Wednesday, December 25, 2024

Nguyễn Duy Chính: TỊ YÊN HỒ 鼻煙壺

 

 

TỊ YÊN HỒ

鼻煙壺

Nguyễn Duy Chính

 


              

        

Bình ngửi Cổ Nguyệt Hiên

Nguồn:  Lilla Perry (1960)

MỞ ĐẦU



Đại Nam Thực Lục, quyển XXIII, trang 2b có chép một ghi chú chữ nhỏ về tặng phẩm mà vua Gia Khánh đem sang khi sai Tề Bố Sâm sang phong vương và quốc hiệu cho nước ta đầu đời Gia Long. Ghi chú đó như sau:

故事邦交例贈蟒緞八疋,粧緞八疋,錦緞八疋,獐絨八疋,閃緞八疋,線緞二十七疋,春紬二十七疋。至是復加蟒緞,粧緞,閃緞各四疋,磁器件,漆桃匣四件,磁鼻煙壺四件,螺甸漆檳榔匣二件,茶葉四瓶。

Theo lệ bang giao cũ [nhà Thanh] tặng cho mãng đoạn (8 tấm), trang đoạn (8 tấm), cẩm đoạn (8 tấm), chương nhung (8 tấm), thiểm đoạn (8 tấm), tuyến đoạn (27 tấm), xuân trừu (27 tấm). Đến nay lại tặng thêm mãng đoạn, trang đoạn, thiểm đoạn (mỗi thứ 4 tấm), đồ sứ (4 món), hộp sơn mài hình quả đào (4 món), tị yên hồ (4 món), hộp trầu cau sơn khảm xà cừ (2 cái), trà lá (4 bình).

Quà tặng của nhà Thanh trong mỗi trường hợp đều đã qui định chặt chẽ trong điển lệ, và đây đều là những món thông thường hầu như cho bất cứ phiên thuộc nào nên không cần bàn đến. Chỉ có những trường hợp hết sức đặc biệt vua Thanh mới ban phát riêng những món ngoài lệ thường mà chúng ta thấy trong trường hợp vua Càn Long ban cho vua Quang Trung như ngọc cầm tay cho ấm (noãn ngọc), hà bao (túi gấm), bát bảo (tám món ngọc, vàng, bạc), ngự thi hay chữ Phúc do chính tay nhà vua viết … Những món đặc biệt ấy cần những biên khảo riêng để trình bày cho cặn kẽ.[1]

Trong những thứ mà nhà Thanh ban cho vua Gia Long có một món gọi là “tị yên hồ” (鼻煙壺) mà các học giả của Viện Sử Học đã dịch là “điếu sứ hút thuốc[2]. Dịch như thế chúng ta dễ nhầm với các loại điếu bát mà các cụ xưa nhà nào hầu như cũng có. Thực ra, tị yên hồ là bình nhỏ đựng thuốc ngửi và tập tục dùng “tị yên hồ” của người Trung Hoa đời Minh – Thanh không lưu truyền ở nước ta (dù chỉ thu hẹp trong một tầng lớp quyền quí nhỏ) khiến chúng ta không thể hình dung được một cách chính xác. [3]

Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng thuốc ngửi đã thông dụng từ trước khi người Mãn Châu làm chủ Trung Hoa. Ðến đời Khang Hi (làm vua từ 1662 đến 1722) việc sản xuất bình ngửi trở nên phát đạt và hình dáng, phẩm chất cũng trở nên đa dạng.

Thoạt đầu bình ngửi được sản xuất tại Bắc Kinh nhưng về sau triều đình giao cho ba tỉnh Giang Ninh, Tô Châu, Hàng Châu chuyên sản xuất cho cung vua những hàng nhật dụng, kể cả vải vóc, tị yên hồ, triều châu ... để cho hoàng đế dùng làm vật ban thưởng, số lượng xuất nhập và sổ sách giao cho Nội Vụ Phủ trông nom.

Các sứ thần khi đến triều cống thường được thưởng những chiếc bình nho nhỏ này. Loại bình được coi như quí giá nhất được tạc bằng ngọc (jade hay nephrite), thuỷ tinh, hay bằng sứ, được chế tạo thành từng bộ 10 cái đựng trong hộp.



Thuỷ tinh đời Thanh cũng đã phát triển để thành một kỹ nghệ độc đáo. Vua Khang Hi thành lập một xưởng đúc thuỷ tinh, dưới quyền giám sát của giáo sĩ giòng Jesuit tên là Kilian Stumpff, vốn là một kỹ sư rành nghề và khéo léo. Kỹ thuật đúc, pha màu và điêu khắc trên thuỷ tinh đã đạt mức tinh thục. Từ thuỷ tinh những nhà truyền giáo đem áp dụng những khám phá mới của họ – chiều theo sở thích của người Trung Hoa, nhất là giai cấp quí tộc – sang lãnh vực tráng men kim loại. Dưới sự chỉ đạo của hoạ sĩ lừng danh Castiglione (Lang Thế Ninh) và hai nhà truyền giáo khác là Attiret và Gravereau, kỹ thuật tráng men lên đồng và thuỷ tinh đã lên đến cao điểm vào đời Càn Long.

Lẽ dĩ nhiên, việc chế tạo bình ngửi không bỏ qua những vật liệu thiên nhiên như ngà, mã não, gỗ, sơn mài ... nên tới cuối thế kỷ XVIII thì việc dùng thuốc ngửi trở thành một “mốt” của các nhà quyền quí. Một trong những nghệ thuật trang trí cái lọ nho nhỏ này được nhiều người ưa thích là việc dùng bút đưa vào cổ chai để vẽ bên trong bình (內畫鼻煙壺 nội hoạ tị yên hồ). Bức vẽ đó có thể là một bức tranh nhỏ li ti hay khuôn mặt một danh nhân. Nghệ thuật này khởi thuỷ từ đầu thế kỷ XIX nhưng đạt đỉnh cao của nó vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Biên khảo này chỉ là một bài viết đánh dấu những ngày cuối năm. Người viết không sưu tầm đồ cổ nên không quen thuộc với những  từ chuyên môn của người chơi cổ ngoạn. Những từ sử dụng trong bài là âm Hán Việt dịch theo một số văn bản chữ Hán và dựa vào cuốn tự điển Modern English-Chinese Encyclopedia Dictionary (科學名詞大辭典).[4]

 

LỊCH SỬ

Trung Hoa vốn không có chính sách ngoại thương mà phần lớn buôn bán với bên ngoài là hoạt động bất hợp pháp do những nhóm buôn lậu và cướp biển tuồn vào. Từ những hoạt động “xã hội đen” đó một số sản phẩm đã du nhập vào Trung Hoa để trở thành một nhu cầu chính yếu trong sinh hoạt hàng ngày. Đó là khởi thủy của một số cây cỏ mà hiện nay người ta không mấy người biết đến xuất xứ của chúng.

Theo Iain Gately trong tác phẩm Tobaco – A Cultural History of How an Exotic Plant Seduced Civilization (New York: Grove Press, 2001) thì thực vật trong họ Nicotiana rustica và Nicotiana tabacum đã xuất hiện trên lục địa Mỹ châu khoảng 18,000 năm trước cùng với nhiều loại cây khác như khoai (potatoes), cà (tomatoes), cao su (rubber), sô-cô-la (chocolate) và bắp (maize). Thực vật họ Nicatiana chính là cây thuốc (lá) mà người ta dùng lá thái nhỏ để làm thuốc hút như ta thấy ngày nay. Cũng theo Iain Gately, khi Christopher Columbus đến Mỹ châu năm 1492 thì cây thuốc lá đã có khắp châu lục và cả những hòn đảo ngoài khơi như Cuba. Việc trồng các cây thuốc (tobacco plant) này có thể đã bắt đầu từ 5000-3000 năm trước Công Nguyên.[5]

Nhiều thế kỷ trước khi người Âu châu đến, cây thuốc lá đã là giống cây bản địa và thổ dân Mỹ châu đã có thói quen hút thuốc (smoked) hay nghiền thành bột, trộn với các hương vị khác để hít vào mũi (sniffed).

Khi người Âu châu chinh phục được châu Mỹ, thuốc lá (tobacco) được sử dụng dưới ba dạng thức: thuốc hút, thuốc nhai và thuốc ngửi. Hít thuốc bột mau chóng trở thành một tập quán của giới quyền quí, không phải chỉ quí ông mà cả quí bà vì người ta cho rằng việc “hít thuốc” là một dạng thuốc trị bệnh (medicinal properties). Sau đó người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã đem cây này sang Philippines (khi đó còn gọi là Luzon) vào cuối thế kỷ XVI.[6]

Từ Âu châu truyền vào Trung Hoa

Cây thuốc lá truyền vào Trung Hoa theo hai đường, một đường từ Philippines làm vật tiến cống cho triều đình nhà Minh. Khi đó, các thuỷ thủ Âu châu gọi loại cây làm thuốc này là Rượu Khô (Dry Alcohol) và họ đem trồng ở Phúc Kiến, vào giữa thế kỷ XVII (1650) hầu hết các binh sĩ tại đây đều tập hút thuốc.[7]

Một đường khác độc lập với Phúc Kiến do người Bồ Đào Nha đưa vào Nhật Bản khoảng giữa thế kỷ XVI và từ Nhật Bản vào Triều Tiên rồi sang Trung Hoa. Trong số thuế nhà Thanh đời Khang Hi có khoản thuế thuốc lá Nhật Bản cho thấy đến thời kỳ đó (1687), lá thuốc vẫn còn nhập cảng từ Nagasaki, khi đến Trung Hoa sẽ được nghiền và chế biến thành thuốc ngửi.

Có lẽ vì hai đường đưa tới hai tập quán khác nhau, miền bắc hít thuốc, miền nam hút thuốc nên thói quen hít thuốc không phổ biến ở các tỉnh nam Trung Hoa và khu vực Đông Nam Á tới tận ngày nay. Bình ngửi là một pha trộn văn hóa vì nguyên thủy là một sản phẩm của Tây phương nhưng lại trở thành một tập quán Đông phương [chủ yếu là Trung Hoa]. Việc sưu tầm bình ngửi cũng lên xuống theo từng thời kỳ, bắt đầu từ vua Thuận Trị trải qua các triều kế tiếp, Khang Hi, Ung Chính, Càn Long nhưng vẫn được coi như sản phẩm của riêng triều Thanh chứ không kéo dài từ đời này sang đời khác như các đồ sứ, đồ đồng, đồ ngọc.

Thuốc hút dùng trong tị yên hồ không phải là sản phẩm bản địa của Trung Hoa mà từ Âu châu truyền sang theo chân những giáo sĩ truyền đạo. Người ta lấy các lá cây thuốc, bỏ gân lá rồi nghiền nát thành bột, sau đó để lên men hoặc cho thêm hương liệu để trong bình, khi dùng thì lấy một nhúm nhỏ hít vào mũi. Người ta đồn nhau rằng hít thuốc có thể chữa được bệnh hoa mắt, trừ hàn thấp, thông hô hấp và có thể làm mắt sáng ra.

Trong Hồng Lâu Mộng, hồi thứ 52 khi Tinh Văn bị bệnh, lên cơn sốt, mũi nghẹt, mất tiếng nên mời thái y họ Vương đến chẩn bệnh, uống thuốc giảm sốt nhưng vẫn nhức đầu. Bảo Ngọc mới sai Xạ Nguyệt mang thuốc ngửi đến khiến cho cô ta hắt hơi luôn mấy cái liền thông cổ, hết nghẹt mũi.[8]

Trong Dũng Lô Nhàn Thoại (勇盧閒話) của Triệu Chi Khiêm (趙之謙), một học giả kiêm thư pháp gia, soạn năm Quang Tự thứ 6 (1869), Tông Minh Nghĩa nói là tị yên (thuốc ngửi) từ nước Ý Đại Lợi của Tây Dương do Lợi Mã Đậu (Matteo Ricci) theo đường biển đem đến Quảng Đông, năm Vạn Lịch 9 khi tới kinh sư hiến phương vật đã truyền vào Trung Quốc. Thế nhưng theo sử sách thì mãi đến năm Vạn Lịch 29 Lợi Mã Đậu do viên thái giám tên là Mã Đường dẫn tiến, mới được chấp thuận cho lên kinh đô dâng phương vật gồm có Vạn Quốc Đồ Chí (bản đồ các quốc gia trên thế giới), tượng chúa Jesus, tượng bà Maria, Thánh Kinh, thập giá làm bằng ngọc trai, đàn, chuông Tây phương các món nhưng không thấy nói tới thuốc ngửi.

Năm Sùng Trinh 12 (1639), giáo sĩ Ý Đại Lợi là Tất Phương Tế (Franciscus Sambiaso) đem hiến phương vật gồm có dư bình (輿屛) tức bản đồ lớn ghép nhiều mảnh lại, tọa bình (坐屛)[9], dương cầm, đồng hồ tự đánh giờ … Cũng không thấy có thuốc ngửi trong các phương vật.

