Tuesday, December 10, 2024

Ngô Thế Vinh: TẢN MẠN VỚI ChatGPT / AI BÊN TÁCH TRÀ CUỐI TUẦN

  

ChatGPT can make mistakes. Check important Info. 

ChatGPT có thể mắc lỗi. Kiểm tra thông tin quan trọng.

 


 

NGÔ THẾ VINH

 A Certain Smile _ Thay cho một

Thiệp Chúc Mừng Sinh Nhật Quan Nghè Nguyễn Duy Chính

  

KHÔNG HỌC Y KHOA NỮA: TS NGUYỄN DUY CHÍNH, Little Saigon, California  21.11.2024: Là một nhà sử học Việt Nam nghiêm túc, các trang viết của Anh ND Chính bao giờ cũng là một nỗ lực đi từ nguồn tài liệu gốc từ kho sử liệu Trung Hoa, do Anh rất giỏi chữ Hán – mà Anh tự học, nên Anh có thể đáp ứng được yêu cầu nghiêm khắc này. Và rồi nhân đọc một bài viết trên mạng, nói tới vai trò quan trọng bất ngờ của AI/ ChatGPT trong Y khoa, Anh ND Chính đã viết cho tôi và các Bạn – dĩ nhiên, ai cũng biết đó là một câu nói đùa, với một tiêu đề diễu cợt:

 

Thất nghiệp đến nơi rồi… Hãy học AI chứ đừng học Y khoa nữa.EmojiEmoji

Bác sĩ và ChatGPT cùng chẩn đoán bệnh, kết quả khiến nhóm nghiên cứu bất ngờ

  

VẪN CÒN THIẾU BÁC SĨ ĐỒNG QUÊ VÀ KHU VỰC NGHÈO KHÓ:

Biết là một câu nói đùa, nhưng tôi vẫn nghiêm chỉnh trả lời Anh ND Chính. Quan Nghè Nguyễn Duy Chính ơi, ngày ấy còn khá xa, do các cơ sở y tế hiện nay vẫn còn thiếu BS, đặc biệt vùng quê, khu vực không được phục vụ chăm sóc đúng mức (underserved areas). Cũng nhân đấy, lần đầu tiên tôi bắt đầu có vài thử nghiệm với AI / ChatGPT không phải là mới, vì ra mắt cũng đã hơn 2 năm rồi. (ChatGPT viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer, 11 năm 2022).

 

VÀI THỬ NGHIỆM CỦA NGÔ THẾ VINH, Long Beach CA Với ChatGPT:

Quan Nghè Nguyễn Duy Chính ơi,

Tôi mới hỏi ChatGPT một câu [1]

 

_ Ai là tác giả cuốn dữ kiện tiểu thuyết "Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng", và nội dung tác phẩm viết về gì?

 

ChatGPT trả lời ngay:

Cuốn tiểu thuyết Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng được viết bởi tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam. Tác phẩm này đã gây được sự chú ý lớn trong cộng đồng yêu thích văn học Việt Nam, đặc biệt là những độc giả quan tâm đến lịch sử và các vấn đề xã hội, địa chính trị.

Nội dung của tác phẩm:

·         Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng là một tiểu thuyết lịch sử, mô tả những biến động xảy ra trong giai đoạn khó khăn của lịch sử Việt Nam, đặc biệt là xoay quanh vấn đề biển Đông và tình hình Biển Đông trong bối cảnh xung đột và tranh chấp lãnh thổ. Câu chuyện không chỉ nói về những cuộc đấu tranh về mặt chính trị, mà còn phản ánh những cảm xúc, sự hy sinh và tình yêu đất nước của các nhân vật trong bối cảnh đầy biến động của thời đại.

·         Tác phẩm cũng đặt ra những câu hỏi về vấn đề chủ quyền, sự bền bỉ của người dân Việt Nam

Tôi hỏi ChatGPT một câu thứ 2:

 

_ Ai là tác giả tiểu thuyết "Vòng Đai Xanh", nội dung sách là gì?

ChatGPT trả lời: "Vòng Đai Xanh" là tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, được biết đến với phong cách viết sắc sảo và đậm tính triết lý. Tiểu thuyết này được xuất bản lần đầu vào năm 1992. Nội dung tiểu thuyết: "Vòng Đai Xanh" là một tác phẩm chứa đựng nhiều tầng lớp ý nghĩa và khám phá những vấn đề sâu sắc về xã hội, con người và tình yêu. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của một nhân vật chính – một người đàn ông trung niên với những mối quan hệ phức tạp trong cuộc đời. Ông ta trải qua những sự kiện đầy đau đớn và suy ngẫm về cuộc sống, tình yêu, và cái chết. Tiểu thuyết không chỉ đơn giản kể lại những sự kiện trong đời sống nhân vật mà còn phản ánh những mâu thuẫn sâu sắc trong tâm hồn con người. Các vấn đề như sự tha hóa của con người trong xã hội, sự đối đầu giữa lý tưởng và thực tế, và sự đối diện với cái chết được khai thác mạnh mẽ trong tác phẩm.

Tôi hỏi ChatGPT thêm một câu thứ 3:

 

·         Ai là tác giả tập truyện ngắn "Mặt Trận Ở Sài Gòn", nội dung sách là gì?

ChatGPT trả lời ngay: Tập truyện ngắn "Mặt Trận Ờ Sài Gòn" được viết bởi tác giả Vũ Trọng Phụng, một trong những cây bút nổi bật của văn học Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 20. Vũ Trọng Phụng nổi tiếng với phong cách văn chương sắc sảo, hài hước và mang đậm tính hiện thực xã hội. Nội dung của tập truyện này phản ánh những mảng tối trong xã hội Sài Gòn, đặc biệt là trong những năm 1930s, với những câu chuyện xoay quanh các vấn đề xã hội, như: sự phân hóa giai cấp, những mâu thuẫn trong đời sống, và các mối quan hệ xã hội phức tạp. Tập truyện ngắn này không chỉ miêu tả hiện thực xã hội Sài Gòn mà còn bộc lộ những phê phán sâu sắc đối với sự tha hóa của con người trong bối cảnh đô thị hóa và các biến động xã hội. Các nhân vật trong tác phẩm thường là những người nghèo khổ, những kẻ bị xã hội bỏ quên, nhưng cũng có cả những nhân vật là phần còn lại của tầng lớp thượng lưu, sống trong sự giả dối và phù phiếm. Với lối viết phê phán sắc bén, Vũ Trọng Phụng đã làm nổi bật sự mâu thuẫn giữa cái nhìn lý tưởng và thực tế đầy cay đắng của xã hội lúc bấy giờ
Rõ ràng , cả 3 câu trả lời đều sai.

_ TS Trần Huy Bích, từ Orange County nhận định:  Vũ Trọng Phụng tuy nguyên quán ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, nhưng sinh ra, lớn lên, viết văn, rồi qua đời ở Hà Nội.  Cả cuộc đời ngắn ngủi năm 26 của ông chưa vào Nam bao giờ. Làm sao ông viết được Mặt Trận Ở Sài Gòn? Nội dung của MTOSG không phải là những mảng tối trong xã hội Sài Gòn ... trong những năm 1930s. Đúng là chuyện hài hước!

_ Nhà báo Mạnh Kim, từ Virginia tỏ ý bênh vực AI: Anh Vinh bảo nó vẽ hình, sáng tác nhạc, viết cảm nhận về mùa thu... Cái gì cũng được ạ. AI đang tiến rất rất nhanh… Bữa nọ có bạn cho em biết, bạn ấy hỏi một số người quen. Nó miêu tả em abcd một hồi, AI nói "Mạnh Kim đang sống ở nước ngoài". Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nó nói trật lất, như vụ các quyển sách của anh Vinh. 

_ Nhà thơ Trần Mộng Tú, từ Seattle Washington nhận định: Cái vụ hỏi han trên mạng như thế này thì "nguy to" rồi. Đng nói thơ Trần Mộng Tú trong sách của Ngô Thế Vinh cũng là của Vũ Trọng Phụng nhé. TMT viết tiếp: Mời Các Anh Chị thưởng thức đề tài này thì sẽ không bị kỹ nghệ thông minh nó khuynh đảo được. tmt

 

Subject: Lê Ph, Mai Th, Vũ Cao Đàm Pionniers de l’art moderne vietnamien en France, au musée Cernuschi. 

 

_ TS Nguyễn Văn Tuấn, Sydney, Úc Châu: cho rằng, cái này được gọi là ảo giác / hallucination -- AI [Artificial Intelligence] nó tự tin quá… Và trong một lần gặp nhau ở California mới đây thôi, anh NV Tuấn cho biết bấy lâu Anh là thành viên trong Editorial Board của một tập san khoa học quốc tế uy tín trong nhiều năm, Anh Tuấn nói: bây giờ không phải là dễ dàng để nhận ra bài báo gửi tới toà soạn thực sự là sản phẩm trí tuệ của chính tác giả hay là của AI. Và cũng xin chia sẻ với anh Vinh bài tôi nói chuyện mới đây về AI trong Medicine. Ứng dụng AI và Y tế Số hoá trong Y khoa  NV Tu

 

TT NGUYỆT MAI, Toledo, Ohio: Với ChatGPT/ AI, Một Trải Nghiệm Hỗn hợp

Sáng qua, từ một nơi cách California 3 múi giờ, cùng các Anh Chị bên California , nhà văn Trần Thị Nguyệt Mai cũng có một cuộc trò chuyện với Chat GPT/ AI:

1.   Nguyệt Mai hỏi: Tác giả hiện nay có nhiều sách viết về sông Cửu Long là ai?

_ Một tác giả nổi tiếng đã viết nhiều về dòng sông Cửu Long là Nguyên HồngÔng là tác giả của bài thơ “Cửu Long Giang ta ơi,” một tác phẩm thể hiện tình yêu và niềm tự hào về dòng sông Cửu Long.

_ Bạn có muốn biết thêm về tác phẩm này hoặc về các tác giả khác viết về dòng sông Cửu Long không?

