Thursday, February 23, 2023

TRẦN MẠNH TOÀN: Vũ Hoàng Chương /TUỔI HỌC TRÒ (1936-1939) những bài thơ đàn chị

                                    Anh sẽ trầm luân muôn kiếp nhớ

                                                                  Vũ hoàng Chương

 

Bài thơ Nhớ Thu in trong Văn gp xuân Ất Tỵ 1965 

với lời chú “viết tặng Kiều-Thu, Hà-nội 1936”.

In lần thứ nhất tại Sài-gòn 1964.

Rút trong thi tập Tuổi Học Trò sắp xuất bản”                

Hình TMT 2021

    Tuổi Học Trò là nhan đề phần thứ nhất trong tập thơ Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai (Lửa Thiêng, 1971) thay vì là tên một thi tập như được rao khi nhà thơ họ Vũ cho đăng lần đầu bài Nhớ Thu trên Văn số Tết Ất-Tỵ 1965.

Mười bảy bài được chọn mang dấu nhịp đập của trái tim non trước khi có sự bùng dậy một thi tài. Tuổi Học Trò gần như một nhật ký bằng thơ mà những điều ghi lại là những rung động đầu đời chỉ mang theo phần nhỏ sự can thiệp của văn chương. Vì thế chỉ riêng về phương diện này, khoảng cách giữa những vần thơ mệnh danh của tuổi đi học với tập thơ thứ nhất (Thơ Say) thật là rõ rệt. Nhưng, mặt khác trong phần thơ của tuổi chập chững vào đời, bù lại, người ta được thấy qua thơ như bắt gặp khuôn mặt chưa trang điểm, của một tâm hồn chưa biết sầu, ngay cả với điều không vừa ý. (1)

Tuổi Học Trò dành trọn vẹn cho mối tình đầu đời, người ta tưởng mới chính là đóa hoa đầu dâng cho những rung động trong trinh như sương sớm. Tuổi Học Trò bước vào cửa lớp nhưng lòng như còn chưa rời khỏi ngưỡng cửa nhà, đem theo thổn thức vào trang sách chưa mở.

Tác giả những vần thơ măng ấy chưa kịp là thi sĩ, và trong ý nghĩa ấy, chỉ nên xem là nhật ký của lòng, ghi nhận thật đúng rung động mà không phải là cùng lúc đạt tới sự thành tựu của ngôn ngữ bày tỏ.

Tuổi Học Trò mà sự xuất hiện muộn màng, cho thấy sức mạnh của những rung động đầu đời để lại hậu chấn sau hàng chục năm chứa đựng biết bao đổi dời ảnh hưởng đến tâm hồn. Chúng - những bài thơ dành cho tình đầu nói trên - cần thiết cho việc nhận diện một dòng suối dịu dàng kể cả lúc đau thương từ nơi ngọn nguồn cho đến khi nhập vào chốn vô cùng. Thật là huyền diệu khi người để lại cho đời một dòng suối chảy ngược về trời, lại định trước một cõi tiếp nhận thiên-thu không còn làm người thổn thức. Trả cho cát bụi nhé  Kiều Thu. (2)  Một lời dặn đánh thức người thiên- cổ dậy để giã từ.

Tuổi Học Trò, chính là chốn phát tích một hồn thơ, nơi người, lần đầu, khắc khoải trong một tình cảm duy nhất và phó thác tất cả cho trái tim. Hồn thơ, có thể, ngây ngất vì tình yêu, và cũng chưa cần để làm nên thành tích cho văn chương. Người chưa nghĩ đến việc làm thơ, ngoại trừ theo thói quen, ghi lại rung động bằng ngôn ngữ của mình. Tình yêu cũng có ngôn ngữ riêng, như vậy Tuổi Học Trò có đến hai tầng ngôn ngữ.

Hãy đọc Tuổi Học Trò bằng trái tim tuổi trẻ, với Vũ năm hai mươi, thay vì để cái tan vỡ trong bi thương (Mười Hai Tháng Sáu) hay sự kết cuộc trong thăng hoa (Tố Của Hoàng Ơi), ám ảnh. Vũ chỉ  trưởng thành khi trước mặt người, tình yêu đã chín và phải kết trái bằng hôn nhân. Và, Vũ như lấy lại ý chí và cố giữ quan niệm riêng về tình yêu như tín đồ giữ trọn niềm tin về một cõi trong trinh.

Như thế, Tuổi Học Trò là thơ của người-không-muốn-lớn, hay là cõi của người còn muốn đuổi bắt tình yêu như trò chơi tuổi trẻ. Không đi xa hơn bằng cuộc hôn nhân đích thực, đó là tình yêu của họ và họ muốn mãi mãi không đổi khác. Vũ đã để lộ suy nghĩ như thế về tình yêu ngay trong tập thơ đầu trong Tối Tân Hôn, trong Động Phòng Hoa Chúc, khi mà chàng thanh niên, dĩ nhiên, chưa hề có kinh nghiệm. Thôi hết nhé thỏa đi niềm rạo rực. Từ cung trăng rơi ngã xuống trần gian. Ta sắp uống bùn nhơ và sự thực. Sẽ mai đây dày xéo giấc  mơ tàn (Động Phòng Hoa Chúc, Thơ Say.)