Vua Khang Hi

Nguồn: Tử Cấm Thành đế hậu sinh hoạt

Cuối đời Minh, đầu đời Thanh, Bộ Truyền Giáo Hải Ngoại của giáo hội La Mã mở rộng ảnh hưởng đều nhờ vào các giáo sĩ. Những người được gửi đi đều là thành phần uyên bác, giỏi khoa học, hội hoạ, kỹ thuật để giao tiếp với nho sĩ Trung Hoa. Họ để nhiều năm nghiên cứu về Đông phương, học thổ ngữ, thông kinh điển và dùng sản phẩm khoa học mới của Âu châu để tiếp cận với vua chúa, quan lại phương Đông.

Đời Minh, chức quan khâm thiên giám (quan coi về thiên văn và tính toán lịch số) được giao cho Thang Nhược Vọng (Johann Adam Schall von Bell) là một giáo sĩ người Đức. Ông này thường đem rượu bồ đào (tức rượu vang làm bằng nho) để biếu các quan người Trung Hoa ở kinh đô như một lễ vật giao tiếp.

Tới thế kỷ XVII thuốc ngửi trở thành một lễ phẩm rất quí trọng của Âu Châu, những chiếc hộp đựng thuốc thường là bằng ngọc dát vàng, chế tác tinh xảo mỹ lệ rất được ưa chuộng. Từ giới quí tộc, thói hít thuốc lan xuống tầng lớp thương nhân và thú vui này được phân cách bằng những loại hộp đựng mỗi lúc một tinh vi, đa dạng phổ biến trong giới quí tộc và coi đó như một phong thái thượng lưu.

Trước khi người Mãn Châu nhập quan, tại cựu đô vùng Thẩm Dương, Phụng Thiên có người Nữ Chân thường đem trâu bò, dê cừu buôn bán với người Triều Tiên cũng đã trao đổi yên thảo. Chứng cớ quan trọng nhất mà người ta còn tìm được là những lọ bằng đồng đựng thuốc có khắc niên hiệu Thuận Trị (1644-1661) tuy có người nghi ngờ là không đúng sự thật nhưng về sau đã được minh xác.[10] Ngoài Triều Tiên ở phương bắc truyền xuống, người Philippines từ Luçon truyền từ phương nam, và ở Phúc Kiến, Giang Tây người ta đã trồng cây thuốc. Tuy nhiên, bình ngửi có từ bao giờ thì không ai dám nói chắc, có lẽ từ cuối đời Minh nhưng chỉ thịnh hành vào khoảng đầu đời Thanh.

 


Tranh vẽ của Trung Hoa nhạo báng người Âu Châu khi họ xuất hiện tại Chiết Giang

 

Dưới thời Thanh Khang Hi (trị vì 1662-1722), Vương Sĩ Trinh (王士禎) (1634-1711)[11] soạn bộ Hương Tổ Bút Ký (香祖筆記) 12 quyển vào khoảng năm 1703-1704 trong đó có viết:

呂宋國所產煙草本名巴菰又名金絲薰餘既詳之前卷。近京師又有製為鼻煙者,云可明目,尤有辟疫之功,以玻璃為瓶貯之。瓶之形象,種種不一,顏色亦具紅紫黃白黑綠諸色,白如水晶,紅如火齊,極可愛玩。以象齒為匙,就鼻嗅之,還納於瓶。皆內府製造,民間亦或仿而為之,終不及。[12]

Nước Lữ Tống (tức Luzon, nay là Philippines) sản xuất ra yên thảo, tên gốc là Đạm Ba Cô, lại có tên là cỏ tơ vàng đã viết rõ ở những quyển trước. Gần đây kinh sư có người chế ra làm thuốc ngửi nói rằng có thể giúp cho sáng mắt, lại có thể tránh được bệnh dịch, chứa trong bình bằng pha lê. Hình dáng chiếc bình có nhiều loại khác nhau, màu sắc thì có màu đỏ, màu tím, màu vàng, màu trắng, màu đen, màu lục, trắng như thuỷ tinh, đỏ như hun lửa thật là đẹp đẽ. Dùng ngà làm thìa, xong lại để vào trong bình. Tất cả đều do Nội Phủ chế tạo, trong dân gian cũng phỏng theo mà làm nhưng không đẹp bằng.

Về cái tên 淡巴菰 “đạm ba cô” thì từ điển giải thích là từ gốc tiếng Tây Ban Nha tabaco nguyên từ Nam Mỹ tức cây thuốc lá ngày nay, cũng còn dịch là 淡巴菇. Tài liệu cũng cho thấy một xưởng thuỷ tinh đã được thành lập trong Tử Cấm Thành năm 1696 đủ biết vào thời kỳ họ Vương viết bộ sách này thì việc hít và chế tạo bình ngửi đã thịnh hành.

Về việc tại sao người Âu châu chứa thuốc trong hộp để ngửi và nhai nhưng khi sang Trung Hoa lại để vào trong lọ nhỏ thì người ta giải thích rằng người Trung Hoa có thói quen đựng thuốc trong bình nhỏ bằng sứ và lúc đầu thuốc ngửi được coi như một loại dược liệu nên bình đựng thuốc ngửi cũng là một loại thuốc mang theo trong người và rồi thành một phong trào của giới thượng lưu.

Vua Khang Hi đã có 6 lần nam tuần (đi xuống phương nam), trong lần đầu vào năm 1684 (Khang Hi 23) khi ông đến Nam Kinh thì có giáo sĩ Joannes Gabiani (Tất Gia 畢嘉) và Joannes Valat (Uông Nho Vọng 汪儒望) đến quì tiếp giá, hai người dâng lên bốn món phương vật, hoàng đế truyền chỉ:

Các món phương vật các ngươi đem đến đều là hàng hiếm có nhưng trẫm đã từng thu lưu rồi. Riêng có thuốc ngửi thì (lần này) nhận mà thôi.

Theo như lời của vua Khang Hi thì ông đã biết đến loại thuốc ngửi của Tây dương. Đoạn này trích trong Hi Triều Định Án có lẽ là văn bản sớm nhất về loại này.

Cũng năm đó, một hoạ gia nổi tiếng đầu đời Thanh là Ngô Lịch, đã cải giáo sang đạo Thiên Chúa và vào làm việc trong giáo hội, đã tự nghiên cứu và chế tạo được thuốc ngửi để tặng cho bạn bè. Trong những đời Khang Ung Càn, phong khí hít thuốc ngửi trở nên thông dụng và những quốc gia Âu châu cũng hay dùng loại dược liệu này làm quà tặng khi mang sang Trung Hoa.

Năm Ung Chính thứ 3, giáo hoàng Benedictus gửi phương vật trong đó có rất nhiều bình đựng thuốc ngửi bằng mã não và pha lê. Năm Ung Chính 5, quốc vương Bồ Đào Nha Joseph sai sứ thần Metello mang phương vật sang cũng có nhiều bình đựng làm bằng mật lạp, mã não, kim tương, ngân độ, đồi mồi, lam thạch các loại. Năm Càn Long 17, quốc vương Bồ Đào Nha lại đem hiến phương vật gồm có tị yên, xích kim, loa điền, mã não, lục thạch các loại hộp đựng thuốc ngửi. Vua Càn Long khi nhận các món lễ phẩm này ở Viên Minh Viên đã đem ban lại cho các thân vương, đại thần.



                                                Vua Ung Chính

Nguồn: Thanh Sử Đồ Điển

Theo nghiên cứu của Trương Lâm Sinh (張臨生) trong Tế Thuyết Tị Yên Hồ (細說鼻烟壺)[13] thì “tây lạp” chính là dịch âm của chữ “snuff” tức loại thuốc ngửi, cũng có khi dịch thành “sĩ na” (士那). Trong sách Sĩ Na Bổ Thích (士那補釋) của Trương Nghĩa Chú (張義澍) cuối đời Thanh tác giả định nghĩa như sau:

Sĩ na: tức tị yên, âm dịch từ tiếng Hà Lan, cũng còn gọi là “sĩ na phú” hay “sĩ nã”, dùng yên thảo loại cao cấp trộn với dược phẩm trân quí nghiền thành bột mà chế thành, không dùng lửa mà chỉ dùng ngón tay chấm vào nhét vào lỗ mũi rồi hít nhè nhẹ có thể giúp người ta tỉnh táo, không mỏi mệt. Thịnh hành cuối đời Thanh. Sách này cho biết có viết sơ lược trong sách Dũng Lô Gián Chuế của Triệu Chi Khiêm, nên có tên là Sĩ Na Bổ Thích.[14]




Một người Trung Hoa đang hít thuốc

Nguồn: Trevor Cornforth (2002) tr. 16

Từ hộp chuyển sang bình

Hộp đựng do ngoại quốc đưa sang chỉ là một số lượng nhỏ nên khi hít thuốc trở thành một phong thái thì việc người Trung Hoa phải tự chế tạo riêng cho mình là chuyện đương nhiên. Loại hộp đựng thuốc ngửi của người Tây phương không mấy tiện dụng vì khi mở nắp hộp ra, bột thường bay tung toé. Vì thế người ta mới thay đổi dùng các loại bình đựng thuốc đời Minh có miệng nhỏ. Cái nắp gắn một chiếc thìa dài và nhỏ, đầu hơi to hơn như hình một chiếc xẻng. Cái thìa đó làm bằng ngà voi, đồi mồi, phổ thông hơn cả là dùng kim loại, xương cá để múc từ trong bình ra một chút bột thuốc, để lên đĩa nhỏ hay lòng bàn tay rồi đưa lên mũi hít mạnh.

Cũng theo Trương Nghĩa Chú thì “đồ chứa thuốc ngửi gọi là bình , cũng còn gọi là hạp , đồ mang thuốc theo gọi là hồ , lấy thuốc ra bỏ vào hồ gọi là lậu , thuốc ở trong bình lấy ra mời khách gọi là điệp , khuấy vào hồ để cho đều gọi là khiêu …”. Phần trên của bình ngửi có miệng nhỏ, trên miệng có nắp, cái thì làm bằng bảo thạch, cái thì làm bằng trân châu, cái thì làm bằng ngọc mắt mèo, đủ loại màu sắc.

Tị yên hồ lúc đầu mô phỏng bình đựng thuốc thời cổ làm bằng pha lê nhưng càng về sau hình dáng càng đa dạng mà chất liệu cũng không giống nhau. Có cái hình tròn, có cái hình quả đào, hình thạch lựu, hình hồ lô, hình trái cà, hình con cá, hình con heo con.

Về chất liệu thì có cái làm bằng sành, sứ, ngọc thạch, thuỷ tinh, pháp lang, ngà voi, mã não, hổ phách.




Đĩa nhỏ để đựng thuốc ngửi trước khi đưa lên mũi

Nguồn: Cornforth & Cheung (2002) tr. 22

Hương vị

Ti yên hay bột thuốc ngửi không dùng miệng mà dùng mũi hít vì là lá thuốc đã nghiền thành bột mịn rồi thêm hương liệu mà chế thành. Theo Trang Cát Phát trong bài “Tị yên hồ đích diệu dụng”[15] thì tị yên có 6 vị khác nhau. Đường Lỗ Tôn (唐魯孫) trong Đàm Tị Yên (談鼻烟) có nói rằng thuốc ngửi coi vị tanh hôi là đứng đầu, chua là thứ hai, vị chocolat là thứ ba, thanh là thứ tư có thể chống cảm cúm, ngọt là thứ năm cho người mới tập, mặn là thứ sáu ít thấy hơn cả.

Đời Thanh, Thuỵ Cảnh Tô (瑞景蘇) là giám đốc Việt Hải Quan nói rằng thuốc ngửi từ bên ngoài đem vào có vị rất đặc biệt như phi yên (飛煙), đậu yên (豆煙), mã nghị thỉ (螞蟻屎), toan táo miến nhi (酸棗麵兒) bốn loại, trong đó phi yên là hạng nhất, để lâu trong bình vón lại thành cục, dùng tay miết nhẹ, người ngoài không hay biết, đó là trân phẩm dùng trong cung vua. Đậu yên là loại bột giữ lâu năm nên thành những hạt nhỏ như hạt đậu, giữ được hương rất lâu và chắc chắn. Mã nghị thỉ nghĩa đen là phân con kiến là loại tồn trữ lâu gặp lúc ẩm thấp nên lên men biến thành những hạt li ti. Toan táo miến nhi là loại chưa khô hẳn nếu để lâu thành cục lớn nhỏ không đều, giống như tổ ong, hít vào mắt sáng dễ chịu.

Trước đây khi người ta hít thuốc, hoặc nhúm một ít bỏ vào mũi, hoặc lấy một chút thuốc dùng ngón tay cái và ngón trỏ vê vê nhét vào mũi rồi hít vào.

CHẾ TẠO

Bình ngửi ở trong dân gian rất đa dạng nhưng nói đến sinh hoạt cung đình thì có cái làm bằng sứ, bằng ngọc, mã não, hổ phách, pha lê nhiều loại. Bình ngửi làm bằng pháp lang có vẽ hình là món được yêu thích hơn cả.

Ngay từ đời Thuận Trị việc sưu tầm và lưu trữ bình ngửi đã có và lên đến cao triều vào thời Khang Hi (1662-1722), Ung Chính (1723-1735) và Càn Long (1736-1795). Theo tài liệu trong cung, một số lượng bình ngửi rất lớn được ghi nhận trong hoàng cung và cũng là quà tặng cho sứ thần ngoại quốc. Các hoàng đế nhà Thanh cũng chỉ thị rất nhiều trong việc sản xuất và hoạ kiểu các bình ngửi nhất là để làm cho các bộ sưu tập riêng của triều đình thêm phong phú.

