2022, dự án ấy lại được Nhóm
Hoàng Gia Cam Bốt phục hoạt – mà ai cũng biết Royal Group là một nhóm tài
phiệt của chính quyền Phnom Penh, đã từng đứng sau dự án thủy điện Hạ Sesan-2 (Lower
Sesan-2) trên một phụ lưu lớn nhất của sông Mekong đã từng gây tai tiếng trong
các cộng đồng cư dân trong lưu vực.
Khu đất ngập Ramsar tỉnh Stung Treng
chiếm một diện tích 14.600 hectares, trải dài 40 km lên tới phía bắc nơi con sông
phụ lưu Sekong đổ vào sông Mekong, ngay
sát với biên giới Cam Bốt và Nam Lào. Đây cũng là sinh cảnh (habitats) cuối
cùng còn sống được cho các loài cá hiếm quý và rất nhiều loài chim nước đang có
nguy cơ tuyệt chủng.
VÙNG XÂY CON
ĐẬP STUNG TRENG:
Năm 2007 nhóm Bureyagesstroy
thuộc tập đoàn Thủy điện nhà nước Nga (RusHydro) tham gia cuộc nghiên cứu
xây đập Stung Treng, nhưng chỉ hai năm sau, công ty Nga này bỏ cuộc. Và rồi Công
ty quốc doanh Sông Đà của Việt Nam nhảy vào thay thế. Kết quả của các cuộc
nghiên cứu ấy đã gây ra rất nhiều chỉ trích gay gắt nên dự án Stung Treng phải
gác lại. [1]
Tới năm 2012, cuộc khảo sát của Viện
Nghiên cứu và Phát triển Ngư nghiệp Nội đảo (Inland Fisheries Research and
Development Institute)
thuộc Bộ Ngư nghiệp Cam Bốt nhận
thấy con đập Stung Treng sẽ làm giảm lượng thủy sản xuống tới 24% vào năm 2030. Và các nhà
nghiên cứu đã cảnh báo con đập Stung Treng có thể gây tình trạng suy dinh dưỡng
và ảnh hưởng tới sức khỏe của các cộng đồng cư dân nghèo.
Hình 1: trái, sơ đồ khu đất ngập
trong tỉnh Stung Treng, nơi Nhóm Hoàng Gia dự trù sẽ xây con đập thủy điện 1.400
MW; phải: cảnh quan của vùng đất ngập Stung Treng. [nguồn: Gerald Flynn /
Mongabay] [1]
Tháng 10/2017 Thủ Tướng Hun
Sen đã đến Stung Treng chủ trì lễ
khánh thành đập thủy điện Hạ Sesan-2 công suất 400 MW với diện tích hồ chứa 340 km2
gần bằng nửa diện tích đảo quốc Singapore do Công ty HydroLancang của Trung Quốc nắm 51% cổ phần, Nhóm Hoàng gia Cam Bốt 39% và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 10%.
Con đập Hạ Sesan-2 được xem là tệ hại nhất: nó đe dọa sự
sinh tồn của hơn 50 chủng loại cá và cũng làm giảm 9,3 % tổng sản
lượng cá trong lưu vực [khoảng 200.000 tấn
cá/ năm]. Ảnh hưởng tác hại môi sinh đó không chỉ trên lãnh thổ Cam Bốt mà lên xa
tới Lào, Thái Lan và xuống tới ĐBSCL, được coi như vựa lúa của Việt Nam.
Năm 2021, Tổ chức Theo Dõi Nhân
quyền (Human Rights Watch) đã ấn hành một hồ sơ dày 137 trang gọi “Hạ Sesan-2
một thảm họa -- Lower
Sesan-2 a disaster” [1], lên án các nhà xây đập đã
vi phạm nhân quyền, chà đạp các cộng đồng cư dân bản địa (indigenous peoples)
và con đập đã hủy hoại nguồn cá trên sông Sesan một cách nghiêm trọng, cùng lúc
là sự thất bại cả về mục tiêu của sản xuất điện. Chỉ có chính người dân Cam Bốt là phải trả một cái giá quá đắt!
Hình 2: Tưởng cần nói thêm
là EVN / Electricity of Vietnam, Công Ty Điện Quốc Doanh Việt Nam cũng đã nhúng
tay rất sâu vào dự án Hạ Sesan-2 này ngay từ những bước đầu.
Với những hậu quả tiêu cực đó khiến công
ty xây đập Trung Quốc HydroLancang và Nhóm Hoàng Gia thân chính phủ Hun Sen
và đã cố gắng tô vẽ sao cho tạo ra được một hình ảnh tích cực về con đập Hạ Sesan-2.
Nhưng vẫn có một cơn bão chỉ trích từ các tổ chức NGOs bảo vệ môi sinh đồng
loạt lên án dự án đập Hạ Sesan-2 do những than vãn của bao nhiêu chục ngàn cư
dân đã phải di dời (resettlements), do hồ chứa đã làm ngập 30,000 mẫu đất vốn
là những khu sinh sống trù phú yên ổn và hạnh phúc bấy lâu của bao nhiêu ngàn
gia đình qua rất nhiều thế hệ.
