Gửi ngót 20 triệu cư dân ĐBSCL
không được quyền có tiếng nói
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
NGÔ THẾ VINH
順天者存,逆天者亡
Thuận thiên giả tồn,
nghịch thiên giả vong
Thuận với thiên nhiên thì còn.
Nghịch với thiên nhiên thì mất. [Mạnh Tử]
“Kế hoạch phát triển nào cũng phải tính tới
cái giá môi sinh phải trả – environmental costs – đối với sức khoẻ của người dân và cả
trên nguồn tài nguyên lâu dài của đất nước.” Ngô Thế Vinh
*
Lời Dẫn Nhập: Trong lịch sử cận đại,
kể từ sau 1975, cụm từ “cải tạo” của người Cộng Sản Việt Nam, trong mọi lãnh
vực, hàm chứa một nội dung tồi tệ nhất, chỉ có ý nghĩa độc ác, tha hoá con
người, huỷ hoại môi sinh, làm cạn kiệt mọi nguồn tài nguyên, và để lại một đất
nước không có tương lai. Đây là bài thứ 2 viết về 48 năm cải tạo Đồng Bằng Sông
Cửu Long của nhà nước CS Việt Nam đã và đang phá huỷ cả một vùng châu thổ phì
nhiêu nhất Châu Á và cũng là của thế giới, và làm nghèo cả một đất nước ra sao.
BÀI HỌC VỠ LÒNG: DÒNG CHẢY SINH THÁI (1)
Câu nói dân gian của ông
bà từ các thế hệ khai phá đất phương Nam đã trối trăng lại cho con cháu là làm
gì thì làm, nhưng nhứt định không được “ngăn sông cấm
chợ” vì nó trái với tinh thần tự do phóng khoáng của người dân
ĐBSCL. [TS Dương Văn Ni, ĐH Cần Thơ].
Ngay cả với giới khoa học môi trường, khái niệm về “Dòng Chảy Sinh Thái” không mới.
Trước thập niên 1950s, hầu như mọi mối quan tâm đều tập trung vào khai thác tiềm năng nguồn nước từ các dòng sông để phát triển, dẫn tới việc xây dựng ồ ạt các đập thuỷ điện và đổi dòng những con sông lớn nhỏ trên khắp hành tinh này.
Sang đến thập niên 1970s, người ta mới bắt đầu nhận ra những hậu quả tác hại của những con đập trên các dòng sông do những bước phát triển không bền vững ấy – unsustainable development – đặc biệt là sự suy thoái phẩm chất nguồn nước và tác động tiêu cực tới hệ sinh thái nên đã quan tâm sửa chữa.
Tới thập niên 1990s, tầm quan trọng của chế độ thuỷ văn tự nhiên – dòng chảy (flow regime) rất được quan tâm, và được coi như một “chỉ dấu lành mạnh” của dòng sông với toàn thể hệ sinh thái nước ngọt (healthy freshwater ecosystems).
Tại những quốc gia tiên tiến, với sửa sai kịp thời, người ta đã đạt được một số cải thiện về phẩm chất nước, nhưng tính đa dạng sinh học của nguồn nước vẫn còn bị suy thoái. Vậy nguyên nhân chính của thiếu sót ấy là gì?
Đó là: “dòng chảy – flow, được coi là biến số chủ yếu – master variable” ảnh hưởng trên mọi biến số khác như: phẩm chất nước, chu kỳ năng lượng (energy cycle), môi trường sống (physical habitat), và những ảnh hưởng tương tác sinh học (biotic intereactions) – để cùng điều hoà các hệ sinh thái nước ngọt (freshwater ecological systems). [Karr 1991, Poff et al 1997]. (1)
Hình 1: Dòng chảy sinh thái được hiểu như dòng chảy với lượng nước và phẩm chất nước của con sông chảy thông suốt qua thời gian. Sự đo lường này được căn cứ trên toàn thể lượng và phẩm chất của dòng chảy nhằm duy trì một hệ sinh thái nước ngọt thiết yếu cho sự sống và con người phụ thuộc vào. Dòng chảy sinh thái với 5 yếu tố cần được quan tâm: (1) Thuỷ học; (2) Sinh học; (3) Phẩm chất nước; (4) Liên hệ với đất đai; (5) Cấu trúc địa hình. https://www.alberta.ca/about-environmental-flows.aspx (1)
Người ta đã bắt đầu nêu ra tiêu chuẩn về dòng chảy tối thiểu (minimum flows) để làm loãng ô nhiễm (pollution dilution), giữ cho dòng sông ít bị tổn thương để bảo vệ sinh hoạt dân cư và các loài cá cùng những sinh vật sống dưới nước.
Nếu “biến số chủ yếu / master variable là dòng chảy” không được duy trì và chỉ điều chỉnh vài biến số khác là hoàn toàn không đủ để phục hồi một hệ sinh thái lành mạnh.
Những biến đổi do con người gây ra (anthropogenic alterations) trên “chế độ dòng chảy thiên nhiên” là nguyên nhân khủng khoảng tính đa dạng sinh học của hệ thống nước ngọt toàn cầu hiện nay, đó là: các cống ngăn chặn dòng chảy, các con đập, sự đổi dòng lấy nước, xả nước thải vào nguồn nước, khai thác đất đai và biến đổi khí hậu.
Duy trì dòng chảy sinh thái cần tới những phương thức nhất quán và giao thoa (interdisciplinary) với nhiều lãnh vực. Tổ chức Bảo Tồn Thiên Nhiên / The Nature Conservancy khuyên nên dùng một “khung bậc – hierarchical framework” để phát hiện mẫu của dòng chảy nhằm mau chóng áp dụng các biện pháp quản trị thích nghi (adaptive management of flow). (1)
Một cách khái quát, có thể định nghĩa Dòng Chảy Sinh Thái của sông Mekong-Cửu Long dài 4.800 km chảy qua 7 quốc gia (Tây Tạng được kể là một quốc gia ) như sau:
“Mekong – Cửu Long là mạch sống, để bảo vệ mạch sống ấy là duy trì một
“dòng chảy sinh thái – environmental
flow, cần thiết để bảo vệ lưu vực như một toàn
thể hệ sinh thái lành mạnh và bền vững”, cụ thể hơn là duy trì một chế độ dòng chảy với nguồn nước sạch với phù
sa, nuôi dưỡng một hệ thủy sinh (tôm cá, rong tảo và các vi sinh vật) và một
nền canh nông phong phú (lúa gạo, cây trái), đó là nguồn lương thực thiết yếu,
và cũng là bảo vệ những nền văn hóa ven sông của 70 triệu dân đang sống trong
lưu vực.”
CHUỖI ĐẬP THUỶ ĐIỆN THƯỢNG NGUỒN SÔNG MEKONG
Hẳn
mọi người không quên, là tuy đã bước sang cuối thập niên thứ hai của Thế Kỷ 21 (2017),
mà TS Phạm Tuấn Phan,
sinh quán Hà Nội, có bằng tiến sĩ vật lý và điện toán Đại học Belarus thuộc khối Liên Xô cũ, nguyên Giám đốc Điều hành Ban Thư ký Uỷ hội Sông Mekong (CEO / MRC
Secretariat) nhiệm kỳ 2016-2018, là người bản địa
đầu tiên trong lưu vực được vinh dự đảm trách chức vụ quan trọng và danh giá
này, mang hai căn cước: một công dân Việt
Nam và một công dân Mekong.
Tại Diễn đàn Khu vực họp tại Luang Prabang ngày 22/02/2017, liên quan tới Dự án thuỷ điện
Pak Beng 912 MW,
con đập dòng chính (mainstream dam) thứ ba của Lào, khi trao đổi với
nhóm nhà báo – trong đó có phóng viên
môi sinh Lê Quỳnh, báo Người Đô Thị,
TS Phạm Tuấn Phan đã mạnh
mẽ phát biểu: "Thuỷ điện không khiến dòng Sông Mekong sẽ chết. Tôi nghĩ chúng
ta nên hiểu rõ điều này trước đã". Chắc chắn ông Phan sẽ không nói câu đó
nếu ông hiểu được một điều rất cơ
bản: thế nào là “Dòng
chảy Sinh Thái” để giữ cho con sông Mekong không chết.
[Hình 2]
Phát biểu của ông Phạm Tuấn Phan trong vai trò lãnh đạo Uỷ
Hội Sông Mekong / Mekong River Commission, một tổ chức liên quốc gia [Lào, Thái
Lan, Cambodia, Việt Nam] không
những lỗi thời, thiếu cơ sở khoa học, đi ngược lại quan điểm của bao nhiêu tổ
chức bảo vệ môi sinh quốc tế và ngay trong lưu vực sông Mekong từ nhiều năm nay. Quan điểm sai trái
của TS Phạm Tuấn Phan đã gây tác hại cho
nỗ lực bảo vệ sông
Mekong bấy lâu và cả rất thiếu trách nhiệm với các cộng đồng cư dân ven sông,
trong đó có ngót 20 triệu cư dân trên chính vùng đất mẹ của ông, nơi mà “những người
nông dân ĐBSCL đang khốn đốn muốn chết", và một số không ít – ngót 2 triệu
người, đã rời bỏ quê hương đi tha phương cầu thực là điều rất dễ thấy.
Hình 2: phải,
tại Diễn
đàn Khu vực họp
tại Luang Prabang ngày 22/02/2017 liên quan tới Dự án thuỷ điện Pak Beng – con đập thượng nguồn dòng chính thứ ba của Lào, khi trao đổi với nhóm nhà báo,
trong đó có phóng
viên môi sinh Lê Quỳnh (5), báo Người Đô Thị (người cầm máy ghi âm), ông Phạm Tuấn Phan Giám đốc Điều hành Ban Thư ký Uỷ hội sông Mekong đã mạnh mẽ phát
biểu: "Thuỷ điện không khiến dòng sông Mekong sẽ chết. Tôi nghĩ chúng ta
nên hiểu rõ điều này trước đã." Chắc
chắn ông Phạm Tuấn Phan sẽ không nói câu đó nếu ông hiểu thế nào là “Dòng chảy
Sinh Thái” để giữ cho con sông Mekong không chết [Photo by Thiện Ý]; trái, phóng viên môi sinh Lê Quỳnh, trên khúc sông
Mekong Bắc Lào. [nguồn: Earth Journalism Network, 2017]
Từ ngót ba thập niên qua, người viết và Nhóm Bạn Cửu Long (5) đã không ngừng lên tiếng về mối nguy cơ từ những con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam (Lancang-Mekong Cascades) của Trung Quốc, tiếp theo đó là chuỗi 9 con đập thuỷ điện dòng chính của Lào, rồi tới 2 dự án đập của Cambodia, tác hại trên toàn hệ sinh thái lưu vực Sông Mekong và ĐBSCL ra sao, như: làm nghẽn dòng chảy, mất lưu lượng nước, mất nguồn phù sa nơi các hồ chứa thượng nguồn, đã dẫn tới một tiến trình đảo ngược nơi ĐBSCL, thay vì được bồi đắp như bấy lâu thì nay đang dần dần tan rã, với các bờ sông và bờ biển bị sạt lở và mũi Cà Mau thì bị cắt lẹm mất đất 600 ha mỗi năm.