Khang Hi

Năm Khang Hi 32, Tạo Biện Xứ  (造辦處) – tức cơ xưởng chế tạo vật dụng dùng trong triều đình - đã thiết lập các tác phòng bao gồm pháp lang tác, kim ngọc tác, như ý quán, pha lê xưởng … và đến năm Khang Hi 35 thì tăng lên thành tất cả 14 phòng. Thợ của các xưởng này do Nội Vụ Phủ, Chức Tạo Cục của Tô Châu và Việt Hải Quan đốc thúc các nha môn tuyển chọn còn thợ làm đồ pha lê thì do tuần phủ Sơn Đông đưa đến. Trước đây, những sản phẩm này được đặt làm tại nhiều xưởng bên ngoài kinh đô nay tập trung vào một nơi dưới sự chỉ đạo vào điều động của quan chức triều đình.

 


Vua Càn Long

Nguồn: Thanh Sử Đồ Điển

Vua Khang Hi thích đồ pháp lang có vẽ hình nên tìm đủ mọi cách để đưa kỹ thuật đó vào tác phường trong cung. Vẽ trên đồ pháp lang nay có nhiều lớp và chỗ nổi, chỗ chìm khiến cho thêm hiện thực mà màu sắc cũng tươi đẹp hơn. Một số món đồ pháp lang theo chân các nhà truyền giáo được đưa vào Trung Hoa. Cuối đời Khang Hi tuần phủ Giang Tây Lang Đình Cực (郞廷極) trình lên danh sách tiến cống trong đó có hai chiếc tị yên hồ hình quả cà (水茄 Solanum torvum), 2 chiếc bình ngửi Tây dương.

Ngoài kinh sư, trên toàn quốc cũng có nhiều nơi như Giang Ninh, Tô Châu, Hàng Châu chế tạo bình ngửi. Ba nơi trên được gọi chung là Giang Nam Tam Chức Tạo (江南三織造). Đời Khang Hi, chức tạo Giang Ninh là Tào Dần (曹寅), chức tạo Tô Châu là Lý Hú (李煦), chức tạo Hàng Châu là Tôn Văn Thành (孫文成) ba người trông lo việc cung cấp cho hoàng cung những món cần thiết, cũng có khi tiến cống trân ngoạn, chẳng hạn như ngày 26 tháng Sáu năm Khang Hi 49 (1710), Lý Hú tiến cống, trong các cống phẩm có bút Hồ Châu, phật thủ mới hái và tị yên hồ.

Năm Khang Hi 55, tuần phủ Quảng Đông là Dương Lâm đã tìm ra được hai người Quảng Đông tên là Dương Sĩ Chương và Phan Thuần có thể nung được đồ pháp lang nên lập tức cấp cho sở phí để lo gia đình rồi đưa ngay lên kinh đô. Năm Khang Hi 58, Dương Lâm lại tìm được một giáo sĩ đạo Gia Tô là Jean Gravereau biết cách nung pháp lang nên đưa lên kinh và được trọng dụng. Đồ pháp lang Trung Hoa xuất hiện từ thời đó.

Kỹ thuật nung và chế tạo đồ pháp lang có vẽ hình vốn không phải là sáng tạo của người Trung Hoa mà xuất phát từ vùng Flanders (nằm ở giao giới của ba quốc gia Âu châu là Bỉ, Pháp và Hà Lan) từ giữa thế kỷ thứ XV. Cuối thế kỷ XV, vùng Limoges ở giữa nước Pháp đã trở thành một thị trấn quan trọng chuyên về pháp lang.

Năm Khang Hi 60, sứ thần nước Nga sang Trung Quốc, vua Khang Hi ban cho mỗi người một chiếc bình ngửi pháp lang. Cùng năm đó giáo hoàng Clement XI sai sứ thần là C. Mezzabarba sang Trung Hoa để đàm thảo về vấn đề giáo đồ Thiên Chúa giáo có được cúng tế tổ tiên hay không? Họ cũng được ban thưởng tị yên hồ pháp lang, cho thấy vua Khang Hi rất coi trọng những sản phẩm mới chế tạo này.

Ung Chính

Vua Ung Chính cũng ưa thích đồ pháp lang không kém gì vua cha. Từ khi Jean Gravereau cáo bệnh về nước, không còn chuyên gia pháp lang nào người ngoại quốc ở trong triều nên tác phường nay không còn người chuyên môn chỉ đạo. Chủ trì Tạo Biện Xứ là Di Thân Vương Dận Tường lo lắng thành bệnh, may nhờ có một số phụ tá như lang trung Hải Vọng, Tống Thất Cách, Bá Đường A, Đặng Bát Cách bàn luận trao đổi để nghiên cứu, đến năm Ung Chính 6 thì Tạo Biện Xứ đã chế tạo được các vật liệu để làm ra các màu trắng, vàng, hồng, lục, đỏ, xanh (nhuyễn bạch sắc, hương sắc, đạm tùng hoàng sắc, ngẫu hà sắc, thiển lục sắc, tương sắc, thâm bồ đào sắc, thanh đồng sắc, tùng hoàng sắc).


                                                Vua Gia Khánh

Nguồn: Thanh Sử Đồ Điển

Tị yên hồ đời Ung Chính có đặc tính mà người ta đặt tên là “cẩm địa khai quang thức” (錦地開光式)[16], dùng đề tài xưa nay người ta thường vẽ lấy hoa, điểu là chính, cành lá hữu tình, linh hoạt sinh động biểu lộ sự thanh nhã của văn nhân. Về màu sắc thời dùng nhiều màu, thích màu đen, lấy màu pháp lang đen làm cẩm địa (nền) để cho nổi bật chủ đề lên. Con dấu trên pháp lang đời Ung Chính thì bốn chữ Ung Chính niên chế không theo hình vuông, hình tròn như thông lệ mà vẽ hình linh chi, tiên đào bao quanh. Khi đồ pháp lang dâng lên nhà vua rất đẹp lòng, ông thường hỏi kỹ xem ai là người đã vẽ và thực hiện để khen thưởng bằng tiền và tị yên hồ đời Ung Chính còn lưu lại tới ngày nay đều được giá cao trong những kỳ đấu giá.

Càn Long

Triều Càn Long là một trong những thời kỳ toàn thịnh của nhà Thanh, đất nước tương đối an bình, các tác phường trong cung cũng đạt được nhiều thành tựu. Vua Càn Long cũng đặc biệt chú trọng đến nghệ thuật Tây phương nên hội hoạ, miêu tả phong cảnh, sinh hoạt ở Âu châu cũng được dùng như một bản nền cho đồ pháp lang. Nguyên tắc viễn cảnh (perspective) đã khiến cho hình ảnh có chiều sâu nên con người, giáo đường, thôn xóm trở nên linh động và thật hơn lối vẽ cũ của Trung Hoa nhiều.

Đời Thanh chưa thành lập hoạ viện, các hoạ công tuỳ thuộc vào các cơ quan bên trong Tạo Biện Xứ chẳng hạn Như Ý Quán sử dụng những người trước đây là hoạ tượng (thợ vẽ) sau được dùng như chuyên môn. Ngoài một số lớn thợ vẽ được tuyển mộ ở Tô Châu, phần đông các hoạ sĩ triều đình là những giáo sĩ chẳng hạn G. Castiglione (Lang Thế Ninh 郞世寜), Attiret (Vương Chí Thành 王致誠)[17]. Dù bất cứ bức hoạ nào, họ phải trình lên bản vẽ nháp (phấn bản 粉本) để cho hoàng đế xem trước và chấp thuận rồi sau đó mới bắt đầu vẽ. Các tranh vẽ phần nhiều do họa sĩ Tây phương phác họa bố cục, rồi sau đó các hoạ nhân người Hán như Tải Hằng (載恒), Thang Chấn Cơ (湯振基), Hạ Kim Côn (賀金昆) … vẽ và thêm thắt chi tiết.

Các bức hoạ trên tị yên hồ bằng pha lê đời Càn Long nổi tiếng và lan ra rất xa, nguyên liệu từ Bác Sơn, tỉnh Sơn Đông cung ứng rồi do Pha Lê Xưởng của Tạo Biện Xứ chế tạo. Pha lê gốc màu trắng đục có hai loại ánh sáng thấu qua và không thấu qua nên thường vẽ những hình ảnh rậm rạp, dát vàng và khắc bằng tay. Những tị yên hồ pha lê pháp lang thường vẽ người hay phong cảnh trên những bình hình vuông, chữ nhật rất công phu.

Ngày 18 tháng Tư năm Càn Long 20 (1755), quản lý Việt Hải Quan là giám đốc Lý Vĩnh Tiêu (李永標) nhận được văn thư từ Quân Cơ đại thần Phó Hằng yêu cầu lo liệu 20 chuỗi triều châu bích nha, 100 chuỗi triều châu tây nha, 300 bình ngửi, 300 hộp nữ nhi hương đến tháng Bảy đưa lên kinh đô.

Từ hoàng đế, việc sử dụng bình ngửi phổ biến ra các quan. Phó sứ George Leonard Staunton trong phái đoàn Macartney sang Trung Hoa năm 1793 đã viết trong nhật ký của ông rằng:

Thuốc hút nghiền thành bột rất được người Trung Hoa ưa chuộng. Một đại quan hiếm khi không có một chiếc bình nhỏ đựng thuốc hút để thỉnh thoảng đổ ra một chút lên hổ khẩu bàn tay trái rồi đưa lên mũi hít vài ba lần mỗi ngày.

Tuy nhiên ở phương nam người ta hút thuốc chứ không nhai hay hít thuốc. Bác sĩ Osbeck có mặt tại Quảng Châu từ tháng 8-1751 đến tháng 1-1752 cũng nhận xét rằng “Người Trung Hoa chưa thực hành việc hít thuốc (snuff) và nhai thuốc (tobacco-chewing) mà dùng lá để hút”. [18]

Gia Khánh

Qua đời Gia Khánh (1796-1820) và Đạo Quang (1821-1850) việc sản xuất bình ngửi giảm sút nhiều không phải vì triều đình không còn ưa thích mà vì tình trạng kinh tế đi xuống và loạn lạc khắp nơi. Các thương nhân, binh sĩ từ bên ngoài đến Trung Hoa thấy có nhiều sinh hoạt xã hội đáng ghi nhận hơn những thói tục xa hoa của triều đình hay quần chúng. Bình ngửi nay có nhu cầu cao hơn nhưng việc sản xuất qui mô đưa công nghệ này vào việc dùng những chất liệu khác. Trong khi thế kỷ thứ XVIII thì thuỷ tinh, ngọc và đồ pháp lang là những chất liệu chính thì từ cuối đờ Càn Long, đầu đời Gia Khánh về sau người ta dùng những vật liệu rẻ tiền và đa dạng hơn như tre hay ngà. Loại vật liệu thông dụng nhất là đồ sứ.

Đồ sứ Trung Hoa ở Cảnh Đức Trấn vốn dĩ hoạt động từ thế kỷ thứ 10 và trong 800 năm kế tiếp họ là nguồn cung cấp phong phú nhất cho triều đình. Tuy nhiên, việc làm bình ngửi bằng sứ không được giới quan viên ưa chuộng, có lẽ vì đồ sứ thường là những vật dụng lớn như bình hay bát, tô mà đặc tính thấu quang của các món đồ này là một ưu điểm. Ngày nay, các bình ngửi bằng sứ thường được sản xuất theo từng bộ, có khi đến 10, 12 hay 20 chiếc cùng loại để trong hộp bán cho người sưu tầm.

Thế kỷ XIX cũng là thời kỳ mà bình ngửi trở thành đại chúng nhất là đồ sứ men xanh trên nền trắng đã thay thế đồ pháp lang, đồ sứ nay có thể dùng khuôn và điêu khắc, lại thêm kỹ thuật vẽ ngược từ bên trong hàng thuỷ tinh hay đồ pha lê.

Tị yên hồ trong cung chủ yếu do Nội Vụ Phủ chế tạo, đời Khang Hi khéo và giản phác, sang đời Ung Chính càng thêm tiến bộ, đến đời Càn Long thì lại càng tinh xảo, việc khắc hoạ vẽ vời lên đến mức tinh vi, đa dạng từ rồng phượng, cá chim cho đến hoa cỏ, núi non không gì là không chi tiết từng li từng tí. Hồ sơ trong cung nhà Thanh còn tồn trữ nhiều chỉ thị viết tay của vua Càn Long chỉ đạo về việc làm bình ngửi.[19]

BÌNH NGỬI VÀ NGOẠI GIAO

Ban thưởng sứ thần

Năm Khang Hi 60 (1721), giáo hoàng La Mã sai sứ thần sang Trung Hoa đã được tặng cho bình ngửi pháp lang, sứ thần nước Nga khi sang đến Bắc Kinh vua Khang Hi cũng ban cho mỗi người một chiếc tị yên hồ pháp lang.

Năm Ung Chính 3 (1725), giáo hoàng Benedict XIII đã gửi thuốc ngửi tặng vua Ung Chính và năm 1727 thì sứ thần của vua Bồ Đào Nha cũng có thuốc ngửi trong những món quà gửi sang Trung Hoa.