Đã từng qua những trải nghiệm đắng
cay từ con đập Hạ Sesan-2, nay cư dân sinh sống trong tỉnh Stung Treng đang vô
cùng lo ngại khi thấy Nhóm Hoàng Gia trở lại và vẫn với toán Nghiên cứu và Phát
triển SBK khảo sát địa chất (geological studies) cho con đập lớn 1.400 MW –
thay vì hoãn lại cho tới năm 2030.
Mao Sareth, trưởng khu ngư nghiệp
Koh Khan Din, là một nội đảo vùng phía nam khu đất ngập Ramsar, tỉnh Stung
Treng đã phát biểu:
“Chúng tôi đã từng phản đối con đập Don
Sahong của Lào vì biết rõ nó sẽ tác hại trực tiếp trên cuộc sống của chúng
tôi. Nhưng rồi, những phản đối ấy cũng vô ích và chẳng thay đổi được gì. Con
đập Don Sahong vẫn cứ hoàn tất. Rồi chúng tôi phản đối con đập Hạ Sesan-2
ngay trong lãnh thổ đất nước chúng tôi và rồi cũng vô ích thôi, con đập ấy vẫn
hoàn tất, chỉ có chúng tôi là mất tất cả: mùa màng, thủy sản và sinh kế cuộc
sống.” [1]
Ian Baird, gốc Canada là một tên tuổi rất quen thuộc, nhà hoạt động môi sinh, từng sống nhiều năm trên đất
Lào, Cam Bốt và là chuyên gia bảo vệ nguồn cá sông Mekong, khi nghe nói về kế hoạch
phục hoạt đập thuỷ điện Stung Treng 1.400 MW, Ian Baird nhận định rằng con đập ấy sẽ là
một đe dọa nghiêm trọng trên lưu vực sông Mekong.
“Công ước Ramsar quả thật là rất
yếu, chính quyền vẫn có thể làm điều mà họ muốn, nhưng nếu so với Việt
Nam và Lào, thì Cam Bốt vẫn có quan tâm nhiều hơn tới phản ứng của cộng đồng
quốc tế và với Công ước Ramsar. Đó là lý do mà năm 2020, Cam Bốt đã tuyên bố hoãn mọi kế
hoạch thủy điện trong 10 năm 2020-2030.
Điều mà các quốc gia Mekong khác trong lưu vực không hề làm.
Hình 3: TS Ian Baird, Đại học Wisconsin, nhà
hoạt động môi sinh, từng sống nhiều năm trên đất Lào, Cam Bốt và là chuyên gia bảo vệ nguồn cá sông Mekong. [Nguồn: Tom Fawthrop]
“Có rất nhiều lý do để phải quan tâm
ở đây, nếu con đập Stung Treng vẫn cứ tiến hành. Con sông Mekong đang chết bởi
hàng ngàn vết cắt / death by a thousand cuts. Tôi đã quan sát trong nhiều năm,
và thật là buồn, nhưng nhưng liệu chúng ta sẽ làm được gì?” [1]
VẪN CÓ MỘT LỰA
CHỌN TỐT HƠN
Trước một thực tế: Cam Bốt đang
thiếu điện, mà giá điện thì rất cao, và thủy điện cũng không hề rẻ. Không những
thế, 2 dự án đập dòng chính Stung Treng và Sambor sẽ có tác động hủy hoại môi
sinh rất nghiêm trọng trên nguồn nước và nguồn cá trong lưu vực.
Câu hỏi đặt ra là liệu có một lựa
chọn nào tốt hơn thủy điện cho đất nước Cam Bốt? Câu trả lời là có, KS
Phạm Phan Long đã viết trên tạp chí chuyên ngành PV Magazine (03/12/2019) về tiềm
năng điện mặt trời nổi (FSS / floating solar system) của Biển Hồ có thể lên tới
28 GW (tức là 28.000 MW), tức là gấp 20 lần công suất con đập Stung Treng (1.400
MW), với giá thành cho kwh rẻ hơn, không kể cái giá môi sinh phải trả với thủy điện.
Dự án FSS này có thể được thực hiện qua nhiều giai đoạn trên một phần
mặt Biển Hồ với một mạng lưới tải điện thông minh (smart grid) sẽ có khả năng giải quyết nhu cầu năng lượng
điện sạch, là một ưu điểm với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” – một ưu đãi
thiên nhiên mà đất nước Cam Bốt có được. [3]
Sáng kiến dự án mặt trời nổi khác
trên hồ chứa đập thủy điện phụ lưu Nam Ngum, KS Phạm Phan Long đề xuất công bố
trên PV Magazine 01/11/2019 nay đang trở thành một hiện thực qua bản tin của Laotian
Times ngày 20/02/2020: “chính phủ Lào đã ký kết với công ty Trung Quốc
Hangzhou Safefound Technology để xây dựng giàn điện mặt trời nổi 1.200 MW trên
mặt hồ đập Nam Ngum-1 khi hoàn thành có thể coi như lớn nhất thế giới.”