Ngoài Nguyên Hồng, còn có nhiều tác giả khác đã viết về dòng sông Cửu Long. Một số tác giả nổi bật bao gồm:

1.   Trần Đình Thọ với tác phẩm “Đợi lũ”.

2.   Veita Jo Hampton với tác phẩm “Dưới bầu trời yên tĩnh trên sông Cửu Long”.

3.   Đào Ngọc Phong với tác phẩm “Nghe tiếng sóng Mê Kông”.

4.   Nguyên Sa với bài hát “Cửu Long”.

5.   Trần Hữu Dũng với tác phẩm "Bơi xuồng mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long"1

2Một nhà văn Việt Nam đương đại có nhiều sách viết về Mekong là ai?

Một nhà văn Việt Nam đương đại nổi tiếng với nhiều tác phẩm viết về dòng sông Mekong là Ngô Thế Vinh. Ông đã viết hàng trăm bài khảo luận và hàng ngàn trang sách về các nguy cơ và thiệt hại do thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong gây ra. Một trong những tác phẩm nổi bật của ông là "Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch".

3. Bạn có muốn biết thêm chi tiết về tác phẩm này hoặc về các tác giả khác viết về Mekong không?

Có, hãy cho tôi biết thêm về Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch.

“Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” là một tác phẩm nổi bật của Ngô Thế Vinh, được xuất bản dưới dạng song ngữ với tựa đề tiếng Anh là "Mekong The Occluding River"Cuốn sách này dài 700 trang, trong đó có 362 trang viết bằng tiếng Việt và phần còn lại bằng tiếng Anh.

Tác phẩm ghi lại các dữ kiện quan trọng về sông Mekong, từ nguồn gốc ở Cao nguyên Tây Tạng cho đến khi chảy ra Biển ĐôngNgô Thế Vinh đã thu thập một khối lượng lớn thông tin về các con đập thủy điện trên sông Mekong và những ảnh hưởng tiêu cực của chúng đối với hệ sinh thái và đời sống của hàng triệu cư dân ven sông.

Cuốn sách cũng bao gồm những trang bút ký và hình ảnh sống động từ các chuyến đi thực địa của tác giả dọc theo sông Mekong, từ Vân Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia đến Đồng bằng sông Cửu LongTác phẩm này không chỉ cung cấp thông tin chi tiết mà còn kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về vấn đề bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong.

Bạn có thể tìm mua cuốn sách này trên các trang bán sách trực tuyến như Amazon.

 4. Tôi muốn biết thêm về tác giả Ngô Thế Vinh

Ngô Thế Vinh là một nhà văn và bác sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh năm 1941 tại Thanh Hóa và tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1968Trong thời gian học, ông đã tham gia ban biên tập và làm chủ bút báo sinh viên Tình Thương của trường Y khoa Sài Gòn.

Ngô Thế Vinh đã xuất bản nhiều tác phẩm văn học, trong đó có các tiểu thuyết nổi tiếng như “Mây Bão” (1963), “Bóng Đêm” (1964), “Gió Mùa” (1965) và “Vòng Đai Xanh” (1970)Cuốn “Vòng Đai Xanh” đã được trao giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1971.

Ngoài ra, ông còn viết nhiều bài khảo luận và nghiên cứu về hệ sinh thái sông Mekong, với các tác phẩm nổi bật như “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” và "Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch"2Những tác phẩm này đã đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức về các nguy cơ và thiệt hại do thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong gây ra.

Hiện nay, Ngô Thế Vinh đang sinh sống và làm việc tại California, Hoa Kỳ, nơi ông  hành nghề y khoa và viết lách.

 

Bạn có muốn biết thêm chi tiết về bất kỳ tác phẩm nào của ông không?

5Có, hãy cho tôi biết thêm về cuốn Mây Bão.

“Mây Bão” là tiểu thuyết đầu tay của Ngô Thế Vinh, được xuất bản lần đầu vào năm 1963 khi ông mới 19 tuổi. Cuốn sách này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của độc giả và giới phê bình nhờ vào cách miêu tả chân thực và sâu sắc về những biến động xã hội và chiến tranh tại Việt Nam thời bấy giờ.

Nội dung của “Mây Bão” xoay quanh cuộc sống của những người dân thường trong bối cảnh chiến tranh, với những khó khăn, mất mát và hy vọng của họ. Tác phẩm không chỉ phản ánh hiện thực khắc nghiệt mà còn thể hiện tình yêu quê hương và lòng nhân ái của con người.

Cuốn sách đã được tái bản nhiều lần và vẫn giữ được sức hút đối với độc giả qua nhiều thế hệ. Nếu bạn quan tâm, bạn có thể tìm đọc “Mây Bão” trên các trang bán sách trực tuyến hoặc thư viện.

  

VŨ NGUYỄN, Anaheim, CA Với ChatGPT: Một Trải Nghiệm Hoàn Toàn Khác

 

_ Nguyễn hỏi ChatGPT: Phân Tích Mặt Trận Ở Sài Gòn của Ngô Thế Vinh

ChatGPT trả lời ngay: Lấy bối cảnh trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Mặt Trận Ở Sài Gòn tập trung mô tả những cuộc chiến khốc liệt diễn ra tại đô thị Sài Gòn. Cuốn tiểu thuyết phản ánh sự hỗn loạn dữ dội của thời kỳ này, đặc biệt trong và sau các sự kiện quan trọng như cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Là trung tâm chính trị và văn hóa của miền Nam Việt Nam, Sài Gòn trở thành điểm nóng của cả các cuộc đối đầu bạo lực lẫn xung đột ý thức hệ. Ngô Thế Vinh, với tư cách một bác sĩ và nhà báo, đã mang đến một góc nhìn chân thực, không tô vẽ về tác động của chiến tranh.
Các Chủ Đề Chính:

1. Sự Mơ Hồ Về Đạo Đức Trong Chiến Tranh: Ngô Thế Vinh khắc họa chiến tranh Việt Nam như một cuộc xung đột đầy phức tạp về mặt đạo đức. Cuốn sách tránh xa những câu chuyện anh hùng hay tội phạm đơn thuần, thay vào đó đi sâu vào cách con người ở cả hai phía phải vật lộn với bổn phận, danh tính và nhân tính của mình giữa cảnh hỗn loạn. Các nhân vật thường đối mặt với những lựa chọn thử thách giới hạn đạo đức của họ, làm nổi bật sự bất định và tổn thương tâm lý của chiến tranh.

2. Nỗi Đau và Sức Mạnh Kiên Cường Của Con Người: Cuốn sách mô tả sống động những nỗi đau của dân thường ở Sài Gòn, cho thấy họ đã phải chịu đựng sự sợ hãi, mất mát và hủy diệt như thế nào. Tuy nhiên, trong đó vẫn hiện lên những khoảnh khắc của sự kiên cường, khi các nhân vật tìm cách sinh tồn và giữ lấy nhân tính của mình giữa tàn phá.

3. Sự Vỡ Mộng Về Ý Thức Hệ: Ngô Thế Vinh phê phán sự cuồng nhiệt ý thức hệ của thời kỳ đó, cho thấy cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chống cộng đều gây ra những hậu quả tàn khốc cho người dân bình thường. Qua các nhân vật, cuốn tiểu thuyết đặt câu hỏi liệu bất kỳ ý thức hệ chính trị nào có thể biện minh cho sự đau khổ và hủy diệt do chiến tranh gây ra hay không.

4. Sài Gòn Như Một Biểu Tượng Thu Nhỏ: Thành phố Sài Gòn được khắc họa như một nhân vật trong câu chuyện, biểu trưng cho tâm hồn chia rẽ của Việt Nam. Những con phố nhộn nhịp, chợ búa, và các khu dân cư được đặt cạnh các cảnh bạo lực và hủy diệt, phản ánh sự giao thoa giữa hiện đại, truyền thống và chiến tranh.

Góc Nhìn Của Ngô Thế Vinh: Là một bác sĩ và nhà báo từng trải qua chiến tranh, Ngô Thế Vinh mang đến một góc nhìn rất cá nhân và đáng tin cậy. Các tác phẩm của ông, bao gồm Mặt Trận Ở Sài Gòn, thường tập trung vào cái giá con người phải trả trong các cuộc xung đột, kết hợp kiến thức sâu rộng của ông về các khu vực chiến sự với phong cách văn chương vừa chiêm nghiệm vừa cảm động. Ông không ngần ngại mô tả thực tế khắc nghiệt của chiến tranh nhưng cũng tìm cách bảo tồn phẩm giá và nhân tính của những người tham gia.

So Sánh Với Các Tác Phẩm Khác Trong Văn Học Chiến Tranh Việt Nam

1. Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh: Giống như Ngô Thế Vinh, Bảo Ninh khám phá những vết thương tâm lý do chiến tranh để lại. Tuy nhiên, trong khi Nỗi Buồn Chiến Tranh tập trung vào chấn thương hậu chiến của một người lính và những hồi tưởng về chiến trường nông thôn, thì Mặt Trận Ở Sài Gòn lại tập trung vào trải nghiệm chiến tranh ngay tại đô thị, làm nổi bật những cuộc đấu tranh độc đáo của cư dân thành phố. So Sánh Về Giọng Văn: Văn phong của Bảo Ninh mang tính hồi tưởng và trầm buồn, phản ánh về sự mất mát và tình yêu. Trong khi đó, văn của Ngô Thế Vinh, dù cũng đầy cảm xúc, lại cấp bách và trực diện hơn, nắm bắt sự hỗn loạn của chiến tranh khi nó diễn ra.

2. Các Truyện Ngắn của Nguyễn Huy Thiệp: Truyện chiến tranh của Nguyễn Huy Thiệp thường tập trung vào cuộc sống của những người bị lãng quên và sự phi lý của chiến tranh. Trái lại, Mặt Trận Ở Sài Gòn mang tính tự sự và có cấu trúc hơn, dù cả hai tác giả đều nhấn mạnh đến cái giá con người phải trả trong các xung đột ý thức hệ.

3. Tiểu Thuyết Không Đề của Dương Thu Hương: Dương Thu Hương chỉ trích cả chiến tranh lẫn sự lý tưởng hóa của các lãnh đạo cộng sản. Tương tự, Ngô Thế Vinh cũng phê phán ý thức hệ, nhưng ông tập trung nhiều hơn vào chiến trường đô thị, cho thấy cách các quyết định chính trị tại Hà Nội và Washington biến thành nỗi đau tại Sài Gòn.