Năm Càn Long 4 (1739), vua Bồ Đào Nha gửi biếu một hộp thuốc ngửi cho vua Càn Long (1736-1795). Để đáp lễ, vua Càn Long cũng gửi tặng bình ngửi và thuốc hút cho triều đình các quốc gia liên hệ cho thấy việc sử dụng bình ngửi trong lễ tiết ngoại giao nay là một tập tục của hoàng cung.

Năm Càn Long 55 (1790) vua Quang Trung sang Bắc Kinh ngày 11 tháng Bảy năm Canh Tuất khi triều cận ở Tị Thử Sơn Trang, theo danh sách đặc biệt những món quà mà Quân Cơ Xứ soạn riêng để ban thưởng cho vua Quang Trung, ta thấy có những món sau đây:

Mãng bào 

5 chiếc

蟒袍

五領

Đai ngọc             

1 cái

玉帶

一條

Ngựa         

1 con

一匹

Yên cương màu vàng

1 bộ đầy đủ

黄韁

全副

Đai bằng vàng

1 cái

金帶

一條

Mão bằng vàng

5 cái

金帽

五頂

Phật bằng ngọc

1 pho

玉佛

一尊

Như ý bằng ngọc

1 thanh

玉如意

一柄

Bình sứ               

1 cái

磁瓶

一個

Trà lá lớn và nhỏ  

6 bình

茶葉

六瓶 (大小)

Trà bánh lớn         

1 bánh

大團茶

一個

Tị yên bình

2 cái

鼻煙

二瓶

Quạt          

2 cái

二把

Ngự chế thi chương

1 bài

御制詩章

一幅

Bạc            

1 vạn lượng

一萬兩

Ngày 17 tháng Bảy khi vào triều kiến tại Đạm Bạc Kính Thành Điện lại được thưởng thêm (gia thưởng) những món sau đây:

Như ý bằng ngọc

1 thanh

玉如意

一柄

Đoạn         

2 tấm

二疋

Chương nhung       

1 tấm

漳絨

一疋

Lăng          

3 tấm

三疋

Bình Tây phương     

2 cái

洋瓶

二個

Đĩa Tây phương     

1 cái

洋碟

一個

Bát ơn mài

1 cái

漆碗

一個

Tị yên bình          

1 cái

鼻煙甁

一個

Bồi thần 6 người mỗi người được 1 tấm đoạn, 1 tấm chương nhung, 2 tấm lăng, 1 cái bát sơn mài, 1 cái tị yên bình, 1 bộ đồ đánh lửa (火鏈). Cũng ngày hôm đó, ban thưởng cho chánh phó sứ Miến Điện và các đầu mục mười người, mỗi người một chiếc tị yên hồ bằng sứ.

Ba năm sau, ngày 12 tháng Bảy năm Càn Long 58 (1793), khi tiếp đón sứ đoàn Macartney của nước Anh, quân cơ đại thần cũng trình lên một danh sách các món tặng thưởng cho quốc vương Anh Cát Lợi George III trong đó có một chiếc bình ngửi hình hồ lô. Chánh phó sứ khi vào triều cận vua Càn Long ở đông lộ châu Như Ý cũng được tặng mỗi người một cái bình ngửi bằng sứ.

Ngày mồng 10 tháng Tám, chánh và phó sứ nước Anh đã được mời đi du ngoạn Vạn Thọ Viên, khi đang xem kịch tại đó, vua Càn Long có thưởng cho con trai của phó sứ là cậu bé Staunton một phần thưởng gồm 25 thứ, tất cả 43 món trong đó có 1 cái bình ngửi.

Năm sau, ngày 11 tháng Chạp năm Càn Long 59 (1794), quân cơ đại thần dẫn quốc sứ Hà Lan Titsingh và Van Braam đến Vạn Thọ Sơn chiêm cận, trong những món vua Càn Long ban thưởng thì trừ những món đồ sứ, thiểm đoạn, hà bao lớn và nhỏ, chánh sứ và phó sứ cũng đều được thưởng bình ngửi.[20]

Tị yên hồ trong giới quan lại



Trong quan trường đời Thanh, tị yên hồ đóng một vai trò quan trọng. Một chiếc bình ngửi chế tạo tinh mỹ có thể là một đề tài thảo luận thích thú, khen chê so sánh giữa người này với người khác. Tị yên hồ cũng còn được dùng như một phẩm vật trung gian để tiếp xúc với giới quyền quí, là món đồ để tiến thân. Người nổi tiếng đời Càn Long là Hoà Thân (1750-1799)[21] rất thích bình ngửi.

Theo Trang Cát Phát, năm Gia Khánh 4 (1799) quân cơ đại thần Hoà Thân bị tru diệt, gia sản bị tịch thu bao gồm kim khố (kho vàng), ngân khố (kho bạc), ngân khí khố (kho đồ làm bằng bạc), tiền khố (kho tiền), nhân sâm khố (kho chứa nhân sâm), châu bảo khố (kho châu báu), ngọc khí khố (đồ bằng ngọc), cổ ngoạn khố (đồ cổ), trù đoạn khố (kho vải vóc), bì trương khố (kho các loại da thú), đồng tích khố (kho đồng thiếc), từ khí khố (kho các loại đồ sứ), văn phòng khố (kho các loại thuộc văn phòng), trân tu khố (kho các loại đồ ăn ngon) các loại tổng cộng 109 loại khác nhau, ước chừng giá trị khoảng 800 triệu lượng bạc.

Hoà Thân đương quyền 20 năm, gia sản tích súc còn nhiều hơn tổng số thu nhập của quốc gia trong 10 năm. Trong số tài sản của ông ta có đến 2,390 cái bình ngửi trong đó có 48 cái bằng ngọc, hơn 100 cái bằng Hán ngọc, hơn 300 cái bằng bích ngọc, hơn 100 cái bằng mã não.[22]

Sang thế kỷ XVIII, bình ngửi trở thành một tập quán của triều đình và trở thành một trong những món quà ban thưởng cho đại thần, ngoại phiên. Đây cũng là thời kỳ mà người ta đặt tên là thời kỳ “bình ngửi” (snuff bottle period) vì bình ngửi đã trở thành một món hàng sưu tầm chứ không phải chỉ là một vật dụng. Chúng ta có thể so sánh việc sưu tầm bình ngửi với phong trào sưu tầm đồ cổ hay ấm tử sa, thoả mãn cho nhu cầu tinh thần hơn là nhu cầu thường nhật. Tuy có nguồn gốc từ Âu châu, văn hoá “bình ngửi” đã pha trộn với tập quán Trung Hoa để trở thành môt mô hình độc lập và một kỹ nghệ chế tạo vượt xa nguyên bản.

Nhiều quan viên văn võ sưu tập tị yên hồ. Năm Càn Long 60 (1795), tổng đốc Mân Chiết Ngũ Lạp Nạp (伍拉納) trong một vụ án ăn hối lộ, khi bị tịch biên gia sản, danh sách tài vật có ghi một hộp bình ngửi bằng bích ngọc 9 chiếc, một hộp bình ngửi thủy tinh 9 chiếc. Trong danh sách tài vật của tuần phủ Phúc Kiến Phổ Lâm (浦林) cũng có tị yên hồ bằng thủy tinh.[23]

Ngự dụng trân phẩm

Tháng Chín năm Khang Hi 55 (1716), Thanh đế ban cho tuần phủ Quảng Tây Trần Nguyên Long (陳元龍) một cái bình ngửi làm bằng pha lê pháp lang năm màu. Đến tháng Sáu năm Càn Long 57 (1792), tổng binh Quảng Tây Tả Thế Vĩnh (左世永) trong những đồ ban thưởng được ban cho 1 tị yên hồ pháp lang.

Vua Ung Chính cũng thường dùng bình ngửi để ban cho các đại thần ở bên ngoài. Ngày 30 tháng Giêng năm Ung Chính nguyên niên (1723), ban cho Tào Vận tổng đốc Trương Đại Hữu (張大有) các món trong đó có một chiếc bình ngửi. Ngày 12 tháng Hai khi ban cho tuần phủ Chiết Giang Lý Phức (李馥) một chiếc tị yên hồ là chiếc bình mà bình thời vua Khang Hi đã dùng rất trân quí. Ngày 21 tháng Hai, thưởng cho tuần phủ Phúc Kiến Hoàng Quốc Tài (黄國材) đồ ngự dụng trong đó cũng có một chiếc pháp lam nê kim tị yên hồ, một chiếc thiên nhiên hồ lô tị yên hồ với dụ chỉ có câu:

Thánh tổ hoàng khảo khi còn sống không ưa thích các món quí giá kỳ lạ, những món để lại đây đều là những vật mà chính tiên đế đã dùng, hễ đại thần hay đốc phủ quan lại nào được ân dày của tiên đế thì mới được ban cho những món này. Nay ban cho để chủ tớ các ngươi truyền cho đời sau, thường thường chiêm ngưỡng, cũng chẳng khác gì thấy tiên đế vậy.

Ngày mồng 9 tháng Ba, tuần phủ An Huy Lý Thành Long gửi triệp do thiên tổng Trương Đình Tá mang về kinh cũng kèm theo một cái hộp trong đó có một chiếc bình ngửi. Ngày mồng 3 tháng Tư, nhà vua đặc tứ cho tuần phủ Sơn Đông Hoàng Bính một chiếc tị yên hồ và nhiều món ăn trong cung. Liên tiếp trong nhiều kỳ ban thưởng, vua Ung Chính đã cho các quan bình ngửi đủ biết đây là một món quà rất được quí trọng ở thời kỳ đó.[24]

Số lần và số lượng còn ghi chép về việc ban thưởng tướng sĩ không phải là ít. Sử chép năm Gia Khánh nguyên niên, nhà vua ban thưởng cho đại học sĩ đã về hưu là Sái Tân năm ấy 90 tuổi một biển ngạch ngự bút Lục Dã Hằng Xuân (綠野恒春) và nhiều món quà trong đó có như ý, hà bao và bình ngửi.

Năm Gia Khánh 2 (1797), tổng đốc Lưỡng Quảng Cát Khánh sau khi dẹp được loạn Thiêm Địa Hội[25] ở Quảng Đông cũng được thưởng một chiếc bình ngửi bằng ngọc. Năm 1801, tham tướng Tôn Ứng bắt được tướng của Bạch Liên Giáo là Trương Khởi Luân triều đình cũng gửi bình ngửi thuỷ tinh 5 chiếc, bình ngửi Tây dương 5 chiếc để ban thưởng những người có công.

Gia Khánh 6 (1801) khi nghe tin thắng trận, vua Gia Khánh thưởng cho Ngạch Lặc Đăng Bảo, Đức Lăng Thái ngọc bài và ngọc bàn chỉ (玉搬指)[26], ngọc tị yên hồ … Trong những năm đời Gia Khánh, tị yên hồ là món đồ thưởng rất phổ biến khi tướng sĩ lập được công lao bài trừ các hội đảng và các nhóm nổi lên ở vùng núi gần biên giới nước ta.

THỂ LOẠI

Hình dáng

Tuy chỉ là một món đồ nhỏ nhưng vì người Trung Hoa làm thành nhiều kiểu khác nhau, chất liệu cũng đa tạp nên danh xưng cũng phức tạp không kém. Trang Cát Phát khi đích thân nghiên cứu các bình ngửi còn lưu giữ trong Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc) đã nhận định như sau:

Có bình ngửi hình trái cà, bình ngửi bằng pháp lang, pháp lang nê kim, pháp lang mã não thuỵ chi, pháp lang nền hồng hoa mai trắng, hình trái bầu thiên nhiên, mã não, đồ sứ Tây phương, ngọc xanh, vân ngọc, thuỷ tinh, văn trúc ... Đồ ngự tứ (tức do vua ban cho) thường kèm chung với các loại trân phẩm như hà bao lớn, nhỏ, như ý, nghiên đá, mãng bào cùng ban thưởng một lượt cho thấy bình ngửi dưới đời Thanh cũng được coi trọng không khác gì những đồ ngự dụng khác. Trân phẩm do hoàng đế ban thưởng hay đồ mà người dưới dâng lên để hai bên thấu cái tình của nhau nên tị yên hồ rất hợp với đạo qua lại của người xưa.

Lilla S. Perry liệt kê 22 hình dáng khác nhau của bình ngửi mặc dù chỉ là những hình dáng thông thường để làm mẫu cho người sưu tầm.




                                                Các kiểu bình ngửi

Nguồn: Perry (1960) tr. 42

  

Chất liệu

Theo Lilla S. Perry, một chuyên gia nghiên cứu và sưu tầm bình ngửi viết trong Chinese Snuff Bottles (1960) thì chất liệu dùng để làm bình ngửi gồm 5 nhóm chính:

Nhóm 1: Thuỷ tinh bao gồm 5 loại khác nhau từ đơn sắc đến vẽ trong hay ngoài, nhiều lớp hay làm giả đá quí …,

Nhóm 2: Đồ sứ bao gồm các loại đồ gốm, đồ sứ, đơn sắc hay trang trí, khắc hoạ, kể cả đồ sành …,

Nhóm 3: Đồ đá nói chung các loại ngọc, thạch anh, và đá không quí lắm …,

Nhóm 4: Đồ hữu cơ bao gồm mã não, san hô, sừng, ngà, gỗ, tre …,

Nhóm 5: Linh tinh gồm kim loại, pháp lang …

Việc nghiên cứu đầy đủ cho từng loại là những công trình to lớn, chúng ta có thể tìm đọc những bộ sách qui mô của các chuyên gia và tài liệu viện bảo tàng nhất là từ Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc hay Bắc Kinh) nếu quan tâm, không thể trong vài trang mà nói cho hết được. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập sơ qua một số vật liệu chính rút ra từ sách vở có sẵn trong nhà.