Nếu Phnom Penh cũng như Lào – quyết tâm thực hiện dự án mặt trời trên Biển
Hồ, thì 2 con đập Stung Treng và Sambor sẽ vĩnh viễn không cần thiết, mà FSS
còn bảo đảm sinh kế cho hơn 30 triệu cư dân sống trong hai vùng châu thổ Tonlé
Sap và ĐBSCL Việt Nam. Nhưng đến bao giờ?
KHỞI ĐẦU CHO
MỘT KẾT THÚC: MỘT NHÌN LẠI
Sự kiện Phnom Penh bước qua lời
nguyền, cho phục sinh dự án đập Stung Treng 1.400 MW, sẽ là con đập dòng chính đầu tiên và lớn nhất
trên sông Tonle Thom (tên Khmer của con sông Mekong) trong lãnh thổ Cam Bốt, như một hồi chuông báo
động cho giới bảo vệ môi sinh, họ coi như đây là bước “khởi đầu cho
một kết thúc” đối với hệ sinh thái trong Lưu Vực Dưới sông Mekong (Lower
Mekong Basin).
Đây cũng chính là lúc để chúng ta ÔN
CỐ TRI TÂN, nhìn lại cuộc hành trình
gian truân hơn nửa thế kỷ của một dòng sông, là mạch sống (lifeline) của hơn 70
triệu cư dân sống ven sông trong lưu vực.
NHỮNG CON ĐẬP LANCANG-MEKONG
Vậy mà đã 65 năm từ khi Liên Hiệp
Quốc khai sinh Ủy Ban Sông Mekong 1957 (Mekong River Committee) cùng với các dự án đập thủy điện trên sông Mekong đã có rất sớm, nhưng rồi các dự án
ấy bị gác lại do cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài và lan ra cả 3 nước Đông
Dương, sau chiến tranh thì là mối e ngại về tác hại rộng rãi của các con đập ấy trên môi
sinh.
Có thể nói, trước thập niên 1970, Mekong
vẫn còn là một con sông hùng vĩ và hoang dã, lớn thứ ba Châu Á, chảy qua 7 quốc
gia kể cả quốc gia Tây Tạng* (Tây Tạng về phương diện địa dư chính trị,
bấy lâu người viết vẫn ghi nhận như một quốc gia cho dù đang bị Trung Quốc xâm
chiếm), với nguồn tài nguyên
thiên nhiên vô cùng phong phú, chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon Nam Mỹ.
Với chiều dài 4.800 km, Mekong
là con sông lớn thứ 11 của thế giới,
với tiềm năng thủy điện khoảng 60.000 MW, chia ra như sau:
_ 28.930 MW cho Lưu Vực Trên sông Mekong (Upper Mekong Basin) hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Trung
Quốc;
_ 30.000 MW cho Lưu Vực Dưới (Lower Mekong Basin) nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc, chảy qua 5 quốc gia Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt
Nam.
Nhưng cho tới nay, do nhu cầu năng
lượng điện ngày càng gia tăng cho phát triển, con sông Mekong ấy đã và đang bị hàng ngàn “vết cắt” do vô số những con
đập thủy điện trên dòng chính và khắp các phụ lưu, từ bắc xuống nam với một
chuỗi những hậu quả tiêu cực như sau:
1/ _ Các Hồ
Chứa Thủy Điện Giữ Lại Hơn 75 tỉ m3 Nước:
Kỹ sư Phạm Phan Long, Viet Ecology Foundation
– người đã theo dõi và lên tiếng bảo vệ sông Mekong rất sớm từ thập niên 1990, đã
làm một kết toán về dung tích tổng cộng (total storage) chuỗi hồ chứa đập thủy
điện hiện nay – kể cả các hồ chứa đập phụ lưu (tributary dam reservoir) trong
lưu vực sông Mekong với kết quả là: tổng số dung tích lên tới 75 tỉ mét khối (m3),
chiếm 16% lưu lượng trung bình hàng năm của sông Mekong,[2]
lượng nước lưu trữ và tỉ lệ so với từng nước góp vào sông Mekong như sau:
_ Trung Quốc chiếm phần lớn nhất 43
tỉ mét khối (56%),
_ Lào 25 tỉ mét khối (15%),
_ Thái Lan 5 tỉ mét khối (6%)
_ Cam Bốt 1.8 tỉ mét khối (2%)
_ Việt Nam chỉ có 1 tỉ mét khối (1.5%).
Hình 4a (trái), những đập thủy điện dòng chính Sông Mekong: 11 con đập trên sông
Lancang-Mekong Vân Nam, TQ đã lưu trữ 43 tỉ m3 nước, sản xuất 21.300 MW điện; riêng Lào đang hiện thực giấc mơ trở thành “Bình
điện Á Châu / Asia’s Battery”, với 9 đập thủy điện dòng chính và vô số đập phụ lưu. Lào cũng lưu trữ 25 tỉ m3 nước. Riêng con đập Luang Prabang 1.410 MW do công
ty quốc doanh PetroVietnam là chủ đầu tư. [nguồn: Michael Buckley, Ngô Thế Vinh cập
nhật và ghi chú].