Kể từ ngày Ngoại trưởng nhà nước Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm phạm phải
một sai lầm chiến lược khi đặt bút ký Hiệp định Uỷ hội sông Mekong / MRC / Mekong River Commission năm 1995 từ
bỏ quyền phủ quyết [veto power] vốn đã có trong Hiệp ước Uỷ Ban Sông
Mekong / Mekong River Committee từ năm 1957 thời Việt Nam Cộng Hoà.
Thực tế cho thấy trong ngót nửa thế kỷ qua, Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, đã hoàn toàn bất lực, không những không làm gì được để ngăn chặn bất cứ một dự án thuỷ điện nào phía thượng lưu – mà còn phải kể thêm là chính các công ty
quốc doanh Việt
Nam – trên thực tế là các nhóm lợi ích, đã đồng loã góp
tay góp vốn xây dựng một số đập thuỷ điện ở Lào và Cambodia, thúc đẩy thêm cho quá trình tự huỷ hoại ấy.
_ Tại Lào: Công ty quốc doanh Dầu khí
Việt Nam (PVPC / PetroVietnam
Power Co.) đã được chính nhà nước CS Việt Nam bật đèn xanh cho đem
vốn sang làm chủ đầu tư cho con đập dòng chính Luang Prabang 1.460 MW lớn nhất trên lãnh thổ Lào, mà ai cũng
biết con đập thượng nguồn ấy có tác dụng huỷ hoại mau chóng hơn cả một hệ sinh thái ĐBSCL vốn đã
mong manh, với cái giá kinh tế và xã hội rất cao mà 20 triệu dân của 13 tỉnh Miền Tây sẽ phải gánh trả,
với ảnh hưởng trực tiếp trên luống cày, trên từng ngụm nước uống, và cả trên
chén cơm tô cá của họ. [KS Phạm Phan Long, Việt Ecology Foundation] (6) [Hình 3 a]
_ Tại Cambodia: Công ty Quốc doanh Điện Lực Việt Nam/
EVN (Electricity
of Vietnam) đã góp 10% cổ phần
trong số 816 triệu MK, để xây dựng con đập phụ lưu
Hạ Sesan-2 (Lower Sesan 2) 400 MW lớn nhất của Cambodia, phần còn lại là của
Nhóm Hoàng Gia Cam Bốt / Cambodia Royal Group và Công ty Năng
lượng Lan Thương Trung Quốc/ Hydrolangcang International Energy
Co., Ltd.
Lại vẫn Trung Quốc, ngoài chuỗi đập bậc thềm Vân Nam, nay cánh tay TQ nối dài
xuống xa tới cả những con đập phụ lưu hạ nguồn. [Hình 3 b]
Hình 3: Các công
ty quốc doanh của nhà nước CSVN kết hợp với các nhóm lợi ích – bất kể đạo lý,
đi tìm nguồn lợi nhuận bất cứ ở đâu – cho dù có hại cho đất nước mình ra sao. Trái, công ty
quốc doanh Dầu khí PetroVietnam là chủ đầu tư con đập Luang Prabang 1.460 MW,
con đập thuỷ điện dòng chính lớn nhất của Lào. (6) [nguồn: Michael
Buckley]. Phải, công ty quốc doanh Điện lực Việt Nam / EVN góp vốn góp công
vào dự án Hạ-Sesan-2 (LS2) 400 MW, đập thuỷ điện phụ lưu lớn nhất của Cambodia
đã ảnh hưởng tác hại trực tiếp tới
ĐBSCL, Việt Nam. [nguồn: Decarboni]
Câu hỏi được đặt ra là tại sao nhà nước CS Việt Nam không thể không biết nhưng họ vẫn coi nhẹ những tổn
thất môi sinh và xã hội như thế. Câu trả lời rõ ràng: khi mà giới lãnh đạo Hà Nội có toàn quyền quyết
định, lại được các nhóm lợi ích chia chác cho hưởng
lợi, trong khi người dân không được phép có tiếng nói và phải gánh chịu mọi tổn
thất và cả di luỵ cho các thế hệ tương lai.
Hình 4: Cảnh
khô hạn nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long. Và mọi người vẫn không quên sự kiện đau lòng, vào cuối tháng 3 năm 2016, nguyên TT Nguyễn Tấn Dũng đã phải vô vọng kêu cứu Trung Quốc xả nước từ đập
thuỷ điện Cảnh Hồng / Jinghong Dam để cứu hạn cho ĐBSCL, nhưng vô ích
và đó cũng chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. [nguồn: VNExpress 03.11.2016]
Trước nguy cơ: mất dòng chảy, mất nguồn nước ngọt, mất phù sa, và cả một
vùng châu thổ phì nhiêu là ĐBSCL đang bị lún dần và chìm trong biển mặn, hậu duệ của những thế hệ dũng mãnh
tiên phong khai phá trong cuộc Nam Tiến cách đây mới hơn ba trăm năm, nay đang bị tê liệt, không được quyền cất tiếng nói và
phải tủi nhục chấp nhận lùi bước trước thảm hoạ có thể bị xoá đi cả một nền Văn Minh Miệt
Vườn và trong một tương lai không xa, có thể vào thế kỷ tới nếu không có được
một giải pháp cứu nguy tức thời. Rồi ra sẽ có những đợt tỵ nạn môi sinh (ecological
refugees) lớn
hơn, trên tầm vóc quốc
gia, vào giữa thế kỷ 21 này.
LÃNH ĐẠO TỪ MIỀN BẮC
Cả ba miền Bắc Trung
Nam đâu có thiếu nhân tài, nhưng do từ nhân cách và tính độc lập của họ, đã
khiến những tài năng và nguồn chất xám ấy đã bị thể chế hy sinh một cách không
thương tiếc.
Từ ngày Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn [NN & PTNT] được chính thức thành lập từ 1995, trải qua 4 đời Bộ trưởng đều có gốc gác từ Miền Bắc:
_
Lê Huy Ngọ, Thanh Hoá, Bắc phần, 1997-2004
_
Cao Đức Phát, Nam Định, Bắc phần,
2004-2016
_ Nguyễn Xuân Cường, Hà Tây, Bắc phần, 2016-2021
Trong suốt khoảng
thời gian đó, có thể nói ĐBSCL – một hệ
sinh thái mong manh có thể ví như một cơ
thể sống, đã bị các lãnh đạo từ ngoài Bắc vào không ngừng chặt chém bằng những con
dao mổ trâu.
Chỉ mới đây thôi, từ
tháng 4 năm 2021, lần đầu tiên Việt Nam có một Bộ Trưởng Bộ NN & PTNT gốc
gác từ Miền Nam: ThS Lê Minh Hoan, tốt nghiệp ĐH Kiến Trúc – ông là đứa con thứ
sáu, sinh ra và lớn lên trên vùng Đất Sen Đồng Tháp, nên ông còn có một tên gọi
khác là Chú “Sáu Sen – Six Lotus”. Chưa bao giờ như lúc này, ĐBSCL cần
tới một khuôn mặt lãnh đạo mới, với ý tưởng mới để kịp thời vực dậy cả một vùng
châu thổ đang chết dần.
GS Võ Tòng Xuân là
người vui mừng trước tin này. Trao
đổi với phóng viên Dân Việt 08/04/2021, Doctor Rice VTX đã nhận định: “Tân Bộ trưởng Bộ NN & PTNT là người tài, nhiệt tình, có cái
nhìn sâu rộng, đặc biệt là rất thành thạo về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở
vùng ĐBSCL”, và GS Võ Tòng Xuân đã hiến kế cho BT Lê Minh Hoan nên thành lập nhóm tư vấn
riêng cho mình. "Nhóm tư vấn này là những người có chuyên môn, nhà
khoa học, có
nhiệm vụ hỗ trợ, nghiên cứu, kiến nghị các vấn đề có liên quan, giúp BT Bộ NN & PTNT có quyết sách chính xác, rõ ràng,
cụ thể đưa ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển."
Nói về một nhóm tư vấn, thì nguồn chất xám ấy không ở đâu xa, người viết nghĩ
ngay tới Nhóm Nghiên Cứu Đại Học Cần Thơ với công trình “Đánh giá Các Hệ
thống Ngăn Mặn Vùng Ven Biên Châu Thổ Cửu Long & Dự án Thuỷ Lợi Sông Cái
Lớn – Cái Bé (06/9/2018), bao gồm những tên tuổi rất quen thuộc từ Đại Học Cần Thơ: TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện
Nghiên cứu Biến Đổi Khí Hậu, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái, TS Dương Văn Ni, chuyên gia môi trường và tài nguyên thiên nhiên, TS Nguyễn Hồng Tín, Trưởng Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL; TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL.(2)
Hình 5: Nhóm Nghiên Cứu Đại Học Cần Thơ với công trình “Đánh giá Các Hệ thống Ngăn Mặn Vùng Ven Biên Châu Thổ Cửu Long & Dự án Thuỷ Lợi Sông Cái Lớn – Cái Bé (06/9/2018), từ phải theo ngược kim đồng hồ: TS Lê Anh Tuấn, TS Đặng Kiều Nhân, ThS Nguyễn Hữu Thiện, anh Kiệt một nông dân vùng dự án CLCB, TS Dương Văn Ni, TS Nguyễn Hồng Tín. (2)
Họ là các nhà khoa học môi trường dày kinh nghiệm, đôi chân đã dính phèn, với
nhiều năm trăn trở và lăn lộn với đồng bằng sông nước Cửu Long, và một số trong
nhóm nghiên cứu này cũng đã tích cực tham gia vào bước hình thành Bản “Quy
hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, do Bộ Kế hoạch
và Đầu tư / KH & ĐT chủ trì;(4) Công ty Royal Haskoning DHV
đứng ra nghiên cứu và viết báo cáo; họ đã mời nhóm chuyên gia Hà Lan, Đức và Việt
Nam cùng hợp tác. Do có quá nhiều vấn đề phức tạp, thời gian nghiên cứu Quy
hoạch Tích hợp này đã kéo dài 3 năm. Theo TS Lê Anh Tuấn, người có tham gia
trong nhóm nghiên cứu với chức danh là “chuyên gia môi trường và nông
nghiệp”, “Tính thực tế và khả thi của báo cáo này – và cũng là nội dung
NQ13/BCT hiện nay đang quá sớm để có được một đánh giá.” Và theo Luật Quy
hoạch thì mỗi tỉnh ở ĐBSCL phải tự làm quy hoạch cho tỉnh mình trên cơ sở của
Bản Quy hoạch Vùng ĐBSCL.
Phải đương đầu và giải
quyết bao nhiêu hệ luỵ tồn tại từ sau 1975, đứa con Đồng Tháp Lê Minh Hoan có bản lãnh hay không là
trong lúc này. Trước mắt, rất cần ông BT có chính kiến
đánh giá khách quan và khoa học về các công trình cải tạo ĐBSCL bấy lâu trong
48 năm qua và gần đây nhất là Siêu Cống Cái Lớn.
Những bước “cải
tạo tự huỷ” của
nhà nước CS Việt Nam nơi ĐBSCL trong ngót nửa thế kỷ qua, với những
công trình “nghịch thiên – chống lại thiên nhiên”, đã để lại những di luỵ tác hại
nghiêm trọng và tích
luỹ trên nguồn tài nguyên và sự sống còn của cả một vùng
châu thổ phì nhiêu nhất Châu Á và cũng là kho lương thực của Việt Nam.