Tuổi Học Trò là tấm thảm hoa, với Vũ, bước vào tình yêu, và trước sau còn nguyên vẹn như người nghĩ, bởi vì đối tượng người yêu mới ở tuổi mười hai. Biết em từ thuở mới mười hai. Từ thuở em còn tóc xõa vai. Son phấn chưa dùng gương lược biếng. Nửa phần ham học nửa ham chơi (Đến Khúc Quanh Rồi.) 

Cõi mộng của người thanh niên họ Vũ phải là không gợn chút mây xám, không cả dấu hiệu báo trước bầu trời ẩm đục với heo may. Tình yêu phải gần như là dấu chỉ của thanh bình tuyệt đối, của vô tư rất mực. Một hôm anh trêu tức. Em đuổi đánh vào vai. Vò đầu cho rối tóc. Và mím chặt môi cười. Bao nhiêu cử chỉ làm duyên ấy. Đã mách tình anh đủ lắm rồi...(Giấc Mộng Đầu.) Tiếng lòng của người thanh niên không khác với nhiều người tuổi trẻ đương thời, chăn giữ, nuôi nấng giấc mộng đầu trong ước muốn đồng hóa với khối trong suốt của tâm hồn người canh thủ. Hôm nọ em biếng học / Khiến cho anh bất bình./  Khẽ đánh em cái thước./ Vào bàn tay xinh xinh./ Anh nhiếc em "biếng lười"./ "Rắn mặt" cùng "khó dạy./ " Rồi lệ em chan hòa./ Rồi lòng anh tê-tái... Hôm nay em đã cười./ Nũng-nịu đến "xin lỗi"./  Được thể anh làm cao:/ "Sao em không giận mãi." (Nguyễn Xuân Huy, Giận Nhau.)          

Cõi mộng ấy sẽ phản bội người nếu người nhất quyết không giã biệt nó khi cần. Vũ vẫn luôn ấp ủ cõi mộng trong trinh dù lòng chàng đã gợn phong ba. Dấu hiệu bất an trong gia đình mà người hiểu chuyện cho biết, đã được chàng sớm thố lộ. (3) Riêng tôi sống cuộc đời vô vị /Khắc nỗi buồn u ẩn từ lâu./ Tôi ngao ngán thờ ơ, khinh bỉ / Hết !... Không hy vọng chẳng mong cầu / Ôm khối hận gia đình trĩu nặng / Tôi căm hờn thù ghét hôn nhân / Lang thang sống giữa vùng im lặng / Chuỗi ngày tan tác mảnh phù vân. (Cũng Vì Em.)

Cõi mộng còn đấy nhưng chỉ còn là một chốn vọng cầu. Vũ tự đặt mình vào thế thoái lui và sự tan vỡ giấc mơ đầu không hẳn như lời trách móc. Là thôi gái thị thành kiêu bạc. Đã ấm giàu sang lạnh ước thề. (Ấm Lạnh, Trời Một Phương.)

Tuổi học trò qua mau nên dành cho ta một cơ hội lớn để quay về, nâng niu trên tay như một báu vật riêng tuy đã được ký thác trong lâu đài kỷ niệm. Nó là một thứ di vật, nỗi tiếc nhớ làm tăng thêm tuổi đợi chờ. Vũ, trong bóng tối thời hiện tại, đuổi bắt tuổi học trò với cố gắng tuyệt vọng của người đi tìm dấu tích một ngọn lửa đã tắt. Người lần lại chuỗi thời gian trong như ngọc quý để cầu nguyện cho tuổi trẻ không còn cũng như lòng tiếc thương nó chưa dứt. Như lòng thương nhớ được tiên tri từ khi tình được hình thành. Anh sẽ trầm luân ngàn kiếp nhớ. Cho dẫu ngày mai em lãng quên. (Tình Thứ Nhất.)

Tuổi học trò được nâng niu hôm nay, là dấu hiệu của nỗi khao khát về những rung động đích thực như rung động đầu đời. Người cảm thấy cần thiết như việc đánh thức trái tim biết cảm ứng hàng ngàn lần hơn trước sự việc mà không cần đến kinh nghiệm như công việc của khối óc. Nhị Thập Bát Tú một thời của khám phá và suy về thế giới thăm thẳm quanh người, rút cuộc không làm người hài lòng nhưng chỉ thấy an tâm khi trở về với trái tim biết say với nhịp tin yêu. 

Tuổi học trò được hồi sinh sau khi được kiều dưỡng trong giấc ngủ dài, được đánh thức để sánh vai cùng thi-nhân như niềm tin được hồi phục.

Tuổi Học Trò, chuỗi ngọc xanh 17 hạt, dâng cho Tình trong tuổi thanh xuân, nên thuộc về tuổi trẻ. Nó không nằm trong đường đi tới của văn chương vì người thanh-niên dâng hiến chưa nhận mình là thi-nhân. Hiểu theo ý nghĩa trên, tiếng ca dâng tình của tuổi trẻ chỉ là những rung động trinh nguyên của trái tim, của đơn thuần cảm xúc.                             

Đến khúc quanh rồi

"Kiều Thu ! nghe chăng tôi than van

Đến khúc quanh rồi, em hãy khoan

Dừng gót nghe tình tôi trải rộng

Thành thơ trên mỗi bước em đàn !"

(Đến Khúc Quanh Rồi, Tuổi Học Trò.)