Hình 4b (phải), vùng xám là Lưu Vực Lớn Sông Mekong [GMS / Greater Mekong Subregion] diện tích: 795.000 km2, chiều dài chính: 4.400 km, dòng chảy trung bình: 15.000 m3 /giây. [nguồn: MRC Secretariat 2000].
Không phải chỉ có lượng nước, còn
thêm các yếu tố quan trọng hơn nữa là phương thức vận hành (operation) và
điều tiết (regulation) của các con đập ấy. Do lấy nước vào các hồ chứa
trong mùa mưa nên đã làm suy yếu dòng chảy của con sông Mekong, triệt tiêu sức
mạnh của nhịp lũ (flood pulse), để tạo được dòng chảy ngược (reverse flow) trên
con sông Tonlé Sap đưa nước vào Biển Hồ, vốn là
một hồ chứa nước ngọt thiên nhiên lớn nhất thế giới – như một trái tim
điều hòa và tiếp máu cho hai vùng châu thổ Tonlé Sap của Cambodia và ĐBSCL Việt
Nam. [2]
Với hậu quả nhãn tiền là:
thời điểm
con sông Tonlé Sap chảy
ngược vào Biển Hồ không những đến trễ hơn 3 tháng (2019) và cũng chấm dứt sớm hơn, chỉ còn có 3 tháng thay vì 5 tháng như trước đây. Rừng lũ / floodforest thiếu lũ
và cá không đủ thời gian để vào đẻ trứng và tăng trưởng... Cho nên các mùa thu
hoạch cá chưa bao giờ thấp đến như vậy.
Hình 5: (1) Thời kỳ trước đập (Pre-Dam Period): Diện tích Biển
Hồ co giãn theo hai mùa Mưa Nắng: Mùa Khô (trái) là hồ cạn chỉ với diện tích 2.500 km2; Mùa Mưa (phải),
từ tháng 5 đến tháng 9, do nước sông Mekong dũng mãnh đổ về,
con sông Tonlé Sap đổi chiều, chảy ngược vào Biển Hồ làm nước hồ dâng cao hơn
từ 8 tới 10 mét và tràn bờ và làm ngập các khu Rừng Lũ / flooded forest, diện tích Biển Hồ
tăng gấp 5 lần hơn, khoảng 12.000 km2. (2) Thời kỳ sau đập (Post-Dam Period): do các hồ chứa thượng nguồn lấy nước vào
mùa mưa, lưu lượng dưới nguồn bị giảm mạnh, sông Mekong mất nhịp lũ / flood pulse, khiến cho con sông Tonlé Sap không
còn duy trì được dòng chảy ngược, Biển Hồ thiếu nước, thiếu phù sa, thiếu cá –
được ví như một trái tim thiếu máu… ảnh hưởng tới hàng triệu cư dân sống trên
hai vùng châu thổ Tonlé Sap và ĐBSCL. [nguồn: bản đồ Tom Fawthrop; ghi chú Ngô Thế Vinh].
Từ 15 năm qua diện tích Biển Hồ ngày
càng bị thu hẹp; ước tính lượng nước từ sông Mekong thượng (upper Mekong) đổ
vào Biển Hồ đã giảm mất 30 tỉ m3/ năm – ảnh hưởng trầm trọng tới
nguồn nước, nguồn cá và cả thiếu phù sa
là nguồn phân bón thiên nhiên thiết yếu cho đất đai nông nghiệp.
Ngày Hội Nước Sẽ Trở Thành Quá Khứ: Không biết từ bao lâu rồi, Lễ Hội Nước Bon Om
Tuk có lẽ có từ thời vua Jayavarman VII thế kỷ
thứ XII, người có công xây dựng khu đền đài Angkor như một kỳ quan của thế
giới, và từ đó cứ hàng năm, khi vừa hết Mùa Mưa, mực nước sông Mekong bắt đầu
ổn định và con sông Tonlé Sap lại chảy xuôi dòng đem theo vô số tôm cá từ Biển
Hồ đổ vào các nhánh sông Mekong, xuống xa tới ĐBSCL. Đây cũng là thời điểm của
Ngày Hội Nước được tính theo tuần trăng vào khoảng tháng 11 diễn ra trước Hoàng
Cung, nơi bốn nhánh sông Mekong hội tụ, khu mà người Pháp gọi là Quatre
Bras*. Trong dịp lễ hội này, vua và hoàng hậu tới đây chung vui với
thần dân, và “Khai Mùa” cho ngư dân đánh cá, cho nông dân bắt đầu mùa gieo
trồng.
[*Quatre Bras, tiếng Pháp là bốn cánh
tay, tên Khmer là Chatomuk, là nơi hội tụ của 4 nhánh sông: nhánh thứ nhất từ
thượng nguồn là sông Mekong Thượng (1), tới Phnom Penh chia làm hai nhánh:
Mekong Hạ (2) và sông Bassac (3) là cánh tay thứ hai và thứ ba, cũng là sông
Tiền và sông Hậu khi chảy vào Việt Nam, còn cánh tay thứ tư là con sông nước
ngọt Tonlé Sap (4) bắt nguồn từ Biển Hồ. Đây cũng là nơi diễn ra Ngày Hội Nước
Bon Om Tuk vào khoảng tháng 11 hàng năm trước Hoàng Cung.]