Có thể kể một số “công trình cải tạo ĐBSCL” từ sau 1975:
_ Xây chuỗi đê bao chắn lũ để mở rộng khu làm lúa cao sản ba vụ, đã làm mất 2 túi nước thiên nhiên khổng lồ, là khu Tứ Giác Long Xuyên và vùng trũng Đồng Tháp Mười.
_ Xây trên sông những cống đập chắn mặn, ngăn chặn dòng
chảy, phá vỡ
nhịp đập thiên nhiên (Mekong Pulse) của toàn hệ sinh thái ĐBSCL điển hình là 3 dự án lớn: (1). Ngọt hoá Bán Đảo Cà Mau, (2) Công trình Cống đập Ba Lai, và gần đây
nhất là, (3) Cống Đập Cái Lớn Cái Bé được mệnh danh là Công trình của Thế Kỷ. [sic]
(1)
Ngọt Hoá Bán Đảo Cà Mau: Một
chuỗi những hối tiếc
Ba công trình
khủng gồm: Ô Môn – Xà No và Ngọt Hóa Bán đảo Cà Mau
“với kinh phí tính bằng đơn vị hàng ngàn tỷ đồng cho đến nay kết quả được-mất của các dự án này
cũng chưa hề được đánh giá” [TS Dương Văn
Ni, ĐHCT]. Trong
suốt giai đoạn 1990 đến năm 2000, hàng trăm cống đập, đê biển, đê sông ngăn
mặn, giữ ngọt đã được rộng rãi đầu tư xây dựng. Theo tính toán – chỉ trên lý thuyết của ngành thủy lợi thuộc Bộ NN & PTNT
[dưới thời 2 Bộ Trưởng Nguyễn Công Tạn, 1995-1997; Lê Huy Ngọ, 1997-2004], hệ thống đưa nước ngọt từ sông Hậu về Bán đảo Cà Mau để cung cấp
nước tưới, chủ yếu trồng lúa, cho 70.000 ha đất của tỉnh Bạc Liêu, 50.000 ha đất của Cà Mau và 66.000 ha đất của Kiên Giang.
Hình 6a: trái, Bản đồ Quy hoạch thủy lợi vùng Nam Bán
Đảo Cà Mau. Hình 6b: phải, Âu thuyền Tắc Thủ do Cty CP Tư vấn XD Thủy lợi II thiết
kế và xây dựng từ 2001 tại ngã ba sông Ông Đốc - Cái Tàu -
sông Trẹm, Cà Mau, với kinh phí gần 80 tỷ đồng nhưng sau khi hoàn thành năm 2006, đã
chứng tỏ không những là vô dụng, mà còn gây thêm cản trở giao thông. [photo by Nguyễn Kiến Quốc] (2)
Hình 7: Ở những nơi dòng sông không chảy, ĐBSCL dày đặc ô nhiễm và sinh cảnh thì đang chết dần. [photo by Ngô Thế Vinh 12.2017]
Nhưng các dự án khủng ấy đã gây ra những hậu quả nhãn tiền là:
_ Về khía cạnh hệ sinh thái, do dòng chảy sông rạch thường xuyên bị ngăn chặn bởi các cống, nên sự kết nối hữu
cơ giữa “hệ sinh
thái sông và biển” với thủy triều từ biển hoàn toàn bị
triệt tiêu trong thời gian cống bị đóng. Và khi mở cống, do ô nhiễm tích luỹ lại theo dòng nước
lan toả huỷ diệt sinh cảnh và nguồn thuỷ sản nơi cửa sông và vùng cận
duyên.
Phía trong cống không còn hiện tượng nước lớn, nước ròng mỗi
ngày, hoặc nước rong nước kém cho chu kỳ rằm mỗi nửa tháng. Khi chưa có cống
đập, thủy triều trong sông rạch vùng Bán đảo Cà Mau tuy không đều nhưng có khi
biên độ cao đến gần 2 mét. Do các cống đóng suốt mùa khô, nên khúc sông bên
trong trở thành hồ nước tù đọng khiến tình trạng ô nhiễm gia tăng trầm trọng. Rác rưởi từ nguồn phế thải gia cư,
cộng thêm với các độc chất phục vụ trồng lúa như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ
và phân bón hoá học tràn xuống tích tụ dày đặc. [Hình 7]
_ Về khía cạnh công trình, do các cống ngăn mặn đã gây cản trở
giao thông trên sông rạch nên phải tốn kém làm thêm những công trình khác như âu thuyền Tắc Thủ, được
xây từ năm 2001 tại ngã ba sông Ông Đốc - Cái Tàu - sông Trẹm, thuộc hai huyện
Thới Bình và U Minh, Cà Mau với kinh phí gần 80 tỷ đồng nữa. Công trình này do Cty CP
Tư vấn XD Thủy lợi II thiết kế và xây dựng. Âu thuyền Tắc Thủ sau khi hoàn
thành năm 2006, đã chứng tỏ không những là vô dụng, mà còn gây thêm cản trở
giao thông. Cho đến nay, hầu như không ai chịu trách nhiệm về kế hoạch thất
bại và đầu tư vô cùng lãng phí này. (2)
Hình 8: Người dân Bạc Liêu và rồi lan sang Cà
Mau rủ nhau đi phá cống đập ngăn mặn. [nguồn: tư liệu VTV, Giữa đôi dòng mặn
ngọt 1998] (2)
Kết quả là chỉ sau hơn 5 năm, công
trình ngọt hóa Bán đảo Cà Mau đã bộc lộ những bất cập giữa lý thuyết và thực tế
gây nhiều khó khăn cho đời sống cư dân trong vùng. Từ năm 1997-1998, đã có hàng
trăm nông dân đòi phá các hệ thống cống đập này để lấy nước lợ vào nuôi
tôm; tháng 7/1998 nông dân Bạc Liêu kéo nhau đi phá đập Láng Trâm và phong trào
phá cống ngăn mặn lan sang tỉnh Cà Mau. [Hình 8]
Cuối cùng, sau năm 2000 Chính quyền phải nhượng bộ để cho các
tỉnh trong vùng chuyển đổi 450.000 ha đất trồng lúa sang vùng nuôi tôm, cũng có nghĩa là hy vọng đưa vùng đất này trở về điểm xuất
phát, trả lại hệ sinh thái tự nhiên của hai mùa mặn ngọt.
Không chỉ có vậy, ngoài sự lãng phí 1.400 tỷ đồng, Dự án Ngọt hoá Bán đảo Cà
Mau, cho dù có sửa sai nhưng vẫn còn để lại những tổn thất về môi trường tự
nhiên và nguồn tài nguyên nên càng làm cho đất nước nghèo thêm. Các mục tiêu chính của dự án Ngọt hóa Bán đảo Cà
Mau gần như hoàn toàn thất bại.
(2) Cống Đập Ba
Lai: Một hối tiếc lớn hơn nữa
Sau thất bại của các công trình “nghịch thiên” Ngọt Hoá Bán đảo Cà Mau, tưởng như
đã là một bài học đắt giá,
nhưng tiếp theo là công trình thuỷ lợi được coi là lớn
nhất ĐBSCL: Cống
đập Ba Lai, tại cửa sông Ba
Lai, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre thêm “một bài
học không học” phát xuất từ Bộ NN & PTNT thời Bộ trưởng Cao Đức Phát, 2004-2016.
Công trình chắn ngang cửa sông Ba Lai được khởi công tháng 02/2000, từ xã Thạnh Trị kéo sang xã Tân Xuân. Kinh phí ban đầu lên tới
hơn 66 tỷ đồng VN. Trên lý thuyết – như từ bao giờ vẫn trên lý thuyết, cống đập Ba
Lai có chức năng: ngăn mặn, giữ ngọt cho 115.000 hecta đất, cấp nước ngọt sinh
hoạt cho hơn 600 ngàn dân cư Thành phố Bến Tre và các huyện Ba Tri, Giồng Trôm,
Bình Đại, Châu Thành; cùng kết hợp với phát triển giao thông thuỷ bộ và cải tạo
môi trường sinh thái vùng dự án. [sic]
Hai năm sau, từ tháng 04/2002 cống đập Ba Lai bắt đầu được đưa vào hoạt động, được vinh
danh lúc đó là công trình thuỷ lợi lớn nhất ĐBSCL. Và từ đây, cửa sông Ba Lai,
một trong 8 cửa của Cửu Long chính thức bị đóng lại. [Hình 9]
Hình 9: Cửu Long
/ Chín Cửa Hai Dòng; Sông Tiền 6 cửa: (1) cửa
Tiểu, (2) cửa Đại, (3) cửa Ba Lai, (4) cửa Hàm Luông, (5) cửa Cổ Chiên, (6) cửa
Cung Hầu. Sông Hậu 3 cửa: (7) cửa Định An, (8) cửa Ba Thắc (9) cửa
Tranh Đề. Cửa Ba Thắc rất nhỏ đã bị thiên nhiên bồi lấp từ lâu; nay thêm cửa
sông Ba Lai thì bị nhà nước CSVN xây đập chặn lấp 2002, khiến nay chỉ còn
Thất Long / Bảy Cửa Hai Dòng. (2)
Hình 10: trái, Từ ngày có cống đập Ba Lai, cửa sông Ba Lai đã bị đóng lại. [Cửa Ba Thắc thì đã bị bồi lấp từ cả trăm năm nay], và Cửu Long Giang nay chỉ còn 7 nhánh: Thất Long; [photo by Lê Quỳnh]; phải, những giề lục bình phủ kín sông rạch do nước tù đọng phía trong các cống chắn khiến ghe tàu đi lại khó khăn, nhiều nơi người dân đã phải dùng thuốc diệt cỏ để khai quang lục bình nhằm tạo lối đi khiến nước sông lại càng thêm ô nhiễm. Lục bình còn ngăn cản ánh sáng và không khí rất cần thiết cho sự sống còn của các loài thuỷ sinh. [photo by Ngô Thế Vinh 12/2017]
*
Hình 11: Xây cống đập lớn
đóng cửa sông, thay vì “ngọt hoá con sông Ba Lai” nhưng đã đưa toàn tỉnh Bến
Tre tới tình trạng ngập mặn tệ hại hơn; trái, sáng ngày 10/01/2020, một buổi
hội thảo Khoa học & Công nghệ Cấp Nhà Nước [sic] để giới thiệu túi nước
ngọt có sức chứa từ 1 m3 tới 100 m3 do công
ty nhựa Tân Đại Hưng sản xuất [SGGP Online
11/01/2020]; phải, để sống còn với hạn mặn bủa vây, người dân Bến
Tre nay phải “mua nước ngọt” chứa trong những “túi nhựa đủ cỡ”. [báo
điện tử Bộ TN & MT 12/01/2020]
Xây dựng cống đập Ba Lai không những đã rất tốn kém, nhưng khi
phát hiện sai lầm thì việc phá bỏ, làm sạch môi trường còn bội phần
tốn kém hơn và
chuyển đổi sinh hoạt của cư dân cũng không phải là dễ dàng.