 Khúc quanh (virage) đây là tuổi-biết-yêu của Kiều-Thu khi mà người trong mộng đã chớm biết, "ai đem sầu muộn dăng tơ / làm phai giấc mộng ngây thơ dạo nào."  Nỗi băn khoăn của thi-nhân lớn dần theo nỗi-biết-buồn đeo đẳng người thiếu nữ. Cái cười ngây thơ dạo nào là vầng trăng sáng trên trời cao, khó ai với tới và chẳng chút bụi trần. Lòng chàng đã dễ lây với cái ngây thơ và cùng một giai điệu với khúc ca tình ái cất lên những nốt nhạc đầu. Những lời dành cho cái rung động sớm gọi là tình yêu với người thanh niên, nhưng chưa thể là tiếng tỏ tình vì chàng còn chưa vội dối lòng.

Tới khúc quanh là ngã rẽ của trái tim, không thể để lòng nói trái với rung động hay cảm giác. Vũ đã có tâm sự của người đang yêu, bước ra từ bóng tối êm đềm của mộng ước lớn dần. Lời tự tình hôm nay trong trẻo, yêu đời nào có khác gì người cùng lứa mộng. Lượt phấn điểm hồng thêm gò má / Cặp môi đào nay đã thắm son / Tuổi xuân gần tới trăng tròn / Tóc mây em quấn, đầu còn xõa vai / Em chẳng còn ham chơi như trước / Nhịp máu rung trời nước đâu đâu / Có khi ngồi lặng giờ lâu / Vẩn vơ nét bút đường khâu ngại ngùng.

Tuổi-biết-buồn của người thiếu nữ như thu hút những phiền muộn vô cớ của đất trời, cái chau mày bất chợt từ một bực dọc không đâu, cho đến muốn chia sớt cái thoáng đìu hiu của buổi chiều thưa nắng.

Lời tỏ tình mười-lăm. Đêm xanh chưa dễ tuần trăng vội tròn. Còn là ý tiếc nuối nét ngây thơ của tâm hồn trong như sương sớm, chưa biết hiu quạnh là gì. Khúc quanh đến không chờ ai và cũng không buộc ai dừng lại. Chỉ có chàng thanh niên  nhỏ nhẹ nhắn lời. Kiều-Thu ! nghe chăng tôi than van ? / Đến khúc quanh rồi, em hãy khoan / Dừng gót nghe tình tôi trải rộng / Thành thơ trên mỗi bước em đàn.

Lời tỏ-tình không bơ vơ như lời độc thoại với mình. Vũ đứng ở đầu sông Tương nhưng tin chắc rằng ở cuối dòng có người đứng đợi từ lâu. Lời tỏ-tình được ân cần gìn giữ như tiếng nói của chính mình tới giờ, phải là lời vàng đá, lời của thiên thu. Lời nói không tan trong gió, mà được gió truyền tai, lặp lại như điệp khúc của rừng thưa, lời hoang ca của tiếng lòng đòi bỏ ngỏ.

Lời tỏ-tình mười-lăm như tiệc sáng trăng rằm, đẩy vào bóng tối mọi ngờ vực của nỗi lòng bất định còn sót lại của tuổi thơ năm cũ. Trong trẻo và từ chối đám mây xám bất đắc dĩ vãng lai, là thái độ của trăng rằm, của người nhận lời tỏ-tình xứng đáng. Vẻ như Vũ không ăn năn về quyết định ngỏ lời năm xưa vì đất trời không phụ người. Sự thủy chung của tâm hồn được đất trời chứng giám. Rồi em đi hết Thời gian. Hương say còn ủ mãi bàn chân hoa. Thời-gian là một trong ba cái trụ của thực tại hiện hữu.

Vũ đã từng bước đến với lời tỏ tình như kẻ thèm Say. Không lâu sau đó, hay có thể cùng lúc, chàng dẫn Tình nhập vào thế giới Say như đến với một ma lực quyến rũ quen thuộc. Những người chị của tình-mười-lăm có mặt trong cõi này được xem như  đồng lõa với tác nhân hủy diệt ?  Không. Vũ vốn sòng phẳng hơn ai. Lời tỏ tình khi chưa là thi-nhân, được gìn giữ như lời thiêng. Lời trong trinh buổi đầu không liên quan gì thái độ đáp trả cuộc đời lạnh nhạt sau này. Vũ nâng niu tình đầu đến cuối đời cũng như khi gửi gấm lúc đầu đời

 Kiều-Thu em! Có hiểu gì không ?

"Ôm khối hận gia đình trĩu nặng

Tôi căm hờn thù ghét hôn nhân

Lang thang sống giữa vùng im lặng

Chuỗi ngày tan tác mảnh phù vân"

(Cũng Vì Em, Tuổi Học Trò)

Đây là bóng mây xám bất chợt trên nền trời trong xanh, là báo hiệu sự dở dang của nụ xuân vừa hé. Từ đây, người ta sẽ hiểu rõ nỗi lòng chàng trai trong cuộc, tình chưa phân ly đã nghĩ đến việc dốc cạn thân thế vào cuộc Say. Say, trước hết, là sự chôn vùi trước khi hát khúc tuyệt mệnh.

Nàng vẫn vô tư như năm nào nên tình dường như vẫn dừng lại ngoài song khuya. Chàng trở thành người khuya sớm thao thức với tình, canh giữ cho tình yên giấc mộng. Nếu anh, từng ngón tay khoan nhặt / Chẳng lượm dần bao kỷ niệm xưa / Trong lớp tàn tro ngày đã tắt / Thì em chẳng nhớ đến bao giờ.