Nhưng rồi những năm gần đây, theo tin báo Phnom Penh Post [31/10/2015] TT Hun Sen một lần nữa đã phải ký sắc lệnh huỷ bỏ ngày Lễ Hội Nước
dự trù tổ chức vào ngày 24 tới 26 tháng 11 "do mực nước sông quá thấp và
tình trạng hạn hán mà Vương quốc Cam Bốt đang phải đối đầu." Đây là lần
thứ tư trong vòng 5 năm chính phủ Hun Sen đã phải hủy bỏ Lễ Hội Nước truyền thống hàng năm, thường tụ hội hàng mấy trăm ngàn người đổ về thủ đô Nam Vang
để tham dự lễ hội đua thuyền trên sông Tonlé Sap.
Như một nhịp điệu có từ ngàn năm, với con Sông Tonlé Sap chảy hai chiều -- một hiện tượng thiên nhiên được coi như kỳ quan của thế giới, rồi ra sẽ không còn nữa
và trở thành truyện cổ tích cho các thế hệ mai sau của đất nước Khmer.
2/ _ Các Hồ
Chứa Cắt Giảm Hơn 65% Lượng Phù Sa:
Trước năm 1992 khi chưa có nhiều
thủy điện, trung bình hàng năm qua hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, sông Mekong
đổ ra Biển Đông 166.7 Mt/ năm phù
sa ((Mt/
Megatone: triệu tấn)), từ năm 1993 do các hồ chứa trên thượng nguồn đã chắn
giữ lại một số lượng lớn phù sa, tới thời điểm 2020, lượng phù sa ấy đã giảm
xuống chỉ còn 57.6 Mt/ năm, giảm 65% và tới năm 2040 có lẽ sẽ
không còn lượng phù sa đáng kể nào từ con sông Mekong đổ ra biển.[4]
Tình trạng ngăn chặn phù sa trong
các hồ chứa không chỉ làm mất
nguồn dinh dưỡng cho đất; dòng chảy “đói phù sa” (hungry water) còn gây ra “một tiến trình đảo ngược”, thay vì vùng châu
thổ ĐBSCL được bồi đắp thêm đất thì nay dòng chảy lại nạo vét sỏi cát phù sa
dưới lòng sông (riverbed incision), gây xói mòn sạt lở suốt dọc hai bên bờ sông
và cả các vùng đất duyên hải. Hậu quả là một ĐBSCL đang mất đất, và mũi Cà Mau thì đang bị cắt lẹm mỗi năm. Theo ước tính của TS Lê
Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu Đại học Cần Thơ
thì mỗi năm ĐBSCL đã mất đi hơn 600 hectares đất do sạt lở. Và do không có dòng chảy
mạnh với phù sa để chắn sóng, khiến nước biển ngày càng lấn sâu và xa thêm vào trong
đất liền.
3/ _ Lượng Nước
Quan Trọng Từ Các Phụ Lưu Sông Mekong
Nước sông Mekong không chỉ từ nguồn
tuyết tan trên Cao nguyên Tây Tạng, mà phần nước từ các phụ lưu đổ vào cũng rất
quan trọng. Theo tường trình từ Ủy Hội Sông Mekong (MRC) thì tỉ lệ trung bình
hàng năm phần góp nước từ các phụ lưu theo mỗi quốc gia như sau:
Trung Quốc 16%, Lào là lớn nhất 35%,
rồi tới Thái Lan 18%, Cambodia 18%, Việt Nam 11%, Myanmar là ít nhất 2%.
Mối Hiểm Nguy
Mạng Lưới Đập Phụ Lưu: Nam Ngum 150 MW có thể được xem là con đập thủy điện phụ lưu
đầu tiên của Lào và được hoàn tất rất sớm 1971 giữa giông bão của cuộc chiến
tranh Việt Nam.
Trước khi Lào và Cambodia có kế
hoạch thực hiện dự án 12 con đập dòng chính hạ lưu, thì Lào, Cambodia, Việt
Nam, Thái Lan đã và đang liên tục xây những đập phụ lưu. Thái Lan với đập Pak Mun 136 MW (1994) trên sông Mun, Việt Nam
với con đập Yali Falls 720 MW (1996) cùng với các con đập phụ lưu khác trên sông Sesan
và Seprok trên Cao nguyên Trung phần, Lào thì từ sau con đập Nam Ngum (1971),
đã xây thêm nhiều con đập phụ lưu khác như: Nam Theun-Hinboun 210 MW trung Lào,
Nam Leuk 60 MW trong vùng Bảo tồn Sinh thái tỉnh Vạn Tượng, Nam Theun 2 lớn
nhất 900 MW trung Lào, Houay Ho 150 MW giữa hai tỉnh Champassak và Attapeu nam
Lào, Xe Pian-Xe Namnoy 438 MW trên cao nguyên Bolovens đông nam Lào, Xe Kaman 1.468 MW tỉnh
Attapeu cực đông nam.