Thuỷ tinh (玻璃 glass)

Ngay từ đời Hán (206 BC-220 AD) người Trung Hoa đã biết đến thủy tinh và dùng làm vật dụng nhưng lại không coi trọng sự mỹ thuật và công dụng của chất liệu này cho đến khi người Âu châu mang đến những lợi ích qua những thấu kính thủy tinh dùng trong quang học.

Đời Nguyên và đời Minh cũng có đồ thủy tinh nhưng rất ít và chỉ đến đời Thanh thì việc sản xuất thủy tinh mới qui mô. Khi vua Khang Hi được những giáo sĩ biếu một số bình bằng thủy tinh cùng các dụng cụ khoa học thì triều đình nhà Thanh bắt đầu chú ý đến loại chất liệu này. Một thừa sai là De Fontanoy yêu cầu giáo hội cung cấp thêm những chuyên gia (glass-makers) và thợ tráng men (enamellers) vì hoàng đế đã rất quan tâm. Cũng vì lẽ đó, các nhà truyền giáo có mặt tại Bắc Kinh báo cáo về Âu châu rằng thủy tinh do địa phương chế tạo phẩm chất kém và yêu cầu gửi sang một số chuyên viên để giúp cho họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với giới quan lại và quyền quí.[27]

   


Bình ngửi thuỷ tinh

Nguồn: Cornforth & Cheung (2002) tr. 30, 40

Năm 1695 một chuyên gia là linh mục dòng Jesuit tên Kilian Stumpff từ Batavia được gửi đến Bắc Kinh và năm 1696, vua Khang Hi ra lệnh thành lập một xưởng thủy tinh dưới quyền quản trị của Tạo Biện Xứ ngay bên cạnh khu dành riêng cho người Pháp ở Tây An Môn (là khu vực ban cho người Pháp năm 1693 khi họ thành công trong việc chữa trị bệnh sốt rét cho nhà vua). John Bell, một người Âu du hành đến Trung Hoa năm 1720 đã viết:

Sau mấy khúc quẹo, chúng tôi được đưa tới xưởng thủy tinh của hoàng gia là nơi mà chính hoàng thượng đã vui thú đến thăm rất thường xuyên. Chính nhà vua ra lệnh xây dựng và cũng là cơ xưởng đầu tiên thuộc loại này ở Trung Hoa. Nhân vật được chỉ định trông coi và tiến hành họa kiểu là Kilian Stumpff, một thừa sai người Đức về sau đã qua đời. Ông này là người rất được hoàng đế ưu sủng và cũng rất nổi tiếng ở Trung Hoa về sự thông minh sáng tạo và văn chương. Hoàng thượng rất ưa chuộng đồ thủy tinh do ông này làm nên ông đã gửi vài món đồ tinh tế nhất mà ông ta chế tác làm quà cho Đức hoàng.[28]

Năm 1698, hoàng tử Dận Đề 胤禵‎ (1672-1734) thiết lập một xưởng thủy tinh riêng và năm 1702, danh sĩ Vương Sĩ Trinh 王士禛 (1634-1711) đã xác định được rằng xưởng thuỷ tinh được thiết lập trong cung cũng vào khoảng cuối thế kỷ XVII.

Những sản phẩm bằng thủy tinh lúc ban đầu do Thủy Tinh Xưởng sản xuất có lẽ chỉ một màu chẳng hạn trắng, đỏ, vàng, xanh mặc dù đầu thế kỷ XVIII cũng đã có món hai màu. Thủy tinh được cung cấp từ tỉnh Sơn Đông, nơi đó thủy tinh được đúc thành từng cây hay ống rồi gửi về Bắc Kinh. Khi đã đến xưởng thì những thanh thủy tinh này lúc ấy mới được những người thợ nấu chảy, thổi và chế biến.

Những món đồ thủy tinh lúc đầu còn nhiều alkali theo thời gian sẽ bị thoái hóa, có nhiều đường nứt (crizzling) thành mạng nằm dưới mặt thủy tinh. Những đường tơ đó khiến cho vật dụng làm bằng thủy tinh bị kém giá trị và người sưu tầm không ưa. Do đó hiện nay không thấy có bình ngửi thủy tinh đề niên hiệu Khang Hi, cũng không phát triển trong đời Ung Chính và chỉ tới đời Càn Long đồ thủy tinh mới được chú ý nhiều. Nhiều kỹ thuật mới được cải thiện và nhiều sản phẩm làm bằng thủy tinh được chế tạo. Thủy tinh được thổi vào trong khuôn đúc sẵn và khi còn nóng chảy thì nhiều màu được pha trộn bằng cách xoay tròn và người thợ sẽ khắc ở bên ngoài để lộ cái lõi màu khác ở bên trong.

Đồ thủy tinh có thể đơn sắc hay chạm khắc, cũng có loại vẽ hình bên ngoài hay bên trong và thường dễ kiếm hơn cả. Thủy tinh màu thường được chế tạo do những công thức pha trộn nhất định và ngay từ đầu đời Thanh đã được ghi chép trong sách vở.[29] Đến đầu thế kỷ XIX, vì loạn lạc và tình trạng kinh tế đi xuống, đồ thủy tinh ở Trung Hoa sa sút hẳn và chỉ phần nào khôi phục ở cuối thế kỷ này.

Đồ sứ (陶質ceramic)

Đồ sứ là một mặt hàng nổi tiếng của Trung Hoa và triều đình Việt Nam vẫn thường đặt hàng khi cử phái đoàn sang Trung Hoa. Có lẽ việc đi sứ và đồ sứ mà chúng ta gọi có liên hệ với nhau.

Người Trung Hoa đã chế tạo được đồ sứ từ 4000 năm trước và đã phát minh ra nhiều kỹ thuật mới bằng cách kết hợp hai loại nguyên liệu là kaolin và đất trắng (petuntse), nếu được nung ở nhiệt độ cao hơn 12800C sẽ có được sản phẩm cứng và không thấm nước. Các loại vật liệu đó lại dẻo trước khi nung nên việc nặn thành hình dạng và kích cỡ nào cũng được. Những loại sứ mỏng khi soi lên ánh sáng có thể chiếu qua.

     



Bình ngửi bằng sứ

Nguồn: Cornforth & Cheung (2002) tr. 114

Trung tâm sản xuất đồ sứ lớn nhất Trung Hoa là tại tỉnh Giang Tây ở một thị trấn tên là Cảnh Đức. Nơi đây có sẵn vật liệu nên hầu hết các bình ngửi làm bằng sứ chế tạo tại đây. Hầu hết các bình ngửi làm bằng sứ vào thế kỷ XIX đều là loại rẻ tiền dành cho đại chúng không mấy giá trị. Có 4 loại bình ngửi bằng sứ chính:

a/ loại bình đúc khuôn có pháp lam bên ngoài

b/ loại bình đúc bằng khuôn với trang trí nổi

c/ loại bình màu xanh hay màu đồng

d/ loại khắc không tráng men hay nung lần thứ hai

A.    Loại đầu tiên là loại thông dụng nhất. Thân bình được đúc thành hai mảnh và được dán lại bằng đất. Sau đó người ta tô bên ngoài một lớp men thường là màu trắng nhưng cũng có khi màu vàng, màu xanh, hay màu đỏ. Sau đó chiếc bình được trang trí bằng pháp lam ở ngoài rồi nung lại lần thứ hai.

Trang trí các loại này cũng giống như trên bình lớn hay trên bát đĩa thường là hoa lá có viết chữ, đề thơ. Loại bình này thường làm theo bộ 10 hay 20 chiếc cùng loại và được gửi lên kinh đô bán cho quần chúng. Một số bộ loại này nay còn tồn tại và được trưng bày trong Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc). Các nắp đậy đều là đồ sứ giả san hô. Tuy có bình đề niên hiệu Càn Long nhưng đều là đồ làm sau này. Hầu hết đề niên hiệu Gia Khánh. Chỉ có một số ít là loại hàng cao cấp mà thôi.

Bình ngửi sứ pháp lam sản xuất nhiều đời Đạo Quang, trang trí cũng phong phú hơn thường là rồng, chim bồ câu, chó và phong cảnh. Cảnh Đức Trấn bị phá hủy dưới thời loạn Thái Bình Thiên Quốc trong những năm 1850s nhưng cũng có một số đề niên hiệu Hàm Phong. Năm 1864, các xưởng đồ sứ được tái thiết theo lệnh thái hậu Từ Hi nên đồ sứ pháp lam đã phục hồi, tồn tại đến cuối đời Thanh.

B.    Cải cách lớn cuối thế kỷ XVIII là việc người ta đã chế tạo đồ sứ nhưng lại được sử dụng giống những loại vật liệu khác như ngà, sơn mài, gỗ, san hô, lưu li. Tuy chỉ là bắt chước để làm bát đĩa, đồ dùng nhưng chính từ đó mà các bình ngửi trở thành đa dạng vô kể. Thông dụng nhất là bình được đúc theo khuôn với hình long, phượng, hổ, báo hay những nhân vật thần thoại.

Những cốt làm khuôn có lẽ dùng những chiếc bình bằng ngà. Những bình sứ sau khi đúc xong sẽ được chạm khắc lại cho tinh xảo. Hiện nay người ta tìm được rất ít đồ có niên hiệu Càn Long mà phần lớn là đóng dấu đời Gia Khánh. So sánh sản phẩm thời đó, những chiếc khuôn này được dùng đi dùng lại nhiều năm vì trong những chi tiết lưu dấu nhiều vết tích giống nhau và rõ ràng một số đã được đúc khi khuôn đã mòn.

Đại đa số các bình trong nhóm này thường đơn sắc màu san hô, xanh nước biển, xanh dậm hay màu ngà. Cũng có khi những bình này có pháp lang màu hồng trên màu gốc làm cốt của bình. Không thấy bình loại này đời Đạo Quang nên xem ra việc sản xuất đơn sắc đã chấm dứt trong đời Gia Khánh.

C.    Thường thấy nhất trong các loại đồ sứ Trung Hoa là loại được trang trí bằng hai màu xanh trắng. Đây là phát kiến của người Trung Hoa từ đầu thế kỷ XIV là khi họ đã mua được chất cobalt oxide (từ lam 瓷藍) từ Ba Tư. Chỉ có ba loại oxides (dưỡng hoá vật 氧化物) là chịu được độ nóng cao trong tiến trình làm đồ sứ, hai loại kia là oxide đồng và oxide sắt. Tuy nhiên những người thợ làm đồ gốm ở Ba Tư áp dụng chưa thành công vì oxides có khuynh hướng bị chảy.



                                        Bình ngửi men lam

Nguồn: Kleiner (2010) P. II tr. 181

 


Nguồn: Perry (1960) tr. 79

Người Trung Hoa tìm ra rằng nếu thêm chất cobalt vào thủy tinh đã cứng rồi đem nung lại thì có thể ngăn ngừa được nhược điểm này và thành một màu xanh tươi sáng. Cùng một cách, nếu thêm vào oxide đồng thì sẽ có màu từ xanh lục đến màu đỏ, màu xám tùy theo nhiệt độ khác nhau. Tuy kỹ thuật này chỉ được áp dụng ở thế kỷ XIX trong việc chế tạo bình ngửi nhưng người ta vẫn để niên hiệu Càn Long như thói quen của người Tàu thích ghi một dấu vết cũ hơn niên đại sản xuất.

Đến giữa thế kỷ XIX khi dùng bình ngửi được lan rộng trong mọi tầng lớp xã hội thì các loại bình rẻ tiền không tráng men được sản xuất với số lượng nhiều để bán cho đại chúng. Tuy nhiên vẫn có hàng men lam cao cấp ghi niên hiệu Đạo Quang, Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự do tư nhân đặt làm và nhiều món còn ghi cả tên của chủ nhân.

D.   Hàng không tráng men phải được nung lại thì mới đủ độ cứng. Một khuynh hướng chạm khắc đồ sứ được hình thành, có lẽ tại khu vực Cảnh Đức Trấn thời Đạo Quang là giai đoạn mà nhiều món đồ sứ nhỏ dùng trong văn phòng như ống bút, bình phong để bàn, bình ngửi. Những món đồ này thường có ghi thời điểm và tên người làm của từng xưởng, từng nhóm. Đây là loại hàng được nhiều người săn lùng vì có giá trị cao.

Một loại hàng đất không tráng men khác với đồ gốm là hàng làm bằng đất sét nung với nhiệt độ thấp (khoảng từ 800-11000 C). Đây là đồ gốm Nghi Hưng ở Giang Tô vốn dĩ chuyên làm ấm trà nhỏ nhưng cũng có làm thêm một số bình ngửi. Bình ngửi Nghi Hưng không nhiều vì dễ vỡ và thường chỉ có văn nhân mới sưu tầm.