Ý Nghĩa Trong Văn Học Việt Nam: Mặt Trận Ở Sài Gòn nổi bật với việc khắc họa trải nghiệm đô thị, trở thành một điểm sáng trong văn học chiến tranh Việt Nam vốn thường tập trung vào nông thôn và rừng núi. Hình ảnh sống động của Sài Gòn trong tác phẩm mang đến một góc nhìn không thể thiếu về chiến tranh Việt Nam, nhắc nhở người đọc rằng sự tàn phá của cuộc xung đột không chỉ giới hạn ở những chiến trường xa xôi mà còn len lỏi vào sâu thẳm các thành phố và cuộc sống của hàng triệu con người.

Bạn có muốn tìm hiểu thêm về các tác phẩm tương tự hay phân tích kỹ hơn về một chủ đề nào đó trong cuốn sách này không? Câu trả lời là “không.”

 

ChatGPT/ AI với cả đúng lẫn sai, như ChatGPT đã xác nhận:

ChatGPT có thể mắc lỗi. Kiểm tra thông tin quan trọng.

Rõ ràng ChatGPT/ AI là chưa hoàn hảo nhưng đang có những bước tiến Phù Đổng, nhất là trong khoa học tự nhiên, trong y khoa điển hình nhất là trong lãnh vực quang tuyến (Radiology). ChatGPT/ AI đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng chính xác hơn. AI không chỉ có vai trò hỗ trợ mà có cả tiềm năng ganh đua với sức sáng tạo của chính con người tạo ra nó.

 

Đến đây, tưởng cũng nên khép lại mấy dòng Tản Mạn về ChatGPT/ AI vì đã tới giờ đi bộ / thiền hành mỗi buổi sáng của các Anh Chị. Chúc cả nhà một ngày vui và những ngày nghỉ lễ cuối năm thật hạnh phúc và an lành.  

NGÔ THẾ VINH

Việt Ecology Press

Long Beach, 23.11.2024 – 08.12.2024                                                                                                       


Saturday, December 7, 2024

Trần Mạnh Toàn: BÓNG SAO RƠI

 

Nguyễn Đức Nhân sinh năm 1951, con trai út của một gia đình

nông dân tại Phong Nhị, xã Điện An, Điện Bàn ( Quảng Nam.)

Năm 1966, đã có thơ đăng trong tạp chí Vấn Đề qua sự giới thiệu

của thầy học là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.

Cho đến năm 1975, chưa có tác phẩm in.

“ Hiện tại, tôi an trú nơi “Am Đời Gió Bụi” tại thôn Tà Ngào, B’lao,

Lâm Đồng. Am do vợ chồng người bạn ở California cất cho, tọa lạc

trên sườn đồi, nhìn xuống thung lũng xanh, chung quanh núi non,

mây trắng bao bọc. Tôi là người hàng xóm thầm lặng của tộc người

 K’hor, H’mong.

Thật thú vị! Tôi chọn cuộc đời tri túc như đạo sĩ giữa rừng xanh”

 ( trích damau.org.).

                                             

Nguyễn Đức Nhân xuất hiện như vì sao lặng lẽ trong đêm bên vầng trăng úa vàng vì chờ đợi thanh thỏa được mơ ước cho đời. Ước mơ được gửi gắm hằng đêm như hồi thanh đáp ứng tiếng chuông ban chiều ngân nga lời phủ dụ. Vì sao ấy như đã già trước tuổi vì lời đã nặng chĩu đăm chiêu báo trước hình ảnh những nếp nhăn trên vầng trán. Khó khăn và khổ nạn quê nhà được phân chia trước cho những tâm hồn chịu rướm máu trước thách thức của mây thành nhiều năm sừng sững. Trái tim người dễ rung động như chuông sớm hay chiều nhưng tự chọn cung bậc thăng trầm thay cho lời thở than riêng cho trần thế. Người, tiếng hát măng tơ báo trước nỗi niềm của thế hệ mình, nghi ngờ cả cái buồn lẩn quất bên mình như người bạn thiết. Người, vừa bước vào tuổi trẻ, đã thấy ráng chiều nơi một buổi sớm chưa qua. Thời gian rảo bước cho kịp giờ đầu thai của những ước mơ còn lỡ dở. Người, cậy sương muối đến với lòng cho chai vết thương chưa kịp mưng mủ. Người đã sớm thành nhân khi thơ đến bên mình. Thơ mừng tuổi người như cành lộc mừng tuổi mùa xuân trước mặt. Thơ bước rảo bên người cho kịp với giấc mơ thời thịnh trị vừa lảng tránh.                                                                 

                                                                     1


 Thơ đến bên đánh thức người năm mười bảy. Tỉnh dậy và bước vào đời như vào cõi mộng du. Thế giới không như người biết khi tiền-mộng. Như thế, người là người thứ nhất làm cuộc nhận diện lại cuộc đời một cách chững chạc khác hẳn những người đồng lứa cặm cụi viết lá thư tình bằng thơ đầu đời. Sự nhận diện cuộc đời cùng với cuộc trở về mình được thực hiện song song như đôi dòng chảy bên nhau chờ lúc nhập lưu. Tâm hồn người mang lưu lượng hai dòng, phù sa dưới bãi mênh mang như câu hát lan ra trời xa của người dăng lưới. 

Cuộc khảo nghiệm về cuộc đời là cái nhìn đầu đời của người về thế giới chung quanh chứa đựng những nguyên tố của nỗi buồn mà bao người không chia sẻ hết. Người ta có thể phải kiên nhẫn đợi chờ sự phát giác mới cũng như không thể ngăn chặn được nỗ lực song song của chính họ vùi lấp bằng sự lặp lại vụng về. Cuộc đời được lặp lại nơi mỗi người và chính nơi người với sự mẫn cán uể oải như tâm trạng phản chiếu nơi chính họ. Cuộc đời với những sáo ngữ mà nó buộc phải mang theo trên đầu môi hay đầu ngọn bút, được di lưu như phấn hoa trước gió, còn đọng lại đó đây như chút ký thác của thời đại gửi chung cho mọi tâm hồn còn sót lại. Hương thặng phấn tìm thấy nơi tinh anh hồn người nên được giữ lại trong lòng bao dung cái đẹp trí tuệ của đời mang đến. Người đến với đời bằng ánh sáng của tâm hồn và xúc cảm như vết dao ăn sâu xuống vùng tri thức mới rạng hồng. Thơ là những bước chân chậm mà chắc, vững mà khoan thai, tiến về phía trước như vừng đông chọn hướng dù dấu vết của thời đại chưa thể buông bỏ.

Thơ đã xa lạ với nét hồn nhiên của tuổi vì đây là tự dạng của tâm hồn người vừa rời khỏi cái khuôn định mệnh. Không thể tránh được sự tài định này, khi mà ngay cả giấc mộng mỗi người cũng chịu thực tại xâm chiếm. Từ đây, người đọc đương thời có thể ghi nhận phản ứng, nếu có, của người trước sự thôn tính này như là bản chất của một tâm hồn duy cảm.


                                                                  2


 Nguyễn thuộc về số ít người lấy cuộc đời làm một định nghĩa cho thơ. Con người tịch mịch ấy muốn thở hít với trăng sao và mượn địa chỉ nơi thiên nhiên làm nơi cư ngụ. Hồn thảo dã thấm dần vào từng tế bào và giục giã người hồi sinh lúc trăng khuya, khi ấy người đã trở về từ lòng người du tử. Mây ngàn, sương núi là dưỡng chất của tâm hồn người, phóng túng hơn cả ước mơ khi theo người bỏ quên giới hạn của cám dỗ xung quanh. Núi rừng đã thành địa huyệt cho tâm hồn người ngả lưng theo mây gió.

Nguyễn nằm trong sương gió mà không nghĩ đến tàn phai vì người kết ước với thiên nhiên về những mùa đào không năm tháng. Trước khi được mệnh danh (hay tự nhận) là ẩn sĩ, Nguyễn đã gửi lại lòng trần cho thành phố lộng lẫy chuỗi cười nhịp khóc, tìm về chốn hoang vu như tìm về chính lòng mình, như cõi nguyên sinh. Biệt cư không phải là lánh đời mà là tìm về với cuộc đời giấu mặt sau rừng khuya im tiếng. Tương tự một cõi nguyên xuân quen thuộc mà Bùi Giáng chưa được lúc trực tiếp đặt chân sau một đời tìm kiếm.

Ẩn sĩ không phải là cách thu mình hay mạnh mẽ khước từ thế giới được thiết lập tân kỳ mà lui vào chốn tịch mịch đăm chiêu. Nơi mà Bửu Ý vén màn sương chiều cao nguyên để chỉ ra một cách sống nhưng không ở bên lề thực tại đầy vướng mắc.

Nguyễn không là một bản của mẫu người này, mà như một nguyên dạng của sự dung dị được chắt lọc thấu đáo như ánh trăng còn sót trong chén trà đã cạn. 

Nguyễn đã hoàn tất một giấc mộng khi giấc mộng lớn chưa qua. Người đã làm xong cuộc trở về với chính mình khi năm tháng còn trải dài trước mặt.