Việt Nam tuy đứng hàng thứ 5 trong 6
nước, nhưng cũng đã xây những đập thủy
điện trên khắp các phụ lưu sông Mekong trên Cao nguyên Trung phần; Việt Nam còn là một thành viên đầu tư vào dự án
Mekong của Lào và Cam Bốt như vậy, Việt Nam không phải là hoàn toàn vô can, “bàn
tay cũng đã tự nguyện nhúng chàm” góp phần trực tiếp gây biến đổi lưu lượng
và cả sút giảm phù sa trên dòng chính con sông Mekong.
Cùng với các
con đập dòng chính Mekong, mạng lưới những con đập phụ lưu cũng có ảnh hưởng
tích lũy đáng kể
đối với tình trạng dòng chảy, lượng phù sa và nguồn cá lưu vực sông Mekong.
Hình 6: Nam Ngum, con đập phụ lưu đầu tiên của Lào, biểu ngữ giăng ngang con đập đánh dấu 25 năm thống nhất nước Lào. Hiện đang có một dự án độ phá trên mặt hồ đập Nam Ngum-1, xây dựng giàn điện mặt
trời nổi 1.200 MW nếu hoàn thành sớm có thể coi như lớn nhất thế giới.” [nguồn:
photo by Ngô Thế Vinh 2000]
Đập Phụ Lưu Hạ
Sesan-2: Cùng với các con đập dòng chính Mekong,
mạng lưới những con đập phụ lưu - điển hình là con đập phụ lưu Hạ Sesan 2 (Lower Sesan 2) đã có ảnh hưởng tích lũy đáng kể đối với tình trạng
dòng chảy, lượng phù sa và nguồn cá lưu vực sông Mekong.
Con đập phụ
lưu Hạ Sesan 2 gây ảnh
hưởng nghiêm trọng hơn cả do nằm dưới điểm hợp lưu của hai con sông Sesan và Srepok. 3S là
tên hệ thống 3 con sông phụ lưu lớn sông Mekong: Sekong, Sesan, Srepok cùng đổ
vào dòng chính sông Mekong nơi tỉnh Stung Treng, đông bắc Cam Bốt.
Đập Hạ Sesan 2
với chiều cao 75 m, diện tích hồ chứa 340 km2 (gần bằng nửa diện tích đảo quốc
Singapore), công suất 400 MW. Điện Lực Việt Nam (EVN/ Electricity of Vietnam) đã góp 10% cổ phần trong
số 816 triệu MK, phần còn lại là của Nhóm Hoàng Gia Cam Bốt (Cambodia's
Royal Group) và Công ty Năng lượng Lan Thương Trung Quốc (HydroLangcang
International Energy Co., Ltd). Lại vẫn Trung Quốc, ngoài chuỗi đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam,
nay cánh tay TQ nối dài xuống xa tới cả những con đập phụ lưu hạ nguồn.
Hình 7: Mạng Lưới 3S,
ba sông phụ lưu: Sekong, Sesan, Srepok
cùng hội tụ đổ vào dòng chính sông Mekong [nguồn: Decarboni]
Hình 8: Công ty quốc doanh Điện Lực Việt Nam (EVN / Electricity of Vietnam) cũng chung sức xây đập thuỷ điện Hạ Sesan 2 như hành động
cầm súng bắn vào chân mình [nguồn: Decarboni]
Cư dân
Cam Bốt sống trong vùng xây đập Hạ Sesan 2 đã cùng với Nhóm Bảo vệ 3
Dòng Sông (3S Rivers Protection Network), đã viết thư lên Quốc Hội Cam Bốt phản đối con đập, và họ cũng
kéo nhau lên tới thủ đô Phnom Penh biểu tình tạo áp lực nhưng đã không đưa
tới một kết quả nào.
Trước những
tác hại hiển nhiên của con đập Hạ Sesan 2 trên ĐBSCL: biến đổi dòng chảy, mất
nguồn nước, mất nguồn phù sa và cá... Việt Nam không những đã
không có tiếng nói ngăn chặn phản đối mà còn góp vốn cho Cam Bốt thực hiện dự
án tai hại ấy, có thể ví như một hành động cầm súng tự bắn vào chân mình / shoot oneself in the foot.