Theo những chuyên gia về đồ cổ và bình ngửi, một trong những loại hàng hiếm và quí là đồ do Cổ Nguyệt Hiên (古月軒) sản xuất. Hiện nay, bình ngửi Cổ Nguyệt Hiên phần lớn được giữ tại viện bảo tàng. Ngoài ra một số nhỏ thì lưu lạc qua Âu Châu, Nhật Bản. Những chiếc bình ngửi loại này nay đã thành truyền kỳ và lẽ dĩ nhiên, rất nhiều đồ giả mạo.[30]

Đá quí (precious stone)

Các loại khoáng thạch cũng được dùng để làm bình ngửi trong đó đá cứng nhưng nhiều nhất là nephrite (nhuyễn ngọc 軟玉), jadeite (ngạnh ngọc 硬玉) và một trong các loại chalcedony (ngọc tuỷ 玉髓).

Nephrite và jadeite thường được xếp chung vào loại ngọc (jade) nhưng thực ra đây là hai loại vât liệu khác nhau.

Nephrite tức nhuyễn ngọc là một loại silicate (tịch toan diêm 矽酸鹽) có chứa calcium, magnesium và aluminium, độ cứng vào khoảng 6.5 Mohs[31]. Loại này thường đục mờ, màu trắng sữa, quí nhất là loại hoàn toàn trắng hay vàng nhưng cũng có nhiều màu khác từ xám nhạt và đậm nhạt từ xanh lục sang đen. Ngọc đã xuất hiện và được dùng điêu khắc từ khoảng 3500 năm BC ở Trung Hoa.

Jadeite tức ngạnh ngọc thì là một dạng silicate chứa sodium và aluminium, cứng hơn nephrite tính theo độ Mohs (6.5-7) thường trong mờ và có những kết tinh có thể nhìn được bằng mắt thường. Màu sắc biến đổi cũng gần như nephrite nhưng quí nhất là màu xanh táo và màu bích ngọc có giá trị không khác gì bảo thạch.

 


Bình ngửi bằng đá quí

Nguồn: Cornforth & Cheung (2002) tr. 85

Jadeite được người Trung Hoa ưa chuộng và nhập cảng từ Miến Điện vào khoảng thế kỷ XVIII, dùng làm đồ trang sức và đồ dùng nhỏ. Ngọc khí đối với người Trung Hoa rất quan trọng, quí giá còn hơn vàng hay các loại đá khác, lại được coi là linh thiêng nên vua chúa rất thích. Vua Càn Long cũng nổi tiếng là người ưa chuộng sưu tầm các loại bình ngửi quí giá bằng ngọc và đến nay người ta còn tìm thấy một số bình ngửi có mang niên hiệu Càn Long. Những bình này được chạm khắc rất tinh vi, có cái khắc những bài ngự thi hay không khắc gì cả.

Chalcedony tức ngọc tuỷ là tên gọi chung những khoáng liệu trong nhóm thạch anh kết tinh (cryptocrystalline quartz group). Đây chỉ là đá thường và mặc dù một số loại có tên riêng chẳng hạn mã não (agate 瑪瑙), hồng ngọc tuỷ (carnelian 紅玉髓), tùng lâm thạch (dendritic 松林石). Đá này có độ cứng 6.5-7 Mohs. Vì tương đối dễ kiếm nên thạch anh được dùng để làm bình ngửi nhiều nhưng phần đông kém phẩm chất và chạm khắc cũng không đẹp.

Ngoài bình ngửi chế tạo từ Tạo Biện Xứ nhiều nơi khác cũng làm bình ngửi nhưng chỉ có bình ngửi làm ở Tô Châu là có giá trị và thạch anh được dùng để thay thế các loại ngọc trong thế kỷ XIX.

Ngoài các loại ngọc ở trên, một số vật liệu cũng thuộc về đá được dùng làm bình ngửi, ta thấy có bích thạch hay bích ngọc (jasper碧玉), đá kết tinh họ thạch anh (rock-crystal). Đá kết tinh đôi khi có những sợi nhỏ như sợi tóc (hair crystal) và được dùng làm các vật dụng văn phòng. Loại này hiếm và quí hơn thạch anh trong suốt và cũng có nhiều loại tuỳ theo màu như màu đen điện khí thạch (電氣石tourmaline), actinolite (xanh lục) hay đỏ (金紅石 rutile).

Các loại đá được coi là không quí mấy (semi-precious stones) cũng được dùng để chế tác bình ngửi trong đó có lapis-lazuli (青金石 thanh kim thạch), malachite (孔雀石 khổng tước thạch), tourmaline và turquoise (ngọc thổ nhĩ kỳ 土耳其). Ngoài ra các loại đá khác như tạo thạch (皂石 soapstone), cẩm thạch … cũng có khi được dùng.

Ngà (ivory)

Những chất hữu cơ từ các loài động vật được dùng để làm bình ngửi cũng đa dạng. Loại thông dụng nhất và cũng nhiều người biết nhất là ngà voi. Vào thế kỷ XIX, thống kê của cơ quan ngoại thương đường biển ở Quảng Đông cho thấy trong khoảng 5 năm từ 1868 thì có đến gần 400,000 pounds ngà voi được nhập cảng theo đường tàu biển ngoại quốc, con số cho thấy số lượng vật dụng bằng ngà voi mà Trung Hoa chế tạo to lớn là chừng nào.[32]




Tượng Bát Tiên bằng ngà

Nguồn: Warren Cox (1946) tr. 84

Quảng Châu là một trong những trung tâm chính điêu khắc ngà voi của Trung Hoa nổi tiếng về những tác phẩm rất chi ly, đẹp đẽ. Một bộ bình ngửi bằng ngà thường được điêu khắc vô số hình người nhỏ bé, những đài các huy hoàng và thường được khảm pháp lang bằng màu hồng để làm nổi bật những chi tiết. Những tác phẩm này phần nhiều chế tác trong thế kỷ XIX.

   




Bình ngửi bằng ngà

Nguồn: Cornforth & Cheung (2002) tr. 163

Tuy nhiên những tác phẩm bằng ngà tinh xảo nhất lại được sản xuất tại Tạo Biện Xứ ở Bắc Kinh. Những người thợ khéo nhất cũng thường được tuyển mộ từ Quảng Châu đưa lên kinh đô vì đã có chỉ phải gửi những ngưởi có khả năng nhất lên phục vụ trong cung. Những tác phẩm bằng ngà đều dùng những ngà voi thượng hảo hạng và đều có khắc niên hiệu ở dưới đáy. Bình ngửi bằng ngà cũng còn được sản xuất ở Nhật Bản và thường được phủ bằng sơn mài nhưng mẫu mã vẫn được đặt theo kiểu Tàu và đề niên hiệu nhà Thanh nên người ta biết rằng những bình đó được đặt làm hay là đồ xuất cảng của Nhật vì người Nhật không có tập quán hít thuốc.

 



Bình ngửi bằng ngà

Nguồn: Cornforth & Cheung (2002) tr. 158

Hai loại vật liệu cũng được sử dụng vì khá tương đồng với ngà voi là răng hải mã (walrus) và mào chim hornbill (Rhinoplax vigil).

San hô (coral)

 


Bình ngửi bằng san hô có khắc chữ Phúc và chữ Thọ

Nguồn: Cornforth & Cheung (2002) tr. 175

San hô là những chất vôi đóng lại dưới biển, được tìm thấy nhiều ở Nhật Bản và người Trung Hoa đã biết đến từ gần 2000 năm qua và được coi trọng vì là một biểu tượng của trường thọ.

Bình ngửi bằng san hô rất hiếm và có thể chỉ được chế tạo trong nội cung cùng với những món đồ khác dành cho hoàng gia. Có nhiều loại san hô, từ nhạt, hồng đến đỏ sậm và thường được phủ một lớp sáp để che đậy những khuyết điểm. San hô vào thế kỷ XVIII chế tạo rất tinh xảo biểu lộ sự khéo léo của người thợ, về sau không được tinh mỹ bằng.

Xà cừ (mother-of-pearl)

Xà cừ là những lớp phủ bên trong vỏ ốc mà người ta dùng một kỹ thuật gọi là laque burgauté (khảm) để dán một lớp mỏng lên các đồ vật nhỏ. Để làm bình ngửi, người ta dùng một chiếc bình sơn mài sẵn và khảm từng mảnh xà cừ nhỏ thành những hình như ý muốn. Phương pháp khảm xà cừ phát xuất từ Trung Hoa từ thế kỷ VIII nhưng lan rộng sang những vùng tiếp giáp với biển có nhiều vỏ ốc. Nhật Bản và Việt Nam rất tinh xảo trong kỹ thuật khảm xà cừ và đồ khảm của nước ta cũng nổi tiếng trên thế giới.

Chất hữu cơ (organic materials)

Sơn mài (lacquer)

Đồ sơn mài (漆器) đã tìm thấy trong những di chỉ của Trung Hoa ít nhất cũng từ đời Hán và phát triển trong các triều Nguyên, Minh, Thanh. Lacquer lấy từ nhựa cây sơn (rhus vernicifera) mọc nhiều ở nam Trung Hoa. Nhựa cây được rút ra qua những vết cắt trên vỏ cây rồi đắp từng lớp (layers) lên mặt của món đồ mình muốn làm. Việc này rất tỉ mỉ, nhiều công phu và tốn thời gian. Mỗi món sơn mài phải tốn công đắp lên khoảng 150 lớp cho đủ dày trước khi có thể khắc hình vẽ.

 


Bình ngửi sơn mài

Nguồn: Perry (1960) tr. 38

 

Màu thông dụng nhất của sơn là màu đỏ son (cinnabar) lấy từ thuỷ ngân khiến cho có màu tươi đẹp nhưng cũng có khi dùng màu xanh lục, nâu. Bình ngửi sơn mài được chế tạo trong cung cùng với những đồ sơn mài khác như ống bút, hộp, bát, bình phẩm chất tốt. Những hàng thương mại thường chạm khắc xấu và bị dòn vỡ khi để lâu.

Kim loại quí (precious metals)

Vàng và bạc là hai kim loại được dùng làm bình ngửi nhưng tương đối hiếm hoi và phần nhiều chỉ chế tạo trong Tạo Biện Xứ dùng trong cung. Đồng cũng được dùng nhưng thường chỉ làm cốt lõi cho đồ pháp lang.

Hổ phách (amber)

Hổ phách (琥珀) là nhựa cây đã bị hoá thạch, có lẫn bên trong xác những con vật nhỏ hay lá cây mà nay không còn tồn tại. Mã não được đưa vào từ Miến Điện hay từ Nga màu nguyên thuỷ như nâu mật ong hay màu vàng kim loại. Hổ phách cũng còn được làm giả thuỷ tinh nhưng dễ phân biệt qua độ ấm và trọng lượng.



                                        Bình ngửi bằng hổ phách

Nguồn: Kleiner (2010) P. II, tr. 206

Đồi mồi (tortoise shell)

Đồi mồi dễ vỡ và mỏng nên thường chỉ dùng để khảm lên trên bình bằng gỗ chứ không làm toàn bộ bằng đồi mồi. Ngoài đồi mồi một số vật liệu khác từ động vật như sừng tê, sừng hươu, sừng bò, răng hay xương cá voi … cũng có thể dùng làm bình ngửi nhưng ít thông dụng.

Gỗ (wood)

Gỗ thường bị coi là rẻ tiền nên ít người sưu tầm, cũng được coi ngang với bình ngửi làm bằng đất Nghi Hưng vào cuối đời Thanh. Có thể những bình bằng gỗ chỉ là những mẫu để trình lên nhà vua trước khi làm bằng chất liệu quí hơn chứ không phải hàng để trao đổi hay sử dụng.

Tre trúc (bamboo)

Tre trúc là vật liệu rất thông dụng ở Trung Hoa được dùng vào đủ loại đồ dùng và sinh hoạt hàng ngày, được coi như một tượng trưng của người quân tử. Bình ngửi dùng vật liệu bằng tre có hai loại, hoặc do thân tre vót mỏng rồi dán ép lạị thành khối trước khi tạc thành bình hay dùng gốc tre tiện thành bình nguyên khối.

Bầu nhỏ (gourd)

Trái bầu loại nhỏ nhất là loại có thắt eo như cái hồ lô được quí trọng nhất. Muốn có những trái bầu hồ lô, người ta nuôi trái trong một cái khuôn để có được hình dạng theo ý muốn. Bình ngửi hình hồ lô còn một số niên hiệu Đạo Quang.