Cho tới nay, cống đập Ba Lai với chi phí hơn 66 tỷ đồng, đã vận hành được hơn 21 năm [2002-2023], hiệu quả công trình cống đập Ba Lai ấy ra sao? Những cống
ngăn mặn Ba Lai đã không đạt mục đích vì còn chằng chịt những cửa sông kinh
rạch khác không có cống ngăn đã tập hậu chuyển nước mặn vào bên trong hệ thống
cống đập đã xây. Dự trù còn phải chi thêm 900 tỷ đồng nữa để “nạo vét bồi
lấp” cho những hệ luỵ từ một công trình 66 tỷ gây ra? Liệu có ai can đảm đứng
ra nhận trách nhiệm cho những thất bại thảm hại của dự án này?
Chúng ta hãy nghe một tiếng nói trầm tĩnh
và trí tuệ của đứa con sinh ra và lớn lên từ ĐBSCL, TS Dương Văn Ni, chuyên gia
về đa dạng sinh học Đại Học Cần Thơ: “Với giải pháp công trình, muốn xây
cống đắp đê ở đâu cần hỏi dân. Quan điểm của tôi, ngân sách chưa nên đầu tư quá
lớn cho việc đắp đập ở các cửa sông lớn vì hiệu quả đến đâu chưa đánh giá được,
mà gây hại thì lại rõ như cống đập Ba Lai”. [Tạp chí Thuỷ sản Việt Nam].
Địa bàn môi trường không phải như một bàn cờ
để dễ dàng xoá đi bày lại. Một câu
hỏi được đặt ra: với những tác hại do cống đập Ba Lai gây ra, ai -- Bộ NN & PTNT, hay Bộ TN & MT/ Tài Nguyên Môi trường hay chính
phủ trung ương hay Bộ Chính Trị sẽ nhận trách nhiệm với phong cách "đem con bỏ chợ"
như hiện nay?
(2)
Cái Lớn Cái Bé: Thêm Một Sai Lầm Thế Kỷ
Với
những công trình
khủng trước đó gồm: Ngọt Hóa Bán đảo Cà Mau
với kinh phí lên tới tính bằng đơn vị hàng ngàn tỷ đồng, rồi tới thất bại của
cống đập Ba Lai cho đến nay kết quả được-mất của các dự án này cũng chưa hề
được đánh giá cụ thể, thì chính phủ lại phê duyệt chủ trương đầu tư (498/QĐ/
TTg) một dự án khủng khiếp hơn tiếp theo là Dự án hệ thống thuỳ lợi Cái Lớn – Cái Bé ! Vì vậy, người dân không
khỏi băn khoăn là liệu tiền của bỏ ra nhưng các khuyết điểm trong dự án trước
đó có tiếp tục bị lặp lại? [TS Dương Văn
Ni, ĐHCT].
Dự án Thủy lợi Cái Lớn
Cái
Bé (CLCB) liên quan tới lãnh đạo của một ông
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (từ 2011 tới nay), hai ông Thủ tướng: Nguyễn Tấn
Dũng (2006-2016), Nguyễn Xuân Phúc (2016-2021), và một ông Bộ trưởng NN &
PTNT Nguyễn Xuân Cường, (2016-2021).
Dự án Thủy lợi CLCB Giai đoạn 1 được nguyên TT Nguyễn Xuân Phúc* phê duyệt ngày
17.04.2017 dựa theo tờ trình của Bộ NN & PTNT. Toàn bộ công việc
soạn thảo dự án, nghiên cứu khả thi cho đến lập báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) đều nằm trong một
“chu trình khép kín” thuộc quyền kiểm soát của Bộ NN & PTNT mà không cho
thấy có một tổ chức, cá nhân độc lập nào tham gia.
Hình 12: trái, bản báo cáo Đánh giá Tác Động Môi trường (ĐTM), Dự án Hệ thống thuỷ lợi Sông Cái Lớn – Cái Bé; phải, vùng dự án CLCB (màu hồng) trong lưu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Theo báo cáo ĐTM thì
mục tiêu (trên lý thuyết) của dự án Hệ Thống Thuỷ Lợi CLCB giai đoạn 1 là: Kiểm soát mặn. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu,
nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt. Tăng cường khả năng thoát lũ. Phát triển giao thông thủy, bộ trong
vùng dự án. Với tổng
vốn đầu tư cho dự án Giai đoạn 1 là 3.309,5 tỷ đồng (tương đương với 150 triệu
MK).
Với một công trình xây dựng thuỷ lợi có thời gian vận hành tối
thiểu 50 năm, có khi lâu hơn, nhưng đánh giá tác động
môi trường (ĐTM) chỉ tập trung chủ yếu vào phân tích tác động của giai đoạn chuẩn
bị và xây dựng dự án mà lại thiếu sót về tác động của việc vận hành hệ
thống thuỷ lợi CLCB sau khi xây dựng xong.
Một
điều đáng lưu ý là báo cáo ĐTM liên tục lặp đi lặp lại một ý quan trọng, được
cho là ý kiến của 8 trên tổng số 39 UBND xã trong phần tham vấn cộng đồng: “đề nghị Chủ dự án thực hiện nghiêm túc biện pháp
gây ô nhiễm.” [sic]
Với một báo cáo ĐTM còn nhiều thiếu sót như thế thì không thể quyết định gì cả để khởi công một “Công trình Thế
kỷ”, chống lại thiên nhiên, có khả năng huỷ hoại cả một hệ sinh
thái mong manh của ĐBSCL, ảnh hưởng trực tiếp trên đời sống sản
xuất sinh kế của hàng triệu cư dân trong vùng quy hoạch, trong khi còn bao
nhiêu vấn đề kỹ thuật chưa có biện pháp giải quyết.
Từ bài học thất bại của Công trình Ngọt hoá Bán đảo Cà Mau, tiếp theo là một thất bại khác của công trình Cống đập Chắn mặn Ba Lai,
và mới đây, là Công trình Thế Kỷ Siêu Cống Cái Lớn [Hình 13], đang gây ra
những hậu quả nhãn tiền! Nhiều nhà khoa học và giới hoạt động môi trường đã không ngừng
lên tiếng cảnh báo rằng: nếu không có một đánh giá
môi trường chiến lược/ ĐTM [SEA / Strategic Environmental
Assessment] cho toàn ĐBSCL mà
chỉ đơn giản nhắm giải quyết tình hình mặn-ngọt cho từng vùng, rồi lập ngay quy
hoạch xây dựng một loạt hệ thống cống đập chỉ để ngăn mặn nơi các cửa sông lớn
là phá vỡ cả một hệ sinh thái mong manh đã có đó từ ngàn năm và hậu quả sẽ khôn
lường.
Hình 13: Từ dự án (trái) tới hiện thực (phải); ngày
5/03/2022, TT Phạm Minh Chính (kế nhiệm TT Nguyễn Xuân Phúc) cùng Bộ trưởng Bộ
NN & PTNT Lê Minh Hoan (kế nhiệm BT Nguyễn Xuân Cường) cùng đến khánh thành
công trình Siêu Cống Cái Lớn Cái Bé giai đoạn 1. Chỉ mới qua hơn một năm vận hành từ tháng 01/2022,
“công trình thế kỷ và nghịch thiên” này đã bộc lộ những yếu kém, đang giết chết
“Dòng Chảy Sinh Thái” của cả một hệ thống sông rạch, gây ra những tác động tiêu
cực và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống cư dân trong vùng. [nguồn: photo by TT Online 13/03/2022]
CẢI TẠO ĐBSCL VỚI NHỮNG SUY NGHĨ
CHƯA TỚI
Chỉ
mới đây thôi, tháng
9, 2022, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, là một “thuyền nhân miệt vườn”,
hơn 40 năm sau, từ Sydney Úc Châu, sau chuyến đi
thỉnh giảng tại Đại Học Cần Thơ, trở lại thăm Kiên Giang quê cũ – (thuộc khu Tứ Giác Long Xuyên gồm 3 tỉnh: Kiên
Giang, An Giang, Cần Thơ), nơi ông đã sống suốt những năm niên thiếu, đã phát
biểu cảm nghĩ như sau:
“Việt Nam có gì đáng ngạc nhiên? Nhiều lắm. Hiện tượng “triều
cường” ngày nay không chỉ là đặc sản của Sài Gòn mà đã lan tràn sang Cần Thơ. So với 20
năm trước, đó là một ngạc nhiên đối với tôi. Nhưng với anh tài xế taxi thì ảnh không
ngạc nhiên vì ảnh có cách giải thích. Anh ấy giải thích rằng vì mấy con rạch bị
lấp và biến thành bất động sản, nhà cửa xây lên quá nhiều, không có quy hoạch nên dẫn đến tình trạng vừa lún vừa ngập
nước triền miên.
Sông ngòi vùng quê ngày nay nó cứ lờ đờ, ô nhiễm. Nguyên nhân? Nông dân chỉ tay về cái cống khổng lồ ở sông Cái Lớn nó ngăn nước mặn, nhưng cũng làm thay đổi dòng chảy của tất cả các nhánh sông trong vùng. Con sông trước nhà tôi ở dưới quê bị ô nhiễm trầm trọng và khái niệm nước lớn nước ròng đang dần dần biến mất. Tôi tự hỏi tại sao mấy người chủ trương xây cái cống khổng lồ đó không tính toán lợi và hại trước, hay là họ có tính toán mà không đạt? Ai chịu trách nhiệm cho sự ảnh hưởng của cái cống đó đến hệ sinh thái và mùa vụ? Có vẻ chẳng ai chịu trách nhiệm.” [Nguyễn Văn Tuấn, Diễn Đàn Thế Kỷ, 30/09/2022]
Vẫn GS Nguyễn Văn Tuấn viết trên facebook: Cái siêu cống này đã gây ra nhiều tác hại. Nó được thiết kế để ngăn mặn, nhưng ngay cả người nuôi tôm cũng đau khổ vì nó. Còn nông dân thì khỏi nói, và cụ thể là quê tôi ở Kiên Giang. Nếu có dịp đi sâu vào các con rạch, các bạn sẽ thấy những cái máy bơm nước chạy suốt đêm. Để làm gì? Để bơm nước từ ruộng ra sông. Lý do gần là ruộng bị ngập nước. Lý do xa hơn là cái cống ở sông Cái Lớn. Cái cống này, sau khi xây xong và được coi là một công trình của thế kỷ, nó làm thay đổi dòng nước các con sông ở Kiên Giang. Thay đổi theo chiều hướng xấu hơn. Nước sông cứ lình bình, khái niệm nước lớn, nước ròng gần như không còn nữa. Nước tràn vào ruộng làm cho bà con vất vả kiểm soát nước nôi (vì nếu không thì lúa chết hết). Nói chuyện với dân địa phương mới biết là lúa chết đã xảy ra, nên nông dân phải dùng máy bơm nước từ ruộng đổ về sông. Một hậu quả khác của cái cống là tình trạng ô nhiễm ở các con sông đã trầm trọng thì giờ đây càng trầm trọng hơn. Cá tôm khó sống trong sông. Lục bình ‘trỗi dậy’ ở nhiều con rạch, đến nỗi ghe xuồng khó đi lại được. Trước khi xây cái cống này, chắc chắn người ta đã tính toán. Nhưng chẳng hiểu họ tính toán ra sao mà hậu quả như ngày nay. Tôi rất muốn xem cái báo cáo đánh giá môi trường để biết họ tính toán dựa vào giả định nào và phương pháp có đúng không. Cái cống gọi là “công trình thế kỷ” cần phải được đánh giá lại về lợi và hại. Nếu không có những đánh giá độc lập, với cái đà xây thêm những cái cống như vầy – CLCB giai đoạn 2 thì hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều."