Nguồn Nước Sông
Mekong Theo Mùa: nếu tính theo mùa, thì vào mùa khô do tuyết tan nhiều hơn
trên Cao nguyên Tây Tạng, lượng nước từ khúc sông Lancang-Mekong Vân Nam đổ qua
Lào xuống tới Vạn Tượng chiếm tới 80%, và xuống tới tỉnh Kratié đông bắc
Cambodia là tới 40%. [2]
Khi Trung Quốc hoàn tất 11 con đập
dòng chính trên khúc sông Lancang-Mekong, và chỉ riêng với hai con đập lớn nhất
như hai con khủng long Nọa Trác
Độ (Nuozhadu, 2014) 5.850 MW với hồ chứa lớn nhất và Tiểu Loan (Xiaowan, 2010)
4.200 MW là con đập cao nhất – theo Fred Pearce, Đại
học Yale, thì “sông Mekong đã trở thành “tháp nước và nhà máy phát điện của
Trung Quốc”. Philip Hirsch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sông Mekong Đại
học Sydney đưa ra nhận định “Hai con đập Nọa Trác Độ và Tiểu Loan sẽ ảnh hưởng
trên suốt dòng chảy của con sông Mekong xuống tới tận ĐBSCL của Việt Nam.”
Không thể không kể tới những yếu
tố hủy hoại khác từ Trung Quốc: phá những khu rừng nguyên sinh
(deforestation); dùng chất nổ dynamite khai thông các khúc sông ghềnh
thác, vốn là sinh cảnh (habitats) thiết yếu của các loài cá, ảnh hưởng nghiêm trọng trên sự cân bằng thủy
học, gây sụp lở bờ sông cùng phá hủy các loại hoa màu trồng ven sông, với mục đích chỉ để mở rộng lòng sông cho các con tàu lớn
Trung Quốc dễ dàng đi xuống phương nam.
Với hơn 40 tỉ mét khối nước dự trữ
trong các hồ chứa khổng lồ Vân Nam, Trung Quốc có trong tay thứ “vũ khí nước”
đầy quyền lực để giáng cho các nước nhỏ Mekong “những bài học”. Và trong
thầm lặng, Trung Quốc đã phát động một “cuộc chiến môi sinh” mà không cần tuyên
chiến.
VẪN MỘT ĐIỆP
KHÚC NGỤY BIỆN CỦA TRUNG QUỐC
Ngay từ thập niên 1990, khi chỉ mới
có con đập dòng chính đầu tiên Mạn Loan (Manwan) 1.500 MW (1993), trong suốt
bao nhiêu năm sau đó, như một điệp khúc, các học giả Trung Quốc luôn luôn ngụy
biện cho rằng: “Các con đập thủy điện Vân Nam đã giúp tăng dòng chảy trong
mùa khô làm giảm hạn nơi các quốc gia hạ nguồn, như vậy các con đập Trung Quốc
chỉ có lợi !” [sic]
Đã thế, mà vẫn có những vị khoa bảng
người Việt, cũng chỉ dựa trên lý luận thô thiển ấy với con số 16% lưu lượng
trung bình/ năm từ khúc sông Lancang-Mekong Vân Nam để bảo rằng tác hại của
chuỗi đập thuỷ điện bậc thềm Vân Nam / Mekong Cascades là không đang kể và đừng
có đổ lỗi cho Trung Quốc! [sic]
KS Phạm Phan Long, trong một bài viết
trên VOA, đã nhận định: “Do Biến đổi Khí Hậu, mưa ít
dần nơi lưu vực trên là có thật, nhưng hạn hán tới sớm hơn và khắc nghiệt hơn
khi thiếu mưa là do trữ nước
vào các hồ chứa thủy điện, chính chúng có khả năng gây
ra hạn hán cả khi có mưa, chưa kể vào những năm ít mưa, lại vẫn tích trữ nước gây hạn hán càng thêm kinh khủng.”
Hình 9a: Mạn Loan (Manwan) 1.500
MW, là con đập lịch sử, con đập thủy điện dòng chính
đầu tiên (1993) trên sông Lancang-Mekong, Vân Nam. Ngô Thế Vinh 09/2002 đứng
bên chân con đập Manwan. Hàng chữ Hán phía trên đập: Mạn Loan Điện Xưởng 漫湾电厂 . [tư liệu Ngô Thế Vinh, Việt Ecology Foundation]
Hình 9b: Nọa Trác Độ (Nuozhadu) 5.850 MW, con đập dòng
chính lớn nhất (2014) trên sông Lancang-Mekong, Vân Nam. Hàng chữ đỏ bên trái: “Hoa Năng Nọa Trát Độ thủy điện trạm” [Trạm
thủy điện Nọa Trát Độ của công ty Hoa Năng / Huaneng Power International,
Ltd.”]; Hàng chữ trắng bên phải tấm hình: “Năng nguyên vu thủy -- Hữu dung nãi đại” (Khả năng bắt nguồn từ nước -- Có sức chứa sẽ thành lớn). [photo by Ying Qiu, International River]
Và như đã phân tích, chuỗi tác
hại không đơn giản chỉ có yếu tố nước, [mà nguồn nước ấy cũng rất “bất
trắc” do Trung Quốc “tùy tiện” xả ra trong mùa khô từ các con đập thượng nguồn],
mà còn phải kể tới những yếu tố “sinh tử” khác như: (1) phá vỡ
chu kỳ dòng chảy thiên nhiên của con sông Mekong, (2) triệt tiêu nhịp lũ
– flood pulse trong mùa mưa khiến không còn dòng chảy ngược trên con sông Tonlé
Sap tiếp nước cho Biển Hồ -- cũng là trái tim tiếp máu cho hai vùng châu thổ
Tonlé Sap và ĐBSCL, (3) làm mất nguồn phù sa, mất nguồn dinh
dưỡng cho đất canh tác, gây sạt lở hai bên bờ sông và cả vùng duyên hải khiến
mất đất và diện tích vùng châu thổ ĐBSCL
ngày một teo quắt lại, (4) lưu lượng hàng năm trên 2 con sông Tiền sông
Hậu ngày một xuống thấp, dòng chảy không còn phù sa tỷ trọng thấp khi đổ ra
Biển Đông rất yếu, không có khả năng chắn sóng khiến nạn ngập mặn ngày càng lấn
sâu và lấn xa vào vùng châu thổ… Chưa kể tới yếu tố kép: đất lún do lạm dụng
khai thác các tầng nước ngầm. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, tốt nghiệp Đại học Wisconsin, một chuyên
gia sinh
thái vùng đất ngập (wetlands) đã đưa ra những con số báo động (2017): "Nông
thôn vùng sông nước Cửu Long bây giờ toàn xài nước ngầm; có khoảng 1 triệu giếng
khoan mỗi ngày rút lên 2 triệu m3/ngày, dùng cho sinh hoạt đủ thứ, vậy nên ĐBSCL
đang bị sụt lún nhanh gấp 10 lần nước biển dâng do biến đổi khí hậu."