Người thanh niên vốn thu mình trong cõi riêng của huyền thoại, đã gượng bước ra ngoài, tập sống như gã si, chỉ nhìn về hướng có tình. Trời đã một phương từ thuở ấy và nỗi khó khăn là với thực tại, chàng đã mất phương hướng từ đây.  Em quên hết ? Quên là phải chứ ! / Đời em đâu thiếu những êm đềm ! / Nhưng kiếp u sầu, tôi gắng giữ / Chút tàn tro ngày sống bên em.

Mất phương hướng rồi trở thành lạc hướng. Vũ, gã si, như người đi biển thèm nước mặn. Cái khát đã đến trước khi người thực sự cần đến nước. Tình là thủy triều chứ không còn là mặt biển bình yên. Khiến người làm kẻ lênh đênh ngay cả khi chỉ cần bước qua chỗ cạn. Ngày tắt nối đêm tàn chẳng lại / Nhưng tôi còn yêu nhớ viển vông / Ôm khối tình xa xưa mãi mãi / Kiều Thu em ! có hiểu gì không ?

Nhưng, người thanh niên vẫn ở vào thế hệ hôn nhân được xếp đặt. Cuộc xung đột với gia đình về việc này trở thành cuộc phân tranh nội tâm mà tâm hồn ngây thơ như nàng không thể hình dung rõ. Vũ để lại dấu tích vết thương như tài sản duy nhất cầm cố cho tình. Cuộc tình trong trinh như sương mai, giờ được đặt trong tình trạng khảo giá. Ôm khối hận gia đình trĩu nặng / Tôi căm hồn thù ghét hôn nhân / Lang thang sống giữa vùng im lặng / Chuỗi ngày tan tác mảnh phù vân.

Vũ, người xa lạ với mọi tính toán cân lường, đành làm ngơ trước yêu cầu của tình thế. Tình yêu thay vì đi xa hơn, nay thu lại là thái-độ với tình, là điều mà không ai giành được trong tay Vũ. Người thanh-niên ngây-thơ đã tấn phong cho Tình không bằng văn chương diễm lệ như sau này. Chàng chỉ tặng vành hoa đồng nội kết vội đơn sơ như lời mộc mạc bên nhau. Tôi không quên...dù em chẳng nhớ /  Rằng vì em tôi biết yêu đương ! / Nếu rồi đây trong đời mưa gió / Một vài tia nắng xé màn sương.

Nếu xem Cũng Vì Em là một trang của tập nhật ký bằng thơ, thì đây là chuyện lòng đang tiến dần vào kỷ niệm. Tình sắp là kinh nghiệm sưởi ấm lòng khi đi trong dông bão. Niềm an ủy mà người thanh niên tìm kiếm thay thế cho những tổn thất không thể bù đắp chỉ là cách để tự xoa dịu vết thương không lành.

Vũ đã sớm trở về kiếp bơ vơ trong tâm trạng vừa giãi bày. Tình yêu, rốt cuộc, khiến người thanh-niên thêm khắc khoải với lòng. Cuộc tình trong trinh càng soi tỏ nỗi đau theo thời gian và ngày theo ngày như chiếc thuyền lênh đênh cần giải cứu. Vũ không quên ở tập thơ cuối (Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau, Rừng Trúc, 1974), thả một bè lau cho cuộc tình đầu nổi trôi theo kiếp người mà ý nghĩa xót thương đã hiện ra bên cạnh lời âu yếm từ trong tiếng nói ban sơ. Nhưng một ngày kia thuyền bỏ bến / Đi tìm giông bão chốn xa xôi / Vì kiếp giang hồ chưa đến hẹn / Nên hưởng êm đềm khoảnh khắc trôi.

Bài thơ chứa đựng một nỗi lòng u uất khó nguôi, nỗi lòng trong héo ngoài tươi vì chuyện lòng không thể là bài toán để giải, một cuộn dây để gỡ mối. Đã có dấu hiệu Vũ thấy bế tắc trong đường đi tới và muốn buông xuôi như không lâu sau đó phó thác thân thế cho cái Say.

Bài thơ là thiên tình sử, như mọi chuyện tình, nhưng bất đắc dĩ, phải chọn cái ám ảnh ban đầu tan vỡ làm cái đẹp cần thiết. Nhưng, thơ không như người vốn dễ vô tình. Thơ báo trước cái đau tan vỡ trước khi đến với người, và thay người gánh nhận cái đau như đòi trả cho xong món nợ tự nhiều kiếp.

Anh sẽ trầm luân ngàn kiếp nhớ

" Hỡi ơi một phút giây huyền ảo

Đủ dẹp lòng anh sóng gió yên

Anh sẽ trầm luân ngàn kiếp nhớ

Cho dẫu ngày mai em lãng quên"

(Tình Thứ Nhất, Tuổi Học Trò)

Người thanh-niên như đã sớm báo trước một định mệnh cho tình mà rung động mạnh mẽ của những lần gặp gỡ không thể tiếp nối thành một đời khắng khít. Tưởng là để xác nhận tấm chân tình nhưng đã để lộ điều trực giác nỗi hoang mang về tình bất trắc. Mặc dầu thích thu mình trong cõi lặng, Vũ lại đưa tình ra sóng lớn đại dương, đến mức tiên liệu trường hợp biển dữ phải đương đầu. Đây là trường hợp của người mà lòng luôn ngờ vực hạnh phúc mình được hưởng có vừa tầm tay. Lòng của bầy chim thành phố nghi ngờ không gian cưu mang chúng bấy lâu. Số phận cho phép được ở trong hay ngoài chiếc lồng được bao chừng.