Có thể tin được không, sau một năm vận hành Siêu cống Cái Lớn với những hệ luỵ sai sót, nhưng theo báo chí nhà nước thì vẫn rêu rao: “Lợi ích khủng từ “Siêu cống” [báo Lao Động 17/01/2022] và cả trên Wikipedia* của các nhóm lợi ích, thì vẫn “nói lấy được” là Dự án CLCB đã tuân theo tinh thần “Nghị quyết 120 của Chính Phủ” – nhưng thực tế là một phá sản đối với Nghị quyết 120 CP và rồi “sau khi hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 1 thành công [sic] thì một số địa phương trong vùng tây sông Hậu đã có kiến nghị chính phủ cho triển khai tiếp giai đoạn 2 của dự án nhằm ngăn xâm nhập mặn cho vùng ĐBSCL” [sic]
Chỉ riêng câu hỏi này của GS Nguyễn Văn Tuấn, người viết muốn gửi tới ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng – người quyền lực nhất hiện nay, và ông Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính, người kế thừa ông Nguyễn Xuân Phúc và trước đó là ông Nguyễn Tấn Dũng – để nhắc nhở với hai ông rằng:
… Giữa năm 2017, khi Dự án cống ngăn mặn Cái Lớn Cái Bé – được Bộ NN & PTNT dưới thời BT Nguyễn Xuân Cường đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi sôi nổi, nguyên do là đã có một chuỗi những thất bại của các công trình ngăn mặn trước đó – điển hình là sự thất bại toàn tập của cống đập ngăn mặn Ba Lai, tỉnh Bến Tre. Và gần như tuyệt đại đa số những tiếng nói trí tuệ độc lập từ các chuyên gia hàng đầu am hiểu hệ sinh thái ĐBSCL đều lên tiếng phản đối và can ngăn.
Nhưng khi, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt bút Nghị Quyết 120 NQ-CP vào tháng
11/2017,
một nghị quyết “thuận thiên” được coi như bước ngoặt lịch sử của nông nghiệp ĐBSCL, nhưng rồi – như từ bao
giờ, các nhóm lợi ích với thế lực rất
mạnh, vẫn bám
mục tiêu đòi
hỏi phải xây dựng hệ thống thủy lợi quy mô lớn, như dự án cống đập ngăn mặn Cái Lớn – Cái Bé (CLCB). Các nhóm lợi ích từ Nam ra Bắc luôn luôn có thế lực lũng đoạn chi phối
mọi chính sách của nhà nước, những dự án do họ đưa ra
phải được duyệt và thông qua thì họ và cả giới chức
tham nhũng trong chính phủ mới có ăn, mặc kệ hậu quả ra sao và nông dân trồng lúa cứ nghèo. [GS Võ Tòng
Xuân]
Ông nguyên Thủ tướng, với bàn tay phải đặt
bút ký nghị quyết Nghị
Quyết 120 NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL, nhưng rồi cũng chính bàn tay
trái của ông bật đèn xanh cho các nhóm lợi ích – có thế lực mạnh hơn, khởi công Dự án Cái Lớn
Cái Bé, hơn 3 ngàn tỷ vẫn còn đầy rẫy những sai sót.(3) Thực
chất Dự án CLCB là một phá sản của Nghị Quyết 120 NQ-CP, khiến nhà nghiên cứu môi trường độc lập
Nguyễn Hữu Thiện đã phải thốt lên: Với dự án
CLCB, Nghị Quyết 120
NQ-CP hoàn
toàn rơi vào thế “thất thủ chiến lược” (3)
Ai cũng hiểu
rằng, ngót nửa thế kỷ qua, những nghị quyết và những khẩu hiệu đến từ Bộ Chính
Trị Ba Đình Hà Nội thì quá nhiều, nhưng khoảng cách giữa những Nghị Quyết và
Thực Tế của đất nước trong 48 năm qua vẫn còn là cả một khoảng cách đại dương.
CHẤT XÁM VÀ TIẾNG NÓI BỊ LÃNG QUÊN
Đồng Bằng Sông Cửu
Long, một vùng đất nước rất giàu tài
nguyên, không hề thiếu chất xám và những tiếng nói trí tuệ. Nhưng do tính kiêu
căng của đảng Cộng Sản cầm quyền, lại được kết nối với sự tham lam của các nhóm
lợi ích, khiến nguồn chất xám ấy đã bị lãng phí và những tiếng nói trí tuệ độc
lập ấy không những không được lắng nghe, mà còn cả bị đe doạ trấn áp. Người
viết muốn nhắc tới một một “Think Tank của Đại Học Cần Thơ.”
Nhóm Nghiên Cứu Mekong Đại
Học Cần Thơ (2), đã nêu rất rõ là: hệ thống các cống chặn mặn làm mất
nguồn năng lượng dòng chảy nước ngọt từ phía thượng nguồn (mũi tên màu xanh) và
năng lượng thuỷ triều đem dòng nước mặn từ biển vào (mũi tên màu đỏ) khiến môi
trường tự nhiên của ĐBSCL không còn được tẩy rửa hàng ngày (con nước lớn- con
nước ròng), hàng tháng (con nước rong- con nước kém), và hàng năm (mùa nước
nổi- mùa nước cạn) như trước kia. Hệ quả là hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong
nước rất thấp khiến sông rạch mất cả khả năng tự làm sạch nguồn nước bằng cơ
chế oxy hóa. [Hình 14]
Hình 14: Nhờ năng lượng dòng chảy nước ngọt từ phía thượng nguồn (mũi tên màu xanh) và năng lượng dòng nước mặn từ biển (mũi tên màu đỏ) mà môi trường tự nhiên của ĐBSCL được tẩy rửa hàng ngày (con nước lớn-ròng), hàng tháng (con nước rong-kém), và hàng năm (mùa nước nổi-cạn). Nguồn nước này cũng giúp cho nước chảy được trong các kênh rạch vì địa hình ĐBSCL quá bằng phẳng. (2) Những cống đập ngăn mặn của Bộ NN & PTNT đang “khai tử” dòng chảy và nhịp đập / Mekong Delta Pulse của hệ sinh thái ĐBSCL. [Nhóm Nghiên Cứu Mekong Đại Học Cần Thơ] (2)
Triệt tiêu Dòng Chảy Sinh Thái, với hậu quả là: gia tăng ô nhiễm nguồn nước trong các sông
rạch, nước đổi sang màu đen,
bốc mùi hôi thối do các chất hữu cơ bị phân hủy; và nguồn nước trong các vùng thủy lợi hoàn toàn không còn sử dụng được cho mục đích
ăn uống, kể cả sinh hoạt tắm giặt hàng ngày.
Người dân nay phải sống bằng nước ngọt bơm từ những giếng ngầm,
nguồn nước ngầm này cũng ngày một cạn kiệt và hạ thấp; có nơi cư dân đã phải khoan đến độ sâu 80 – 120 mét để tới được
nguồn nước ngọt. Nhu cầu khai thác các tầng nước ngầm để lấy nước ngọt quá lớn – mà nguồn nước
ngầm ấy không phải là vô hạn -- hiện có hơn 2 triệu giếng khoan lấy nước ngọt
từ các tầng nước ngầm, đang
làm gia tăng tốc độ sụt lún đất nơi ĐBSCL, có nơi nhanh gấp 10 lần hơn mực nước biển dâng.
Về khía cạnh tài nguyên, nguồn thủy sản cũng là nguồn chất đạm/ protein quan
trọng trong mỗi bữa ăn với tô cá chén cơm của cư dân ĐBSCL bị sút giảm nghiêm
trọng: các loài cá trắng của nước chảy có nguy cơ bị tiêu diệt do dòng sông bị
chặn bởi các cống đập, chỉ còn lại các loài cá đen nước tù của ao hồ như
cá lóc, cá trê, cá rô phi... Đây là hậu quả tất yếu khi mà hệ sinh thái sông
ngòi (riverine
environment) đã bị chuyển sang hệ sinh thái ao hồ (lacustrine
environment) (Nguyễn Hữu Thiện, 2018).
Do môi trường nước cực kỳ ô nhiễm, lại thêm, lục bình phát triển
tràn lan phủ kín cả mặt thoáng sông rạch khiến ghe tàu đi lại rất khó khăn nên
nhiều nơi người dân đã phải phun thuốc diệt cỏ trên lớp lục bình nhằm khai
quang thuỷ lộ khiến nước sông càng ô nhiễm thêm nữa; và do thiếu nguồn chất đạm
từ tôm cá và các loài thuỷ sản khác đã ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, trẻ em
có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. [Hình 10]
Các loại cây quen sống ở vùng nước lợ, điển hình như cây dừa
nước, hư hại và chết do vùng nước lợ bị ngọt hoá. Nói chung, toàn thể tính đa
dạng của hệ sinh thái khu vực quy hoạch bị xuống cấp và bị huỷ hoại nghiêm
trọng.
Về phương diện xã hội, ở những nơi có cống đập ngăn chặn dòng chảy, việc canh tác trở nên khó khăn, chi
phí cao mà lợi nhuận sút giảm, cộng thêm môi trường nước bị ô nhiễm, là một
trong những lý do khiến tình trạng di dân – ecological migration ngày càng phổ biến và nhiều người đã
bỏ đồng ruộng đi tìm kế mưu sinh ở các khu công nghiệp bên ngoài ĐBSCL hoặc
trên thành phố. (2) Trong hai thập niên qua đã có ngót 2
triệu cư dân ĐBSCL phải rời bỏ quê hương vốn được coi là “vùng mật ngọt” với gạo trắng nước trong tôm cá đầy
đồng thì nay phải ra đi tìm kế sinh nhai. Trong nghịch cảnh đó thì phụ
nữ và trẻ em là bị nhiều tổn thương nhất.(2)
HƯỚNG TỚI NHỮNG BIỆN
PHÁP PHI CÔNG TRÌNH
Trong 48 năm qua, nhiều công trình
cải tạo lớn đã được đem ra thử nghiệm trên khắp ĐBSCL như: đắp đê
ngăn lũ, làm đê kè để giảm sóng hay chuyển hướng dòng chảy, xây dựng hàng loạt những cống chặn mặn… Có thể nói là các “chuyên gia quốc doanh” từ ngoài Bắc vào Nam không hiểu
gì hệ sinh thái tinh vi của ĐBSCL, nên đã thô bạo dùng “dao mổ trâu” để thực
hiện những cuộc giải phẫu thần kinh và đã để lại những hậu quả tác hại lâu dài, rất
khó sửa chữa.