 




Bình ngửi làm bằng quả bầu nhỏ

Nguồn: Cornforth & Cheung (2002) tr. 174

Linh tinh (miscellaneous)

Một số vật liệu thiên nhiên khác cũng được dùng để làm bình ngửi chẳng hạn ngọc trai, hạt trái cây, vỏ quít, hột đào, vỏ dừa và cả than đá. Nhiều bình bằng vật liệu thiên nhiên này vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Những cách thức đặc biệt

Pháp lang (琺瑯) để chỉ một loại phó sản của thuỷ tinh (vitreous material) nhưng cũng là tên gọi những món đồ làm bằng chất liệu đó. Người Trung Hoa dùng từ (porcelain) và pháp lang (enamel) để chỉ cùng một loại tổng hợp hoá học (chemical compounds) đắp lên một cái lõi nền, (vessel body) nhưng pháp lang thì dùng kim loại làm lõi còn đồ sứ thì dùng lõi bằng đất. Sau đó cái cốt này bao gồm cả lõi lẫn hoá chất được nung để cả hai gắn chặt thành một thực thể. Chính vì thế khi người Trung Hoa nói đến đồ sứ người ta không dùng riêng chữ từ (porcelain) mà phải kèm theo chữ khí (ware) hay chi tiết hơn thì kém với chữ chén (sứ), bát (sứ), đĩa (sứ) … để khỏi lẫn lộn. Nếu như muốn miêu tả màu sắc để nhấn mạnh vào tính mỹ thuật của món đồ thì người ta dùng màu sắc chẳng hạn thanh từ (青瓷 celadon), đấu thái (鬪彩 enamel over underglaze blue), dứu lý hồng (釉裏紅 underglaze red), thanh hoa (青花 underglaze blue), pháp lang (琺瑯 enamel) từ khí …[33]

Về gốc chữ pháp lang ở đâu ra thì các chuyên gia cũng không thống nhất. Trong Đào Thuyết (陶說), một quyển sách viết đời Thanh chép:

Pháp lang (珐瑯), còn gọi là phật lang (佛郞) hay phát lang (發郞) nay gọi là phát lam (發藍), đúng ra phải là phật lâm (佛菻) là tên gọi quốc gia đầu tiên đã sản xuất ra loại đồ sứ này.[34]

Theo Vật Lý Tiểu Thức (物理小識), một cuốn sách soạn cuối đời Minh thì nói rằng phật lâm được sản xuất với số lượng lớn. Những hàng này được dát bạc và vàng theo cách của Phật Lâm. Người Quảng Đông đọc “lâm” thành “lang” và từ đó đã thành hai chữ “phật lang”. Đường Thư nhắc đến Phật Lâm thì gọi là “Đại Tần” (大秦) là tên để chỉ đế quốc Đông La Mã (Eastern Roman Empire).[35]

Như thế các tên Phật Lang, Phát Lam, Phát Lang đều là tiếng dịch theo âm và đọc lên gần giống nhau. Hiện nay có hai giả thuyết về vấn đề này. Một số học giả thì cho rằng pháp lam hay những tiếng nêu trên là tiếng đọc trại đi của phật lâm, bắt nguồn từ người nói tiếng Quảng Đông đã đọc lâm thành lang. Quảng Châu là cửa biển ở phía nam Trung Hoa, nơi có nhiều liên hệ với bên ngoài hơn mọi nơi khác. Sau đời Càn Long, hàng pháp lam đã phát triển nhanh chóng. Các nước Anh, Pháp và quốc gia Âu Tây đều đến Quảng Đông để buôn món hàng này và bị ảnh hưởng bởi giọng nói Quảng Đông nên đã gọi kỹ thuật và hàng sứ này là pháp lam (Fa lang ware).

Theo điển tịch ghi nhận (Hán Thư, Nguỵ Lược, Đường Thư) thì nước Phật Lâm chính là đế quốc Đông La Mã.

Một giải thích thứ hai của một nhóm học giả khác cho rằng pháp lang là một sản phẩm của nước Đại Thực (大食) tức nước Quỉ (鬼國) theo cách gọi của người Trung Hoa. Người Hi Lạp gọi quân sĩ của đế quốc Đông La Mã. Người Hi Lạp gọi thành phố Constantinope với một cái tên khác là Polin để biểu tượng sự huy hoàng của kinh đô và tôn xưng là Istanpolin, cũng là một tên gọi khác của Byzantium. Người Trung Hoa phiên âm Byzantium là Phật Lang Ky (佛郞機) nên pháp lang là nói tắt của Phật Lang Ky. Ảnh hưởng và thế lực của đế quốc Đông La Mã mở rộng ra tới Arabia và thế lực đế quốc Byzantine có nhiều giao lưu văn hoá với Arabia nên kỹ thuật làm đồ pháp lang là do người Ả Rập (tức Đại Thực hay Quỉ quốc) mang sang Trung Hoa.

Những giả thuyết nêu trên không có giả thuyết nào chắc chắn nhưng có một điểm chung ấy là đồ pháp lang là từ phương tây truyền sang. Theo Lilla S. Perry, một chuyên gia và cũng là một nhà sưu tầm bình ngửi nổi tiếng thì đồ pháp lang chỉ được nhập cảng vào Trung Hoa từ đời Thanh và có ba loại khảm pháp lang (cloisoné), khắc rãnh phủ men rồi nung lên (champlevé) và vẽ bằng sơn (painted enamels). Người Trung Hoa gọi loại vẽ hình này là đồ sứ ngoại quốc.[36]

Pháp lam (Enamel)

Đồ pháp lang dù theo cách thức nào thì cũng đều có một điểm chung. Ấy là dùng một loại vật liệu khác hợp nhất với một cái lõi bằng kim loại. Vật liệu dùng để phủ lên trên pháp lang phải là trơn như pha lê (nhưng không phải thuỷ tinh), nhẵn như ngọc, bóng như đá quí và tinh tế như đồ sứ.

Nghệ thuật chế tạo đồ pháp lang được phát triển từ ngành khảm và loại công nghệ này đã xuất hiện từ ngành làm thuỷ tinh cổ thời tại Tây phương. Đồ pháp lang vì thế tổng hợp cả nghệ thuật luyện kim (metallurgist), kỹ thuật đồ đồng (coppersmith), của người thợ vẽ (painter) và chạm khắc (engraver) với phương pháp dung luyện thuỷ tinh (glass smelting) và khảm nạm (inlay work).


Bình ngửi pháp lang

Nguồn: Kleiner (1994) Plate 3

Cảnh thái lam (Cloisonné)

Cloisonné Enamels là tên những sản phẩm mà người Trung Hoa gọi là đồ cảnh thái lam (景泰藍) hay kháp ti (掐絲) được coi như một đóng góp độc đáo của người Trung Hoa và theo thời gian cảnh thái lam được coi như tiêu chuẩn thế giới khi lượng giá loại sản phẩm này.

Pháp lam cảnh thái là kỹ thuật dùng cốt đồng nên thường được mệnh danh là “đồng thai kháp ti pháp lang” (銅胎掐絲琺瑯) hay khảm pháp lang (嵌珐琅) cũng có khi gọi tắt là pháp lam (珐藍). Để thực hiện kỹ thuật này, người thợ dùng một cốt bằng đồng, vẽ tất cả các chi tiết bằng đường mảnh rồi khắc sâu và khảm một sợi dây kim loại lên đó, sau đó mới đổ bột enamel lên theo đúng màu sắc mà họ muốn rồi làm cho dính vào trước khi nung. Đồ pháp lam được nung ở ngoài đất trống và ngọn lửa được kiểm soát cho đúng mức. Đồ pháp lam phải nung vài ba lần và khi nguội thì chà bằng than. Những chỗ không ưng ý phải mạ bằng màu .

Trong cách kháp ti thì những chỗ khắc lõm sẽ được tô màu còn vẽ bằng sơn thì cũng như cách thức ở châu Âu. Cốt bình bằng đồng được tráng men và vẽ hình trước khi nung. Vì đồng mềm nên sơn ăn xuống và hình vẽ cũng thường là nhân vật, phong cảnh Tây phương.

Vẽ Trong Bình (nội hoạ)




                                                 Bình ngửi vẽ từ bên trong

Nguồn: Cornforth & Cheung (2002) tr. 180

Một hình thức đòi hỏi khéo léo và nhiều công phu là thay vì vẽ ở bên ngoài, người hoạ sĩ phải dùng một cây bút cực mảnh mai để cho vào miệng bình rồi vẽ từ bên trong thành một bức tranh không khác gì vẽ từ bên ngoài. Lẽ dĩ nhiên vật liệu chế tác phải là loại trong suốt thì mới nhìn thấy được. Theo một số tài liệu thì kỹ thuật này khởi đầu từ đời Gia Khánh (1796-1820) nhưng cũng bị phi bác với lý do là tuy có tìm thấy hai chiếc bình đề năm Gia Khánh 15 và Gia Khánh 21 nhưng chỉ sau đến 50 năm người ta mới lại thấy xuất hiện kỹ thuật này. Do đó các sử gia cho rằng hai chiếc bình này niên đại không thật vì đời Gia Khánh và những đời sau kỹ thuật chế tác tị yên hồ rất phát triển, không lý gì một kỹ thuật độc đáo như thế lại không tiếp tục. Việc dùng niên hiệu chế tác đề trên bình chỉ có giá trị tương đối và không hiếm vật dụng được ghi cổ hơn niên đại thực chế để đánh lừa người sưu tầm. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý, kỹ thuật vẽ trong bình chỉ khởi đầu khoảng đời Quang Tự.

Cuối đời Thanh, nội hoạ danh gia có những người nổi tiếng hơn cả là Mã Thiếu Tuyên (馬少宣), Diệp Trọng Tam (葉仲三), Chu Lạc Nguyên (周樂元) được người đời tôn xưng Mã là "đăng đường nhập thất”, Diệp là “nhã tục cộng thưởng” còn Chu là “dương xuân bạch tuyết” đều là những lời lẽ ca tụng cả.[37]

Người Trung Hoa chia ra làm năm phái trong kỹ thuật vẽ bên trong bình bao gồm Lỗ phái (魯派), nhân vật tiêu biểu là Trương Quảng Khánh (張廣慶), Ký phái (冀派), nhân vật tiêu biểu là Vương Tập Tam (王習三), Kinh phái (京派), nhân vật tiêu biểu là Diệp Chú Anh (葉澍英), Việt phái (粵派), nhân vật tiêu biểu là Ngô Tùng Linh (吳松齡) và Tần phái (秦派), nhân vật tiêu biểu là Trương Thiết Sơn (張鐵山).

Hiện nay nhân vật nổi danh trong phương pháp vẽ trong bình thì có Sách Chấn Hải (索振海) là người dung hoà cả vẽ bên trong lẫn vẽ bên ngoài bình ngửi tạo thành một trường phái mới trong ngành vẽ tị yên hồ.

KẾT LUẬN

Sử sách nước ta không thấy chép rõ ràng những tặng phẩm mà nhà Thanh ban cho mỗi lần sang Trung Hoa. Tuy nhiên, trong đáng án nhà Thanh, những chi tiết về các món ban thưởng còn tồn tại khá nhiều và vì thế có cơ hội khôi phục lại một số hoạt động tưởng như không hề tồn tại. Theo Trang Cát Phát, tị yên hồ là một tặng phẩm quan trọng mà nhà Thanh ban cho phiên thuộc, không phải như những hàng hóa bình thường mang tính thông lệ mà là một dấu hiệu để xác định sự “đôn mục” (敦睦) có nghĩa là thân thiện, hòa mục giữa hai nước. Nói như thế, bình ngửi có thể đối với nước ta không có gì trọng thị nhưng thực ra trong những biểu tượng ngoại giao, đây là một cử chỉ được đánh giá rất cao.

Bình thuốc để ngửi (tị yên hồ) không phải là một sản phẩm mà người viết để tâm đến nếu không vì một sự tò mò khi nghiên cứu sử sách. Cho đến nay, dường như số người Việt sưu tầm hay nghiên cứu về món đồ này còn hiếm hoi nên chính các học giả Viện Sử Học đã dịch là “điếu sứ hút thuốc” như chúng tôi đã nhắc đến trong phần mở đầu. Có lẽ đây cũng là một tập tục không được nhập cảng từ Trung Hoa mặc dù rất thịnh hành dưới đời Thanh. Cũng nên thêm, tuy lịch sử bình ngửi đã xuất hiện từ lâu nhưng cũng chỉ đến cuối thế kỷ XIX mới thành một phong trào quần chúng.

Vào giai đoạn đó, người Việt đã bắt đầu ngả sang du nhập phong khí Tây phương và đi theo những sinh hoạt mà người Pháp mang đến hơn là bắt chước Trung Hoa. Vả lại, việc hút thuốc lào, thuốc lá của người Việt cũng đã tạo được những phong cách riêng như điếu bát cho giới thượng lưu, điếu cày cho giới bình dân nên không có một trào lưu nào chạy theo các sinh hoạt của giới thượng lưu Trung Hoa cuối thế kỷ XIX.

Ngược lại, việc sưu tầm bình ngửi ngày nay vẫn hiện hữu tại cộng đồng người Trung Hoa và một số người ngoại quốc thích sưu tầm. Số bình ngửi rất phong phú được trưng bày trong các bảo tàng viện của đại lục hay Đài Loan cho thấy món hàng này vẫn được ưa chuộng trong giới thượng lưu. Cũng thật ngạc nhiên khi Mao Trạch Đông đã đích thân trông coi việc thành lập các cơ xưởng sản xuất bình ngửi trong kỳ Cách Mạng Văn Hoá cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970. Người ta nghĩ rằng họ Mao đã muốn dùng bình ngửi như một phương tiện thúc đẩy cho tuyên truyền và chủ thuyết Mao, là biểu tượng của lao động để đi tới tận thiện tận mỹ trong phục vụ quốc gia. Bình ngửi cũng là một niềm tự hào dân tộc và phản ảnh công trình tinh mỹ để phô trương với bên ngoài.[38] Tuy nhiên, việc khôi phục đó không thành công vì thói quen hít thuốc nay không còn và chủ yếu bình ngửi chỉ được tiêu thụ như một món đồ kỷ niệm khi thăm viếng Hoa lục.