Lòng Vũ vốn định cư ngoài biển rộng. Tình không thể buộc chân chàng nơi nhánh sông dù có thể là nơi sửa soạn ra khơi. Xuân đắm trong mơ... một buổi chiều / Bên em anh thấy sóng lòng siêu / Mê man giãi hết tình u ẩn / Trong lúc điên rồ anh quá yêu.

Bài thơ viết năm chàng vừa 20 (1936), là một trong những nốt nhạc đầu của bản trường ca được viết ra dang dở vì chàng thường tự nhận là người "ưa kiếp giang hồ sống lẻ loi."

Bài ca hai-mươi lẽ ra phải là khúc hân hoan cho tình nồng, nhưng với Vũ, mang nặng tâm sự riêng của người khao khát mộng. Tình và Mộng thường đối nghịch nhau, mặc dầu tự ban đầu gần như cùng một khởi điểm và một chặng đường chung sống. Nhưng anh tha thiết, có ngờ đâu / Một khắc tan hoang ý buổi đầu / Anh đã đem dâng tình thứ nhất / Đáy lòng chôn chặt tự bao giờ.

Khi dâng cho tình thứ nhất khúc ca hai-mươi, người thanh-niên-ưa-kiếp-giang-hồ đã tự biết tình khó có thể buộc chặt cánh chim. Chẳng thể phản bội tình, chàng nguyện đền đáp bằng một lời hứa. Anh sẽ trầm luân ngàn kiếp nhớ. Cho dẫu ngày mai em lãng quên.

Có lẽ chưa có khúc dâng tình nào chứa đựng nhiều bất trắc như thế. Chưa có giấc mộng nào gợi ra dự cảm tan vỡ như thế. Tình yêu đùa cợt người cũng như đã đặt người vào đường một chiều, vào một dòng xuôi chảy xiết. Nói là đùa cợt vì giọt nước mắt hồng mới là cách trêu lòng người mà chỉ tình yêu mới có. Và, tình yêu chỉ dành một lối cho người vì sự mê hoặc trái tim. Vũ gần như bàng hoàng trong sức mê hoặc đó, như mất hẳn cái bản ngã phóng dật của người vốn hướng về cõi mộng. Chỉ thấy, chàng tự thú, "mê man giãi hết tình u ẩn / trong lúc điên rồ anh quá yêu."

Với hồn giản dị, chàng dễ dàng nhường bước cho tình. Dâng tặng cả tâm hồn và bản ngã. Trong sứ điệp dành cho tình-thứ-nhất, Vũ thành kẻ trắng tay vì chàng tin rằng chàng sẽ là triệu phú hạnh phúc. Mệnh giá của tình là khả năng quyến rũ của tiếng lòng. Người thanh-niên-hai-mươi nhanh chóng bị khuất phục như sau đó không lâu chàng dâng mình cho cơn Say. Bao nhiêu chướng ngại trong ngoài, một sớm không còn. Hỡi ơi một phút giây huyền ảo / Đủ dẹp lòng anh sóng gió yên. Chiến thắng của tình nhưng không là thành tựu của người tuổi trẻ. Người vào đời bằng sự khuất phục trước tình yêu và hài lòng với đối khoản hạnh phúc vị tất. Bằng vào thái độ như trên với tình, người trẻ tuổi đã nhượng bộ cuộc đời trước khi quay ra cho rằng đời lạnh nhạt. Kịp khi có Ta hề chông gai mông mênh / Cuồng vọng cả mà thôi bốn phương hề vướng mắc... (Túy Hậu Cuồng Ngâm, Mây.)

Ở một khía cạnh, Tình khiến Vũ một đời say đắm phải là hiện thân của giấc Mộng siêu-thoát, sánh được với cõi mà Lưu Nguyễn của nhiều thế hệ mong tìm về. Không chỉ là giấc mộng xuông dầu đẹp vì còn là cõi mà thi-nhân sau này, đưa hồn thơ gặp gỡ những hồn thơ. Trường hợp Ysa là sự nhân đôi tình-yêu-hai-mươi của thi-nhân trong ý nghĩa không chỉ thi-nhân nuôi dưỡng được khả năng của giấc Mộng lâu dài đến thế.

Trái với bước chập chững của tình đầu với những tiếng lòng thứ nhất, như thường thấy, tình-hai-mươi nơi đây đã bàng bạc nỗi ưu tư, thấp thoáng cả phiền muộn trước điều bất trắc. Điều Vũ dâng cho tình-thứ-nhất vẫn là sự thành thực của một tâm hồn đã được lóng trong, bằng chính những nỗi băn khoăn do tình đầu mang tới.

Đôi ta gỡ nắng guồng mưa dệt tình

"Em ơi, còn nhớ năm xưa

Đôi ta gỡ nắng guồng mưa dệt tình."

(Còn Nhớ Hay Quên, Tuổi Học Trò)

Tập nhật ký của lòng có thêm những trang viết bằng mưa nắng của những buổi hẹn hò. Nhờ cậy đến thiên nhiên và trời đất, người thanh-niên chưa đủ can đảm để tỏ tình một mình hay cả hai cùng muốn có ít nhất có nắng mưa làm chứng. Mưa nắng vốn không xa lạ với việc này. Nhất là khoảng hai chục năm sau, cả hai đều có diễm phúc được ân cần ngồi chung với Nguyệt lão. Đến mức nếu tình thiếu hạt mưa đếm giây phút đợi chờ, hay vạt nắng nâng tà áo thì kém hẳn mặn nồng. Trang nhật ký sẽ vô vị làm sao.

Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng / Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay / Trời nắng ngạt ngào...tôi ở lại đây / Như một buổi hiên nhà  nàng dịu sáng. (Tuổi Mười Ba, Nguyên Sa, 1958.)

Nhưng Nguyên Sa, người thường xuyên đưa mưa gió vào cuộc tình để giữ chân nhau, xa hơn nữa, lấy mưa nắng làm thứ phong vũ biểu để đo lường mức độ của tình, dường như lại chẳng có cái quan tâm đồng đẳng đến nhân tố này như trong thơ Vũ. Với Nguyên Sa, thơ Vũ gợi mở hướng truy tầm nguyên nhân, nghĩa là một cách gián tiếp xem thơ Vũ, kể cả thơ tình, dẫn dắt đến thế giới riêng và việc tìm kiếm nguyên nhân là chìa khóa có thể vào được cõi ẩn mật đó. "...phải tìm hiểu những cuộc phiêu  du của anh bên trời Tây để nắm vững được cái tương quan giữa những hình ảnh liên hệ đến người đàn bà Tây phương nào đó, người đàn bà quê hương "phương âu mờ mịt" của "Đời vắng em rồi", người đàn bà mà anh than tiếc từ trước khi phiêu du bên trời tây đó và những người đã thực sự gặp gỡ và xuất hiện trong những bài thơ từ quãng thời gian đến sau cuộc hội nghị thi ca nơi Bỉ quốc. Như thế phải tìm hiểu những nguyên nhân của Mười hai tháng sáu, của Lộng Chương, của Nhị thập bát tú..." (4)

Như thế, mưa nắng trong thơ tình Nguyên Sa khác biệt với trong thơ Vũ trong vai trò. Trong thơ Nguyên Sa, mưa nắng gần như là hiện thân của tình yêu. Chan chứa, nồng nàn và diễm lệ. Không có mưa lầy hay nắng dội. Em đừng trách anh để lòng mình tủi cực / đến ngại ngùng dù nắng hay mưa. (Có Phải Em Về Đêm Nay, Nguyên Sa.)  Sự có mặt của mưa nắng trong thơ tình Nguyên Sa là tính chất nội tại. Không thể không có. Mai tôi ra đi chắc trời mưa / Tôi chắc trời mưa mau / Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội / Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau  (Paris, Nguyên Sa.)

Mưa nắng trong thơ tình của Vũ, nếu nghĩ theo Nguyên Sa, là nhân tố liên quan đến nguyên nhân của cuộc tình. Nó thuộc về khởi đầu hay kết thúc. Nó lãng đãng như mây thu hay đằm thắm như một lương duyên dù chỉ là sự trùng phùng giữa 2 tâm hồn đồng điệu. Em còn nhớ hay quên người cũ / Nắng mưa xưa ấp ủ lòng tôi / Mấy phen guồng lệ bồi hồi / Gỡ tơ sầu chẳng sao nguôi lòng này (Còn Nhớ Hay Quên, Vũ Hoàng Chương.)

Tình cũng là tình-sử, theo quan niệm của Nguyên Sa về thơ tình của Vũ. Nó không là xúc động đơn thuần của con tim khi gặp gỡ hay một trạng thái tâm hồn mà người chất chứa muốn tách bạch để rồi bâng khuâng. Tình-hai-mươi của Vũ chính là cuộc hành trình đi tìm tình yêu của người thanh-niên này. Nắng mưa không là bước đi của tình yêu mà là nhân duyên hình thành. Mưa và nắng ấn định bước đi của tình-thứ-nhất, và ấn định ra sao.  Mưa và nắng trở thành cái mẫu để truy tầm nguyên nhân hình thành các cuộc tình kế tiếp. Một mình riêng nhớ, em ơi / Biết đâu Nùng Nhị nay trời nắng mưa ! ( Còn Nhớ Hay Quên, Vũ Hoàng Chương.) Từ đó, nắng mưa trong thơ tình của Vũ như được xếp đặt theo một bản tuần-hoàn liên quan đến từng trường hợp. Bởi thế, rượu đắng mưa đêm trường trong Mười-Hai-Tháng-Sáu của những lúc hát khúc cổ-bồn, khác với giàn dưa mưa lất phất lúc đón đợi người liêu-trai bước ra từ trang sách cổ ( Nửa Truyện Hồ Ly, Mây.

 Tên em vừa tỏ như trăng mọc

"Tên em vừa tỏ như trăng mọc

Giữa bốn trời sao tên thí sinh"

(Đi Thi, Tuổi Học Trò.)

Đây là tiếng nói lạc quan nhất trong cuộc tình vì đánh dấu một kỷ niệm vui vẻ nhất của tuổi đi học. Tố đỗ kỳ thi trung-học năm vừa mười tám (1937). Kỳ thi cũng là khảo khóa của cuộc tình vì  người thiếu nữ kia không chỉ ghi lòng những bài học của mùa thi. Đủ các môn, em học / Mỗi bài cả trăm lần / nhưng vang dội tim óc / Toàn lời thơ ái ân. Và, thực ra chỉ có những bài thơ của tình mới là những bài nhớ mãi. Giòng chữ nghe ẩn hiện / Ngọt ngào trên đôi môi / Nồng say như gió biển / Lùa trong nhịp máu trôi.