Trước những nan đề, “mặn ngọt, thay đổi khí hậu, sử
dụng đất đai,
nước biển dâng”, cũng như bao nhiêu khắc nghiệt của mẹ
thiên nhiên từ thuở hoang
sơ, bấy lâu
con người đã biết thích nghi sống hài hoà với thiên nhiên, nếp sống ấy đã tạo
ra một nền văn
hoá sông nước. Giải
pháp xây dựng những công trình thô bạo chống lại mẹ thiên nhiên vẫn là một chọn lựa thiếu khôn
ngoan và là một đương đầu không cân sức, đã đến lúc các nhà
khoa học môi trường thức thời đã đi tìm những “biện pháp phi công trình” chung sống và thích nghi với thiên
nhiên là chủ yếu.
Thế nào là các biện pháp thích nghi phi công trình / non-structural adaptation measures: đó là không chọn xây những công
trình lớn cố định vĩnh cửu để đối phó với một hệ sinh thái không ngừng biến
động: tính cố định của các công trình đã chứng tỏ lỗi thời trong một môi
trường sống không ngừng đổi thay.
Và trong suốt dòng lịch sử phát triển hơn 300 năm của ĐBSCL, người nông dân và ngư dân
đã luôn luôn biết sống hoà hợp với
thiên nhiên, biết thích nghi để tồn tại mà không gây tổn hại cho môi trường và không vắt kiệt nguồn tài nguyên vốn không phải
là vô hạn.
Những ví dụ:
_
trước khi có nha khí tượng,
người nông dân qua kinh nghiệm tích luỹ, đã biết dự báo thời tiết, nắng mưa khá chính
xác và hiệu quả.
_ chưa có nha địa chất, nhưng họ đã biết đánh giá các vùng thổ
nhưỡng, để chọn đúng loại cây trồng, không chỉ có cây lúa, họ biết đa canh để giữ màu cho đất.
_ chưa có nha thuỷ văn, họ đã biết chọn giống, nuôi trồng thuỷ
sản phù hợp sinh cảnh: mặn-ngọt-lợ theo
vùng.
Với hiện trạng môi trường suy thoái trầm trọng như hiện nay – mà đa phần do
chính con người gây ra, điều
mà nhà nước cần quan tâm là:
_ giúp họ được sống trở lại với một môi trường không tù đọng không ô nhiễm đang đầu độc họ: mở cửa các cống đập cho các dòng
sông được chảy.
_ với dòng chảy và thuỷ triều là những động lực làm thanh sạch
và tẩy rửa môi trường bị tù đọng như hiện nay.
_ với các nhà máy xây dựng và hoạt động ven sông như nhà máy
giấy Lee & Man, các nhà máy điện than đa phần từ TQ phải được giám sát chặt
chẽ về xử lý ngay tại các nguồn xuất phát các nước thải và chất thải
_ nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường: tạo cho họ các
tiện dụng gia cư tối thiểu như nhà vệ sinh, nơi thải rác thay vì đổ hết xuống sông rạch.
_ về tổng thể, nên có quy hoạch các khu cư dân hợp lý, thiết lập
quỹ dự phòng như một hình thức bảo hiểm của nhà nước để tài trợ khi cư dân bị
thiệt hại trong giai đoạn thay đổi khí hậu cực đoan như thời điểm 2016.
_ với một môi trường dần dà được tẩy rửa thanh sạch, nguồn nước
lênh láng trở lại sử dụng được, giảm nhu cầu khai thác tầng nước ngầm, giảm độ
sụt lún mười lần nhanh hơn nước biển dâng như hiện nay.
_ Ở một
chừng mực nào đó, cần chủ động kiểm soát và cả chấp nhận phần nào tổn thất do
biến đổi khí hậu nhưng phải biết nói không với những công trình tốn kém và mang
tính tự huỷ hoại như hiện nay.
TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Viện Biến đối Khí hậu ĐH Cần Thơ đã nói tới “Giải pháp phi công trình" trong sử dụng đất đai và khai
thác tài nguyên ĐBSCL với nhấn mạnh là
cần linh hoạt: đó là những “phương thức
mềm" với chi phí rẻ, dễ thực hiện, thiên về bảo vệ
duy trì, cải thiện môi trường, thuận thiên, bảo tồn tính đa dạng
sinh học, với ý thức rằng phải cần
thời gian mới thấy hiệu quả của nó.
Một ví dụ: tìm
ra các sinh kế phù hợp không gây tổn thương cho hệ sinh thái và điều kiện tự nhiên:
ví dụ mùa mưa trồng lúa, mùa nắng nuôi tôm, nuôi cá nước mặn, nước lợ, tổ chức
du lịch sinh thái - tìm hiểu văn hóa bản địa, phát triển khai thác, chế biến
các lợi thế cây, con ở từng vùng miền (như trồng sen, chế biến sen, dệt lụa từ
sợi sen, ... hoặc một số loại cây ưu thế), phát triển nguồn năng lượng sạch (điện mặt
trời, điện gió), dần dần thay thế
cho nguồn nhiên liệu hoá thạch như than đá, dầu mỏ, làm tăng khí thải CO2
gây hiệu ứng nhà kính (green house effect) và cả gây thêm ô nhiễm...
Hình 15: một điển hình về
đa dạng hoá sinh kế phát triển nông thôn “phi công trình” không gây tổn thương
cho hệ sinh thái ĐBSCL. [nguồn: TS Lê Anh Tuấn, ĐH Cần Thơ]
Ưu tiên "phi công trình" không có nghĩa là bài bác mọi "công trình" mà cần có sự
phối hợp hài hòa, chỉ xây dựng công trình khi nào thật sự cần thiết, nên bắt đầu các công trình nhỏ trước khi có
những công trình lớn hơn.
TS Lê Anh Tuấn thuộc ĐH Cần Thơ đã chọn khu vực
lúa-sen-cá-du lịch sinh thái ở Đồng Tháp như một điển hình về giải pháp "phi công trình," với minh họa rất dễ hiểu với
người nông dân.
VẪN NHỮNG DỰ ÁN SAI LẦM TỪ HỆ THỐNG
Suốt gần nửa thế kỷ – chính xác hơn là 48 năm sau 1975, như một chuỗi sai lầm
từ hệ thống, nhà nước CSVN đã thiết lập vội vã nhiều dự án lớn – mà họ gọi
là các “dự án trọng điểm” – rất tốn kém với tham vọng "cải tạo" ĐBSCL, mà đa phần là can thiệp rất thô bạo, gây tác hại trên một hệ sinh thái hết sức phức tạp và
rất mong manh của cả một vùng châu thổ phì nhiêu của
Châu Á.
Do tính cục bộ, chạy theo lợi nhuận, chỉ với những "nghiên cứu mệnh danh là khoa học" nhưng theo phong cách: làm nhanh ăn
nhanh; mà ngôn từ rất thời thượng trong nước hiện nay là “tư duy
theo nhiệm kỳ” – chủ yếu
bị chi phối bởi các nhóm lợi ích các chủ đầu tư, rồi đem chính mạng sống và kế
sinh nhai người dân ra đánh bạc, bất chấp ý kiến của họ, đồng thời trấn áp các
phản biện – tiếng nói phản biện của các nhà khoa học còn có thể bị
gán cho cái tội chết người là “phản
động” lợi dụng tự do dân chủ, hoặc nhẹ hơn là vào tù với tội danh “trốn
thuế” và nhà nước CS đã gạt bỏ mọi khuyến cáo của các chuyên
gia kinh nghiệm có thẩm quyền.
Tuy với những đe
doạ trấn áp như vậy, nhưng
vẫn không thiếu những nhà hoạt động môi sinh độc lập can đảm và bền bỉ cất lên
tiếng nói của lương tri. Họ hướng tới mục tiêu tối hậu là bảo vệ cả một vùng
châu thổ với ngót 20 triệu cư dân, nhằm giảm thiểu những tác hại lâu dài trên
nguồn tài nguyên của đất nước và của các thế hệ tương lai.
Nguyên lý bất di bất dịch là: Trước
Hết là Không Gây Hại (Primum Non Nocere), vẫn cứ mãi là bài học vỡ
lòng, là kim chỉ nam cho các bộ trưởng, vụ trưởng các ngành trước khi khởi công
bất cứ một dự án nào trên ĐBSCL. Thế nhưng trong thực tế chưa có một chứng cớ
nào cho thấy họ hành
động theo nguyên lý căn bản trên.
BIÊN NIÊN SỬ: CÁC CÔNG TRÌNH NGHỊCH
THIÊN
Có thể liệt kê ngay một số những dự án chính đã và đang gây tác
hại và tổn thương lâu dài cho toàn hệ sinh thái ĐBSCL như:
_ Dự án đê bao chống lũ: [Bộ
Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn], với những đê bao ngăn lũ chỉ để
có thêm đất làm lúa cao sản 3 vụ, vắt kiệt đất đai, lại không còn nguồn phù sa,
nước thì tù đọng tích luỹ ô nhiễm đồng thời làm mất hai vùng trũng Đồng Tháp Mười và khu
Tứ Giác Long Xuyên như hai hồ dự trữ nước ngọt cho toàn ĐBSCL trong Mùa Khô, có tầm quan
trọng chỉ đứng sau Biển Hồ – được ví như trái tim của hai vùng châu thổ Tonle Sap
và ĐBSCL.
_ Dự án các cống đập chặn mặn: [Bộ Nông nghiệp & Phát triển
Nông thôn], ngăn chặn dòng chảy tự nhiên biến những con sông lành mạnh
thành ao hồ tù đọng, xoá đi một nền văn hoá nước lợ / brackish water và gây rối
loạn dây chuyền trên toàn nhịp đập / Mekong Pulse của hệ sinh thái ĐBSCL.
_ Dự án 14 nhà máy nhiệt điện than:
[Bộ Công Thương], biến ĐBSCL là bãi tiếp nhận các nhà máy nhiệt điện chạy
than phế thải từ Trung Quốc với hậu quả tàn phá môi trường đất đai, nguồn nước
và không khí,
với sức khoẻ của người dân không hề được quan tâm tới nếu không muốn nói là bị
hy sinh.
_ Dự án Nhà Máy Giấy Lee &
Man: [Bộ Tài Nguyên & Môi Trường] gây ô nhiễm nghiêm trọng vì
nguồn nước thải với đủ loại hoá chất cực độc nhưng
vẫn được Bộ Tài Nguyên &
Môi Trường cấp phép cho xả thải ra sông Hậu đang giết chết dòng sông, rồi
còn phải kể tới bụi khói độc hại, mùi hôi thối, tiếng ồn từ nhà máy ngày đêm
bào mòn sức khoẻ của người dân.
_ Dự án Kênh Quan Chánh Bố:
[Bộ Giao thông & Vận tải], với tốn kém hàng nhiều ngàn tỷ đồng chỉ để
cho mấy tàu trọng tải lớn từ biển đi vào sông Hậu để tới giang cảng Cần Thơ gây bao khốn khổ cho người dân
khi mà giá trị kinh tế của dự án kênh Quan Chánh Bố, cho đến nay vẫn chưa có
câu trả lời và vẫn đang gây rất nhiều tranh cãi gay gắt.
Một danh sách chưa đầy đủ, trong thực tế còn nhiều dự án cấp địa
phương đã được triển khai nhưng thiếu những nghiên cứu cơ sở và không có đánh
giá tác hại môi trường từ các chuyên gia độc lập.