Nguyễn Đức Nhân và Nguyễn Đức Sơn, không hẹn mà cùng giao ước với núi rừng về một triết lý sống chung như người minh triết. Không nghi ngờ hay ruồng rẫy tha nhân, cuộc sống của họ là bài ca phong nhiên, ca ngợi sự bao dung của đất trời, khác với điều suy nghĩ của Bửu Ý mang ý nghĩa một sự gửi gắm rắn rỏi như một nhát dao, xem núi rừng là “ bối cảnh hữu dụng cho khởi đầu và kết thúc của hành động.” ( Bửu Ý, Con Người Tịch Mịch, Văn, số 126, 15.3.1969, tr. 52)

Vào thời mà núi rừng không còn là bóng mát của những người muốn lấy kinh nghiệm tại nơi xa lánh với guồng máy cơ trí, con người không dễ gửi phận buồn vui cho trăng rừng thay cho ánh đèn trên bàn viết. Tiếng bánh xe nghiến răng trong khuya là tượng hình của giấc mộng dữ hằng đêm mặc cho ánh trăng đã mang màu sốt vàng da. Người của văn chương và cảm tính nhìn vào cuộc đời đã sắc sảo, hoài nghi hơn xưa, khi không còn dung túng cho núi rừng chiếm cứ tâm hồn người bằng sự quyến rũ huyền hoặc của việc thoát ly thực tại. “ Ngàn thông đang cười sặc sụa bên tai, tiếng thác đổ như búa bổ trong đầu. Trật tự bị phá vỡ, phá vỡ cùng khắp, không vãn hồi nổi. Phải đốc thúc phá vỡ đến chỗ tất thành, từ đó trật tự mới có cơ trùng sinh. Thác và rừng sẽ lui về yên vị và Đại nhạc hội sẽ phục hồi nguyên nghĩa” ( Bửu Ý, Con Người Tịch Mịch, sđd. tr.60.)

Núi rừng đã nổi dậy, hay nói cách khác, dưới mắt họ, đã xúi người con của rừng núi dập tắt ngọn lửa tịch mịch trong lòng. Họ muốn thay bằng ngọn lửa khác.

Những người con của rừng núi như Nhân ( Nguyễn đức)  như Sơn (Nguyễn đức), và cả Bùi Giáng, đã giữ núi rừng của họ như giữ lửa trong đêm canh thức.

Thời của Nhân, của Sơn, rừng núi đã cựa mình vì sự quấy rầy hay nghi hoặc nhưng rồi núi rừng vẫn kín tiếng, giữ im lặng như xưa. Không vì sự ly gián hay tị hiềm mà đổi ý. Họ - Nhân và Sơn – là những người làm thơ, giữ vững được bản chất cho núi rừng bằng kinh nghiệm làm người của chính họ. Thơ đã che chở cho núi rừng và truyền lưu cho chúng một sức mạnh mới, không cần dựa vào sức mạnh của một trật tự nào đó mà họ đã mặc nhiên từ bỏ. Từ nguyên sơ và khi nhận thức ra đời, núi rừng đã thoát ra khỏi thiên nhiên để làm nên một không gian khác, phong phú trí tuệ, dồi dào hương sắc sự sống. Núi rừng như bước ra khỏi hoang sơ nhưng tương tự cái nôi của kinh nghiệm làm người lánh xa trật tự và cơ cấu. Núi rừng đã hàm ý an nhiên bằng việc để yên người sống bằng suy nghĩ của chính họ, rung động bằng trái tim của chính họ, khuyến khích họ tự tìm kiếm môi trường giao cảm trong lãnh địa của mình bằng những khám phá của riêng họ. Núi rừng không nhận quyền làm chủ mà trái lại, lắng nghe, chiêm ngưỡng cuộc hóa thân kỳ diệu của ngôn ngữ từ nơi những người khách văn chương. Và, núi rừng góp lời muôn thuở bằng sự im lặng một đời.

Điển hình là rừng núi đã làm nên truyền thuyết khi đón người đến Phương Bối năm xưa, mở cửa rừng khuya đón người mở cuộc giao hòa của nhận thức. Đêm rực sáng lên khi trí tuệ bập bùng. Con người phát giác ra trái tim rực ấm vì mạch máu dâng lên những ngôn ngữ của tinh thần cảm thông và phụng hiến. “ Trăng cũng tuyệt đối im lặng và rừng cũng tuyệt đối im lặng. Nhưng mà trăng với rừng quả là đang nói chuyện với nhau, nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ gì chúng ta không thể nào biết được...” ( Nhất Hạnh, Nẻo Vế Của Ý, Lá Bối, 1967, tr. 47).

Rừng núi đã thủ thỉ với họ về những lời của sự im lặng cũng như sự hiện diện của khoảng không, và đàm đạo với khách văn chương về một mùi hương của trăng khuya rơi trên vai áo. Núi rừng không còn là không gian cách biệt nhưng sự có mặt của con người đều mang ý nghĩa xâm nhập, chiếm cứ. Nó thực sự là một không gian mở, và chỉ người đến với núi rừng mới bị dư luận hoài nghi. Và, ngay cả rừng khuya, khi đêm nuốt chửng vạn vật, cũng là sự mời gọi tìm kiếm. “ Khu rừng hùng mạnh, và dưới ảnh hưởng của trăng khuya, tự tạo cho mình một hấp dẫn lực kỳ lạ. Có một sức gì thu hút phát xuất từ khu rừng, một cái gì rất hoang dại và cũng rất hùng biện ( Nhất Hạnh, Nẻo Về Của Ý, sđd, tr. 48.)

Điều gọi là sức mạnh của núi rừng chính là sự quyến rũ khác thường của một thực thể có mặt cả bóng lẫn hình. Rừng núi như thứ mùi hương để lại khi chỉ còn là hình ảnh trong ngăn ký ức. Sự mời gọi đó cũng là thứ vô ngôn. Tiếng nói của núi rừng là sự lặng im và quyến rũ người cũng bằng việc không lên tiếng. Chính núi rừng đã khiến im lặng thành một giá trị tự thân, một nét trang điểm kín đáo đến mức phải trông cậy đến trí tuệ.

Rừng núi còn là cõi mơ hồ đến mức huyền hoặc trước khi chất xám và trái tim dẫn con người khám phá. Nhưng con người đem ánh sáng đến cho rừng sâu, mặt khác lại phủ lên nó vẻ hoang đường huyền bí. Bóng tối của rừng thẳm do con người lập nên, phá vỡ, rồi tái tạo không ngừng bằng trí tuệ và cảm xúc. “ Thế giới của rừng núi quả đã khôi phục được quyền hành của nó. Ta có thể cảm thấy được những bước chân chậm rãi của chúa sơn lâm và tiếng xào xạc của khu rừng tranh cao quá đầu người khi chúa sơn lâm đi ngang. Rừng núi hết sức yên lặng, nhưng cũng hết sức linh  động “ ( Nhất Hạnh, Nẻo Về Của Ý, sđd. tr. 42.)  Những con người của núi rừng ấy để mặc cho cảm xúc và linh tính dẫn đường, như cách riêng, cảm ơn cánh tay rộng rãi dành cho hơi ấm. Họ không đến để làm công việc nhận diện lại núi rừng nhân một hành động tương tự như thế với bản thân bên ngọn lửa khuya chứng kiến. Núi rừng sẽ hiện thân trọn vẹn và chân thực vào lúc con người cảm thấy không còn nương tựa vào điều gì. Núi rừng vẫn còn đó, nguyên vẹn như khi có mặt.                                          

                                                                        3


 Rừng núi là một bản hòa âm mà những người đến đây là người đồng xướng. Sự im lặng lớn lao của rừng núi đã khiến họ phải làm trọn công việc kẻ tri âm. Hát lên bằng lời nói của gió ngàn và rung động bằng nỗi lòng của trăm loài thảo mộc.

Thuở Sơn ( Nguyễn đức) lên cao làm bạn với núi rừng, thơ đã nghiêng đổ như theo cơn cuồng túy. Cái say không men thả lỏng tâm hồn như thúc giục rừng già đừng im lặng nữa. Sơn, theo cách riêng, nhập làm một với núi rừng như thấy trong nhau một mạch huyết luân lưu. Sơn phó thác tình cảm ấy cho người, thay vì chính mình lên tiếng. Núi rừng và Sơn chung một định mệnh. Nói đúng ra, Sơn ràng buộc rừng vào định mệnh của chính mình.  Núi rừng im lặng. Sơn ồn ào. Núi rừng nhũn nhặn, trầm tư. Còn Sơn luôn sỗ sàng, ngạo nghễ. Ôi nắng vàng dòng thác Gougah  / rừng và chị ôm nhau hát / sẽ đẻ ra một đứa con  / rừng và chị ôm nhau chết ( Nguyễn Đức Sơn, Đêm Thăm Bạn Sắp Đẻ Ở Di Linh). Không phải là lời chúc dữ, mà chỉ là Sơn nhắc đến định mệnh chung giữa rừng với người do chính anh ràng buộc. Mối dây này nghiệt ngã như sợi dây tự ải. Khi rừng già thấp xuống thấp xuống / buổi sáng chị tắm sương mù / buổi chiều chị đốt cỏ hong đời chị ( Nguyễn Đức Sơn,bđd.)

Sơn đã đóng góp vào sự có mặt của rừng, bản ngã của chính mình, như sự tận hiến. Rừng núi không còn vô danh khi Sơn đặt chân, không còn bí mật, thâm u vì cách chiếu cố của người nghệ sĩ. Từ đó, Sơn lên tiếng thay cho rừng, truyền đi một thông điệp đau xót về thân phận con người mà lẽ ra con người phải nhân danh chính mình lên tiếng. Ta thức giấc lúc trăng tà biến mất / cả khu rừng mù mịt bóng sao rơi  / ta lẩn quẩn suốt đời trên trái đất  / chợt thấy lòng đau đớn rất xa xôi ( Nguyễn Đức Sơn, Mất Dấu Trăng Sao, Khởi Hành, số  59, 23.4.1970, tr. 9.)

Trở lại với Nhân ( Nguyễn đức ), người học trò mà về sau đã trao tập vở cho núi rừng, đã nối lời thơ bằng những dòng lục bát vương vấn ngôn ngữ và hình ảnh được thời đại ký thác. Thơ tập lớn lên từ sức mạnh kết tập tự muôn phương theo đúng quy luật của sự trưởng dưỡng. Người đã sớm bước vào đời bằng giấc ngủ quên với hy vọng lúc trở về cũng bằng cánh mộng. Cuộc thoát ly thực tại “hợp thức” này thực chất là nhận thức khai mở về cuộc đời và cũng là cuộc thám sát đầu đời của chàng tuổi trẻ về chính mình giữa tiếng réo gọi của những đợt sóng ra khơi lẫn ngọn thủy triều ước vọng. Anh ơi ! con nước về nguồn / anh ơi ! đừng hỏi nước buồn hay không ? Chàng đã đặt tuổi trẻ vào một nước cờ như một kẻ am tường trò chơi trí tuệ. Chàng đã chọn chính mình trong việc thử phận lênh đênh trong lúc bao người đồng lứa còn ôm chặt giấc mộng lành. Cuộc thử nghiệm ban đầu của chàng mang tính chất thúc đẩy, gợi sáng của ý thức nhiều hơn là cảm xúc tự thân. Nơi chàng, trí tuệ đã thay mặt cho rung động của trái tim, để khởi đầu một cuộc lên đường, mà có lẽ với gã, là hình ảnh một cuộc dấn thân, một cuộc mặc cả khó khăn với ngôn ngữ diệu vợi. Đêm về vỗ sóng ngàn phương / tim tôi đập cánh mù sương máu nhòa.