Tới tháng 3/2022, theo Tổng Cục Thủy Lợi, việc khai thác nước ngầm nơi ĐBSCL đã tăng lên với 2
triệu giếng khoan, mỗi ngày rút lên 2,5 triệu m3/ngày, và 40%
lượng nước ngầm ấy phục vụ cho sinh hoạt, phần còn lại cho sản xuất nông nghiệp
và công nghiệp.[5]
Từ sau 1975, những dự án
trọng điểm của nhà nước CS Việt Nam được cổ xuý là để "cải tạo" ĐBSCL, nhưng thực tế đã chứng minh là gây tác hại nhiều hơn. Đó là những hủy hoại
mang tính tích lũy. Và kết luận dễ dàng nhất để rũ bỏ mọi trách nhiệm là đổ lỗi cho Mẹ
Thiên nhiên, cho Biến đổi Khí hậu mà không kể tới một những hậu quả tích lũy của những
yếu tố nhân tai, do chính con người gây ra do sự vô cảm và chạy theo các nhóm lợi ích của giới cầm quyền Hà Nội.
Hình 10: Với hơn 600 km bờ sông các tỉnh Miền Tây đang bị sạt lở; hình trái, Sông Hậu tỉnh An Giang với nhiều khúc bờ sông bị sạt lở do nhiều yếu tố nhân tai: mất lượng
phù sa do hồ chứa nơi những con đập thủy điện thượng nguồn, nạn phá
rừng, nạo vét lòng sông khắp nơi để khai thác cát. [VN Express 15.05.2017]; hình phải, bờ Sông Hậu sạt lở nơi huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng
Tháp. [photo by
PanNature VN 2009]
Người dân Việt Nam đang phải chứng
kiến một kịch bản ảm đạm, như một cuốn phim quay chậm, một “Đồng Bằng Sông Cửu Long còn rất non trẻ đang từ từ tan rã – cùng với cả một nền Văn Minh Miệt
Vườn cũng chỉ mới hơn 300 năm tuổi”.
NGÔ THẾ VINH
Columbus Day,
10/10/2022
Tham
khảo:
1/ Cambodian Mega Dam’s
Resurrection on the Mekong “The Beginning of the End”. Gerald Flynn, Nehru Pry,15
Sept. 2022
2/ Thủy Điện Lancang-Mekong gây khát nước và đói
phù sa cho Đồng Bằng Sông Cửu Long cách nào?
Phạm Phan Long, PE., Viet Ecology Foundation, 20.03.2020 http://vietecology.org/article/article/2382
3/ Mặt Trời Trên Biển Hồ Cứu Dòng
Mekong. Phạm Phan Long, PE, Viet Ecology Foundation,
15.12.2019 http://vietecology.org/article/article/1351
4/ Effects of riverbed incision on the hydrology of the Vietnamese Mekong
Delta. Doan
Van Binh, et al. First published: 02 January 2021, https://doi.org/10.1002/hyp.14030
5/ Vũ Khí Giải Cứu Sông
Mekong: Chất Xám và Tiếng Nói. Phóng viên Môi sinh Lê Quỳnh, báo Người Đô Thị
phỏng vấn BS Ngô Thế Vinh 25/04/2016.
https://quynhmon.wordpress.com/2016/04/25/vu-khi-giai-cuu-mekong-chat-xam-va-tieng-noi/
6/ Ứng phó sụt lún đất ở vùng Đồng
bằng Sông Cửu Long. Tổng Cục Thuỷ Lợi 13/03/2022.
http://www.tongcucthuyloi.gov.vn/tin-tong-hop/ung-pho-sut-lun-dat-o-vung-dong-bang-6260