Cũng GS Nguyễn Văn Tuấn, nhận
định: "[…] còn quá sớm để quy những công trạng – nếu có – cho giới
khoa học nhà nước. Tôi quan sát ở miền quê tôi thì thấy sự thật là những thành
tựu về tăng năng suất trồng trọt và lúa là do người nông dân xoay xở. Nông dân
tự thử nghiệm cho đến khi đạt được kết quả tốt (kiểu trial-and-error). Họ có
thể không biết những nguyên tắc thí nghiệm hay ngẫu nhiên hoá, họ có thể không
rành tính toán như các kỹ sư & tiến sĩ, nhưng qua trial-and-error, họ có
thể lai giống và tạo giống mới, chế tạo máy gặt lúa, máy cấy lúa, máy hút lục
bình, v.v...
Giới khoa học chẳng giúp gì cho họ trong các sáng kiến đó. Người nông dân thiếu
chữ để nói đó là công trạng của họ, và thay vào đó có những người mang mác
'tiến sĩ' giành công trạng cho mình. Ai cũng biết tác nhân làm nghèo làm khổ
nông dân miền Tây là cái tập đoàn lương thực có tổng hành dinh nằm ngoài … Hà
Nội."
Ở Việt Nam, người ta có câu khuyên
các nhà quản lý và khoa học quốc doanh: đừng làm gì hết, ngồi yên đó để dân
nuôi, vì họ làm là hư hỏng.
Theo KS Phạm Phan Long, Việt Ecology Foundation,
thì vấn nạn lớn trên toàn đồng
bằng hiện nay là ô nhiễm nguồn nước chính vì các công trình thủy lợi hoạch định
phi lý đã gây ra. Ô nhiễm phải được xem là vấn nạn lớn mà mọi công trình phải
bảo đảm không cho xảy ra. Công trình Cái Lớn Cái Bé đã đẩy ĐBSCL lao sâu hơn
vào ao tù thảm trạng ô nhiễm không khác những công trình “thuỷ hại” trước đây nhưng với
một quy mô lớn hơn.
LỘ TRÌNH MỚI 2021-2030: QUY HOẠCH TÍCH HỢP
Quyết định số 1163 /
QĐ-TTg ngày 31/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch
Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
ThS
Nguyễn Hữu Thiện, sinh ra (1968) và lớn lên ở một làng quê nông thôn sâu thuộc
Hậu Giang, tốt nghiệp ngành thuỷ nông ĐH Cần Thơ, từ 1990 ở tuổi 22 đã là nhân
viên đầu tiên của khu bảo tồn sếu đầu đỏ Tam Nông. Thông qua Hội Sếu Quốc tế
(ICF / International Crane Foundation), năm 1992 ông giành được học bổng 4 năm của
McArthur Foundation và tốt nghiệp MS về sinh học bảo tồn và phát triển bền vững
tại ĐH Wisconsin-Madison, Hoa Kỳ năm 1996. Trở về Việt Nam, ông giảng dạy ngành
sinh thái tại ĐH Cần Thơ trong 2 năm, sau đó đi làm việc cho các tổ chức quốc
tế như Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN / International Union for
Conservation of Nature), Quỹ Quốc tế về động vật hoang dã (WWF / World Wildlife
Fund), Chương trình Đa dạng Sinh học Đất Ngập nước Mekong (MWBP /Mekong Wetlands
Biodiversity Programme). Từ 2010, ông trở thành chuyên gia nghiên cứu độc lập
về sinh thái ĐBSCL. Trong hơn 30 năm, Nguyễn Hữu Thiện đã cùng với các chuyên
gia tâm huyết khác liên tục tham gia những công trình nghiên cứu sông Mekong và
ĐBSCL.
Ông là người ủng hộ nhiệt thành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 về phát triển ĐBSCL theo nguyên tắc “thuận thiên”, để phát
triển bền vững và duy trì gía trị văn hoá sông nước của vùng ĐBSCL.
Từ 2018 đến 2022, ông làm chuyên gia cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư, [với Bộ trưởng là Nguyễn Chí Dũng nhiệm kỳ từ 2016 tới nay], để hỗ trợ tư vấn quốc tế soạn thảo bản Quy hoạch Tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Bản quy hoạch này đã được Thủ tướng phê duyệt tháng 2/2022 và công bố tại Cần Thơ, và cũng là nội dung NQ13/TW của Bộ Chính Trị.
ThS Nguyễn Hữu Thiện cho rằng Quy hoạch Tích hợp lần này là lần đầu tiên
trong lịch sử Việt Nam có được một bản quy hoạch tích hợp đa ngành cấp vùng,
nhờ có Luật quy hoạch 2017. Trên lý thuyết nó cho phép đối xử với đồng bằng như
là một cơ thể sống, thay vì cách quy hoạch đơn ngành, manh mún trước đây. Dù
chưa thể gọi là hoàn hảo, nhưng nó cho thấy sự thay đổi lớn trong cách suy nghĩ
ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững theo hướng thích ứng thay
vì chống lại vắt kiệt thiên nhiên. Nó tạo ra một tiền lệ rất tốt cho những quy
hoạch về sau. [hết trích dẫn]
MÔI SINH VÀ DÂN CHỦ
Đồng Bằng Sông Cửu Long bấy lâu phải hứng chịu rất nhiều tổn thương do nhiều
nguyên nhân: mất dòng chảy sinh thái vì chuỗi đập thuỷ điện thượng nguồn, những kế hoạch phát triển không bền vững nếu không muốn
nói là tự huỷ ngay tại ĐBSCL của Việt Nam, và cả do biến đổi khí hậu.
Rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu, câu văn trong Quốc văn Giáo khoa đã sống trong tâm khảm tuổi trẻ Việt Nam qua nhiều thế hệ, thì nay trong thực tế sự không còn nữa, và cũng đừng tiếp tục gieo vào đầu óc trẻ thơ câu châm ngôn lỗi
thời nếu không muốn nói là lừa dối ấy.
Kể từ sau 1975, đất nước “gọi là” thống nhất cũng là khởi đầu
cho những khu rừng nguyên sinh bị tàn phá, đất đai (nhà máy
bauxite), sông ngòi (nhà máy giấy sông Hậu), cả vùng duyên hải (nhà máy thép
Formosa) cho thuê, khiến hệ sinh thái của cả nước bị suy thoái, đất bị sa mạc hoá, sông ngòi và biển bị nhiễm độc mất nguồn
thuỷ sản, thiếu nước uống và cả cho tiện dụng gia cư.
Tài nguyên của đất nước
đã bị đem bán
rẻ, vì cái lợi trước mắt mà không tính tới cái giá môi sinh mà xã
hội phải trả và người
dân chỉ là thứ gia công, lắp ráp và làm thuê – và cả nguồn nhân
lực bị tận cùng khai thác tới cạn kiệt.
Nhân danh “cải tạo”, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã và đang chọn các bước đi liều lĩnh trên
những tảng băng mỏng – walks on thin ice, với tiêu chuẩn nước đôi – double
standards, chạy theo lợi nhuận với các phe nhóm lợi ích
rất mạnh và người dân thì
hoàn toàn không có quyền cất tiếng nói -- họ là nạn nhân và là đầy tớ ngay trên
mảnh đất của chính tổ tiên mình.
Với tầm nhìn của thiên niên kỷ, để phục hồi và duy trì một hệ sinh thái phong phú
của hành tinh này, cũng
là bảo vệ các nền văn minh rất đa dạng và lâu đời của con sông Mekong, thì
không có mối lợi lộc ngắn hạn nào có thể vội vàng đem ra đánh đổi.
Từ năm 2000, người viết cũng đã đưa ra nhận định: “Và hiển
nhiên không có giải pháp đơn lẻ cho vấn đề môi sinh mà phải là bước chuyển hóa
cơ bản và đồng bộ của các hệ thống xã hội từ “Toàn Trị” tiến lên “Dân Chủ”. Có
dân chủ là có cơ hội mở mang dân trí và chính cư dân sống hai bên bờ sông
Mekong sẽ có ý thức và tiếng nói bảo vệ dòng sông như là mạch sống của chính
họ.
Và rồi ra người dân sẽ có cơ hội đồng đều, có quyền được
uống một ngụm nước sạch, được hít thở một bầu không khí trong lành và có tự do, những điều cơ bản đó chính là “nhân quyền” chỉ có thể có được trong một đất nước dân chủ.” Môi
Sinh và Dân Chủ sẽ mãi mãi là một “Bộ Đôi Không Thể
Tách Rời / Inseparable Duo.” Đây là một trận địa đấu tranh cam go mất còn, giữa ánh sáng và bóng tối,
giữa thiện và ác, giữa bộ đôi: “dân chủ và môi sinh” và phía kia là bộ đôi nguy
hiểm / dangerous duo: “độc tài và tham nhũng.”
CHỮ TÂM VÀ TRÁCH NHIỆM CHÍNH TRỊ
Với
cụm từ “trách nhiệm chính trị”, có thể nói đây là nét văn hoá mới 2023 trong lịch sử 97
năm của Đảng CSVN, qua việc từ chức của nhân vật số 2 là Chủ tịch nước ông
Nguyễn Xuân Phúc.
Chỉ
với hai vụ tham nhũng: bộ xét nghiệm Việt Á và tiếp theo là các chuyến bay giải
cứu, người dân hiểu rõ rằng: thực chất đây chỉ là phần nổi rất nhỏ của một tảng
băng chìm / tip of the iceberg. Vì còn phải kể bao nhiêu vụ tham ô tầy đình
khác bị ém nhẹm trong suốt 48 năm qua thì sao?
Gần
đây, qua live stream người dân Việt Nam mới được biết ông TBT Nguyễn Phú
Trọng rất quan tâm về văn hoá, mê Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi và thuộc tác
phẩm Kiều của thi hào Nguyễn Du. Một lần trước Quốc Hội, trong sự khiêm cung ông
Trọng đã lẩy hai câu Kiều để nói về thân phận mỏng manh và tài năng hữu hạn của
mình: Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
khuôn xanh biết có vuông tròn hay không. Rồi mới đây, trong một hoàn
cảnh khác, cũng chính ông TBT, lẩy thêm hai câu Kiều khác: Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần. Và cảm động hơn nữa, khi lần đầu tiên một người Cộng Sản
thuần thành như ông TBT đã hai lần nhắc tới chữ “tâm” trong truyện Kiều:
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài… Cũng mấy câu thơ ấy của Tố Như, nhưng nếu thay một chữ
“tài” bằng chữ “quyền” thì sẽ rất trọn nghĩa.
Ông
TBT Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, đã qua cái tuổi xưa nay là hiếm. Và cũng
khởi đi từ “chữ tâm của Nguyễn Du” mà
ông TBT nhắc đến, như
từ một mẫu số chung về văn hoá, “người dân” có đôi điều muốn được trao đổi
với ông:
_ Trên phạm vi ĐBSCL, với bao nhiêu những sai sót trong suốt 48 năm qua với các
“công trình cải tạo trọng điểm”, mà cho tới nay không một ai nhận trách nhiệm,
đề nghị với ông TBT cho lập ngay một “Toán Đặc Nhiệm – Task Force” gồm những nhà
khoa học và chuyên gia môi trường độc lập, xét duyệt lại toàn bộ các công trình
cải tạo đã được các bộ, các cơ quan thực hiện trong ngót nửa thế kỷ qua, với cả
đánh giá những thành quả nếu có [?] để vinh danh và với một chuỗi những sai sót
thì trách nhiệm về ai? Có những bài học nào được rút ra từ những bước sai sót
vô cùng đắt giá ấy?