Nếu đúng thế, ít ra chàng đã dành một phần tuổi trẻ cho sự ngã giá chặt chẽ này khi biểu trưng của ngôn ngữ vẫn là ưu thế dưới mắt chàng. Bấy giờ, thơ thuần túy là sự kết tập vị trí mới của ngôn từ cùng ảnh tượng một cách thuần nhất.  Những rung động thuần thành đều phải khép mình trong kỷ luật diễn đạt chàng đã mẫn cán như bầy ong hút nhụy. Đêm về vỗ sóng ngàn phương / tim tôi đập cánh mù sương máu nhòa.

Người học trò ấy bước vào cõi thơ đem theo ý thức về cuộc đời tương tự ánh sáng bên bàn học. Thực tại của chàng là thực tại được thẩm lậu qua tầng trí tuệ chịu thử thách khốc liệt từ khách quan nghiệt ngã. Người học trò đã khước từ vô tư để đánh đổi lấy cái trầm ngâm, đa mang của con người xây dựng bản ngã và bằng bước chân kẻ du tử. Tôi về lay động thằng tôi / ngủ trên cánh én da sồi san hô. Trở về với bản thân có ý nghĩa của cuộc đi xa thứ nhất trong đời, một cuộc viễn du đích thực khi tầm mắt chưa ra ngoài khung cửa lớp. Có thể Nhân khởi sự cuộc hành trình này nhân sự gợi ý từ xa. Hôm nay tôi kiếm vào tôi / bon bon xe chạy trong trời ô sương ( Viên Linh, Trên Đường, Khởi Hành, số 127, 27.10.1971, tr. 9.) Đường trở về, đối với họ, trở nên thăm thẳm. Với chàng, là sự phát giác ngỡ ngàng trước điều chân giả. Cơn mê sực tỉnh, tế bào sáng trăng. Còn với người, cái tìm thấy cũng lạc loài như cánh chim rời tổ, đến chiếc bóng cũng không để lại trên đầm lạnh. Từ đây, không thấy không nghe / kiếm tôi, trong những vết xe hàng ngày ( Viên Linh, bđd.)

Nhưng, trở về không phải để xác nhận sự hư vô như vết hằn in trên trán kẻ tội đồ. Chọn bước đầu đi vào ý thức, người làm thơ tuổi học đã làm trọn công việc của mình một cách nghiêm chỉnh trước trang sách giáo khoa trước mặt. Ý thức lên đường đã đặt chàng vào vị trí tương tự  một màu hoa, thu vào việc gợi ý cõi lòng xôn xao. Ý thức khiến lòng chàng dao động mà không đem lại ủ ê như người đi trước. Cõi này đèn sáng đêm đêm / thân tôi đã tắt lửa bên giường chiều ( Viên Linh, Khởi Hành, số 103, 6.5.1971, trang bìa,)

Chuyến trở về của người đi trước mang về nhiều gia vị cay đắng cho thực phẩm trần gian. Ý thức càng sáng thì càng soi tỏ thực đơn khó nuốt dành cho bữa tiệc đời. Về đây đối diện thân xưa / chim muông trên đỉnh, ngựa lừa dưới chân ( Viên Linh, Hình Nhân, Nghệ Thuật, số 1, 1.10-7.10.1965, tr. 22.) Trở về là sự thắp sáng tâm hồn mà không nhằm thiêu hủy những gì phát giác. Thơ đã giúp họ điều tiết cái nhìn về chính họ trước khi rảo bước về phía trước. Thơ không giữ chân họ trong tro tàn của những điều thức giác. Người làm thơ không nghĩ đến việc nguyền rủa bóng đêm khi đã có ánh sáng trong tay. Bàng hoàng một kiếp chim dơi / lưng khom dáng thú bụng phơi hình người ( Viên Linh, Hình Nhân, sđd.)

Với  Nhân, cuộc trở về không bội phản chàng như khi đã rắp sẵn một ước hẹn chia tay. Cái nhìn sơ kiến về mình của chàng nhiều thi vị hơn là khám phá  ra điều chua xót. Ảnh tượng trong thơ cũng mông lung bóng dáng như giấc chiêm bao gửi gấm. Tôi về lau nhẹ chiêm bao / cơn mê sực tỉnh, tế bào sáng trăng. Giấc Trang của con ngưới thời đại chỉ tương tự cái ngả lưng của ý thức trên thơ. Vì với Nhân, chiêm bao ở bên kia bờ ý thức và chỉ giúp ta phân biệt với thực tại. Cái thực tại lẩn khuất mà khi trở về với mình, chàng chưa gặp được chân diện tỏ tường. Tôi về lay động thằng tôi / ngủ trên cánh én da sồi san hô.

Nhân đã ra vào giấc chiêm bao với bước chân du tử, nghĩa là chàng không hề kiếm tìm một định sở. Bước chân chàng là bước chim non. Lấy tiếng hót thay cho kinh cầu cho thực tại.

Sánh với người đi trước, là tiếng thở dài não nuột khi đối bóng bên đèn; tiếng thơ đầu đời của Nhân tựa như ánh mắt trầm ngâm sớm bắt gặp nơi tuổi đời mới lớn

hồn tôi chết đắng chuông cao

gió đưa trăng bãi, ngàn sao chia buồn

anh ơi ! con nước về nguồn

anh ơi ! đừng hỏi nước buồn hay không ?

đêm về vỗ sóng ngàn phương                            

tim tôi đập cánh mù sương máu nhòa

loài dơi cút bắt sơn ca

chỉ còn hơi thở nở hoa trên đời

tôi về lay động thằng tôi

ngủ trên cánh én da sồi san hô

tôi về lau nhẹ chiêm bao

cơn mê sực tỉnh, tế bào sáng trăng

( Nguyễn Đức Nhân, Chiêm Bao Cuối Đời, Vấn Đề, số 14, 09.1968, tr.86.)

Dấu vết lưu lại trong tâm hồn người, hồn nhiên và tĩnh lặng như vết răng trên trái táo chín mùa, hiển hiện như chiếc bóng trở về với người khi đêm xuống. Thuở mà ngôn ngữ chuyển mình trong thơ như con sông thay dòng chảy. Sự đổi thay cần thiết cho sự tiếp tục có mặt dù của một dòng sông. Thơ cũng nhập vào biện chứng tồn tại ấy để tiếng nói người mang dấu vết mùa gặt mới. Thuở Nguyễn Đức Nhân làm thơ, dòng mới của con sông thơ đã định vị và thuộc về lịch sử; còn chăng là bóng dáng người khơi nguồn dòng thơ khởi sự khắc khoải về định mệnh của dòng sông. Ngôn ngữ và ảnh tượng không thể là những phù vật nổi trôi. Trên đường trở về với chính mình, Nhân tự nhận làm kẻ thu nhận ánh sáng thừa lưu của mặt trời xế bóng. Kẻ thừa lưu ấy đã tái hiện, có thể là lần hiếm hoi, về hình ảnh một cuộc đổi dòng, mà nay chỉ còn là dư vang của bước chân đi tới.

Dòng sông của Nhân là tượng hình một quy ước. Chỉ có màu đen là mang dung mạo mới của một mối bất bình  sẵn sàng bùng vỡ, màu của vô minh bao phủ thế giới quan của bao người. Dòng sông đen chưa hẳn là khám phá mới của Nhân nhân chuyến trở về nhưng tập hợp được một số ành tượng tân kỳ làm nên một chuỗi “ âm thanh” nền tảng mà thể thơ mong đợi. Chiếc sao hôm gõ cửa cuộc đời / giòng sông đen đưa lưỡi dài thơm cánh gió.

Dòng sông đen của Nhân là hình ảnh thực của dòng sông định mệnh không chỉ luân lưu trong huyết quản mỗi người. Bóng dáng của dòng sông bao trùm lên kiếp sống như thiên tai mà mỗi người hầu như chia phần đồng đẳng. Hơn là người làm thơ, kẻ học trò đã đứng lên, lên tiếng kết tội điều mặc khải. Trong đền xưa / trăng xóa vạn câu kinh.  Trăng, không chỉ là bầu sữa mộng của thi nhân ( trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ – Xuân Diệu) mà còn là nguồn suối trữ tình chảy ngược về huyết quản. Trăng vừa hiện thực, vừa là hình tượng của ảo ảnh, của cái có mơ hồ và cái không vững chắc. Trăng triệu dụng được trái tim và lập nên một biên cương, sai khiến và phong tỏa hình hài. Dòng sông đen của Nhân xuất thân từ ý thức nhưng đã mau mắn tiên tường về hiệu quả từng sợi tơ trăng ràng buộc lòng người như dây thất tình quấn quít bên mình.

Nếu ngược về nguồn, nơi dòng sông đen xuất phát, là ý thức về thân phận chìm trong buồn tủi, bất bình của màu da. Một người da đen một khúc hát đen / bầu trời đen sâu không cùng / những dòng nước mắt ( Thanh Tâm Tuyền, Đen, trong Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy, 1964.) Người chọn màu da làm một biểu tượng đã khai sinh nỗi buồn kẻ nhược tiểu u uất bằng thanh âm. Nỗi buồn đen lạ lẫm như hương xa nhưng khơi dậy giác quan bằng sự nhiếp hồn của tiếng kèn tình tự. Chọn thế giới va chạm những loài kim réo gọi. ( Thanh Tâm Tuyền, bđd.)