Lòng người thanh-niên e ngại trước những đổi dời. Cái vui mừng tột độ cũng như phiền muộn thái quá đều không ở lại lâu, ngoại trừ trong văn chương là cõi riêng để cảm giác tung hoành. Tính chất riêng tư hay non nớt kỹ thuật mà tác giả đã viện dẫn để không đưa vào tập thơ đầu, không thể vì thời gian và biến cố dồn dập mà phai mờ. Có thể chính vì người viết nên chúng cảm thấy mức rung động đạt được nên không thể phụ bạc bỏ quên. Trong ý nghĩa đó, thuở học trò năm xưa được hồi sinh như tình trong trang sách ước. Những bài thơ đàn chị - tính theo tuổi ra đời - còn nguyên vẹn hương yêu và vẻ phong nhụy của rung động đầu đời. Người thi-sĩ chưa nhân danh mình để văn chương ra mặt trước tình yêu, cũng như Vũ không cho thơ mình ra mắt trước khi tập thơ đầu xuất hiện. Như thế, thơ học-trò phải có ý nghĩa của 30 năm lẻ nở muộn (1936-1970.)

Vũ thường nhắc đến khoảng cách thời gian trên như điều kiện làm nên một giá trị. Ta đợi em từ ba mươi năm (Chờ Đợi Hoài Công, Rừng Phong.) Ba-mươi-năm là tuổi chờ đợi một bóng hình bước ra từ trang sách liêu-trai, để thấy ước mơ thành sự thực. Còn ba-mươi-năm lẻ nở muộn của thơ học-trò là thời gian cần thiết để ba chiều của hiện hữu nhập làm một. Không gian thôi đã ba chiều khép. Thì đốt tâm tư mở một chiều (Giấc Mơ Tái Tạo, Trời Một Phương.)

Vũ thường nghĩ, không gian và thời gian là hai yếu tố làm nên ngăn cách và phân biệt mọi việc trong đời. Ba-mươi-năm chờ đợi vẫn chỉ thấy một mình trăng lọt qua song, thì ba-mươi-năm-lẻ sẽ đem lại màu thắm cho hương sắc được ủ kỹ.

Tuổi-học-trò nở muộn không phải là trường hợp riêng của mười-bảy bài thơ. Chẳng hạn bài thơ ghi lại một cuộc gặp gỡ khác với một người bạn tâm đầu cũng phải đợi mười-sáu năm dài mới được ra mắt. (5) Tuổi của bài thơ được trao, không còn là năm tháng ghi dưới bài, vì thơ tình không có tuổi.

Sự xuất hiện Tuổi-học-trò là cử chỉ bước giật lùi lại với thanh-xuân trong ý nghĩa phủ định cái vô nghĩa của cái chiều quan trọng nhất làm nên không-gian thực-hữu. Một hành động có ý nghĩa sau khi biết rằng việc hoài niệm chỉ làm gay gắt thêm nỗi nhớ. Trước đây mười chín năm / Anh vừa hai mươi tuổi / Em cũng vừa trăng rằm / Tóc thơm còn bỏ suối / Học tan chiều mỗi buổi / Đón nhau tận cổng trường / Hai xe cùng giong ruổi / Hồn mơ về một phương / Ôi đẹp nhất con đường / Cửa Đông về Cầu Gỗ. (Mây Suối Về Đâu, Hoa Đăng.)  Cửa Đông là nơi có trường Tố học (Ecole des Jeunes Filles Brieux) và Cầu Gỗ là đường có nhà Tố. (6)

Bước giật lùi lại với thời gian để đưa những rung-động sót của Tuổi-học-trò chào đời, người tuổi-trẻ năm nào muốn giành khỏi tay thời gian, quyền định đoạt sự có mặt của tiếng lòng còn bỡ ngỡ.


 Trường nữ học Ecole Brieux tức trường Hàng Cót ( 29 rue Takou) Hình của trang nhà MH

  Đáy biển vừa rung động mũi kim

"Mai anh bỏ kiếp giang hồ lại

Đáy biển vừa rung động mũi kim

Phải gắng thêu xong đường chỉ dở

Uyên-Ương liền cánh mãi đôi chim !"

(Quay Về, Tuổi Học Trò.)

Người thanh-niên đã "khai sinh" cho người tình từ thưở học-trò, không phải cái tên được ra đời khi đi liền với cuộc tình vỡ. Kiều-Thu thành hướng duy nhất của con tàu chàng xê dịch, mặc dầu vẻ như vào lúc này (1939), chuyến tàu khởi sự vào chốn xa xôi làm gợi lên một nỗi nhớ người. Vũ bỏ học, bước vào nghề riêng, nói là để thỏa mộng giang hồ nhưng việc này đánh dấu rõ rệt việc ly khai với giấc mộng quen thuộc của người thiếu nữ. Giấc mộng giang hồ đồng nghĩa với cuộc phiêu lưu của người tay trắng, là sự đầu cơ tuổi trẻ. Con tàu say vĩnh viễn rời bỏ bến của những người an phận và vô tư. Những chuyến tàu say sẽ thúc đẩy thêm người đi xa hơn vào chỗ của  người có tâm trạng đợi chờ bên ga vắng. Lạc loài thôn bản rưng rưng. Kiều-Thu, Hà-nội...mấy từng xa xưa ! Con Tàu Say mà chàng mượn để chở một chuyến say còn chứa đựng cả quan niệm về nhân sinh của người lãng tử. Non sông chuếch choáng biết dừng nơi đâu (Con Tàu Say, Thơ Say.)