Mới
đây với kết quả từ một công trình nghiên cứu của một công ty Hà Lan, một “Quy
Hoạch Tích Hợp” đã hình thành cho giai đoạn 2021- 2030 với tầm nhìn tới 2050 đã
được đưa vào Nghị Quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính Trị mà ông TBT đã đọc trước Quốc hội
ngày 22/04/2022, mở ra một “lộ trình / roadmap” cho tương lai phát
triển ĐBSCL.
Từ
“Khả năng tới hiện thực”, lộ trình ấy là một chặng đường dài. Sự thành công cần
tới hai yếu tố: (1) Một cải thiện về thể chế, (2) Một nguồn nhân lực có trình độ. Nếu không, thì cho dù một “quy hoạch
tích hợp” có hay tới đâu thì rồi ra cũng chỉ là những khẩu hiệu.
_ Trên quy mô của cả nước, cũng với chữ “tâm” của thi hào Nguyễn Du, có bao giờ ông
TBT nghĩ rằng đã quá đủ với 93 năm lịch sử ĐCSVN và với 48 năm Đảng CSVN độc
quyền sở hữu cai trị đất nước này, với một đội ngũ đảng viên rất nhiều quyền
nhưng lại thiếu chữ tâm, thì “trách nhiệm chính trị” hay đúng hơn “trách
nhiệm lịch sử” của ông TBT Nguyễn Phú Trọng bây giờ là rất lớn – và không
phải là quá sớm để ông TBT và Bộ Chính Trị có đủ can đảm để khơi mào một “cuộc cách mạng xanh – green revolution” không đổ máu, với từng bước thực hiện tiến trình dân chủ hoá đất
nước, từ hạ tầng cơ sở lên tới trung ương, để từng bước trả lại cho người dân
quyền làm chủ đất nước – như bước chuyển tiếp tất yếu của lịch sử, và trên dòng luân lưu của lịch sử như một “dòng chảy sinh thái” không hề có “đập chắn.”
NGÔ THẾ VINH
California, Tết Quý Mão 22/01/2023
Tham khảo:
1/ The Nature Conservancy. Environmental Flows Concepts.
About Environmental Flow. https://www.alberta.ca/about-environmental-flows.aspx
2/ Đánh giá Các Hệ thống Ngăn Mặn Vùng Ven Biên Châu Thổ Cửu
Long & Dự án Thuỷ Lợi Sông Cái Lớn – Cái Bé
Nhóm nghiên cứu: Lê Anh Tuấn,
Nguyễn Hữu Thiện, Dương Văn Ni, Nguyễn Hồng Tín, Đặng Kiều Nhân. (Bản
thảo ngày 06/9/2018)
3/ Nói không với dự án Cái Lớn - Cái Bé.
Đi tìm các giải pháp phi công trình cho
ĐBSCL. Ngô Thế Vinh. Viet Ecology Foundation 03.10.2018
4/ Quy hoạch vùng ĐBSCL, Thời kỳ 2021-2030, Tầm nhìn đến năm 2050. Báo
cáo Quy hoạch. Quyển 1-2, 631 trang. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tháng 12/2021
5/ Vũ khí giải cứu sông Mekong Chất xám và tiếng nói. Lê Quỳnh phỏng vấn
Bs Ngô Thế Vinh. Báo Người Đô Thị, Saigon 25/04/2016
6/ Thư gửi 92 Đại
Biểu Quốc Hội 13 tỉnh Miền Tây. Thuỷ điện Luang
Prabang thêm một thảm học môi sinh cho ĐBSCL và Lưu Vực. Ngô Thế Vinh. VEF, Jan 14, 2020.
|
BS Ngô Thế Vinh: tốt nghiệp YKSG, chủ bút báo SV Tình thương, y sĩ Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, BS thường trú các bệnh viện đại học New York, BS điều trị và
giảng huấn tại một bệnh viện Nam California. Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông
Dậy Sóng là một dữ kiện tiểu thuyết liên quan tới môi sinh và phát triển
lưu vực sông Mekong và ĐBSCL. Nối tiếp là ký sự Mekong Dòng sông Nghẽn Mạch, với bản Anh ngữ
đã thu hút sự quan
tâm của giới khoa học, và các nhà hoạt động môi trường thế giới. Gần 30 năm tâm huyết với các vấn đề Sông
Mekong và ĐBSCL,
BS Ngô Thế Vinh không chỉ là một nhà văn, ông còn là một nhà hoạt động môi
trường bền bỉ. Ông đã có những chuyến đi dọc dòng Mekong dài 4.800km, từ thượng nguồn đổ xuống Biển Đông. Bài viết đề cập
tới các vấn đề nóng bỏng hiện nay trên dòng Mekong và ĐBSCL. [Tác giả 2002
bên chân con đập Mạn Loan, là đập thuỷ điện dòng chính đầu tiên trên sông
Lancang-Mekong, Vân Nam TQ].
Sự Sống, Con Người
và Thiên Nhiên
Nguyễn Đức Tiến
Sự sống của con người nằm bên trong sự
sống của thiên nhiên. Con người là thành phần của thiên nhiên, thiên nhiên là
thành phần của con người. Thiên nhiên chuyển động qua từng hơi thở của con
người, luân lưu trong từng mạch máu của con người. Thiên nhiên tạo ra sức sống
cho con người, hiện ra qua từng tư duy của con người, tạo ra tri thức và xúc
cảm cho con người. Ngược đãi thiên nhiên là ngược đãi chính mình, tàn phá thiên
nhiên là tàn phá con người của chính mình qua từng mạch máu, từng hơi thở, từng
tư duy và từng xúc cảm của chính mình. Con người không phải là một cái gì
đó khác hơn với thiên nhiên, và ngược lại. Nhìn thiên nhiên qua một sự
hiểu biết nhị nguyên là một góc nhìn phiến diện, là nguyên nhân đưa đến
mọi hình thức xung đột và khổ đau. – HP
Nguyễn Đức Tiến.
Anh Võ Tá Hân mến,
Cám ơn Anh chuyển bài viết của ông Ngô
Thế Vinh về sông Cửu Long. Tôi cũng chẳng biết phải nói gì hơn. Như đã nói
với Anh trước đây, tôi đã trông thấy các hậu quả này từ nhiều chục năm về
trước. Những gì mà ông Ngô Thế Vinh nêu lên trong bài viết rất cao siêu, có thể
là những người lãnh đạo cũng không hiểu, bởi vì họ không được đào tạo để
hiểu. Phần lớn người dân chất phác cũng không hiểu bởi vì họ bị cấm, không
được phép hiểu. Trên thực tế thì mọi chuyện đã muộn lắm rồi, không có
thuốc chữa. Khi Thiên nhiên ra tay thì dù kỹ thuật có mạnh và tân tiến
đến đâu, tiền bạc có nhiều đến đâu cũng không chống lại được Thiên nhiên.
Qua một góc nhìn rộng lớn hơn thì chúng ta sẽ thấy rằng Thiên nhiên luôn chuyển
động. Động đất là một sự chuyển động bất thần và rất nhanh, thế nhưng nếu
nhìn vào lịch sử địa chất của địa cầu (Geological Time Scale) thì đấy cũng chỉ
là hậu quả âm ỉ và lâu dài của phát sinh từ sự trôi dạt của những mảng lục
địa. ĐBSCL không phải là xứ Thổ Nhĩ Kỳ, mà là nơi môi sinh sụp đổ một cách kinh
hoàng. Sự sụp đổ đó, ông Ngô Thế Vinh đã trông thấy qua bài viết của ông
ấy.
Tôi sinh ra trong vùng đầm lầy của
ĐBSCL khi Đại chiến thứ Hai bùng nổ ở Âu Châu, tôi chạy giặc Việt Minh, chạy
giặc Miên (cáp duồn), chạy giặc Nhật, chạy giặc Tây, chạy giặc
VC... Cha mẹ tôi, cùng anh em tôi trốn trong những khu rừng nguyên sinh
của ĐBSCL cách nay 3/4 thế kỷ. Các khu rừng đó chưa hề có vết chân
người. Các khu rừng đó thỉnh thoảng vẫn hiện lên với tôi trong những giấc
mơ.
Mười tuổi tôi đi học lại, biết đủ 24
chữ cái và tập đánh vần. 25 tuổi đứng trên bục giảng của đại học Sài Gòn, và
sau đó là các đại học Cần Thơ, Đà Lạt, Oslo, Paris, vừa học, vừa khảo
cứu, vừa thuyết trình. Có một lần tôi thuyết trình về đề tài
Paleoecology / Cổ môi sinh học (thời đại Permian) cách nay hơn 300 triệu năm,
liên quan đến một ngọn đồi đá vôi trong ĐBSCL gọi là Núi Còm (gần Hà
Tiên). Nay ngọn đồi này và các ngọn đồi đá vôi hiếm hoi trong vùng ĐBSCL
đã bị san bằng để lấy đá lót đường và làm xi măng. Điều đó cũng tương tự như
đập các chiếc lọ cổ để lót sân.
Tôi hiểu về tầm quan trọng của môi
trường cách nay đã hơn nửa thế kỷ. Với tư cách là địa chất gia và kỹ
sư tầm khảo tôi đã từng làm việc nơi hầu hết các sa mạc, rừng rậm, biển cả trên
địa cầu (kể cả trên vòng đai bắc cực), tôi chỉ xin kể lại một chuyện nhỏ như
sau: Có một lần tôi đến một công trường trong một vùng sa mạc, tôi
trông thấy quá nhiều rác. Tôi bảo với công nhân là nếu tôi trông thấy ai vứt
rác thì tôi sẽ đề nghị công ty thuê mướn sa thải người này. Công nhân rất
thật thà, họ nói với tôi rằng: đất nước này đâu phải là quê hương tôi mà tại
sao tôi lại làm như vậy? Điều đó khiến tôi ý thức được là mọi sự phải
bắt đầu từ con người. Nói một cách khác thì đó là chữ Tâm trong phần kết luận của bài viết
của Ông Ngô Thế Vinh.
Qua một góc nhìn thu hẹp hơn thì người dân trong ĐBSCL và những người lãnh đạo
phải học để hiểu được những gì mà ông Ngô Thế Vinh muốn nói. Thế nhưng
chuyện đó đã trở thành không tưởng.
Ngày nay tôi vẫn học, có hôm thức từ 2
hay 3 giờ sáng. Tôi cũng thường nghĩ đến các sinh viên của tôi mà một số đã
bước vào tuổi 70 hay 80. Học hỏi theo tôi không phải chỉ là sự hiểu biết
mà còn là là sự khai mở của con tim (Tâm). Yêu
thương con người, thiên nhiên và sự sống là bước đầu tiên góp phần giúp
cho sự tồn vong của địa cầu nhỏ bé này. Bắt người dân phải ngoan ngoãn, không
có quyền hiểu biết, không được phép yêu thương, là cách giết chết một dân tộc,
tàn phá một quê hương.
Thăm Anh,
NGUYỄN ĐỨC TIẾN
Paris, Feb 9, 2023