Người ta bảo rằng sản xuất bình ngửi cũng là một nguồn hứng khởi cho người Trung Hoa ở hải ngoại và quốc nội, tuy không tạo những tiếng vang đáng kể nhưng cũng đã có thời được nhiều người lưu tâm. Một trong những lý do là việc hít thuốc bột sau những khoa trương phóng đại thì cũng là một chất liệu liên quan đến sức khoẻ. Nếu khói thuốc lá có thể gây bệnh ung thư thì việc hít thẳng bột thuốc vào phổi hẳn là tệ hại hơn mà việc sưu tầm một món đồ thường phải liên quan đến công dụng của nó chứ không chỉ vì hình dáng hay công phu chế tạo. Có lẽ vì thế mà nhiều người thích ấm đất tử sa hơn bình ngửi chăng?

 

Nguyễn Duy Chính

Ngày Christmas, 2024


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Chu, Thành Như (朱诚如) chủ biên. Thanh Sử Đồ Điển (清史图典): Thanh Triều Thông Sử Đồ Lục (清朝通史图录) [12 tập] Bắc Kinh: Tử Cấm Thành xbx, 2002.

2.    Cố Cung Bác Vật Viện (Bắc Kinh). Tử Cấm Thành Đế Hậu Sinh Hoạt (紫禁城帝后生活) 1644-1911. Beijing: China Travel and Tourism Press, 1983 (second edition).

3.    Cox, Warren E. Chinese Ivory Sculture. New York: Bonanza Books, 1946.

4.    Gately, Iain. Tobaco – A Cultural History of How an Exotic Plant Seduced Civilization. New York: Grove Press, 2001.

5.    Kleiner, Robert. Images of Asia: Chinese Snuff Bottles. New York: Oxford Univerity Press, 1994.

6.    Kleiner, Robert. The Nordic Butterfly Collection of Chinese Snuff Bottles. Part I & II. Hongkong, CA Design, 2010.

7.    Liêu, Văn Sinh (寥文生), Cao Vĩnh Tùng (高永松), Lý Khải Bằng (李啓鵬), Hạ Tuấn Ngạn (夏俊彥) hợp dịch. Modern English-Chinese Encyclopedia Dictionary. Khoa Học Danh Từ Đại Từ Điển (科學名詞大辭典). Đài Bắc: Ngũ Châu xuất bản xã, 1972.

8.    Lưu, Đạo Vinh và Phùng Chí Bình (biên soạn) 刘道荣,冯志萍. Ngũ Đại Trân Quí Bảo Thạch Giám Thưởng 五大珍貴宝石鉴赏.Thiên Tân: Bách Hoa Văn Nghệ, 2006.

9.    National Palace Museum (Taipei). Masterpieces of Chinese Enamel Ware in the National Palace Museum (故宮琺瑯器選萃). Taipei: National Palace Museum, 1971.

10.                       Perry, Lilla S. Chinese Snuff Bottles – The Adventures & Studies of a Collector (6th Printing). Rutland, Vermont & Tokyo, Japan: Charles E. Tuttle Co., 1967.

11.                       Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện (國立故宮博物院) Văn Vật Quang Hoa (文物光華) Trương Lâm Sinh (張臨生), “Tế Thuyết Tị Yên Hồ” (細說鼻烟壺). Đài Bắc: Dân Quốc 79

12.                       Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện (國立故宮博物院). Cố Cung Pháp Lang Khí Tuyển Tuỵ (故宮琺瑯器選萃) Ðài Bắc: Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, 1971.

13.                       Tào Tuyết Cần 曹雪芹 soạn (Nhiêu Bân 饒彬 hiệu đính). Trung Quốc Cổ Điển Danh Trứ Hồng Lâu Mộng 中國古典名著紅樓夢 (Đài Bắc: Tam Dân thư cục xbx, 1972) [tái bản lần thứ 8, 1990]

14.                       Trang Cát Phát (莊吉發). “Tị Yên Hồ Đích Diệu Dụng” (鼻煙壺的妙用). Đài Bắc: Cố Cung Văn Vật Nguyệt San 21 (tháng 12, 1984)

15.                       Trevor, Cornforth & Dr. Nathan Cheung. Chinese Snuff Bottles: A Guide to Addictive Miniatures. Atglen, PA: Schiffer Publishing Ltd., 2002.

 



[1] Xem thêm “Tặng phẩm ngoại giao của Thanh triều”, “Cung ứng phái đoàn Tây Sơn” … của Nguyễn Duy Chính.

[2] Lệ bang giao cũ tặng đoạn mãng (đoạn thêu rồng 4 móng) 8 tấm, đoạn mỡ 8 tấm, đạo [đoạn] gấm 8 tấm, nhung dài lông 8 tấm, đoạn bóng 8 tấm, đoạn tơ 27 tấm, trừu mùa xuân 27 tấm. Đến nay lại thêm đoạn mãng, đoạn mỡ, đoạn bóng mỗi thứ 4 tấm, đồ sứ 4 cái, hộp quả đào sơn 4 cái, điếu sứ hút thuốc 4 cái, quả trầu sơn khảm ốc 2 cái, là chè 4 bình. Đại Nam Thực Lục, tập Một do Tổ Phiên Dịch Viện Sử Học (Giáo Dục: 2002) tr. 581

[3] Theo Khâm Định Đại Thanh Hội Điển Sự Lệ quyển 506-509, Lễ Bộ, Triều Cống thì lần đầu tiên nước ta được ban thưởng tị yên hồ là đời Lê Hiển Tông, năm Càn Long 49 nhân dịp vua Cao Tông nam tuần, sứ thần An Nam đến yết kiến. Việc ban thưởng bình ngửi thông dụng nhất là những năm triều Tây Sơn.

[4] Liêu, Văn Sinh (寥文生), Cao Vĩnh Tùng (高永松), Lý Khải Bằng (李啓鵬), Hạ Tuấn Ngạn (夏俊彥) hợp dịch. Modern English-Chinese Encyclopedia Dictionary. Khoa Học Danh Từ Đại Từ Điển (科學名詞大辭典). Đài Bắc: Ngũ Châu xuất bản xã, 1972.

[5] Gately, sđd. tr. 2-3.

[6] Ngoài cây thuốc lá, một số thực phẩm hiện nay rất thông dụng cũng từ Mỹ châu mà ra. Ớt mà chúng ta ăn hàng ngày do người Y Pha Nho mang từ Nam Mỹ đến Á châu (đầu tiên là Philippinnes) để đổi lấy những mặt hàng bản địa ở thế kỷ thứ XVI và từ Philippines đã lan ra khắp châu Á. Khó có thể tưởng tượng được những món ăn của Á Châu sẽ ra sao nếu thiếu vị cay của ớt.

Một sản phẩm quan trọng hơn là khoai lang do một con buôn Phúc Kiến đưa vào và giống củ mới này đã giúp cho người Trung Hoa có đủ thực phẩm và là một trong những nguyên nhân nổ bùng dân số ở thế kỷ XVIII. Sau hàng nghìn năm không thay đổi, lần đầu tiên dân số Trung Hoa đã lên đến 300 triệu người cuối đời Càn Long.

[7] Theo báo cáo của Ye Mengzhu, chú thích 12 trong “Coxinga and the Fall of the Ming Dynasty” tr. 14. Tài liệu gốc Lin Renchuan “Fukien’s Private Sea Trade in the 16th and 17th Centuries” tr. 206.

[8] Tào Tuyết Cần 曹雪芹 soạn (Nhiêu Bân 饒彬 hiệu đính). (Trung Quốc Cổ Điển Danh Trứ) Hồng Lâu Mộng 中國古典名著紅樓夢 (Đài Bắc: Tam Dân thư cục xbx, 1972) [tái bản lần thứ 8, 1990] hồi thứ 52, tr. 436

[9] Theo nghĩa đen là bức bình phong chắn trước quan viên để dân chúng khỏi trông thấy, e không phải nghĩa ở đây.

[10] Robert Kleiner, Chinese Snuff Bottles (1994) tr. 5.

[11] Vương Sĩ Trinh王士禛, thi nhân đời Thanh, tự là Di Thượng, hiệu Nguyễn Đình, lại có tên Ngư Dương sơn nhân, người Tân Thành đỗ tiến sĩ đời Thuận Trị (1658) làm quan lên đến Hình Bộ thượng thư đời Khang Hi. Về hưu năm Khang Hi 43 (1704).

[12] Hương Tổ Bút Ký, quyển V.

[13] Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện (國立故宮博物院) Văn Vật Quang Hoa (文物光華). Đài Bắc: Dân Quốc 79 tr. 344

[14] Nguyên văn: 士那:即鼻煙,荷蘭語的音譯,亦作士那富,士拿。鼻煙,用高級煙草和名貴藥品研末製成,不用火種,以手指粘煙末送到鼻孔,輕輕吸入,可以提神防倦。盛行於清代。此書旨在補趙之謙《勇盧間贅》之疏略,故名《士那補釋》。

[15] 鼻煙壺的妙用。Cố Cung Văn Vật Nguyệt San (Đài Bắc) số 21 (Tháng Chạp, 1984)

[16] Dùng núi non, cây cỏ làm nền sau đó vẽ thêm người, hoa, điểu để làm nổi bật ý nghĩa toàn cảnh.

[17] Attiret từng viết sách miêu tả đời sống đơn điệu và khổ sở khi ông phải sống trong cung cấm, suốt ngày đêm cặm cụi với công việc, không hứng thú nhưng cũng không có cách nào phô bày được tài năng của mình. Ông cũng nói rằng mỗi khi được hoàng đế ban cho các món thượng phương trân phẩm (tức món ăn dành riêng cho nhà vua) thì ông thấy không thấy ngon, thua xa rau trái ở quê nhà còn thù lao thì chỉ là một số vải vóc, nếu không vì muốn đem tài nghệ của ông để đóng góp vào việc truyền bá Phúc Âm thì ông đã bỏ đi từ lâu rồi.

[18] Robert Kleiner, sđd. tr. 6-7.

[20] Trang Cát Phát, tlđd. tr. 123.

[21] Đại thần trong Quân Cơ Xứ rất được vua Càn Long sủng ái, nổi tiếng là tham quan. Hình lấy từ Thanh Sử Đồ Điển (Gia Khánh triều).

[22] Trang Cát Phát, tlđd. tr. 125.

[23] Trang Cát Phát, tlđd. tr. 125.

[24] Trang Cát Phát, tlđd. tr. 122-123

[25] Thiên Địa Hội nhưng nhà Thanh không muốn dùng chữ Thiên (bất kính) nên sách vở đổi thành Thiêm.

[26] Nhẫn bằng ngọc đeo ở ngón tay cái để khi bắn cung tránh việc dây cung bật vào bị thương.

[27] Robert Kleiner có nhắc đến yêu cầu của Jean François Gerbillon vào tháng November, 1691 (The Nordic Butterfly Collection of Chinses Bottles) Part I, tr. 4, chú thích 1 tr. 7.

[28] Hugh M. Moss, Snuff Bottles of China, tr.35 (dẫn lại theo Robert Kheiner, sđd. tr. 22)

[29] Robert Kleiner, sđd. tr. 24.

[30] Xem thêm “The Mysterious Ky Yueh Hsuan” của Lilla S. Perry trong Chinese Snuff Bottles (1960).

[31] Mohs scale là thang để đo độ cứng của khoáng chất tính từ 1 (phấn) đến 10 (kim cương). Thạch anh vào khoảng 7, hoàng ngọc 8. Xem Ma Thị Ngạnh Độ Biểu (摩氏硬度表) tại Ngũ Đại Trân Quí Bảo Thạch Giám Thưởng (Lưu Bảo Vinh, Phùng Chí Bình biên soạn) Thiên Tân: Bách Hoa Văn Nghệ, 2006 tr. 8.

[32] Robert Kleiner, sđd. tr. 49. Nguồn: Hugh M. Moss, Snuff Bottles of China (London, 1971) tr. 28.

[33] National Palace Museum (Taipei). Masterpieces of Chinese Enamel Ware in the National Palace Museum (故宮琺瑯器選萃). (Taipei: National Palace Museum, 1971) tr. 54 và 114.

[34] Masterpieces of Chinese Enamel Ware, Sđd. tr. 56

[35] Masterpieces of Chinese Enamel Ware, Sđd. tr. 117

[36] Lilla S. Perry. Chinese Snuff Bottles – The Adventures & Studies of a Collector (1967) tr. 144.

[37] Đăng đường nhập thất 登堂入室 là tiến lên đến chỗ cao thâm, nhã tục cộng thưởng 雅俗共賞 là người sang người hèn gì cũng đều thích thú, dương xuân bạch tuyết 陽春白雪 là tác phẩm cao thâm tao nhã.

[38] Trevor Corforth & Dr. Nathan Cheung, Chinese Snuff Bottles: A guide to Addictive Miniatures (2002) tr. 19-20.