Nơi đây là chỗ đứng xa vời với tuổi học trò, một vị trí thách thức với trái tim non rung động nhẹ như cánh bướm. Chàng thanh-niên không ngờ đã tự rời chỗ đứng đã được chọn năm xưa và chàng đã ý thức được điều này cũng chỉ như biết được giấc mộng đã qua. Mai anh bỏ kiếp giang hồ lại. Đáy biển vừa rung động mũi kim.

Kẻ đa tình khó có thể trở về giấc Mộng với cái ngây thơ như xưa của người lữ khách. Hay, kẻ mang tâm trạng của người " ra giữa trùng dương để làm một gã thủy thủ già lái tàu theo kim chỉ nam mà chỉ thấy toàn rượu ngọt " (Gọi Em, Nguyên Sa, 1956.)

Thái độ buổi ấy của người toan sống kiếp giang hồ là Quay Về, trong chút tin tưởng ngây thơ không kém về sự nguyên vẹn bất hoại của một trái tim là đủ. Dư âm Hà-nội chưa chìm. Kiều-Thu còn vẹn trái tim đa tình.

Nhưng, chàng đã chọn kiếp giang hồ "vặt" đến 2 năm (1939-1941), và sự đinh ninh trong lòng  phải được xem như là sự ăn năn. Tuổi học-trò có thể làm chứng cho chàng nhưng không thể cùng lúc giữ vai người thay lời bộc bạch. Thơ chưa lấm bụi đường vì hồn người còn nguyên vẹn vô tư của  kẻ chưa thực sự rời khỏi mái ấm, bởi vì giấc mộng giang hồ thực sự chẳng hề nhờ "đầu máy vô tình mặc đẩy đưa."

 TRẦN MẠNH TOÀN

Chú thích

 (1)  Nơi đầu tập thơ tuyển " Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai", tác giả viết :" Năm 1940, khi lựa thơ in vào tập Thơ Say, tôi đã gạt bỏ nhiều bài mang tính cách quá riêng tư, một phần cũng e rằng lời thơ quá non nớt. Bây giờ đã là 1970. Sau đó cả một cuộc biển dâu - đúng 30 năm- những e ngại nói trên không còn nữa, tôi quyết định gom góp lại thành một tập nhỏ mang tiểu đề TUỔI HỌC TRÒ. Để đối lại với những bài thơ Tình-Yêu viết sau năm 40 tuổi - từ 1955 trở đi - cũng góp thành tập nhỏ với tiêu đề TỪ ĐẤY VỀ SAU. Hợp cả lại, thành thi tập này - ĐỜI VẮNG EM RỒI SAY VỚI AI

(2) Bài "Tố Của Hoàng Ơi" trong tập thơ cuối Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau, Rừng Trúc, Paris, 1974.

(3)  "Riêng Vũ Hoàng Chương chàng cũng hiểu đã đến lúc phải về thưa chuyện với cha mẹ đem trần cau đến xin Tố cho mình. Ngờ đâu dông bão đã xảy ra, ông bà Tri huyện đã giận Vũ Hoàng Chương không chịu đi hỏi con gái quan Bố Chánh theo ý muốn của ông bà, nên đã thẳng tay gạt bỏ chuyện xin đi cầu hôn của con. Ông bà cho Tố là học trò trẻ con, lại theo Tây học nhăng nhít, không thể về làm dâu một gia đình nề nếp quan cách như gia đình ông bà; còn bà Tư, mẹ của Tố, là dân buôn bán (bà Tư hồi đó đang có cửa hàng xuất nhập cảnh giấy) lại quá trẻ (mới có ba mươi tám tuổi), không xứng thông gia ! Bao nhiêu mộng ước đang đến hồi đẹp nhất, cao điểm nhất  nay bỗng bị cha mẹ phản đối quyết liệt đã khiến Vũ Hoàng Chương choáng váng, đớn đau; chàng còn vô cùng khổ sở và ngượng ngùng khi nghĩ đến gia đình Tố Uyển, vì chàng biết giải thích ra sao ? Thế là chàng trốn luôn, không dám bén mảng đến nhà Tố nữa..." (Phạm Thị Nhung, Thiên Tình Sử Vũ Hoàng Chương, cothommagazine.com.)

 (4) Nguyên Sa, Một Đoạn Thư Gửi Vũ Hoàng Chương, Văn Học, số 97, 11/1969, tr. 24       

(5) Bài "Đêm Vàng Thủy Tạ" được khởi sự viết trong dịp gặp gỡ giữa tác giả với Tuyết Khanh tại Nhà Thủy Tạ bên Hồ Gươm, Hà-nội năm 1944, được in trong tập "Trời Một Phương" ( tgxb, Sài gòn, 1962), mười bảy năm sau. (Vũ Hoàng Chương, Ta Đã Làm Chi Đời Ta, bút ký, phần được đăng tải trước khi được in thành sách trên Văn, giai phẩm, ngày 26.10.1972, tr. 19.)

(6)  Sau năm 1938, nhà Tố rời về đường Kỳ Đồng (Capitaine Bruisseau) (theo Phạm thị Nhung, Thiên Tình Sử Vũ Hoàng Chương, cothommagazine.com.)