Dòng sông đen của Nhân là dòng sông của ý thức chờ đợi khách qua sông. Không còn là sự lựa chọn quá giang mà là cuộc đấu tranh trí tuệ không kém nhọc nhằn  của mỗi người lữ khách. Cùng mang chung màu của biều tượng, người làm thơ học trò sớm về với quê hương trong nỗi trằn trọc, thao thức về một ý thức chung cần thiết.                                    

Những lúc chàng thử nhẹ ướm chân vào dấu chân người đi trước, cũng là lúc chàng thực hiện cuộc thí nghiệm hồn nhiên của ý thức dần khai mở dẫu mang theo chút bóng dáng mơ hồ người đi trước. Bên kia sông / im lặng  / bên này sông  / chiêm bao. Trầm tư quả đã làm xôn xao giấc mộng tuổi thiếu niên giữa lúc nó đã là một đời sống của người đi trước. Nơi tay người / nhiệm mầu then cửa / mở hay đóng / để chúng lui về nơi xuất phát / một mình tôi / bên đôi đường đóng mở / giữa hai nẻo xuống lên / bàng hoàng / vang động tiếng chân xưa/ gọi về  / tỉnh thức ( Nhất Hạnh, Tiếng Đập Cánh Loài Chim Lớn, 1967.)

tượng đá hôn linh hồn vào cõi chết                             

 chiếc sao hôm gõ cửa cuộc đời

giòng sông đen đưa lưỡi dài thơm cánh gió

trên đá xanh loài quỉ hiện nguyên hình

trong đền xưa

trăng xóa vạn câu kinh

thềm đại thể

ta là tất cả

trong màu đen màu đen

trong đêm đen đêm đen

trên chiếc cầu

một chàng trai mỉm cười

bên kia sông

im lặng

bên này sông

chiêm bao

sự sống và chết

ông lái đò ngồi im

( Nguyễn Đức Nhân, Trên Giòng Sông Đen, Vấn Đề, số 14, 09.1968, tr. 86)

Người ta có cảm tưởng chàng khua chèo dọ dẫm trên dòng thơ khi còn mải tìm cho thuyền một bến đậu, ít ra trước mặt. Chiếc bóng của người đi trước to lớn dường nào, nhưng dường như chàng hiểu hơn ai về hình ảnh cây non cớm trong bóng cả. Như thế, những bài thơ đầu, ngoài dáng vẻ của nét bút trinh nguyên còn nồng nàn hương vị của ước mơ gửi gắm. Những xúc động chưa kịp ráo trong lòng đã chịu bao rộn ràng của ý thức vừa trỗi dậy như mầm xuân vừa ý. Những ngôn ngữ chưa kịp lột xác để tái sinh. Những ảnh tượng chưa kịp đầu thai nhận kiếp mới.

Có thể chàng tuổi trẻ không ngăn được bước chân muốn đi nhanh hơn những người có mặt trên đường hơn là chàng vừa ý với nhịp tuôn trào của nguồn cảm xúc. Tôi bắt đầu lắng nghe từng tế bào thay đổi / tôi bắt đầu lắng nghe từng nhịp bước con tim. Trầm tư, buổi đầu đã giúp chàng trụ vững trong tự tin nhưng lại khiến chàng xa dần cõi mà thơ ngự trị. Thơ không là một cố thể mà chuộng lẽ đổi thay, không thể tái diễn. Người làm thơ tuổi học, vội tìm một diện mạo thuộc hình tướng cho thơ trong khi thơ cần có mặt đích thực bằng phong cách. Cho nên những trầm tư chưa kịp thăng hoa và còn nguyên dạng nguyên liệu trong thơ, vẫn chỉ thuần là ngôn ngữ. Tôi bắt đầu lắng nghe bước chân tiểu ngã về trong đại ngã.

Nhưng, trước khi vào cõi thơ, trầm tư vẫn là của báu của mọi người và cần thiết cho mọi cuộc lên đường, dầu là bước vào thi giới. Bằng cách nào đó, người chưa qua hết tuổi thiếu niên đã để lại trong thơ hầu hết tuổi trẻ của mình hệt như bao người đồng lứa đã làm cho chính họ. Trầm tư của chàng là tài sản hiếm hoi của tuổi thiếu niên trước khi nghĩ đến trường hợp của một mùa bội thu trong cõi thơ có được.

                                                                    4


 Trong khi thực tại trở thành mối ám ảnh chung và thường xuyên, người tuổi trẻ ấy dường như vượt khỏi, theo cách riêng, bằng chính giấc mơ đầy lý tính. Tôi bắt đầu lắng nghe sự dừng lại của tâm hồn / tôi bắt đầu lắng nghe tâm hồn mình căng trên mặt phẳng. Đừng nghĩ rằng người tuổi trẻ ấy đã có được giác quan nhạy bén như thế trong cuộc trầm tư. Chính vì người đã tỉnh táo để tách bạch ra được sự có mặt của hai nguồn lực xung đối trong mình.  Chàng đã để lộ chân diện trong thơ, trong khi bao người xem thơ là cõi ẩn thân đầy nghệ thuật. Bởi vì, cái nhìn của chàng về cuộc đời và giấc mộng giải thoát đi kèm mang theo giới hạn của không gian quen thuộc gần gũi với chàng. Nó gần với công thức bắt gặp trong trang sách. Tôi với anh là một / tôi với em là một / một như hạt cát. Nó như nằm cạnh hạt cát nguyên-sa. Hay đồng nhất với một lời mang cung cách phát biểu của người thầy. Tình yêu / tự do / mãi mãi / tình yêu tự do mãi mãi ( Thanh Tâm Tuyền, Nhịp Ba, Tôi Không Còn Cô Độc, 1956.)

Cuộc trở về với bản thân khiến chàng sớm thành triệu phú tâm hồn, trái tim đầy ắp. Giác quan mẫn tiệp của người như một thứ xúc tu bám chặt lấy cuộc đời với ý thức của người tự chủ. Chàng có mặt giữa đời bằng sự lắng nghe, một hình thức soi sáng vạn hữu bằng trí tuệ cá nhân, không bằng ánh sáng vay mượn từ trang sách. Con dơi mù đã vượt qua đêm dài bằng năng lực và ý chí tự thân, riêng chàng đã đốt nốt trang kinh với thái độ của người quyết rời xa bóng tối

tôi bắt đầu lắng nghe những lời vang trong gió

tôi bắt đầu lắng nghe tiếng rã mục của thời gian

tôi bắt đầu lắng nghe loài mối gặm nhấm thế giới ba ngàn

tôi bắt đầu lắng nghe hơi thở nghèo trăn trối

tôi bắt đầu lắng nghe từng tế bào thay đổi

tôi bắt đầu lắng nghe từng nhịp bước con tim

tôi bắt đầu lắng nghe sự dừng lại của tâm hồn

tôi bắt đầu lắng nghe tâm hồn mình căng trên mặt phẳng

tôi bắt đầu lắng nghe bước chân tiểu ngã về trong đại ngã

tôi bắt đầu lắng nghe

tôi bắt đầu lắng nghe

bước chân người yêu trở về ngự trong lòng vạn vật

tôi với người yêu là một

tôi với anh là một

tôi với em là một

một như hạt cát

như con dơi mù bay quạng ngoài kia thể nhập

vào lòng mẹ

tôi bắt đầu lắng nghe...

( Nguyễn Đức Nhân, Tôi Bắt Đầu Lắng Nghe, Vấn Đề, số 14, 09.1968, tr.88-89.)

Chỉ một năm sau, người học trò khoác áo thi nhân đã thực hiện cuộc xuống núi ngoạn mục ngầmcho thấy đầy đủ hành trang của người không thiếu tự tin. Đêm xuất động của chàng không hẳn khởi đầu con đường nhập thế, mà trái lại lộ rõ hành tung của người đã chọn u cư làm chỗ ngả lưng.  Cái nhìn của người xuống núi đã mang vẻ trầm ngâm khác thường của người ẩn sĩ. Gió núi, mây ngàn, trăng rừng, sương bãi thường nhật góp bữa cho người và bằng việc rũ sạch lớp bụi trên song.  Mối ràng buộc duy nhất còn lại giữa chàng với thiên nhiên kỳ diệu. Nhận thức đã nuôi nấng chàng nhanh như sữa mẹ. Chàng bước ra khỏi chiêm bao để xác nhận sự có mặt của thực tại quanh mình. Thực tại vốn khổ đau là nguyên lý về cuộc đời, được chàng lặp lại như điều mặc khải thứ nhất của kẻ sống cùng chân lý. Lời tôi rơi xuống khoảng trăng / tiếng ru quất xuống từng làn roi đau. Như thế, ý thức ban đầu của người đã tượng hình trong bể khổ.

Nguyễn ( đức Nhân) lấy cuộc đời làm chốn giảo nghiệm tâm hồn và ý thức nên vẫn phải sánh vai cùng thực tại. Dường như điều mà chàng để tâm quay về là chốn thanh tịnh nguyên sơ, trong trẻo như tiếng suối thẳm sâu từ trong tiềm thức. Từ thêm con suối qua mau / rợn hình như thể tìm màu hoang sơ. Thực tại mà chàng ấp ủ được lui về ẩn náu là thực tại được chắt lọc qua tâm hồn giản dị, chuộng đơn sơ, được tượng hình lâm thời bằng một chốn u cư, vắng mặt mối tương quan xây dựng bằng kỹ thuật và lý tính. Phác họa chốn quay về, ngay khi rời chỗ “công phu”, người thanh niên  dường như nhìn xa hơn người đi trước về quy luật biện chứng của cuộc vận động bản thân.


                                                                5


 Trong khi Hoài Khanh, người gắn liền thân phận được phát giác với tiếng thở dài não nuột cầm canh. Đi, về trong cõi xa xăm /  ở đây nào biết ta thầm xót thương ( Hoài Khanh, Mưa Và Đất, 1965.) Và, cũng là người mải bận rộn với việc gửi gắm nhuốm u buồn cho thực tại hơn là đưa ra dự phóng, thì chàng trẻ tuổi Nguyễn Đức Nhân không ngần ngại mở ra một sinh lộ nơi cõi thế. Biển đùa mây trắng bơ vơ / khát khao nẩy hạt ươm đơ cõi  người. Cõi ấy rất người, rất quen thuộc  nhưng không phải là chốn người lựa chọn, và dù có “ môi em tịnh mặc nụ cười trần gian”

Khi chấp nhận thế giới ba nghìn. Lỡ tay đụng phải ba ngàn hoang vu. Chàng hiểu rằng cõi thế nhỏ nhoi và chật hẹp và con người còn bao nơi để ươm mơ và vun trồng duyên khởi. Du yên thiên thế khơi mù  / giật mình xuất động trùng tu thiên tài.

Chàng không tự đánh chìm mình trong vũng sâu tư tưởng tuy vẫn xem trí tuệ là ánh sáng cho mọi chuyến đi. Chàng cũng không xem bi quan như vị thuốc đắng hợp thời, cần thiết với những tâm hồn mẫn cảm thường nghĩ. Những chặng đường mà thời đại là một viên bi  / lăn lông lốc trên ghềnh vực thẳm ( Hoài Khanh, Cây Pháo Bông Của Trẻ, 1965.)

Như đã nói, con người tư-tưởng là hiện thân của khổ đau. Hay, đau khổ là sinh khí duy nhất dành riêng cho con-người-biết-suy-nghĩ. Thuở lớn dậy của Nhân, của Sơn ( Nguyễn Đức), đau khổ đã lớn nhanh gấp bội tuổi người, và thơ mà người mượn để giãi bày thường chất chứa thặng dư đau buồn của từng kiếp sống. Thân phận hay phận người đã là mối ám ảnh hãi hùng với thơ và là chiếc bóng ma lướt thướt sau lưng không ít người cầm bút. Thân phận, một thời đã là định mệnh của  văn chương, là tiếng hú giữa khuya phả vào lòng người cầm bút, có vọng âm từa tựa tiếng gọi hồn. Có không nhục thể linh hồn  /  dưới kia đất lạnh tiếp nguồn thịt xương ( Thành Tôn, Vào Lòng Đất, trong Thắp Tình, 1969.) Từ thân phận, đã hình thành thế giới quan gần như chung nhất mà con người chấp nhận trong vô thức, cách tượng hình cho mỗi người cả về xác lẫn hồn. Hãy cúi xuống gõ bốn chân như ngựa / hãy đứng lên từng bước như đười ươi ( Thành Tôn, Thuyết Giáo, trong Thắp Tình, 1969.) Và không hẳn tương phùng, họ đã tao ngộ khi cùng nhìn lại chính mình với cái khắc khoải của người tỉnh thức. “Bàng hoàng một kiếp chim dơi / lưng khom dáng thú bụng phơi hình người ( Viên Linh, Hình Nhân, 1965.)

Những dằn vặt như thế đã vây bọc người tưởng như không lối thoát và mang đến linh tính về điều không may với người trong cuộc. Con-người-suy-tư đã thành nạn nhân của chính họ khi thực tại góp thêm lợi thế cho sự vây hãm. Mỏn thân chết đuối giữa đàng  / xin ai làm dấu cho ngàn kẻ sau ( Hữu Phương, Cát Bụi, 1964.)

Người làm thơ trẻ ấy đã thoát khỏi định mệnh chính chiếu cũng như sự vây bọc của mối phiền muộn đa mang nơi những người lâm lụy trong tư tưởng

xanh rừng cổ thụ trong em

là chiêm bao rụng giữa đêm giao đằng

lời tôi rơi xuống khoảng trăng

tiếng ru quất xuống từng làn roi đau

từ thêm con suối qua mau

rợn hình như thể tim màu hoang sơ

biển đùa mây trắng bơ vơ

khát khao nẩy hạt ươm đơ cõi người

tượng em rêu đá thêm tươi

môi em tịnh mặc nụ cười trần gian

dựng người đứng ngắm dung nhan

lỡ tay đụng phải ba ngàn hoang vu

du yên thiên thế khơi mù

giật mình xuất động trùng tu thiên tài

( Nguyễn Đức Nhân, Đêm Xuất Động, Khởi Hành, số 22, 25.9.1969, tr. 13)

                                                                6


 Tuổi đôi mươi để lại trong thơ những ngôn ngữ mượn từ thời đại. Nói đúng hơn, thơ của tuổi thanh xuân dễ dàng nhận những gì do cuộc đời ký thác. Phấn hoa lẫn bụi đường đều vương trên vai đánh dấu tuổi của thơ trên mỗi dặm đường. Thời của Võ Chân Cửu, Nam Chữ Phạm Mạnh Hiên, Đặng Tấn Tới, Nguyễn Lương Vỵ, .. thơ đã là tặng vật dành cho những kẻ lặng người trong đăm chiêu, khát khao được dìu tâm hồn về chốn tịnh lặng bao hàm như một thứ triết lý dung dị, thực tiễn. Tâm hồn người đương thời giữa gió bụi trầm luân đã tìm cách gạn đục khơi trong cho chính mình và  cho thơ một dòng chiết xuất từ nguồn cao. Thơ mang hương vị của xuất thế nhưng chẳng lỵ trần, của kẻ với lên thanh cao mà không rẻ rúng tục lụy. Thơ dẫn dắt tới một cõi bao dung, rất ít tương quan ràng buộc và vắng mặt kỷ luật ngự trị. Thơ không minh nhiên xúi giục hay khuyến khích kẻ lánh đời nhưng mang lại lời phủ dụ về một hội loài người biết trầm ngâm về cuộc đời và sự có mặt giữa đời. Họ không lạc lõng hay bơ vơ vì thơ đã mang ý nghĩa của sự trỗi dậy ý thức. Sự có mặt của họ cũng là sự xuất hiện một dòng thơ xôn xao trước cảm giác về một cõi vô ưu theo cách hiểu riêng của người thi sĩ.

Quả thế, bất an ngày một tạo thành cuộc cháy ngầm nơi tâm hồn những người cảm thấy liên quan xa gần đến cội nguồn của nó. Cuộc cháy ngầm khơi dậy một hình thức phòng thủ thụ động nơi họ, ít ra trong tình trạng vô thức. Ngọn lửa vô hình đó có thể là khởi nguyên cho nỗi bất bình bùng vỡ nơi một số người sau khi những tưởng có thể hòa giải với bản thân bằng ý thức của con người suy nghĩ. Chăn đơn đời ngủ không đành dậy / tay vắt ngang mày đợi bóng trăng (Phan Duy Nhân, Cuối Năm Rời Nhà Trọ, Bách Khoa. 1963.)

Có thể đây là một trong những bằng chứng thơ về khởi thủy một dòng thơ mang theo thái độ củamột thành phần trẻ tìm kiếm cho mình một lối thoát trước bất an. Điều mà chỉ vài năm sau đã hình thành một dòng thơ cưu mang ý thức làm đường giải thoát. Khi nhập dòng, Nguyễn Đức Nhân đã chọn tình khúc làm bài khai từ mà thực chất là cái nhìn về thực tại qua lăng kính người tỉnh thức. Khác với những người chỉ phô bày cảm xúc đơn thuần, người tuổi trẻ này nghĩ và làm như một hành giả thực hành điều ý thức được. Tượng đời anh chở chon von / còng vai khổ hạnh tay mòn dặm không. Kinh nghiệm làm người của chàng chỉ là hành trạng của một khổ tu nên tình yêu là duyên cớ đọa chàng sám hối. Dòng sông trầm tư thiếuhẳn nhạc tình vì có thể người làm thơ ngại làm xao động ý thức. Tình có được nhắc đến chỉ như phép thử về độ kiên gan của người theo đuổi ý thức mà thôi. Ô em trời đổ heo may  / tim anh thành kẻ ăn mày trần gian. Tình khúc đã vội trút bỏ vẻ dịu dàng, trữ tình để nhận vai trò tuyên

xưng sứ mệnh kẻ tội đổ của một đức tin. Không khí thơ u ám như ngày nhật thực. Thơ khao khát ánh sáng của những ngày bất an chưa rình dập. Lời giãi lòng của họ chỉ để che giấu bất bình chưa thể lắng chìm. Những chiều những vết dao đâm / tôi đưa lưỡi liếm hết tâm hồn mình.

( Nguyễn Lương Vỵ, Cảm Nghĩ, Khởi Hành, 1971.) Từ mức độ sâu thẳm của tâm tư, thơ xuất hiện thay cho tiếng nói thiết tha của con người trước định mệnh dân tộc. “Cớ sao thiên hạ người ta  / vẫn chưa tròn một quê nhà bao dung” ( Bùi Giáng, Nhớ Nguyễn Du, Tư Tưởng, 1970)

Tình khúc Nguyễn Đức Nhân chính là vọng âm nhịp đập của trái tim dội qua tầng ý thức. Âm thanh ấy gợi ra tiếng nói tỉnh táo đến mức độc đáo của chiều sâu trí tuệ, tách bạch với khí vị mênh mang của cảm xúc. “ Mai chiều gặp túi lang thang  / ngửa tay xin nửa mặt nàng lao xao.”

Người ta bỗng cảm thấy bóng dáng của người thầy nhập bút, không phải ở sự chuyển giao ngôn ngữ mà là việc không thể cầm lòng tìm kiếm một phong cách khác cho thơ, một nghĩa ẩn tế cho ngôn từ. “Anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc  / khuôn mặt vỡ tan  / như cẩm thạch

( Thanh Tâm Tuyền, Đêm, trong Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy, 1964)

Nơi con người trầm tư, tình yêu chỉ là cái cớ để người đi tìm kiếm định nghĩa sao cho vừa cái khuôn tự tạo. Vì thế, khi tự nhận là kẻ đăm chiêu đứng đợi một con thuyền ngược dòng, chàng đã hoài công khi đón chờ một ảo ảnh.

Trên cầu anh đứng trông khơi

chờ con thuyền ngược rạng ngời dáng em.

Thành xưa bước cũ rêu mờ

chân em hóa đá trên bờ thần hôn

tượng đời anh chở chon von

còng vai khổ hạnh tay mòn dặm không

bến bờ nhung nhớ trên kia

mau đi em ... cho vừa tối nay

ô em trời đổ heo may

tim anh thành kẻ ăn mày trần gian

mai chiều gặp túi lang thang

ngửa tay xin nửa mặt nàng lao xao

xe đây ngựa đó hôm nao

chiều nay gió thổi cồn cao ngất lời

trên cầu anh đứng trông khơi

chờ con thuyền ngược rạng ngời dáng em

( Nguyễn Đức Nhân, Đêm Chờ, Khởi Hành, số 31, 27.11.1969, tr.9)

Có thể nghĩ rằng, dòng thơ trầm-tư thêm mênh mang khi nhận thêm lưu lượng từ nguồn thiền uyên áo. Nguồn tư tưởng ấy nhuốm vị nhập thế từ khi trở thành một dòng thơ ưu thời mang phong cách một cuộc vận động văn hóa. Thơ sẽ là thực phẩm nhân sinh dù không thực tiễn như nhu cầu khác nơi trần thế. Thơ nhập cuộc trong Giữ Thơm Quê Mẹ (1965) dung hòa được tư chất cần thiết của một phong trào đồng thời khơi dậy thêm hương sắc của loài hoa vốn được phép ngủ đông theo nọa tính. Hoài Khanh, Thành Tôn, Trụ Vũ, Kim Tuấn, Nhất Hạnh... và những  người đồng điệu, nhanh chóng hình thành một không gian mới cho thơ, ăm ắp bao dung, nhân ái và trí tuệ. Thơ có được vị trí trong cuộc vận động và tinh thần của cuộc vận động trở thành hơi thở của ngôn ngữ trong thơ. Dòng thơ ấy chưa kịp được đặt tên vì cuộc vận động dừng lại bất ngờ, nhưng bản sắc của dòng đã để lại dấu của một mùi hương, vết chân của cuộc lữ hành và dấu tay nhân ái.  Xin em bóng mát đường về  / cõi nào đây giữa bốn bề hư không ( Huy Lực, Trùng Dương, Giữ Thơm Quê Mẹ, tập 5, 1965.)

Dòng thơ đã trở thành nguồn nước ẩn mình và vài năm sau đã có cơ hội xuất diện lại như một khuynh hướng văn chương thuần túy. Ở một khía cạnh, thơ đã thoát ra khỏi một hoàn cảnh đặt định để cò thể phóng khoáng ra khơi như cánh buồm no gió. Nay,thơ trầm-tư bàng bạc vị sắc-không thường được dư luận xem là dấu vết rõ rệt của tinh thần xuất thế quen thuộc. Thơ trở về với ước mong giữ cho lòng bình lặng, khoan hòa. Và, nếu thế, thơ không thể xem như khuyến khích lánh đời bụi bặm. Cuộc sống và cái nhìn hướng về điều cao khiết mới thuộc về người minh triết. Thơ gần như phục hoạt cái nhìn lịch duyệt của người xưa, cái nhìn chắt lọc cuộc đời khi gió bụi lấm thân còn không  ngừng tiếp diễn.

Thơ như thế là phản ứng tích cực với cuộc đời, không là tiếng thở dài ngao ngán hay biểu lộ việc quay lưng trước thực tại kêu cầu. Người làm thơ xem việc gạn đục khơi trong là công việc cần dành cho lòng mình và lòng người trước đã.

Một đóng góp của Võ Chân Cửu năm 1970, Chùa Cổ Bên Sông ( Khởi Hành, số 75, 15.10.1970) dường như đã truyền thêm cảm hứng cho những người đã nuôi sẵn ước mơ hóa giải thực tại một cách nồng nàn trên bình diện văn chương. Thơ không chỉ là lời bộc bạch mà cùng người bước lên đàn giải tội của cuộc đời xin gỡ ách trầm luân. Chùa cổ chính là di chỉ của cái quan niệm nhầm lẫn về cuộc đời và mối tương quan, biến con người thành như kẻ suốt đời đứng chờ hoài công bên sông vắng. Tìm em vạn ngả / bạc áo nâu sòng /  kiệt trên đồi tưởng  / ơi em vô hình  / một đời bay vút  /  ỏi em bóng dáng  / sóng nước chập chùng / nước xô thiên địa  / chùa cổ bên sông. Ngôn ngữ và ảnh tượng của triết lý sắc –không đã đầu thai kỳ diệu trong thơ bốn chữ.

Dòng thơ trên tiếp tục lớn lên, phù sa là lớp tư tưởng hóa thân một cách nghệ thuật như trăng tan trong chén khuya một bóng.

Ba năm qua vườn cũ

đầu nhà chim chóc kêu

nhìn hàng cau mưa rũ

người đâu mây bay nhiều

( Nguyễn Đức Nhân, Đi Qua Vườn Cũ, Văn, 176, 15.4.1971,  tr.76)

Người làm thơ trẻ trên đã nhanh chóng cảm ứng trước luật vô thường và nhìn ra hình tượng chùa cổ của người chính là ngôi vườn xưa dãi dầu trong mưa gió. Người thanh niên  đã bước vào cõi có-không khi mây trắng hững hờ thay mặt người xưa vắng bóng, và mưa gió làm thê lương cảnh cũ từng gợi lại ấm lòng. Thơ kiệm lời hai-mươi chữ mang bóng dáng của ngôn ngữ được cô đúc theo khuôn của tư tưởng được gửi gắm. Hình ảnh gần gũi với ảnh tượng của một thứ triết lý bàng bạc trong không gian và trong tâm tư kẻ đi qua nhưng không là khách qua đường. Tâm người không phải là lòng của người nặng với kỷ niệm. Bài thơ là ánh sáng của ý thức được khai mở, giản dị như rạng đông. Tư tưởng không làm bận người làm thơ như có người tưởng. Bởi vì tư -tưởng tưởng như đã nhận kiếp mới, khi người làm thơ mời gọi.

Thi ca và Tư tưởng luôn luôn là những tương ứng của Chung và Riêng” ( Tuệ Sỹ, Thi Ca và Tư Tưởng, Văn, 18.5.1973, tr. 27) Hơn nữa, cũng theo Tuệ Sỹ, “ Thảm kịch khốn cùng dù có đổ  ào lên Thi ca cách mấy đi nữa, Thi ca vẫn như điềm nhiên, ngao du theo ngày tháng, trong ngày tháng  ngao du” ( Tuệ Sỹ, bđd. tr. 25.) Như thế, Thơ trước sau vẫn giữ ở thế phiêu hốt, khơi vơi, lãng đãng, và không vì có mặt của Tư tưởng mà thơ mất đi đặc chất của Thơ.

Theo sự diễn đạt theo cách riêng của người làm thơ, ta đã thấy cuộc gặp gỡ giữa Thi ca và Tư tưởng mà Tuệ Sỹ mệnh danh là hội thoại gồm hai bước, tương ứngsong trùng, thực chất là cuộc thôn tính của thi ca với năng quyền đồng hóa.

Dòng thơ từ khi phát tích đã mạnh mẽ truyền lưu như một dòng thơ nhuốm màu tư tưởng. Màu và vị thiền vốn đàm đạm như mây nhạt nhưng khi thành thơ thì còn đòi hỏi đức “khiêm cung” hơn nữa. Thiền tự nó là một kiêu ngạo sâu kín, ám tàng những huyền bí thâm diệu. Khởi điểm như một “niêm hoa...vi tiếu” ( cánh hoa và nụ cười trầm lặng của Ca Diếp khi đức Phật giơ cành hoa ra trước hàng chúng môn đồ) Dụng tâm đem những văn tự Phật giáo vào thi ca, gán ghép cho đầy danh từ “thơ thẩn” hoặc là chỉ muốn ngôn thuyết và ngộ nhận thực tế thâm u và đầy siêu việt của thơ hoặc chỉ là  muốn thỏa mãn cái trí thức mê muội và lòng kiến chấp cao độ trước năng lực bảo tháp của chữ nghĩa văn tự Phật giáo” ( Thục Khưu, Thi Ca Thiền, Khởi Hành, số 104, 13.5.1971, tr. 2.)

Không chỉ với thơ chuyên chở khí vị thiền môn, thơ tư-tưởng vẫn phải chấp nhận thực tế ưu đãi dành cho Thơ trước đã. Tư tưởng phải được chuyển hóa theo thơ trước khi hòa nhập vào thơ để làm nên thơ tư-tưởng. Yếu tính của thơ thiền là “ những gì mọi siêu tính u mặc được Ngộ bằng trực giác, chỉ có trực giác là được những kinh nghiệm đó.” ( Thục Khưu, bđd. tr. 4.)

Kinh nghiệm với thơ Thiền cũng là kinh nghiệm trước bất cứ thực tại nào đi vào thơ như thuộc tính của nơi có mặt. Tư tưởng trong đó có thiền cần đến đức hy sinh cho thơ, như nhụy hoa đã làm cho hương mật, như sương đêm đã phụng hiến cho mây ngàn.

Thơ thiền đã vượt qua thách thức của Thơ, đã đi qua sự hoài nghi của một giai đoạn xem như “ một hiện tượng, một mơ màng hứa hẹn nhiều cuộc rong chơi tàn khốc của thi nhân” ( Thục Khưu, bđd. tr. 4) bởi vì thơ mang khí vị có-không được người làm thơ phó thác như một cách giải vây giữa bất an và muôn điều ngang trái.

Mịt mờ tri giác giả chân  / nửa không nửa có cõi trần là ta ( Nguyễn Trọng Nhân, Ngã Sinh, Khởi Hành, số 91, 2.1971)

                                                                   7

 

Nguyễn ( đức Nhân ) trở về với núi rừng như để chứng nghiệm cách nuôi dưỡng một tâm hồn trước khi cho một hồn thơ. Cùng với trăng sao, hồn thơ đã vươn tới chốn thiên hạ vọng cầu. Người đã “ đắc pháp” cùng thơ khi ung dung cùng gió trăng ngàn nhận chân được cái thực hư của phù vân cuộc sống.

nhìn một đời mây trắng

bờ kia rơi mấy bông

( Nguyễn Đức Nhân, Cô Tịch, Khởi Hành, số 104, 13.5.1971, tr. 9)

  Trần Mạnh Toàn